Đọc Cuộc tiến hoá văn học Việt Nam - Tuyển tập khảo cứu phê bình của Kiều Thanh Quế

                                                                               Tác giả Kiều Thanh Quế (1914 - 1947)

      1. Gần 40 năm trước, khi còn là học sinh trung học đệ nhị cấp, khoảng năm 1972-1973, lần đầu tiên tôi tiếp xúc Kiều Thanh Quế (1914-1947) qua công trình khảo cứu Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam, sách do Hoa Tiên tái bản tại Sài Gòn năm 1969 (1). Nhưng hồi ấy chỉ đọc một quyển này mà thôi. Về sau, do công việc giảng dạy và nghiên cứu, thi thoảng tôi có đọc một số bài viết của ông và của những nhà phê bình viết về ông, nhưng không có hệ thống. Lần này, lại có dịp đọc các bài viết, các công trình của ông một cách tương đối đầy đủ, hệ thống và đọc một mạch trong mấy ngày, qua Tuyển tập do PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học)ThS. Phan Mạnh Hùng (Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM) biên soạn, giới thiệu.

 

     Công trình Tuyển tập khảo cứu phê bình của Kiều Thanh Quế  được các soạn giả lấy nhan đề chung là CUỘC TIỀN HÓA VĂN HỌC VIỆT NAM, bởi cuốn sách này là một công trình biên khảo tiêu biểu của Kiều Thanh Quế trước cách mạng tháng Tám 1945.

 

 

      2. Ấn tượng đầu tiên mà người đọc dễ nhận thấy là công trình tuyển tập này được hai soạn giả thực hiện rất nghiêm túc và công phu, cùng với sự kiên trì kiếm tìm tư liệu trong thời gian nhiều năm, bởi lẽ những sách của Kiều Thanh Quế xuất bản ở Miền Nam cách đây đã quá lâu, trên dưới 70 năm, có vài cuốn được tái bản cũng phải đến khoảng trên 40 năm; còn các bài nghiên cứu và phê bình đăng trên các tạp chí như tạp chí Mai và nhiều nhất là tạp chí Tri Tân; mà các tạp chí này, đâu phải các thư viện lớn nào ở Sài Gòn, ở Hà Nội cũng đều có đủ bộ để người sưu tầm, biên soạn dễ dàng kiếm tìm! Nói thế để thấy thời gian, công sức và tài chính mà hai soạn giả đã bỏ ra khi làm bộ Tuyển tập này - một việc làm đòi hỏi sự công phu, kiên trì và nhẫn nại, thể hiện một phẩm chất đáng quý của người làm sách.

 

     Đọc bài giới thiệu đầu sách Kiều Thanh Quế: nhà nghiên cứu, phê bình văn học, bạn đọc sẽ rõ điều mà tôi vừa nói. Bài viết với dung lượng 23 trang sách (tr 3 - tr 25), qua 7 mục, đã giới thiệu toàn bộ về Kiều Thanh Quế, từ Tiểu sử đến các Tiểu luận nghiên cứu; Đọc sách sáng tác; Đọc sách nghiên cứu, phê bình; Trao đổi, tranh luận; cho đến việc điểm lại các Công trình biên khảo, phê bình đã xuất bản của tác giả. Từ đó, nêu lên những nhận định, đánh giá về Kiều Thanh Quế, cùng giới thiệu cấu trúc của Tuyển tập. Để làm việc này, hai soạn giả phải mất đến 10 năm (1998-2008). Thế mới biết lao động học thuật của các vị khi làm Tuyển tập này thật đáng quý biết bao!

 

     3. Công trình có dung lượng 588 trang khổ lớn, co chữ nhỏ, ngoài bài giới thiệu vể tác giả tác phẩm như trên, Tuyển tập Kiều Thanh Quế được chia làm hai phần: Phần thứ nhất có tiêu đề: Nghiên cứu – Phê bình và Dịch thuật, tuyển 48 bài viết của Kiều Thanh Quế, gồm các bài đã đăng trên Tạp chí Mai (06 bài) từ năm 1938-1939, 42 bài còn lại đều là những bài đăng trên Tạp chí Tri Tân (từ tháng 11-1941 đến tháng 2-1945). Phần này với nhiều dạng bài khác nhau: nghiên cứu; điểm sách (sáng tác, nghiên cứu, phê bình); trao đổi, tranh luận; dịch thuật... Điều thú vị và cũng là đáng quý là qua các bài viết này, người đọc sẽ thấy bản lĩnh của ngòi bút Kiều Thanh Quế cùng một nhân cách trung thực, thẳng thắn đáng kính trọng của ông. Ở đó, ông đã dũng cảm thẳng thắn chỉ ra cái hay mà ông đồng tình, hoan ngộ (vui mừng gặp gỡ), cũng như cái thiếu sót, cái sai, cái thiếu trung thực của nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình và ông cũng dũng cảm nhận thiếu sót, nhầm lẫn cùng lời xin lỗi của mình qua một số bài viết đã công bố.

