Từ cổ, từ lịch sử, từ địa phương trong địa danh Nam Bộ

Trong địa  danh Nam Bộ có hàng trăm từ cổ, từ lịch sử, từ địa phương. Trong bài này, chúng tôi chỉ nêu một số địa danh mang các từ tiêu biểu.

            2.1. Trước hết là từ cổ. Từ cổ là những từ được sử dụng ngày xưa, nay được thay thế bằng nhừng từ đồng nghĩa tương ứng.

2.1.1.Đầu tiên là từ chỉ đơn vị đo lường.

Bảy Háp là sông ở tỉnh Cà Mau, từ thành phố Cà Mau chảy vào vịnh Thái Lan, dài 48km, cửa sông rộng 500m. Nguyên có một mùa cá tôm, gia đình một ngư phủ đánh bắt được kỷ lục 7 háp. Có hai cách giải thích háp: 1.Bảy háp có trọng lượng 42.000 kg [8]. 2. Háp là đơn vị trọng lượng tương đương 50kg: 1 háp là 10 yến, 1 yến là 10 nan, 1 nan phỏng chừng 1 livre (= nửa ký) [2]. Vậy bảy háp tương đương 350kg. Trọng lượng kỷ lục này trở thành tên sông. Số lượng tính theo cách thứ hai hợp lý hơn.

2.1.2. Tiếp theo là địa danh chỉ địa hình.

Hóc Hươu là rạch ở xã Qui Đức, huyện Bình Chánh, tp. HCM. Hóc Môn là huyện của tp. HCM, dt.109,2km2, ds.205.000 người (2006), gồm ttr. Hóc Môn và 11 xã. Hóc là dạng cổ của hói, là “dòng nước nhỏ”; ngày xưa hươu nai thường đến uống nước tại rạch; còn Môn vốn là “cây môn nước”.

2.1.3. Kế đến là từ cổ chỉ sự vật, đồ vật nay đã thay tên.

Mỏ Cày là vùng đất hai bên quốc lộ 1A ở phía bắc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Mỏ Cày cũng là tên huyện của tỉnh Bến Tre. Mỏ Cày vốn là tên một bộ phận của cái cày, từ tay nắm đến lưỡi cày (Dictionnaire Annamite – Français của Génibrel dịch là manche d’une charue “cán cày). Mỏ cày hình cong như chữ Z nên những vật có hình dáng tương tự thì gọi là mỏ cày, như sao mỏ cày. Đoạn quốc lộ 1A chạy qua vùng này của tỉnh Quảng Ngãi cong như cái mỏ cày nên mang tên trên. Sông Hàm Luông ở tỉnh Bến Tre cũng có hình cong như cái mỏ cày. Sách chữ Hán dịch là Lê Đầu giang “sông giống đầu cái cày”. Ngày nay, người ta không dùng mỏ cày mà gọi chuôi cày.

Cái Bát là sông nhánh bên phải sông chính ở hạt Tây Ninh xưa [5]. Ngả Bát là sông nhỏ ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Cái Bát, Ngả Bát  là “sông nhánh bên phải”. Theo Bình Nguyên Lộc, từ Bát gốc Chăm Pốt, nghĩa là “kéo cây chèo khó khăn” [3]. Về ngữ âm, Pốt có thể chuyển thành Bát, nhưng về ngữ nghĩa thì không thích hợp.

Cái Cạy nhánh của sông chính ở hạt Tây Ninh xưa. Ngả Cạy là rạch ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, tp. HCM, đổ vào rạch Chiếu. Cái Cạy, Ngả Cạy là “sông nhánh bên trái”. Theo Bình Nguyên Lộc, từ Cạy gốc Chăm Kuắk, nghĩa là “tránh né nhau trên sông, trên biển, không cứ phải bên nào” [3]. Cách giải thích của Bình Nguyên Lộc không ổn về ngữ âm lẫn ngữ nghĩa. Theo suy luận của chúng tôi, hai từ mặt trái có thể là dạng gốc của bátcạy.

2.2. Kế đến là từ lịch sử. Từ lịch sử là những từ được sử dụng trước kia, nay đối tượng của nó không còn nữa.

2.2.1. Trước hết là tên những đơn vị hành chính cũ.

Trấn Biên là dinh được lập năm 1698 ở Nam Bộ, năm 1808 đổi thành trấn Biên Hoà. Nay là tỉnh Đồng Nai. Trấn Biên là “trấn giữ nơi biên giới”.

Trấn Giang là vùng đất do Mạc Cửu nhập vào Đàng Trong năm 1714, sau trở thành một đạo (1739), nay là vùng Hậu Giang, tp. Cần Thơ. Trấn Giang là “vùng sông được trấn giữ”.

