Cuối tháng 11 vừa rồi, Uỷ ban người Việt ở nước ngoài tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ, học tập và gìn giữ tiếng Việt theo Kết luận 12-KL/TW ngày 12/08/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Nhiều đề xuất thú vị được đưa ra, trong đó có dự án “Đại sứ Tiếng Việt”.

"TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM!"

Một lần, trong trại hè “Vui cùng tiếng Việt” tổ chức tại Vác-sa-va (Ba Lan), tôi thấy một cậu chàng quãng 7-8 tuổi đứng thập thò ở cửa, miệng mấp máy hát theo bài hát các bạn đang được học. Đến gần hỏi thì cậu ấp úng nói mấy câu bằng tiếng Ba Lan: “Cháu cũng là người Việt Nam!”. Nghe câu nói ấy, cho dù không vang lên bằng tiếng Việt, tôi vẫn thấy rung động. Nó giống như một tiếng chuông trong trẻo ngân sâu xa trong lòng, từ tiềm thức của một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước người.

Một cậu bé khác người Na Uy gốc Việt, Philip, năm ấy 10 tuổi, tham gia trại hè, nghe tiếng Việt nhưng đáp bằng tiếng Anh. Khi bế mạc trại, cậu nói với bố:

⁃ Khi nào về lại Oslo, bố đưa con sang thăm bà thường xuyên nhé! Con muốn trò chuyện với bà.

⁃ Nhưng bà không nói tiếng Anh, không biết tiếng Na Uy?

⁃ Con muốn học tiếng Việt với bà! Con là người Việt Nam mà!

Khỏi nói ông bố đã hạnh phúc thế nào. Anh vội kể ngay chuyện này với tôi, ngạc nhiên vì cảm hứng tiếng Việt lần đầu tiên đến với con trai nhờ trại hè.

Nhớ câu chuyện của Philip và bố, tôi lại nhớ niềm mong mỏi của một ông bố Việt khác ở Nga. Anh ước con gái anh, cô bé Alixa tóc nâu mắt xanh biếc, có thể tâm sự với bà nội mình. Trước đó, trong một lần về phép, cô cháu bé bỏng chỉ có thể ôm bà nũng nịu mà không nói chuyện gì với bà được. Sau một thời gian tích cực học tiếng Việt, khi cô bé đứng lên ghế, dõng dạc tự giới thiệu: “Con là Alixa, con là người Việt Nam, xin đọc một bài thơ…”, người bố đã rưng rưng. Anh nghĩ đến sự hài lòng của mẹ, đến tình thân, tình ruột rà ấm áp đã được nối liền bằng tiếng Việt.

20220131 3

Trại tiếng Việt Stuttgart (Đức) do Hội người Việt Stuttgart và CLB Đọc sách cùng con tổ chức tại Đức năm 2018.

ĐẠI SỨ TIẾNG VIỆT

Cuối tháng 11 vừa rồi, Uỷ ban người Việt ở nước ngoài tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ, học tập và gìn giữ tiếng Việt theo Kết luận 12-KL/TW ngày 12/08/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Nhiều đề xuất thú vị được đưa ra, trong đó có dự án “Đại sứ Tiếng Việt” nhằm tìm kiếm và tôn vinh cá nhân xuất sắc trong việc truyền bá, giữ gìn tiếng Việt nơi xa xứ. Các chính sách đãi ngộ, những phần thưởng hấp dẫn được bàn đến. “Đại sứ Tiếng Việt” sẽ như một danh hiệu cao quý để phấn đấu, một cái cớ để truyền thông sâu rộng, cổ vũ tinh thần yêu tiếng Việt, văn hoá Việt ở kiều bào.

Tuy nhiên, nghĩ đến những câu chuyện đáng yêu của từng đứa trẻ trong quá trình dạy và vun đắp tình yêu tiếng Việt nhiều năm qua của mình, tôi chạnh nghĩ, “thành tích” không bao giờ có thể là động lực bền vững cho một tình yêu!

Tình yêu ngôn ngữ, văn hoá của dân tộc là mạch nguồn trong lành tự thân trong mỗi con người, chỉ cần được khơi thông. Là than hồng ủ ấm trong tim, chỉ cần được tiếp gió cho bùng cháy.

Tôi đã gặp những con người bền bỉ khơi mạch nguồn trong, giữ cho lửa đượm, không mảy may tính toán thiệt hơn, không chờ ai khen mình. Những cô giáo ở trường tiếng Việt Lạc Long Quân (Warszawa) dẫu đã có tuổi vẫn cặm cụi chăm chút từng bài thơ, câu đố, trò chơi tiếng Việt để chia sẻ với trò. Nhóm Cánh diều (Paris) hơn mười năm nay bền bỉ gặp nhau, dạy trẻ ngôn ngữ và văn hoá Việt thông qua nghệ thuật. Hội người Việt ở Stuttgart luôn đau đáu với việc tổ chức các hoạt động cộng đồng để thổi hồn Việt vào cuộc sống của thế hệ trẻ…

Bên cạnh các lớp học tiếng Việt vẫn được duy trì ở nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta còn có các bà mẹ, ông bố Việt kiên trì trò chuyện với con, học tiếng Việt cùng con, nhen nhóm trong đứa trẻ nhà mình một cảm tình từ đó lớn dần lên thành tình yêu đối với những giá trị văn hoá Việt và niềm tự hào: “Tôi là người Việt!”. Thậm chí, cảm tình đặc biệt với Việt Nam còn được từ họ, con cái họ truyền tới những người bạn bản xứ. Vì thế, tất cả họ, từng người, đều là một “đại sứ Tiếng Việt”!

Tại trại tiếng Việt tổ chức ở nước ngoài, con em người Việt sẽ được tìm hiểu về tiếng Việt thông qua các tác phẩm văn học.

Cho nên, tôi mạo muội đề xuất một dự án “Đại sứ Tiếng Việt” không nhằm “tung hô, trao giải, thành tích” mà nhằm “lan toả”. Bất kì ai muốn trở thành “đại sứ” đều có thể đăng kí tham gia. Họ sẽ được cung cấp phương pháp, các công cụ hỗ trợ dạy tiếng Việt, được kết nối theo nhóm, được chia sẻ, cổ vũ trên các diễn đàn, các mạng xã hội.

Sau một thời gian nhất định, những gì họ làm sẽ được cập nhật. Danh hiệu “Đại sứ Tiếng Việt” không trao tặng cho một cá nhân như một vương miện hay trao cho một tập thể như một bằng khen thêm vào bảng thành tích. Chỉ cần bạn dạy được tiếng Việt cho một người, có kết quả cụ thể về bốn kĩ năng - bạn đã là “Đại sứ” ở cấp độ 1. Sức ảnh hưởng của bạn càng rộng - cấp độ của “đại sứ” càng cao. Cứ như vậy, chúng ta sẽ có các “đại sứ” lan toả tình yêu tiếng Việt trên khắp thế giới.

Trao giải thưởng cho một người một năm để truyền thông, để “cạnh tranh” nhau vì một danh xưng không có sức mạnh lan toả bằng sự tự đánh giá, “tự trao danh hiệu”: mình đang xứng đáng là một người bền bỉ yêu và say mê quảng bá tiếng Việt. Nếu vẫn muốn nhấn mạnh một phong trào, có thể nghĩ đến hệ thống biểu tượng nhận biết các “đại sứ” được trao ra từ Ban đại diện người Việt ở các địa phương như huy hiệu, vòng tay, áo phông, khăn… in dòng chữ “Đại sứ Tiếng Việt”.

Tôi tin rằng, niềm vui và tự hào ấy sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến những người trẻ để họ cũng chung tay với các bậc cha chú trong công việc phải làm lâu dài, muôn đời này!

VĨ THANH: TIỀM NĂNG "ĐẠI SỨ" TRONG TƯƠNG LAI

Một bạn nhỏ ở Đức, tên là Quân học lớp 5, tự hào kể với mẹ về … uy lực của tiếng Việt. Khi các bạn trong lớp rất mất trật tự, lớp trưởng nói thế nào cũng bị lờ đi. Quân liền đứng dậy nói to: “Im-lặng!”. Tất cả im bặt! Và từ đó, rất nhiều bạn người Đức của Quân quan tâm đến Việt Nam, muốn… học tiếng Việt! Anh trai Quân tên là Phong, lại say sưa kể với mọi người về các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam, em đặc biệt chia sẻ rất hay về Trường Sa, Hoàng Sa mà em thu nhận được trong thời gian tham dự trại mùa Thu “Tiếng Việt đi khắp năm châu”, trong một niềm xúc động chân thành. Chẳng phải Phong và Quân đều có cơ hội là “đại sứ” hay sao?!

Một bạn nhỏ khác, Hà My, học cùng người Nga. Hà My mê truyện Nguyễn Nhật Ánh và miệt mài dịch từng chương cho các bạn đọc. Họ rất thích thú, mong ngóng từng ngày, rồi có người tò mò muốn học tiếng Việt. Hà My đã trở thành một “đại sứ” nhỏ của văn hoá Việt.

Tôi tin, các “đại sứ Tiếng Việt” mang niềm tự hào “là người Việt trong tim” ở khắp nơi trên thế giới sẵn sàng lên tiếng nếu chúng ta biết gửi đến họ lời hiệu triệu thân thương.

TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 31.01.2022.

Dạy tiếng Việt cho học sinh bản ngữ nên dạy cái gì? Câu hỏi này đặt ra tưởng như thừa lại hết sức cần thiết và cho đến nay các nhà ngôn ngữ học cũng như các nhà giáo dục học văn chưa trả lời được một cách rõ ràng và dứt khoát.

20211122 2

Vì vậy hậu quả mà học sinh phổ thông đặc biệt là học sinh cấp II gánh chịu là phải học một bộ sách giao khoa tiếng Việt hết sức nặng nề nhưng không mấy thiết thực, vì đó là một bộ giáo trình tiếng Việt ở bậc đại học được rút gọn và được thay thế bằng một hệ thống thuật ngữ có vẻ dễ hiểu hơn.. Cùng với bộ sách giáo khoa, học sinh còn bị "tra tấn" bởi một phương pháp dạy học theo một qui trình đơn điệu, máy móc và khô khan. Hiện nay, sách giáo khoa tiếng Việt, Bộ đã ban hành và đang là pháp lệnh. Do đó, vấn đề chúng ta cần bàn và nên bàn một cách thiết thực là dạy như thế nào trên cơ sở bộ sách giáo khoa tiếng Việt hiện có.

Trước khi bàn vấn đề dạy như thế nào đối với bộ sách giáo khoa tiếng Việt hiện có, cũng nên làm rõ một số vấn đề thuộc chương trình và sách giáo khoa.

1. Dạy tiếng Việt cho học sinh bản ngữ là dạy kiến thức về tiếng Việt hay dạy tiếng Việt với tư cách là một công cụ để giao tiếp và tư duy?

Theo chương trình qui định của Bộ, sách giáo khoa tiếng Việt vừa dạy kiến thức tiếng Việt vừa dạy kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh nhưng trong đó phần dạy kiến thức tiếng Việt vẫn là chủ yếu. Trong các nhiệm vụ của bộ môn tiếng Việt thì nhiệm vụ số một được Bộ qui định như sau: Cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, tương đối hoàn chỉnh, có hệ thống về tiếng Việt, làm cơ sở cho việc trau dồi và phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh... Thông qua các chức năng chủ yếu của ngôn ngữ, tiếp tục rèn luyện cho các em kỹ năng nghe, đọc, viết tiếng Việt văn hóa... (1) So sánh với nhiệm vụ và yêu cầu cơ bản của việc dạy - học tiếng Việt ở cấp II phổ thông do Bộ qui định trước cải cách giáo dục là: Phát triển ngôn ngữ và tư duy của học sinh, làm cho các em đọc, nói, viết đúng tiếng Việt, hiểu được cách diễn đạt bằng tiếng Việt của người khác và có khả năng xem xét, suy nghĩ hợp lô-gích (2) thì chương trình và sách giáo khoa tiếng Việt cải cách giáo dục là một thụt lùi đáng tiếc. Sở dĩ có tình trạng nước đôi vừa dạy kiến thức vừa dạy kỹ năng sử dụng ở trường phổ thông đối với bộ môn tiếng Việt như đã nói ở trên, nguyên nhân chủ yếu là do chưa phân biệt rạch ròi đối với trường phổ thông thì tiếng Việt là môn học đối tượng như các môn học khác hay chỉ là môn học công cụ? Theo tôi cần phải khẳng định một cách dứt khoát rằng, đối với trường phổ thông thì tiếng Việt chỉ là môn học công cụ và không nên coi là môn học đối tượng. Những tri thức về tiếng Việt mà trường phổ thông cần cung cấp cho học sinh chỉ nên giới hạn ở một mức độ tối giản và phải bằng một con đường khác không giống như con đường hình thành tri thức của các môn học đối tượng. Tiếng Việt với tư cách là môn học công cụ thì những tri thức mà bộ môn này cung cấp cho học sinh phải bằng con đường chấp nhận và dần dần tự ý thức hóa trong quá trình học tập và rèn luyện. Để kết thúc những điều trình bày trên đây, tôi xin dẫn chứng thêm nhiệm vụ bộ môn tiếng Việt do Bộ qui định cho trường Cao đẳng sư phạm để có thể thấy rõ hơn sai lầm của chương trình và sách giáo khoa tiếng Việt phổ thông đã mắc phải. Chương trình môn tiếng Việt của trường Cao đẳng sư phạm diện rộng, với thời gian 310 tiết chưa kể 85 tiết tập làm văn, có những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1. Cung cấp những kiến thức cơ bản, hiện đại và có hệ thống về ngôn ngữ học và tiếng Việt (về các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong cách).

2. Rèn luyện kỹ năng đọc, nói, kỹ năng vận dụng đúng và thành thạo các qui tắc dùng từ, đặt câu, bồi dưỡng khả năng tự rèn luyện kỹ năng thực hành tiếng Việt.

3. Thông qua việc cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng, giáo dục tinh thần tôn trọng và yêu quí tiếng Việt (3)

Ba nhiệm vụ này được qui thành hai nhiệm vụ của bộ môn tiếng Việt ở trường phổ thông, có khác chăng là ở trường Cao đẳng sư phạm có thêm phần kiến thức về ngôn ngữ học với tỷ lệ thời gian chiếm 1/5. Sự lầm lẫn nói trên là ngọn nguồn gây bao tai họa cho cả giáo viên và học sinh vì họ phải dạy và phải học một chương trình quá tải và thực sự không cần thiết lắm.

Do phải cung cấp những kiến thức mà chương trình và sách giáo khoa qui định nên đến lượt người dạy lại tiếp tục "hành hạ" học sinh bằng cách dắt dẫn học sinh đi lại chính con đường mà các nhà ngôn ngữ học đã đi. Từ việc quan sát, phân tích các hiện tượng ngôn ngữ cụ thể rồi khái quát rút ra các khái niệm, các qui luật... Để né tránh sai lầm này, trong chỉ đạo Bộ có hướng dẫn phải dành hơn một nửa thời gian của tiết học tiếng Việt cho việc luyện tập thực hành. Mặc dầu Bộ qui định như vậy, nhưng qua dự giờ, theo dõi nhiều giáo viên dạy, chúng tôi thấy trên thực tế phần lớn giáo viên đều loay hoay với việc truyền thụ kiến thức, hình thành khái niệm nên không còn bao nhiêu thời gian để luyện tập thực hành. Còn luyện tập và thực hành như thế nào cũng là những vấn đề đáng phải bàn. Với cấu tạo bài học của sách giáo khoa hiện nay thì phần luyện tập, thực hành chủ yếu là để củng cố các tri thức về tiếng Việt đã được cung cấp ở phần lý thuyết. Đó là thực trạng đáng buồn hiện nay của bộ môn tiếng Việt ở trường phổ thông từ khâu chương trình đến sách giáo khoa và cả cách giảng dạy ở trên lớp.

2. Dạy tiếng Việt với tư cách là một công cụ giao tiếp thì nên dạy cái gì?

Đóng góp quan trọng nhất của Xô-Xuya là tách hoạt động ngôn ngữ ra làm hai mặt: mặt xã hội và mặt cá nhân. Tương ứng với mặt xã hội là ngôn ngữ, còn tương ứng với mặt cá nhân của hoạt động ngôn ngữ là lời nói. Theo Xô-Xuya, ngôn ngữ là cần thiết để cho lời nói có thể hiểu được và gây được tất cả những hiệu quả của nó; nhưng lời nói lại cần thiết để cho ngôn ngữ được xác lập; và về phương diện lịch sử, sự kiện lời nói bao giờ cũng đi trước (4)

Cũng có thể hình dung ngôn ngữ là cái khái quát, cái trừu tượng, vì nó là sản phẩm của toàn xã hội, còn lời nói là cái cụ thể, cái sinh động vì nó là sản phẩm của từng cá nhân. Theo Xô-Xuya thì ngôn ngữ tồn tại dưới dạng tiềm năng trong mỗi bộ óc hay nói đúng hơn, trong các bộ óc của một tập thể, vì ngôn ngữ không có mặt đầy đủ trong một người nào, nó chỉ tồn tại một cách vẹn toàn trong quần chúng (5) . Ngôn ngữ được hình thành dần dần ở đứa trẻ thông qua quá trình tập dượt và tiếp thu, rồi được định hình trong bộ óc. Từ những nhận thức trên đây, chúng tôi cho rằng: đối với học sinh phổ thông thì bộ môn tiếng Việt không nên đi sâu vào những cái khái quát, trừu tượng của ngôn ngữ mà nên dành nhiều thời gian để cung cấp cho học sinh những cái cụ thể, sinh động của lời nói. Dạy theo sách giáo khoa cải cách về cơ bản là dạy ngôn ngữ vì trong đó phần lớn là dạy các khái niệm của ngôn ngữ học nói chung chứ không riêng gì tiếng Việt, như: danh từ, đại từ, số từ,... Nếu nói bằng hình ảnh thì dạy như vậy là dạy cái màu xám của tiếng Việt. Chính lời nói là cái xanh tươi phong phú sinh động của tiếng Việt mà nhà trường cần cung cấp cho học sinh, vì đó là cái mà học sinh cần mà đang thiếu. Tóm lại, đối với học sinh, đặc biệt là học sinh cấp I, cấp II thì dạy tiếng Việt không nên dạy lý thuyết (tức là không nên dạy ngôn ngữ, mà chỉ nên dạy cây đời (tức là dạy lời nói)). Cũng cần nói thêm rằng, giữa ngôn ngữ và lời nói có một sự gắn bó và lệ thuộc lẫn nhau hình như khó lòng tách ra được. Nhưng về điểm này, Xô-Xuya cũng đã khẳng định: Ngôn ngữ vừa là công cụ vừa là sản phẩm của lời nói. Nhưng mặc dầu có những mối liên hệ đó, ngôn ngữ và lời nói vẫn là hai sự vật hoàn toàn tách biệt nhau.

