Năm tác giả văn xuôi Việt Nam thế kỷ 21

 Không có nhiều hiện tượng nổi bật như 15 năm cuối thế kỷ 20: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, văn xuôi Việt Nam mười lăm năm đầu của thế kỷ 21 đi vào tiếng rì rầm của đời thường, cạnh tranh với các lĩnh vực nghệ thuật khác trong chinh phục công chúng. Đời sống mạng, dồn dập thông tin, người viết và người đọc như ngập trong biển lớn. Một số nhà văn trẻ Việt Nam viết theo xu hướng giải trí. Các quầy sách tràn ngập các bản in mới, đa dạng và bắt mắt về hình thức. Đã có một số nhà văn chuyên nghiệp. Văn học Việt Nam trở lại con đường hiện đại hóa và hội nhập một cách chậm chạp, sau hai cuộc chiến tranh. Một nền văn học chịu nhiều phân tán, ngập ngừng, nhiều lần mở, khép. Một nền văn học dung hợp cả các yếu tố truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại.

Trong tình hình đó, có năm tác giả văn xuôi đáng chú ý: Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Bình Phương và Nhật Chiêu. Mỗi người một vẻ, tác phẩm của họ đã góp vào đời sống văn học Việt Nam những giá trị mới, đã tạo nên những tiếng vang trong lòng công chúng và xuất hiện đều đặn trong 15 năm đầu thế kỷ 21.

Bùi Ngọc Tấn (1934 – 2014, Hải Phòng) là một sự phục sinh kỳ diệu. Ông viết văn, làm báo từ năm 20 tuổi, đã được dư luận thừa nhận. Nhưng từ 1968 đến 1973, ông bị bắt đi cải tạo vì tội “tuyên truyền chống Đảng” mà không được xét xử. Trải qua nhiều nghề lao động chân tay để mưu sinh, mãi đến năm 1993, ông mới viết lại. 20 năm cuối đời, trang viết của ông bừng sáng. Đặc biệt, từ 2000-2015, ông có sáu tác phẩm, tất cả đều ánh lên một vẻ đẹp kỳ lạ qua trải nghiệm đớn đau cùng khổ mà tràn đầy lòng bao dung của một tù nhân: Chuyện kể năm 2000, tiểu thuyết; Rừng xưa xanh lá, ký, 2004 (Giải B văn xuôi (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam 2004); Kiếp chó, tập truyện ngắn, 2007; Biển và chim bói cá, tiểu thuyết, 2008 (Giải Henri Queffenlec, Pháp, năm 2012); Viết về bè bạn, ký, 2012; Thời biến đổi gien 2015. Chuyện kể năm 2000 được xem là tác phẩm hay nhất của Bùi Ngọc Tấn. Ông viết nó trong 10 năm, được in năm 2000 (Nxb.Thanh Niên), nhưng bị thu hồi và thiêu hủy ngay sau đó. Hiện nay tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp.

Nguyễn Nhật Ánh (1955, Quảng Nam) một trong số ít các nhà văn chuyên nghiệp của Việt Nam, chuyên viết cho thiếu nhi.Viết từ 1984, đến nay Nguyễn Nhật Ánh có 103 tác phẩm, và số lượng sách tái bản thường rất lớn. Đã nhận nhiều giải thưởng trong nước. Được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995). Chỉ trong 15 năm, ông đã có 38 tác phẩm. Truyện dài Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (2008) được giải Asean 2010, đã dịch ra tiếng Thái, tiếng Hàn và tiếng Anh. Truyện dài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2010) là một hiện tượng văn học: 27 lần tái phát hành, với số bản in 129.000 bản, được chuyển thể thành một bộ phim điện ảnh có cùng tên, công chiếu năm 2015, với doanh thu rất cao. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh tràn đầy chất thơ. Ông muốn lưu giữ ánh hồn nhiên, trong sáng cho tâm hồn mỗi con người.

