Một số địa danh ở tỉnh Khánh Hòa đáng chú ý

1.Khánh Hòa với vịnh Nha Trang từ xa xưa đã trờ thành một trong những điểm du lịch hàng đầu ở nước ta. Nha Trang được quốc tế xếp vào một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Ngoài cảnh đẹp, Khánh Hòa còn nhiều đặc sản, ảnh hưởng của nền văn hóa Chăm và được sự quan tâm của các lãnh đạo về sự phát triển từ nhiều thế kỷ qua.

2. Khánh Hòa  có nhiều cảnh non nước hữu tình.

Gộp Ngà là núi ở xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn. Gộp Ngà là những tảng đá chồng lên nhau, có màu trắng ngả sang màu vàng như màu ngà voi.

Một hòn núi ở thị xã Ninh Hoà, cao 819m tên là Hòn Hèo. Hèo vì trên núi có một loại mây rất tốt gọi là hoa đằng, thường được dùng làm hèo (gậy) [4].

Hòn Khói là núi nằm trong thị xã Ninh Hoà, cao 155m.

Hòn Khói: Có ba cách lý giải: 1. Đây là vết tích của núi lửa. 2.Vì“núi thường có mây phủ như khói”. 3. Trước đây nghĩa quân thường đốt khói để làm ám hiệu. Thuyết hai có lý nhất.

Nhét là thác trên sông Cái, tỉnh Khánh Hoà. Nhét vì ghe từ trên xuống, nếu người lái không nhanh tay và thạo nghề, ghe sẽ bị nước tống vào kẹt đá, như ta cầm một vật gì nhét vào kẽ đá.

Vì nhiều cảnh đẹp nên nhiều khu du lịch mọc lên.

Dốc Lết là khu du lịch ven biển ở thị xã Ninh Hoà, cách Nha Trang độ 40km về phía bắc. Khu du lịch có chiều dài gần 10km, có hàng dương phủ kín hơn 2,5km.

Dốc Lết là “dốc cát mà muốn di chuyển từ trong ra phía biển, ta phải lết qua đụn cát lớn”.

Hòn Ngọc Việt là khu du lịch tại đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, xây dựng trước năm 2006 với tên thương mại Vinperl resort & spa, đến tháng 12-2006, đổi tên thành Vinperl Land. Để đi đến đảo, ngoài ca-nô, từ tháng 3-2007, có cáp treo với chiều dài 3.310m, mỗi giờ có thể chở được 800-1.000 người. Trên đảo, ngoài bãi tắm tự nhiên dài 700m, còn có hồ tắm có diện tích 5.700m2, thủy cung có diện tích 3.400m2 với 300 loài cá khác nhau. Ngoài ra, đây còn là nơi tổ chức hàng loạt các sự kiện mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế: Cuộc thi Hoa hậu VN 2006; Hội nghị cấp Bộ trưởng và Thứ trưởng ngành tài chính-du lịch tháng 10-2006; Cuộc thi Duyên dáng VN lần thứ 16; Cuộc thi Tiếng hát truyền hình Sao mai 2007; vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, Hoa hậu trái đất 2007; một phần trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ VN 2008;…[3].

Để nhớ ơn các vị khai quốc trong quá khứ, nhiều địa danh đã mang tên các vị và thể hiện ước mơ vùng đất này được yên ổn.

Huyền Trân là tên bãi đá san hô ở phía tây quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.

Huyền Trân vốn là công chúa nhà Trần. Năm 1306, được gả cho vua Chiêm là Chế Mân. Vua Chiêm dâng hai châu Ô và Lý để tạ ơn.

Tiếp bước Huyền Trân, Phúc Nguyên, Phúc Tần là những vị chúa có công lớn trong việc mở đất về phương Nam, nên tên hai vị được gắn với hai bãi đá ở tây nam quần đảo Trường Sa. Phúc Nguyên là gọi tắt tên chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635). Còn Phúc Tần có là gọi tắt tên chúa Nguyễn Phúc Tần (1619-1687).

