Ý nghĩa và nguồn gốc một số địa danh Bắc, Trung, Nam

1.Địa danh ra đời và hoạt động trong một quá trình lâu dài. Nhiều địa danh thay đổi về hình thức, khiến chúng ta có thể ngộ nhận về ý nghĩa của chúng. Giải mã những địa danh này, chúng ta sẽ hiểu chính xác vấn đề.

Ao Bà Om, tỉnh Trà Vinh 

a.Địa danh ở Bắc Bộ:

Cát Bà là đảo thuộc thành phố Hải Phòng, diện tích 280km2. Trên đảo có vườn quốc gia mới thành lập ngày 23-5-1983, rộng 15.200ha (trong đó có 9.000ha rừng, 5.400ha biển và hàng trăm ha rừng nguyên sinh). Cũng viết Các Bà trên các bản đồ cũ. Cát Bà còn là thị trấn của huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Trước năm 1977 là một huyện riêng.

Cát Bà có dạng gốc là Các Bà, vì trên đảo còn đền thờ Các Bà và trên các bản đồ hành chính (như bản đồ năm 1938) còn ghi Các Bà [6], giống như Các Ông, Các Lái bị nói chệch thành Cát Ông (Hải Phòng), Cát Lái (TP. HCM) [4].

Cắc Cớ là hang ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội. Cắc Cớ vì đường đi xuống hang cheo leo, khó khăn.

Huyện của tỉnh Hải Hưng trước đây, do sát nhập hai huyện Cẩm Giàng và Bình Giang vào năm 1977 mang tên Cẩm Bình. Sau khi Hải Hưng tách thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên vào năm 1996, Cẩm Bình cũng tách thành hai huyện như cũ. Cẩm Bình còn là phường của thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Cẩm Bình là chữ đầu hai huyện Cẩm Giàng và Bình Giang.

Sông Cầu phát nguyên từ huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, chảy qua các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, thành phố Hà Nội, dài 290km, diện tích lưu vực 6.030km2, đổ vào sông Thái Bình. Còn có tên Nguyệt Đức, Như Nguyệt, Phú Lương, Thị Cầu.

Tên sông Cầu xuất hiện ở đầu thế kỷ 20, khi chính quyền Pháp cho xây dựng ba chiếc cầu lớn qua sông: cầu Đáp Cầu ở Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh); cầu Đa Phúc ở huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội); cầu Gia Bảy ở thành phố Thái Nguyên [12].

Cầu Dền là phường của quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, diện tích 0,18km2, dân số 11.039 người (1999). Cũng gọi Cầu Giền, Cầu Rền.

Cầu Dền có hai cách lý giải: 1. Cầu bắc qua sông Kim Ngưu, hai bên sông trước đây có trồng nhiều rau dền nên cầu mang tên trên [1]. Tên cầu chuyển thành tên phường. 2. Cầu Dền có tên gốc ở Hoa Lư, Lý Thái Tổ mang ra đặt cho Hà Nội khi dời đô [10]. Ý kiến thứ hai thuyết phục hơn.

Hang Chiều ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Du khách phải leo qua 1.200 bậc đá mới đến hang, cách khu dân cư 350m. Cửa hang rộng 10-15m, dài ngược lên đỉnh núi độ 30m. Hang dài khoảng 200m, chia làm hai tầng. Từ cửa xuống tầng hang thứ nhất dài 15m. Hang đầu tiên dài độ 50m, rộng 40m, vòm tầng cao 55m. Lòng hang tương đối bằng phẳng, thoáng mát, lộng lẫy và uy nghi. Du khách choáng ngợp trước rừng thạch nhũ trùng trùng điệp điệp, lung linh huyền ảo. Trong hang có nhiều khối đá hình ông Phật, con khủng long, con đại bàng, con dê,…Hang thứ hai có khối đá hình cô gái Thái như đang chờ ai. Du khách như đang sống trong cảnh thần tiên. Hang được công nhận là danh thắng cấp quốc gia năm 2011.

Chiều vì khi nắng chiều chiếu vào thì hang đẹp lộng lẫy.

b.Địa danh ở Trung Bộ:

Ác Giang là sông ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, có tiếng nước độc. Còn có tên sông Nộ, Ngàn Sâu (“nguồn sâu”). Ác Giang là “sông ác đức”, vì nước của nó độc hại.

