Việc nghiên cứu Hồng lâu mộng ở Hoa Kỳ

20180502 Hong lau mong

Tại Trung Quốc, việc nghiên cứu Hồng lâu mộng (Hồng học) đã có từ lâu, ngay khi tác phẩm này ra đời (1791) cho tới nay, các cuộc tranh luận gần như không bao giờ chấm dứt. Học giả Liang Guizhi trong cuốn Độc thượng Hồng Lâu đã chia Hồng học làm 4 trường phái nghiên cứu chính: nghiên cứu về biểu tượng, ngụ ngôn hay nghĩa ẩn; tư tưởng văn chương; tư tưởng phê bình; và khảo chứng.

Laurence Kwok Pun Wong trong cuốn Dreaming across Language and Culture: A Study of the Literary Translations of the Hong Lou Meng đã khảo sát việc dịch Hồng lâu mộng ra các thứ tiếng, trong đó có 5 ngôn ngữ châu Âu chính yếu là tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Bản tiếng Ý do Clara Bove và Carla Pirrone Riccio dịch có tên Il sogno della camera rossa: romanzo cinese del secolo XVIII (1958), bản này dựa theo bản tiếng Đức do Franz Kuhn dịch có tên Der Traum der roten Kammer: Ein Roman aus der frihen Tsing-Zeit (1932). Bản tiếng Pháp Reve dans le pavillon rouge cũng dịch dựa theo bản tiếng Đức đã nói ở trên, do Guerne dịch (1957), bản tiếng Nga dịch Hồng lâu mộng được hoàn thành năm 1958, do Panasyk, V.A dịch có tên Son v krasnem terem (y)e, Moskov…Vì qua bản dịch tiếng Đức nên chắc chắn có một số điểm sai. Đến thập niên 1970, 1980 có thêm 4 bản dịch: 2 tiếng Anh (David Hawkes dịch 80 hồi đầu, và John Minford dịch 40 hồi sau; Yang Hsien-I và vợ, Gladys Yang), 1 tiếng Pháp (Li Tche- houa và Jacqueline Alezais dịch, hiệu đính là Andre d’Hoemon) và 1 tiếng Czech (do Oldrich Kral dịch, tên gọi Sen v rudem dome, 3 tập trong các năm 1982-1984). Bản dịch Hồng lâu mộng ra tiếng Tây Ban Nha ra đời khá muộn, năm 1988 có tên Sueno en el Pabellon Rojo (Memorias de una roca)- Dream in the Red Pavillion (Memories of a Stone), 3 tập, Tu Xi dịch, hiệu đính là Zhao Zhenjiang và Jose Antonio Garcia Sanchez. Năm 1991, một bản dịch tiếng Tây Ban Nha nữa ra đời do Mirko Lauer dịch. Năm 2006, một bản dịch tiếng Đức khác xuất bản do Rainer Schwarz và Martin Woesler mang tên Der Traum der Roten Kammer oder die Geschichte vom SteinThe Dream of the Red Chamber or The Story of the Stone.

Theo một nghiên cứu khác của Hu Wenbin, ngoài tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Nhật, Hồng lâu mộng còn được dịch ra tiếng Mông Cổ, Uighur, Hàn Quốc, Việt Nam, Hà Lan, Hungary và Rumani[1].

Nói về các bản dịch tiếng Anh, Hồng lâu mộng đã được dịch một phần (không trọn bộ) từ 1830, tức là chỉ 38 năm sau khi Cao Ngạc hoàn thành phần sau của bộ tiểu thuyết (1792), dịch giả là John Francis David trong cuốn The Poetry of Chinese, tiếp theo đó, R. Thom (1842), Edward Charles Bowra (1868) cũng dịch một phần Hồng lâu mộng. Cả ba người này chỉ dịch vài chương mà thôi. Những bản dịch vài chương như vậy thường xuất hiện trong các tuyển tập hay các tạp chí. Chẳng hạn như sau đó có thêm bản dịch của H.C.Chang chương 23 trong cuốn Chinese Literature: Popular Fiction and Drama, hay Cyril Birch chương 63-69 trong cuốn Anthology of Chinese Literature Vo.2: From the 14th Century to the Present Day, hay Yuan Chia-hua, Shih Ming, Tuan-hung Ling-yen Chi dịch trong English Translation of Selections from Chinese Literature,... Năm 1892, bản dịch Hồng lâu mộng dài hơn ra đời, dịch giả là H. Bencraft Joly, ông dịch 56 chương. 1929, bản dịch trọn bộ của Chi- chen Wang xuất bản ở New York. Năm 1958, Wang xuất bản bản dịch hoàn thiện hơn, dài hơn. Cùng năm 1958, có thêm bản dịch của hai chị em Florence và Isabel McHugh. Trong các bản dịch Hồng lâu mộng sang tiếng Anh, bản dịch của David Hawkes được xem là tốt nhất về văn bản, ngôn ngữ, văn hóa.  

