Văn học di dân Hàn Quốc tại Hoa Kỳ: trường hợp Nora Okja Keller với tác phẩm Comfort Woman

20171110 comfort woman

Bìa sách Comfort Woman của Nora Okja Keller

  1. Văn học Hàn Quốc tại Hoa Kỳ

Lịch sử Hoa Kỳ nói cách khác là lịch sử di dân. Từ thế kỷ XVI, khi người Tây Ban Nha, Pháp, Anh đặt chân đến lục địa Hoa Kỳ, và tiếp theo sau đó là các dân tộc khác từ châu Âu, châu Phi, châu Á… Hoa Kỳ là “nơi mọi thứ hòa trộn” (lẩu thập cẩm: “melting pot”) và “tất cả chúng ta đều là di dân”. Từ khoảng 1960, châu Âu không còn là nguồn cung cấp lao động chủ yếu sang Mỹ nữa mà thay vào đó là châu Á và châu Mỹ Latin.

Cộng đồng di dân đông nhất tại Hoa Kỳ là Mexico. Trong số các cộng đồng châu Á, đông nhất là Trung Quốc, sau đó là đến Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. Mỹ là nơi có số lượng Hàn kiều sinh sống nhiều nhất, với khoảng 1,5 triệu người (1). Hai nước này có mối quan hệ đặc biệt kể từ khi Mỹ tham gia vào chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Với sự hiện diện của nhiều binh lính Mỹ tại Hàn Quốc, nhiều người đã lấy vợ Hàn hoặc nhận con nuôi Hàn Quốc trong khi đóng quân tại đó đã kích thích phong trào nhập cư vào Mỹ. Các nhóm sinh viên, chuyên viên, và đặc biệt phụ nữ Hàn lấy chồng là lính Mỹ, và định cư tại Hoa Kỳ. Ngày nay, 25% người Mỹ gốc Hàn có nguồn gốc từ “phụ nữ Hàn lấy lính Mỹ” hồi thập niên 1950. Người Hàn Quốc nhập cư ồ ạt đến Mỹ sau khi Luật Di Dân được ban hành năm 1965 với 80% số lượng người Hàn Quốc đến Mỹ năm này là phụ nữ.

Văn học di dân, theo quan điểm của người viết bao gồm sáng tác được viết bằng hai loại ngôn ngữ chính: ngôn ngữ thiểu số (tức ngôn ngữ của cộng đồng dân tộc, văn học thiểu số) và ngôn ngữ nước sở tại (cụ thể ở đây là tiếng Anh, văn học dòng chính). Nếu bạn chọn viết bằng ngôn ngữ thiểu số thì sẽ dễ dàng hơn vì đó là ngôn ngữ máu thịt, vì có một lượng độc giả cố định của cộng đồng mình, nhưng đồng thời cũng đối mặt với những khó khăn là lượng độc giả biết tiếng mẹ đẻ ngày càng ít đi.

Gia nhập vào hàng ngũ những nhà văn di dân viết dòng chính là một chọn lựa không dễ dàng. Khi chọn lựa viết bằng tiếng nước di dân (ở đây, cụ thể là tiếng Anh) thì những nhà văn này lại đối mặt với một khó khăn khác là phải cạnh tranh với những nhà văn Hoa Kỳ viết thuần thục bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, và còn phải cạnh tranh với cả những nhà văn thuộc cộng đồng thiểu số khác như Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… sống ở Mỹ. Từ những năm 1970, sách của các nhà văn gốc Á đã được xuất bản tại Mỹ, sớm nhất là vùng Bắc bang Califonia, nơi có nhiều cộng đồng gốc Á sinh sống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Philippines… Các nhà văn gốc Á đã phải chật vật tìm bản sắc riêng cho mình vì cứ nghĩ đến gốc Á là người ta nghĩ ngay đến Trung Quốc. Những nghiên cứu mới đầu về văn học di dân Mỹ gốc Á thường tập trung vào những nhận định mang tính xã hội học và nhân học. Nhưng, dần dần, người ta thấy rằng chú ý phân tích theo hướng văn hóa, lịch sử xã hội mới là những nghiên cứu có ý nghĩa.