Trấn Định là dinh từ năm 1781, trước đó là đạo Trường Đồn, năm 1808 là trấn Định Tường, năm 1832 là tỉnh Định Tường. Nay là tỉnh Tiền Giang. Trấn Định là “trấn nhậm cho ổn định”.

Trấn Vĩnh là dinh ở Nam Bộ, lập năm 1788, nay là vùng Vĩnh Long. Trấn Vĩnh là “trấn giữ mãi mãi”.

Phiên Trấn là dinh do Gia Long đặt năm 1802, đến năm 1808 đổi thành trấn Phiên An, năm 1832 đổi thành tỉnh Gia Định. Phiên Trấn là “đồn trú bảo vệ của quân đội”.

Thủ Chiến Sai là địa điểm ở vùng Chợ Mới, tỉnh An Giang. Sau bị gọi chệch thành Thủ Kiến Sai, có lẽ do người Pháp làm sai lạc vì trong tiếng Pháp có chữ H câm nên Chiến thành Kiến, giống Chí (Hòa) thành Kí, Kì (Hòa). Thủ Chiến Sai là “chức vụ được sai đi xây đồn canh để giữ an ninh”.

Bà Chợ là tỉnh ở miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) do phía Cách mạng đặt. Ban đầu gọi là tỉnh Bà Rịa – Chợ Lớn (từ ngày 27-6-1951). Bà Chợ do ghép tên hai tỉnh Rịa và Chợ Lớn.

Thủ Biên là tỉnh ở miền Đông Nam Bộ trong thời gian từ tháng 5 – 1951 đến năm 1955 do phía Kháng chiến đặt. Thủ Biên do ghép tên hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hoà.

Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam là ba thuyền (tương đương làng, xã, quân quản) ở xứ Vũng Tàu, dưới thời Minh Mạng (1832), quản lý một đội quân giải ngũ, đi khai thác ruộng hoang ở bán đảo Vũng Tàu. Sau năm 1836 mới gọi là làng hay . Nay thuộc tp. Vũng Tàu [12].

            2.2.2.Một số là các từ chỉ các chức danh cũ: Loại này có số lượng lớn hơn cả.

            a) Một số chức danh có liên hệ đến giáo dục.

Hiếu Liêm là xã của huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hiếu Liêm có hai nghĩa: 1.“Người có học hạnh mà do các địa phương tiến cử về triều”. 2. Các ông cử nhân đời Minh và đời Thanh nước Tàu”.

Học Lạc là chợ nằm trên đường Học Lac, ở quận 5, tp. HCM, chuyên bán thuốc lá điếu. Học Lạc là tên ông Học sinh Nguyễn Văn Lạc (1842 – 1915), một nhà thơ trào phúng nổi tiếng ở Nam Bộ.

Nhiêu Lộc là kinh chảy qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận và quận 3, tp. HCM. Nhiêu là từ gọi tắt của Nhiêu học, Lộc là tên người. Chưa rõ lý lịch ông này.

b) Một số chức danh có liên hệ đến quân sự.

Điều Bát là chợ ở miền Tây Nam Bộ. Điều Bát là chức quan võ lo việc điều khiển binh lính. Điều bát nhung vụ Nguyễn Văn Tồn, người Khmer, từng giữ chức này dưới thời Gia Long.

Đốc Binh Kiều là xã ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đốc binh Kiều là cách gọi tắt Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (hoặc Lê Công Kiều, Trần Phú Kiều), một lãnh tụ nghĩa quân hy sinh vì Tổ quốc ở vùng Tháp Mười.

Đốc Vàng Hạ là rạch ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Có ba người được xem là Đốc Vàng: Thượng tướng Trần Ngọc, Đề đốc Hoàng Công Thiệu (quê ở Quảng Ngãi), Phó tổng trấn Gia Định Trần Văn Năng (quê ở Khánh Hoà). Còn Hạ là để phân biệt với Thượng, chỉ hai vùng đất ở xa và gần biên giới Campuchia. Chưa thể xác định thuyết nào đúng.

Đội Cường là kinh nối sông Bảy Háp với sông Gành Hào (Bạc Liêu), rộng 4m, dài 8km.. Đội là từ gọi tắt chức cai đội hoặc đội trưởng cai quản 50-60 lính dưới thời phong kiến. Dưới thời Pháp thuộc, đội còn dùng để chỉ chức vụ cai quản một tiểu đội, có cấp bậc trung sĩ (sergent). Cường là tên người.

