Quan niệm văn chương của Phan Thanh Giản

1. Phan Thanh Giản và Lương Khê thi văn thảo 

Phan Thanh Giản (1796-1867) là tiến sĩ khai khoa của Nam Kỳ. Ông đỗ cử nhân tại trường thi Gia Định năm 1825, xếp thứ hai trong 15 người thi đỗ kỳ thi năm ấy. Năm 1826, ông tiếp tục ra kinh đô dự thi kỳ thi Hội, mùa xuân năm Minh Mạng thứ 7, ông được đỗ vớt nhờ lời nói của vua Minh Mạng nói với các quan Lương Tiến Tường và Hoàng Kim Xán thành ra ông đứng thứ mười trong số 10 vị tiến sĩ khoa đó. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện sử học Việt Nam, NXB. Giáo dục, tập 2, tr.489.) Thế nhưng kỳ thi Điện năm ấy, Phan Thanh Giản đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, chỉ xếp sau đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân Hoàng Tế Mỹ và Nguyễn Huy Hựu (Đại Nam thực lục, tập 2, tr.502-503). Từ đây Phan Thanh Giản bắt đầu con đường làm quan với triều Nguyễn.

Dưới thời vua Minh Mạng, khởi từ chức Hàn lâm viện biên tu, ông được thăng chức Tri phủ Quảng Bình (1826), rồi thăng lên thự Viên ngoại lang, thự Lang trung bộ Hình (1827) Theo Phan Thanh Giản (Thụ Quảng Bình tham hiệp tạ biểu), làm Phủ doãn Thừa Thiên (1829) (Đại Nam thực lục, tập 2, tr.912-913), giữ chức Tả thị lang Lễ bộ làm việc ở Nội các (1830), đổi làm Hiệp trấn Quảng Nam (1831), một năm sau ông được phong làm Hồng lô tự khanh, sung làm giáp phó sứ sang nhà Thanh (Đại Nam thực lục, tập 3, tr.7, 135, 406). Tháng giêng năm 1835, Phan Thanh Giản làm Đại lý Tự khanh, kiêm làm công việc bộ Hình, và lần đầu tiên được sung làm Cơ mật viện đại thần (Đại Nam thực lục, tập 4, tr.482). Trong đời làm quan của Phan Thanh Giản, ông nhiều lần bị giáng chức rồi lại được thăng chuyển.

Dưới thời vua Thiệu Trị, Phan Thanh Giản được thăng chức Tả thị lang bộ Binh sung Cơ mật viện đại thần. Rồi lần lượt thăng chức thượng thư các bộ Hình, bộ Lễ, bộ Lại và sung vào làm Cơ mật viện đại thần. (Đại Nam thực lục, tập 6, tr.841, 918; tập 7, tr.61).

Dưới thời vua Tự Đức, Phan Thanh Giản giữ nhiều chức vụ quan trọng, làm Kinh lược sứ Tả kỳ lĩnh Tổng đốc Bình - Phú đổi sung Kinh lược phó sứ Nam Kỳ, lĩnh chức Tuần phủ Gia Định, kiêm coi các đạo Biên Hoà và Long - Tường, An – Hà, lại được thăng thự Hiệp biện Đại học sĩ. Năm 1861, Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh đồn Kỳ Hòa, chiếm Sài Gòn, Định Tường, Biên Hòa, hạ thành Vĩnh Long. Tháng 4 năm 1862, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp được chỉ định làm công sứ toàn quyền để điều đình hoà ước nhường cho Pháp 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hoà, đồng thời nộp khoảng tiền bồi thường 4 triệu đồng bạc trong 10 năm, bị thất bại. Phan Thanh Giản bị bổ nhiệm tới Vĩnh Long, Lâm Duy Hiệp bổ nhiệm tới Bình Thuận. Tháng 5 năm1863, triều đình cử Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguỵ Khắc Đản đi sang sứ Tây dương để thương thuyết về các điều khoản trong hoà ước. Tháng 2 năm 1864, sau chuyến đi sứ sang Tây về, Phan Thanh Giản được giữ chức Thượng thư bộ Lại, rồi Thượng thư bộ Hộ. (Đại Nam thực lục, tập 7, tr.193, 260, 812-814, 839, 843).  

Năm 1865, tháng 8, Phan Thanh Giản dâng sớ xin về hưu vì tuổi già sức yếu nhưng vua không cho, lại được phong Hiệp biện đại học sĩ, lĩnh Thượng thư bộ Hộ, Kinh lược đại thần 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Nhiều lần ông được phái đi thương thuyết cùng người Pháp nhưng không có kết quả. Bấy giờ Phan Thanh Giản đã 70 tuổi, mệt mỏi, bệnh tật, ông xin từ chức. Vua Tự Đức lại từ chối, khiển trách và yêu cầu ông hoàn thành sứ mệnh lấy lại tỉnh Nam Kỳ. Thế nhưng đến tháng 6, năm 1867, Pháp chiếm Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên trong sự bất lực của cả triều đình, Phan Thanh Giản tự thu xếp gửi về triều tờ sớ cuối cùng với toàn bộ ấn tín, trang phục triều đình. Sau 17 ngày nhịn ăn, ông tự tử, vào ngày 5 tháng 7 năm Đinh Mão, 1867, thọ 72 tuổi. Tháng 11 năm sau, 1868, vua Tự Đức cùng đình thần luận tội và định tội các quan để mất sáu tỉnh Nam Kỳ, với Phan Thanh Giản bị truy đoạt mọi phẩm tước, xoá tên Phan Thanh Giản khỏi bia tiến sĩ. (Đại Nam thực lục, tập 7, tr.944, 965-966, 991, 1058-1059, 1140-1142).

