05102024Sat
Last updateMon, 30 Sep 2024 8am

Bước đầu tìm hiểu về dừa trong tín ngưỡng dân gian ở Nam Bộ

 

TS. Trần Hoàng Hảo- ThS. Dương Hoàng Lộc

1. Dẫn nhập

Dừa được mệnh danh là cây của sự sống. Ngày nay, khoa học đã chúng minh dừa có nhiều công dụng ở lĩnh vực y học, dinh dưỡng, công nghiệp, môi trường, du lịch, dừa trở thành một loại cây kinh tế nhằm đảm bảo và phát triển đời sống của con người ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, một quốc gia có điều kiện tự nhiên nhiệt đới ẩm, cây dừa được trồng khá phổ biến và gắn liền với kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Ở Nam bộ, cây dừa được trồng ở nhiều địa phương, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau. Trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân Nam bộ, cây dừa đã để lại dấu ấn rất lớn trong ẩm thực, âm nhạc, nghề truyền thống, ca dao-dân ca, hội họa, nhà cửa, phương tiện đi lại,….Đặc biệt, dừa còn có mặt trong đời sống tín ngưỡng của người dân ở đây với nhiều biểu hiện khác nhau. Bài viết của chúng tôi bước đầu nhằm tìm hiểu về một số biểu hiện của dừa trong tín ngưỡng của  người dân Nam bộ.


Type truyện thanh gươm thần và tục thờ gươm qua truyền thuyết của các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên

1. Lược sử vấn đề*

Đề tài gươm thần bảo vệ nước, bảo vệ giống nòi với hình tượng lưỡi gươm, cán gươm và vỏ gươm vốn đang rời rạc, khi ráp lại với nhau bỗng biến thành sức mạnh vô địch, sức mạnh đoàn kết chống ngoại xâm vốn được lưu hành từ xa xưa ở nhiều dân tộc. Nhiều tộc người ở Tây Nguyên, trong đó có các dân tộc chính thuộc hai nhóm ngữ hệ Nam Đảo và Môn-Khơ me như Ê Đê, Gia Rai, Chăm (Nam Đảo), Ba Na, Xơ Đăng (Môn-Khơ me) đều có truyện gươm thần riêng của dân tộc mình và có phần trùng hợp nhau về cốt truyện và hình tượng thanh gươm. Câu chuyện về gươm thần mà mỗi tộc người giữ một bộ phận, có hợp nhau lại mới chống được quân thù được các tộc người Trường Sơn - Tây Nguyên truyền lại có ít nhiều thay đổi, được xem là những dị bản của một cốt kể.

Nàng dâu Ý trong làng văn Việt

Bước vào hai thập niên đầu của thế kỷ 21, dường như làng văn Việt có sự hội nhập sâu rộng hơn với thế giới so với thập niên 90 của thế kỷ 20. Nếu trước đây mới chỉ lèo tèo vài tên tuổi nhà văn viết về chiến tranh như Lê Lựu, Bảo Ninh… được thiên hạ bên ngoài biết đến ở mức độ vừa phải thì nay nhờ công nghệ thông tin, họ đã biết về văn học Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn, đa dạng hơn qua các tác phẩm văn chương đích thực của Ý Nhi, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều… (thơ) và Trần Thùy Mai, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, Hoàng Minh Tường, Dương Hướng, Nguyễn Xuân Khánh… (văn xuôi). Gần đây, các giải thưởng văn chương của Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc… trao cho tác giả Việt Nam thật sự vô tư, khách quan theo nghĩa “hữu xạ tự nhiên hương” (không cần đến sự tiến cử của Hội NVVN như giải thưởng văn học Asean) đã thêm một lần khẳng định bề sâu của hội nhập. Ở chiều ngược lại, các tác phẩm văn học của người Việt hải ngoại hoặc  của tác giả phương Tây viết về Việt Nam được in ấn, phát hành trong nước cũng được công chúng hào hứng tiếp nhận. Trong bối cảnh ấy, sự xuất hiện của cây bút Elena Pucillo Truong trong làng văn nước Việt khoảng 8 năm lại đây vừa có những nét chung lại vừa khu biệt, cho tôi cảm hứng viết về con người và tác phẩm văn chương của chị.

Tôi quen biết cặp vợ chồng Việt- Ý (Trương Văn Dân - Elena Pucillo) trong buổi ra mắt tập san Quán Văn số 3 ở quán café trên đường Nguyễn Văn Thủ, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh vào khoảng mùa xuân năm 2012. Đó cũng là thời điểm Elena Pucillo bắt đầu viết và công bố những truyện ngắn, tản văn của mình; còn chồng chị, nhà văn Trương Văn Dân mới vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” đang rất “hót” trên thị trường sách Sài Gòn năm ấy. Từ bữa đó, chúng tôi thành bạn bè, đọc văn của nhau, gặp gỡ chia sẻ mọi điều cả trong đời thường lẫn nghề văn nghiệp bút. Năm tháng qua đi, thoáng nhãng đã gần chục năm, tôi thêm yêu mến nàng dâu Ý của làng văn Việt có giọng văn thủ thỉ, giản dị mà sức nặng truyền cảm cứ sâu đằm trong tâm thức, hút hồn người đọc cùng tác giả tham gia vào sự tưởng tượng của công việc sáng tạo trong một cấu trúc ngắn gọn, mở thoáng.

            Tôi đã đọc nhiều lần những truyện ngắn “Phút mặc khải”, “Trước khi màn hạ”, “Một phút tự do”, “Mùi thơm buổi sáng”… thảy đều gói gọn trong 2- 3 ngàn chữ. Nó giống như chiếc hộp quà tặng nhỏ xinh gửi đến độc giả có thắt nơ hồng là sợi dây triết lý mỏng manh, mơ hồ mà khêu gợi, ám ảnh đến kỳ lạ ngay từ cái tên truyện. Và đặc biệt, truyện ngắn “Kho tàng của sự im lặng” cứ làm tôi liên tưởng đến mối nhân duyên và sự giao hòa hai nền văn hóa Đông - Tây của quê chồng, quê vợ trong tâm hồn tác giả thành dòng mực chảy tràn vào những trang văn. Câu chuyện kể về lễ Vu Lan trong giáo lý đạo Phật ở quê chồng (Bình Định) cho tôi cảm nhận điều ấy. Xứ sở nước Ý, quê hương của Elena Pucillo vốn là cội nguồn văn minh Hy - La của châu Âu, nơi kết đọng tinh hoa văn hóa phương Tây trong hội họa, kiến trúc, âm nhạc với những công trình kiến trúc tôn giáo kiểu Gothic tuyệt mỹ ở Roma, Florence hay những tên tuổi lẫy lừng như danh họa Leonardo Da Vinci, tiểu thuyết gia Alighieri Dante và tôi yêu nhất nhạc sĩ thiên tài Giusseppe Verdi. Nhắc đến cây đại thụ của nhạc kịch Opera thế giới thế kỷ 19 này, đọc câu chuyện tình “Trước khi màn hạ” của Elena Pucillo, tôi lại nhớ truyện ngắn “Lẵng quả thông” của nhà văn Nga Pautovxki lấy cảm hứng từ bản nhạc soạn cho đàn Piano “Tặng Danhia khi nàng 18 tuổi” của Verdi để viết nên một kiệt tác văn chương đã ám ảnh tâm hồn tôi từ hồi trai trẻ đến giờ…

           Rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn bên bờ Địa Trung Hải, Elena Pucillo theo chồng về Việt Nam. Làm dâu xứ dừa Bình Định, chị được tắm mình trong nắng gió miền trung, giữa thiên nhiên tươi đẹp, kỳ vĩ “sơn bao thủy bọc”. Mang sẵn trong mình những tinh hoa văn hóa châu Âu của văn minh Hy - La phương Tây, chị an nhiên tự tại tiếp nhận nền văn minh lúa nước Việt Nam, văn hóa châu Á mang nét đặc trưng của địa vực văn minh Hoa-  Ấn phương Đông. Mỗi lần từ Sài Gòn về thăm quê chồng, chị được chiêm ngưỡng tòa tháp đôi ở trung tâm thành phố Quy Nhơn - một di sản kiến trúc Cham Pa độc đáo có từ ngàn năm trước, được bảo tồn gần như nguyên vẹn chắc hẳn sẽ nôn nao liên tưởng đến kiến trúc Gothic ở Roma. Chị còn được thưởng thức nghệ thuật tuồng, một hình thức ca kịch cổ điển gắn với tên tuổi danh nhân Đào Tấn - ông tổ của nghệ thuật này, cũng giống như châu Âu đã từng tôn vinh nhà soạn nhạc Claudio Monteverdi  nước Ý thế kỷ 18 là ông tổ của nghệ thuật Opera thế giới hiện đại vậy. Nhiều khi tôi nghĩ, đạo Phật có “Thập nhị nhân duyên” thì cuộc hôn nhân đời thường giữa Elena Pucillo với Trương Văn Dân và cả cuộc hôn nhân thanh cao giữa chị với làng văn nước Việt cũng đã hội đủ 12 mối nhân duyên ấy. Trở lại với truyện ngắn “Kho tàng của sự im lặng”, tác giả mở truyện bằng câu tụng niệm: “Nam mô đại bi Quan Thế Âm bồ tát… Nam mô đại bi…” Thế rồi trong bảng lảng khói nhang, chị dẫn dắt độc giả vào những tình tiết lý thú của cốt truyện, cho tôi cảm nhận rằng ẩn sau trang viết là tâm hồn thấm đẫm giáo lý tự giác giác tha, tự độ độ tha và phép ứng xử “Lục hòa” (thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, kiến hòa, giới hòa, lợi hòa) của một phụ nữ Ý đi từ tòa thánh Vatican sang ngôi chùa ở Tây Sơn - Bình Định, xin phép được Phật tổ chứng giám cho mình làm dâu để thành con dân nước Việt. Có lẽ vì thế nên bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Elena Pucillo cũng luôn thường trực bên mình nguồn năng lượng văn hóa Việt - Ý. Ở bài ký khá hay, giàu chất thơ “Tà áo lụa và những cánh sen”, tác giả đã đem đến cho ta cảm xúc mới lạ của người phụ nữ Ý với thời trang áo dài và ẩm thực trà sen của người Việt, thông qua cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng với nhà văn Nhật Chiêu hay bà nghệ nhân Viên Trân. Có một bài tản văn khác nữa, bài “Thư viết cho mẹ” của Elena Pucillo đã làm tôi mỗi lần đọc lại thêm một cung bậc cảm xúc đến nao lòng. Vào một đêm thanh vắng giữa Sài Gòn, chị chợt nhớ quê và viết thư cho mẹ ruột qua đời đã lâu, bày tỏ nỗi niềm nhung nhớ, nhưng cũng kể cho bà nghe mối ân tình sâu nặng của mẹ chồng, với những tình tiết rất đắt dành cho mình và mẹ ruột của mình. Giờ cả hai bà mẹ đều đã khuất bóng, bằng sự thành kính biết ơn và niềm hoan lạc vô lượng, chị cầu chúc cho hai bà mẹ gặp nhau ở bên kia thế giới hàn huyên nốt câu chuyện mà mình còn chưa kể hết với mẹ ruột. Cách đây vài năm, tình cờ lên mạng FB tôi bắt gặp bài viết của người bạn khả kính, GS Nguyễn Đăng Hưng kể rằng, trong lúc ngồi đợi chuyến bay về nước, ông đã đọc bài tản văn này, xúc động không sao cầm được nước mắt. Đó phải chăng là hạnh phúc của người viết khi văn mình chạm đến tận thẳm sâu trong trái tim người đọc?!...

              Lâu rồi không gặp, nhớ lắm cặp đôi văn chương Việt - Ý và bạn bè trong gia đình Quán Văn ở Sài Gòn! Mừng vì thấy Elena Pucillo vẫn đều đặn viết, vừa cho ra mắt cuốn “Vàng trên biển đá đen” và đức lang quân vẫn miệt mài dịch tác phẩm miễn phí cho nàng dâu Ý của làng văn Việt. Hãy còn sớm để tôi viết về văn phong, bút pháp của cặp đôi này như một khuynh hướng hay trường phái sáng tác mang dấu hiệu khởi đầu chưa thật rõ nét của “Chủ nghĩa cổ điển mới” theo định nghĩa của Michel Fragonardo trong cuốn “Từ điển văn hóa thế kỷ 20” (La Culture DUXX Siecle – Dictionnaire d’histoire culturelle). Tôi mới chỉ chợt lóe lên trong đầu ý tưởng này, còn phải đợi thời gian đọc thêm nhiều tác phẩm của họ. Vả chăng như lời Hoài Thanh từng viết: “Ở đời chữ cũng như lời, có tiết kiệm mới quý, càng tiết kiệm càng quý.” Thôi đành dừng bút, hẹn dịp khác!...

                                                                                                                      Hà Nội 19/8/2018

                                                                                                                                 VNT

     

Tục chưng mai ngày Tết ở Nam Bộ

Mai là loại hoa không thể thiếu được trong nhà người dân ở Nam bộ vào dịp tết. Hoa mai không chỉ tôn vinh vẻ đẹp rạng ngời cho ngày xuân mà còn là văn hóa, phản ánh nhân sinh quan của người dân vùng đất phương Nam qua hàng trăm năm nay. Bên bình hay chậu hoa mai ngày tết, người ta được ngắm nhìn, chiêm nghiệm nét đẹp giản dị của tự nhiên, một cơ hội để họ gần gũi nhau, chia sẻ và tâm tình sau một năm dài bận rộn, là dịp để nối kết con người với các giá trị truyền thống và tâm linh của một dân tộc có bề dày văn hiến.

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (1)

Khả năng cầm bút của Nguyễn Nhật Ánh tỏ lộ khá sớm. Những năm học ở trường phổ thông, anh đã có những bài thơ đăng báo. Được biết như là một nhà thơ trước khi là nhà văn, nhưng chính các tác phẩm văn xuôi của anh đã giúp anh chiếm lĩnh cảm tình của đông đảo bạn đọc. Anh được xem là nhà văn được yêu thích nhất ở thành phố Hồ Chí Minh trong các năm 1989, 1990, theo cuộc thăm dò dư luận do độc giả do Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức- và năm 1991- do bạn đọc của Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh và tập san "Bạn Ngọc" bình chọn (2) . Năm 1995, anh là một trong số những nhà văn trẻ được Hội nhà văn thánh phố Hồ Chí Minh biểu dương về những đóng góp trong văn học, nhân kỉ niệm 20 năm ngày thống nhất đất nước.

Nghiên cứu motif truyện kể dân gian trên bình diện cấu tạo

Tóm tắt

        Nghiên cứu motif truyện kể dân gian trên bình diện cấu tạo là phương pháp miêu tả hình thái học về motif như là một đơn vị trần thuật truyền thống của cốt truyện dân gian. Tuy nhiên việc miêu tả không phải được thực hiện với tất cả mọi motif mà những motif được chọn để miêu tả cấu tạo hình thái phải là những motif có ý nghĩa truyền thống quan trọng nhất, chứa đựng nhiều chủ đề cả về mặt phong tục lẫn sinh hoạt xã hội, đồng thời phải là motif đóng vai trò quan trọng không thể thiếu được trong việc tìm hiểu nội dung cốt truyện.

