Thơ cảm hoài của Phan Văn Trị và ứng xử Nho gia trước biến cố thời cuộc

Phan Văn Trị (1830 - ?), quê quán ở thôn Hưng Thạnh, tổng Bảo Phước, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre) đỗ kỳ thi Hương tại Trường thi Gia Định năm Kỷ dậu (1849, Tự Đức thứ 2)  (Cao Xuân Dục, 1893). Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, Phan Văn Trị lại không nhận chức quan nào ít ra từ khi thi đỗ cho đến khi quân Pháp chiếm đánh Gia Định. Do đó, các nhà nghiên cứu thường thiếu khuyết quãng đời này của Phan Văn Trị, hoặc dựa vào phỏng vấn dân gian, hoặc dựa vào một ít tư liệu thơ văn của Phan Văn Trị và của người khác để viết thêm nhằm hình dung sơ bộ về cuộc đời Phan Văn Trị.

20200916

Ảnh: Tư liệu liên quan đến Phan Văn Trị  trong Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục, 1893.

Từ năm 1849 Phan Văn Trị đỗ cử nhân cho đến khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Đà Nẵng, trong khoảng 10 năm này, Phan Văn Trị đã ở đâu làm gì? Sáng tác của Phan Văn Trị như thế nào? Không thấy có một sử sách nào ghi chép về tiểu sử hành trạng của Phan Văn Trị, cho nên cuộc đời hành trạng của Phan Văn Trị còn cần được tiếp tục tìm hiểu và đưa ra những chứng cứ thuyết phục hơn.

Nhất Tâm trong khảo luận về Phan Văn Trị, cho rằng sau khi thi xong ông “chẳng ra làm quan, về ẩn dật, dạy học trò, khi cày cuốc, khi lại đi câu” và “cho đến năm Canh tuất 1910, Phan mất tại Phong Điền là nơi Phan đã ngồi dạy học, thọ 81 tuổi” (Nhất Tâm, 1956). Sau đó, các nhà nghiên cứu khác như Bảo Định Giang trong Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX cũng cho là như thế dù có vài chi tiết về số tuổi khác nhau do cách tính[1]. Từ năm 1974, Nguyễn Văn Hầu đã biên soạn xong công trình Văn học miền Nam lục tỉnh, nhưng cho đến năm 2012, công trình này mới được in ra mắt công chúng, trong đó có chương 26 viết về Phan Văn Trị, phần tiểu sử cũng theo thuyết của Nhất Tâm, phần thơ văn của Phan Văn Trị ông có tham khảo tập chép tay thơ văn Hán Nôm Sưu tập cổ thi văn của một người hiệu là Thất Hiền Cuồng Sĩ  (Nguyễn Văn Hầu, 2012)[2]. Nguyễn Q. Thắng trong sách Tiến trình văn nghệ miền Nam cho rằng, sau khi thực dân Pháp chiếm trọn miền Nam, Phan Văn Trị rời đất Gia Định, về quê rồi xuống “tỵ địa” ở Thất Sơn, An Giang, cuối cùng lại về ở tại Phong Điền, Cần Thơ mở trường dạy học và làm nghề đông y cho đến cuối đời và mất tại đấy (Nguyễn Q. Thắng, 1990)[3]. Sau đó sách Phan Văn Trị, cuộc đời và tác phẩm trên cơ sở tư liệu của Phan Thành Tài đã công bố cũng cho ra kết luận tương đối thống nhất (Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Quảng Tuân, 2001).

Những điều chúng ta biết về Phan Văn Trị hiện nay, thông qua các sách vở đương thời hầu như rất ít. Nguyễn Liên Phong (Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, in lần đầu 1909) cho biết về tình trạng “gàn” của Phan Văn Trị (Cử Trị ăn ở lạ lùng,/ Áo quần xịt xạt điên khùng quá tay,/ Gặp Tường thời Trị mắng ngay,/ Bởi vì tà tửu ít hay kiêng dè), hoặc từng hoạ thơ Tôn Thọ Tường (Hoạ thơ chống chỏi chê dè,/ Tai ngơ danh lợi chẳng nghe chẳng cầu…) và còn cho biết thông tin quan trọng: Phan Văn Trị và cả Tôn Thọ Tường lúc này đã mất (Đều là tương trợ thành danh,/ Đã lâu về cõi âm minh xa miền)  (Nguyễn Liên Phong, 2014)[4]. Lại có người cho rằng Tôn Thọ Tường từng làm thơ khóc Phan Văn Trị với bài “Bái công khóc Hạng Võ” nghĩa là Phan Văn Trị phải mất trước Tôn Thọ Tường, nhưng cũng lại là một tư liệu chưa đáng tin cậy, có thể là thơ khóc Trương Định hơn là Phan Văn Trị. Do đó, việc xác định năm mất của Phan Văn Trị là vấn đề cần tiếp tục làm rõ.

Một hiện trạng cần chú ý khi nghiên cứu văn học Hán Nôm Nam Bộ là tính lưu truyền trong dân gian, văn bản được sao chép không ghi tên tác giả, khiến cho việc xác định các tác phẩm của các tác giả đôi lúc trở nên khó khăn bất khả. Nếu cứ theo các ý kiến của các nhà nghiên cứu về cuộc đời Phan Văn Trị trước đây, khả năng cho thấy thơ của Phan Văn Trị vẫn chưa được sưu tầm hết, chưa minh định xong các tác phẩm tạm cho là của Phan Văn Trị. Như vậy, vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu là tiếp tục tìm kiếm nguồn tư liệu về hành trạng tiểu sử Phan Văn Trị cũng như minh định thêm các tư liệu thơ văn của ông.

Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu đều xem Quốc âm thi hiệp tuyển (Lê Quang Chiểu, 1903)[5] là tư liệu khả tín, vì bởi hai lý do, một là tập tuyển thơ quốc âm đầu tiên xuất bản ở Nam kỳ, hai là có quan hệ gia đình với vợ của Phan Văn Trị. Lê Quang Chiểu là anh em cô cậu với bà Đinh Thị Thanh, bà Thanh là vợ của Phan Văn Trị  (Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Quảng Tuân, 2001)[6]. Nếu cho rằng tập này là khả tín, thì vì sao có những bài thơ về sau cho là của Phan Văn Trị, mà lúc bấy giờ ông Lê Quang Chiểu lại không biết? Cần nhớ rằng, nếu Phan Văn Trị mất năm 1910, tập sách của Lê Quang Chiểu xuất bản năm 1903, bản thảo hẳn nhiên phải định hình trước thời gian xuất bản, tại sao ông Chiểu lại không minh định tác phẩm khi ông có quan hệ gần gũi với Phan Văn Trị? Vấn đề đặt ra là, hoặc Phan Văn Trị mất trước khi tập sách ra đời; hoặc có thể Phan Văn Trị tuổi cao khó nhớ được chính xác; hoặc công tác sưu tầm văn bản Nôm chưa được ông Chiểu thực hiện kỹ càng; hoặc vấn đề tác phẩm văn học Nôm ở miền Nam lưu truyền theo hình thức truyền miệng dân gian. Các khả năng ấy đều có thể xảy ra. Chính vì thế qua nhiều lần sưu tầm, giám định, các nhà nghiên cứu văn học miền Nam đã đưa thêm và thừa nhận một số bài thơ trong tập thơ quốc âm của Lê Quang Chiểu là của Phan Văn Trị (như Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Nhất Tâm, Bảo Định Giang, Nguyễn Văn Hầu…). Thế nhưng trong công trình Phan Văn Trị, cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Khắc Thuần và Nguyễn Quảng Tuân đã đưa các bài thơ vịnh vật vào phần tồn nghi.

Ngoài những bài của Phan Văn Trị được minh định sẵn trong sách Quốc âm thi hiệp tuyển của Lê Quang Chiểu ra, thì trên Nam Phong tạp chí, Lâm Tấn Phác có sao lục các bài thơ của Phan Văn Trị như công bố 10 bài hoạ vần thơ tự thuật Tôn Thọ Tường của Phan Văn Trị (tập XIII, số 78-1923, tr.517-518), các bài Chùa hư, An Giang phong cảnh, Vĩnh Long hoài cổ, Hột lúa, Thợ may, Ông câu (hai bài) (tập XV, số 88-1924, tr.352-353). Văn bản 10 bài thơ cảm hoài của Phan Văn Trị, lần đầu tiên được Lâm Tấn Phác công bố trên Nam Phong tạp chí ở mục Văn uyển, Thơ cũ Nam kỳ (tập XVIII, số 105-1926, tr.394-395). Nhưng bấy giờ Lâm Tấn Phác chỉ cho là của Phan Văn Trị làm, không ghi đề bài là gì. Dưới chân trang 394 có ghi chú là của Phan Văn Trị làm lúc nước Pháp mới sang chiếm đóng mảnh đất Nam kỳ.

Có lẽ từ đó Nhất Tâm (Phan Văn Trị cuộc đời và thơ văn, 1956), Thuần Phong (Phan Văn Trị thi tập, 1959), Bảo Định Giang, Ca Văn Thỉnh (Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX, 1962, 1976), Lãng Nhân (Giai thoại làng Nho, 1972), Nguyễn Văn Hầu (Văn học miền Nam lục tỉnh, 1974 – 2012),… thừa nhận và tuyển vào trong các công trình của họ. Nhưng từ Nhất Tâm 10 bài thơ thủ vĩ liên hoàn của Phan Văn Trị có tên là “Cảm hoài”. Các công trình về sau đều gọi theo như thế.

Phan Văn Trị xuất thân từ nho học, thi đỗ cử nhân tại Trường thi Gia Định, nhưng cho đến nay điều lạ là chưa tìm thấy bài thơ nào của Phan Văn Trị viết bằng chữ Hán, hầu như được viết bằng quốc ngữ (Nôm). Điều ấy lý giải ra sao? Trong khoảng gần 10 năm sau khi thi đỗ (1849), khi thực dân Pháp chưa nổ súng gây hấn và đánh chiếm Gia Định, thời gian ấy nếu Phan Văn Trị được cha mình đưa đến ra mắt Phan Thanh Giản tại sao không phải là thơ chữ Hán mà là thơ chữ Nôm? Tại sao phải là thơ Con mèo, thơ Hột lúa ngụ ý châm chọc? Cần nhớ khoảng thời gian này, Phan Thanh Giản ở kinh và sau đó làm Tổng đốc Bình – Phú, đến năm 1851, Phan Thanh Giản mới chuyển làm Phó sứ Kinh lược Nam kỳ, Tuần phủ Gia Định, kiêm coi các đạo Biên Hoà và Long Tường, An Hà đến năm 1852 trở về kinh. Thời gian đó, Phan Thanh Giản vẫn là một trọng thần trong triều, tại sao Phan Văn Trị lại đưa thơ có ý châm biếm? Còn nếu Phan Văn Trị gặp Phan Thanh Giản trước thời gian thi thì cũng thật khó có khả năng xảy ra. Cho nên các dật sự ấy cũng khó có thể tin được. Mà cái quan trọng nhất là tiểu sử hành trạng của Phan Văn Trị cho đến nay vẫn còn mù mờ về dòng họ và lai lịch. Cho nên việc tìm hiểu thơ của Phan Văn Trị có nhiều điểm chưa thể làm sáng tỏ.

