Chiếc máy thu thanh của mẹ tôi

20240929 2         Khi mẹ tôi chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sống với con cháu, một trong những món đồ quý bà mang theo trong hành lý là chiếc máy thu thanh gắn với đời bà gần 60 năm.

         Đó là chiếc radio hiệu National Panasonic 3 band, 8 transistor, dùng 4 viên pin đại, mặt trước và tay xách làm bằng nhôm không gỉ, chung quanh là khung gỗ quý có vân bóng loáng. Đây là chiếc máy thứ hai mẹ tôi mua được. Hồi đầu những năm 1960, theo trào lưu, mẹ tôi mua một chiếc radio nhỏ hiệu Sony có bao da và dây đeo. Nói theo trào lưu, vì thuở đó miền Nam chưa có đài truyền hình, ở thôn quê nhà nào có máy thu thanh đã là sang lắm. Làng tôi có mấy thanh niên chưa bị bắt lính, mỗi chiều thường đi dạo trên đường quê, đeo bên hông chiếc radio, mở chương trình nhạc boléro, ngang qua nhà các cô thôn nữ thì đi chầm chậm, vặn volume to hơn, nghiêng đầu nhìn vào nhà người đẹp, tỏ ý khoe cái vật quý mang theo mình.

         Chiếc máy thu thanh của mẹ tôi suốt ngày để trong phòng, cái dây đeo mẹ cất trong tủ. Về sau tôi mới hiểu: mẹ biết tin cha tôi đi tập kết ra miền Bắc đã trở về Nam, nên mua sẵn chiếc máy này để tặng cha trong ngày gặp lại. Hai năm sau lần sum họp ngắn ngủi đó, cha tôi hy sinh trên chiến trường. Kèm với giấy báo tử, đơn vị Nam Phong đã chu đáo gởi về cho gia đình những kỷ vật của cha: cây bút Hồng Hà, những tấm ảnh người thân, cả số tiền nhỏ trong túi, nhưng không có chiếc máy thu thanh. Mẹ tôi nghĩ, chắc chiếc máy đã bị mất cùng với quân trang của cha. Ngày hòa bình, ông nội tôi đi tập kết về kể lại, mới biết cha tôi đã tìm cách gởi theo đường dây ra Bắc chiếc máy thu thanh tặng ông nội, để ông nghe tin tức cho đỡ buồn khi xa gia đình, quê hương. Rồi ông nội tôi cũng không còn giữ cái máy mà phải bán để lấy tiền thuốc thang khi già yếu ở miền Bắc. Nghĩ thương cha tôi quá, ông giấu mẹ tôi, vì không muốn mẹ tìm cách mua thêm chiếc máy mới gởi cho cha dùng, thêm tốn kém, vất vả.

         Nhà tôi hồi đó nghèo thật, nhưng mua một chiếc máy thu thanh không phải là điều quá khó. Cậu Sáu tôi cũng đi tập kết, về Nam sau cha tôi vài năm, hoạt động ở ngay địa bàn Quảng Ngãi, nhưng không dám về thăm nhà trong vùng quốc gia. Sức khỏe cậu yếu, những năm đó gia đình tìm mọi cách tiếp tế cho cậu, thường là thuốc tây, sữa hộp. Cậu nhắn về cậu cần một chiếc máy thu thanh để phục vụ công tác. Nhà tôi cách trạm giao liên ở vùng giải phóng khoảng năm cây số, để chuyển quà cho cậu, phải đi ngang cánh đồng rộng mênh mông dưới cặp mắt của những người làm ruộng. Dì Bảy tôi gánh một gánh phân hóa học, phủ kín lên những gói thuốc tây, những hộp sữa, những viên pin và chiếc radio giấu bên dưới đáy thúng. Trên đường nếu gặp người quen, dì nói dối đi xuống ruộng rải phân; tìm được giao liên nhờ chuyển cho quà cậu xong, dọc đường về dì rải hết phân cho những đám ruộng của người không quen biết.

