Trong bài Ngọa bệnh cảm tác, Huỳnh Ngọc Chiến viết: “Trong thời gian điều trị, gần như tôi dùng thơ để chống chọi lại những cơn đau. Bạn bè gọi đùa thơ tôi làm lúc này là thơ… chữa bệnh”. Ở tuổi 67, nhà nghiên cứu - dịch giả gốc Quảng Nam này vừa qua đời vào tối 1/6 tại thành phố Tam Kỳ.

Sáng 23/10 năm ngoái, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ngay trong đợt hóa trị lần thứ 3 bệnh K thực quản, Huỳnh Ngọc Chiến làm bài thơ khá dài, trong đó có đoạn: “… Ta nhàn du cõi trần gian/ Rong chơi cùng với cây đàn guitar/ Dịch kinh, viết sách gọi là/ Lưu chút tặng vật làm quà thế gian/ Bận tâm chi chuyện hợp tan/ Sinh là nắng gió, tử ngàn hoa bay/ Đến như hoa thắm bên này/ Đi thành hương ngát tháng ngày bên kia/ Một làn sương mỏng cách chia”.

Hiểu lẽ sinh tử thường nhiên

Huỳnh Ngọc Chiến không chỉ có kiến thức uyên bác về đạo Phật, mà dường như anh cũng đã bước chân vào con đường an nhiên. Trong bài Lời cuối gởi cho người thân, bằng hữu trước lúc chia tay, không hề thấy tâm hồn anh dao động, hoang mang, hoặc sợ hãi. Anh xem sự ra đi của mình là một việc tất nhiên như sáng mai mặt trời vẫn mọc, nắng vẫn lên, gió vẫn rì rào trong cành lá.

20210604

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến

Huỳnh Ngọc Chiến viết: “Trải qua 3 lần hóa trị, một trận đại phẫu, rồi sự cố hậu phẫu…, nói chung là nếm đủ mùi khổ não của cơn bệnh nan y. Bệnh tình đến nay vẫn không có dấu hiệu gì khả quan, cơ thể dần suy kiệt và bắt đầu những cơn đau nhức ngày càng tăng dần, bác sĩ tiên lượng có thể kéo dài một vài tháng nữa, nên tôi muốn ghi vội lời cuối này như một lời từ giã, phòng khi những cơn đau nhức hành hạ khiến tôi không còn đủ sức lực và tỉnh táo để có thể ghi lại đúng như ý muốn, trước khi bước qua làn sương mỏng cách chia”.

Anh bình tĩnh sắp xếp chu đáo cho mình trong ngày cuối cùng còn “cư ngụ” ở trần gian đầy những đau thương và nghiệt ngã.

Chú thích ảnh

Một số đầu sách công phu của Huỳnh Ngọc Chiến

Anh viết: “Ai rồi cũng phải bước xuống một bến ga nào đó trong chuyến xe đời. Tôi cũng sắp từ giã mọi người để xuống một bến ga”. Anh cũng bình thản đưa ra một sáng kiến “vô tiền khoáng hậu”: “Thân hữu đến viếng tang lễ sẽ tự tay gõ 3 tiếng chuông thay cho nhang đốt. Nhang bây giờ chứa nhiều hóa chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường, sao ta không thể thay thế bằng tiếng chuông cho thanh tịnh?”.

Chú thích ảnh

“Bạn bè, người thân cứ lo tôi sẽ bị suy sụp tinh thần, sẽ bị quỵ ngã. Nhưng tôi nhận tin mình bị ung thư rất thanh thản, vì hiểu lẽ sinh tử thường nhiên. Mọi chuyện trong đời xem như đã tạm tròn bổn phận, nên tôi giờ rất xem nhẹ lẽ tử sinh. Chỉ mong sao sinh thuận tử an. Để tiếp tục chu kỳ sinh hóa khác trong vũ trụ. Vậy thôi. Ngày mai hay năm, mười năm nữa cũng như nhau. Chẳng có gì khác biệt. Thân bệnh là chuyện thường tình và tất yếu của con người, giữ tâm không bệnh mới là điều quan trọng” – Huỳnh Ngọc Chiến viết.

“Trong những cơn đau quặn thắt vì hóa trị, tôi vẫn hoàn tất được bộ kinh Lăng Già đối chiếu. Và thấy lòng thanh thản vô cùng. Tôi mang ơn kinh Phật đã đem lại cho tôi những huyền lực để giúp tôi tìm được thanh thản giữa những cơn đau khủng khiếp đến kiệt sức”.

Chú thích ảnh

Tài hoa và tự học

Ngoài nghiên cứu, dịch thuật, làm máy tính, Huỳnh Ngọc Chiến còn viết tiểu luận, tùy bút, ca khúc, thơ, truyện ngắn… Sách viết và sách dịch đã xuất bản khoảng 20 quyển; anh còn cuốn Hán Việt tự điển gần 3.000 trang và tập tiểu luận dày về Bùi Giáng, chưa xuất bản. Anh căn bản là tự học, đa tài trong nhiều lĩnh vực, thông thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, Hoa và tiếng Phạn.

Trong số những tác phẩm đã xuất của Huỳnh Ngọc Chiến, độc giả và bạn bè ưa thích nhất là cuốn Lai rai chén rượu giang hồ. Đây là tập tiểu luận về Kim Dung, một thiên tài lừng lẫy dòng truyện kiếm hiệp.

Chú thích ảnh

Tập tiểu luận “Lai rai chén rượu giang hồ” rất được độc giả yêu thích

Tôi nhớ một sáng năm 2016, Huỳnh Ngọc Chiến tổ chức buổi “gặp mặt bỏ túi” tại quán cà phê Đông Hồ ở cuối đường Cao Thắng nối dài (TP.HCM), chỉ có 5 người, nhân dịp phát hành cuốn Tinh hoa triết học Vedànta. Nhà văn Đỗ Hồng Ngọc là khách mời, ngồi gần hồ nước, với những đám cỏ xanh mượt và yên tĩnh. Huỳnh Ngọc Chiến thân tình và gần gũi, khi nhận sách tác giả ký tặng, tôi thấy ai cũng có, riêng anh Ngọc không có cuốn nào, nên rất ngạc nhiên, bèn hỏi: “Ủa, sách anh đâu?”. Anh Ngọc cười: “Tuần trước Chiến biếu anh rồi”. Tôi lại hỏi: “Dễ đọc không vậy anh?”. “Anh mới đọc được mười mấy trang”. Tôi nghĩ, anh Đỗ Hồng Ngọc với “nội công thâm hậu” về Phật pháp như vậy mà đọc cẩn trọng như thế, chắc mình phải đọc mấy tháng mới hết cuốn sách gần 800 trang này.

Sách của Huỳnh Ngọc Chiến biên khảo, dịch thuật, cuốn nào cũng công phu và giá trị. Tôi còn thích các cuốn như Chu dịch thiền giải, Tánh không cốt tủy triết học Phật giáo¸ Diệu nghĩa kinh Lăng Già, Phản triết học nhập môn dịch… Dòng sách này rất kén chọn người đọc, nhưng thiết yếu, vì nó căn bản cho nhận thức.
Nếu nhìn Huỳnh Ngọc Chiến qua các ca khúc, thấy anh đầy chất tài hoa và lãng tử. Những ai đã dự khán hoặc nghe lại đêm nhạc Cung trầm của anh, tổ chức gần đây tại quê nhà, sẽ thấy rõ.

Chú thích ảnh

Tập nhạc "Cung trầm" của Huỳnh Ngọc Chiến

Huỳnh Ngọc Chiến đã sống một cuộc đời tuy không thật dài, nhưng không hoài phí hoặc vô vị. Giờ anh nằm xuống, thanh thản, hết đau đớn, không muộn phiền, không vướng bận gì nữa. Anh đã sống như hai câu thơ của chính anh: “Để khi vào cõi sa mù/ Sẽ bay như hạt mưa Thu nhẹ nhàng”.

Ai trong chúng ta ở đây rồi cũng phải bước xuống sân ga cuối của chuyến tàu đời. Cầu mong anh bước vào cuộc hành trình khác trong một chuyến tàu êm ái hơn, tràn ngập niềm vui và sự an lành. “Mai mốt bước qua bờ sinh tử/ Vén màn sương vào cõi hư vô/ Cũng chờ ngày trùng du cố quận/ Để lai rai chén rượu giang hồ” – thơ Huỳnh Ngọc Chiến.

Nguồn: Thể thao và Văn hóa, ngày 03.6.2021.

Phạm Thanh Chương

Khi bàn về sách nói, không thể bỏ qua các câu hỏi hiện vẫn còn khiến nhiều người lăn tăn: nên nghe hay đọc sách, và nghe audiobook sau đó tuyên bố “tôi đã đọc quyển đó rồi” có phải là… ăn gian?

20210515 2

Minh họa

Đọc và nghe một cuốn sách có thể liên quan đến các con đường não bộ khác nhau, nhưng hầu hết các nhà tâm lý học nghiên cứu ngôn ngữ trên các khía cạnh tâm lý và sinh học thần kinh đồng ý rằng “bộ máy tâm trí” liên quan đến việc hiểu ở cấp độ cao hơn các mẩu chuyện, cốt truyện đều giống nhau bất kể bạn “đọc” cuốn sách như thế nào.

Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học UC Berkeley đã chụp hình não 9 người tham gia đang đọc và nghe một loạt chuyện, rồi lập bản đồ cách các khu vực khác nhau của não xử lý từng từ. 

Nhìn vào các bản scan não và phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu thấy rằng các câu chuyện kích thích các vùng nhận thức và cảm xúc giống nhau, bất kể phương tiện truyền đạt chúng vào não là gì đi nữa, theo kết quả đăng trên tập san Journal of Neuroscience vào tháng 8-2019. Nói cách khác, ta nghe hay đọc thì đối với não “không thành vấn đề”.

Ảnh chụp não khi nghe sách (trên) và đọc sách cho thấy nhiều nét tương đồng. Nguồn: Fatma Deniz

Điều này lại dẫn đến một câu hỏi khác: giữa nghe và đọc, có cái nào giúp ta dễ hiểu nội dung văn bản hơn cái kia không? Beth Rogowsky, phó giáo sư giáo dục tại Đại học Bloomsburg, đã làm thí nghiệm với 3 nhóm tình nguyện viên là người trưởng thành để tìm câu trả lời. 

Nhóm đầu tiên nghe các đoạn trích của một cuốn sách phi hư cấu về Thế chiến thứ hai; nhóm thứ 2 đọc các đoạn trích từ một máy đọc sách điện tử; nhóm cuối cùng đọc và nghe các đoạn trích đồng thời. 

Các tình nguyện viên sau đó đã làm một bài kiểm tra khả năng hiểu. Rogowsky và các đồng nghiệp không thấy có sự khác biệt đáng kể về điểm số giữa 3 nhóm.

Nhưng Rogowsky lưu ý rằng nghiên cứu của cô chỉ xem xét khả năng hiểu khi mọi người đọc hoặc nghe tài liệu một lần, chứ không phải khi họ cố gắng nghiên cứu nó ở mức độ sâu. 

Nói cách khác, nghiên cứu của Rogowsky gợi ý rằng ít nhất khi nói đến việc tiếp nhận tài liệu một cách tương đối thụ động, thì việc bạn đọc hay nghe cuốn sách không thực sự quan trọng.

Nhưng còn muốn nạp nội dung chủ động thì sao? Một nghiên cứu so sánh mức độ học tập của sinh viên về một chủ đề khoa học bằng cách cho họ nghe 1 podcast dài 22 phút so với đọc 1 bài viết. Hai ngày sau, họ phải làm bài kiểm tra. Kết quả là số sinh viên đọc đạt 81% số điểm và những người nghe thì được 59%.

Xét trên khía cạnh học tập thì 2 cách nạp văn bản này khiến ta tiếp nhận theo những cách khác nhau. Với văn bản có những phần khó, ta có thể dễ dàng quay lại đoạn đó, đọc lại và suy nghĩ dễ dàng hơn khi nghe nội dung đó. 

Văn bản viết dù khó đến mấy cũng góp phần hỗ trợ người đọc thông qua những dấu hiệu tiêu đề, cách sắp xếp đoạn văn, những quy ước này là thứ mà việc nghe sách không thể so sánh được.

Vì vậy, mặc dù cả việc nghe và đọc sách đều có một quá trình hiểu cốt lõi tương đối giống nhau diễn ra trong não, những văn bản khó đòi hỏi tâm trí chúng ta phải có các chiến lược bổ sung và văn bản giấy có thể đáp ứng tiêu chí này. 

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy khả năng nghe và đọc của mọi người tương tự nhau đối với các câu chuyện kể đơn giản hơn là đối với văn xuôi. Các câu chuyện có xu hướng dễ đoán hơn và sử dụng các ý tưởng quen thuộc, còn các bài luận thuyết trình có nhiều khả năng bao gồm nội dung lạ và yêu cầu đọc có chiến lược hơn.

Thể loại sách cũng có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến chọn lựa nghe hay đọc của chúng ta. Đối với văn bản tường thuật như tiểu thuyết, việc bạn đọc hay nghe cuốn sách có lẽ không quan trọng lắm. Nhưng đối với văn bản kỹ thuật, văn xuôi thì đọc sẽ tốt hơn. 

Việc tìm hiểu tài liệu dày đặc thông tin thường đòi hỏi phải xem lại và việc lật qua lại giữa các trang sẽ dễ dàng hơn nhiều so với lướt qua lướt lại một đoạn âm thanh.

Daniel T. Willingham, giáo sư tâm lý Đại học Virginia, chia sẻ trên The New York Times rằng cách đây vài năm, khi mọi người nghe nói ông là một nhà nghiên cứu về đọc sách, họ có thể hỏi về chứng khó đọc của con cái hoặc làm thế nào để khiến con họ đọc nhiều hơn. 

Nhưng ngày nay câu hỏi mà ông thường xuyên nhận được nhất là “Nếu tôi nghe sách nói khi sinh hoạt trong câu lạc bộ sách thì có bị xem là gian lận không?”. 

Suy cho cùng việc có gian lận trong câu lạc bộ đọc sách không nếu nghe sách có vẻ như không quan trọng bằng chuyện lựa chọn cách thức nào để hiểu nội dung của một cuốn sách một cách tốt nhất và nắm bắt được điều tác giả cố gắng truyền đạt đến chúng ta. ■

Hiếu Thảo

Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần, ngày 20.4.2021.

Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong cuộc sống mỗi ngày chúng ta đi tới, đi tới; bước đi những bước mà chưa biết sẽ ra sao. Tương lai thì chưa chắc chắn, còn quá khứ lại vô cùng mù mịt.

20210211 6

Chơi Tết âm lịch trên đường Charner 1902 (nay là đường Nguyễn Huệ).

Cũng như các bạn, tôi cũng có những mơ ước như vậy.

Nhân ngày Tết này, chúng ta hãy cùng quay về ngày Tết ở Sài Gòn trăm năm trước coi ra sao? Những ngày ấy có giống với những ngày chúng ta đang sống không? Dĩ nhiên là Sài Gòn trăm năm trước không có xe cộ ồn ào, không bụi bặm mù trời, không có những buổi karaoke ồn ào suốt ngày đêm của hàng xóm…

Nhà báo Ng Thành đã ghi nhận lại không khí Tết ở Sài Gòn cách nay 104 năm.

 

Cuộc ăn tết năm nay

(Tân Đợi Thời Báo số 36 ngày 2.3.1912)

Cuộc ăn tết năm nay sánh với mấy năm trước, thì thua kém hơn nhiều. Y cựu lệ, chợ bữa 27, 28 và 29 Annam; tiền chỗ gia tăng bằng hai đặng trừ bì ba bữa 30, mồng một và mồng hai thì miễn thuế.

Ban đêm ở xa thì thấy chợ thắp đèn điển khí sáng trưng, coi rất đẹp mắt, mà chừng bước chơn [chân] vào chợ, mắt lại ngẩn ngơ, ngống [ngóng] qua ngống lại, dường như là tiềm [tìm] kiếm giống chi, vì lòng đã mất thửa sự mong vọng. Tượng gặp cuộc buôn bán rần rần rộ rộ thạnh vượng như đã từng thấy mấy năm trước tại chợ cũ Sài Gòn và lối dẫy (dãy) Chà Và bán vải, nào hay đâu gặp bề thương mãi bơ thờ, thiên hạ thưa thớt! Có khi tại chợ mới cất lớn quá cho nên bao nhiêu người ta cũng không đủ choán khấp [khắp] cho hết chỗ, hoặc bởi chợ ở một nơi, Chà Và bán vải ở một nơi, nên kẻ mua bán phải chia ra làm hai tốp, làm cho mất sự đông đảo xưa đi.

Đốt pháo Tết trong một sân chùa ở Chợ Lớn 1905.

Tại chợ mới bán vật thực đủ món cùng là hoa quả đủ thứ như mấy năm trước, giá cả không mắc mỏ gì hơn. Duy có cam tàu được rẻ hơn một ít, ngặc [ngặt] dưa hấu thất mùa, nhỏ trái mà lạt, lại bán mắc quá; đường phổ năm nay sơ sài không đúng mùi vị; có muốn “ăn thật” đường phổi, thì phải mua đường Biên Hòa, màu nó thâm thâm, còn đường bán tại Saigon thì trắng xác.

Vòng chợ ngoài phía mặt tiền, có bày nhiều hàng bông hoa đủ thứ, phía bên tay hữu lại có bày viết liễn, viết thiệp. Thấy tại đó có nhiều tay tả tự rất xảo lại sẵn thuộc làu mấy câu sách, nên hễ đặt viết xuống, thì quây (quay) như “rồng bay phượng múa”. Ấy là mấy tay tả tự bậc nhứt. Còn bực nhì thì viết chậm chậm, lại có kềm sẵn sách bên tay.

Lăng Ông Bà Chiểu.

Liễn viết xong rồi, người nào cũng lật đật đem về, dán đen đỏ trong nhà ba bữa tết. Có nhà kia mắc bán buôn không hở tay mà dán liễn. Qua ngày mồng một, ai nấy trong nhà rảnh việc, mới nhắm trước nhắm sau, chừng ngó lên mấy cây cột, thấy liễn dán trở đầu xuống đất hết! Xong chưa! Lanh thiệt!

Nội trong mấy tay tả tự, cũng có vài sư tăng đua chen với thế viết liễn cầu tài, tiếng người tu hành mặc dầu, chớ chữ viết tầm thường.

Khách trú [người Hoa] năm nay ăn tết sớm lắm. Bữa hai mươi tám đã thượng xong cờ ngũ hành, cây nào cũng to lớn, còn màu sắc thì thâm đậm, coi ra lạ con mắt. Cũng có chen lộn theo ít cây cờ tam sắc của Đại Pháp.

Sài Gòn năm 1915. Cả hai hình đều chụp ở trước Nhà hát thành phố hiện nay dưới hai góc độ khác nhau.

Đêm ba mươi và trọn ngày mồng một, pháo nổ liên thinh, ấy là tục người Annam trừ năm cũ và ăn mừng năm mới, “bộc trúc nhứt thinh trừ cựu”. Tối ba mươi, tất nhiên có nhiều kẻ ngủ không an giấc, hoặc mắc thao thức bàn soạn quần áo, vòng vàng đặng rạng ngày có ăn mặc với người ta, hoặc bị pháo nổ rùm tai phải giựt mình ngồi dậy, nhưng vậy mà rồi nhớ sực qua ngày mai là Tết cũng nhộn nhực trong lòng.

Trong ba bữa tết người lớn kẻ nhỏ đều vui đồng. Trẻ em thì lo ăn cam ăn hồng, đốt pháo lãnh “lì xì”, còn người lớn thì lo thăm viếng, làm tuổi ông bà và cầu chúc cho bà con cô bác, bậu bạn đặng vạn sự hanh tường. Có kẻ khác lại lo dụm năm dụm bảy mà đổ bác.

Đừng nói con nít ham đốt pháo chớ người lớn cũng ham đốt pháo vậy; qua mồng bốn lối bửng tưng, đã thấy có ông già kia nhắm hướng nhà thương thí mà phăng lần đến. Quan lương y khán [khám] bịnh xong, liền ra toa mà đề chứng bịnh như vầy “bàn tay hữu bị tách chè hẻ, vì… ham đốt pháo tre! Nguyễn Thạnh Phước, 56 tuổi!!” (Ông nầy đầu năm lót chữ ‘thạnh’ mà bộ hết thạnh nên tới suy!).

Xưa sao nay vậy tái đi tái lại, thì cũng thịt hầm dưa giá, thịt kho cá kho, nem, bì, tỏi, ớt, kiệu, bánh tét, bánh chưng. Chứa tinh những đồ ăn phá bụng.

Ngoài xe lửa chật như nêm. Trừ ra xe lửa Mỹ Tho, còn bao nhiêu, nào là xe lửa Biên Hòa, xe lửa nhỏ, xe lửa Chợ Lớn bộ hành lên xuống không ngớt. Khách trú đi chật xe mặc y phục langsa, bỏ dẹp áo dài xưa xùng xình. Lải rải còn thấy một ít lão mặc áo dài châu xá, che dù đi cung hỉ, ngặc… dang đầu trần ra giữa trời nắng! Khá thương cho á xúc!

Cầu Khánh Hội.

Còn xe lửa Biên Hòa chạy lối miệt Gò Vấp, Bình Lợi, thì bộ hành trên xe thấy dọc theo đàng, có vài nhà chưng dọn có thắt lá dừa và treo đèn lồng giấy, trong nhà khác lại thấy người dụm năm dụm bảy chật một ván mà đánh bài. Nghe xe lửa hú, ngảnh cổ lên ngó, rồi cười. Kẻ trên xe thấy trếu làm vậy, liền đưa ta ra hoắc [ngoắc], người trong nhà lại cười hơn nữa, xa xa thấy bày hàm răng… đen! Nhằm ngày xuân nhựt, người đông vui là vậy đó.

Xe cộ ngày tết, nhứt là bữa mồng một, mắc lắm, giá cả bằng hai, mà cũng không đủ cho người ta đi.

Qua bữa mồng hai, pháo đốt nghe lải rải, bước qua mồng ba nghe càng vắng bặt, chiều lại nghe lộp bộp ít tiếng đưa ông bà rồi… hết tết.

Tết năm nay dân sự thủ phận an thường, chẳng chút nào vi phạm mặt luật; ấu đả cũng không, cướp giựt trộm bối cũng không ngoại trừ tại Vĩnh Long có xảy ra một việc mất của mà thôi. Có ả kia bữa mồng một đi khỏi, giao nhà lại cho con tớ gái; chừng về coi lại thì vòng vàng đã mất hết nhiều, độ giá chừng năm ngàn bạc ngoài. Số là cô ấy lúc dấu (giấu) chìa khóa tủ ở dưới gối, thì có con ở ngó thấy. Việc nầy còn đang tra hỏi.

Múa rồng: Con rồng trong ảnh dài khoảng 50m với trên 25 người múa, đã được chụp trước năm 1905.

Tại Saigon, có chú lính mã tà, cũng trong ngày tết cầm dao mà quyên sinh lấy mình. Nay còn nằm nhà thương. Không rõ cớ chi mà chú nầy đành tự vận như vậy? Hay là thua lắm?… Hay là vấn vương tình nợ? Khó biết được, quan còn đương tra.

Năm nay tết nhứt coi hình cuộc không lấy gì làm vui cho lắm. Có lẽ tại mẩu quốc hữu sự nên chúng dân chẳng đành lòng an vui như mấy năm trước.

 

Xuân nhựt thi

Lễ tết năm nay chút gọi là;
Cờ treo, liễn đánh với người ta;
Giáp Dần đã đặng bề thong thả,
Ất Mẹo từ đây sướng lắm a!

Thắp đèn, đốt pháo với người chơi;
Ăn tết năm nay thiệt thảnh thơi,
Ắt đặng từ rày và sắp tới;
Lộc cao, phước lớn, sống lâu đời!

Mấy ngày tết nhứt sướng bon bon;
Rượu thịt đủ mùi rất ngọt ngon;
Cúng kiến (kiếng) hẳn hòi, thành tín một,
Đất trời phò hộ cả bà con.

NG THÀNH “Khiêm Hòa”
Secretaire à l’Inspection d’Hà Tiên

Trần Nhật Vy

Nguồn: Doanh nhân Plus, ngày 06.02.2021.

Một vận động viên Marathon nữ dùng “thế thân” chạy hộ để có huy chương đem khoe trên mạng xã hội. Một “fashionista” nổi tiếng ăn cắp những món đồ hiệu đắt đỏ để khoe cuộc sống giàu có trên Instagram. Những người phụ nữ chung tiền thuê xe hơi xịn để đóng vai “rich kid” (con nhà giàu). Ngày nào ta cũng có thể thấy những chuyện “sống ảo” được vạch trần trên mạng xã hội.

Nhưng, có ai trong chúng ta không “sống ảo”? Có ai trước khi đăng tấm ảnh chân dung lại không đưa nó qua một lớp “filter” kỳ diệu? Có ai không ba hoa về những phần tốt đẹp nhất của cuộc sống để vờ như mình đang rất ổn? Nên nhớ rằng, từ “ảo” trong sống ảo không bắt nguồn từ “ảo ảnh” (illusion), mà từ thế giới mạng Internet ảo (virtual).

Giờ thử tưởng tượng vài trăm năm nữa, con người có một phiên tòa xử án Internet, liệu bị cáo có phải chịu kết án là thủ phạm của “sống ảo”, hay nó chẳng là gì hơn, ngoài một tấm gương cầu lồi phóng to những thứ vốn đã có sẵn trong bản chất của con người?

Năm 1891, chắc chắn khi đó Internet còn chưa ra đời, Oscar Wilde đã viết cuốn tiểu thuyết duy nhất của đời mình, một tác phẩm đưa ông lên đỉnh văn chương nhưng cũng ném ông xuống đáy cuộc đời, Chân dung của Dorian Gray, trong đó kể về một chàng trai trẻ đẹp sa ngã vào đầm lầy tội ác chỉ để giữ cho mình tuổi thanh xuân bất diệt nhưng trong khi chàng mãi trẻ đẹp thì bức chân dung mà chàng giấu kín nơi căn gác ngày một xấu xí, lão hóa, biến dạng sau mỗi lần chàng phạm tội.

20210512 2

Chúng ta đều đeo mặt nạ.

Nhưng, đến lúc mò lên gác xép và đối diện bức chân dung tượng trưng cho cái bên trong của mình, chàng ta chỉ thấy một thứ tàn tạ héo hon, dường như câu chuyện ấy có rất nhiều nét tương đồng với những phiên bản con người trong và ngoài mạng xã hội.Đó là cuốn tiểu thuyết đa nghĩa và bạn có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, nói cho cùng nó bất tử là bởi qua mỗi thời đại nó lại gợi ý thêm những suy tư mới. Trong thời đại của mạng xã hội, cái cách mà Dorian Gray khao khát được xuất hiện trước công chúng với vẻ ngoài đẹp như một mùa xuân, không từ cách nào để luôn mơn mởn trước mắt mọi người.

Như vậy, con người, dù có mạng Internet hay không, hình như luôn có xu hướng tách cái tôi thật và cái tôi xã hội. Từ “person” (một con người) có gốc gác từ từ “persona” trong tiếng Latin, mà persona có nghĩa là mặt nạ sân khấu. Hiểu theo cách nào đó, làm người tức là đeo mặt nạ, đã là con người thì đều đeo mặt nạ. “Mặt nạ [...] được thiết kế một mặt để gây ấn tượng nhất định với người khác và một mặt khác để che giấu bản chất thực sự của một cá nhân” - nhà phân tâm học nổi tiếng người Thụy Sĩ Carl Jung, người với lý thuyết về bản đồ tâm hồn có ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý học hiện đại, đã viết. Carl Jung là người đầu tiên khởi xướng khái niệm “mặt nạ” khi nghiên cứu về hành vi của con người.

“Mặt nạ” mà Jung đề cập thực chất có phổ rộng hơn rất nhiều so với những gì ta đang nói ở đây. Nó là tất cả những vỏ ngoài đóng gói cái tôi đích thực, những thứ định danh ta nhưng không đích thực là ta, kể cả tên tuổi cha mẹ đặt cho, nghề nghiêp ta làm, chức vụ xã hội giao cho ta - những thứ này không phải là giả, một người tên là A không hề nói dối khi anh ta bảo mình tên A, một vị tổng thống đương nhiên là người điều hành đất nước, nhưng nói như Jung, chúng chỉ là “hiện thực thứ hai” hay “một thỏa hiệp giữa con người và xã hội”.

Và nếu như ngay từ những thứ có tính thiết thân như thế đều có thể chỉ là một tấm mặt nạ ta chường ra cho thế giới ngắm nhìn, vậy thì có gì lạ nếu như khi được trang bị công cụ phù hợp (như mạng xã hội), con người tiếp tục đeo thêm những lớp mặt nạ khác để tự vẽ ra cho mình một cuộc sống khác với cuộc sống ta đang sống?

Jung không phản đối mặt nạ. Theo Jung, đeo mặt nạ là một hành vi cực kỳ bình thường và tự nhiên. Chúng ta đều đeo mặt nạ. “Thật không may rằng không nghi ngờ gì cả, con người, về toàn thể, không tốt đẹp như những gì anh ta tự tưởng tượng về mình và những gì anh ta muốn trở thành”. Nên ao ước thấy một phiên bản tốt hơn của bản thân, dù chỉ là trong một ảo tưởng, là rất mực tự nhiên. Nhưng, rắc rối sẽ xảy ra nếu như một người đồng nhất mình với mặt nạ, đánh mất hết ý thức về bản thân và để mặt nạ nuốt chửng bản ngã thật của mình.

Trong bộ phim “Fanny and Alexander”, một trong những phim hay nhất của Ingmar Bergman (và Ingmar Bergman thì là một trong những đạo diễn hay nhất thế giới), có cảnh phim về một vị cha đạo nằm mơ. Trong giấc mơ, ông cố gắng tháo tung chiếc mặt nạ đang đeo trên gương mặt nhưng ông ta làm cách nào cũng không thể tháo được nó. Cuối cùng thì ông ta kéo luôn cả gương mặt mình ra cùng mặt nạ. Ta đeo mặt nạ để che giấu gương mặt thật của mình nhưng khi đã đeo quá lâu, cái mặt nạ ấy sẽ dính chặt vào gương mặt thật của ta, đến mức ta không còn cách nào nhấc lớp phủ lên mà không làm bị thương đến lớp bị che phủ.

Trong khi đó, một nhà phân tâm học khác là Donald Winnicott sống cùng thời với Jung cũng phát triển độc lập một lý thuyết về cái tôi thật và cái tôi giả (hay cái tôi lý tưởng hóa), trùng hợp thay, lại có nhiều điểm tương giao với bản đồ tâm hồn của Jung. Ta có thể hiểu cái tôi giả (false self) là một thứ tương tự như mặt nạ.

Theo Winnicott, cái tôi giả ra đời khi một đứa trẻ bắt đầu biết phân biệt cái gì là được và cái gì là không được theo sở thích chung của xã hội, kiểu như tuổi trẻ là tốt, quyền lực là tốt, giàu có là tốt, thông minh là tốt, dũng cảm là tốt. Những cái không được, không tốt thì ta đem giấu đi. Nói chung, cái tôi giả không hề xấu. Nó là một phần của cái tôi thật và nó có nhiệm vụ bảo vệ cái tôi thật. Cái tôi giả rất vất vả vì hằng ngày nó phải đối phó với thế giới và thích ứng với thế giới thay cái tôi thật, nhờ đó, cái tôi thật có thể tiếp tục tồn tại trọn vẹn.

Dorian Gray trẻ đẹp và bức chân dung biến dạng.

Song, chính vì cái tôi thật không được ngó ngàng thường xuyên, nó chẳng có việc gì để làm, nó được bảo vệ quá kỹ càng đến mức không được thở, nên đâm ra, nó sẽ cảm thấy bị ngộp, cảm thấy không được công nhận, cảm thấy không được yêu. Từ quan điểm của Winnicott, ta có thể suy luận nguyên do vì sao khi một người “sống ảo” quá lâu, người đó cuối cùng lại trở nên mệt mỏi và buồn khổ. Nỗi buồn ấy chính là nỗi buồn của cái tôi thật bị bỏ quên.

Tóm lại, nếu chiếu theo lý thuyết của cả Jung và Winniecott, sống ảo tuyệt đối không phải là lỗi của mạng xã hội. Sự ra đời của mạng xã hội, thậm chí, chỉ phản ánh bản năng đeo mặt nạ của con người. Ta cần một nơi nào đó để làm cho cuộc sống của mình có vẻ tốt đẹp hơn so với thực tế và để không bị xã hội gạt ra lề và mạng xã hội là một sản phẩm tất yếu. Nhưng, thế thì chẳng lẽ ta chịu thua, ta chấp nhận để những chiếc mặt nạ dính cứng vào gương mặt thật của ta không cách nào gỡ ra? Những nhà phân tâm học chẳng lẽ không có một gợi ý gì hết?

Trên thực tế, thì có. Carl Jung không nói rằng chúng ta phải chối bỏ mặt nạ, xã hội này vận hành trơn tru là vì mọi người đều đeo mặt nạ và diễn cảnh với nhau. Nhưng, theo bản đồ tâm hồn của Jung, con người không chỉ có mặt nạ, họ còn có bóng tối (shadow), bao gồm tất cả những gì ta cố gắng tự phủ nhận ở chính mình. Và, Jung khuyên ta hãy nhìn thẳng vào bóng tối, để chúng ta biết rằng mặt nạ không phải là toàn bộ con người ta, bởi cách duy nhất để không bị điều khiển bởi mặt nạ là nhận thức được rằng bản thể của ta lớn hơn mặt nạ. Mặt nạ chỉ là một phần của bản thể mà thôi. Và, chỉ trong sự tỉnh thức hoàn toàn về mọi góc độ tâm hồn, con người mới có thể giữ vững cá tính và không bị trượt đi theo vô thức tập thể.

“Đặc ân của cuộc đời là trở thành con người bạn thực sự là”, Jung viết. Jung không viết “làm một con người bạn thực sự là”, mà ông viết “trở thành con người bạn thực sự là”. Động từ “trở thành” như muốn nói rằng, hành trình đi tìm cái tôi nguyên bản là một hành trình thăng tiến, một hành trình hóa thân, chứ không phải một hành trình quay trở về điểm xuất phát gốc hay một sự giảm trừ và vứt bỏ bất cứ điều gì. Ta không vứt bỏ mặt nạ của mình nhưng ta phải biết nó không là tất cả.

