Tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc tại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá đại chúng

 

PGS.TS. Trần Lê Hoa Tranh

(Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH và NV - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Tóm tắt

Bài viết tập trung tìm hiểu hiện tượng tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc- một sản phẩm của văn hóa đại chúng- du nhập vào Việt Nam và trở thành một trào lưu đọc truyện ngôn tình. Bài viết triển khai trên các luận điểm: Nguồn gốc của thể loại truyện ngôn tình Trung Quốc, vì sao lại được bạn đọc Việt Nam đón nhận, những mặt tích cực và tiêu cực của hiện tượng này, đồng thời đưa ra một số giải pháp cơ bản.

Từ khóa: Tiểu thuyết ngôn tình, văn hóa đại chúng, truyện ngôn tình Trung Quốc.

1. Tiểu thuyết ngôn tình như một “hiện tượng đọc” mang tính đại chúng tại Việt Nam

Thử gõ cụm từ “tiểu thuyết ngôn tình” lên các trang tìm kiếm (ví dụ như google) chúng ta thấy gì?

-          Khoảng 11.100.000 kết quả chỉ trong vòng 0,57 giây

-          Hàng loạt đường link dẫn đến các trang web khá hot hiện nay như: List truyện ngôn tình của tuthienquoc.wordpress.com, ngontinh.com, ví dụ, vào loidich.com/library, các bạn cũng dễ dàng bắt gặp hơn 250 truyện ngôn tình Trung Quốc trên tổng số 2.227 quyển...

-          Các trang: top 100 tiểu thuyết ngôn tình kinh điển, top 70 tiểu thuyết ngôn tình mới nổi, sex trong tiểu thuyết ngôn tình,…

-          Các fanpage (trang) dành cho những người yêu thích ngôn tình như: Hội những người mê mẩn vì các trai trong ngôn tình Trung Quốc, Hội những người thích truyện ngược,…

-          Các bài viết phê phán tiểu thuyết ngôn tình.

….

Thực trạng trên cho thấy đây là một “hiện tượng đọc” rất đáng quan tâm của thị trường sách chúng ta hiện nay. Tuy vậy, hầu như các thông tin nhận được liên quan đến: những trang web để các bạn trẻ có thể đọc tiểu thuyết ngôn tình; những bài điểm sách ngắn (book review) theo cảm xúc, chưa khoa học; những bài phê phán việc đọc ngôn tình đi kèm với việc liệt kê những tác hại của nó,... Chưa có những nghiên cứu thật khoa học, cặn kẽ về việc xuất hiện tiểu thuyết ngôn tình tại Trung Quốc hay việc tiếp nhận nó tại Việt Nam, cũng chưa thấy có việc liên hệ tiểu thuyết ngôn tình với việc du nhập những hiện tượng văn hóa đại chúng ngày nay.

Trong một vài bài phỏng vấn trên báo chí(1), chúng tôi cũng đã nhắc qua những ý này, nhưng chưa đầy đủ. Bài viết này của chúng tôi muốn trả lời thật cụ thể những câu hỏi trên.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và văn hóa là một hướng nghiên cứu khá quan trọng và thú vị vì văn hóa tác động lớn đến văn học. Do đó, nhìn nhận tiểu thuyết ngôn tình như một hiện tượng của văn hóa đại chúng (popular culture, hay mass culture) chúng ta sẽ nhận thấy điểm mạnh và điểm yếu của dòng tiểu thuyết này.

“Văn hóa đại chúng” có thể được hiểu là nền văn hóa của một xã hội đại chúng – xã hội được hình thành trên những điều kiện như sự gia tăng dân số; sự phát triển của quá trình sản xuất, tiêu thụ lớn theo cơ chế thị trường; sự mở rộng không giới hạn không gian nhờ những tiến bộ về giao thông và thông tin; quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư tại các đô thị. Nền văn hóa này có đối tượng thụ hưởng là đại đa số dân chúng - những người có trình độ giáo dục ở mức độ tương đối. Và những giá trị văn hóa được phổ cập, truyền bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình, mạng (internet),…

Nhìn chung, chúng ta có thể thấy: văn hóa đại chúng là những sản phẩm văn hóa được sản xuất cho số đông, đại trà, không phân biệt giới tính, quốc gia, tuổi tác, quốc tịch,…văn hóa đại chúng chịu sự chi phối của các phương tiện truyền thông như sách báo, truyền hình, mạng internet,… Jim Cullen cho rằng: Văn hoá đại chúng Mỹ là một trường hợp hết sức đặc biệt với sự phát triển của nền công nghiệp và xã hội tiêu thụ, tính chất dân chủ về mặt chính trị. Nơi đó có những biểu tượng Mỹ mang tính chất toàn cầu như đồ ăn MacDonald’s, những truyện kể miền viễn Tây, chương trình truyền hình của Oprah Winfrey...(2)