        Cậu Sáu tôi ở ngành thông tin tuyên truyền nên hay dời cơ quan để tránh bị ruồng bố. Có lần cậu báo về nhà, vì chạy tránh trận càn của lính Đại Hàn nên bị mất cả đồ đoàn, mất cả chiếc máy thu thanh. Bà ngoại, mẹ và các dì tôi lại góp tiền mua gởi cho cậu một chiếc máy mới. Ngày hòa bình, cả nhà ngồi kể lại chuyện cũ, xót xa cho dì Bảy, chịu nguy hiểm đi chuyển quà cho anh mà chưa một lần nào gởi được chút quà cho chồng ở một đơn vị quá xa. Dì cũng để dành tiền định mua tặng dượng Bảy một chiếc máy thu thanh nhưng đến những ngày cuối cuộc chiến tranh, trước khi dượng hy sinh ở Xuân Lộc, dì vẫn chưa tìm được cách nào liên lạc. Dì Bảy tôi là nhân vật trong bài tản văn “Người ngồi đợi trước hiên nhà” được đưa vào sách giáo khoa lớp 7 mới biên soạn.

        Dường như mẹ tôi sống không thể thiếu chiếc máy thu thanh. Sau lần gặp cha, mẹ mua chiếc radio mới hiệu National Panasonic tôi nói ở trên. Đó là phương tiện kết nối mẹ với cha, với miền Bắc. Buổi sáng mẹ bán hàng ngoài chợ Đồng Cát, buổi chiều về giúp bà ngoại và dì làm ruộng, đến giờ ngủ mẹ đem chiếc máy thu thanh vào giường. Mẹ thường xuyên nghe đài Giải Phóng và đài Hà Nội, không tối nào bỏ sót chương trình “Phát thanh vào Nam”, sau đổi thành chương trình “Các thành thị miền Nam”, với chiếc écouteur[i] gắn bên tai. Mỗi lần có tiếng gõ cửa, mẹ nhanh tay tắt đài ngay và xoay núm vặn tuning sang kênh khác để không bị phát hiện.

        Nhà ngoại tôi nằm trong một xóm nhỏ gần cầu Vĩnh Phú trên quốc lộ 1. Cầu này do một tiểu đội nghĩa quân canh giữ để không bị du kích đặt mìn phá sập, cắt đứt giao thông. Sau giờ cơm tối, lính trong cầu hay ghé nhà tôi uống nước trà, nói chuyện đồng áng, lúc đó mẹ mở đài Sài Gòn cho họ nghe và họ dặn: “Gia đình mình đừng nghe đài địch nhé, chính quyền biết được sẽ bắt giam đó”. Một sự cố gắn với chiếc máy thu thanh làm cả nhà tôi đứng tim, suýt thành tai họa. Hôm đó mẹ tôi nghe đài rồi tắt máy mà quên xoay tuning, khi người lính trẻ thấy cái máy thu thanh trên bàn, tự ý bật volume thì giọng ca của nữ nghệ sĩ Lệ Thi[ii] vang lên từ đài Hà Nội. Người tiểu đội trưởng nhìn mẹ tôi nói: “A, em biết chị là ai rồi đó nghe!”. Sau giây phút lúng túng, mẹ tôi trấn tĩnh ngay: “Tui mở nghe dân ca bài chòi thôi mà”. Mấy người lính cười cười, không nói gì thêm, nhưng từ hôm đó họ không vào nhà tôi thường xuyên nữa.

          Xóm tôi không phải thuộc vùng xôi đậu nhưng vì nhiều gia đình có người thân đi tập kết và thoát ly theo kháng chiến, nên thỉnh thoảng, giữa khuya, mặc cho tiếng súng cầm canh bắn ra từ đồn lính, có những người du kích vượt qua cánh đồng lặng lẽ vào nhà tôi để nhận gạo và thực phẩm tiếp tế. Thấy cái radio, họ lại dặn: “Gia đình chỉ nghe đài cách mạng thôi nhé, nhưng chú ý cảnh giác; nghe đài địch, người lớn không sao chứ cháu nhỏ bị tuyên truyền của địch, tiêm nhiễm không tốt”. “Cháu nhỏ” đây là họ nói tôi đó. Ôi, bên trong cái máy thu thanh nhỏ này, nhích cây kim qua bên này hay bên kia một tí đều là “đài địch”, tôi biết làm sao.

