Sứ giả hòa bình và hòa giải: Văn học Việt Nam viết về chiến tranh và hậu chiến được dịch ở Hoa Kỳ

20240524

Ở nước ta, tác phẩm viết về chiến tranh có vị trí quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử văn học song hành cùng lịch sử dân tộc. Hầu hết tên tuổi lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại đều gắn với các sáng tác về mảng đề tài người lính, chiến tranh. Trên bình diện quốc tế, trong bối cảnh văn học Việt Nam được dịch và giới thiệu ở các quốc gia khác còn khá khiêm tốn, những tác phẩm văn học Việt Nam viết về đề tài chiến tranh, thời hậu chiến được dịch, xuất bản ở Hoa Kỳ (Mĩ) lại chiếm số lượng đáng kể và mang trên mình sứ mệnh đặc biệt. Xuất phát từ phương diện dịch văn học Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi muốn đóng góp một góc nhìn về vai trò của các tác phẩm văn học Việt Nam viết về chiến tranh được dịch ở Hoa Kỳ thông qua việc thống kê, khảo sát các cuốn sách có tác phẩm viết về đề tài này được dịch, xuất bản ở Hoa Kỳ; tổng hợp các ý kiến, nhận định, đánh giá xung quanh mảng đề tài này (từ phía Việt Nam và Hoa Kỳ) từ góc độ tiếp nhận để khẳng định “Vai trò sứ giả của văn học Việt Nam viết về chiến tranh, thời hậu chiến được dịch ở Hoa Kỳ”.

   1. Tổng quan tình hình dịch thuật, giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam viết về chiến tranh, hậu chiến được dịch ở Hoa Kỳ

   Dịch tác phẩm văn học là cánh cửa mở ra các con đường giao lưu, tiếp nhận văn học ở các quốc gia. Các tác phẩm, tác giả lớn của các nền văn học lớn thế giới (như văn học Nga, văn học Pháp, văn học Trung Quốc…) đều được dịch, giới thiệu, nghiên cứu ở Việt Nam. Đây là xu thế tất yếu, mang tính chủ động của văn học Việt Nam, nền văn học nhỏ bé, chịu sự ảnh hưởng của các nền văn học lớn, các tác gia lớn của thế giới. Ở chiều ngược lại, việc dịch tác phẩm văn học Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã dẫn số liệu thống kê như sau: “Tính đến nay (2010) đã có hơn 13.000 tác phẩm văn học của thế giới được dịch ra tiếng Việt, và hầu hết các tác phẩm lớn của nhân loại đã được giới thiệu một cách có hệ thống ở Việt Nam. Trong khi đó, số lượng các tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch và giới thiệu ra nước ngoài mới chỉ có hơn 570 tác phẩm (từ văn học cổ cho đến nay)”1.

   Sự xuất hiện của văn học Việt Nam qua các bản dịch mới chủ yếu ở các quốc gia có mối quan hệ về lịch sử, chính trị lâu đời, hoặc đặc biệt với Việt Nam (như Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Trong đó, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Hoa Kỳ là quốc gia dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam nhất thế giới2. Xét ở mảng đề tài chiến tranh, thời hậu chiến sẽ càng thấy vị trí đi đầu của Hoa Kỳ trong số các quốc gia dịch và giới thiệu văn học Việt Nam. Theo nguồn tư liệu (sách) hiện chúng tôi thu thập và khảo cứu sơ bộ, trong số hơn bảy mươi cuốn sách dịch tác phẩm văn học Việt Nam được xuất bản ở Hoa Kỳ có gần một nửa (ba mươi ba cuốn) có tác phẩm viết về chủ đề chiến tranh và thời hậu chiến. Đây là con số thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nước Mĩ đối với các sáng tác về mảng đề tài này của văn học Việt Nam.

   Cụ thể, ở thể loại tiểu thuyết, có tám cuốn, trong đó có nhà văn Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War: A Novel of North Vietnam, 1996), Lê Lựu với Thời xa vắng (A Time Far PastA Novel of Vietnam, 1997), Dạ Ngân với Gia đình bé mọn (An Insignificant Family, 2009).