Đọc lại thơ của Phan Văn Trị trong tình hình tư liệu tạm chấp nhận hiện nay, người viết cảm giác có hai bộ phận thơ trong một tác giả. Bộ phận thơ vịnh vật với một giọng điệu khác hẳn với bộ phận thơ 10 bài hoạ thơ Tôn Thọ Tường và 10 bài thơ cảm hoài của ông. Điều đó cho phép suy luận khả năng có một phần sáng tác lâu nay được cho là thơ của Phan Văn Trị hay không phải của ông cũng cần tiếp tục thẩm định.

Phan Văn Trị là nhà nho trước một thời cuộc mới. Vì thế trong người Phan Văn Trị tồn tại tư tưởng, hành động của một nhà nho bên cạnh cái phi nho. Nếu thừa nhận một bộ phận thơ vịnh vật là sáng tác của Phan Văn Trị thì bộ phận thơ này thể hiện tính phi nho rất rõ bên cạnh những bài thơ cảm hoài mang tính nho của ông. Vì thế nhiều bài viết trước đây cũng đưa ra vấn đề “nho” và “phi nho” trong con người Phan Văn Trị (Đoàn Lê Giang), vấn đề Phan Văn Trị “ở ẩn” hay “dấn thân” (Lê Thu Hà) trong hội thảo về Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (1830 - 1910) tổ chức tại Hậu Giang năm 1985 (in năm 1990) đã làm rõ vấn đề ấy. Trên cơ sở văn bản còn nhiều nghi vấn như hiện này, người viết đã chú ý đến việc đọc lại và lý giải tư tưởng nho trong chùm thơ cảm hoài của Phan Văn Trị (trên cơ sở tiếp cận thông diễn học và quy chiếu tư tưởng nho học).

Về 10 bài Cảm hoài của Phan Văn Trị, có thể được sáng tác vào khoảng thời gian đầu khi thực dân Pháp xâm lược (1859 - 1862), vì thế nó thể hiện một niềm nuối tiếc và hy vọng về một tương lai mới xoay chuyển tình thế của đất nước. Tác giả dùng thể thơ Nôm thất ngôn bát cú thủ vĩ liên hoàn kể về nội dung lẫn hình thức đều cho người đọc hình dung về một mối lo nghĩ cho thời cuộc, khát vọng xây dựng lại cảnh tượng đất nước thanh bình của một nho gia.

Cái tâm sự của tác giả cảm hoài thể hiện trong toàn 10 bài, có thể quy nạp mấy ý sau:

- Nuối tiếc về cảnh thanh bình của đất nước, cảm nỗi đất nước bị xâm lăng, chờ mong thay đổi vận mới:

Cõi Nam chung hưởng hội thăng bình,

Trời đất gây nên cuộc chiến tranh.

Xe ngựa nhộn nhàng xe ngựa khách,

Nước non vun quén nước non mình.

(Cảm hoài, 1)[7]

Nhìn Nam chạnh tủi nhành hoa ủ,

Ngó Bắc ngùi thương khóm bạch vân.

(Cảm hoài, 2)

Nỡ nghe tiếng loạn đem tai rửa?

Đành thấy thằng gian để mắt trừng!

(Cảm hoài, 4)

Thế sự băng xăng cờ túng nước,

Nhân tình tráo chác gió rung cây.

(Cảm hoài, 5)

Kìa nước nọ non cờ thế cuộc,

Đầy vơi tròn khuyết có sai rầy.

(Cảm hoài, 6)

Tạo hoá một bầu xoay khí vận,

Đông qua xuân lại trở màu tươi.

(Cảm hoài, 8)

Tiêu trưởng cơ trời dễ dám khinh.

(Cảm hoài, 10)

- Trước cảnh mất nước, hy vọng những trang anh tài giúp vua giúp nước thống nhất sơn hà để lưu tiếng muôn đời:

Những trang dụng thế đành ngơ mặt?

Mấy kẻ trung quân nỡ phụ tình?

Bao thuở đem về cơ nhất thống,

Ngàn thu bia tạc đấng trung trinh.

(Cảm hoài, 1)

Mấy mặt anh hùng sao nép dấu?

Vạc nghiêng há dám một tay nâng?

(Cảm hoài, 2)

Trăm năm bởi gặp khi nguy biến,

Bốn biển chưa gây cuộc diễm tình.

Nhà nước một mai xoay vận thới,

Cõi Nam chung hưởng hội thăng bình.

(Cảm hoài, 10)

- Tâm sự thân phận cá nhân, gìn lòng ngay thẳng để chờ thời cơ giúp nước:

Trung trinh dốc trọn đạo vi thần,

Nạn khổ xưa nay biết mấy lần…

Cái nợ tang bồng than thở phận,

Đành đem dập giã giữa phong trần.

(Cảm hoài, 2)

Phong trần lắm lúc luống sầu riêng,

Biết mượn tay ai gỡ mối phiền.

Áo mũ ba đời ơn rất trọng,

Binh qua một cuộc nghĩa chưa tuyền.

… Phấp phới bụi hồng đà trải dấu,

Tấm trinh chìu uốn thú hàn huyên.