Nguyễn Ngọc Tư (1976, Cà Mau) là một tài năng đặc biệt của Việt Nam. Xuất hiện từ năm 2000, viết rất đều tay, đến nay bà đã có 24 tác phẩm gồm các thể loại: truyện ngắn, tạp văn, tiểu thuyết, thơ. Đã nhận được hai giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam: Ngọn đèn không tắt (2001) và Cánh đồng bất tận (2006). Phong cách riêng xuất hiện ngay từ trang viết đầu tay: giọng văn đậm đà vị mặn của đời sống, chân thực mà sâu lắng, giản dị và tinh tế, tươi tắn và táo bạo. Dù có một khởi điểm học vấn không cao và sống nơi mảnh đất tận cùng đất nước (Cà Mau) nhưng trang viết của Nguyễn Ngọc Tư luôn chạm vào tâm điểm của xã hội Việt Nam với một cách viết hiện đại và quan điểm mới mẻ. Cánh đồng bất tận được tái bản nhiều lần và đã chuyển thể thành một bộ phim điện ảnh công chiếu năm 2010, được dư luận đánh giá cao.

Nguyễn Bình Phương (1965, Thái Nguyên), đại tá, tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Được xem là nhà văn luôn có ý thức cách tân về kỹ thuật. Đã xuất bản 8 tiểu thuyết và 6 tập thơ, trong đó có hai tác phẩm được giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội: Buổi câu hờ hững (thơ, 2013) và Mình và họ (tiểu thuyết, 2015). Bút pháp sắc cạnh, hiện đại, thoáng chất ma quái, huyền ảo, Nguyễn Bình Phương thể hiện nét đặc biệt của con người và không gian miền Bắc Việt Nam: cái rối ren trong tâm hồn của từng cá nhân và cái hỗn độn thời đại. Mình và họ là tác phẩm được chú ý nhiều nhất, nói về sự hòa trộn giữa quá khứ (cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979) và hiện tại (bóng tối tội ác và bạo lực của lớp trẻ làm ăn, kinh doanh).

Nhật Chiêu (1951, Sài Gòn), khởi đầu bằng dạy học, nghiên cứu và dịch thuật (giảng viên Khoa Văn học và ngôn ngữ Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh), từ 2007 đến nay chuyển sang viết văn và đã có 5 tập truyện ngắn: Người ăn gió và quả chuông bay đi (2007), Mưa mặt nạ (2008), Viết tên trên nước (2010), Lời tiên tri của giọt sương (2011), Ân ái với hư không (2015) và 1 tập thơ: Tôi là một kẻ khác – Thơ giao lời kể và thơ tượng quẻ. Tác phẩm của Nhật Chiêu tinh, gọn, rất kén người đọc. Hầu hết đều được viết bằng tư duy và kỹ thuật hậu hiện đại. Người đọc có thể tìm thấy ở đó độ nén cao của cảm xúc và tư tưởng, những nút thắt của các giao điểm văn hóa Đông- Tây, Việt Nam- thế giới. Tất cả hình thành từ những chiêm nghiệm trong không gian chữ nghĩa, sách vở hơn là những trải nghiệm thực của đời sống.Vẻ đẹp và tính mới mẻ của trang viết Nhật Chiêu tạo cảm hứng cho những người trẻ làm việc ở đại học, họ xem đó là những mẫu tốt để thực hành các lý thuyết văn học hiện đại.

Trong năm tác giả trên, Nguyễn Ngọc Tư vẫn là một nhà văn được công chúng Việt Nam chờ đợi nhất. Lặng lẽ, giản dị, tác phẩm của bà gieo vào tâm hồn chúng ta nỗi khắc khoải và niềm hy vọng. Chất văn đặc biệt của bà tạo được sức hút lâu bền. Cánh đồng bất tận là tác phẩm tiêu biểu nhất mang tất cả vẻ đẹp ấy.

                                                                                    Sài Gòn, 06-02-2016

Nguyễn Thị Thanh Xuân[1]

(Bản dịch ra tiếng Hàn đã đăng trên Asia: Literary Map of Việt Nam. Asia 41, Vol.11, No 2, Summer 2016. Korea. ISSN 1975-3500)

 


[1] Giáo sư, Trường Đại học Khoa học Xã hội &Nhân văn, ĐHQG TP.HCM.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60534130
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15623
10018
60534130

Thành viên trực tuyến

Đang có 273 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website