Các khuynh hướng phê bình văn học Việt Nam hiện nay

     Trên thế giới người ta nói thể kỉ XX là “thế kỉ của phê bình văn học”. Nhận định ấy cũng đúng với Việt Nam, bởi chỉ vào thế kỉ XX Việt Nam mới có phê bình văn học theo nghĩa hiện đại.  Song số phận phê bình văn học Việt Nam thì hẩm hiu hơn nhiều. Nhận định nêu trên về phê bình văn học thế giới quả không ngoa: bởi vì ngay từ đầu thế kỉ đã lần lượt nảy sịnh các trào lưu phê bình văn học liên tục đan xen, thay thế nhau. Nào chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa hình thức, phê bình mới, phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cấu trúc, giải cấu trúc, chủ nghĩa tân lịch sử, thi pháp học, phong cách học, diễn ngôn học, tu từ học…Các khuynh hướng cạnh tranh nhau, bổ sung nhau làm cho các vấn đề văn học ngày càng được sáng tỏ, khắc phục dần các nhận thức ấu trĩ siêu hình. Song ở Việt Nam thì không thế. Vừa mới hình thành chưa lâu trước năm 1945, nhà phê bình chưa kịp tự ý thúc về mình và nghề mình thì sau đó gần hết nửa thế kỉ còn lại phê bình văn học Việt Nam buộc phải đi vào hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, chống ý thức hệ đối kháng. Do hoàn cảnh lịch sử và định hướng ý thức hệ phê bình văn học của Việt Nam hầu như trở thành một ốc đảo, chúng ta chỉ biết có chủ nghĩa Mác theo phiên bản các nước xã hội chủ nghĩa, mà hầu như không biết gì về các trào lưu khác trên thế giới, tách xa các trào lưu ấy như nước với lửa. Chỉ từ năm 1986, đúng hơn từ năm 1995 do mở của hội nhập với các nước trên thế giới, ta mới có ít nhiều đổi thay trong giao lưu văn học, phê bình, song do theo định hướng lấy chủ nghĩa Mác Lenin làm nền tảng, các tư tưởng khác hầu như đều ở vào địa vị bất hợp pháp, bất bình đẳng, ngoại biên, bị coi là phi chính thống. Chính vì vậy mà đã gần 40 năm lí luận phê bình văn học chúng ta tiến bộ rất chậm chạp.

Trích yếu luận án tiến sĩ ngữ văn "Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian: Lý thuyết và ứng dụng - trường hợp motif tái sinh"

Ngày 23.4.2014, luận án tiến sĩ Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian: Lý thuyết và ứng dụng - trường hợp motif tái sinh của nghiên cứu sinh La Mai Thi Gia do PSG. Chu Xuân Diên hướng dẫn đã được 100% thành viên Hội đồng chấm luận án tiến sĩ nhất trí đánh giá đạt loại xuất sắc. Điểm thành công của luận án theo hội đồng là đã tổng thuật được lý thuyết motif truyện kể dân gian của các trường phái nghiên cứu folklore và đã ứng dụng vào một trường hợp cụ thể, đó là nghiên cứu motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam. VH-NN xin giới thiệu phần Dẫn nhập, Mục lục và Kết luận của Luận án. 

Tính nhất quán - đa dạng trong nghiên cứu, phê bình văn học của Lê Đình Kỵ

Ai đem phân chất một mùi hương

Hay bản cầm ca. Tôi chỉ thương

Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc

Như thuyền ngư phủ lạc trong sương.

                    (Vì sao - Xuân Diệu)

Đến với sự nghiệp trước tác đồ sộ gồm 19 tác phẩm, tổng cộng hơn 5.000 trang của Giáo sư- Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ (1923-2009) là đến với cái đẹp của một nhân cách và tài năng trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học giai đoạn nửa sau thế kỷ XX ở Việt Nam. Mà cái đẹp vốn dĩ thích hợp cho sự thụ cảm, thưởng ngoạn hơn là sự phân tích, phê bình. Bài viết này chỉ xin trình bày vài cảm nhận về những trang nghiên cứu, phê bình của Giáo sư Lê Đình Kỵ - người thầy mà nhiều thế hệ sinh viên Khoa Văn hết lòng kính trọng, thương yêu.

Qua hoạt động giảng dạy, nhất là qua trước tác của mình, có thể thấy ở Lê Đình Kỵ hội tụ được những phẩm chất rất đáng quý‎, nếu không muốn nói là lý tưởng của một nhà văn học tài năng. Ông có một nền tảng kiến thức triết học, mỹ học, l‎ý luận văn học, phê bình văn học, lịch sử văn học thật căn cơ và hệ thống; một tâm hồn nhạy cảm, một trực giác mạnh mẽ trước cuộc sống và trước vẻ đẹp đa dạng của văn chương; một năng lực diễn đạt ngôn từ linh hoạt: vừa mạch lạc khúc chiết vừa giàu hình ảnh xúc cảm, vừa mực thước rắn rỏi vừa bay bổng tài hoa. Điều đặc biệt là những phẩm chất này được ông tích lũy chủ yếu bằng con đường tự học và ngày càng được ông nâng cao qua từng trang viết. Ở ông có sự hài hòa, xuyên thấm vào nhau giữa một nhà học thuật có tư duy luận l‎ý sắc sảo và một nghệ sĩ ngôn từ có tính cách phóng túng, tự do. Một con người như vậy, một ngòi bút như vậy không thể nói là nhiều trong đời sống l‎ý luận, phê bình Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua.

Sinh thời Lê Đình Kỵ ít khi phát biểu trực tiếp về quan điểm và phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học của mình, nhưng đọc những gì ông viết có thể thấy ông là một nhà lý luận, phê bình có quan điểm và nguyên tắc riêng, bên cạnh những quan điểm và nguyên tắc chung mà những nhà nghiên cứu, phê bình văn học marxist đương thời đều có. Thứ nhất, ông luôn tôn trọng và vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm và nguyên tắc lịch sử cụ thể trong việc nghiên cứu, thẩm định các hiện tượng văn học, nhất là các hiện tượng văn học quá khứ. Ông tâm đắc với phương pháp đánh giá nhân vật lịch sử do Lenine gợi ra; ông dành hẳn Phần Bốn cuốn Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực để phân tích phương diện lịch sử - cụ thể của thi pháp Truyện Kiều. Nhờ thế những trang viết của ông về Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Tú Xương, Thơ mới, các tác phẩm văn học dân gian… đều tránh được sự cực đoan.Thứ hai, ông quan niệm địa hạt văn chương “không có chuyện tiếng nói cuối cùng”, đó là lĩnh vực “Mà trong lẽ phải có người có ta”.Ông có tranh luận, phản biện như thấy ở Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ - ngụy (1987) nhưng ông chưa bao giờ tỏ ra nặng lời, dè bỉu với bất kỳ ai. Ông có bị phê bình và phê phán như trong trường hợp xuất bản cuốn Các phương pháp nghệ thuật (1962) nhưng ông không tỏ ra nao núng và từ bỏ những tín niệm của mình.Nhờ thế ông trở thành cây bút nghiên cứu, phê bình có bản lĩnh và cá tính. Thứ ba, ông quan niệm “đi vào phê bình, thẩm định văn học, đòi hỏi đầu tiên là hiểu văn học đúng là văn học”[1], “Tiêu chuẩn đầu tiên của thơ là thơ phải… là thơ”[2]. Nói gì thì nói, đối tượng của nghiên cứu, phê bình văn học trước hết phải là tác phẩm văn học đích thực với tất cả phẩm chất và giá trị tư tưởng, nghệ thuật đặc thù của nó.Nghiên cứu, phê bình văn học xét cho cùng là để giúp công chúng hiểu được và hiểu đúng cái đẹp của văn chương, từ đó góp phần thúc đẩy văn chương phát triển chứ không phải vì lợi ích tự thân của nghiên cứu, phê bình và tác giả của nó. Quan điểm của Lê Đình Kỵ thực ra không mới nhưng trong bối cảnh mà cha đẻ của quan niệm này - tác giả của Văn chương và hành động - cùng với không ít nhà văn, nhà thơ từng có tác phẩm “Vang bóng một thời” đều tự nguyện phủ định mình thì những khẳng quyết của ông bỗng trở nên lấp lánh và táo bạo. Có thể nói đây là quan điểm chủ đạo của Lê Đình Kỵ trong nghiên cứu, phê bình văn học, là nguyên nhân vừa dẫn đến những rắc rối vừa đưa lại những thành công nổi bật trong sự nghiệp trước tác của ông. Và thực tế cho thấy, những tác giả, tác phẩm mà ông dụng công nghiên cứu, phê bình đều là những tác giả, tác phẩm văn học có giá trị và sức sống cho đến hôm nay.