   Thể loại truyện ngắn ghi nhận tám ấn phẩm được xuất bản: ba tập truyện của từng tác giả và năm tuyển tập truyện ngắn chọn lọc của nhiều tác giả. Hà Nội at Midnight: Stories (2023) gồm mười hai truyện ngắn của Bảo Ninh viết về bộ mặt khủng khiếp, phức tạp của chiến tranh, ảnh hưởng của chiến tranh trong mối quan hệ giữa người với người như Hà Nội lúc không giờ, Rửa tay gác kiếm, Lá thư từ Quý Sửu, Trại bảy chú lùn. The Stars, the Earth, the River: Short Stories by Le Minh Khue (1997) là mười bốn truyện ngắn của Lê Minh Khuê. The General Retires and Other Stories (1992) gồm Tướng về hưu và bảy truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp. Trong năm hợp tuyển: The Other Side of Heaven: Post-War Fiction by Vietnamese and American Writers (1995); Night, Again: Contemporary Fiction from Vietnam (1996); Vietnam: A Traveler’s Literary Companion (1996); Love after War (2003); Other Moons: Vietnamese Short Stories of the American War and Its Aftermath (2020) có mặt các nhà văn sáng tác thời hậu chiến của Việt Nam như Hồ Anh Thái, Lê Lựu, Ngô Tự Lập, Ma Văn Kháng, Dạ Ngân, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Trần Vũ, Nguyễn Minh Châu, Lê Minh Khuê…

   Thể loại tự truyện (nhật ký) với dấu ấn của cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm (Last Night I Dreamed of Peace: The Diary of Dang Thuy Tram, 2007) với câu chuyện lịch sử ly kỳ, xúc động và thiêng liêng về nguồn gốc, quá trình lưu giữ, trao nhận hai tập nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

   Thơ là thể loại được dịch, xuất bản ở Hoa Kỳ nhiều hơn cả (13/33 cuốn). Bốn mươi bảy bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh được tuyển dịch từ hai tập Thư mùa đông (1994), Trường ca biển (1994) in trong The Time Tree: Poems by Hữu Thỉnh (2003). Năm mươi sáu bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ được dịch với tên Green Rice: Poems by Lam Thi My Da (2005). Các bài thơ được chọn dịch từ các tập thơ Mẹ và em (1987), Đường xa (1989), Quà tặng (1990), Về (1994) của Nguyễn Duy được in trong tập Distant Road: Selected Poems of Nguyen Duy (1999). Đặc biệt là sự xuất hiện của hai cuốn sách tại Hoa Kỳ từ rất sớm: tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh (The Prison Dairy of Ho Chi Minh, 1971); Chinh phụ ngâm (The Song of a Soldiers Wife: Chinh Phu Ngam, 1986) của Đặng Trần Côn. Tác phẩm Bình Ngô đại cáo và 150 bài thơ chữ Hán, chữ Nôm của Nguyễn Trãi được xuất bản thành tập Beyond the Court Gate: Selected Poems of Nguyen Trai (2010). Ngoài ra, thi phẩm về đề tài người lính, chiến tranh cách mạng của Hồ Chí Minh, Huy Cận, Thế Lữ, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Thanh Thảo, Hoàng Trung Thông, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Nguyễn Hữu Loan, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Anh Thơ, Phạm Tiến Duật… được in chung trong bảy hợp tuyển thơ ca: From the Vietnamese: Ten Centuries of Poetry (1968); A Thousand Years of Vietnamese Poetry (1975); Mountain River: Vietnamese Poetry from the Wars1943-1993 (1998); An Anthology of Vietnamese Poems: From the Eleventh through the Twentieth Centuries (2001); 6 Vietnamese Poets (2002); The Defiant Muse: Vietnamese Feminist Poems from Antiquity to the Present: A Bililngual Anthology (2007); Black Dog, Black Night: Contemporary Vietnamese Poetry (2008). Đặc biệt hơn cả là tập thơ Thơ từ tài liệu chiến trường (Poems from Captured Documents, 1994) gồm hai mươi ba bài thơ của nhiều tác giả - người lính giải phóng Việt Nam được biên tập, dịch từ tài liệu mà Bộ Quốc phòng Mĩ thu được trong chiến tranh.

   Ấn phẩm dưới dạng hợp tuyển đa thể loại gồm cuốn Behind the Red Mist: fiction by Ho Anh Thai, The Stars, the Earth (tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra và chín truyện ngắn của Hồ Anh Thái, 1998); Writing between the Lines: An Anthology on War and Its Social Consequences (1997) gồm thơ, tiểu thuyết, tác phẩm phê bình, trong đó có sáng tác của Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Lựu, Chu Lai, Phạm Tiến Duật…

   Về thời gian xuất bản, có thể thấy các tác phẩm được dịch và phát hành tại Hoa Kỳ tập trung ở giai đoạn 1994-2009 (mười hai cuốn phát hành vào những năm nửa cuối thập niên 90 thế kỷ XX; mười ba cuốn xuất bản vào những năm 2000). Nhìn từ mối quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước, mười lăm năm trước và sau sự kiện bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là khoảng thời gian nước Mĩ muốn tìm hiểu, nhìn rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam trong và sau cuộc chiến tranh (1954-1975) và rộng hơn, xa hơn là theo cả chiều dài lịch sử thông qua các sáng tác văn chương chọn dịch.