Hiền Trang

Nguồn: An ninh thế giới giữa và cuối tháng, ngày 30.4.2021.

Trước tiên, khi thử nhìn lại con đường của Mẹ - Đạo Mẫu-, tôi lại muốn đánh dấu chéo gạch bỏ những khái niệm “Đạo Mẫu”, Tiên Thánh Liễu Hạnh, Thánh Cô và một loạt những nhân vật được tôn sùng cho sức mạnh, thế lực hàng đầu của nữ giới Việt, thường được hóa thánh, sùng thượng một thời.

20210130

Bức “Gia đình” của danh họa Lê Phổ. Nguồn: Sotheby’s

Làm chuyện này tôi nghĩ mình không phạm thượng, và tin chắc người mỉm cười đầu tiên với tôi là bà chúa Liễu, bởi vì bà là vị nữ nhân đã thấu hiểu hơn ai thể chất đích thực của “đàn bà”, nói chung và phụ nữ Việt nới riêng: không thần tiên, không đúc tượng mà sống chân thực ở đời bằng khúc dạ của mình Câu chuyện tiên hạ giới vào gia đình thường dân, làm con đôi vợ chồng phúc đức, lớn lên, lấy chồng sinh con rồi… chết, rồi ước nguyện tái sinh, chỉ để… lấy chồng, sinh con, làm trọn chức năng đàn bà, rồi lại… chết nhưng… trở thành bất tử. Ba lần trở về hạ giới cũng chỉ vì một chữ “tình”, tình yêu đất, tình yêu người - vị được phong “Mẹ của muôn dân”-, “Thánh mẫu” ấy trở nên bất tử, bất tử trong nghĩa hầu như vẫn còn hiển hiện đâu đây nơi những hình hài nữ nhi, chưa một lần hiển thánh vĩnh viễn, còn mãi trong kiếp “đàn bà”. Liễu Hạnh đã biểu hiện giới tính Việt nữ không ở đâu khác hơn là chính ở trong bản chất “Hóa Thân”. Khác hẳn với nam giới hầu như đồng dạng, và đồng điệu (monotonne), người nữ có thể hiện thân muôn vẻ, như những cánh bướm muôn màu, như những… nàng tiên hạ giới. Tiên phải chăng là hình hài của bướm, của hoa hóa thân, hóa kiếp và đã là tiên ắt phải đẹp?

Câu chuyện mẫu hệ Việt Nam có thật trong lịch sử từ khi mảnh đất chữ S có lá sen, lá chuối, chiếc nón đi về, trong khi huyền thoại tiên bướm là khởi đầu cuộc hóa thân sáng tạo của Mẹ muôn loài. Hóa thân không ngừng trong dòng đời, trong muôn nghìn ức vạn thế hệ, để sinh và dưỡng muôn người. Sinh thành, nuôi dưỡng, giữ gìn, hình hài người phụ nữ Việt in bóng trên dải đất chữ S đã uyển chuyển đi những đường nét đậm tình nhân ái, sáng tạo, chân tình và bi ai. Đi, biến đổi, trở thành, người phụ nữ Việt linh động ảo hóa, dù gian nan đọa đày, ma chiết trắc trở. Từ bà Trưng bà Triệu, Nhà mẹ Lê, Mẹ Hồ Dzếnh, chị Dậu, ngay cả Thị Nở như những số phận hẩm hiu, cho đến Thuận Thiên, Ỷ Lan, Từ Dũ Thái hậu, hay Huyền Trân, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, nàng Kiều, Chinh phụ, bà mẹ Cúc Hoa… để nêu ra một vài tiêu biểu những con người với thiên chức đàn bà, người phụ nữ không ngừng tảo tần, không ngừng hóa kiếp với bầu sữa ngọt, với cảm hứng sáng tạo từ trái tim và đôi bàn tay sẵn sàng biến cải, đổi khác, nhào nặn từng hình hài, tạo dựng cuộc sống, gầy dựng mô hình xã hội yêu thương bằng cấu trúc gia đình.

Không ngạc nhiên chút nào khi “Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi, tác phẩm thành văn về giáo dục con người Việt thực hiện đạo làm người, ở thế kỷ 14  đã dành 15 trong toàn thể 16 chương của  tác phẩm, về việc giáo dục người phụ nữ trong gia đình, bởi vì gia đạo nằm chính trong sự cầm cương nảy mực của người phụ nữ: làm con, làm em, làm chị, làm mẹ, làm dâu, làm bà, đối với bà con, vợ lẽ, bạn bè của chồng, đối với người ngoài trong xã hội, đối với người cơ hàn thấp kém, đối với gia đình, thờ cúng tổ tiên…đến điều chi li với mọi chi tiết cách ăn ở đứng ngồi, công dung ngôn hạnh, bởi vì mọi phẩm chất đời sống của mỗi một con người được sinh ra và lớn lên đều bắt nguồn từ cái kén đức hạnh của người đàn bà. Con tằm nhả tơ cuộc sống, như lời hát ru “cocon de soie, source de vie”, con tằm biết sống theo đạo tằm nhả tơ, đức hạnh nằm trong nhả tơ, không phải trong thần tượng.

Bức “Đời sống gia đình” của danh họa Lê Phổ. Nguồn: Sotheby’s

Điều kiện sống và hành vi sống của người đàn bà là nguồn gốc của con người, của xã hội, đến nỗi, không lạ, một thời xa xưa, mẫu hệ là hình thức tổ chức xã hội đi trước phụ quyền và cũng không lạ khi J. J. Bachofen với tác phẩm "Das Mutterrecht" (“Mẫu quyền”) năm 1861 đã làm xôn xao giới nghiên cứu trí thức của thế kỷ 19, trong đó lời trao tặng cao quý nhất dành cho Mẹ “Bao lâu còn sống trên đời con sẽ không ngừng nói về phẩm hạnh tốt và lòng tin yêu của Mẹ” (Solange ich lebe, werde ich nie aufhören, von Deiner Güte und Deinem Vertrauen zu sprechen), với niềm đam mê chứng minh “mẫu quyền là nguồn gốc của xã hội”, đã đánh đỗi mọi tham vọng thế lực khoa học mang tính hàn lâm trí thức của thời ông. .

“Mẹ” đi trước muôn loài. Mẹ là cốt tủy của tâm tình nước non từ khi sóng vỗ bên bờ Kreta (Hy lạp), Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Trung Hải, Biển Đông. Mẹ Kreta cầm rìu hai lưỡi, mẹ Liễu Hạnh tiên hóa bướm, đều là những khởi đầu của khởi sự “con người”.

Có thể nói trước mọi quyển huấn ca, mỗi người con đã đọc Mẹ từ khi còn nằm trong bụng Mẹ. Quyển sách đời nằm trong những nét Mẹ viết CON, vẽ CON, bừng sáng trên từng khoảnh khắc, không phải chỉ trong hạnh phúc mà ngay trong gian khổ bi ai. Con đường mẹ đi, mẹ dẫn con đi, đi theo cách nào đi nữa, gian nan, khổ ải, đắng cay, ngọt bùi nhung lụa, vẫn là con đường “gia đạo”, con đường đi và quay về tổ ấm, hợp quần nhân loại, con đường nâng bước chân người đến gần với nhau vì thương nhau, như mẹ thương con. Trên con đường ấy, sáng tạo hiện sinh mang ý nghĩa nhân quần, nhân tính của mái nhà yêu thương, của tụ hợp, quây quần bên nhau, từ đó con người trở thành người, không còn là những thú giữ gầm thét, cấu xé nhau. Hàng mấy mươi thế kỷ bể dâu, thương hải tang điền, mẫu gia đình biến đổi theo cấu trúc xã hội, mẫu quyền rồi phụ quyền, nhưng gia đạo thì chỉ có một, một con đường đi do người phụ nữ khai phá và đảm trách, bền bỉ, hiện diện nơi từng nhịp thở của con, trên đó người đàn ông khó có thể thay thế để gầy dựng nên.

Bức “Thiên chức làm mẹ” của danh họa Lê Phổ. Nguồn: Sotheby’s

Mẹ có thể dịu dàng như cánh bướm mà cũng có thể sắc bén như cây rìu hai lưỡi. Là rìu để bảo vệ con người, là bướm để làm đẹp nhân tính. Cả hai đều là biểu tượng nữ phái và sự quân bằng nằm ở trái tim nhân ái, rộng lòng biết thương “lòng ái từ như bể như non”. Gia đạo của người phụ nữ nằm trong hành trình mang nhiều chữ “thương”, thương chồng, con, cháu, nuôi lớn khôn, tạo bền vững, vun trồng hợp nhất. Gia đạo dù gian nan, Mẹ vẫn sắt son nhẫn nại tô bồi “Vườn xuân một cửa để bia muôn đời”. Nỗi mong ước hóa thân của Liễu Hạnh, người mẹ của muôn dân mang ý nghĩa chuyển hóa trên “đường đi”, làm cho “con” trở nên người trưởng thành và đứng vững trong xã hội. “Con” trở nên “Người”, từ dã tính trở nên nhân tính, mỗi lúc một được cải thiện đạo đức hơn và trở nên con người của hoàn vũ, của nhân loài. Đức hạnh của Mẹ nằm trong sự chuyển hóa, chuyển hóa bằng hơi ấm và trái tim sẵn sàng hi sinh.


Khác với chế độ phụ quyền nổi trên bề mặt ở các nước Âu cũng như Á, và cũng khác với cấu trúc mẫu quyền chuyên chế của thời xa xưa, trong đó người phụ nữ hoăc bị khinh rẻ như nô lệ, hay độc đoán bạo động như nam giới, phụ nữ Việt đã có một vị trí cao trong gia đình và được mọi phần tử trong gia đình tôn trọng như là bà tổ của gia tộc: người phụ nữ là “nội tướng”, là phên dậu của cái nhà, và người đàn ông trong gia đình vẫn chỉ là “đứa con” lớn nhất, dù là con trời, trong tổ chức do người phụ nữ xếp đặt nên. Gia đạo bền vững nơi nhịp đong đưa giữa êm ái và sắt gan của người phụ nữ “Liễu Hạnh”, ở đạo hạnh nữ phái mềm mỏng mà trung kiên. Gương bền bỉ, can trường, sẵn sàng chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam trong việc giữ gìn gia đạo của thế hệ trước vẫn còn ấm trong văn chương và ấm trái tim của những người con nay đã trở nên già. Làm sao quên được hình ảnh của Bà, của Mẹ, đầy thương yêu mà cũng đầy sức mạnh chống đỡ, lèo lái gia đình trong những lúc hoạn nạn, khi thì mất chồng, khi mất con, khi chiến tranh, khi đói khát lao khổ? Làm sao quên được bà Tú Xương vẫn tươi cười nuôi con khi chồng dài lưng tốn vải? Làm sao quên được cảnh Bà nội tôi vẫn ngâm thơ và ru con trong lúc gạo châu củi quế, phải nhịn bụng dành tiền cho con trai đi học, như mẹ Hồ Dzếnh một thời? Cũng không thể quên được cảnh Bà ngoại tôi ôm con của vợ lẽ vào lòng, nuôi nấng và che chở khỏi những cơn giận dữ của Ông tôi, công dung ngôn hạnh hơn cả tứ đức tam tòng vì tất cả đến từ trái tim đơn giản.

Đối với mẹ của mẹ của mẹ của mẹ của mẹ của mẹ của… mẹ của con thì hóa bao nhiêu kiếp cũng sẵn lòng, độ lượng mười phương tám hướng, vẫn lồng lộng đi về bên con như Cúc Hoa hiển hiện, nâng con thành người của người. Cánh bướm của Liễu Hạnh vẫn còn đập mềm mại như cơn mộng ru con, dệt tơ nhân ái, và đôi tay vẫn chuyên cần thoăn thoắt như hai cánh dũa sắt của chiếc rìu sẵn sàng bảo vệ mọi đe dọa hiểm nguy xâm hại phẩm chất con người, dành tin yêu cho đàn con mai sau. Cầm rìu cũng như cầm kim thêu hay cầm bút viết, người phụ nữ Việt có thừa năng lực và trí tuệ để chuyển hóa chính mình và người trong cuộc hành trình nhân thế- cuộc giải phóng khỏi áp lực định kiến xã hội bên ngoài vẫn còn đằng đẳng, cho nên đức hạnh người phụ nữ nằm chính trong năng lực sáng tạo hóa thân mộng đời thành hiện thực bằng chân tình Mẹ Con, luôn chảy không ngừng, không dừng một giây để đừng hóa đá, dù là hóa đá chờ người thương…

Thái Kim Lan

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 14.01.2021.

Bạn có biết ngày xưa ở vườn Tao Đàn có xóm Lụa? Đầu đường Đồng Khởi từng có xóm Hàng Đinh? Ngay Bến Bạch Đằng có bãi tắm riêng của vua? Chợ Lớn nguyên thủy nằm ở Chợ Rẫy? Sài Gòn đầu thế kỷ XIX là thành phố sông nước đông vui?...

Vào một chiều cuối đông, tiết trời tươi đẹp, chúng tôi được tham dự một “tour” đặc biệt trở lại Sài Gòn hơn 200 năm trước. Nghe nói đoàn có “tour guide” U.70, vốn là nhà giáo và nhà báo, tinh thông nhiều chuyện Đông Tây. Nào đi thôi, Ông Cụ đang đợi chúng ta ở công viên phía trước Sở Ngoại vụ kìa!

Hoàng thành uy nghiêm và kỳ thú

Đây, Ông Cụ mặc áo dài khăn đóng kiểu xưa, rất mộc mạc. Ông cười, nét mặt hiền hậu, khoan thai chỉ về bồn hoa ở giữa giao lộ, phía sau Nhà thờ Đức Bà và nói: “Chỗ ấy thời nhà Nguyễn là vị trí Cột cờ thành Gia Định”. 

Ông cho biết đại lộ Lê Duẩn ngày nay chính là đường Thần đạo chia đôi tòa thành, theo thuật phong thủy phương Đông. Năm 1789, Sài Gòn bắt đầu được thiết kế và xây dựng với quy mô lớn để làm kinh đô của chính quyền chúa Nguyễn sau khi Phú Xuân (Huế) mất về Tây Sơn. Từ ấy, Sài Gòn chính thức mang tên Gia Định Kinh bao gồm một tòa thành lớn và hơn 40 xóm làng bao quanh. Trung tâm Gia Định là Hoàng thành (còn gọi là thành Bát Quái hay thành Quy) có 8 cổng lớn(1). Sau bao phen binh lửa, tiếc thay Hoàng thành Gia Định không còn nữa nhưng vẫn còn nhiều dấu tích để khám phá.

Nằm không xa cột cờ là Cung Vua. Chỉ về hướng cao ốc German House và khách sạn Intercontinental, Ông Cụ cho biết năm 1802, vua Gia Long chuyển kinh đô ra Huế nhưng Cung Vua vẫn được giữ lại, trở thành hành cung cho vua “ngự” khi kinh lý. Đây còn là nơi các quan tề tựu bái vọng vua vào ngày mồng một Tết hàng năm. Riêng vị trí Sở Ngoại vụ và Thành Đoàn vốn là Dinh Tổng trấn của Quan Thượng Lê Văn Duyệt.  

20210429 3

Nhà cửa ven sông Sài Gòn giáp rạch Bến Nghé, trích tranh vẽ trên báo Pháp Le Monde Illustration 4.1859 (ảnh tác giả sưu tầm)


Song song với Dinh Tổng trấn là Trường Thi và Nhà Quốc học nay là Nhà Văn hóa Thanh niên. Đi bộ một đoạn ra ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai, sẽ gặp Đàn Xã Tắc - khu vực thiêng liêng để vua và các quan tế Thần Đất cùng Thần Nông. Khu vực này, phải chăng chính là gò đất cao, bên trên có ngôi nhà nhỏ hình bát giác trong khuôn viên góc phải Dinh Độc Lập, đối diện trường Lê Quý Đôn? 

Trên đất của trường này, ngày xưa Quan Thượng cho mở rạp hát bội và sân chọi gà, là hai thú vui của ngài và dân Gia Định. Phía sau trường Lê Quý Đôn, thuở đó có ngôi chùa lớn là chùa Khải Tường - nơi hoàng tử Đảm được hạ sinh, sau này trở thành vua Minh Mạng. Khi Pháp vào, họ chiếm chùa làm đồn binh, có sĩ quan đứng đầu là Barbé. Người dân kể lại, nàng Hai Bến Nghé đã liều mình dẫn dụ Barbé vào ổ phục kích của nghĩa quân. Từ chùa Khải Tường trở lên vùng Cầu Kiệu là đất của làng Mỹ Hội, nay thuộc quận 3. 

Ban nhạc người Sài Gòn trước ngôi nhà bình dân những năm 1860. Ảnh: Emile Gsell


Dấu tích Hoàng thành còn rất nhiều ở bờ rạch Thị Nghè và bờ sông Sài Gòn. Chúng tôi đi thẳng đại lộ Lê Duẩn, rồi rẽ qua đường Tôn Đức Thắng đến khu Ba Son. Nơi đây thời nhà Nguyễn là Thủy xưởng, chuyên đóng thuyền chiến và là bến tàu hải quân. Đến bến tàu khách Bạch Đằng và bến phà Thủ Thiêm cũ, Ông Cụ cho biết đây chính là Thủy các (nhà sàn cho vua hóng mát) và Lương tạ (bến tắm của vua).

Đi tiếp đến Cột cờ Thủ Ngữ, đầu đường Hàm Nghi, là nền của trạm Gia Tân, một trong 4 trạm giao liên của triều Nguyễn tại Gia Định. Tại mỗi trạm lúc nào cũng có ngựa tốt và kỵ sĩ giỏi túc trực để chuyển và nhận công văn hỏa tốc đi Huế và khắp Nam kỳ. Đối diện trạm Gia Tân là Công quán - nơi các quan từ tỉnh khác đến trú chân. Tại đây, có đồn binh và từng là đồn thu thuế (hải quan) của Chúa Nguyễn, có từ thế kỷ XVII. Hiện ở đây đã mọc lên cao ốc chọc trời Saigon One Tower.

Xóm làng sung túc

Xe chạy dọc đại lộ Hàm Nghi ra chợ Bến Thành và công viên 23 Tháng 9. Theo Ông Cụ, đường Hàm Nghi xưa là con rạch lớn mang tên Cầu Sấu vì có đầm cá sấu và là nơi bán thịt cá sấu! Đầu rạch, nhìn sang trạm Gia Tân, có ngôi chợ mang tên chợ Sỏi. Đất chợ Sỏi và rạch Cầu Sấu đều thuộc làng Tân Khai (Hoàng thành Gia Định nằm trên gò Tân Khai). Còn khu chợ Bến Thành và công viên 23 Tháng 9 (trước là ga Sài Gòn) là vùng ao hồ, Pháp gọi là đầm Boresse. Song, trước khi Pháp vào, đã có xóm Vườn Mít và xóm Cầu Quan. Tên Cầu Quan là do xóm có nhiều nhà quan lại. 

Dãy phố Tàu Khậu ở Chợ Lớn, khoảng 1866. Ảnh của Emille Gsell


Cái tên Cầu Quan nay vẫn còn, cũng là tên một ngôi đình, còn gọi là đình Thái Hưng ở góc Yersin - Phạm Ngũ Lão. Cả hai xóm trải dài đến đường Trần Đình Xu (tên cũ là đường Cầu Kho). Khu Cầu Kho chính là làng Tân Triêm, nơi đặt kho Cẩm Thảo - kho lương thực của triều đình. Làng này cũng là quê ngoại của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Quanh Cầu Kho có chợ chuyên bán gạo là Cầu Gạo. Gần chợ này lại có một xóm của người Khmer chuyên dệt chiếu. Thêm nữa, ở khu vực đường Calmette, từng có một dãy nhà lụp xụp của dân nô lệ Lào được triều đình phóng thích. Dân Lào tại đó làm nghề đóng “thùng xách nước bằng lá dừa nước”. 

Xe đi tiếp ra vòng xoay ngã sáu Sài Gòn, dừng ở đầu đường Nguyễn Thị Nghĩa, hướng ra cầu Muối. Ông Cụ bảo cầu Muối và cầu Ông Lãnh là hai chợ cổ buôn bán nông sản từ đó đến giờ. Còn ở đầu đường Nguyễn Trãi, thời ấy có xóm Buồm Đệm. Thuở xưa, từ Sài Gòn qua Chợ Lớn chỉ có hai con đường đất. Con đường khởi đầu từ xóm Buồm Đệm, gọi là đường Trên, dân gọi là đường Nước Nhĩ (vì có mạch nước ngầm rỉ nước ra), hay là đường Cây Mai vì chạy thẳng đến chùa Cây Mai - Phú Lâm. Còn đường Dưới chạy dọc rạch Bến Nghé, giờ là đường Võ Văn Kiệt. Ông Cụ bảo theo đường Dưới vào chơi Chợ Lớn sẽ gặp dấu tích nhiều xóm làng - trên bến dưới thuyền nhộn nhịp. 

Thì đây, lần lượt là làng Tân Kiểng (còn gọi là xóm Lò Rèn Thợ Vắp), làng Nhơn Giang, làng Bình Yên, làng Phú Hội, rồi xóm Bột và xóm Cối Xay…  Các xóm làng này nằm quanh nhà thương Chợ Quán hiện tại. Trong đó, làng Nhơn Giang từng có nhiều thợ đúc sinh sống. Đi nữa sẽ thấy xóm Lá, xóm Cốm, xóm Câu, xóm Dầu (làng An Bình), xóm Lò Gốm và  xóm Lò Vôi… Theo Ông Cụ, Chợ Lớn nguyên thủy là vùng đất từ nhà thương Chợ Rẫy kéo thẳng sang bờ rạch Bến Nghé. Con đường Châu Văn Liêm hiện tại nguyên là con rạch thông với rạch Bến Nghé. Thời nhà Nguyễn, hai bên rạch đều có dãy phố lớn gọi là Tàu Khậu, làm kho hàng và cửa hàng của dân buôn từ Trung Quốc đến bằng tàu. Trên con rạch, có ba cây cầu là cầu Đường (bán nhiều loại đường), cầu Khâm Sai và cầu Phố. 

Đồn Cây Mai trên nền chùa Cây Mai, khoảng 1866. Ảnh của Emille Gsell


Ông Cụ nói đi về hướng Chợ Vải Đèn Năm Ngọn (Soái Kình Lâm bây giờ), sẽ gặp xóm Thợ Rèn và Thợ Kéo Dây Sắt, gọi là Quân Mậu Tài. Từ đây, chúng tôi quay về quận 1 bằng đường Trên, tức đường Nguyễn Trãi. Khi xe qua giao lộ Cống Quỳnh, Ông Cụ kể vùng này khi xưa là chợ Điều Khiển. Các doanh trại từ đường Nguyễn Trãi ra đến Nguyễn Văn Cừ, vào thế kỷ XVII từng là nơi đồn trú của quân chúa Nguyễn, dưới quyền vị tướng có tước hàm là Điều Khiển. Sát chợ Điều Khiển có chợ Cây Da Thằng Mọi, nơi có một cây đa to, chuyên bán cau, bán “thuốc xiêm” và đặc biệt là đèn dầu mang hình “Thằng mọi”. 

Trở lại ngã sáu Sài Gòn, Ông Cụ chỉ về hướng vườn Tao Đàn, cho biết thời nhà Nguyễn có  xóm Lụa trong đấy. Gần đó là xóm Chợ Đũi (bán lụa), xóm Buồm Đệm (làm chiếu) và xóm Lá Buông. Đi thêm một đoạn sẽ gặp xóm Thuẩn và xóm Củ Cải ở gần bệnh viện Từ Dũ ngày nay. Xe đi tiếp đường Lý Tự Trọng, ngang Tòa án và Thư viện Tổng hợp (thời Pháp là Khám Lớn), Ông Cụ bảo nơi đây xưa là chợ Da Còm. Gọi thế vì chợ có “một cây đa cổ thụ mà thân thì còng”. Chợ bán trống, lọng, yên cương và mũ ông Nghè, ông Cử. Gần chợ còn có xóm Thầy Bói và xóm Thợ Tiện. Hai nghề này đồng hành với nhau, khá “ngộ”!

Từ đường Lý Tự Trọng ra đường Đồng Khởi, xe đi qua tòa nhà Dinh Thượng thơ (59-61 Lý Tự Trọng), Ông Cụ thoáng trầm ngâm rồi bảo thời trẻ mình từng làm báo tại đây (2). Ông kể từ công viên Chi Lăng đổ xuống khách sạn Continental xa xưa là xóm Hàng Đinh, còn tại trụ sở UBND thành phố có một cống lớn là cống Cầu Dầu. Đường Lê Thánh Tôn ngày trước là rạch Cây Cám, chạy sát đường thành phía Nam của thành Quy, giao với kinh Chợ Vải (là đường Nguyễn Huệ bây giờ). Chợ Vải là chợ to nhất gần cổng thành Càn Nguyên (Đồng Khởi - Lý Tự Trọng) cho nên dân còn gọi là chợ Bến Thành(3). 

Nam giới và phụ nữ Sài Gòn trung lưu những năm 1860, ảnh của Emille Gsell


Dân tình tứ xứ và cởi mở

Chúng tôi dừng chân, ngồi ngắm sông Sài Gòn khi hoàng hôn xuống. Nhìn qua bán đảo Thủ Thiêm mênh mông, Ông Cụ bảo bên ấy thời nhà Nguyễn có xóm Tàu Ô (thuyền sơn đen), là xóm của người Hoa được quan ta thu phục, cho làm lính chuyên tuần tra sông biển và sửa thuyền. Sở chỉ huy của họ là Tuần hải Đô Dinh. Như vậy, cách đây hơn 200 năm, Sài Gòn là nơi hội tụ người tứ xứ, từ người đi khai phá đất đai đến dân thương hồ và giang hồ hảo hán! Ông Cụ bỗng cao hứng đọc mấy đoạn thơ Nôm vần điệu rất hùng tráng:  

Phủ Gia Định! Phủ Gia Định! Nhà đủ người no chốn chốn
Xứ Sài Gòn! Xứ Sài Gòn! Ăn ở vui thú nơi nơi 

Hóa ra đó là đoạn mở đầu bài Cổ Gia Định phong cảnh vịnh mà Ông Cụ sưu tầm và chú giải. Ông đưa chúng tôi xem bài thơ dài, in trên giấy khoảng một trang. Mọi người đọc thấy áng văn khuyết danh này giống như một phim phóng sự đầy hình ảnh và âm thanh, miêu tả toàn cảnh Sài Gòn trước khi Pháp vào. Thời ấy, Sài Gòn đã là phố thị phồn hoa, không chỉ là nơi giao thương Trung-Nam-Bắc mà còn là nơi giao lưu với nhiều nước xa gần.

Ông Cụ nói, thú vị lắm, ghe đò qua lại trên sông nước thường xuyên có lời ca tiếng hát đối đáp. Trai gái ra đường ai nấy thong dong, bài thơ ghi là “gái nha nhuốc tay vòng tay niểng, trai xênh xang chơn hớn chơn hài”. Thành phố có nhiều đền chùa, miếu mạo, đời sống tâm linh hướng tới việc thiện và điều lành. Ông Cụ nhận xét thời ấy “trọng trung ngải” (trung nghĩa), “không quên chữ ngọn rau tấc đất” (không quên nguồn gốc dân tộc). Ông Cụ còn sưu tầm được hai áng văn dân gian khác là Gia Định thất thủ vịnh và Kim Gia Định phong cảnh vịnh. Cả hai tác phẩm đều cho thấy nỗi tiếc thương Sài Gòn xưa. Song không vì thế, người đời nay quên đi những cảnh sống và phương tiện mới của một Sài Gòn tân tiến. 

***

Xe chở đoàn về lại địa điểm xuất phát. Khi chia tay, Ông Cụ ôn tồn dặn dò: Dầu cuộc đổi đời - cồn có hóa nên vực - vực có hóa nên cồn đi nữa thì cũng còn tích xưa mà nhắc lại. Và Ông Cụ nhắn nhủ: “Thời tôi nhiều người đã tâm niệm làm sao giữ Sài Gòn sạch đẹp để trở thành một trong những đô thị đẹp nhất miền Viễn Đông đó!” (4)

Petrus Trương Vĩnh Ký 1883 (ảnh tư liệu)


Một bạn trẻ thay mặt đoàn cảm ơn Ông Cụ và thưa rằng chúng cháu cũng mong Đàn Xã Tắc và các cổng thành, cùng nhiều vị trí khác mà Ông Cụ đã chỉ dẫn, nay mai sẽ được gắn bảng lưu niệm. Để qua đó, người Sài Gòn, và cả du khách, biết rõ thêm lịch sử địa linh nhơn kiệt của Gia Định. Ông Cụ mỉm cười và bỗng tan biến vào bầu trời cao xanh…

Chao ôi, tôi nhận ra rồi. Người “tour guide” đặc biệt ấy chính là cụ Petrus Trương Vĩnh Ký!

Cụ là người đầu tiên góp nhặt nhiều tư liệu, viết nhiều sách báo về lịch sử Sài Gòn và Việt Nam. Ngay chỗ chúng tôi gặp và chia tay cụ, từ năm 1937 là nơi đặt tượng Petrus Ký, do người dân Nam kỳ góp tiền xây dựng. Sau tháng 5.1975, tượng bị dời đi, hiện đang lưu tại sân sau Bảo tàng Mỹ thuật. 
Giờ đây, hình dung Sài Gòn cổ xưa như thế nào, không thể không rưng rưng nhớ đến Ông Cụ. Có người mách nhà Ông Cụ còn đó, có cái cổng kiểu dáng Văn miếu ở số 520 Trần Hưng Đạo, góc Trần Bình Trọng. Thử đến đó thăm Ông Cụ nhé! 

Phúc Tiến

Bài viết đã đăng trên Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2021

___________

Chú thích:

Bài viết sử dụng tài liệu về Sài Gòn của Petrus Trương Vĩnh Ký biên soạn qua bản dịch của Nguyễn Đình Đầu, bao gồm: Tiểu giáo trình địa lý Nam kỳ - xuất bản 1875, Cổ Gia Định phong cảnh vịnh - 1882, Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận - 1885. Ngoài ra, còn có bản đồ Gia Định 1815 của Trần Văn Học, bản đồ Sài Gòn 1820 của John White và một số tư liệu khác

(1) Thành Bát quái tồn tại 1790 - 1838, có 8 cổng:
- Phía Đông là Hoài Lai Môn (Thảo Cầm Viên trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) và Phục Viễn Môn (góc Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh, đối diện xưởng  Ba Son)
- Phía Tây là Tuyên Hóa Môn (ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai) và Tĩnh Biên Môn (Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Du)
- Phía Nam là Càn Nguyên Môn (Lý Tự Trọng - Đồng Khởi) và Lý Minh Môn  (Lý Tự Trọng - Thái Văn Lung)
- Phía Bắc là Vọng Khuyết Môn (Nguyễn Đình Chiểu - Phạm Ngọc Thạch), Cọng Thìn Môn (Nguyễn Đình Chiểu - Mạc Đĩnh Chi)
(2) 
Gia Định Báo ra đời năm 1865, đặt trụ sở tại Dinh Thượng thơ
(3) Chợ Bến Thành nguyên thủy ở vị trí Kho Bạc. Sau năm 1914, chợ được dời ra vị trí hiện tại, dân còn gọi là chợ Mới để phân biệt với chợ xưa, được gọi chợ Cũ
(4) Trích dẫn câu của Petrus Ký viết trong lời tựa giới thiệu bài 
Cổ Gia Định phong cảnh vịnh và bài Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận

SVVN - Tốt nghiệp trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) chuyên ngành Hán Nôm (khoa Văn học), Trương Thị Mỹ Dung là đồng sáng lập và điều hành dự án Ruy Băng Tím, giúp mọi người phòng chống các bệnh ung thư. Dự án từng xuất bản đầu sách “Ung thư Tin đồn và Sự thật 1” lọt top những sách bán chạy trên thị trường năm 2019. Mỹ Dung đồng thời cũng là tác giả của nhiều đầu sách cho thiếu nhi.

Tìm đam mê từ thiện nguyện

Dung đã từng làm biên tập viên tạp chí, copywriter cho công ty truyền thông. Dung cũng đã kinh qua vai trò quản lý Nội dung rồi quản lý bộ phận Nội dung và Truyền thông mạng xã hội của các công ty khác nhau. Năm 2017, Dung từng làm Giám đốc điều hành một startup về công nghệ.

Từ chuyên ngành Hán Nôm, công việc đầu tiên mà Dung nhận được là vào học kỳ II của năm thứ 4, đó là dịch sổ bộ cho một dự án nghiên cứu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Sau khi tốt nghiệp, Dung làm biên tập viên cho một tạp chí liên quan về văn hóa - học thuật. Nhưng sau đó nữa, Dung dần chuyển sang lĩnh vực truyền thông và tự học hỏi, phát triển bản thân dựa vào công việc thực tế mà mình đảm nhiệm. Hiện tại, lĩnh vực sở trường của Dung là sản xuất nội dung và truyền thông mạng xã hội. “Dù nhìn từ bề ngoài thấy công việc mình đang làm không liên quan đến ngành học đại học trước đây, nhưng bản thân mình nhận thấy, ngành Hán Nôm đã cho mình một nền tảng vững chắc về chữ nghĩa, văn hóa lịch sử Việt Nam. Chính nhờ vậy mà mình gặp nhiều thuận lợi trong quá trình thích nghi và phát triển bản thân trong ngành truyền thông. Đồng thời, bên cạnh việc hoàn thành công việc của mình, bản thân có thể góp thêm chút ít trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc”, Mỹ Dung chia sẻ.

Trương Thị Mỹ Dung - ảnh 1Ban Quản trị Ruy Băng Tím ngày đầu thành lập. Từ trái qua: ThS. Nguyễn Cao Luân, Trương Thị Mỹ Dung và BS Đặng Phước Hưng

Dung cho biết, việc tham gia những dự án xã hội và định vị được bản thân trên hành trình hoạt động cộng đồng cũng là một hành trình thú vị mà cô đã trải nghiệm.

