Tìm hiểu lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu ở cộng đồng ngư dân Sông Đốc (Cà Mau)[1]

TS Nguyễn Ngọc Thơ
ThS Dương Hoàng Lộc
Tóm tắt:
Bài viết này giới thiệu về diễn trình cùng những chức năng chính của lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu ở cộng đồng ngư dân Sông Đốc (Cà Mau). Diễn trình lễ vía này diễn ra trong hai ngày 22 và 23 tháng Ba âm lịch, thu hút khá đông người dân địa phương tham gia, đặc biệt nhiều nhất là các chủ ghe tàu đang đánh bắt tại ngư trường Sông Đốc, tạo nên nét đặc trưng riêng cho lễ hội này. Mặt khác, lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu tại đây còn có chức năng ổn định tâm lý cho ngư dân khi ra khơi đánh bắt,đồng thời là kênh để giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống người Hoa địa phương, kết nối cộng đồng lại với nhau.  

Từ khóa:  Lễ vía, Thiên Hậu Thánh Mẫu, ngư dân, Sông Đốc

 

 

 1. Dẫn nhập

Đối với cư dân Nam bộ, đặc biệt trong cộng đồng người Hoa, Thiên Hậu là vị thánh mẫu có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của họ. Niềm tôn kính Thiên Hậu Thánh Mẫu được thể hiện qua nhiều phương diện và dễ nhận thấy nhất đó là lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu, được tổ chức trọng thể ở khá nhiều địa phương từ Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh cho đến các tỉnh cực Nam của nước ta như Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Bài viết này đi vào giới thiệu và phân tích một trường hợp cụ thể: Lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Thị trấn Sông Đốc là một cộng đồng ngư dân đánh bắt thủy hải sản xa bờ với ghe tàu đông đúc và phát triển sầm uất, thu hút ngư dân nhiều tỉnh, thành đến đây khai thác. Văn hóa trước giờ vốn có mối quan hệ chặt chẽ với đặc điểm môi trường cùng kinh tế, xã hội ở từng địa phương. Cho nên, lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu tại đây còn gắn liền với đời sống và sinh hoạt, nhu cầu lẫn ước vọng của một cộng đồng ngư dân đánh bắt sôi động, phát triển ở vùng biển cực Nam tổ quốc.

2. Lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu: Thời gian và diễn trình

Lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu được diễn ra tại Thiên Hậu Cung, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Hiện tại, miếu tọa lạc tại khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Người địa phương còn gọi miếu này là Chùa Bà Thiên Hậu Sông Đốc.

Lệ vía Thiên Hậu chính thức diễn ra vào ngày 23/3 âm lịch hằng năm. Đây là lệ cúng quan trọng nhất của Thiên Hậu cung tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau[2], cũng như toàn bộ những ngôi miếu thờ Thiên Hậu của người Hoa trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Nhìn chung, lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu ở đây là một lễ hội thu hút khá đông người tham gia, được tổ chức chu đáo, bài bản theo đúng nghi thức truyền thống của người Hoa địa phương.