   Ba mươi ba cuốn sách về chủ đề chiến tranh, đã vẽ nên diện mạo đất nước, con người Việt Nam qua các cuộc chiến (từ thời phong kiến qua các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, Minh… đến thời hiện đại với cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ). Có thể ví đó là những sứ giả đặc biệt “đi qua biển”3 mang sứ mệnh giúp “nhìn lại”, hàn gắn, kết nối và quảng bá văn học, đất nước, con người Việt Nam.

   2. Vai trò sứ giả của văn học Việt Nam viết về chiến tranh, thời hậu chiến được dịch ở Hoa Kỳ nhìn từ góc độ tiếp nhận

   2.1. Sứ mệnh giúp “nhìn lại” lịch sử với thông điệp về hòa bình

   Như phần lược thảo các cuốn sách có tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản ở Hoa Kỳ ở trên, chúng tôi nhận thấy việc lựa chọn, dịch và giới thiệu những sáng tác về chiến tranh, thời hậu chiến đó trước hết xuất phát từ nhu cầu “nhìn lại” lịch sử, đời sống tâm hồn con người Việt Nam trong và sau cuộc chiến qua văn chương. Ở khía cạnh này, chúng tôi lấy tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Nhật ký Đặng Thùy Trâm làm tiêu điểm để nhìn từ góc độ tiếp nhận.

   Ở Việt Nam, số phận của Nỗi buồn chiến tranh cũng đã trải qua một quá trình “nhìn lại”. Tác phẩm ra đời năm 1987, xuất bản lần đầu năm 1990 tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn với tên Thân phận của tình yêu, được Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991; đến năm 2006, được đón nhận và khẳng định được vị trí trên văn đàn. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã nhận xét rất gọn, rất đắt trong bài viết trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội: “Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh mang một chủ đề kép. Nó không chỉ nêu một cách nhìn khác về chiến tranh, mà còn đề xuất một cách viết khác về đề tài chiến tranh, đề xuất một đổi thay về phương pháp sáng tác nữa”4.

   Nỗi buồn chiến tranh xuất bản năm 1996 tại Hoa Kỳ với tựa The Sorrow of War: A Novel of North Vietnam, trước cả khi tiểu thuyết được xuất bản trở lại ở Việt Nam. Trả lời phỏng vấn của The Washington Post, nhà văn Bảo Ninh tâm sự trách nhiệm của ông khi viết tác phẩm này: “Tôi nhận ra rằng nếu tôi không tham gia chiến tranh, không trở thành một người lính thì tôi sẽ chọn một con đường khác và không là một nhà văn. Đó là lý do tại sao kể từ khi cầm bút, tôi luôn viết về những nỗi đau khổ của người dân Việt Nam, cách họ sống qua cuộc chiến”5. Trăn trở của ông đã chạm được đến trái tim, ý thức của người Mĩ, đặc biệt là những nhà văn - cựu binh Mĩ, giới nghiên cứu, phê bình văn chương… Trong bài viết “Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh nhìn từ Mĩ”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã khảo sát việc tiếp nhận tác phẩm ở Mĩ qua những nhận xét, đánh giá của người Mĩ. Ở đó, ông có đề cập nhận xét của nhiều cựu binh Mĩ, như Susan L., nữ quân nhân. Bà đặc biệt chú ý đến hình ảnh, vai trò của người phụ nữ trong chiến tranh khi đọc Nỗi buồn chiến tranh và thấy được nhiều vấn đề cũng như có thêm chiều kích mới cho cuộc chiến tranh Việt Nam6.

   Trường hợp Nhật ký Đặng Thùy Trâm cũng để lại dấu ấn đặc biệt tại Hoa Kỳ. Trong bài báo “Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình: Nhật ký Đặng Thùy Trâm: chiến tranh, phong cách nhà văn, sự hòa giải”, Phó Giáo sư Suellynn Duffey, Đại học Missouri - St. Louis đã dẫn hai ý kiến của sinh viên (từ bài luận của họ) về cuốn sách. Chúng tôi xin trích dịch hai ý kiến để thấy rõ ý nghĩa của tác phẩm dưới góc nhìn của giới trẻ Mĩ: “Khi bắt đầu đọc cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi không tin mình sẽ hứng thú nhất với những trải nghiệm của Thùy vì chúng quá khác biệt so với hiểu biết của tôi. […] Tuy nhiên, càng đọc tôi càng nhận ra mình quan tâm tới những điểm chung hơn là những điều khiến chúng tôi khác biệt. Tôi đọc vì những cảm xúc được sẻ chia hơn là những trải nghiệm đối lập. Xét trên nhiều phương diện, cuốn nhật ký của Thùy đầy ắp các mối quan tâm chung của nhân loại: tình yêu, tình bạn, nỗi cô đơn, nỗi buồn, sự sợ hãi và cảm giác bất an…”7; “Trong thế giới của Thùy,rõ ràng người Mĩ là những kẻ gây nên tội ác. Dù gọi là cuộc chiến tranh Việt Nam hay cuộc kháng chiến chống Mĩ thì cuộc chiến cũng gây nên sự mất mát, nỗi đau không gì đo đếm được cho cả đàn ông, phụ nữ và cả các gia đình liên quan… Cuốn nhật ký của Thùy có khơi lại vết thương đang liền da nhưng sức mạnh của nó chính là khả năng mang tới cơ hội để thấu hiểu và cùng thảo luận”8.