        Mẹ tôi thích nghe đài Hà Nội và đài Giải Phóng thì dễ hiểu, nhưng đáng ngạc nhiên nhất là bà không bao giờ bỏ sót một buổi chương trình tiếng Việt nào của đài BBC. Mà bà chỉ nghe đài BBC, tuyệt đối không nghe đài VOA. Chịu ảnh hưởng của mẹ, tôi cũng quen nghe đài BBC từ hồi mới lên cấp 2 cho mãi đến năm 1975. Hồi đó, BBC chỉ phát mỗi ngày một lần, vào buổi chiều tối, nhà tôi thường ăn cơm trước giờ đó để không bị trễ chương trình. Chính quyền Sài Gòn không khuyến khích nhưng cũng không cấm nghe đài BBC, còn một số trí thức khuynh tả ở miền Nam thì cho rằng đài này đưa tin thiên vị Hoa Kỳ nên chế giễu đó là đài “Bê Ba Xu”. Dù sao, đối với những thính giả ở vùng quê thiếu sách báo, đài này cũng là một nguồn thông tin khách quan mở tầm hiểu biết ra thế giới.

         Trong nhà, cái máy thu thanh chỉ thu hút mẹ tôi và tôi. Bà ngoại tôi không thích nghe đài, nhưng bà thường hỏi hòa đàm Ba Lê bao giờ có kết quả để các con bà về đoàn tụ và đưa hài cốt ông ngoại tôi đang nằm ngoài miền Bắc về cải táng ở quê hương. Mỗi lần mẹ tôi mở chương trình cải lương, bà hay bảo: “Nghe thứ chi mà buồn xót ruột”. Tôi cũng không ưa thích cải lương cho lắm, khi một nhân vật đang hấp hối mà ráng ca cho hết câu vọng cổ mùi mẫn, tôi cảm thấy sốt ruột. Tôi chỉ thích nghe tân nhạc. Ban ngày, mẹ đi làm nên giao cho tôi quản lý cái máy thu thanh, những lúc nhà vắng vẻ, tôi cũng lén mở đài Hà Nội và đài Giải Phóng để nghe đọc truyện Sống như anh của Trần Đình Vân, thú vị nhất là nghe đọc những bài báo viết trong nội thành Sài Gòn của Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung; thơ của Đông Trình, Nguyễn Quốc Thái… Nhưng hồi đó tôi lại không thích nghe những giọng ca của miền Bắc. Có lần ban hợp ca trình bày bài Tự nguyện của Trương Quốc Khánh và bài Hát cho dân tôi nghe của Tôn Thất Lập mà tôi không nhận ra lời, vì cách phát âm quá giống giọng hát của đài Bắc Kinh.

         Nhà không có anh chị em, ngoài giờ đi học, chiếc radio với tôi như một người bạn. Buồn quá, quên lời dặn của các chú du kích, tôi rà hết các kênh ca nhạc, từ chương trình Ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức đến chương trình “Phát thanh thương mại” chuyên phát nhạc boléro xen kẽ với quảng cáo thuốc bổ Activit, kem đánh răng Hynos và xe máy Suzuki… trên đài Sài Gòn. Tôi có thói quen vừa nghe nhạc, vừa học bài hay làm toán. Nhờ nghe đài, mà ở tuổi thiếu niên tôi đã hiểu ít nhiều về các thể loại âm nhạc: dân ca, sử ca, tình ca, nhạc trữ tình quê hương, nhạc phản chiến, nhạc tranh đấu. Có lẽ thời đó không có mấy học sinh cấp hai ở quê tôi biết tác giả bài quốc ca của Việt Nam Cộng hòa là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Bộ trưởng Thông tin của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

