Hiện tượng mượn âm trong địa danh Việt Nam

1.Trong tiếng Việt có một hiện tượng rất đáng quan tâm mà chúng tôi tạm gọi là “mượn âm”. Hiện tượng này diễn ra trong các từ ngữ hằng ngày và cả địa danh. Trước khi miêu tả hiện tượng xảy ra trong địa danh, chúng tôi đề cập đến một số trường hợp trong từ ngữ thông thường.  

2.Trong từ ngữ hằng ngày, chúng tôi chia làm mấy loại nhỏ.

2.1.Trong nội bộ tiếng Việt, một số từ có âm na ná nhau, từ này đã mượn âm từ kia. Xin nêu một thí dụ tiêu biểu.

Bồ bịch trong tiếng Việt ban đầu là tên hai nông cụ. Cái bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; cái bịch cũng là dụng cụ đựng lúa nhưng không có đáy, lấy nền nhà làm đáy. Ca dao xưa có câu:

Bởi anh chăm việc canh nông,

Cho nên mới có bồ trong, bịch ngoài.

Đồng thời trong tiếng Việt có từ bầu / bậu (bạn) có một biến âm thành bồ, theo kiểu: thi đậu – thi đỗ, đậu xanh – đỗ xanh,…Thế là do có hai tiếng bồ đồng âm, ta có từ bồ bịch thứ hai, chỉ bạn trai, bạn gái.

2.2. Những từ nước ngoài có âm tương tự tiếng Việt đã mượn âm từ của tiếng Việt. Xin nêu hai thí dụ.

Đu-riêng là tên một loại trái cây trong tiếng Malaysia. Khi tên loại cây này du nhập vào tiếng Việt, gặp một từ tổ có âm tương tự là sầu riêng (“nỗi sầu riêng tư”), thế là người Việt gọi là trái sầu riêng.

Saucisse là một từ của tiếng Pháp, có nghĩa là dồi, “món ăn được làm bằng ruột lợn nhồi thịt hun khói và luộc nhỏ lửa”. Khi món ăn này được người Việt tiếp thụ, gặp một từ có âm tương tự, nó liền mang tên xúc xích.

3. Chúng tôi tìm được ít nhất 20 đơn vị trong địa danh Việt Nam và 2 đơn vị trong đia danh nước ngoài ra đời bằng hiện tượng mượn âm. Trong số địa danh này có thể chia làm hai nhóm.

3.1.Trước hết là các địa danh có nguồn gốc các ngôn ngữ trong nước và của các ngôn ngữ dân tộc láng giềng.

Bò Đái là khe trong núi ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Còn có tên Ồ Ồ, vì tiếng nước chảy, ở xa đến 10km vẫn nghe [12]. Bò Đái gốc Tày-Nùng Bó Đảy, nghĩa là “nguồn nước có nhiều cây nứa tép” [6].

Bố Đức là quận thay thế cho quận Bù Đốp từ ngày 19-5-1958, đến năm 1977 thì bỏ. Nay thuộc tỉnh Bình Phước. Ở tỉnh Thanh Hóa, vào đầu tk 20, cũng có tổng Bố Đức. Bố Đức là một phần của thành ngữ thi ân bố đức, có nghĩa là “làm ơn, ban đức”. Bù Đốp là địa danh gốc S’tiêng: Bù là “làng”; Đốp: con dọc, môt loại khỉ to [9]. Ngữ âm hai từ tổ Bố Đức và Bù Đốp gần giống nhau nên mới có hiện tượng mượn âm ở đây. Chính quyền đương thời chủ trương Việt hoá các địa danh gốc thiểu số nên dùng từ tổ này thay từ tổ kia.

Chứa Chan là núi ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cao 859m. Chứa Chan gốc Chăm, dạng gốc là Chư Chan. Chư là “núi”; Chan : chưa rõ nghĩa. Chư Chan gần âm với chứa chan của tiếng Việt nên đã mượn âm của từ này.