Với kết cấu bài học gồm ba phần như trong sách giáo khoa, nên khi dạy tiếng Việt giáo viên thường dắt dẫn học sinh đi theo con đường qui nạp để hình thành các khái niệm, qui tắc và cuối cùng là luyện tập để củng cố các tri thức đã học được. Con đường đó chỉ có thể áp dụng khi tiếng Việt trở thành một môn học đối tượng như các môn toán, lý, hóa... Còn theo quan niệm của chúng tôi, ở trường phổ thông, tiếng Việt chỉ là một môn học công cụ thì phải thiết kế lại bài giảng và dạy theo một cách khác. Để minh họa cho những điều trình bày trên, tôi xin lấy một bài dạy cụ thể. Bài chúng tôi chọn là một bài khô khan nhất trong các bài khô khan có trong sách giáo khoa. Đó là bài Số từ.

Với kết cấu bài học trong sách giáo khoa tiếng Việt, lớp 6, tập 2 thì giáo viên phải từ những ngữ liệu có sẵn rồi dắt dẫn học sinh hiểu thế nào là số từ chỉ số lượng và thế nào là số từ chỉ thứ tự và số hiệu. Ý nghĩa và hoạt động ngữ pháp của hai loại số từ. Và cuối cùng là làm một số bài tập để ghi nhớ những điều đã học về số từ. Đứng về mặt lời nói mà xét, người Việt có những cách dùng số từ riêng và cách dùng số từ của người Việt qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ và lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân ta phong phú vô cùng. Dạy số từ tiếng Việt mà không cung cấp cho học sinh biết sự phong phú trong cách dùng số từ của người Việt là một thiếu sót lớn.

Vì vậy, khi dạy bài này tôi không đi theo con đường đó. Mở đầu có thể thông qua một cuộc đàm thoại ngắn, tôi cho học sinh biết ngay hai loại số từ trong tiếng Việt. Sau đó tôi dành một số thời gian thích đáng để kiểm tra xem vốn liếng về cách dùng số từ của học sinh. Kết quả với học sinh lớp 6, vốn liếng của các em về cách dùng từ còn rất hạn chế. Các em cũng chỉ có thể nêu được một số câu tục ngữ, thành ngữ và một vài cách nói quen thuộc có dùng số từ. Khi các em đã cạn vốn, tôi bắt đầu cho các em biết những cách dùng số từ rất độc đáo, rất lạ của nhân dân ta, qua kho tàng ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ, câu đố văn thơ... mà các em chưa biết hoặc có biết nhưng không nhớ vì chỉ mới nghe một vài lần. Và thế là chỉ trong 30 phút vốn liếng sử dụng số từ xưa đến nay qua bao thế hệ đã hiện ra mồn một trước mắt và trong đầu các em.

Thời gian còn lại tôi lần lượt chỉ ra những cái tinh tế, phong phú và cả những sự biến hóa trong cách dùng số từ của tiếng Việt. Chẳng hạn, nghĩa xác định và không xác định của số từ tiếng Việt, đặc biệt là nghĩa không xác định như: Một mất mười ngờ, Mười voi không được bát nước xáo, Một trăm con gái rửa chân cầu này. Trăm năm trong cõi người ta, Dẫu xa nhau ba vạn chín ngàn ngày không xa,...; những cách dùng số từ rất đặc biệt, có vẻ như bất thường: Ba chân bốn cẳng, Một chân bước ra ba chân bước lại, Mồm năm miệng mười,...; sự phong phú trong việc vừa dùng số từ thuần Việt vừa dùng số từ Hán Việt như: Một, hai, ba, bốn, nhất, nhì, ba, tư... Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua... Những sự biến âm trong khi dùng số từ, cùng một số từ nhưng trong những kết hợp khác nhau lại có những cách biến âm khác nhau như: mười và mươi (mười ba / ba mươi), một và mốt (mười một / hai mươi mốt), năm, lăm và nhăm, (một trăm linh năm, mười lăm, hai mươi lăm / nhăm...) Vì thời gian có hạn nên chỉ mách bảo cho học sinh được đôi điều như vậy. Qua theo dõi chúng tôi thấy học sinh không những hứng thú học tập mà còn tỏ ra tiếc rẻ, thòm thèm vì thời gian quá ít. Và cũng nên cho học sinh thòm thèm để các em tìm tòi và sáng tạo thêm. Với dạng bài cung cấp khái niệm chúng tôi đều dạy theo cách đó.

Dạy tiếng Việt theo quan niệm và phương pháp như chúng tôi trình bày là dạy cái xanh tươi của tiếng Việt, và quan trọng hơn, đằng sau sự xanh tươi đó là cả một nền văn hóa Việt. Dạy tiếng Việt không chỉ cho các em hiểu được cách nói của người Việt mà còn cho các em hiểu cả cách nghĩ và hiểu được tâm hồn người Việt

Cũng cần nói thêm rằng theo cách dạy của chúng tôi thì những tri thức mà sách giáo khoa yêu cầu, cuối cùng cũng đến với học sinh, nhưng đến bằng một con đường khác. Tri thức nào đã đến với học sinh thì sẽ ở lại với các em lâu dài. Còn dạy theo sách giáo khoa và cách dạy hiện nay thì những tri thức đó khắc đến rồi cũng khắc đi, đúng như dân gian nói: "Chữ thầy rồi lại trả cho thầy" mà thôi.

Trên đây là một số quan điểm và phương pháp dạy học tiếng Việt ở trường phổ thông mà chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm trong mấy năm qua. Kết quả của những thực nghiệm này đã đến với sinh viên thông qua các tiết dạy mẫu do tôi thực hiện ở trường phổ thông. Và kết quả đó, một lần nữa đã được kiểm nghiệm trong đợt thực tập sư phạm của sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Huế vừa qua. Hiện nay các em không sợ phải dạy tiếng Việt như sinh viên các khóa trước đây, trong khi đi thực tập sư phạm. Hầu hết các em đều thích dạy tiếng Việt và sẵn sàng nhận dạy nhiều tiết tiếng Việt. Và kết quả của đợt thực tập về môn tiếng Việt các em đều đạt điểm khá và giỏi. Kết quả này cũng được trường phổ thông của hai huyện Hương Trà và Hương Thủy ghi nhận, trong đợt thực tập sư phạm đầu năm 1991.

Võ Xuân Trang

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, số 50/07&8-1992.

-------------------------------

(1) Tài liệu bồi dưỡng giáo viên phục vụ thay sách CCGD lớp 6, tr.17 do Cục các trường sư phạm, Bộ giáo dục ấn hành, 1985.

(2) Dạy ngữ pháp lớp 6, Nhà xuất bản giáo dục, 1976, phần hướng dẫn chung trang 6-7.

(3) Chương trình cao đẳng sư phạm, Bộ môn tiếng Việt và văn học, áp dụng từ năm học 1988 - 1989, Bộ giáo dục, Hà Nội, 1988.

(4) Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, NXB Khoa học xã hội, 1973, tr.45.

(5) Sách đã dẫn, trang 37.

20200529

1. Giới thiệu chung

Đại Việt Sử Lược hay Việt Sử Lược, một cuốn sử thời Trần chưa rõ tác giả có đoạn viết: “Đến đời Trang Vương nhà Chu, ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, dựng nước Văn Lang gồm 15 bộ (…), tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang,… truyền được 18 đời ”.

Về tên gọi Văn Lang, học giả Pháp Henry Maspero (1918) cho rằng: tên nước Văn Lang là đọc nhầm tên nước Dạ Lang, một nước cổ ở Quí Châu. Ông đưa ra các luận cứ sau:

- Hai chữ Văn 文và chữ Dạ 夜giống nhau, dễ nhầm khi đọc hay chép. Vì thế, một sách thời Tống viết: “Phong Châu là nước Văn Lang xưa, ở đó có sông Văn Lãng”. Một sách khác cùng thời lại viết: “Phong Châu là đất Dạ Lang xưa, ở đó có sông Dạ Lang”.

- Lãnh thổ Dạ Lang, thời Hán phân thành hai quận Kiển Vi và Thương Ngô, một bên giáp nước Ba, một bên giáp hồ Động Đình. Do nhầm Dạ Lang thành Văn Lang, sử Việt Nam viết lãnh thổ Văn Lang giống như lãnh thổ Dạ Lang là “Bắc đến Hồ Động Đình, Tây giáp Ba Thục”.

- Tên Văn Lang trước không có nhưng bỗng xuất hiện vào thời Đường lại là do một nhầm lẫn khác. Lâm Ấp ký viết: “Ở phía Nam Chu Ngô, Nhật Nam có người Văn Lang, và sông Văn Lang”. Người chép lại Lâm Ấp ký sau viết Chu Ngô thành Thương Ngô, các nhà địa lý thời Đường cũng chép sai theo. Do Thương Ngô ở phía Bắc Giao Chỉ, nên coi Văn Lang là Giao Chỉ.

Nếu giả thuyết của Maspero đúng thì phải tìm hiểu ý nghĩa tên Văn Lang theo ý nghĩa của tên Dạ Lang, chúng tôi sẽ có một bài viết riêng về tên Dạ Lang sau.

Tác giả Tạ Đức trong “Nguồn Gốc Người Việt - Người Mường” (NXB Tri thức, 2013) dẫn ý kiến giải thích tên Văn Lang của nhiều học giả như sau:

- Steine (1947) đặt Văn Lang vào trong một hệ thống tộc danh, địa danh có từ Lang như Bạch Lang ở Tứ Xuyên, Việt Lang ở Quảng Đông, Dạ Lang ở Quí Châu. Ông cũng khẳng định: Hậu Hán Thư nói đến người Dạ Lang ở biên giới Cửu Chân; truyền thuyết Việt Nam kể về một nước nhỏ Dạ Lang bên bờ sông Mã; thời Hán có sông Dạ Lang thực sự ở Quảng Trị, sau là sông Hằng Giang. Điều đó có nghĩa, tên gọi Dạ Lang cũng xuất hiện ở những nơi không thể nhầm lẫn với Văn Lang.

- Hoàng Thị Châu (1969), ủng hộ quan điểm của Stein, so sánh Văn Lang với Lang, Chàng, hai phiên âm Hán - Việt của tên gọi Choang cũng như với orang, arang các từ chỉ người trong tiếng Nam Đảo. Bà kết luận: các tên Lang, Văn Lang, Dạ Lang... “bắt nguồn từ một danh từ có nghĩa là “người” “đàn ông”, với những hình thái biến đổi khác nhau tùy theo ngôn ngữ, phương ngữ và tùy theo từng giai đoạn lịch sử ”.

- Bình Nguyên Lộc (1971) lại coi từ gốc của Văn Lang trong tiếng Mã Lai là pinang, phiên âm Hán - Việt là tân lang hay binh lang để chứng minh lang chỉ cây cau sọc, vật tổ của người Văn Lang và người Chăm.

- Trần Quốc Vượng (1973) lại coi từ gốc của cả Văn Lang và Mê Linh - kinh đô của nước Văn Lang thời Hai Bà Trưng là Mlang, từ chỉ chim ưng, đại bàng, vật tổ của người Lạc Việt.

- Theo Tạ Đức thì hai cách lý giải của Stein và Hoàng Thị Châu đã đi đúng hướng và có cơ sở ngôn ngữ học, và cuối cùng Tạ Đức đưa ra ý kiến: “cách lý giải thật sự thỏa đáng phải là: tên nước Văn Lang và Dạ Lang có gốc từ tên tộc người Văn Lang và Dạ Lang. Tên tộc người Văn Lang và Dạ Lang lại có gốc từ các từ chỉ Người tương ứng với lang/orang/yang”. Tiếp sau đó Tạ Đức có đưa ra nhiều lập luận về ngữ âm ví dụ: “Lạc Việt có gốc Ya Ya, Ya Ya lại tương ứng với Ya Yang và Ya Yang có thể phiên âm thành Văn Lang” hoặc “... tên nước Dạ Lang cũng được xác định có gốc Jialang, một biến thể của Zina - tên tự gọi của người Lô Lô, trong đó Jialang tương ứng với Ya Yang, còn Zina tương ứng với Lô Lô = Lava = Ya Ya = Lạc Việt (Phụ lục 6 D). Về mặt ngữ âm, đúng là Văn Lang có thể có gốc Blang. Hiện Blang vẫn là tên một tộc người ở Vân Nam có quan hệ ngôn ngữ - tộc người gần gũi với người Va, tức Lava = Lạc Việt”.

- Chúng tôi tán thành quan điểm của Tạ Đức cũng là của Stein, Hoàng Thị Châu và nhiều học giả khác dựa trên một thực tế trong ngôn ngữ học là tên các tộc người thường chính là từ chỉ khái niệm “người” trong ngôn ngữ gốc của tộc người đó. Nhưng tên vùng cư trú (bản/mường, cổ/kẻ, làng/nước, ...) là khái niệm hình thành muộn hơn, khi các nhóm tộc đã bỏ đời sống du cư hoang dã, có vùng cư trú tương đối ổn định, có tổ chức xã hội phát triển ... thì không nhất thiết phải gắn chặt với tên gọi tộc người, có thể là một từ phái sinh từ tên gọi tộc người (Chăm=>Chiêm=>Chiêm Thành), hoặc một từ khác hẳn. Còn với các quy nạp kiểu như Lô Lô=Lava=Ya Ya=Lạc Việt thì người viết thấy có vẻ khá tùy tiện.

2. Khái quát về ngữ âm lịch sử:

Các tên Văn Lang, Dạ Lang, Lạc Việt ... là những tên gọi được ghi chép bằng chữ Hán, và ứng với giai đoạn lịch sử trước thời Tần, để tìm hiểu ý nghĩa của chúng trước hết cần phải khôi phục đúng ngữ âm các chữ Hán đó trước thời Tần sau đó đối chiếu với các ngôn ngữ bản địa là Nam Á, Thái-Kadai hay Nam Đảo để tìm ý nghĩa các tên gọi cổ đó... Chứ không thể dựa vào âm đọc hiện đại mà suy đoán quy nạp tùy tiện được, chẳng hạn Tạ Đức cho rằng nước La (羅) tức là Lạc (洛/雒/駱) là dựa vào âm cận hiện đại của các chữ này đều là “luo”, nhưng theo Vương Lực thì âm Thượng cổ Hán ngữ của La là *lai còn của Lạc là *lak, âm cuối rất khác nhau chứ không phải đồng âm “lo” như trong Quan Thoại hiện nay, vì vậy ý kiến la = lạc có vẻ thiếu cơ sở ngữ âm lịch sử.

Hiện nay giới ngôn ngữ học phân định âm Thượng cổ Hán ngữ là âm Hán ngữ khoảng đời Hán về trước, còn Trung cổ Hán ngữ là ngữ âm khoảng đời Tùy - Đường - Tống, nói một cách đại khái thì âm Thượng cổ Hán ngữ là âm thời Chu, còn Trung cổ Hán ngữ là âm thời Đường. Âm Trung cổ Hán ngữ hiện được bảo lưu tương đối trọn vẹn trong hệ thống âm Hán Việt của người Việt (theo GS Nguyễn Tài Cẩn) nên việc phục nguyên âm này có thể là khó với người Trung Quốc nhưng đối với người Việt lại không phải là vấn đề cần đặt ra, còn âm Thượng cổ Hán ngữ là âm mà chúng ta cần vận dụng thì hiện nay đã có nhiều công trình phục nguyên của các tác giả như Karlgren, Lí Phương Quế, Vương Lực, Baxter, Trịnh Trương Thượng Phương, Phan Ngộ Vân, Schuessler ,v.v… Thực ra các dữ liệu âm phục nguyên cũng không hẳn là chính xác, vì ngay trong nội bộ Hán ngữ cũng có nhiều phương ngữ âm đọc của các chữ Hán khác nhau đến mức không hiểu được nhau như tiếng Quảng Đông so với tiếng Bắc Kinh, mà trong từng phương ngữ thì cùng một chữ một nghĩa cũng có thể có nhiều âm đọc (ví dụ âm Hán Việt có thể đọc chính hay chánh, nhất ngay nhứt đều được), chưa kể sự biến đổi ngữ âm nội tại theo thời gian cũng khó phân định chính xác, sai số có thể đến vài thế kỷ hay thậm chí hơn 500 năm. Đối với giai đoạn giao thời giữa Thượng cổ Hán ngữ và Trung cổ Hán ngữ, là khoảng cuối đời Hán qua đời Tấn, thì việc khôi phục sẽ phải cân nhắc chọn giữa âm Thượng cổ hay âm Trung cổ.