   Không chỉ có nước Mĩ, người Mĩ có cơ hội “nhìn lại” về cuộc chiến ở Việt Nam, đất nước Việt Nam qua các sáng tác văn chương đến từ đất nước từng ở bên kia chiến tuyến, thông qua hoạt động dịch thuật này, ngay cả các nhà văn, cựu chiến binh Việt Nam, độc giả Việt Nam cũng được “nhìn lại” và hiểu hơn về nước Mĩ, cách họ vượt qua “hội chứng Việt Nam” để quay trở lại Việt Nam, tìm hiểu về Việt Nam với mục đích hiểu và khép lại lịch sử, từng bước bình thường hóa quan hệ giữa hai dân tộc. Ở đó, thông điệp về hòa bình, những giá trị nhân văn cao cả mà các tác phẩm văn học viết về chiến tranh, thời hậu chiến chuyển tải đã chạm đến trái tim của độc giả Hoa Kỳ, giúp hàn gắn vết thương chiến tranh để hai dân tộc xích lại gần nhau. Thông điệp hòa bình đã được nhà văn Bảo Ninh phát biểu khi trả lời phỏng vấn của The Washington Post: “… tôi viết về chiến tranh là để chống lại chiến tranh; viết về chiến tranh là viết về hòa bình – về sự hòa giải, tình yêu, niềm vui, sự tha thứ và những ý tưởng nhân văn khác nữa”9. “Viết về chiến tranh là viết về hòa bình” cũng là lời tựa trong Lời giới thiệu cuốn Other Moons: Short Stories of the American War and Its Aftermath do chính nhà văn chấp bút10. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì khẳng định: “Các nhà văn của chúng ta đến Mĩ cũng chỉ cất lên một thứ tiếng thôi, đó là ngôn ngữ của hòa bình và sự xóa bỏ hận thù trong quá khứ”11.

   2.2. Sứ mệnh hàn gắn và kết nối qua hoạt động giao lưu, dịch thuật văn học

   Cánh cửa giao lưu, tiếp nhận văn học được mở ra thông qua hoạt động dịch văn học. Kết quả là tạo nên sợi dây kết nối, mối liên hệ giữa các nhà văn, dịch giả, độc giả ở hai nước thông qua quá trình lựa chọn dịch, dịch, đọc và tiếp nhận tác phẩm nguyên gốc và tác phẩm dịch.

   Có thể nói đóng góp lớn nhất trong quá trình hàn gắn, kết nối hai dân tộc qua con đường văn chương thuộc về Trung tâm William Joiner (nay là Viện William Joiner) – sự ra đời của nó được đánh giá “là một sự kiện kỳ diệu”. Quả thực, tổ chức này đã làm nên những điều thực sự diệu kỳ trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mĩ. Dịch giả Nguyễn Bá Chung đã tổng kết: “… trung tâm Joiner đã có một đóng góp rất lớn cho sự hòa giải giữa hai dân tộc Việt - Mĩ, nhất là trong suốt những năm cấm vận ngặt nghèo từ 1975 tới 1994. Cái lớn của sự đóng góp đó không phải do tài chánh, do quyền lực, mà là cái lớn ở tấm lòng. […] Và từ tấm lòng đó mới có thể đi đến thơ văn”12. Trong chuyến sang Việt Nam dự Diễn đàn văn học Việt - Mĩ (2012), trả lời phỏng vấn của Tuổi trẻ Cuối tuần, Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner đã tâm sự việc bắc nhịp cầu Việt - Mĩ “trở thành điều mà chúng tôi phải dấn thân thực hiện để đem lại hòa bình, sửa đổi sai lầm”13.

   Kenvin Bowen đã có công kết nối hai nền văn học, hai dân tộc qua hoạt động - dịch thuật các sáng tác văn chương và sáng tạo nghệ thuật. Kevin Bowen cùng gia đình đã đón tiếp hơn một trăm nhà văn, nhà nghiên cứu Việt Nam tại chính ngôi nhà của mình, dũng cảm vượt qua sự đe dọa bằng lời nói và cả hành động của chính người Mĩ. Ông tổ chức dịch và dịch văn học Việt Nam sang tiếng Anh. Ông sáng tác nhiều về Việt Nam và còn vẽ chân dung các nhà văn, nhà thơ Việt Nam – những gương mặt ông đã gặp, tiếp xúc và muốn lưu giữ bởi với ông “Mỗi bức chân dung trở thành một sự suy ngẫm về công việc và cuộc đời họ, về cuộc chiến tranh mà họ đã đi qua, cuộc chiến với những ngôn từ mà họ đấu tranh nhiều năm sau đó để mang theo những gì họ đã chứng kiến, với cuộc sống hai mặt mà họ với tư cách văn nghệ sĩ, trưởng thành nhưng không già đi, vẫn trẻ trung trong cuộc chiến cho dù thời gian có kéo họ đi”14.