Từ sáng ngày 22 cho đến chiều ngày 23/3 âm lịch, Ban quản trị Thiên Hậu cung tập hợp đầy đủ để tiến hành chuẩn bị tổ chức ngày vía Bà thật trang trọng. Người ta dọn dẹp sạch sẽ các bàn thờ, chưng trái cây, bông hoa, treo nhang vòng và nhất là trưng bày áo và mão của Bà trong khu vực chánh điện. Buổi chiều hôm đó, họ chuẩn bị những lễ vật truyền thống dâng cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu và chư thần trong miếu gồm: Bánh thọ, bánh bò, chè ỷ, hoàng bửu. Đến tối, khi người dân đã tụ họp đông đúc thì đến tiết mục múa lân do đội lân Hưng Nghĩa Đường phụ trách đã tạo nên không khí rộn rã cho miếu. Lúc này, tất cả các thành viên của ban quản trị trang nghiêm tề tựu trước bàn thờ Thiên Địa Phụ Mẫu ở trước sân miếu dâng hương tế lễ, còn toàn bộ những người khác thì đứng phía sau. Tiếp đến, họ dâng hương cúng tại bàn thờ Quan Âm Nam Hải. Cúng xong, mọi người di chuyển vào trong chánh điện, thành kính khấn nguyện Thiên Hậu Thánh Mẫu và chư thần (Thành Hoàng Bổn Cảnh, Phước Đức Chánh Thần, Thiên Soái Hổ Gia). Sau đó, tất cả trở ra miếu Hỏa Đức Nương Nương (nằm ở bên phải miếu) và cuối cùng là dâng hương ở bàn thờ Tiên Hiền Chi Vị. Sau khi thức dâng hương thánh mẫu và chư thần, ông Hội trưởng quì xin keo để thực hiện nghi thức tắm Bà. Trong thời gian tắm, toàn bộ đàn ông đi ra bên ngoài sân miếu, còn những người phụ nữ thì được phép quì lạy và chờ đợi bên trong. Người ta che màn trước bàn thờ Bà và chuẩn bị nước có hoa tươi để một số phụ nữ người Hoa có tuổi tắm tượng và thay áo cho thánh mẫu. Sau khi kết thúc nghi thức tắm Bà, mọi người được ăn chè ỷ và cùng trò chuyện với nhau, còn một số người khác thì  tập trung bên trong để xin nước tắm Bà mang về nhà.

Sáng ngày chánh lễ, tức ngày 23/3 âm lịch, các thành viên trong ban quản trị tề tựu khá sớm để chuẩn bị nghi thức tế lễ. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là tính chu đáo, cẩn trọng khi bày biện các lễ vật truyền thống lên bàn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Lễ vật gồm 12 thứ: Rượu, trà, hương đăng, hoa lài, ngũ quả, phước cốm, bánh thọ, mì sụa, một dĩa đồ chay, hoàng bửu, đại phước tiền, ngũ sanh (khô mực, trứng vịt, trứng gà, heo luộc, tôm), heo quay. Đến khoảng 9g sáng, mọi người tập trung lại ở trước bàn thờ Thiên Địa Phụ Mẫu bắt đầu dâng hương, thành tâm khấn nguyện hết sức trang nghiêm và lần lượt đến các bàn thờ như đêm hôm qua. Điều hành nghi thức cúng là một ông hội phó và khi đọc văn tế, xướng lễ đều bằng tiếng Hoa. Nhưng nghiêm trang nhất là nghi thức dâng hương và lễ vật cho Thiên Hậu Thánh Mẫu trong chánh điện ngôi miếu. Theo thứ tự, ông hội trưởng quì dâng hương cầu nguyện, dâng trà và hoa rồi đến dâng các món lễ vật truyền thống cho thánh mẫu hết sức thành kính nhằm tri ân, tưởng nhớ công đức to lớn của Bà. Sau khi kết thúc, mọi người ngồi uống trà, nói chuyện với nhau và cuối cùng là cùng dự buổi tiệc mặn trong khuôn viên sân miếu. Trong khoảng thời gian này cho đến tối ngày 23/3 âm lịch, đông đảo người dân địa phương vẫn tiếp tục đến miếu dâng hương cầu nguyện. Họ mang rất nhiều thứ như: Hoa quả, nhang đèn, vàng bạc, xôi, heo quay và gửi cúng tiền cho miếu. Trong đó, nhiều lễ vật mang tính truyền thống của người Việt như xôi, trầu cau cũng được sắp xếp lên bàn thờ để cúng cho Bà.

