Haiku - Lục bát: một vài ghi nhận

Khi nói tới văn chương Nhật Bản, người ta nghĩ ngay tới thơ Haiku, cũng như nhắc đến văn chương Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến thơ Lục bát. HaikuLục bát như là hai đôi mắt trên hai khuôn mặt văn chương Nhật -Việt. Người viết bài này muốn nhìn vào hai đôi mắt ấy và nói lên những cảm nhận của riêng mình. Giống nhau và khác nhau, Haiku Lục bát có thể hé lộ điều gì với chúng ta về mỹ cảm của hai dân tộc Nhật- Việt? 

Tôi nhìn Haiku và Lục bát:

Hai thể thơ có cấu trúc đặc biệt tinh gọn này luôn mời gọi ở tôi một tiếp xúc thị giác, dù Haiku và Lục bát không là thơ thị giác. Xin hãy cùng tôi nhìn lên trang giấy này và ghi nhận những ấn tượng mà văn bản mang đến. Chỉ là hai mẫu ngẫu nhiên mà thôi:

古池や      Furu  ike  ya                                      Ao cũ

蛙飛び込む    Kawazu  tobikomu                        con ếch nhảy vào 

水の音        Mizu  no  oto                                    vang tiếng nước xao

(Bashô)                                                                     (Nhật Chiêu dịch)

                                Thuyền về có nhớ bến chăng

                                Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

                                (Ca dao)

Nhìn một bài Haiku (nguyên bản tiếng Nhật) tôi liên tưởng đến một chiếc lá rơi yên trên trang giấy.  Kết cấu 5-7-5  [[i]] là một cặp ba (triangle), cho tôi hình ảnh về một khối góc, gọn, nhọn sắc và là biểu tượng của cái lẻ, so lệch, dang dở.  Nhìn một bài Lục bát, tôi nghĩ đến một giòng sông duỗi ra, tràn trề, chuyển động. Kết cấu 6-8 là một cặp đôi (couple), cho tôi ý nghĩ về một sự sóng đôi, hài hòa và là biểu tượng của cái chẵn và sự khắn khít, hoàn kết (cấu trúc hình thể).

Tôi đọc to Haiku và Lục bát:

Tama arare                        Trăm năm trong cõi người ta

yotaka wa tsuki ni               Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

kaeru meri                           Trải qua một cuộc bể dâu

(Issa)                                  Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Mưa tuyết-không ai                               …………………………             

gái đêm về ngủ                                      (Nguyễn Du, Truyện Kiều)

với vầng trăng phai

(Nhật Chiêu dịch)     

Haiku chỉ tựa trên một thanh duy nhất (thanh ngang), khước từ thủ pháp (không đối, không vần, nhịp điệu rất thoáng, ngắt nhẹ ở các âm và dừng một tí ở cuối mỗi câu); cuối câu, các nguyên âm tạo nên một độ mở, nhẹ, tạo sắc thái lửng lơ, chơi vơi, đặc biệt là câu cuối. Sự gắn kết giữa các từ và các câu, về hình thức, có cảm giác là lỏng lẻo, ngẫu nhiên.

Là cấu trúc âm thanh, Haiku như một tiếng vang trong, ngân dài.

Lục bát, là đại tiệc của âm thanh (ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng); là kết hợp của nhiều thủ pháp tu từ (đối âm, đối nghĩa, lặp, vần, vần yêu, và vần cước, các ngắt câu linh hoạt nhưng rõ). Sự gắn kết của các từ và các câu, về hình thức, rất chặt chẽ.

Là cấu trúc âm thanh, Lục bát như một lời ca, dạt dào âm điệu, luyến láy, lả lướt trong nhịp lượn của sóng và gió.

Tôi đọc thầm HaikuLục bát và ghi nhận:

1.              Những bài Haiku hầu hết không có tiêu đề, những bài Lục bát ca dao cũng vậy. Nhưng từ khi là một thể loại trong văn học viết (truyện thơ và thơ), Lục bát luôn luôn có tiêu đề.