Lịch sử văn học di dân Hàn Quốc cũng chính là lịch sử của các thế hệ người Hàn Quốc di cư, những chủ thể sáng tạo dòng văn học di dân. Bản chất con người luôn muốn gắn bó với mảnh đất thân thuộc, với những gì gần gũi bởi vậy việc rời bỏ tổ quốc để đến sinh sống ở một đất nước khác, một nền văn hóa khác đa phần đều không phải là ý muốn tự thân của người di cư. Ngoài lí do tìm kiếm một vùng đất mới tốt hơn để lập nghiệp thì lí do chủ yếu thường thuộc về chính trị: chiến tranh, biến loạn, các cuộc thanh trừng khiến cho sự sinh tồn của họ bị đe dọa và họ buộc phải di cư. Người Hàn Quốc thực ra đã di dân sang Hoa Kỳ từ khá sớm. Quãng thời gian từ 1849 đến 1924, khi luật hạn chế di dân châu Á còn chưa hiệu lực, người Trung Quốc và Hàn Quốc đã di dân khá nhiều sang Hoa Kỳ và Hawaii. Vì thế mà văn học hải ngoại Hàn Quốc tại Hoa Kỳ đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XX. New Il Han đã viết cuốn When I was a Boy in Korea (Khi tôi là một cậu bé ở Triều Tiên) vào năm 1928, trong đó nhiều chương miêu tả những ngày lễ hội, thể thao, nhà cửa, trang phục… của Triều Tiên. Sang Mỹ khi còn là một cậu bé, New Il Han học ở Michigan, lấy một cô vợ Mỹ gốc Trung Quốc, và sau đó mở một cửa hàng bán thực phẩm châu Á ở Detroit. Tuy vậy, sách của ông hầu như không đề cập gì đến cuộc sống của ông ở Mỹ cả, mà thay vào đó là những hồi ức quá xa về Triều Tiên.

Những gương mặt đáng chú ý của văn học di dân Hàn Quốc tại Hoa Kỳ là Peter Hyun (1906-1991), nhà văn thế hệ thứ nhất của Hàn Quốc tại Mỹ và Younghill Kang (sinh 1931), Chang-rae Lee (sinh 1965)…

Chiếm số lượng sách xuất bản, được nhiều nhà nghiên cứu và phê bình đánh giá cao, luôn có mặt trong các tuyển tập văn học Mỹ gốc Á, gương mặt có lẽ nổi trội nhất trong số các nhà văn Hàn kiều tại Hoa Kỳ có lẽ là Younghill Kang (1903-1972). Sinh ra tại Triều Tiên, học tại Triều Tiên, châu Âu và sau đó sang Mỹ năm 1921. Ông học ở Đại học Boston và Harvard. Ông có dạy ở một số trường đại học ở Mỹ, nổi tiếng nhất là trường Đại học New York. Hầu hết tiểu thuyết của ông mang tính tự truyện. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông là Grass Roof (Mái tranh, 1931) viết về những ngày còn ở Triều Tiên, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được giải French Prix Halperine Kaminsly năm 1937. Cuốn tiếp theo là East Goes West (Đông đi về Tây, 1937) viết về những năm tháng ở Mỹ. Khác với New Il Han, Kang tìm mọi cách để khai thác và viết về cuộc sống ở Mỹ. Nhiều nhà văn gốc Á khác không xem Hoa Kỳ là quê hương. Họ tự xem mình chỉ như là những du khách, kể cả những nhà văn nổi tiếng như Lâm Ngữ Đường hay Etsu Sugimoto (Nhật). Đây là tâm thức của những nhà văn gốc Á thời kỳ đầu, và Kang cũng không phải là một ngoại lệ. Họ luôn mong muốn quay trở về, và nỗ lực của họ, là làm mọi cách để cho người khác hiểu “Đông” và “Tây”, giống nhau, khác nhau thế nào.

