Thơ gửi cho thư

(TBKTSG Xuân) - Anh thân mến, Cải lương Việt Nam tròn một thế kỷ. Người đương thời bày tỏ niềm yêu cải lương với Trăm năm nguồn cội, Câu chuyện Cải lương - thật và đẹp cùng nhiều chuỗi hoạt động tôn vinh loại hình nghệ thuật đặc thù của vùng đất phương Nam.

Đêm Trăm năm nguồn cội, em xúc động vô ngần vì 35 năm qua vẫn được xem NSND Bạch Tuyết thủ vai cô Lựu. Chưa bao giờ cô đong thiếu cảm xúc cho vai diễn, chỉ có đong đầy và đong hậu hĩnh. Em thương cái ngỡ ngàng đỡ bức thơ từ tay Võ Minh Luân, cái thảng thốt biết đứa con “bị kinh phong mà chết” vẫn còn sống của cô Lựu. Em ngờ rằng người nghệ sĩ tài hoa đã tính toan kỹ lưỡng từng cái khoát tay, cái nhíu mày, cái chồm người hay bước tới lui trong chục mét vuông sân khấu. Bởi nó không chỉ chuẩn mực mà còn toát lên hồn vía thần sầu. Lạ lùng thay, cử động của Cải Lương Chi Bảo hết sức nhẹ nhàng; từng cái lắc đầu, giọt nước mắt, tiếng nấc, tiếng thở... vô cùng tiết chế mà lại nặng truyền xúc cảm cho người ngồi bên dưới sân khấu.

20200128

Tú Sương, Quế Trân - những cô bé "đồng ấu Bạch Long" ngày nào - thướt tha, bản lĩnh tiếp nối những vai diễn để đời của tiền bối. Ảnh: T.M

 

Tri ân xiết bao soạn giả tài danh Trần Hữu Trang. Ông đã viết một kịch bản đậm chất văn học, hội tụ hồn vía của ngôn ngữ Nam bộ đầu thế kỷ 20. Ông đã cống hiến cho khán giả một hình tượng nghệ thuật mà mỗi lần tiếp cận là một lần thấy lớn lao, sâu sắc hơn một bậc. Đời cô Lựu chẳng phải lắm phen là đời người nước Nam, phận nước Nam sao!Em mê mẩn đoạn Hội đồng Thăng bắt cô Lựu “Đi vô trong lấy cây baton ra cho tui!”. Một cây baton thôi mà nói lên được tất cả: sự học đòi Phú Lang Sa của bọn hào lý địa phương; mối quan hệ đối kháng, đồng sàng dị mộng giữa một bên là chủ nhà - bạo chúa - kẻ chỉ huy, còn bên kia là người ở không công - người hiền hậu thuần lương - người thần phục; sự đàn áp tinh thần lẫn thể chất phụ nữ của người đàn ông; sự u uất, đè nén đầy bi thiết trong nhiều năm tháng của người đàn bà... Cầm cây baton bằng hai tay, vẻ điềm đạm của bà hội đồng đầu màn diễn vỡ vụn, nhường chỗ cho một cô Lựu ủ ê, sầu ai gan ruột. Không có được tình yêu của cô Lựu, Hội đồng Thăng cay cú, ra sức thể hiện quyền lực nhằm hành hạ, trả đũa người đầu ấp tay gối. Một trong những cách giày vò người đàn bà yếu đuối đó là bắt cô đứng trước mặt mình, giơ cây baton cao hơn, cao hơn nữa. Cô Lựu vẫn tuân theo, như một cái xác không hồn. Chỉ đến khi ông ta gằn từng tiếng: “Mười chín hai mươi năm rồi, bà còn chờ đợi cái gì, còn cái gì để bà chờ đợi, xương cha nó cũng mục chớ đừng nói xương con!”, giọt nước mới tràn ly. Bộ buông gậy, tiếng rền bi thương và nét gục đầu của cô Lựu ở phần cuối đoạn trích cứa thẳng vào tim người xem, khiến họ cứ thế mà sụt sùi nức nở.