Những phẩm chất và quan điểm, nguyên tắc vừa nêu đã làm nên phong cách nghiên cứu, phê bình văn học nhất quán và đa dạng của Lê Đình Kỵ, đủ khiến ông trở thành một cây bút có tiếng nói và chỗ đứng riêng không chỉ trong đời sống văn học đương thời mà cả trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

Về lý luận, chủ yếu thể hiện qua các giáo trình đại học, Lê Đình Kỵ nghiên cứu khá rộng, từ những nguyên l‎ý văn học căn bản đến các trào lưu, phương pháp sáng tác; từ quan điểm văn học nghệ thuật của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx đến đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể nói bằng nhiệt tình và công phu, Lê Đình Kỵ đã giới thiệu một cách hệ thống những quan điểm và vấn đề tiêu biểu của l‎ý luận văn học marxist ở Việt Nam. Mặc dù ít nhiều bị câu thúc bởi quan điểm chính thống, bị ràng buộc bởi đối tượng, thể loại và mục đích nghiên cứu, nhưng Lê Đình Kỵ vẫn có những tìm tòi và đóng góp cá nhân đáng chú ‎‎ý‎. Khi nghiên cứu vấn đề nào ông cũng xuất phát và soi rọi từ nhiều bình diện, quan hệ và cấp độ khác nhau để cuối cùng ông chỉ ra được đặc thù của văn học trong vấn đề đó. Chẳng hạn, bàn về phương pháp sáng tác, ông không xem nhẹ vấn đề lập trường, quan điểm chính trị, xã hội, thẩm mỹ của nhà văn mà ông còn nhấn mạnh đến tư tưởng và phong cách của tác giả như là những cá tính sáng tạo độc đáo. Ông phân tích sâu tất định luận kinh tế của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx đối với văn nghệ nhưng ông cũng cho thấy các vị ấy luôn thừa nhận nhiều phương diện có tính “tự trị” của văn chương, nghệ thuật. Gần như mọi nỗ lực tìm tòi, diễn giải kinh điển hay văn kiện của Đảng về văn học nghệ thuật của ông cũng đều hướng đến một tư tưởng chung là ủng hộ và khơi gợi tính đa dạng, tính loại biệt của hình thái ý thức xã hội này, đồng thời cổ vũ nhiệt thành cho sự “tự do sáng tạo và sáng kiến cá nhân” của văn nghệ sĩ. Sau này Lê Đình Kỵ có nói trong một bài phỏng vấn rằng: “Khi biên soạn các giáo trình tôi đều có ‎ý thức đưa vào những ‎ý riêng của mình”[3]. Những ‎ý riêng ấy, ngày nay ai cũng thấy, không phải là tùy tiện, ngẫu hứng, nhất thời mà là những điều tất nhiên đã được ông nghiền ngẫm kỹ lưỡng và trình bày thỏa đáng.Thực chất đó là biểu hiện của một tầm văn hóa cao, một đầu óc uyên bác, một nhận thức sâu sắc về bản chất, đặc thù của văn chương.

Là một nhà nghiên cứu về l‎ý luận văn học chuyên nghiệp, Lê Đình Kỵ luôn coi trọng vai trò của l‎ý luận trong nghiên cứu, phê bình văn học, nhưng cũng chính ông là người ít tỏ ra sùng phục và bị câu thúc bởi lý‎ luận. Ông viết: “Ai mà coi thường các vấn đề l‎ý luận chung hay thuộc lĩnh vực của mình, người ấy không thể đi xa và cũng không thể nói là có hoài bão lớn được. Đã tha thiết yêu văn học thì không thể không tha thiết với đời sống văn học, tức cũng không thể nào coi thường lý‎ luận văn học, mỹ học được. Còn việc người ấy không thích thú, không thể đọc được trọn vẹn một tác phẩm lý‎ luận chung chung, ít có suy nghĩ sáng tạo thì đó lại là chuyện khác. Các sách lý‎ luận hay hiện nay còn rất ít hiếm”[4]. Qua đó cho thấy trong nghiên cứu về lý‎ luận, theo ông cũng đòi hỏi có sự suy nghĩ sáng tạo. Sách lý‎ luận đâu chỉ là thuyết lý chuyện đúng sai mà còn phải “hay”, tức là phải có sức thuyết phục, có tính thẩm mỹ. Nghiên cứu về l‎ý luận dĩ nhiên là công việc của nhà học thuật nhưng con người nghệ sĩ trong Lê Đình Kỵ cũng có can dự vào. Sách lý luận của ông không chỉ có lý‎ mà còn có tình; không chỉ có quan điểm tư tưởng mà còn có hình ảnh cảm xúc; không chỉ có mặt này và mặt khác theo kiểu chiết trung cho đủ “gia vị” mà là nỗ lực để “hiểu văn học đúng là văn học”, như thấy ở đoạn trích sau: “Văn học nghệ thuật nhằm phát hiện bản chất sâu xa của đời sống, nhưng bản chất này không phải đạt tới bằng cách tước bỏ cái phong phú, cái cụ thể của những sự vật, những con người trong đời sống thực. Người xưa có nói ‘Ngựa trắng không phải là ngựa’.Đúng như thế. Trước mắt chúng ta không phải là ngựa chung chung, mà là ngựa trắng, ngựa ô, ngựa hồng, ngựa tía… Cái chung làm nên bản chất, làm nên ý ‎nghĩa sâu xa của sự vật, không tồn tại cách nào hơn là dưới dạng hiện tượng, dưới dạng cụ thể riêng biệt. Văn học nghệ thuật bám chặt lấy mặt cụ thể cảm tính này, không bỏ qua những hình dáng, đường nét, sắc màu, mà từ cái trắng, cái ô, cái hồng, cái tía cụ thể kia mà làm hiện lại trước mắt ta cái làm nên bản chất của ngựa, làm nên ‘vấn đề’ của ngựa. Văn nghệ tái hiện đời sống trong hình thái của bản thân đời sống là như thế”[5].

Nghiên cứu về văn học, Lê Đình Kỵ có ba công trình xuất sắc: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực (1970), Thơ Tố Hữu (1979) và Thơ mới - những bước thăng trầm (1988). Viết ba công trình này dường như Lê Đình Kỵ muốn chứng minh khả năng ứng dụng, tính thực tiễn của hệ thống l‎ý luận văn học mà ông đã dày công nghiên cứu; đồng thời ông cũng muốn có cơ hội “giải phóng năng lượng” con người nghệ sĩ trong ông qua các hiện tượng thơ ca tiêu biểu của dân tộc. Thực tế cho thấy ông đã vận dụng rất linh hoạt “cái khung” của chủ nghĩa hiện thực đối với Truyện Kiều, của chủ nghĩa lãng mạn đối với Thơ mới và của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đối với thơ Tố Hữu để đem lại những kiến giải sâu sắc và hệ thống về giá trị nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật của các hiện tượng văn học này. Bên cạnh đó, trong mỗi công trình ông đều có những phát hiện tinh tế và thú vị. Chẳng hạn, ông cho rằng một trong những đột xuất của Nguyễn Du so với Thanh Tâm Tài Nhân và nhiều tác giả truyện Nôm cùng thời là Nguyễn Du đã xây dựng và thể hiện nhân vật Thúy‎‎ Kiều thành một tính cách, một “cá nhân tự ‎ý thức”, một con người của đời sống thực. Đây chính là điểm nhấn quan trọng khiến chúng ta có thể cảm nhận phần nào thiên tài thơ ca và chủ nghĩa nhân đạo thống thiết của Nguyễn Du, hiểu được phần nào vì sao Truyện Kiều lại có sức sống mãnh liệt và đầy ám ảnh trong nhiều thế hệ độc giả Việt Nam đến như vậy. Không ít người từng đọc, thậm chí thuộc lòng bài thơ Tình già của Phan Khôi và bài Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, nhưng chưa ai thấy được những điều như Lê Đình Kỵ đã thấy: “Không phải tình cờ mà bài Thơ mới đầu tiên Tình già là dành cho tình yêu. Bài thơ gây ấn tượng mạnh nhất không phải ở hình thức mới - một hình thức thực ra chẳng mấy người noi theo - mà ở cái mầm mống đã gieo: đó là cái mối tình già nhân ngãi non vợ chồng, đứt nối, dở dang: Ta là nhân ngãi đâu phải vợ chồng mà tính chuyện thủy chung[6]. Về bài thơ Chùa Hương, ông viết: “Với thơ cũ, đại đoàn viên là cái đích cuối cùng phải đạt tới. Với các nhà thơ lãng mạn, đoàn viên, hôn nhân bắt đầu thì thơ ca cũng chấm dứt, như Nguyễn Nhược Pháp đã có chú thích về cái kết thúc của bài Chùa Hương nổi tiếng: ‘Thiên k‎ý sự đến đây là hết. Tôi tin rằng rồi hai người sẽ lấy nhau. Vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều, lấy nhau rồi là hết chuyện’. Lấy nhau rồi va chạm với thực tế, nghĩa là không còn lãng mạn, không còn cảm hứng cho thơ nữa”[7]. Với hai chi tiết đó, Lê Đình Kỵ phác họa được motif nội dung chủ đề tình yêu và tính chất lãng mạn của cả phong trào Thơ mới. Công trình nghiên cứu của ông lôi cuốn và thuyết phục người đọc đôi khi ở những phát hiện có vẻ nhỏ nhặt, bên lề như thế. Trong Thơ Tố Hữu, một mặt ông khẳng định những thành tựu và đóng góp rất đáng kể của Tố Hữu trong nền thơ ca cách mạng và kháng chiến của dân tộc, nhưng mặt khác, ông cũng cho thấy những giới hạn về chất thơ, về phương thức biểu hiện của thi nhân xứ Huế này bằng những ví dụ và lời bình chừng mực, nhẹ nhàng, đôi khi pha chút hóm hỉnh: “Thông thường cách hiệp vần trong thơ Tố Hữu rất đạt, làm nổi lên các ‎ý chính mà nhà thơ muốn nhấn mạnh. Nhưng (…) có trường hợp gieo vần theo kiểu lấp chỗ trống:

