Nghĩ về triết lý giáo dục trong tình hình hiện nay ở đất nước ta

 PGS.TS Nguyễn Công Lý

Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM

1. Mấy năm gần đây, Quốc hội, ngành giáo dục và đào tạo, các nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu hay nói nhiều, bàn nhiều về triết lý cho nền giáo dục nước nhà thời hội nhập. Ở đây, tôi xin được góp thêm tiếng nói về vấn đề vừa nêu.

 

Với tinh thần “ôn cố tri tân”, tức học xưa vì nay, học cũ để biết mới, tôi xin trở lại giáo dục thời phong kiến với học thuyết Nho gia của Khổng - Mạnh. Nhà trường Nho học ngay từ lớp Ấu học, Sơ học đã học cho học sinh những câu như: “Nhân bất học bất tri lý” (Người mà không học thì không biết lý lẽ để sống); “Ấu bất học lão hà vi” (Nhỏ mà không học thì lớn biết làm gì) trong Tam tự kinh. Đức Khổng Tử đã từng phát biểu “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (Học  không biết chán, dạy người không biết mỏi), tức là đã truyền thụ cho người dạy lẫn người học cái tinh thần, ý thức và niềm đam mê trong giáo dục. Đức Thánh Khổng còn nói thêm “Học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ” (Học mà luôn có tập [thực hành] thì không vui sao), hay châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn” mà các bậc tiền nhân của chúng ta hay nhắc nhở, dù xưa nay ít ai nghĩ đó là triết lý giáo dục của Nho giáo, nhưng công bằng và khách quan mà nói thì những câu trên rất xứng đáng được coi như là triết lý giáo dục với ý nghĩa rất bình dị mà cũng rất hàm súc và cao siêu.

Xét đến cùng, giáo dục trước hết là sự tự giác của bản thân mỗi cá nhân. Vấn đề này các hệ tư tưởng ở phương Đông cũng đã nói nhiều. Ở đó, các hệ tư tưởng này rất đề cao vai trò của cá nhân. Chẳng hạn, nhà Nho thì coi “tu thân” là yếu tố đầu tiên, mà cá nhân nào đạt được thì mới có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nhà Phật thì đề cao vai trò “tu tâm”, “tự giác giác tha”. Những câu nói cô đúc vừa nêu không đáng được coi là triết lý giáo dục hay sao ? Nói về giáo dục thì xưa nay trong tâm thức của phương Đông đã tôn vinh Khổng Tử là bậc vạn thế sư biểu. Triết lý, tư tưởng và phương pháp giáo dục của Ngài được nêu lên có hệ thống trong bộ Luận ngữ. Ở đó, yêu cầu đầu tiên là giáo dục con người cách làm người, mà trước hết là giáo dục “đức Nhân”; mẫu hình con người lý tưởng của xã hội đó là người quân tử biết “tùy thời xử sự”, biết “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm”. Về mục đích giáo dục, theo Khổng Tử là nhằm làm cho con người hoàn thiện nhân cách đạo đức lý tưởng; là đào tạo nhân lực tinh hoa cho xã hội. Giáo dục được xem như là nhiệm vụ chính trị để tạo nên sự bình ổn và phát triển xã hội. Về phương pháp, Khổng Tử đề cao bồi dưỡng đức hạnh, bồi dưỡng tài năng từng mỗi cá nhân người học. Ngài còn chủ trương dạy học sát đối tượng, lấy người học làm trung tâm và tùy theo trình độ của người học mà Khổng Tử có phương pháp, cách thức dẫn dắt khác nhau nhằm giúp cho họ hiểu được vấn đề, tiếp cận được chân lý. Trong giáo dục Khổng Tử còn đề ra những yêu cầu buộc người học phải thực hiện; gợi cho người học tự xây dựng một thái độ học tập tích cực; khi giảng dạy Ngài còn gợi mở vấn đề để định hướng tư duy cho người học. Khổng Tử rất tôn trọng chủ thể giáo dục; ngợi khen và phê bình đúng lúc, đúng chỗ giúp cho người học tâm phục mà tuân theo. Bàn về cách học, chính Khổng Tử trong thiên Học ký của sách Lễ ký, Người đã viết: “Thiện học giả, sư dật nhi công bội, hựu tùng nhi dung chi; Bất thiện học giả, sư cần nhi công bán, hựu tùng nhi oán chi” (Người biết cách học, thầy dạy nhàn nhã, mà hiệu quả giáo dục gấp đôi, người theo học biết ơn điều ấy[biết ơn thầy]; Người không biết cách học, thầy dạy vất vả, mà hiệu quả giáo dục chỉ đạt một nửa, người theo học lại oán trách thầy).