   Bên cạnh đó, phải nói rằng hoạt động dịch thuật văn học Việt Nam viết về chiến tranh cũng đã kết nối và tạo nên sự tiếp nối giữa các thế hệ dịch giả - học giả người Mĩ, đặc biệt là người Mĩ gốc Việt. Tên tuổi của học giả - dịch giả Huỳnh Sanh Thông gắn với tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam The Song of a Soldiers Wife: Chinh Phu Ngam, các sáng tác viết về chiến tranh trong An Anthology of Vietnamese Poems: from the Eleventh through the Twentieth Centuries. Các dịch giả Kevin Bowen, Wayne Karlin, Bruce Weigl, cùng Nguyễn Quí Đức, Nguyễn Bá Chung kết hợp với các nhà văn Việt Nam như Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê… dịch nhiều tác phẩm thơ, truyện về đề tài chiến tranh trong các dự án dịch văn học Việt Nam của Trung tâm William Joiner như tập truyện ngắn của Lê Minh Khuê; tuyển tập thơ Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh; tập truyện Phía bên kia thiên thườngThơ từ tài liệu chiến trường; hợp tuyển Viết giữa hai dòng; hợp tuyển thơ Sông núi… Hay trường hợp các tiểu thuyết của nhà văn Dương Thu Hương đều là sản phẩm dịch thuật kết hợp giữa dịch giả Nina McPherson và nhà văn - dịch giả Phan Huy Đường. Những năm gần đây, phải kể đến Giáo sư Hà Mạnh Quân (Đại học Montana) cùng Cab Trần, Joseph Babcock dịch tuyển tập truyện viết về cuộc chiến tranh chống Mĩ và thời hậu chiến (2020), các truyện ngắn chọn lọc của Bảo Ninh (2023) cùng hoạt động giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ở Mĩ; đánh giá tình hình dịch thuật, giảng dạy văn học Việt Nam ở Hoa Kỳ.

   “Chúng tôi […] thiết lập nên các mối liên hệ và nghĩ rằng nó sẽ có tác dụng và ảnh hưởng lâu bền…”15. Nhận định đó của nhà thơ - dịch giả Kevin Bowen đã được lịch sử xác nhận. Các sáng tác văn học Việt dịch ở Hoa Kỳ đã thành toàn sứ mệnh thiêng liêng: hàn gắn và kết nối, tạo nên những mối quan hệ thân tình, bền chặt.

   2.3. Sứ mệnh quảng bá các giá trị văn học và văn hóa

   Không chỉ giúp hai bên cùng nhìn lại lịch sử, nhìn lại chính mình qua sáng tác văn chương; giúp hàn gắn và kết nối những con người của hai dân tộc từng đối diện nhau với họng súng, sự hận thù; văn học Việt Nam viết về chiến tranh được chọn dịch ở Hoa Kỳ còn thực hiện sứ mệnh của sứ giả văn hóa: quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam từ những trang văn, áng thơ, dòng nhật ký.

   Nếu như các sáng tác về đề tài cuộc chiến tranh 1954-1975, thời hậu chiến vẽ nên khuôn mặt đau thương, đa diện của chiến tranh và đặt ra những câu hỏi về số phận con người, giá trị của hòa bình… giúp độc giả nhìn lại lịch sử và hiểu hơn về con người Việt Nam trong và sau cuộc chiến thì số lượng lớn các tác phẩm thuộc mảng đề tài này được lựa dịch từ văn học cổ điển và văn học hiện đại – dòng văn học cách mạng lại mang đến hình ảnh một Việt Nam của tình yêu đất nước, yêu lý tưởng, yêu hòa bình, bản lĩnh và giàu đức hi sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh); Từ ấy, Ê-mi-ly, con (Tố Hữu); Màu tím hoa sim (Hữu Loan); Khoảng trời - hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ); Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh); Lời ru đồng đội (Nguyễn Duy); Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng); Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật); Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê)… là những tác phẩm, tác giả đặc sắc vẽ nên gương mặt đáng tự hào của Việt Nam như thế.

