Tuổi thơ, mùa bão lụt và quê hương thương khó

20240919

           Dưới đây là câu chuyện của hai nhà giáo Phạm Phú Phong (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế) và Huỳnh Như Phương (Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. HCM) - hai người bạn văn gặp nhau ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu 60 năm trước ở hai vùng quê cách xa nhau nhưng cùng cảnh ngộ. Mùa đông năm Giáp Thìn 1964, miền Trung chìm đắm trong trận lụt lịch sử. Phạm Phú Phong quê ở Điện Bàn, Quảng Nam; Huỳnh Như Phương quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi chứng kiến những tàn phá dưới dòng nước lũ và nỗ lực của gia đình, làng xóm phục hồi sau trận lụt. Mười năm trước đó, năm 1954, những người thân của hai ông cùng từ giã gia đình lên đường đi tập kết, nay cũng là dịp nhớ lại một đoạn đời chia xa, đau buồn của quê hương.

          PHẠM PHÚ PHONG: Trận lụt năm đó vẫn còn in đậm trong ký ức một đưa trẻ chưa tròn mười tuổi như tôi. Nước vào nhà tôi lúc nửa đêm, lặng lẽ như có sự rình rập từ mấy ngày mưa trước đó và lên rất nhanh. Đang ngủ say, nghe tiếng mẹ gọi dậy, tôi thò chân xuống đất đã thấy nước ngang mắt cá. Cả nhà dọn lương thực, đồ đạc, kê giường cao lên, nhưng chẳng bao lâu sau nước dâng ngập cả giường, tủ. Cha tôi lót ván trên xà nhà đưa cả gia đình lên đó. Tiếng kêu khóc của trẻ con, tiếng rống của trâu bò chen lẫn trong tiếng mưa đêm gào thét ào ạt thổi qua.

         Xã tôi thời ấy có bốn thôn nằm vây quanh một cánh đồng rộng, giữa cánh đồng có mấy tòa nhà là đình Đông Bàn, nơi cụ Phạm Phú Thứ, người anh ruột của ông cố tôi, xây nên để ghi tên những người đỗ đạt, gọi là Văn thánh Đông Bàn. Xóm Đình của tôi lúc ấy chỉ có bảy, tám nóc nhà nằm bên cạnh đình, chung quanh là đồng ruộng. Ngôi nhà rung rinh theo từng cơn gió. Gió thổi mạnh làm tốc mái tranh, nhìn ra chung quanh, cánh đồng rộng mênh mông nước như biển cả, dòng nước cuồn cuộn cuốn theo bao nhiêu sinh linh, cả trâu bò, nhà cửa, cây cối...

        Quê tôi là vùng đất nổi lên giữa sông Thu Bồn, gọi là Gò Nổi. Do sự sắp đặt của tự nhiên, con sông từ thượng nguồn về đến ngã ba Tư Phú rẽ thành hai nhánh, chảy đến Câu Lâu nhập lại thành một dòng, trước khi xuôi về Cửa Đại. Đây là đồng ruộng và vựa lúa của cả huyện, thuộc vùng trũng, gặp nạn đại hồng thủy, nước lút cả mái nhà, ngập đến ngọn tre. Ngồi trên trần nhà, nhìn ra bốn bề nước chảy xiết cuồn cuộn, cả nhà run rẩy mong manh trong những tấm áo len, áo tơi không đủ che mưa gió.

       Là vùng nông thôn, dân cư thưa thớt, nằm tách biệt ngoài cánh đồng, nước lại dâng lên lúc nửa đêm, nên không ai kịp giúp đỡ ai được gì. Lẫn trong tiếng gào thét của mưa gió và nước cuốn, nghe tiếng kêu cứu của hàng xóm cũng đành bất lực. Nhà tôi không bị nước cuốn trôi, nhưng nước càng lâu rút thì càng dễ bị chết đói. Ngày đầu, cha tôi lấy dây thép treo cái thau làm bếp, rút tranh trên mái nhà nấu được nồi cơm nửa chín, nửa nhão. Giếng ngập, không có nước sạch, phải hứng nước mưa từ mái tranh để uống. Đến ngày thứ tư thì có máy bay trực thăng bay đến thả đồ cứu trợ của chính phủ. Cha tôi trèo lên nóc nhà, giơ cái áo trắng huơ lên cầu cứu. Những gói bánh mì và nước đóng chai thả xuống bị dòng nước cuốn trôi; cha tôi may mắn dùng cây sào dài vớt được một gói, nhờ đó mà gia đình gồm năm người cầm hơi và giành lấy sự sống.

        Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, bạn tôi, quê ở Đại Lộc, cùng cỡ tuổi anh em mình, không biết Phương đã đọc mấy câu thơ này của Hạnh chưa? “Cái làng ấy ra đi cùng tôi / Mà tôi nào hay biết / Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết / Con sông quê bóng núi cứ chập chờn // Xưa tôi sống trong làng / Giờ làng sống trong tôi” (Làng). Hạnh kể với tôi, ngày hôm trước trận lụt đó cả nhà anh xuôi thuyền theo sông Thu Bồn, về đến cầu Câu Lâu, neo thuyền nằm ngủ, nửa đêm nước lớn tràn vô thuyền, may nhờ bà con hai bên bờ sông bơi ra cứu vớt, nếu không cả nhà anh gần chục người đã chìm sâu dưới lòng sông năm đó rồi!

          HUỲNH NHƯ PHƯƠNG: Tình cảnh quê tôi năm đó cũng bi đát chẳng kém so với quê anh. Lúc đó tôi mới chín tuổi. Một buổi chiều tháng 10 âm lịch, đi học về thấy nước dâng lên từ từ, xắn quần xách dép lội nước vào nhà. Lúc đầu nước tràn qua vườn, lên mé sân, đêm ngủ dậy thấy nước ngập cả quốc lộ 1 trước nhà rồi trườn theo bậc tam cấp lên nền nhà. Nhà tôi thuộc loại nền cao, mấy năm trước, mùa lụt, nước chỉ đến góc sân rồi rút. Năm nào cũng vậy, tuổi thơ mong nước lụt để dầm chân nghịch nước, xem người ta đánh vó bắt cá dưới chân cầu. Năm ấy không ngờ nước lớn nhanh và không ngừng lại. Ngoài vườn, đu đủ, mãng cầu, vú sữa ngập dần đến tàn lá.

        Nhà tôi lúc đó chỉ có phụ nữ và thiếu niên. Hàng xóm ở cách xa vài khu vườn, nhà ai nấy lo, chỉ gọi vói sang hỏi thăm, chớ không dám lội nước qua lại mà tiếp tế thức ăn. Bà ngoại, má và các dì tôi bắc bếp trên bộ phản gỗ nấu cơm, củi ướt khói un cay mắt, phải chuyển qua nấu bếp dầu. Cậu tôi và tôi lo chuyển sách vở lên trần nhà. Bữa cơm ngày lụt chỉ có cá chuồn khô, đu đủ xanh luộc chấm mắm cái mà thấy thật ngon.

        Ngày hôm sau tự dưng nước ngưng chảy, trời lặng gió. Chúng tôi kê giường lên cao cho Bà ngoại nằm, ăn tối xong cả nhà ngồi co ro quanh ngọn đèn dầu. Bỗng đến gần khuya một trận mưa dữ dội ập đến, gió thổi hun hút rồi mạnh dần thành bão thốc vào mái nhà. Ngoài vườn mấy cây dừa oằn mình chịu trận. Tiếng người trong xóm réo gọi nhắc nhau chống bão.

        Nước chảy ào ạt, ngập qua bệ cửa sổ, chỉ cách giường bà tôi vài phân. Nhà tôi mái lợp tranh nhưng trần nhà đắp bằng đất, trên đó chứa đủ các món đồ lưu cữu nhiều năm: các khung gỗ chằm nón lá, những tấm màn sáo che cửa sổ, chiếc xe đạp cũ, cuốc xẻng, nong nia... Hồi nhỏ mỗi khi chơi trốn tìm với các bạn, tôi vẫn trèo lên nấp ở đây. Cậu tôi bắc thang đỡ bà tôi leo lên mái đất, rồi cả nhà lần lượt lên theo. Mái đất cách mái tranh chỉ năm tấc, bảy người nằm ép giữa hai lớp mái. Mùi bồ hóng, phân dán, phân chuột nồng nặc át cả mùi mưa đất ẩm. Trong đêm, cả nhà nói với nhau ráng chờ trời sáng. Bên ngoài tiếng cây cối, súc vật trôi ào ạt trong gió, va vào làm mái nhà tôi rung lên. Có cả tiếng người kêu khóc trong ngôi nhà tranh bị bão cuốn trôi trong nước lũ.