Chang-rae Lee (sinh 1965), sinh ra tại Seoul, lấy học bổng ở Đại học Yale và Oregon, hiện dạy tại trường đại học Oregon. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của anh là cuốn Native Speaker (Người nói tiếng mẹ đẻ, 1995), một tiểu thuyết phản trinh thám để phơi bày những hội nhập văn hóa, ngôn ngữ của cộng đồng Hàn kiều tại Hoa Kỳ. Nhân vật chính là Henry Park, sinh ra tại Mỹ trong một gia đình Hàn Quốc truyền thống, là thám tử cho một công ty thương mại. Trong quá trình theo dõi một nhân vật khác tên là John Kwang, Chang phơi bày những mâu thuẫn nội tâm của các nhân vật ảnh hưởng đến sự nghiệp, cuộc sống gia đình của Park với cô vợ người Mỹ, tác động của cái chết con trai anh, và những liên hệ với gia đình và văn hóa Hàn Quốc của mình… Trong khi một số nhà phê bình cho rằng cuốn tiểu thuyết trên thất bại về thể loại trinh thám, thì đa số nhà phê bình khác cho rằng nó thành công lớn trong việc khắc họa tính cách nhân vật, miêu tả được kinh nghiệm của những người Hàn Quốc di dân và mang tính tự truyện cao.

Chang, Leonard (sinh 1968), sinh ra tại New York, học ở Harvard và UC Irvine ra, là nhà văn gốc Hàn khá nổi tiếng ở Mỹ, viết văn phơi bày những khủng hoảng trong quá trình đi tìm kiếm bản ngã cá nhân. Các tác phẩm của anh gồm: The Fruit’n Food (1996) (tạm dịch: Thức ăn và Trái cây), Dispatched from the Cold (1998) (tạm dịch: Giã biệt lạnh giá), Over the Shoulder (2000) (Tạm dịch: Qua bờ vai), Underkill (2003) (Tạm dịch: Giết ngầm), hầu hết nhân vật chính đều là những người Mỹ gốc Hàn sinh sống và làm việc tại Mỹ.

Nora Okja Keller với cuốn sách Comfort Woman (1997) (Tạm dịch: Phụ nữ giải khuây), là một bất ngờ sửng sốt cho giới phê bình Mỹ.

Sook Nyul Choi có hai tiểu thuyết mang tính tự truyện: Years of Impossible Goodbyes (Những năm tháng không thể giã từ) và Echoes of the White Giraffe (Tiếng vọng của chú Hươu cao cổ trắng) kể về cuộc vượt thoát của Sookan Bak và anh trai đến trại tập trung của Mỹ tại Hàn Quốc thập niên 1950. Tiếng vọng… khai thác chiến tranh qua cái nhìn ngây thơ của nạn nhân, một đứa trẻ 15 tuổi tên Sookan Bak.

2.    Nữ văn sĩ Nora Okja Keller

Nora Okja Keller sinh năm 1965 tại Seoul. Cha cô là kỹ sư tin học người Đức, mẹ người Hàn Quốc. Lớn lên ở Hawaii và vào trường Đại học Hawaii. Cô tốt nghiệp cử nhân với hai bằng Tiếng Anh và Tâm lý, sau đó lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ ngành Văn học Mỹ tại Trường Đại học Santa Cruz - California. Cô chưa hề học qua một trường lớp viết văn nào (những trường dạy viết văn vốn rất phổ biến ở Mỹ cho những ai muốn trở thành nhà văn). Lý do rất đơn giản là truyền thống của các gia đình Mỹ gốc Á thường muốn con cái theo đuổi một nghề nghiệp ổn định như bác sĩ, kỹ sư, tài chính… hơn là một nghề liên quan đến nghệ thuật. Hiện nay cô là nhà văn tự do, viết báo, dạy tiếng Anh, sống cùng chồng và hai con ở Hawaii. Như vậy, cô là nhà văn Mỹ gốc Hàn thuộc thế hệ thứ hai. Cô viết bằng tiếng Anh và gia nhập vào hàng ngũ các nhà văn “dòng chính” (mainstream literature). Năm 1995, cô đạt giải Pushcart với truyện ngắn Tiếng mẹ đẻ (Mother Tongue), sau đó trở thành chương thứ hai của cuốn tiểu thuyết Comfort Woman và được giải American Book Award (Giải thưởng sách hàng năm của Mỹ, 1998 và giải Elliot Cades (1999). Cuốn tiểu thuyết gần đây của cô Fox Girl, lấy bối cảnh Hàn Quốc những năm giữa thập niên 1960 của thế kỷ XX. Với cuốn sách này, Keller vẫn tiếp tục đề tài lịch sử.