                          Tổ quốc ta quyết không mất nữa!

                          Phố làng đây, nhà cửa ta đây.

                          Dù tan nát, cháy thành than lửa,

                          Máu hy sinh phải rửa thù này.

Nói cháy thành than lửa là để chỉ tiện hiệp vần nữa, chứ không có l‎ý do nào khác. Còn rửa thù thì phải bằng máu của kẻ thù, chứ sao lại bằng máu hy sinh của ta được?”[8]. Đoạn trích chứng tỏ Lê Đình Kỵ không chỉ là người yêu thơ, say thơ mà còn là người đòi hỏi cao về chất lượng của thơ, dù đó là thơ của một tác giả đã nổi tiếng.

So với các công trình và bài viết khác thì mối quan hệ giữa con người học thuật và con người nghệ sĩ, giữa tính chất nghiên cứu và tính chất phê bình trong cách tiếp cận và thể hiện đối tượng của Lê Đình Kỵ đã trở nên “cân đối” hơn trong Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, Thơ Tố HữuThơ mới - những bước thăng trầm. Sự “cân đối” được bộc lộ không chỉ ở cấu trúc của các cuốn sách mà còn bộc lộ qua từng phần, từng trang của nó. Chẳng hạn, bốn chương đầu của Thơ mới - những bước thăng trầm (Một ít lịch sử, Khuynh hướng chung, Vấn đề đánh giá Thơ mới, Đóng góp lịch sử) rõ và mạnh về học thuật và nghiên cứu nhưng đến Chương 5 (Mấy tác giả) thì thiên về nghệ thuật và phê bình. Nhưng đồng thời, ta cũng thấy không ít đoạn giàu tính nghệ thuật, phê bình ngay trong những phần mà theo lẽ thường, người ta sẽ viết theo lối hàn lâm, còn Lê Đình Kỵ diễn đạt theo một phong cách phóng túng rất riêng. Tiểu kết cho mục về sự ra đời và thắng thế của Thơ mới, ông viết hào hứng, tự nhiên mà rất trúng, rất chặt chẽ: “Phá bỏ lối thơ đã ngự trị hàng ngàn năm trên thi đàn dân tộc đâu phải là chuyện chơi. Dư luận luôn sôi nổi. Phía ủng hộ Thơ mới cũng đông không kém phía phản đối. Cuộc tranh cãi ồn ào và kéo dài đến bốn năm năm sau. Giữa lúc đó thì những bài thơ của Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Huy Thông và nhất là của Thế Lữ ra đời, nhanh chóng được thừa nhận và hoan nghênh. Thơ cũ không có gì để địch lại, chứng tỏ lý‎ do tồn tại của nó. Người đại biểu được hâm mộ nhất là Tản Đà từ cuối những năm 20 đã không còn sáng tác gì đáng kể, mà dù có đi nữa thì cũng không đáp ứng được những đòi hỏi của lớp người mới đang lên. Thơ cũ trên thực tế, cũng như về nguyên tắc và cung cách sáng tác, không còn phù hợp với thời đại nữa”[9]. Ngược lại, ở phần mạnh và rõ về nghệ thuật và phê bình, ta cũng bắt gặp không hiếm những đoạn có tính khái quát, l‎ý luận sắc sảo, như đoạn giới thiệu về Xuân Diệu: “Sau Tản Đà, Xuân Diệu có lẽ là ‘thi sĩ’ nhất trong số các nhà thơ hiên đại. Đã là thi sĩ thì ít nhiều đều lãng mạn.Tiêu biểu cho thơ tiền lãng mạn là Tản Đà.Tiêu biểu cho thơ lãng mạn toàn thịnh sau 1930 là Xuân Diệu”[10]. Phải có kiến văn cỡ nào, một tư duy khái quát cỡ nào người ta mới có thể viết một đoạn 50 chữ thật đích đáng như thế về Thơ mới của Xuân Diệu!

 Sự hài hòa giữa hai phương diện học thuật và nghệ sĩ, giữa nghiên cứu và phê bình khiến cho các công trình nghiên cứu văn học của Lê Đình Kỵ vừa đạt được những thành tựu và đóng góp về mặt khoa học không thể chối cãi; đồng thời cũng có thể xem đó là những tác phẩm phê bình văn học của một cây bút tài hoa và lịch lãm. Nó không chỉ tổng kết, khái quát được những thành công của các hiện tượng văn học mà nó còn khơi gợi, mở rộng, nối dài những giá trị của các hiện tượng văn học đó trong không gian và thời gian. Và như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho tác giả, các chuyên luận của Lê Đình Kỵ không chỉ được phổ biến trong giảng đường đại học, trong giới chuyên môn mà còn lan tỏa sâu rộng trong xã hội, nhất là trong những người yêu thích văn chương Việt Nam.

Trong giới nghiên cứu, phê bình văn học đương thời hiếm có ai nghiên cứu về phê bình dưới dạng thực tiễn của nó bằng cách phê bình tác phẩm của các nhà phê bình như Lê Đình Kỵ đã làm trong Thơ với Xuân Diệu, Hoài Thanh, Chế Lan Viên (1988). Phải nói đây là tác phẩm nghiên cứu - phê bình đúng nghĩa đen của thuật ngữ này bởi nó được viết một cách công phu và tinh tế. Với tấm lòng đồng điệu tri âm, Lê Đình Kỵ cho thấy Xuân Diệu, Hoài Thanh, Chế Lan Viên đích thực là ba “bậc thầy” trong nghệ thuật phê bình thơ, mỗi người một sở trường, một thế mạnh đã góp phần làm sống dậy và bừng sáng bao áng thi ca của dân tộc. Ở Xuân Diệu là sự liên tưởng mạnh mẽ đến diệu kỳ, là “một sự am hiểu về từ ngữ ít có”, ở Hoài Thanh là sự xúc cảm và trực giác nhạy bén, ở Chế Lan Viên là sự uyên bác, thông minh và tinh thần triết học. Bên cạnh đó, Lê Đình Kỵ cũng thể hiện đôi chút phân vân tiếc rẻ về tính khái quát, tính hệ thống trong tác phẩm phê bình của ba cây bút này: “Xuân Diệu đôi khi sa đà vào chi tiết và sau đó không có sự vươn dậy, đứng thẳng bằng chiều cao của sự tổng hợp (…), để lại cho người đọc cái ấn tượng đứng trước những đồ đạc, giường ghế, tủ bàn, cốc chén qu‎ý giá, bày ra một đống, không còn là gạch ngói ngổn ngang, nhưng cũng chưa phải là một tòa nhà cân đối, uy nghi”[11]; “Hoài Thanh rất có ‎ý thu nhận một trường hợp cụ thể mà khái quát lên thành những vấn đề chung, nhưng những vấn đề chung này cũng chỉ đóng khung ở khía cạnh lập trường tư tưởng, thế giới quan, vốn chính trị, vốn sống, trách nhiệm của nhà văn. Những vấn đề ấy người đọc đã nghe quen rồi và chờ đợi anh phát biểu về những vấn đề ít được khái quát hơn về nghệ thuật, về thể loại, về đặc trưng của văn học”[12]. Từ những quan sát, chiêm nghiệm về các cây bút phê bình, Lê Đình Kỵ suy nghĩ về phương pháp phê bình thơ cho riêng mình mà cũng hy vọng được đồng nghiệp chia sẻ. Người phê bình thơ, theo ông, bên cạnh các tố chất của một nghệ sĩ ngôn từ, “biết phát hiện, phân tích cái hay, cái dở, cái đẹp, cái xấu và nói ra được theo cách riêng của mình”[13], còn đòi hỏi một nền tảng kiến thức l‎ý luận văn học, mỹ học đáng tin cậy nữa. Tuy nhiên, ông cũng phản đối việc đưa kiến thức lý luận một cách “lộ liễu, khô khan, cứng nhắc” vào phê bình: “Tôi nghĩ l‎ý luận văn học, mỹ học có hai khâu: khâu kiến thức và khâu vận dụng. Kiến thức nói chung không khó. Khó là ở khâu vận dụng sao linh hoạt, sinh động và có phát hiện”[14]. Một chỗ khác, ông nói rõ hơn về cách vận dụng l‎ý luận vào phê bình: “Lý ‎ luận là cơ sở để phân tích, đánh giá tác phẩm, nó không phải là cái gì cộng thêm vào bài viết, từ ngoài đưa vào; nó thể hiện không phải ở những trích dẫn, thậm chí không phải ở những cách thuyết lý ‎nào đó, mà trước hết và chủ yếu là ở cách tiếp cận vấn đề, ở quan niệm chung và ở bản thân sự vận dụng vào thực tế tác phẩm, nó nằm bên trong, chắp cánh cho bài viết”[15].

