Trần Lê Hoa Tranh đọc, viết trong tâm thế tự do

Trong "Khúc hoan ca của văn chương" (NXB Tổng hợp TP HCM, 2019), Trần Lê Hoa Tranh tỏ bày không che giấu phong cách đọc và phong cách viết của mình: "đọc tạp", "nghĩ tự tin", "viết thoải mái, dung dị". 191 trang cho 31 bài viết, tất cả đều gọn ghẽ.

Tính báo chí in rõ trên trang viết về đối tượng, nội dung, bút pháp. Về đối tượng, hầu hết những tác phẩm, nhân vật đều mới, là vấn đề của hôm nay. Về nội dung, những ý tưởng, cấu trúc, tiêu đề vừa với tầm đón đợi của công chúng rộng rãi. Về bút pháp, chủ yếu là trò chuyện như bạn bè với những người thích đọc, thích xem và thích nghe về văn chương, nghệ thuật.

Sức thu hút của "Khúc hoan ca của văn chương" trước hết là ở chất nữ tính và cách hé lộ thế giới riêng tư một cách không ngần ngại của tác giả. Nữ tính hiện lên ngay từ cái bìa sách: nhan đề, cách trình bày. Cái tôi xuất hiện ngay ở dòng chữ trang bìa: "Tôi đọc - xem - gặp và viết", rồi cứ thế lúc chân tình, lúc mộc mạc, lúc "sỗ sàng" (sic), lúc sắc sảo, tôi - Trần Lê Hoa Tranh có mặt trong từng câu chữ, thậm chí được tác giả tuyên bố hẳn hoi: "Việc tiếp nhận và viết lại của tôi hoàn toàn dưới góc nhìn của cá nhân tôi" (tr.11).

Trước khi nghe Hoa Tranh nói về cái khác, người khác, chúng ta sẽ được gặp một Hoa Tranh trong hình ảnh một cô bé trốn dưới gầm bàn đọc sách từ 3 tuổi, rồi cận thị, rồi mê sách, nuôi dưỡng thói quen đọc cho đến giờ; một cô giáo dạy văn biết cách thu xếp để vừa đọc/viết theo yêu cầu nghề nghiệp (hàn lâm), vừa đọc/viết theo sở thích (phổ thông); một nhà phê bình khá tự tin khi giả định những tác động của trang viết chính mình.

Chia sẻ hứng thú và trải nghiệm của mình về việc đọc, Trần Lê Hoa Tranh nêu lên nguyên tắc đọc sách: nuôi dưỡng thói quen, hình thành thị hiếu, chịu khó ghi chép, đọc vượt khung. Lên tiếng nhanh về những sự kiện "hot", các bài viết của Hoa Tranh bàn luận một cách ung dung về những điều cô biết và cô nghĩ, nối kết văn chương và xã hội, nắm bắt tài liệu trong nước và ngoài nước. Ở đó, cô nói rõ ràng những điều mà có khi ta lờ mờ thấy nhưng chưa thể gọi tên như: cái "dung tục" của Mạc Ngôn, cái "rề rà" của Murakami… Với Mạc Ngôn, cô mạnh dạn kết luận là ông chỉ có 3 tác phẩm xuất sắc: "Cao lương đỏ", "Phong nhũ phì đồn", "Đàn hương hình", ngoài ra đều "thuộc loại tầm tầm", "chưa đạt đến tầm nhân loại" … (tr.25, 31). Văn chương Murakami thì "ngày càng mang tính thị trường" (...), "tác phẩm của ông như có sẵn công thức để hấp dẫn mọi giới, cảm giác như mình được bao bọc trong cái lưới êm ái, không dứt ra được mặc dù biết là mình đang bị vào tròng" (tr.25, 27).

Văn học Trung Quốc là đối tượng nặng ký trong tập sách này, với những bài viết công phu, khúc chiết. Các sinh hoạt thường ngày từ môi trường gần gũi cũng in dấu nơi đây. Nhiều nhất là các bài điểm sách mới, được viết với tấm lòng bè bạn. Và những chia sẻ thú vị về các bộ phim mới chiếu.

20190426 hoan ca

Những cuộc gặp gỡ cho thấy cô may mắn có những giao tình đẹp. Đó là lòng biết ơn với những người thầy. Đó là mối duyên văn nghệ. Qua điều cô viết, ta gặp nhiều chi tiết sinh động về đối tượng và về chính cô: một nữ trí thức năng động, tích cực, luôn tạo dựng được những quan hệ tốt đẹp trong môi trường rộng rãi.

Cuối cùng, cuốn sách dừng lại bằng bài viết ngắn, vừa chia sẻ, tra vấn vừa xác tín về nghề dạy học: Bài ghi cho tháng mười một (Nghĩ về nghề giáo). Những băn khoăn và thú nhận, những trải nghiệm và lắng nghe, trong tiếng gọi của một lương tri nghề nghiệp, cũng như từ nền tảng của những quan niệm căn bản, hiện đại về nghề giáo được nói lên một cách nhẹ nhàng: "Phương châm của người thầy lớn luôn là: tôn trọng quyền không đồng ý của người học"; "người thầy vĩ đại sẽ truyền cảm hứng" (tr.190, 191). Một kết thúc tạo dư vang như vậy, phải chăng là chủ định kỹ thuật của tác giả?

Thích sự đa dạng, có thể đón nhận nhiều phong cách khác nhau trong sáng tác và phê bình nhưng hình như từ thung thổ văn hóa được thấm nhuần từ thơ bé, tôi biết mình ngày càng ngả về phía những trang viết mà ý tưởng được biểu đạt bằng con đường dung dị. Đọc Trần Lê Hoa Tranh, tôi nghĩ cô cũng bước ra từ một thung thổ văn hóa như tôi và tôi nhớ đến những bài viết của Nguyễn Hiến Lê (xưa), của Đỗ Hồng Ngọc (nay), luôn thích chuyện trò, ân cần và ấm áp.

Nguồn: Người lao động, ngày 26.4.2019.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60519852
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1345
10018
60519852

Thành viên trực tuyến

Đang có 950 khách và không thành viên đang online

Danh mục website