Hơn 40 năm làm quan, kể từ 1826 đến 1867, ông nổi tiếng mẫn cán, thanh liêm và thương dân, nhưng những năm cuối đời ông đã đi một bước “lỡ chân” khiến cho ý nguyện không thành, và đeo vào mình án “mãi quốc” suốt trăm năm chưa dứt. Đấy có lẽ cũng là lý do chính khi nhắc đến cái tên Phan Thanh Giản, người ta chỉ nhấn mạnh vai trò nhà chính trị, một mệnh quan triều đình để mất Nam Kỳ lục tỉnh, hầu như phủ nhận mọi công đức cùng những đóng góp cho văn học và sử học của Việt Nam.

Không tính đến những tác phẩm mà Phan Thanh Giản làm tổng tài biên soạn, sự nghiệp văn chương của Phan Thanh Giản cho đến nay còn các thi văn tập chính sau:

- Lương Khê thi văn thảo梁溪詩草 , bản khắc in,VHv.151, gồm 290 trang, 25 x 16 cm; A.2125, gồm 298 trang, 25,5 x 15 cm; A.255 gồm 264 trang, 30,5 x 21,5 cm, chép tay. 454 bài thơ (bản A.2125 có bổ sung 20 bài) tả cảnh Kinh đô, trên đường vào Nam, đường sang Trung Quốc, đường sang Pháp, thơ từ biệt gia đình, khóc bạn, ứng chế...

- Ước phu tiên sinh thi tập約夫先生詩集 , bản chép tay, 50 trang, 32 x 22 cm, ký hiệu A.468, gồm khoảng 85 bài thơ, văn của Phan Thanh Giản: tiễn, hạ, ứng chế, dụ, họa, tặng, lỗi văn, tế văn, thư…

- Sứ trình thi tập使程詩集 ,bản chép tay, 94 trang, 30x19.5 cm, ký hiệu A.1123, gồm 147 bài thơ đề vịnh, ngẫu tác, tức cảnh, tự thuật, hoài cổ, tặng hoạ thơ bạn bè... làm trên đường đi sứ Trung Quốc: vịnh miếu Phục Ba, đền Gia Cát, qua núi Vọng Phu, chùa Tương Sơn, mưa tạnh, đêm thu, về đến Nam Ninh...

Nhưng cho đến nay, thơ văn Phan Thanh Giản chủ yếu được biết đến là tập Lương Khê thi văn thảo do chính ông cùng các con trai sưu tầm, biên tập, Phan Thanh Giản tự tay viết bài tiểu tựa cho tập thơ (1866), Tùng Thiện Vương viết lời tựa (1867), được khắc in năm 1876. Tập Lương Khê thi văn thảo này dầu được giới nghiên cứu chú ý, nhưng công tác dịch thuật giới thiệu từ đó đến trước những năm đầu thế kỷ 21 vẫn còn chưa đầy đủ. Năm 2005, Phan Thị Minh Lễ và Chương Thâu chủ trương biên soạn Thơ văn Phan Thanh Giản ra mắt độc giả mới được xem là đầy đủ nhất. Đây cũng là tiền đề để học giới hiện đại quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ, để hiểu sâu hơn về một người có số phận lịch sử đầy bi kịch.

Trong bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu những quan niệm văn chương của Phan Thanh Giản thông qua thực tế sáng tác phong phú của ông trong khi chờ đợi một nghiên cứu sâu và toàn diện về nhân vật này.

2. Quan niệm văn chương từ thực tiễn sáng tác của Phan Thanh Giản

Quan niệm văn chương của một người bao giờ cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng chính trị học thuật, phát triển trên cơ sở thực tiễn cuộc sống. Đó là những ý kiến thể hiện quan điểm, cách nhìn của một người về văn chương nghệ thuật, có thể được phát biểu trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện trong tác phẩm.

Phan Thanh Giản, theo Nguyễn Thông, “là một tay cừ trong làng văn”, đặc biệt làng văn ấy là triều Nguyễn – một triều đại hưng thịnh về văn học, với nhiều tên tuổi lớn để lại nhiều thi tập và cả những tư tưởng lý luận văn chương sắc sảo giá trị, thì việc Phan Thanh Giản sáng tác và bàn về văn học là chuyện không mấy khó hiểu. Tuy nhiên, với bản tính ôn hòa đã định hình nên một phong cách văn chương nhẹ nhàng, ít khi thể hiện quan điểm một cách trực tiếp thành những vấn đề có tính lý luận. Do vậy, đối với tác giả này, vừa phải căn cứ tình hình thực tiễn sáng tác vừa phải căn cứ vào những ý kiến phát biểu thông qua thơ văn, tựa, bạt, và cả nhận định của người đương thời để thiết lập khái quát quan niệm văn chương của ông.