Quan niệm đúng đắn và cởi mở đó được Lê Đình Kỵ “quán triệt” trong toàn bộ trước tác phê bình của mình, kết tinh ở Đường vào thơ (1969), Trên đường văn học (2 tập, 1995) và Phê bình nghiên cứu văn học (1998), khiến ông trở thành một tiếng nói phê bình có trọng lượng và bản sắc. Con đường đi vào thế giới văn chương (chủ yếu là thơ ca) của ông vừa có điểm kế thừa vừa có điểm sáng tạo và mới mẻ so với con đường của Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Nhờ có lý luận và ‎ý thức vận dụng lý luận, hầu hết các bài phê bình của ông đều có luận điểm mới, có tính hệ thống, có tính khái quát, đạt được những chuẩn mực của các tiểu luận học thuật, mà người học tập, nghiên cứu văn học có thể dựa vào đó để phát triển thành những công trình, luận văn, luận án khoa học. Đó là “cảnh vật động, trên đà chuyển biến tiến lên”, là “phong thái ung dung của khách tự do”, là tính dân tộc trong thơ Hồ Chí Minh (Thơ Hồ Chí Minh: Nhật ký‎ trong tù); là “tính thống nhất và đa dạng” trong tính cách Thúy‎ Kiều (Thiếp từ ngộ biến đến giờ: Câu chuyện Thúy‎ Kiều); là cái triết lý‎ “đàn bà là sự sống, cuộc sống cần đến đàn bà”, là “cái vô tận, vô biên”, là chất “bình dân” trong thơ Hồ Xuân Hương (Bản lĩnh, tấm lòng Xuân Hương); là “tư thế người trong cuộc mà cười gằn, chửi đổng” xã hội cũ của Tú Xương (Nỗi niềm Tú Xương)… Tuy nhiên, cái bao trùm và ấn tượng hơn cả trong những trang phê bình của Lê Đình Kỵ là khả năng thẩm thơ, bình thơ tinh tế; khả năng phát hiện và khơi gợi được vẻ đẹp tư tưởng và thẩm mỹ của thơ; khả năng nhận diện nét phong cách và cá tính của nhà thơ… bằng một lối văn sinh động, uyển chuyển, giàu hình ảnh và nhạc tính. Nói cách khác, đọc trước tác phê bình của Lê Đình Kỵ người ta vẫn thích nhất phần tài hoa và nghệ sĩ của ông. Tài hoa và nghệ sĩ từ cách đặt nhan đề rất cuốn hú‎t: Những biển cồn hãy đem đến trong thơ;Xuân Diệu: nỗi yêu muôn thuở;Gió lộng: tiếng nói đồng tình, đồng chí;Trí tuệ, tài năng, tâm hồn… Tài hoa và nghệ sĩ ngay ở phần mở đầu và kết thúc. Mấy chục bài phê bình của ông, kể cả 9 bài về Mấy tác giả trong Thơ mới - những bước thăng trầm, dường như không bài nào có cách mở đầu và cách kết thúc giống bài nào, tất cả đều tự nhiên và đặc sắc, vừa có sức khái quát vừa có sức khơi gợi, vừa lôi cuốn vừa có dư ba. “Huy Cận có một tâm hồn lắng nghe, tinh nhạy, một năng lực thông cảm luôn luôn hiện diện, một nguồn thơ rộng mở hiền hòa”[16]; “Những ngân vang sảng khoái của Việt BắcTa đi tới còn chưa dứt thì tiếng kêu thương từ cái địa ngục trần gian bên kia giới tuyến lại vọng vào thơ Tố Hữu…”[17]; “Đã từng có ý ‎kiến Thơ mới chỉ viết cho một số ít người thưởng thức. Nghĩ thế là người ta đã quên mất Nguyễn Bính. Kể Thơ mới mà gần gũi và phổ cập rộng rãi, về được tới cả nông thôn thì không ai qua được Nguyễn Bính, đương thời cũng như ngày nay, ngót nửa thế kỷ sau khi thơ ấy ra đời”[18]. Đó là mở đầu, còn đây là kết thúc bài Bản lĩnh, tấm lòng Xuân Hương, chỉ một câu ngắn mà không cộc: “Thêm một l‎ý do để không còn trách cứ coi thơ Xuân Hương là bản năng, là buông tuồng, là dâm, là tục”[19]. Kết thúc bài Trí tuệ, tài năng, tâm hồn (Đọc Di cảo thơ - Chế Lan Viên), cũng một câu, nhưng như viết cho chính mình: “Tặng cho đời, cho người thân, cho tất cả chúng ta những người còn sống bỗng nhiên cảm thấy như mình có lỗi”[20]. Kết thúc mà không dừng, kết mà mở như ở bài viết về Hàn Mặc Tử: “Thân xác có thể tan, thơ vẫn còn nguyên vẹn, tài hoa, lời vàng ấy sẽ còn lại lâu với đời. Giống như Bích Khê, người bạn thơ gần gũi nhất của Hàn Mặc Tử:

Sau nghìn năm nữa trên trần thế

                          Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi[21]

Không nhập sâu vào tâm hồn tác giả, không mất nhiều tháng ngày suy tư nghiền ngẫm tác phẩm của họ, đâu dễ viết được những câu sâu lắng mà có vẻ chẳng mấy dụng công như thế.

Trong phê bình và nghiên cứu về văn học, đối tượng được Lê Đình Kỵ quan tâm cũng trải một diện rộng, phong phú không kém như trong nghiên cứu về lý luận: từ những tác phẩm dân gian, cổ điển đến những tác phẩm hiện đại; từ những tác giả đã nổi tiếng đến những tác giả trẻ mới chớm định hình giọng điệu và phong cách. Tuy nhiên trong thế giới đa sắc màu đó, Lê Đình Kỵ thường dành sự ưu tiên, ưu ái cho những cây bút tài hoa, những cá tính sáng tạo nổi trội, những tư tưởng “vượt khung”, những tác phẩm có số phận lận đận, thăng trầm. Những trang viết được coi là hay nhất, nghệ sĩ nhất, hồn vía nhất, giàu tính văn chương nhất của ông là những trang viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, về Hồ Xuân Hương và Tú Xương, về Thơ mới, về Xuân Diệu và Chế Lan Viên. Điều này không phải ngẫu nhiên.Nó vừa nằm trong quy luật của nghiên cứu, phê bình văn học lại vừa có phần thuộc về tính cách, tâm hồn, thiên hướng cá nhân của người viết. Khi tài năng biết nhận diện và kính trọng tài năng, khi tâm hồn đồng điệu với tâm hồn, khi tinh thần khai phóng gặp gỡ khát vọng tự do thì đó là điều kiện lý tưởng để cả chủ thể lẫn đối tượng trong nghiên cứu, phê bình cùng thăng hoa, phát tiết. Lê Đình Kỵ dường như thấy được mình, hiểu được mình hơn qua các tác giả, tác phẩm trên nên ông viết với tất cả sở trường và tâm huyết, trí tuệ và tài năng, tính chất luận lý và xúc cảm liên tài. Và qua ngòi bút “có sự thông cảm tối đa” của ông, các tác giả, tác phẩm trên cũng trở nên độc đáo, sống động và giá trị hơn.