NSND Diệp Lang không còn diễn vai Hội đồng Thăng. Một Hội đồng Thăng hằn sâu trong tâm trí khán giả với tất cả sự bủn xỉn, ti tiện, mưu mô, gia trưởng lẫn tuyệt vọng, chỉ cái nết cưng con gái là đáng được cảm thông. Một Hội đồng Thăng vừa ác vừa hài, chỉ nói mà không ca trong màn cao trào của Đời cô Lựu.

NSND Lệ Thủy cũng không sắm vai Kim Anh sáng trong, duyên dáng, hồn hậu, chân thành nữa. Em thèm ngắm tư dung, thèm nghe giọng ca “chuông ngân” trong vắt, cao vút, sắc ngọt có một không hai của cô Lệ Thủy lắm. Bù lại, cô Lệ Thủy tặng khán giả “cuốn” hồi ký trực tuyến Một kiếp cầm ca, sinh ra để hát. Thật may mắn khi được nghe, được nhìn chính người nghệ sĩ mình yêu quý kể lại hành trình trở thành một huyền thoại của cải lương Việt Nam. Những đoạn cô nói về má, không chỉ cô mà người xem cũng rơi nước mắt. Giờ thì em hiểu chính dải đất phương Nam, dọc từ Vĩnh Long lên tới Sài Gòn, đã trổ dưỡng giọng ca ngọt lịm và lối diễn xuất thần tình của cô Lệ Thủy, bằng khổ tận cam lai lẫn cay đắng ngọt bùi.

Cũng trong đêm Trăm năm nguồn cội ấy, em được thấy Tú Sương, Quế Trân, Trinh Trinh - những cô bé “đồng ấu Bạch Long” ngày nào - thướt tha, bản lĩnh tiếp nối những vai diễn để đời của tiền bối. Trinh Trinh đóng vai Kim Anh. Cô đào này hồi nhỏ hay đóng vai mụ, giờ lại chín muồi trong vai phụ nữ trẻ trung. Giọng Trinh Trinh trong và nhẹ, duy có một chi tiết làm em nghĩ mãi. Đoạn cô Lựu gió dập sóng dồi đọc lá thơ của người xưa, Kim Anh Trinh Trinh hát: “Ai đã viết thư, kể chuyện bâng quơ làm cho má rối lòng...”. Em nhớ rất rõ tất cả các bản ca mình từng nghe đều là “Ai đã viết thơ, kể chuyện bâng quơ...”. Là “thơ” chứ không phải là “thư”, anh à!

“Thơ” và “thư”, xét một số nét nghĩa, không có gì khác nhau. Nhưng em nghĩ trong trường hợp này thì phải dùng “thơ”, vì vần “ơ” kéo dài, tạo cảm giác ngân nga cần thiết cho điệu hát, lại ứng với phương ngữ Nam bộ - mảnh đất sinh thành nên bộ môn nghệ thuật cải lương. Không chỉ vậy, phải là “thơ” thì mới vần được với chữ “quơ” ở vế tiếp theo trong câu hát được:

Ai đã viết thơ

Kể chuyện bâng quơ

Chuyện vần điệu, phương ngữ đã đành, ở đây còn là chuyện quen thuộc. Chữ “thơ” đã in dấu vào lòng em và bao nhiêu khán giả mộ điệu, vốn thuộc như cháo vở Đời cô Lựu cũng như bao tuồng hay ngày cũ. Em mở Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của ra, thấy đề như vầy: “Thơ: giấy gởi tin tức, giấy gởi lời thăm; chuyện, vãn” và hàng loạt từ vựng “đặng thơ, coi thơ, đồ thơ, thơ lại...”, cả câu thành ngữ “Thơ bất tận ngôn”. Những cách diễn giải hợp lý, khúc chiết, giản dị khiến em thêm xuyến xao rung động với chữ Quốc ngữ, bội phần cảm phục kiến văn của cha ông mình. Rồi em lại nghĩ, ắt có một lý do gì đó mà trong từ ngữ Việt Nam, người ta nói “bài thơ” chứ không nói “bài thư” hay “bài thi”. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du giữ nguyên tên Hoạn Thư như bản gốc Kim Vân Kiều truyện, ngoài chuyện ông là người Đàng Ngoài thì còn vì tiểu thư họ Hoạn “Ở ăn thì nết cũng hay/Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Bây giờ mà Hoạn Thư thành Hoạn Thơ thì cô ấy phải chuyển vào Nam sinh sống, mà lại phải kết giao với Nguyệt Nga để mài thêm chút từ tính, nhu mì.

