Những kỷ niệm nhỏ về một người thầy lớn…

Tôi nhận được hung tin khi đang ở rất xa, không thể về với thầy…

Thầy là người hướng dẫn khoa học cho tôi từ lúc chập chững bước vào con đường nghiên cứu. Đó là niên luận năm thứ ba đại học (ĐH). Tôi khi ấy chỉ là một con bé sinh viên Sài Gòn, còn thầy là một giáo sư lớn miền Bắc lần đầu vào dạy ở miền Nam, nhưng sao tôi không có cảm giác xa lạ, thầy rất hay cười, thật gần gũi. Sau này tôi mới biết mình “lớn mật”, cứ thích phản biện và thích “khác người”.

Ngày đó, tôi đòi làm niên luận về nhân vật Bảo Thoa trong Hồng Lâu Mộng, mà phải là bênh vực cô ta. Lúc đó, tôi cứ đưa ra những ý kiến của mình một cách mạnh mẽ không sợ trời không sợ đất. Thế mà thầy để cho tôi viết, sau còn bảo cô này có cá tính, được! Bài học thầy dạy ngày đó cho tới giờ tôi vẫn nằm lòng: nên biết trân trọng những khoảnh khắc tư duy phản biện của sinh viên mình. Có như vậy, học trò mình mới lớn được.

Năm thứ tư, tôi chọn làm khóa luận tốt nghiệp với thầy. Học cao học, thầy là người hướng dẫn luận văn thạc sĩ cho tôi. Học nghiên cứu sinh, thầy cũng là người hướng dẫn. Nói tóm lại, từ khi tôi biết thế nào là con đường khoa học và sự gian khổ của nó, thầy là người đã nâng đỡ từng bước đi của tôi.

Thầy tôi là Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Lương Duy Thứ, nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc thuộc loại hàng đầu của Việt Nam.


Giáo sư Lương Duy Thứ (trái) cùng tác giả và đồng nghiệp

Thầy là người gốc Quảng Bình, xã Lệ Sơn, có lúc viết báo, viết văn, thầy ký bút danh Lệ Chi Sơn để nhớ quê. Thầy có nhiều công trình uy tín và đóng góp không nhỏ cho việc nghiên cứu văn học Trung Quốc. Là thế hệ sinh viên Việt Nam được gửi sang học ở Trung Quốc từ rất sớm (ĐH Quảng Châu), khi về nước, thầy giảng dạy ở nhiều trường ĐH Việt Nam như Vinh, Việt Bắc, Sư phạm Hà Nội, Tổng hợp TP.HCM. Thầy là người đã dìu dắt nhiều thế hệ sinh viên, trong đó có nhiều người thành tài, như TS Phạm Hải Anh (là nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh), TS Đinh Phan Cẩm Vân (hiện là Phó trưởng khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm TP.HCM), TS Hà Thanh Vân (hiện giảng dạy tại ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương)...

Sự nghiệp nghiên cứu của thầy cũng bắt đầu từ rất sớm. Cuốn Cù Thu Bạch được thầy viết từ năm 1962, tức là lúc thầy mới 27 tuổi. Những tuyển tập dịch, nghiên cứu về văn học và văn hóa Trung Quốc, thơ Đường, Lỗ Tấn… của thầy cho tới nay vẫn được xem là những đóng góp lớn như: Để hiểu tám bộ tiểu thuyết cổ Trung Quốc (1992), Đại cương văn hóa phương Đông (1996), Truyện chí quái chí nhân chí ải Trung Quốc (1993), Truyện ngắn Trung Quốc hiện đại (1996), Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc (1994), Lỗ Tấn phân tích tác phẩm, Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc (Lỗ Tấn, dịch chung), Lịch sử văn học Trung Quốc, Bác Hồ với văn hóa Trung Quốc, Hán văn học sử cương yếu (Lỗ Tấn, dịch chung), Tuyển tập thơ ca cổ điển Trung Quốc, Tuyển tập tiểu thuyết cổ Trung Quốc, Lỗ Tấn truyện (dịch chung), Trái bần chua ngọt (hồi ký)…