Lãnh Binh Thăng là đường ở quận 11, tp. HCM, dài 1.120m, lộ giới 25m. Lãnh binh là chức quan võ nắm quân đội cấp tỉnh thời Nguyễn, trật Chính tam phẩm. Ông Lãnh là cầu bắc qua rạch Bến Nghé, quận 1, tp. HCM. Cầu cũ hình chữ Z, dài 120m, rộng 5m, lề 0,3m, đã bị phá bỏ năm 2000. Cầu mới hình đường thẳng, dài 267m, rộng 20m, xây xong năm 2002. Ông Lãnh ở đây là Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866). Sau năm 1858, ông đóng quân tại đồn Cây Mai và Thủ Thiêm, nên tại đình Nhơn Hoà, gần cầu, có bàn thờ ông.

Ông Nam là bãi của sông Ông Đốc, tỉnh Cà Mau. Tương truyền tại đây có con cá voi vì sẩy thai chết nên dân làng làm miếu thờ. Có lẽ Ông Nam là cách gọi tắt Nam Hải Tướng quân, tức cá voi.

Phó Cơ Điều là đường phố nằm trên địa bàn hai quận 5 và 11, tp. HCM. Phó cơ Điều là cách nói tắt Phó quản cơ Nguyễn Văn Điều (? – 1868), một anh hùng chống Pháp ở Nam Bộ. là đơn vị quân đội có 500 người.

Thống Linh là chợ ở xã Mỹ Ngãi, thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thống Linh là cách gọi tắt Thống lãnh binh Nguyễn Văn Linh (1815-1862), sinh ở thôn Mỹ Ngãi, một lãnh tụ chống Pháp, bị chúng xử tử tại chợ Mỹ Trà.

Thủ Đức là quận của tp. HCM, diện tích 47,8km2, dân số 211.000 người (2006), được thành lập ngày 6-1-1997, gồm 12 phường. Thủ là “đồn canh”, đồng thời là chức danh của người đứng đầu một thủ; Đức là tên người. Vậy Thủ Đức là cách gọi theo chức danh và tên của người trưởng thủ đầu tiên. Như vậy, nếu hiểu Thủ là công trình xây dựng, thì là từ cổ, nay được thay thế bằng từ đồn; còn nếu hiểu thủ là chức danh thì xem như từ lịch sử. Các địa danh Thủ Thừa (Long An), Thủ Thiêm (tp. HCM) cũng thuộc loại này.

c) Một số chức danh thuộc lĩnh vực hành chính, lao động.

Bang Tra là chợ đầu mối ở xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, lập năm 1892. Bang Tra là “ông bang trưởng tên Tra”, người giàu có bỏ tiền xây chợ (TP-ĐT). Có người cho rằng ông Huỳnh Trà, một bang trưởng người Hoa, có công lập chợ và phát triển việc làm ăn, buôn bán nên người địa phương ban đầu gọi là chợ Bang Trà, sau nói chệch. Thuyết này có thể đúng vì ở đây có hiện tượng đồng hóa thanh điệu. Bang Tra còn là sông ở xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, vốn là một khúc s. Cổ Chiên, chảy qua vùng Bang Tra, làm ranh giới 2 t. Bến Tre và Vĩnh Long, dài 15,3km, rộng trên 1.000m, sâu 40-50m.

Bà Bổn là rạch và cầu ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Bà Bổn tên thật là Dương Thị Mai, có chồng làm Thủ bổn, cư ngụ tại vùng này (TĐVL). Thủ bổn là «chức việc coi giữ tiền bạc cho làng»[5]. Thủ bổn là «chức việc coi giữ tiền bạc cho làng»[5]. Bà Bổn tên thật là Dương Thị Mai, có chồng làm Thủ bổn, cư ngụ tại vùng này[1].

Biện Gẩm là cầu ở xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, dài 20m. Biện Gấm là “bang biện tên Gấm”. Biện Nhị là kinh xuất phát từ sông Cái Tàu chảy ra biển ở vịnh Thái Lan, tỉnh Cà Mau, dài 7km, rộng 30m, sâu 2-3m. Biện Nhị:là cách gọi tắt bang biện, chức thư ký trong làng ngày xưa. Nhị có lẽ là tên người.

Đốc Công là ngã ba trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, tp. HCM, nơi xảy ra nhiều cuộc đấu tranh chống Pháp của công nhân sau CMT8. Đốc Công là từ tổ vốn chỉ người cai quản công nhân và hướng dẫn làm việc.

Đốc Phủ Chỉ là đường ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ở huyện này còn có đường Đốc Phủ Yên. Đốc phủ là “chức quan lại cao cấp thời Pháp thuộc, trên phủ và huyện, có thể làm Quận trưởng hay Phó tỉnh trưởng, hoặc Đầu phòng ở Soái phủ” [7]. Chỉ, Yên  là tên người.

