Tự sự học- lý thuyết và ứng dụng - Một cuốn sách công phu và giá trị

Những ai thích kể chuyện, thích nghe kể chuyện, thích quan sát việc kể chuyện, thích đọc tiểu thuyết, hoặc thích viết văn tựa trên phương thức kể, sẽ tìm thấy một người bạn đồng hành hay một người thầy ân cần, thú vị, là công trình “Tự sự học, lý thuyết và ứng dụng” (640 trang) do nhóm tác giả tên tuổi thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội biên soạn, giáo sư Trần Đình Sử chủ biên.
“Kể” là một nhu cầu của con người từ thuở hồng hoang, đã diễn ra trong lời và chữ, văn học luôn luôn gắn với hành vi “kể”. Trong không gian học thuật “kể” được gọi là “tự sự” hay “trần thuật”.Quan sát các phương thức tự sự của con người xuyên qua thời gian, trên vô số các ngôn bản và văn bản khác nhau, tựa trên thành tựu của ngôn ngữ học hiện đại, người ta đúc kết thành hệ thống các mô thức phổ biến: tự sự học ra đời. Xuất hiện sau Tu từ học và Thi pháp học (cổ điển) vốn đã ngự trị quá lâu, trở thành tù ngục của việc viết và nói, Tự sự học có sức thu hút mạnh bởi các lý do: có tiêu điểm mạnh (kể); có thực tế mạnh (tiểu thuyết); có căn cứ khoa học mạnh (ngôn ngữ học, nhân học) và có tinh thần mở (hiện đại). Xuất hiện trong thế kỷ XX, Tự sự học, cũng như các lý thuyết khác, phát triển theo quy luật gia tốc, đã đi qua nhiều hình thái, thoạt tiên phác ra những mô hình chung, sau đó phân nhánh và dung hợp với nhiều lý thuyết khác, làm nên các trường phái phê bình văn học. Cũng như Tu từ học và Thi pháp học, Tự sự học là hướng tiếp cận tập trung vào văn bản nên từ khi chúng xuất hiện, những cách đọc khác sau đó gần như bao giờ cũng phải tựa vào chúng: đây là những phương thức nền tảng để khám phá văn bản văn học.
Ý thức vai trò của các ngành học (và cũng là các lý thuyết hay là xu hướng phê bình) nói trên, sau năm 1975, trong không gian học thuật Việt Nam, giáo sư Trần Đình Sử đã là người đầu tiên giới thiệu một cách hệ thống về Thi pháp học và Tự sự học. Các công trình của ông đã tạo nền móng, mang lại nhiều cảm hứng và gợi ý quan trọng cho nhiều người nghiên cứu và người học ở Việt Nam. Khởi đi từ việc gieo mầm Tự sự học trong sách Lý luận văn học năm 1987, việc dịch thuật, giới thiệu và trao đổi trong các hội thảo (2001, 2008), sau 31 năm, Trần Đình Sử đã lại tổ chức biên soạn một công trình công phu về Tự sự học (sau "Tự sự học, một số vấn đề lý luận và lịch sử") với sự góp mặt của 8 tác giả khác: Trần Ngọc Hiếu, Đỗ Văn Hiểu, La Khắc Hòa, Cao Kim Lan, Nguyễn Thị Ngọc Minh, Lê Trà My, Lê Lưu Oanh, Nguyễn Thị Hải Phương.
Người đọc có thể tìm thấy ở đây vô số thông tin chắc chắn và phong phú về Tự sự học, được trình bày qua một cấu trúc và cách diễn giải mang tính sư phạm cao. “Dẫn nhập”, giới thiệu về khái niệm (tự sự, tự sự học), vị trí, cội nguồn, đối tượng, phương pháp, khả năng ứng dụng, sự có mặt ở Việt Nam. Phần 1. “Tự sự học kinh điển”: gắn với kỷ nguyên hiện đại. Phần 2. “Tự sự học hậu kinh điển”: gắn với kỷ nguyên hậu hiện đại.
Hệ vấn đề mà các tác giả trình bày ở Phần 1 cho thấy “Tự sự học kinh điển” (hay Tự sự học truyền thống?- NTTX) gần với lý luận văn học truyền thống, đưa ra một hệ thống mô thức khái quát về cách kể, nội dung mà trước đây Trần Đình Sử đã từng giới thiệu, có bổ sung (cũng theo tinh thần mà ông giới thiệu Thi pháp học).
Phần 2. “Tự sự học hậu kinh điển” (hay Tự sự học hiện đại? –NTTX) gắn với các lý thuyết văn học, các trường phái phê bình: đây là nội dung mới. Phần này gồm 7 chương: Tự sự học tri nhận (thiên về ngôn ngữ học), Tự sự học nữ quyền, Tự sự học tu từ, Tự sự học lịch sử, Tự sự học đa phương tiện (gắn với nghệ thuật, văn hóa, truyền thông), Tự sự học văn hóa lịch sử Nga, Tự sự học theo hướng tân tu từ học và ký hiệu học. Có thể thấy, cấu trúc và logic phần này khá tự do. Nếu quan niệm cách kể là xương sống của thể loại tự sự, và nó biến đổi theo nhãn quan nghệ thuật, theo góc nhìn và tiêu điểm sáng tác/ tiếp nhận của nhà văn/ người đọc, để làm ra những “câu chuyện” tương ứng, thì chắc chắn các xu hướng (hay trường phái) Tự sự học hậu kinh điển sẽ không chỉ dừng lại ở con số bảy mà còn nhiều nữa, theo dòng thời gian (giống như sự dung hợp của thi pháp học): Tự sự học xã hội (Socio narratology), Tự sự học phân tâm (Psycho narratology), Tự sự học hậu thực dân (Postcolonial narratology), Tự sự học đồng tính (Queer narratology), Tự sự học sinh thái (Econarratology)… Tuy nhiên, những mở đầu như thế này là rất đáng quý, đặc biệt là các trang viết đều được triển khai sau những tham khảo tài liệu công phu, nhiều nguồn (77 tài liệu tiếng Anh, 91 tài liệu tiếng Nga, 102 tài liệu tiếng Trung, 103 tài liệu tiếng Việt), được lược thuật lại với những thông tin sáng rõ, khoa học.
Phần 3. “Tự sự học ứng dụng”, giới thiệu tình hình Tự sự học đi vào đời sống văn học của ba khu vực: Nga, Trung Quốc, Việt Nam. Số trang phần này tuy gọn, nhưng có thể hình dung đằng sau đó là quá trình xử lý và dịch thuật tư liệu tử công phu. Những thông tin cụ thể nơi đây có thể mang lại những gợi ý thiết thực cho chúng ta (vì sự tương liên của ba quốc gia một thời gian dài), cũng như giúp chúng ta ý thức tính đa dạng, tính mở và tính vận động của Tự sự học.
Phần Phụ lục: “Thuật ngữ Tự sự học”, các tác giả đã trao chùm chìa khóa (những 125 chìa!) cho những ai muốn mở cửa vào ngôi nhà văn học tự sự.
Có thể nói, đây là một trong những cuốn sách gối đầu giường cho những ai làm nghiên cứu văn học.
Xin trân trọng cám ơn các tác giả.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60789680
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9181
24669
60789680

Thành viên trực tuyến

Đang có 364 khách và không thành viên đang online

Danh mục website