Ba Ngòi vừa là tên sông vừa là tên phường của thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Sông  chảy vào đầm Thuỷ Triều, gần thành phố Cam Ranh. Ba Ngòi vì sông có ba nhánh nhỏ là suối Cạn, suối Đầu và suối Đục.

Bãi Rái Vái là xứ thuộc xã Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bãi Rái Vái là nơi vua Minh Mạng trước đó thấy một con rái gật gù, sau được đất bồi thành bãi, giúp dân làng có đất canh tác [15].

Bãi tắm trên đảo Hòn Tre, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có tên Bãi Trủ. Bãi Trủ là bãi chuyên dùng lưới trủ (loại lưới bắt cá ven bờ) của cư dân địa phương. Từ tháng 12-2003, nơi đây đã mọc lên khu du lịch nghỉ mát 5 sao lớn nhất Việt Nam là VinPerl (hòn Ngọc Việt) [14].

Cẩm Lương là suối Cá thần (còn gọi là Mó Ngọc) nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Xã Cẩm Lương nằm ở bờ bắc sông Mã. Đàn cá ở suối cá này có hàng nghìn con lớn, nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2kg đến 8kg, có cá chúa nặng tới 30kg, gồm các loài: Cá dốc (tên khoa học: Spinibarbichthys denticulatus, thuộc bộ cá chép, có tên trong Sách đỏ VN); cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng... Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc rất đẹp. Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20-40 cm, nước trong vắt, có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá thần. Đây là điều hấp dẫn nên đã thu hút hàng nghìn lượt du khách đến suối cá thần Cẩm Lương mỗi năm.

Bên cạnh suối cá thần, xã Cẩm Lương hiện đang còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương. Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không bao giờ tanh. Người dân ở đây vẫn thường nấu ăn bằng nước của dòng suối này. Hiện nay, đã có đường cầu treo qua sông Mã để du khách có thể qua lại dễ dàng. Người ta tin rằng cá ở đây linh thiêng nên mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng và cầu may, không ai đánh bắt. Đây là một địa điểm tham quan nổi tiếng của Thanh Hóa. Ngoài Cẩm Lương, còn có các suối cá thần Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy), Văn Nho (huyện Bá Thước).

Cẩm Lương vốn là tên xã của huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Tô Hạp vừa là tên núi (cao 695m) vừa là tên sông bên trái, hợp với sông Đà Mai ở bên phải thành sông Cái, chảy qua huyện lỵ Tô Hạp vào vùng Ba Ngòi, tỉnh Khánh Hoà.

Tại đây có di chỉ khảo cổ học ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Năm 1992, đã phát hiện 2 công cụ đá là bàn dập hoa văn gốm cổ. Niên đại chưa được xác định.

Tô Hạp còn là thị trấn, huyện lỵ huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà. Tô Hạp là loại cây cao độ 30-40m, lá giẹp trắng, nhựa thơm [5]. Cây này không chỉ là đặc sản của tỉnh Khánh Hoà mà ở các tỉnh Điện Biên, Phú Yên, Quảng Ninh cũng có.

c.Địa danh ở Nam Bộ

Ba Rài là rạch ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, dài 22,2km. Tên phiên âm là Ba Lai [3], Ba Rây. Ba Rài gốc Khmer Baray hay Pơrai, nghĩa là “hồ nước nhân tạo” [16].

Cửa một nhánh của sông Hậu mang tên Ba Thắc (cũng viết Ba Sắc, Bassac). Ba Thắc là sông nhánh của sông Cửu Long, tên thông dụng là sông Hậu. Ba Thắc còn là vùng đất từ Châu Đốc đến Bạc Liêu, từ năm 1836 đặt làm phủ Ba Xuyên, gồm 3 huyện Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Định, thời Pháp gọi là tỉnh Sóc Trăng. Người Pháp gọi là Transbassac.

Ba Thắc: gốc Khmer Bàsàk/Bassac là tên một vị thần [16].

Bà Hom là vùng đất thuộc quận 6, TP. HCM, giáp các quận Tân Phú, Bình Tân. Bà Hom có lẽ do Bàu Hom (bàu ngâm hom tre) nói chệch vì Bàu Bèo, Bàu Hói, Bàu Môn nói chệch thành Bà Bèo, Bà Hói, Bà Môn. Năm 1986, chúng tôi còn thấy một cái bàu nơi đây.

Ao thuộc xã Nguyệt Hoá, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, mỗi cạnh dài độ 200m mang tên Bà Om. Cũng gọi ao Vuông.