        Tảng sáng, trời mờ mờ, cậu tôi gỡ mấy tấm tranh lợp mái, thò đầu nhìn ra ngoài, la hét kêu cứu. Không có lời đáp lại, cả xóm năm ngôi nhà nằm im vắng như thiếp ngủ. Rồi một tiếng đồng hồ sau, một chiếc ghe bầu với hai người thanh niên mặc áo tơi lướt đi trong mưa gió, tấp vào mái nhà tôi. Hai chú lần lượt kéo cả gia đình tôi lên ghe. Không có áo phao, chín người trên chiếc ghe nhỏ, nước mấp mé thành ghe, sóng bềnh bồng, cậu cháu tôi dùng lon sữa bò tát nước ra ngoài. Ở nông thôn mà cả gia đình tôi không ai biết bơi hết anh ạ. Bà tôi lầm rầm cầu Phật độ trì tai qua nạn khỏi. Trùm lên chiếc áo mưa, tôi hé mắt nhìn ra cánh đồng Vĩnh Phú tràn ngập nước, cây cầu sắt hàng ngày tôi qua lại đến trường chìm hẳn trong biển nước không thấy dấu tích. Lúc ở nhà tuy lo sợ nhưng không thấy mối nguy hiểm cận kề như khi đi ghe tránh lụt. Hai chú chèo ghe cật lực đưa cả nhà tôi lên xóm Vĩnh Thuận, khi ghe cập vào ghềnh đá dưới chân đồi, nơi có xóm nhà bà con họ Lê phía dưới chùa Linh Sơn, cả nhà mới biết mình thoát chết.

        P. P. P.: Hồi đó còn nhỏ nên tôi không biết quê tôi có phải là nơi bị tàn phá nặng nề nhất miền Trung hay không, nhưng trận lụt đã mang đi gần hết sự sống của thiên nhiên, cây cỏ, động vật ở một miền quê tương đối trù phú. Nhà nào cũng bị thiệt hại nặng nề. Nhà tôi năm con bò, một con trâu, cùng với heo, gà, lúa gạo bị cuốn trôi. Không còn một hạt thóc để làm giống. May mắn, cả xóm không có thiệt hại về người. Nhưng sau lụt, lại chống chọi với bệnh tật, bị lây nhiễm khi phải dọn xác động vật còn nằm lại các bụi tre, bờ bãi. Sau này lớn lên, tìm hiểu mới biết trong trận lụt năm Giáp Thìn địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất là làng Đông An, xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn có đến gần 1.500 người chết và mất tích, cả làng chỉ còn 19 người sống sót. Đó là thực tế khắc nghiệt mà mỗi người chỉ trải nghiệm một lần cũng bị ám ảnh suốt cả cuộc đời.

        H. N. P.: Những ngày đó gia đình tôi tránh lụt ở nhà một người bà con dưới chân ngọn đồi đất đỏ, may mà hồi đó chưa bị đào đất nên không có nạn sạt lở. Bảo toàn mạng sống, được bà con giúp đỡ chu đáo, nhưng cả nhà nôn nóng mong ngày trở về thăm lại nhà cửa, vườn tược. Bà tôi lo nhất là vựa lúa còn lúa giống và lúa ăn đủ dùng cho hết mùa đông. Nước vừa rút là cả gia đình đùm túm lội theo bờ ruộng về nhà. Khu vườn xơ xác, bùn ngập đến mắt cá. Bàn ghế giường tủ ngấm nước hư hại. Và điều linh cảm của bà tôi thành sự thật: nước ngấm, sóng vỗ đã làm vỡ vựa lúa nhà tôi, lúa trôi hết ra ngoài, lẫn trong bùn đất, cây cỏ, cả tháng sau mầm lúa mọc lên xanh từng vạt trong sân vườn. Hàng xóm nhà tôi cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Dù sao xóm tôi còn may mắn, mất lúa, heo gà, nhưng người còn, không ai chết hay bị thương như người ở vùng gần biển. Còn người thì còn của, “còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây”.

