Địa danh Việt Nam mang thành tố Ba

1.Trong địa danh Việt Nam có hàng chục đơn vị có thành tố Ba ở trước. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ khảo sát một số địa danh có nguồn gốc tương đối rõ ràng. Số còn lại tạm thời gác để tìm hiểu thêm.

2. Yếu tố Ba này có nhiều nguồn gốc khác nhau.

2.1. Trước hết, vì kiêng húy hoặc vì biến âm, Hoa biến thành BaBa biến thành .

Ba Thê là núi và kinh ở tỉnh An Giang. Ba Thê có tên ban đầu là Hoa Thê [36]. Vì kiêng húy bà Hồ Thị Hoa (mẹ vua Thiệu Trị) nên phải sửa thành Ba Thê – tương tự chợ Đông Hoa biến thành Đông Ba. Còn Thê gốc Khmer Tà Thner, nghĩa là “ông Thner”  [279].

 Ba Na vừa là tên dân tộc vừa là địa danh (biến âm thành Bà Nà) ở tp. Đà Nẵng.

Núi Ba Thê 

2.2. Tiếp theo, Ba là một yếu tố Hán Việt.

Ba La là vùng đất thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Năm 1821, đổi thành thôn Văn La. Ba La cũng là xã thuộc tổng Nghĩa Hạ, huyện Chương Nghĩa, dưới thời Gia Long, nay thuộc tp. Quảng Ngãi. Ba La hay Ba La Mật là từ phiên âm tên “cây mít”. Đại Nam nhất thống chí ghi tục danh của xã này là Thị Mít vì làng này xưa trồng nhiều mít nên đình làng xây toàn bằng gỗ mít [20].

Ba Tơ là huyện của tỉnh Quảng Ngãi, diện tích 1.122,4km2, dân số 44.700 người (2006), gồm một thị trấn và 18 xã. Vốn là nguồn An Ba, năm 1915 đổi thành Ba Tơ. Ba Tơ có tên cũ là An Ba “sóng yên” nên có lẽ có quan hệ nguồn gốc giữa hai địa danh.

Ba Xuyên là phủ thuộc tỉnh An Giang. Thời 1955 – 1975, là tỉnh. Nay thuộc tỉnh Sóc Trăng. Ba Xuyên có lẽ có nghĩa là “sông nổi sóng”.

2.3. Kế đến, Ba bắt nguồn từ tiếng Khmer.

Ba Lai  là đập ở cửa sông Ba Lai, tỉnh Bến Tre, dài 84m, ngang 600m, có mười cửa đóng mở tự động, được lấp dòng sông ngày 22 – 3 – 2002. Ba Lai gốc Khmer Baray, nghĩa là “hồ nước nhân tạo” [7]. Tên đập do tên sông mà ra.

Ba Lai còn có hai dạng khác là Ba Rài, Ba Rây. Ba Rài là rạch ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, dài 22km.

Ba Thắc là vùng đất nay thuộc tỉnh Sóc Trăng. Cũng viết Ba Sắc, Ba Xắc, Bát Xắc. Ba Thắc gốc Khmer Bassac, là tên một vị thần [297].

Ba Tri là huyện của tỉnh Bến Tre, diện tích 355,4km2, dân số 192.500 người (2006), gồm một thị trấn và 23 xã. Ba Tri có lẽ gốc Khmer Bati [272], nhưng chưa biết ý nghĩa là gì. T- và Tr- có quan hệ chuyển đổi, như Tà Men – Trà Men, Tà Vích – Trà Quýt (Sóc Trăng), Tà Ôn – Trà Ôn (Vĩnh Long)…Ba Tri còn có các dạng Ba Si, Ba Se.

Ba Trinh là xã thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Hai làng Ba Trinh và An Trinh nhập một thành Ba Trinh cho đến nay. Cũng nói và viết Ba Rinh. Ba Rinh là kinh trong huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Ba Trinh và Ba Rinh gốc Khmer Pring, là “cây gỗ vùng nước ngọt, thân thẳng, hạt lúc chín màu tím đen, ăn được” [173].

Ba Vát là vùng đất ở tỉnh Bến Tre. Cũng viết Ba Vác, Ba Vạt. Phiên sang từ Hán Việt  thành Ba Việt. Ba Vát gốc Khmer Préah Wat, nghĩa là “chùa Phật”.

2.4. Mặt khác, Ba là một yếu tố của từ thuần Việt.

Ba Ba núi ở huyện Phước Bình, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hoà, nay thuộc tỉnh Bình Phước. Cũng gọi núi Thần Quy, Qui Sơn. Qui Sơn là “núi rùa” vì trên núi có tháp bằng đá hình giống cổ con rùa/con ba ba.

2.5. Sau cùng là từ chỉ số Ba trong tiếng Việt toàn dân.

Ba Bể là hồ ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, thắt lại 3 đoạn như lưng ong, có diện tích 670km2, ở độ cao 145m, dài 9km, rộng 1 – 3km. Ở đây có Vườn di sản ASEAN, diện tích 23.340ha, có nhiều động thực vật quý. Ba Bể vốn chỉ ba cái hồ nhỏ hợp lại. Ba hồ này có tên tiếng Tày là Lầm, Lèng, Lù [41;162]. Tên dân tộc là Nặm Pé, gốc Tày – Nùng, nghĩa là “nước biển” [69].