Sau cùng là Phan Vinh, tên một đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa ở biển Đông,  dài 132m, rộng 72m. Phan Vinh tên thật là Nguyễn Phan Vinh (1933-1968), quê ở Quảng Nam, cấp bậc Trung úy, thuyền trưởng tàu vận tải vũ khí 235, hi sinh ở Vũng Rô trong kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày 30-4-1975, Nhà nước ta đổi tên đảo Hòn Sập thành đảo Phan Vinh [2].

Có địa danh ghi nhớ các liệt sĩ đã hi sinh vì nước cho vùng đất này.

Một gò ở huyện Diên Khánh mang tên Chết Chém. Cũng gọi là Gò Quýt, Gò Giam.

Chết Chém vì đây là nơi chính quyền phong kiến và Pháp dùng để xử trảm những người yêu nước hoặc có tội với chế độ. Ngày 15-6-1908, nhà ái quốc Trần Quý Cáp hi sinh tại đây dưới cường quyền của giặc Pháp [5;3].

Vùng đất Khánh Hòa ảnh hưởng văn hóa Chăm khá rõ nét. Ảnh hưởng đó thể hiện ở địa danh.

Nha Trang vịnh của tỉnh Khánh Hòa, diện tích độ 249,65km2, với 19 đảo trong đó lớn nhất là đảo Hòn Tre. Nhiệt độ trung bình 260 C với nhiều đảo lớn nhỏ, nên thơ, hữu tình, trở thành một trong 29 vịnh đẹp của thế giới, thu hút hàng vạn khách du lịch bốn phương. Tháng 4-2005, tại Hội quán vịnh Nha Trang, tổ chức hội nghị Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới.

Hiện nay, Nha Trang trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Khánh Hoà, gồm 19 phường: Năm 1924, trở thành thị trấn (centre urbain); năm 1937, nâng lên thành thị xã (commune). Đến ngày 19-3-1977, gọi là thành phố.       

Nha Trang gốc Chăm Ia Tran, chỉ sông Ngọc Hội, và có nghĩa là “sông có nhiều lau sậy” Địa danh này xuất hiện lần đầu năm 1653. Ý kiến cho rằng Nha Trang do Nhà Trắng biến thành dưới thời Pháp thuộc là hoàn toàn sai vì địa danh này đã có trước khi người Pháp đến nước ta.

Nha Phu là vịnh ở phía nam thị xã Ninh Hoà, diện tích 4.500ha, có nhiều hải sản giá trị.

Nha Phu gốc Chăm (paley) Ia Ru, nghĩa là “(xứ) thác nước”, nhưng có nhiều tên phiên âm khác nhau: Nha Du, Nha Lỗ, Nha Tù; đến năm 1833, đổi thành Nha Phu [5;3]. Trên đảo Hòn Khỉ tại vịnh này, người ta thấy một thác nước tràn qua mỏm đá.

Hà Ra vừa là tên núi ở huyện Diên Khánh vừa là tên cầu trên quốc lộ 1A, gần xóm Bóng, thành phố Nha Trang.

Hà Ra gốc Chăm Kauthara, tên tiểu quốc của Chiêm Thành nằm về hướng bắc Bình Thuận.

Cam Ranh là vịnh của tỉnh Khánh Hoà, sâu trung bình 18-20m, ra khơi cửa vịnh sâu đến 40m, một trong ba vịnh có điều kiện tự nhiên tốt nhất thế giới. Cam Ranh còn là thành phố của tỉnh Khánh Hòa từ năm 2010, gồm 9 phường.

Cam Ranh là một từ gốc Chăm nhưng chưa có cách lý giải nào thuyết phục.

            Khánh Hòa được mệnh danh là «Xứ trầm hương» vì trên núi có nhiều cây này, mỗi lần đốt lên hương tỏa ra ngào ngạt. Điều này thể hiện qua nhiều địa danh. Tại thành phố Nha Trang có hai phường Phương SàiPhương Sơn. Phương Sài là «củi thơm »[5], còn Phương Sơn là «núi thơm» [2].