Ngoài các bản dịch, Hồng lâu mộng cũng là cuốn tiểu thuyết gây hứng thú cho rất nhiều nhà nghiên cứu. Chúng tôi xin liệt kê một số khuynh hướng nghiên cứu phổ biến sau:

1. Khuynh hướng nghiên cứu phê bình tâm lý học, những khám phá về giới, tình dục, tình yêu, phụ nữ: đây là khuynh hướng được nghiên cứu nhiều nhất, tập trung nhất. Ví dụ có các công trình sau: yếu tố loạn luân trong Kim Bình MaiHồng lâu mộng trong cuốn Paradoxes of Traditional Chinese Literature do Eva Hung chủ biên, The Chinese University of Hongkong 1994, ngoài ra còn có bài báo của Andrew Plaks: “The Problem of Incest in Jin Ping Mei and Honglou meng” với chủ đề tương tự; cuốn Men and Women in Qing China: Gender in the Red Chamber Dream của Louise P. Edwards, University of Hawaii Press 2001, giới thiệu các lý thuyết phê bình Hồng lâu mộng từ xưa đến nay, và giới thiệu cách tiếp cận Hồng lâu mộng dưới quan điểm về giới, tương tự là bài nói về thế giới phụ nữ trong Hồng lâu mộng: “Women in Dreams of the Red Chamber” của Palandri, Angela Jung; bài của Wong, Kam-ming. “Point of View and Feminism: Images of Women in Hongloumeng; bài cũng của Louise P. Edwards đề cập về lưỡng tính của Bảo Ngọc trong Hồng lâu mộng: “Gender Imperative in Honglou meng: Baoyu’s Bisexuality”; hay bài về hình ảnh phụ nữ trong Hồng lâu mộng dưới góc nhìn nữ tính: “Women in Honglou meng: Prescriptions of Purity in the Femininity of Qing Dynasty China” cũng của Edwards; Jeannie Jingsheng Yi có cuốn The Dream of the Red Chamber: An Allegory of Love phân tích toàn diện Hồng lâu mộng trên các phương diện cấu trúc trần thuật, Mộng- Thực, các Biểu tượng Vườn, Hoa, Mộng, so sánh Hồng lâu mộng với một số tác phẩm phương Tây khác,…; phân tích các nhân vật lưỡng tính trong Hồng lâu mộng như cuốn của Zuyang Zhou, Androgyny in Late Ming and Early Qing Literature, Hawaii University Press 2004, bài của Yee, Angelina C. “Self Sexuality and Writing in Honglou meng.”,…

Bài viết “Myth and Psyche in Hung-lou meng” của Ping-leung Chan trong cuốn Critical Essays on Chinese Fiction đã đi theo hướng phê bình huyền thoại học và tâm lý học. Trong đó ông chỉ rõ Hồng lâu mộng là một “tiểu thuyết thú tội” (confessional novel) của Tào Tuyết Cần: bộc lộ những hy vọng, thất vọng và cách thức ông ta đối mặt với hiện thực. Tạo ra Đại Quan viên như một “thiên đường đã mất”, tạo ra 3 cặp nhân vật song trùng là Chân Bảo Ngọc - Giả Bảo Ngọc, Tiết Bảo Thoa – Tập Nhân, Lâm Đại Ngọc- Tình Văn. Ba cặp nhân vật này phản ánh siêu ngã, bản ngã và ham muốn của Giả Bảo Ngọc. Dưới góc độ tâm lý, việc Bảo Ngọc kết hôn với Bảo Thoa là không tránh khỏi, và dưới ánh sáng của John Amstrong về lý thuyết thiên đường huyền thoại, nó cũng được giải thích như là sự thỏa hiệp giữa hiện thực và lý tưởng. Những cô cậu bé cuối cùng phải rời khỏi Đại Quan Viên, cũng giống như Adam và Eva rời khỏi vườn địa đàng sau khi nếm trái cấm, nghĩa là Bảo Ngọc, cuối cùng buộc phải đối mặt với hiện thực, nơi mà anh ta được khai sáng, và sau đó đi tu. Tương tự là bài viết của Liao, Hsien-hao. “Tai-yu or Pao-ch’ai: The Paradox of Existance as Manifested in Pao-yu’s Existance Struggle” phân tích mâu thuẫn của Bảo Ngọc trong việc chọn giữa tình yêu Đại Ngọc và Bảo Thoa.