Ban đầu, ở trường, Dung tham gia vào Liên chi hội sinh viên, rồi các câu lạc bộ như CLB Văn học, CLB Thư pháp… sau đó, ra trường Dung hay tham gia vào những chương trình thiện nguyện do thầy cô ở trường đại học tổ chức hoặc do công ty tổ chức. “Mình thực hiện điều này một cách rất tự nhiên, không suy tính cũng chẳng đắn đo. Có lẽ vì từ thuở nhỏ, mình đã sống trong một môi trường gia đình mà việc cho đi hay giúp đỡ người khác là chuyện hiển nhiên”, Dung tâm sự.

Cũng trong những chuyến đi thiện nguyện đó, Dung bắt đầu quan sát và đặt ra nhiều câu hỏi: Làm sao để những chuyến đi như thế này đạt hiệu quả cao nhất? Làm sao để những chuyến đi như thế này không còn là phong trào mà trở nên lâu dài? Làm sao thoát ra khỏi tâm lý xin - cho của việc làm từ thiện từ cả hai phía cho và nhận?...

20210117
Mỹ Dung trong vai trò chủ trì (host) trong talkshow "Hormone hạnh phúc" được Ruy Băng Tím thiết kế dành cho các bạn sinh viên trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM (UEF) ngày 30/12/2020.

Rồi Dung tham gia CLB Bé Khỏe Bé Ngoan của ĐH Y Dược TP. HCM vào năm 2012 - 2013 với vai trò Trưởng ban Truyền thông. Đến cuối năm 2015, Mỹ Dung và ThS Nguyễn Cao Luân (Nghiên cứu sinh ngành Liệu pháp miễn dịch Ung thư, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Lowy, ĐH New South Wales, Sydney, Úc) lập nên dự án Ruy Băng Tím. Đây chính là thời điểm mà Dung cho rằng, mọi trăn trở của bản thân đã có câu trả lời.

Trương Thị Mỹ Dung - ảnh 3Mỹ Dung và 5 bạn trong Ban Tổ chức talkshow của Ruy Băng Tím tại UEF. 

Trăn trở cùng “Ruy Băng Tím” 

Cho đến nay, Ruy Băng Tím đã hoạt động được hơn 5 năm và là dự án xã hội mà Dung xác định từ đầu sẽ theo lâu dài với tất cả tâm trí của mình. Ở Ruy Băng Tím, Dung và các cộng sự làm tất cả để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư, cung cấp thông tin, kiến thức hữu ích dưới nhiều hình thức khác nhau để mọi người hiểu được cách phòng bệnh, nắm được những phương pháp điều trị chính thống, không bị dắt mũi bởi những kẻ lừa đảo, đặc biệt là nắm được kỹ năng phân biệt tin thật - giả liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là ung thư. “Chuyên mục làm nên thương hiệu của Ruy Băng Tím 5 năm qua là “Ung thư - tin đồn & sự thật”. Ở chuyên mục này, các chuyên gia của Ruy Băng Tím chuyên viết bài tổng hợp các nghiên cứu và phân tích những vấn đề nổi cộm, những tin đồn liên quan đến phòng ngừa và điều trị ung thư như kiềm hóa cơ thể để chữa ung thư, uống nước đun sôi để nguội gây ung thư, lá đu đủ chữa ung thư, lò vi sóng gây ung thư… Cuốn sách đã tổng hợp những bài viết có sẵn trong chuyên mục này lại, rồi biên soạn lại theo một cấu trúc rõ ràng và dễ tiếp cận hơn, văn phong cũng được điều chỉnh cho phù hợp với loại hình thể hiện mới là sách. Cách trình bày cũng được quan tâm với nhiều hình ảnh minh họa, in màu để mọi người cảm thấy không nặng nề với những nội dung về y - khoa học mà sách chuyển tải”, Dung cho biết.

Trương Thị Mỹ Dung - ảnh 4Talkshow offline đầu tiên của Ruy Băng Tím tổ chức vào ngày 08/01/2017.

Vượt ngoài mong đợi, cuốn sách tạo nên một hiện tượng trong lĩnh vực sức khỏe nửa cuối năm 2019 và cuốn sách đã tạo đà để Dung và các cộng sự của Ruy Băng Tím đã thực hiện những sổ tay sức khỏe năm 2020 và ấp ủ những dự án sách sức khỏe tiếp theo trong năm 2021.

Mê viết cho thiếu nhi

Dung có thiên hướng văn chương từ bé và bắt đầu viết lách rất sớm. Ngay từ lúc đi học Dung đã có tác phẩm được đăng báo và thậm chí có năm còn đoạt giải, được ra Hà Nội để nhận thưởng. Lúc đó Dung hay viết tản văn và truyện ngắn. Lên đại học, lại được học trong khoa Văn học với CLB Văn học quy tụ nhiều cây bút cá tính, Dung như cá gặp nước, được viết nhiều hơn. Tuy nhiên, đến khi ra trường, thì Dung lại viết ít lại mà dành thời gian cho sự trải nghiệm. “Bước ngoặt đến với mình vào năm 2014, khi được tham gia Hội thảo sáng tác do Room to Read - một tổ chức phi chính phủ về giáo dục tổ chức. Ở đó, mình được biết đến loại hình sách tranh dành cho thiếu nhi, chú trọng vào phát triển trí tưởng tượng và ước mơ cho trẻ nhỏ, việc cung cấp thông tin, kiến thức được thực hiện một cách tinh tế và nhẹ nhàng, khiến cho các bạn nhỏ hứng thú và khơi dậy trí tò mò với cuộc sống. Từ hội thảo cho đến dự án sách tranh đầu tiên với Room to Read, mình đã có được kiến thức nền tảng về việc viết cho thiếu nhi. Những bài học đạo đức chưa cần xuất hiện dưới dạng những lời khuyên mà chỉ cần thấp thoáng đâu đó giữa những câu chuyện và tự các em sẽ rút ra được những điều thú vị cho bản thân mình. Mình cũng biết cách làm việc với họa sĩ để có được những cuốn sách tranh đẹp và hấp dẫn”, Dung nhớ lại cơ duyên viết sách thiếu nhi của mình.

Trương Thị Mỹ Dung - ảnh 5Một số đầu sách tranh dành cho thiếu nhi của Mỹ Dung.

Cho đến nay, Dung đã kết hợp với các nhà xuất bản được một số đầu sách tranh: Su đi lấy nước, sách tranh, Room to Read, NXB Văn học, 2019; Kiến đen tìm mè, sách tranh, NXB Kim Đồng, 2018 (thuộc bộ sách Từ những hạt mầm); Hột điều của Sóc, sách tranh, NXB Kim Đồng, 2018 (thuộc bộ sách Từ những hạt mầm); Sớm mai, sách tranh, Room to Read, NXB Văn học, 2017 (Giải thưởng White Ravens); Gà Trống muốn ngủ nướng, sách tranh, Room to Read, NXB Văn học, 2016; Cậu có lấy hạt của tớ không?, sách tranh, Room to Read, NXB Văn học, 2015.

Trong năm nay, Dung đang ấp ủ hai dự án sách tranh mới. “Đây là những dự án sách được mình dành rất nhiều tâm huyết từ nội dung cho đến hình thức, cả những ý tưởng tương tác với bạn đọc nhí để đem đến cho các bạn nhiều hứng thú hơn khi đọc sách. Qua đó, mình mong rằng sẽ góp phần nuôi dưỡng được tình yêu và thói quen đọc sách từ lúc còn thơ bé cho các bạn nhỏ”, Dung phấn khởi chia sẻ.

Thời sinh viên Dung từng giành giải Ba Euréka lần thứ 8 năm 2011 do Thành Đoàn TP. HCM trao tặng, với chủ đề “Sưu tầm, nghiên cứu và phiên dịch di sản Hán Nôm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng”.

Hà Chi

Nguồn: Sinh viên Việt Nam, ngày 13.01.2021.

Học giả Đào Duy Anh sinh ngày 25-4-1904 tại Thanh Hóa và mất ngày 1.4.1988 tại Hà Nội. Quê gốc của ông ở làng Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp Thành chung tại Trường Quốc học Huế (1923), ông không ta làm công chức mà chọn nghề dạy học ở Đồng Hới (Quảng Bình).

20210407 2

Đào Duy Anh (1904-1988).

Năm 1928, ông sáng lập Quan hải tùng thư, với sự cộng tác của những trí thức cấp tiến như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu… xuất bản những tập sách phổ cập để người đọc làm quen với tư tưởng khoa học. Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi, nhà xuất bản này đã cho ra đời 13 ấn phẩm, trong đó có những trước tác đầu tay của Đào Duy Anh. Tháng 7.1929, ông bị chính quyền thực dân bắt, cho đến đầu năm 1930 mới ra khỏi nhà tù.

Từ đó, ông bắt đầu chuyên tâm vào con đường hoạt động văn hóa và khoa học. Ông đã hoàn thành và xuất bản hai bộ từ điển rất có giá trị là  Hán Việt từ điển (1932) và Pháp Việt từ điển (1936). Đây không những là những sách công cụ cần thiết cho sự tra cứu, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, khoa học lúc bấy giờ, mà còn qua các từ, các khái niệm chính trị, tác giả đưa ra những cách giải thích tiến bộ và khoa học theo quan điểm và trào lưu tư tưởng hiện đại.

Về việc biên soạn bộ Hán Việt từ điển, trong tập hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm (NXB Trẻ, 1989) ông cho biết: Vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, tiếng Việt đã được phổ biến trên các sách vở báo chí, hoàn toàn thay thế cho chữ Hán. Một nền văn học mới đang hình thành, thoát dần sự ràng buộc của lối văn từ chương kéo dài cho đến đầu thế kỷ. Nhưng lúc đó, ở các trường bảo hộ, học sinh phải học chữ Pháp là chính, chữ quốc ngữ bị coi là thứ yếu. Do đó, lớp thanh niên được đào tạo ở những trường này hầu hết đều bị cắt rời khỏi nền Hán học. Bên cạnh đó, không ít người được học từ Pháp về đa số đều trở thành “mất gốc”.

Trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nhiều người chỉ biết diễn đạt những khái niệm mới bằng tiếng Pháp chứ không sử dụng được tiếng mẹ đẻ. Nếu như những năm trước Thế chiến thứ nhất, các sĩ phu yêu nước trong khi truyền bá những tư tưởng mới cho quốc dân, thường phải lấy nguyên các từ chính trị của Trung Quốc để phiên âm Hán Việt, bất kể từ đó có trong Tiếng Việt hay chưa, thì lúc đó họ phải nói chuyện với nhau bằng Tiếng Pháp. Tình trạng đó đã hạn chế một phần việc phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Ý định biên soạn sách Hán Việt từ điển của ông nảy sinh từ đó.

Vợ chồng ông Đào Duy Anh và các học trò.

Trong cuốn hồi ký Sống với tình thương (NXB Trẻ, 1992), bà Trần Thị Như Mân (1907-1992); phu nhân của ông đã kể lại sự ra đời của bộ từ điển này khá chi tiết. Bà cho biết thời điểm biên soạn từ điển thì gia đình bà đang ở Huế. Trong việc biên soạn, bà được ông giao cho công việc sắp xếp lại những tài liệu đã có, trong đó có bộ phích ghi chú các danh từ khó mà ông đã làm từ trước. Bà còn có nhiệm vụ đọc Nam Phong toàn tập, các sách và tạp chí bằng quốc văn quan trọng, để lọc ra những từ Hán Việt thường dùng, trong đó bao gồm cả các tác phẩm văn học cổ điển như Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm khúc…

Trong khi đó, ông Đào Duy Anh gửi thư cho bạn bè và các nhà sách quen ở Hà Nội, Sài Gòn nhờ tìm mua các loại từ điển cũ mới để tham khảo. Nhờ đó, ông nhận được các bộ từ điển Từ nguyên, Từ hải, Khang Hy từ điển, Trung Quốc quốc ngữ đại từ điển, Vương Văn Ngữ từ điển, Bạch thoại từ điển…

Các từ Hán Việt được bà trích ra, ghi ra phích, sau đó xếp theo thứ tự ABC, rồi đưa cho ông xem. Sau khi ông bổ sung, bà mới chép ra giấy, mỗi từ cách nhau vài dòng để ông ghi giải nghĩa. Theo bà Như Mân, chữ của ông viết rất khó đọc, chỉ có mình bà đọc được. Khi bà sinh con, bận việc nhà, phải thuê người chép giúp, người này phải chừa nhiều chỗ trống vì không đọc ra, phải chờ bà điền sau. Ban ngày, bà bận buôn bán ở cửa hàng, đến 9 giờ tối đóng cửa mới bắt tay vào công việc ghi chép đến 11 giờ, ngày nào cũng đều đặn như vậy. Chỉ có tối thứ bảy và chủ nhật, bà mới nghỉ ngơi để đi thăm bạn bè và giải trí.

Ông Đào Duy Anh cũng vậy, ngoài thời gian đi dạy ở trường tư thục Phú Xuân, về đến nhà là bắt tay vào làm việc ngay. Ông tự đặt “chỉ tiêu” mỗi ngày phải làm xong mấy chữ mới được nghỉ. Cứ xong được một tập, bà phải chép lại rồi nhờ mấy người em của ông, khi thì ông Đào Duy Kỳ, khi thì ông Đào Duy Dếnh, đạp xe đưa lên nhà cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự để cụ xem lại.

Hán Việt từ điển.

Sau khi xong quyển Thượng (Từ A đến M), bà Như Mân lo việc in để ông tiếp tục làm phần Hạ (từ N đến X). Lúc đó ông bà không có vốn, muốn in phải có tiền mua giấy và đặt trước cho nhà in. Do đó, ông viết lời giới thiệu quyển từ điển sắp ra để kêu gọi người đọc hãy đặt mua trước, mỗi quyển là 1 đồng. Lời giới thiệu được gửi đăng báo và in thành nhiều tờ gửi tới các nhà xuất bản, các hiệu sách và bạn bè để nhờ giúp đỡ. Đồng thời ông nhờ cụ Phan Bội Châu viết lời đề tựa, ký tên là Hãn Mạn Tử, trong đó có đoạn:

“Đau đớn thay! Quốc văn nước ta không thể nào bỏ được Hán văn, mà cớ sao các nhà trước tác chưa ai lưu tâm đến những bộ từ điển, từ nguyên, làm thành ra Hán việt hợp bích, để khiến người ta nhân Quốc văn mà hiểu thêm Hán văn, hiểu Hán văn mà thêm hay Quốc văn?

May mắn thay! Gần đây gặp được người bạn thanh niên là ông Đào Duy Anh vừa biên thành bộ Hán Việt từ điển, toan cống hiến với đồng bào, bỉ nhân được tin mừng khuống gấp, tìm tuyền cảo đọc xem, thấy chú thích tinh tường, phẫu giải minh bạch, tóm lặt hết từ ngữ thuộc về Hán văn, mà Việt văn phải dùng đến, cộng hơn bốn vạn điều.

… Rày mai quyển sách ấy xuất bản lưu hành, chắc ở trên vũ đài quốc văn lại thêm vô số dác sắc mới, há chẳng phải một việc rất đáng mừng cho học giới ta hay sao…?”.

Một trang trong Hán Việt từ điển (1932).

Cũng theo bà Như Mân, trong khi chờ số tiền người đặt mua gửi về, bà viết thư cho bác sĩ Trần Đình Nam; người từng cộng tác với ông Đào Duy Anh tại Quan Hải tùng thư, giúp ông biên soạn một số cuốn sách về khoa học, khi đó ở Đà Lạt để hỏi vay 100 đồng. Bà còn vay của người chị là bà Nguyễn Khoa Tú một đôi xuyến vàng, đem cầm để lấy tiền ứng trước. Với số tiền đó, bà có thể đặt cho nhà in báo Tiếng Dân ở Huế để in quyển Thượng.

Xong quyển Thượng, ông bà thu được một số tiền, có thể lo in quyển Hạ tử tế hơn. Ông chuyển bản thảo sang in tại nhà in Lê Văn Tân ở Hà Nội, vì nhà in này có nhiều chữ Hán, kỹ thuật in cũng đẹp hơn. Bản thảo gửi đi, nhà in sắp chữ in thử, rồi gửi từ Hà Nội vào Huế theo tàu tốc hành cho ông sửa chữa.

Hán Việt từ điển và những lần xuất bản về sau.

Hàng ngày, cứ tàu tốc hành đến, ông bà cho người lên chờ sẵn ở bưu điện Huế, lấy bản dập thử về, tập trung chỉnh sửa cả ngày đêm để hôm sau kịp giờ gửi qua bưu điện theo tàu tốc hành ra Hà Nội. Cứ như thế, quyển Hạ hoàn thành, tính từ khi bắt tay vào công việc đến khi sách in xong trọn bộ chỉ trong vòng hai hăm. “Chúng tôi đã để hết tâm trí vào công việc mà may mắn là kết quả không phụ với công sức của vợ chồng chúng tôi và sự giúp đỡ của bạn bè”, bà Như Mân viết.

Khi bắt đầu biên soạn từ điển, tác giả chỉ mới 26 tuổi, tuy nhiên có thể nói rằng đây là bộ sách đầu tiên về từ điển ở thể loại này, nó rất hữu ích và giá trị mà cho đến nay vẫn được giới nghiên cứu đánh giá cao. Ngoài việc biên soạn hai bộ từ điển Hán -Việt và Pháp -Việt, Đào Duy Anh còn xuất bản nhiều tác phẩm khác trong lĩnh vực văn hóa, văn học như Việt Nam văn hóa sử cương (1938), Khổng giáo phê bình tiểu luật (1938), Trung Hoa sử cương (1942), Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943)…; những công trình này đã đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam trên tinh thần khoa học và dân tộc.

Hồi ký của Đào Duy Anh (trái) và Hồi ký của bà Như Mân - phu nhân của học giả Đào Duy Anh.

Châu Quân

Nguồn: Doanh nhân Plus, ngày 24.3.2021.

Có lần, tôi được một người bạn sống ở nước ngoài tặng vài món quà nhỏ, trong đó có hũ thủy tinh đựng nến thơm, một món đồ xinh xắn không có gì đặc biệt. Một buổi tối mất điện, tôi mang hũ nến ra đốt và dần cảm nhận một mùi thơm thoang thoảng, không phải mùi hương hoa mà là một thứ mùi lạ lùng lại rất thân quen, gợi nhớ một điều gì rất xưa cũ.

Lúc đó tôi mới nhìn lại nhãn dán trên hũ nến. Đó là loại nến có mùi hương của … sách bọc bìa da thuộc, loại sách quý được đóng bằng kỹ thuật kinh điển, thường nằm trong các tủ sách giới thượng lưu hoặc là loại sách cổ lưu truyền nhiều đời trong một gia đình bình thường. Nhà tôi chỉ có vài cuốn sách như vậy, bằng tiếng Pháp, để lại từ thời ông ngoại còn làm ở sở Hỏa xa Đông Dương trước năm 1945. Mùi hương đó có mùi giấy cũ, mùi da thuộc và một chút mùi vani, mùi trà cũ… là những gì tôi cảm nhận. 

20210102 4

Việc nghiên cứu và kinh doanh mùi hương của sách ở nước ta nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng thế giới, nhất là phương Tây, đã đi rất xa trong chuyện này. Ở Anh có một viện mang tên “Viện Số hóa khảo cổ học” đã làm chuyện độc đáo là thu lại mùi từ những cuốn sách cổ thế kỷ XIII tại hai thư viện của Anh và Mỹ rồi tổ chức triển lãm cho khách đến thăm ngửi mùi.

Họ lấy mùi bằng cách đặt sách trong hộp kín 72 giờ, thổi khí tinh khiết vào và thu mùi hương, xong phân tích thành phần hóa học của nó rồi mô phỏng lại. Một số công ty nước hoa và làm nến thơm nắm bắt ngay ý tưởng này, cho ra lò các sản phẩm của mình cho dân “mọt” ngửi mùi sách.  Có nơi còn tạo mùi hương lấy cảm hứng từ một tác giả cụ thể, như một người ở Mỹ kể rằng đã được mẹ anh tặng cho một cây nến  Charles Dickens  có mùi quýt, mùi cây bách xù và đinh hương. Tất nhiên, anh ta là một con mọt sách sống ở một đất nước nhiều người thích đọc sách.

Hình ảnh người mua sách ấp cuốn sách vào mặt hít mùi sách mới rất dễ bắt gặp đâu đó ở nhà sách, đường sách. Vậy sách có mùi gì? Tôi nhớ sách thường có mùi thơm nhẹ như vani, có khi có mùi chua nhẹ. Người ta nghiên cứu rằng giấy làm từ gỗ có chứa chất clignin, một hóa chất có liên quan mật thiết với vanillin là hợp chất tạo ra hương vani.

Ở Anh, từ một cuốn sách cổ xuất bản năm 1928, người ta ngửi thấy một phần của cuốn sách này là một trong tám mùi không xác định, bao gồm mùi sô cô la, mùi lửa than, mùi... nhà trọ cũ, mùi chợ cá, mùi vải lanh, bã cà phê, nước xốt và cà ri. Ở nhiều nơi, người ta cảm thấy mùi sôcôla là phổ biến nhất. Sau đó là mùi cà phê, mùi cà ri, gỗ và mùi than củi. Sách trong một nhà thờ ở Anh có mùi gỗ, khói, đất, vani, mùi mốc, hạnh nhân, mùi cay nồng, dược liệu, hoa, trái cây, mùi bánh mì, cam quýt, mùi chua, và mùi kem...

Chắc chắn mùi của sách ở châu Âu khác mùi sách ở xứ nhiệt đới. Cuốn sách trong căn nhà ẩm thấp hay thiếu vệ sinh dễ hình thành mùi của sách. Sách càng cũ càng có mùi riêng. Mùi sách có được còn từ những thói quen của người đọc sách. Có ai ăn vặt khi đọc không? Có ai đã làm đổ rượu, hút tẩu, hay vừa đọc vừa nấu bếp đốt bằng củi? Có cuốn sách nào được dùng đế... chống chân ghế hoặc đập con ruồi, con muỗi hay con gián không? Có ai ép lá thuộc bài, cánh hoa hồng hay cánh hoa phượng không? Tất cả đều tạo nên hương của sách.

Vậy sách ở Việt Nam có mùi gì? 

Thập niên 1940, khi giấy in khan hiếm, người ta dùng giấy dó in sách, vậy sách bằng giấy dó có mùi gì? 

Sau năm 1975, giấy in sách dùng giấy tái chế có mùi gì? Trong trí nhớ, tôi nghĩ đó là mùi than củi khét, mùi cỏ khô, có đúng vậy chăng? Mùi sách in bằng giấy tái chế gắn chặt với thời bao cấp khốn khó, thèm đọc sách đến độ không thể tưởng tượng rằng mình có thể đọc được những cuốn sách giấy đen xỉn đến như vậy. Mua lại vài cuốn sách xưa như Đội săn của quốc vương Xtac hay Nhà nguyện Critxtốp, lại cảm thấy có mùi ẩm mốc và mùi bụi lâu năm không thoát được.  

Mùi sách gắn với những kỷ niệm. Tôi nhớ ba tôi thích vừa đọc sách vừa rít ống điếu (bây giờ gọi là tẩu). Khi giở mấy cuốn sách ba thường đọc đi đọc lại như bộ Con đường đau khổ của Alexey Tolstoi hay bộ Sông Đông êm đềm của Solokhov, thoảng qua mùi thuốc lá Gò Vấp. Tuy nhiên, khi giở ra bộ Tam Quốc Chí mà ông đọc thường xuyên thời trước 1975, lại có mùi thuốc lá nhồi Half and Half mà sau này tôi biết đó là mùi anh đào. 

Ảnh minh họa: Reuters

Những ngày hè mùa mưa tuổi nhỏ, không đi chơi được, tôi ôm bất cứ sách gì đang có để đọc. Ánh sáng ngày mưa ngoài cửa sổ không đủ nên sách được dí sát vào mắt.  Tôi nhớ nhiều cảm giác lúc đó với mùi sách ấm, hơi chua sát tận mũi. 

Tôi nghĩ, nếu có ai thích ngửi mùi sách, thật ra đó là tình yêu đối với sách mà mùi hương là chất dẫn truyền. Cuốn sách mới mua, nâng niu trên tay nhưng chưa đọc được ngay thì động tác ấp sách vào mặt để cảm nhận mùi hương là cách tiếp nhận ban đầu chóng vánh nhất. Đối với những cuốn sách xưa cũ, sách quý trong thư viện mới có, sách do người Pháp viết về Đông Dương, sách giấy dó của Tản Đà, sách L’art à Hue… mùi sách đôi khi ẩm mốc, đôi khi khô cứng hay bụi bặm…. tỏa ra mùi quá khứ, mùi thuộc địa, mùi  của những ngày xưa lạc hậu, lễ nghĩa cũ mòn… Ai đã cầm đến nhưng cuốn sách này: ông Tây thực dân? Cụ Vương Hồng Sển? Sơn Nam?... Nó đã nằm ở đây từ khi nào, lưu lạc vào Nam từ biến cố 1954, Huế 1968 hay được thu mua sau này?     

Người ta có thể đoán tuổi một cuốn sách dựa vào mùi giấy cũ in ra cuốn sách đó đang trong quá trình tự hoại dù rất chậm. Điều đó được giới bán sách cổ nghiên cứu kỹ. Trong số đó, vài người đã tìm cách làm sách cổ giả, ngoài hình thức cũ kỹ và tàn tạ bằng kỹ thuật in ấn, kỹ thuật đóng sách theo kiểu cổ điển và nhiều thủ thuật khác, họ bắt buộc cần phải tạo mùi mốc, ẩm lâu ngày, bụi và những mùi khác để đẩy tác phẩm giả mạo tinh vi của mình lên giá rất cao mà chỉ giới siêu giàu mới mua nổi. Đó là câu chuyện ở nước ngoài và biết đâu nó sẽ lan tới thị trường sách Việt!

Tôi nhớ mấy năm đầu thập niên 2000, thị trường sách khởi sắc do các công ty văn hóa tư nhân được làm sách liên kết. Sách tồn nhiều nên vài nơi bắt đầu bán sách giảm giá, đến tận kho chọn lựa. Cảm giác được bò dưới sàn xi măng lựa sách, lúc đó đã bề bộn không theo thứ tự nào, thật sung sướng. Mùi sách cũ lưu kho thoảng trong không khí, không giống lắm mùi của những tiệm sách cũ… kiểu gì cũng là những khoảnh khắc hạnh phúc, nhắc tôi nhớ tuổi nhỏ cùng anh đi mua sách ở mấy cái sạp gần khu vệ sinh công cộng trên đường Lê Lợi, và những lần tự đón đi xe lam ra chợ sách cũ Đặng Thị Nhu sau năm 1975... 

Phạm Công Luận

Nguồn: Người đô thị, ngày 08.10.2020.

Từ xa xưa, đối với mỗi người đọc sách, thư viện là thánh đường, nơi ấy mỗi khi họ bước vào đều cảm nhận sâu sắc phúc phận được tiếp cận với tri thức của bản thân.

Thư viện thuở ấy là nơi không dễ để bước vào, bởi để bước chân vào thư viện, một người cần phải là một học giả được công nhận, hoặc là môn đệ của một trường phái được chấp thuận, hoặc thuộc tầng lớp tu sĩ và quý tộc… Thời đại đổi thay, dần dần, chúng ta không còn cảm giác linh thiêng, tự hào khi được bước chân vào thư viện nữa.

Vào thư viện không phải để tìm tri thức

Một buổi sáng ngày thường trong Thư viện Quốc gia Hà Nội, ta có thể thấy nhiều người không phân biệt già trẻ, trai gái ngồi kín chỗ tại thư viện. Nhiều người trong số ấy chọn cho mình các cuốn sách trên kệ, và một số thì chỉ đơn giản là mở máy tính và làm công việc riêng. Thư viện với không gian rộng rãi, yên tĩnh, không chỉ là nơi mượn sách nữa, mà đã trở thành một không gian công cộng phục vụ nhu cầu học tập và làm việc cá nhân với chi phí rẻ. Tương tự như vậy, khi các quán cà phê thư viện mọc lên, thì hoạt động đọc sách tại thư viện chung không phải là thiết yếu, mà các vị khách có nhu cầu tìm một góc yên tĩnh cho mình. Thư viện đối với người hiện đại trở thành một góc yên tĩnh, trốn khỏi không khí xô bồ và ồn ào.

Nhưng thói quen này có khiến chúng ta ngày càng xa rời với ý nghĩa ban đầu của thư viện hay không? Có lẽ, chúng ta có cơ hội tiếp cận với một khối lượng khổng lồ những tri thức, nhưng lại mất dần đi sự kết nối với tri thức ấy. Áp lực cuộc sống, sự phân mảnh trong tư duy, sự lười biếng thiếu động lực…tất cả những điều này đang ảnh hưởng đến thói quen bước vào thư viện của chúng ta, nhưng không chỉ có vậy, có lẽ thư viện quá khó để kết nối, ngay cả khi đã bước chân vào.

Trong thư viện công, vẫn chiếc máy tính cũ kỹ là công cụ giúp người đọc tra danh mục sách (ở một số nơi hẻo lánh, có lẽ còn không có). Và càng bất khả thi để tiếp cận các tư liệu đã được số hóa nhưng có lẽ sẽ còn lâu nữa mới được công bố vì những hạn chế về kỹ thuật và sự không rõ ràng của pháp lý liên quan đến bản quyền. Cùng lúc ấy, chỉ một dòng gõ ngắn hay một đường vuốt nhẹ trên màn hình điện thoại để một người có thể đọc một mẩu tin hay xem một đoạn video giải trí trên Internet. Tới đây, ta buộc phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề liệu có thực tri thức quá khó để xã hội tiếp cận hay đơn giản vì tri thức mà cụ thể ở đây là những cuốn sách đang "chạy chậm" trong cuộc đua đến với bạn đọc trên phương tiện số.

Sự yêu thích cảm giác mân mê trang sách giấy không nên là cái cớ để là chậm lại quá trình số hóa sách và tư liệu. Hoạt động số hóa sách và tư liệu về bản chất là để tiết kiệm chi phí lưu trữ, khắc phục hư hỏng… đồng thời để tăng cơ hội tiếp cận của đại đa số xã hội. Và một khi sách và tư liệu điện tử được các thư viện công bố rộng rãi, thì có lẽ sẽ tồn tại một nghịch lý: bước vào thư viện không có nghĩa là kết nối với tri thức. Bởi vì, người bước vào thư viện có thể không vì mục đích kết nối với tri thức và người tìm kiếm tri thức không nhất thiết phải bước vào thư viện.

20210322 10

Các học giả tại Thư viện Abbasid, được vẽ vào năm 1273 bởi họa sĩ Yahyá al-Wasiti.

Cần nhiều hơn những cú nhấp chuột

Với những độc giả Việt có khả năng đọc tiếng Anh, không khó để tiếp cận tri thức. Có rất nhiều phương án để kết nối với các thư viện trực tuyến phục vụ cộng đồng: Thư viện số của MIT, Dự án Gutenberg, Google Books, Thư viện số Internet Archieve… Những thư viện số này đều được phân loại theo danh mục rõ ràng, dễ tìm kiếm, thao tác đơn giản… Các thư viện công cộng trực tuyến này đã mở ra một thế giới tri thức mới mẻ cho rất nhiều độc giả trẻ trên khắp toàn cầu, trong đó có các độc giả Việt Nam. Đọc và tra cứu sách tiếng Anh thay vì sách tiếng Việt đã trở thành thói quen không thể thiếu đối với nhiều độc giả trẻ có trình độ học vấn cao, thông thạo tiếng Anh vốn đang ngày càng gia tăng. Dần dần, sẽ dẫn đến một tình trạng: độc giả trẻ yêu thích sử dụng tiếng Anh hơn tiếng Việt và mất dần đi sự thân thuộc với ngôn ngữ Việt. Mặc dù thị trường sách Việt Nam sôi động với rất nhiều đầu sách chất lượng mới được xuất bản bằng nhưng hạn chế trong tốc độ và khả năng tiếp cận vẫn là cản trở trong cuộc đua ngôn ngữ và văn hóa, đặc biệt khi những cuốn sách ấy chỉ được phân phối về các thư viện công hay các thư viện chuyên ngành.

Lượng thư viện số hóa tiếng Việt hoạt động tích cực trên Internet hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu là các thư viện chuyên ngành. Nổi tiếng nhất có lẽ là Thi Viện - thư viện các tác phẩm thơ và Thư Viện Pháp Luật - thư viện về các văn bản pháp luật tại Việt Nam. Hai thư viện số này đều được xây dựng dựa trên cấu trúc phân loại chi tiết và tối ưu công cụ tìm kiếm - mô hình quản lý rất ít thấy tại các thư viện số tiếng Việt hiện nay vốn chỉ manh mún, phát triển chưa toàn diện, thậm chí không được đảm bảo về pháp lý. Hai thư viện chuyên ngành này đã tạo ra một kho dữ liệu khổng lồ mà bất cứ độc giả trực tuyến nào chỉ cần quan tâm đến đều có thể tiếp cân, không giới hạn và không đòi hỏi các yêu cầu phức tạp như bằng cấp hay giấy giới thiệu từ cơ quan chủ quản.

Từ những mô hình thư viện trực tuyến thành công trên thế giới và tại Việt Nam và sự hạn chế của các không gian thư viện, một loạt các câu hỏi liên quan đến triết lý xây dựng thư viện được đặt ra: Nhiệm vụ thực sự của thư viện là gì, tiếp cận tri thức hay không gian tri thức? Thư viện bất kể là thư viện công hay thư viện chuyên ngành liệu có nên là một địa chỉ dễ tiếp cận với tất cả mọi người hay không? Và thư viện cho mọi người dân có nằm trong thứ tự ưu tiên hàng đầu so với các hoạt động văn hóa giáo dục khác?... Trả lời những câu hỏi này sẽ quyết định đến tốc độ triển khai việc số hóa toàn bộ hệ thống thư viện sách tiếng Việt hiện nay.