Nguyễn Văn Dân đưa ra nhận xét: văn hoá đại chúng có hai đặc tính nổi bật là tính thương mại và tính giải trí. Điều này bắt nguồn từ việc nền văn hoá đại chúng phải đáp ứng hai tiêu chí cơ bản “ hiệu quả tiêu thụ của sản phẩm văn hoá” và “thị hiếu của đại chúng toàn cầu”(3)

Với những định nghĩa trên, trên mặt bằng văn hóa thế giới, chúng ta có thể kể ra hàng loạt những ví dụ của văn hóa đại chúng đã và đang tác động đến Việt Nam: phim ảnh Hollywood hay thậm chí Bollywood; làn sóng “Hàn lưu” bao gồm phim Hàn, nhạc Hàn, ẩm thực Hàn,…; nhạc pop, rock của phương Tây; tranh Manga, cosplay Nhật,…

Như vậy, với những đặc điểm trên, chúng ta hoàn toàn có thể xếp tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc là một sản phẩm của văn hóa đại chúng tại Việt Nam. Trước hết, tiểu thuyết ngôn tình phục vụ cho số đông, đại chúng, và chịu sự chi phối rất rõ của truyền thông, trong đó có thể kể đến nhiều nhất là internet và các trang mạng. Tiểu thuyết ngôn tình được bán rất chạy, không chỉ tại Trung Quốc mà còn ở các nước khác, rồi sau đó được dựng thành phim điện ảnh, truyền hình, như vậy là “hiệu quả tiêu thụ” rất cao, là bởi vì nó đáp ứng “thị hiếu của đại chúng”.

Nhưng tại sao tiểu thuyết ngôn tình xuất phát từ Trung Quốc lại thu hút độc giả Việt Nam đến vậy. Theo Benidict: “Mỗi nền văn hóa tiếp nhận những thành tố từ môi trường bên ngoài theo sự phù hợp của những thành tố đó với cấu hình đã được tạo lập của nó. Và những thành tố không tránh khỏi được tái cắt nghĩa, tái cấu trúc, chuyển hóa sao cho nhất quán với những thành tố hiện tồn và tương thích, hòa nhập với cấu hình chung, với kiểu thức văn hóa thống lĩnh.”(4) Như vậy có nghĩa là, việc nghiên cứu tại sao tiểu thuyết ngôn tình lại được người Việt Nam tiếp nhận hồ hởi phải được xác lập trên cơ sở nghiên cứu giao lưu liên văn hóa (interculture communication): tiểu thuyết ngôn tình có những đặc điểm phù hợp với văn hóa, hành vi, thói quen của người Việt Nam, đặc biệt là những ảnh hưởng trong lịch sử. 

Do đó, bước đầu tiên, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc của thể loại truyện ngôn tình.

2. Nguồn gốc của tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc

Cũng như tiểu thuyết tâm lý tình cảm của nhà văn nữ Quỳnh Dao từng chiếm lĩnh trái tim của nhiều độc giả bình dân những năm từ trước 1975, sự trần trụi bạo liệt của trào lưu linglei từng gây choáng ngợp cho độc giả trẻ những năm đầu thế kỷ 21, “mốt” đọc truyện ngôn tình Trung Quốc ở độc giả trẻ Việt Nam hiện nay là một biểu hiện về mặt thị trường xuất bản, tâm lý đọc đáng lưu tâm. Khi đưa ra những ví dụ trên, gợi ý của chúng tôi là chúng có những mối liên hệ nhất định.

Gọi là tiểu thuyết ngôn tình vì đây là dòng tiểu thuyết bàn về chuyện tình yêu. Dù được chia làm nhiều thể loại như: xuyên không (nhân vật vượt thời gian, không gian hiện tại để đến một thời gian, không gian khác), cổ đại (mang không khí cổ xưa), huyền huyễn (có yếu tố kỳ ảo), hắc đạo (xã hội đen), đam mỹ (tình yêu đồng tính nam), bách hợp (tình yêu đồng tính nữ), quân nhân (tình yêu của các cô gái và những người xuất thân trong quân đội), viễn tưởng,...thì nói chung, dòng tiểu thuyết này mô tả những chuyện tình yêu nam nữ đẹp đẽ, nó phản ánh đa diện xã hội hiện đại. Nếu là tiểu thuyết tình yêu, thì nước nào chẳng có. Đặc điểm tâm lý của con người là luôn hướng đến những tình yêu lãng mạn, lý tưởng. Ngành xuất bản Mỹ đã từng và đang có những tác giả như Daniel Steel, E.L.James (50 sắc thái), Stefenie Mayer (Chạng vạng), Helen Fielding (Nhật ký tiểu thư Jones) hay xa hơn nữa như Magaret Michell (Cuốn theo chiều gió); Pháp có Marc Levy, Guillaume Musso,… Nói chung, cả thế giới đều đọc tiểu thuyết lãng mạn.