Trong những tác giả hiện đại, có lẽ Chế Lan Viên là trường hợp rất đặc biệt đối với Lê Đình Kỵ. Ông viết cả thảy bốn bài về thi sĩ Bình Định này mà bài nào cũng hay, cũng thấm thía, nhất là ở bài cuối cùng, về Di cảo thơ. Sức cuốn hút và ám ảnh của Chế Lan Viên đối với ông không chỉ là “trí tuệ, tài năng, tâm hồn” của một thi nhân mà thẳm sâu trong những khía cạnh đó chính là một lương tri luôn thao thức, trăn trở và tự vấn, một nhân cách trí thức “ở không yên ổn, ngồi không vững vàng” vì miệt mài và đơn độc trong hành trình kiếm tìm chân lý cho mình. Bi kịch đớn đau của người trí thức là đôi khi họ tưởng mình đã nắm chắc chân lý trong tay như một bảo vật nhưng khi tỉnh táo mở ra xem thì đó lại là thứ giả dối tầm thường. Người trí thức không thể ngủ yên trong những tín niệm một thời, hay nói như Nguyễn Khải, người trí thức không chỉ chọn lựa một lần là xong, là chung thân với nó. Lê Đình Kỵ viết về Di cảo thơ lúc ông đã bước sang tuổi “cổ lai hy”, còn thi nhân yêu quý của ông “có còn nữa đâu”. Rất nhiều đoạn trong bài này, không biết ông viết về Chế Lan Viên hay ông viết về mình? Có lẽ cho cả hai: “Dẫu sao trước đây cảm xúc, suy nghĩ của con người sâu cạn khác nhau cũng là theo một kênh chung. Bây giờ, sống trong hòa bình, nhất là từ sau đổi mới, thì càng ‘ngổn ngang trăm mối’. Càng cọ xát với năm châu bốn bể, càng sáng ra nhiều điều, càng ít đất cho tâm thế tự mãn, đơn giản, một chiều. Không phải quay lưng lại, chối bỏ quá khứ, mà phản tỉnh, tự vấn, ứng xử toàn diện hơn, biện chứng hơn”[22]. “Trong thơ ca hiện đại ít ai như Chế Lan Viên đã đào xới, lật xuôi lật ngược mọi thứ vấn đề lớn nhỏ của đời sống, của tâm hồn, của thi ca”[23]. Sự nghiệp và cuộc sống cá nhân một đời người xem ra chẳng là gì trong dòng chảy vô định của thời gian, giữa cái mênh mang không cùng của vũ trụ: “An nhiên, thanh thản nhưng vẫn không thể ngang bằng giữa sinh và diệt, hữu và vô, nơi trời đầy hoa thì lại thiếu vắng tình yêu, tình đời, tình người, những hoa dại hoa vườn đến tiết lại trồi lên nhưng đã vĩnh viễn tuột khỏi tay mình, nơi xứ không màu chỉ có thể thấy từ xa[24].

Dù đa dạng và nhiều cung bậc như thế nhưng trước sau Lê Đình Kỵ vẫn là người nhất quán.Với tư cách là nhà nghiên cứu văn học, ông nhất quán trong tư duy lý luận và quan điểm học thuật, “biết người biết ta”, biết vượt lên hoàn cảnh để tìm được tiếng nói và đóng góp riêng của mình.Với tư cách là nhà phê bình văn học, ông thuộc hàng “tài hoa tột bậc, sắc sảo trong cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm về văn chương”[25].Và trên hết là sự nhất quán về mục đích sống và làm việc của ông.Cả đời ông gần như gắn bó trọn vẹn với nghề dạy học, với cái duyên và cái nghiệp văn chương.Lý tưởng của ông là nỗ lực về mọi phía có thể để đem được cái hay, cái đẹp của văn chương cho học trò. Ông tận tuỵ, đam mê cày bừa như một lực điền trên cánh đồng văn học bao la để đem lại hoa thơm trái ngọt cho đời.

Giáo sư Lê Đình Kỵ là người của một thời.Trước tác của ông là sản phẩm của một thời.Mà mỗi thời, như ông từng nói “chỉ có thể giải quyết được một phần việc của nó mà thôi”[26]. Rồi mọi thứ đều có thể phôi pha, nhạt nhòa theo năm tháng. Thiên tài cũng không cưỡng lại quy luật khắc nghiệt này. Nhưng chắc chắn một điều rằng, trong khối di sản tinh thần mà Giáo sư Lê Đình Kỵ để lại, cái phần có thể kết nối, hòa nhập và đồng hành được với thế giới hôm nay và mai sau vẫn là phần đa số, phần chiếm ưu thế, nhất là phần tài hoa, nghệ sĩ của ông.

Nguồn: Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 18, X4/2015.


[1] Lê Đình Kỵ: Tự học là chính (Nguyễn Tý thực hiện). Dẫn lại theo Tuyển tập Lê Đình Kỵ (Huỳnh Như Phương sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu, 2006), NXB Giáo Dục, trang 20.

[2] Lê Đình Kỵ (1969), Đường vào thơ, NXB Văn Học, trang 152.

[3] Lê Đình Kỵ: Cái duyên và cái nghiệp (Nguyễn Hà thực hiện), Tạp chí Văn học, số 3/2000, trang 11.

[4]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 638.

[5]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 125.

[6] Lê Đình Kỵ (1993), Thơ mới-những bước thăng trầm, NXB TP.HCM, trang 138.

[7] Lê Đình Kỵ (1993), Thơ mới-những bước thăng trầm, SĐD, trang 143.

[8]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 407.

[9] Lê Đình Kỵ (1993), Thơ mới-những bước thăng trầm, SĐD, trang 11.

[10] Lê Đình Kỵ (1993), Thơ mới-những bước thăng trầm, SĐD, trang 232.

[11]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 638.

[12]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 714.

[13]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 637.

[14]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 715.

[15]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 638.

[16] Lê Đình Kỵ (1969), Đường vào thơ, SĐD, trang 99.

[17] Lê Đình Kỵ (1969), Đường vào thơ, SĐD, trang 70.

[18] Lê Đình Kỵ (1993), Thơ mới-những bước thăng trầm, SĐD, trang 290.

[19]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 375.

[20]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 633.

[21] Lê Đình Kỵ (1993), Thơ mới-những bước thăng trầm, SĐD, trang 202.

[22]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 625.

[23]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 629.

[24]Tuyển tập Lê Đình Kỵ, SĐD, trang 632.

[25] Nguyễn Hữu Đạt, Giáo sư Lê Đình Kỵ: Nghệ sĩ hơn nghệ sĩ, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 2/8/2013.

[26] Lê Đình Kỵ: Cái duyên và cái nghiệp, BĐD, trang 10.

GS Đinh Gia Khánh - người đặt nền móng cho khoa học nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam

 

GS. Đinh Gia Khánh

Sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học của Giáo sư Đinh Gia Khánh bao trùm lên cả ba lĩnh vực: văn học dân gian, văn hóa dân gian và văn học trung đại Việt Nam. Cuốn Đinh Gia Khánh, Tuyển tập, tập 1 này tập hợp những công trình khoa học của ông trong lĩnh vực văn học dân gian.

Ẩn tượng bàn tay nhỏ trong mưa

(Đọc tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của tác giả Trương Văn Dân)

Trước khi được đón nhận chính thức cuốn sách Bàn tay nhỏ dưới mưa do chính nhà văn Trương Văn Dân gửi tặng, tôi đã được tiếp cận với một trong những đoạn nóng bỏng nhất của cuốn tiểu thuyết này trên tạp chí Quán Văn. Sau đó, nhà thơ Từ Sâm cho mượn bản gốc khi nó mới được in thử vài cuốn.