2.  Khuynh hướng nghiên cứu về nghệ thuật tiểu thuyết và phê bình tiếp nhận: Cuốn Rereading the Stone: Desire and the Making of Fiction in Dream of the Red Chamber của Anthony C.Yu, đọc lại Hồng lâu mộng dưới góc độ lịch sử, đặc biệt là lịch sử tiểu thuyết, xoáy vào vấn đề phân tích dục vọng và nghệ thuật tiểu thuyết. Một cuốn sách khảo sát việc dịch Hồng lâu mộng ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha. Đó là cuốn: Dreaming across Language and Cultures: A Study of the Literary Translations of the Hong Lou Meng của Laurence Kwok Pun Wong, Cambridge Scholar Publishing, 2014. Cuốn sách có 7 chương và 1 chương kết luận, tập trung vào sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa trong việc tiếp nhận, tác giả chú ý đến ngụ ý, phương ngữ, phong cách,…đặc biệt có một chương nói đến những hạn chế khi dịch Hồng lâu mộng sang tiếng Anh. Bài viết của Jinyu Liu: “A Comparative Study of The Story of the Stone in English and Mongolian Translations” so sánh các bản dịch Hồng lâu mộng tiếng Anh và tiếng Mông Cổ. Cuốn của Edwards Louise: Recreating the Literary Canon: Communist Critiques of Women in the Red Chamber Dream đọc lại những phê bình theo quan điểm cộng sản về người phụ nữ trong Hồng lâu mộng; Tương tự là bài của Grieder, Jerome B. “The Communist Critique of Hung lou meng” cũng lược thuật những nghiên cứu Hồng lâu mộng theo quan điểm cộng sản ,…

Bài viết “Syllabicity and the Sentence: An Inquiry into the Narrative Style of the Hung-lou meng” của Chun-jo Liu trong cuốn Critical Essays on Chinese Fiction chỉ ra những thành tựu về mặt ngôn ngữ của bộ sách. Bà đã lấy từ trong cuốn tiểu thuyết 76 đoạn văn chỉ ra những tình huống ngẫu nhiên hoặc chỉ thời gian, phân tích chúng để tìm ra mức độ của âm điệu và các loại ngữ pháp, để cuối cùng có thể chỉ ra những dấu hiệu thiết yếu trong trần thuật của văn bạch thoại (thông tục). Tương tự là bài viết của Ying Wang. “The Disappearance of the Simulated Oral Context and the Use of the Supernatural Realm in Honglou meng” đề cập đến một trong những thành tựu ngôn ngữ của Hồng lâu mộng là đã biến mất lối trần thuật kiểu người kể chuyện.

Một số bài viết khác cũng nghiên cứu việc tiếp nhận Hồng lâu mộng tại Trung Quốc, khảo sát kỹ trường hợp của nhà nghiên cứu Hồng học nổi tiếng Du Bình Bá, ví dụ như bài của Joey Bowman: “Yu Ping-po and the Literary Dimensions of the Controversy over Hung lou meng”.