(Cảm hoài, 3)

Hàn huyên nghĩ phận luống bâng khuâng,

Tình cảnh xem qua lệ ngập ngừng.

Roi vọt dứt dòng chưa phải vận,

Dây oan rối mối hãy lo chừng…

(Cảm hoài, 4)

Như vầy trung nghĩa bấy lâu nay,

Dầu những người xưa cũng sánh tày.

Trướng vải lai rai cơn gió thổi,

Cảnh thu hiu hắt hột mưa bay….

(Cảm hoài, 6)

Sai rầy cũng bởi cuộc phân băng,

Huỷ dự nhân vì lúc ái tăng.

Gió bụi trăm chiều quen mặt cũ,

Đá bia một tiết giữ lòng hằng.

Hòn Nghê gọi chút tình mây nước,

Bến Nghé buồn riêng phận cỏ săng.

Cung kiếm cầm thi cam hổ phận,

Sao cho tỏ rạng bậc tài năng?

(Cảm hoài, 7)

Tài năng chi đó khéo trêu ngươi,

Cái phận nam nhi luống nực cười.

Ngược đậu xuôi đi hiềm thế nước,

Sâu dầm cạn vén thuận tình đời.

Quan san dặm thẳng đường liền bước,

Tùng cúc vườn xưa cảnh nhớ người…

(Cảm hoài, 8)

Màu tươi sắc tốt dám se sua,

Giàu cũng chẳng khoe khó chẳng dua.

Mấy kỷ tuyết sương bền chí trẻ,

Chín từng mưa móc gội ơn vua.

Thuỷ lưu xa ruổi ngoài ngàn dặm,

Tòng bá cao xây giữa bốn mùa.

Lời sáng nết cao tuỳ thuở biến,

Mặc người lưỡi múa lại môi khua.

(Cảm hoài, 9)

Môi khua khéo học dạng cầu vinh,

Tiêu trưởng cơ trời dễ dám khinh.

Ấn hổ xa ban miền Bắc khuyết,

Cờ chiên an dẹp mé Nam minh.

Trăm năm bởi gặp khi nguy biến,

Bốn biển chưa gây cuộc diễm tình.

Nhà nước một mai xoay vận thới,

Cõi Nam chung hưởng hội thăng bình.

(Cảm hoài, 10)

Nếu xét trong toàn bộ sáng tác của Phan Văn Trị, rõ ràng thấy 10 bài Cảm hoài này vẫn còn hoài vọng tin tưởng về khả năng cứu nước của quan quân triều đình, nhân dân hay cả khả năng góp sức của cá nhân. Tâm sự này là tâm sự của một nhà nho yêu nước trong buổi đầu giặc Pháp xâm lược. Nó giống với tâm sự của Nguyễn Đình Chiểu “Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,/ Chúa xuân đâu hỡi có hay không” hay “Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng,/ Nỡ để dân đen mắc nạn này?”. Nỗi niềm này cũng khá phù hợp với chí khí quyết tâm giữ đạo luân thường, phê phán đả kích sự xu thời, đánh mất phẩm chất quân tử của Tôn Thọ Tường trong 10 bài thơ hoạ thơ Tôn của Phan Văn Trị.

Xét về tư tưởng nho học, từ nội dung của 10 bài Cảm hoài, cốt cách nho gia của Phan Văn Trị thể hiện ở chỗ: hoài vọng đất nước thanh bình, tư tưởng chờ đợi thời cơ “kiến cơ” (thấy máy), đợi vận thái “bĩ cực thái lai”, đầy vơi tròn khuyết “doanh hư tiêu trưởng”, là giữ đạo luân thường “đá bia một tiết giữ lòng hằng”, trau dồi đức sáng “lời sáng nết cao”, “tùng bá cao xây”,“giàu cũng chẳng khoe khó chẳng dua” (phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất), gắng sức mình “dốc trọn trung trinh”, sẵn sàng dấn thân để báo đáp nước nhà ơn vua,… Hàng loạt các từ ngữ có tính tượng trưng cho việc thể hiện phẩm đức quân tử nhà nho được sử dụng trong thơ cho thấy tính nho rất rõ.

Trên cơ sở thông diễn học, nếu đọc kỹ từng câu chữ trong các bài Cảm hoài và thơ hoạ của Phan Văn Trị, ta thấy có mấy điểm cũng cần trao đổi, tìm hiểu thêm. Cảm hoài chính là bộc lộ những tâm trạng, nỗi lòng của tác giả trước thế sự, thời cuộc, tình hình đất nước. Việc giải mã các câu thơ ý thơ trong từng bài thơ đôi lúc có thể đi tới chỗ cực đoan, áp đặt và sai lệch. Tuy nhiên, nếu không lý giải nó sẽ khó để hiểu cho kỹ càng tư tưởng trong thơ. 10 bài thơ cảm hoài này, bởi các bản có chép khác nhau, nên sẽ được lý giải khác nhau dù chỉ sai khác vài chữ. Đọc kỹ từng bài để thấy tâm sự của nhà nho bộc lộ rất rõ, và bên cạnh đó, có thể có những lý giải hơi khác với các bản lý giải, chú giải trước đây.   

