Phật tính trong trang viết Mang Viên Long

Dẫn nhập

Phật học và văn học là hai lĩnh vực có những điểm tương đồng và dị biệt. Những điểm tương đồng có thể thấy là: cả hai đều hình thành trong thế giới của con người; cả hai đều hướng đến việc đưa con người đạt đến cái hoàn mỹ, hoàn thiện và sự sáng suốt; cả hai đều triển khai trên ngôn từ…Những điểm dị biệt cũng không ít: nếu Phật học mang độ nén rất cao từ những -đúc kết- một lần -cho tất cả của Đức Phật thì văn học lại thường mải mê với những hiện tượng cá biệt, lạ thường (trong đời sống và trong ngôn từ); nếu Phật học đề cao trải nghiệm trực tiếp của từng cá nhân để thấu hiểu chính mình đạt đến trạng thái an định nội tâm, thì văn học lại đề cao trí tưởng tượng vô bờ bến cũng như có tham vọng ghi lại mọi sắc thái của đời, biểu hiện bằng các đủ các thủ pháp nghệ thuật để lay động con người; nếu Phật học cho rằng ngôn từ kinh sách chỉ như là “ngón tay chỉ mặt trăng” thường khi lời lẽ chữ viết làm sai lạc sự thật, thì văn học lại nghĩ rằng văn bản tồn tại như chính nó, càng đa nghĩa càng có giá trị, càng đưa con người vào mê cung, càng kích thích sự sáng tạo…

Từ khi nhân loại nhận được những lời chia sẻ của Đức Phật cho đến nay, biết bao người đã kế tục và diễn giải những lời ấy thành kinh sách. Phật học ngưng đọng và lan tỏa xuyên bao từ tầng tầng kinh sách. Có những bậc thức giả Đông-Tây đi vào thế giới kinh sách này, làu thông lịch sử, tư tưởng, quan niệm, nhân vật…của Phật giáo; cũng có những người chỉ hồn nhiên lạy và niệm Phật sống giữ lòng lành theo các giới. Đạo Phật bao dung nên có nhiều con đường để đến với Phật, nhưng dù là con đường nào thì cuối cùng đích đến vẫn là làm sao để mỗi người thấy được Phật tính trong ta.

Vậy Phật tính là gì? Giữa Phật học và Văn học là hai khung trời cách biệt như đã nói trên, làm sao có thể tìm thấy được Phật tính? Bài viết này xuyên qua những trang viết của Mang Viên Long để nhận ra diễn trình tư tưởng một nhà văn đi qua bao thử thách của số phận và bao bão giông của lịch sử, để rồi tìm thấy chính mình nhẹ nhõm ở cuối đời trong tâm thức tự do. Những tra vấn lớn như trên và những câu hỏi nhỏ hơn sẽ được trả lời lồng ghép trong phân tích văn bản: Biểu hiện của Phật tính trong trang viết Mang Viên Long? Nhờ đâu mà Phật tính phát sinh? Những nghịch lý giữa Phật học và Văn học được Mang Viên Long hóa giải thế nào?

Phật tính, những điều tưởng chừng như nghịch lý

Trong hình dung thông thường của nhiều người không phải là Phật tử, hay là Phật tử chưa thấm nhuần Phật pháp, thì đạo Phật là một tôn giáo mang đậm chất bi quan: câu nói “đời là bể khổ” và cách sống chay tịnh, khước từ các thú vui vật chất dường như là ám ảnh lớn nhất trong tâm thức nhiều người về đạo Phật. Trong thời gian hai năm giảng dạy tại Seoul Hàn Quốc, tôi nhiều lần được các tín hữu Tin lành nhiệt tình thuyết phục vào nhà thờ nghe giảng. Một vị giáo sư, dù biết tôi là Phật tử, vẫn mạnh dạn phân tích cho tôi thấy sự hơn kém nhau giữa hai tôn giáo: “Cô thấy không, tất cả các nước tin vào Chúa đều trở nên giàu có, còn các nước tin vào Phật đều nghèo”. Dùng một thành công hữu hình để phủ định một thành công vô hình, quả thật cách nói của ông rất ấn tượng, và có thể làm lay động nhiều người, nhất là những người đang hăm hở trên con đường kiếm tiền, kiếm danh cho chính mình nhằm thụ hưởng cao nhất mọi thú vui vật chất, hay những người tuyên bố là quyết tâm làm giàu để phát triển đất nước bằng mọi giá, hôm nay.