Vì những suy nghĩ vu vơ đó mà em cứ tiếc hoài chữ “thư” của Trinh Trinh. Em cho rằng Trinh Trinh ca nhầm. Tháng sau, em lại hòa vào nguồn cội trăm năm, Trinh Trinh vẫn ca “Ai đã viết thư...”. Và em thấy mình trong câu hát: “Ta về bên ấy buồn ba bốn ngày, buồn ba bốn ngày”. Thầm trách tánh kỳ, vì mỗi ngày mình nghe bao nhiêu từ, đọc bao nhiêu chữ, sao lại để một chữ lấn cấn trong trí quá lâu. Rồi em tự an ủi mình rằng những cuộc khẩu chiến và bút chiến văn chương đôi khi cũng từ một chữ mà ra. Em hiểu hơn cái khó trong việc trình bày lại một điều quen thuộc của nghệ thuật cải lương kinh điển và sang trọng.

Nhân chuyện thư - thơ, em sẽ kể anh nghe mấy ghi chép nhỏ bắt đầu với chữ “th” của riêng mình, anh nhé!

THƯƠNG

Cải lương chi bảo Bạch Tuyết trong vai Thái hậu Dương Vân Nga. Tranh: Đào Quang Huy

Hồi nẫm hồi nao, coi phim hay coi tuồng, em thích nam nữ chính dùng chữ “yêu” chứ đừng dùng chữ “thương”. Mọi người bảo em “thương” và “yêu” có gì khác nhau đâu, chỉ là người miền Nam hay dùng từ “thương”. Nhưng em không nghĩ vậy. Với em, chữ “thương” dùng ở miền nào cũng được, nghe mộc mạc nhưng ấm áp, rộng rãi hơn chữ “yêu”. Thương, chỉ nên dùng cho tình thâm thay vì đôi lứa, trừ phi lứa đôi ấy đã được kiểm chứng với thời gian.

Bữa vừa rồi, em gặp mấy người bạn hồi cấp 3. Những người ngồi cạnh mình từ năm 18 vẫn còn ngồi cạnh. Một người bạn hỏi em có biết nhà dưỡng lão nào tốt nhưng đừng mắc quá mà phải ở trong thành phố không. Tụi em tròn mắt, hỏi bạn sao nghĩ chuyện đó sớm vậy, sao không tính chuyện ở cùng người thân. Bạn em trả lời gọn lỏn: “Vì tui thương người thân, và vì tui cũng thương tui”.

- Thương, lẽ ra phải gần gũi chớ!

- Thương, không nên kề sát, buộc ràng, làm phiền, phụ thuộc. Cứ kiếm chỗ nào giúp mình không cô đơn mà vẫn độc lập. Đó không phải là nơi u ám, tội nghiệp, mà nhất định phải có nhiều cây xanh và hoa cỏ, có thư viện, có phòng trà, có sân vận động, có cả đường đua xe lăn.

Nói xong, bạn cười toe, hỏi tụi em có muốn tham gia cùng không.

Anh à, người bạn đang tìm nơi thích hợp để thuộc về đó, là người em đã từng thương và giờ vẫn thương. Thương nhiều kiểu.