Bà Om. Có 4 truyền thuyết: 1. Bà Om là người Khmer, đứng đầu đội nữ đào ao sâu hơn đội nam. 2. Bà Om là một trong bốn nữ tì canh gác cho hoàng tử tắm trong ao nên ao mang tên bà. 3. Ao mang tên chùa Prah Âng nên bị nói chệch thành Bà Om. 4. Bên ao có loại rau mà ơm (một thứ rau thơm) nên bị nói chệch thành Bà Om [9]. Thuyết thứ tư có lý nhất vì ở tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu có suối Mò Om [4]. Mò Om có lẽ là hai loại rau: Mò là loại dây leo, lá giống lá lốt [5]; om là “thứ rau thơm hay ở đất bùn” [3].

Bà Xếp là cầu băc qua kinh Nhiêu Lộc trên đường xe lửa Thống Nhất, ở ranh giới hai quận 3 và Phú Nhuận, TP. HCM, dài 40m, rộng 4,7m, hai hành lang dành cho người đi bộ, mỗi lề rộng 1,25m. Cầu xây lại xong năm 2000. Bà Xếp còn là cống nhỏ ở phường 11, quận 3,gần cầu [4].

Bà Xếp có lẽ là vợ một sếp ga (chef de gare) Hoà Hưng xưa kia, có nhà ở nơi đây. Khu vực chung quanh cống này gọi là Cống Bà Xếp.

Địa điểm ở cách TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang 5,6km là Bệ Vầy Heo. Cạnh đó có Vàm Trư (ngã ba sông/rạch có nhiều heo rừng). Bệ Vầy Heo: Bệ là những cù lao nhỏ; Vầy: sum họp; Heo: heo rừng [7]. Vậy, nghĩa của địa danh này là: “các cù lao nhỏ ở đó heo rừng tụ tập lại”.

Bến Vua là vùng đất thuộc xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP. HCM. Bến Vua: Theo sách Monographie de la province de Gia Dinh (1902), Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) ẩn náu ở đây 8 ngày khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi [4].

            3.Giảng giải nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh là công việc hàng đầy của địa danh học. Càng biết rõ cội nguồn của địa danh, ta càng yêu thích bộ môn  này và yêu mến quê hương, đất nước mình. Bởi vậy, đây là một trong các bộ môn thú vị nhất của ngôn ngữ học.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1-Bùi Thiết, Từ điển Hà Nội: Địa danh, HN, Nxb Văn hóa - Thông tin, 1993.

2.-Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.

3-Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.

4-Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, HN, Nxb Văn hóa Thông tin, 2013.

5-Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, SG, Khai trí, 1970.

6-Ngô Đăng Lợi (cb), Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 1998.

7-Nguyễn Anh Động, Di tích-danh thắng và địa danh Kiên Giang, HN, Nxb Thanh Niên, 2011.

8-Nguyễn Dược, Trung Hải, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Giáo dục, 2005.

9-Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, HN, Nxb KHXH, 2004.

10-Nguyễn Khôi, Một số địa danh ở Bắc Bộ, bản viết tay do tác giả gửi tặng.

11-Nguyễn Như Ý (cb), Nguyễn Thanh Chương, Bùi Thiết, Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam, HN, Nxb KHXH, 2004.

12-Nguyễn Văn Hồng, Ngô Xuân Sửu (cb), Địa chí Yên Phong, HN, Nxb Thanh niên, 2002.

13-Nguyễn Viết Trung, Địa danh lịch sử, văn hóa ở huyện Vạn Ninh, trong Tài liệu Hội thảo khoa học “Địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu tỉnh Khánh Hòa”- tháng 12-2013.

14-Nguyễn Viết Trung, Địa danh lịch sử, văn hóa ở thành phố Nha Trang, trong Tài liệu Hội thảo khoa học “Địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu tỉnh Khánh Hòa”- tháng 12-2013.

15-Trần Thanh Tâm, Huỳnh Đình Kết, Địa danh thành phố Huế, HN, Nxb Văn hóa dân tộc, 2001.

16-Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253-264. Thái Văn Chải dịch các địa danh gốc Khmer trong sách này.

17-Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.

 

Nguồn : Kiến thức ngày nay, số 889, ngày 20-4-2015, tr. 12-15

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63467633
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10620
18874
63467633

Thành viên trực tuyến

Đang có 630 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website