Tự ngàn xưa, Đức Phật, từ một trực giác khác thường của một trái tim nhạy cảm và cái nhìn xuyên thấu các lớp vỏ hiện tượng của đời sống, đã thoáng nhận ra cái bất ổn của kiếp người và rồi Người từ bỏ nếp đời nhung lụa quen thuộc để lên đường kiếm tìm Bến Giác.

Cái thoáng thấy thuở ban đầu ấy, qua những năm tháng trải nghiệm giữa chúng sinh và một mình suy tưởng, trầm tư, đã hiện hình rõ rệt trong tâm thức của Người. Tương truyền, sau khi giác ngộ, điều đầu tiên Đức Phật chia sẻ với năm người đồng đạo của mình ở vườn Lộc Uyển là ý niệm về Sự Khổ, chính là những gì tập trung thành Tứ Diệu Đế mà chúng ta biết hôm nay. Trong khi quan sát cõi người và lắng nghe lòng mình, Đức Phật lần lượt gọi tên thực trạng của đời người (Khổ đế - Dukkha), cội nguồn của thực trạng (Tập đế - Samudaya), mục tiêu thoát khỏi thực trạng (Diệt đế - Nirodha) và phương pháp vượt thoát thực trạng (Đạo đế - Magga). Bắt đầu bằng con đường đối mặt với sự thật, Phật giáo từ đây sẽ luôn luôn là một hành trình nhận thức và hành trình vượt thoát.

Từ trải nghiệm nhận thức và trải nghiệm vượt thoát của chính mình, Đức Phật có một niềm tin mãnh liệt là tất cả chúng sinh, ai cũng có thể đi theo con đường của Người để đạt đến chân hạnh phúc. Người nói rõ: Phật tính chẳng phải là đặc quyền của riêng ai, Phật tính có sẵn trong mỗi chúng ta. Ý thức về cái có sẵn ấy, lắng nghe, nuôi dưỡng và tưới tắm nó thường xuyên, chúng ta sẽ tỉnh thức và đạt đến sự bình an.

Nhìn thấy cái chướng ngại lớn nhất trong căn tính con người, nhưng lại tin rằng con người luôn có khả năng vượt thoát đạt đến sự tỉnh thức, như vậy Phật giáo là bi quan hay lạc quan? Không vướng vào cái nhìn nhị nguyên, đây là một thái độ khoa học đặc biệt của phương Đông mà lâu nay nó đã được gọi tên là minh triết. Có thể nói, từ rất sớm, tư thế của con người cá nhân đã được khẳng định cùng với Đức Phật, điều mà phương Tây mới có được từ sau cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789. Và con người ấy dám nhìn sâu vào tâm thức của mình, đối mặt với nguyên nhân hiện trạng bi đát của kiếp người, điều mà mãi đến cuối thế kỷ 19 Sigmund Freud mới nói ra trong phân tâm học, đã từng làm phương Tây sửng sốt. Nhưng nếu những thành tựu về giải phóng cá nhân và hiểu biết về đáy sâu vô thức của con người của phương Tây cuối cùng chỉ đưa đến một tình trạng loay hoay trong xung đột, cô đơn, hoài nghi (mà tinh thần của kỷ nguyên hậu hiện đại là biểu hiện rõ nét nhất), thì Phật giáo lại chỉ cho từng người chúng ta con đường để mang lại sự bình an và tự do nội tâm trong tương thông thấu hiểu và tin yêu con người.

Biểu hiện Phật tính trong trang viết Mang Viên Long

Mang Viên Long sinh ra và lớn lên ở An Nhơn, Bình Định trong một thời điểm lịch sử nóng bỏng của dân tộc (1944). Bước vào làng văn từ tuổi đôi mươi, đến nay ông đã có một đời văn hơn nửa thế kỷ[1] với hàng trăm truyện ngắn cùng tiểu thuyết, thơ ca, tạp bút, phê bình, tiểu luận, công bố trên các tạp chí trước và sau 1975, đã  tập hợp in thành 32 cuốn sách.