Tham Bua là ấp của xã Tân Thành, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Tham Bua là Hương tham Bua, một viên chức yêu nước ở làng Tân Thành lúc mới thành lập năm 1870. Hương tham là “chức lớn trong làng”[5].

Bà Phán là rạch ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Bà Phán là vợ thông phán – chức thư ký các ngành ở cơ quan hành chính.

Khoán Tiết là rạch ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Khoán Tiết là người có chức danh thủ khoán (giữ sổ sách, tài sản) trong Hội đồng kỳ mục[9], tên Tiết. X. Ông Khoán.

Quản Long là tỉnh lỵ tỉnh An Xuyên, được thành lập ngày 22-10-1956. Nay thuộc tp. Cà Mau. Quản Long có lẽ gọi theo chức danh (hương quản) và tên người.

Thuộc Nhiêu là giồng trải dài theo chiều dài sông Tiền và đường Trung Lương đi Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.Thuộc Nhiêu là Cai thuộc (lý trưởng) Nguyễn Văn Nhiêu, có công lập chợ Thuộc Nhiêu, cách chợ hiện nay (dời vào khoảng 1962-1963) độ 300m [15].

2.2.3. Một địa danh vốn là tên một công trình xây dựng.

Xã Tây là chợ ở đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 11, quận 5, tp. HCM, được xây dựng năm 1925. Xã Tây là toà đô chính, ở đây là của tp. Chợ Lớn, do chợ ở cạnh đó [6].

            2.3.Sau cùng là từ địa phương. Từ địa phương là những từ chỉ phổ biến ở một số địa phương.

2.3.1. Trước hết là những từ chỉ chức danhcon người.

Cặp Rằng Núi là kinh nhỏ dẫn nước từ kinh Nguyễn Văn Tiếp vào sâu trong Đồng Tháp Mười, thuộc xã Tân Hoà Tây, huyện Cai Lậy, nay thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Cặp Rằng Núi gốc nửa Pháp nửa Việt, là chức danh và tên chính của Caporal Nguyễn Văn Núi, làm quản lý cho một người Pháp khai hoang vùng đất này vào khoảng năm 1930 [16].

Rẫy Chệt là địa điểm nằm cách mũi Cà Mau 10km. Cũng viết Rẫy Chệc. Bản đồ thời Pháp ghi Jardin Chinois (“vườn của người Hoa”). Rẫy Chệt là “rẫy của người Việt gốc Hoa” vì ban đầu có một người Hoa đến sinh sống, nhưng vì thấy hoàn cảnh khó khăn nên bỏ đi.

2.3.2. Kế đến là từ chỉ hành động.

            Lấp Vò là huyện của tỉnh Đồng Tháp, diện tích 243,9km2, dân số 171.300 người (2006), gồm một thị trấn và 12 xã. Lấp Vò gốc Khmer Srôk Tak Por “xứ trét thuyền” để chống hà ăn [15], và trên địa bàn hiện nay có một nơi chuyên sửa thuyền.

2.3.3.Tiếp theo là những từ chỉ công trình xây dựng.

Tha La là vùng đất ở xã An Hoà, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Tha La  cũng là ao ở xã Tân Lý Tây, tỉnh Tiền Giang và là chợ ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Tha La gốc Khmer Sa-la, có hai nghĩa là “trường học” và “chòi ở bên đường để khách nghỉ chân”.

2.3.4.Một số là từ chỉ địa hình.

Bùng Binh là rạch ở quận 10 và quận 3, tp. HCM, từ Bộ tư lệnh thành phố đến rạch Nhiêu Lộc, dài độ 500m. Đầu tk. 21, rạch đã bị lấp, làm thành đường phố, mang tên đường Rạch Bùng Binh. Bùng Binh cũng là rạch chảy xuyên hương lộ 10, đến phường Phú Thứ, quận Cái Răng, tp. Cần Thơ, dài 5km. Bùng Binh là chỗ phình rộng giữa sông rạch, có thể có cù lao ở giữa, ghe thuyền có thể trở đầu [6]. Đầu tk. 20, từ bùng binh mới được dùng để chỉ nơi giao lộ trong thành phố, như bùng binh Sài Gòn, bùng binh Ngã Bảy.

Búng là vùng đất thuộc tỉnh Bình Dương. Dòng sông Sài Gòn chảy đến đây tạo thành một chỗ xoáy sâu rất nguy hiểm đối với ghe thuyền. Chỗ đó gọi là búng, sau trở thành tên vùng đất. Búng là “chỗ nước sâu làm ra một vùng” [5].

Cổ Lịch là sông ở tỉnh Vĩnh Long xưa. Cổ Lịch là (khúc sông) nhỏ và dài giống cổ con lịch – một loại cùng giống với con lươn [5].