 

     Những bài nghiên cứu như: "Nỗi lòng Tố Như dưới triều Gia Long...” tác giả là người đầu tiên so sánh Truyện Kiều với Truyện Hoa Tiên; có bài tác giả nhận xét so sánh giữa nguyên tác và bản dịch Chinh phụ ngâm; có bài phân tích tính nhạc từ thơ Pháp đến thơ Việt, qua những con số và nhạc trong thơ ca; có bài lý giải về sự khác biệt cũng như mối qua hệ giữa phê bình văn học và lịch sử văn học; có bài mang dạng tổng kết hay tính sổ văn học bằng cách chỉ ra những xu hướng văn học trong năm qua ở nước ta, có bài chỉ ra tiến trình văn học Châu Âu, dù chỉ là ở dạng phát thảo, v.v.. Với một loạt bài dạng này, người đọc sẽ thấy và khâm phục về khối lượng tri thức cổ kim, đông tây của Kiều Thanh Quế.

 

     Những bài điểm sách, phê bình như: Đọc “Lều chõng” của Ngô Tất Tố; “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng; “Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng; Phê bình “Nắng đào”; Phê bình “Chân trời cũ” của Hồ Dzếnh; Đọc “Quê người” tiểu thuyết của Tô Hoài v.v.. Ở đó, tác giả chân tình và thẳng thắn nói rõ cảm nhận chủ quan của mình, với lời khen chê có lý và chấp nhận được. Chẳng hạn, bài “Làm dĩ”, “Thanh niên SOS”, “Người đàn bà trần truồng” trên cơ sở phân tích, so sánh, tác giả nêu ra quan niệm tình dục trong văn chương Việt Nam. Có thể nói, Kiều Thanh Quế là một trong vài nhà phê bình đầu tiên ở ta nói đến yếu tố “sex” trong văn chương! Có bài, ông mạnh dạn nêu lại vụ án đạo văn “Thoát ly - Ngược dòng” mà trước đó Từ Ngọc, nhà văn nhóm Tân Dân đã quy chụp cho Khái Hưng, nhà văn nhóm Tự Lực văn đoàn. Cuối bài viết, Kiều Thanh Quế thẳng thắn tuyên bố: “ông Từ Ngọc hèn trong sự vu cáo” mà độc giả có thể đọc 2 tác phẩm để phân biệt thiệt hơn.

 

     Những bài đọc sách nghiên cứu, phê bình về triết học, về văn học cổ, về phê bình văn xuôi và thơ ca hiện đại, người đọc sẽ thấy vốn kiến văn sâu rộng của Kiều Thanh Quế. Chẳng hạn, bài Phê bình “Triết học Bergson” của Lê Chí Thiệp”, ông đã chỉ ra lý thuyết về trực giác của Bergson mà Lê Chí Thiệp đã nêu, đồng thời ông còn so sánh đối chiếu trực giác của Bergson và phân tâm của S. Freud qua quan niệm về giấc chiêm bao, hay đối chiếu học thuyết của Bergson với các học thuyết phương Đông ở những điểm dị đồng. Bài Phê bình “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan, Kiều Thanh Quế đi từ định nghĩa của Vũ Ngọc Phan về nhà văn, để tranh luận với tác giả công trình, từ đó chỉ ra sự khác biệt giữa nhà văn với nhà bác học, nhà dịch thuật, với sự dẫn dụ minh chứng từ ý kiến của Lanson, nhà văn học sử người Pháp. Theo ông, không thể đồng nhất nhà bác học với nhà văn, v.v..