Nghiên cứu về biểu tượng trong Hồng lâu mộng có các bài viết của David Hawkes, người dịch Hồng lâu mộng ra tiếng Anh, “The Story of the Stone: A Symbolist Novel”, “The Translator, the Mirror and the Dream - Some Observations on a New Theory”; Nghiên cứu về tên gọi, các biểu tượng từ cách đặt tên nhân vật của Tào Tuyết Cần: bài của Yang, Michael. “Naming in Honglou meng”, bài của Yang, Vincent. “The Symbolism of Naming in Dream of the Red Chamber”,…

3. Khuynh hướng nghiên cứu phê bình tiểu sử học: Bài “The Age of Attribution: Or How the Honglou Meng Finally Aquired the Author” của Haun Saussi, Stanford University, khảo sát tác giả của Hồng lâu mộng; “New Hongxue and the “Birth of the Author”: Yu Pingbo’s “On Qin Keqing’s Death” của Louise Edwards, Australian Catholic University khảo sát cái chết của Tần Khả Khanh theo khảo cứu của Du Bình Bá, trường phái nghiên cứu Tân Hồng học;…

Cuốn của Lưu Tái Phục được dịch sang tiếng Anh: Reflection on Dream of the Red Chamber, cuốn này phân tích giấc mộng trong Hồng lâu mộng dưới góc độ Phật giáo. Tuy nhiên, Lưu Tái Phục là một học giả Trung Quốc, nên chúng tôi không tóm tắt công trình này, chỉ liệt kê để cho thấy Mỹ có dịch một số cuốn nghiên cứu về Hồng lâu mộng ở Trung Quốc giới thiệu cho độc giả Mỹ.

Cuốn của Zhou Ruchang Between Noble and Humble: Cao Xueqin and the Dream of the Red Chamber. Peter Lang Publishing, Inc., New York 2009, do Liangmei Bao và Kyongsook Park dịch từ tiếng Trung cũng nói về mối quan hệ giữa tác giả và tác phẩm. 34 chương của tác phẩm xoay quanh các vấn đề: Thời đại nhà Thanh, cuộc đời của Tào Tuyết Cần, mối quan hệ giữa gia đình họ Tào và vua Khang Hi, cốt truyện lấy từ đâu, người thầy ảnh hưởng đến Tào Tuyết Cần nhất, tình bạn của Tào, cái chết của ông,…Cuốn này nguyên là cuốn do học giả Zhou Ruchang viết bằng tiếng Trung, có tên là Tào Tuyết Cần tân truyện, được các dịch giả Mỹ dịch ra tiếng Anh như một nguồn tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu Hồng lâu mộng dưới góc độ phê bình tiểu sử học. Zhou Ruchang là một nhà nghiên cứu về Hồng lâu mộng nổi tiếng ở Trung Quốc từ giữa thế kỷ 20 (ông sinh năm 1918). Đặc biệt, những khảo chứng của ông về cuộc đời của Tào Tuyết Cần được Hồ Thích và sau này là Hạ Chí Thanh đánh giá rất cao.

Hoặc bài viết so sánh cuộc đời Tào Tuyết Cần và Heidegger: “Naming the Whirlwind: Cao Xueqin and Heidegger” của Miller Lucien. Bài viết nói về thế giới tuổi thơ của Tào Tuyết Cần được phản ảnh trong Hồng lâu mộng cũng của Miller: “Children of the Dream: The Adolescent World in Cao Xueqin’s Honglou Meng” cũng là một hướng phân tích Hồng lâu mộng từ góc nhìn phê bình tiểu sử học.

4. Nghiên cứu theo hướng phê bình huyền thoại, thi pháp biểu tượng, đặc biệt là Giấc mộng: rõ ràng, việc nghiên cứu Hồng lâu mộng dưới góc độ huyền thoại được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, đặc biệt là nghiên cứu dưới dạng phân tích các cỗ mẫu (archetypes), ví dụ như bài viết của Ping-leung Chan trong cuốn Critical Essays on Chinese Fiction đã đi theo hướng phê bình huyền thoại học và tâm lý học.