Nhưng tại sao ngôn tình lại phát triển mạnh ở Trung Quốc?

Theo người viết, ngôn tình, hay tiểu thuyết tình cảm, không phải là sản phẩm mới mẻ, mà là mạch ngầm trong dòng chảy văn học Trung Quốc. Nói bắt nguồn từ đời Đường đã là chậm. Sớm nhất, trong Sử ký Tư Mã Thiên đã có nhắc đến chuyện Trác Văn Quân chạy trốn cùng với tình nhân trong Tư Mã Tương Như liệt truyện, từ đó mở màn cho những truyện có ý vị phong hoa tuyết nguyệt. Đời Đường, Trung Quốc nở rộ những truyền kỳ tình yêu như Oanh Oanh truyện (Nguyên Chẩn), Ly hồn ký (Trần Huyền Hựu), Lý Oa truyện (Bạch Hành Giản), Hoắc Tiểu Ngọc truyện (Tưởng Phòng)…đều là những câu chuyện tình ly kỳ, được truyền tụng rồi sau đó biến thành những vở hí khúc (Oanh Oanh truyện chuyển thể thành Tây sương ký của Vương Thực Phủ, Ly hồn ký thành Thiến nữ ly hồn của Trịnh Quang Tổ,…) cho thấy sức sống lâu bền của thể loại này. Đời Tống- Nguyên, truyền kỳ lại một lần nữa chứng tỏ sức hấp dẫn của nó với Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu (có ảnh hưởng trực tiếp đến Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ- Việt Nam). Trong Tiễn đăng tân thoại có khá nhiều những câu chuyện táo bạo miêu tả chuyện tình yêu, chuyện phòng the như Ái Khanh truyện, Kim Phượng Thoa ký, Mẫu Đơn Đăng truyện,… Giai đoạn sau, tiểu thuyết tình yêu Trung Quốc liên tục phát triển và ngày càng lớn mạnh, đời Minh- Thanh, tài tử- giai nhân là tên gọi mới của thể loại tiểu thuyết này. Chúng ta đếm không hết những tiểu thuyết tài tử giai nhân được hâm mộ như Ngọc Kiều Lê, Kim Vân Kiều truyện, Bình Sơn Lãnh Yến, Định tình nhân, Hảo cầu truyện, Xuân liễu oanhLưỡng giao hôn, Cô sơn tái mộng, Ngô Giang Tuyết, Phi hoa diễm tưởng, Uyển như ước, Tái sanh duyên,…và nếu xét đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết tài tử giai nhân thì chúng ta thấy không khác với đặc điểm của tiểu thuyết ngôn tình ngày nay là bao nhiêu.

Cuối đời Thanh, tiểu thuyết tài tử giai nhân suy yếu, nhường chỗ cho một thể loại khác cũng mang phong vị tình yêu được gọi tên là tiểu thuyết “uyên hồ” (uyên ương hồ điệp) mà tác giả nổi bật nhất chính là Từ Chẩm Á (một phiên âm khác là Từ Trẩm Á). Thuật ngữ “Uyên ương hồ điệp” đầu tiên được dùng để đề cập đến cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất vào năm 1912 của Từ Chẩm Á. Tiểu thuyết này được viết bằng lối văn biền ngẫu, gồm những cặp câu đối xứng nhau, vế trên bốn chữ, vế dưới sáu chữ. Trong tác phẩm lại vương đầy những bài thơ tình cảm và những người yêu nhau thì được so sánh như một cặp chim, bướm không xa rời. Trong Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc (tập hai), những nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng: “Tác giả phái “Uyên ương hồ điệp” phần lớn lấy đề tài hôn nhân, tình yêu, viết các mối tình trai gái không xa rời nhau như một đôi bướm, một cặp uyên ương. Đó là một loại tiểu thuyết tài tử giai nhân mới, chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết giai nhân thời Minh - Thanh và tác phẩm chủ nghĩa cảm thương của giai cấp tư sản nước ngoài, sinh ra trên mảnh đất của người nước ngoài nửa thực dân ở Thượng Hải, về tư tưởng vẫn không thoát khỏi quan niệm đạo đức luân lý phong kiến.”(5). Các tác giả “Uyên ương hồ điệp” gồm có Từ Chẩm Á, Lý Định Di, Ngô Song Nhiệt,… Các tác phẩm tiêu biểu của dòng tiểu thuyết uyên ương hồ điệp có: Đa tình hận (Từ Chẩm Á?), Tình hải phong ba (Từ Chẩm Á?), Nghiệt oan kính (Ngô Song Nhiệt), Thu Hải Đường (Tần Sấu Âu),… Đặc biệt xuất sắc là Ngọc lê hồn và hậu thân là Tuyết hồng lệ sử (Từ Chẩm Á), Phúc mỹ nhân ( Lý Định Di)… Sở dĩ nói nhiều như vậy để thấy rằng, cái gọi là “tiểu thuyết ngôn tình” hoàn toàn không tách rời “tiểu thuyết uyên hồ”, mà “uyên hồ” lại bắt nguồn từ “tiểu thuyết tài tử giai nhân” đời Minh- Thanh. Dương Bình và Dương Tư Dĩnh còn cho rằng, tiểu thuyết “uyên ương hồ điệp ” là phái sáng tác tiểu thuyết ngôn tình(6).

