Lê Đình Kỵ trong lý luận - phê bình văn học

Nhìn Truyện Kiều như một cấu trúc thẩm mỹ nằm trong toàn bộ thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du và là sản phẩm của một hoàn cảnh xã hội - lịch sử nhất định, Lê Đình Kỵ đã trình bày và biện giải một cách thuyết phục cơ sở tư tưởng - thẩm mỹ cũng như quan niệm về con người và nghệ thuật của nhà thơ. Tác giả cuốn sách đã chỉ ra đâu là huyền thoại và đâu là thực chất trong triết lý về Tài, Mệnh, Tâm của Truyện Kiều. Những trang hay nhất của cuốn sách được dành để viết về thế giới nhân vật đa dạng và sống động của Nguyễn Du, từ Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải cho đến Tú Bà, Hoạn Thư, Mã Giám Sinh… Với giọng văn uyển chuyển và nhuần nhị, những trang sách này có thể xem là một dẫn chứng điển hình về sự tiếp nhận Truyện Kiều từ chỗ đứng của một con người hiện đại có tầm văn hóa cao. Và từ niềm xác tín trên con đường nghiên cứu của mình, Lê Đình Kỵ đã bày tỏ một thái độ nồng nhiệt đối với cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa của Nguyễn Du trong việc nhìn nhận thế giới và con người. Ông viết: "Sức mạnh của câu thơ Kiều không hẳn là ở chỗ khám phá ra những hình tượng chưa ai hình dung được, những ý nghĩ chưa ai ngờ tới, mà là ở cái tình người, tình đời thăm thẳm mà Nguyễn Du đưa vào cái nhìn, cái nghe, cái nghĩ của mình, vào một vầng trăng, một dòng suối, một ngàn dâu, một tiếng chim, một ngọn lá. Đến đá dưới ngòi bút Nguyễn Du cũng mềm đi trước những đau khổ của con người" [11] . Đằng sau đoạn văn này có cả bề dày của một quá trình suy ngẫm về văn học. Ai bảo là những gì tác giả viết ra cách nay gần bốn thập kỷ lại không góp phần soi sáng những vấn đề thời sự của lý luận và thực tiễn văn học, như vấn đề văn học phản ánh hiện thực, vấn đề đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật?
Mặc dù có "sự dè dặt của tác giả trên những vấn đề vốn hóc búa" như Nguyễn Lộc đã nhận xét, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực vẫn là một công trình thể hiện đầy đủ bút lực của một nhà nghiên cứu có uy tín. Cuốn sách gợi cho ta ý nghĩ rằng có lẽ trong đời mình mỗi nhà nghiên cứu chỉ cần viết nên một cuốn sách thật đích đáng. Hẳn tác giả cũng nhận ra rằng các công trình khác của ông, dù có những đóng góp nhất định, vẫn khó lòng vượt qua cuốn sách này. Và khi mà khoa nghiên cứu văn học ngày càng có thêm nhiều công cụ mới do phong cách học, thi pháp học, ký hiệu học… cung cấp, thì công trình này vẫn vừa là một thách đố để các nhà nghiên cứu hôm nay và ngày mai vượt qua, vừa để lại những khoảng trống cho các thế hệ sau tiếp tục tìm tòi, suy nghĩ trên những vấn đề không dễ gì có tiếng nói khoa học sau cùng.
Vấn đề chủ nghĩa hiện thực phương Đông nói chung, chủ nghĩa hiện thực trong văn học cổ điển Việt Nam nói riêng, cho đến nay, chưa phải đã được bàn luận thấu đáo. Thời Lê Đình Kỵ viết cuốn sách này, ở nước ta không phải không có xu hướng vận dụng những tiêu chí của chủ nghĩa hiện thực phương Tây vào việc nghiên cứu những giá trị của văn học cổ điển Việt Nam và đã không tránh khỏi ít nhiều khiên cưỡng. Chính Lê Đình Kỵ cũng nhận thấy rằng chủ nghĩa hiện thực là cái áo quá chật so với cơ thể cường tráng của Truyện Kiều: trong một bản in ở Nhà xuất bản Cửu Long năm 1988, ông đã không ngần ngại đổi tên cuốn sách này là Truyện Kiều, đỉnh cao văn học.