2.1. Văn chương để tải đạo và ngôn chí

Phan Thanh giản là một nhà nho, do đó Lương Khê thi văn thảo vẫn chịu ảnh hưởng tinh thần “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” truyền thống. Khi ông bàn về các vấn đề về lòng nhân, hiếu, đễ, danh và hiếu danh, về lòng trung, người đọc có cảm giác đây là sự “trở về” với Nho học, song không đơn thuần chỉ là sự “quay lại” mà còn là sự tái bàn luận tư tưởng Nho học sau khi ông đã đủ thấm nhuần từ việc “miệt mài nấu sử sôi kinh” suốt ba mươi năm tuổi trẻ và sự trải nghiệm cuộc sống đủ dày dặn trong hơn bốn mươi năm quan trường. Tuy nhiên, ở mỗi bài, ông đều thể hiện ý kiến của mình – không phải để ngợi ca, mà để khẳng định những giá trị tích cực của đạo đức thánh hiền: “Phàm, đạo chỉ có một mà thôi, nhưng thời cơ thì vô cùng quan trọng. Vậy nên vận hội có sự khác biệt trước sau và cách dùng đạo cũng theo đó mà lên xuống. Cái học của người quân tử xưa chính ở chỗ cầu nhân, lập thân và xử thế, thảy đều bắt nguồn từ lòng nhân, không chút riêng tư vậy.” (Phan Thanh Giản, Phụng ngự đề luận về hiếu danh).

Hoặc trong bài Luận về hiếu đễ là gốc của đức nhân, Phan Thanh Giản nêu ý kiến của mình: “… người xưa chú rõ là: “Lấy lòng hiếu đễ làm gốc của nhân”. Trình Tử cho rằng câu “nhân là tính, hiếu đễ là dụng” (nếu) dùng để nói về việc thực hiện cái gốc của đức nhân thì được; song nếu bảo nó là gốc của đức nhân thì không thể. Câu nói này e không khỏi đem hiếu đễ đặt bên ngoài sự việc mà đối với nghĩa dường như cũng hoàn toàn xa lạ không hề ăn nhập”. (xin xem thêm các bài luận về hiếu, đễ, nhân của Phan Thanh Giản).

Thực tế, những bài này phần lớn viết theo yêu cầu của nhà vua, mục đích để chấn chỉnh, khẳng định lại vị trí của Nho học nhằm chống lại ảnh hưởng văn hoá của phương Tây. Từ thực tiễn sáng tác rất phong phú của Phan Thanh Giản cả về thể loại lẫn đề tài nội dung, người đọc dễ dàng nhận thấy quan niệm “văn dĩ tải đạo” và “thi dĩ ngôn chí”. Tuy nhiên, cần phải được hiểu khái niệm “đạo” và “chí” theo nghĩa rộng chứ không phải bó hẹp trong đạo lý thánh hiền và chí người quân tử một cách cứng nhắc. Có vậy mới thấy, sự linh hoạt trong khi tiếp nhận các tư tưởng cổ xưa của các nhà thơ nhà văn trung cận đại Việt Nam.

2.2. Sự thận trọng trong sáng tác văn chương

Phan Thanh Giản cho rằng nghề văn cũng như những nghề khác, rằng không được cẩu thả. Nguyễn Thông xác minh điều này:“Trước đây, nhân được kết giao với Phan Lương Khê tiên sinh, lúc nhàn rỗi ông có bàn về nghề này, lần nào cũng khuyên lấy sự không cẩu thả làm điều răn.” (Nguyễn Thông, Kỳ Xuyên thi sao tự tự, Đoàn Lê Giang biên tập, chú dịch).

Trong bài Ký về cua đá, ông viết: “Người viết sách Ô Châu do cả tin nên còn chưa tìm hiểu kỹ. Vị y sĩ nghe chuyện, song cũng thiếu tỏ tường. Ta nghe rằng cua biển lâu năm, bọt biển bao phủ thì sẽ thành hóa thạch. Nay đã nhìn thấy rõ. Chao ôi, nghiên cứu con cua đá đó, có lẽ là biết được đạo chăng?” (Phan Thanh Giản, Thạch giải ký).[1]

Từ một việc cụ thể như thế để thấy rằng ý thức trách nhiệm khi đặt bút viết nên điều gì đó cần cân nhắc rất kỹ lưỡng, bởi văn chương không chỉ phản ánh tính cách con người, mà nó còn ảnh hưởng đến người khác.

2.3. Văn chương như một phương tiện để lưu giữ những câu chuyện truyền đời

Chức năng của văn chương được Phan Thanh Giản nhận thức rõ, cho nên tính mục đích và ý thức vai trò của người cầm bút cũng được ông chú ý. Đến mỗi địa danh, ông đều tìm hiểu, ghi chép lại. Ở phương diện này ông vừa thể hiện vai trò nhà viết sử, một nhà khảo cứu văn hóa hơn một nhà văn, nhưng chất văn vẫn thấm đẫm trong đó, đã phản ánh tinh thần văn sử triết bất phân rất quen thuộc của văn học trung đại.

Không những xem việc sáng tác văn chương như một phương tiện để lưu giữ những tư tưởng, tình cảm, sự việc cá nhân, hay ghi lại những câu chuyện dân gian từ việc điền dã thực tế, Phan Thanh Giản còn thấy được chức năng ghi chép, thuật sự của thể loại ký nói riêng, văn chương nói chung. Nhiều bài ký của Phan Thanh Giản cho thấy một bút pháp vừa chân thật vừa sinh động, vừa ghi chép mà cũng vừa luận bàn. Có lần ông nghe chuyện về thần nữ Thiên Y A Na, ông đã viết bài ký và sau đó dựng thành bia để người đời sau được hiểu, ghi lại sự việc cũng là một chứng cứ để khảo cứu về sau: “Nghe chuyện xưa Thiên Y chúa, hận không thư tịch khảo xem. Đường qua Khánh Hoà, cất công tìm hỏi, đặng người già lão kể cho nghe cùng với giai thoại nhân gian còn lưu truyền, mà khái lược cũng nên đầu mối”. (Phan Thanh Giản, Thiên Y thần nữ ký)

