ĐI TÌM HỌ HÀNG THÚY KIỀU Ở NHẬT BẢN
(3 kỳ)
Đoàn Lê Giang([1])
KỲ 3:
BẢN PHÓNG TÁC: PHONG TỤC KIM NGƯ TRUYỆN (1829)
CỦA KYOKUTEI BAKIN
Từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nhập khẩu bằng đường tàu buôn vào Nhật Bản năm 1754, 9 năm sau, năm 1763 Nishida Korenori đã dịch ra tiếng Nhật thành cuốn Thông tục Kim Kiều truyện. Rồi từ Thông tục Kim Kiều truyện, Kyokutei Bakin 曲亭馬琴 (1767-1848), nhà văn của thể loại Yomihon (độc bản, truyện có kèm theo tranh) rất nổi tiếng thời Edo, phóng tác thành Phong tục Kim ngư truyện 風俗金魚傳vào khoảng năm 1828 – 1829 và cho xuất bản một năm sau đó: năm 1829 – 1830.
Nhan đề Phong tục Kim ngư truyện có nghĩa là Truyện cá vàng (theo phong cách thông tục Nhật Bản), tác phẩm này thường được gọi tắt là gọi tắt là Kim ngư truyện. Theo như trang bìa Quyển 3 (Thượng biên) K.Bakin đã phóng tác ra tác phẩm này từ Thông tục Kim Kiều truyện do Nishida Korenori (? – 1765), xuất bản vào năm 1763, chứ không phải trực tiếp từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Lời tự đề tựa cuốn Kim ngư truyện xuất bản năm Văn chính thứ 12 (1829) cũng khẳng định như thế:
“Nhà xuất bản Cẩm Lâm (Sâm?)[2] Đường mới đây đề nghị tôi làm cuốn sách này vì rằng cuốn Kim Vân Kiều truyện do người Thanh (Trung Quốc) viết thì có bản dịch thông tục ra đời vào năm Quý mùi Bảo Lịch triều đình nhà Tokugawa (năm 1763), và xem thì tốt nhưng chưa lưu hành trong giới đàn bà trẻ con, bởi vì bản dịch tiếng Nhật không hay, bị gò ép vào bản gốc chữ Hán, chưa có nét đặc sắc của mình. Bảo tôi cứ phỏng theo bản dịch này mà viết lại thành bản mới (ĐLG nhấn mạnh) có nội dung về xứ này cũng như cuốn Khuynh thành Thủy hử của tôi, muốn nhờ tôi khắc gỗ làm sách, và muốn tôi nhận lời, vì lời nói đó có lý có lẽ nên tôi làm ra cuốn sách này” [Kawaguchi, 2015, tr.465-466].
1.ĐI TÌM DI TÍCH NHÀ VĂN BAKIN
H1: Chân dung nhà văn Kyokutei Bakin (tư liệu Bảo tàng Tateyama)
Năm 2015 UNESCO tổ chức kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du. Chuẩn bị cho sự kiện đó, tôi được Quỹ Sumitomo tài trợ đi Nhật nghiên cứu về Kim ngư truyện của Kyokutei Bakin. Chương trình nghiên cứu trọn tháng 9/2015.
1.1. Mộ Bakin
Giáo sư hướng dẫn của tôi khi tôi đi học tiếng Nhật từ hơn 20 năm trước - GS.Kawaguchi Ken-ichi, lúc này đã về hưu, nhưng ông vẫn nhiệt tình đưa tôi đi tìm mộ của Bakin. Cũng xin nhắc lại, năm 2003 ông cũng đưa tôi đi Nara để tìm bản dịch Thông tục Kim Kiều truyện của Nishida Korenori (đã viết trong bài kỳ 2). Có những ông thầy đời người mà người ta phải chịu ơn là vậy.