Ba Cẳng là cầu trên đường Kim Biên, quận 5, tp. HCM, dài 51m, rộng 3m. Còn có các tên cầu Ba Miệng, Ba Ngả, Khâm Sai (do quan Khâm sai bỏ tiền xây). Cầu bị dỡ bỏ năm 1991 sau khi đoạn kênh bị lấp. Ba Cẳng, vì cầu ở ngã ba rạch, có ba lối đi nên cầu có ba chân.

Ba Châu là vùng đất ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ba Châu do tên ba làng mang từ Châu ở trước: Châu Bình, Châu Phú, Châu Thới [176].

Ba Chẽ là huyện của tỉnh Quảng Ninh, diện tích 576,7km2, dân số 17.300 người (2006), gồm một thị trấn và 7 xã. Ở đây có sông Ba Chẽ, bắt nguồn từ núi Am Váp, dài 78km. Ba Chẽ là “ba nhánh (sông)”. Tên huyện do tên sông mà ra.

Ba Chon là núi ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cao 428m. Tên chữ là Tam Phong. Ba Chon là ba ngọn núi cao [96]. Tchon nay còn xuất hiện trong từ chon von.

Ba Cụm là chợ ở ngã tư rạch Ba Cụm với sông Bến Lức và rạch Khai, tỉnh Long An. Ba Cụm có hai cách lý giải: 1.Vốn là tên một kẻ trộm cắp trên sông: Ba Cụm [8]. 2. Ba cây đa to ở đây [115]. Dịch sang chữ Hán là Dung thị (chợ cây da). Thuyết thứ hai có lý hơn.

Ba Dầu là chợ ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Dịch sang chữ Hán là Du Giang. Ba Dầu do ngã ba (cây) Dầu của rạch Trà Tân nói rút gọn lại [251].

Ba Dội là đèo nằm trên quốc lộ 1A, ở chỗ giáp giới hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá, gồm ba đèo nối tiếp nhau: đèo một cao 68m, đèo hai cao 110m, đèo ba cao 80m (so với mặt biển). Tên dịch ra tiếng Hán là Tam Điệp. Ba Dội nghĩa là “ba đợt, ba lớp”.

Ba Đình là vùng đất ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp trong các năm 1886 – 1887 do Đinh Công Tráng lãnh đạo. Ba Đình là địa danh lịch sử nên trở thành tên quảng trường và tên quận ở thủ đô Hà Nội. Ba Đình là ba cái đình của ba làng Mậu Thịnh, Mỹ Khê và Thượng Thọ nơi địa phương trên.

Ba Đồn là thị trấn, huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tại đây có chợ cùng tên, gọi tắt là chợ Đồn. Ba Đồn là vùng đất của ba làng Phan Long, Trung Ái và Xuân Kiều, nơi có ba đồn binh của quân Lê – Trịnh [289].

Ba Động là địa điểm ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, tp. HCM và địa điểm ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh [8]. Ba Động là “ba cồn (cát)”.

Ba Gia là vùng đất ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ba Gia có thể do Ba (cây) Da, viết sai.

Ba Gioi là địa điểm thuộc xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ba Gioi vốn là Ba Doi vì  tại đây có ba doi đất do ba dòng nước tạo thành [172, Phụ lục].

Ba Giọt là hang ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, dài 156m, rộng 25m.Ba Giọt vì có ba dòng nước chảy. Ba Giọt cũng là thác ở xã Phú Hoà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Ba Giọt vì thác này đổ xuống ba dòng, nhìn từ xa giống ba giọt nước [172].

Ba Giồng là địa điểm ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, tp. HCM, một di chỉ khảo cổ học thuộc văn hoá Óc Eo, được khai quật năm 1994. Ba Giồng cũng là vùng đất thuộc hai huyện Kiến Đăng và Kiến Hưng, tỉnh Định Tường, nay là tỉnh Tiền Giang. Ba Giồng trước là “ba vồng đất”. Ba Giồng sau là Gò Yến, Kỳ Lân Qua Qua (Đại Nam nhất thống chí).

Ba Hầm là hồ  nằm trên đảo Đầu Bê, thuộc vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ba Hầm vì hồ gồm ba trũng biển lớn, hình tròn, thông với nhau bằng một hang luồn hẹp, quanh co [114].

Ba Hòn là núi ở hai xã Hàm Kiệm, Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Mỗi hòn cách nhau độ 100m, hòn cao nhất 200m. Ba Hòn là ba hòn núi, không có tên riêng cho từng hòn [213]. Ba Hòn cũng là vùng đất ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Ba Hòn là Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Sóc [272].

Ba Hồ là suối ở huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Ba Hồ vì trên quá trình vượt núi, suối tạo ra ba cái hồ: hồ Nhất có diện tích 150m2; hồ Nhì có diện tích 100m2; hồ Ba hẹp và nông hơn hai hồ trên [253].