So sánh âm Trung cổ với âm Thượng cổ Hán ngữ thì có một số biến đổi ngữ âm khá cơ bản mà những người mới tìm hiểu về ngữ âm lịch sử nên nhớ để tiện áp dụng, các biến đổi này đôi khi có thể nhận thấy khá rõ dựa vào lớp từ cổ Hán Việt (đúng ra là cổ Việt Hán, ký hiệu CVH) của tiếng Việt:

- Các tổ hợp  phụ âm đầu phức có -r- đến cuối thời Hán đã rụng hết -r-  hoặc chuyển hết thành l - (theo GS Nguyễn Tài Cẩn, như long<=rồng, ly<=rời CVH).

- Nhóm phụ âm đầu đ-, d- trung cổ nhiều trường hợp phục nguyên về l- thượng cổ (như đạo<=lúa, đà<=lái CVH).

- Phụ âm đầu ph- trung cổ ứng với -b thượng cổ (như phật<=bụt, phủ<=búa CVH).

- Nguyên âm -a đơn (vận mẫu ca 歌) thời trung cổ thì thời thượng cổ là âm phức có âm cuối -r, -j, -i, -l  (như la<=lải, lưới, cá<=cái CVH)

- Nguyên âm -u (vận mẫu ngu 虞) thời trung cổ thì thời thượng cổ là âm phức có âm cuối “o” hay “a” (như phủ<=búa, vụ<=mùa CVH)

v.v…

3. Phục nguyên tên Văn Lang

1. Chữ Hán Văn: 文, thanh mẫu vi: 微, vận mẫu văn: 文, bình thanh: 平, hợp khẩu: 合, nhiếp trăn: 臻,  tam đẳng: 三等, thiết âm vô phân: 無分

Phục nguyên âm thượng cổ:
Karlgren: *mi ̯wən
Lí Phương Quế: *mjən
Vương Lực: *miən
Baxter: *mjən
Trịnh Trương Thượng Phương: *mɯn
Phan Ngộ Vân: *mɯn

Điểm cần lưu ý là thanh mẫu vi 微thời cổ là *m- (dấu * hàm ý  chỉ đây là âm phục nguyên), dựa vào phục nguyên của Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân *mɯn chúng tôi cho rằng đây là từ chỉ người trong nhóm ngữ hệ Nam Á (Mon-Khmer) “mun”, các tên như người Môn (Mun), người Mon (người Mường tự gọi là “con Mon”) đều có nghĩa là “người”, cả từ “man 蠻” mà người Hán dùng gọi các nhóm tộc phi Hán ở phương Nam vốn cũng có nghĩa là “người”, xét phục nguyên âm Hán thượng cổ của chữ man 蠻theo Karlgren: *mwan, Lí Phương Quế: *mruan,Vương Lực: *moan, Baxter: *mron, Trịnh Trương Thượng Phương: *mroon, Phan Ngộ Vân: *mroon  đều khá gần “mun/mon” trong ngữ hệ Môn-Khmer (lưu ý âm cuốn -r thường chuyển thành -n ở tiếng Việt và Hán, nên khi bỏ âm đầu Kh- thì Mer=>Men=>Miên).

“Văn” cũng là chữ đệm cực kỳ phổ thông trong tên họ đàn ông người Việt, nó chính ra có nghĩa là “ông”, là “ngài”, mà “ngài” là cổ âm của “người” (mun/mon) chứ không phải là “văn chương” hay “văn vẻ” gì cả, nhưng có lẽ do cái nghĩa đồng âm này cũng hay nên nó thành phổ biến chăng ?

Phục nguyên Văn 文là “mun/mon” khớp với ý kiến Tạ Đức đã nêu rằng tên nước thường dẫn xuất từ các từ chỉ “người” trong bản ngữ của dân tộc chủ thể nước đó .

2. Chữ Hán Lang: 郎, thanh mẫu lai: 來, vận mẫu đường: 唐, bình thanh: 平, khai khẩu: 开, nhiếp đãng: 宕, nhất đẳng: 一等, thiết âm lỗ đang: 魯當

Phục nguyên âm thượng cổ:

Karlgren: *lɑŋ

Lí Phương Quế: *laŋ

Vương Lực: *laŋ

Baxter: *c-raŋ

Trịnh Trương Thượng Phương: *raaŋ

Phan Ngộ Vân: *raaŋ

Như vậy từ này là một từ ít biến đổi, vẫn giữ âm “lang” từ hàng nghìn năm nay vì từ r- sang l- chỉ là một biến đổi nhỏ và là quy luật phổ thông ở Hán Ngữ. Chúng tôi cũng thống nhất ý kiến như Tạ Đức, Hoàng Thị Châu phục nguyên từ này trong ngôn ngữ Việt-Mường là “lang/chàng” tức cũng là từ chỉ người, nhưng nghĩa hẹp hơn từ mun/mon một chút, dùng chỉ riêng đàn ông hoặc kẻ quý tộc, hay vua quan (các nghĩa sau có lẽ phát sinh rất muộn, khi xã hội đã phát triển, có sự phân chia giai cấp).

Có mối liên hệ giữa lang và yang (giàng, trời trong một số ngôn ngữ Nam Á cổ) và cả từ dương chỉ mặt trời trong Hán ngữ, thật vậy phục nguyên âm thượng cổ Hán ngữ của các chữ dương 陽và 楊:

Karlgren: *di ̯aŋ
Lí Phương Quế: *raŋ
Vương Lực: *ʎiaŋ
Baxter: *ljaŋ
Trịnh Trương Thượng Phương: *laŋ
Phan Ngộ Vân: *laŋ    

(Lưu ý phục nguyên của Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân trùng chính xác với âm “lang” của chữ “lang 郎”).

3. Xét nghĩa toàn bộ từ “Văn Lang” :

Từ phục nguyên trên chúng ta có tên “Mun Lang” trong đó cả hai chữ đều có gốc là từ chỉ người tuy nhiên như vậy thì ý nghĩa trùng lặp không hay lắm, cách hiểu phù hợp hơn và thuận cú pháp tiếng Việt - Mường là: Mun là từ chỉ vùng đất cư trú tức “nước”, cũng tức là “Mường”, chữ sau mới là từ chỉ tộc danh và tên nước. Vậy nghĩa chốt lại là “Mường Lang”, từ này lại có thể hiểu theo hai nghĩa không phủ định nhau:

- Một là “mường của Lang” tức mường của vua, của nhóm tộc lãnh đạo một liên minh bộ lạc (quan điểm của giới khoa học hiện đại vẫn chỉ coi Văn Lang là một nhà nước sơ khai, một hình thức liên minh bộ lạc). Nghĩa này khớp với Đại Việt Sử Lược viết Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang dẫn ở trên.

- Hai là “mường của người Lang”, người Lang là giống người gì thì xin đọc tiếp phần dưới.

3. Phục nguyên chữ Kinh trong tên “người Kinh”

Luận điểm ưa thích của rất nhiều nhà nghiên cứu coi chữ “Kinh” trong tên người Kinh vốn xuất phát từ tên đất “Kinh 荊” tức vùng Hồ Bắc là vùng đất chính của nước Sở 楚thời Chu nên cũng gọi là “Kinh Sở” (thực ra nước Sở sau này mở rộng khỏi phạm vi đất Kinh rất nhiều). Đất Kinh bao gồm cả vùng hồ Động Đình ở Hồ Nam là đất cội nguồn của người Việt (người Kinh) trong truyền thuyết, nên giả thuyết trên quả thực rất hấp dẫn. Cả tên họ của vua Sở là họ “Hùng” và họ “Mị” cũng phù hợp với các danh xưng Hùng Vương (Vua Hùng), Mị Nương (Mệ Nàng, con gái vua Hùng) trong truyền thuyết của người Việt.

Tuy nghiên bám sát mặt chữ Hán thì chữ Kinh trong tên người Kinh (nghĩa là kinh đô) lại khác với chữ Kinh trong tên đất Kinh 荊(nghĩa là gai góc), cổ âm của chúng không thực sự đồng nhất như cách đọc hiện tại “kinh” ở tiếng Việt hay “jing” ở tiếng Hoa.

Phục nguyên chữ kinh (gai)

Karlgren: *ki ̯e ̆ŋ
Lí Phương Quế: *kjiŋ
Vương Lực: *kieŋ
Baxter: *krjeŋ
Trịnh Trương Thượng Phương: *keŋ
Phan Ngộ Vân: *keŋ

Phục nguyên chữ kinh (kinh đô)

Karlgren: *ki ̯a ̆ŋ
Lí Phương Quế: *kjiaŋ
Vương Lực: *kyaŋ
Baxter: *krjaŋ
Trịnh Trương Thượng Phương: *kraŋ
Phan Ngộ Vân: *kraŋ

Hãy chú ý đến phục nguyên của hai tác giả Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân, một chữ có âm đầu đơn k-, một chữ có âm đầu là tổ hợp có -r- (kr-), mà các tổ hợp có -r- thì nhiều trường hợp chuyển thành l- sau đời Hán như vậy chữ 京trong tên người Kinh có thể đọc ra “laŋ” tức Lang.

Một chứng cứ nữa nằm ngay trong hệ thống cấu tạo chữ Hán, đó là chữ kinh 京được dùng làm bộ phận biểu âm cho chữ lương 涼(nghĩa là mát lạnh), chú ý vần ang/ương rất dễ chuyển hóa cho nhau như ở các cặp từ đàng/đường, đang/đương, nàng/nường, tràng/trường .v.v.

Trong từ điển Việt Bồ La của A.D.Rhodes (1651) cũng có tên “người Lương”, ban đầu có lẽ dùng chỉ những người Kinh không theo đạo Gia Tô, về sau chỉ chung những người không theo tôn giáo nào, chỉ thờ cúng tổ tiên như thời thượng cổ. Khả năng tên “Lương” này vốn đã có từ rất xa xưa chứ không phải do các giáo sĩ phương Tây tùy tiện đặt ra, vì cho đến thời cận đại khi khai lý lịch người ta vẫn dùng chữ “Lương” để khai là không theo tôn giáo nào, mà “người Lương” vốn rất kỳ thị bên Công giáo, khó có chuyện mượn từ của bên Công giáo đặt ra.

Như vậy “người Kinh” cũng là “người Lang” hay “người Lương”, còn tên “Văn Lang” có cả nghĩa “Người Kinh” hay “Mường Kinh” ? Nếu lập luận của người viết đúng thì đây quả thực là một phát hiện rất thú vị.

4. Tên Văn Lang trong thư tịch cổ Trung Quốc.

Không phải Đại Việt Sử Lược đời Trần là sách đầu tiên đề cập tên Văn Lang, mà tên này đã có trong các thư tịch sớm hơn của Trung Quốc.

Sách 太平御覽Thái Bình Ngự Lãm, Bắc Tống (977 - 984). Chương Châu quận bộ thập bát 州郡部十八. Đoạn Lĩnh Nam Đạo 嶺南道. Nguyên văn:
《方輿志》曰:峰州,承化郡。古文郎國,有文郎水。亦陸梁地。秦屬象郡。二漢屬交趾郡。吳分置新興郡。晉改為新昌。陳置興州。隋平陳,改為峰州;煬帝初,廢。唐復置峰州。林邑記:蒼梧以南有文郎野人,居無室宅,依樹止宿,食生肉,采香為業,與人交易,若上皇之人。

Tạm dịch: Phương Dư chí viết: Phong Châu tức quận Thừa Hóa. Xưa là nước Văn Lang, có sông Văn Lang. Cũng là đất Lục Lương. Thời Tần thuộc Tượng quận. Tây Hán và Đông Hán thuộc quận Giao Chỉ. Nhà Ngô chia ra xếp vào quận Tân Hưng. Tấn đổi thành Tân Xương. Nhà Trần (557-589) gọi là Hưng Châu. Tùy thay Trần, cải ra Phong Châu; từ những năm đầu Tùy Dạng Đế (604-618) thì bãi bỏ. Đường triều khôi phục đặt là Phong Châu. Lâm Ấp Ký viết: Phía nam Thương Ngô có người Văn Lang hoang dã, sống không cần nhà cửa, dựa vào cây cổ thụ làm chỗ nghỉ ngơi, ăn thịt sống, lấy việc tìm hái hương liệu mưu sinh, trao đổi với người dưới xuôi, giống như thời tối cổ.

Xưa nay cụm từ 亦陸梁地(diệc Lục Lương địa) thường được diễn dịch là “cũng là xứ sở phóng túng hoành hành”, dựa theo nghĩa từ lục lương 陸梁là “hung cường”,  thường để chỉ  “giặc cỏ”. Sử ký của Tư Mã Thiên phần Tần Thủy Hoàng bản kỷ viết :

“略取陆梁地为桂林、象郡、南海”。司马贞史记索隐》:“谓南方之人,其性陆梁,故曰陆梁

Lược thủ Lục Lương địa vi Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải. Tư Mã Trinh trong “Sử Ký Sách ẩn” viết vị nam phương chi nhân, kì tính lục lương, cố viết lục lương.

... Chiếm đất  Lục Lương đặt làm các quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải. Tư Mã Trinh trong “Sử Ký sách ẩn” chú giải rằng lục lương là chỉ giống người  phương nam, do tính “hung cường”, nên gọi là Lục Lương) .

Theo người viết thì cách giải thích của sách vở Trung Quốc là xuyên tạc đầy ác ý. Nếu xét ngữ âm lịch sử thì chữ lục 陸có phục nguyên âm thượng cổ như sau

Karlgren: *li ̯ʊk
Lí Phương Quế: *ljəkw

Vương Lực: *liuk
Baxter: *c-rjuk
Trịnh Trương Thượng Phương: *m·rug
Phan Ngộ Vân: *mrug

Hãy chú ý phục nguyên của Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân *mrug có âm đầu là mr- còn âm cuối -g nếu đọc vang thì sẽ chuyển ra -ng tức là có thể ghi âm mrung. Trong quá trình tiêu biến của giới âm rung -r-, diễn ra khoảng đầu thời Hán tức thời Tư Mã Thiên viết Sử Ký, nó có thể chuyển hóa ra -i- hay -j- tức âm là mjung, khả năng mjung cũng là một dạng ghi âm chữ “mường”.

Vậy Lục Lương tức Mường Lương, cũng chính là Văn Lang như chúng tôi đã phục nguyên ở đoạn trên. Câu văn của Tư Mã Thiên như vậy phải dịch là Chiếm đất Văn Lang đặt làm quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải.

Nếu đúng Lục Lương là một dạng ghi âm sớm của “Văn Lang” thì sách cổ nhất đề cập đến “Văn Lang” chính là Sử Ký của Tư Mã Thiên, một tài liệu rất có uy tín, cách không xa thời Văn Lang lắm (Tư Mã Thiên sinh năm 145 TCN cách năm nước Văn Lang mất 257TCN - theo Toàn Thư khoảng hơn 1 thế  kỷ, còn nếu tính lại năm nước Văn Lang mất là 210TCN - theo các học giả hiện nay thì chỉ cách 65 năm)

Về tên sông Văn Lang mà Thái Bình Ngự Lãm viết ở trên, đối chiếu trên bản đồ thì vùng Phong Châu phía trên Việt Trì chỉ có sông Hồng, cũng còn gọi là sông Phú Lương. Khả năng Phú Lương chính là cách gọi về sau của sông Văn Lang hay Lục Lương. Vì cổ âm của âm đầu ph- của chữ phú vốn là b- cũng có khả năng chuyển đổi từ m- (như ở từ mồ hôi/bồ hôi hay con bò tiếng Mường là con mò) còn âm cuối -g ở mrug đã phục nguyên ở trên cũng có thể tiêu biến đi ví dụ như ở các cặp từ cùng nghĩa như chăng/chẳng/chả, mộng/mơ, kỵ/cúng, chi/chưng, vị/vựng ... cả trong Hán ngữ cũng vậy, chữ 疑vốn có âm cuối thượng cổ là –g  (Karlgren phục nguyên là *ŋi ̯əg) đã tiêu biến ở âm trung cổ “nghi” nhưng lại biến ra –ng ở chữ ngưng 凝. Tóm lại quá trình diến biến từ âm Lục Lương thời thượng cổ ra âm Phú Lương thời trung cổ có thể là mrug=>mru=>bu=>phú. Tác giả Tạ Đức cũng có đề cập đến tên tộc người Blang (Bố Lang) ở Vân Nam đầu nguồn sông Hồng và cũng cho rằng đây là một dạng biến chuyển của tên Văn Lang [1], Bố Lang dẫn đến tên Phú Lương cũng phù hợp về ngữ âm lịch sử.

Chú ý Lâm Ấp ký đã được dẫn trong Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên  郦道元(?-527) thời Nam Bắc Triều, nên có lẽ nó phải có từ thời Tấn tức là tên Văn Lang xuất hiện khá sớm chứ không phải đến thời Tống mới có, chưa kể khả năng chữ tên Văn Lang vốn được lưu truyền trong sách vở của người Việt từ trước đó nữa... độc lập với chữ Lục Lương do người Hán phiên âm.