Mộ của Bakin ở khuôn viên chùa Thâm Quang Tự/ Jinkoji 深光寺. Chùa nằm ở khu phố Kohinata yon chomei 小日向四丁目, quận Bunkyo, Tokyo. Hai thầy trò đi đến ga Myôgadani 茗荷谷trên tuyến xe điện ngầm Marunouchi 丸ノ内線 rồi đi bộ đến chùa. Chùa nằm dưới dốc Myôga, khuất sau lưng trường Đại học Takushoku (拓殖大学). Đi quanh co một hồi, vừa đi vừa xem bản đồ chỉ dẫn mãi cũng tìm được chùa Jinkoji. Đó là ngôi chùa nhỏ thuộc dòng Tịnh độ, chùa bằng gỗ đã ngả màu xám bạc vì mưa gió. Mái chùa ngói đen, nằm dưới những tàn thông cổ thụ thâm u. Cạnh chùa là khu nghĩa trang nhỏ với các trụ bia xám rêu phong, có lẽ đã đứng đấy rất lâu rồi. Phía trước có một tấm bảng giới thiệu về Kyokutei Bakin. Đọc mới biết mộ Bakin là di tích thuộc loại “chỉ định sử tích” (tức “di tích được xếp hạng”) của quận Bunkyo. Nguyên văn như sau:
“Mộ của Takizawa Bakin滝沢 馬琴 (Chỉ định sử tích quận Bunkyo)
Bakin là người Edo, sinh năm 1767 mất 1848, là tác giả văn học giải trí nổi tiếng thời Edo hậu kỳ. Hiện còn lưu nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông như Truyện tám chú chó trung thành của dòng họ Satomi ở Nansô 南総里見八犬伝, Truyện giương cung như vành trăng 椿説弓張月. Ông có nhiều bút hiệu như Trước Tác Đường/ Chosado 著作堂, Soa Lạp/ Saryô 蓑笠, Huyền Đồng/ Gendo玄同. Cuối đời xuống tóc ông lấy hiệu là Khúc Đình Mã Cầm/ Kyokutei Bakin 曲亭馬琴.
Ở trên bia mộ có pháp danh của Bakin là Trước Tác Đường Ẩn Dự Suy Lạp Cư Sĩ/ Chosado In-yo Saryô Koji 著作堂隠誉蓑笠居士 và pháp danh của Ohyaku お百, người vợ đã mất trước ông là Mặc Dự Tĩnh Chu Đáo Ngạn Đại Tỷ/ Moku-yo Seishù Tôgan Daishi黙譽静舟到岸大姉. Ở đài đá có khắc hình như căn nhà được cho là Tàng thư ấn của Bakin. Đây là mộ của một tác gia văn học nổi tiếng thời Edo hậu kỳ nên được coi là di tích có giá trị cao. (Mộ bên trái chùa).
Phía trái sau mộ Bakin là nơi yên nghỉ của Michijo路女, là vợ và là người đã đỡ đần, giúp Bakin hoàn thành cuốn Bát khuyển truyện lúc Bakin đã bị mù vào cuối đời. Pháp danh là Tháo Dự Thuận Tiết Lộ Sương Đại Tỷ/ Soyo Junsetsu Rosô Daishi 操譽順節露霜大姉.
Tịnh độ tông Thâm Quang Tự/ Jinkoji, Bunkyo-ku, Kohinata 4-9-5.
Giáo Dục Ủy Viên Hội quận Bunkyo, tháng 3 năm Heisei thứ 3 (1991)”
Theo bảng chỉ dẫn ấy, tôi đi ra phía sau thấy bia mộ Bakin nằm trong khu mộ của tổ tiên dòng họ Takizawa. Bia mộ Bakin là phiến đá xám như đa số các bia mộ cổ ở Nhật. Bia hình vuông, trên trán bia là 5 chữ Hán khắc nổi: “瀧澤氏墓表Lung Trạch thị mộ biểu” (Mộ biểu ông Takizawa), chính giữa là tên vợ chồng nhà văn như đã nói trên. Chếch phía sau mộ Bakin là mộ của Michijo, vợ kế của ông, tên ghi khiêm tốn trên mộ biểu. Michijo có công chăm sóc Bakin và chép lại tác phẩm theo lời kể của ông khi ông bị mù. Lúc sống thì vất vả, làm vợ thì danh nghĩa thấp, đến khi mất đi thì cũng nằm khiêm tốn ở trụ biểu khác. Tôi lần đọc từng chữ pháp danh của cô đã mờ vì năm tháng.