   Phải nói rằng, để được dịch và xuất bản ở Hoa Kỳ, các tác phẩm văn học Việt Nam đã qua quá trình lựa chọn, thẩm định và đánh giá gắt gao ở cả khía cạnh nội dung tác phẩm và tài năng của người cầm bút của các đơn vị xuất bản. Nỗi buồn chiến tranh và các truyện ngắn đắc sắc của Bảo Ninh, tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu, Tướng về hưu và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp; Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), truyện ngắn Lê Minh Khuê, thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ… đã gây được tiếng vang ở Việt Nam chính là những đại diện tiêu biểu nhất – sứ giả vinh dự nhất cho văn chương nước nhà xuất hiện ở các kệ sách, trong các thư viện, tại các lớp học… ở Mĩ, quảng bá cho nền văn học Việt Nam vốn còn nhỏ bé trên bản đồ văn học thế giới.

   Dịch, giới thiệu, đọc các cuốn sách dịch tác phẩm viết về chiến tranh nói riêng và văn học Việt Nam nói chung giúp dịch giả - nhà văn Mĩ, thậm chí không ít độc giả Mĩ hiểu và yêu quý đất nước, con người Việt Nam, tìm đến Việt Nam để tiếp tục tìm hiểu, thưởng ngoạn; nhiều cựu binh Mĩ đọc những tác phẩm văn học dịch và trở lại Việt Nam để thấy một Việt Nam khác, để thấy gắn gó với mảnh đất còn đầy bom đạn này. Nhà thơ - dịch giả Bruce Weigl tâm sự rằng: “Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam và những trải nghiệm của tôi đã góp phần định hình nên con người tôi bây giờ. Tôi cảm thấy tôi là một người mạnh mẽ hơn và tốt hơn nhờ những trải nghiệm này và tôi cảm giác rằng Việt Nam luôn là một trong hai đất nước của trái tim tôi”16.

   3. Kết luận

   Sự chủ động lựa chọn các tác phẩm từ phía các nhà văn, cựu binh, dịch giả người Mĩ cùng sự tư vấn, phối hợp của các nhà văn Việt Nam, qua Hội Nhà văn Việt Nam giai đoạn 1994-2009, đã tạo nên “làn sóng nhập khẩu” văn học Việt Nam viết về chiến tranh, thời hậu chiến ở Hoa Kỳ. Chính làn sóng này đã giúp các tác phẩm văn học Việt Nam thực hiện vai trò sứ giả của mình. Từ sau năm 2010, hoạt động của Viện William Joiner của Mĩ ở Việt Nam dần thu hẹp, mối quan tâm của người Mĩ với lịch sử, văn học, văn hóa Việt Nam (giai đoạn chiến tranh) cũng không còn nhiều như trước. Theo đó, việc dịch văn học viết về mảng đề tài chiến tranh cũng như dịch văn học Việt Nam ở Hoa Kỳ cũng giảm về số lượng. Để tiếp tục mạch nguồn trí tuệ, tình yêu văn chương của thế hệ các nhà văn - dịch giả - học giả người Mĩ, người Mĩ gốc việt bắt nguồn từ những năm 60 thế kỷ XX; nối dài cây cầu hữu nghị mà các học giả, nhà văn, cựu binh của Trung tâm William Joiner và các nhà văn, cựu binh Việt Nam xây nên bằng cả tấm lòng, sự kiên trì, dũng cảm từ những năm 80 thế kỷ XX; Việt Nam cần chủ động đưa văn học Việt Nam ra thế giới bằng chiến lược quảng bá, giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam thông qua hoạt động dịch thuật, giao lưu và nghiên cứu văn học. Trong đó, sự phối hợp với các học giả người Mĩ gốc Việt, cơ sở giáo dục của Hoa Kỳ (các trường đại học giảng dạy tiếng Việt, văn học - văn hóa - lịch sử Việt Nam; các trường phổ thông có học sinh người gốc Việt) là vô cùng cần thiết.

   Góp phần quyết định trong công tác dịch thuật, quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam ở nước ngoài chính ở những tác phẩm hay. Đây là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự, sứ mệnh của người cầm bút đối với nền văn học nước nhà. Làm sao để “những đứa con tinh thần” của mình sẽ có thêm đời sống thứ hai, thứ ba… (qua các bản dịch); “có lửa” để “làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên”, có sức mạnh của băng “gắn kết những ốc - đảo - người thành một khối”, cũng “dịu dàng mà mãnh liệt” như nước để “vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ” (theo Nguyễn Ngọc Tư17)? Câu hỏi này xin dành cho những nghệ sĩ của nghệ thuật ngôn từ tìm câu trả lời trong hành trình khẳng định tên tuổi của mình trên văn đàn dân tộc và tìm chỗ đứng trên bản đồ văn học thế giới. 

PGS. TS. Đoàn Lê Giang, ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương

Nguồn: Tạp chí Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật, ngày 22.4.2024.