Chúng ta có thể thấy sự liên hệ này qua kết cấu của tiểu thuyết tài tử giai nhân:

  1. Hội ngộ, 2. Gặp loạn ly tán, 3. Đoàn viên.

 và kết cấu tiểu thuyết uyên hồ:

  1. Hội ngộ, 2. Gặp khó khăn, trắc trở, 3. Ly tán, chia lìa.

Như vậy có thể thấy kết cấu của tiểu thuyết uyên hồ đi sát với hiện thực hơn.

Kết cấu của tiểu thuyết ngôn tình là sự kết hợp của kết cấu hai thể loại truyện trên:

  1. Hội ngộ, 2. Gặp khó khăn, trắc trở, ly tán, 3. Đoàn viên/ Chia lìa

Trương Ái Linh và Quỳnh Dao được coi là hai nhà tiểu thuyết tình cảm giao thời giữa văn học hiện đại và đương đại Trung Quốc. Các tác phẩm tiểu thuyết của họ chịu ảnh hưởng từ dòng tiểu thuyết “uyên ương hồ điệp” rất rõ. Trương Ái Linh là người Thượng Hải- nơi phát sinh thể loại tiểu thuyết uyên hồ. Thượng Hải là một thành phố quan trọng bậc nhất về kinh tế của Trung Quốc từ cuối thế kỷ 19. Xã hội thành thị phát triển kéo theo sự ra đời và phát triển thành thục của tầng lớp thị dân. Nơi đây đã từng là địa bàn hoạt động nổi trội của văn phái “uyên ương hồ điệp” đầu thế kỷ 20. Giai đoạn này, Thượng Hải lại còn là nơi tiếp thu những luồng gió phương Tây. Đặc biệt, dân Thượng Hải chuộng nhất là tiểu thuyết tình cảm “tiểu thuyết phát hành ở Thượng Hải nay hết sức nhiều nhưng nội dung của nó thì tám chín phần mười là nói chuyện tình cảm”(7).  Trương Ái Linh là người đã tiếp nối đề tài truyền thống của tiểu thuyết thông tục nói chung và tiểu thuyết uyên ương hồ điệp nói riêng. Và cũng chính bà là người đã biến đổi dòng tiểu thuyết này làm cho “phong cách văn học cũ và phong cách của văn học mới hiện đại có sự hòa hợp với nhau, mà còn làm cho văn học cũ thai nghén nội dung văn hóa của văn học mới”(8). Trương Ái Linh chọn những đề tài mà các nhà tiểu thuyết uyên ương hồ điệp đã khai thác từ trước nhưng lại có những nét mới: “Ngòi bút của bà phản ánh mọi tình huống lạ lẫm của gia đình, có khi vừa Trung vừa Tây, vừa cũ, vừa mới, trong đó vấn đề hôn nhân không bình thường là cơ bản nhất”(9). Về nhân vật, bà tiếp thu hình tượng nhân vật truyền thống trong tiểu thuyết uyên ương hồ điệp. Đó chính là loại nhân vật tài tử giai nhân. Và “mối quan hệ giữa họ cũng được hình thành và phát triển không ngoài sự xung đột và mâu thuẫn về kinh tế hoặc tình yêu”.

Có thể thấy rằng, tiểu thuyết của Trương Ái Linh là sự kết hợp nhuần nhuyễn và tài tình giữa tiểu thuyết uyên ương hồ điêp nói riêng và tiểu thuyết thông tục nói chung với những tư tưởng mới của bà và văn học phương Tây.