Những băn khoăn về sự phức tạp về vấn đề luật bản quyền hay những khó khăn về kỹ thuật chỉ là bề nổi của sự chậm trễ trong tiến trình số hóa hệ thống thư viện hiện nay. Thúc đẩy khả năng và tốc độ tiếp cận tri thức của người dân chưa bao giờ nằm ở vị trí ưu tiên trong cách chính sách phát triển văn hóa giáo dục. Đây là hậu quả của quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin mà không ý thức được tầm quan trọng của tri thức. Vậy là chúng ta có một xã hội mà thị trường sách dễ dàng mua bán trực tuyến nhưng lại không có thư viện trực tuyến, báo chí điện tử thì mọc lên như nấm sau mưa mà tư liệu và sách điện tử thì khan hiếm, số lượng giáo sư tiến sĩ tăng chóng mặt trong khi thiếu đi những người dân có dân trí cao với nền tảng vững chắc có thể liên kết văn hóa Việt Nam với tri thức thế giới…

Phòng đọc sách tích hợp kho sách giấy và sách điện tử tại Viện Bảo tàng Anh.

Không gian để giao lưu; tri thức để chia sẻ

Không phải vô cớ khi các nền văn minh lớn trên thế giới thời xa xưa như Sumer, Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, Hồi giáo, Trung Quốc, Châu Âu thời Trung cổ… lại đầu tư khoản chi phí khổng lồ để xây dựng những thư viện công lưu trữ các trước tác vĩ đại và các văn thư quan trọng. Thư viện, với ý nghĩa xa xưa nhất, vẫn luôn luôn là nơi cất giữ, bảo quản tư liệu và sách, cũng như tạo cơ hội tiếp cận cho những độc giả muốn truy cầu tri thức, từ đó hình thành nên nền tảng vững chắc, góp phần cùng giáo dục để tạo ra những công dân thông minh và giỏi giang. Tính đến năm 2016, trên 90% thư viện công cộng có hệ thống sách điện tử và trên 25% trong số đó được sử dụng trên máy đọc sách điện tử hoặc máy tính bảng. Đáng tiếc rằng Việt Nam không nằm trong danh sách đại đa số ấy mà vẫn nằm trong thiểu số thiếu thốn thư viện điện tử.

Một tương lai mới cho nền tảng thư viện cần sớm được hiện thực hóa theo đúng xu hướng của thế giới: Một mặt, tri thức cần được chia sẻ rộng rãi hơn qua Internet thông qua hệ thống các thư viện trực tuyến - nơi không bị hủy hoại bởi thiên tai, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý hay bị cản trở bởi dịch bệnh. Một mặt, không gian thư viện sẽ không chỉ là một không gian "đi trốn" của những người cần một địa điểm yên tĩnh, mà sẽ trở thành nơi giao lưu và học hỏi tri thức một cách năng động - bầu không khí mà có lẽ đã rất lâu rồi nhân loại không được chứng kiến kể từ thời Hy Lạp cổ đại và Ngôi nhà Tri Thức của Hồi giáo đến nay.

Hà Thủy Nguyên

Nguồn: An ninh thế giới, ngày 08.2.2021.

LTSNghệ thuật và tâm thức sáng tạo (Trịnh Lữ dịch, Nxb Dân trí và Đông A) là tác phẩm thứ hai của Graham Collier được dịch và xuất bản tại Việt Nam sau cuốn Hình, Không gian và Cách nhìn (Vương Tử Lâm, Phạm Long dịch, Phạm Văn Thiều hiệu đính, Nxb Mĩ thuật, 2017). VNQĐ số này giới thiệu bài trò chuyện giữa dịch giả Trịnh Lữ và tác giả Graham Collier xung quanh cuốn sách mà dịch giả hứng khởi chuyển ngữ; tiêu đề bài trò chuyện do BBT đặt. Bài trò chuyện này là sản phẩm chắt lọc từ những thư từ và điện thoại qua lại giữa dịch giả và tác giả, được dịch giả gom theo từng tiểu đề để bạn đọc tiện theo dõi. Câu chuyện với tác giả còn khơi gợi nhiều ý tưởng khác rất có ý nghĩa mà dịch giả hi vọng sẽ có dịp giãi bày thành những ghi chú về nghệ thuật dưới dạng nào đó để hầu bạn đọc.

 

Với bạn đọc Việt Nam

Dịch giả Trịnh Lữ (TL): Thưa cụ, tôi dịch cuốn Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo là để cùng với cuốn Hình, Không gian và Cách nhìn của cụ sẽ thành một bộ sách về nghệ thuật tạo hình, giúp cho việc giảng dạy, học tập, phê bình cũng như thưởng ngoạn và sưu tập mĩ thuật ở Việt Nam có một dẫn đạo theo những câu hỏi chính đáng về nghệ thuật tạo hình.

20201229 2
Collier qua kí họa của Trịnh Lữ

Giáo sư Graham-Collier (GC): Nếu anh thấy những câu hỏi và nỗ lực giải đáp trong sách của tôi là chính đáng ở Việt Nam, thì tôi tin rằng tâm thức của người Việt vẫn còn chưa bị xa lạ với hiện thực đến mức tự coi mình chỉ là một ngẫu nhiên phi lí, hoặc chưa “tiến hóa” đến mức thấy mình là một đấng thượng tôn toàn năng; và nghệ thuật Việt Nam vẫn có cơ hội tránh thoát những năng lượng tiêu cực đã và đang chi phối nghệ thuật đương đại - ý tôi là ở phương Tây, và những nước vẫn coi phương Tây là mẫu mực.

TL: Vâng, tôi cũng hi vọng thế, vì bản thân cũng thấy vẫn còn nhiều người Việt Nam vẽ, làm tượng, làm kiến trúc, làm thơ... theo thôi thúc của một bản năng sinh dưỡng tâm linh. Vì vậy mà tôi quyết định dịch cuốn sách này của cụ, tin rằng hạt giống tư tưởng của nó sẽ gặp được luống đất tốt ở Việt Nam.

GC: Để tôi nghĩ xem nào... Có lẽ tôi xin nói thế này với bạn đọc Việt Nam mà tôi tin rằng đều là những người yêu nghệ thuật tạo hình và công việc của nghệ sĩ, rằng: Thôi thúc sáng tạo hình ảnh thị giác - bằng bất kì vật liệu gì - những hình ảnh phản ánh tâm ý và cảm giác sâu sắc về những trải nghiệm ngũ quan và tâm lí của mình về cuộc sống... nhờ vậy mà cho chúng có hình hài và được tồn trường, là một trong những thành tựu lớn lao của tâm thức nhân loại. Công việc của người nghệ sĩ đã đánh bại dòng chảy không thương tiếc của thời gian, bảo tồn những trải nghiệm trọng đại mà thoáng qua của cuộc sống. Chúc các nghệ sĩ Việt Nam luôn nghe theo thôi thúc tự nhiên nhất của chính mình. Rất mong bản tiếng Việt này sẽ đóng góp nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo của các bạn.

Hai nguyên tắc lí giải nghệ thuật tạo hình

TL: Trong phần giới thiệu cuốn sách của cụ, Viện sĩ Hàn lâm Pháp René Huyghe có viết rằng tâm lí học nghệ thuật đã giúp tác giả “có thể đi từ nghệ thuật cổ đại đến nghệ thuật hiện đại một cách khách quan, giải thích chúng với cùng những nguyên lí như nhau, và cho phép chúng hòa vào một liên tục sâu thẳm”. Theo chỗ tôi hiểu thì có hai nguyên lí như vậy: 1/ nguyên lí tưởng tượng: hoặc duy lí-cổ điển, hoặc trực giác-lãng mạn; và 2/ nguyên lí chiều hướng: hướng ngoại hoặc hướng nội - mối quan hệ như cầu bập bênh giữa tâm thức cá thể người nghệ sĩ và cảm xúc về ngoại giới của người đó. Cách hiểu của tôi có đúng không, thưa cụ?

GC: Đúng. Quả thực là hai nguyên tắc ấy có thể lí giải mọi hình thức nghệ thuật tạo hình từ xưa đến nay, và giúp ta nhận ra sự liên tục phi biên niên của nghệ thuật. Mọi phong cách và trường phái chỉ là hình thức bên ngoài, không có vai trò minh chứng cho cái gọi là “tiến hóa” hoặc “phát triển” của nghệ thuật. Hai nguyên tắc này đều có cơ sở ở mô hình la bàn tâm thức mà tôi đưa ra trong sách này, thể hiện mối quan hệ giữa nội giới với ngoại giới thông qua tâm thức.

TL: Thưa cụ, có thể gọi những luận điểm trong sách này là một lí thuyết về sáng tạo nghệ thuật được không?

GC: Tôi nghĩ là được. Mặc dù tôi không có ý lập thuyết.

Nghệ thuật đương đại

TL: Lí thuyết này có giải thích được những trào lưu hậu hiện đại không, thưa cụ, như pop, op, ý niệm, xếp đặt, trình diễn…

GC: Có chứ. Nhờ nó mà ta thấy hiện tượng nghệ thuật hậu hiện đại là sản phẩm của tâm thức nhân loại đang trong thời kì quá độ đến một cái gì đó hoàn toàn không biết, sau khi đã tàn phá mọi giá trị truyền thống từ sau Thế chiến II. Tâm trạng hậu hiện đại là giễu nhại và tự trào, châm biếm và chỉ trích. Những giá trị đã thường được mô tả là “biểu hiện”, “biểu tượng”, “siêu thực”, “tự nhiên chủ nghĩa”, vân vân, hiện nay không còn áp dụng được nữa. Những giá trị thẩm mĩ - thể hiện ở kĩ năng và kĩ thuật - cũng không còn được nhìn nhận trong một môi trường văn hóa nghệ thuật chỉ sôi sục toàn những nỗ lực “đánh dấu”. Như tôi có viết trong chương cuối, tâm trạng hậu hiện đại sinh ra nghệ thuật hậu hiện đại - cái hay của nó là tiếng kêu chống lại sự nông cạn của cuộc sống hiện đại, còn cái dở của nó là ngụy trang cho mọi tầm thường vụn vặt và giả dối trong nghệ thuật.

Alan Graham-Collier sinh năm 1923 tại Lancaster, Anh quốc, tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Slate thuộc Đại học Luân Đôn, là họa sĩ chuyên vẽ chân dung và phong cảnh. Trong Thế chiến II, ông là phi đội trưởng oanh tạc của Không lực Hoàng gia Anh. Từ thập niên 1960, ông là giáo sư triết học nghệ thuật tại Đại học Georgia, và là thành viên Hội đồng tư vấn của Trường Davenport, Đại học Yale. Những cuốn sách của Graham-Collier chưa xuất bản ở Việt Nam gồm: War Night Berlin, Antarctic Odyssey, What the Hell are the Neurons Up To?

Hội họa hiện thực

TL: Năm 1974, hai năm sau khi cụ ra cuốn này, Bảo tàng nghệ thuật Đại học Yale có một triển lãm tranh của bảy họa sĩ hiện thực, nhan đề là Seven Realists. Trong bài viết về triển lãm, Hilton Kramer, cây bút phê bình gạo cội lúc đó của tờ New York Time, có nhận định rằng: “Hội họa hiện thực không thiếu gì đồng đảng, nhưng lại thiếu hẳn một lí thuyết có sức thuyết phục. Mà trong cuộc giao đãi có bản chất trí tuệ của chúng ta với các tác phẩm nghệ thuật, thì thiếu lí thuyết có sức thuyết phục là thiếu một thứ cốt tử - một phương tiện để trải nghiệm cá nhân của chúng ta về từng tác phẩm riêng lẻ nối được vào quá trình hiểu biết của chúng ta về những giá trị mà chúng biểu chỉ”. Tom Wolfe đã dùng câu này của Kramer để mở đầu cho cả một cuốn sách về chuyện hội họa đã trở thành văn học như thế nào - cuốn The Painted Word, cho đến giờ vẫn được tái bản. Theo ý cụ, hội họa hiện thực có cần một lí thuyết có sức thuyết phục để người xem có thể hiểu được giá trị của mình không?

GC: Tôi nghĩ bất kì lối vẽ nào có mục đích và cách vẽ thỏa đáng để đạt được mục đích đều tự nó đã có một “lí thuyết có sức thuyết phục”. Chỉ cần nói ra được mình vẽ gì, tại sao, và như thế nào, thì chính là lí thuyết rồi. Nhưng lí thuyết không phải là tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm phải thuyết phục đã, rồi muốn lí giải thế nào là chuyện khác. Những con bò vẽ trong hang thuyết phục ta ngay lúc nhìn thấy chúng, còn lí thuyết về chúng thì vô vàn, có ý nghĩa gì đâu.

Hội họa hiện thực, cũng như văn học hiện thực, ở châu Âu, ra đời cuối thế kỉ XIX như một phản kháng chống lại bất công xã hội và thẩm mĩ của giai cấp quý tộc và tăng lữ. Người ta vẽ và viết về người nghèo khổ, bị áp bức, những số phận hẩm hiu bi đát... và coi đó mới là hiện thực của xã hội, hiện thực của đa số. Giờ người ta hay gọi vẽ tả thực (representational) là hiện thực, tôi nghĩ là hơi dễ dãi. Tả thực chỉ là một lối nhìn lối vẽ, có thể gọi là một phong cách thôi, chưa phải là một chủ nghĩa bao gồm cả từ mục đích, chủ đề và phong cách. Mà bây giờ, với khái niệm “hiện thực” đang được dùng để nói từ hiện thực vật lí khách quan đến hiện thực ảo, rồi hiện thực nội tâm... thì vẽ theo lối gì người ta cũng có thể gọi là hiện thực được.

TL: Cụ là bạn với cụ Henry Moore, và đã dành cho cụ Moore một vị trí khá đặc biệt trong cuốn sách này. Nhưng tôi vẫn muốn xin cụ một vài lời riêng cho độc giả Việt Nam về nghệ thuật điêu khắc của Moore, vẫn rất được hâm mộ ở Việt Nam.

GC: Tác phẩm của Moore là những biến thể của hình thức Con Người, tất cả đều truyền đạt các thái độ và giá trị nhân bản bằng hình thức chắt lọc trừu tượng - đồng thời vẫn rất có ý nghĩa và giá trị thẩm mĩ tự thân.

Nghệ thuật và tiến hóa nhân loại

TL: Mệnh đề của cụ là tâm thức sáng tạo, cả duy lí và tưởng tượng, làm nên nghệ thuật. Trong cuốn The Philosophy of Modern Art (Triết học nghệ thuật hiện đại), cụ Herbert Read có bàn về nghệ thuật giúp con người nuôi dưỡng và nâng cao tâm thức. Có đoạn thế này: “Tôi tin rằng trong số những tác nhân hoặc công cụ tiến hóa của loài người, nghệ thuật là quan trọng bậc nhất. Tôi tin rằng chức năng thẩm mĩ vẫn là phương tiện để loài người có được tâm thức của mình, và khiến nó tinh tế mãi lên. Hình thức, kết quả của việc tổ chức các yếu tố hỗn loạn thành một hình có ý nghĩa, là sản phẩm của nhận thức. Nó có ở tất cả mọi kĩ năng - kĩ năng là bản năng để hình được lộ ra trong hành động. Qua khỏi mức tâm lí và bản năng này, bất kì một tiến bộ nào trong tiến hóa nhân loại đều luôn phụ thuộc vào việc hiện thực hóa các giá trị hình thức”. Cụ nghĩ thế nào về mệnh đề này?

GC: Tuyệt đối đúng. Mệnh đề này vừa là một định nghĩa của toàn bộ quá trình nghệ thuật, vừa là một triết lí sống.

TL: Tôi nghĩ nếu hiểu ý tưởng này của cụ Read theo khái niệm hình (form) của Plato, thì nó đúng cho cả quá trình khoa học nữa, nghĩa là đúng cho mọi quá trình tiến bộ của nhân loại; vì với Plato, form là cái ý tưởng cốt lõi của mọi hiện hữu. “Hiện thực hóa các giá trị hình thức” cũng chính là cốt lõi của quá trình khoa học.

GC: Tôi đồng ý với cách hiểu này của anh. Nhưng với Herbert thì ông chỉ đề cập đến quá trình nghệ thuật mà thôi.

TL: Vâng, tất nhiên rồi. Và tôi nghĩ “các giá trị hình thức” mà cụ Read nói ở đây, trong chu cảnh nghệ thuật tạo hình, đều đã được cụ bàn đến và phân tích khá đầy đủ trong sách này, phải không ạ?

GC: Lúc viết thì tôi không có ý ấy. Giờ anh nói ra, tôi thấy anh nói đúng. Mọi thành tố làm nên một tác phẩm nghệ thuật, cùng với những giá trị biểu hiện và biểu tượng của chúng, đều là những giá trị hình thức mà Herbert nhắc đến.

Phát hiện lại tâm thức

TL: Trong cuốn sách gần đây nhất của cụ - What the Hell are the Neurons up to? (Bọn Nơ-ron thần kinh đang định làm cái quái gì đây?) - tôi thấy cụ bàn về tâm thức, tâm trí và não bộ, thậm chí về tâm thức ngoài não bộ, động đến nhiều vấn đề của triết học tâm trí. Cụ có nghĩ tâm thức là sản phẩm của não bộ không?

GC: Không. Tôi nghĩ não phục vụ ngũ quan, cho ngũ quan có những phản xạ có ý thức với cái hiện thực có hình thức trong thời gian và không gian của chúng. Còn tâm thức thì cho những phản xạ ấy có ý nghĩa và giá trị - một hệ thống giá trị cho từng cá nhân, mà Jung gọi là tự thức.

TL: Nghĩa là sản phẩm của não khác với sản phẩm của tâm thức?

GC: Tôi nghĩ vậy. Các sản phẩm trí tuệ nhân tạo hiện nay đã chứng minh não bộ là một hệ thống thu thập và xử lí thông tin tương tự như hệ thống computer. Nhưng tâm thức và sản phẩm của tâm thức thì khoa học vẫn chưa thể lí giải được. Người máy tinh vi nhất hiện nay vẫn chỉ có thể thay thế con người trong những lĩnh vực cần phải làm tốt hơn - optimizing works, nhưng không thể làm thay con người trong những việc cần đến sáng tạo và tình yêu. Tôi nghĩ tâm thức thuộc về chủ thể con người. Mà chủ thể thì không thể nghiên cứu chính mình được.

TL: Vâng. Nhưng hình như chính tâm thức lại bắt người ta không thể chấp nhận điều đó. Trong hai mươi năm trở lại đây, nhiều nhà triết học khoa học đã đặt vấn đề phải tìm lại tâm thức với nhiều cách tiếp cận khác nhau, trong đó có một cách mà tôi thấy rất gần với quan điểm Phật học, coi tâm thức là một cấu phần cốt lõi của cả vũ trụ - như thời gian và không gian. Với cách nhìn này, tâm thức cá nhân là một phần của tâm thức hoàn vũ, gắn với cả hiện hữu vật lí khách quan và hiện hữu tâm linh chủ thể. Mà nếu đã có cách nghiên cứu thời gian và không gian, thì sẽ có cách tìm hiểu tâm thức.

Homo Deus và nghệ thuật

GC: Khi viết sách này, gần năm mươi năm trước, tôi có nhận định tâm thức hậu hiện đại đang trong giai đoạn quá độ hoang mang không biết mình đang trôi dạt về một tương lai như thế nào. Nhưng giờ thì tôi cảm thấy rằng tương lai nhân loại đang tự hình thành từ năng lực tiến hóa của mình, chứ không còn dựa vào mơ ước như xưa. Giai đoạn quá độ hậu hiện đại có vẻ sắp chấm dứt, với sự thắng thế của tâm thức duy lí và quyền lực của khoa học.

TL: Vâng. Homo Sapien đang dần trở thành Homo Deus(1), thưa cụ. Người ta cũng đang bàn luận sôi nổi về hiện tượng này. Nhiều người sợ nhân loại sẽ bị hủy diệt bởi chính những sản phẩm trí tuệ nhân tạo của mình. Nhiều người khác thì cũng như cụ, tin rằng những sản phẩm trí tuệ nhân tạo không bao giờ có tâm thức người, do đó không bao giờ biết yêu, biết sáng tạo.

GC: Anh nghĩ loài Homo Deus này sẽ vẫn sáng tạo nghệ thuật chứ, hay là không?

TL: Tôi thích nghĩ rằng Homo Deus, dù có tạo ra những hình thức sống vô cơ có thể thay thế mình trong rất nhiều lĩnh vực; dù có sống trong những hệ thống xã hội, kinh tế và chính trị khác hẳn bây giờ, thì vẫn cứ có một thân phận giống như thân phận của các đấng sáng tạo trong truyền thuyết - đầy đủ mọi ái ố hỉ nộ; và sáng tạo nghệ thuật vẫn là một bản năng cá thể để tham dự và khẳng định cuộc sống, dù có thể có những hình thức hoàn toàn khác.

Khi tâm thức sáng tạo vẫn còn, thì nghệ thuật vẫn còn, khao khát tạo hình vẫn còn. Và cuốn sách này của cụ sẽ còn nguyên giá trị cốt lõi của nó.

Trịnh Lữ thực hiện

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 16.12.2020.

…………..

1. Homo Sapien (Người Khôn) và Homo Deus (Người Thượng đế) là hai cuốn sách của Yuval Noah Harari, và cuốn mới ra nữa của ông là 21 Lessons for the 21st Century (21 bài học cho thế kỉ 21); đều đang được bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn khoa học, lịch sử, triết học... Homo Sapien đã có bản tiếng Việt tại Việt Nam (Sapiens - lược sử về loài người, Nxb Tri thức, 2017).

Người ta lần đầu biết tường tận về những “kho tàng bảo vật của các vua Chàm” ở trên miền sơn nguyên Dran và tỏ tường về hành trình nổi trôi của một dân tộc qua câu chuyện có màu sắc huyền bí và có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giới nghiên cứu văn hóa Chăm. Đây là kết quả cuộc khảo cổ ngắn ngày do GS. Nghiêm Thẩm thực hiện đầu năm 1958 ở vùng Dran (tỉnh Đồng Nai Thượng cũ; nay là huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).

Từ những công trình của người Pháp

GS. Nghiêm Thẩm lúc bấy giờ (1957) đang phụ trách Chánh sự vụ của Viện Khảo cổ học Sài Gòn sau khi tốt nghiệp ngành Bảo tàng học ở École du Louvre - Pháp. Tuy còn rất trẻ – 37 tuổi – nhưng ông được học giới miền Nam nể trọng về chuyên môn lẫn phẩm cách học giả.

Với GS. Nghiêm Thẩm, là một người được đào tạo nghiên cứu cổ học tại Pháp, những ghi chép khảo cổ năm 1902 do linh mục Durand và nhà nghiên cứu H. Parmentier công bố và những hồ sơ khảo cổ năm 1929-1930 của GS. M. Ner về những ngôi đền chứa bảo vật Chăm trên vùng cao nguyên Lâm Viên trong các tập báo cáo khảo cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l’Ecole d’Extrême-Orient các năm 1905, 1930) đã khơi gợi một nguồn cảm hứng đặc biệt, hơn thế, là một trách nhiệm thừa kế trong nghiên cứu khoa học. Những ngày ở Pháp, GS. Thẩm cũng từng được đọc cuốn En suivant la piste des hommes sur les Hauts Plateaux du Việt-Nam (Tạm dịch: Theo dấu những tộc Thượng vùng cao nguyên Việt Nam) của Jacques Dournes in tại Paris (1955). Tập sách này, tuy khái lược, nhưng cũng có đề cập đến các bảo vật Chăm ở vùng sơn nguyên Dran. Có lẽ câu hỏi lớn bật ra từ các tài liệu trên đó là: những bảo vật tìm thấy đã thật sự đầy đủ và soi chiếu điều gì trong lịch sử di dân của cộng đồng Chăm  vào thuở mãn kỳ của vương triều Champa?

Ngày 16-12-1957, ông dẫn đầu đoàn khảo cổ gồm các thành viên: Nguyễn Bá Lăng (chuyên viên kiến trúc) và Nguyễn Danh Nhượng (nhiếp ảnh viên) đến tỉnh Đồng Nai Thượng chuẩn bị cho chuyến khảo sát các bảo vật Chăm tại hai ngôi đền Sop Madronhay và Kreyo thuộc quận Dran (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng). 

Công việc khảo cứu chính diễn ra vào các ngày từ 21 và 22 tháng 12-1957. 

Trước khi đi, đoàn khảo sát hiểu rằng, việc tiếp cận các bảo vật không phải dễ dàng. Chuyện kể rằng, năm 1902, nhà nghiên cứu Pháp H. Parmentier khi muốn khảo sát hai kho tàng này cũng đã phải mời ông Hat Vinh - Nguyên Tri huyện người Chăm và vợ ông ta là một bà Công chúa dòng dõi các vua Chàm đi cùng. Có tiếng nói và sự hiện diện của bà Công chúa Chăm thì các kho tàng mới được người Churu mở cửa cho người lạ tiếp cận. Sau một ngày làm việc với cơ quan công quyền địa phương, đoàn của GS. Thẩm thì được ông Cru Bjoum Biêng - Chủ tịch Hội đồng Hành chánh Thượng quận Dran và ông Drong Dôn - Cán sự Hợp tác xã người Thượng cùng nhóm công an quận đi theo để thuyết phục người Churu mở cửa đền.

Mùa đông năm 1957, khung cảnh Dran còn hoang sơ. Con đường vào làng Churu Sop Madronhay và Kreyo chạy xuyên nhiều cánh rừng, đoàn phải đi bằng xe Jeep, nhiều đoạn phải đi bộ băng qua các đồi cỏ. 

20210301
Ngôi đền Sop Madronhay ngày 21-12-1957. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Bảo vật hoàng gia Chăm trong ngôi làng Churu

Ngôi đền Sop Madronhay được xác định nằm trên một vuông đất 14x12,7m, có cửa vào hướng Tây, chung quanh có hàng rào kết bằng cây khô nhỏ. Gọi là đền, thực ra là một gian nhà sàn làm bằng tường tre nứa đan rất sơ sài. Đền chia hai gian, có gác ở, có bàn thờ. Phần cuối sân phía Đông là nơi thờ tự, chứa các bảo vật và một bếp lửa ở góc phía Tây-Nam. Một buổi lễ cúng đã diễn ra theo nghi thức truyền thống Chăm do người coi đền Churu thực hiện trước khi đoàn khảo cổ tiếp cận, thống kê các bảo vật. 

Tại đây, khi mở cửa ngôi đền đi vào không gian chứa các cổ vật, GS. Nghiêm Thẩm bất ngờ chứng kiến một kiểu bảo tồn lạ lùng: trong gian nhà sàn nhỏ có chỗ thờ những cổ vật thuộc vương triều được đặt để trong hai gian khác nhau: một gian là vật dụng phụ nữ và một của nam giới. Những bảo vật gồm binh khí, tự khí, dụng cụ giao thông, y phục phủ lớp bụi thời gian bỗng bừng sáng khi ánh nắng lạnh lẽo của buổi sáng mùa đông chiếu xuyên qua những liếp che.

Trong số các binh khí, đáng chú ý là có hai súng hỏa mai kiểu Ả-Rập, 50 đoản đao, long đao, gươm, giá, thương, mác, đinh ba và câu liêm. Nhóm tự khí gần 90 món, gồm các bộ đồ trà, chậu, bát, lọ, hộp sơn, bình vôi bằng gốm, sứ, thủy tinh quý giá, trong đó có một số món mang phong cách mỹ thuật Việt Nam với trình độ khảm sơn mài tinh tế và nhiều chén, chậu bạc chạm hình hoa sen nổi đặc thù phong cách trang trí của Chăm. 



Binh khí tìm thấy trong ngôi đền Sop Madronhay ngày 21-12-1957. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Đặc biệt, trong số này, có các klon (klaung: hộp) đựng xương cốt bằng bạc. Điều này có thể cần giải mã bằng chính phong tục người Chăm Ahier (theo Bàlamôn) ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận: người qua đời được gia đình và thầy cúng làm lễ hỏa thiêu, cắt 9 miếng xương trán cho vào một klon, sau đó được làm lễ nhập kut vào các tháng 3, 6, 8, 10 và 11, theo lịch Chăm. Lễ nhập kut là một hình thức quy tập các klon về khu mộ phần của dòng họ mẹ, theo truyền thống mẫu hệ Chăm. 

Như vậy, trong các cuộc binh biến, người nữ có vai trò thừa tự thuộc dòng dõi hoàng tộc Chăm đã di tản, mang theo di cốt các vua để thờ phụng.

Trong nhóm các dụng cụ giao thông, có yên ngựa nạm đồng được chạm trổ tinh vi theo mỹ thuật Việt Nam, nhạc ngựa, nhạc voi, cần kiệu. Nhóm tài liệu rời rạc còn có các hòm ấn triện làm bằng gỗ và ngà, cân tiểu ly, tập giấy chữ Chăm và chữ Hán. Đặc biệt, y phục là phần gợi nhiều ấn tượng nhất: gồm mũ trận bằng gấm, khoảng 10 triều phục nam và nữ, hơn 30 tấm vải thổ cẩm Chăm truyền thống, ba rương đựng khăn vành đàn bà bằng gấm, khăn là và viền kim tuyến. 

Nhiều vải vóc thổ cẩm được dệt theo kỹ nghệ truyền thống Chăm còn tốt, nhưng cũng có những thứ đã cũ và nát qua thời gian.



Lễ đường ngôi đền Kreyo ngày 22-12-1957. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Ngôi đền Kreyo gần đó được đoàn khảo cổ học của GS. Nghiêm Thẩm thực hiện khảo sát vào ngày hôm sau (22-12-1957). Họ tìm thấy ngoài các binh khí (1 lưỡi đoản kiếm bằng thép, 1 khiên mây phủ sơn mài, 21 nòng súng nhỏ, 3 nòng súng lớn bằng gang và 1 nòng súng lớn bằng đồng), thì còn nhiều món đồ thờ để trong 6 giỏ đan bằng mây. Trong 6 giỏ mây, có tất thảy gần 50 klon bằng bạc, chì và bằng vàng đựng những mảnh xương trán người. Nhiều klon vàng y, vàng trơn, chạm khắc theo phong cách hoa văn Chăm, chạm kiểu rồng phượng, hoa sen, tùng liễu, diệp hóa (lá cách điệu) tinh xảo.

Trong ngôi đền Kreyo, giáo sư Thẩm còn ghi nhận những tự khí khác: một mảnh vàng lá chạm thủng đậy trên mặt hài, hai mảnh vàng chữ nhật chạm kiểu Chàm nạm hạt xoàn, một mảnh vàng cây hình hoa và lá kiểu Chàm nạm hạt xoàn. Ngoài ra, còn có 28 chậu, cơi, siêu, mâm, chuông bạc, đồng có chạm trổ tinh vi theo các hoa văn Chàm truyền thống. 

Trong ngôi đền này, có chứa ba rương quần áo, xiêm, khăn trong tình trạng “hầu hết đã rách nát”.


Những tấm thổ cẩm Chăm. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Hé lộ một góc khuất lịch sử

Sau đó, tờ trình ngày 13-1-1958 của GS. Nghiêm Thẩm đã đem đến một cái nhìn có tính giải mật đối với hai kho tàng này. Ông đặc biệt chú ý đến những con dấu triện chữ Hán được tìm thấy, phân làm hai loại: những con dấu thuộc hành chánh thường dùng cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn như vi chấp bằng, dấu ghi chức tước, ấn tín nhà Nguyễn cấp cho một Phiên vương Chăm có tên Môn Lai Phụ Tử, có quyền lực ở vùng duyên hải từ Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang. 

GS. Nghiêm Thẩm cũng lý giải về sự xuất hiện của một hộp bạc hình ống chạm cành cây hóa rồng, viền cánh sen, thân chạm sơn thủy, dưới đáy có chữ “Quý Dậu niên chế” và một hộp bạc nắp chạm sơn thủy, chân chạm sơn thủy, nhân vật thông và liễu, dưới đáy có chữ “Tân Dậu niên chế”. Các hộp bạc đó nằm ở đền Krayo. 

Ông giải thích: “Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt đến Phan Thiết vào hồi 1697, sau khi chiếm đất Chiêm Thành, Triều đình Việt Nam vẫn coi các dòng dõi vua Chiêm Thành là phiên vương và cho đến năm Quý Sửu 1793 thì chúa Nguyễn Ánh chiếm lại tỉnh Thuận Thành (Bình Thuận) và làm tội các dòng dõi vua Chàm đã theo nhà Nguyễn Tây Sơn và từ đấy không phong tước cho các phiên vương Chàm ở Thuận Thành nữa. Vì vậy phiên vương Chàm cuối cùng là Po Con Can (1799-1823) phải sang náu mình bên Cambodge.

Đoạn trên ta đã biết là trong những năm từ 1831 đến 1834 Lê Văn Khôi chiếm cứ ba tỉnh Phan Rang, Phan Thiết và Phan Rí. Khi quân của Lê Văn Khôi chiếm vùng đó cũng phá hại người Chàm thân với triều đình Minh Mạng. Và quân của triều đình chiếm lại được vùng đó, nhiều người Chàm bị nghi là có hợp tác với Lê Văn Khôi bị khủng bố. Vì vậy những người Chàm phải tản cư sang Cambodge và lên các miền núi mang theo những hộp klon để xương cốt của vua Chàm lên gửi ở các làng người Thượng.



Những klon đựng hài cốt bằng vàng. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.
Những klon lồng trong nhau. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Theo phong tục Chàm thì những hộp klon đựng 5 mảnh (?) xương trán còn lại sau khi thiêu xác các vị vua đã chết. Các hộp klon sẽ chôn ở dưới chân tượng các vị vua đó ở trong các tháp Chàm, như đã đào được ở tháp Po Klong Garai (Phan Rang).

Khi các dòng dõi vua Chàm phải di cư lên miền Thượng họ phải mang theo cả những hộp klon đựng xương các vị vua đã chết mà chưa xây được tháp để thờ.

Nếu năm Quý Dậu (1693, 1753, 1813) ghi trong hộp bạc ở giỏ thứ hai được làm sau khi một vị vua Chàm chết thì có thể là đựng xương cốt của vua Po Thop (1660-1692). Trong giỏ thứ năm có một hộp bạc ghi Tân Dậu niên chế. Vậy năm Tân Dậu là một trong những năm 1681, 1741, 1801, 1861. Nhưng không có vị vua Chàm nào đã qua đời trong các năm đó. Như vậy, nếu tôi không nhầm, thì hộp đựng xương đó là của một bà hoàng hậu Chàm. Nhưng nay vì thiếu tài liệu về lịch sử nên tôi chưa dám quyết định chắc chắn.”1

Một mặt, đối chiếu với Đại Nam chính biên liệt truyện, năm Canh Tuất (1790) con vua Chăm ở Thuận Thành là Môn Lai Phụ Tử kêu gọi dân chúng theo Gia Long đánh quân Tây Sơn, sau được phong chưởng cơ, đổi tên Nguyễn Văn Chiêu. Sau đó, Nguyễn Văn Chiêu được cho là phạm tội với triều đình, bị đánh đuổi, nên dòng dõi phiên vương này đã kéo theo những người thân thuộc lên miền núi vùng làng Sop Madronhay ở với đồng bào Churu với ý định gầy dựng lực lượng để quay về dành lại vùng duyên hải.