 

Tài liệu tham khảo:
1. An Như (thực hiện), “Mĩ là nước dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam nhất thế giới”, Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam,truy xuấttừhttp://vlcc.vn/tieng-noinha-van/nha-tho-nguyen-quang-thieumy-la-nuoc-dich-nhieu-tac-pham-van-hoc -viet-nam-nhat-the-gioi.html.
2. Huy Thông (2010), “Nhà văn Lê Lựu: Kể chuyện “đi sứ” văn học đến Mĩ”, Báo Thể thao & Văn hóa, truy xuất từ https://thethaovanhoa.vn/nha-van-leluu-ke-chuyen-di-su-van-hoc-den-my2010053109234032.htm).
3. Nguyễn Bá Chung (2007), “Trung tâm Joiner: hai mươi năm nhìn lại”, Tạp chí Sông Hương, truy xuất từ http://tapchisonghuong.com.vn/tapchi/c111/n866/Trung-tam-Joiner-haimuoi-nam-nhin-lai.html.
4. Nguyễn Thị Tuyết Ngân (chuyển ngữ), “Các văn nghệ sĩ Việt Nam qua nét vẽ của một nhà thơ Mĩ”. Tạp chí Công an Nhân dân, truy xuất từ https://cand.com.vn/doisong-van-hoa/Cac-van-nghe-si-Viet-Namqua-net-ve-cua-mot-nha-tho-My-i332244/).
5. Nguyễn Việt Chiến(2010),“Văn học Việt trong mắt các nhà văn nước ngoài”,Báo Thanh niên, truy xuất từhttps://thanhnien.vn/van-hoc-viettrong-mat-cac-nha-van-nuoc-ngoai185297439.htm.
6. Nhiều tác giả (1995), The Other Side of Heaven: Post-War Fiction by Vietnamese and American Writers. (Wayne Karlin, Le Minh Khue & Truong Vu biên soạn), Connecticut: Curbstone Press.
7. Nhiều tác giả (2017), Những người đi qua biển - Those who cross the ocean, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
8. Nick Hilden (2023), “Bao Ninh on coming to terms with trauma in Vietnam, The acclaimed writer talks about his new story collection, ‘Hanoi at Midnight,’ and about changes in his country”, The Washington Post, Jun 18, 2023, https://www.washingtonpost.com/books/2023/06/18/bao-ninhhanoi-midnight-interview/?fbclid=IwAR1 QRpmrVMaXdad7LVp1WvV19bnyF_Vh Yi4BbeDeb9weoDdBSwPJU4SkWp8.
9. Phạm Xuân Nguyên (2014), Nhà văn như Thị Nở, Nhà xuất bản Hội Nhà văn & Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.
10. Suellynn Duffey (2015), “Last Night I Dreamed of PeaceThe Diary of Dang Thuy Tram: War, Writing, Reconciliation”, proceedinigs of the Third Conference on Veterans in Society, pp. 85-98, https://vtechworks.lib.vt.edu/server/api /core/bitstreams/d68bd8f6-a8d1-437f9b2a-3421fe8dc574/content.
11. Thái Lộc (thực hiện, 2012), “Vì Việt Nam, và những mối quan hệ lâu bền… ”, Tuổi trẻ Cuối tuần, truy xuất từ https://cuoituan.tuoitre.vn/vi-viet-namva-nhung-moi-quan-he-lau-ben489097.htm).
12. Thùy Trang (2022), “Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hồ sơ quan trọng nhất của dân tộc chính là văn hóa”, Báo Văn hóa, truy xuất từ http://baovanhoa.vn/vanhoa/artmid/428/articleid/57968/nha-thonguyen-quang-thieu-ho-so-quan-trong-n hat-cua-dan-toc-chinh-la-van-hoa.
13. Trần Đình Sử (2022), “Nỗi buồn chiến tranh, một cách viết khác về chiến tranh”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, truy xuất từ http://vannghequandoi.com.vn/binhluan-van-nghe/noi-buon-chien-tranhmot-cach-viet-khac-ve-chien-tranh_13950 .html.
14. Trần Trung Sáng (2018), “Nguyễn Ngọc Tư và giải thưởng Literaturpreis 2018: Văn chương vượt qua rào cản lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ”, Báo Công an Đà Nẵng - Chuyên trang của Báo Công an Nhân dân, truy xuất từ https://cadn.com.vn/nguyenngoc-tu-va-giai-thuong-literaturpreis2018-van-chuong-vuot-qua-rao-can-lich-s u-van-hoa-ngon-ngu-post192731.html).