2.              Ngôn từ trong Haiku Lục bát, hầu hết là thuần phác, giản dị

 Không cầu kỳ, không tạo nên cú sốc từ việc lạ hóa ngôn từ, nhà thơ nắm bắt các hiện tượng cụ thể của vũ trụ và đời sống con người, thể hiện bằng hình ảnh, bằng sự kiện, bằng ý tưởng, bằng cảm xúc, một cách tự nhiên, mềm mại, dù đó vẫn là một “một ngôn ngữ đã mã hóa”. HaikuLục bát đã thanh lọc những tạp âm của tứ phương để giữ cho phương mình một chất liệu riêng, thuần khiết.

 

3.              Trên chỗ đứng Duy tình, Haiku Lục bát đã làm nên và phát triển truyền thống thơ ca Phương Đông, theo kiểu của mình

Haiku, như tác phẩm của Bashô, thường để cho sự vật tự lên tiếng, với những đường nét tối giản. Cái tôi của người sáng tạo náu mình sau những ghi nhận đã tỉnh lược đi cảm xúc. Không tả, không kể, không so sánh, không liên kết, Haiku chỉ nói về sự vật, sự việc, cái đang xảy ra mà nhà thơ chú ý. Roland Barthes gọi đó là “Vết sướt của thời gian”. Như một nhát ảnh lưu lại khoảnh khắc, Haiku, theo nguyên tắc của nhiếp ảnh, làm ra một không gian in dấu những sự vật. Mà sự vật thì phải gắn với danh từ. Haiku, cũng như Tứ tuyệt, là thể thơ của danh từ [[ii]]. Tính tĩnh lặng, tính biểu tượng, tính đa nghĩa và độ vang của bài thơ, đều nằm ở bản chất của sự vật và đặc trưng của danh từ; và trong không gian của bài thơ, tất cả sẽ bừng nở theo nguyên tắc của kính vạn hoa nhờ tương tác của những sự vật, làm nên thi tứ.

Haiku là trữ tình nén sâu, tối giản, thoáng nhẹ, đạm, trên nguyên tắc gợi, bút pháp của tượng trưng, siêu thực.

Lục bát, như ca dao, như Truyện Kiều của Nguyễn Du và thơ hiện đại, dung hợp nhiều thủ pháp. Có thể là kể (Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau một giậu mồng tơi xanh rờn. Nguyễn Bính, Người hàng xóm), là tả (Nắng chia nửa bãi chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu, Huy Cận, Ngậm ngùi) là so sánh (Gái có chồng như gông đeo cổ/ Gái không chồng như phản gỗ long đanh), là liên kết (Nắng mưa là chuyện của trời/ Tương tư là chuyện của tôi yêu nàng) là ẩn dụ (Bao giờ bến mới gặp đò/Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau…Nguyễn Bính, Tương tư), là hoán dụ (Đàn bà dễ có mấy tay/Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan Nguyễn Du, Truyện Kiều)…. Nhà thơ xuất hiện trong tác phẩm, như là nhân vật chính (trong ca dao và thơ trữ tình), luôn khát khao bộc lộ tâm trạng của mình, và dù chỉ có một câu, lục bát cũng muốn chạm vào số phận: Thân em như dải lụa đào/ Phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai (Ca dao).

Lục bát thường là một cuộc ngoái nhìn hay là một giải tỏa những điều ấp ủ đã lâu về mình, về nhân thế. Vậy nên Lục bát là không gian động, ở đó các nhân vật đối thoại (Đêm qua mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào, Ca dao) hoặc độc thoại (Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá cá lặn, trông sao, sao mờ/ Buồn trông con nhện giăng tơ/ Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai…) hoặc kể về sự kiện (Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều, Nguyễn Bính) hay tâm trạng (Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/Một người chín nhớ mười mong một người): ấy là không gian tự sự và không gian sân khấu. 

Đối đáp giao duyên là lý do xuất hiện của thể loại này, và là hình thức nguyên thủy của Lục bát- ca dao. Truyện Kiều là một truyện thơ, nhưng cũng là vở kịch dài. Để biểu hiện sự kiện và tâm trạng thì phải cần cả thực từ và hư từ, trong đó, hình như lượng từ biểu hiện cảm xúc chiếm tỷ lệ cao.