Đúng như Đại Nam chính biên liệt truyện đã viết, lý do mà cộng đồng người Chăm bỏ vùng duyên hải đi lánh nạn trên vùng cao nguyên hiểm trở trong quá khứ, một cách chi tiết, được đoàn khảo cổ làm rõ: 

“Các bảo vật Chàm từ xưa vẫn do các con cháu các vua Chàm giữ. Nhưng khi con nuôi tả quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi dùng dư đảng nổi lên chống lại triều đình Nguyễn vào năm 1831 có chiếm cứ Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết. Một số đông con cháu các vua Chàm đã cộng tác với Lê Văn Khôi. Khi quân nhà Nguyễn dẹp loạn Lê Văn Khôi đã thẳng tay tàn sát dân Chàm, vì vậy một phần người Chàm phải di cư sang Cambodge (Campuchia) và đã sinh sống bên đó cho đến ngày nay (1957), một phần dân Chàm đã lẩn lên núi sống với các đồng bào Thượng và đem các bảo vật vua Chàm, tổ tiên của họ. Đến năm 1840, vua Minh Mạng mới ra chiếu và truy phong cho một giòng dõi Vua Chàm là Po Klon Gahul.

Tuy vậy, con cháu các vua Chàm vẫn gửi các đồng bào Thượng những hộp klon đựng xương cốt các vị vua hay hoàng hậu đã chết cất giữ.” - GS. Nghiêm Thẩm lý giải trong một tờ trình gửi Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. 

Dặm đường thiên di đó ít nhiều cũng đổ bóng xuống kho tàng văn hóa dân gian Chăm. Sự kiện đau buồn trên cũng trùng khớp với một bản trường ca [ariya] của người Chăm mà nhà nghiên cứu Inrasara cung cấp cho người viết bài này. Đó là tác phẩm Damnưy Ppo Pan, kể về bối cảnh thế kỷ 18, người Chăm loạn lạc, chạy lên vùng núi Nam Cao nguyên sống chung với bà con dân tộc thiểu số, trong đó có vài thủ lĩnh [mưlih] được giao quy tụ lực lượng trở về “phục quốc”. Thủ lĩnh Damnưy Ppo Pan trong bản trường ca là người ham vui, chỉ lo hưởng lạc và trượt dài, quên mục đích hệ trọng mà dân tộc, cộng đồng đặt vào mình. 

Bản trường ca Damnưy Ppo Pan có tính phê phán và ai oán, cho đến nay vẫn được hát lên trong các dịp lễ để răn con cháu đừng mải mê vô độ mà bỏ quên nguồn gốc.


Xiêm y được tìm thấy trong hai ngôi đền. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.
Khay, hũ đựng bằng bạc có hoa văn Chăm. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Về từ thăm thẳm thời gian

Về khoa học khảo cổ, những tài liệu thu thập được của GS. Nghiêm Thẩm đã cụ thể hóa và liệt kê đầy đủ hơn các cuộc khảo cổ mà những nhà nghiên cứu Pháp tiến hành trước đó ở hai ngôi đền này. Tuy nhiên ông cũng xác định thêm một số cổ vật “có lẽ đã bị mất trong những năm chiến tranh vừa qua, hay đồng bào Thượng đã mang đi các nơi khác rồi”. 

Trong bài viết Sơ lược về các kho tàng chứa bảo vật của các vua Chăm (đăng trên tập san Việt Nam khảo cổ, số 1, 1960), GS. Nghiêm Thẩm đã nhận định rằng, việc bảo tồn các tấm vải quý trong hai ngôi đền là cần thiết vì chúng cho thấy văn minh nghề dệt của người Chăm đã ở mức điêu luyện, có tính thẩm mỹ cao. Bên cạnh đó, ông cho rằng, những bảo vật bằng vàng, bạc được chạm trổ tinh vi cũng nên bảo tồn để giới sử học và mỹ thuật có thể nghiên cứu cách trang hoàng trong nền mỹ thuật nhỏ (arts nineurs) của người Chăm, đặc biệt, các đồ khảm xà cừ với kỹ thuật khác lối khảm của người Việt, gần như đã thất truyền thì rất cần được giữ gìn... 



Hài mạ vàng được tìm thấy. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

GS. Thẩm kết luận rằng: “Những bảo vật của vua Chàm mà tôi đã được xem là những tài liệu sử ký và mỹ thuật rất quý giá cho lịch sử Chàm, lịch sử Việt Nam, lịch sử mỹ thuật của nhân loại”. Ông cũng khảo sát để nhìn thấy vấn đề này: Người Churu tin rằng, nếu ai đó đánh cắp các cổ vật trong hai ngôi đền này thì sẽ bị hổ vồ. Và vị giáo sư với tư duy khoa học đã chỉ ra rằng: “Họ tin không ai dám đến lấy (các bảo vật) và nếu lấy sẽ bị hổ ăn thịt. Nhưng dị đoan này không cản nổi những người có lòng tham. Bằng chứng là trong các bảo vật ở làng Sop Madronhay đã mất hết các đồ bằng vàng”. Và cũng có một mối lo ngại khác: chính người Churu cũng di chuyển chỗ ở sau mỗi lần cộng đồng có biến động, và mỗi lần như vậy, bảo vật Chàm trong hai ngồi đền lại thất thoát...2

Đề xuất chuyển các bảo vật Chăm từ hai ngôi đền Sop Madronhay và Kreyo về Sài Gòn, Huế hay Đà Nẵng để bảo tồn trong một bảo tàng viện tránh tình trạng ngôi đền bị hỏa hoạn thiêu rụi hay nạn ăn cắp, “chảy máu cổ vật” được GS. Nghiêm Thẩm nhiều lần đề xuất lên Phủ Tổng thống (thời Đệ Nhất Cộng hòa). Nhưng điều đáng tiếc, về phía địa phương, một buổi họp có ý nghĩa “điều đình” được tổ chức lúc 9 giờ ngày 18-9-1958, tại Quận Hành chánh Dran có mặt 15 vị gồm các trưởng ấp và dân ấp Kreyo, đại diện Quận hội viên Tòa án Phong tục đã không đi đến kết quả bởi “lệ làng” vẫn vượt trên ý kiến nhà khoa học. Buổi họp xác định: “Những người đã giữ từ xưa đến con cháu nay vẫn săn sóc cùng thờ luôn, nên không thể chấp thuận để đem cất các vật ấy tại Viện Bảo tàng. Một trong những lý do mà người dân Churu ở Dran đưa ra đó là nếu không bảo vệ được các cổ vật hoàng gia Chăm “thì dân làng sẽ đau ốm”. (Theo báo cáo số 6802-HC/6 ngày 13-10-1958 của ông Trần Văn Phước - Thị trưởng Đà Lạt gửi trình các Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống). 

Vậy là thiện chí của nhà nghiên cứu đã không cứu được bảo vật Chăm trong các ngôi làng Churu.

Và điều mà GS. Nghiêm Thẩm lo lắng nhất đã xảy ra sau đó: Trong những năm chiến tranh ác liệt 1968-1969, cả hai ngôi đền trên đã phải di dời nhiều lần, bị trúng bom bốc cháy và cổ vật đã bị lấy mất. Theo nguồn tin từ Bảo tàng Lâm Đồng, tháng 4 năm 1992 các cán bộ bảo tàng này có phối hợp với huyện Đức Trọng tiến hành khảo sát, kiểm kê hai ngôi đền Sop Madronhay và Kreyo thuộc xã Tà Hine, Đức Trọng. Theo mô tả của chuyên viên bảo tàng Đoàn Bích Ngọ trong các bài báo sau đó, các cổ vật còn lại không còn nhiều giá trị. “Những báu vật của các vua Chàm tuy không còn, nhưng đền Kreyo và Sop Madronhay vẫn được bà con dân tộc Churu coi sóc và cúng lễ hàng năm. Đền được tổ chức cúng lớn vào 15 tháng 5 dương lịch. Vào những ngày này dân làng tụ tập đông đủ, thầy cúng đều bận y phục tế lễ theo phong tục của người Chàm”.3

Câu chuyện những cổ vật Chăm từ hai ngôi đền ở Dran thuộc Tuyên Đức xưa từng là vấn đề hệ trọng của khoa học khảo cổ, duy trì mối quan tâm hơn nửa thế kỷ từ các nhà khoa học khảo cổ Pháp cho đến giới khoa học miền Nam, nhưng cho đến nay vẫn còn vây phủ bởi những sương mù khi thi thoảng trong giới chơi cổ vật cao nguyên truyền lan những tin đồn có màu sắc huyền bí về sự báo ứng đi cùng các món cổ vật Chăm trôi nổi trong dân gian. 

Có một điều có thể chứng thực và lý giải được: văn hóa Churu đã chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi văn hóa Chăm từ một cuộc trôi dạt đặc biệt trong lịch sử, từ kỹ thuật làm gốm nung không bàn xoay cho đến các nghi thức thờ cúng hướng đến những vị vua, hoàng hậu mà người Chăm tôn thờ.

Vùng sơn nguyên Dran xưa đã mang vào mình những bước lưu dân của một cộng đồng bị mắc kẹt giữa những giao tranh chính trị trong lịch sử Việt Nam cận đại.□
Người Churu đến xem đoàn khảo cổ học của GS. Nghiêm Thẩm khảo cứu các bảo vật. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.
Một mặt hia và hai mặt đai vàng được tìm thấy. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Những khay bạc, đồng. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

---

Ảnh trong bài: Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM. 

Chú thích:

1. Tờ trình ngày 18-7-1958 của GS. Nghiêm Thẩm – Chánh sự vụ Viện Khảo cổ, Phụ trách Bảo tồn Cổ tích, gửi Phủ Tổng thống (thời Việt Nam Cộng hòa). Phông Phủ Tổng thống Đệ Nhất Cộng hòa, Hồ sơ 16516. TTLTQG II, TP.HCM.

2. Theo tờ trình ngày 18-7-1958. Nguồn đã dẫn.

3. Những ngôi đền cổ và báu vật của vua Chàm trên đất Lâm Đồng, Đoàn Bích Ngọ, Báo Lâm Đồng, 10-6-2012

Tài liệu tham khảo:

- Tập san Việt Nam khảo cổ, Số 1-1960.

- Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất cộng hòa. Hồ sơ số: 16516. TTLTQG II, TP.HCM.

- Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất cộng hòa. Hồ sơ số:16848. TTLTQG II, TP.HCM.

- Báo Lâm Đồng, Báo Tuổi trẻ... 

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 21.02.2021.

SVVN - Bùi Tiến Phúc (cựu sinh viên bộ môn Hán Nôm, khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) đã dành 10 năm tìm tòi, nghiên cứu để trở thành “bác sĩ sách” phục chế, tu bổ sách, văn bản Hán Nôm cổ.

20201130 5

Bén duyên với ngành Hán Nôm

Chàng trai miền núi Tánh Linh (Bình Thuận) Bùi Tiến Phúc được một thầy giáo dạy Ngữ văn định hướng cho con đường tương lai để đăng ký theo học bộ môn Hán Nôm tại khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM). 

Thế rồi càng học, càng đi sâu ở chuyên ngành của mình, Phúc không khỏi xót xa trước sự nghiệt ngã của thời gian đã và đang hủy những di sản Hán Nôm quý giá như sắc phong, gia phả… ở các thư viện, đình, chùa, nơi anh có cơ hội tiếp xúc trong các đợt đi thực tập thực tế và nghiên cứu khoa học. Vì thế, sau khi tốt nghiệp năm 2012, Phúc vẫn tiếp tục công việc sưu tầm tài liệu Hán Nôm cho thư viện Huệ Quang (TP. HCM) cho đến năm 2014 rồi xin học bổng ngành Bảo tồn di sản văn hóa tại ĐH Phật Quang của Đài Loan.

Bùi Tiến Phúc - ảnh 1Phúc tại phòng làm việc của thầy Ngô Triết Duệ, thành phố Tân Bắc (Đài Loan). (Ảnh: NVCC)

Mất hai năm nữa, Phúc tự tìm tòi và xin thực tập ở một bệnh viện sách Đài Loan trước khi được gặp các chuyên gia trong lĩnh vực này ở một khóa học tu bổ mở rộng do bệnh viện sách này tổ chức. “Từ năm 2016 cho đến khi về Việt Nam 12/2019, mình may mắn được học và thực hành được những kiến thức khác nhau trong lĩnh vực tu bổ, phục chế hiện vật giấy ở rất nhiều người thầy tại Đài Loan. Trong số này có ông Ngô Triết Duệ, cố vấn Hội Văn hiến TP. Đài Bắc - một trong những chuyên gia, nhà phục chế hiện vật giấy hàng đầu Đài Loan”, Tiến Phúc nhớ lại.

Bùi Tiến Phúc - ảnh 2Thời gian làm việc tại tại phòng làm việc của thầy Ngô Triết Duệ, ở Tân Bắc (Đài Loan) đã cho Phúc thêm nhiều kiến thức trong nghề.

Một may mắn khác với Phúc trong quá trình học tập tại Đài Loan, năm 2017 anh gặp được Tuyền, người vợ hiện nay của anh. Ít ai ngờ cô gái nhỏ nhắn, hiền lành này đã có nhiều năm học mỹ thuật tại Mỹ, rồi say mê với chuyên ngành tu bổ, phục chế hiện vật giấy và quyết định gắn bó cuộc đời với một chàng trai Việt Nam như Phúc. Tuyền và gia đình sau đó đã ủng hộ, hỗ trợ cho Phúc rất nhiều trong cuộc sống và học tập, trước khi hai người chính thức kết hôn vào đầu năm 2020.

Bùi Tiến Phúc - ảnh 3Phúc làm công việc tu bổ tại Malaysia.

Theo Phúc, để làm được công việc phục chế này hầu hết phải học trong thời gian dài, khoảng 6 - 7 năm, thậm chí 10 năm hoặc nhiều hơn nữa. Tuy vậy, thời gian theo học Phúc gần như bị gia đình mình ngăn cản bởi học nghề lâu năm nhưng vẫn không làm ra tiền. Tiền làm ra lại đầu tư vào việc học. Nhiều lần định bỏ nghề nhưng nhờ cơ duyên, cuối cùng Phúc vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng. “Khi rời Đài Loan, hành trang mà mình mang theo không chỉ là những kiến thức vô giá trong lĩnh vực tu bổ, phục chế hiện vật giấy mà còn rất nhiều tài liệu, dụng cụ liên quan mà mình chắc chắn không thể tìm thấy tại Việt Nam. Và điều hạnh phúc và may mắn với mình là sự sát cánh của người bạn đời, người cộng sự đặc biệt giỏi trong vẽ tranh và pha màu”, Phúc chia sẻ.

Bùi Tiến Phúc - ảnh 4Phúc làm công việc tu bổ tại Hán Nôm Đường do vợ chồng Phúc thành lập.

Xưởng phục chế “Hán Nôm Đường”

Hán Nôm Đường (xưởng phục chế, tu bổ sách, văn bản Hán Nôm cổ) đã ra đời ngay sau khi Phúc trở về Việt Nam giữa bộn bề lo toan của chuyện cơm áo, gạo tiền, chuẩn bị cho đám cưới với Tuyền và mong muốn được góp một phần công sức vào việc bảo tồn hiện vật giấy giá trị. “Cô Nguyễn Ngọc Anh (Phó Giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam), người mà năm 2018 có đưa ra một lời khuyên để giúp mình quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn. Đấy là mình nên thành lập một cơ sở tu bổ, phục chế riêng thay vì vào làm ở một cơ quan nhà nước, bởi khi có Hán Nôm Đường rồi mình có thể kết hợp với các trường, trung tâm bảo tàng mà vẫn thực hiện được các dự án có tài trợ bên ngoài”, Phúc cho biết.

Bùi Tiến Phúc - ảnh 5Với Phúc, niềm vui vô bờ bến vì có bà xã cùng đồng hành, chia sẻ trong công việc.

Theo Phúc, thách thức cho anh và vợ lớn hơn những gì cả hai dự tính ban đầu nhưng anh vẫn luôn nói với vợ rằng, nếu để làm giàu, bản thân đã không về Việt Nam và cô cũng không cần phải theo anh về sinh sống tại quận 12, TP. HCM. Bởi với chuyên môn của mình, Phúc và Tuyền có thể giảng dạy, dịch sách hay làm phiên dịch cho các công ty với thu nhập cao gấp nhiều lần công việc hằng ngày tại Hán Nôm Đường. “Hán Nôm đã kết nối hai con người, mang hai dòng máu nhưng chung một tình yêu tư liệu cổ, nó đã khiến mình không còn cô độc trong hành trình dài này nữa”, Phúc tâm sự.

Bùi Tiến Phúc - ảnh 6Một góc trưng bày tại Hán Nôm Đường.

Sắp tới, khi Hán Nôm Đường đi vào hoạt động ổn định, anh hy vọng có thể chia sẻ vai trò của một nghệ nhân, một người thợ mà mình đang đảm nhận cho những học trò mới để dành thêm thời gian cho việc truyền đạt kiến thức về công tác tu bổ, phục chế. Bên cạnh đó, Phúc cũng chú trọng đến việc sưu tầm, dịch những tài liệu liên quan đến nghề bởi trong khi chuyên ngành tu bổ, phục chế hiện vật giấy, tranh và sách rất phổ biến ở Nhật Bản, Trung Quốc hay Đài Loan thì tại Việt Nam, những tài liệu chuyên sâu như vậy gần như không có, khiến bất cứ ai muốn tìm hiểu đều gặp khó khăn.

Bùi Tiến Phúc - ảnh 7Đội ngũ của Hán Nôm Đường hiện tại chuyên làm công việc bảo tồn và phục chế tư liệu cổ.

Hà Chi

Nguồn: Sinh viên Việt Nam, ngày 03.11.2020.

Vào những ngày cuối năm, một vài tờ báo lớn trên thế giới thường bình chọn nhân vật của năm (Person of the Year) 

Đó có thể là một nhân vật hoạt động chính trị - xã hội nổi bật trong năm, người có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển tiến bộ của một đất nước. Đó cũng có thể là một tập thể gây ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa thế giới trong năm.

20210224

Nhân vật năm 2020 - Ảnh 2.

Trong đời sống văn chương, khái niệm "nhân vật" không chỉ áp dụng cho con người mà cả cho đồ vật và thú vật, chẳng hạn nhân vật chiếc giường trong truyện ngắn Xuân Diệu, những cái ghế trong kịch E. Ionesco, con chó sói trong tiểu thuyết Tch. Aitmatov… Các nhà văn có thể dựng nên những "nhân vật" có tính cách, tâm hồn từ những sự vật của thế giới hằng ngày có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống con người.

Hiểu theo nghĩa rộng, một trong những nhân vật - đồ vật xuất hiện xuyên suốt trong đời sống nhân loại năm 2020 chính là chiếc khẩu trang. Vốn chỉ thông dụng ở những xứ sở ô nhiễm môi trường hay trong những nơi làm việc độc hại, từ khi coronavirus khởi phát ở Vũ Hán - Trung Quốc rồi trở thành đại dịch, chiếc khẩu trang đồng hành với đời sống con người. Vượt qua những e ngại và thành kiến ban đầu, nay chiếc khẩu trang đã chinh phục tuyệt đại đa số nhân loại như là một "vị cứu tinh" trong đại dịch Covid-19, ít nhất là cho đến khi vắc-xin chủng ngừa căn bệnh này được sử dụng phổ biến trên toàn cầu.

Chiếc khẩu trang trước hết là một sản phẩm y tế nhằm bảo vệ sức khỏe con người. Đeo khẩu trang cũng là cách góp phần giảm gánh nặng của y, bác sĩ và nhân viên y tế trong tình trạng quá tải của các bệnh viện. Ở một số điểm du lịch nước ngoài, người ta còn đeo khẩu trang cho các pho tượng danh nhân để khuyến khích du khách làm theo.

Từ một sản phẩm y tế, chiếc khẩu trang trở thành một hiện tượng giao tiếp xã hội. Đeo khẩu trang là một cách thể hiện thái độ ứng xử với tha nhân, với không gian công cộng. Cũng là "mask" như cái mặt nạ trong hội hóa trang nhưng khẩu trang chỉ che miệng và mũi, vẫn còn để hở đôi mắt, vầng trán, mái tóc để nhận diện. Người ta vẫn có thể nhận ra nhau qua ánh mắt lấp lánh niềm vui để động viên nhau hay buồn rầu ứa lệ trước cảnh người thân bị cách ly, thậm chí lìa đời mà không thể tiễn đưa. Giao tiếp qua trung gian chiếc khẩu trang đòi hỏi những thay đổi nhất định: giọng nói tăng âm, ánh mắt biểu cảm, khoảng cách cần thiết, cử chỉ linh hoạt để thu hút người đối thoại… Cách đeo khẩu trang nói lên tính kỷ luật và ý thức cộng đồng của con người. Người cẩn trọng đeo khẩu trang chỉ chạm vào sợi dây, không chạm vào mặt vải và thay mới hằng ngày; người cẩu thả đeo cho lấy có, dùng một khẩu trang nhiều ngày liền mà không giặt sạch. Năm qua, nước ta thành công trong chống dịch, ngoài những biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội, cách ly tập trung, có phần nhờ nâng cao ý thức cá nhân trong việc sử dụng khẩu trang.

Chiếc khẩu trang trở thành một hiện tượng văn hóa, thể hiện tình đồng bào, tình nhân loại trong hoạn nạn. Nghe thành phố khan hiếm khẩu trang, một người cha từ quê đem vào thành phố cho con cháu một hộp khẩu trang mà vợ chồng ông mua để dành lâu nay. Bạn bè gặp nhau quanh bàn cà phê, khi về tặng nhau một hộp khẩu trang, thật là thương mến. Công đoàn cơ quan tìm cách liên hệ công ty may mặc mua khẩu trang giá chính thức để phân phối cho nhân viên. Người Việt định cư ở nước ngoài dành thì giờ may khẩu trang tặng người dân sở tại như một cách chia sẻ khó khăn. Khi một địa phương trở thành tâm dịch, ngành y tế các nơi khác sẵn lòng giúp đỡ bằng cách chi viện đội ngũ y bác sĩ, thuốc men, dụng cụ xét nghiệm và cả khẩu trang. Nước ta là nước đang phát triển, khó khăn đủ bề, nhưng trong đại dịch cũng cố gắng gửi sang các nước láng giềng, các đối tác - cường quốc những kiện khẩu trang như món quà thiết thực để bày tỏ tình nghĩa.

Năm qua, sản xuất khẩu trang đạt tiêu chuẩn quốc tế giúp tạo công ăn việc làm cho công nhân giữa lúc ngành may mặc lao đao vì xuất khẩu hạn chế. Chiếc khẩu trang trở thành tiêu điểm trong thương mại và kinh tế: những phi vụ xuất khẩu thành công, những cú "lật kèo" hợp đồng để kiếm lời, những tranh chấp hàng hóa giữa các công ty, thậm chí giữa các quốc gia. Sản xuất và tiêu thụ khẩu trang trở thành một lĩnh vực chứng tỏ mua ngay bán thật hay làm hàng giả, hàng dối trong tình cảnh khó khăn chung. Mấy tháng đầu năm, biết bao gia đình phải chạy đôn chạy đáo tìm mua khẩu trang, trong khi có những lô hàng khẩu trang đầu cơ tích trữ để nâng giá, những xe hàng khẩu trang phi mậu dịch lặng lẽ chuyển qua biên giới.

Điều thú vị nữa là chiếc khẩu trang trở thành một tác nhân của đời sống chính trị thế giới. Hơn một năm trước, không ai hình dung trong các hội nghị quốc tế long trọng, các nguyên thủ quốc gia phải phát biểu và che giấu nụ cười sau chiếc khẩu trang, ngay cả trước ống kính của hàng trăm nhà báo. Nước nào có chính sách đúng đắn, phù hợp trong việc sử dụng khẩu trang thì góp phần giảm thiểu số ca tử vong vì dịch bệnh và tăng thêm uy tín cho người lãnh đạo. Ở Mỹ, thời gian qua, khẩu trang trở thành phương tiện vận động bầu cử, khi trên mặt người đeo có hình lá cờ hay tên ứng cử viên.

Chiếc khẩu trang cho thấy sự đa dạng của xã hội loài người. Tùy khả năng tài chính và sở thích, người ta sử dụng khẩu trang y tế, khẩu trang một lớp hay nhiều lớp, khẩu trang dùng một lần hay nhiều lần. Để giảm nhẹ sự căng thẳng khi đeo khẩu trang, người ta có sáng kiến may vải bằng nhiều loại chất liệu và nhiều màu sắc khác nhau, lại trang trí bằng những bông hoa, những hình vẽ đẹp mắt. Mỹ học ứng dụng phát huy thế mạnh trong trường hợp sáng chế ra những "khẩu trang nghệ thuật" này.

Hai mặt khẩu trang là hai mặt của cuộc đời này: bề ngoài là nguy cơ, có thể bám đầy vi khuẩn; bề trong phải giữ cho sạch sẽ, an toàn. Nhưng cũng có thể ngược lại: bên trong là một ổ vi trùng phải cần có lá chắn để bảo vệ người tiếp xúc ở bên ngoài. Có một chuyện kỳ thú là một cộng đồng người ở Hasnon, miền bắc nước Pháp, đã treo khẩu trang hằng ngày như phơi áo quần lên các "cây chữa bệnh" để xua đuổi mầm bệnh như xua đuổi tà ma.

Sự lên ngôi của chiếc khẩu trang cũng có mặt tiêu cực, kéo theo những hệ lụy cho cuộc sống con người. Người có thu nhập thấp nay phải thêm một khoản chi phí trong ngân sách gia đình vì mua sắm khẩu trang. Chiếc khẩu trang tự nhiên làm lộ thêm ra sự phân hóa giàu nghèo. Rồi việc vất bỏ khẩu trang qua sử dụng phải tính thế nào, thu gom hay tiêu hủy như rác thải y tế, chai ni-lông, túi nhựa để không làm hủy hoại môi trường. Nghĩ vậy nên Hiệp hội Art of Change 21 kêu gọi đeo khẩu trang Maskbook làm từ vật liệu tái chế.

Ai cũng mong vắc-xin ngừa coronavirus sớm được phân phối cho tất cả mọi người để cái thời mà chiếc khẩu trang là nhân vật chính sẽ qua đi. Con người càng chung tay bảo vệ môi trường, cương quyết đóng cửa những chợ động vật hoang dã như ở Vũ Hán thì nguy cơ đại dịch sẽ giảm bớt. Chiếc khẩu trang trở lại vai nhân vật phụ, chỉ để tránh khói bụi ngoài đường. Hãy cho nó vào túi áo trong không gian trong lành nơi công viên, trường học, giáo đường, tự viện để "thở vào, tâm tĩnh lặng/ thở ra, miệng mỉm cười".

Biết đến bao giờ câu chuyện cái khẩu trang mới trở thành đề tài của thời xưa cũ, chỉ còn gặp trong bệnh viện hay trong phòng triển lãm "cổ vật" như bây giờ người ta triển lãm sổ gạo, phiếu thực phẩm của thời bao cấp?

GS -TS Huỳnh Như Phương; ảnh: Hoàng Triều

Nguồn: Người lao động, ngày 17.02.2021.

Đầu tháng 5 năm 1989, từ Moskva, nhà văn Vương Trí Nhàn rủ tôi đi thăm nhà giáo Trần Đình Sử (*) đang làm thực tập sinh cao cấp ở thủ đô Kiev của nước Cộng hòa Ucraina.

20201106 7

Ảnh: Từ trái qua phải: Vương Trí Nhàn, Trần Đình Sử, Huỳnh Như Phương trước nhà bảo tàng M. Bulgakov ở Kiev (1989).

Tôi mừng quá, vì ở nước Nga đã hơn ba năm mà tôi chỉ mới một lần ra khỏi Moskva đi Leningrad. Những năm tháng đó, quy định nghiêm ngặt, người nước ngoài muốn đi từ thủ đô Moskva đến thành phố khác phải có visa, nếu không có mà gặp kiểm tra, thì sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị áp giải về nơi xuất phát. Nhiều người Việt Nam đánh liều, cứ đi khắp Liên bang Xô viết cũng chẳng sao; còn chúng tôi thì nhát gan, không dám phiêu lưu. Ông Nhàn và tôi phải đến cơ quan công an đợi một buổi sáng mới có visa cho phép.

Hai năm trước đó, tôi được ông Trần Đăng Suyền mời đến phòng gặp gỡ và dùng cơm với ông Trần Đình Sử lần đầu khi ông lên Moskva liên hệ công tác. Còn tên tuổi ông thì giới trẻ làm nghiên cứu văn học chúng tôi biết đến từ lâu, đặc biệt là sau khi ông bảo vệ luận án trở về và xuất hiện thật ấn tượng với hai bài viết về thi pháp Truyện Kiều trên tạp chí Văn học. Hồi đó trong đồng nghiệp hay có câu nói vui: “Ân - sử thi, Sử - thi pháp”. Ân là Lại Nguyên Ân, viết nhiều và sâu sắc về tiểu thuyết sử thi, văn học sử thi. Sử là Trần Đình Sử, người có công lớn trong việc đưa thi pháp học Nga vào khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam lúc đó còn bị ảnh hưởng nhiều bởi cách tiếp cận xã hội - lịch sử. Thời gian đầu khi sang Moskva học tập, tôi đã vào thư viện quốc gia đọc luận án của các bậc đàn anh để rút kinh nghiệm, trong đó có luận án của Trần Đình Sử: Thời gian như là nhân tố cấu thành của tác phẩm văn học (Trên tư liệu văn xuôi Xô viết về Lênin). Thì ra, ngay từ rất sớm, Trần Đình Sử đã tìm cách vận dụng thi pháp học Nga vào phân tích cấu trúc tác phẩm văn học, đặt những nền tảng bước đầu cho những công trình dài hơi của ông sau này như Thi pháp thơ Tố Hữu, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Thi pháp Truyện Kiều.

Chuyến đi đó thật vui. Kiev là một thành phố cổ kính, có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, nằm bên bờ sông Dnepr, thuộc địa bàn Đông Âu. Tàu hỏa đi về Kiev thời gian lâu hơn đi Leningrad, gần như theo hai hướng ngược nhau. Trần Đình Sử được Trường Đại học Tổng hợp dành cho một căn phòng khá rộng rãi trong ký túc xá. Ông đi mượn hai chiếc giường xếp cho ông Nhàn và tôi, chuẩn bị thức ăn để cùng nấu ăn trong ba ngày chúng tôi ở đó. Ông dành hết thời gian cả ba ngày để đưa chúng tôi đi thăm các thắng cảnh của Kiev, thăm nhà bảo tàng các danh nhân, uống cà phê, mua sách, chụp ảnh. Mùa hè thành phố cây lá xanh tươi, hoa nở khắp chốn, đứng trên đồi cao nhìn xuống dòng sông Dnepr lững lờ trôi, thấy đời sống thật thanh bình, dù mới ba năm trước nơi đây từng bị ảnh hưởng bởi một thảm họa môi trường nghiêm trọng là vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl cách Kiev khoảng 110 km về phía bắc. Với những con đường dốc, những vỉa hè lát đá, những ngôi nhà cổ theo kiến trúc châu Âu, Kiev làm tôi nhớ Đà Lạt, tuy thành phố này hoành tráng hơn Đà Lạt rất nhiều.

Đời sống ở Kiev bình lặng chứ không chộn rộn như Moskva, tuy hơi buồn nhưng lại dễ tập trung cho chuyên môn. Tôi hiểu vì sao ông Sử thích trở lại nơi này và đã làm được nhiều việc như vậy trong thời gian ở đây. Nhưng hồi đó trông ông không được khỏe. Hình như bệnh suyễn làm ông dị ứng với mùi phấn hoa loang khắp các ngả đường thành phố. Có hôm ba chúng tôi đang nói chuyện văn chương rôm rả khi đi bộ qua một công viên, thì ông Nhàn và tôi chợt quay lại thấy ông Sử lạc đâu mất. Hoảng hồn, chúng tôi đi ngược trở lại mới thấy ông Sử ngồi một mình trên chiếc ghế đá bên đường vì khó thở, mệt đến nỗi không kêu được bạn đồng hành dừng lại chờ.

Nghĩ cũng lạ, chỉ vài năm sau là Liên Xô tan rã, Ucraina không còn phụ thuộc Moskva, trở thành thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập, rồi thành nước có chủ quyền, vậy mà lúc đó chúng tôi không hề nhận ra một dấu hiệu gì báo trước. Chúng tôi vẫn nghĩ là công cuộc cải tổ sẽ giúp Liên Xô trụ vững. Theo dõi và nắm bắt những chuyển biến đầy nhạy cảm của trí thức Xô-viết nhưng không ai trong chúng tôi hình dung được những biến cố chính trị sẽ diễn ra vào cuối năm 1989 và những tháng sau đó. Lịch sử quả đã đi những bước không ngờ, bước đầu rón rén nhưng đến lúc thì đột biến.

Trong những câu chuyện kéo dài mấy đêm ở Kiev, chúng tôi chỉ bàn bạc xoay quanh văn chương chữ nghĩa mà không đụng gì đến thời cuộc, dù ai cũng hiểu rằng cái nghề của chúng tôi không thể nào tách rời khỏi thời cuộc. Chỉ một thời gian sau chuyến đi ngắn ngủi đến Kiev đó, ông Nhàn, ông Sử và tôi lần lượt giã từ Liên bang Xô-viết, trong những ngày sân bay Tsheremechievo rối loạn, trước khi thể chế hùng mạnh này sụp đổ.

Theo dõi tin tức về những thay đổi ở Ucraina gần đây, tôi thầm biết ơn hai ông Trần Đình Sử và Vương Trí Nhàn đã cho mình cơ duyên có chuyến đi quý giá đó trong đời, không dễ gì có được lần thứ hai. Và tôi vẫn luôn ngẫm nghĩ về những câu chuyện nghề nghiệp với hai nhà văn đàn anh trong lần gặp gỡ đó.