Những ai đọc kỹ Mang Viên Long, sẽ thấy, dù viết nhiều, Mang Viên Long không thuộc dạng nhà văn chuyên nghiệp, nghĩa là những người viết kỹ thuật, sống bằng nghề. Ông viết như một thiên hướng bẩm sinh và như một nhu cầu của người kinh qua cuộc đời, nếm trải quá nhiều đau đớn. Viết văn với ông, phần lớn là bày tỏ, là giải tỏa, là chia sẻ. Bóng dáng của nhà văn, vì vậy, có mặt trên hầu hết các trang viết của ông, nhẹ thì như một cái nhìn, rõ hơn là nhân vật cùng có mặt với những nhân vật khác, đậm nhất là những trang tự thuật hay hồi ký. Chất tưởng tượng, hư cấu và sự sắp xếp để tạo nên kịch tính cho câu chuyện ít được Mang Viên Long đẩy lên đến mức tối đa để tạo thành một thế giới huyễn tưởng, hoặc một thế giới phô diễn ngôn từ. Không, văn chương Mang Viên Long phả ra cái nhịp đập tự nhiên của tâm tình mình, cũng như phác vẽ lại những mảnh đời trôi dạt trong bão dông lịch sử mà thường khi ông nhìn thấy. Những tên sách Trên đỉnh sa mù, Mùa thu trống trải, Có những mùa trăng, Thân như ngọn cỏ, Như giọt sương…mang lại cho chúng ta một cảm giác về cái nhẹsự tương thông của con người với tự nhiên. Đó là thời kỳ trước 1975, dù không ít khó khăn, bất hạnh, Mang Viên Long đã học hành và được làm việc với khả năng chuyên môn vốn có của người trí thức. Đoạn đời dài nhất, gần như bị dạt ra ngoài lề, của nhà giáo, nhà văn Mang Viên Long là sau 1975. Nhiều biến cố chung, riêng dữ dội quá, tưởng chừng ông đã bị nhấn chìm trong tuyệt vọng, nhưng không, 28 năm sau, năm 2003, ông có sách trở lại (tập truyện Biển của hai người) và từ đó, như một hồi sinh mạnh mẽ, Mang Viên Long viết ồ ạt, xuất bản đều đặn được 23 cuốn với nhiều thể loại.

Đọc kỹ Mang Viên Long, sẽ thấy Phật tính trong trang viết của ông biểu hiện thành hai dạng: một dạng tiềm ẩn, bàng bạc qua cảm hứng của một nhà văn và một dạng hiển lộ, diễn giải trực tiếp qua tấm lòng thành tín của một Phật tử. Hai dạng này cũng nằm ở hai giai đoạn: trước và sau khi cả nhà ông quy y, từ biến cố khó giải thích của gia đình riêng.

Những trang viết thời trẻ và trước khi quy y (với Pháp danh Sơn Thành rồi Huệ Thành) của Mang Viên Long đã có bóng dáng của Phật, với những từ ngữ tự nhiên hay một niềm tin dung dị. Nhiều lần ngôi chùa xuất hiện trong truyện như một nơi nương tựa cho những nhân vật mà cuộc đời gặp quá nhiều nỗi oan khiên (“Đi tìm kẻ mất tích”, 1971, trong Phố người). Những nhân vật mang bóng dáng nhà văn thường khước từ sự thô bạo hay cay đắng: “Anh muốn tất cả đôi mắt nhìn nhau với đôi mắt nhìn của một con chim hiền từ” (“Vội vàng”, 5-1972, trong Tuyển tập truyện ngắn 1). Giữa vỉa hè Sài Gòn, lời nói buột ra bất ngờ một nhân vật nữ bán cà phê “Cuộc đời cũng chỉ là nơi tạm trú thôi”, làm Vĩnh, nhân vật nam vừa mới ra trại cải tạo, bàng hoàng: “Cô gái trẻ ấy, cô hàng café lề đường, sao lại nghĩ ra được điều sâu kín ấy nhỉ?” (“Những kẻ tạm trú”, 1999, trong Tuyển tập truyện ngắn 1, tr. 213,). Một Khang, qua những biến cố thời cuộc, vợ con ly tán qua xứ người, ở lại quê nhà dựng lều trồng trọt “đêm đêm nằm trên chiếc chõng tre bên hiên nhà  tham tán kinh sách, giữ gìn ba thời công phu nghiêm mật (…) anh cứ điềm nhiên nhìn mọi sự đến đi qua đời mình từng ngày khó nhọc như cái nhìn của một người khách lạ” (“Căn lều của người anh họ”, 2010, trong Tuyển tập truyện ngắn 1, tr.262).