Quỳnh Dao là một nhà văn nữ chuyên viết truyện tình cảm của Đài Loan thập niên 1960 tới nay. Các tác phẩm của Quỳnh Dao một thời làm mưa làm gió tại Đài Loan, Việt Nam cũng đều có nội dung miêu tả tình yêu của tài tử- giai nhân. Tiểu thuyết tình cảm của bà là sự tiếp nối tiểu thuyết tài tử giai nhân thời trung đại sang đến tiểu thuyết uyên ương hồ điệp thời cận đại với đường dây cốt truyện gặp gỡ - yêu nhau - thề bồi, đính ước - gặp trắc trở - lưu lạc - đoàn viên. Ngay cả trong quá trình sáng tác của Quỳnh Dao cũng thể hiện sự vận động trong tư tưởng của bà giống như quá trình phát triển từ tiểu thuyết tài tử giai nhân đến tiểu thuyết uyên ương hồ điệp.

  1. 3. Lý giải sức hấp dẫn của tiểu thuyết ngôn tình đối với giới trẻ Việt Nam

Truyện ngôn tình vào Việt Nam từ khi nào, và bằng con đường nào?

Theo chúng tôi, truyện ngôn tình là dòng mạch tiếp nối tiểu thuyết tài tử giai nhân và tiểu thuyết uyên ương hồ điệp của Trung Quốc, nhưng nó vẫn là một thể loại riêng, mang đặc trưng riêng của thời kỳ đương đại. Lướt qua sự truyền bá rầm rộ của nó trong khoảng 5 năm gần đây, chúng ta thấy nó có nguồn mạch từ những năm 2006-2007, sau khi trào lưu văn học linglei (với những tác giả Vệ Tuệ, Cửu Đan, Xuân Thụ,…) tạm lắng xuống. Tào Đình được cho là tác giả đầu tiên có sách xuất hiện ở Việt Nam với tiểu thuyết khá đình đám lúc bấy giờ qua bàn tay của dịch giả Trang Hạ Xin lỗi, em chỉ là con đĩ. Khi được đăng trên blog của Trang Hạ, tiểu thuyết này thu hút đến 25 triệu lượt bạn đọc khiến sau đó nó được in thành sách. Sau đó, như chưa đủ để hạ nhiệt cơn sốt Tào Đình, hàng loạt tác phẩm của tác giả này được xuất bản: Phấn hoa lầu xanh, Hồng hạnh thổn thức,…

Cùng với Tào Đình, là Trương Duyệt Nhiên, tác giả khá trẻ của cuối mùa văn học linglei cũng mang hơi thở ngôn tình, như Thủy tiên đã cưỡi chép vàng đi, Mèo đen không ngủ, Hoa hướng dương lạc lối,…

Rồi sau đó là sự đổ bộ của hàng loạt những tác giả Tân Di Ổ, Phỉ Ngã Tư Tồn, Đồng Hoa, Minh Hiểu Khê, Diệp Lạc Vô Tâm,…những tên tuổi khá nổi tiếng của tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc.

Chúng tôi lý giải sức hấp dẫn của tiểu thuyết ngôn tình đối với độc giả Việt Nam bằng các luận điểm sau đây:

Đó là kết quả của quá trình giao lưu văn học từ khá lâu trong lịch sử, đặc biệt là từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Trong quá trình giao lưu văn hóa, Việt Nam không những ảnh hưởng chính trị, mỹ học mà còn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ văn học Trung Quốc, đặc biệt là tiểu thuyết tài tử giai nhân đời Minh Thanh.

Thứ nhất là trên phương diện phóng tác, sáng tác. Các truyện thơ Nôm - tức là các tác phẩm tiểu thuyết viết bằng văn vần vào cuối thế kỷ XIX hầu hết đều mượn cốt truyện từ tiểu thuyết tài tử giai nhân đời Minh Thanh. Các tác giả Việt Nam vay mượn cốt truyện chuyển thành truyện Nôm Việt Nam khá nhiều: Bình Sơn Lãnh Yến được Phạm Mỹ Phủ (chưa rõ tên thật) chuyển thể thành truyện thơ Nôm lục bát; Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân được Nguyễn Du dựa vào để sáng tác Truyện Kiều, kiệt tác văn học của dân tộc Việt Nam; Trung hiếu tiết nghĩa Nhị Độ Mai của Trung Quốc được chuyển thể thành truyện thơ Nôm lục bát Nhị Độ Mai. Các tiểu thuyết tài tử giai nhân khác như Ngọc Kiều Lê, Hảo cầu truyện cũng đều được chuyển thể thành các truyện thơ Nôm lục bát cùng tên ở Việt Nam.