3. Chức năng của Lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu trong đời sống văn hóa-xã hội của cộng đồng ngư dân Sông Đốc

Quan sát tại lễ vía này năm 2015, chúng tôi thấy rằng tham gia lễ có khá nhiều thành phần trong cộng đồng như buôn bán, làm nông, nuôi tôm,...Đặc biệt, không chỉ có người Hoa mà còn có đông đảo người việt đến miếu cúng bái. Mục đích cầu nguyện của họ là nhằm có được một đời sống bình an, sức khỏe và tài lộc, vạn sự hanh thông và may mắn,... Nhưng nhiều nhất là các chủ ghe tàu đang khai thác tại ngư trường Sông Đốc. Qua quan sát cũng như tìm hiểu của chúng tôi, các chủ ghe địa phương cũng như các tỉnh, thành khác mang lễ vật (bông hoa, trái cây, vàng bạc, nhang đèn,…) đến đây thắp hương cúng bái và thậm chí có những trường hợp trả lễ Thiên Hậu Thánh Mẫu bằng một con heo quay, khi một ước vọng nào đó của họ được thánh mẫu phù trợ thành tựu. Họ đến miếu cúng ngay từ chiều 22 cho đến tối 23/3 âm lịch, hầu hết đều có cúng thêm tiền cho miếu. Đặc biệt, vào tối 22/3, ban quản trị tổ chức nghi thức tắm Bà do một số phụ nữ người Hoa thực hiện. Nước tắm Bà được nhiều người xin về uống để chữa bệnh, cầu bình an và sức khỏe. Tuy nhiên, một chủ ghe, khi tham gia nghi thức này, đã cho biết chị xin nước này về rửa cái lô ghe cho ghe được sạch sẽ, giải trừ tai họa, xui rủi khi ra khơi đánh bắt. Lá bùa của Thiên Hậu Thánh Mẫu tại Thiên Hậu cung, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời có màu vàng và được đóng dấu ấn đỏ, trên bùa có ghi chữ Hán: “Ngọc ấn Thiên Hậu Thánh Mẫu sắc lệnh linh phù trấn chúng sanh tha bình an”. Có hai loại bùa: Bùa lớn có chiều ngang khoảng một tấc và dài độ hai tấc, bùa nhỏ thì chỉ khoảng phân nữa lá bùa lớn. Khi thỉnh về treo trong nhà, thông thường lá bùa lớn treo trước cửa chính, còn lá bùa nhỏ treo ở cửa sau. Nhiều chủ ghe, tàu ở Sông Đốc còn thỉnh lá bùa này về treo trên ghe, tàu của họ. Cũng giống như treo ở nhà, lá bùa lớn được treo ở bàn thờ và lá bùa nhỏ thì treo ở sau buồng lái.