Trước 1975, nhiều truyện ngắn của Mang Viên Long in đậm dấu vết của chiến tranh, sau 1975 là  những chia cắt, xáo trộn trong hòa bình. Cái chết không hề thiếu trong văn chương ông, cũng như những điều tàn nhẫn phi lý do con người đặt ra để làm khổ nhau (“Chim bay về đâu”, 1985, Tuyển tập truyện ngắn 1). Những gặp gỡ, những mối giao tình trong không gian miền Trung, đặc biệt là Quy Nhơn, Tuy Hòa, hiện lên nhiều lần với nhân vật trở về và ra đi gần như không quyết định được gì cho cuộc sống của mình, không neo một nơi nào rõ rệt. Ngoại cảnh như sóng dữ, có thể cuốn trôi mọi cái, con người có thể làm gì? Một lởi nhắc lớn của Đại sư Narada trầm vang trong ngôi nhà văn chương Mang Viên Long: “Có điều ta luôn có thể làm được, đó là giữ Tâm bình thản như đất” (“Cũng chỉ là giấc mơ”, 2012, trong Tuyển tập truyện ngắn 2).

Từ tác phẩm của Mang Viên Long, ta nhận ra một sinh hoạt đặc biệt chỉ có một thời xa, đó là viết thư cho nhau, như một nhu cầu. Thư giữa những người yêu nhau, thư cho bạn văn. Và tình cảm đến từ đó, rất tự nhiên, tin cậy, hoàn toàn không mưu cầu, không vị lợi. Có lẽ những tương giao thế này đã nâng đỡ bao người, trong đó có Mang Viên Long (“Tiên Thủy”, 1972, trong Tuyển tập truyện ngắn 3, “Người lưu giữ bản thảo, 2010, trong Tuyển tập truyện ngắn 2).

Càng về sau, trong nhiều trang viết bề bộn của mình, đời sống và Phật pháp xen kẽ nhau cùng hiển lộ rõ rành trên câu chữ. Không gian quen thuộc trong truyện ngắn Mang Viên Long là quê nhà, tình huống thường gặp là chuyến trở về, thăm viếng nhau và trò chuyện. Có những nhân vật người già sống âm thầm sau bao biến cố, cô đơn trong sự bạc bẽo của những đứa con, đã tìm đến sự bằng an bằng Phật pháp (“Một đêm ở quê nhà”, 2004, trong Tuyển tập truyện ngắn, 2). Có những tình bạn biết nhau tấm lòng nhờ thời khốn khó (“Về lại chốn xưa”, 2008, trong Tuyển tập truyện ngắn, 2). Có những yêu thương “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, không đi đến cùng nhưng vẫn có khả năng bù đắp (“Cảm ơn nhau”, 2010, trong Tuyển tập truyện ngắn, 2). Những phận đời cô lẻ, sống ơ hờ giữa thiên hạ, láng giềng và chết đi nhẹ nhàng như cây cỏ. Sự có mặt tự nhiên của các ngôi chùa và các sư thầy trong những tình huống cần giúp đỡ (“Lão Tư Kéo”, trong Tuyển tập truyện ngắn, 2).

Gần tới tuổi 70, một trong những cảm hứng lớn của Mang Viên Long là kể về con đường ông đến với Phật, nhiều trang sách, ông gần như dành trọn hứng thú chữ nghĩa cho việc chia sẻ về Phật pháp. Như những giọt sương (1,2,3, 2012, 2013, 2014) Tôi đến với Phật (Tiểu luận và tạp bút, 2014) nói đến “duyên ngẫu nhiên mầu nhiệm”, Như áng mây trôi (hồi ký, 2015) tái hiện hành trình làm người với duyên tu tập và duyên chữ nghĩa; Đôi bờ nhân duyên (2018) là truyện dài được xây dựng trên cảm hứng về Ni sư Thích Nữ Trí Hải (1938-2003) và rất nhiều bài đăng rải rác xen kẽ trong những tập sách khác. Những trang sách này có thể cung cấp cho chúng ta những dữ liệu cụ thể về hoạt động nhà văn Phật tử Huệ Thành- Mang Viên Long, đặc biệt là giúp ta cắt nghĩa lý do, điều kiện nào nhà văn đến với Phật. Có thể nói, Phật tính nơi những trang viết này trỗi lên trên bình diện ý thức, với những diễn giải trực tiếp về tư tưởng nhà Phật.

