Mộng mị và tình thế của sự làm người

(Đọc Đinh Trang mộng của Diêm Liên Khoa, Minh Thương dịch

Tao Đàn & NXB. Hội nhà văn, 2019)

20190924 dinh trang

Có một giòng thông suốt và dữ dội chảy qua truyền thống thuyết thoại Trung Hoa: những tự sự về mộng. Khởi thủy là giấc mơ hóa bướm của Trang Chu thời Xuân Thu. Tiếp nối sau đó mấy trăm năm là những truyền kỳ đời Đường, từ Chẩm trung ký của Thẩm Ký Tế kể chuyện chàng Lư sinh nằm trên chiếc gối của một đạo sĩ mà mơ giấc hoàng lương, cho đến Nam Kha thái thú truyện của Lý Công Tá nói về chàng Thuần Vu Phần mộng giấc Nam Kha, thức dậy mới biết mình đang nằm dưới gốc hòe, say rượu ngủ quên không biết. Đến khi các loại hình sân khấu Trung Quốc như tạp kịch, hí khúc,… ra đời, mộng bắt đầu đi vào Hồ điệp mộng của Quan Hán Khanh (đời Nguyên) hay Mẫu đơn đình của Thang Hiển Tổ (đời Minh) để rồi vươn đến đỉnh cao chói lọi ở tiểu thuyết chương hồi đời Thanh, mà đại diện tiêu biểu nhất phải kể đến là Tào Tuyết Cần với kiệt tác Hồng lâu mộng.

 Đinh Trang mộng – quyển tiểu thuyết đầy tâm huyết xuất bản năm 2005 của Diêm Liên Khoa – rõ ràng là một sự tiếp nối cái truyền thống đặc trưng đã có lịch sử hàng ngàn năm ấy của văn chương Trung Quốc.

Sự tiếp nối hiển lộ ngay từ đầu, trong tựa đề tác phẩm, nhưng sức ám ảnh của nó còn lan rộng sang chính cấu trúc của quyển tiểu thuyết này: thực tại được kể trong Đinh Trang mộng trở nên mờ nhòa, chìm đắm, đan xen, lún ngập trong những giấc mơ và những ảnh tượng đi ra từ sự mơ. Diêm Liên Khoa giao vai kể cho hồn ma của Tiểu Cường, một cậu bé 12 tuổi đã chết, bị đầu độc bằng một quả cà chua tẩm thuốc vì những ân oán mà cha cậu gây nên với người dân ở Đinh Trang. Cách chọn vai kể là một hồn ma như thế đặt toàn bộ tự sự của tiểu thuyết này ở một điểm nhìn toàn tri – một điểm nhìn khá hợp lý, tuy cổ điển, để vừa dễ dàng kể lại những giấc mơ đầy máu và nước mắt của ông giáo già Đinh Thủy Dương (nhân vật chính của tiểu thuyết), vừa thuận lợi cho việc thâm nhập vào những cõi sâu kín nhất trong mộng mị, tâm hồn, cảm xúc, suy nghĩ của hàng loạt những nhân vật, những số phận được nhắc đến trong xuyên suốt tác phẩm này. Nhưng cũng chính từ đây, thế giới ngập tràn sự mơ ấy của Đinh Trang mộng không còn cái đẹp đẽ huy hoàng của mộng như người ta thường nghĩ, mà đã trở thành lớp áo khoác hàm ngụ bên trong một thứ hiện thực sâu thẳm, thứ hiện thực đen tối, cay đắng đến run rẩy của lòng người, của bản tính người và những mối quan hệ người.

Trong Đinh Trang mộng, từ những quan sát về tình cảnh cùng khốn của người dân Trung Quốc khi đối diện với nạn bán máu tràn lan và sự bùng phát của đại dịch AIDS những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI[1], Diêm Liên Khoa đưa ra một hư cấu đầy ám ảnh về thôn Đinh Trang – nơi một thời từng giàu có, thịnh đạt nhờ vào việc bán máu, nhưng rồi vì lấy máu không đúng quy trình, thiếu vệ sinh, hàng loạt những người trong thôn bắt đầu nhiễm “bệnh nhiệt”, một cách gọi nôm na của AIDS.