H2: Tác giả bài viết chụp ảnh bên mộ K.Bakin ở quận Bunkyo, Tokyo
Tôi đến ngôi chùa này để viếng mộ Bakin vì ông đã sinh ra nàng Uwoko/ Ngư Tử 魚子, chị em chú bác với nàng Kiều của đất nước chúng tôi. Thực ra thì câu chuyện về Ngư Tử (Kim ngư truyện) ở Nhật ít nổi tiếng. Nói đến Bakin là nói đến: Tân biên Thủy hử họa truyện, Tam thất toàn truyện Nam Kha mộng, Khai quyển kinh kỳ hiệp khách truyện, Tân biên Kim Bình Mai, Khuynh thành Thủy hử truyện, Cận thế thuyết mỹ thiếu niên lục, Thung thuyết cung trương nguyệt (Chuyện lạ Giương cung như vành trăng)…Nhưng nổi tiếng nhất là bộ Truyện tám chú chó trung thành của nhà Satomi ở Nanso 南総里見八犬伝 (Nam Tổng Lý Kiến bát khuyển truyện/ Nanso Satomi hakkenden). Bakin đã để dành 28 năm cuộc đời (từ 1814 đến 1842) để hoàn thành tác phẩm này. Với 98 tập, 106 quyển, Bát khuyển truyện (Hakkenden) trở thành tác phẩm đồ sộ nhất của Bakin, đồng thời cũng là của văn học Nhật Bản. Bộ truyện này đã đưa tên tuổi Bakin trở thành nhà văn đứng đầu của văn học thời Edo hậu kỳ.
1.2. Bảo tàng tác phẩm của Bakin
H3: Đĩa gốm Giao chỉ 3 màu, được dòng họ Satomi sử dụng (tư liệu Bảo tàng Tateyama)
Tôi tìm trên mạng thấy có bảo tàng Bakin ở thị trấn Tateyama館山tỉnh Chiba. Biết tôi muốn đi thăm, nhà nghiên cứu-dịch giả văn học Nhật đàn anh là Trần Hữu Dũng (bút danh Nguyễn Nam Trân) nhà ở Chiba hẹn đi cùng cho vui. Cứ tưởng gần, ai ngờ hai anh em lên xe điện, theo tuyến Uchibô-sen 内房線 đi mãi, qua thành phố Chiba, đi sâu vào vùng núi, hai bên là núi đá trập trùng và rừng thông xanh um, chui qua nhiều đường hầm tối đen, nhiều thung lũng hẹp, rồi mở ra bờ biển sáng sủa, cảng biển sầm uất, cả mấy tiếng đồng hồ mới đến được ga Tateyama. Đi theo bản đồ đến được căn nhà gọi là bảo tàng Bakin với địa chỉ đó thì nhà đóng cửa. Nhưng nhìn căn nhà gỗ nhỏ, cũ kỹ, có vẻ hoang phế, không ra dáng bảo tàng, tôi thất vọng não nề, định quay về thì anh Trần Hữu Dũng nói: trên núi có thành Tateyama 館山城rất nổi tiếng, lên đó xem thử. Núi thấp, đường đi khá tiện. Leo đến đỉnh thì thấy một thành cổ kiểu Nhật: một tòa lâu đài tường trắng, mái ngói đen, được bao bọc bởi tường thành bằng đá kiên cố. Nó vừa là lâu đài của lãnh chúa, vừa là nơi phòng thủ của ông ta. Tòa thành này chính là bảo tàng về dòng họ lãnh chúa Satomi里見氏 nổi tiếng từ thế kỷ 14, chiếm cứ vùng đất Nanso 南総 (Nam Tổng) này làm giang sơn riêng. Câu chuyện về dòng họ này được Bakin viết thành đại danh tác: Nanso Satomi hakkenden南総里見八犬伝 (Nam Tổng Lý Kiến Bát khuyển truyện), tức Truyện về 8 chú chó trung thành Hakkenden (八犬伝Bát khuyển truyện, thực ra là 8 võ sĩ) của dòng họ Satomi 里見 (Lý Kiến) vùng đất Nanso 南総 (Nam Tổng). Vì vậy trọng tâm của bảo tàng này là các tư liệu liên quan đến tác phẩm Bát khuyển truyện của Bakin. Hóa ra bảo tàng Bakin mà chúng tôi tìm chính là bảo tàng này. Tên Bảo tàng nói rõ như thế: “Bảo tàng của thành phố Tateyama: Tòa nhà chính và thành Tateyama (Bảo tàng về tác phẩm Bát khuyển truyện) 館山市立博物館 本館・館山城(八犬伝博物館)”. Vậy là chúng tôi đã đi đúng, thật kỳ diệu!