Gần gũi với một người thầy như vậy, tôi học được nhiều điều. Nhớ lần đầu tôi đứng lớp, thầy ngồi phía dưới, suốt sáu buổi dạy. Thầy cứu nguy cho tôi những màn khó khăn, nhất là giờ cho lớp thuyết trình. Nhờ thầy, tôi hiểu, việc soạn giáo án kỹ càng là một chuyện, nhưng kinh nghiệm “thực địa”, kỹ năng giải quyết vấn đề, nhất là giờ cho lớp thuyết trình, thật sự rất khó khăn, đòi hỏi phải tỉnh táo. Nhớ lúc tôi làm nghiên cứu sinh, dù thời gian còn ít, thầy vẫn viết thư khuyên tôi “dục tốc bất đạt”, hãy từ từ, thật chín trong suy nghĩ, trong nghiên cứu, rồi mới viết. Đừng vì thời hạn mà viết ẩu, viết cho xong, như vậy là thiếu nghiêm túc với con đường khoa học. Thầy đã làm tôi giật mình, và sau này tôi thường nói vui với thầy là “Thầy ạ, con chỉ là con ngoan, chứ chưa là trò giỏi của thầy”!

Suốt 20 năm dạy học cũng từng ấy năm tôi là học trò nhỏ của thầy. Tôi được thầy xem như con, gọi tôi là “con gái”; thân thiết kể chuyện nhà cho tôi; lần nào tôi đến thăm, thầy cô cũng gửi quà về cho hai cháu (hai con trai tôi). Trước khi chuyển nhà ra Bắc, thầy còn gọi tôi đến, bảo muốn lấy bao nhiêu sách thì lấy về; đọc hồi ký thầy, thầy có nhắc đến tôi với một giọng điệu rất thương yêu…

Sau khi gầy dựng Khoa Ngữ văn Trung Quốc tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, thầy về hưu. “Lá rụng về cội”, thầy cô dọn ra Hà Nội sống. Vậy là tôi xa thầy. Trong tám năm qua, cứ mỗi dịp công tác ngoài đó là tôi lại đến thăm thầy, luôn bất ngờ để nghe thầy gọi to “ôi, con Hoa Tranh, mày ra thăm thầy đấy à?”. Mỗi năm lại thấy thầy mỗi yếu, nhất là từ khi cô bị tai biến nằm một chỗ, thầy xuống tinh thần và đau yếu hơn. Thầy bị tiểu đường nặng, bị gãy tay, bị nghễnh ngãng, bị huyết áp cao… Lần gần đây nhất, tháng 5/2014, thăm thầy, thật buồn vì thầy đã lẫn, không còn nhận ra ai, có nhớ gương mặt tôi, bảo “con Hoa Tranh đấy à”, nhưng lại nhớ tôi còn đang học ĐH…

Thầy sinh ngày 1/10/1935. Tám mươi năm, vậy là thầy đã rời cõi tạm, ngày 29/7/2014 (nhằm ngày 3 tháng 7 âm lịch)…

Vụt qua cõi đời này, thầy đã để lại cho đời 25 cuốn sách, đã dạy dỗ biết bao thế hệ sinh viên ĐH, cao học, nghiên cứu sinh…

Và hơn hết, đối với tôi, thầy như một người cha tinh thần. Không có thầy sẽ không có tôi, một giảng viên như bây giờ…

TS TRẦN LÊ HOA TRANH

(Phó trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
(Tưởng nhớ GS-NGƯT Lương Duy Thứ)

 

Nguồn: http://m.phunuonline.com.vn/giai-tri/all/nhung-ky-niem-nho-ve-mot-nguoi-thay-lon-/a125407.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60536836
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18329
10018
60536836

Thành viên trực tuyến

Đang có 340 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website