26042024Fri
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Cuộc đời và sự nghiệp của GS. Lê Ngọc Trụ

          1.Cuộc đời:

          Lê Ngọc Trụ sinh ngày 15 tháng 3 năm 1909 tại Chợ Lớn trong một gia đình đông con và không khá giả. Sau 10 năm học trường tỉnh Chợ Lớn ở Phú Lâm, ông vào học Trường Sư phạm Sài Gòn bốn năm. Đang học, năm 1926, ông bị bệnh phải mổ xương ở mép tai trái. Dự cuộc bãi khóa ngày 17-5-1929, ông bỏ thi, đi làm cho hãng buôn để có tiền bồi thường học bổng trong bốn năm. Vì thế, ông không có mảnh bằng nào cả.

          Từ năm 1932 đến năm 1945, ông cai quản tiệm vàng Lê Văn Ngữ (của cha vợ) ở Chợ Lớn. Bệnh đau đầu ảnh hưởng không nhỏ đến đến đời sống sinh hoạt hằng ngày. Tuy bệnh, nhưng với tinh thần hiếu học, ông ngồi ở nhà cặm cụi với sách vở. Trong khoảng thời gian buôn bán, lúc rảnh rỗi, ông tự học, tìm mua sách ngôn ngữ học của Pháp để nghiên cứu tiếng Việt.

          Được bạn bè khuyến khích và ủng hộ về tinh thần, ông ra sức tìm học thêm. Ông viết bài đăng rải rác trên các tạp chí Đông Dương (1939-1941), Đọc (1939), Nghệ thuật (1941), Bút Mới (1941),…

          Từ năm 1941, ông gia nhập Hội khuyến học Nam Kỳ, ở trong Ban trị sự, trông nom việc ấn loát Kỉ yếu của Hội. Tại đây, ông được gần các bạn trí thức, như các ông Đoàn Quan Tấn, Chim Hải Yến, Nguyễn Xuân Quang, Vương Hồng Sển,…trau dồi sở học. Sau năm 1945, ông được Đoàn Quan Tấn, Giám đốc thư viện Nam Phần, mời giúp việc với chức Phó thủ thư công nhật (1948-1961) rồi Chủ sự phòng sưu tầm và thư viện (1961- 1964). Sau đó, ông làm Giám đốc Viện khảo cổ.

          Được cơ hội thuận tiện, tiếp xúc với giới văn nhân học giả, với tài liệu dồi dào nhưng tản mác trong Thư viện Quốc gia, ông viết bài đăng báo. Những bài chuyên về ngôn ngữ học đều ký tên thật, các bài khảo cứu khác đều ký bút danh Ngọc Toàn. Đồng thời, ông là biên tập viên của nhóm soạn thảo Từ điển Bách khoa Việt Nam do Đào Văn Tập chỉ đạo (1956). Năm 1970, ông là thành viên Ban Điển chế văn tự.

          Trong thời gian 1956-1975, ông giảng dạy môn Chính tả và Ngôn ngữ học tại Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1968, ông được phong Giáo sư diễn giảng.

          Ông được giải văn chương 1960-1962 về bộ môn biên khảo – giải duy nhất kỳ ấy.

          Công trình chính lúc đó của ông là Luật tứ thinhLuật hỏi ngã.

            Sau ngày 3-4-1075, ông về hưu, cộng tác với Ban Ngôn ngữ, Viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh.

            Ông mất này 11-8-1979 tại Chợ Lớn, thọ 70 tuổi.

          2. Sự nghiệp:

            Trong gần nửa thế kỷ nghiên cứu ngôn ngữ học và văn hóa Việt Nam, ông đã đóng góp cho xã hội 5 cuốn sách, 56 bài viết về ngôn ngữ, 8 bài về sử học, viết tựa cho 5 cuốn sách, hiệu đính cho 1 bộ từ điển (Việt Nam Từ điển của Lê Văn Đức, 1970, dày trên 2.000 trang) và 12 bài báo khác. Với số lượng công trình trên, có thể nói ông là một trong những nhà ngôn ngữ học viết nhiều nhất ở nước ta vào giữa thế kỷ này.

            Trong số các công trình đó, đáng kể nhất là 3 tác phẩm:

            -Chánh tả Việt ngữ (I, II), Nxb Nam Việt, 1951 (tái bản thành một cuốn- Nxb Trường thi, 1960).

            -Việt ngữ chánh tả tự vị, Nxb Thanh tân, 1960, tái bản, 1971 (Giải thưởng văn chương, bộ môn biên khảo).