 Thành ra, không thể phủ nhận là có một độ chênh nhất định giữa lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực và thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du. Âu đó cũng là nỗi ám ảnh của một thời. Nhưng đúng như Trần Đình Sử đã nhận xét một cách thỏa đáng, Lê Đình Kỵ đã "vượt lên cái khung ông tự đặt cho mình"  [12]. Và nói một cách công bằng, lý thuyết chủ nghĩa hiện thực, dù còn có phần đơn giản, không phải không cung cấp những gợi ý quan trọng cho nhà nghiên cứu khám phá chiều sâu của nội dung và nghệ thuật Truyện Kiều: "Thành công đáng kể của Lê Đình Kỵ là ông đã vận dụng nhuần nhuyễn các khái niệm tính cách, cá tính, hoàn cảnh, chi tiết để phân tích tính thống nhất toàn vẹn, sinh động của các nhân vật Truyện Kiều. Có thể nói đó là sự nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều theo thi pháp của chủ nghĩa hiện thực. Đồng thời đối chiếu với thi pháp của chủ nghĩa hiện thực cũng làm cho nhà nghiên cứu thấy rõ nhiều đặc trưng nghệ thuật riêng của Truyện Kiều mà ông gọi là “những ràng buộc của mỹ học đương thời…" [13] . Về sau này Lê Đình Kỵ nói rõ hơn ý mình: "Tôi cố gắng tìm hiểu những tư liệu lịch sử về thời đại và cuộc đời Nguyễn Du; căn cứ vào chính văn bản và các hình tượng trong Truyện Kiều để thuyết phục người đọc rằng Truyện Kiều vĩ đại không chỉ vì phương pháp sáng tác mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Bởi vì thực ra những gì mà Nguyễn Du thể hiện qua Truyện Kiều khiến chúng ta chỉ có thể hình dung đến một chủ nghĩa hiện thực phôi thai, một chủ nghĩa hiện thực trong giai đoạn sơ kỳ của nó mà thôi" [14] .
Với tư cách là một nhà phê bình văn học, ngay từ bài phê bình đầu tay in trên báo Văn nghệ năm 1959, Lê Đình Kỵ đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với công việc của các nhà văn Việt Nam hiện đại. Ông đã có nhiều bài viết kịp thời về các sáng tác của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật… Ông cũng suy nghĩ về sứ mệnh của nhà phê bình qua các bài viết về Đặng Thai Mai, Hải Triều, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… Mặc dù không khỏi bị giới hạn bởi tính thời sự của thể loại phê bình, các trang viết của Lê Đình Kỵ vẫn lấp lánh những phát hiện sắc sảo của một tâm hồn mẫn cảm và tinh tế. Những bài phê bình của ông đã lần lượt được tập hợp trong các cuốn sách Đường vào thơ  (NXB Văn học, 1969), Trên đường văn học (2 tập, NXB Văn học, 1995) và Phê bình - nghiên cứu văn học (NXB Giáo dục, 1998). Chuyên phê bình thơ, một số bài viết của ông đã trở thành những bài phê bình tiêu biểu được in lại nhiều lần để làm tài liệu tham khảo trong nhà trường trung học và đại học như các bài về thơ Hồ Chí Minh, thơ Chế Lan Viên, thơ Xuân Diệu…
Cùng với mối quan tâm dành cho văn học hiện đại, càng về sau, Lê Đình Kỵ càng mở rộng tầm khảo sát của mình đến văn học quá khứ của dân tộc. Có thể nói ông là một trong những nhà nghiên cứu đã có công vận dụng lý luận văn học để soi sáng vào những tác gia và tác phẩm cổ điển mà giá trị tưởng chừng đã ổn định, không cần gì phải bàn luận thêm. Hay cũng có thể nói ngược lại, từ việc khảo sát văn học truyền thống, Lê Đình Kỵ đã góp phần làm sáng tỏ quy luật phát triển của văn học nước nhà. Ngoài Truyện Kiều, Văn chiêu hồn và thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ông còn có những trang viết công phu về di sản lý luận của cha ông ta, về Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương và Tú Xương, Chiêu Anh Các và Đông Kinh Nghĩa Thục, cả về những tác phẩm văn học dân gian như Mỵ Châu Trọng Thủy, Chử Đồng Tử, Trương Chi…