5. Dương Việt cũng là Văn Lang.

Trong phần phục nguyên chữ Lang ở trên đã dẫn tư liệu phục nguyên của Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân cho các chữ dương 陽và 楊là giống nhau và trùng chính xác với âm “lang”,  có tác giả như Vương Lực thì còn phục nguyên có giới âm -i- tức đọc gần như “lương”. Như vậy tên nước Dương Việt 楊越trong thư tịch cổ của Trung Quốc cũng đọc là Lang Việt, các tư liệu dưới đây chứng minh nước “Lang Việt” đó cũng chính là Văn Lang.

Chiến Quốc sách viết về Ngô Khởi (440TCN-381TCN):

 南攻楊越,北並陳、蔡V ...  (Nam đánh Dương Việt , bắc thôn tính Trần,  Sái ...). Do các nước Ngô - Việt ở vùng hạ lưu cửa sông Trường Giang là ở phía đông nước Sở nên Dương Việt không thể là vùng Ngô - Việt,  mà phía Nam của Sở phải hiểu là vùng Hồ Nam thuộc cương vực nước Văn Lang theo sử Việt, chính người Trung Quốc cũng thừa nhận vùng này là đất Lạc Việt cổ. Chú ý Chiến Quốc Sách chỉ viết “công” (đánh) Dương Việt chứ không dùng chữ “tính” (thôn tính) như với hai nước Trần, Sái, phù hợp thực tế là Văn Lang tuy đã bị mất vùng Hồ Nam nhưng vẫn còn rất rộng, chưa bị tiêu diệt. Từ thời Ngô Khởi nước Sở đã trở nên rất hùng mạnh, sau thời Ngô Khởi gần 50 năm đã diệt nước Việt (khi đó đã gồm cả Ngô) vào năm 334TCN, mở rộng bờ cõi ra tận bờ biển. Chú ý khi đó nước Sở đã chiếm hết vùng lưu vực Trường Giang rộng lớn nhưng vẫn không thôn tính được Dương (Lang) Việt, như vậy dân Văn Lang xem ra cũng “lục lương” và hùng mạnh chứ không phải là một nước nhỏ và yếu.     

Sử Ký của Tư Mã Thiên viết 秦時已并天下,略定楊越,置桂林、南海、象郡(thời Tần thôn tính thiên hạ, lược định Dương Việt đặt làm các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận) . Theo nội dung câu văn thì Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận là đất Dương Việt tức Lang Việt hay Văn Lang. Các thư tịch Trung Quốc về sau chú giải Tượng Quận thời Tần là gồm cả Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, tức cho là Tần đã chiếm được hết đất Văn Lang khi đó (không kể vùng Hồ Nam tức quận Trường Sa đã mất từ trước vào tay Sở). Nhưng đây là kiểu nói nhận vơ, thực tế Tần chưa chiếm được vùng trung tâm Văn Lang, khi đó đã đổi tên là Âu Lạc, tức  là đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, nơi có kinh đô Cổ Loa của An Dương Vương, mà ngược lại 30 vạn quân Tần cùng với chủ tướng Đồ Thư đã bị tiêu diệt khi đánh vào đất Tượng quận... chữ “lược định” mà Tư Mã Thiên dùng, có thể dịch gọn là “bình định”, nhưng thực ra “lược” còn có thể hiểu là “sơ lược” tức mới bình định sơ qua chứ chưa phải là đã thôn tính được hết đất Dương/Lang Việt. Nhiều sử sách sau thời Sử Ký cũng lặp lại thông tin trên.

Trong phần Hóa thực liệt truyện, Tư Mã Thiên còn viết:

“九疑、蒼梧以南至儋耳者,與江南大同俗,而楊越多焉。”  (Từ Cửu Nghi, Thương Ngô về phía nam tới Đam Nhĩ, phong tục đại để giống vùng Giang Nam, mà đa số là dân “Lang Việt”). Thông tin này rất quan trọng xác định dân vùng ven biển Lưỡng Quảng đa số là người “Lang Việt”, có truyền thống văn hóa không thua kém chi vùng Hoa Nam.

Phần“Tự tự” của Thái Sử Công (Tư  mã Thiên tự viết bài tựa sách Sử Ký)  viết như sau:

“漢既平中國,而佗能集楊越以保南藩,納貢職。作南越列傳第五十三” (Nhà Hán đã bình được Trung quốc, mà Triệu Đà biết chiêu tập được bọn Dương Việt để bảo vệ bờ cõi phía Nam, chịu nạp cống lễ. Nên ta viết thành quyển thứ 53 “Nam Việt Liệt Truyện”). Theo nội dung này thì phải hiểu nước Nam Việt của Triệu Đà là thu gộp các vùng đất Lang Việt, tức Văn Lang theo sử Việt.

Trong sách Phương Ngôn của Dương Hùng đời Tây Hán cũng có hai lần đề cập tên Dương Việt,  nhưng dùng chữ dương bộ thủ  揚,  điều này cho thấy đây là tên phiên âm, chỉ lấy âm chứ không lấy nghĩa, trích một ví dụ: 癡,騃也。揚越之郊凡人相侮以為無知謂之眲。眲,耳目不相信也。或謂之斫   (si, ngãi dã, Dương Việt chi Giao phàm nhân tương vũ dĩ vi vô tri vị chi nạch, nạch: nhĩ mục bất tương tín dã hoặc vị chi chước- Si là lẩn thẩn, người Dương Việt ở đất Giao gọi những kẻ lơ ngơ chả biết gì là “nạch”, ý là tai mắt chả biết nhìn nhận chi, hoặc còn gọi là “chước”), ở đây hãy chú ý thông tin nói Dương(Lang) Việt là ở đất Giao (tức Giao Chỉ hay Giao Châu, là tên của vùng đất Văn Lang khi nhà Hán đã đặt thành châu quận), thông tin này tái khẳng định “Lang Việt” cũng là Văn Lang, là Giao Châu.

Các dữ liệu trên gần như là tất cả các trường hợp có đề cập đến tên Dương Việt trong thư tịch Trung Quốc từ đời Hán về trước mà người viết đã tìm được, và tất cả đều có liên quan đến vùng đất Văn Lang cổ  hay Giao Châu thời Hán.

Chú ý thêm là họ của Thi Sách, chồng của bà Trưng Trắc theo nhiều tư liệu thần tích là họ Dương 楊, mà Thi Sách là dòng dõi Lạc Tướng huyện Chu Diên nên khả năng họ đó chính ra phải đọc là Lang theo tiếng Việt Mường, Lang tức là chủ của một vùng đất (mường) của người Việt Mường. Các hoàng tử con vua Hùng đều gọi là Lang như Lang Liêu, Linh Lang … Việc lấy chức tước hay tên đất phong làm họ là khá thông thường thời xưa…

 6. Tên Việt Thường có liên hệ với tên Văn Lang.

Sách Thái Bình Ngự Lãm còn dẫn Phương Dư Chí như sau:

嶺南道:《方輿志》曰:安南府,今理宋平縣。古越地,《禹貢》揚州之地,號為百越。在周為越裳重譯之地。秦屬象郡。漢為交趾、日南二郡界,后漢因之。唐為交州。
Lĩnh Nam đạo : 《Phương dư chí 》viết :An Nam phủ, kim lí Tống Bình huyện. Cổ Việt địa, 《Vũ cống 》Dương Châu chi địa, hiệu vi Bách Việt. Tại Chu vi Việt Thường trùng dịch chi địa. Tần thuộc Tượng quận. Hán vi Giao Chỉ, Nhật Nam nhị quận giới, hậu Hán nhân chi. Đường vi Giao châu.

Lược dịch: Đạo Lĩnh Nam: Sách Phương dư chí viết: Phủ An Nam, kiêm quản huyện Tống Bình là đất Việt cổ, Sách Vũ cống nói đất Dương châu gọi là Bách Việt. Thời Chu là đất Việt Thường phải qua mấy lần phiên dịch. Đời Tần thuộc Tượng quận. Hán  nằm trong địa giới hai quận Giao Chỉ, Nhật Nam, hậu Hán cũng thế. Đường đặt làm Giao châu ...

Theo nội dung trên thì trước thời Chu vùng đất từ Giao Chỉ đến Nhật Nam cũng được người Trung Quốc coi là đất Việt Thường, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ ở phía Nam của nước Văn Lang theo sử Việt, đến trước đời Tần thì Văn Lang đã bị mất phần phía bắc dãy Ngũ Lĩnh nên “bộ Việt Thường” cũng co lại, chỉ còn là một phần nhỏ ở phía Nam Cửu Chân, khoảng Hà Tĩnh ngày nay.

* Vậy tên Việt Thường nghĩa là gì?

Phục nguyên âm chữ thường 裳:

Karlgren: ȡi ̯aŋ
Lí Phương Quế: djaŋ
Vương Lực: ʑiaŋ
Baxter: djaŋ
Trịnh Trương Thượng Phương: djaŋ
Phan Ngộ Vân: gljaŋ

So sánh thấy khá giống phục nguyên âm  chữ tượng象:

Karlgren: dzi ̯aŋ
Lí Phương Quế: rjaŋx
Vương Lực: ziaŋ
Baxter: zjaŋʔ
Trịnh Trương Thượng Phương: ljaŋʔ
Phan Ngộ Vân: ljaŋʔ

Tiếng Việt có từ “to tổ chảng”, chảng tức là con voi, âm chảng khá gần âm phục nguyên của chữ Tượng 象theo Baxter là *zjaŋ. Vì vậy Việt Thường có thể là “Việt Tượng”, “Việt Chảng” (Việt Voi), đây là tên đặt thuận theo cú pháp tiếng Việt chứ không theo cú pháp Hán là “Thường Việt” hay “Tượng Việt”. Tên này phù hợp với truyền thống sử dụng voi trong chiến đấu, trong sản xuất và cả trong các lễ hội của người Việt. Vùng có nhiều voi là vùng từ  Giao Chỉ kéo dài xuống tận Nhật Nam, tức Tượng Quận thời Tần mà Thái Bình Ngự Lãm đã viết, vì vậy việc vùng đất này có tên “Việt Chảng” , “Việt Voi” theo tiếng Việt hay Tượng Quận theo Hán ngữ xem ra cũng có lý.

Một hướng giải thích khác: vì “chang” cũng có thể là “chàng” là dạng biến âm của lang (có khả năng là âm cổ hơn) vậy Việt Thường cũng là Việt Lang, nếu đảo lại theo cú pháp Hán là Lang Việt và ký âm “lang” bằng chữ dương 楊  hay 揚thì cũng là Dương Việt. Tác giả Tạ Đức cũng có nhận định về liên quan giữa nước Việt Thường và nước Việt Chương ở vùng Giang Tây, có lẽ chỉ qua âm đọc hiện đại (chang so với zhang) nhưng trường hợp này xem ra Tạ Đức lại có lý, Tạ Đức (có lẽ) không biết chữ dương từng có âm đọc là “lang” nhưng lại có những nhận định khá chính xác, xin trích dẫn một đoạn sau:

 “Theo Meacham (1996:93): tên Dương Việt vào cuối thời Tây Chu (thế kỷ 8 TCN) còn thấy ở vùng trung lưu Dương Tử (vùng hồ Động Đình), nhưng đến cuối thời Chiến Quốc (thế kỷ 3 TCN) lại thấy ở Nam nước Sở (Nam Hồ Nam), đến thời Tần- Hán thì thấy ở Quảng Đông và tận Quế Lâm, Quảng Tây. Sự di chuyển của tên gọi Dương Việt đó đã phản ánh sự thiên di liên tục về phía Nam của người Việt Thường dưới sức ép bành trướng của Sở xuống Hồ Nam, mạnh nhất vào thế kỷ 5 TCN. Dương Việt chính là một tên gọi khác của Việt Thường cũng như của các tên gọi Thương Ngô và Tường Kha...”. Nhận định này phù hợp với việc lãnh thổ Văn Lang (Dương Việt, Lang Việt) bị Sở xâm lấn, biên giới dịch chuyển dần về phía Nam.

Phan Anh Dũng

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 23.2.2020.

 

TÓM TẮT

Bài viết này đề xuất cách giải thích tên “Văn Lang” là “Mường Lang”, cũng là “Mường Kinh” và nghĩa gốc là “Người Kinh”, lập luận dựa vào các cứ liệu ngữ âm lịch sử và các dữ liệu ở thư tịch cổ. Ngoài ra có khảo chú mở rộng các tên liên quan đến tên Văn Lang là Lục Lương, Dương Việt, Việt Thường.

Tài liệu tham khảo:

1. Phục nguyên âm thượng cổ Hán ngữ ở trang web của Đại học Thượng Hải http://www.eastling.org/oc/oldage.aspx có bản sao ở trang http://fanzung.com/?page_id=445

2.中上古汉语音的纲要, 高本汉, 齐鲁书社, 济南. 1987.

3. A Handbook of Old Chinese PhonologyGS William Baxter (1992, New York, Berlin).

4. 古漢語字典, Vương Lực, Cổ Hán ngữ tự điển.

5. Etymological_Dictionaryof old Chinese, Axel Schuessler, 2007 University of Hawai’i Press.

6. Từ điển Mường Việt .  Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành, NXB Văn hóa dân tộc. 2002

7. Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Nguyễn Tài Cẩn, NXB Giáo Dục, Hà Nội. 1995

8. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nguyễn Tài Cẩn. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. 2000

9. Nguồn gốc người Việt - người Mường.  Tạ Đức . NXB Tri Thức 2013.


[1] Người Bố Lãng (chữ Hán: 布朗族- Bố Lãng tộc), một vài từ điển phiên thành người Bu-răng, còn gọi là Bulong hay Blang.

Tiếng nói/ ngôn ngữ của mỗi quốc gia dân tộc, bất kể quốc gia dân tộc nào, đều là một thứ tài sản vô giá, trước hết, với chính quốc gia dân tộc ấy. Nó là căn cước văn hóa của dân tộc. Mất căn cước văn hóa, dân tộc không là gì, không còn gì cả.

Chẳng thế mà trước đây ngót một thế kỷ, ông chủ bút Nam Phong tạp chí, nhân một dịp diễn thuyết về thi hào Nguyễn Du và danh tác “Truyện Kiều”, đã khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Và về sau này, với tình yêu tiếng Việt vô hạn, thi sĩ Lưu Quang Vũ đã viết những câu thơ dào dạt đắm đuối: “Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ/ Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay/ Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay/ Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt/ Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời…” (Tiếng Việt). Vậy nên, ở bình diện lý trí, việc giữ gìn tiếng nói/ ngôn ngữ dân tộc mặc nhiên đã trở nên một yêu cầu mang tính bắt buộc và thường trực.

Tiếng Việt và những

Có những tranh luận khác nhau quanh việc dịch các tác phẩm của Dostoievsky sang tiếng Việt. 

Nhưng trong bối cảnh xã hội nước ta hiện nay, khi trình độ dân trí rõ ràng đã được nâng lên rất nhiều so với trước, và sự hội nhập với thế giới đang diễn ra hằng ngày, lại nảy sinh một câu hỏi: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt như thế nào?

Câu hỏi không hề là ngẫu nhiên, chỉ cần chúng ta nhìn thực tế đời sống của văn học dịch thời gian gần đây sẽ thấy: Cụm từ “sự trong sáng của tiếng Việt” luôn được dẫn ra như một chuẩn mực để định giá chất lượng bản dịch tiếng Việt của những tác phẩm văn học nước ngoài. Hơn thế, như một lời răn đe trước những bản dịch bị coi là luộm thuộm, lủng củng, xa lạ, tối nghĩa về hành ngôn tiếng Việt.

Quả đúng là đã có không ít bản dịch như vậy, và không gì khác hơn, chúng là sản phẩm tồi của những người dịch kém. Nhưng ngược lại, oái oăm thay, cũng có nhiều trường hợp bị kết án oan, và ở những trường hợp ấy, cụm từ “sự trong sáng của tiếng Việt” nhiều khi chỉ đơn giản là một thứ vũ khí sẵn có, được người ta sử dụng cũng chính bởi sự sẵn có ấy, như một quán tính.

Bản dịch tiểu thuyết “Lolita” của Dương Tường là một ví dụ. Khỏi phải nói, dịch “Lolita”, nghĩa là dịch giả chấp nhận đối mặt với thách thức cực lớn. Bởi nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov vốn khét tiếng thế giới như một phù thủy về ngôn ngữ. Tiểu thuyết “Lolita” của ông trùng điệp những ẩn dụ, những trò chơi ngôn từ, những cấu trúc câu, những liên văn bản và xuyên văn bản bất tận, cực kỳ… quái đản! Tóm lại, theo nghĩa nào đó, “Lolita” là một mê cung ngôn ngữ mà người viết bày ra với mục đích, không gì khác, để tạo sự mờ đục làm rối trí người đọc. (Thứ văn chương làm rối trí người đọc cũng cần thiết, ít nhất, ở mức ngang bằng với thứ văn chương khiến người đọc được thư giãn). Trước một tác phẩm như vậy – một tác phẩm đã được chúng khẩu đồng từ xếp vào hàng kinh điển của tiểu thuyết hiện đại – mà dịch ra tiếng Việt sao cho đơn giản, dễ hiểu, “trong sáng”, thì cũng chính là cách xuyên tạc tác giả hiệu quả nhất.