Bưng Môn là địa điểm ở tp. HCM. Bưng gốc Khmer bâng, nghĩa là “vùng đất sâu và rộng ở giữa đồng”; Môn là “cây môn nước”.

Đường Trâu là rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Đường Trâu là “đường trâu thường đi tạo thành rạch” [9].

Đường Xuồng là kênh ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đường Xuồng là “dòng nước mà các chiếc xuồng thường đi lại” [9].

Lòng Tàu là sông nhánh sông Nhà Bè, chảy trong huyện Cần Giờ, tp. HCM, dài độ 45km. Lòng sông rộng và sâu nên 20% hàng hoá tiếp tế hậu cần của quân đội Mỹ ở Việt Nam phải qua sông này. Lòng Tàu có nghĩa là “lòng chiếc tàu”, sau chỉ khúc sông sâu như lòng chiếc tàu.

Eo Lói là khúc sông nhỏ chảy từ Băng Cung ra Cổ Chiên, tỉnh Vĩnh Long. Eo Lói là “chỗ quanh gắt trên đường, trên sông, có cùi chõ” [9].

Gãy là chợ hiện nay ở xã Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nơi gặp nhau giữa 5 con sông và kinh: Đồng Tiến, Tư Mới (Quatre Bis), Phước Xuyên, Dương Văn Dương (Lagrange) và Kháng Chiến. Thời Pháp thuộc chỉ mới có hai con kinh mang tên Pháp, chúng tạo thành một góc nhọn 30O. Gãy vì hai con kinh nối tiếp nhau giống như một khúc cây gãy nên địa điểm này mang tên trên. Gãy Cờ Đen là địa điểm có chợ Gãy, tỉnh Đồng Tháp. Gãy Cờ Đen vì tại đoạn kinh gãy khúc có cắm một lá cờ đen khá cao làm mục tiêu (dân địa phương thường gọi phong tiêu hay bông tiêu) để ngắm theo đó mà đào cho con kinh không lệch hướng [4].

Ô Môn là quận của tp Cần Thơ, diện tích 125,6km2, dân số 128.300 người (2006), gồm 5 phường. Ô Môn nửa Khmer nửa Việt. Ô là “vũng, bàu”; Môn là “cây môn nước”.

Rạch Ngọn là vùng đất ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Rạch gốc Khmer prêk; Ngọn gốc thuần Việt, nghĩa là “dòng nước nhỏ ở đầu sông rạch lớn”.

Rỏng là rạch ở huyện Hóc Môn, tp. HCM. Rỏng là “đường nước tự nhiên, khuyết sâu xuống, nhỏ hơn rạch, ngả”[6].

Tắc Cậu là kinh ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tắc Cậu còn là bến cảng ở xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Tắc Cậu có dạng gốc là Tắt Cậu, nghĩa là con kinh (và bến cảng) đi tắt qua gần miếu Cậu. Miếu Cậu bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Thuỷ Long thần nữ [16].

Trấp Bèo là kinh ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Trấp Bèo vừa gốc Khmer vừa gốc thuần Việt. Trấp gốc Khmer Pangtrap, là chỗ trũng, ngập nước, nhỏ hơn bưng. Trấp Bèo có lẽ trước đây là vùng trũng có nhiều bèo [16].

là rạch ở giữa Giang Thành và Chiêu Anh Các, Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ụ là “dòng nước nhỏ”. Ụ Cây là rạch làm ranh giới hai phường 10 và 11, quận 8, nối kinh Tàu Hủ với kinh Đôi, tp. HCM, dài độ 1.200m. Ụ Cây là đống cây, chở từ Tây Ninh, Bình Phước về để sản xuất thành phẩm. Ụ Ghe là bến ở làng Bình Phú, nay thuộc phường Tam Phú, quận Thủ Đức, tp. HCM. Ụ Ghe là chỗ sâu trên một dòng sông và ăn sâu vào đất liền để ghe thuyền đậu lại, và bờ sông ở đây lài lài để dễ kéo thuyền lên sửa.

Vàm là tên rạch ở phường Thạnh Lộc, quận 12, tp. HCM. Vàm gốc Khmer Piêm, nghĩa là “ngã ba sông, rạch”.

2.3.5. Tiếp theo là từ địa phương chỉ cây cối.

Từ địa phương chỉ tên thực vật ở Nam Bộ có số lượng nhiều hơn cả.