Phần nhiều những ngư dân đến miếu để cầu nguyện Thiên Hậu Thánh Mẫu phù hộ độ trì cho hoạt động đánh bắt được thuận lợi, ghe tàu ra khơi lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió và tôm cá nặng đầy khoang, nhờ vậy mà ngư nghiệp không ngừng phát triển. Đó là ước vọng của nhiều chủ ghe, tàu mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, phỏng vấn. Điều này cho thấy được niềm tin rất lớn của họ vào thánh mẫu, vì nghề nghiệp của họ vốn chứa đựng nhiều rủi ro, bất trắc mà không thể lường trước được khi phải lênh đênh dài ngày giữa biển cả mênh mông. Tại vùng biển Sông Đốc, việc khai thác nguồn lợi thủy, hải sản không chỉ có ghe tàu địa phương, mà còn thu hút ngư dân từ nhiều nơi khác đến khai thác như Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng,…từ nhiều năm nay với các hình thức đánh bắt chủ yếu là ghe cào, ghe lưới đèn, ghe câu mực. Nghề đánh bắt thủy hải sản ở đây phát triển mạnh vào những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước, do có nhiều ngư dân từ miền Trung vào đây đánh bắt. Từ đó, các hình thức đánh bắt như lưới đèn, câu mực mới được ngư dân địa phương học hỏi và nhất là tiến dần khai thác xa bờ, thay thế được những hình thức đánh bắt truyền thống gần bờ như: Nò xiêm, chà chim, xiệp….Đặc biệt, sau cơn bão Linda số 5 (1997), ngư dân địa phương được hỗ trợ vay vốn để đóng tàu có mã lực lớn ra khơi xa đánh bắt, thu hoạch nguồn lợi thủy hải sản phong phú, dồi dào hơn trước[3]. Do vậy, ngày nay, Sông Đốc là vùng biển đánh bắt lớn của ngư dân nhiều nơi trong cả nước hội tụ về, góp phần làm cho nơi đây trở thành một thị trấn ven biển sầm uất và đời sống kinh tế không ngừng phát triển, đa dạng. Tuy nhiên, qua thảo luận với nhiều chủ ghe tàu thì được biết có nhiều vấn đề mà ngư dân Sông Đốc hiện nay phải  đối mặt là: Ngoài nguyên nhân thời tiết biến động, gió bão làm cản trở công việc đánh bắt, hiện tại họ còn lo sợ mỗi khi ghe thả cào, thả lưới chẳng may gặp vật cản làm rách cào, rách lưới, hay không thu hoạch được nhiều vì chi phí đầu tư cho mỗi chuyến ra khơi là khá lớn, sẽ dẫn đến tình trạng bị lỗ. Ngoài ra, tại Sông Đốc, một số chủ ghe, tàu ở nhiều tỉnh, thành đến đây khai thác lại còn lo lắng về tình trạng bạn tàu sau khi đã nhận tiền của chủ đã bỏ việc trên tàu, trở vào bờ, làm cho công việc ngoài khơi gặp cản trở, chủ ghe hoàn toàn mất hẳn số tiền đã ứng trước cho họ. Mặt khác, nhiều chủ ghe cho biết nếu càng có nhiều tàu đi đánh bắt ngoài khơi thì càng lo lắng, vì đó là nguồn tài sản lớn nhất của họ và gia đình. Và không thể không nhắc đến nhiều trường hợp ghe tàu của ngư dân vượt qua hải phận nước khác đánh bắt đã bị bắt giữ và tịch thu toàn bộ, dẫn đến nhiều người bị phá sản sự nghiệp. Cho nên, nhiều chủ ghe, tàu ở Sông Đốc cũng như các tỉnh thành khác đã cho biết rằng họ thường xuyên đến Thiên Hậu cung để cầu nguyện, vái van Thánh Mẫu phù hộ, che chở cho ghe tàu mỗi khi ra khơi. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc ngư dân sùng kính thánh mẫu này cũng như các vị thần khác (Nam Hải Tướng quân, Bà Cậu, Thủy Long Thánh Mẫu,…). Cho nên, sự có mặt của họ trong lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu ngày 23/3 âm lịch hằng năm tạo nên nét đặc trưng trong sinh hoạt tín ngưỡng tại ngôi miếu này so với những miếu Thiên Hậu khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau thường gắn với nhu cầu tinh thần của cư dân đô thị và nông nghiệp. Điều này cho thấy cho thấy tín ngưỡng vốn nảy sinh từ nhu cầu của hiện thực đời sống con người ở mỗi địa phương vốn có hoàn cảnh kinh tế, xã hội và văn hóa khác nhau. Vì thế, Ngô Đức Thịnh đã nhận định như sau: ”Tất cả những niềm tin, thực hành và tình cảm tôn giáo tín ngưỡng trên đều sản sinh và tồn tại trong một môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa mà con người đang sống, theo cách suy nghĩ và cảm nhận của nền văn hóa đang chi phối họ”[4].