Có một sự giống và khác nhau nào giữa trang viết Mang Viên Long trước và sau 1975? Vẫn là cái nhẹ ấy nhưng xưa là cái nhẹ bay bay trữ tình, mơ mộng, nay là cái nhẹ giản dị, dễ dàng của sự khiêm cung buông bỏ, trong cả hình ảnh, câu chuyện và chất văn. Những nhan đề vẫn theo phong cách cũ: Như những giọt sương (1,2,3), Như áng mây trôi, Cũng chỉ là giấc mơ, Một chữ tình để lại, Đôi bờ nhân duyên…, bảng lảng chất vô thường thu nhận được từ nhân duyên Phật pháp cũng như từ suối nguồn vũ trụ.

Cái nhẹ ấy trong trang viết phải chăng đã hé lộ ít nhiều một tâm hồn không đắm đuối quá với cõi đời để có thể nảy sinh trong mình những trạng thái tham, sân, si như lẽ thường của con người, đặc biệt là người nghệ sĩ?

Ngay từ thời trẻ, viết về chính nỗi đau hay về cái xấu, của mình hay của người, trang văn của Mang Viên Long thường điềm tĩnh. Ông không phê phán mà thường ghi nhận. Một bút pháp nhẹ, ấm áp, tràn đầy lòng xót thương cùng với lòng biết ơn. Mang Viên Long xót thương ai? Ông xót thương người và xót thương mình. Lạ thay, lủi thủi trong mồ côi, chật vật trong nghèo túng, đau khổ trong những đối xử bất công, bất hạnh trong những tình huống gần như phi lý, thế mà cái mầm xanh yêu thương vẫn náu mình nhẫn nhịn chờ ngày nở lộc, trổ hoa. Nói theo phân tâm học Freud, có thể cho rằng trong Mang Viên Long phần bản năng sống (eros) nhiều hơn, nhưng có lẽ chính xác là cái đức từ bi và nhẫn nhục, những dấu hiệu của Phật tính đã có nơi ông từ thiên tính. Những nhân vật trong tác phẩm Mang Viên Long mang nhiều đường nét ấy, họ là những người trẻ ít bị hút vào các thú vui tầm thường, có nhu cầu tinh thần cao, thường tin ở lẽ đời tốt đẹp. Phố người (tập truyện, 1971) có nhiều truyện cho thấy các nhân vật của ông có một tương giao đặc biệt với tự nhiên. “Một cõi đời riêng” (Phố người) mở đầu bẳng những giòng văn đẹp tràn đầy cây cỏ, đất trời: “Khắp nhìn xuống mặt sân cát còn mịn hơi sương phủ đều những cánh hoa sầu đông trắng nhụy tím thâm với nỗi ngạc nhiên nhẹ nhàng thích thú về một khám phá thêm cho căn nhà cũ của mình. Trong cơn gió sớm gây gây lạnh mùi thơm hoa sầu đông sực nức tràn đầy khứu giác anh đến nỗi nó ám ảnh rồi quyến rũ anh, khiến anh nghĩ chỉ có buổi sáng này là buổi sáng bình yên, hạnh phúc nhất từ lúc anh trở về mở toang đôi cánh cửa nhện giăng bụi phủ mà anh đã bỏ đi bặt tăm mấy năm ròng” (tr.7). Trăng xuất hiện nhiều trong văn Mang Viên Long, như một vẻ đẹp của bình an, trong trẻo, có mặt hằng tháng giữa trời, nhưng vẫn trở thành cái ngạc nhiên: “Tối nay mặt trăng hiện ra thực kỳ lạ. Từ cửa sổ nhà Hiếu tôi đã trông thấy mặt trăng tròn, đầy, sáng trong, chếch trên ngọn sầu đông. Bầu trời quang đãng. Tôi nhìn mặt trăng như lâu ngày nhìn thấy một thiếu nữ đẹp. Tôi đứng yên thực lâu ở cửa sổ, nhìn, lòng cảm thấy cũng mới mẻ như trăng trong”. (“Bóng mây”, tr.5). Nhất là khi trăng thuộc về một không gian u huyền đặc biệt của Bình Định, đã làm thao thức bao người nghệ sĩ Việt (“Trăng sáng trong thành Đồ Bàn”, 1972, Tuyển tập truyện ngắn 2, “Tiếp nối những mùa trăng tuổi thơ”, 1990, “Buổi tối trước hiên nhà”…).