               Những nhà văn thuộc thế hệ thứ hai của Hàn Quốc tại Mỹ cũng như các nhà văn thuộc các cộng đồng gốc Á khác, vốn sinh ra, hoặc ngay từ khi còn rất nhỏ đã sống ở Mỹ, nên họ thành thạo tiếng sở tại hơn tiếng mẹ đẻ.Vì vậy, thông thường, nếu chọn viết văn, họ sẽ chọn tiếng Anh. Giống như Andrew Lam, Nam Le, Monique Truong, Le Thi Diem Thuy, Dao Strom, Aime Phan, Angie Chau… là những nhà văn di dân Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai, hay Philip Kan Gotanda, nhà văn Nhật thế hệ thứ ba tại Mỹ. Con đường họ đi khá giống nhau: thoạt đầu, họ từ chối nguồn gốc, tự xem mình là người Mỹ, thích nghi với văn hóa và lối sống Mỹ một cách dễ dàng, và thường xuyên có những xung đột với gia đình, cha mẹ là những thành viên di dân thế hệ thứ nhất. Đến khi có một sự kiện nào đó xảy ra trong cuộc đời họ, chúng tôi gọi là “thời điểm”, thì họ nhìn lại thân phận, gốc gác của mình, và viết. Khi viết bằng một ngôn ngữ khác, tư duy và văn hóa của họ cũng thay đổi. Họ có những cái nhìn “từ bên ngoài”, có những so sánh từ góc độ của “người ngoài”(outsider) với bên trong. Điều đó tạo ra lợi thế khi sáng tác đồng thời cũng là thách thức với các nhà văn này. Việc làm chủ được ngôn ngữ mang tính phổ biến (tiếng Anh) giúp cho sáng tác của họ có số lượng độc giả khá đông đảo, cơ hội tác phẩm đến được với bạn đọc thế giới rộng mở hơn. Đề tài sáng tác của họ cũng khá rộng rãi: có thể là sự phản ánh những vấn đề của chính họ: quá trình trải nghiệm hội nhập khẳng định mình, vượt qua mặc cảm di dân để trở thành công dân của đất nước mới; sự va đập văn hóa: Đông – Tây; cũ - mới; khoảng cách giữa lối sống của các thế hệ di dân trong gia đình; hay chọn viết về lịch sử dân tộc. Không bị quá khứ cầm tù như các thế hệ trước nên cái nhìn của họ đối với những vấn đề lịch sử, chính trị dân tộc cũng cởi mở, nhẹ nhàng hơn (ví dụ như nhà văn Hoa kiều Sơn Táp - Thiếu nữ đánh cờ vây, Nữ hoàng; Lisa SeeTuyết Hoa và cây quạt bí mật, Tình mẫu đơn…). Thân phận tha hương và cuộc sống mới nơi đất khách với những khác biệt về văn hóa ngôn ngữ khiến cho họ càng gắn bó với quá khứ, thích tìm về với văn hóa truyền thống với lịch sử nguồn cội nơi đã gửi gắm, chôn giữ một phần cuộc đời họ, nơi tổ tiên dòng tộc họ sinh sống. Và tìm về với lịch sử cội nguồn đất nước, dòng tộc còn như là cách để kết nối họ với quá khứ, nhắc nhớ họ là con dân của một cố quốc xa xôi, khơi dậy nơi họ niềm tự hào về một đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, tiếp thêm nghị lực tồn tại nơi xứ người. Điểm chung nữa trên mọi trang viết di dân chính là cảm thức tha hương. Ở thế hệ nào thân phận tha hương cũng trở thành một cảm thức chung, một niềm ám ảnh trên trang viết di dân. Tâm thế chung của người tha hương là hoài nhớ, cô đơn, tự ti. Nỗi niềm hoài nhớ của người di dân thường gắn với quá khứ nơi quê nhà. Việc phải rời bỏ nguồn cội, bản quán, rời bỏ những thứ thân thuộc máu thịt khiến cho hình bóng quê nhà luôn hiện hữu trong sáng tác của họ. Quê nhà gắn với những kỉ niệm thời thơ ấu, những phong vị, phong tục truyền thống… Quê nhà còn là cớ để họ viết về những biến cố lịch sử của dân tộc. Với di dân Trung Quốc đó là ám ảnh về Cách mạng văn hóa; sự kiện Thiên An Môn (1989) tương tự như với di dân Việt Nam là biến cố 1975, với Hàn Kiều là chiến tranh thế giới thứ hai, chiến tranh Nam – Bắc Triều,…