            Ngoài ra, tín ngưỡng Thiên Hậu Thánh Mẫu ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau còn là một kênh để cộng đồng người Hoa địa phương giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của họ. Mặt khác, là một thức tín ngưỡng ở phạm vi cộng đồng, cho nên tín ngưỡng Thiên Hậu còn nối kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau, mang yếu tố cộng mệnh và cộng cảm. Lễ hội vía Thiên Hậu Thánh Mẫu vào ngày 23/3 âm lịch hằng năm là một biểu hiện sinh động và rõ nét cho điều này. Bởi lẽ, lễ hội chính là một bức tranh phản chiếu ước vọng của cộng đồng, thể hiện đời sống kinh tế và xã hội của địa phương, là dịp để cộng đồng gặp gỡ, nối kết và biểu hiện một cách sống động những giá trị văn hóa truyền thống, thăng hoa những cảm xúc và tăng cường sức mạnh trước những thách thức đang chờ đợi phía trước. Lê Hồng Lý đã nhận định: “Lễ hội truyền thống đã đóng góp một phần không nhỏ vào đời sống văn hóa-xã hội, đời sống tâm linh của con người. Nó thỏa mãn nhu cầu đa dạng của đông đảo cư dân bùng nổ cùng một lúc: Niền tin và ngưỡng vọng sức mạnh tổ tiên, hòa đồng giao cảm với mọi người, thưởng ngoạn, hưởng thụ và nhập cuộc sáng tạo văn hóa, du ngoạn danh thắng, di tích, mua sắm, thưởng thức của ngon vật lạ, vui chơi giải trí, tự soi mình để thấy nét riêng tài sắc trong cộng đồng rộng lớn....”[5].

Thông qua lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu hằng năm, bên cạnh việc thể hiện thái độ ngưỡng vọng, thành kính của cộng đồng đến vị thánh mẫu có nhiều quyền năng bảo vệ cuộc sống con người, đã cho thấy đây là một hình thức để người Hoa tại thị trấn Sông Đốc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của họ. Đầu tiên, đó là những lễ vật vừa mang tính truyền thống của cộng đồng vừa là biểu tượng văn hóa, thể hiện ước vọng của họ. Món chè ỷ dâng cúng gồm những viên bột được vo tròn, có màu đỏ, khi ăn có vị ngọt ngào biểu hiện cho sự may mắn, viên mãn và hạnh phúc trong cuộc sống. Mặt khác, ở mỗi bàn thờ, người ta cúng bốn chén và được cho biết rằng con số này tượng trưng cho bốn mùa trong năm. Còn món phước cốm được làm từ nếp rang thành từng thỏi và phía trên có dán chữ “Phước” màu đỏ được xem như phước báu vô lượng của Bà ban cho chúng sinh thụ hưởng, khi họ ăn thì cầu được phước đức đầy đủ, cuộc sống may mắn. Món bánh thọ được làm giống hình quả đào tiên, có màu phơn phớt hồng, trông rất đẹp mắt và nó tượng trưng cho sự trường thọ của con người. Món bánh bò nổi, được người Hoa gọi là “phát cúi”, mang ý nghĩa phát đạt, giàu có. Trên tấm đại phước tiền dâng cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu đã thể hiện được khát vọng bình an, cuộc sống viên mãn của cộng đồng thông qua những dòng chữ Hán: “Phước như đông hải, thọ tỷ nam sơn, hợp gia bình an, đáp tạ thần ân”. Hằng năm, trong dịp lễ vía Bà, người ta mới dâng cúng Thánh Mẫu những lễ vật truyền thống và thông qua những thứ này đã biểu hiện được những ước vọng của đời sống thực tại, cũng như nhân sinh quan và thế giới quan của họ, nhắc nhở thế hệ sau về truyền thống xưa nay của cha ông họ. Mặt  khác, phong tục xin xăm, xin keo, vay lộc Bà, phát bùa, phát gạo cho người nghèo,...là những hình thức  gắn liền với các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa, được họ thường xuyên thực hành, là nét văn hóa riêng của cộng đồng nhằm thể hiện sự gắn bó, giao cảm giữa con người với thần thánh, trong đó có Thiên Hậu cung tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Trong lễ vía Thiên Hậu tại đây, qua quan sát, chúng tôi thấy rằng, điều hành nghi thức tế lễ cho ban quản trị và cộng đồng là ông hội phó, một người Hoa thuộc nhóm ngôn ngữ Triều Châu lớn tuổi. Ngôn ngữ mà ông sử dụng trong nghi lễ cũng như bài văn Tế Thánh Mẫu đều được đọc bằng tiếng Hoa. Việc sử dụng ngôn ngữ riêng của cộng đồng trong nghi lễ truyền thống cho thấy ý thức giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa truyền thống của người Hoa địa phương. Mở rộng hơn nữa, qua tìm hiểu của chúng tôi, việc tế lễ Thiên Hậu Thánh Mẫu ngày 23/3 âm lịch được ban quản trị cung học hỏi trực tiếp từ nghi thức ở Thiên Hậu cung tại phường 2, thành phố Cà Mau[6].Ngoài ra, hầu như những ngôi miếu thờ Thiên Hậu ở tỉnh Cà Mau đều có nhiều sự giống nhau trong việc phối thờ (Thành Hoàng Bổn Cảnh, Phước Đức Chính Thần,Hỏa Đức Nương Nương, Thiên Soái Hổ Gia,...), thời gian tổ chức các lệ cúng trong năm và kể cả kiến trúc, nghi lễ, cơ cấu tổ chức, thần phù,... với ngôi miếu Thiên Hậu tại thành phố Cà Mau. Qua đây chứng tỏ Thiên Hậu cung tại thành phố Cà Mau giữ một vai trò trung tâm, quan trọng trong hoạt động tín ngưỡng Thiên Hậu Thánh Mẫu trên toàn tỉnh Cà Mau và điều này còn thể hiện tính đoàn kết, ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa trên mảnh đất cực Nam của tổ quốc. Đây cũng là một đặc điểm văn hóa nổi bật của cộng đồng người Hoa ở Nam bộ qua hàng trăm năm.  