 Đến giai đoạn đầu thế kỷ XX, dòng tiểu thuyết uyên ương hồ điệp kế thừa từ tiểu thuyết tài tử giai nhân tiếp tục ảnh hưởng đến sự hình thành tiểu thuyết Việt Nam trước năm 1930. Theo như nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu, tiểu thuyết uyên ương hồ điệp ở Trung Quốc mà đặc biệt là tiểu thuyết ái tình của Từ Chẩm Á được dịch khá nhiều ở Việt Nam và có ảnh hưởng rất lớn đối với phương pháp sáng tác của các nhà văn thời kỳ này.

Trong “Theo dòng”, Thạch Lam viết: “Ngày trước ta có rất ít tiểu thuyết, chỉ phỏng theo hay dịch của Tầu. Rồi chúng ta bắt chước viết tiểu thuyết, từ quyển Cành hoa điểm tuyết của Đặng Trần Phất đến quyển Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, qua những tiểu thuyết dịch của Từ Chẩm Á như Tuyết hồng lệ sửNgọc lê hồn; đó là thời kỳ tiểu thuyết bắt đầu nảy nở trong văn chương ta”(10).

            Qua nhận định của Thạch Lam, chúng ta thấy các tiểu thuyết Việt Nam hiện đại cũng được mô phỏng theo tiểu thuyết uyên ương hồ điệp (ví dụ như cuốn Kim Anh lệ sử, Tố Tâm,…) thì có thể thấy sức ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với tiểu thuyết Việt Nam lớn như thế nào. Đó là nói về ảnh hưởng trong việc phóng tác, mô phỏng trong sáng tác.

Sự mô phỏng, phóng tác tiểu thuyết Trung Quốc từ quá khứ tiếp tục đến đương đại. Với trào lưu linglei của Trung Quốc, chúng ta cũng có một số tác giả có phong cách gần gũi như Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu, DiLi,… Chúng ta bắt gặp một thế hệ những nhà văn trẻ sáng tác theo phong cách ngôn tình, từ nội dung, đến văn phong như Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương,… với các tựa sách như “Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em”, “Người yêu cũ có người yêu mới”, “Tình làm sao buông”,…

Thứ hai là trên phương diện tiếp nhận dưới góc độ người đọc, thì người đọc Việt Nam vốn hâm mộ tiểu thuyết tình yêu Trung Quốc, từ người đọc bình dân đến người đọc bác học. Nếu người đọc bình dân đọc Mạnh Lệ Quân thì người đọc bác học đọc Hồng Lâu Mộng. Trước 1975, biết bao người đọc Việt Nam thích đọc Quỳnh Dao đến độ thành một trào lưu. Đại khái là vậy. Tiểu thuyết tình yêu Trung Quốc phù hợp với nhiều tầng lớp người đọc Việt Nam. Do đó mà đến thời đương đại, tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc hấp dẫn độc giả Việt Nam, xuất phát từ nguồn gốc lịch sử sâu xa như vậy.

Thứ ba là trên phương diện nội dung. Truyện ngôn tình khá hấp dẫn về mặt nội dung, hình thức. Đa dạng về đề tài, đáp ứng nhu cầu của nhiều loại độc giả. Cốt truyện đơn giản, mạch lạc, dễ theo dõi, lại nói về chuyện tình yêu phong phú, có truyện gay cấn, hồi hộp, có truyện lãng mạn, trong sáng. Ngôn ngữ dễ hiểu, dễ tiếp thu. Nhân vật có tính cách, tâm lý, thói quen gần gũi với bạn đọc trẻ. Vì đặc điểm bình dân, đại chúng, nó phù hợp với số đông độc giả vốn không thích đọc cái gì quá cao siêu, khó hiểu, nhất là trong thời đại đầy sự căng thẳng và áp lực như ngày nay.

Thứ tư là trên phương diện truyền bá. Thị trường xuất bản sách của chúng ta được mở rộng, tự do hơn trước đây. Việc xuất bản nhiều loại sách khác nhau từ bình dân đến bác học cho thấy một thị trường sách phong phú, nhiều món ăn cho độc giả lựa chọn. Thời đương đại, tiểu thuyết ngôn tình được sự giúp sức của mạng, do đó mà việc truyền bá còn dễ dàng hơn ngày xưa là người Việt Nam phải đọc tiểu thuyết Trung Quốc bằng con đường tìm sách từ các nhà truyền giáo, hay đi sứ, hay thương nhân. Ngày nay, chỉ cần mở mạng lên là các bạn trẻ có thể đọc được, nếu không biết tiếng Hoa thì có phần mềm dịch thô (gọi là bản convert), hoặc có rất nhiều bạn sẵn sàng biên tập (bản edit) để cung cấp cho người đọc rất tiện lợi. Việc chuyển thể các tiểu thuyết ngôn tình rầm rộ thành phim ảnh cũng góp phần vào việc truyền bá thể loại này ở Việt Nam, vì người Việt Nam vốn cũng yêu thích phim ảnh Trung Quốc như phim ảnh Hàn Quốc vậy.