Các nguyên tắc phối âm, hòa điệu, ngắt nhịp cũng tuân theo sắc thái của tâm trạng hơn là theo việc biểu hiện ý tưởng:

Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

 

Không gian như có giây tơ

Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu

(Xuân Diệu, Chiều)

 

Lục bát là trữ tình lai láng, dào dạt, nồng, trên nguyên tắc tả, bút pháp của lãng mạn.

 

4.   Haiku trầm tư trong nhịp điệu của mùa, Lục bát soi mình trong thao thức của thế nhân

Các nhà thơ Haiku là những hành giả, lữ nhân, mải miết trên hành trình đi tìm bản ngã và bản chất của đời với tâm thế trải nghiệm, tra vấn, lắng nghe vũ trụ:  Mùi hoa mơ ơi/ con đường núi mọc/ bỗng nhiên mặt trời (Ume ga ka ni/ Notto hi no deru/ Yamaji kana, Basho)

Trong Haiku, thiên nhiên được chạm nổi, là nhân vật chính thứ nhất, con người được chạm mờ, là nhân vật chính thứ hai: Tịch liêu/ thấu xuyên vào đá/ tiếng ve kêu.

Dùng cái tĩnh của chữ và hình ảnh để lưu giữ cái động của vũ trụ, Haiku khắc họa thiên nhiên trong thời gian: mùa là chất liệu trung tâm của Haiku. Phải đâu chỉ Nhật Bản mới có mùa với lá hoa vạn vật diễm lệ huy hoàng? Từ xa xưa, lòng yêu và sự gắn bó với thiên nhiên của người Nhật đã rõ. Trong Vạn diệp tập, thiên nhiên là nhân vật chính, Trong Cổ kim tập, Tsurayuki  nói về thiên nhiên trong mối quan hệ giữa con người và thi ca: “Từ trái tim con người như hạt giống, thơ ca Nhật Bản mọc lên và nảy nở thành vô số lá cây của ngôn từ (…)  Khi nghe dạ oanh ca hát trong hoa và ếch nhái trong nước ca vang, ai lại không thấy là mọi sinh vật đều phát tiết thơ ca? Chính là thơ ca đã làm chuyển động đất trời, ngay cả quỷ thần vô hình cũng phải xuyến xao”. Đến Bashô, ông kêu gọi:  “Hãy vượt qua man rợ mà đón nhận thiên nhiên và quay về với thiên nhiên” [iii]. Thiên nhiên, như vậy, không phải chỉ là cội nguồn, dưỡng chất của thơ ca mà còn là dưỡng chất của con người. Những cuộc đi không ngừng của Bashô và nhiều nhà thơ lữ nhân khác chính là những trải nghiệm để tiếp nhận nguồn sống ấy, rồi chia sẻ, qua Haiku các ngộ chứng của mình, trong khoảnh khắc bừng thức của tâm linh.

Chất u huyền của Haiku nằm ở chiều sâu của tâm linh ấy [[iv]]. Cảm thức u huyền (yugen) với phương thức biểu hiện biểu tượng, liên tưởng, làm mùa trong thơ Haiku lung linh nhiều ý nghĩa. Là sự kết hợp hài hòa giữa cái tĩnh, cái cụ thể, cái nhỏ bé, hữu hạn (sự vật) và cái động, cái trừu tượng, cái lớn lao, vô cùng (thời gian). Là sự giao hòa giữa ngoại cảnh và nội tâm, giữa khách quan và chủ quan, giữa thực và mộng. Đặc điểm ấy đã được chuẩn bị từ thuở Haiku còn nằm trong Waka. Cái ranh giới chênh vênh lung linh là cảm giác mà bài thơ này mang lại trong những câu hỏi vừa trẻ thơ vừa lão thực, làm nên một đa giác nghĩa:

Tsuki ya aranu                                       Trăng ơi, trăng vẫn là?