Trảng Bom là huyện của tỉnh Đồng Nai, được thành lập tháng 8 – 2003, được tách ra từ huyện Thống Nhất, diện tích 326,1km2, dân số 177.400 người (2006), gồm một thị trấn và 16 xã.Trảng Bom là “trảng có trồng nhiều cây chùm bao lôm, đọc trại thành bom, sinh ra một thứ dầu gọi là chaulmougra, dùng để trị phong hủi” [13]. Ý kiến này có thể đúng vì các lý do sau: 1. Có người từng nói với chúng tôi là đã thấy cây bom ở vùng Thủ Đức (tp. HCM); 2. Ở Phú Yên, Vĩnh Long có địa danh Cây Bôm. 3. Loại địa danh“Trảng + tên cây” khá phổ biến ở Nam Bộ: Trảng Bàng (cỏ bàng), Trảng Dớn,…

Bồn Bồn là kinh ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Bồn Bồn là “tên của một loại cây có thân dẹp, thường được trồng nhiều ở Cà Mau và Bạc Liêu. Phần lá non hay được dùng làm dưa chua ăn kèm với các món gỏi” [10].

Chim Chim là mũi đất ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và là ngã ba thuộc xã Đông Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là “tên cây có lá 5 chia, vỏ nó kêu là ngũ gia bì; vị thuốc đau mình”[5].

Bún Cồng là ấp cũ của xã Minh Thành, hơn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Bún Cồng là hai loại cây. Cây bún có lá láng như lá mít; cây cồng có thể làm chày giã gạo.

Gò Chai là bến phà vượt sông Vàm Cỏ Đông, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Gò Chai là có nhiều cây chai. Chai là loại cây cho mủ đóng cục, nấu chảy để thắp, đốt.

Ngan Dừa là phụ lưu bên phải của sông Cái Lớn ở tỉnh Kiên Giang, đổ ra cửa Rạch Giá.. Ngan do từ Hán Việt ngạn “bờ, bờ bao” của các lô đất khai thác mật ong mà ra. Dừa là biến âm của Gừa. Ngan Gừa là“bờ bao có cây gừa”. G- khó chuyển đổi với D- nên Dừa ở đây có thể là tên một loại cá ở Nam Bộ.

Dừng là xẽo ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.Dừng là loại cỏ cao 0,6 – 1m, lóng dài 5 – 15cm, rễ trị bệnh đau mắt. Xẽo Dừng là dòng nước nhỏ có nhiều cây dừng .

Nâu là giồng (gò) ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nâu là biến âm của Ngâu, một loại cây mọc nhiều trên giồng [17]. Thật ra, nâu là một loại cây có vỏ để nhuộm màu nâu.

Rạch Nga là cầu ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ở tỉnh này còn có rạch Xẽo Nga [9]. Rạch Nga vừa gốc Khmer vừa gốc Hán Việt. Nga là cách gọi tắt nga truật, một loại ngải dùng làm thuốc máu [9].

Ráng là rạch ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, tp. HCM, đổ vào sông Cần Giuộc. Ở tỉnh Kiên Giang có địa danh Tắt Ráng. Ráng là loại “cây mọc ở rìa nước có cộng lá dài người ta hay dùng làm chổi”.

Mướp Sát là ấp ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Mướp Sát có âm gốc là Mướp Sác, là loại “cây cao 4 – 6m; cành thô và to, gỗ mềm; hoa trắng, thơm. Cũng gọi sơn dương tử, hải qua tử”.

Săng Đá là thành ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, xây năm 1868, sau có trường tiểu học mang tên này. Săng Đá gốc Pháp Soldat, nghĩa là “lính” vì nơi đây trước kia là khu quân sự. Soldat được thay bằng  tên cây săng đá, một loại cây gỗ rất cứng, vì hai từ có ngữ âm gần giống nhau.

Săng Máu là rạch ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Săng Máu là một trong những loại săng thường mọc ở đất rừng, ven sông rạch, mủ cây màu đỏ như máu.

Láng Thé là cánh đồng ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, tp. HCM và ở tỉnh Vĩnh Long. Láng Thé  là “vùng đất thấp, thường ngập nước có nhiều cỏ thé”.

Tóc Tiên là núi ở xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cao 432m. Tóc Tiên là loại dây leo nhiều nhánh quấn lấy nhau, lá kép mành có nhiều khía hẹp và sâu, hoa đỏ, lá và đọt ăn được [13].

Giồng Trôm là huyện của tỉnh Bến Tre, diện tích 311,4km2, dân số 182.400 người (2006), gồm một thị trấn và 21 xã. Giồng là biến âm của vồng; Trôm là “loại cây to, lá giống lá gòn nhưng tới 7 phiến; hoa đỏ không cánh (…); cây tiết ra mủ trong, đặc, ăn mát”.

Vòi Voi là rạch ở tỉnh Vĩnh Long. Vòi Voi là loại “cây nhỏ, cao độ 20 – 40cm, lá hình trứng dài, hoa màu tím nhạt hoặc trắng có đài cùng cuốn lại như vòi con voi” [9].