Bài Cảm hoài 1, sự cảm khái trước tình hình đất nước bị chiếm đóng, mong ước được thống nhất như xưa. Có thể diễn nghĩa ra là: “Cõi trời Nam đang yên bình, trời đất gây ra cuộc chiến tranh, xe giặc đi lại rộn ràng, dù thế mình vẫn phải lo vun bồi cho đất nước, những người hữu dụng trong đời sao đành làm ngơ, kẻ trung với vua đâu nỡ phụ tình cảm vua, biết bao giờ mới khiến cho nước nhà thống nhất để ngàn thu còn lưu tên người trung trinh”. Cho thấy lòng quan tâm và trách nhiệm của tác giả đối với đất nước, triều đình. Ông không hề có kiểu oán giận triều đình như giai thoại về ông với Phan Thanh Giản. Bốn câu thơ sau có thể hiểu theo hai nghĩa vừa chê trách (nếu để dấu !, nếu để dấu ? thì sẽ khác) vừa mong đợi.

Bài Cảm hoài 2, cảm thân phận mình lưu lạc ngay trong nước bị giặc chiếm đóng. Có thể diễn ra: “Đạo làm bầy tôi con dân phải dốc trọn hết lòng trung trinh, dầu xưa nay đã trải qua nhiều khổ nạn, ở trong nước đành phải phò vua trong nước (dù là vua kém, lợn Hán), oán giặc nên ra sức đuổi giặc (hươu Tần, giặc Tây), nhìn cảnh phương Nam tiêu điều vì vong quốc (hoa ủ), phía Bắc ngậm ngùi thương nhớ quê hương (bạch vân), than thở cho cái phận làm trai phải ra sức (dập dã) giữa cõi trần bụi bặm”. Bài này có thể nào là của một người ở quê phía bắc không? Hay bạch vân mây trắng kia chỉ là tượng trưng cho một đất nước thống nhất?

Bài Cảm hoài 3, trước cảnh gió bụi phải chịu theo thời. Tạm diễn nghĩa ra là: “Trong cơn gió bụi chiến tranh lòng ta có khi sầu buồn nhưng không biết làm sao, ba đời chịu ơn vua rất sâu nặng, một trận binh đao khởi nghĩa vẫn chưa thành, tạo hoá trêu người bày nhiều chuyện khó biết trước, anh hùng thiếu niên cũng còn nhiều thử thách, đường đời bụi bặm ta từng trải qua, tấm lòng trinh phải chịu uốn mình trong tình đời ấm lạnh”. Câu 3, 4 có người cho là nói chuyện cha con Phan Thanh Giản (như Bảo Định Giang). Hoặc có thể đây cũng là một bài thơ của người đã từng làm quan chăng? Câu ba đời chịu ơn vua sâu nặng cũng có người cho là ba đời Phan Văn Trị.

Bài Cảm hoài 4, trong cảnh ấm lạnh của tình đời vẫn quyết giữ mình, “độc thiện kỳ thân”. Tạm diễn nghĩa như sau: “Trong cảnh ấm lạnh cuộc đời bâng khuâng nghĩ về phận mình, nhìn thấy tình hình mà lệ tuôn, chưa phải lúc dứt hết cảnh roi vọt (chiến chinh?/hình phạt), hãy coi chừng thêm rối mối oan, đâu nỡ nghe tiếng loạn tà phải lánh đi rửa tai (bất hợp tác giặc/ở ẩn), luôn để mắt trừng mấy kẻ gian, sao chưa thấy anh hùng ra mặt, thế nước ngả nghiêng ta đâu dám một mình đỡ nâng!”. Có thể nào là tâm sự của một người từng bị án phạt và chịu nỗi oan khuất mà vẫn gìn lòng giúp nước chăng?

Bài Cảm hoài 5, cảm trách thế nước nghiêng ngả, một mình khó chống chọi. Có thể diễn nghĩa: “Một mình há dám đỡ được thế nước ngả nghiêng, kẻ bàn ngược kẻ bàn xuôi (kẻ bắc người nam) làm rối loạn lòng ta, chuyện đời (việc nước) rối ren như cờ bí nước, tình người thay đổi tựa gió lay cây, bởi mưu kế cứu nước kém nên phải hoà, chuyện cắt đất nên cứng rắn (kiên/ kiêng = không nên) để tỏ sức trí mạnh mẽ (chỗ này có người hiểu theo nghĩa chê trách, mỉa mai), thử hỏi những người trên cõi Việt có ai có tấm lòng sắt đá mà làm như thế không?”.

 Bài Cảm hoài 6, cảm người trung nghĩa gặp cơn nguy biến. Có thể diễn nghĩa như sau: “Người trung nghĩa đời này bấy lâu nay cũng sánh ngang với những người trung nghĩa xưa, nơi màn trướng (nhung trướng) chịu cảnh gió mưa hiu hắt (trong cảnh cô đơn), như thuyền nhỏ đi trên sông sâu sóng cả, như cọp xuống đồng bằng bị lũ chó vây hãm, nước non bị hãm như bàn cờ thế, quy luật tròn khuyết đầy vơi có sai đâu”.

Bài Cảm hoài 7, cảm cuộc đời vẫn hứa giữ vẹn đạo thường, đợi ra sức cho nước nhà. Có thể diễn nghĩa như sau: “Dẫu có sai cũng bởi thế cuộc chia lìa (nước mất nhà tan/phân băng), khen hay chê cũng là do lúc yêu hay ghét, ta đã quen với việc phong trần gió bụi trăm chiều, lòng vẫn nêu cao giữ vững một tiết đạo thường (ngũ luân, ngũ thường/vô hằng sản hữu hằng tâm), nơi hòn Nghê còn chút tình mây nước (ẩn), ở chốn Bến Nghé thêm buồn phận cỏ cây (bị giặc chiếm?), cam hổ thẹn phận nam nhi được dùi mài văn võ, mà chẳng biết làm gì để thêm tỏ rạng tài năng với nước nhà?”. Tâm sự này dường như của một người có tài văn võ nhưng trước thời cuộc xoay chuyển khó thi thố.