Haru ya mukashi no                              Mùa xuân không còn nữa

Haru naranu                               Mùa xuân xưa xa

Waga mi hitotsu wa                     Mà sao ta vẫn thế

Moto no mi ni shite                       Vẫn cứ là thân ta?

(Ariwara Narihira, bài số 747, trong Kokinshu, trích theo Nhật Chiêu, Ba nghìn thế giới thơm, tr. 74)

Những phạm trù thẩm mỹ: u huyền (yugen), tịch (sabi), đà (wabi), ai (aware) được thể hiện trên một ý thức nhất quán và sắc nét trong Haiku, là thoát thai từ  bản sắc thiên nhiên Nhật Bản và tư tưởng Thiền tông, nhưng hình như trong Haiku của Bashô chất tịch (sabi) và đà (wabi) đậm hơn.

Các nhà thơ Lục bát là những con người giữa cõi thế, đau đời, thương người, thương mình (Anh buồn có chốn thở than/ Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya), ghi nhận về trạng huống, về số phận.Trong Lục bát, sự vật lồng trong cảm xúc của người, quan tâm tương thông giữa người hơn tương thông với sự vật, thiên nhiên là cái đẩy đưa, là việc lấy đà để mở lời về chuyện chúng mình: Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng/ Ước gì anh lấy được nàng/ Thì anh mua gạch bát tràng về xây (Ca dao) là khung cảnh, là nơi trút nỗi lòng khi con người một mình đối bóng: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường  (Câu 1525-1526, Truyện Kiều, Nguyễn Du).

Có những tính chất gần với nước: mênh mang, mềm mại, lượn sóng, chảy xuôi, đặc biệt là tính chất giãn nở linh hoạt khó lường về dung lượng mà vẫn duy trì được bản chất, dòng sông Lục bát in vào mình những cảnh ngộ của đời. Từ đôi câu cơ bản, lục bát có thể phát triển thành những truyện thơ dài hàng nghìn câu, như những dòng sông lớn ào ạt, tràn bờ. Truyện Kiều, chính là con sông dài rộng đó, đã chảy xuyên qua tâm thức dân tộc Việt. Trong Truyện Kiều, có những câu thơ vượt ra ngoài ngữ cảnh: chúng chứa đựng một triết lý, một tâm trạng, một tình huống điển hình, làm nên hiện tượng bói Kiều. Lục bát là thể thơ kết hợp hài hòa trong nó tính tự sự và tính trữ tình. Chỉ có chất trữ tình không thôi, bài thơ sẽ thiếu đi cái sức nặng của cuộc đời, như một số bài ca dao. Xóa mất chất trữ tình, bài thơ chỉ còn trơ lại tính chất thông báo hoặc giáo huấn trần trụi, khô cằn, đó là lúc thơ biến thành vè. Truyện Kiều là sự kết hợp tài tình giữa tính tự sự và tính trữ tình ấy, trong đó trữ tình vẫn là cái nền, và tự sự của Truyện Kiều là tự sự nội tâm hơn là tự sự hiện thực, tự sự ý tưởng.

Tận dụng đặc điểm của âm thanh tiếng Việt, Lục bát có nhiều thanh trầm. Những tác phẩm lục bát luôn tràn đầy thanh bằng và có khuynh hướng ngả về âm vực trầm ở cuối câu, do tất cả các vần đều là thanh bằng. Như vậy, ngoài tính chất liền lạc do vần điệu, lục bát còn thể hiện sự uốn lượn của âm thanh nhịp điệu. Mô hình trên làm ta liên tưởng đến những lớp sóng nhấp nhô, lăn tăn nho nhỏ, chạy thoai thoải không ngừng về phía chân trời. Những ai đã từng đến nông thôn Việt Nam, sẽ không thể nào quên những sóng mạ xanh rờn, nhấp nhô trong gió và những cánh cò chao lượn nhẹ nhàng trong trời chiều; ở đó vẳng lên lời ru ầu ơ với cung bậc uyển chuyển, êm ả, cuối mỗi lời lại hạ thấp giọng như tiếng thì thầm.Lục bát là thể thơ mang tính kết hợp cao. Đó là sự kết hợp trong nhiều bước: kết hợp chu kỳ với chu kỳ, dòng với dòng, vần với vần, kết hợp luân phiên về thanh điệu và nhịp điệu. Theo nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn, những kết hợp này có thể dẫn đến 256 trường hợp khác nhau. Đặc điểm này làm ta liên tưởng đến nguyên tắc kết hơp của kính vạn hoa. Sự biến hóa đa dạng, phong phú và linh hoạt của thơ lục bát làm cho nó có thể chuyên chở được nhiều sắc thái khác nhau của đời sống con người.