 

     Những bài trao đổi, tranh luận về học thuật, Kiều Thanh Quế tỏ ra trung thực, thẳng thắn chỉ ra những việc như “râu ông nọ cắm cằm bà kia” (Vương An Thạch hay Lê Quý Đôn) rồi cho rằng quyển Trạng hụt “chỉ là một đống giấy vụn”. Bài Phê bình “Hàn Mạc Tử” của Trần Thanh Mại một mặt biểu dương ông Trần công phu sưu tầm tài liệu, theo dấu Hàn Mặc Tử, mặt khác lại phê bình ông Trần vì quá đau thương cho nhà thơ mà “để lộ một sự tán tụng quá đáng”, v.v..  

 

      Có một loạt bài, Kiều Thanh Quế đã bàn về vấn đề dịch thuật, ông đưa ra Quan niệm dịch thơ, đề ra Giá trị một bản dịch, ông còn cho rằng Phiên dịch cũng là một cách đào luyện văn chương...         

 

     Những bài viết trên, có điều thú vị là, Kiều Thanh Quế là người đầu tiên đã chỉ ra cái ý và tứ bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư là lấy từ một bài thơ Haikư của Nhật Bản, và ông còn công bố bài tiếng Nhật cùng hai bản dịch sang tiếng Pháp từ bài thơ tiếng Nhật này, mà cách đây vài năm trên tạp chí Kiến thức ngày nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, có nhà nghiên cứu đã dùng tư liệu này của Kiều Thanh Quế mà viết lại, v.v..

 

     Phần thứ hai với tiêu đề: Chuyên luận và Biên khảo, hai soạn giả đã tuyển 7 công trình của Kiều Thanh Quế: Ba mươi năm văn học với 10 mục điểm lại tình hình văn học qua 10 loại hình thể loại; Phê bình văn học vói 2 phần chính và một phần bổ di, phụ lục; Phê bình văn học trong tử sách Phê bình Tân Việt với 2 thiên, nhất là đi sâu tìm hiểu chủ nghĩa tả thiệt xã hội và tiểu thuyết xã hội của Việt Nam; Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam với 2 mục mở đầu và 6 thiên khảo về chữ Hán, chữ Nôm, Chữ Quốc ngữ, Văn học Quốc ngữ, Văn hóa phương Tây và tinh thần học thuật Việt Nam, Đặc tính của Hoa văn và Pháp văn, và một phụ lục; Đàn bà và nhà văn với 3 chương sách; Học thuyết Frued với 8 chương viết; Thi hào Tagore với 5 phần viết gần 400 trang sách.    

 

     Qua Tuyển tập, có thể khẳng định Kiều Thanh Quế là một cây bút phê bình văn học chuyên nghiệp duy nhất của văn học Nam Bộ, nhà phê bình hiếm có của Nam Bộ mà trước đây các nhà nghiên cứu đã thừa nhận (2), tôi muốn nói thêm, ông là nhà biên khảo, phê bình có kiến văn uyên bác, lại có cả hai nguồn vốn văn hóa Hán học và Tây học, nên tri thức của ông, về thời gian, trải dài từ văn học trung đại đến văn học đương đại Việt Nam (tại thời điểm bấy giờ); về không gian, từ Đông phương sang Tây phương, với một sự nhạy bén về thời sự văn học, tiếp nhận các trường phái lý luận phương Tây tiêu biểu, thể hiện một phong cách phê bình thẳng thắn, trung thực, qua một ngôn ngữ mộc mạc  mà sáng rõ, đậm chất Nam Bộ.  

        4. Vài điều trao đổi thêm:

 

       - Trước hết, trong Tuyển tập này, hai soạn giả không tuyển các sáng tác, dịch thuật của Kiều Thanh Quế, mà những tiểu thuyết, truyện ngắn, dịch truyện và ký nước ngoài được tác giả cho xuất bản hoặc đăng trên tạp chí từ năm 1941, 1942, 1943. Nếu có thêm phần này thì công trình Tuyển tập sẽ toàn vẹn hơn. Và qua các sáng tác, dịch thuật của ông, người đọc có thể hình dung thêm về ngòi bút đa năng, tài hoa Kiều Thanh Quế đầy đủ hơn. Đây là điều đáng tiếc thứ nhất.

 

       - Một đáng tiếc nữa là nên chăng, hai soạn giả cần có những chú thích thêm để đính chính những chỗ nhầm lẫn của Kiều Thanh Quế trong các tiểu luận trên tạp chí, trong các sách biên khảo. Bởi lẽ, không phải những gì Kiều Thanh Quế nêu ra trước đây cũng đều đúng cả. Chẳng hạn, bài văn Nôm: Văn tế cá sấu của Nguyễn (Hàn) Thuyên mà ông nêu ra trong biên khảo Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (1943) là một ví dụ, bởi theo tôi, đây là một ngụy thư!