Ba Hộ là vùng đất nay thuộc phường Phú Hài, tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ba Hộ vì năm 1851, kinh tế khu này phát triển. Theo đề nghị của Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, vua Tự Đức cho dân Bình Thuận lập các “hộ” và Phố Hài nổi tiếng với Ba Hộ, gồm Hộ bạch đàm, Hộ nước mắm, Hộ ghe bầu, riêng làng Tân Phú có thêm Hộ muối [213].

Ba Huyện  là tên khúc thượng nguồn của sông Côn ở tỉnh Bình Định. Ba Huyện vì sông chảy qua ba huyện Bình Khê, Tuy Phước, Tuy Viễn. Từ thời vua Khải Định (1916 – 1925), đổi thành sông Côn [218].

Ba Kè là ch ở ngã ba sông Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ba Kè vì ba nhánh sông sát chung quanh chợ [8]. Cách lý giải này chưa thuyết phục lắm.

Ba La là địa điểm ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Ba La là “ba thôn cùng mang từ La ở đầu”: La Cả, La Khê, La Nội [41].

Ba Làng An là mũi đất nhô ra biển Đông, ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Người Pháp khi phiên âm trên bản đồ, làm sai lạc thành Batangan. Ba Làng An chỉ nơi có ba làng mang từ An: An Chuẩn, Hải An Vân An.

Ba Lòng là thị trấn thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ba Lòng có lẽ do ba lòng chảo tạo nên.

Ba Lơn là dốc ở ấp 3, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ba Lơn là tên người đàn ông có nhà cư trú gần dốc, năm 2007 vẫn còn sống [25].

Ba Mẫu là hồ giáp hai làng Kim Liên và Trung Phụng, đối diện với công viên Thống Nhất, thuộc quận Đống Đa, tp. Hà Nội. Ba Mẫu là diện tích mặt hồ (ba mẫu Bắc Bộ độ 10.000m2) [162].

Ba Ngàn là kinh ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ba Ngàn là “ba ngàn mét”, tức chiều dài của kinh.

Ba Ngòi là sông chảy vào đầm Thuỷ Triều, gần thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Ba Ngòi vì sông có ba nhánh nhỏ là suối Cạn, suối Đầu và suối Đục [41].

Ba Nò là địa điểm ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Ba Nò vì tại đây có ba ngọn rạch nhỏ, đầu mỗi ngọn được đặt một cái nò [287]. là thứ lờ có nắp, đặt dưới nước, khi có cá vô ăn mồi thì vĩ sập xuống.

Ba Non là dãy núi ở phía tây bắc tỉnh Khánh Hoà. Còn gọi là Tam Phong (ba ngọn núi). Ba Non là ba hòn núi: Hòn Giữ (1.264m), Hòn Ngang (1.128m), Hòn Giúp (cũng gọi Hòn Giút, 1.127m) [81].

Ba Tầng là núi ở xã Thuỷ An, tp. Huế, cao 44m, trong dãy Tam Tằng. Ba Tầng vì núi có ba tầng hình tròn chồng lên nhau ứng với tam tài (thiên, địa, nhân) [258].

Ba Tổng là đê của sông Thương, sông Cầu, thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ba Tổng là các tổng Cổ Dũng, Hương Tảo, Tư Mại  [165].

Ba Trái Đào là bãi tắm trong vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ba Trái Đào vì ở đây có ba bãi cát hình cánh cung ôm chân hòn đảo nhỏ, hòn đảo này có ba đỉnh, nhìn từ xa giống như ba quả đào tiên [114].

Ba Vạn là thành cổ, nay thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, được người Lự đắp từ tk. 13, rộng hàng chục km2. Cũng gọi là Tam Vạn, Xám Mừn (tiếng Thái, nghĩa là “ba vạn”). Ba Vạn là “ba chục nghìn (người)”, tức sức chứa của thành.

Ba Vì  là  dãy núi, thuộc huyện Ba Vì, ở phía tây Hà Nội, đỉnh cao nhất 1.296m. Gần nơi đây có vườn quốc gia Ba Vì, diện tích 7.377ha, có nhiều thực vật quí. Ba Vì do nơi đây có ba ngọn núi: núi Ông (Ao Vua), núi (Ngọc Hoa 1.120m) và núi Chẹ (Tản Viên 1120m) [41].

Ba Vựctên một khúc của sông Vệ, đoạn chảy qua đèo Bà, thuộc huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ba Vực vì tại địa bàn có ba cái vực liên tiếp nhau [117].

3.Trong các địa danh được nhắc đến, số có nguồn gốc thuần Việt chiếm số lượng nhiều nhất. Sở dĩ có hiện tượng này là vì tác giả của các địa danh trên hầu hết là người bình dân, thường định danh sự vật bằng trực giác. Do đó, hầu hết đều dễ hiểu – trừ một số có nguồn gốc từ các ngôn ngữ dân tộc anh em.

 

Nguồn:  Kiến thức ngày nay, số 871, ngày 20-10-2014, tr.3-8.

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

64114580
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6526
29843
64114580

Thành viên trực tuyến

Đang có 447 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website