Thật ra cũng khó mà phân biệt rạch ròi đâu là tính chất nghiên cứu và đâu là tính chất phê bình trong sự nghiệp trước tác của Lê Đình Kỵ. Từ những bài phê bình riêng lẻ về Tố Hữu, ông đã tổng hợp và nâng cao thành một chuyên luận dày dặn với hơn 500 trang do nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp ấn hành năm 1979, trong đó giới thiệu các chặng đường sáng tác, những chủ đề chính và phong cách tư tưởng - nghệ thuật của nhà thơ. Từ những ý kiến về thơ lãng mạn thời kỳ 1932-1945 được trình bày ở nhiều nơi, Lê Đình Kỵ đã phát triển thành một khảo luận dày 350 trang có nhan đề Thơ Mới – những bước thăng trầm do Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh in năm 1988, tái bản năm 1993. Có thể nói đây là một thành quả mang dấu ấn rõ rệt của thời kỳ đổi mới trong nghiên cứu và phê bình văn học. Trước vị trí không thể thay thế được của Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, cuốn Thơ Mới – những bước thăng trầm đã tiếp cận thơ lãng mạn 1932-1945 từ chỗ đứng của ngày hôm nay, nhìn lại lịch sử vấn đề rất phức tạp của hiện tượng văn học này mà tìm cách "chiêu tuyết" cho nó.
Là một nhà nghiên cứu theo quan điểm mác-xít, Lê Đình Kỵ luôn khẳng định bản chất xã hội của văn học, đồng thời rất coi trọng những đặc trưng của văn học, đề cao sự độc đáo của phong cách và cá tính sáng tạo nơi những bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ trong việc tái hiện đời sống và biểu hiện tâm hồn con người. Những bài viết của ông về Phong cách trong văn học, Tư duy hình tượng và ngôn ngữ văn học, Chân lý nghệ thuật, Nghề văn… chứng minh điều đó. Đó cũng là hướng đi mà ông trung thành trong thực tiễn phê bình.
Nguyễn Văn Hạnh, người từng cộng tác với Lê Đình Kỵ trong việc biên soạn giáo trình lý luận văn học, có lẽ đã hiểu được thế mạnh ngòi bút của ông: "Quan tâm đến cả nội dung và hình thức, cả phương diện tư tưởng, nghệ thuật và ngôn ngữ, cả giá trị nhân văn và thẩm mỹ của văn học, nhưng cũng giống như nhiều nhà nghiên cứu cùng thế hệ, Lê Đình Kỵ có thiên hướng và cũng có sở trường hơn về phân tích nội dung ý thức xã hội của văn học. Nhưng đây là nội dung gắn liền với hình thức, được biểu hiện qua ngôn từ, vần nhịp, giọng điệu, kết cấu, nội dung mang chất nhân bản, nhân văn, thể hiện một cách sinh động, đặc sắc cuộc sống và tâm hồn của người nghệ sĩ"  [15] . Và trong đời một người viết văn – sáng tác cũng như nghiên cứu, phê bình – hạnh phúc nhất là tạo được cho mình một phong cách riêng và phong cách đó lại được đồng nghiệp và bạn đọc thừa nhận: "Lê Đình Kỵ hầu như chỉ viết về những gì mình thích, chỉ nói về cái hay, cái đẹp của thơ, của văn chương. Văn phong của anh biểu đạt cách cảm nghĩ của anh, tâm hồn của anh, sáng sủa, khúc chiết, đồng thời cũng rất uyển chuyển, biến hóa, có duyên. Đọc Lê Đình Kỵ, lắm khi người ta bị lôi cuốn không chỉ bởi nội dung mà còn bởi cách trình bày, bởi những ý, những chi tiết thú vị, bởi văn của người viết. Với sự nhạy cảm và tinh tường quý hiếm ở một nhà nghiên cứu, anh Lê Đình Kỵ thực sự là một người đồng sáng tạo trong tìm hiểu các giá trị thi ca, các giá trị văn chương mà anh đã dành nhiều thời gian để suy ngẫm, chiêm nghiệm, phát hiện ra những vẻ đẹp mới và giới thiệu với mọi người một cách hứng thú và xúc động" [16] .
Nhận xét này cũng gặp gỡ với ý kiến của Nguyễn Lộc, người đã nhiều năm cùng làm việc với Lê Đình Kỵ ở trường đại học: "Có công trình nghiên cứu lúc nào cũng cố tỏ ra đạo mạo, tỉnh táo, tự tách mình ra khỏi tác phẩm, tưởng như thế mới giữ được khách quan "khoa học". Ở Lê Đình Kỵ, trước hết là phải sống hết mình với tác phẩm, phải cảm nhận cho được cái hay cái đẹp của nó, rồi từ đó mới đi vào phân tích, khái quát, diễn giải. Cách làm này quả đã giúp anh có nhiều phát hiện tinh tế gây ấn tượng mạnh và viết được nhiều trang lôi cuốn, hấp dẫn. Đọc văn nghiên cứu của Lê Đình Kỵ, nhiều lúc có cảm giác như đọc văn nghệ thuật được viết ra một cách hứng thú, có cá tính"  [17].

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

64115314
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7260
29843
64115314

Thành viên trực tuyến

Đang có 459 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website