 

       - Được biết, công trình Tuyển tập này đã được hai soạn giả hoàn thành từ năm 2008, và sách cũng đã in xong, phát hành từ quý 2-2009, vậy mà đến nay mới đến tay người đọc, các soạn giả mới nhận được sách biếu (tháng 5-2011)! Một đáng tiếc rất lớn khó lòng chấp nhận là sách in sai quá nhiều lỗi morat, lỗi chính tả tiếng Việt, tiếng Pháp, hầu như bất kỳ trang nào cũng có sai dăm ba lỗi, có khi nhiều hơn, vì thế mà ít nhiều sẽ gây phản cảm cho người đọc. Có sai sót đó là bởi, như được biết, Nxb không nhờ hai soạn giả đọc bản bông trước khi in. Việc này Nxb Thanh niên và biên tập viên cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Sách lại in giấy xấu, nhem nhuốc, co chữ thì quá nhỏ, đọc rất mỏi mắt. Đọc xong gần 600 trang, tôi có cảm giác mắt mình bị mờ luôn! Thiết nghĩ, đã là sách Tuyển tập công trình tác giả thì nên in giấy đẹp, bìa cứng, và đó cũng là một cách để tỏ lòng quý mến kính trọng đối với tiền nhân.

 

         5. Dù có vài điểm đáng tiếc như trên, nhưng có thể khẳng định, công trình Tuyển tập Kiều Thanh Quế do PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn và ThS. Phan Mạnh Hùng thực hiện là một công trình được biên soạn, tuyển chọn nghiêm túc và công phu, giới thiệu có tính định hướng sáng rõ. Lần đầu tiên, độc giả mới có dịp tiếp cận gần như là đầy đủ tất cả những tiểu luận đã đăng báo, những công trình biên khảo, phê bình của Kiều Thanh Quế đã xuất bản từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Hy vọng rằng, khi có dịp tái bản, hai soạn giả sẽ cố gắng sưu tầm và bổ sung hai chuyên khảo còn thiếu của Kiều Thanh Quế(3), cũng như bổ khuyết những thiếu sót như đã nêu trong Tuyển tập lần này.

 

         Xin trân trọng giới thiệu Tuyển tập khảo cứu, phê bình của Kiều Thanh Quế với độc giả, nhất là với các nhà nghiên cứu phê bình cùng những ai quan tâm.

 

Tp. HCM, thượng tuần tháng 6-2011

 

                                                                                                                                                                                                            NCL

 

Chú thích:  

 

(*) Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam tuyển tập khảo cứu phê bình của Kiều Thanh Quế, do PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn và ThS. Phan Mạnh Hùng biên soạn, giới thiệu, Nxb Thanh niên, HN, 2009, 588 trang khổ 16 x 24 cm, co chữ 9 ?.

 

(1) Sau khi đã đọc sách của Dương Quảng Hàm (Việt Nam văn học sử yếu, Văn học Việt Nam...), của Vũ Ngọc Phan (Nhà văn hiện đại, 2 quyển), của Phạm Thế Ngũ (Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, 3 tập). Hồi ấy đọc những sách trên là do tò mò, muốn tìm hiểu về văn học nước nhà, chứ trong chương trình học và thi Tú tài thì không cần thiết lắm. Tôi nhớ là sách này của Kiều Thanh Quế có bìa màu xanh lá cây nhạt, nhan đề sách in chữ nghiêng, Hoa Tiên SG tái bản 1969.

 

(2) Nhận định của Đoàn Lê Giang: Văn học Quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến 1945 – thành tựu và triển vọng nghiên cứu, tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 7-2006; của Hoài Anh: Kiều Thanh Quế - nhà phê bình văn học hiếm có ở Nam Bộ, trong sách Chân dung văn học, Nxb Hội Nhà văn, HN, 2001.  

(3) Hai chuyên khảo là: Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa tả tghiệt xã hội (xb 1945) và Cuộc vận động cứu nước trong “Việt Nam vong quốc sử” (xb 1945).

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62942211
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1581
28955
62942211

Thành viên trực tuyến

Đang có 531 khách và không thành viên đang online

Danh mục website