Cù Lao là đảo nhỏ ngoài khơi tp. Nha Trang. Cù Lao gốc Mã Lai Pulaw, là “hòn đảo”. Trong tiếng Việt đã có sẵn từ cù lao (“công lao khó nhọc của cha mẹ”) có âm na ná pulaw nên pulaw mang vỏ ngữ âm của cù lao. Người Chăm cũng gọi tương tự: palao “hòn đảo” [129].

Hà Lan là đèo ở huyện Krông Búc, tỉnh Đắc Lắc. Hà Lan gốc Ê Đê, nguyên dạng là Hlang, nghĩa là “cỏ tranh” [13]. Hlang đã mượn âm Hà Lan, tên một quốc gia ở châu Âu.

Hàm Rồng là núi ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, cao 1.025m. Hàm Rồng gốc Ba Na Kông Hơdrong, nghĩa là “núi cao” [11] và gốc Gia Rai Chư Hơdrung cùng nghĩa.

Kế Sách là huyện của tỉnh Sóc Trăng, diện tích 342,9km2, dân số 158.000 người (2006), gồm một thị trấn và 12 xã. Kế Sách dùng để phiên âm một địa danh gốc Khmer Ksach, có nghĩa là “cát”, vì địa bàn này ở sát biển.

La Ngà là sông nhánh chảy qua tỉnh Bình Thuận, đổ vào sông Đồng Nai ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, dài 272km. La Ngà gốc Cơ Ho Lơnga, nghĩa là “hạt mè” vì ở lòng sông có nhiều viên đá trắng đen như hạt mè, được khoác tên tre la ngà hoặc là ngà vì gần âm.

Lạc Dương là huyện của tỉnh Lâm Đồng, diện tích 1.513,8km2, dân số 25.300 người (2006), gồm 7 xã. Lạc Dương vốn là tên một thành ở Trung Quốc. Ở tỉnh Lâm Đồng, vùng này có nhiều người thuộc bộ tộc Lạc (dân tộc Kơ Ho) sinh sống nên người ta gọi vùng này là Lạc Dờng (nhiều người Lạc). Ngữ âm hai địa danh gần nhau nên người Việt đã mượn tên Lạc Dương để phiên.

Long Hồ cũng là huyện của tỉnh Vĩnh Long, diện tích 193km2, dân số 147.400 người (2006), gồm một thị trấn và 14 xã. Long Hồ gốc Khmer Lon Hor, nghĩa là “chim bói cá”[14]. Có lẽ do Long Hồ “hồ rồng” là địa danh đã có sẵn (thuộc huyện Kim Trà, Huế [2], nay là xã của huyện Hương Trà) nên Lon Hor mượn âm thành Long Hồ.

Phó Bảng là núi ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cao 1485m và là thị trấn ở huyện của tỉnh trên. Phó Bảng gốc Pu Péo, nguyên dạng Mơbiêng [7]. Phó bảng là học vị tiến sĩ (loại vớt), được định thêm từ năm 1829. Vì Mơbiêng có âm na ná Phó Bảng, người Kinh dùng một từ tổ có sẵn trong tiếng Việt để phiên.

Rù Rì là đèo ở phía bắc tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, trên quốc lộ 1A, cao 85m. Có hai cách giải thích: 1. Vì trên đèo có loại cây rù rì. 2. Sở dĩ gọi đèo này là Rù Rì vì tên kỹ sư sửa sang đường sá cho dễ đi qua đèo tên là Rury [8]. Thuyết 1 ít thuyết phục vì cây rù rì chỉ mọc ở gần chỗ có nước, không mọc trên cao. Thuyết 2 có thể đúng vì trong tiếng Việt có hiện tượng “mượn âm”: những từ ngữ trong ngôn ngữ khác khi được người Việt sử dụng mà có âm na ná tiếng Việt thì mang vỏ ngữ âm của từ tiếng Việt. Thí dụ: Địa danh Ksach “cát”của tiếng Khmer chuyển thành tên huyện Kế Sách (có nghĩa là “ mưu mô, chước móc”). Ở đây có sự mượn âm, không cần ý nghĩa.