Trong bài minh viết trên bia mộ của Võ Trường Toản, người thầy chung của trí thức Nam Bộ, Phan Thanh Giản nhấn mạnh đến việc thuật sự để người đời sau được biết: “Chúng tôi lo sợ lâu năm, thời buổi đổi thay, sau này người không biết tới để chiêm ngưỡng, nên kính cẩn thuật lại bài minh này.” (Phan Thanh Giản, Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh bi minh)

Trong bài tự đề tựa cho tập thơ của ông, Phan Thanh Giản nói rõ:

“Lại nghĩ: mình đây lớn lên trong lúc bôn tẩu, đâu phải sáng tác văn chương để tranh với đời, chẳng qua chỉ để ghi chép việc làm mà thôi. Nay đã già rồi, ví không lưu lại chút văn chương, thì tâm tích lúc bình sinh, con cháu về sau làm sao biết được. Nếu thật chẳng đủ để lại cho người đời biết, lẽ nào lại chẳng đủ để cho con cháu biết hay sao?...” (Phan Thanh Giản, Lương Khê tiểu thảo tự tự)

2.4. Đề cao tính chân thật trong sáng tác văn chương

Đối với việc sáng tác văn chương, Phan Thanh Giản yêu cầu cần chân thật. Chân thật từ việc ghi chép, chân thật trong ngôn từ, và chân thật cả trong tư tưởng tình cảm.

Trong bài văn điếu Ngô Dưỡng Hạo, ông nói “cái thực làm nên lời điếu văn trang trọng” (Phan Thanh Giản, Lỗi Ngô Sư Mạnh Dưỡng hạo thư). Quan điểm này thống nhất cả trong văn và thơ, đều “ghi chép việc làm lúc đương thời”, ngòi bút của ông hướng vào hiện thực, xuất phát từ hiện thực. Viết về một người thầy với tinh thần đầy sự ngưỡng mộ thành kính, viết về cha đầy sự yêu kính trăn trở, viết về bạn bè, đồng môn, người vợ tảo tần, người anh, người em hàm chứa sự biết ơn chân thành.

Trên đường lên kinh, Phan Thanh Giản bày tỏ mộc mạc bằng những lời chân thành khi viết về người vợ quá cố:

Mạc mạc yên lung bích thụ,

Doanh doanh thuỷ tẩm bình điền.

Viễn biệt thuỷ tòng kim dạ,

Tái lai định thị hà niên?

(Mịt mờ khói trùm cây xanh,

Giàn giụa nước ngấm ruộng bằng.

Từ đêm nay lên đường xa cách,

Biết năm nào mới trở lại nơi đây?)

(Phan Thanh Giản, Mỹ An dạ phát – Vu kinh thảo)

Sau khi đến kinh đô, ông lại viết:

Hợp hoan hoa lạc dã đình tây,

Thảo mãn nhàn đường thuỷ mãn khê.

Mã liệp hàn đôi thanh tiển thấp,

Hà tu kinh yểm ám trần thê.

Thu thâm cựu phố bi hồng trảo,

Nguyệt lãnh không lương nhận yến nê.

Tự thị Phan lang đa khổ tứ,

Điệu vong hữu cú bất kham đề.

(Hoa me rụng rơi bên mé tây đình quê,

Cỏ đầy bờ ao, nước tràn khe.

Mộ phần lạnh lẽo, rêu xanh ướt đẫm,

Rèm cửa từng che bụi, nay bụi ám đầy.

Tiết thu lạnh trên bến sông xưa, buồn vết chân chim hồng,

Trăng lạnh soi rường nhà trống, nhận ra dấu bùn chim én.

Từ đây chàng Phan lòng càng sầu khổ,

Có câu thơ thương người đã mất nhưng chẳng viết nên lời.)

(Phan Thanh Giản, Mỹ An thư cảm – Vu kinh hậu thảo)

Nhìn chung, lối viết văn giản dị, tình cảm, thẳng thắn với tính cách ôn hòa, “ngộ sự cảm ngôn” của Phan Thanh Giản, phù hợp với quan điểm của Khổng Tử “văn trọng cái thực hơn là sự trang sức hư ngụy”.

Mười bài thơ và một bài văn khóc Lê Bích Ngô được ông xếp vào tập Toái cầm (Đập đàn) là nỗi niềm thương tiếc, tình cảm chân thành dung dị:

 Sinh biệt thuỳ giao tử biệt sầu,

Hải nhi đào tả lệ ngân lưu.

Tố giao linh lạc đào viên lãnh,

Hàn điểu y anh xuân tháp u.

Vạn lý thanh sơn hoành thảo thụ,

Nhất thiên hồng vũ ám tùng thu.

Khách trung duy hữu âm thư hảo,

Vô vị ai thư viễn cánh bưu.

(Ai xui ta sống thì cách biệt, khi mất cũng chẳng gặp nhau thêm sầu,

Sóng biển trào dâng cùng ngấn lệ trôi.

Mối giao tình chân chất nay tan tác, nơi vườn đào lạnh lẽo,

Chim lạnh lùng kêu thảm, giường xuân vắng tanh.

Núi xanh vạn dặm cách trở, cỏ cây ngang che,

Bầu trời mưa sắc đỏ ám mờ phần mộ.

Nơi đất khách, chỉ mong có tin thư tốt,

Nào ngờ chỉ có tin buồn từ xa đưa tới.)