5.  Lẻ và chẵn, duy nhất và lặp lại

Với Haiku, nguyên tắc lẻ như là điều kiện lý tưởng để tạo ra vẻ đẹp không đối xứng, vẻ đẹp lệch, vẻ u huyền của cái rỗng, với lời mời gọi lấp đầy dành cho người thưởng ngoạn.  Những triết nhân bao giờ cũng một mình và tự tại trong cái đơn côi. Với Lục bát, nguyên tắc chẵn phải chăng bắt nguồn từ tâm lý dân tộc Việt (yêu thích sự vuông tròn trọn vẹn, kết hợp; sợ và ghét sự đơn lẻ, tan vỡ, tách biệt: Trăm năm tính cuộc vuông tròn... Mẹ tròn, con vuông) và quan niệm triết lý phương Đông: vũ trụ có âm dương và trạng thái lý tưởng của vạn vật là âm dương hòa hợp? Ở chỗ này có thể liên tưởng đến thơ Đường (Tứ tuyệt hoặc Thất ngôn Bát cú).

Haiku không vần, cấu trúc hình thức lỏng lẻo, làm nên những vệt ấn tượng đậm sắc nhiều sức gợi của một lần bắt gặp, thì Lục bát, các vần thơ níu nhau làm thành một chuỗi âm thanh liền lạc, uốn lượn, làm thành chu kỳ của cái trở đi trở lại. Dòng lục mắc vào dòng bát bằng vần lưng và dòng bát lại mắc vào dòng lục sau bằng vần chân, cứ như một chuỗi mắc xích nhịp nhàng, chặt chẽ, nhưng mềm mại. Là đặc điểm chung ở các nước Đông Nam Á, vần lưng trong Lục bát phải chăng cũng phản ánh một đặc điểm nào đó về ngôn ngữ, về hình ảnh của nhịp điệu mùa màng trong nền nông nghiệp lúa nướcvùng này? Hay có thể do lục bát khởi nguồn từ lời ru?

6.  Mầm hiện đại có từ trong bản chất

Haiku mang lại một âm hưởng hiện đại rõ. Có thể nói, tính biểu tượng, độ nén, chiều sâu tư tưởng, và khước từ cảm xúc của Haiku làm ta liên tưởng đến thơ tượng trưng hay siêu thực. Trong khi Lục bát thì dào dạt tràn bờ như thơ lãng mạn. Nhưng tính hiện đại của Haiku không dừng ở đó. Hiện đại chính là tinh thần hiện tượng luận và quan niệm về tính không (sa.śūnyatā) trong Haiku, vốn có từ Thiền tông.

7.  Haiku và Lục bát cho ta niềm hy vọng

Dung dị, nhỏ bé, Haiku và Lục bát, như phấn thông vàng, bay đi khắp nơi trong vườn thơ đại chúng, mang đến cho bao người một niềm hy vọng, rằng ai cũng đọc được Haiku, Lục bát, ai cũng làm được Haiku, Lục bát. Với người làm thơ Haiku và Lục bát hình như ranh giới giữa cái vô danh và cái hữu danh không lớn. Tinh thần dân chủ này của hai thể thơ đã gieo cảm hứng sáng tạo qua nhiều thời đại, nhiều không gian, nhiều thế hệ.