            Qua quan sát lễ hội vía Bà 23/3 âm lịch, chúng tôi thấy rằng, hầu như các thành viên trong ban quản trị Thiên Hậu cung đều tham gia đầy đủ. Những ngày này, họ túc trực tại miếu để dọn dẹp, trưng bày lễ vật, áo mão của Bà, xếp đặt bàn ghế và tổ chức công việc nấu nướng, tiếp khách. Phần nhiều các thành viên trong ban quản trị đều cho biết việc tham gia giúp cho lễ vía thành công là trách nhiệm của họ và quan niệm rằng đây là một công việc mang lại nhiều phước đức, nhất là sẽ được Bà thường xuyên phù hộ. Nét đặc biệt trong ban quản trị này là có một thành viên người Việt tham gia làm thư ký. Điều này cho thấy tính linh hoạt trong cơ cấu tổ chức ban quản trị tại đây, một biểu hiện về tính hội nhập văn hóa của tộc người Hoa vào bối cảnh văn hóa-xã hội của cư dân Nam bộ.

Bên cạnh đó, một số thanh niên người Hoa thường xuyên đến Thiên Hậu cung khấn vái và tham gia vào những công việc chung của miếu thông qua sự hướng dẫn của các thành viên cao tuổi trong ban quản trị, nhất là dịp lễ vía Bà, ngày Tết Nguyên đán. Họ xem đó là nhiệm vụ của mình, sự kế tục công việc của người đi trước để mai này có thể gánh vác trách nhiệm tế lễ của miếu. Và như vậy, điều này đã góp phần trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng giữa các thế hệ người Hoa địa phương.