Mộng trong Hồng lâu mộng hấp dẫn rất nhiều nhà nghiên cứu. Ví dụ, giấc Mộng của Giả Bảo Ngọc hồi thứ 5 ở Thái hư cảnh ảo nơi anh ta nhìn thấy kết thúc của cuốn tiểu thuyết và số phận của Kim Lăng thập nhị thoa được các nhà nghiên cứu Andrew Plaks, Lucient Miller và Yu Yingshi quan tâm, gọi nó là một trong những biểu tượng quan trọng nhất ở phương Đông, cũng được một số nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đồng tình. Lucien Miller phân chia ra 3 giấc mộng (hồi 1, hồi 5 và hồi 116) để xác lập và phân tích tính ngụ ngôn của cuốn tiểu thuyết[2]. Plaks lại tập trung vào huyền thoại sáng tạo trong văn hóa Trung Hoa và phát hiện ra câu chuyện của Nữ Oa và Phục Hy là “cổ mẫu và là hình thức ngụ ngôn trong Hồng lâu mộng như là sự lưỡng cực thiết yếu, tối quan trọng”, trong khi những giấc mộng các hồi 1, 5, 116 là dùng để chứng minh cho khái niệm đó[3]. Giấc mộng trong hồi 5 cũng là chủ đề xương sống cho bài báo của Yu Yingshi “The Two Worlds of Hong lou meng” (Hai thế giới trong Hồng lâu mộng).

Cuốn The Dream of the Red Chamber: An Allegory of Love của Jeannie Jingsheng Yi chỉ ra 16 giấc mộng trong tác phẩm đã minh chứng rõ rệt việc dùng nó như một cấu trúc vận động của cốt truyện và là một trong những chủ đề trung tâm của cuốn tiểu thuyết: tình yêu. Có tình yêu lãng mạn, tình yêu sở hữu, tình yêu ý thức và thậm chí cả tình yêu mẫu tử. Cuốn sách có năm chương: chương 1 nhấn mạnh “Mộng như là khung trần thuật của cuốn tiểu thuyết”, nói lên bản chất tự nhiên của Mộng trong việc phát triển chủ đề của Hồng lâu mộng. Chương 2: “Sự tồn tại song hành của Mộng- Thực”, so sánh mộng và thế giới thực trong tiểu thuyết, nơi mà mộng luôn tồn tại ưu tiên trong thực tại, ví dụ, hồi 5 là giấc mộng của Bảo Ngọc nơi Thái hư cảnh ảo các cô tiên dạy anh ta kinh nghiệm tình dục so sánh với cái chết của Giả Thụy khi bị dày vò bởi sự thèm khát tình dục ở hồi 7. Cả hai hồi đều minh họa chức năng của mộng và chủ đề của tình yêu- ham muốn. Chương 3 “Diễn ngôn về tình yêu: Đại Quan viên và nguồn gốc văn chương của nó”, chương này chỉ ra những liên văn bản của chủ đề tình yêu- ham muốn đặt Hồng lâu mộng cạnh Tây Sương ký, Mẫu đơn đình, Kim Bình Mai. Nguồn gốc của vườn Trung Hoa nơi tình yêu liên quan đến tình dục diễn ra sẽ được bàn trong chương này. Chương 4 “Ngụ ngôn trung đại phương Tây: nguồn gốc và những ngụ ngôn mang tính đại diện” tìm hiểu ngụ ngôn trong The Divine ComedyThe Faerie Queene. Tác giả tìm hiểu hai cuốn này khác với những cuốn khác trong quan niệm về thế giới và cách xử lý của tác giả về tình yêu, và những gì mà chúng ta không tìm thấy trong Hồng lâu mộng. Chương 5 so sánh “Tình yêu như một ngụ ngôn: The Romance de la RoseHồng lâu mộng” phân tích sự khác nhau về chủ đề quan trọng là tình yêu giữa Trung Quốc và phương Tây (đã nói ở trên) tạo nên sự khác biệt về cấu trúc của mộng trong ngụ ngôn Trung Hoa và phương Tây.