Bên trong vừa trưng bày các hiện vật của dòng họ Satomi: các công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí. Tôi đặc biệt thích thú về một cái đĩa to dày sậm ba màu thuộc đồ gốm Giao Chỉ (Kochi yaki 交趾焼き: đồ gốm Đàng Trong) nổi tiếng một thời ở Nhật. Nhiều nhất là tranh ảnh về Bakin và về tác phẩm Bát khuyển truyện xuất bản thời Edo. Các bức tranh chân dung về Bakin mà tôi đưa lên tạp chí và mạng chính là lấy từ bảo tàng này. Trong bảo tàng này cũng có một ít tư liệu về Phong tục Kim ngư truyện, nhưng những tư liệu quý hiếm nhất bao gồm bản thủ bút của Bakin và các bản in thời Edo lại nằm ở Đông Dương văn khố 東洋文庫 (Toyobunko), Thư viện Quốc hội Nhật Bản国会図書館 (Kokkai toshokan) và Thư viện Đại học Waseda 早稲田大学 (Waseda Daigaku), chúng tôi sẽ giới thiệu dưới đây.
2. VĂN BẢN KIM NGƯ TRUYỆN
Văn bản Phong tục Kim ngư truyện hiện còn có 2 loại: bản cổ thời Edo và bản in chữ rời từ thời Minh Trị.
2.1. Bản cổ thời Edo
Bản cổ thời Edo có 3 truyền bản:
(1) Bản viết tay của Bakin ở Đông Dương văn khố
H4: Phong tục Kim ngư truyện, Bản viết tay của Bakin (tư liệu Đông Dương văn khố)
Đây là bản viết tay, hình ảnh do chính Bakin vẽ, tuy nhiên bên trong đề là Utagawa Kuniyasu vẽ. Có lẽ đây là bản thảo Bakin đưa cho nhà in khắc ván, để làm mẫu cho Utagawa Kuniyasu (1794-1832), họa sĩ của nhà in, vẽ lại. Nét vẽ của Kuniyasu trong các bản in rất khác bản vẽ tay này. Đây là tư liệu thuộc loại “Quý trọng bản”, chỉ được xem tại chỗ, muốn sao chụp phải được Thư viện xét duyệt và chỉ được chụp cho một chút. Bản lưu ở Đông dương văn khố xếp thứ tự nhầm các quyển, có lẽ là do nhân viên thư viện đã ghi chép sai từ thời Minh Trị hàng trăm năm trước. Chúng tôi đã sắp xếp lại như sau.
Phần Thượng biên: xuất bản Kỷ sửu 1829. Trang bìa trong Quyển 3 có chi tiết đáng lưu ý: “K.Bakin sáng tác. Thiên này 8 cuộc hợp 4 sách, mỗi hộp có 2 sách. Nguyên bản là bản dịch ra tiếng Nhật từ Kim Kiều truyện của Đường Sơn.” (tức bản Thông tục Kim Kiều truyện của Nishida, Cẩm Sâm Đường 錦森堂 xuất bản nói ở đầu bài). Phần Hạ biên: xuất bản Canh dần 1830.