Nếu Haiku, nhờ những đặc trưng về thủ pháp như đã nêu trên, mạnh hơn lục bát về sức lan tỏa theo hướng “toàn cầu hóa” [[v]] thì Lục bát lại dễ dàng hơn Haiku về khả năng dung nạp những thể loại khác, có khả năng tiếp nhận những yếu tố mới một cách cởi mở, mềm mại (truyện, kịch, các thể thơ khác...).

…và nhiều thách thức

Haiku và Lục bát là một thể loại chứa đựng nhiều thách thức. Cả hai tưởng chừng dễ đọc, dễ làm nhưng để hiểu thấu và làm được những bài thơ hay thật khó, bởi vì nó đòi hỏi người làm thơ phải am hiểu cái hồn (Haiku) nghệ thuật, kỹ xảo (Lục bát) nhưng không được để lộ cái hồn và nghệ thuật, kỹ xảo đó; bởi vì Haiku và Lục bát phải thâm thúy trong cái giản dị, phải thanh nhã trong cái nguyên sơ. Việc dịch thơ Haiku cũng không hề đơn giản.

Với những cảm nhận trên, tôi thích những bản dịch Haiku giữ được cấu trúc lẻ gồm ba câu và chọn từ có thanh ngang càng nhiều càng tốt, đặc biệt là từ cuối cùng của bài thơ.  Haiku chuyển sang Lục bát hay Tứ tuyệt (số câu chẵn) là một thay đổi về bản chất: đọc những bản dịch như vậy, tôi cảm giác như gặp lại một người quen vừa mới trải qua cuộc giải phẫu thẩm mỹ: đẹp thì có đẹp, nhưng còn đâu cái long lanh của thần thái tự nhiên xưa./.

                                                                       Sài Gòn, tháng 11 năm 2011

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 2. 2012

[[i] ]Theo Nguyễn Nam Trân, Haiku bắt đầu bằng 6-8 rồi sau đó hình thức 6-8 đã được thay thế bằng 5-7. “Lối 5/7 ăn rất sâu vào thơ Nhật” (Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.48 và tr.447- 448)

 

[[ii] ]Nguyễn Vũ Quỳnh Như

 

[[iii]] Tsurayuki, Bài tựa cho Kokinshu (Cổ kim tập, tr.992), trích theo Nhật Chiêu, Ba nghìn thế giới thơm, tr.68 và tr. 189.

[[iv]] Teika: “Không có yếu tính thơ ca nào hơn được tâm linh”: “Khó mà hiểu đầy đủ phong cách này. Một nhà thơ tiếp cận nó với một tâm trí bấp bênh sẽ không thể nào đạt được phong cách tâm linh. Chỉ khi nào thanh lọc toàn vẹn tâm hồn và bước vào một tâm cảnh duy nhất, người ta mới làm nên được tâm  linh ca, nhưng quả là hiếm hoi. Chính vì vậy tôi chỉ gọi là tú ca những bài nào sau thẳm tâm linh” (Maigetsusho, Mỗi nguyệt sao, đoạn 128, trích theo Nhật Chiêu, Ba nghìn thế giới thơm tr.150.)

 

[[v] ]Nguyễn Thị Bích Hải: “Có lẽ cách luật của thơ lục bát là chặt chẽ nhất, cách gieo vần cũng phức tạp hơn. Mặc dù có chấp nhận biến thể nhưng về cơ bản là cặp câu lục bát luôn đòi hỏi gieo vần bằng, gần như là thuần âm, lại phải gieo cả vần lưng và vần chân. Điều này khiến lục bát không thể “vào” được các nền thơ của ngôn ngữ đa âm và không có thanh điệu”. “Còn haikư với ngôn ngữ liên âm, không có thanh điệu dễ được tiếp nhận hơn ở các ngôn ngữ Ấn, Âu và điều quan trọng hơn là ó có thể gieo vần hoặc không. Với đặc điểm “dễ dãi” về hình thức ấy, thơ haikư dễ “nhập cảnh” hơn nhiều so với tuyệt cú và lục bát”.

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

64122747
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14693
29843
64122747

Thành viên trực tuyến

Đang có 371 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website