Lịch sử giao lưu văn hóa Xô - Việt đã tạo điều kiện cho mấy thế hệ người Việt mở cửa nhìn ra bên ngoài, dù chỉ là một phần thế giới. So với hoàn cảnh cấm vận thời hậu chiến ở nước mình, dù sao Liên Xô nói chung, nước Nga nói riêng vẫn có một số cái khác và cái mới. Tuy ở xứ sở này nhiều phương diện về xã hội và mức sống còn thua sút phương Tây, nhưng căn cốt văn hóa của họ, được xây nền đắp móng từ những thế kỷ trước, làm nên bản sắc và bề dày mà thế giới phải nể trọng. Không chỉ A. Pushkin, T. Shevchenko, L. Tolstoi, F. Dostoievsky... ở thế kỷ 19, I. Bunin, M. Bulgakov, B. Pasternak, A. Solzhenitsyn... ở thế kỷ 20 trên bình diện sáng tác; mà cả trường phái Hình thức Nga, A. Veselovsky, M. Bakhtin, Yu. Lotman... trên lĩnh vực lý luận - phê bình đã được dịch thuật, giới thiệu, nghiên cứu rộng rãi và sâu sắc trong học giới nước ngoài, có khi còn sớm sủa hơn trên chính quê hương của các tên tuổi ấy. Qua Pháp tôi thấy sách lý thuyết văn học nào cũng trình bày cặn kẽ về quan niệm mỹ học của trường phái Hình thức Nga và Bakhtin; không có hai di sản đỉnh cao này thì không có chủ nghĩa cấu trúc Pháp, Claude Lévi-Strauss, Tzvetan Todorov và Julia Kristeva. Có lần, ngay giữa Tp. Hồ Chí Minh, tôi đưa ông Trần Đình Sử tìm mua được bộ Toàn tập Bakhtin bằng tiếng Trung trong một hiệu sách ngoại văn trên Chợ Lớn.

Có thể nói sự đổi mới văn học ở Liên Xô không chỉ góp phần đem lại làn gió mới cho khoa nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam; mà còn chuẩn bị tâm thế cho thế hệ học giả trẻ kế tục tiếp thu thuận lợi hơn những thành tựu và kinh nghiệm của học giới phương Tây, khi đất nước đã mở rộng cánh cửa hội nhập với thế giới. Sự kết hợp hài hòa của hai nguồn ảnh hưởng này được nâng cao là đặc điểm của sự phát triển khoa học nhân văn Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 21.

Nhìn lại tấm ảnh chụp ba người chúng tôi trước nhà bảo tàng M. Bulgakov ở Kiev (in trong Tuyển tập Trần Đình Sử, tập 2, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 2005, tr. 237), mới đó mà hơn 30 năm đã trôi qua. Sau chuyến đi đó, tôi có nhiều dịp cộng tác và gặp gỡ với giáo sư Trần Đình Sử, lúc ở Hà Nội, lúc ở Tp. Hồ Chí Minh. Qua những công trình mới của ông, những cuộc hội thảo khoa học, những đề tài nghiên cứu tập thể, tôi luôn học hỏi ở ông tinh thần lao động không mệt mỏi, kiên trì hướng đến những khám phá khoa học vừa đề cao tính nghệ thuật và đặc trưng thẩm mỹ, vừa tôn trọng chức năng xã hội và giá trị nhân văn của văn học; kết hợp tiếp thu tinh hoa văn học thế giới với nỗ lực phát huy phẩm chất văn hóa của dân tộc mình.

Huỳnh Như Phương

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, số 378/08-2020.

........................................

(*) Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử sinh ngày 10/8/1940 tại thành phố Huế, nguyên quán thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Tác phẩm chính: Thi pháp thơ Tố Hữu, Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Những thế giới nghệ thuật thơ, Lý luận và phê bình văn học, Dẫn luận thi pháp học văn học, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Đọc văn - học văn, Văn học và thời gian, Thi pháp Truyện Kiều, Tuyển tập Trần Đình Sử (2 tập), Một nền lý luận văn học hiện đại (nhìn qua thực tiễn Trung Quốc), Trên đường biên của lý luận văn học, Giáo trình lý luận văn học (chủ biên, 2 tập), Tự sự học - lý thuyết và ứng dụng (chủ biên).

Những năm 1930, khi người dân Việt chỉ biết thư pháp viết bằng chữ Hán, các trí thức nặng lòng với tiếng Việt đã âm thầm nghiên cứu cách viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ.

20210220 2

Bút tích của nhà thơ Đông Hồ - Ảnh: TRỌNG NHÂN chụp lại

Theo PGS.TS Võ Văn Nhơn, nguyên phó trưởng khoa văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhiều văn nhân thời trước xem nhà thơ Đông Hồ (1906-1969) là người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng cách viết thư pháp bằng chữ Việt, theo bảng chữ cái Latin.

Từng dành nhiều năm nghiên cứu về nhà thơ Đông Hồ, cũng là tác giả cuốn sách Đông Hồ - Mộng Tuyết (NXB Hội nhà văn, 1992), ông Nhơn cho biết bạn cùng thời thường đến nhờ nhà thơ viết chữ. Thi sĩ Quách Tấn (1910-1992) từng "xin" chữ của Đông Hồ cho bức trướng treo trong nhà. 

Nhà văn Lê Văn Siêu (1911-1995) cũng có nhắc: "Mỗi lần Tết, Đông Hồ đều gửi cho anh em một tấm thiệp, có bài thơ mừng xuân". Tất cả đều là chữ quốc ngữ nhưng được viết bằng bút lông, mực tàu theo phong cách thư pháp Hán tự trước đây. 

Thời gian đầu, nhiều người thấy lạ mắt nhưng về sau khá thích thú khi nhận được chữ từ Đông Hồ. 

"Thêm nữa, bác lại có ý muốn gây một phong trào chơi câu đối viết bằng chữ quốc ngữ", nhà văn Lê Văn Siêu viết.

‘Ông tổ’ của nghệ thuật thư pháp chữ Việt - Ảnh 2.

Nhà thơ Đông Hồ - Ảnh tư liệu

ThS Nguyễn Hiếu Tín - hiện nay là Trưởng bộ môn du lịch, Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết bút tích của Đông Hồ hiện còn rất nhiều trong sách vở hay chùa chiền. 

Qua những cứ liệu, bút tích còn lại, thêm chuyện Đông Hồ là người cả đời tâm huyết vì sự phát triển của tiếng mẹ đẻ… nhiều người xem Đông Hồ như "ông tổ" trong giới thư pháp chữ Việt.

Chữ Việt vươn ra thế giới

‘Ông tổ’ của nghệ thuật thư pháp chữ Việt - Ảnh 3.

Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Sơn trong chuyến đưa thư pháp chữ Việt ra thế giới - Ảnh: NVCC

Ngày nay, thư pháp chữ Việt ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích. Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Sơn - một trong những người gầy dựng phong trào chơi thư pháp chữ Việt ở TP.HCM - cho biết ưu điểm của thư pháp chữ Việt là tính quốc tế hóa, tinh thần hội nhập.

Từ cách viết thư pháp chữ Việt, người viết có thể vận dụng sáng tạo cho những ngôn ngữ khác dùng chữ Latin như tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha… Đây là điều mà thư pháp chữ Hán rất khó tiếp cận.

Kiến trúc sư Thanh Sơn chia sẻ, muốn viết, trước hết phải thật sự tĩnh tâm, có lúc phải ngồi thiền mới bắt đầu cầm bút được. Bản thân ông, có những chữ ông viết đi viết lại nhiều lần, có khi mất một tháng mới ưng ý.

"Thư pháp chữ Việt là môn nghệ thuật công phu, đòi hỏi người viết phải khổ công luyện tập về nhiều phương diện mới có thể ít nhất viết được một chữ trọn vẹn", ông nói.

Tại TP.HCM hiện có câu lạc bộ những người yêu thích thư pháp (hoạt động ở Nhà văn hóa quận 1) do ông Sơn thành lập, hướng dẫn các anh em đam mê tập viết. Ông cũng nhiều lần được một số nước như Thụy Sĩ, Mỹ… mời xuất ngoại để triển lãm thư pháp chữ Việt.

Nhà thơ Đông Hồ tên thật là Lâm Tấn Phác, sinh ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên). Vì tổ tiên nhiều đời sống ở ven Đông Hồ Ấn Nguyệt - một trong mười cảnh đẹp của đất Hà Tiên (Hà Tiên thập cảnh) - nên khi mới bắt đầu biết làm thơ, ông chọn bút danh Đông Hồ.

Giai đoạn 1926-1934, ông mở nhà nghĩa học bên bờ Đông Hồ Ấn Nguyệt, lấy tên là Trí Đức Học Xá. Ông tự mình đứng lớp dạy chữ quốc ngữ, lúc này vẫn còn ít phổ so với chữ Pháp hay chữ Hán. Đông Hồ từng thổ lộ, ông học theo lời dạy của nhà thơ Tagore (Ấn Độ): "Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được".

Từ năm 1964 đến 1969, ông được mời dạy môn Văn học miền Nam tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Là người rất lịch thiệp và cầu kỳ, những khi tiếp khách, những lúc ngâm thơ, Đông Hồ đều ăn mặc trang trọng và đốt trầm hương...

‘Ông tổ’ của nghệ thuật thư pháp chữ Việt - Ảnh 6.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, cháu họ của nhà thơ Mộng Tuyết, và những hình ảnh, di bút của vợ chồng thi sĩ Đông Hồ được trưng bày tại nhà lưu niệm ở Kiên Giang - Ảnh: NGUYỄN TRIỀU

‘Ông tổ’ của nghệ thuật thư pháp chữ Việt - Ảnh 7.

Những nét chữ viết bằng bút lông, mực tàu của Đông Hồ - Ảnh: TRỌNG NHÂN chụp lại

‘Ông tổ’ của nghệ thuật thư pháp chữ Việt - Ảnh 8.

Những nét chữ viết bằng bút lông, mực tàu của Đông Hồ - Ảnh: TRỌNG NHÂN chụp lại

‘Ông tổ’ của nghệ thuật thư pháp chữ Việt - Ảnh 9.

Những nét chữ viết bằng bút lông, mực tàu của Đông Hồ - Ảnh: TRỌNG NHÂN chụp lại

Hoàng Thi

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 13.02.2021.

Đó là câu nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.

Câu này ở trong bài diễn thuyết bằng quốc văn đọc tại buổi lễ kỷ niệm Nguyễn Du nhân ngày mất của nhà thi hào (10.8 âm lịch) do Ban Văn học của Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức tại Hà Nội ngày 8.9.1924. Khách mời có đến 2.000 người.

Tác giả bài diễn thuyết là học giả Phạm Quỳnh (1892 - 1945) khi đó đang là Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức đồng thời là chủ bút báo Nam Phong. Ông đọc bài diễn thuyết của mình bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp để rất đông người Pháp đến tham dự buổi lễ có thể hiểu cùng lúc với người Việt.

Bài diễn thuyết đó và câu nói đó đã khơi mào một cuộc bút chiến tranh luận gay gắt dữ dội mà nội dung chính là mượn Truyện Kiều để đả kích phê phán Phạm Quỳnh. Cuộc chiến tư tưởng văn chương này đã nổ ra ngay năm 1924, được khơi lại vào đầu thập niên 1960, và vẫn còn dây dưa đến tận bây giờ.

Ta hãy lần lại lịch sử xem vì sao ca ngợi Truyện Kiều, đề cao tiếng Việt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, mà Phạm Quỳnh lại bị “đánh” nặng nề và dai dẳng đến vậy.

Văn cảnh của câu nói

Mở đầu bài diễn thuyết Phạm Quỳnh nói lý do buổi lễ là nhân ngày giỗ cụ Tiên Điền Nguyễn tiên sinh, Ban Văn học Hội Khai Trí “đặt một cuộc kỷ niệm để nhắc lại cho quốc dân nhớ đến công nghiệp một người đã gây dựng cho quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng ta một cái “hương hỏa” rất quý báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi”. Một bậc có công với văn hóa nước nhà như thế thì không phải ông tổ riêng của một nhà một họ nữa mà là ông tổ chung của cả nước; ngày kỷ niệm này cũng không phải của một nhà một họ nữa mà là ngày kỷ niệm chung của cả nước. Dân Nam ai cũng đọc Kiều, nên ai cũng được hưởng công nghiệp của Nguyễn Du, vậy ai cũng phải nhớ đến cái ơn của Cụ tác thành cho tiếng nước nhà.

Ơn ấy thế nào? Phạm Quỳnh nêu cái địa vị, vai trò của Truyện Kiều đối với vận mệnh nước nhà: “Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này.” Phạm Quỳnh ca ngợi Truyện Kiều “vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc”, là “một thiên văn khế tuyệt bút”, là quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của nước ta, để ta có thể “ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!..” (in nghiêng trong văn bản của Phạm Quỳnh).

20200926 10

Đại thi hào Nguyễn Du.

Theo ông, việc cụ Tiên Điền xuất thế, cụ Tiên Điền viết KiềuTruyện Kiều lưu truyền được đến nay - đó là “phúc duyên” cho nước nhà ta. Mà so ra thế giới, cụ thể với văn chương Tàu và văn chương Pháp, Truyện Kiều cũng lại không có gì sánh bằng. Truyện Kiều hơn các truyện Tàu ở sự “kết cấu” thành một toàn bức không thêm bớt được chút nào.

Truyện Kiều hơn các truyện Pháp ở sự “phổ thông”, người ngu kẻ khôn đều thích chí. Ngẫm ra thế, “Truyện Kiều cũng là một cái kỳ công có một trong cõi văn thế giới vậy”, mà kỳ công ấy lại do một người làm ra, không dựa trên một cái nền rộng rãi của nhiều người như ở các nền văn học khác, nên lại càng "dũ kỳ" (chữ của Phạm Quỳnh).

Kết thúc bài diễn thuyết, Phạm Quỳnh một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa cuộc kỷ niệm Nguyễn Du là để bày tỏ tấm lòng biết ơn thành thực của quốc dân đối với vị quốc sĩ của nước nhà. Nhưng hơn thế, đây cũng là dịp chiêu hồn quốc sĩ về chứng nhận cho lời thề của đồng nhân.

Thề rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin dầu lòng dốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!” (1) (in nghiêng trong văn bản của Phạm Quỳnh).

Như vậy câu nói “Truyện Kiều còn…” được Phạm Quỳnh nói đến hai lần trong bài diễn thuyết kỷ niệm.

Bài diễn thuyết này nằm trong cả một chương trình kỷ niệm Nguyễn Du nhân ngày húy kị của nhà đại văn hào (10.8 Giáp Tý, 8.9.1924). Cuộc lễ được tổ chức kết hợp cũ mới, có đặt đỉnh trầm, bày hương án, có diễn thuyết ngâm thơ ca nhạc. Khách mời có cả người Nam và người Pháp. Mở đầu Phạm Quỳnh đọc bài diễn văn bằng hai thứ tiếng để cho người Pháp biết được Nguyễn Du là ai và Truyện Kiều là thế nào. Tiếp đến Trần Trọng Kim diễn thuyết một tiếng (bài nói này về sau được lấy làm lời tựa cho cuốn Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim soạn).

Tiếp nữa là kép Thịnh và đào Tuất kể Kiều. Sau cùng, một cô đào đứng hát bài kỷ niệm Nguyễn Du của Nguyễn Đôn Phục. Không khí buổi lễ được tường thuật lại trong bài viết đăng Nam Phong số 86: “Công chúng dự tới hai ngàn, chỉ trong mấy phút đồng hồ là khắp trong sân dưới nhà trên gác đông chật ních. Hội viên Tây và các bà đầm ước được ba bốn chục người. Có mấy bà giáo mới ở bên Tây sang. Khẩn khoản lại xem cho biết người An-nam tôn trọng một bậc danh sĩ trong nước thế nào. Ở Hà Thành ta từ xưa đến nay chỉ có tiệc trà đón quan toàn quyền Sarraut diễn thuyết ở Văn Miếu năm 1919 là họp được đông người đến thế” (2)

Mạch nguồn của câu nói

Cuộc lễ kỷ niệm Nguyễn Du và tán dương Truyện Kiều này không phải là ngẫu nhiên. Nó là đỉnh điểm của cả một phong trào viết về kiệt tác văn chương của dân tộc trên tờ nhật báo Nam Phong của chủ bút Phạm Quỳnh và nhiều tác giả (3). Phong trào này lại nằm trong chủ trương của Phạm Quỳnh muốn thực thi một cái chủ nghĩa quốc gia về văn hóa và giáo dục để đối lại sự xâm nhập văn hóa từ Pháp quốc.

Ngay tại Paris, trong bài diễn thuyết đòi một nền giáo dục cho giống nòi nước Nam trước các nhà trí thức Pháp tại Ban Khoa học, Luân lý và Chính trị, Viện Hàn lâm Pháp (22.7.1922), Phạm Quỳnh đã thẳng thắn tuyên bố: “Dân nước Nam không phải là một tờ giấy trắng; đó là một cuốn sách cổ chứa đầy những dòng chữ được viết bằng một thứ mực không thể tẩy xóa từ bao đời nay; không một chất thử nào có thể tẩy xóa chúng được hoàn toàn và người ta không thể tự do muốn viết gì vào đấy thì viết.” (4).

Ông là người học Pháp, làm việc cho Pháp nên ông biết cái xu thế không thể cưỡng lại là phải du nhập văn hóa Âu Tây, phải tiến hóa theo Âu châu. Ông nhận đó là một lẽ tất yếu, một vấn đề sinh tử. Nhưng ông cũng thấy “Tiến hóa không phải là đi từ chỗ không mà bước lên được. Ở chỗ gốc phải có cái gì đã. Cái gì đó là gồm cả cuộc ký vãng của dân tộc. Hiện tại và tương lai của dân tộc thế nào cũng là tùy thuộc ở đó” (5). Ông muốn khơi gợi, truyền bá cái vốn văn hóa dân tộc này. Đó là lựa chọn làm chính trị của ông trong hoàn cảnh nước nhà đã bị nước người đô hộ. Câu tuyên bố của ông “làm văn hóa không làm chính trị” chỉ là một cách nói, thực chất ông làm chính trị bằng văn hóa.

Tượng đài Đại thi hào Nguyễn Du tại Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TL

Truyện Kiều là kiệt tác của văn hóa dân tộc, là đỉnh cao của văn chương và tiếng nói dân tộc, nên lẽ tự nhiên theo chủ trương của mình ông tìm mọi cách đề cao, lấy đó làm lợi khí cho cuộc vận động văn hóa của mình. Trong bài nói chuyện tại Hội Đông phương Ái hữu (5.7.1922) trước cử tọa người Pháp về thơ nước Nam, Phạm Quỳnh đã dành nửa bài để nói về giá trị của Kiều và tác dụng của nó đối với tiếng nói dân tộc Việt Nam. Ông nói: “Nhà thơ Nguyễn Du của chúng tôi đã làm được cái điều là phục hồi lại ngôn ngữ nước Nam, và đã nâng nó lên địa vị một ngôn ngữ văn học đích thực.” (6)

Cả bài nói chuyện này ông chủ đích đề cao tiếng nói dân tộc, đòi cho nó được quyền sống trước âm mưu của những thế lực thực dân muốn triệt tiêu tiếng Nam để dành địa vị cho tiếng Pháp. Ông khẳng định quyết liệt: “Nếu một dân tộc sống bằng ngôn ngữ của mình thì chúng tôi quyết sống, tức là quyết bảo vệ sự vẹn toàn, quyết làm giàu thêm trong chừng mực có thể cái ngôn ngữ dân tộc của chúng tôi” (7). Chính từ chủ trương đó ta mới hiểu cái câu nổi tiếng ông thốt ra trong bài diễn thuyết kỷ niệm “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.

Cần phải đặt câu nói đó và cả bài diễn thuyết 1924 vào hệ thống cùng một bài khác Phạm Quỳnh viết về Truyện Kiều đăng Nam Phong số 30 năm 1919 thì mới hiểu đầy đủ, chính xác hơn. Trong bài này, ở mục hai - Lịch sử tác giả, Phạm Quỳnh đề cao Nguyễn Du đáng lưu danh thiên cổ vì đã lưu lại cho quốc văn một tác phẩm bất hủ; từ đó ông khuyên nên đổi lại lý tưởng xưa mà đặt lập ngôn lên trước lập đức, lập công.

Ông viết: “Lập ngôn chẳng là đem cuộc sinh tồn hữu hạn của một đời người mà đổ lộn vào cuộc sinh tồn vô hạn của một nòi giống, khiến cho mình nhờ nòi giống mà lưu danh mãi mãi, nòi giống cũng nhờ mình mà sống được vô cùng dư? Bao giờ trên bán đảo Đông Dương này còn có người An Nam ở, người An Nam còn biết nói tiếng An Nam, thì Truyện Kiều còn có người đọc, Truyện Kiều còn có người đọc thời cái hồn cụ Tiên Điền còn phảng phất mãi trong dòng máu đất Việt Nam không bao giờ mất được. Ôi! Linh hồn bất diệt, linh hồn bất diệt là nghĩa thế nào? <...>.

Thiết nghĩ đối với nhà thơ, nhà văn thời linh hồn bất diệt tức là cái công trước tác của mình; nếu công ấy đáng giá thời linh hồn mình tất cùng với núi sông, cùng với nòi giống lưu truyền mãi mãi, tưởng cũng có thể gọi là bất diệt được, vì người ta ai cũng là kết quả của một giống, giống mình còn mình cũng còn, mình với giống mình là một, còn kế trường sinh nào hơn nữa?...”. Có thể nghĩ ở đây có một dụng ý chính trị nào đấy, nhưng nội dung điều nói trên đâu có sai.

Kết thúc bài Phạm Quỳnh viết: “Những văn sĩ có tài xưa nay kết cấu ra một truyện gì cũng là tự diễn tâm sự một mình mà thôi, nhưng tâm sự ấy thiết tha thâm trầm, diễn ra được tức là diễn được cái nỗi lòng u âm sầu khổ của cả mọi người biết thương, biết nghĩ ở đời vậy. Cho nên người ta còn có cảm tình, có tư tưởng, thời đọc Truyện Kiều còn cảm động mãi, và tiếng An Nam còn có người nói, người học thời những lời ăn tiếng nói của cô Kiều còn phảng phất bên tai người nước Nam mãi mãi vậy” (8).

Trong bài đó, bằng phép phê bình khảo cứu của văn học phương tây, Phạm Quỳnh đã tìm tòi, phát hiện được một số điểm đáng chú ý cả về nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều chứ không phải “kỳ thực chỉ tán suông nhiều hơn là đi vào phân tích cụ thể” như nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung đã từng nói (“Trường hợp Phạm Quỳnh”, Nhà Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn 1975, trước thời điểm kết thúc chế độ Việt Nam Cộng hòa). Phạm Quỳnh cũng đã đưa ra đánh giá của mình về nàng Kiều.

Ông cho rằng "Thúy Kiều có cái đức nghiêm của người phụ nữ mà lại có cái vẻ phong tình của khách phong lưu, đức hạnh đủ khiến kính, tài tình đủ khiến yêu, giá trị đủ khiến quý, thân thể đủ khiến thương, vì cảnh ngộ mà nặng kiếp đào hoa, trọng tình ý vẫn người tiết nghĩa; ở nơi ô nhục mà vẫn giữ được tiết hạnh thanh cao, gặp gian nan mà không hề đắm đuối, Kiều nương thật là gồm được bấy nhiêu tư cách nên ai cũng phải kính, phải thương, phải yêu, phải trọng".

Bài viết về Truyện Kiều năm 1919 của Phạm Quỳnh là một bài nghiên cứu mà ông “phải dùng phép phê bình khảo cứu của văn học Thái Tây mới mong phát biểu được cái đặc sắc, bày tỏ được cái giá trị của một nền tuyệt tác trong quốc văn An Nam ta”. Và quả ông đã tìm tòi, phát hiện được một số điểm đáng chú ý về cả nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều chứ không phải “kỳ thực cũng chỉ tán suông nhiều hơn là đi vào phân tích cụ thể” như một nhà nghiên cứu đã từng nói (9). Một điều lý thú là chúng tôi tìm thấy có nhiều chỗ tương đồng ý tưởng giữa bài này của Phạm Quỳnh (1919) và bài “Nguyễn Du, một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn” của Hoài Thanh (1965). Xin dẫn ra làm thí dụ.

Phạm Quỳnh: “Xét trong Truyện Kiều lời văn rất luyện mà ý tứ rất sâu, lời văn luyện cho đến nỗi tưởng không ai có tài nào đặt hơn được nữa, và trong một câu không thể nào dịch đi một chữ, đổi lại một tiếng, giọng hồn nhiên như trong ống thiên lại mà ra” (10). Hoài Thanh: “Người đọc xưa nay vẫn xem Truyện Kiều như một hòn ngọc quý cơ hồ không thể thay đổi, thêm bớt tý gì, như một tiếng đàn lạ gần như không một lần nào lỡ nhịp ngang cung” (11).

Phạm Quỳnh: “Cái ngụ ý trong Truyện Kiều ấy tức là tiếng đàn của cô Kiều, tiếng não nùng ai oán, suốt truyện không đâu là không như văng vẳng nghe thấy bên tai...” (Sđd, tr.130). Hoài Thanh: “Dựng lên một con người, một cuộc đời như vậy là một cách Nguyễn Du phát biểu ý kiến của mình trước những vấn đề của thời đại. Lời phát biểu ấy trước hết là một tiếng kêu thương. Một tiếng kêu não nùng đau đớn, suốt trong quyển truyện không lúc nào không văng vẳng bên tai” (Sđd, tr.149).

Phạm Quỳnh còn thêm nhận xét: “Vẽ người đến thế là đã khéo lắm, nhưng đó là cái lối vẽ chính thức, còn lối vẽ phá bút, chỉ một vài câu, dăm ba chữ mà hình dung được cả nhân cách một người, như đánh dấu đến thiên cổ không bao giờ sai được... Mã Giám Sinh rõ ra anh lái buôn người làm ra mặt văn nhân đi kén vợ, Tú Bà thật là mụ mẹ giầu đáo để tai ác, Sở Khanh là thằng sỏ lá làm mặt hào hiệp”;  (Sđd, tr.136). Hoài Thanh: “Đối với bọn nhà chứa, ngòi bút Nguyễn Du không tò mò, Nguyễn Du ngại bới ra những gì quá dơ dáy, Nguyễn Du chỉ ghi vội vài nét. Nhưng chỉ vài nét cũng đủ khiến cả cái xã hội ghê tởm đó sống nhô nhúc dưới ngòi bút Nguyễn Du... Hơn nữa, Nguyễn Du đã thấu tận trong ruột chúng nó. Nếu không, không thể nào tóm đúng được thần thái gian tà của chúng như vậy” (Sđd, tr. 160-161).

Tranh Thúy Kiều của họa sĩ Lê Văn Đệ (1906 - 1966), thủ khoa khóa I Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1930). Ảnh: TL

Phạm Quỳnh: “Chỗ nào lời văn cũng là in với nghĩa truyện, ý tứ hợp với cảnh người, lời nào ý nào cũng thích với nhân tình thế cố, khiến cho nhiều câu trong Truyện Kiều đã thành những lời cách ngôn thiên cổ, dẫu người bình thường cũng biết dùng trong khi nói chuyện như dùng tục ngữ phương ngôn vậy”. (Sđd, tr.129). Hoài Thanh: “Cuộc đời diễn ra muôn màu, muôn vẻ... nhưng dưới ngòi bút Nguyễn Du thì đều dựng lên như thật, khiến bao nhiêu người xưa nay đọc Truyện Kiều, nghe Truyện Kiều, mỗi người trong những hoàn cảnh khác nhau mà không mấy khi không tìm được một ít câu nói đúng những điều mình muốn nói” (Sđd, tr.163).

Phạm Quỳnh: “Nói tóm lại thời trong Truyện Kiều thật là có đủ các lối văn chương, mà lối nào cũng tới cực điểm, mỗi lối một vẻ, mà lối nào cũng là “mười phân vẹn mười” vậy” (Sđd, tr.141). Hoài Thanh: “Chúng ta có thể nói rất nhiều về các loại văn trong Truyện Kiều, văn kể chuyện, văn gợi cảnh, dựng người, văn tự tình và cả văn kịch, văn đối thoại” (Sđd, tr.164).

Và cuối cùng, ngôn ngữ của Truyện Kiều, cái điểm Phạm Quỳnh bị công kích mạnh nhất, người trước người sau vẫn gặp gỡ tương đồng.

Phạm Quỳnh: “Lạ thay, tiếng An Nam ta nhiều người chê là nghèo nàn non nớt, thế mà Truyện Kiều thời rõ ra một áng văn chương lão luyện, tưởng có thể sánh với những hạng kiệt tác trong các văn chương khác mà không thẹn vậy. Đủ biết rằng tiếng ta cũng đủ phong phú, nếu khéo luyện tập cũng làm nên văn chương hay, chẳng kém gì tiếng nước khác, chứ không phải như nhiều người tưởng lầm là một thứ tiếng bán khai, đành lòng bỏ đi để đem công mà học văn chương nước khác. Lại lạ nữa là trước Truyện Kiều không có văn nôm gì hay bằng văn Kiều mà sau Truyện Kiều cũng không có văn nào hay bằng văn Kiều, đủ biết người nước ta xưa nay vẫn khinh thường văn quốc âm không chịu tập, bỏ phí mất cái lợi khí thiên nhiên của Tạo Vật đã phú dữ cho người mình để mở mang cho giống nòi được tiến hóa” (Sđd, tr.142). Hoài Thanh: “Nhưng chỉ xin nói vắn tắt một điều là về lời, về chữ thì chưa có một nhà văn, nhà thơ nào khác sánh kịp Nguyễn Du trong lịch sử văn học Việt Nam. Không ở đâu, tiếng nói Việt Nam lại dồi dào mà chính xác, tinh vi, trong trẻo, truyền đúng cái thần của sự vật và sự việc như ở đây” (Sđd, tr.164).

Rõ ràng, Phạm Quỳnh có một lòng yêu tiếng Việt và do đó ông yêu quý và đề cao Truyện Kiều. Theo chủ nghĩa quốc gia về văn hóa của mình, Phạm Quỳnh đã vận động để tiếng Việt và văn chương Hán Việt được giảng dạy trong nhà trường Pháp Việt. Trước những đòi hỏi kiên trì của ông và những biến động thời cuộc, tháng 7.1924 chính quyền Pháp đã đổi Trường Pháp luật và Hành chính Đông Dương thành Trường Cao đẳng Đông Dương trong đó có Khoa Ngữ học và Văn học Hán - Nôm mà Phạm Quỳnh được mời giảng dạy. Tại buổi giảng mở đầu sự ra đời Khoa này (ngày 25.10.1924, tức là hơn một tháng sau cuộc lễ kỷ niệm Nguyễn Du), Phạm Quỳnh đã một lần nữa khẳng định: “Tôi sẵn có thiên hướng đặc biệt đối với các nghiên cứu Hán-Nôm và có một tình yêu sâu nặng đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta.” (12)

Sự phê phán và biện minh cho câu nói

Như đã nói, bài diễn thuyết bằng quốc văn về Truyện Kiều trong có câu “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” của Phạm Quỳnh đã gây ra một cuộc bút chiến gay gắt, dữ dội ngay trong năm 1924. Cuộc chiến dấy lên bắt đầu từ bài viết của nhà nho Ngô Đức Kế, sau đó Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng lên tiếng. Ông Ngô, ông Huỳnh cho là ông Phạm mượn Kiều để làm chính trị theo đường lối hại dân hại nước nên đã mạt sát Truyện Kiều và nàng Kiều một cách thậm tệ, vô tình xúc phạm đến cả cụ Nguyễn Du. Ông Phan đứng giữa làm quan ngự sử văn đàn, phê ông Phạm có thái độ “học phiệt”, nhưng cũng không tán thành thái độ của ông Ngô, ông Huỳnh mạt sát áng văn chương tuyệt tác của dân tộc. Sau mấy bài viết qua lại, cuộc chiến ngưng không có hồi kết.

Vào đầu những năm 1960 trên tập san Nghiên Cứu Văn Học của Viện Văn Học một số nhà nghiên cứu đã quay lại tìm hiểu thực chất cuộc tranh luận về Kiều này, cũng tức là trở lại việc đánh giá Phạm Quỳnh trên lịch sử văn học. Vấn đề được xới lên từ một nhận định của các tác giả nhóm Lê Quý Đôn trong sách Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập III, xuất bản năm 1957, như sau: “Cuộc tranh luận chung quanh Truyện Kiều là một sự kiện quan trọng trong lịch sử phê bình nước ta. Phe chống Kiều gồm có các nhà ái quốc Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, và một số nhà nho bảo thủ. Họ nhận xét Truyện Kiều như là nhận xét một quyển sách luân lý. Tuy vậy họ đã nắm chắc chân lý khi họ vạch dã tâm của bọn cầm đầu phong trào sùng bái Kiều và tác hại của một phong trào như thế đối với thanh niên.

Phe tán dương Kiều đông hơn, do Phạm Quỳnh cầm đầu thì nặng về tầm chương trích cú. Do thái độ đối với cuộc sống mới hơn, nghĩa là khoan dung rộng rãi đối với cá nhân hơn, do thông cảm với yêu cầu tình cảm của con người, họ tán thành nội dung Truyện Kiều từ đầu chí cuối nhưng tán thành theo cảm tính chứ không có lý luận gì. Và họ để công sức vào sự tìm hiểu kỹ thuật. Về phương diện này, họ đã phát giác được nhiều điều đáng kể” (tr. 199, chỗ nhấn mạnh của tôi - PXN).

Nhận định này tuy vẫn thắt buộc ở phần đầu theo quan niệm chính trị của một thời, nhưng ở phần sau có “mở” hơn một chút khi nói về cách nhìn nhận Truyện Kiều của Phạm Quỳnh. Tuy nhiên ngay một chút “mở” dè dặt đó cũng không được chấp nhận. Từ nhận định của nhóm Lê Quý Đôn, một cuộc tranh luận về cuộc tranh luận Truyện Kiều giữa Phạm Quỳnh và các nhà nho lại diễn ra với âm điệu chung là phản bác nhận định của nhóm Lê Quý Đôn và luận tội cho Phạm Quỳnh. Tham gia cuộc này có các nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chú, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Văn Hoàn và một số người khác.