Cuốn của Plaks Archetype and Allergory in the Dream of the Red (từ luận án tiến sĩ của ông) dành hai chương bàn về vấn đề ngụ ngôn bằng cách đặt vấn đề cấu trúc trần thuật của Hồng lâu mộng của ngụ ngôn phương Tây, từ The Romance of the Rose, The Canterbury Tale, Piers Lowman, The Faerie Queene Paradise Lost. Plaks nhấn mạnh rằng ngụ ngôn Trung Quốc có tính lưỡng cực. Cũng có chung đối tượng là vấn đề ngụ ngôn, cuốn sách The Dream of the Red Chamber: An Allegory of Love cũng phân tích cấu trúc trần thuật của giấc mộng và sự thống trị của chúng trên chủ đề tình yêu và tham vọng, định nghĩa lại khái niệm “ngụ ngôn”. Cuốn sách tập trung vào thuật ngữ “ngụ ngôn” thông qua những biểu hiện của nó trong Hồng lâu mộng trước khi kết luận về mặt lý thuyết. Bằng việc nghiên cứu sự tương đồng và dị biệt giữa hai nền văn hóa và cách ứng xử với cùng một hệ thống ngụ ngôn, tên gọi, cấu trúc giấc mơ và chủ đề tình yêu, tác giả kết luận cũng giống như Plaks nhưng đi con đường khác. Mặc dù cũng là tình yêu, giấc mơ, tấm gương, vườn, dường như cũng là những thành tố của ngụ ngôn phương Tây, câu hỏi đặt ra là “ngụ ngôn” trong Hồng lâu mộng có hiểu giống như vậy trong phê bình phương Tây không? Và qua những nghiên cứu của tác giả, họ thấy không hoàn toàn giống nhau. Trước hết, trong ngụ ngôn phương Tây, tình yêu và mộng là hai thành tố thiết yếu tạo lập một câu chuyện ngụ ngôn. Tình yêu là chủ đề chính trong khi mộng là cấu trúc chính thiết kế nên chủ đề, ví dụ trong giải thích của Thiên Chúa giáo trong The Romance of the Rose, The Divine Comedy, the Faerie Queene Paradise Lost, Tình yêu, nổi bật lên ở đây, nói lên số ít của đa số ví dụ điển hình trong truyền thống phương Tây, đối lập với tình dục. Còn trong Hồng lâu mộng, và trong nhiều tác phẩm lãng mạn của Trung Quốc, tình yêu gắn liền với tình dục. Thực ra, trong Hồng lâu mộng, tình yêu và ham muốn được gắn chặt thành một khái niệm thống nhất và sự tồn tại cái này không tách rời cái kia. Thứ hai, trong Hồng lâu mộng, yếu tố mộng không phải đóng vai trò phân chia thiên đường/ hạ giới hay thực tế/ tinh thần như trong văn học trung đại phương Tây mà đúng hơn, nó cung cấp một cảnh giới khác của sự tồn tại, bổ túc cho sự tồn tại của thế giới: mộng và thực trong Hồng lâu mộng được thụ thai như là một sự giải thích thế giới của Thái hư cảnh ảo và Đại Quan viên với nhân vật chính tự do đi lại từ hai thế giới. Mộng trong ngụ ngôn phương Tây, mặt khác, tạo ra thiên đường (trong The Divine Comedy), vườn địa đàng (trong Paradise Lost), Tòa án của Gloriana (trong The Faerie Queene),...tất cả đều là không thể đạt được trong hiện thực của l’Amant, King Authur và nhân loại trong “sự tỉnh thức”.

Cuốn Các chủ đề về Mộng trong Hồng lâu mộng của H.C. Chuang: Themes of Dream of the Red Chamber: A Comparative Interpretation cũng nhìn giấc mộng dưới góc độ so sánh. Cuốn của Tsung Shun Na: Studies on Dream of the Red Chamber: A Selected and Classified Bibliography là một tổng tập nghiên cứu về giấc mộng trong Hồng lâu mộng thành hệ thống tư liệu.

Một số bài viết khác về biểu tượng “giấc mộng” trong Hồng lâu mộng: bài của Lin, Shuan-fu phân tích giấc mộng đầu tiên của Giả Bảo Ngọc đến Thái hư cảnh ảo:  “Chia Pao-yu’s First Visit to the Land of Illusion: An Analysis of a Literary Dream in Interdisciplinary Perspective”,

4. So sánh Hồng lâu mộng với những tác phẩm lớn khác trên thế giới: trong cuốn Ideal and Actual in The Story of the Stone, Columbia University Press 1999, tr.1, Dore Levy đã dẫn lời Zhou Ruchang khi so sánh vị trí của Tào Tuyết Cần ở Trung Quốc như Shakespeare ở các nước nói tiếng Anh. Ngoài ra, bà còn viết: “ để đánh giá vị trí của Hồng lâu mộng trong văn học Trung Quốc, chúng ta chỉ có thể tưởng tượng trường hợp của Ulysses (James Joyce) hay Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell) hay thậm chí là của cả hai tác phẩm kết hợp lại” (cuốn của Zhou Ruchang, sđd)