(2) Bản nhà in Moriya xuất bản thứ nhất
H5: Bìa Phong tục Kim ngư truyện của K.Bakin, bản in của nhà Moriya, 1829 (Tư liệu Thư viện Đại học Waseda).
Sách do Utagawa Kuniyasu vẽ tranh, Moriya Jihee xuất bản, Văn chính 12-13 (1829-1830). Đây có lẽ là bản khắc in đầu tiên theo bản thảo thủ bút của Bakin (ở trên). Bản này không đề nhà phát hành. Bản Kim ngư truyện xuất bản lần thứ nhất này hiện đang lưu ở Thư viện Quốc hội Nhật Bản, có lẽ chỉ còn phần Thượng biên 8 quyển. Thư mục đề: Phong tục Kim ngư truyện, Thượng biên bát quyển, Kyokutei Bakin trước, Utagawa Kuniyasu họa, Moriya Jihee 1829 ( 風俗金魚傳、上編8卷, 曲亭馬琴著、歌川国安画, 森屋次兵衛 1829). Văn bản thực tế thì đã mất trang đầu, bắt đầu từ bài tựa của Bakin viết vào tháng giêng mùa xuân năm Kỷ sửu Văn Chánh thứ 12 (1829), và chỉ đến quyển 8 Thượng biên là hết.
H6: Lời tự đề tựa cuốn Kim ngư truyện xuất bản năm Văn chính thứ 12 (1829) cho biết: Kim ngư truyện là tác phẩm phóng tác theo Thông tục Kim Kiều truyện - bản dịch tiếng Nhật tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của TQ (dòng thứ 3 từ phải qua còn ghi rõ "Kim Vân Kiều"). Dịch một đoạn:
“Nhà xuất bản Cẩm Lâm (Sâm?) Đường mới đây đề nghị tôi làm cuốn sách này vì rằng cuốn Kim Vân Kiều truyện do người Thanh (Trung Quốc) viết thì có bản dịch thông tục ra đời vào năm Quý mùi Bảo Lịch triều đình nhà Tokugawa (năm 1763)..."
(3) Bản nhà Moriya tái bản, nhà Daikokuya phát hành:
Tái bản thành 5 quyển, in trong 3 năm Đinh dậu, Mậu tuất và Kỷ hợi (1837, 1838, 1839). Bản này hiện lưu ở Thư viện Quốc hội Nhật Bản, Thư viện Đại học Waseda và một số thư viện khác.
2.2. Các bản in thời Minh Trị về sau
Hiện nay Thư viện Quốc hội Nhật Bản đang lưu giữ tất các các bản in Kim ngư truyện từ Minh Trị trở lại đây. Hiện tổng cộng có 3 bản in:
(1) Bản 1886 của Nhà xuất bản Jiyukaku
Trang bìa ghi: Phong tục Kim ngư truyện, Kyokutei Bakin trước, Ogata Gekko尾形月耕họa. NXB Jiyukaku 自由閣, 1886.
(2) Bản 1888 của Nhà xuất bản Tokyoya
Lần đầu tiên tác phẩm của Bakin được xuất bản thành tổng tập, đó là bộ Kyokutei Bakin/ Khúc Đình Mã Cầm ông tùng thư, Nomura Ginjiro 野村銀次郎biên tập, Đông Kinh Ốc/ Tokyoya東京屋tàng bản, Tokyo, 1888 (Minh Trị thứ 21). Một năm sau, năm 1889, cuốn sách này lại được Ngân Hoa Đường/ Ginkado 銀花堂tái bản.
(3) Bản 1900 - 1901 và 1998 của Nhà xuất bản Bác Văn quán
Phong tục Kim ngư truyện, bản thứ ba in phía sau Khuynh thành Thủy hử truyện (Biên thứ 26), Bác Văn quán/ Hakubunkan 博文館xuất bản, Tokyo, 1900 - 1901. Sách nằm trong bộ Tục Đế quốc văn khố. Bản này đã được tách riêng ra và in vào năm 1998.