Năm 1975, trước thời điểm chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, giáo sư Nguyễn Văn Trung có cho xuất bản ở Sài Gòn cuốn sách Trường hợp Phạm Quỳnh. Trước đó ông đã có cuốn Chủ đích Nam Phong. Cả hai cuốn sách đều được tác giả viết ra theo tinh thần giải thực tinh thần (décolonisation mentale), sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (1.1973). Cái nhìn của Nguyễn Văn Trung đối với quan điểm về Kiều của Phạm Quỳnh thể hiện trong hai chuyên khảo cũng gần với ý kiến của các nhà nghiên cứu trao đổi trên tập san Nghiên Cứu Văn Học.

Ông viết: “Phạm Quỳnh nhằm những chủ đích chính trị thâm độc do các học giả thực dân mớm cho khi giới thiệu đề cao quốc ngữ, văn chương Việt Nam. Như chúng tôi đã trình bày trong chương hai tập Chủ đích Nam Phong, Phạm Quỳnh chủ trương một thứ “chủ nghĩa quốc gia về ngôn ngữ”. Đó là quan điểm coi việc bảo vệ duy trì được tiếng nói của dân tộc qua những tuyệt tác văn chương như một đường lối yêu nước, cứu nước thích hợp hơn cả. Chủ trương trên lừa bịp ở chỗ đáng lẽ chỉ có thể coi văn chương như phương tiện khêu gợi ý thức dân tộc đưa đến hành động tranh đấu thực sự để cứu nước thì lại coi chỉ yêu văn chương tiếng nói là đủ, khỏi phải hành động tranh đấu gì cả vì Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn, thì nước ta còn” (13).

Rốt cục cả cuộc tranh luận ngoài Bắc đầu thập niên 1960 lẫn hai cuốn sách trong Nam giữa thập niên 1970 chỉ lại thêm một lần đánh mạnh vào Phạm Quỳnh trong câu chuyện về Truyện Kiều.

Trong khi các nhà nho, các nhà nghiên cứu mác xít phê phán nặng nề Phạm Quỳnh về một bài diễn thuyết, một câu nói về Truyện Kiều thì lại có những tiếng nói khác đồng tình, khẳng định ý kiến của học giả họ Phạm.

Trong suốt gần 100 năm kể từ khi Phạm Quỳnh thốt lên câu nói nổi tiếng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, bên cạnh những lời phê phán, chỉ trích nặng nề, vẫn còn những những tiếng nói khác đồng tình với ông và khẳng định giá trị câu nói của ông.

Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ sau khi khảo cứu công phu cuộc bút chiến năm 1924 đã kết luận: “Công bình mà nói, bọn ông Quỳnh, ông Vĩnh hồi đó đem Truyện Kiều phiên dịch, bình luận, tán dương (ngay ở cả bên Pháp nữa), chẳng phải là để làm tay sai cho Pháp, để truyền bá văn chương dâm ô. Họ chỉ thật tình và ngay tình nắm lấy một khí giới văn hóa để có thể nói chuyện với Pháp, hoặc ít nhất vin lấy một giá trị để tự an ủi mình”. (14)

Cụ Vương Hồng Sển, một học giả miền Nam đã hiểu đúng ý Phạm Quỳnh. Khi được hỏi về câu: “Truyện kiều còn tiếng ta còn...”, cụ đáp: “Câu này chỉ có nghĩa là tiếng nói của mình chải chuốt hay ho được như Kiều thì đạt tới trình độ tương đối rồi và tiếng của ta mà mất, để các tiếng ngoại quốc xâm nhập tức là tới lúc nước mất. “Tiếng nói là chìa khóa mở bất kỳ cánh cửa nào” (15) (nhấn mạnh của cụ Vương Hồng Sển). Ý kiến cụ Vương vẫn còn tính thời sự hiện nay, lúc này, khi ta đang bàn về tiếng Việt trong Truyện Kiều giữa lúc tiếng ta đang bị xâm lấn dữ dội bởi các thứ tiếng ngoại lai.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh khi kết lại bài tiểu luận “Một thời đại trong thi ca” ở đầu cuốn “Thi nhân Việt Nam” (1942) nói về bi kịch mất lòng tin của một thế hệ văn chương giữa thời loạn Á - Âu đã tìm thấy ở câu nói của Phạm Quỳnh một điểm tựa để vững lòng. Ông viết:

Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỷ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, cũng muốn mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng.

Nhưng do đó trong thất vọng sẽ nẩy mầm hy vọng.

Chưa bao giờ như bây giờ họ hiểu câu nói can đảm của ông chủ báo Nam Phong (Phạm Quỳnh): “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.

Chưa bao giờ như bây giờ họ cảm thấy tinh thần nòi giống cũng như các thể thơ xưa chỉ biến thiên cứ không sao tiêu diệt.

Chưa bao giờ như bây giờ họ thấy cần phải tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ bảo đảm cho ngày mai” (16) (in nghiêng của tôi - PXN).

Những lời này của Hoài Thanh viết ra mười bảy năm sau câu nói phát ra của Phạm Quỳnh đã đủ chứng thực cho giá trị câu nói đó và tấm lòng của người nói ra câu đó. Câu nói đã được khắc tại mộ Phạm Quỳnh ở Huế: Truyện kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn.

Phạm Xuân Nguyên - Nhà nghiên cứu văn học, Hội Kiều học Việt Nam.

Hà Nội 7.2020

Nguồn: Người đô thịngày 06.9.2020.

________________

(1) Phạm Quỳnh, “Bài diễn thuyết bằng quốc văn”, Nam Phong, số 86 (8.1924). Dẫn theo: Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam, tập 1, Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), Nxb Văn Học, 1997, tr. 270-277.

(2) Dẫn theo: Phạm Thế Ngũ. Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III, Văn học hiện đại (1862 - 1945), Quốc học Tùng thư xuất bản, Sài Gòn, tr. 153.

(3) Bài viết đầu tiên của Phạm Quỳnh đăng Nam Phong cuối năm 1919. Ở bài đó ông vận dụng phương pháp phê bình văn học của Thái Tây để phân tích Truyện Kiều về cốt truyện, nhân vật, tâm lý và nghệ thuật. Từ đó Nam Phong tiếp tục đăng bài về Kiều của nhiều học giả mới cũ như Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Trọng Thuật, Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Triệu Luật… Đến số 75 (1923) Nam Phong lại có mục “Bàn góp về Truyện Kiều”.

(4) Phạm Quỳnh. Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932, Nxb Tri Thức & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2007, tr. 406.

(5) Dẫn theo: Phạm Thế Ngũ, sđd, tr. 144.

(6) Phạm Quỳnh. Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932, Sđd, tr. 57.

(7) Phạm Quỳnh. Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932, Sđd, tr. 61.

(8) Những chỗ nhấn mạnh là của tôi - P.X.N.

(9) Nguyễn Văn Hoàn. “Sơ kết cuộc trao đổi ý kiến về vấn đề tranh luận “Truyện Kiều” năm 1924”, Tạp chí “Nghiên Cứu Văn Học”, số 6/1962.

(10) Phạm Quỳnh. Thượng Chi văn tập, tập III, Éditions Alexandre de Rhodes Hanoi, tr. 128.

(11) Hoài Thanh, "Nguyễn Du một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn". Dẫn theo: Kỷ niệm hai trăm năm sinh Nguyễn Du, Sđd, tr. 141-168. Các trích dẫn Hoài Thanh đều lấy theo nguồn này.

(12) Phạm Quỳnh. Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932, Sđd, tr. 490.

(13) Nguyễn Văn Trung. Trường hợp Phạm Quỳnh. Tủ sách tìm về dân tộc, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn 1975, tr. 125.

(14) Phạm Thế Ngũ. Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III, Văn học hiện đại (1862 – 1945), Sđd, tr. 159.

(15) Dẫn theo: Nguyễn Văn Trung. Trường hợp Phạm Quỳnh. Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn 1975, tr. 70.

(16) Hoài Thành - Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn Học, 1992, tr. 52.

20210215

Thầy giáo N. K. Ghei và học trò năm 1990

Những bông tuyết đầu mùa rơi nhẹ trên sân bay Sheremetievo-2 ngày đầu tiên tôi đến Moskva. Từ sân bay về trung tâm thành phố, tuyết vẫn bay lửng lơ trên bầu trời ban mai mù xám, bám vào cửa kính xe buýt và những mái nhà trầm lặng hai bên đường trước khi tan chảy.

Sau một ngày tạm trú ở trạm đón tiếp, chúng tôi được chuyển về ký túc xá của Viện Hàn lâm, thường được gọi là Đôm 5 (nhà số 5), ở góc ngã tư đường D. Ulianov và N. Vavilov. Kéo cánh cổng nặng nề để vào bên trong tòa nhà, tôi biết mình sẽ “tu” ở đây suốt 4 năm ròng. Đó là một tòa nhà 7 tầng, có cấu trúc chữ L nhìn ra hai mặt đường của ngã tư; thang máy, phòng ốc đều cũ kỹ nhưng ấm áp nhờ hai lớp cửa kính, lò sưởi và hệ thống nước nóng cung cấp thường xuyên. So với ký túc xá ở nhiều nơi khác, nơi đây thật tiện lợi: có hội trường, thư viện, phòng chơi bóng bàn, mỗi tầng đều có nhà bếp; nhà ăn ở tầng trệt mở cửa từ sáng đến tối với giá cả rất mềm; trạm xe buýt, xe điện và sạp báo ngay trước cổng; bên kia đường là hiệu sách Akademkniga; đi bộ một đoạn ngắn gặp cửa hàng thực phẩm và tạp hóa, đi thêm một trạm xe là bách hóa tổng hợp Moskva cung cấp khá đủ các mặt hàng thiết yếu dù lúc đó nước Nga bước vào thời kỳ đình trệ về kinh tế.

Sau này, khi kinh tế mở cửa, người Việt ở Nga bung ra kinh doanh, Đôm 5 bị ít nhiều sự cố, còn thời tôi ở mọi sinh hoạt đều tương đối ổn định, ai làm việc nấy, không va chạm gì nhau. Ban quản lý và các bạn nghiên cứu sinh đến từ các nước cộng hòa đối xử với chúng tôi ân cần và tử tế. Thời gian đầu tôi ở với Nariman đến từ Baku, nhờ anh mà tôi cải thiện được vốn tiếng Nga của mình. Do quan hệ của hai cơ quan nghiên cứu, số người đi học ở đây chủ yếu từ các viện của Hà Nội, nhóm nghiên cứu sinh đi từ miền Nam sống chan hòa với các đồng môn cùng thế hệ ở miền Bắc, hầu như chưa bao giờ xung đột về quan niệm hay lối sống và vẫn còn giữ liên lạc thân tình cho đến bây giờ. Xuất thân từ ngành Văn, những người đến nghiên cứu hay thực tập cùng thời ở Viện Hàn lâm sau này đều chuyên tâm và có nhiều đóng góp cho nghề nghiệp: Nguyễn Thị Huế, Trần Nho Thìn, Trần Ngọc Vương, Trịnh Khắc Mạnh, Vũ Thanh (văn học dân gian và cổ điển); Phan Trọng Thưởng, Vũ Tuấn Anh, Trần Đăng Suyền, Nguyễn Bích Thu, Tôn Thảo Miên (lý luận và văn học hiện đại); Lê Sơn và Lê Tây (văn học nước ngoài); Mai Văn Hai, Mai Quỳnh Nam, Vũ Phạm Nguyên Thanh (xã hội học)… Thành ra, đây như là một “viện nghiên cứu” thu nhỏ: trong thời chưa có internet và điện thoại di động, không dễ liên lạc thường xuyên với thầy giáo hướng dẫn, đang viết mà cần kiểm tra kiến thức gì thì chỉ cần gõ cửa phòng chuyên gia sẽ được giải đáp. Những đổi mới về đời sống xã hội ở nhà, nhất là sinh hoạt văn hóa văn học, đều được Đôm 5 cập nhật thông tin nhanh nhất. Do sự dễ dãi của nội quy ở đây so với những nơi khác mà Đôm 5 cũng là nơi gặp gỡ họp mặt của các bậc thầy, bậc đàn anh và văn nghệ sĩ từ trong nước sang tham quan hay công tác ở Moskva.

Tôi đã sống qua 4 mùa đông trên nước Nga. Những bông tuyết thơ mộng ngày đầu rồi sẽ thành những tảng băng dày trên lối đi làm trượt bước chân, những cơn gió tuyết quất vào mặt ở trạm chờ xe buýt. Mũ lông, áo bành tô, giày da được trang bị kỹ đến mức nào cũng không ngăn nổi cái rét thấm vào da thịt những người phương Nam chỉ quen nắng ấm. Cùng với đó là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương không lúc nào nguôi. Có lúc tôi đã tự trách mình, sao lại nông nổi chọn chuyến đi dài ngày này, vì một chút danh vọng hão huyền, để mẹ già và vợ con ở nhà thời đất nước khó khăn. Nhiều khi đi giữa đường phố Moskva mà lòng quặn thắt nhớ câu hát trong bài Thuyền viễn xứ (thơ Huyền Chi, nhạc Phạm Duy): Chiều nay gửi tới quê xưa/ Biết là bao thương nhớ cho vừa/ Trời cao chìm rơi xuống đời/ Biết là bao sầu trên xứ người.

Để nguôi nỗi nhớ quê, mỗi năm đến Tết âm lịch, khi Việt Nam đón giao thừa thì cùng lúc ấy, 8 giờ tối Moskva, đơn vị nghiên cứu sinh, thực tập sinh chúng tôi tổ chức một bữa liên hoan hoành tráng ở nhà ăn Đôm 5 mừng năm mới. Chúng tôi vào rừng tìm những cành cây khô, gắn giấy màu thành những nụ hoa đào. Khách mời là các thầy cô giáo và một số bạn bè ở Viện Hàn lâm và trong ký túc xá. Bánh chưng, dưa hành củ kiệu, thịt kho, súp gà nấu măng khô, rượu sâm banh, những bài hát Nga – Việt và vài phong pháo lẻ gợi nhớ không khí quê nhà, giúp quên đi nỗi buồn xa xứ.

Nước Nga cưu mang nhiều người Việt, nhưng thú thật một số người mình cũng làm phiền dân sở tại không ít. Thật may mắn, cho đến ngày rời xứ sở bạch dương, bản thân tôi chưa gặp phải một biểu hiện kỳ thị nào. Ngày đầu nhập học, bước qua khoảng sân đầy tuyết của Viện Văn học thế giới, thường gọi tắt là IMLI, có tượng ông M. Gorky vai phủ tuyết nghiêng đầu nhìn xuống nhân gian, tôi được dành một chỗ ngồi trong căn phòng nhỏ, nơi những tên tuổi trước chỉ nghe danh, nay mới gặp mặt – những nhà nghiên cứu uy tín trong nghề: N. Ghei, Yu. Borev, G. Belaya, V. Kozhinov, S. Botcharov… Trừ dịp về phép, suốt 4 năm, tôi không bỏ một buổi sinh hoạt khoa học thứ ba hàng tuần nào. Mỗi lần họp như thế là một cuộc thảo luận sôi nổi, có khi dẫn đến tranh luận, nhưng đều mở rộng tầm nhìn trong nghề nghiệp mà tôi theo đuổi. Có những hôm họp xong, thầy trưởng ban A. Mikhailov mời mọi người qua tầng hầm trụ sở Hội Nhà văn Liên Xô uống cà phê tiếp tục câu chuyện văn chương.

Thầy giáo N. K. Ghei nay 98 tuổi

Thầy giáo hướng dẫn tôi là giáo sư Nikolai Konstantinovitch Ghei, từng tham gia chiến tranh vệ quốc, sau làm việc ở Viện, đồng thời dạy ở Trường Đại học quốc gia Moskva, đã qua Việt Nam và vào thăm TP. Hồ Chí Minh. Thầy bảo thầy có ấn tượng sâu sắc với văn hóa Việt Nam khi đi thăm các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nước ta. Thầy thường nhắc tôi nên liên hệ những vấn đề lý thuyết hiện đại với văn học dân gian và cổ điển Việt Nam và chê tôi viết luận án theo văn phong phê bình hơn là văn phong nghiên cứu vốn đòi hỏi sự điềm tĩnh, chân phương. Mỗi lần được thầy thông qua một chương luận án, tôi lại tự thưởng cho mình một buổi chiều lang thang trên phố Arbat gần Viện, với một ly kvac kèm thịt nướng sau khi dạo xem các cửa hàng đồ cổ và sách cũ hai bên con đường lát đá như còn in dấu chân của các nhân vật trong tiểu thuyết Những đứa con phố Arbat của A. Rybakov.

Tác giả Huỳnh Như Phương trên phố Arbat năm 1990

Hàng năm, vào cuối tháng tư, tuyết bắt đầu tan, trên các ngả đường thành phố người ta trồng hoa mới trong các bồn hoa, dọc các vỉa hè. Trong rừng Nga cây đâm chồi và xanh lên từng ngày, vạn vật như sống lại trong màu áo mới. Anh Trần Nho Thìn và tôi cặm cụi trong phòng đọc của Viện Thông tin Khoa học xã hội, nơi mượn sách nhanh và có chỗ ngồi thuận tiện hơn Thư viện Quốc gia. Bên ngoài, gần quảng trường J. Tito, là vườn hoa rực rỡ trong nắng xuân. Lo viết luận án không kịp, chúng tôi ngắm hoa qua cửa kính và chỉ rời trang sách trong giờ ăn trưa.

Sang hè, tôi kịp nộp luận án và làm thủ tục đúng hạn để chờ bảo vệ. Phòng quản lý nghiên cứu sinh thưởng cho tôi một phiếu đi nghỉ ở thành phố Sochi bên bờ Biển Đen. Nhưng tôi xin đổi món quà đó để lấy một giấy phép mời vợ và hai con sang thăm nước Nga. Đó là một chuyến đi nhiều kỷ niệm đẹp của gia đình tôi. Sau đó ít lâu, bảo vệ xong, tôi giã từ xứ sở bạch dương cũng vào một ngày tuyết đầu mùa rơi nhẹ nhàng nhưng sân bay thì hỗn loạn, báo hiệu những biến động sắp xảy đến trên đất nước Nga.

Ba mươi năm qua, tôi vẫn giữ liên lạc với những người thầy và bạn Nga ngày ấy. Anh Bùi Mạnh Nhị và tôi có dịp tiếp giáo sư N. Nikulin, nhà Việt Nam học hàng đầu, ở Thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến đi Việt Nam cuối cùng trước khi ông từ trần. Thầy N. Ghei nay đã 97 tuổi, ngoài những chuyên khảo sâu sắc về nghệ thuật ngôn từ, thầy còn công bố một tác phẩm tự truyện mà thầy gọi là “tiểu thuyết – tưởng niệm”, viết về số phận con người qua những biến thiên lịch sử. Bà Inessa Zimonina, người làm luận văn về Chinh phụ ngâm và đã nhiều lần sang thăm Việt Nam, dịch giả tài năng đã chuyển ngữ tác phẩm của Khái Hưng, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Đoàn Giỏi, Thu Bồn… sang tiếng Nga nay đã cùng gia đình định cư ở Tây Âu. Người bạn chung thủy với văn học Việt Nam, anh Anatoly Sokolov, chuyên gia về Phan Bội Châu, vẫn tiếp tục nghiên cứu về giao lưu văn hóa Nga – Việt và có những phát hiện thú vị về những người Nga đầu tiên đến Sài Gòn. Hầu như tháng nào anh cũng gửi email và gọi điện thoại cho tôi. Trong một lá thư gần đây, anh viết: “Tôi vừa nghe tin ở Việt Nam xuất hiện lại một số ca nhiễm coronavirus trong cộng đồng nhưng đã kịp thời kiểm soát được và không phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Thật mừng cho đất nước anh. Ở Nga số ca nhiễm Covid-19 vẫn còn nhiều, nhưng rất may là trước khi mùa đông đến, vaccine đã được sản xuất kịp thời để ưu tiên chủng ngừa cho những người có nguy cơ cao như bác sĩ, y tá, thầy giáo. Tôi đã chuyển ra ngoại thành ở hẳn với mẹ tôi để chăm sóc cho bà, lúc nào cần mới vào thành phố để đến Viện Đông phương học. Tôi vẫn theo dõi thường xuyên sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam và tìm đọc thông tin về sách mới xuất bản. Gần đây tôi có hứng thú đọc truyện trinh thám Việt Nam và dự định sẽ viết một khảo luận về đề tài này…”. Mỗi lần nhận thư Tolia tôi lại thấy nước Nga như gần lại, dù đã 30 năm xa.

Ra Hà Nội, thỉnh thoảng tôi được bạn cũ Đôm 5 mời ăn ở quán Nga để nhớ lại hương vị xalát, xúc xích và súp bắp cải Nga thời đi học. Đến Nha Trang và ngay ở Sài Gòn vẫn có thể tìm thấy những nhà hàng ẩm thực Nga rất ngon. Chỉ có những bông tuyết là không thể nào tìm lại được.

Nhưng những bông tuyết đầu mùa năm ấy vẫn bay hoài trong trí nhớ.

Huỳnh Như Phương
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số Xuân 2021

2020 là năm buồn vui đan xen trong đời tôi.

Buồn là người mẹ thọ 103 tuổi của tôi đã ra đi mãi mãi vào ngày 13 tháng 5. Tình cảm mẹ con suốt 75 năm, sự ra đi của mẹ, lòng đau đớn mãi không vơi. Mỗi khi trở về Bích Sơn, không còn được thấy bóng dáng mẹ hiền, chỉ thấy di ảnh và bài vị của bà, niềm thương cảm trong lòng khó thốt nên lời. Muốn viết chút gì đó để kỷ niệm mẹ, nhưng bất chợt chẳng biết bắt đầu từ đâu, thật thẹn với ơn dưỡng dục 75 năm của mẹ. Nhưng tôi tin đây chỉ là tạm thời, vì mẹ mãi sống trong tim tôi, cho dù không thể viết lại cuộc đời tuyệt vời của bà, nhưng ít nhất có thể kể chút ít về cuộc đời bà. Vì vậy, tôi để đó thai nghén rồi sẽ viết sau, chắc rằng mẹ quá cố sẽ không trách con bất hiếu.

Vui là vì Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập (陳長慶短篇小說集), phiên bản song ngữ Trung - Việt, do Trung tâm dịch vụ liên hợp Kim Mã - Viện Hành chính xuất bản phát hành, và có những buổi ra mắt sách tổ chức tại Bảo tàng Văn học Quốc lập Đài Loan ở Đài Nam (National Museum of Taiwan Literature) ngày 18.7, tại Thư viện Văn học trường Duệ Hữu ở Kim Môn (金門睿友文學館) ngày 25.

Cuốn sách này có bản dịch tiếng Việt, trước hết cần cảm ơn sự kết nối của Giáo sư Trần Ích Nguyên, Viện trưởng Viện khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc lập Kim Môn, đã mời PGS.TS. Lê Quang Trường, Trưởng khoa Văn học của trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM, cùng nhóm dịch giả Phan Thu Vân, Nguyễn Hoàng Yến, Hoàng Thị Thu Thủy, Nguyễn Đông Triều, Hồ Ngọc Minh, chuyển ngữ sáu truyện ngắn. Sau đó, Đại học Quốc lập Kim Môn kết hợp với Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM và Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ của Việt Nam ấn hành.

Tại phiên khai mạc của “Hội thảo quốc tế Giao lưu văn hóa, tư tưởng Việt Nam và Đông Á” do Khoa Văn học trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM chủ trì tổ chức ngày 8 tháng 11 năm 2019, ban tổ chức đã có buổi giới thiệu bản tiếng Việt của Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập. Hội thảo có sự tham dự của gần 200 nhà khoa học, trong đó có các học giả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Tôi nhận được lời mời tham dự nhưng vì lý do cá nhân nên không thể góp mặt, đành phải từ chối. Nhưng Viện trưởng Trần Ích Nguyên đã giúp tôi quay một clip cảm ơn, phát tại hội trường hội thảo. Đại ý là:

Hôm nay lòng tôi phấn chấn vô cùng, vì tác phẩm Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập của tôi đã được giới thiệu tại quý trường. Với tư cách tác giả sách này, đáng lý phải đến góp mặt, đồng thời tỏ lòng cảm kích và cảm ơn quý vị, nhưng vì lý do cá nhân, không thể đích thân có mặt, cảm thấy áy náy vô cùng, những xin quý vị lượng thứ.

Quyển sách này được dịch sang tiếng Việt và xuất bản phát hành ở Việt Nam, trước hết tôi cần phải cảm ơn hai trường đã hợp tác để xuất bản quyển sách này; như vậy, đối với một ông lão chỉ mới học qua một năm trung học cơ sở mà nói, càng thêm ý nghĩa đặc biệt. Cho nên, tôi đặc biệt cảm kích và cảm tạ đối với hai nhà trường và Viện trưởng Trần Ích Nguyên.

Kế nữa, tôi muốn cảm ơn Trưởng khoa Lê Quang Trường của Khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM, nếu không có ông và quý vị dịch giả, dịch từng câu từng chữ trong tác phẩm của tôi sang tiếng Việt, thì quyển sách này vẫn không thể nào hiện diện trước mắt bạn đọc Việt Nam. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất với trái tim nồng ấm đến toàn thể quý vị.”

Dù Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia khác nhau, nhưng trong lịch sử và văn hóa, giữa hai nước lại có rất nhiều điểm tương đồng. Trong tác phẩm của tôi, để làm nổi bật sắc thái địa phương của đảo Kim Môn, tôi thường cài vào một vài phong tục dân tình và tục ngữ bản địa, lại còn có một số từ vựng chuyên dùng trong quân đội, cho nên cũng gây ít nhiều trở ngại cho việc dịch. Nhưng Trưởng khoa Lê Quang Trường và các vị dịch giả đã khắc phục được và chuyển tải được nguyên ý của chúng, khiến tôi khâm phục.

Quyển sách này được xuất bản và phát hành ở Việt Nam, có thể nói là niềm vinh dự lớn nhất trong hơn năm mươi năm sáng tác văn học của tôi. Dù rằng tôi không hiểu tiếng Việt, nhưng trong thâm tâm phấn khởi không sao tả xiết, hy vọng thông qua sự ra mắt của quyển sách này, có thể giúp độc giả và bạn bè Việt Nam, hiểu được đầy đủ hơn văn hóa lịch sử và phong tục dân tình của Kim Môn.

Các truyện ngắn của tôi còn nhận được sự trọng thị của các nhà phê bình văn học ở Việt Nam như Giáo sư Huỳnh Như Phương, Giáo sư Nguyễn Thu Hiền, PGS Trần Lê Hoa Tranh, Nguyễn Đình Minh Khuê, qua các bài viết, khiến tôi cảm thấy rất vinh dự. Tác phẩm của tôi được dịch sang tiếng Việt, được độc giả và học giả Việt Nam đón nhận, trước hết là nhờ Viện trưởng Trần Ích Nguyên. Nếu chẳng có ông nối nhịp cầu, thì quyển sách này chẳng có cơ hội ra mắt ở Việt Nam.

Ngay sau khi bản tiếng Việt được học giả và độc giả Việt Nam đón nhận, Viện trưởng Trần Ích Nguyên nhận ra ở Đài Loan có rất nhiều người Việt Nam sinh sống, gồm mười mấy vạn người kết hôn ở Đài Loan, cùng với tám chín vạn người lao động và du học sinh, tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Việt; rồi con cái của những gốc Việt nhập tịch, cha mẹ chúng đọc được tiếng Việt, thế là viện trưởng lại có ý tưởng xuất bản bản song ngữ Trung - Việt của quyển sách này cho nhóm độc giả này. Ngay khi ông đề xuất ý tưởng này, đã nhận được sự xem trọng của ngài Ông Minh Chí, trưởng chấp hành Trung tâm Dịch vụ liên hợp Kim Mã - Viện hành chính, và sự ủng hộ của Nghị sĩ Phạm Yến Yến. Vậy là nhờ sự vận động của Viện trưởng Trần Ích Nguyên, mấy tháng sau bản song ngữ Trung - Việt của Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập đã được Trung tâm Dịch vụ liên hợp Kim Mã - Viện hành chính xuất bản. Quyển sách dày hơn 400 trang, thật là một kỷ lục cực kỳ đáng quý trong cuộc đời sáng tác hơn 50 năm của tôi.

Kế đó buổi họp báo giới thiệu sách đầu tiên được Bảo tàng Văn học Quốc lập Đài Loan tổ chức, cho dù trước đó Viện trưởng Trần Ích Nguyên có hỏi ý tôi muốn mời những ai tham gia. Nhưng vì mẹ tôi vừa mới qua đời, chữ hiếu mang nặng, thật không tiện ra mặt mời bất cứ một ai đến tham gia, cho nên hết thảy theo ý viện trưởng. Viện trưởng cũng hiểu cho tâm tình của tôi, không chút miễn cưỡng, ông tự lên danh sách rồi đích thân gọi điện khách mời. Có điều nhân viên bảo tàng cho biết vì lý do dịch bệnh, không cho phép tập trung quá tám mươi người; trong khi danh sách khách mời của Viện trưởng cho tôi đã hơn cả trăm, đó là chưa kể trợ lý Trung văn của Đại học Thành Công, rồi đồng nghiệp công tác trong bảo tàng.

Khách mời và bạn bè xuất thân khác nhau, có người ở cơ quan chính phủ, đơn vị học thuật, đoàn thể nhân dân, cho đến thông dịch người Việt, tu nữ, giáo sư, du học sinh, dân gốc Việt nhập tịch và con cái của họ... vân vân. Trong đó, Bảo tàng Văn học Quốc lập Đài Loan ngoài Tô Thạc Bân, Giám đốc đương nhiệm của bảo tàng ra, còn có ba cựu giám đốc bảo tàng là Trịnh Bang Trấn, Lý Thụy Đằng, Trần Ích Nguyên tham dự; nhà văn nổi tiếng, giáo sư thỉnh giảng của Đại học Thành Công là Tô Vĩ Trinh cũng bớt thì giờ đến tham gia; Cố vấn phủ tổng thống, nhà thơ Ngô Thạnh cũng tranh thủ đến; Hoàng Mỹ Nga – Trưởng ban nghiên cứu văn học Đại học Đài Loan, Tôn Quốc Khâm – Chủ nhiệm Sở dịch vụ Đài Bắc huyện Kim Môn, Lã Khôn Hòa – Cựu Cục trưởng Cục văn hóa Kim Môn, Dương Trúc Quân – Tổng biên tập Kim Môn văn nghệ (金門文藝), luật sư Trần Vân..., cũng đi từ Đài Bắc xuống; Hầu Minh Phúc – Hội trưởng, Ngô Xuân Phúc – Chủ tịch Quỹ Văn hóa nghệ thuật Phủ Thành Quan Hưng, Trần Thụy Hoa – Tổng thư ký Hội đồng hương Kim Môn thành phố Đài Nam, cùng với phó tổng thư ký Hà Bách Đình, cũng đến chúc mừng. Không khí buổi họp báo náo nhiệt, sinh động, thật khiến cho tôi đây hồi hộp.

Khi buổi họp báo chưa bắt đầu, Bảo tàng Văn học Đài Loan sắp đặt nghi thức trao tặng văn vật. Tôi không dám nói thứ mình trao tặng là văn vật, vì còn phải trải qua một trình tự nhất định, chờ bảo tàng mời chuyên gia thẩm định rồi mới có thể chính thức đăng ký là Văn vật. Nhưng những thứ này đối với tôi mà nói khá là quan trọng, két sắt của người khác có lẽ thường là vàng bạc châu báu, còn két nhà tôi thì chứa những thứ mà đối với tôi còn quý hơn nhiều.

Phần liên quan đến Văn nghệ Kim Môn

1. Hành chính viện Tân văn cục Xuất bản sự nghiệp Đăng ký chứng (số 0049, bản tháng 9 năm 1962, cục trưởng Tiền Phúc)

2. Kim Môn huyện chính phủ doanh lợi sự nghiệp đăng ký chứng (số 1711, ngày 10 tháng 4 năm 1965, huyện trưởng Đàm Thiệu Bân)

3. Trung Hoa dân quốc tạp chí sự nghiệp hiệp hội hội viên chứng thư (số 0408, ngày 6 tháng 5 năm 1970, chủ tịch Nhậm Trác Tuyên)

4. Kim Môn văn nghệ, kỳ 1 đến kỳ 7, bản lần thứ nhất (kỳ thứ 7 loại hình báo giấy)

5. Kim Môn văn nghệ bản mới, kỳ 1 đến kỳ 4, bản lần thứ nhất (kỳ thứ 4 là loại hình báo giấy)

Phần cá nhân:

1. Chứng nhận tác quyền tác phẩm Gửi người con gái xa quê (số 5939, tháng 11 năm 1962, trưởng bộ Nội chính Lâm Kim Sinh)

2. Công hàm bộ Nội chính (số công văn: 62.11.20, số hiệu 548132, bộ trưởng Lâm Kim Sinh)

3. Gửi người con gái xa quê bản lần thứ nhất (ngày 20 tháng 6 năm 1961, Đài Bắc lâm mạch xuất bản xã xuất bản, người phát hành: Lâm Phật Nghê)

4. Chứng nhận tác quyền tác phẩm Đom đóm (số 6202, tháng 2 năm 1963, Bộ trưởng Nội chính Lâm Kim Sinh)

5. Công hàm Bộ Nội chính (Số công hàm, 63.2.6, số hiệu 562276, Bộ trưởng Lâm Kim Sinh)

6. Đom đóm, bản in lần 1 (ngày 20 tháng 5 năm 1962, Đài Bắc lâm bạch xuất bản xã xuất bản, người phát hành: Lâm Phật Nghê)

7. Bản thảo viết tay tác phẩm Mùa xuân đã mất dày 330 trang

8. Bản in lần thứ nhất tác phẩm Mùa xuân đã mất (tháng 7 năm 1986, Đài Bắc đại triển xuất bản xã xuất bản, người phát hành: Thái Sâm Minh)

9. Bản in lần thứ nhất tác phẩm Mùa xuân đã mất (năm 92, chính quyền huyện Kim Môn xuất bản, người phát hành: Lý Trụ Phong, Đài Bắc liên kinh xuất bản công ty in lại/phát hành)

10. Bản thảo viết tay tác phẩm Thu liên, 184 trang

11. Bản in lần đầu tác phẩm Thu liên (秋蓮) (tháng 10 năm 1987, Đài Bắc đại triển xuất bản xã xuất bản, người phát hành: Thái Sâm Minh)

Việc trao tặng văn vật này xuất phát từ việc nhiều lần nhận được sự động viên của Viện trưởng Trần Ích Nguyên, thêm nữa bản thân tôi cũng có nhận thức như vầy, so với việc đem những thứ này cất vào két sắt, rồi để lại cho con cháu sau này, chi bằng đem trao tặng cho bảo tàng văn học quốc gia để bảo quản, còn có ý nghĩa thực chất hơn. Vì vậy, tôi hoàn toàn không bàn bạc với ai, tự ý gửi hòm văn vật này cho Giám đốc bảo tàng Tô Thạc Bân. Hôm nay nhân buổi họp báo ra mắt bản song ngữ quyển Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập này, nhóm chuyên môn đã chủ ý thực hiện nghi thức trao tặng này, đồng thời Giám đốc bảo tàng đích thân trao cho tôi thư cảm ơn. Sự trọng thị của Bảo tàng văn học Đài Loan đối với văn vật, sự tôn trọng đối với người trao tặng, thật đáng mừng.