Một dịch giả lão thực như Dương Tường không chọn cách này. Ông trung thành với phong cách ngôn ngữ của Nabokov. Dịch “Lolita”, đến chỗ nào văn bản trở nên đa nghĩa hoặc quá tối nghĩa với người đọc, Dương Tường dùng chú thích. (Có tất thảy gần năm trăm chú thích trong bản dịch “Lolita”, một sự nỗ lực và thận trọng hiếm thấy trong hoạt động dịch văn học ở ta hiện nay – không nên quên rằng trong bản dịch “Lolita” tiếng Pháp của Eric Kahane, bản dịch được chính Nabokov đánh giá rất cao, thậm chí còn chẳng có lấy một chú thích nào! Và do vậy, câu văn dịch “trên dòng kẻ có những dấu chấm” cùng lắm chỉ là một lỗi bất cẩn nho nhỏ của Dương Tường, không đáng để thiên hạ xô vào đay đi nghiến lại nhiều như thể trời sắp sập tới nơi).

Nhưng những người đọc thụ động thì không đủ hứng thú và lòng kiên nhẫn để đi theo một trò chơi ngôn ngữ quá rắc rối. Họ khó chịu, và đó là dịp quá tốt để cụm từ “sự trong sáng của tiếng Việt”, luôn sẵn đấy, lại được dẫn ra như một lời răn đe.

Ví dụ này gợi nhớ đến cố dịch giả Cao Xuân Hạo. Sinh thời, ông Cao Xuân Hạo từng phàn nàn về chuyện có tác phẩm nào đó của F. M. Dostoievsky (xin miễn cho người viết việc phải nêu tên) được dịch ra tiếng Việt bằng một văn phong hết sức “trong sáng”, mềm mại, uyển chuyển, dễ đọc, và đọc rất “dễ chịu”. Trong khi trong nguyên tác tiếng Nga thì đó là một cách hành văn với tiết tấu giật cục, gấp gáp, tác giả cố ý sử dụng kiểu ngôn từ tạo cảm giác u ám, nặng nề đến tức thở, nhiều chỗ lại là sự thống ngự của những lớp ngôn từ thô tục.

Tác phẩm gốc như thế và tác phẩm dịch như thế, thì chẳng sai, dịch đích thị là diệt, và cái quan niệm cứng nhắc về “sự trong sáng của tiếng Việt” chính là thứ vũ khí quá tốt để tiêu diệt phong cách của thiên tài văn học Nga. (Dịch giả Cao Xuân Hạo, vốn dĩ là người rất dị ứng với hệ tiêu chí “Tín, Đạt, Nhã” do dịch giả Trung Quốc Nghiêm Phục đưa ra, từng kêu lên đầy bực tức, rằng nếu như ở tác phẩm gốc, tác giả cố tình viết một cách thô tục, mà người ta lại cứ chăm chăm phải dịch ra tiếng Việt sao cho được Nhã, thì phải dịch cách gì đây để đảm bảo trung thành với nguyên tác?).

20210911 3

 Sự trong sáng của tiếng Việt qua các thời kỳ cũng có những biên độ khác nhau? Ảnh: L.G

Từ hai ví dụ trên, ít nhất, có thể rút ra một điều: Nên có quan niệm và ứng xử cởi mở hơn trước yêu cầu “phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Ngôn ngữ không phải là một hệ thống nhất thành bất biến. Nó như một sinh thể, thường xuyên vận động, thêm vào và mất đi, liên tục được làm mới.

Mà một trong những con đường làm mới ngôn ngữ hiệu quả nhất, chính là việc dịch văn học. Lịch sử văn học dịch Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ XX đã cho thấy: Thông qua sự tiếp xúc và chuyển hóa những tác phẩm văn học thuộc các ngôn ngữ khác, tiếng Việt đã hấp thụ vào mình nhiều lớp ngôn từ mới, nhiều cấu trúc câu văn mới, nhiều mô hình tư duy ngôn ngữ mới, và đã trở nên giàu có hơn từ đó.

Hãy cứ hình dung: Nếu trước năm 1945 mà không có những bản dịch các tiểu thuyết chương hồi của Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục (“Tam quốc chí diễn nghĩa”, “Đông Chu liệt quốc”), không có những bản dịch “An Na Kha Lệ Ninh” (Anna Karenina) của Vũ Ngọc Phan, “Những kẻ khốn nạn” (Những người khốn khổ) của Nguyễn Văn Vĩnh, và nhiều dịch phẩm văn học khác nữa, tiếng Việt của chúng ta chưa chắc đã đạt tới sự đa dạng và thanh thoát như bây giờ. Bởi vậy, nếu cứ khăng khăng “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” với mặc định rằng đó là một di sản ngôn ngữ đông cứng, thì hậu quả sẽ không chỉ là sự triệt tiêu phẩm tính đặc dị trong phong cách nghệ thuật của các tác giả văn học nước ngoài, mà còn là sự triệt tiêu khả năng phong phú hóa của bản thân tiếng Việt.

Với văn học dịch là thế. Còn với sáng tác văn học trong nước thì sao? Có lẽ chỉ cần nói ngắn gọn: Chúng ta không ủng hộ những sự làm xấu tiếng Việt, nhưng cũng không nên bám chặt vào một sự “trong sáng” mơ hồ nào đó của tiếng Việt để đóng sập cửa trước những nỗ lực cách tân ngôn ngữ văn chương. Xét cho cùng, “sự trong sáng của tiếng Việt” không ngưng đọng vào chỉ duy nhất một hình thái nào đó. Lối viết văn tiếng Việt với dày đặc những câu biền ngữ, đăng đối như trong các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh hay trong “Nho Phong” của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, là biểu hiện của một thứ tiếng Việt “trong sáng”.

Nhưng cũng “trong sáng” không kém là câu văn tiếng Việt của chính Nhất Linh ở giai đoạn sau, trong các tiểu thuyết như “Đoạn tuyệt”, “Đôi bạn”, “Bướm trắng”… cho dù câu văn tiếng Việt ở đây đã rất khác với ở “Nho Phong”. Hoặc giả, nếu cứ thuận theo ý kiến (không hề sai) của đa số độc giả, rằng các truyện ngắn và tùy bút của Thạch Lam là một mẫu mực về “sự trong sáng của tiếng Việt”, thì cũng không vì thế mà bảo những câu văn tiếng Việt của Nguyễn Tuân – ngôn ngữ được đẽo gọt rất cầu kỳ, sử dụng những kết hợp từ đầy bất thường và bất ngờ, những cú pháp bị vặn xoắn theo kiểu… chẳng giống ai – là không “trong sáng”. Nó là thứ tiếng Việt “trong sáng” theo cách khác. Tóm lại, nói khác đi, ở đây chúng ta buộc phải có một cái nhìn dân chủ hóa trước cụm từ “sự trong sáng của tiếng Việt”. Nó không giống như chân lý tối thượng của Chúa Trời, đơn nghĩa. Nó là một tập hợp của những chân lý tương đối, luôn mở ra, mời gọi sự sáng tạo của tất cả.

Không nên quên rằng trong lĩnh vực đặc thù như văn chương, ngôn ngữ đã không còn là ngôn ngữ tiêu dùng nữa, mà là ngôn ngữ của nghệ thuật. Xuất phát từ ngôn ngữ đời sống, nhưng nó đã được mã hóa. Và do vậy, nó mang đậm dấu ấn cá tính sáng tạo của người sử dụng, không loại trừ cả sự đánh đố, khiêu khích, gây hấn bằng ngôn ngữ. Vấn đề còn lại là thái độ của người tiếp nhận. Nếu ta cứ đòi hỏi ngôn ngữ văn chương phải hiền lành, đơn nghĩa, dễ hiểu, “trong sáng” theo cách của ngôn ngữ tiêu dùng, thì tốt nhất là chẳng cần có văn chương làm gì.

Không nên quên rằng lời kêu gọi “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” được nói ra trong bối cảnh một nước Việt Nam với trình độ dân trí nhìn chung rất thấp, tỷ lệ người mới thoát nạn mù chữ cao ngang với tỷ lệ người còn mù chữ. Để tuyên truyền, để vận động đối tượng này một cách hiệu quả nhất, không gì khác, cần phải sử dụng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu nhất có thể. 

Nhưng không nên quên rằng bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại đã rất khác. Tốt nghiệp đại học đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Và không nên quên rằng tiếng Việt là một sinh ngữ. Nó tồn tại. Và liên tục vận động 

Hoài Nam

Nguồn: An ninh thế giới giữa và cuối tháng, ngày 04.9.2021.

25 thế kỷ trước, mọi “tư liệu giấy tờ” của triều đình Achaemenid tại Đế quốc Ba Tư đều được ghi lại trên các tấm đất sét – và hàng vạn tấm trong số đó đã được các nhà khảo cổ học tại Viện Phương Đông thuộc Đại học Chicago – Hoa Kỳ, phát hiện nguyên vẹn vào năm 1933. Qua nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã bỏ ra nhiều công sức để tìm hiểu và phiên dịch nội dung từng văn bản cổ này. Tuy vậy, quá trình phiên dịch thủ công thường rất khó khăn, kéo dài và thường dễ mắc lỗi.

20200426 2

Kể từ thập niên 1990, công việc của các nhà khoa học đã có thêm sự hỗ trợ của máy tính – dù không nhiều thành công, một phần bởi vì tính chất ba chiều của văn bản trên đất sét và sự phức tạp của hệ thống chữ hình nêm. Nhưng mới đây, một đột phá công nghệ của ĐH Chicago có thể cuối cùng tạo chìa khóa mở ra khả năng phiên dịch tự động các văn bản này, cũng như cho phép các nhà khoa học có thể rảnh tay thực hiện các phân tích sâu hơn. Qua đó, giúp chúng ta hé mở thêm nhiều thông tin về lịch sử, xã hội và ngôn ngữ thời Achaemenid.

Dự án DeepScribe được thành lập vào năm 2019 với sự cộng tác giữa các chuyên gia của Viện Phương Đông (OI) và Khoa Khoa học Máy tính và nhận được tài trợ từ Trung tâm Dữ liệu và Tin học – ĐH Chicago (CDAC). Khởi đầu với bộ dữ liệu gồm 6000 hình ảnh từ Kho lưu trữ thành cổ Persepolis dùng để “huấn luyện” cho AI, dự án sẽ xây dựng một mô hình học máy có thể “đọc” các tấm đất sét trong bộ sưu tập, và có thể sẽ cho ra đời một công cụ cho phép các nhà khảo cổ học ứng dụng với các loại ngôn ngữ cổ khác.

“Nếu chúng ta có thể xây dựng được một công cụ vừa linh hoạt vừa có thể ứng dụng rộng rãi cho các hình thức chữ viết và thời đại khác nhau, đó sẽ trở thành bước ngoặt lớn trong giới nghiên cứu,” PGS. Susanne Paulus, chuyên gia Assyria học tại ĐH Chicago, nói.

Dự án DeepScribe được thai nghén khi Paulus, Sandra Schloen và Miller Prosser từ OI có cuộc gặp gỡ với phó giáo sư Sanjay Krishnan trong một sự kiện về nghiên cứu nhân văn số. Schloen và Prosser có vai trò quản lý OCHRE, một cơ sở dữ liệu trực tuyến của Viện tập hợp và sắp xếp tư liệu của các cuộc khai quật khảo cổ và các hoạt động nghiên cứu khác. Trong khi đó, Krishman nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật AI và học sâu vào phân tích các hình thức dữ liệu phức tạp. Sự tương hợp giữa hai phía sau đó đã dọn đường cho khả năng hợp tác.

“Rất thú vị khi nhìn từ điểm nhìn thị giác máy tính (computer vision) vì đây là những thách thức mà tất cả chúng tôi cùng đối mặt. Ngành thị giác máy tính trong 5 năm qua đã tiến bộ vượt bậc; mà nếu 10 năm trước thôi chúng tôi sẽ không thể đạt được bước tiến như bây giờ.” PGS. TS Krishnan nói, “Đây là một vấn đề học máy rất hay, vì khi lấy chính xác làm mục tiêu, chúng tôi hưởng lợi từ việc có một bộ mẫu có hệ thống để luyện tập và có hiểu biết rất kỹ càng về [đối tượng nghiên cứu] là văn tự [hình nêm]. Vậy nên đây không phải là vấn đề chưa từng được biết đến.”

Bộ dữ liệu được dùng để huấn luyện cho AI được lấy từ kết quả nghiên cứu suốt 80 năm của các nhà khoa học Viện và ĐH Chicago, cũng như dự án gần đây nhằm số hóa bộ sưu tập văn bản đất sét bằng ảnh chụp có độ phân giải cao – với khối lượng hiện đã lên đến 60 terabyte và vẫn tiếp tục mở rộng – trước khi chúng được trả về Iran. Tận dụng bộ sưu tập này, các nhà khoa học đã biên soạn một từ điển tiếng Elamite viết trên các tấm sét, cũng như cho sinh viên hỗ trợ xây dựng một bộ dữ liệu gồm hơn 100 nghìn “điểm nóng” hay là các dấu hiệu riêng đã xác định.

Với những nguồn lực của Trung tâm Máy tính UChicago, Krishnan đã sử dụng dữ bộ dữ liệu này để huấn luyện một mô hình học máy mới tương tự như mô hình sử dụng ở các dự án thị giác máy tính khác. Khi thử nghiệm với các tấm sét không nằm trong bộ dữ liệu gốc, mô hình này có thể phiên dịch các ký tự hình nêm với độ chính xác lên đến 80%. Giai đoạn nghiên cứu tiếp theo sẽ xem xét vấn đề của 20% sai số để tìm cách nâng độ chính xác lên cao hơn nữa.

Nhưng hiện tại thì với độ chính xác 80%, mô hình này cũng có thể giúp ích rất nhiều cho việc đọc. Nội dung của nhiều tấm sét thực ra chỉ ghi chép hoạt động mua bán, giống như “một tập hóa đơn siêu thị vậy”, theo PGS.TS Paulus. Và trên thực tế thì một hệ không được bổ sung thêm vào “bộ não” của chúng thì hệ đó vẫn hữu dụng.

Cũng theo PGS. TS Paulus: “Nếu như máy tính có thể phiên dịch và xác định ra những đoạn thông tin lặp đi lặp lại và để lại cho các chuyên gia các đoạn phức tạp như tên địa danh, động từ, hay các từ cần giải nghĩa… thì cũng đã rất được việc rồi.”

“Còn nếu như máy tính không thể quyết định cách đọc văn bản, nó vẫn có thể gửi về cho chúng ta các phương án khả thi nhất hay xác suất – như vậy cũng là một khởi đầu tốt cho nhà nghiên cứu. Điều đó rất tuyệt vời.”

Tham vọng lớn hơn của nhóm là sẽ biến DeepScribe thành một công cụ đọc và phiên dịch đa năng mà họ có thể chia sẻ với các nhà khảo cổ khác. Ví dụ như mô hình hiện tại có thể được huấn luyện lại cho các ngôn ngữ sử dụng văn tự hình nêm khác ngoài tiếng Elamites; hoặc huấn luyện để tự động hoàn thiện các nội dung văn bản bị khuyết thiếu. Một mô hình học máy như vậy còn có thể giúp xác định niên đại hay nguồn gốc của tấm sét hay các hiện vật khác, vấn đề vốn trước nay phải dựa vào phân tích hóa học.

Các dự án tương tự do CDAC tài trợ đang sử dụng tiếp cận thị giác máy tính cho nhiều hướng ứng dụng khác nhau, trng đó có nghiên cứu đa dạng sinh học và nghiên cứu tác phẩm nghệ thuật. Những hợp tác trong dự án này cũng hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho nhiều sự hợp tác trong tương lai, khi khảo cổ học kỹ thuật số ngày càng đến gần hơn các phương pháp tính toán tiên tiến.

Rob Mitchum (University of Chicago, ngày 11.3.2020.)

Tuấn Quang dịch

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 20.4.2020.

TTO - Gần đây khi đọc báo nghe đài, một từ 'lạ tai' đang xuất hiện với một tần số cao: thu dung.

20210816 2

Ảnh chụp tại một bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG

"Bộ Y tế lên phương án thu dung điều trị bệnh nhân COVID - 19 tại Bắc Giang", "Trình Thủ tướng lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu trước yêu cầu cấp bách phòng chống dịch", "Thành phố Hồ Chí Minh triển khai bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID - 19"... Bà con cứ thắc mắc thu dung là gì? Đây từng là một từ thường dùng trong thời kỳ chiến tranh, nhất là ở miền Bắc. Những ai đã đi bộ đội Cụ Hồ đều không xa lạ gì đối với từ này.

Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam (Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự Bộ Quốc phòng, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1996): "Thu dung, toàn bộ các biện pháp đón nhận thương binh, bệnh binh, quân nhân lạc ngũ, rớt lại sau đội hình hành quân. (...) Các đội, trạm thu dung giúp đỡ những người được thu dung về y tế, vật chất, đưa trả họ về đơn vị hoặc đưa đến bệnh viện gần nhất" (trang 756). 

Có hai loại hình thu dung: một là các đội thu dung thường di chuyển phía cuối đội hình hành quân, hai là các trạm thu dung được bố trí tại vị trí nghỉ ngắn hoặc nghỉ dài của các tuyến đường hành quân.

Từ ngữ quân sự được sử dụng thời chiến, sau đó đi vào cuộc sống thường nhật cả trong thời bình. 

Đến nay, anh em cán bộ Đoàn vẫn hay nói, hay viết: điểm danh quân số, ngày hội quân chiến sĩ tình nguyện, chiến dịch 30 ngày đêm hoàn thành vượt mức kế hoạch... 

Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Hồng Đức, 2016) đã định nghĩa theo cách dùng thường ngày, ngắn gọn như sau: "Thu dung (động từ): đón nhận và cho ở". 