Nói tóm lại văn bản Phong tục Kim ngư truyện đến nay còn khá đủ và phong phú, cả bản thủ bút của tác giả, bản in bằng ván gỗ lần đầu, tái bản và bản in lại bằng chữ chì theo kiểu phương Tây từ Minh Trị trở lại đây. Nghiên cứu những văn bản này có thể biết được nhiều thông tin chính xác về việc xuất bản, cũng như đính chính được nhiều thông tin sai lệch trước đây. Văn bản Kim ngư truyện không phải là vấn đề khó khăn, mà khó khăn lớn nhất ở đây là các bản đều ở dạng cổ ngữ, tức là ngôn ngữ thời Edo, chưa từng được chú giải và tân dịch, nên rất khó khăn cho người Nhật hiện đại thưởng thức và cho người nước ngoài dịch ra ngôn ngữ của mình.
3. NỘI DUNG KIM NGƯ TRUYỆN
Nếu như Thông tục Kim Kiều truyện (1763) của Nishida Korenori là dịch phẩm nên trung thành với nguyên tác, thì Phong tục Kim ngư truyện là tác phẩm phóng tác nên chỉ giữ cốt truyện chính, còn bối cảnh câu chuyện, tên người, tên đất, được đổi hết từ Trung Hoa thành Nhật Bản.
Về bối cảnh: thời Gia Tĩnh triều Minh (Thông tục Kim Kiều truyện) thành thời Muromachi của Nhật Bản (TK.14-16, trong Phong tục Kim ngư truyện).
Địa danh, nhân vật cũng được “Nhật Bản hóa” triệt để.
Về địa danh: Bắc Kinh thành Namba, Liêu Dương thành Kamakura, Lâm Thanh thành Akô, Lâm Truy thành Akamagaseki, Hàng Châu thành Choishi, sông Tiền Đường thành sông Hitachi Tonegawa…
Về nhân vật: Vương Ông thành Thuyền Vĩ Lân Tàng船尾 鱗蔵, Thúy Kiều thành Ngư Tử 魚子, Vương Quan thành Kì Nhị Lang 鰭二郎, Thúy Vân thành Ất Ngư 乙魚, Kim Trọng thành Đình Tỉnh Kim Trọng 庭井金重, Từ Hải thành Hạ Dã Thái Lang下野太郎, Hồ Tôn Hiến thành Quản lãnh Phiến Cốc Triều Hưng 扇谷朝興…
Cốt truyện, tính cách nhân vật cũng thay đổi khá nhiều.
Gia đình người samurai thất nghiệp tên là Thuyền Vĩ Lân Tàng (Vương Ông), có ba người con, cô con gái đầu tên là Ngư Tử (Thúy Kiều) vô cùng xinh đẹp. Ông Thuyền Vĩ nuôi cá cảnh, do túng thiếu nên phải bán đi một con cá mái rất quý, rất đẹp là loại cá Lan đào ba đuôi. Bán rồi ông thấy đau đớn như phải bán chính đứa con của mình, ông than thở với vợ: “Tôi thấy có điềm gở, mai sau không chừng mình mất con bé Ngư Tử”. Quả là như vậy. Gia đình gặp tai biến. Nguyên do là Thuyền Vĩ có chơi với một bọn người sau này ông mới biết là trộm cướp. Bọn chúng bị bắt, bèn khai ra ông nên ông bị vạ lây. Nàng Ngư Tử phải bán mình chuộc cha.