Việc phân tích và so sánh các bộ tiểu thuyết Trung Quốc với nhau được thực hiện khá nhiều, có thể lấy ví dụ cuốn Fiction of Enlightment: Journey to the West, Tower of Miryad Mirrows and Dream of the Red Chamber của Qianchen Li so sánh Tây du ký, Tây du bổ, Hồng lâu mộng dưới góc nhìn Phật giáo, quan điểm, cấu trúc, nghệ thuật trần thuật. Bằng phương pháp so sánh liên văn bản, khảo chứng ba văn bản nói trên, và các văn bản trước đó, tác giả đã liên kết các biểu tượng: chuyến du hành, giấc mộng và “lầu hồng” xuất hiện trong 2 hoặc 3 tác phẩm nói trên. Trong quá trình so sánh, tác giả còn liên hệ với nhiều tác phẩm khác như Kim Bình Mai, Đại Đường Tam tạng thủ kinh thi thoại,… ; cuốn của Wang Jing đã nhắc ở trên lấy biểu tượng đá trong Hồng lâu mộng, Thủy hử, Tây du ký so sánh với nhau: The Story of Stone: Intertextuality, Ancient Chinese Stone Lore, and the Stone Symbolism in Dream of the Red Chamber, Water Margin, and The Journey to the West; so sánh Tây du ký với Hồng lâu mộng: “Allegory in Hsi-yu Chi and Hung-lou meng.” (bài của Plaks); so sánh Kim Bình Mai với Hồng lâu mộng:  “The Problem of Incest in Jin Ping Mei and Honglou meng” cũng của Plaks;…

Cuốn của Lu Tonglin: Rose and Lotus: Narrative of Desire in France and China đem hai biểu tượng hoa hồng và hoa sen để so sánh văn hóa Pháp và văn hóa Trung Hoa, các tác phẩm được đem ra làm ví dụ minh họa như Hồng lâu mộng, Phong nguyệt bảo giám, Kim Bình Mai,… (Trung Quốc), Ou la Nouvella Heloise, Julie, Les Liasons dangereuses, Oeuvres,…   (Pháp)

Cuốn Feminist Utopian Discourse in 18th century Chinese and English Fiction của Qian Ma, Ashgate 2004 so sánh diễn ngôn nữ quyền một số tác phẩm của văn học Anh và văn học Trung Quốc, cụ thể là các tác giả Charlotte Lennox với cuốn Female Quixote, Sarah Scott với cuốn A Description of Millennium Hall, Samuel Richardsonvới cuốn Clarissa, Chen Duansheng's Destiny after Rebirth, Tào Tuyết Cần với Hồng lâu mộng, Lý Nhữ Trân với Kính hoa duyên.

Một số bài viết cũng so sánh tiểu thuyết Trung Quốc và phương Tây, Nhật Bản, ví dụ nghệ thuật tiểu thuyết trong Don Quixote, Hồng lâu mộng Chuyện Genji: “Self-Reflections of Extended Vernacular Prose Narrative: Discussions of Fact and Fiction in Don Quixote, The Story of the Stone, and The Tale of the Genji” của Tschanz, Diedrich; về sự đối lập giữa hiện thực-ảo tưởng trong Hồng lâu mộng Idiot (Thằng Ngốc): “On Dreams, Saints and Fallen Angels: Reality and Illusion in Dream of the Red Chamber and The Idiot” của Westbrook, Francis A;