* *

Cứ đứng cùng nhau nhưng đừng gần nhau quá

Những cột đền thờ cũng biết cách nhau ra

Ngọn sồi cao và cả cây trắc bá già

Chẳng mong tỏa bóng mình trong bóng bạn.(*)

(Kẻ tiên tri - Kahlil Gibran)

* * *

THẤY

Hôm đó, em dạy bọn nhóc lớp viết bài “Tả cơn mưa ngang qua thành phố”. Ngồi đọc những nét chữ nắn nót, thơ ngây, anh biết em thấy gì không? Em thấy những cơn mưa từ hào phóng đến ủ dột, từ dai dẳng đến vội vàng, từ trong suốt đến xám xịt. Em thấy những người bán hàng rong tất tả, những chiếc áo mưa đủ màu lấy vội từ cốp xe còn nguyên nếp gấp, cả trận kẹt xe và cơn triều cường dữ dội của thành phố mình đang sống. Những đứa trẻ được chăm bẵm kỹ càng và còn rất hồn nhiên đã chứng tỏ năng lực quan sát và cảm nhận đủ đầy nhất có thể những giọt nước từ trời rơi xuống. Bao chân thành, minh triết từ tâm hồn trong veo của chúng đều hiển hiện trên trang giấy.

Sinh thời, má dặn em: “Con đến nhà người ta chơi vui thì được, nhưng đừng hỏi vì sao chưn cái ghế màu đỏ mà không phải màu xanh, đừng thắc mắc nhà cửa nhiêu dài nhiêu rộng mấy phòng trừ khi người ta tự nói, cũng đừng đề xướng trổ cửa hướng đông đóng sầm hướng bắc. Mình thấy thì người ta cũng thấy, thậm chí thấy rõ hơn mình. Cái gì tốt nhất thì người ta đã ráng làm cho người ta rồi chớ không chờ tới lượt con khuyên dạy”. Lúc đó, em chỉ ậm ừ cho qua mấy bản gia huấn ca và “Quốc văn giáo khoa thư” của má. Giờ nửa đời người rồi em mới thấy lời giản dị vậy mà nhiều người đôi khi chưa làm được. Những người vì quá nâng niu cái mình thấy mà quên mất cái người khác vốn là.

Những người quanh em tài lắm. Có người thấy được phía trước. Có người thấy cả phía trước lẫn phía sau. Có người thấy được cả cái người ta không thấy. Còn em, vẫn đang học thấy từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày.

* * *

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

(Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn, bản dịch của Đoàn Thị Điểm)

* * *

THỨC

Một trong những chi tiết khiến em nhớ nhất về gã Don Quixote trong tiểu thuyết cùng tên là gã thao thức suốt đêm để viết thư cho tình nương. Em ganh tỵ với gã lắm vì dẫu em có muốn thức như thế thì cũng chẳng tài nào thức nổi, chỉ trừ những đêm em trót uống cà phê hay matcha đậm đặc. Giờ thì em hết ganh rồi, biết rằng được ngủ đủ giấc cũng là một hạnh phúc, một cách duy trì sức khỏe.

Nhưng em cũng có tật xấu là thức khuya dậy trễ. Công việc trì trệ, thân thể ì ạch mãi cũng chán, em quyết định thay đổi. Em ngủ sớm và để chuông báo thức. Chuông reo, em dậy tắt chuông rồi ngủ tiếp. Có bữa, chuông reo ngay lúc em đưa một món ngon ơi là ngon lên miệng hoặc chuẩn bị leo lên lưng ngựa (tội nghiệp con ngựa). Em thôi cho chuông phá đám.

Rồi đến một ngày, em không dậy trễ nữa. Đồng hồ sinh học trong cơ thể em, bằng một phương cách phi thường nào đó, luôn khiến em thức dậy lúc 4, 5 giờ sáng. Em đọc vài trang sách hay làm vài việc vặt thì bình minh ló dạng. Và kỳ diệu thay, em đã thấy những điều từ cửa sổ phòng ngủ mà nào giờ em ít để ý. Một cây mận tán rộng đang ra lá non, một cây lá kim không biết tên nhưng có vẻ giống cây thông, một phòng thờ trên sân thượng nhà ai luôn nhấp nháy đèn, đặc biệt là một ngôi nhà sơn trùng tông xanh với những ngôi nhà của thị trấn Chefchaouen ở Morocco khiến em có lần say đắm. Em lặng ngắm những thứ ấy, cảm giác có một nguồn năng lượng len lỏi vào cơ thể, chạy thẳng lên não, bung mở vài hộc tủ kẹt cứng trong đó. Em thay quần áo thể dục, ùa ra khỏi nhà. Ngoài đường, thành phố thức lâu rồi. Công viên rộn rịp người chạy bộ, đánh cầu. Và em, chỉ mong phép màu tỉnh thức này hiện hữu mãi mà thôi.