3.    Tác phẩm Comfort Woman

Được giải Sách nước Mỹ (American Book Award, 1998), cuốn sách lấy cảm hứng từ những phơi bày có thật của phụ nữ Triều Tiên bị làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong những “comfort station” (trại giải khuây) được thiết lập khắp châu Á trong chiến tranh thế giới II mà Hàn Quốc đã thu thập khi phỏng vấn những người phụ nữ Triều Tiên là nạn nhân. Những người phụ nữ này được gọi là “comfort woman” (phụ nữ giải khuây), một lối nói trại của lính Nhật để chỉ những nô lệ tình dục Triều Tiên trong chiến tranh thế giới thứ hai. Những thông tin này đã tiếp thêm cảm hứng cho Keller tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử Triều Tiên và về những nạn nhân phụ nữ này, ví dụ như việc họ phải tiếp 30 đến 40 người (thậm chí cả trăm người) trong một ngày, việc tất cả bọn họ đều bị gọi là Akiko (một tên gọi phổ biến của phụ nữ Nhật), bị đánh đập, tìm cách trốn thoát và được đưa sang Mỹ theo một tổ chức từ thiện Thiên chúa giáo… Ý nghĩa của cuốn sách, không chỉ là miêu tả những “trại giải khuây” mà còn là quá trình nhìn lại quá khứ, nghĩ về nó, khó khăn khi hội nhập với cuộc sống Mỹ về ngôn ngữ, nghề nghiệp… của những phụ nữ này. Và quả thật, cuối cuốn sách này, Keller vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho những bất ổn tâm hồn cũng như vật chất của những người đàn bà nạn nhân này.

Cuốn tiểu thuyết đã nhận được rất nhiều đánh giá khen ngợi: “Đầy nhạc tính và ám ảnh… một cuốn sách đầy sức truyền cảm giữa mẹ - con gái và sự say mê nối kết hai thế hệ” (Michiko Kakutani, tờ New York Times).

“Một cuốn tiểu thuyết đẹp, được kể lại và viết lại một cách chân tình. Phụ nữ giải khuây có một giọng điệu hùng hồn cho những ai muốn nghe về quá khứ của cha mẹ mình, những ai muốn nhặt những mảnh quá khứ và thâu kết lại thành một câu chuyện lịch sử về cái chết cũng như sự sống. Được kể một cách duyên dáng, nên thơ và cả sự hài hước, Nora Keller đã làm vinh danh tổ tiên của cô ấy, và cả người đọc. Phụ nữ giải khuây không đơn giản chỉ là một câu chuyện, nó còn là liều thuốc của tâm hồn” (Sandra Cisneros, tác giả của Ngôi nhà ở phố Cây Xoài và những người phụ nữ lăng loàn)…

Phụ nữ giải khuây có những thành tố của một câu chuyện mẹ - con gái cổ điển, nhưng nó tươi mới và đầy sức mạnh đến độ nó được đọc như một vùng đất chưa được thám hiểm, và giọng điệu kể chuyện cũng phong phú y như bản thân câu chuyện” (Tờ San Francisco Chronical)(2)

Comfort Woman đã được dịch ra tiếng Hàn Quốc và phát hành rộng rãi ở Hàn Quốc.

Trước khi bắt đầu viết cuốn sách này, Keller có vẻ không chấp nhận Hàn Quốc như một phần dòng máu của mình mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ người mẹ Hàn Quốc. Cô thích lối sống Mỹ, ăn thức ăn Mỹ, và từ chối những gì mang nguồn gốc từ Hàn Quốc. Cha cô là người Đức, có bài phỏng vấn đã từng hỏi cô: tại sao không xem mình là một người Mỹ gốc Đức? cô đã trả lời vì cô được nuôi dưỡng chủ yếu là bởi người mẹ.