Một con người quẩn quanh trong không gian xã hội, chỉ đắm trong những vấn đề của con người, không thường xuyên có những cảm xúc về tự nhiên hẳn Phật tính trong họ sẽ ngủ yên và ngày càng mờ nhạt. Bởi tự nhiên, với cái đẹp thuần khiết cùng những quy luật âm thầm mà bí nhiệm của nó sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều những hiểu biết đích thực về sự sống.

Nhờ đâu mà Phật tính phát sinh?

Trước hết, có thể nói là Mang Viên Long đi từng bước vững chắc đến với Phật là nhờ những trải nghiệm trực tiếp về cái khổ. Từ bé ông đã chứng kiến những mất mát và đổi dời ghê gớm trong gia đình và xã hội. Ký ức tuổi thơ ấy vĩnh viễn không phai mờ, tất cả đã trở thành chất liệu trong trang viết của ông. Khi ông còn là bào thai 6 tháng trong bụng mẹ: cái chết của cha là mất mát đầu tiên. Cuộc “đi bước nữa” của mẹ ông dẫn đến những xáo trộn gia đình và căn bệnh nan y của mẹ ông, đã bứt bà ra khỏi Mang Viên Long khi ông 6 tuổi. Buổi tối tin dữ đến và những đứa trẻ chạy trong mưa gió là một trải nghiệm bàng hoàng. Rồi đòn roi của người anh khắc nghiệt, cộc cằn. Rồi những ngày đi học đói rách đầy tủi hổ giữa bạn bè. Và có lẽ tận cùng nỗi khổ là cái ngơ ngác không hiểu vì sao người phối ngẫu của mình lại trở thành xa lạ. Bên cạnh đó, cái khổ mà xã hội mang lại cũng không hề nhỏ. Bình Định khói lửa trong kháng chiến chống Pháp. Miền Nam 21 năm nội chiến. Hòa bình, bị dạt ra ngoài lề xã hội, mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Có lẽ, những cái khổ từ xã hội nhiều người ở thế hệ ông cũng phải kinh qua, và khi ấy ông cũng đã là người ít nhiều từng trải, nên ông đón nhận chúng như một lẽ đời biến dịch. Thấm thía cái khổ là một trong những điều kiện đầu tiên để thấu hiểu điều Phật dạy. Thuở ban sơ, Mang Viên Long đón nhận và thể hiện cái khổ trong văn chương mà ít khi phân tích để xác định nguồn cơn. Về già, được đi vào kinh sách và nương nhờ cửa Phật, nhà văn hiểu được đầy đủ nên tự mình hóa giải và nhiệt thành quảng diễn những điều ông biết.

Nhưng không phải ai đi qua cái khổ cũng có thể phát lộ Phật tính nơi mình, mà lắm khi ngược lại. Có những dẫn dắt nào đó ngoài chủ định của ta mang ta đến bến bờ lành, nhà Phật gọi là Duyên. Trong nhiều trang viết, Mang Viên Long đã kể về các nhân duyên trong đời mình với lòng biết ơn chân thành.

Trước hết là người mẹ yêu. Dù chỉ thoáng qua có 8 năm trong đời ông, người mẹ ấy đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Người mẹ ấy đẹp và yếu đuối, đã có một bước đi lầm lạc với người chồng sau, nhưng người mẹ ấy luôn có một niềm tin rõ rệt: hãy niệm “Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát” khi lòng cảm thấy bất an. Niềm tin ấy đã được trao lại cho Mang Viên Long như chiếc bùa hộ mệnh, là hạt giống đầu tiên.

Rồi những ngôi chùa. Có lẽ trong căn nhà thời tuổi nhỏ của ông, ánh sáng của Phật đã chiếu vào rất sớm, để có lời niệm Phật, để có những ngày mẹ con cùng đến chùa lễ bái. Ngôi chùa từ đó đã đi vào nhiều trang viết Mang Viên Long như một nơi chốn bảo bọc bình yên. Nhà chùa gắn với hình ảnh mẹ; nhà chùa, nơi trú ẩn thuở mồ côi bị đòn roi; nhà chùa, nơi tá túc những ngày lang bạt vì gia đình bất ổn; nhà chùa và những cuộc đàm đạo với những bậc chân tu lặng lẽ… Tôi tự hỏi, phải chăng “Ngôi chùa trong văn học Việt Nam”, là đề tài cần nghiên cứu?. Dù hiện nay không phải ngôi chùa nào cũng thanh tịnh, như chúng ta thử hình dung nếu đất nước mình thiếu những ngôi chùa?