Thứ năm là trên phương diện xã hội, xã hội Việt Nam đương đại hiện đang thiếu vắng đến thảm thương những hiện tượng văn hóa đại chúng tự thân, nội tại nên chúng ta phải tìm kiếm ở những hiện tượng ngoại lai. Chỉ một bản nhạc “nóng” của Sơn Tùng MTP mà giới trẻ phải sốt lên, chỉ một câu chuyện nhảm nhí về Hồ Ngọc Hà mà bao nhiêu trang báo mạng vào cuộc,…đủ thấy giới trẻ đang háo hức trước làn sóng văn hóa đại chúng, bình dân như thế nào.

Từ những lý do trên, mà chúng ta thấy rằng, sự xuất hiện của truyện ngôn tình ở Việt Nam đã như một cơn dịch, cơ hồ mất đi sự kiểm soát và định hướng.

Chúng ta đang có hàng nghìn trang web đăng truyện ngôn tình, từ nội dung tích cực đến tiêu cực; có hàng loạt Hội những người yêu thích truyện ngôn tình mà theo khảo sát là 99% là nữ giới, và dao động từ 15 đến 30 tuổi (thanh niên); chúng ta có phần lớn sách dịch của một nhà xuất bản là sách Trung Quốc (mà chủ yếu là ngôn tình)(11), chúng ta có một loạt những từ vựng mới mà giới trẻ đang sử dụng như một trào lưu tiếp nhận từ tiểu thuyết ngôn tình như bá đạo, phúc hắc, soái ca, bạch mã hoàng tử, thanh mai trúc mã,…

Vậy, giải pháp nào cho việc định hướng thị hiếu của độc giả?

Cấm đoán hay phê phán quyết liệt là bất khả thi, người ta vẫn đọc. Với tư cách là một sản phẩm của văn hóa đại chúng, khó có thể dùng cách thức cấm đoán hay phê phán mà người đọc bỏ được. Quan trọng nhất là tạo một sân chơi có nhiều sản phẩm, giống như bữa ăn có nhiều món, người ta sẽ phân tán sự chú ý ra nhiều món. Hiện nay, thị trường sách vẫn mang tính ngắn hạn, cái gì có lợi cho nhà xuất bản thì làm.

Theo chúng tôi, để ngôn tình tràn lan, xô bồ như bây giờ không phải là lỗi của người đọc mà là lỗi của người làm sách, và hệ thống kiểm duyệt. Vì lợi nhuận, nhiều nhà làm sách bày bán rất nhiều sách ngôn tình bất chấp nội dung của nó là gì. Sách ngôn tình bản quyền rất rẻ, in số lượng nhiều. Các nhà xuất bản do đó chạy theo doanh thu, câu khách nên các tác phẩm mang tính chất khiêu dâm, đầy rẫy cảnh nóng hoặc giật gân, cổ súy cho việc cưỡng hiếp, loạn luân, ấu dâm, ngoại tình... xuất hiện nhiều. Khâu kiểm duyệt cũng bị buông lỏng. Tuy ngôn tình ở trên mạng khó quản lý và ngăn chặn, nhưng độc giả vẫn chủ yếu đọc sách giấy, kiểm duyệt nguồn này rất quan trọng, cần chú trọng khâu này để có những tác phẩm ”sạch”. Ranh giới để biết đâu là sách ngôn tình hay và cạm bẫy độc hại rất mong manh, đa số bạn đọc trẻ không có khả năng và trình độ để phân biệt, họ cần được định hướng kỹ càng và xem xét các mặt của tác phẩm như tính giải trí, tính giáo dục, tính nghệ thuật... Như vậy, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí, định hướng bằng cách có những mục điểm sách, điểm phim một cách nghiêm túc và chất lượng.

Văn học đại chúng hiện đang là một “thị trường”bỏ ngỏ đối với các nhà nghiên cứu, phê bình hàn lâm. Giới nghiên cứu, phê bình hàn lâm bỏ qua những hiện tượng này, cho là nó không có giá trị về văn học, và không nghiên cứu về nó, họ cho rằng đây là việc “đem đại bác bắn chim sẻ”, “giết gà dùng dao mổ bò”,… Cho nên theo chúng tôi, những nghiên cứu về văn hóa đại chúng, đặc biệt là những trường hợp cụ thể cũng cần các cơ quan nghiên cứu quan tâm.