Buổi họp báo được Tiến sĩ Triệu Khánh Hoa của Bảo tàng văn học Đài Loan tuyên bố mở màn, sau đó được Viện trưởng Trần Ích Nguyên đích thân chủ trì. Nhờ học thức uyên thâm, nghiên cứu sâu rộng, kinh nghiệm sáng tác, khả năng hùng biện của mình, Viện trưởng đã giúp cho buổi họp báo vốn dĩ khô khan trở nên thoải mái vừa có chiều sâu vừa có chiều rộng, khiến quan khách và bạn bè cảm thấy tự nhiên. Đầu tiên, ngài Ông Minh Chí thay mặt đơn vị xuất bản phát biểu chào mừng, Giám đốc bảo tàng với tư cách chủ nhà cũng phát biểu chào mừng; kế đó là một loạt các quan khách, chức sắc địa phương lên bày tỏ sự động viên khích lệ đối với lão già tôi, cũng như ủng hộ tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài.

Buổi họp báo còn chào đón hiệu trưởng và học sinh vốn là con em của những người gốc Việt nhập tịch Đài Loan, tổng cộng có gần 30 người, càng khiến cho buổi họp báo mang sắc thái Việt Nam. Người chủ trì họp báo còn nói vui: người Việt Nam đến dự còn đông hơn cả người Kim Môn.

Đến lượt tôi phát biểu, tôi không thể dùng những lời hoa lệ để nói hết tấm lòng mình đối với khách quý, nhưng sâu trong tâm muốn cảm ơn rất nhiều: cảm ơn Đại học Quốc lập Kim Môn và Đại học KHXH&NV - ĐHQG-HCM đã xuất bản bản tiếng Việt; cảm ơn Trung tâm Dịch vụ liêm hợp Kim Mã - Viện hành chính đã xuất bản bản song ngữ Trung - Việt; cảm ơn Thư viện văn học quốc lập Đài Loan đã tổ chức cho tôi buổi họp báo giới thiệu sách mới; cảm ơn quan khác và các bạn Việt Nam ở Đài Loan đã đến dự. Cuối cùng, cảm ơn Viện trưởng Trần Ích Nguyên, người đã lao tâm khổ tứ giúp tôi giới thiệu tác phẩm này đến bạn đọc.

Thật tình mà nói, lão già cổ hủ này chỉ là một vô danh tiểu tốt trên văn đàn, đa số khách mời đều xa lạ với tôi, vậy mà buổi họp báo lại có thể long trọng sôi động như vậy, hết thảy đều nhờ họ nể mặt Viện trưởng Trần Ích Nguyên mà đến, tôi đây thực lòng hiểu được. Đặc biệt cảm ơn phu nhân của Viện trưởng, cô Lâm Du Văn, đã đón tiếp nồng hậu chu đáo chúng tôi trong suốt quá trình ở Đài Nam. Thưa cô, vất vả cho cô quá, xin cảm ơn!

Ngày 25, tại quảng trường Kim Môn, Thư viện Văn học Duệ Hữu tổ chức họp báo giới thiệu sách, dù nóng bức lại ở ngoài trời, nhưng khách đến dự đông vượt mong đợi. 130 túi quà tặng đựng Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập bản in lần thứ nhất song ngữ Trung - Việt do Đại học Quốc lập Kim Môn chuẩn bị, cùng quạt giấy in mục lục của quyển sách này, trong nháy mắt đã không còn. Cuộc họp báo lần này vẫn do Viện trưởng Trần Ích Nguyên chủ trì. Khách đến dự có nhiều thành phần khác nhau, trong đó phải kể đến những người Việt Nam tại Đài Loan. Đặc biệt, Đại học Quốc lập Thành Công đã mời cô Trịnh Thùy Trang, nghiên cứu sinh khoa Trung văn đến biểu diễn ca khúc Để gió cuốn đi của Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam.

Dù nhiều người dự họp báo không hiểu tiếng Việt, mới đầu chỉ cảm nhận được giai điệu uyển chuyển du dương, tiếng ca trong trẻo như chim oanh của người hát, nhưng sau khi được Trịnh Thùy Trang dịch lời ca sang tiếng Trung, mọi người mới hiểu thì ra tình cảm của bài hát lại phong phú, lời bài hát lại xúc động đến vậy.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Để làm gì em có biết không?

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông

Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông

Ôi trái tim đang bay theo thời gian...

Tôi cảm động sâu sắc với lời bài hát, nên khi nói lời đáp từ sau buổi họp báo, bất giác tôi buột miệng: “Đời này tôi nguyện làm người kể câu chuyện đắng cay của Kim Môn!” Câu nói này không chỉ là lời hứa với mảnh đất này, mà còn là lời giải thích hay nhất cho tác phẩm của tôi.

Tôi gửi lời cảm ơn đến các báo đài, ngoài Kim Môn nhật báo ra, còn có Trung Quốc thời báo, Trung Hoa nhật báo, Kim Môn tiền phong báo, Việt Nam thanh niên báo. Các trang mạng điện tử như CNA, www.greatnews.com.tw, www.crt.org.tw, www.ccsn0405.com. Đài phát thanh truyền hình Giáo dục Quốc lập cũng đưa tin với tiêu đề Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập nối liền Kim Môn với Việt Nam. Ngoài ra còn nhiều bài viết, lời giới thiệu, đàm luận về quyển sách. Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn tất cả.

Trần Trường Khánh

Hồ Ngọc Minh lược dịch

(Bài viết do tác giả gửi đến Khoa Văn học).

Một số nhà khoa học như Heine, Nietzche và Trompf cho rằng lịch sử cũng giống như giấy dán tường hay một mảnh vải vậy. Chúng luôn có xu hướng lặp lại (Historic Recurrence). Những họa tiết nhìn kỹ thì thay đổi trong khuôn khổ vài phân hay thậm chí vài chục phân, nhưng khi ta lùi một bước ra xa, những motif thật ra lặp đi lặp lại. Chúng ta mắc rất nhiều sai lầm giống nhau, từ các xung đột chiến tranh hay sự sụp đổ của các đế chế, cho đến những thứ nhỏ nhặt hằng ngày như quay trở lại với một món ăn đã từng khiến ta đau bụng, hay thậm chí nghiêm trọng hơn là quay trở lại sống chung với chính người tình đã làm ta đớn đau.

20210211 3

Những câu truyện cổ tích vẫn trường tồn hàng ngàn năm, người thời nào đọc cũng thấy như chuyện của mình được phản ánh trong đó. Ấy là bởi lịch sử luôn có xu hướng lặp lại.Tượng truyện cổ tích khổng lồ tại Disneyland, Pháp.

1. Ta không cảm nhận được quá khứ nhưng sẽ cảm nhận được tương lai

Lý do đầu tiên cho hiện tượng này là việc con người có xu hướng ghẻ lạnh với quá khứ và thiên vị tương lai (future bias). Hãy thử tưởng tượng với một thí nghiệm của Derek Parfit. Bạn tỉnh dậy sau hôn mê trong bệnh viện và bác sĩ thông báo rằng có một nhầm lẫn phần giấy tờ, nhưng bạn rơi vào hai trường hợp: một là bạn đã có một cuộc phẫu thuật dài 4 tiếng hôm qua và hai là bạn sẽ có một cuộc phẫu thuật 1 tiếng ngày mai. 

Hầu hết chúng ta sẽ hy vọng vào tình huống thứ nhất. Cuộc phẫu thuật 4 tiếng hẳn là nghiêm trọng hơn và dễ để lại hậu quả nặng nề hơn cuộc phẫu thuật 1 tiếng. Nhưng ít nhất là nó đã xảy ra. Chúng ta không nhớ đến sự đau đớn của cuộc phẫu thuật 4 tiếng ngày hôm qua. Tương tự, chúng ta thiếu khả năng cảm nhận được trọn vẹn nỗi đau đồng loại từng chịu đựng trong quá khứ. Hướng đến tương lai, dù là một tương lai bao gồm cả di chứng nghiêm trọng của quá khứ, vẫn là một lựa chọn dễ chịu hơn. 

2. Ta không thay đổi được quá khứ nhưng có thể thay đổi tương lai

Lý do thứ nhất về thiên kiến tương lai cũng giải thích tại sao chúng ta có thể bằng sống bằng chết, hy sinh mọi giá, chấp nhận mọi tổn thất để đạt mục tiêu, lặp lại vô vàn những lỗi lầm kinh điển trong quá khứ để trở thành kẻ chiến thắng. Đó chính là lý do thứ hai khiến lịch sử liên tục lặp lại. Tương lai, dù có chắc chắn mang thương tật của quá khứ, cũng là một tương lai mà chúng ta có nhiều quyền năng thay đổi hơn. Nhất là khi đó là một tương lại gần với những lợi nhuận gần có thể vươn tay mà với tới. Đây là lý do thiên nhiên vẫn liên tục bị tàn phá, bất kể sự thật là chúng ta ai cũng đều biết hậu quả của việc làm này, cả trong quá khứ lẫn trong tương lai xa. 

3. Ta thay đổi khi thấy có lỗi thay vì hổ thẹn 

Lý do thứ ba khiến chúng ta liên tục mắc những lỗi lầm từng có trong quá khứ là cách ta cảm nhận vấn đề. Cụ thể hơn, ta cảm thấy hổ thẹn (shame) hay có lỗi (guilt)? Cảm giác có lỗi mang tính ngoại vi, định hướng vào hành động sai lầm chứ không bao trùm lên cả nhân cách. Ví dụ, bạn là người thành thực, khi nói dối, bạn thấy có lỗi. Điều này khiến bạn nhìn nhận vấn đề khách quan hơn, có khả năng sửa lỗi nhiều hơn. 

Ngược lại, sự hổ thẹn không bó gọn trong hành động mà bao trùm lên cả tư cách con người. Rất khó để hổ thẹn với chính mình, bởi đó là cảm giác tội lỗi. Sự hổ thẹn đúng theo định nghĩa là khi ta đặt mình trong mối quan hệ với cộng đồng và sự đánh giá khắt khe của họ lên tư cách của chính mình. Cộng đồng sẽ không dễ dàng phân biệt một hành động có lỗi và một con người hư hỏng. Điều này khiến ta mất đi khả năng chủ động nhìn nhận vấn đề và dễ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Thay đổi một hành động dễ hơn nhiều thay đổi tư cách, bản chất và danh tính của một con người. 

Nghiên cứu của Tangney (2014) cho thấy những tù nhân có cảm giác tội lỗi tái hòa nhập và tái phạm tội ít hơn những tù nhân có cảm giác hổ thẹn. Một nghiên cứu nổi tiếng khác cho thấy những bác sĩ mổ tim mắc lỗi khi phẫu thuật và cảm thấy hổ thẹn không hề khá hơn trong những cuộc phẫu thuật sau, họ tiếp tục mắc lỗi y như cũ. Đó là vì những bác sĩ này không thể tách biệt hành động và nội hàm con người của chính mình. Thay vì tìm hiểu tại sao cuộc phẫu thuật không thành công, họ đi tìm những lý do ngoại biên như bệnh nhân già, hay có tiền sử bệnh nặng. Ngược lại, những bác sĩ quan sát và rút ra bài học từ các lỗi đó có tỉ lệ thành công cao hơn, do họ không có cảm giác hổ thẹn. 


Chúng ta có nhiều quyền năng thay đổi tương lai hơn là quá khứ. Nhất là khi tương lai đó lại gắn liền với những lợi nhuận trước mắt. Đó là lí do ta tiếp tục tàn phá thiên nhiên, dù hiểu những hậu quả trước mắt. 

Điều này cũng đúng với một cộng đồng. Chúng ta sẽ học được những bài học từ quá khứ nếu đi kèm với nó là khả năng tách biệt hành động và bản chất của một dân tộc. Đó là lý do tại sao các phong trào cực hữu, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thượng đẳng khiến ta có thể trở nên mù lòa với quá khứ. Việc tự cho mình bản chất là cao quý hơn kẻ khác, dân tộc mình ưu việt hơn kẻ khác khiến ta mặc nhiên chấp nhận những hành động sai trái đi kèm với danh tính đó (Đức Quốc xã, phát xít Nhật, các phong trào da trắng thượng đẳng whitesupremacy). Sự trỗi dậy của các phong trào cực đoan, bất kể tôn giáo, chính trị, hay văn hóa đều ít nhiều được xây dựng trên nền móng của việc định vị bản chất của chính mình khác biệt, cao quý hơn so với đồng loại. Đương nhiên, đi kèm với nó là việc bôi đen bản chất của cộng đồng khác: người da đen bản chất là bạo lực; người da vàng bản chất là không cởi mở; người latin bản chất là lười biếng;  người theo đạo Hồi bản chất là cực đoan. Điều này cũng đúng với kỳ thị vùng miền trong cùng một dân tộc. Việc người Do Thái bị gán cho bản chất xảo quyệt luôn là lý do xâu xa để cộng đồng này bị kỳ thị qua nhiều giai đoạn của lịch sử.  

Ngược lại, điều này cũng đúng với các nạn nhân, nhất là khi ta tự vận vào mình. Một danh tính cộng đồng, một danh tính văn hóa, thậm chí là một danh tính gia đình đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cách ta suy nghĩ và hành động. Đó là khi một người da màu nghĩ rằng đằng nào thì người da màu cũng sẽ bị phân biệt đối xử, vậy cố gắng đấu tranh để làm gì, và thế là lịch sử lặp lại. Đó là khi một phụ nữ nghĩ rằng, đằng nào thì cũng phải ở nhà chăm con, vậy học để làm gì, và lịch sử lặp lại.

4. Thói quen khiến ta bỏ qua quá khứ

Lý do thứ tư để lịch sử liên tục lặp lại là sự vận hành vô thức của thói quen. Về mặt cá nhân, thói quen khiến ta dù thấy rõ ràng hậu quả của hành vi nhưng không thể hoặc khó có thể dứt bỏ. Từ việc hút thuốc, ăn uống không điều hòa, lười vận động, cho đến cách dạy con bằng quát tháo, cách điều hành công ty bằng đe dọa, hay cách trao đổi với gia đình bằng sự cộc cằn. Biết là sai mà khó sửa. Thói quen vì vậy là kẻ tội đồ của rất nhiều những lỗi lầm mà ta liên tục mắc đi mắc lại, cho đến khi ta tự nhủ rằng, thôi Trời sinh ra thế, hoặc tử vi bảo thế. 

Tương tự, với một cộng đồng, thói quen văn hóa là phương cách tự động xử lý tình huống, kể cả khi phương cách đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, người Nhật thừa biết là việc coi thường phụ nữ tại công sở và gán việc nhà cho phụ nữ khiến họ không thiết tha đi làm và sinh con, đẩy dân số và kinh tế đến bờ vực nguy hiểm. Tuy nhiên, thói quen văn hóa khiến những chính sách về phụ nữ chậm gây tác dụng. Một ví dụ khác, chúng ta lao vào các cuộc chiến tranh khi bị kích động, ăn miếng trả miếng khi bị lừa phỉnh, trả thù khi dân mình bị hại. Ai cũng biết  kết quả của sự leo thang nhưng việc đi ngược lại thói quen tâm lý và văn hóa đòi hỏi ý chí cao độ mà không phải lãnh đạo và cộng đồng nào cũng có được. 

5. Cái tôi và quyền lực khiến ta bỏ qua quá khứ

Cuối cùng, sự khao khát muốn thỏa mãn cái tôi và cám dỗ của quyền lực khiến những bài học trong quá khứ trở nên vô nghĩa. Để bảo vệ cái tôi của chính mình, ta có thể chịu đau đớn, thiệt thòi, thậm chí hy sinh bản thân và gia đình. Đó là khi sự suy xét đúng sai không quan trọng bằng danh dự của chính mình hoặc cộng đồng. Nếu cộng đồng ấy chịu ảnh hưởng của những cá nhân cùng suy nghĩ và khát khao quyền lực, ta sẽ thấy lịch sử lặp lại những motif cả vinh quang lẫn đau thương. Ví dụ rõ nhất là khi người dân Đức cảm thấy danh dự bị tàn phá bởi thua trận sau Thế chiến thứ nhất, và Hitler lên nắm quyền với lời hứa sẽ làm đất nước hùng mạnh trở lại. Kết quả là Thế chiến hai còn thảm khốc và khiến nước Đức thua đau đớn hơn cả Thế chiến thứ nhất. 

Như vậy, với mỗi cá nhân cũng như cộng đồng, việc chúng ta lặp lại những lỗi lầm trong quá khứ có thể giải thích bởi năm lý do trên. Ta thường quên nỗi đau trong quá khứ, và ta thiên vị tương lai vì tương lai có thể đổi thay còn quá khứ coi như đã xong. Ta cũng lặp lại lỗi lầm khi đánh đồng hành động với bản chất. Ta bị ràng buộc bởi thói quen dù biết điều mình làm quá khứ đã chứng minh là sai. Và cuối cùng, danh dự cũng như quyền lực có thể làm lu mờ ý chí và cách nhìn nhận khách quan với quá khứ. 

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chúng ta là những học trò vô vọng. Thế giới chưa bao giờ an toàn như ngày nay, con người ngày càng văn minh hơn, khỏe mạnh và sống lâu hơn. Có lẽ chúng ta đã và đang tiến bộ một cách chậm rãi, đôi khi đi thụt lùi, nhưng về tổng thể, may thay, loài người không hoàn toàn giống như chiếc chăn con công - nhìn gần thì đa dạng, nhìn xa thì chỉ là những con công giống hệt nhau con sau nối chân con trước. 

Chính vì thế, lịch sử và khả năng phán xét phân tích lịch sử khiến chuyên ngành này xứng đáng có một chỗ đứng quan trọng hơn nhiều trong cuộc sống hiện đại của loài người. □

Nguyễn Phương Mai

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 04.02.2021.
------
Tác giả là PGS.TS. Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan 
Tài liệu tham khảo
Parfit, Derek. (1984). Reasons and Persons. Oxford: Oxford University Press.
Tangney, J. P., Stuewig, J., & Martinez, A. G. (2014). Two faces of shame: The roles of shame and guilt in predicting recidivism. Psychological science, 25(3), 799-805.

Với người Việt, bệnh tật và tuổi già đôi khi là một trải nghiệm. Người Việt chuẩn bị cho những nấc bậc trên con đường cuộc đời tương đối rành mạch. Sự đối diện với các mối đe dọa sức khỏe của người Việt vừa thực tế, vừa thấm một tinh thần lạc quan.

Tâm trí người Việt cho đến thập niên thứ hai của thế kỷ XXI vẫn dành nhiều cảm thức về tháng Bảy âm lịch, tháng mà theo quan niệm xưa là khoảng thời gian kiêng các việc đại sự. Người ta nhất định tin vào những điều như không xây nhà vào tháng Bảy vì là “tháng cô hồn”, tháng xá tội vong nhân, tháng của những rủi ro, bất trắc. Điều này có từ một phức cảm mang tính văn hóa: quan niệm về chặng cuối của cuộc đời.

Nói về bệnh tật và tuổi già, quan niệm nhân sinh của người Việt xưa nay dành nhiều trọng lượng cho “lão” và “bệnh”. Chúng chiếm đến một nửa vòng đời người như trong câu “sinh, lão, bệnh, tử” mà người Việt quen thuộc. Phần không mong muốn này của kiếp nhân sinh được đối diện tùy vào vùng văn hóa tín ngưỡng và khung triết lý mỗi con người trải nghiệm. Họ đón nhận chúng như thế nào?

Dấu ấn từ chương nhắc đến bệnh tật sớm nhất có lẽ là bài thơ Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) của Mãn Giác, thiền sư đời Lý. Thực tế, nó là một loại lời trăng trối để lại cho môn đệ của vị cao tăng. Bài thơ tràn đầy tinh thần đã sẵn sàng đón nhận kết cục cuộc đời, coi bệnh tật là một trải nghiệm mà tạo hóa ban cho, tựa như cây cỏ trời đất tuần hoàn lẽ sinh rồi diệt.

Điểm khác biệt mà cũng rất thông thường là đôi câu cuối, khi tác giả nối dài sự có mặt của mình bằng hình ảnh: Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai (bản dịch Ngô Tất Tố).  

20200905 3

Đốt hình nhân thế mạng - tranh khắc gỗ, Henri Oger, 1915.

Cảm xúc mang tính siêu hình về bệnh tật và cái chết chủ yếu liên quan đến sự hóa giải những phiền não, những bí thuật cứu khổ cứu nạn, những dấu ấn của một vài tôn giáo. Người Việt hay gắn cuộc đời với số mệnh. “Lão” và “bệnh” do đó nằm trong một trật tự số đếm trên con đường dẫn tới số cuối cùng là cái chết. 

Nỗi suy tư về trật tự này thật ra không nhuốm màu ảo não hay hư vô như trong một số nền văn hóa khác. Với người Việt, bệnh tật và tuổi già đôi khi là một trải nghiệm. Người Việt chuẩn bị cho những nấc bậc trên con đường cuộc đời tương đối rành mạch. Họ dành vài ngày đặc biệt trong năm cho những nghi thức cúng bái mong những điều tốt đẹp kiểu “phúc lộc mãn đường”, chẳng hạn những ngày mồng một, ngày rằm, ngày trùng; từ tiết Hàn thực (3.3) đến tết Đoan ngọ (5.5) hay lễ Vu lan vào rằm tháng Bảy.

Người Việt gán cho những ngày này một vai trò quan trọng, ứng với những nhận thức có được qua kinh nghiệm sống gắn với thiên nhiên hàng nghìn năm. Chẳng hạn họ đặt cho ngày 5.5 âm lịch cái tên “Tết diệt sâu bọ”. Nhiều người giải thích do thời điểm này ứng với lúc tiết trời ấm áp, sâu bọ sinh sôi nảy nở cùng lúc hoa quả đầu mùa bói dịp cuối xuân sang hè, nên nghi thức sinh ra tục lấy lá ngón nhuộm móng tay hay cúng các thức quả đầu mùa, rượu nếp… mong tránh bệnh tật.

Cúng xong thì những đồ ăn thức uống là những món “thời trân thức thức sẵn bày”, ai nấy thụ hưởng với niềm tin gửi gắm vào nghi lễ đã hoàn tất. Sự đối diện với các mối đe dọa sức khỏe của người Việt vừa thực tế, vừa thấm một tinh thần lạc quan.

Song, tháng Bảy âm lịch mới là tháng quan trọng hơn cả trong phức cảm của người Việt khi đối diện với những bất trắc. Họ dành ít nhất vài ngày, mồng một, trùng thập (7.7) hay ngày rằm để lo liệu cúng bái, trong đó ngày rằm còn có tên lễ “Xá tội vong nhân” (còn có tên lễ Vu lan) dành tưởng niệm những linh hồn cơ nhỡ, không ai hương khói. Dữ liệu ấy đậm nét đến độ át hẳn sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ cũng vào mùa mưa ngâu tháng Bảy. Nếu như các ngày lễ tiết khác họ cầu cúng tổ tiên, thì những ngày lễ trong tháng Bảy, còn mang tên “Tháng cô hồn”, có lẽ là thời khắc mà người Việt nghĩ về kẻ khác. 

Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người…
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, hồn về Tây phương

(Văn tế thập loại chúng sinh - Nguyễn Du)

Những lời “văn chiêu hồn” như lời an ủi vỗ về các vong hồn tìm được sự bình an dưới lăng kính đạo Phật, thực tế là một cách đối diện với nỗi đau thể xác và tinh thần. Đối diện với các linh hồn là để chuẩn bị cho một cái chết về sau, nối dài niềm tin về thế giới bên kia. 

Ở một chiều khác, nhiều cư dân châu thổ Bắc bộ từ các thế kỷ cận đại có một cách hóa giải khác những lo lắng về tương lai. Họ thực hành các hành vi tín ngưỡng dân gian một cách say mê, như các nghi thức hầu đồng và hát văn cầu cúng các thần linh trong hệ thống đạo Mẫu.

Chẳng hạn, nhân vật gắn với tháng Bảy âm lịch - ông hoàng Bảy thờ ở đền Bảo Hà nơi biên giới Lào Cai - lại tượng trưng cho những lạc thú như cờ bạc, tổ tôm (thậm chí hiện đại như “lô đề”) hay tính đào hoa, trăng gió, cho dù xuất phát điểm của vị thần này là một nhân vật có công bảo vệ biên cương. Người ta cúng những thứ phục vụ các sở thích phóng túng của vị thần và người ta nhấm nháp cảm giác chạm tới cõi siêu nhiên của một tháng Bảy âm lịch trong nhang khói và điệu hát chầu văn thay vì lo sợ quỷ thần quấy nhiễu.

Người Việt có tục đốt hình nhân thế mạng, cúng cháo lá đa, bỏng gạo cho các cô hồn vất vưởng (ma đói) được ăn và thậm chí có tục cướp cháo cúng vong. Cho dù thực tế chẳng có cơ sở thực chứng nào, những nghi thức ấy bảo lưu một niềm tin sâu sắc về sự giao hòa giữa hai thế giới của người Việt.  

Bàn thờ ngày kỵ - tranh khắc gỗ, Henri Oger, 1915.

Những cách ứng xử không sa vào phiền não cũng như sự mê say các hoạt động tín ngưỡng thông qua nhân vật ông hoàng Bảy cung cấp cho con nhang đệ tử một niềm khuây khỏa rằng kiếp phù sinh cũng là đáng nếm trải. Lòng mê tín hòa trộn với những khao khát trần tục về sự phù hoa, khoái lạc có xu hướng khiến trải nghiệm như phương thuốc giúp tâm trí con nhang đệ tử vượt qua những thử thách về bệnh tật hay cái chết.

Sự có mặt tinh vi của niềm tin về vòng tuần hoàn “sinh, lão, bệnh, tử” len lỏi trong nhiều đồ vật cúng bái. Người Việt quan niệm vòng tuần hoàn này thể hiện một trật tự tuần tự cho quá trình sinh ra và chết đi, vì vậy họ ưa lựa chọn số lượng các món đồ chia 4 dư 1, để sao cho số dư ấy đồng nghĩa với sự bắt đầu một quá trình mới. Chẳng hạn việc cắm hoa cúng hoặc biện trái cây, luôn có số lượng bông hoa hay thức quả là số lẻ như 5 hay 9. Dấu vết rõ nhất là tên gọi “mâm ngũ quả”, thứ mặc nhiên định nghĩa nhận thức về vòng tuần hoàn trong kho từ vựng người Việt. 

Thật ra không chỉ các hành vi tín ngưỡng mới bận tâm đến trật tự của “sinh, lão, bệnh, tử”. Nhiều hành vi đời sống phản chiếu sâu đậm ý thức này. Chẳng hạn câu thành ngữ trên có mặt trong cách người ta bận tâm đến các số đo xây dựng nhà cửa, nhất là số đếm bậc cầu thang. Người ta luôn tính số bậc sao cho chia cho 4 còn dư 1 để bậc cuối cùng lên tầng trên rơi vào chữ “sinh”, chẳng hạn với chiều cao thông thường, số bậc lý tưởng thường là 17, 21 khi bậc cuối cùng rơi vào cung “sinh”. Cho dù nhà nhiều tầng là sản phẩm của thời hiện đại dưới ảnh hưởng của làn sóng thuộc địa hóa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, song nó mau chóng bị các quan niệm tín ngưỡng bản địa xâm nhập sâu sắc. Nó là hiện thân của sự bản địa hóa một hình thái toàn cầu hóa, mà ngày nay ngành nghiên cứu xã hội nhân văn dùng thuật ngữ glocalisation (ghép từ local/địa phương và globalisation/toàn cầu hóa) để gọi tên. 

Mối bận tâm về số lẻ dư 1 là một ví dụ len lỏi trong hành vi thường nhật, tạo ra một phức cảm về việc tránh phạm phải húy kỵ về sự đau ốm và cái chết. Như vậy, nhiều thứ cả truyền thống cũ lẫn “truyền thống mới” đều được phủ bóng bởi hệ giá trị về vòng đời con người.

* * *

Câu hỏi bật ra là thời hiện đại, liệu cái nhìn về “lão, bệnh” có biến đổi gì không? Dĩ nhiên các thành quả của khoa học, nhất là trong lĩnh vực y tế đem lại khả năng khác về trật tự vòng đời. Con người có tuổi thọ lâu hơn, song điều đó cũng đồng nghĩa với khoảng thời gian của quá trình lão hóa dài hơn và khả năng nhiễm bệnh cũng cao hơn. Con người thời hiện đại du nhập thêm những ý niệm triết học, song cũng từ phút ấy họ nghiệm ra, những ý niệm đó cũng góp phần làm cho khối cầu đá mà nhân vật Sisyphus cả đời lăn ngược lên dốc mà chính họ hóa thân, mỗi lúc nặng hơn. 

Làm sao em biết bia đá không đau” - câu hát nổi tiếng bậc nhất của Trịnh Công Sơn chính là một nhận diện mỹ cảm của nhạc sĩ về nỗi đau trần thế, về bệnh tật, tuổi già và cái chết. Ca từ Trịnh Công Sơn đem lại cho người Việt một mỹ cảm về “lão, bệnh”, điều phần đông cho rằng chúng là sự suy thoái của sự sống. Ít ai tìm đến nỗi đau thể chất và ám ảnh tuổi tác dưới những mỹ ngữ huyền ảo trong những bài ca đại chúng như vậy.

“Làm sao em biết bia đá không đau” - bìa nhạc Trịnh Công Sơn

Để bù vào khoảng vắng của những trước tác phổ thông trong đề tài này, nhạc Trịnh phơi bày và thậm chí, suy nghiệm về những cơn đau - thứ đại diện cho những căn bệnh tác động lên cơ thể xác thịt: Cơn đau nung hồng thèm tuổi hồn nhiên ngồi nhìn trời xanh; Trong trái tim con chim đau nằm yên, ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu; Trên hai tay cơn đau dài, người nằm xuống nghe tiếng ru, cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ... Sự đối diện với cơn đau của bệnh tật giống như một trải nghiệm về cái tôi khác. Cái tôi ấy hướng về ai, khi cơn đau là riêng mình trải qua? 

Một nhà thơ nữ, Xuân Quỳnh, trong cuộc đời viết những bài thơ giản dị, đã dành bài thơ cuối cùng về bệnh tật để trả lời câu hỏi ấy: Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng/ Trái tim buồn sau lần áo mỏng/ Từng đập vì anh vì những trang thơ… Còn hiện tại của em là nỗi nhớ/ Thời gian ơi sao không đổi sắc màu (Thời gian trắng, 6.1988). Xuân Quỳnh đã trả lời: là nỗi nhớ, là lời âu yếm sẻ chia. Trên con đường tuần tự đáng sợ “sinh, lão, bệnh, tử”, hành trang như vậy giúp họ bớt cô đơn. Thi ca hiện đại đã bớt viện đến cõi siêu nhiên, cho dù vẫn bất lực trước sự bất lường của bệnh tật, các tác giả có quyền năng của kẻ sáng tạo, bởi chính cảm xúc hướng đến kẻ khác nơi họ.

Bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười (1984) của đạo diễn Đặng Nhật Minh từng được CNN chọn vào số 18 phim châu Á hay nhất, là một cách đối diện với mất mát hy sinh. Truyện phim kể về việc Duyên, vợ một người lính chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Nam, đã giấu gia đình về cái chết của chồng, cốt để không gây cú sốc quá lớn cho tuổi già của người bố chồng. Cô đã nhờ thầy giáo Khang, người dạy ở ngôi trường làng, thay chồng mình viết những lá thư giả gửi về. Câu chuyện không thể giữ kín mãi, và người thầy giáo cũng có cảm tình với Duyên…

Sức ép của sự hy sinh vô cùng khủng khiếp ở một xã hội mà sự đối diện với mất mát kéo theo vô vàn hệ lụy. Thực tế bộ phim có khả năng gợi ra một suy tư khác, nó là sức ép của một xã hội chưa đủ sức đối diện với bệnh tật và tuổi già một cách an nhiên. 

Cảnh phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 1984).

Trong một trường đoạn giúp cho bộ phim đạt tới chiều sâu cảm xúc, Duyên lạc vào phiên chợ âm dương đêm rằm tháng Bảy. Ở phiên chợ xóa nhòa ranh giới thực ảo này, Duyên gặp chồng mình, cô nói vẫn tin anh còn sống và mong anh trở về. Người chồng đáp lại: “Anh chỉ muốn những người sống được hạnh phúc. Chỉ có những người đang sống mới làm được điều đó. Cái còn lại mãi mãi thì không thể nhìn thấy được”.

Câu trả lời của người chồng chính là một thông điệp bất biến có khả năng hóa giải sức ép thực tế hơn là những nghi thức mê tín. Trải nghiệm “lão” và “bệnh” thực ra là cần thiết để ta biết làm sao “sống được hạnh phúc”. Mỗi một sự sáng tạo như các tác phẩm thi ca, phim ảnh vừa nêu có sức mạnh đáng kể trong hoàn cảnh con người phải đối diện với những chương khắc nghiệt của cuộc đời. 

Nguyễn Trương Quý

Nguồn: Người đô thị, ngày 21.8.2020.

Thông tin truy cập

60975779
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7077
11034
60975779

Thành viên trực tuyến

Đang có 347 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website