(Phan Thanh Giản, Toái cầm thi khốc Lê Bích Ngô, bài 2 – Toái cầm thảo)

Trong bài văn khóc bạn Lê Bích Ngô, Phan Thanh Giản chân thật từ lời lẽ đến cảm xúc. Người đọc hình dung một Lê Bích Ngô hiếu thuận hiền hoà, tài năng, một nhân cách cao đẹp, mà cũng thấy được một Phan Thanh Giản bình thường, nghèo khó:

“Tôi và anh Lê quen biết đã lâu. Tôi được biết dòng họ anh khen là người hiếu đễ, làng xóm khen là thuận hoà. Tôi xa cách anh Lê cũng đã lâu, nhưng tôi còn nhớ, thần thái anh nhàn nhã mà khí chất bình ổn, phẩm cách anh đẹp đẽ mà việc làm cao cả. Lặng lẽ thận trọng mà cũng linh hoạt trọn vẹn, bên ngoài hồn hậu mà bên trong tỉ mỉ, ấy là ai? Là anh Lê đó. Ấm áp như ngọc, đạm bạc như cúc, thơm tho như hương lan, ấy là ai? Là anh Lê vậy. Lại như cánh hạc lẻ trên bầu không, riêng mình bay đùa, mây trắng trên sông, mặc tình cuộn trôi, là ai thế? Là anh Lê vậy. Học thì tìm tòi soi chiếu mà cóp nhặt nhưng không rơi vào tầm thường, làm văn thì ý lời như lụa vàng mà cấu tứ chẳng theo thói đời thích, là ai thế? Là anh Lê vậy. Than ôi đau đớn bấy, anh Lê mất rồi, tôi biết nói gì đây.”

“… Tôi thường có điều phóng túng, anh liền dạy bảo tôi, thường khuyên răn tôi. Mỗi khi tôi có điều không phải, anh liền tỏ ý hổ thẹn mà bỏ hết những điều hẹp hòi. Tôi lúc trước nhà gặp khó khăn, anh liền giúp đỡ mọi thứ, chia tiền xẻ áo, chẳng chút tỏ vẻ ra ơn. Tình tương giao, co tay đếm đã hơn hai chục năm mà như một ngày. Tôi đi làm việc nơi xa, anh liền thay tôi hỏi thăm cha già, lại lo biên thư khoẻ mạnh để an ủi tôi. Còn nhớ khi tôi ra làm quan, anh thường nhiều lần viết thư khuyên tôi hãy cần cù thanh bạch, anh thường nhắc nhở, tôi luôn bội phục.”

(Phan Thanh Giản, Khốc văn – Toái cầm thảo)

Phan Thanh Giản từng nói “trân trọng bày tỏ tình cảm bằng mấy vần thơ” (trịnh trọng cảm thi thiên) như ông đã nói trong bài Đáp Hà Hải Ông nhị thập lục vận. Ông tán thành quan niệm thơ ca là phương tiện thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình, biểu thị thái độ của mình đối với những hiện tượng của cuộc sống và trạng thái chính trị đương thời, như các bậc tiền bối trước đó.

Trước hết, ông xác định mục đích sáng tác của mình là để lưu lại “tâm tích lúc bình sinh”. Với mục đích của ông là viết cho con cháu – mục đích rất cá nhân – cho nên những lời lẽ này, chúng ta tin là thật lòng vì viết cho con cháu mình – giãi bày tâm sự với con cháu thì sẽ không cần đến những lời màu mè, đãi bôi, khoa trương phóng đại. Ghi lại tình cảnh thực tại của ông với nhiều ghi chú bổ ích để người đọc có thể biết rõ về tác phẩm. Ta hiểu sâu thêm vì sao thơ của ông chỉ nhẹ nhàng, ít hùng tráng, sôi nổi vì đó là đang dốc bầu tâm sự - đang đối thoại với cháu con. Nhờ những ghi chép ấy, hậu thế đã hình dung phần nào về thời cuộc, biết được cảnh ngộ, suy tư của ông trước hiện thực ấy.

2.5. Văn chương phản ánh hiện thực, tư tưởng và tình cảm cá nhân

Hiện thực trong thơ của ông là những tên đất, tên người cụ thể, là những cảnh sinh hoạt thực tế của cuộc sống này từ cảnh kiếm sống, khung cảnh lao động vui tươi trong tập Thái hương thảo, Vu kinh thảo, Ba Giang thảo… cho tới những cảnh loạn lạc li tán, chết chóc trong chiến tranh trong tập Thuật chinh thảo, đều là những điều có thực. Mỗi địa danh ông đi qua đều được ghi lại, bằng những dấu tích cụ thể, là Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên, Khánh Hoà, Thái Nguyên,… và nhiều vùng đất khác, dù trong nước hay nước ngoài thì sáng tác của Phan Thanh Giản đều đã tái hiện lại cuộc sống, tình cảnh của người dân, cả cảnh vật non nước của những nơi ông đến. Đây là cảnh sinh hoạt của người dân ở vùng biển Bình Thuận, Phan Rang:

Lịch tận sa nhai dữ thuỷ ôi,

Thử gian phong vật đỗng nhiên khai.

Lư diêm phác địa thành cư tụ,

Khả hạm mê tân nhậm tố hồi.

Mại thái nhi đồng thanh động xuất,

Cô ngư phụ nữ lục tân hồi.

Tòng du tích tuế kinh qua xứ,

Do tự phân minh nhận đắc lai.

(Đi hết đồi cát và khuỷu sông,

Cảnh vật nơi đây mở ra thật rõ ràng.

Cổng làng dựng trên đất thành nơi quây quần sinh sống,

Thuyền ghe lạc bến mặc tình xoay tìm chỗ đậu.

Đứa trẻ bán rau từ hang núi xanh đi ra,

Người đàn bà bán cá quay về bến nước biếc.