Sa Thầy là huyện của tỉnh Kon Tum, lập năm 1979, diện tích 2412km2, dân số 25.100 người (2006), gồm một thị trấn và 9 xã. Sa Thầy có lẽ bắt nguồn từ tên gọi ở địa phương sông Đắc Hơdrai (chưa biết nghĩa). Tên huyện do tên sông mà ra.

Săng Đá là thành ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, xây năm 1868. Săng Đá gốc Pháp Soldat, nghĩa là “lính” vì nơi đây trước kia là khu quân sự. Soldat mượn âm tên cây săng đá, một loại cây gỗ rất cứng, vì hai từ có ngữ âm gần nhau.

Tạ Ân là địa điểm ở tỉnh Sóc Trăng.Tạ Ân gốc Khmer Tà Âng / Tà On, nghĩa là “ông Âng/ On”, vì tạ ân là từ có sẵn và gần âm nên Tà Âng mượn âm.

Tàu Hủ là kinh ở giữa các quận 5 và 8, tp. HCM. Nguyên trước đó là con rạch cạn, có chỗ eo lại, thuyền bè khó đi. Phó tổng trấn thành Gia Định Huỳnh Công Lý được giao nhiệm vụ chỉ huy nạo vét khúc rạch từ cầu Thị Thuông hay Bà Thuông đến kinh Ruột Ngựa, dài 5.181m, với 11.460 dân công, hoàn thành ngày 23-1 năm Kỉ Mẹo (1819) và được đặt là An Thông. Nhưng người bình dân gọi là kinh Cổ Hũ vì rạch trước đó có chỗ eo lại như cổ cái hũ. Tàu Hủ và Cổ Hũ có từ gần âm (Hủ – Hũ) nên người bình dân gọi tên này lẫn sang tên khác.

Tri Tôn là huyện của tỉnh An Giang, diện tích 598,1km2, dân số 112.000 người (2006), gồm 2 thị trấn Tri Tôn, Ba Chúc và 13 xã. Cũng gọi Xà Tón. Địa danh này được Hán Việt hoá năm 1956. Tri Tôn gốc Khmer, nguyên dạng Sva Téanh hay Sva Tôn, nghĩa là “khỉ níu kéo” vì ngày xưa đây là vùng hoang dã, khỉ thường quấy rối khách qua đường [14]. Sở dĩ Xà Tón bị nói chệch thành Tri Tôn vì trong tiếng Việt đã có sẵn từ tổ Hán Việt Tri Tôn, nghĩa là “biết tôn trọng” và là đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.

Xót Xa là núi ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Xót Xa bắt nguồn từ ngôn ngữ dân tộc thiểu số Xốc Xa (chưa biết nghĩa), nơi điểm quân và mặc niệm quân sĩ bị tử trận [5]. Đây là hiện tượng mượn âm vì Xốc Xa và Xót Xa gần âm.

An Bang là đảo ở phía nam quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. An Bang là từ Hán Việt phiên âm từ tiếng Pháp Annboine, sau ngày 30-4-1975 [3]. Annboine có lẽ là cách viết sai của địa danh Amboine, tên thủ đô của quần đảo Moluques – thuộc địa của Hà Lan – ở Indonésia (Larousse). Đây là hiện tượng mượn âm trong địa danh vì Amboine và An Bang gần âm.

Bái Tử Long là vũng biển trong vịnh Hạ Long, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Bái Tử Long là từ Hán Việt. Có người cho rằng vì vịnh đẹp như vịnh Tulon ở Pháp nên người Pháp gọi là Baie Tulon, sau người Việt chuyển hoá thành Bái Tử Long [10]. Thật ra, ở Pháp không có địa danh Tulon, mà chỉ có Toulon (đọc là “tu – lông”), tỉnh lỵ tỉnh Var, nằm bên bờ Địa Trung Hải. Vậy dạng gốc là Baie Toulon. Việc giải thích này có lý, vì có hiện tượng mượn âm trong tiếng Việt.