* * *

Mộ phần, đài tưởng niệm

Nhắc nhớ những yêu thương

Tri âm tuyết dọc đường

Chim thức ta mùa mới.(*)

(Cơn khát dạy ta về nước - Emily Dickinson)

* * *

THỞ

Một người chị tặng em chiếc đĩa sứ trắng đến từ một xứ sở xa xôi. Cánh bướm mỏng tím đậm và mấy nhành lá non tím nhạt viền quanh đĩa. Chính giữa lòng đĩa là chú cánh cam nhỏ màu gạch nung cùng dòng chữ “Just Breathe”. Chỉ Hít Thở. Em chưa có món quà lưu niệm nào có chữ “hít thở”, chỉ có các món mang chữ “Hỷ”, “Phúc”, “Tâm”... Chữ nào cũng đầy ý nghĩa nhưng nếu không hít thở được thì chúng cũng trở nên vô nghĩa. Vậy là em đặt chiếc đĩa ở nơi dễ thấy nhất. Để nhắc mình rèn hít thở.

Người chị ấy còn làm em nghĩ về chữ “thở” trong một lần khác. Chị qua nhà em, cắm lại bình hoa ai cắm sẵn, chỉ vì “Bình lúc đầu bông sát nhau quá. Phải để cho bông thở chứ!”.

Để cho bông thở - nghe là lạ mà cũng hợp lý quá chừng phải không anh! William Wordsworth viết trong một xuân sớm rằng: “Tôi tin rằng mỗi bông hoa đều tận hưởng bầu khí quyển mà nó đang hít thở”. Đâu chỉ hoa, sự vật nào cũng cần không gian đủ để thở. Thèm thở nên người ta mới xoay xở tìm cách chống lại bụi siêu mịn. Em nhớ mình đã chọn không gặp, không thư từ điện thoại với một người. Người đó nhiều lần gửi tin nhắn yêu cầu em giải thích lý do. Em không biết nói sao, vì giữa chúng em chẳng có gì mâu thuẫn. Khi nào đủ nhuệ khí, em sẽ nói gọn gàng: “Vì em cần thở”.

Anh ơi, em nghĩ “Con chết vì không thở được” là câu buồn nhất Việt Nam năm 2019.

Em biết ngoài nỗ lực làm những gì mà em có thể làm giỏi được thì hít thở là nhiệm vụ tối quan trọng cả đời em.

* * *

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây...

(Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử)

* * *

Anh à, tại sao mỗi lần em gửi thư cho anh, anh chỉ trả lời bằng thơ và chỉ có thơ? Em muốn thư tới anh trả lời em bằng văn xuôi và thêm câu gì của riêng anh, có được không?

“Vào thời điểm mà mọi điều ngọt ngào có vẻ vượt xa khỏi những gì tâm trí em thường lĩnh hội, đừng tìm kiếm những ý nghĩa thông thường mà nên thực hành thấu thị tận tâm. Và trong khoảnh khắc bí ẩn thiêng liêng của tự do tuyệt đối, hãy quên em đi và chỉ nhớ mỗi mình em”.(*)

Gửi em. Những câu thơ của Edward Estin Cummings mà anh đã dịch thành văn xuôi.

Diễm Trang

(*) Các câu thơ do Diễm Trang dịch từ bản tiếng Anh

Nguồn: Thời bảo kinh tế Sài Gòn, ngày 27.01.2020.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60537623
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19116
10018
60537623

Thành viên trực tuyến

Đang có 613 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website