Ngư Tử không chỉ là người có tình cảm nồng hậu, mà còn là người có kiến thức rộng rãi và suy nghĩ chín chắn. Trong đêm gặp chàng Đình Tỉnh Kim Trọng (Kim Trọng của Kim Vân Kiều truyện), nàng Ngư Tử đã thể hiện như một hiền nữ. Khi gặp Hạ Dã Thái Lang (Từ Hải), Ngư Tử đã cho tiền bọn du thủ du thực để nhờ thử xem chàng có phải là người đáng tin cậy không. Khi Hạ Dã Thái Lang khinh suất hòa với Quản lãnh Phiến Cốc Triều Hưng (Hồ Tôn Hiến), thì nàng Ngư Tử hết sức can ngăn. Ngư Tử còn là người phụ nữ gồm đủ cả tiết, nghĩa, dũng. Thái Lang bị phản, bị giết. Để trả thù cho chồng, nàng Ngư Tử đã dũng cảm giết chết Bố Lưu Biện Di, kẻ đã theo kế Quản lãnh đến thuyết hàng Thái Lang rồi được Quản lãnh gả Ngư Tử cho (Bố Lưu Biện Di tương tự như cả hai nhân vật: quan thuyết hàng và thổ quan trong Kim Vân Kiều truyện). Sau hành động đó, Ngư Tử nhảy xuống sông tự tử. Được cứu sống, Ngư Tử (với tên là Diệu Long) đi tu, và không bao giờ trở về với cuộc sống bình thường nữa. Nàng kết am ở Kyoto và trở thành một ni sư danh tiếng. Đình Tỉnh Kim Trọng (Kim Trọng) văn võ toàn tài, có công cứu con trai Tướng quân Túc Lợi Nghĩa Tình (Ashikaga Yoshiharu) khi người này bị tàn quân Thái Lang tập kích. Nhờ công tích ấy, Đình Tỉnh Kim Trọng được gia đình Tướng quân vời về dưới trướng trọng dụng. Đoạn tái hồi Kim - Ngư, cả hai đều không hề hé môi nói gì về lời thề ước ngày xưa, và tất nhiên cũng chẳng có chuyện “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kì” như Kim Vân Kiều truyện.
Những vấn đề này chúng tôi đã viết trong bài: “Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản” (Tạp chí Văn học số 12 năm 1999), “Bước đầu so sánh Kim ngư truyện của K.Bakin và Truyện Kiều của Nguyễn Du” (Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2016).
4. THAY LỜI KẾT: Ý NGHĨA CỦA CÁC BẢN KIM VÂN KIỀU TRUYỆN Ở NHẬT BẢN ĐỐI VỚI VIỆC NGHIÊN CỨU TRUYỆN KIỀU Ở VIỆT NAM
Việc sưu tầm, nghiên cứu các bản Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu Truyện Kiều ở Việt Nam.
1. Các văn bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Nhật Bản là những tư liệu quý góp phần tìm hiểu quá trình hình thành các truyền bản khác nhau của tác phẩm này, từ thô rườm đến gọn gàng hơn, để đến khi Nguyễn Du có được mà sáng tác nên tác phẩm Truyện Kiều. Đồng thời nó cũng chấm dứt vĩnh viễn câu chuyện tưởng tượng về Kim Vân Kiều truyện là sáng tác của một nhà nho Việt Nam nào đó như Tô Nam Nguyễn Đình Diệm ghi lại: phải chăng Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử “là của một nhà nho Việt Nam về sau đã dựa theo cuốn thơ Đoạn trường tân thanh mà soạn thảo, chứ không phải gốc ở bên Tàu.” [Tô Nam, 1971, tr.5].
2. Việc du nhập các bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Nhật Bản cho thấy một bối cảnh rộng lớn con đường lưu truyền các tác phẩm văn học Trung Quốc đến các nước Đông Á trước kia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Từ đó ta có thể hình dung những con đường khác nhau Kim Vân Kiều truyện đã đến tay Nguyễn Du: ngoài con đường mua sách khi Nguyễn Huy Oánh, hay chính Nguyễn Du đi sứ, Kim Vân Kiều truyện có thể đến nước ta bằng con đường tàu buôn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang từng nói đến văn bản Vương Thúy Kiều truyện, 67 tờ, là bản tóm tắt Kim Vân Kiều truyện có ở Phúc Giang thư viện của dòng họ Nguyễn Tiên Điền với thông tin ở bìa như sau: “Vương Thúy Kiều truyện, (Cổ Hoan Nghi Tiên Nguyễn gia tàng bản. Biệt hữu diễn Nam âm nhất bản – Long Phi kỷ hợi, Cảnh Hưng tứ thập niên/ lưu giữ ở dòng họ Nguyễn làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hoan Châu cũ, năm Long Phi Kỷ Hợi, Cảnh Hưng thứ 40 - 1779) [Nguyễn Thạch Giang, 2000, tr.16]. Nếu tư liệu này chính xác thì thời điểm Kim Vân Kiều truyện du nhập vào Việt Nam tương đương với Nhật Bản.