Bài Cảm hoài 8, tự trào về tài năng của mình, muốn được trở về quê ẩn dật, mong thời thế xoay đổi. Có thể diễn nghĩa ra sau đây: “Tài năng có là chi, trời thật trêu người, lại cười cho cái phận nam nhi, cứ theo thế nước nếu ngược thì đậu thuyền, xuôi dòng thì đi, sâu thì dầm, cạn thì vén cho thuận tình đời (tuỳ thời xử thế/ có người cho rằng có ý phê trách những kẻ tráo trở xu thời), cảnh cũ non sông còn chút tình hoài vọng (bản Bảo Định Giang)/dặm đường quan san ta cứ dong ruổi luôn (Đông Hồ, Nhất Tâm, Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Khắc Thuần - Nguyễn Quảng Tuân), mảnh vườn xưa nơi quê nhà chắc đã nhớ ta, nếu trời xoay lại khí vận mới, như đông tàn xuân đến muôn hoa tươi sắc”. Có thể nào là thơ của một người đã làm quan muốn trở về quê cũ sau các nguy biến chăng?

Bài Cảm hoài 9, cảm vọng được đội ơn vua trở lại, mặc ai khen chê. Tạm diễn nghĩa ra sau: “Nếu được tươi màu trở lại cũng đâu dám khoe khoang, bởi tính giàu cũng không khoe, nghèo cũng chẳng dua nịnh (phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di), mấy mươi năm dầu dãi tuyết sương thêm bền chí trẻ, được gội ơn mưa móc của vua nơi ngôi cao, ta vẫn như dòng nước trôi xa ngàn dặm (nguyên thêm lưu viễn), như cây tùng bách vẫn vươn xanh bốn mùa (quân tử tùng, kiên tâm bền chí), lời cốt sáng nết cốt phải cao theo thời mà biến (ngôn hạnh), mặc cho ai múa mỏ khua môi cầu vinh (siểm nịnh, xảo biện)”. Có thể nào là thơ của một nhà nho đã từng chịu ơn mưa móc của vua chăng?

Bài Cảm hoài 10, hy vọng về một tương lai đất nước thanh bình, góp sức cứu nước. Tạm diễn nghĩa như sau: “Kẻ khéo khua môi để cầu vinh thân, hãy nên sợ cơ trời doanh hư tiêu trưởng, khi ấn hổ (tướng ấn) đã ban nơi cửa khuyết (xa ban)/khi đeo ấn tướng băng nơi miền bắc (xa băng), lúc cầm cờ tướng đi dẹp yên cõi nam, trăm năm khi gặp cơn biến loạn, tiếc là bốn bể chưa tạo được sóng lớn, nếu nước nhà một mai xoay lại vận thái, toàn cõi Nam lại chung hưởng thái bình”.

10 bài cảm hoài thể hiện một nỗi lòng dường như của một nhà nho, một bầy tôi giữ trọng trách, bị bức bách trong thời cuộc đổi thay, có những khát vọng cứu nước, lại có ước mong lui ẩn, có hoài cảm nuối tiếc về tài năng, phê trách những kẻ xu thời cầu vinh… Một tâm trạng khá phức tạp nhưng lại khá thống nhất trong tư tưởng của nhà nho.

Dưới một hướng khác, về văn bản văn tự, 10 bài thơ cảm hoài này được viết bằng chữ Nôm miền Nam, nhưng việc chép trước hay sau hay cùng thời sáng tác lại là vấn đề cần bàn. Bởi tình hình văn bản sáng tác văn thơ ở Nam Bộ trước sau khoảng thời kháng Pháp và thuộc Pháp khá phức tạp, chủ yếu bằng con đường truyền miệng, các tập thơ văn sao chép có khi không ghi tên tác giả, tên người chép… khiến cho việc lý giải đích xác vài từ ngữ có phần khó khăn. Ví như:

“Roi vọt dứt dòng chưa phải vận,/ Gây oan rối mối hãy lo chừng.” (Lâm Tấn Phác, tr.395)

“Roi vọt dứt lòng chưa phải vận,/ Dây oan rối mối hãy lo chừng.” (Nhất Tâm, tr.40)

“Roi vọt dứt dòng chưa phải vận,/ Dây oan rối mối hãy lo chừng.” (Bảo Định Giang, tr.155)

Hoặc:

“Giao hoà bởi Tống mưu mô cạn,/ Cắt đất nên Kim trí lực dày” (Lâm Tấn Phác trên Nam Phong, 105-1926, tr.395)

“Giao hoà bởi sóng mưu mô cạn,/ Cắt đất nên kiên trí lực dày” (Nhất Tâm, 1959, tr.41)

“Giao hoà bởi sóng mưu mô cạn,/ Cắt đất nên kiêm chí lực dày” (Bảo Định Giang, 1976, tr.156)

“Giao hoà bởi sợ mưu mô cạn,/ Cắt đứt nên kiên trí lực dày” (Nguyễn Khắc Thuần-Nguyễn Quảng Tuân, 2001, tr.119)

Đó cũng là lý do các bản chú thơ hiện nay vẫn để trống nhiều câu chưa lý giải được. Tình hình văn bản nêu trên đã cho thấy tính phức tạp của việc lý giải xác định để mang lại văn bản tốt nhất và đặt đúng vào cho chủ nhân của nó, vì thế công tác chú giải, thuyên thích, khảo hiệu cần tiếp tục để ngày càng khẳng định tác phẩm của Phan Văn Trị.