6. Kết luận

Nét độc đáo của tục thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau chính là gắn liền với nhu cầu tâm linh của ngư dân, một thành phần chủ đạo và giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội địa phương. Thiên Hậu là vị thần che chở, bảo vệ họ cho những chuyến ra khơi được bình an, tránh được những điều không may và rủi ro bất ngờ ập đến. Vì thế, Thiên Hậu cung là một chỗ dựa tinh thần của ngư dân không chỉ của địa phương mà còn từ nhiều tỉnh, thành khác đến đây đánh bắt. Cho nên, trong sinh hoạt tín ngưỡng ở Thiên Hậu cung có  thể thấy vai trò của ngư dân là rất lớn, nhất là lễ vía 23/3 hằng năm. Ở tại thị trấn Sông Đốc, giữ vai trò chính cho hoạt động kinh tế địa phương chính là ngành đánh bắt thủy hải sản xa bờ, còn một số ngành nghề khác thì có vai trò phụ trợ. Nguồn thu của ngành đánh bắt thủy hải sản gia tăng hay suy giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế địa phương, đời  sống của người dân.

Tài liệu tham khảo

1. A.R.Radcliffe-Brown (1965), Structure and function in primitive society ( Cấu trúc và chức năng trong xã hội nguyên thủy), Colier Macmillan Publishers, London.

2. Robert Layton ( Phan Ngọc Chiến dịch, Lương Văn Hy hiệu đính) (2007), Nhập môn lý thuyết Nhân học (An Introdution to the theory anthropology), Nxb.Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng một số hướng tiếp cận lý thuyết, Hà Nội, Nxb Thế Giới.

4. Dương Hoàng Lộc (2015), Tục thờ Quan Âm Nam Hải ở hai cộng đồng ngư dân Sông Đốc và Trần Đề.Báo Giác Ngộ,. số 805, ngày 24/7/2015.

5. Phan Thị Hoa Lý (2014), Tín ngưỡng Thiên Hậu ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ ngành Văn hóa học, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội.

6. Lê Hồng Lý (2008), Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng, Nxb.Văn hóa thông tin, Hà Nội.

7. Trịnh Xuân Tuyết (2015), Tín ngưỡng Thiên Hậu ở Cà Mau, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học KHXH&NV, Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Viện Văn hóa-Nxb.Văn hóa thông tin, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, số 4, tháng 8/2016


[1] Bài viết này được tài trợ bởi Quĩ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số IV5.2-2012.20

[2][2] Bên cạnh lễ vía Bà 23/3 âm lịch hằng năm, Thiên Hậu cung còn tổ chức cúng nhiều lệ vía khác: Nghênh tiếp Thánh Mẫu hồi cung (ngày mùng 3 tết), Chư thánh thần hạ thế (ngày mùng 4 tết), Vía Ngọc Hoàng (mùng 9 tháng giêng), Lễ Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng), Vía Hổ thần (16 tháng giêng), Vía Phật Bà Quan Âm Nam Hải (19 tháng 2), Tiết Thanh minh (không nhất định), Vía Phước Đức Lão gia (ngày 29 tháng 3), Tiết Đoan dương (mùng 5 tháng 5), Đại lễ Vu lan thắng hội (Rằm tháng bảy), Tiết Trung thu (Rằm tháng 8), Tiết Hạ ngươn ( Rằm tháng 10), Tiết Đông chí (không nhất định), Chư thánh thần triều Thiên (ngày 24 tháng 12), Cúng đón giao thừa (ngày 29-30 tháng 12).

[3] Tư liệu PVS ông M.H, người Hoa Triều Châu, chủ ghe ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. . Người phỏng vấn: Dương Hoàng Lộc.

[4] Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Viện Văn hóa-Nxb.Văn hóa thông tin, Hà  Nội, trang 14. 

[5] Lê Hồng Lý (2008), Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng, Nxb.Văn hóa thông tin, Hà Nội, trang 60-61.

[6] Tư liệu PVS ông Q.T.D, thành viên Ban Quản trị Thiên Hậu cung tại thị trấn Sông Đốc,  huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Người phỏng vấn: Dương Hoàng Lộc. Ngày phỏng vấn: 11/5/2015

Thông tin truy cập

60520943
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2436
10018
60520943

Thành viên trực tuyến

Đang có 198 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website