3. Việc có được bản dịch Thông tục Kim Kiều truyện của Nishida Korenori năm 1763 có thể mở ra những nghiên cứu về dịch văn học theo quan niệm người xưa. Dịch văn học với tiêu chuẩn “Tín, Đạt, Nhã” mà Nghiêm Phục đưa ra có lẽ là một quan niệm dịch có tính chất cận - hiện đại, khác với quan niệm dịch văn học thời trung đại: dịch đồng thời cũng là cải biên, nhuận sắc, vì “Văn hành công khí” (Văn chương khi đã lưu hành là của chung thiên hạ).
4. Việc có được Phong tục Kim ngư truyện của Kyokutei Bakin năm 1829 có thể mở ra viễn cảnh về nghiên cứu văn học so sánh Đông Á. Từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có thể bản địa hóa, thông tục hóa thành Phong tục Kim ngư truyện của Nhật Bản, nhưng cũng có thể vừa bản địa hóa, vừa thi ca hóa, mà lại trở thành kiệt tác ngôn từ như trường hợp Truyện Kiều của Nguyễn Du, Việt Nam.
Đã đến lúc các nhà nghiên cứu Việt Nam cần có việc nghiên cứu văn bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân kỹ hơn, sưu tầm và khảo dị đầy đủ hơn nữa, để từ đó có bản dịch tốt, có tính học thuật về tác phẩm này, làm cơ sở cho việc nghiên cứu so sánh Truyện Kiều và các tác phẩm dịch thuật, phóng tác Kim Vân Kiều truyện trong khu vực.
Tháng 11 năm 2020
Đoàn Lê Giang
Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay số 527, tháng 1 năm 2021
CHÚ THÍCH
(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ đề tài mã số C2019-18b-03
- Đoàn Lê Giang (2015), “Bước đầu so sánh Kim ngư truyện của K.Bakin và Truyện Kiều của Nguyễn Du”, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2016 (This research is funded by the Sumitomo Foundation under grant number 148835 (2014-2015))
- Kawaguchi Kenichi dịch (2015), “Truyện Kiều từ góc độ so sánh Đông Á”, in trong: Viện Văn học, Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du, 250 năm nhìn lại, NXB. KHXH, HN, 2015
- Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính (2000), Nguyễn Du - tác phẩm và lịch sử văn bản, NXB.TP.HCM
- Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch (1971), Kim Vân Kiều Thanh Tâm Tài Tử, Nha Văn hóa, Sài Gòn, 1971.
[1] PGS.TS., Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM.
[2] Theo bản Phong tục Kim ngư truyện, bản thứ ba in phía sau Khuynh thành Thủy hử truyện (Biên thứ 26), Bác Văn quán/ Hakubunkan 博文館xuất bản, Tokyo, 1900-1901 sau này được tách riêng ra và in vào năm 1998), thì đề là “Cẩm Lâm Đường 錦林堂”. Viết vậy là lầm, vì bản gốc bài tựa này thời Edo viết là Cẩm Sâm Đường 錦森堂, trang bìa Quyển ba, trang cuối Quyển bảy cũng đề rõ là Cẩm Sâm Đường 錦森堂 như vậy.
* Theo dõi Kỳ 1: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Nhật Bản
Kỳ 2: Bản dịch: Thông tục Kim Kiều Truyện (1763) của Nishida Korenori