Ngoài ra, còn có cây Tô Hạp. Tô Hạp vừa là tên núi, tên sông, tên thị trấn. Núi Tô Hạp ở huyện Khánh Sơn, cao 695m. Sông Tô Hạp phối hợp với sông Đà Mai, tạo thành sông Cái, chảy qua vùng Ba Ngòi. Cuối cùng, Tô Hạp là thị trấn của huyện Khánh Sơn. Cây này là đặc sản của tỉnh Khánh Hòa, cao độ 30-40m, lá giẹp trắng, nhựa thơm [2].

Đất Khánh Hòa cũng như những vùng đất khác, cư dân rất tin tưởng ở những sức mạnh siêu nhiên. Ngoài Tháp Bà, còn nhiều điểm đáng chú ý như Lỗ Lường. Lỗ Lường là hang đá giống bộ phận sinh dục nữ ở đông nam Hòn Đỏ, ngoài khơi thị xã. Ninh Hòa. Theo tín ngưỡng dân gian địa phương, vào mùa xuân và mùa thu, sau khi cúng bái, người chủ tế dùng khúc gỗ hình dương vật thọc vào Lỗ Lường 9 cái. Đây là động tác nghi lễ tượng trưng cho sự giao phối dâng hiến để bà vui lòng, thỏa mãn, ban cho ngư dân ước nguyện “biển no”, trúng mùa, nhiều cá [5]. Lỗ Lường là cách nói chệch một từ chỉ bộ phận sinh dục phụ nữ.

Yang Bay là thác ở huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang độ 45km về phía tây. Yang Bay người Kơ Ho gọi là Yang Papơr, nghĩa là “thần bay”. Nhưng có người lại nói rằng theo tiếng Raglai, tên thác là Yang Bei (“thác rượu thần”) thành Yang Bay [3].

Âm Phủ là chợ cũ ở vị trí chợ Đầm (thành phố Nha Trang) ngày nay, chỉ họp vào đêm khuya ngày 14 và 29 âm lịch hàng tháng. Đặc điểm là chợ chỉ bán trái cây để cúng vào các ngày rằm và mùng một.

Vạn Giã là thị trấn của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Vạn Giã là tên ghép hai cửa biển của vịnh Vân Phong: cửa Vạn và cửa Giã. Vạn là “xóm chài”; Giã là “thuyền mành”.

Cửa Vạn ở Đầm Môn, dưới chân núi Bàn Sơn. Trước cửa có đảo Hòn Lớn đứng che rất kín đáo, ghe thuyền có thế ần núp khi có bão

Cửa Giã nằm tại thị trấn Vạn Giã, nơi sông Hầu (sông Vạn Giã) chảy qua, thuyền bè buôn bán ra vào tấp nập, dân cư đông đúc.

3.Địa danh ở các tỉnh như Khánh Hòa có khả năng phục vụ du lịch rất đắc lực. Ngoài ra, địa danh còn có thể giáo dục truyền thống yêu nước cho cư dân địa phương – nhất là thanh thiếu niên. Bởi vậy, chúng ta cần điều tra, nghiên cứu, chọn lọc những địa danh tiêu biểu, biên soạn thành bài bản để có thể giảng dạy trong các trường phổ thông.

 

                                    TÀI LIỆU THAM KHẢO

1-Huỳnh Lê Thị Xuân Phương, Văn hoá qua địa danh Khánh Hoà, Luận văn Thạc sĩ cao học văn hoá học, Trường Đại học KHXH-NV, tp.HCM, 2009.

2-Lê Trung Hoa, Từ điển địa danh Trung Bộ, bản đánh máy.

3-Ngô Văn Ban, Địa danh Khánh Hòa xưa và nay, Hà Nội, Nxb Văn hóa Thông tin, 2010.

4-Nguyễn Văn Khánh – Giang Nam (cb), Địa chí Khánh Hoà, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2003.

5-Nguyễn Viết Trung, Địa danh lịch sử, văn hóa ở thành phố Nha Trang, trong Tài liệu Hội thảo khoa học “Địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu tỉnh Khánh Hòa”- tháng 12-2013.

Nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 894, ngày 10-6-2015, tr. 14-17.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

64115209
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7155
29843
64115209

Thành viên trực tuyến

Đang có 449 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website