Thu dung theo nghĩa này cũng được Đào Duy Anh ghi nhận trong Hán Việt tự điển giản yếu (1932). Bạn đọc nào biết chữ Hán đều rõ: thu (收, bộ Phác) được dùng với nghĩa "lấy về / nhận về"; dung (容, bộ Miên) được dùng với ý nghĩa "chứa đựng /bao gồm". 

Như vậy, thu dung trong trường hợp này có nghĩa là tổ chức tiếp nhận và bố trí nơi ăn ở cho các bệnh nhân COVID - 19 để khám và điều trị cho họ.

Dung (容) còn một nghĩa nữa: hình dáng, gương mặt, diện mạo. Người Việt rất ưa dùng từ này để đặt tên: Mỹ Dung, Kim Dung, Ngọc Dung, Hạnh Dung, Phương Dung, Xuân Dung... Cho nên những ai được cha mẹ đặt tên là Thu Dung (秋容) thì yên tâm sẽ không bị ai kêu réo vì lý do cái tên riêng của mình: nghĩa ở đây rất lãng mạn - gương mặt mùa thu!

Duyên Trường

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 01.8.2021.

20200411

Quang cảnh Lễ thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ 5-1938. Ảnh Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Trước khi chữ Quốc ngữ ra đời ở Việt Nam, người Việt sử dụng chữ Hán và chữ Nôm làm công cụ biểu đạt tư tưởng, tình cảm và văn hóa. Chữ Hán là thứ chữ tượng hình, tượng ý thuộc loại khối chữ vuông, chữ Nôm là chữ Hán - Việt (dùng chữ Hán để biểu hiện âm Việt). Tuy nhiên, hai văn tự đều khó học, khó nhớ, khó tiếp cận đối với tầng lớp nhân dân lao động.

Năm 1938, Hội Truyền bá Quốc ngữ (TBQN) được thành lập. Trong 7 năm tồn tại và hoạt động (1938-1945), Hội TBQN đã góp phần xóa nạn mù chữ, bước đầu xây dựng một nền giáo dục bình dân, bãi bỏ những tệ nạn hủ tục, nâng cao dân trí, phổ biến chữ Quốc ngữ và đóng góp vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những thành tựu mà Hội đạt được là không nhỏ đối với lịch sử dân tộc trong những năm tr­ước Cách mạng Tháng Tám 1945.

1. Chủ trương chống nạn mù chữ, thất học của Đảng Cộng sản Đông Dương và sự ra đời của Hội truyền bá Quốc ngữ

Cuối thế kỷ XIX, sau khi hoàn toàn chiếm đóng Việt Nam, thực dân Pháp thi hành chính sách “chia để trị”, dùng người Việt để trấn áp người Việt. Về mặt văn hóa, giáo dục, Pháp áp đặt chính sách ngu dân, hạn chế giáo dục, lừa bịp nhân dân Việt Nam để dễ dàng cai trị. Để thực hiện chủ trương trên, chính quyền thực dân một mặt hạn chế giáo dục, thu hẹp việc mở trường lớp đến mức tối thiểu và kiểm soát gắt gao. Điển hình như ở Trung Kỳ có 15 tỉnh, trên 5 triệu dân nhưng chỉ có 4 trường (2 ở Huế, 1 ở Vinh và 1 ở Quy Nhơn). Cả nước chỉ có 3 trường trung học ở thủ phủ 3 kỳ là Sài Gòn, Huế, Hà Nội[1].

Riêng về lĩnh vực giáo dục phổ thông, theo thống kê của Phủ Toàn quyền, năm 1939 toàn Việt Nam có 287.037 học sinh từ tiểu học đến cao đẳng, dạy nghề, chiếm 1,44% dân số[2].Trong cuốn “Hồi ký Thanh Nghị” của Vũ Đình Hòe: Năm 1940, số trẻ em đến tuổi đi học là 3,5 triệu, số học sinh ở cấp tiểu học cả trường công lẫn trường tư là 605.000 người, nghĩa là trong 100 đứa trẻ mới được non 18 đứa đi học.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Chính cương vắn tắt của Đảng chỉ rõ mục tiêu cách mạng là làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản, về phương diện xã hội, phải phổ thông giáo dục theo công nông hóa[3].

Thực hiện chủ trương của Đảng, cao trào cách mạng 1930-1931 đã diễn ra sôi nổi mạnh mẽ, với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh sau khi được thành lập đã quyết định tổ chức các lớp dạy chữ Quốc ngữ, tổ chức các buổi đọc báo, giảng sách vào buổi trưa và ban đêm. Không khí học tập diễn ra sôi nổi khắp các xóm, làng:

“Lớp quốc ngữ, lối về chăm học

A, B, C...miệng đọc thanh thanh

Trông vào lớp mới như tranh

Sát vao ?đầu bạc, đầu xanh chung bài”[4]

 Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp tiến hành chính sách khủng bố trắng, đàn áp, dập tắt cao trào cách mạng 1930-1931 trên toàn lãnh thổ Việt Nam, các lớp học chữ Quốc ngữ cũng bị giải tán. Mặc dù vậy, tinh thần học chữ Quốc ngữ không hề suy giảm. Trong hầu hết các cuộc đấu tranh, biểu tình những năm tiếp theo, khẩu hiểu đòi mở lớp học chữ Quốc ngữ vẫn luôn xuất hiện. Các chiến sĩ cộng sản bị bắt giữ, cầm tù đã thực hiện khẩu hiệu “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Trong thời gian bị giam cầm, các đảng viên đã tranh thủ thời gian để trau dồi, học tập văn hóa.

Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939, các quyền tự do dân chủ được nới lỏng, trong đó có quyền tự do báo chí. Một số tờ báo của Đảng được hoạt động công khai. Để các chủ trương, chính sách của Đảng đến được với đông đảo quần chúng nhân dân thì quần chúng nhân dân, đặc biệt là công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị... phải biết chữ. Chính vì vậy, việc tổ chức các lớp dạy chữ Quốc ngữ lại càng trở nên cấp thiết. Trên nhiều tờ báo, khẩu hiệu chống nạn mù chữ được in rất to, đậm.

Từ sau phong trào Đông Dương Đại hội, nhiều lớp dạy chữ Quốc ngữ đã được mở, đa số thầy dạy đều không nhận lương. Nhu cầu học chữ Quốc ngữ ngày càng cao. Nhận thấy tầm quan trọng của việc diệt giặc dốt, chống nạn mù chữ. Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ trương xúc tiến thành lập “Hội truyền bá Quốc ngữ”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Trần Huy Liệu đã gặp Phan Thanh[5] - một trí thức yêu nước, giáo viên trường tư thục Thăng Long, thành viên Hội Mở mang nền giáo dục tư thục để bàn bạc về việc thành lập hội. Nhóm giáo viên trường Thăng Long bao gồm: Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám,... đều nhiệt liệt hưởng ứng. Sau khi bàn bạc, thống nhất ý kiến, mọi người đã thống nhất mời cụ Nguyễn Văn Tố[6] - một học giả có uy tín ở Viễn Đông Bác Cổ, Hội trưởng Hội Trí tri tham gia.

Nguyễn Văn Tố - Hội trưởng đầu tiên của Hội truyền bá Quốc ngữ

Tại cuộc họp ở nhà Phan Thanh (số 165 đường Henri d’Orléans, nay là phố Phùng Hưng, Hà Nội) vào đầu năm 1938 do Trần Huy Liệu chủ trì, các nhân sĩ đã thống nhất cần thành lập một hội, ban đầu dự định là Hội chống nạn thất học, sau lấy tên là Hội Truyền bá học Quốc ngữ. Để Hội được công nhận và hoạt động dễ dàng, Hội đã cử Nguyễn Văn Tố lo việc xin phép chính quyền thực dân Pháp.

Theo đơn đề nghị của Nguyễn Văn Tố ngày 8-4-1938, ngày 29-7-1938, Hội Truyền bá học Quốc ngữ chính thức được thành lập theo Quyết định số 3622-A của Thống sứ Bắc Kỳ[7]. Hội hoạt động theo quy định tại Sắc lệnh ngày 21-2-1933 về các hội phi tôn giáo ở Đông Dương. Trụ sở đặt tại số 59 phố Hàng Quạt, Hà Nội. Hội được thành lập với mục đích dạy cho người Việt biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ để có thể tiếp cận những điều thường thức trong sinh hoạt hàng ngày.

Mọi hoạt động của Hội đều bị Sở Mật thám Bắc Kỳ theo dõi sát sao. Chính quyền Pháp nghi ngờ đây là một hội của những người theo chủ nghĩa Xta-lin không có lợi đối với chính sách của Pháp thời kì đó. Vì vậy, hầu hết các thành viên của Hội, đặc biệt là một số chí sĩ cách mạng, nhà yêu nước như Đặng Xuân Khu, Đặng Thai Mai, Chu Văn Tập, Võ Nguyên Giáp, Ngô Thúc Địch đều nằm trong danh sách theo dõi của mật thám Pháp… Tuy vậy, Hội vẫn tổ chức rất nhiều hoạt động rầm rộ để tuyên truyền cho việc học chữ Quốc ngữ, đồng thời tuyên truyền tư tưởng cách mạng.

Ngay sau khi Hội chính thức được thành lập, tháng 8-1938, thông qua Nghị quyết của toàn thể đại biểu hội nghị của Đảng bộ Bắc Kỳ, Đảng đã chủ trương: “Giao thiệp với các nhà trí thức và tai mắt đề nghị lập ra các chi nhánh của Hội TBQN, đi quyên tiền, cổ động hội viên, mượn các đình chùa, các trường học… để tổ chức các lớp dạy học và diễn thuyết… Chú ý nên dựa vào điều lệ của Hội đã được chuẩn y mà hoạt động, tránh để nhà cầm quyền can thiệp gây khó khăn cho Hội”.[8]

Về hoạt động, Hội chủ trương mở lớp học bao gồm hai cấp: Cấp sơ đẳng (dạy cho học viên biết đọc, viết chữ Quốc ngữ và làm được hai phép tính đơn giản là cộng và trừ); Cấp Cao đẳng (dạy cho học sinh đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ và biết làm 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia và một vài điều thường thức. Hội quy định, những người đã biết chữ có trách nhiệm dạy lại những người chưa biết.

Công việc nặng nề nhất của Hội là tổ chức các lớp học. Ngoài ra, Hội cũng tổ chức những buổi diễn thuyết với mục đích cổ động cho phong trào và phổ biến kiến thức trong đời sống sinh hoạt cho nhân dân.

Nhằm phục vụ cho chương trình hoạt động trên, Hội chủ trương biên soạn và cho xuất bản sách giáo khoa, tài liệu tham khảo về địa lý, lịch sử, vệ sinh, khoa học thường thức…. Ngoài ra, Hội cũng phải xúc tiến thành lập thư viện gồm hai loại thư viện cố định có thể mượn đọc tại chỗ và thư viện lưu động để phục vụ đọc ở các lớp học nơi đông người.

Về tổ chức: Theo điều lệ Hội, việc tổ chức các lớp học, các buổi hội thảo không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh. Thành viên của Hội gồm tất cả các cá nhân mọi quốc tịch, không phân biệt giới tính, không hạn chế số lượng. Mọi hoạt động của Hội đều do Ban Trị sự điều hành và chỉ đạo. Thành viên Ban Trị sự Hội năm 1938 gồm: Nguyễn Văn Tố (Hội trưởng); Bùi Kỷ và Tôn Thất Bình (Hội phó); Phan Thanh (thư ký), Phạm Hữu Chương và Quản Xuân Nam (phó thư ký), Đặng Thai Mai (thủ quỹ), Nguyễn Văn Lô và Võ Nguyên Giáp (phó thủ quỹ); các cố vấn Nguyễn Văn Huyên, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn và  Lê Thước[9]. Giúp việc cho Ban Trị sự có các ban chuyên môn: Cổ động, Khánh tiết, Tu thư, Dạy học và Thanh tra.

Hội TBQN không trông chờ vào sự trợ cấp của chính quyền thực dân mà dựa vào những đóng góp tự nguyện của hội viên. Đến năm 1942, số lượng hội viên đã lên đến 7.500, trong đó có khoảng 4.000 hội viên đóng hội phí đều. Tuy nhiên, số tiền hội phí thu được không thể đủ chi cho các hoạt động của Hội. Do đó, Hội phải dựa vào sự ủng hộ của các nhà hảo tâm và tiền thu được từ các buổi chiếu bóng, từ việc phát hành vé số,...

2. Hội truyền bá Quốc ngữ với công cuộc chống nạn mù chữ ở Việt Nam (1938-1945)

Trong suốt 7 năm hoạt động (1938-1945), dưới danh nghĩa là một hội văn hóa giáo dục nhưng thực chất là một tổ chức chính trị có sự tham gia của nhiều nhà chính trị, Hội TBQN đã đóng góp rất lớn cho công cuộc chống nạn mù chữ của Đảng và cách mạng ở Việt Nam, thông qua đó đã giúp tuyên truyền giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh trong toàn thể quần chúng nhân dân lao động.

Những đóng góp của Hội truyền bá Quốc ngữ đối với công cuộc chống nạn mù chữ chính là kết quả đạt được trong ba giai đoạn hoạt động của Hội:

a, Giai đoạn 1: 8/1938-9/1940

 Giai đoạn này, dù hoạt động bị kìm hãm trong phạm vi hẹp, song Hội TBQN vẫn đạt được những thành tựu quan trọng đối với công cuộc chống nạn mù chữ.

Hội đã biên soạn thành công sách giáo khoa“Vần Quốc ngữ ”, gồm hai phần: Phần một hướng dẫn cho giáo viên phương pháp dạy vỡ lòng chữ Quốc ngữ theo cách mới do Hội sáng tạo ra; phần hai dạy tập vần vỡ lòng dành cho học viên. Phương pháp mới của Hội được áp dụng là “phương pháp đọc lên thành tiếng” thay cho phương pháp cũ là “đánh vần từng chữ”. Với phương pháp mới dễ học, dễ nhớ, số lượng lớp học và các học viên không ngừng được mở rộng thêm về cả số lượng và chất lượng dạy và học.

Khóa học đầu tiên khai giảng ngày 9-9-1938 tại trường Thăng Long và Trí tri đã thu hút hơn 800 học viên với 30 giáo viên. Khóa thứ hai khai giảng ngày 10-3-1939 ở 4 khu trường là Thăng Long, Trí tri, trường tư thục Nguyễn Vạn Tòng và 1 khu ở bãi Phúc Xá với số học viên tăng lên 1.000 người và 45 giáo viên. Khóa ba khai giảng 10-9-1939 tại 9 khu trường với 1.200 học viên, 60 giáo viên. Khóa bốn khai giảng ngày 4-3-1940 với số học viên xấp xỉ khóa trước[10].

Như vậy, giai đoạn này, Hội đã tổ chức được 4 khóa học, bước đầu xóa mù chữ cho hơn 4.000 học viên, bước đầu tạo được ảnh hưởng tốt về Hội trong nhân dân, góp phần thúc đẩy tinh thần say mê cống hiến của các hội viên cho các hoạt động truyên truyền, mở rộng Hội TBQN. Số hội viên tham gia Hội ngày càng đông. Số hội viên tham gia trực tiếp các ban chuyên môn cũng ngày càng nhiều, đặc biệt là Ban Dạy học. Sau các khóa, một số học viên đọc thông, viết thạo đã tình nguyện xung phong đi dạy cho Hội.

Với những đóng góp và sức ảnh hưởng của phong trào chống nạn mù chữ do Hội TBQN tạo ra, ngày 5-01-1939, Hội TBQN Trung Kỳ đã chính thức được thành lập tại Huế.

b, Giai đoạn 2: 10/1940-7/1944

 Hội đưa yêu sách đòi chính quyền thực dân nới rộng phạm vi hoạt động, cho phép mở thêm trường, lớp ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đến khóa học thứ năm (11/1940), Hội đã mở thêm nhiều khu trường, lớp học mới. Năm 1942, Hội còn thành lập được chi nhánh tại các tỉnh: Hà Đông, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hưng Yên…

Ở giai đoạn này, Hội đã được củng cố về cả tổ chức lẫn hoạt động, đặc biệt là việc biên soạn sách giáo khoa, xây dựng chương trình học cụ thể hơn. Ngoài sách “Vần Quốc ngữ” và “Tập đọc”, Ban Dạy học còn biên soạn thêm chương trình cho lớp Cao đẳng, biên soạn một số cuốn sách thường thức: “Truyện bác Hai Bền”, “Vệ sinh thường thức”.

Đặc biệt, một sự kiện quan trọng đánh dấu bước tiến mới của Hội Truyền bá Quốc ngữ là Hội nghị Giáo khoa toàn quốc diễn ra trong hai ngày 29 và 30-7-1944. Hội nghị diễn ra nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm và sáng kiến về tổ chức và chuyên môn, đồng thời bồi dưỡng, nâng cao tinh thần phấn đấu và thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các hội viên của Hội Truyền bá Quốc ngữ. Hội nghị Giáo khoa toàn quốc của Hội đã đánh dấu bước nhảy vọt về cả chất lượng giảng dạy, tinh thần dạy học cho quần chúng nhân dân mù chữ nghèo khó cũng như kinh nghiệm trong công tác tổ chức trường lớp, vận động học viên đi học, giáo viên đi dạy.