         P. P. P.: Năm nay có hai dấu mốc tròn về lịch sử. Tính từ trận lụt năm Giáp Thìn 1964 thì nay đã tròn 60 năm. Tính từ ngày chia đôi đất nước năm Giáp Ngọ 1954 theo Hiệp định Genève thì nay đã là 70 năm. Ông bà nội tôi có ba người con trai, thì cả ba đều đi kháng chiến. Khi đất nước chia đôi, bác và chú tôi tập kết ra miền Bắc, cha tôi được phân công ở lại hoạt động bí mật; hơn nữa, cha tôi còn lo chuyện hiếu đạo: phải có một người con trai bên cạnh để chăm sóc ông bà tôi khi tuổi đã già. Sau chiến tranh, chỉ một mình chú tôi còn sống. Bác tôi lúc nào cũng nung nấu khát vọng trở về quê hương, nhất là lo cho vợ và hai đứa con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Ông về quê Quảng Nam phụ trách kinh tài cho tỉnh ủy, bị phục kích và hy sinh tại Nam Yên, Hòa Vang đúng vào năm lụt lớn. Cái chết của bác tôi kéo theo một chuỗi nỗi đau: du kích về lấy xác bác đi chôn, bị gài lựu đạn, chết thêm mấy người! Gia đình còn thêm nỗi đau lớn: cha mẹ ở bên kia chiến tuyến, nhưng hai người anh con bác tôi đều bị bắt lính và chết trận!

        Cha tôi hoạt động, nhiều lần thoát chết qua các đợt khủng bố, nhưng đến năm 1968, cũng hy sinh trong một trận chống càn. Năm trước đó, hai anh ruột của tôi đang học yên ổn ở Sài Gòn, cha tôi năm lần bảy lượt nhắn tin bảo về tham gia công tác, hai anh bỏ học trở về và ngã xuống trong bom đạn. Cha và hai anh mất khi tôi đang bị giam ở nhà lao Kho Đạn (Đà Nẵng) vì đi làm liên lạc, mẹ tôi ở nhà gánh chịu nỗi đau, mãi đến ngày hòa bình mẹ con tôi mới gặp lại nhau trong ngôi nhà tang khó.

        Năm 1982, xã tôi có chủ trương qui tập mộ các liệt sĩ vào nghĩa trang. Tôi cùng với người anh họ chạy xe máy dọc theo sông Trường Định lên Nam Yên, đào mộ bác tôi, gói xương bỏ vào ba lô mang về. Cùng đợt cha tôi chết có đến bảy, tám người, trong đó nhiều người là dân thường, không được công nhận liệt sĩ; mẹ tôi nhận ra xác cha tôi qua cái lược bằng vỏ bom B.52 và cây bút bi ông hay dùng. Vậy là hai anh ruột của tôi và hai anh con của bác tôi đều ngã xuống ở hai bên chiến tuyến; không biết bây giờ ở thế giới bên kia những người trong chính một gia đình đã hòa giải, hòa hợp với nhau chưa! Đúng như ai đó đã nói, đời mỗi con người cũng chỉ như một chiếc lá, bị cuốn trôi trong cơn lũ đại hồng thủy hay trong bão tố của chiến tranh mà lịch sử đất nước từng trải qua, đều đau xót cả thôi. Giữa hai cơn lũ ấy, bà nội tôi, mẹ tôi và bác gái là những người chịu đựng nhiều đau khổ hơn ai hết.