Còn so sánh liên ngành, chúng tôi tìm thấy có cuốn của Andrew Schonebaum: Novel Medicine: Healing, Literature, and Popular Knowledge in Early Modern China nghiên cứu về những bài thuốc, vị thuốc trong các tác phẩm văn học Trung Quốc cuối đời Thanh chỉ ra mối liên quan giữa y học và văn học. Tác giả chỉ ra rằng không phải chỉ nói chuyện tiểu thuyết, có một số cuốn sách có thể xem như là “dược thư” vì đề cập nhiều kiến thức y khoa, thuốc men trong tác phẩm phù hợp với người đọc đại chúng. “Novel medicine” ở đây được hiểu như là các yếu tố liên quan đến thuốc men trong các tiểu thuyết, và không giới hạn tiểu thuyết, có cả trong kịch, truyện ngắn,…Theo thống kê của Andrew, tác phẩm cuối đời Minh (1506-1644) chủ yếu là sách thuốc, tiểu thuyết và bách khoa thư. Đến đời Thanh thì các tiểu thuyết đời thường cũng nói về thuốc rất nhiều, điển hình như Hồng lâu mộng, Kim Bình Mai, Nho lâm ngoại sử, Phi long truyện, Kính hoa duyên,…Dĩ nhiên cuốn sách không chỉ giới hạn là tiểu thuyết cổ điển mà mở rộng đến đầu thời kỳ hiện đại với những tác phẩm của Lỗ Tấn, Đinh Linh,…

Trên đây là những nghiên cứu bước đầu của chúng tôi khi tìm hiểu Hồng lâu mộng được nghiên cứu ở Hoa Kỳ thế nào. Tựu trung, chúng tôi nhận thấy rằng:

- Việc dịch Hồng lâu mộng sang các thứ tiếng khác được thực hiện từ sớm, và có nhiều bản dịch.

- Hoa Kỳ có nhiều nhà Hán học nghiên cứu sâu một bộ tiểu thuyết, những nhà nghiên cứu kỹ lưỡng, có nhiều công trình về Hồng lâu mộng có thể kể: Andrew Plaks, Anthony Yu C, Knoerle, Jeanne, Lucien Muller chuyên về những vấn đề liên quan đến văn bản và tác giả Hồng lâu mộng; Edwards Louise cũng là chuyên gia về Hồng lâu mộng, đặc biệt là những nghiên cứu nữ quyền; Yee, Angelina C. làm luận án về Hồng lâu mộng và cũng có nhiều bài viết về cấu trúc Hồng lâu mộng,…

- Việc nghiên cứu về Hồng lâu mộng tại Hoa Kỳ có nhiều thành tựu, đóng góp lớn ở các hướng nghiên cứu về giới, tính dục, về huyền thoại học,...

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Andrew Schonebaum. Novel Medicine: Healing, Literature, and Popular Knowledge in Early Modern China. University of Washington Press, 2016

2. Jeannie Jingsheng Yi. The Dream of the Red Chamber: An Allegory of Love, Library of Congress Cataloging-in- Publication Data 2004

3. Laurence Kwok Pun Wong. Dreaming across Language and Cultures: A Study of the Literary Translations of the Hong Lou Meng, Cambridge Scholar Publishing, 2014

4. Qianchen Li. Fiction of Enlightment: Journey to the West, Tower of Miryad Mirrows and Dream of the Red Chamber Honolulu, University of Hawaii Press, 2004

5. Plaks, Andrew H. Archetype and Allegory in the Dream of the Red Chamber. Princeton: Princeton University Press, 1976.

6. Zhou Ruchang Between Noble and Humble: Cao Xueqin and the Dream of the Red Chamber. Peter Lang Publishing, Inc., New York 2009, do Liangmei Bao và Kyongsook Park dịch

7. Yang Winston, Curtis P. Adkins, eds. Critical Essays on Chinese Fiction, Chinese University Press Hongkong 1980.


[1] Chuyển dẫn từ Laurence Kwok Pun Wong trong cuốn Dreaming across Language and Culture: A Study of the Literary Translations of the Hong Lou Meng

[2] Xem Lucient Miller, Masks of Fiction in “Dream of the Red Chamber”: Myth, Mimesis, and Persona. Tucson: University of Arizona Press, 1975.

[3] Xem Andrew Plaks: Archetype and Allegory in the Dream of the Red Chamber. Princeton: Princeton University Press, 1976., tr. 178-194

Nguồn: Số chuyên đề Bình luận văn học - Niên san 2017, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 34 (59), tháng 12.2017, tr.191-199.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60734956
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8347
8619
60734956

Thành viên trực tuyến

Đang có 250 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website