Lần đầu tiên, Keller nghe đến khái niệm “Mỹ gốc Á” (Asian American) là khi học ở trường đại học, cô lấy một lớp học về Văn học Mỹ gốc Á (Asian American Literature), cô được nghe về Maxine Hong Kingston, Jade Snow Wong, và Joy Kogawa. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2002 với Asian Week, Keller kể lại ý tưởng về cuốn Comfort Woman đến với cô trong một hội thảo về quyền con người ở Trường Đại học Hawaii năm 1993, cô nghe một bài trình bày của Keum Ja Hwang, người đã từng là một “comfort woman”. Keller nói: “kinh nghiệm của cô ấy thật là kinh khủng. Phải có một ai đó viết về điều này chứ!”. Người bạn đi cùng Keller nói với cô: "Bạn nên viết về điều này, bạn là người Hàn Quốc". Keller tiếp tục: “Nhưng chủ đề quá lớn, tôi thậm chí không tìm được từ ngữ để diễn tả nỗi kinh hoàng như thế nào, từ vựng không đủ để nói về sự đau khổ trong cuộc sống của người phụ nữ này. Tuy nhiên, câu chuyện của cô đã ở lại trong tâm trí tôi. Tôi cảm thấy rất ám ảnh, tôi bắt đầu mơ thấy hình ảnh của máu và chiến tranh, và thức dậy với một khởi đầu rất xấu. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng cách duy nhất để xua đuổi những giấc mơ và câu chuyện từ tâm trí của tôi là viết chúng ra. Vì vậy, một đêm tôi tỉnh dậy và bắt đầu viết các mảnh từ những giấc mơ của tôi và những lời của các “comfort woman”(3). Cuốn tiểu thuyết của cô khám phá phức cảm về thân phận thiểu số của cô trong bối cảnh đa văn hóa của Hawaii, và trong mối liên hệ của cô với người mẹ Hàn Quốc.

Như đã biết, cưỡng bức nô lệ tình dục phụ nữ và trẻ em gái Hàn Quốc trong chiến tranh thế giới thứ hai của quân đội Nhật Bản, từ những năm 1990 đã trở thành một vấn đề quan trọng trong bối cảnh chính trị - tình dục toàn cầu. Những nạn nhân sống sót đã được công nhận và bồi thường tài chính cho những đau khổ của họ. Điển hình là năm 1991, Kim Haak Soon, một trong những “comfort woman” còn sống đã lên tiếng đưa vụ việc ra ánh sáng, Hội thảo về vấn đề nô lệ tình dục ở châu Á (“Asian Solidarity Conference for the Issue of Military Sexual Slavery by Japan”) được tổ chức, các nạn nhân được bồi thường, Ngày quốc tế phụ nữ bị lạm dụng tình dục (International Comfort Woman Day) được đặt ra, năm 2015, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng nhất trí giải quyết vấn đề “phụ nữ giải khuây” coi như một sự kết thúc việc chỉ trích nước Nhật trên các diễn đàn quốc tế,… Tuy nhiên, tình hình đặt ra là những câu hỏi liên quan đến bản chất của những ký ức chấn thương và sự tái thiết các câu chuyện lịch sử của những chấn thương đó được viết thế nào. Mặc dù không phải là nạn nhân, nhưng cuốn Comfort Woman của Nora Keller xuất bản năm 1998 đã là một hiện tượng của văn học Mỹ gốc Á tại Mỹ. Dựa trên nhiều lời khai và tự truyện xuất bản những năm 1990, Comfort Woman là một cuốn tiểu thuyết, một tác phẩm hư cấu được viết bởi một người không có kinh nghiệm cá nhân của chấn thương lịch sử này.