Trong giai đoạn 2, Hội TBQN đã đẩy mạnh hoạt động trên nhiều mặt, mở rộng phạm vi ra nhiều tỉnh lân cận Hà Nội, mở rộng chi nhánh tại Trung Kỳ và ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Kỳ. Tại Hà Nội, tính đến tháng 9-1943, số người theo học các lớp đã lên đến con số 23.000 người. So với khóa 4, số khu trường tăng từ 9 lên 35 khu, số giáo viên tăng từ 70 lên 245 người; số học viên tăng từ 1.100 lên 3.000 người[11]. Từ khóa 5, Hội đã mở được một số lớp cao đẳng, bổ túc thêm cho những người đã biết chữ. Hội đã thành lập thêm được 11 chi hội mới ngoài Hà Nội, Hải Phòng và Việt Trì.

Tính đến tháng 7-1944, riêng Hội TBQN Bắc Kỳ đã mở được 820 lớp học, có 2.908 giáo viên và 41.118 học viên biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ; tại Trung Kỳ, tính đến tháng 9-1944, số học viên biết đọc, biết viết là 9458 người[12]. Tại Nam Kỳ, tuy Hội TBQN chưa được thành lập nhưng trên thực tế đã có một số lớp học dạy chữ cho nhân dân lao động theo phương pháp của Hội TBQN.

c, Giai đoạn 3: 8/1944 - 8/1945

Đây là thời kỳ cao trào của Hội TBQN. Hội đã tiếp tục mở thêm nhiều trường lớp tại các vùng nông thôn, tăng cường liên hệ với các tỉnh để lập thêm nhiều chi nhánh mới, góp phần đẩy mạnh công cuộc chống nạn mù chữ, đồng thời phục vụ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Cụ Nguyễn Văn Tố (áo dài trắng, thứ hai từ trái sang) dự lễ khai mạc lớp huấn luyện cán bộ bình dân học vụ tại Hà Nội, ngày 8/10/1945. Ảnh: TL

Bên cạnh việc dạy học, Hội còn tổ chức các cuộc tuyên truyền, nói chuyện về ý nghĩa của việc thành lập Hội cho đông đảo quần chúng nhân dân hiểu rõ và nhận thức sâu sắc về việc cần thiết phải tham gia công cuộc chống nạn mù chữ.

Ngày 18-8-1944, Hội TBQN Nam Kỳ đã được thành lập. Như vậy, phong trào TBQN đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên khắp ba kỳ, từ thành thị đến các vùng nông thôn[13].

Như vậy, sau hơn 7 năm hoạt động, Hội TBQN đã mở được 14 khóa học, giúp cho hơn 7 vạn người biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ (trong đó, hơn 1 vạn người đọc thông, viết thạo và biết làm bốn phép tính phổ thông là cộng, trừ, nhân, chia), nắm được những tri thức phổ thông tối thiểu. Hội đã góp phần khơi dậy, hun đúc tinh thần hiếu học của toàn thể nhân dân, làm dấy lên phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ sâu, rộng nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam.

Hội TBQN cũng đặt cơ sở và làm nền tảng cho phong trào diệt giặc dốt, bình dân học vụ do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những đóng góp của Hội đã thực sự tạo nên một cuộc cải cách về văn hóa giáo dục ở Việt Nam trước năm 1945 và chính phong trào do Hội phát động là điểm kết thúc của cuộc cách mạng chữ viết ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Kết luận

Có thể nói Hội TBQNlà tổ chức truyền bá chữ Quốc ngữ rộng rãi, quy củ và có tổ chức nhất trong thời kỳ cận đại với mục đích dạy cho quần chúng nhân dân biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

Trong suốt 7 năm hoạt động, Hội TBQN đã có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc chống nạn mù chữ ở Việt Nam trước năm 1945. Hội TBQNđã tổ chức được một phong trào học tập sôi nổi, rộng khắp trong nhân dân. Hội biết cách khơi dậy lòng nhiệt huyết của quần chúng, nhất là lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc về truyền thống hiếu học vốn đã có trong mỗi con ng­ười Việt Nam; khơi dậy truyền thống hiếu học của nhân dângắn liền với lòng nhiệt huyết, sự hy sinh của các nhà trí thức.

 

            Tài liệu tham khảo

  1. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Văn kiện Đảng từ 10-8-1935 đến 1939, Nxb Hà Nội, 1964
  2. Nguyễn Ái Quốc, Bản án chế độ thực dân Pháp, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976
  3. Báo Đông Pháp số ra ngày 9-10-1944
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập tập 2 (1930), Nxb Chính trị Quốc gia, 1999
  5. Kỷ yếu Nha học chính Đông Dương, tháng 4/1938
  6. Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng, Nhân dân ta rất anh hùng, Nxb Văn học, Hà Nội, 1960.
  7. Võ Thuần Nho, 35 năm phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông, Nxb Giáo dục Hà Nội, Hà Nội, 1996
  8. Lê Văn Phong, Hoạt động của Hội truyền bá Quốc ngữ (1938-1945), Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5 năm 2014
  9. Phạm Như Thơm, Tầng lớp trí thức tân học với việc phổ biến chữ Quốc ngữ thời cận đại, Đề tài cấp cơ sở năm 2017, Viện Sử học
  10. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Phông MHN-2865, MHN-2865-02
  11. Tuần báo Đông Dương, số 77 ra ngày 19 tháng 2 năm 1942
  12.  Xô Viết Nghệ Tĩnh diễn ca, Nxb Phổ thông

 

Trương Thị Phương

*ThS. Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 05.04.2020.


 

[1]Võ Thuần Nho, 35 năm phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông, Nxb Giáo dục Hà Nội, Hà Nội, 1996, tr,8

[2]Kỷ yếu Nha học chính Đông Dương, tháng 4/1938, tr.267

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập tập 2 (1930), Nxb Chính trị Quốc gia, 1999, tr.05

[4]Xô Viết Nghệ Tĩnh diễn ca, Nxb Phổ thông, tr.17

[5]Phan Thanh (1908-1939) quê ở làng Bảo An, Huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là một trong những người sáng lập Hội TBQN. Ông cũng là người hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

[6]Nguyễn Văn Tố, hiệu Ứng Hòe (1889-1947), sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở Hà Nội. Tốt nghiệp trường Thông ngôn và làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ, chuyên nghiên cứu và viết các vấn đề văn học, lịch sử. Ông cũng tham gia dạy ở các trường tư thục. Năm 1938, tham gia sang lập Hội TBQN.

[7]Tuần báo Đông Dương, số 77 ra ngày 19 tháng 2 năm 1942

[8]Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Văn kiện Đảng từ 10-8-1935 đến 1939, Nxb Hà Nội, 1964, tr.306

[9]Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Phông MHN-2865

[10]Phạm Như Thơm, Tầng lớp trí thức tân học với việc phổ biến chữ Quốc ngữ thời cận đại, Đề tài cấp cơ sở năm 2017, Viện Sử học, tr.73-74

[11]Lê Văn Phong, Hoạt động của Hội truyền bá Quốc ngữ (1938-1945), Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5 năm 2014, tr.93

[12]Báo Đông Pháp số ra ngày 9-10-1944

[13]Lê Văn Phong, Hoạt động của Hội truyền bá Quốc ngữ (1938-1945), Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5 năm 2014, tr.94

 

 

20210715 4

LGT: Vào thời điểm trước khi chữ Quốc ngữ ra đời ở Việt Nam, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến chuyển; nổi bật lên và có tác động đến sự ra đời của chữ Quốc ngữ là vấn đề thương mại, truyền giáo. Sang thế kỷ XVII, quá trình Latin hóa tiếng Việt diễn ra mạnh mẽ và chữ Quốc ngữ chính thức ra đời. Trong quá trình đó, các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha đóng một vai trò quan trọng, công lao nổi bật nhất thuộc về giáo sĩ Francisco de Pina (1585 - 1625), Gaspar de Amaral (1594 - 1645) và Antonio Barbosa (1594 - 1647). Bên cạnh đó, các yếu tố thương mại, truyền giáo của người Bồ và chữ Bồ Đào Nha cũng góp phần cho việc ra đời chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.

 

1. Chữ Quốc ngữ ra đời trong thời kỳ lịch sử nhiều biến động

Quá trình truyền giáo tại Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XVI mà mốc khởi điểm được cho là năm 1523 khi Duarte Coelho (người Bồ Đào Nha) đến Cù Lao Chàm và để lại ở gần làng chài Tân Hiệp một cây thập tự cùng một tảng đá có khắc tên. Năm 1533, giáo sĩ Ignatio đến Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ (Nam Định) truyền giáo. Sau đó có một số giáo sĩ Dòng Đa Minh (Dominicain), Dòng Phanxicô (Francisco) đến truyền giáo. Tuy vậy, phải đến thế kỷ XVII, khi giáo sĩ Dòng Tên đến thì sự thâm nhập của đức tin Kitô tại Việt Nam mới diễn ra nhanh hơn.

Tình hình chính trị Việt Nam vào cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII diễn biến phức tạp. Chính quyền trung ương tập quyền tan rã, hình thành ba thế lực nắm quyền là chúa Nguyễn (Đàng Trong), vua Lê - chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và nhà Mạc (Cao Bằng); trong đó Đàng Trong và Đàng Ngoài là hai vùng quan trọng trong hoạt động thương mại và truyền giáo. Nhằm tăng cường khả năng quân sự và phát triển kinh tế đất nước, cả chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều tiếp nhận trao đổi buôn bán với thương gia phương Tây. Tuy nhiên, để có cơ hội buôn bán với thương nhân nước ngoài thì họ buộc phải “làm ngơ” cho các giáo sĩ truyền giáo. Điều này tạo nên sự truyền giáo mạnh mẽ vào Đàng Trong, tiếp đó là Đàng Ngoài, mà người Bồ Đào Nha chiếm đa số.

Trong quá trình truyền giáo tại Việt Nam, vấn đề khách quan đặt ra là các giáo sĩ phải biết tiếng Việt hoặc chữ Hán. Trong lúc đó, chữ Hán được đánh giá là khó học và mất nhiều thời gian. Như vậy, một con đường khác mà các giáo sĩ Dòng Tên trong buổi đầu có mặt ở Việt Nam phải làm là học tiếng Việt. Trong quá trình đó, họ đã Latin hóa tiếng Việt.

Việc Latin hóa tiếng Việt đã sẵn có các tiền đề. Thời bấy giờ, ở phương Tây đang diễn ra một “thời đại”  các quốc gia tự khẳng định tiếng nói của dân tộc mình để loại bỏ sự thống trị của tiếng Latin. Các nhà ngữ pháp và chính tả Bồ Đào Nha ở thế kỷ XVI, như João de Barros, Péro de Maglhães de Gândavo hay Duarte Nunes do Leão, đã giúp cho tiếng nói dân gian trở thành một phương tiện chuyển tải tư tưởng. Muốn như thế, cần phải làm một số việc, trong đó có việc phân tích tỉ mỉ và tìm chữ viết cho tiếng nói này. Việc viết tiếng Việt theo mẫu tự Latin nối tiếp đường hướng đó 1.

Vào nửa sau thế kỷ XVI đến trước khi giáo sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong (năm 1615), việc Latin hóa tiếng Việt đã bắt đầu manh nha qua việc người Bồ Đào Nha và người Tây Ban Nha Latin hóa các địa danh của Việt Nam, nhất là các địa danh được người Bồ Đào Nha ghi lên bản đồ hàng hải của mình 2.

Việc làm này của các giáo sĩ phù hợp với chủ trương chung của Giáo hội ở Rome. Đoạn trích sau từ chỉ thị của Giám mục Francesco Ingoli - thư ký của Thánh bộ Truyền giáo ở Rome sẽ minh chứng cho điều đó: “[Cha tìm hiểu] về ngôn ngữ mà các dân tộc ấy dùng để nói; nếu có nhiều ngôn ngữ, thì hãy đặc biệt ghi lại ngôn ngữ nào được sử dụng nhiều nhất... Cha tìm hiểu về chữ mà họ dùng để viết; về các chữ này, cha tìm cách hỏi những văn sĩ ưu tú mà cha gặp được, để ghi lại một bảng chữ cái, kể cả những dấu nối và dấu phân câu mà họ dùng; cha cũng chú ý ghi lại bằng mẫu tự La Tinh tương ứng, với cách phát âm, để ta có thể so sánh…3.

Trong bối cảnh đó, các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha đã đi tiên phong trong việc Latin hóa Tiếng Việt, hình thành nên chữ Quốc ngữ ở Việt Nam vào thế kỷ XVII.

 

2. Người Bồ Đào Nha với sự ra đời chữ Quốc ngữ ở Việt Nam

Bồ Đào Nha là nước phương Tây đến buôn bán, truyền giáo ở Đàng Trong sớm và mạnh nhất. Chính sự bảo trợ của Bồ Đào Nha trong truyền giáo, lợi ích từ thương mại và nhu cầu trao đổi hàng hóa (đặc biệt là vũ khí) từ Bồ Đào Nha của cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đã tạo điều kiện cho các giáo sĩ Dòng Tên có khoảng thời gian dài ở Việt Nam để truyền đạo cũng như học tập, trau dồi vốn từ vựng, ngữ pháp tiếng Việt; từ đó sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Hay nói cách khác, thương mại và truyền giáo là con đường đưa tới sự hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam mà người Bồ Đào Nha đóng vai trò chủ đạo. Cũng nhờ quá trình truyền giáo và thương mại có phần ổn định mà “công cuộc” Latin hóa tiếng Việt thành công.

2.2. Những đóng góp từ các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha

Những giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha là những người đi tiên phong trong lĩnh việc sáng tạo chữ Quốc ngữ ở Việt Nam mà người đặt nền móng đầu tiên là giáo sĩ Francisco de Pina (1585 - 1625).

Francisco de Pina sinh năm 1585 ở Guarda, Beira Alta (Bồ), gia nhập Dòng Tên năm 1605. Năm 1608, ông được chỉ định sang Nhật truyền giáo, rồi học thần học ở Macao (năm 1615 - 1616). Ông được thụ phong linh mục năm 1616 tại Malacca. Sang năm 1617, ông đến Đàng Trong và hoạt động tại đây cho đến khi mất vào ngày 15/12/1625.

Trong khoảng thời gian ở Đàng Trong, ông học tiếng Việt; sau đó trở thành giáo sĩ giỏi tiếng Việt nhất vào thời điểm bấy giờ và góp công đầu trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ. Dấu mốc quan trọng nhất là vào năm 1618, Francisco de Pina và một thanh niên học thức Việt Nam dịch ra tiếng Việt cuốn Kinh Lạy Cha cùng với một số kinh căn bản khác trong giáo lý Công giáo. Điều đáng tiếc là không bản dịch nào của các kinh ấy đến tay chúng ta, ngoại trừ đoạn dịch sáu từ đầu tiên của Kinh Lạy Cha được ghi ra như một ví dụ văn phạm trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes. Tuy vậy, Kinh Lạy Cha được sao lại vào năm 1632 trong tài liệu ngôn ngữ học Nhật - Hoa - Việt, tại Áo Môn. Trong phần chuyên khảo về Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, GS. Roland Jacques đã có dịp giới thiệu tư liệu này và kèm theo phụ trương văn bản tiếng Việt “Le Pater Noster” (Kinh Lạy Cha). Đây là tư liệu rất quý giá, cho thấy sự bắt đầu chữ Quốc ngữ là năm 1618, sớm hơn 2 năm so với quan điểm của Đỗ Quang Chính (1620). Đồng thời khẳng định công lao to lớn của Francisco de Pina và cả một số người Việt (tiếc là không được đề cập tên cụ thể).

20210715 5

20210715 6

Một đoạn Kinh Lạy Cha được in trong phụ trương V của cuốn Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

(Nguồn: Roland Jacques (2004), Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, quyển 1, Định Hướng tùng thư, tr. 331-332).

 

Năm 1620 các giáo sĩ Dòng Tên tại Hội An soạn thảo một sách giáo lý bằng “chữ Đàng Trong”, tức là chữ Nôm. Tác giả Đỗ Quang Chính đưa ra phỏng đoán rằng: “Nhưng chúng tôi tưởng cuốn này cũng được viết bằng chữ Việt mới nữa (chữ Quốc ngữ ngày nay), mà người có công soạn thảo là Linh mục Francisco Pina vì lúc đó chỉ có ông là người Âu châu thạo tiếng Việt nhất4. Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể minh chứng cho giả thiết này. Nhưng có một điều có thể khẳng định là Francisco de Pina có tham gia vào quá trình soạn thảo hoặc góp ý cho sách giáo lý bằng chữ Nôm này, vì ông là người giỏi tiếng Việt nhất và là linh mục khá được trọng vọng trong giới giáo sĩ ở Hội An thời điểm đó.

Khoảng thời gian năm 1622 - 1623 đánh một dấu mốc quan trọng nữa trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ. Trong thư Francisco de Pina viết vào thời gian này đã nhắc đến việc ông soạn sách chữ Quốc ngữ: “Phần con, đã soạn thành một tập nhỏ về chính tả và các dấu thinh của tiếng này [Việt], và con đang bắt tay vào việc soạn ngữ pháp. Dù con đã thu thập được nhiều truyện thuộc các loại khác nhau giúp cho những trích dẫn thêm giá trị, hầu xác quyết được ý nghĩa của từ ngữ và quy luật ngữ pháp” 5. Như thế, ông đã soạn chính tả và cả ngữ pháp chữ Quốc ngữ. Tuy tài liệu này hiện không còn nhưng đã được Alexandre de Rhodes kế thừa trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - La vào năm 1651.