Nhân vật chính của tiểu thuyết là ông giáo già Đinh Thủy Dương, suốt đời gắn bó với ngôi trường nhỏ của thôn Đinh Trang, hiền từ, nhân hậu, được mọi người trong thôn yêu kính. Ông có hai người con trai. Con cả tên Đinh Huy, con thứ là Đinh Lượng. Trong những ngày Đinh Trang ồn ào, sôi nổi, say sưa bán máu, Đinh Huy khôn ngoan, lọc lõi, thậm chí xảo quyệt, đã quyết tâm trở thành một đầu nậu máu, kiếm lãi từ chính những giọt máu của người Đinh Trang. Người em trai của anh, Đinh Lượng, cũng tham gia bán máu, để rồi giống như nhiều người khác cùng thôn, anh nhiễm bệnh nhiệt rồi chết. Nhưng Đinh Huy tham lam kia không nhìn thấy thảm cảnh như thế mà dừng lại. Anh tận dụng tình cảnh chết chóc ấy để bán quan tài, phối âm hôn cho người chết,… vì sự tham lam dữ dội trước tiền tài địa vị. Thậm chí, để thăng tiến cao hơn, Đinh Huy chấp nhận phối hôn đứa con trai Tiểu Cường của mình với âm hồn cô bé thiên kim nhà Huyện trưởng, dù cô lớn hơn Tiểu Cường sáu tuổi, bị động kinh và dị tật ở chân. Nhưng sự tha hóa của bản tính người không chỉ xuất hiện ở Đinh Huy, mà như một đại dịch, nó tràn qua Đinh Trang tựa một cơn hồng thủy.

Đọc Đinh Trang mộng, người ta thấy cái tham lam, tư lợi của bà vợ cựu trưởng thôn Lý Tam Nhân khi đốc thúc, khích khí chồng mình bán máu để có tiền sửa sang nhà cửa cho bằng những gia đình khác trong thôn. Đọc Đinh Trang mộng, người ta thấy và sợ hãi trước cái bóng đen tàn úa tỏa ra từ lòng ti tiện nhỏ nhen của người đời qua trường đoạn mô tả cảnh những người bệnh nhiệt ở Đinh Trang quần tụ lại ở trường học sống tập thể, rồi mất đồ, rồi đổ lỗi, rồi tra khảo, rồi sỉ nhục. Đọc Đinh Trang mộng, người ta thấy cái thảm cảnh mà lòng sân hận thù hằn đổ lên kiếp người, mà một trong những cảnh tượng đau thương nhất chính là đoạn hai cái huyệt mộ chạm khắc kỳ công của Đinh Lượng và Linh Linh bị phá nát tan, chưa kể cả hai chiếc quan tài cũng bay biến đi đâu mất… Tất cả những gì người nhất trong Đinh Trang mộng, rất nhanh chóng, bị sự tham tàn và vô minh cuốn đi, giết đi, vùi đi. Tất cả. Từ nỗi sợ đau vì bị kim tiêm, từ nỗi nhục nhằn suy tư về thân phận cho đến mối hòa kết gia đình, sự từ ái, lòng nhân hay những phẩm hạnh bản thể nhất của con người.

Nhưng cao hơn hết, Đinh Trang mộng bày ra trước mắt ta một tình thế bi ai của sự làm người. Chính ở đây, với sự phát lộ của nét nghĩa này, cái cấu trúc mộng mị đặc thù của quyển tiểu thuyết này trở lại một cách dữ dội. Và nó nói với ta một sự thật lầm than, rằng đời người có ai mà không phải trải qua một giấc mộng Đinh Trang, như luôn phải trải qua những giấc mộng hoàng lương, giấc mộng Nam Kha, giấc mộng lầu hồng,.... Người ta bán máu xây nhà cửa, tiền tài đầy túi, khoa trương hò hét, làm ông nọ bà kia. Nhưng rồi cũng giống như Thuần Vu Phần thức dậy dưới gốc hòe, người ta sẽ nhận ra bao nhiêu mất mát, chết chóc, sợ hãi, bóng tối. Nhà cửa xây lên từ tiền bán máu nhưng rồi bị bỏ hoang, hôi hám, ẩm thấp, ảm đạm vì người lần lượt chết dần. Có người bán máu nuôi vợ con với những khao khát viển vông để rồi nhiễm bệnh, qua đời, gia đình ly tán. Hay như Đinh Huy, người tưởng chừng như có trong tay tất cả, từ tiền tài, nhà cửa, đất đai cho đến uy danh, chức tước, nhưng rồi trong một phút ngắn ngủi bất thần ngã gục sau cú đánh trời giáng của chính cha mình.  