Bản thân người viết cũng từng đã sưu tầm được một quyển thơ Nôm chép tay các bài thơ tiền bối, trong đó cũng không thấy đề tên tác giả. Khảo sát trong đó có chép những bài mà ta cho là của Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa,… và nhiều bài thơ Nôm khác chưa biết ai là chủ nhân của nó.

Từ nội dung thơ Cảm hoài, người đọc cảm thấy nếu đây là thơ của Phan Văn Trị thì tính chiến đấu của nó chưa thể hiện cao độ như ở 10 bài hoạ thơ Tôn Thọ Tường hay ở các bài thơ vịnh vật của ông. Vì vậy, Đông Hồ Lâm Tấn Phác cho rằng 10 bài thơ này làm lúc Pháp mới chiếm Nam Bộ, tức là Phan Văn Trị lúc bấy giờ chưa hẳn bất mãn triều đình, ngả hẳn về phía nhân dân. Lại có người cho rằng nó được làm vào khoảng những năm 1885 bởi nó thể hiện niềm tin xoay chuyển sơn hà như Bảo Định Giang đã nghĩ. Dù là thời gian nào, tính nho trong Phan Văn Trị vẫn còn đậm hơn tính phi nho, giả sử không như thế, Phan Văn Trị sao có thể ẩn dật dạy học kiểu của một nhà nho “tiến vi quan thoái vi sư” hay như kiểu lời của Khổng Tử: “bang hữu đạo tắc trí, bang vô đạo tắc ngu” như Nịnh Võ Tử (Luận ngữ, Công Dã Tràng), “bang hữu đạo tắc sĩ, bang vô đạo tắc khả quyển nhi hoài chi” kiểu Cừ Bá Ngọc (Luận ngữ, Vệ Linh Công), “nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn. Bang hữu đạo, bần thả tiện yên, sĩ dã; bang vô đạo phú thả quý yên, sỉ dã” (Luận ngữ, Thái Bá).

Dầu sao, 10 bài thơ Cảm hoài đã thể hiện tinh thần khá mạnh mẽ, dứt khoát, không yếu đuối trước nạn ngoại xâm và tình thế đất nước bị chia cắt như kiểu Tự Đức: “Thương xích ngô dân bất hạnh nhi,/ Tinh chiên dị loại nhiễu biên thuỳ./ Phong đình chỉ kiến cầu hoà sách,/ Du tái vô văn báo tiệp kỳ./ Võ tướng tiêu sầu duy hữu tửu,/ Văn quan thoái lỗ khước vô thi./ Thiên tâm như dục khai bình trị,/ Thuỳ thị Hương hài Giáp Mã nhi.”[8] (Đau đớn dân ta bất hạnh này,/ Hôi tanh khác giống quấy biên tây./ Triều đình chỉ kế cầu hoà hiến,/ Biên ải không tin thắng trận về./ Tướng võ giải buồn trong cuộc rượu,/ Quan văn chống giặc chẳng thơ hay./ Lòng trời dẫu muốn cho bình trị,/ Ai kẻ anh tài trong buổi nay?) (trích Hiếu cổ đường thi tập - Lê Quang Trường dịch).

Không những thế Tự Đức còn có phần cam chịu “Hoà hiếu vu kim sự dĩ thành,/ Ngã cam nam đệ nhượng tây huynh… Cử quốc tận tri cân quắc nhục,/ Tại quan do luyến tử chu vinh./ Tống Cao bất giải mê Tần Cối,/ Không sử sơn hà xã tắc khinh.” (Hoà hiếu từ nay việc đã yên,/ Cam làm em nhỏ lũ Tây phiên… Nỗi nhục đàn bà, ai cũng biết,/ Quan tham đai mũ, vẫn còn chen./ Tống triều che mắt - mưu Tần Cối,/ Luống khiến sơn hà xã tắc nghiêng) và đổ lỗi cho thuộc cấp cả triều chẳng kể một ai sau khi ký hoà ước năm Nhâm tuất 1862, kéo dài đến năm Giáp tuất 1874 và Giáp thân 1884: “Nội ngoại quan liêu náo cẩm bào,/ Bất tằng trợ trẫm nhất ti hào./ Sổ hoàng bôi tửu quần lê huyết,/ Bán trản thanh trà vạn tính cao… Như kim thuỳ vị thương sinh mục,/ Đố quốc thương dân tại nhĩ tào.” (Áo gấm xon xen khanh tướng đầy,/ Chưa từng giúp trẫm chút mưu hay./ Máu pha chén rượu muôn dân đó,/ Mỡ váng bình trà trăm họ đây… Từ nay ai kẻ chăn dân trẫm?/ Hại nước hại người tại lũ bây) (Hiếu cổ đường thi tập - Lê Quang Trường dịch). Tự Đức đã không nhìn thấy hay cố tình không nhìn thấy những tác phẩm văn chương giai đoạn này tại Nam Bộ đã trở thành nguồn năng lượng tác động rất lớn đến sức mạnh chiến đấu trên cả hai địa vực chiến trận và tư tưởng. Điều mà Miên Thẩm nhìn thấy ở Nguyễn Đình Chiểu: “Điếu văn đọc lại áng biên cương,/ Ngỡ gió vi vu tiếng chiến trường./ Quốc ngữ văn ngang lời tín sử,/ Quỷ hùng phách sánh điệu từ chương./ Tầm vông áo vải danh còn mãi,/ Binh bại thân vong chuyện đã thường./ Canh cánh nghĩ thương lòng kẻ sĩ,/ Chỉ còn ngọn bút báo ơn suông.” (Độc Nguyễn Đình Chiểu nghĩa dân tử trận quốc ngữ văn, nguyên tác Hán văn, Cao Tự Thanh dịch) hay như Miên Ký, hoàng tử thứ 75 của vua Minh Mệnh cảm nhận: Lần đọc bài văn quốc ngữ đây,/ Cn Vương chống giặc, nghĩ thương tài./ Dng c khởi nghĩa muôn người đến,/ Pháo n phi thuyn vạn dặm mây./ Chiến địa oan hồn vang tiếng khóc,/ Sa trường chinh chiến luống còn ai?/ Áng văn điếu c vô cùng hận,/ Gió thổi điệu buồn thảm thiết thay!” (Độc Điếu nghĩa dân trận tử văn, nguyên tác Hán văn trong Hiếu Cổ đường thi tập. Lê Quang Trường, Tường Vi, Thanh Phương dịch).