Bàu Sàng là ấp của xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.          Bàu Sàng có âm gốc Bàu Xàng, là cái bàu có mọc nhiều cây xàng. Xàng là loại cây lớn, lá rụng theo mùa, nhánh non có lông, quả nhân cứng dài 3 – 4cm, có 5 rãnh [14].

2.3.6. Một số từ khác chỉ các con vật sinh sống ở địa phương.

Ba Khía là đường phố ở tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ba Khía là “loại còng vỏ tím, nhỏ con, càng ngoe dẹp có cạnh” [7].

Chốt là rạch ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Chốt là loại cá nhỏ, sọ giẹp và to, có hai ngạnh bén và râu đâm ngang.

Còng Gió là rạch ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Còng Gió là loại còng nhỏ, vỏ trắng, ngoe càng thật dài [7].

Cồng Cộc là rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cồng Cộc là loại “chim có lông màu đen, to bằng chim le le, hay lặn xuống nước để bắt cá” [9].

Cúm là rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cúm, có tên đầy đủ là cúm núm, là “loại chim sống ở nước cùng họ với cuốc có lông màu xám” [9].

Cá Chốt là chợ ở xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang và là rạch ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, tp. HCM, từ kinh Đống Điến phía bắc chảy xuống phía nam, nhập vào ngã ba rạch Công Điền và rạch Dinh Ông, dài độ 2.500m. Cá Chốt là “thứ cá sông có hai ngạnh mà nhỏ con”[5].

Cá He là cồn ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, dài 9km, rộng 3km. Cá He là “loại cá nước ngọt, thường có màu vàng, có hình dạng tựa cá chép” [5], vì quanh cồn rất nhiều cá loại này.

Cá Tra là rạch ở huyện Nhà Bè, tp. HCM. Cá Tra gốc Khmer Pra, là “loại cá nước ngọt, không vảy, lưng đen, bụng trắng, mình có lớp mỡ dày”.

Cá Vồ là rạch ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, tp. HCM. Cá Vồ là “thứ cá lớn đầu, cùng loại với cá tra, nên cũng gọi là cá tra vồ”.

Ốc Len là rạch ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, tp. HCM, dài độ 1.000m. Ốc Len là thứ ốc ở rừng sác, to bằng ngón tay cái, vỏ dài và thon, ruột xanh, đen và vàng, thường bám theo các cây đước, vẹt, bần hoặc trên các tảng đá khi nước lên [7].

2.3.7.Mặt khác, một số từ chỉ tính chất của sự việc.

Gíá Rai là huyện của tỉnh Bạc Liêu, diện tích 344,7km2, dân số 117.600 người (2006).. Giá: tên cây; Rai: lưa thưa; Giá Rai: khu có những cây giá mọc lưa thưa [3].

Gíá Râm là địa điểm cách thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu 4km. Giá Râm là “vùng cây giá mọc rậm rạp” [3].

Ruột Ngựa là kinh ở phường 16, quận 8, tp. HCM, từ rạch Lò Gốm đến cuối nguồn, dài độ 5.700m. Nguyên là dòng nước nhỏ hẹp, quanh co, ghe thuyền không đi lại được. Năm 1772, đốc chiến Nguyễn Cửu Đàm được lệnh huy động dân đào rộng ra. Tên dịch là Mã Trường giang (kinh ruột ngựa). Đầu tk. 19, kinh được đào rộng và sâu hơn, tàu bè đi lại thuận lợi. Ruột Ngựa vì kinh thẳng như ruột con ngựa.

Cái Dầy là cầu ở tỉnh Bạc Liêu. Cái Dầy vốn là tên làng, sau chuyển thành tên cầu. Cái Dầy là “dòng nước có nhiều cá lóc bơi lội dầy (dày đặc)”. Ở Quảng Ngãi ngày nay còn nói “đông dầy” (rất đông).

 2.3.8. Ngoài ra, một số từ chỉ đồ vật.

Chày Đạp là rạch ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Chày Đạp là “chày lớn có cần đạp”[5]. Có lẽ bên rạch có chày đạp để lấy nước vào ruộng nên có tên trên.

Chẹt là sông ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Chẹt, còn gọi là xà cạp, là loại thuyền có mũi bằng, thường được đóng bằng gỗ mù u, có bề rộng khoảng 0,5m, dài 1-1,5m để chở các loại nông cụ, hàng hoá, xe cộ,…qua lại giữa các mương nước nhỏ, sông rạch nhỏ. Cây chèo của chẹt thường bằng gỗ sao để có độ chắc, bền, nhằm giúp việc đẩy chẹt đi nhanh và xa” [9].