Mộng mị trong truyền thống thuyết thoại Trung Hoa là như thế. Chúng thường bao quát những thực tại khổng lồ, đẹp, huy hoàng, rực rỡ. Nhưng đau đớn và độc ác. Cái ác dường như đã trở thành căn cốt của những tự sự về mộng của người Trung Quốc. Nó quăng quật người ta đến những chỗ tận cùng. Nó nâng người ta lên, cho người ta bay bổng rồi kéo tuột người ta xuống, thậm chí vùi người ta xuống đất cát bùn lầy. Nó bày ra trước mắt người ta những yến tiệc tưng bừng, những hội hè say đắm. Nhưng rồi nó đuổi cổ người ta đi, nó lưu đày người ta đến những chốn tuyệt vọng và đau thương cùng cực.

Tiếp nối và thừa hưởng từ truyền thống xem cái tàn ác như một phạm trù thẩm mỹ như thế, nhưng Diêm Liên Khoa không phải không có những sáng tạo nhất định của riêng ông. Viết Đinh Trang mộng, rõ ràng Diêm Liên Khoa đã nỗ lực tạo dựng một thế giới mà ở đó sự triển hoạt theo chiều âm, chiều diệt vong của những tự sự về mộng mị Trung Hoa xưa bị thay thế bởi một gia tốc khác: một lực đẩy về phía cái sống.

Nếu trong Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần xây dựng một bức tranh mơ màng phù thế đầy chất sống, để rồi đánh thức tất cả, quăng quật tất cả vào cõi gió bụi ở cuối truyện, thì trong tiểu thuyết của mình, Diêm Liên Khoa làm ngược lại. Ông ngả hẳn về phía của sự tỉnh mộng, của máu và nước mắt, ngay từ đầu. Nhưng cũng chính từ sự ngả theo một chiều hướng khác như thế, Diêm Liên Khoa đã quan sát được những dòng nhựa sống cuộn lên, tươi mới, tân kỳ. Ông thấy trong hai con người mang bệnh nhiệt trầm trọng Đinh Lượng và Linh Linh cái khát khao được yêu, được sống, được làm tình. Ống thấy trong Đinh Thủy Dương cái áy náy, giằng xé, đớn đau của một con người bị phân thành nhiều mảnh, một bên là lòng thương con, một bên là lòng nhân, lòng bác ái, một bên khác lại là chính nghĩa, sự phụng sự đạo đức và chân lý,…

Điều này cũng lý giải vì sao Diêm Liên Khoa lại dẫn ra, ngay từ trang đầu tiên, huyền thoại về bảy con bò xấu xí nuốt bảy con bò xinh đẹp mập mạp và bảy bông mạch ốm yếu nuốt lấy bảy bông mạch tròn căng trong Sáng thế ký, Kinh Cựu Ước; hay vì sao ở những dòng cuối cùng, ở cơn chiêm bao cuối tác phẩm của ông lão Đinh Thủy Dương, hình ảnh một người đàn bà với nhành dương liễu và những người bùn xuất hiện. Tôi cho Diêm Liên Khoa, khi viết về những điều như thế, đã ý thức và hiểu rất rõ rằng, sự khai sinh của loài người đi ra từ chính trong những tuyệt vọng đau đớn nhất của người.

Cơn sốt đầy máu và bệnh nhiệt ở Đinh Trang trong tiểu thuyết của ông, vì thế, cũng giống như một cơn hồng thủy quét qua. Nhưng không phải để tuyệt diệt. Mà là để tái sinh. Tái sinh con người. Và tái sinh những điều giúp con người trở lại làm người.

Nguyễn Đình Minh Khuê


[1] Theo lời của Minh Thương – dịch giả Đinh Trang mộng. Xin xem phần ‘Lời bạt’ của Minh Thương trong Diêm Liên Khoa (2019), Đinh Trang mộng, Minh Thương dịch, Tao Đàn và NXB. Hội nhà văn, tr.348-349.

Thông tin truy cập

62981007
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5046
18300
62981007

Thành viên trực tuyến

Đang có 314 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website