Phan Văn Trị đã chọn con đường ấy, trên những gì tư liệu hiện còn, cho thấy ông đã vận dụng các tư tưởng nho học để ứng xử trước một thời cuộc mới với nhiều biến cố. “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính” cho nên Phan Văn Trị đã không trở thành chiến sĩ trên mặt trận thực địa đánh giặc trực tiếp, mà trở thành một nhà thơ nhà giáo dùng ngòi bút của mình để cứu đời như Nguyễn Đình Chiểu. Tiếc là, tiểu sử hành trạng của Phan Văn Trị còn vài điểm chưa được sáng tỏ, nên việc vận dụng thông diễn học, thuyên thích học chú giải thơ của ông chưa thể hữu hiệu nhất, cần tiếp tục nghiên cứu. Nhưng không thể phủ nhận những bài cảm hoài ấy là tiếng nói tâm sự, những phê trách khá mạnh mẽ, một quyết tâm giữ vững chính khí trước thời cuộc thay đổi điên đảo của một nhà nho quân tử hết lòng vì đất nước. Vì thế nó xứng đáng được tồn tại trong bộ phận thơ ca yêu nước Nam Bộ nói riêng và trong dòng chảy của cả nước nói chung.

PGS. TS. Lê Quang Trường*

Nguồn trích từ: Danh nhân Phan Văn Trị, một thế kỷ nhìn lại, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr.100-116.


* Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. 

 

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Quảng Tuân. (2001). Phan Văn Trị, cuộc đời và tác phẩm. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb. Trẻ.

Thất Hiền Cuồng Sĩ. (n.d.). Sưu tập cổ thi văn.

Lê Quang Chiểu. (1903). Quốc âm thi hiệp tuyển. Sài Gòn: Claude & Cie.

Bảo Định Giang. (1976). Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX. Thành phố Hồ Chí Minh: Văn học giải phóng.

Nguyễn Q. Thắng. (1990). Tiến trình văn nghệ miền Nam. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb. Tổng hợp An Giang.

Nguyễn Văn Hầu. (2012). Văn học miền Nam lục tỉnh. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ.

Nguyễn Liên Phong. (2014). Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca. (T. N. Cao Tự Thanh, Ed.) Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb. Văn hoá - Văn nghệ.

Cao Xuân Dục. (1893). Quốc triều hương khoa lục. Đại Nam: Quốc sử quán triều Nguyễn.

Nhất Tâm. (1956). Phan Văn Trị (1830-1910), Phụ: Học Lạc - Nhiêu Tâm. Sài Gòn: Tân Việt.

Miên Ký. (n.d.). Hiếu Cổ đường thi tập. Hồ Chí Minh: Phòng Nghiên cứu Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

 


[1] Bảo Định Giang, Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX. Thành phố Hồ Chí Minh: Văn học giải phóng, 1976, tr.116-120, 116-160

[2] Nguyễn Văn Hầu, Văn học miền Nam lục tỉnh. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb. Trẻ, 2012, tr.178-217.

[3] Nguyễn Q. Thắng, Tiến trình văn nghệ miền Nam. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Tổng hợp An Giang, 1990, tr.96-100.

[4] Nguyễn Liên Phong, Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Cao Tự Thanh – Trương Ngọc Tường chỉnh lý, chú thích và giới thiệu. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Văn hoá – Văn nghệ, 2014, tr.171-172.

[5] Lê Quang Chiểu, Quốc âm thi hiệp tuyển. Sài Gòn: Claude & Cie, 1903, 98 trang.

[6] Tư liệu của Phan Thành Tài, dẫn lại từ Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Quảng Tuân, Phan Văn Trị, cuộc đời và tác phẩm. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ, 2001, tr.61-64.

[7] Các trích dẫn thơ dưới đây được lấy theo Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Quảng Tuân, Phan Văn Trị, cuộc đời và tác phẩm, Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ, 2001, tr.114-125.

[8] Hương hài Giáp Mã nhi: đứa trẻ thơm ở doanh Giáp Mã, chỉ Triệu Khuông Dận, thời Tống. Do lúc Triệu Khuông Dận sinh ra, hoa mẫu đơn trong nhà nở rộ, ngát hương nên lấy tên Đứa bé thơm (Hương hài) đặt cho. Khuông Dận thuở nhỏ không thích sách vở chỉ thích luyện tập võ nghệ, sau làm nên nghiệp lớn, dựng triều Tống.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60793271
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12772
24669
60793271

Thành viên trực tuyến

Đang có 342 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website