            -Tầm nguyên tự điển Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.

          3. Nhận định:

            Đóng góp của GS. Lê Ngọc Trụ thuộc 2 lĩnh vực chính tả và từ nguyên.

            3.1.Về chính tả:

            Đọc lại các báo ở Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung xuất hiện trước năm 1945, như Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, Lục Tỉnh tân văn, …, chúng ta thấy rất nhiều lỗi chính tả. Sở dĩ có hiện tượng này vì người Nam Bộ phát âm lẫn lộn 11/22 âm đầu (ch/tr, s/x, v/d/gi, w/hw/ngw/qu, tức là 50% âm đầu tiếng Việt), 120/160 vần tiếng Việt (như an/ang, ươc/ươt,…) và 900 chữ mang dấu ngã + 1.900 chữ mang dấu hỏi (tổng cộng 2.800 chữ mang hai dấu trên). Do đó, rất nhiều trí thức trong cả nước cố gắng nghiên cứu cách khắc phục. Đáng chú ý là thầy giáo Nguyễn Đình, người Quảng Nam, năm 1933, phát hiện luật bổng trầm. Luật này, theo thống kê của chúng tôi, chi phối độ 700 từ láy điệp âm đầu. Đây là quy luật quan trọng nhất trong tiếng Việt. Để dễ nhớ, có người đã đặt một câu vè sau đây:

            Em Huyền mang nặng, ngã đau (trầm)

            Anh Ngang sắc thuốc, hỏi đau chỗ nào (bổng).

            Sau này, GS. Nguyễn Tài Cẩn đã xác định: Các từ Hán Việt khởi đầu bằng các phụ âm M, N, Nh, L, V, D. Ng (Mình Nên Nhớ Là Viết Dấu Ngã (180 từ): mỹ, nữ, nhũng, lãnh, vũ, dẫn, nghĩa –trừ từ ngải).

            Nhưng người theo đuổi lâu dài, toàn diện và đã xác định được nhiều hiện tượng mang tính quy luật trong chính tả tiếng Việt ở âm đầu, vần, thanh điệu và in thành 2 cuốn để thực hành (Chánh tả Việt ngữ) và tra cứu chính tả tiếng Việt (Việt ngữ chánh tả tự vị) là GS.Lê Ngọc Trụ. Hai cuốn này đã góp phần không nhỏ giúp người học khắc phục lỗi chính tả và chuẩn hóa chính tả tiếng Việt ở Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Giải thưởng văn chương 1960-1962 về bộ môn nghiên cứu hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp của ông.

Xin nêu một số hiện tượng mang tính quy luật mà GS. Lê Ngọc Trụ đã xác lập và sưu tập các từ minh chứng:

Quan hệ và chuyển đổi giữa các phụ âm âm môi-môi và môi răng:

             b-b: bình – bằng, biệt (tăm) – (im) bặt, bắc – (gió) bấc, bức,…

             m-m: mãnh – mạnh, mi- mầy, (lông) mi – mày,…

             v-v: vạn – (vô) vàn, (công) viên – vườn, (siêu) việt – vượt,…

             b-m: bồ (côi) – mồ, buồn – muộn, bệu bạo – mếu máo, bùn – mùn,…

             v-b: vốn - (tư) bổn, vách –bích, savon -xà bông,…

             m-v: muôn-vạn, mùa – vụ, mời-vời, mống - (cầu) vồng ,…

             b-ph: bỏng – phỏng, búa-phủ, - (góa) bụa- (quả) phụ, buồn-phiền, buồng- phòng,…

             v-ph: vuông–(lập) phương, vâng– phụng (mệnh), savon– xà phòng,…

             Chú ý: Paris – Ba Lê, piêm  (Khmer) – vàm (ngã ba sông rạch).