Bằng lối kể chuyện đan xen quá khứ - hiện tại của hai mẹ con (Becca là tên cô con gái, và hồi ức của người mẹ, cũng như của các “Akiko” (phụ nữ giải khuây), 18 chương của Comfort Woman phơi bày mối quan hệ sâu sắc giữa những nô lệ tình dục của Nhật và sự chiếm đóng của chính phủ Nhật tại Triều Tiên trong chiến tranh thế giới thứ hai. Những nô lệ tình dục này bị gọi bằng một cái tên duy nhất là Akiko, một cái tên phụ nữ Nhật rất phổ biến, họ chỉ được nói tiếng Nhật. Họ bị buộc phải từ bỏ bản sắc Triều Tiên và chịu sự chỉ huy của các tướng Nhật. Chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản và chế độ gia trưởng đã cùng lúc tước quyền người dân Triều Tiên, nhưng phụ nữ Triều Tiên còn bị tước quyền gấp đôi vì lý do chủng tộc và giới tính của họ. Một Akiko kể lại là cô không bị chính quyền bắt, mà là do chị cô bán, để lấy tiền làm của hồi môn. Và khi trốn thoát, Akiko hiểu rằng mình không còn là một trinh nữ, không còn có thể kết hôn được nữa, nên cô không thể quay về nhà. Sự gia trưởng và áp bức đó đã biến cô thành một nạn nhân trước cả khi cô bị hãm hiếp, tra tấn khi thành “phụ nữ giải khuây”, số phận này là rất phổ quát từ châu Á sang Mỹ, khi cô di dân sang Mỹ cùng với người chồng truyền giáo Mỹ, cô nhận thấy rằng, khi ông chồng hãm hiếp mình, nó không khác mấy với hành động bị hãm hiếp xưa kia ở “trại giải khuây”. Cô thấy rằng ở Mỹ, mình cũng đóng môt vai trò không khác mấy so với lúc ở Triều Tiên. Nó nhấn mạnh đến việc đàn áp, gia trưởng, là nguồn gốc của phong trào “phụ nữ giải khuây”, nó là nỗ lực của những phong trào nữ quyền ở Hàn Quốc và Nhật Bản sau này, để phơi bày, thu hút sự chú ý của công luận quốc tế, không chỉ đến những trường hợp đặc biệt của nô lệ tình dục quân sự, mà còn đến việc khai thác công nghệ tình dục toàn cầu, và đặc biệt là trong thương mại tình dục xuyên quốc gia giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc khai thác kinh tế của tình dục phụ nữ Hàn Quốc được xem như là một biểu hiện của câu chuyện gia trưởng mạnh mẽ, thống trị cả hai nền văn hóa Nhật - Hàn. Vỉ vậy, câu chuyện được kể lại của một nạn nhân sống sót, đã phá vỡ cái gọi là văn hóa nhân quyền. Vì, nhưng chúng ta thấy, cô tiếp tục câu chuyện bị thống trị ngay cả ở Mỹ, mảnh đất của tự do, dân chủ. Cuốn tiểu thuyết thứ hai của Keller, Fox Girl, còn chỉ ra trực tiếp kinh nghiệm của những phụ nữ từng là nạn nhân nô lệ tình dục ở Hàn Quốc trong thời gian Mỹ giúp Hàn Quốc đánh Bắc Hàn.

“Tính Mỹ” của cuốn tiểu thuyết này, nằm một phần trong kết nối giữa chủ nghĩa đế quốc, chế độ phụ hệ, và sự định giới của nữ tính châu Á, nhưng chúng tôi cho rằng nó cũng nằm trong bản chất của những ngôn từ chấn thương của Keller. Keller sử dụng vai trò của ngôn ngữ văn học có khả năng thanh tẩy trong quá trình hàn gắn, ngôn ngữ mang chất thơ, đóng vai trò như một cơ chế đầy kinh dị, bi kịch nhưng có khả năng tái tạo, phục hồi. Từ “phục hồi” (recovery) ở đây được dùng giống như trong tâm lý học, khi chữa bệnh cho các bệnh nhân tâm lý, “phong trào phục hồi" trong tâm lý học đương đại Mỹ, được thành lập trên nguyên tắc thông qua liệu pháp (liên quan đến một sự kết hợp của tự giúp đỡ, các nhóm hỗ trợ, điều trị nghiện…), những kỷ niệm chấn thương ở trẻ em có thể được ráp lại với nhau như là một phần của quá trình chữa bệnh.