2. Thời phong kiến ở Việt Nam, từ thời Lý - Trần trở về sau, các triều đại thường quan tâm đến việc học, coi giáo dục là quốc sách. Việc triều đình mở rộng việc học đến các phủ huyện, làng xã và cắt cử học quan trông coi; có vị vua còn ban Chiếu khuyến học như Lê Thánh Tông chẳng hạn. Ông vua này còn ban nhiều chính sách, biện pháp tích cực để phát triển giáo dục, chính về mà trong 38 năm trị vì, giáo dục ở triều đại này phát triển cực thịnh so với nhiều triều đại khác trong chế độ phong kiến Việt Nam, nhiều nhân tài xuất hiện. Việc nhà vua cho làm văn bia đề danh Tiến sĩ vào năm 1484, ghi tên những người đỗ đại khoa từ khoa thi Đại Bảo năm Nhâm Tuất (1442) của triều Lê Thái Tông trở đi là sự minh chứng cho việc tôn vinh kẻ sĩ đỗ đạt cao. Dịp này, nhà vua sai Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn văn bia Tiến sĩ. Trong bài văn bia có viết “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương không ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí là việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng.”

3. Thời hiện đại, đầu thế kỷ XX, phong trào Duy Tân và trường Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) với mô hình đào tạo thực dụng, khoa học hợp thực tiễn, dù mô hình này đã được mô phỏng từ trường Khánh Ứng Nghĩa Thục của Nhật Bản, mà sau hơn 100 năm nhìn lại, các nhà nghiên cứu đã đánh giá rất cao mô hình giáo dục ấy. Trong thời đại đổi mới toàn diện giáo dục hôm nay, các nhà quản lý giáo dục sao không học tập mô hình trên để đề ra một triết lý, một phương châm và một mô hình thực tiễn phù hợp với hiện tình đất nước ? Từ sau năm 1954, chính lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đã nêu ra phương châm cho giáo dục như: Gắn nhà trường với cuộc sống; Học đi đôi với hành; Giáo dục kết hợp với thực tiễn; Dạy tốt và học tốt, thì phương châm ấy chẳng phải là triết lý giáo dục thời hiện đại đó sao? Cái khẩu hiệu của các bậc tiền nhân mà hiện nay nhà trường đang dùng lại và cũng được đề cao là “Tiên học lễ, hậu học văn” thì hiện nay nhà trường của chúng ta ở các cấp đã làm được gì và làm được đến đâu trong nội dung phương châm ấy?

Tôi được biết, tổ chức UNESCO đã đưa ra một hệ thống triết lý giáo dục gồm mấy điểm: 1.Giáo dục là then chốt hàng đầu trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống xã hội. 2.Học, học nữa, học suốt đời. 3.Giáo dục có 4 cái trụ cột: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống; Học để tồn tại.

Thiết nghĩ, giáo dục Việt Nam hôm nay không cần đi tìm triết lý giáo dục ở đâu xa mà chỉ cần tiếp thu những thành quả tinh hoa giáo dục của cha ông trong quá khứ; bên cạnh tiếp thu những thành tựu giáo dục của các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, mà những nước này ngày xưa có cùng một nền văn hóa như chúng ta, cùng chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Nho giáo. Khoa học kỹ thuật trên các đất nước này phát triển mạnh, được tôn vinh là “Con Rồng châu Á”, tại sao họ làm được, còn mình thì không? Chỉ cần tiếp thu có chọn lựa mô hình và cách làm của họ, tiếp thu những gì phù hợp với mình, kết hợp với bản sắc Việt Nam, đức tính hiếu học của người Việt thì hy vọng sẽ thực hiện thành công. Ta chỉ cần thực hiện được những gì mà các nước bạn trong khu vực đã làm là đã tốt lắm rồi. Vấn đề ở chỗ là cần phải biết áp dụng vào thực tiễn đất nước như thế nào. Theo tôi cái căn cốt đầu tiên để cải cách giáo dục, đổi mới giáo dục toàn diện trước hết và căn bản là phải giáo dục con người, dạy cách làm người mà trước hết và căn bản là phải rèn cho con người biết cách tư duy, nhất là tư duy phản biện. Nhà triết học duy lý Decartes ngày xưa cũng đã rất đề cao vai trò của tư duy “Cogito ergo sum” hay “Je pense donç je suis” (Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại).

Vấn đề là khi thực hiện cần phải có sự đồng thuận, thống nhất từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương. Trong ngành giáo dục cũng cần có sự đồng thuận và thống nhất trong quản lý. Ở cơ sở đào tạo cũng cần có sự đồng thuận và thống nhất từ lãnh đạo cho đến các phòng, ban chức năng, các khoa chuyên môn đến các thầy cô giáo thì may ra mới tạo được sự cải cách, đổi mới, tạo được sự chuyển biến toàn diện và triệt để. Để kết thúc bài viết, tôi xin nhắc lại một câu: Trật tự, kỷ cương chính là tiền đề của chất lượng. Với niềm tin và quyết tâm, hy vọng rằng giáo dục đại học của chúng ta sẽ được cải cách, đổi mới trong một ngày gần đây.

Tham luận tại Hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học”,

Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức ngày 13/4/2011.          

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62831392
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12337
13618
62831392

Thành viên trực tuyến

Đang có 628 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website