Tịnh khí và linh khí của ngôi chùa không chỉ ở con người. Bình Định, nơi mà Mang Viên Long được sinh ra, phải chăng là mảnh đã mang đến nhiều năng lượng lành cho thế giới tâm linh? 

Bằng hữu và đạo hữu đã có mặt trong trang viết của Mang Viên Long như một niềm vui. Nhờ gắn với văn chương và duyên may gặp Phật mà ông được giao kết với nhiều người đồng điệu. Rất nhiều những trao gởi quý trong đời ông: kinh sách từ người chị của Y Uyên và đọc và chép kinh hằng đêm. Là chiếc tượng Phật Di Lặc bằng đá trắng nằm lặng lẽ trong Tòa Lãnh sự Mỹ một ngày tháng Tư hỗn loạn. Là chiếc tượng Phật Thích ca bằng gỗ xin được trong một lần đi sửa khóa. Đọc Mang Viên Long, có thể nhận ra là ông ít vướng mình vào thế giới đa màu nghệ sĩ mà lại ngả về các tương giao nhẹ đạm của thiền môn: Thầy Giác Lượng, Thầy Thiện Đạo, Thầy Minh Tâm… đã đi vào trang viết của ông, được ông gọi là những ân sư với lòng tôn kính.

Nghịch cảnh cũng “tạo duyên”, khi con người có tâm lành. Với những con người để lại đớn đau cho đời mình, Mang Viên Long gọi là “Bồ Tát nghịch hạnh”: đó là người anh ruột cứng rắn, cộc cằn, mà sau này ông từng ra tay giúp đỡ, không hề oán giận; đó là người phối ngẫu bất ổn để lại cho ông một nỗi hoang mang lớn và những ngày lìa nhà đi tìm trú xứ, rồi cuối cùng hiểu ra được là tơ duyên đã tận mà không trách hờn.

Nhưng cuối cùng cũng phải trở về với chủ thể. “Phật tính có trong tất cả chúng ta”, nhưng mỗi người phải tự đánh thức Phật tính cho mình. Mang Viên Long đã đi tìm và đã thấy. Đi qua cuộc đời, ông nếm trải, nhẫn nhịn, chịu đựng mà sống đàng hoàng, tử tế. Không phản kháng, cay đắng và oán trách để tạo thêm nghiệp dữ trong văn chương và trong đời sống, Cuối cùng nơi trang viết Mang Viên Long chỉ còn lại sự thương xót, lòng tha thứ và biết ơn mà thôi.

Những nghịch lý giữa Phật học và Văn học được Mang Viên Long hóa giải thế nào?

Những ai yêu văn chương thường nhận ra rằng sức hút của văn chương đối với chúng ta trước hết là cái mỹ lệ, cái độc đáo của ngôn từ. Thời tuổi trẻ, Mang Viên Long xuất hiện bên cạnh những bạn văn khác và đã ghi được dấu ấn nhất định nhờ bút pháp trộn lẫn chất trữ tình và chất hiện thực của ông. Nhân vật ở truyện Mang Viên Long đa dạng nhưng không gian thường là chốn quê nhà: Bình Định và Phú Yên. Có thể nói, ông viết về những điều trông thấy, và về đời sống bềnh bồng trôi giạt của chính mình. Trang viết của ông nét thực khá nhiều. Thời cuộc, chiến tranh, ly tán, đói nghèo, những khát khao tinh thần và tình cảm của người trí thức trẻ đã in dấu nơi ấy, có thể gợi cho người đọc lúc bấy giờ và hôm nay nhiều cảm xúc khác nhau.

Cái cảm hứng đa sắc về đời thường ấy của nhà văn, trong những năm gần đây đã chuyển qua cái cảm hứng tinh tuyền về giáo lý của người Phật tử. Có thể nhận ra những thay đổi về cách viết. Đơn giản và xác thực, thậm chí mộc mạc, phải chăng trang viết Mang Viên Long muốn hướng đến một tầng lớp khác đông đảo hơn, cho tất cả những ai đến với Phật; hay là ông nhận ra rằng ngôn từ của nhà Phật trọng sự thuần phác, tự nhiên? Những tục lụy cũng dần dần thoáng qua như là nhân tiện nói về, chứ không say sưa miêu tả để người ta mải mê với chúng.