Xáng là kinh chảy qua hai xã Lê Minh Xuân và Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, tp. HCM, nối kinh Ngang với sông Chợ Đệm, dài độ 7.000m, được đào dưới thời Pháp thuộc. Xáng gốc Pháp chaland, thường gọi là chiếc sà- lan, trên đó người ta đặt cái máy đào kênh, vét bùn. Kinh xáng là con kinh do xáng đào. Ở Nam Bộ có nhiều con kinh đào mang tên này [6].

Xáng Thổi là hồ ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, tp. Cần Thơ. Xáng Thổi vừa gốc Pháp vừa gốc thuần Việt vì hồ do xáng cạp đất dưới đáy hồ rồi phun lên bờ.

Lái Bong là rạch ở xã Tân Hạnh, tp. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Lái Bong là người lái buôn kinh doanh bột gạo để làm bánh tráng [18].

3.Địa danh thuộc phạm trù lịch sử. Và địa danh thường mang dấu ấn của địa phương. Bởi vậy, địa danh mang nhiều từ cổ, từ lịch sử, từ địa phương của nhiều thời đại khác nhau. Giải mã các từ này, chúng ta sẽ thấy rõ hơn bản chất và ý nghĩa của các địa danh để có quyết định có nên duy trì hoặc thay đổi các địa danh này hay không và ta càng yêu tiếng mẹ đẻ và vùng đất mà tổ tiên chúng ta đã đổ nhiều công sức giúp cho cuộc sống chúng ta no ấm hơn, hạnh phúc hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

            1.Béhaine, P. P. de, Tự vị An Nam-Latinh (Dictionarium Anamitico-Latinum, 1772-1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, tp.HCM, Nxb Trẻ, 1999.

            2.Bình Nguyên Lộc, Lột trần Việt ngữ, SG, Nguồn xưa xb, 1972.

            3.Bùi Đức Tịnh, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, tp.HCM, Nxb Văn nghệ, 1999.

            4.Huỳnh Minh, Định Tường (Mỹ Tho) xưa, HN, Nxb Thanh niên, 2001.

5. Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.

6. Lê Trung Hoa (cb), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, tp. HCM, Nxb Trẻ, 2003.

            7.Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển, SG, Khai trí, 1970.

            8.Lương Văn Lựu, Biên Hoà sử lược toàn biên, tác giả xb,1972.

            9.Nghê Văn Lương, Cà Mau xưa, HN, Nxb Thanh niên, 2003.

            10.Nguyễn Tấn Anh, Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHKHXH – NV, tp.HCM, 2008.

            11.Nguyễn Văn Trấn, Chợ Đệm quê tôi, Nxb Văn Nghệ, tp. HCM, 1985.

            12.Rhodes, A. de, Từ điển Annam-Lusitan-Latinh (Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Hoàng Xuân Việt dịch), HN, Nxb KHXH, 1991.

            13.Thạch Phương – Nguyễn Trọng Minh (cb), Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu, HN, Nxb KHXH, 2005.

            14.Thái Văn Kiểm, Đất Việt trời Nam, SG, Nxb Nguồn sáng, 1960.

            15.Thanh Chí, Một số địa danh ở Bạc Liêu có nguồn gốc là tên thực vật, Bạc Liêu xưa và nay, Xuân Ất Dậu, 2005, tr. 25 – 26.

            16.Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Quang Ân (cb), Địa chí Tiền Giang, tập II, Ban Tuyên giáo tỉnh Tiền Giang và Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu Lịch sử văn hoá Việt Nam, 2007.

            17 .Trần Thanh Tâm, Thử bàn về địa danh Việt Nam, Nghiên cứu lịch sử, số 3-1976, tr 60-73; số 4-1976, tr 63-68.

            18.Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí,

a.Nguyễn Tạo dịch, SG, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1972.

b.Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, HN, Nxb Giáo dục, 1998.

            19.Trương Ngọc Tường, Một số địa danh ở Tiền Giang, Văn hoá nghệ thuật Tiền Giang, tháng 11 – 2000, tr.27 – 31.

            20.Trương Vĩnh Ký, trong Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. Thái Văn Chải dịch phần Địa danh.

            21.Việt Cúc, Gò Công cảnh cũ người xưa, tp. HCM, Nxb Trẻ, 1999.

            22.Võ Nữ Hạnh Trang, Văn hoá qua địa danh Việt ở tỉnh Đồng Nai, Luận văn Thạc sĩ văn hoá học, Trường ĐHKHXH-NV, tp. HCM, 2006.

Nguồn: tạp chí Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh, số 9+10, 2016, tr. 166-176

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62535573
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14946
16893
62535573

Thành viên trực tuyến

Đang có 249 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website