         Có thể nói, trong những năm học trung học đệ nhất cấp ở Mộ Đức, chiếc máy thu thanh là nguồn mở mang tri thức của tôi và kết nối tôi với cuộc đời rộng lớn. Hoàn cảnh gia đình như vậy, đương nhiên tôi dị ứng với những bài tuyên truyền lộ liễu trên đài. Nhưng “đài địch” vẫn có những nội dung bổ ích, chẳng hạn trước khi ra tỉnh học, sáng chủ nhật tôi thường mở đài phát thanh Quảng Ngãi nghe một chương trình dành riêng cho hiệu đoàn học sinh trung học Trần Quốc Tuấn tự tổ chức và phát trên sóng những bài viết về văn chương, khoa học của các anh chị lớp trước, nghe mà lòng thầm cảm phục. Đài phát thanh Sài Gòn thì có chương trình “Trả lời thính giả” của Việt Chương cung cấp nhiều kiến thức cập nhật và chương trình “Giờ của bạn trẻ”, như một dạng tạp chí văn nghệ truyền thanh, do Vũ Dzũng phụ trách, thời lượng 60 phút, phát vào mỗi chiều chủ nhật. Nhiều năm sau tôi mới gặp mặt anh Vũ Dzũng[iii] lúc anh làm việc ở Công ty Sách Phương Nam, nhưng tôi đã nghe giọng nói của anh trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn từ đầu những năm 1970.        

         Đài phát thanh đã một thời có sức tác động với công chúng như vậy nên nó trở thành tâm điểm trong các biến cố chính trị. Hồi diễn ra Pháp nạn 1963, quần chúng Phật tử đã biểu tình trước đài phát thanh Huế yêu cầu phát lại chương trình lễ Phật đản, nhưng bị đàn áp, nay còn chứng tích là đài tưởng niệm thánh tử đạo ở đầu cầu Trường Tiền bên bờ Nam sông Hương. Ba năm sau, đài phát thanh Đà Nẵng do phong trào đấu tranh ly khai với chính quyền chiếm giữ và điều hành gần ba tháng mới bị quân đội tái chiếm. Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, đài phát thanh Sài Gòn là một mục tiêu tấn công dẫn đến hy sinh, tổn thất. Và trưa ngày 30-4-1975 Trịnh Công Sơn đã đến đây kêu gọi đoàn kết, hòa giải rồi hát bài “Nối vòng tay lớn”.

         Những ngày này, kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Genève chia đôi đất nước, chuẩn bị tiến đến kỷ niệm 50 năm thống nhất Tổ quốc, ngồi nhớ lại chiếc máy thu thanh của mẹ tôi, tôi bỗng liên tưởng đến bao nhiêu sự kiện liên quan mật thiết với đời mình, gia đình mình. Chuyển vào sống ở thành phố, có máy thu hình, mê xem phim Tây du ký, Người giàu cũng khóc, Đất phương Nam…, mẹ tôi xa dần cái máy thu thanh. Mấy năm nay, bà lãng tai, chiếc máy thu thanh không ai dùng đến, để quên trên kệ, tôi lấy ra lau chùi, trông bên ngoài còn mới, chỉ con ốc gắn vào chỗ thay pin nay đã rỉ sét. Chiếc máy thu thanh của mẹ tôi giờ trở thành kỷ vật lưu niệm một thời gian khổ của gia đình tôi và tuổi thiếu niên buồn bã của chính tôi.

Huỳnh Như Phương

(Nguyệt san Giác Ngộ, số 341, tháng 8/2024)

 


[i] Dây tai nghe để không phát ra âm thanh.

[ii] Lệ Thi: tên thật là Vũ Thị Lệ Thi, người Quảng Ngãi đi tập kết, nghệ sĩ nhân dân, diễn viên dân ca kịch nổi tiếng.

[iii] Vũ Dzũng: chủ trương NXB Khai Hóa trước 1975, là tác giả sách “Những tác phẩm lớn trong văn chương thế giới”, hiện sống ở TP. HCM.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62889145
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10752
22357
62889145

Thành viên trực tuyến

Đang có 344 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website