        H. N. P.: Cùng cảnh ngộ với gia đình anh, 70 năm trước, gia đình tôi cũng cắt chia như đất nước mình. Ông nội tôi cùng hai người con trai và một người con rể đều đi tập kết, hòa bình chỉ mình ông tôi trở về với chiếc va-li sờn cũ, hai con ruột và con rể nằm lại trên đất lạ. Ông ngoại tôi cũng đi tập kết cùng hai người con trai và hai người con rể; năm 1961 ông bị bệnh trọng qua đời, ngày hòa bình gia đình mới chuyển hài cốt ông từ nghĩa trang Văn Điển về Mộ Đức. Cha tôi về Nam theo đường Trường Sơn từ năm 1959, đơn vị chuyển quân lên Tây nguyên, đến 1965 mới về đồng bằng thăm gia đình. Nói dại, nếu cả nhà chết trong trận lụt năm 1964, thì người trở về biết gặp ai. Rồi cha tôi cũng ngã xuống trong một trận đánh năm 1967 ở Sơn Tịnh với đám lính Đại Hàn tàn bạo, được người dân an táng trong vườn chùa, ngày hòa bình mới về an nghỉ ở chân núi quê. Má tôi, dì tôi, cô tôi cũng như mẹ anh, bác anh và bao người chinh phụ khác đã thành góa phụ. Hòa bình, hai cậu tôi trở về gặp lại mẹ và các em nghe kể chuyện quê hương, gia đình; cả nhà ngồi khóc trên bậc thềm ngày cũ, nơi năm nào nước lụt dâng vô nhà.

       P. P. P.: Sau ngày hòa bình, hy vọng tai trời ách nước giảm bớt, không ngờ rừng  bị tàn phá ngày càng nhiều, bão lớn, nước biển dâng, lụt lội, lở đất, nhiễm mặn khắp nơi. Con người tàn phá thiên nhiên cũng là hủy hoại cuộc sống của chính mình. Lẽ ra con người phải sống thuận theo tự nhiên và thích ứng với tự nhiên chứ không phải khai thác tận cùng thiên nhiên để phục vụ nhu cầu trước mắt. Sự hủy hoại hiện nay còn khủng khiếp hơn rất nhiều so với thời chiến tranh. Cứ xem những trận mưa lũ, lở đất, sạt đường mấy năm gần đây thì rõ!

         H. N. P.: Mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, tôi lại hát thầm mấy câu ca của Phạm Đình Chương: “Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm…”. Lụt lội là thảm họa thiên nhiên, nhưng bây giờ còn có tác động tiêu cực từ chính con người. Hủy hoại môi trường sinh thái là một vấn nạn toàn cầu, ở nước ta lại ngày càng gay gắt. Bảo vệ môi trường là một nghĩa vụ lớn của nhân loại. Nhân loại phải sáng suốt khi phá rừng, xây dựng các con đập, ngăn chặn dòng chảy tự nhiên của sông ngòi, thải phát khí thải nhà kính, phá hủy sự đa dạng sinh học. Những con đập ở thượng nguồn sông Hồng và sông Mekong sẽ là nguồn gốc những thảm họa lũ lụt, hạn hán của dân mình nếu không có những thỏa thuận và cam kết với các nước láng giềng.

         P. P. P.: Những người ra đi 70 năm trước mơ ước về một đất nước thanh bình, đoàn tụ, phát triển. Hầu hết thế hệ đó đã nằm xuống. Gánh nặng bây giờ đặt trên vai những người còn lại. Trên thế giới những lò lửa chiến tranh vẫn chưa dập tắt hay đang nhen nhóm trở lại, những thảm họa thiên nhiên không ngừng bùng phát. Đất đai, rừng núi, sông ngòi của ta bỗng chứng kiến thiên tai ập đến, vùi lấp làng mạc, ruộng vườn, nhà cửa. Nửa thế kỷ Tổ quốc liền một dải rồi, nhưng vẫn còn bao nhiêu khoảng cách trong lòng người chưa hàn gắn, để mọi người dân Việt cùng nhau giữ vững cuộc sống hòa bình, không còn những cắt chia, thảm nạn và mất mát như 60 - 70 năm về trước.

Phạm Phú Phong – Huỳnh Như Phương

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62830337
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11282
13618
62830337

Thành viên trực tuyến

Đang có 606 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website