Đây là nơi năm xưa ta đã đi qua,

Nên vẫn còn tự nhận ra được.)

(Phan Thanh Giản, Thuận Phan – Vu kinh thảo)

Hoặc cảnh sinh hoạt của người dân Phú Yên:

Tải hoá nhi đồng khiên tẫn mã,

Sấn triền phụ nữ quải tân lang.

Tân lang thị thượng nhân yên tụ,

Dịch lạc phồn hoa để Phú Đường.

(Trẻ nhỏ chở hàng dắt ngựa cái,

Phụ nữ đi chợ quải gánh trầu cau.

Trên chợ trầu cau, người họp đông như khói,

Nhà nhà nối liền sầm uất đến Phú Đường.)

(Phan Thanh Giản, Phú Yên đồ trung tạp vịnh – Vu kinh thảo)

Cuộc sống lao động của người dân nghèo đã bước vào thơ ông một cách tự nhiên, đúng với bản chất của họ, hiền lành, siêng lao động, cho thấy đối tượng phản ảnh đã được mở rộng. Nó không phải là ngư tiều canh mục như hệ thống thi pháp cổ mà là con người hiện lên với hình ảnh thực, tươi sáng, chất phác, hồn hậu, và cả những khổ đau từ chính cuộc đời này.

Vạn lý hỉ quy khách,

Y than sổ thập gia.

Sơn đăng hồng động chử,

Thôn nguyệt bạch phiên sa.

Niên thuyết xuân lai hạn,

Nhân ư thu vọng xa.

Canh sầu lư hạng tích,

Tân khổ thị sinh nhai.

(Khách vui vẻ được trở về từ ngàn dặm xa,

Mấy chục nóc nhà ở trên bãi sông.

Ngọn đèn trên núi sáng hồng cả bến nước,

Ánh trăng nơi xóm làng soi trắng bờ cát nghiêng.

Người có tuổi nói từ mùa xuân đến trời hạn hán,

Bao người mong thu đến nhưng còn xa.

Lòng sầu thêm vì ở nơi xóm quê hẻo lánh,

Cuộc mưu sinh càng khó nhọc đắng cay.)

(Phan Thanh Giản, Trường Cảnh dạ bạc – Ba Lăng thảo)

Trong cuộc “sở kiến hành” ông để lại cảm xúc vui, buồn, những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, và sự thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan sau những biến cố của cuộc đời, sự đổi thay của thời cuộc. Bài Nhập quan là một ví dụ cho sự thay đổi ấy:

Tích ngã xuất thử quan,

Xuân thảo nhung nhung trưởng.

Kim ngã nhập thử quan,

Tuế nguyệt hốt di vãng.

Thế sự phân như tích,

Khách tâm dĩ tiêu sưởng.       

Lư thị bán khâu khư,

Phong yên cập trăn mãng

Khả liên Nam Kỳ dân,

Niên lai kinh bá đãng.

(Ngày trước ta ra đi từ cửa quan này,

Cỏ mùa xuân tốt tươi mơn mởn.

Nay ta về vào cửa quan này,

Năm tháng thoăn thoắt đi qua.

Việc đời chất chứa những rối ren,

Lòng khách dễ sinh buồn cảm.

Làng quê kẻ chợ một nửa đã thành gò bãi,

Dấu vết khói lửa tiếp đến là bụi cỏ rậm.

Đáng thương thay cho dân Nam Kỳ,

Mấy năm nay bị phiêu bạt cơ cực.)

(Phan Thanh Giản, Nhập quan – Kim Đài thảo)

Chỉ với vài nét vẽ, tác giả đã khái quát lên tình trạng của đất nước lúc bấy giờ, là mất mùa do hạn hán, thiên tai, là binh biến loạn lạc, là đời sống điêu linh của người dân. Nó gợi nhớ cuộc nổi dậy của Nùng Văn Vân, 1833, sự ác liệt, dai dẳng, tàn phá của chiến tranh và tính chất phi lý của chiến tranh không hề được nhắc tới nhưng chúng ta vẫn biết được khi thấy cảnh phiêu bạt cơ cực không chỉ của người dân, nhất là dân Nam Kỳ - một vùng quê vốn nổi tiếng trù phú và thanh bình, mà nhân dân cả nước cùng chịu khổ đau, khốn cùng. Nếu không hướng vào hiện thực, nhập thân vào nỗi đau của người dân, thì một vị quan triều đình khó có thốt ra được tiếng kêu xót xa ấy.

Lênh đênh trên biển cả khi theo đoàn dương trình hiệu lực, Phan Thanh Giản đã suy ngẫm bày tỏ những ước vọng lớn làm yên bình thế giới và cuối cùng là một ước mơ giản dị được trở về với tâm hồn nguyên sơ bằng lời thơ giản dị mà hồn hậu. Chính ước mơ đó dường như đã vận vào cuộc đời ông: về với căn lều nát với tâm hồn nguyên sơ:

Ngao du lục hợp ngoại,

Túng quan thái ốc dĩ.

Thượng dữ hãn mạn kỳ,

Phiêu nhiên tuỳ sở chỉ.

Khủng thử diệc ngẫu nhiên,

Hà tất cùng kỳ quỷ.

Bất như quy tệ lư,

Ngã tâm hữu thái thuỷ.

(Ngao du khắp cả trời đất,

Thoả tình ngắm biển nhìn sông.

Trên hẹn cùng rong chơi giữa bao la,

Phiêu du theo sở thích.

E rằng đó cũng là ngẫu nhiên,

Cần gì nói hết những nơi quái dị.