Chú thích:
1 Nguyễn Việt Chiến (2010), “Văn học Việt trong mắt các nhà văn nước ngoài”, Báo Thanh niên, truy xuất từ https://thanhnien.vn/van-hoc-viet-trong-mat- cac-nha-van-nuoc-ngoai-185297439.htm.
2 An Như (thực hiện), “Mĩ là nước dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam nhất thế giới”, Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam, truy xuất từ http://vlcc.vn/tieng-noi-nha-van/nha-tho-nguyen- quang-thieu-my-la-nuoc-dich-nhieu-tac-pham-van- hoc-viet-nam-nhat-the-gioi.html.
3 Nhiều tác giả (2017), Những người đi qua biển - Those who cross the ocean, NXB Hội Nhà văn.
4 Trần Đình Sử (2022), “Nỗi buồn chiến tranh, một cách viết khác về chiến tranh”, Tạp chí Văn nghệ quân đội, truy xuất từ http://vannghequandoi.com.vn/binh- luan-van-nghe/noi-buon-chien-tranh-mot-cach-viet- khac-ve-chien-tranh_13950.html.
5 Nick Hilden (2023), “Bao Ninh on coming to terms withtraumainVietnam,Theacclaimedwritertalksabout his new story collection, ‘Hanoi at Midnight,’ and about changes inhiscountry”.The Washington Post, Jun 18,2023, https://www.washingtonpost.com/books/2023/06/18/bao- ninh-hanoi-midnight-interview/?fbclid=IwAR1QRpm- rVMaXdad7LVp1WvV19bnyF_VhYi4BbeDeb9weoDdB SwPJU4SkWp8.
6 Phạm Xuân Nguyên (2014), Nhà văn như Thị Nở, NXB Hội Nhà văn & Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.
7,8SuellynnDuffey(2015),“LastNightIDreamedofPeace:TheDiaryofDangThuyTram:War,Writing,Reconciliation”, proceedinigsoftheThirdConferenceonVeteransinSociety, pp.87,88,https://vtechworks.lib.vt.edu/server/api/core/bitstreams/d68bd8f6-a8d1-437f-9b2a-3421fe8dc574/content.
9 Nick Hilden (2023), “Bao Ninh on coming to terms withtraumainVietnam,Theacclaimedwritertalksabout his new story collection, ‘Hanoi at Midnight,’ and about changes inhis country”,The Washington Post, Jun 18,2023, https://www.washingtonpost.com/books/2023/06/18/bao -ninh-hanoi-midnight-interview/?fbclid=IwAR1QRpmrVMaXdad7LVp1WvV19bnyF_VhYi4BbeDeb9weoDdBSwPJU4SkWp8.
10 Nhiều tác giả (1995), The Other Side of Heaven: Post-War Fiction by Vietnamese and American Writers, (Wayne Karlin, Le Minh Khue & Truong Vu biên soạn), Connecticut: Curbstone Press.
11 Thùy Trang (2022), “Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hồ sơ quan trọng nhất của dân tộc chính là văn hóa”, Báo Văn hóa, truy xuất từ http://baovanhoa.vn/ van-hoa/artmid/428/articleid/57968/nha-tho-nguyenquang-thieu-ho-so-quan-trong-nhat-cua-dan-tocchinh-la-van-hoa.
12 Nguyễn Bá Chung (2007), “Trung tâm Joiner: hai mươi năm nhìn lại”, Tạp chí Sông Hương, truy xuất từ http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c111/n866/Trungtam-Joiner-hai-muoi-nam-nhin-lai.html.
13, 15 Thái Lộc (thực hiện, 2012), “Vì Việt Nam, và những mối quan hệ lâu bền…”, Tuổi trẻ Cuối tuần,truy xuất từ https://cuoituan.tuoitre.vn/vi-viet-nam-vanhung-moi-quan-he-lau-ben-489097.htm).
14 Nguyễn Thị Tuyết Ngân (chuyển ngữ), “Các văn nghệ sĩ Việt Nam qua nét vẽ của một nhà thơ Mĩ”,Tạp chí Công an Nhân dân, truy xuất từ https://cand.com.vn/doisong-van-hoa/Cac-van-nghe-si-Viet-Nam-qua-net-ve-cuamot-nha-tho-My-i332244/).
16 Huy Thông (2010), “Nhà văn Lê Lựu: Kể chuyện “đi sứ” văn học đến Mĩ”. Báo Thể thao & Văn hóa, truy xuất từ https://thethaovanhoa.vn/nha-van-le-luu-kechuyen-di-su-van-hoc-den-my-2010053109234032.htm.
17 Trần Trung Sáng (2018), “Nguyễn Ngọc Tư và giải thưởng Literaturpreis 2018: Văn chương vượt qua rào cản lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ”, Báo Công an Đà Nẵng - Chuyên trang của Báo Công an Nhân dân, truy xuất từ https://cadn.com.vn/nguyen-ngoc-tu-va-giaithuong-literaturpreis-2018-van-chuong-vuot-qua-raocan-lich-su-van-hoa-ngon-ngu-post192731.html).

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62536380
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15753
16893
62536380

Thành viên trực tuyến

Đang có 248 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website