Quan hệ và chuyển đổi của các nguyên âm hàng sau:

u-o: thụ - thọ, vũ – võ, trú – trọ, trung – trong,…

u-ô: bồ (nhìn) – bù, chủng – giống, xung (phong) – xông (lên), Hùng (Ngự) - Hồng (Ngự),…

ô-o: khố - kho, cộng – cọng, độc (giả) – đọc, Rạch Ong – Rạch Ông,…

o-uô: phòng – buồng, cục – cuộc, thục – chuộc,…

             Quan hệ và chuyển đổi giữa các thanh bổng (ngang – sắc –hỏi):

              a) hỏi-hỏi: bảo – biểu, bảo (vật) – bửu, gửi – gởi, ngửi – hửi, cảnh – kiểng, ngẩng – ngửng, (khi) dể - (khinh) rẻ, (vận) tải- chở, (sở) ruộng – thửa, tổ - ổ, mảnh – miểng, dỏm – rởm,…

             b) ngang-hỏi: can – cản, quăng – quẳng, con con – cỏn con, mỏng manh, mỏng mảnh, vênh – vểnh (râu), (đen) thui – thủi, (đen) đủi, dưng – dửng (dưng), tan – tản (cư).

            c) sắc-hỏi: lén – lẻn, há – hả, thoáng (qua) – thoảng, gấm – cẩm, ghế - kỷ, kế (mẫu) – (mẹ) ghẻ, (sai) khiến – (điều ) khiển, miếng – miểng, mảnh, hiếu, háo – hảo,…

Những ý kiến về sai sót của ông nếu có cũng chỉ là hiếm hoi và nhỏ thôi. Thí dụ: Cụ Nguyễn Văn Trấn, người đồng thời với Lê Ngọc Trụ, có phê bình rằng Lê Ngọc Trụ chủ trương từ (bạc) cắc là do từ Hán Việt giác mà ra vì nhiều từ Hán Việt mang âm a, thì từ thuần Việt tương ứng mang âm ă, như gian (nhà) – căn (nhà), cát (tuyến) – cắt,…Nguyễn Văn Trấn nêu bằng chứng trước năm 1945, có một thời gian rất thiếu bạc lẻ nên chính quyền cho phép cắt một đồng tiền lớn thành nhiều mảnh nhỏ để xài như tiền lẻ. Vì thế người ta gọi là bạc cắt. Ý kiến của cụ Trấn nêu ra sau khi GS. Trụ qua đời và không thấy ai xác nhận hay phủ nhận nên không biết thực tế có đúng như cụ Trấn nêu ra hay không.

Nói chung, những đóng góp về việc xác lập những hiện tượng mang tính quy luật về chính tả tiếng Việt của GS. Lê Ngọc Trụ là hết sức lớn. Và những ý kiên phê phán là ông quá chú trọng tới những từ gốc Hán và gây khó khăn cho những người không biết chữ Hán.

3.2.Về từ nguyên:

            Đây là vấn đề khá phức tạp và khó khăn vì rất dễ sai lầm. Trong tiếng Việt có độ 5.200 từ Hán Việt, 1.243 từ gốc Pháp và nhiều từ của các ngôn ngữ khác như từ gốc Anh, Nga, Đức, Nhật, …Lê Ngọc Trụ đã sưu tập trong một thời gian dài và xuất bản sau khi ông qua đời 14 năm. Sách dày 857 trang, chứa đựng trên dưới 10.000 từ.

            Đây là một công trình quy mô, toàn diện, công phu, tác giả thu thập cả đời mới có được. Nhiều phát hiện của Lê Ngọc Trụ rất giá trị và thú vị.

            Chẳng hạn, từ tổ huyện đề vốn là quyên đề, chỉ những người thu gom các phiếu đánh đề, tức người tổ chức đánh số đề.

Trả đũa là “chống trả lại một cách đích đáng cho hả nỗi tức giận” (Hoàng Phê). Nguyên dạng của cụm từ này là trả nủa, mà nủa là “oán giận, chống báng” (ĐNQÂTV). Lê Ngọc Trụ khẳng đinh rằng nủa do từ Hán Việt nộ “giận” mà ra.

Có một số trường hợp, theo tìm hiểu của cá nhân tôi, kết quả nghiên cứu của GS. Lê Ngọc Trụ có thể chưa đúng. Trước hết là từ ăn năn. Theo tác giả,  ăn năn bắt nguồn từ từ Hán Việt ân hận. Còn A. de Rhodes trong Từ điển Việt -Bồ - La ghi: “Năn: một thứ cỏ đắng, cỏ năn. Ăn năn: Ăn thứ cỏ đắng trên đây; nói cách ẩn dụ để chỉ sự thống hối. Ăn năn tội: Thống hối tội lỗi. Hối tội: cùng một nghĩa”. Theo GS. Thanh Lãng, các phạm nhân bị bắt ăn cỏ năn (ý nói ngu như bò) trước khi đến khai tội với quan – theo luật nhà Lê.