Không bằng ta trở về căn lều nát,

Lòng ta hồn hậu như thuở ban đầu.)

(Phan Thanh Giản, Hải thượng ngâm – Ba Lăng thảo)

Bàn về tình cảm, trong thơ Lê Quý Đôn cho rằng “Thơ phát khởi từ trong lòng người ta”. Phan Thanh Giản không nói thẳng ra điều này mà ngụ ý tứ của mình khi nhận xét về thơ của Đặng Thuận Xuyên “bên ngoài khói mây sông núi để mà ký thác cái tình tao nhã của mình”. Phan Thanh Giản nhận ra cái tình của Đặng Thuận Xuyên khi ông mô tả “nhặt hương thơm để lại đường xa, hái hoa lan chuẩn bị cho bữa sớm, chỉ nhằm mục đích nói đến những tình cảm lưu luyến nơi quê nhà, nhớ thương cha mẹ rất mực, da diết khôn nguôi” (Phan Thanh Giản, Đặng Thuận Xuyên thi tập tự).

Muốn có thơ hay thì cần có những tình cảm cao cả. Thứ tình cảm ấy phải xuất phát từ một mục đích cao đẹp, khởi phát từ thiện tâm. Phan Thanh Giản cảm nhận được thơ của Trương Đăng Quế hay vì ký gửi tâm tư trĩu nặng của một vị lão tướng luôn canh cánh trong lòng yêu dân, yêu nước: “Nếu tự bản thân tiên sinh không lấy việc muốn nhanh chóng làm lợi cuộc sống dân sinh làm điều lo lắng, không lấy chuyện được thua nơi biên cương làm nỗi ưu tư của chính mình thì có thể được thế chăng?” (Phan Thanh Giản, Trương Diên Phương Học văn dư tập tự)

  1. 2.6. Văn chương và sự trải nghiệm cuộc sống

Người làm văn chương, muốn có thơ hay phải trải nghiệm, thấu hiểu cuộc đời, và muốn bình văn hay càng phải thấu hiểu cuộc đời, về con người ấy một cách sâu sắc hơn, có như thế khi đọc hay bàn luận văn chương mới thấu rõ ý nghĩa sâu xa và những giá trị mà những sáng tác văn chương đưa lại từ việc cảm nhận hơn là việc nghiên cứu tứ thơ cao siêu, vần luật điêu luyện. Muốn có được cái nhìn nhiều chiều kích trong cuộc sống, chỉ có thể quăng mình vào cuộc sống, trải nghiệm nó, khi đó mới có thể viết hay được, bình hay được. Vì cuộc sống thì muôn màu mà kiến thức sách vở thì hữu hạn. Chính sự từng trải của ông, đã chứng minh cho chân lý ấy:

Triêu phát thanh sơn khúc,

Mộ hướng thanh sơn túc.

Nhân sinh bất xuất môn,

Yên tri đa khê cốc?

Sở đắc phi sở tư,

Thanh khiếu chấn giang úc.

(Sáng sớm, lên đường từ eo núi xanh,

Chiều đến, ngủ trọ trên núi xanh.

Con người sống không ra khỏi cửa,

Thì làm sao biết bên ngoài có nhiều suối khe.

Điều mình thu nhận không phải điều mình nghĩ tới,

Huýt sáo vang lên cả chặng sông vắng vẻ.)

Kim niên hành tận sơn,

Khứ niên hành tận hải.

Bình sinh tại hành dịch,

Văn kiến đa vị tải,

Bất cảm bàng nhân thuyết,

Tự gia sở bất giải.

(Năm nay đi hết núi,

Năm ngoái đi hết biển.

Cả đời trên đường đi làm việc,

Nhiều điều tai nghe mắt thấy mà chưa được ghi lại.

Không dám nói dựa theo người khác,

Những điều ở nhà mình không hiểu nổi.)

(Phan Thanh Giản, Ngẫu thành 2, 3 – Kim đài thảo)

Từ thực tiễn sáng tác, ông thể hiện quan điểm khi bình văn chương. Phan Thanh Giản bàn đến nghề bình văn, qua các bài, tựa bạt, điều quan trọng nhất không phải là đi nghiên cứu câu chữ với thanh luật nữa là mà đi tìm sự đồng điệu, tri âm trong văn chương, đó là một điều không dễ làm. Trong bài tựa tâp thơ của Đặng Thuận Xuyên, ông viết:

“Phàm, luận thi tất phải nói đến người. Giao tiếp với người thì sau mới biết người hiền hay dữ. Thử nghiệm sự việc thì sau mới biết việc đó khó hay dễ mức nào. Có từng trải nhiều cảnh ngộ thì sau mới thấu hiểu nỗi khổ niềm vui. Được như vậy thì chẳng có gì đáng phàn nàn, sau đó có thể luận thơ của người ấy. Còn nếu không được như vậy cũng chẳng có gì đáng buồn. Chỉ chuyên về thanh luật, câu chữ để mà luận thơ thì không đáng chăng?” (Phan Thanh Giản, Đặng Thuận Xuyên thi tập tự)