Xa Cách là cầu trên tỉnh lộ 781, thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, dài 38m, rộng 9m. Xa Cách vì bên cạnh cầu trước đây một đồn của lính Pháp đóng có tên C4, ý người Pháp nói đồn này do Đội 4 (Compagnie quatre) mà C4 là cách viết tắt, đọc rất gần âm xa cách nên người địa phương mượn âm có sẵn như thế. Tương tự: ở Đồng Tháp có kênh Cách Bích (Quatre Bis).

3.2.Nhóm thứ hai gồm hai địa danh nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng của hiện tượng này.

Kampot là một tỉnh của Campuchia, ở sát biên giới Việt Nam. Người Việt gọi tỉnh này là Cần Vọt. Sở dĩ người Việt gọi thế vì trong tiếng Việt có một từ tổ gần âm với Kampot, chỉ loại gàu múc nước giếng gồm một “cần bằng thân cây tre, cố định vào một trụ chắc, đầu gốc có buộc vật nặng làm cho đầu ngọn nhẹ hơn có thể nâng lên cao dễ dàng, dùng để kéo vật nặng từ dưới sâu lên” [4].

Cayenne là thủ phủ của Guyane thuộc địa của Pháp. Nhưng người Việt gọi là Cai Danh vì trong tiếng Việt có các địa danh Cai Tài (Long An), Cai Lậy (gốc Cai Lễ, Tiền Giang),…   

3. Qua các phần trình bày ở trên, ta thấy đây là một hiện tượng “nhập gia tùy tục”. Hiện tượng này có mặt tích cực là giúp cho mọi người dễ gọi, dễ nhớ những địa danh không bằng tiếng bản ngữ. Vì vậy, chúng ta cần bảo vệ các địa danh loại này.

 Lê Trung Hoa

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Bình Nguyên Lộc, Lột trần Việt ngữ, SG, Nguồn xưa xb, 1972.

2.Dương Văn An, Ô châu cận lục, (Trần Đại Vinh, Hồ Văn Phúc hiệu đính và dịch chú), Huế, Nxb Thuận Hóa, 2001.

3.Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.

4.Hoàng Phê (cb), Từ điển tiếng Việt, Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học, 2000.

5.Hoàng Thị Phượng – Lan Hương, Đặc điểm định danh của địa danh huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang, Ngôn ngữ, số 9, 2009, tr. 60 – 64.

6.Hoàng Văn Ma, Về địa danh vùng Tày Nùng, trong “Những vấn đề ngôn ngữ học”, HN, Viện Ngôn ngữ học, 2002, tr 202-213.

7.Hoàng Văn Ma, Vũ Bá Hùng, Tiếng Pu Péo, HN, Nxb KHXH, 1992.

8.Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, SG, Khai trí, 1970.

9.Lưu Ty, Non nước Phước Long, tác giả xuất bản, 1972.

10.Nguyễn Dược, Trung Hải, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Giáo dục, 2005.

11.Trần Quốc Nhân, Bước đầu tìm hiểu địa danh tỉnh Gia Lai, Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, Trường ĐHKHXH-NV, tp. HCM, 2003.

12.Trần Thanh Tâm, Thử bàn về địa danh Việt Nam, Nghiên cứu lịch sử, số 3-1976, tr 60-73; số 4-1976, tr 63-68.

13.Trần Văn Dũng, Những đặc điểm chính của địa danh Dak Lăk, Luận án tiến sĩ Ngữ văn Trường Đại học Vinh, 2005.

14.Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. Thái Văn Chải dịch các địa danh gốc Khmer trong sách này.         

Lê Trung Hoa

Nguồn: Kiến thức ngày nay, số 954, ngày 10-2- 2017, tr. 22-25

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60733943
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7334
8619
60733943

Thành viên trực tuyến

Đang có 364 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website