Có một điều cần phải thấy là, trong tình yêu lớn này, Mang Viên Long vẫn còn sôi nổi lắm. Ông viết nhiều hơn, vội hơn, đôi khi ít trầm sâu. Có lẽ ngoài sự thôi thúc của nội tâm, vẫn còn nhiều lý do khác nữa mà ta chưa biết hết…

Dõi theo hành trình văn chương của Mang Viên Long để tìm ra Phật tính, người viết bài này vừa ngạc nhiên về số lượng tác phẩm, vừa mừng vì khả năng sao lục và công bố lại gần như toàn bộ những gì Mang Viên Long đã viết, nhưng khá bối rối vì cách trình bày sắp xếp trong từng tập, đặc biệt là bộ ba Tuyển tập truyện ngắn: hầu hết các truyện cuối trang viết đều có ghi thời điểm sáng tác hoặc công bố, nhưng khi đưa vào tuyển tập thì không theo trình tự ấy. Lại tự hỏi: tác giả có phần sơ suất hay là có chủ ý riêng?

Để kết thúc bài viết cũng khá rườm lời này, chúng tôi xin dẫn lại ý kiến ngắn gọn, hàm súc mà cởi mở của Hòa thượng Thích Thiện Đạo, vị ân sư đã từ lâu lặng lẽ dõi theo, ân cần giúp đỡ và hiểu rõ Mang Viên Long: “…đường vào Phật pháp của Huệ Thành- Mang Viên Long “vừa có nhiều túc duyên, nhưng cũng rất bất chợt”, “Anh đã tiếp cận Phật pháp từ nhiều góc độ, nhiều cảm xúc của một nghệ sĩ giàu tình cảm. Tôi hy vọng có nhiều văn hữu, bạn Đạo cũng tiếp cận Phật pháp như cách của anh: Rất gần gũi, tự nhiên, nhẹ nhàng và trong sáng” (“Thư chia sẻ của Hòa thượng ân sư Thích Thiện Đạo”, Tôi đến với Phật, tr.7).

                                                                        Sài Gòn, 28-6-2018

                                                                        NGUYỄN THỊ THANH XUÂN

Tác phẩm đã đọc (Theo trình tự thời gian xuất bản)

  1. Mang Viên Long, Phố người (Tập truyện), NXB. Đồ Bàn, Sài Gòn, 1971.
  2. Mang Viên Long, Tôi đến với Phật (Tiểu luận và tạp bút), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2014.
  3. Mang Viên Long, Cũng chỉ là giấc mơ (Truyện ngắn), NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2015.
  4.  Mang Viên Long, Tuyển tập truyện ngắn, tập 1, NXB. Hội nhà văn, Hà Nội, 2015.
  5. Mang Viên Long, Như áng mây trôi (Hồi ký), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2015
  6. Mang Viên Long, Tuyển tập truyện ngắn, tập 2, NXB. Hội nhà văn, Hà Nội, 2016.
  7. Mang Viên Long, Tuyển tập truyện ngắn, tập 3, NXB. Hội nhà văn, Hà Nội, 2016.
  8. Mang Viên Long, Một chữ tình để lại (Tạp bút và truyện ngắn), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2017.
  9. Mang Viên Long, Đôi bờ nhân duyên (Truyện dài), NXB. Hội nhà văn, 2018.
  10. Mang Viên Long, Nhà có bông vạn thọ (Truyện ngắn và tạp bút), NXB. Hội nhà văn, Hà Nội. 2018.

 


[1] Có lẽ những truyện ngắn đăng sớm nhất của Mang Viên Long là “Thác ghềnh”, tháng Giêng, 1967 (trong Tuyển tập truyện ngắn 2, NXB Hội nhà văn, 2016)“Mùa xuân bay xa”, 1967,  “Khung cửa sổ” 7-1967  (trong Tuyển tập truyện ngắn, 1, NXB. Hội nhà văn, 2015)

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và văn học Bình Định, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, 2018, tr. 315-332.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60758675
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2845
10454
60758675

Thành viên trực tuyến

Đang có 220 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website