Trong khi viết bài tựa cho tập thơ của Trương Đăng Quế, ông đã bộc bạch: “Ta sinh ra và lớn lên ở phương Nam. Vì muộn màng không được tới cửa bậc đại nhân tiền bối nên học vấn thô lậu, chuyện ngâm vịnh lại càng vụng về. Những nơi giao du không qua một quận một huyện, những điều nhìn biết không quá một gò một hang” (Phan Thanh Giản, Trương Diên Phương Học văn dư tập tự). Vì thế, trước khi đi sứ, đọc thơ của Hà Tôn Quyền ông không thể hiểu được tình ý của Hà Tôn Quyền, và dù muốn viết bài tựa cho tập thơ cũng không thể viết nổi. Chỉ đến khi cùng Hà Tôn Quyền trải qua những trải nghiệm đầy đủ giữa cảnh “Một bầu thơ giữa tám nghìn thứ sóng gió” thì mới hiểu ý thơ của Hà Tôn Quyền, hiểu được nỗi lòng của Hà Tôn Quyền khi ấy:

“Tôi cùng thuyền với tiên sinh Hà Hải Ông đi về phía tây, từng được thấy tập thơ ông gọi là Dương mộng thi tập, như được lên lầu bạch ngọc, ánh sáng chói loà, tựa nhìn xuống hang giao long, u quái áp người. Vẻ linh diệu biến hoá của nó, không thể lường biết được. Tôi lúc đầu không hiểu được ý ấy, đọc lâu mới đột nhiên ngộ ra rằng: “Tiên sinh phải chăng bất đắc dĩ mà có nỗi niềm nên gửi gắm vào đây?” Lòng tôi biết đó mà miệng lại không thể nói ra. Tuy thân ở trong mộng mà lại muốn xem mộng để mong được hiểu cặn kẽ, há không phải là sai lầm sao?” (Phan Thanh Giản, Hà Hải Ông Dương mộng thi tập bạt)

 Đọc những tâm sự của Phan Thanh Giản, gợi nhớ câu thơ của nhà thơ hiện đại Chế Lan Viên:

Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng

Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể, anh ơi!.

Có trải nghiệm đầy đủ những sóng gió cuộc đời, có lăn lộn nơi sa trường, có trải qua những ngày là một lữ khách tha hương trên bước đường vạn dặm đi sứ, ông mới “mở đọc vài lần, bất giác lệ tuôn trào” khi đọc thơ Đặng Thuận Xuyên vì thấu hiểu được nỗi nhớ cha mẹ da diết trên bước đường phiêu bạt. Có trải qua những ngày lênh đênh trên biển khi đi sứ, Phan Thanh Giản mới hiểu được nỗi lòng của Hà Hải Ông trong Dương mộng, hiểu đó là “nơi ký thác nỗi lòng bất đắc dĩ của tiên sinh” như lời ông nói. Hiểu được những điều đó sẽ đạt đến sự tri âm trong văn chương.

3. Tạm kết

Thực tế sáng tác của Phan Thanh Giản phong phú hơn nhiều so với những gì chúng tôi trình bày trên đây, nhưng trong khuôn khổ của một bài báo, bài viết bước đầu nêu ra một vài khía cạnh về quan niệm văn chương của Phan Thanh Giản để chúng ta có thời gian suy nghĩ tiếp về toàn bộ sáng tác của ông. Thơ văn Phan Thanh Giản phản ánh cuộc đời ông, phản ánh bức tranh xã hội trong hơn 70 năm của đất nước dưới thời cai trị của vương triều Nguyễn. Thuộc về nền văn chương ấy, sáng tác văn học của ông nối tiếp dòng chảy mà các nhân sĩ trước đó đã khơi nguồn, đồng thời ghi dấu tâm sự, nỗi niềm, quan niệm riêng về văn chương của ông.

Xin mượn lời của GS. Hoàng Như Mai nhận xét về Phan Thanh Giản làm lời kết cho bài viết: “Cụ là một nho gia. Các văn hào nho gia chân chính quan niệm thơ là “Thi ngôn chí” (làm thơ để nói lên chí hướng của mình). Chí hướng của Phan Thanh Giản được gửi vào trong thơ của cụ…. Các nho gia chân chính bao giờ cũng trân trọng ngọn bút của mình, chữ là chữ thánh hiền, không khi nào các vị dùng chữ nghĩa để gian dối…” (Hoàng Như Mai, Đọc thơ Lương Khê, in trong Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Nxb Hồng Đức, Tạp chí Xưa&Nay tái bản lần thứ 3, 2013, tr.125.).

Chú thích: “Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (VNU-HCM) trong đề tài mã số C2014-18b-03”.

Tài liệu tham khảo

  1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện sử học Việt Nam, tập 2 đến tập 7 (bộ 10 tập), Nxb Giáo dục, 2002-2007.
  2. Phan Thanh Giản, Lương Khê thi văn thảo, bản chữ Hán khắc in, ký hiệu A.2125, lưu trữ tại Thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội.
  3. Đoàn Lê Giang (biên tập, chú dịch), Tư tưởng lý luận văn học trung đại Việt Nam (Tài liệu dùng cho học viên cao học), Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM, TP. HCM, 2009.
  4. Phan Thị Minh Lễ, Chương Thâu biên soạn, Thơ văn Phan Thanh Giản, Nxb Hội nhà văn, 2005.
  5. Vũ Thị Thường sưu tập và biên soạn, Chế Lan Viên toàn tập, Nxb Văn học, 2002.
  6. Nhiều tác giả, Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Nxb Hồng Đức, Tạp chí Xưa&Nay tái bản lần thứ 3, 2013.

[1] Những trích dẫn dịch văn trong bài viết đều trích từ Thơ văn Phan Thanh Giản, Phan Thị Minh Lễ, Chương Thâu biên soạn, NXB Hội nhà văn, 2005.

 

Nguồn: Tạp chí khoa học Văn hóa và Du lịch, số 4 (84), tháng 7/2016

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60516028
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7539
12997
60516028

Thành viên trực tuyến

Đang có 276 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website