Việc định hướng thị hiếu cho thanh niên không chỉ phụ thuộc vào những nhà nghiên cứu phê bình, mà còn ở những chính sách vĩ mô hơn. Nhà nước cần có những định hướng cho giới làm sách nên chọn dịch những tác phẩm như thế nào. Rõ ràng thị trường văn học dịch hiện nay ở nước ta đang rất lộn xộn. Các công ty sách áng thấy tác giả nào câu khách, bán sách được thì chọn dịch. Như vậy, bề mặt văn học dịch của nước ta bị lệch lạc. Nghĩa là các tác giả lớn không được dịch, tác giả nhỏ thì lại được dịch nhiều. Ra nhà sách toàn thấy những tên tuổi không lớn. Người đọc tưởng Marc Levy lớn lắm, nổi tiếng lắm bởi vì Việt Nam dịch rất nhiều. Thứ nhất, nó ảnh hưởng đến thị hiếu người đọc. Thứ hai, nó cho thấy định hướng thị hiếu không rõ, Thứ ba, người nước ngoài đến, họ thấy thị hiếu đọc ở Việt Nam mình tệ.

Tóm lại, tiểu thuyết ngôn tình là một hiện tượng của văn hóa đại chúng. Nhìn nhận nó trong dòng chảy của việc tiếp nhận những hiện tượng của văn hóa đại chúng thế giới tại Việt Nam, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điểm tương đồng. Ví dụ như trào lưu giới trẻ Việt Nam thích cosplay (hóa trang theo phong cách Nhật), thích gọi nhau bằng opa (tiếng Hàn), thích ăn mặc theo các ca sĩ Hàn,…không khác gì với những biểu hiện mà chúng tôi vừa phân tích ở trên về việc tiếp nhận tiểu thuyết ngôn tình. Từ đó, mới có những giải pháp để hạn chế việc tiếp nhận các khía cạnh tiêu cực.

Chú thích

(1) Xin xem thêm các bài: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/doc-ngon-tinh-cong-chung-tre-can-su-dinh-huong-351744/

http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Rac-hay-khong-rac-350055/

http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/96443/-thi-hieu-doc-o-viet-nam-qua-kem--.html

(2) Lời giới thiệu viết cho Bách khoa thư văn hoá đại chúng của St. James (St. James Encyclopedia of Popular Culture- Vol.1, St. James Press, New York – London – Munich, 2000, tr.11).

(3) Nguyễn Văn Dân, “ Toàn cầu hoá văn hoá và đa dạng văn hoá” xem trên trang mạng http://www.vanhoahoc.com.

(4) Ruth Fulton Benedict: Patterns of Cuture, Houghton Mifflin Company 1934.

(5) Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, Nhiều tác giả, tr.10. NXB Thế giới, HN 2000.

(6) Rey Chow, Women and Chinese Modernity: The Politics of Reading Between West and East, University of Minesota Press, 1991.

(7) Vương Văn Anh, Văn học hiện đại Trung Quốc nhìn từ Thượng Hải, Phạm Công Đạt dịch, NXB Văn học 2005, tr. 170.

(8) Vương Văn Anh, sđd, tr.561.

(9) Vương Văn Anh, sđd, tr.574.

(10) Dẫn theo Vương Trí Nhàn, Khảo về tiểu thuyết, NXb. Hội Nhà văn 2003.

(11) Thống kê từ nhà sách Bách Việt: 2010 đến 6/2014: sách Văn học Việt Nam có 26 đầu sách thì Văn học Trung Quốc là 121 đầu sách, gấp rất nhiều lần.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Lời giới thiệu viết cho Bách khoa thư văn hoá đại chúng của St. James (St. James Encyclopedia of Popular Culture- Vol.1, St. James Press, New York – London – Munich, 2000, tr.11)

2. Nguyễn Văn Dân, “ Toàn cầu hoá văn hoá và đa dạng văn hoá” xem trên trang mạng http://www.vanhoahoc.com.

3. Ruth Fulton Benedict: Patterns of Cuture, Houghton Mifflin Company 1934.

4. Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, Nhiều tác giả, NXB Thế giới, HN 2000

5. Rey Chow, Women and Chinese Modernity: The Politics of Reading Between West and East, University of Minesota Press, 1991.

6. Vương Văn Anh, Văn học hiện đại Trung Quốc nhìn từ Thượng Hải, Phạm Công Đạt dịch,

7. Vương Trí Nhàn, Khảo về tiểu thuyết, NXb. Hội Nhà văn 2003.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Niên san Bình luận văn học 2016, tr. 158-165

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60520081
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1574
10018
60520081

Thành viên trực tuyến

Đang có 188 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website