Trong tiểu thuyết, tác giả rất nhiều lần cho các nạn nhân trực tiếp kể về các sang chấn tinh thần của mình. Họ luôn đau đớn khi nhắc lại quá khứ. Induk mới 17 tuổi khi bị bắt làm nô lệ tình dục, là một cô gái vị thành niên. Kim Sook-Duk: "Tôi vẫn còn có những cơn ác mộng. Sau đó tôi hét lên để đánh thức bản thân mình dậy. Ngày nay, mọi người thường đến đây để phỏng vấn tôi về cuộc sống của tôi khi tôi là “comfort woman”. Cơn ác mộng của tôi trở nên tồi tệ hơn sau khi nhớ lại quá khứ tại các cuộc phỏng vấn " (Schellstede 40), Pak Du-ri thừa nhận: “Thỉnh thoảng tôi gặp du khách muốn nghe về những thử thách của tôi. Sau đó, tôi thường xuyên bị đau đầu nghiêm trọng. Đôi khi, chúng trở nên xấu đến nỗi tôi phải nhập viện " (Schellstede 71); Yi Young-sook giải thích: “Thỉnh thoảng mọi người nghe câu chuyện của tôi là một “tôi-quá khứ”, tôi không muốn nói về nó bởi vì nó đáng xấu hổ, một quá khứ khủng khiếp. Một quá khứ như vậy được ghi nhớ để cảm xúc thoát ra" (Schellstede 101)(4)… Các vết thương đã được chữa trị bằng cách hợp nhất các mảnh vỡ của ký ức xót xa và kiểm soát về ý nghĩa của kinh nghiệm thông qua việc kể lại. Nên nhớ Keller là một cử nhân tâm lý học, nên dẫn dắt cuốn tiểu thuyết và nhân vật theo đường dây tâm lý là điều dễ hiểu.

Qua Comfort Woman, Keller đã sử dụng ngôn ngữ văn học như một phương tiện để chữa lành những chấn thương lịch sử như trong trường hợp của những người phụ nữ- nạn nhân này.

Có thể thấy những tương đồng giữa các tác phẩm viết về lịch sử của các tác giả di dân khác, khi viết về những chấn thương tinh thần của các nạn nhân vượt qua một biến cố nào đó. Ví dụ, cuốn Khi Trời và Đất giao nhau của Le Ly Hayslip, tác giả di dân Việt Nam, cũng được viết dưới dạng những mảnh rời hồi ức của tác giả về chiến tranh Việt Nam. Hay cuốn Đỗ quyên đỏ của Anchee Min, tác giả di dân Trung Quốc, viết về kinh nghiệm bản thân qua Cách mạng Văn hóa Trung Quốc…

Song song với những tác phẩm như Comfort Woman là các cuộc triển lãm nghệ thuật, các bộ phim,… nói về thân phận của hơn hai trăm ngàn phụ nữ châu Á bị ép trở thành phụ nữ giải khuây trong chiến tranh thế giới thứ 2. Cùng với Nora Okja Keller's là cuộc triển lãm của nữ nghệ sĩ gốc Hàn Chang Jin Lee tại Mỹ có tên “Comfort Woman Wanted” kêu gọi những phụ nữ Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan, Philippines,… dũng cảm kể lại câu chuyện bi kịch của chính mình. 

Có thể thấy, những vấn đề về việc phụ nữ bị biến thành công cụ tình dục, nô lệ tình dục trong chiến tranh là một đề tài lớn trong văn học hậu chiến, nghệ thuật hậu chiến như một trong những vết hằn đen tối của chiến tranh.

_____________________

  1. An Bình: Vì sao người nhập cư Hàn Quốc thành công trên đất Mỹ, Nguồn: http://dantri.com.vn/the-gioi/vi-sao-nguoi-nhap-cu-han-quoc-thanh-cong-tren-dat-my-1301797010.htm, ngày 24/6/2017.
  2.  Nora Okja Keller, Những bình luận dành cho cuốn sách hay nhất năm do tạp chí Detroit Free Press bình chọn, Comfort Woman. Penguin, 1998, tr.2. TLHT lược dịch.
  3. Deborah L. Madsen: Nora Okja Keller's Comfort Woman and the Ethics of Literary Trauma. University of Geneva, Concentric: Literary and Cultural Studies, September 2007, tr.81-97.
  4. Chuyển dẫn từ Deborah L. Madsen: Nora Okja Keller's Comfort Woman and the Ethics of Literary Trauma, University of Geneva, Concentric: Literary and Cultural Studies, September 2007, tr.90. TLHT lược dịch.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7.2017

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60730494
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3885
8619
60730494

Thành viên trực tuyến

Đang có 182 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website