           Tác giả cho rằng chăng (chả) bắt nguồn từ từ Hán Việt không. Theo một bài viết của Vương Lộc, từ tương ứng với chăng (chẳng) trong tiếng Việt là chăng, dăng, văng trong các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Hơn nữa hai vần -ăng và -ông không có quan hệ chuyển đổi.

            Từ mũi trong tiếng Việt, theo Lê Ngọc Trụ, bắt nguồn từ từ tỵ (giọng Quảng Đông). Sự thật không phải vậy. Hai vần –i và –ui không có quan hệ chuyển đổi. Trong bài viết của PGS. Hồ Lê, từ mũi có trong 193 từ gốc Nam Á. Hơn nữa, mũi là một từ trong lớp từ cơ bản của tiếng Việt nên khả năng mượn của tiếng Hán là rất hiếm. Nói chung, đôi khi GS. Lê Ngọc Trụ đi hơi quá đà từ sự suy diễn.

            Theo GS. Lê Ngọc Trụ, từ (độ) do tứ giá (cả) mà ra. Theo ý chúng tôi, trước đây người ta đá (lia thia) ăn tiền, do đó danh từ cá đã chuyển loại thành động từ cá.

            Gần đây, bác sĩ Nguyễn Hy Vọng – một Việt kiều ở Mỹ - có công bố một số bài viết chứng minh nhiều từ gốc Nam Á trong tiếng Việt. Tác giả cho biết đã tìm được vài chục nghìn từ Nam Á có quan hệ với từ Việt, nếu in ra sẽ dày đến trên 5.000 trang nên tác giả đã in vào 10  đĩa CD và phát hành vào tháng 5-2014. Tác giả có nêu một thí dụ để chứng minh. Theo GS. Lê Ngọc Trụ, từ giấy của tiếng Việt bắt nguồn từ từ Hán Việt chỉ. Bác sĩ Vọng có nêu một số từ có âm gần gũi với giấy trong các ngôn ngữ ở Đông Nam Á để phản bác ý kiến của GS.Trụ.

            Theo hiểu biết của chúng tôi, trước khi nêu thí dụ về nguồn gốc của từ giấy, tác giả Tầm nguyên tự điền Việt Nam có dẫn chứng quan hệ chuyển đổi giữa hai phụ âm đầu Ch- và Gi-: chính (nguyệt) > (tháng) giêng; chủng (tộc) > giống (nòi), (bây) chừ - giờ,… quan hệ chuyển đổi giữa hai vần –i và –ây: (tử) thi – thây, (thủ) quỹ – quầy, trì –chầy, chíchấy…Và hai thanh hỏi và sắc có nhiều tiền lệ chuyển đổi: hảo – hiếu, hả (miệng) - há, tản (cư) – (sơ) – tán,… Do đó, ý kiến chỉ > giấy rất thuyết phục.

            Như vậy, những sưu tầm được các từ Nam Á có quan hệ với các từ tiếng Việt của Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng không hề mâu thuẫn với những từ gốc Hán của GS. Lê Ngọc Trụ mà chỉ bổ sung cho nhau.

           Ngoài những đóng góp về chính tả và từ nguyên, một người mới học chưa xong cấp trung học cơ sở mà nhờ tự học đã trở thành một Viện trưởng Viện Khảo cổ, một Trưởng Khoa Ngữ học, một Giáo sư Đại học, đủ cho chúng ta bái phục. Trong quan hệ với đồng nghiệp và học trò, ông rất khiêm tốn, hiền lành, dù kiến thức rất rộng, ông không tham gia các cuộc tranh luận và phản bác ai nên được mọi người yêu kính.                                                                                   

 

                                                       TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Phê (2000), Từ điển tiếng Việt, Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học.

2. Hồ Lê (1992), Từ Nam Á trong tiếng Việt, trong “Tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc phía Nam”, Hà Nội, Nxb KHXH.

3. Lê Ngọc Trụ (1951), Chánh tả Việt ngữ (I, II), Sài Gòn, Nam Việt.

4. Lê Ngọc Trụ (1960),Việt ngữ chánh tả tự vị, Sài Gòn, Thanh tân.

5. Lê Ngọc Trụ (1993),Tầm nguyên tự điển Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Lê Trung Hoa (1998), Mẹo luật chính tả, Nxb Trẻ.

7. Lê Văn Đức (1970), Tự điển Việt Nam, Sài Gòn, Khai trí.

8. Vương Lộc (1980), Về một vài hư từ trong Quốc âm thi tập, Ngôn ngữ, số 4, 1980, tr. 9-14.