Để góp phần nghiên cứu huyền thoại và thi pháp huyền thoại trong sáng tác văn học

 

I. VỀ KHÁI NIỆM “HUYỀN THOẠI” VÀ “THI PHÁP HUYỀN THOẠI”

Theo cách nói thông thường, từ “huyền thoại” (myth trong thiếng Anh, mythe trong thiếng Pháp,  миф trong tiếng Nga…) thường được dùng như một từ đồng nghĩa với từ “sai lầm”, “sai lạc” hoặc “ảo tưởng” (niềm tin sai lạc). Nhà triết học Hi Lạp cổ đại Platon cũng đã từng có thái độ phủ nhận huyền thoại vì cho rằng huyền thoại làm cho con người lạc lối, lầm đường. Theo cách hiểu như thế về huyền thoại thì để mô tả, để chỉ rõ một nhận định, một điều hiểu biết, một sự khẳng định nào đó là sai, là không đúng như sự thật, người ta thường phát biểu: “Đó chỉ là một huyền thoại!”. Cũng theo cách hiểu như thế, để diễn tả việc xoá bỏ, việc hoá giải điều sai lầm để tìm ra sự thật đích thực, người ta cũng thường dùng một khái niệm phát sinh từ khái niệm “huyền thoại” là “giải huyền thoại”.

Còn non còn nước còn trăng gió

Khuất Bình Nguyên

Tôi cứ đọc đi đọc lại cái phóng sự Chén rượu vĩnh biệt của Nguyễn Tuân viết cho cuộc phúng điếu ông Tản Đà[i] năm 1939. Mãi mà không thấy chán. Cái tình của hai vị nguyên soái trong làng văn nước Việt. Nửa đầu thế kỷ trước. Chẳng biết thế nào mà đâm mê lối thân thiết tặng nhau từng thanh đóm châm lửa hút thuốc lào, cùng sự vui vẻ ngang tàng đến mức sang trọng ngay trong lúc túng quẫn tiền bạc của hai ông.

Hò giã gạo ở Thừa Thiên - Huế

Hò giã gạo, một loại hình dân ca, một biểu hiện văn hoá dân gian phổ biến ở nhiều địa phương trong nước. Sở dĩ có tên gọi hò giã gạo vì điệu hò này sản sinh từ nhịp điệu lao động giã gạo và quan hệ hình thức của công việc này. Hò giã gạo có thể ra đời khá lâu, muộn nhất là vào thời văn hoá Đông Sơn mà dấu vết là hình người chèo thuyền, giã gạo, thổi kèn được khắc hoạ trên mặt trống đồng.

Bước gió truyền kỳ: Cảm hứng lịch sử và cảm hứng thời đại!

Tôi đang cầm trong tay tập trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng. Đọc xong tập trường ca của anh, tôi vừa bất ngờ vừa xúc động. Tôi không thể không xúc động. Mừng cho anh! Ngay sau đó, tôi “a-lô” cho Phan Hoàng chia sẻ với anh vài nhận xét bước đầu của mình…

Về cái chết của mẹ con người dì ghẻ trong truyện Tấm Cám

Chu Xuan Dien1. VẤN ĐỀ

Truyện Tấm Cám nằm trong một kiểu truyện thuộc loại phổ biến nhất trên thế giới. Cô Tấm trong truyện của nhiều nước phương tây có tên là cô Tro Bếp (Cendrillon ở Pháp, Cinderella ở Anh, Cenerentola ở Ý, Cenusotca ở Rumani, Cernuska hay Doluska ở Nga...), vì vậy kiểu truyện này có tên là kiểu truyện cô Tro Bếp. Kiểu truyện cô Tro bếp trên thế giới đã được nghiên cứu nhiều, các vấn đề về nguồn gốc và sự di chuyển của cốt truyện được chú ý tới nhiều hơn cả.

Văn học đô thị: khái niệm và đặc điểm

“Văn học đô thị” (hay văn học thành thị) là một cụm từ khá quen thuộc trong nghiên cứu văn học, đặc biệt là văn học sử. Bài viết khảo sát khái niệm “văn học đô thị” với nhiều nghĩa khác nhau: được xem như hiện tượng đối lập với các hiện tượng văn học như văn học cung đình thời hậu kỳ trung đại Đông Á, văn học nông thôn thời kỳ hiện đại; hoặc mang nghĩa văn học đường phố ở các nước Âu-Mỹ, văn học Sài Gòn giai đoạn 1955-1975. Từ đó cho thấy, văn học đô thị dù đã được thuật ngữ hoá hay chưa và có nhiều khác biệt ở từng khu vực, nhìn chung đều chịu chi phối bởi quy luật cung cầu, cũng là một trong những quy luật chi phối sự hình thành và phát triển của đô thị.

Ca dao Nam Bộ - Ca dao của vùng đất mới

  1. Vẻ hoang vu của thiên nhiên- một dấu ấn trong những bài ca của thiên nhiên đất nước.

  Vùng Nam Bộ giàu đẹp đáng tự hào ngày nay lại là vùng đất bỏ hoang hàng ngàn năm từ sau khi đế quốc Phù Nam tan rã vào thế kỷ thứ VI. Bao nhiêu thế kỷ trôi qua, mảnh đất màu mỡ này vẫn ngủ yên vì người bản địa vốn quá thưa thớt lại lạc hậu về kỹ thuật nông nghiệp. Cũng có thể một phần do thiên nhiên sẵn giàu có, ưu đãi nên họ không cần khai thác thêm. Những vùng đất cao đủ trồng tỉa, những con rạch thừa cá tôm, những cánh rừng thừa hương liệu, gỗ,.. đã đảm bảo cho đời sống. Mãi đến thế kỷ thứ XVII, những người Việt đầu tiên”đi mở cõi” đến vùng đất mới, nhận ra ngay vẻ hoang sơ của nó:
“Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội như bánh canh
Cỏ mọc thành tinh
Rắn đồng biết gáy”

Mùa giáng sinh nghĩ về sự phục hưng của trường phái hình thức Nga

Tôi có ba lí do để nghĩ về trường phái hình thức Nga vào tuần Giáng sinh này. Thứ nhất: Trường phái này được sinh hạ đúng vào một mùa Phục sinh, trước đêm Giáng sinh. Thứ hai: Phần di sản đến nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó là hình thái học văn bản nghệ thuật và học thuyết về ý nghĩa cứu rỗi của “Lời”, về sự Phục sinh của tồn tại. Thứ ba: Nó được Phục sinh một cách mầu nhiệm sau khi bị đóng đinh câu rút và bị lãng quên liền liền mấy thập kỉ ngay trên quê hương mình...

Nguồn gốc dân tộc học của môtíp tái sinh trong truyện kể dân gian Việt Nam

V. Ia. Propp khi đặt ra vấn đề “nghiên cứu truyện cổ tích một cách cụ thể bắt đầu từ đâu?” đã cho rằng cần phải mở rộng truyện cổ tích thần kỳ về với cuộc sống, tức là về với những cội rễ hình thành nên truyện cổ tích thần kỳ. Theo ông, nghiên cứu nguồn gốc của một hiện tượng còn chưa phải là nghiên cứu lịch sử của hiện tượng đó. Nghiên cứu lịch sử có thể còn chưa được tiến hành ngay – đó là công việc của nhiều năm tháng, không phải là công việc của một người mà là của nhiều thế hệ [1;181,182]. Và nghiên cứu nguồn gốc của môtíp truyện kể dân gian cũng chỉ là bước đầu tiên trong xu hướng này.

Đọc tác phẩm dưới góc độ ký hiệu học

1.    Thử đọc Chí Phèo[1]

1.1.   Mỗi tác phẩm văn học đều là một hiện tượng hết sức phức tạp. Nó liên quan và chịu sự tác động của cả một hệ thống những nhân tố đa dạng, đan chéo nhau, từ thẩm mỹ, tâm lý đến ngôn ngữ học, ký hiệu học… Vì thế, sẽ là không tưởng và siêu hình nếu như có ý định  xuất phát chỉ từ một góc độ thuần túy nào đó, coi như một chìa khóa vạn năng và duy nhất để tìm hiểu và phân tích một tác phẩm văn học. Tuy nhiên, cần thiết đi sâu nghiên cứu và tìm hiểu khả năng của từng phương pháp tiếp cận.