Ngoài ra, Francisco de Pina còn dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes. Thư của Gabriel de Matos viết vào năm 1626 đã cho thấy điều đó: “Cư sở thứ ba tại ‘thủ phủ’ quan ‘trấn thủ’, nơi mà lúc này tôi [đang tạm trú], có ba Linh mục định cư: L.m. Francisco de Pina biết tiếng [Việt] khá lắm, làm bề trên và là giáo sư [dạy tiếng Việt], và các L.m. Đắc Lộ cùng Antonio de Fontes là thuộc viên và học viên6.

Với những công lao to lớn đó, Francisco de Pina xứng đáng được chúng ta tôn vinh là người đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ.

Sau những nỗ lực của Francisco de Pina, nhiều giáo sĩ Dòng Tên khác cũng đã ghi tên mình vào quá trình Latin hóa tiếng Việt và sáng tạo chữ Quốc ngữ. Có thể kể đến là các giáo sĩ Gaspar Luis, Francesco Buzomi, Antonio de Fontes, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa, Girolanno Maiorica, Cristoforo Borri, Onofre Borges, Alexandre de Rhodes,… Trong đó, các giáo sĩ người Bồ Đào Nha có một vai trò quan trọng. Những đóng góp của họ được thể hiện trên hai phương diện: (1) viết một số chữ Quốc ngữ trong các bức thư hay bản tường trình gửi về Tòa thánh, Cha bề trên; (2) soạn từ điển tiếng Việt.

Như vậy, các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha có những đóng góp tiên phong rất lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Đáng tiếc là phần lớn những di sản của họ hiện nay không còn nhiều, một số trong đó được chúng ta biết đến gián tiếp thông qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Tuy vậy vẫn có thể khẳng định một cách chắc chắn công lao to lớn của họ.

2.3. Chữ Bồ Đào Nha với sự ra đời chữ Quốc ngữ

Khi nói đến vấn đề này, cần phải bàn đến hai khía cạnh. Thứ nhất là các giáo sĩ (cũng chính là nhà ngôn ngữ học) dùng âm vị và quy tắc của tiếng Bồ Đào Nha để góp phần hình thành nên chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Điều này đã được GS. Roland Jacques khẳng định rất rõ trong công trình Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam của mình. Ông cho biết: “Muốn dựa trên ngữ âm Lantin để viết ba ngôn ngữ nêu trên (Hoa, Nhật và Việt), các nhà biên soạn xác định rằng mình tuân theo những quy tắc chính tả của tiếng Ý. Chỉ cần xem xét tài liệu thì sẽ thấy ngay rằng cách làm ấy là một cách làm bất thường, chỉ vì muốn chiều theo nhân cách của người nhận thôi: rất nhiều nét sửa chữa và nhiều điều bất hợp lý cho thấy rằng các quy tắc của Bồ Đào Nha là những quy tắc duy nhất mà người ta thường tuân theo7. Hay: “Có 23 âm đầu khác nhau trong các từ đơn âm tiếng Việt, được ghi lại trong văn bản này [tài liệu ngôn ngữ học đối chiếu Nhật - Hoa - Việt được biên soạn tại Áo Môn năm 1632] bằng những ký hiệu khác nhau; vì vậy, dù cho có vài sai sót trong phân tích, quả thật các âm ấy đã tương ứng với 25 âm đầu mà ta tìm thấy trong cuốn Từ điển 1651 [Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes] cho cùng số từ vựng ấy. Qua sự tương ứng đó, ta có thể đánh giá được ưu điểm là đã chọn chính tả Bồ Đào Nha làm hệ thống chính yếu cho cách viết tiếng Việt bằng chữ cái, vì xét về âm vị thì tiếng Bồ phong phú hơn nhiều so với tiếng Castillan (Tây Ban Nha) hay tiếng Ý8. Ở đây, việc Latin hóa tiếng Nhật chịu ảnh hưởng của tiếng Bồ Đào Nha nhiều hơn vì cách phát âm của tiếng Nhật có ít nhiều nét giống với tiếng Bồ.

Khía cạnh thứ hai là tiếng Bồ Đào Nha thời bấy giờ có một vị thế quan trọng ở nhiều nơi. Bởi vì từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVII, Bồ Đào Nha có vai trò chính trị, thương mại tại Brazil, Ấn Độ, Mã Lai, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản. Từ cuối thế kỷ XVI sang đầu thế kỷ XVII, tiếng Bồ Đào Nha được sử dụng ở những nơi trên do đoàn thương gia Bồ Đào Nha và giáo sĩ phương Tây. Các nhà truyền giáo dù là người Đức, Ý, Pháp, đã đến Việt Nam, Áo Môn, Nhật Bản… vào thế kỷ XVII thì cũng phải biết tiếng Bồ Đào Nha9 . Do đó mà ba cuốn từ điển do Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes soạn đều có mục tiếng Bồ Đào Nha.

Như thế, tiếng Bồ Đào Nha là tiền đề, là nhân tố quan trọng trong sự ra đời chữ Quốc ngữ.

 

3. Những lời kết

Trong công cuộc Latin hóa tiếng Việt để hình thành nên chữ Quốc ngữ, những giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha là những người đi tiên phong và có nhiều đóng góp to lớn. Đặc biệt là Francisco de Pina - người đặt nền móng đầu tiên cho công trình chữ Quốc ngữ và Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa đã tiếp nối công việc đó. Các công trình đó tuy hiện nay không còn sự hiện hữu nhiều nhưng đã được Alexandre de Rhodes kế thừa một cách xuất sắc. Nhìn một cách tổng quát và khách quan thì không thể đánh giá người khởi đầu (Francisco de Pina) có vai trò quan trọng hơn người kế thừa, tổng hợp (Alexandre de Rhodes). Như trước đây nhiều tác giả đề cao Alexandre de Rhodes quá mức cũng không phù hợp. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp Alexandre de Rhodes mà đề cao quá mức Francisco de Pina, mà chúng ta cần nhìn nhận đúng vai trò của Francisco de Pina - một người ghi dấu ấn khởi đầu của chữ Quốc ngữ từ năm 1618.

Lâu nay trong giới học giả Việt Nam chưa đánh giá, nhìn nhận đúng vị trí của chữ Bồ Đào Nha đối với sự xuất hiện chữ Quốc ngữ. Do đó mà cũng cần nhìn nhận cho thật chính xác các yếu tố tích cực trong tiếng Bồ Đào Nha được thể hiện trong chữ Quốc ngữ và vị thế của chữ này có tác động nhất định đối với sự ra đời chữ Quốc ngữ.

Chữ Quốc ngữ ra đời ở Việt Nam xuất phát từ bối cảnh lịch sử đặc biệt và sự nỗ lực của các giáo sĩ Dòng Tên. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, chữ Quốc ngữ ra đời ở Việt Nam ban đầu là để phục vụ cho mục đích riêng của các giáo sĩ Dòng Tên chứ không phải để thay thế một thứ chữ đã ăn sâu bén rễ từ rất lâu ở Việt Nam (chữ Hán - Nôm). Và có muốn thay đổi đi nữa thì họ cũng không đủ sức để làm việc đó vì họ chỉ là những nhà truyền giáo, đem đức tin Kitô giáo đến với người Việt Nam chứ không phải là những người điều hành đất nước. Ban đầu, chữ Quốc ngữ chỉ tồn tại hạn chế trong giới Công giáo. Phải đến cuối thế kỷ XIX và sang nửa đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ trở nên phổ biến và phát triển mạnh trong bối cảnh lịch sử mới của Việt Nam.

Mai Văn Được

Nguồn: Tạp chí Sông hương, số đặc biệt41/06-2021, phiên bản trực tuyến ngày 01.7.2021.

---------------------

1. Roland Jacques (2004), Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Quyển 1, Định Hướng Tùng thư, tr. 235.

2. Xem thêm: Nguyễn Thị Vân Anh (2017), “Quá trình Latin hóa tiếng Việt và hình thành chữ Quốc ngữ thời kì đầu đến sách sổ sang chép các việc của Philiphê Bỉnh”, trong Chữ Quốc ngữ sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 21.

3. Roland Jacques (2004), Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Quyển 1, Sđd, tr. 195-196.

4. Đỗ Quang Chính (2008), Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659, Sđd, tr. 28.

5. Dẫn theo Đỗ Quang Chính (2008), Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615 - 1773, Sđd, tr. 45-46.

6. Thư của Gabriel de Matos, giám sát các tu sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong, viết tại Đàng Trong vào ngày 05/7/1626 gửi Linh mục Bề trên Cả Dòng Tên ở La Mã, viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, ARSI, JS. 68, f. 17r. (Dẫn theo Đỗ Quang Chính (2008), Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659, Sđd, tr. 44-45).

7. Roland Jacques (2004), Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Quyển 1, Sđd, tr. 203.

8. Roland Jacques (2004), Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Quyển 1, Sđd, tr. 219 - 221.

9. Đỗ Quang Chính (2008), Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659, Sđd, tr. 115-116.

20200318 3

Đại Nam quấc âm tự vị do Huỳnh Tịnh Của (1830 - 1908) và một số cộng sự viên(1) biên soạn là quyển tự điển đơn ngữ tiếng Việt đúng nghĩa đầu tiên của Việt Nam, ghi mục từ tiếng Việt có kèm chữ Nôm, chữ Hán và dùng tiếng Việt để giải nghĩa các từ đơn, từ ghép, quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ… mà tác giả đã dày công sưu tập được từ trong dân gian cũng như trong sách vở cũ hoặc đương thời, trong điều kiện câu văn Quốc ngữ còn đang tập tễnh đi vào sinh hoạt văn hóa một cách chưa hoàn toàn ổn định. Đây cũng có thể được coi là công trình quan trọng quy mô lớn, có tính tiên phong khai sáng và tập đại thành đầu tiên về tiếng Việt,(2) do Imprimerie REY, CURIOL & Cie xuất bản tại Sài Gòn, chia thành 2 tập, khổ 24cm x 31cm: Tập I năm 1895 (vần A-L, 608 trang) và Tập II năm 1896 (vần M-X, 596 trang). Trong lời “Tiểu tự” ở đầu tập I, tác giả cho biết đã mất hơn bốn năm để hoàn thành bộ tự vị này và đã nhờ quan Thống đốc Nam Kỳ chuẩn tiền cho in.(3)

Bộ tự vị ra đời đã khiến những người quan tâm học tập/ nghiên cứu tiếng Việt chú ý ngay đến giá trị đặc biệt của nó qua sự thu thập từ ngữ rất công phu cũng như cách lựa chọn và giảng giải các mục từ của soạn giả… Mặc dù vậy, trong văn học sử, tên Huỳnh Tịnh Của cũng như công trình tiên phong đồ sộ này của ông có thời gian khá dài dường như ít được nhắc tới. Ngay trong Việt Nam văn học sử yếu (Bộ Giáo dục - Trung tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr. 412), GS Dương Quảng Hàm cũng chỉ nhắc lướt qua tên ông với bộ Đại Nam quấc âm tự vị, chỉ trong hơn 4 dòng cước chú cho chương “Sự thành lập một nền quốc văn mới”. Đến Nhà văn hiện đại (Thăng Long tái bản lần thứ 3, Sài Gòn, 1960), quyển nhất dành cho “Các nhà văn đi tiên phong” (phần I “Những nhà văn hồi mới có chữ Quốc ngữ”), Vũ Ngọc Phan chỉ viết về Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) mà bỏ qua hẳn Huỳnh Tịnh Của, trong khi cả hai ông đều là nhà văn - nhà báo, nhà biên khảo - dịch thuật hoạt động đồng thời và đều có những thành tích xuất sắc.

Phải đợi đến Biểu nhất lãm văn học cận đại 1862 - 1945 (Tập I, Cơ sở xuất bản và báo chí Tự Do, Sài Gòn 1958), GS Thanh Lãng lần đầu tiên mới đưa ra một ý  kiến đánh giá tổng quát và khách quan về bộ Đại Nam quấc âm tự vị: “Huỳnh Tịnh Của là người đầu tiên soạn thảo một cuốn tự vị gồm hầu hết những tiếng và những thành ngữ đương thời có chua cả chữ Nho và chữ Nôm, cái công phu của nó là soạn giả có công phu giải nghĩa bằng tiếng Việt... Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của là cơ sở vững chãi cho sự nghiệp xây đắp về sau này của các soạn giả khác. Nhờ có cuốn đó, mà tiếng nói Việt Nam được thống nhất phần nào. Nó đã là một tài liệu quý giá hướng dẫn các văn gia trong gần nửa thế kỷ”.

Sang đến Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Tập III, Quốc Học tùng thư, Sài Gòn, 1965, tr. 80-84), Phạm Thế Ngũ đã trang trọng dành một chỗ rộng rãi hơn cho Huỳnh Tịnh Của, với sự trình bày và phân tích tuy sơ lược nhưng tương đối đầy đủ trong Chương III, Mục V, “Huỳnh Tịnh Của và pho Quốc âm tự vị của ông”, với mấy đoạn đánh giá rất cao: “Ngày nay mở pho tự vị đồ sộ ấy của H.T. Của, ai cũng phải nhận ông đã đóng góp nhiều - có thể nói quá nhiều nữa - cho việc xây dựng quốc văn mới” (tr. 82), “Tóm lại cuốn tự vị của H.T. Của là một tài liệu quý giá cho chúng ta ngày nay khảo về tiếng Việt, tra cứu những tiếng nôm xưa, nhất là những tiếng nôm địa phương ở miền Nam. Ngay đối với những tiếng nay còn thông dụng, cách tác giả viết và giải thích nhiều chữ không phải không đem lại cho chúng ta bây giờ một ít ánh sáng về từ ngữ học… Người chủ trương làm một pho tự điển Việt Nam xứng đáng ngày mai, tất nhiên có thể rút ích ở những kiến giải ấy cũng như ở đường lối, phương pháp, tài liệu của một người đi trước. Công việc đi trước ấy của H.T. Của quả là một công việc phi thường” (tr. 83).

Sự đóng góp đáng kể như trên có thể được tóm tắt thành 3 phương diện quan trọng, theo ý kiến của Nguyễn Văn Y (trong Huỳnh Tịnh Của và công trình Đại Nam quấc âm từ vị, tlđd), đó là:

1. Giữ gìn gia tài văn hóa cổ truyền về từ ngữ, vì nếu không có Đại Nam quấc âm tự vị ghi chép, giải thích các từ ngữ xưa của người Việt dùng ở thế kỷ XIX, thì ngày nay chúng ta sẽ khó khăn biết bao khi muốn hiểu tận tường ý nghĩa của các từ ngữ cổ nằm trong các áng văn của tiền nhân mà hiện nay không còn thông dụng nữa, như: Chạn: vóc giạc; Chồ: hè chái (tranh lá); Luỗi: mệt mỏi, mất sức; Min: tao, ta, (kẻ lớn xưng mình); Nguôi hoai: phai đi, nguôi đi; Vuối: cùng, cũng; Ne: nghiêng về một bên… Đúng như Maurice Durand và Nguyễn Trần Huân đã nhận định: “Cho đến ngày nay, bộ tự điển nầy vẫn còn lập thành một tài liệu đầu tay cho những ai nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX” (Ce dictionnaire constitue, encore de nos jours, un document de première main pour ceux qui étudient la langue vietnamienne de la fin du XIX siècle) (Introduction à la littérature vietnamienne, G.P. Maison Neuve et Larose, Paris, 1969, tr. 190. Dẫn theo Nguyễn Văn Y, tlđd, tr. 140).

2. Cung cấp tài liệu cho sự nghiên cứu xã hội Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX. Về điểm này, Huỳnh Tịnh Của đã đem vào tự vị của ông đủ các loại từ ngữ thuộc mọi lãnh vực tri thức của con người, cho ta biết qua từ lịch sử, phong tục, tập quán, tôn giáo cho đến các thú tiêu khiển, các trò chơi của người Việt thời xưa hoặc ở thời ông sống.

Có thể dẫn một số mục từ ngữ liên quan phong tục tập quán, đều đã được giải thích khá kỹ, như:(4) Cheo (q. I, tr. 131, c. 2, h. 19 - 26); Đắp mặt (q. I, tr. 277, c. 2, h. 39 - 44); Đâm lẻ (q. I, tr. 263, c. 2, h. 20 - 28); Đội mấn (q. I, tr. 314, c. 1, h. 1 - 4); Động thổ (q. I, tr. 322, c. 1, h. 42 - 46); Đứng kén (q. I, tr. 333, c. 1, h. 1 - 6); Giá tréo (q. I, tr. 357, c. 2, h. 7 - 11); Khem (q. I, tr. 484, c. 2, h. 7 - 12); Móc miếng (q. II, tr. 35, c. 1, h. 14 - 29); Mồng ba mở hàng họ (q. II, tr. 41, c. 2, h. 35 - 37); Mở cữa mã (sic) (q. II, tr. 3, c. 1, h. 10 - 15); Nằm đàng (q. I, tr. 267, c. 1, h. 18 - 22); Phạm hàm (q. I, tr. 401, c. 1, h. 7 - 8); Tiền câu tra (q. I, tr. 109, c. 2, h. 10 - 15); Tiền thế giẻ (q. I, tr. 375, c. 2, h. 7 - 9); Thí châu (q. I, tr. 18, c. 2, h. 17 - 22); Thướng cỗ (q. I, tr. 170, c. 2, h. 14 - 18); Vô khem (q. I, tr. 484, c. 2, h. 16 - 24).

Từ ngữ liên quan các trò chơi: Bài chấm (q. I, tr. 119, c. 2, h. 3 - 7); Bông chẹo (q. I, tr. 132, c. 2, h. 32 - 36); Chụp chộ (q. I, tr. 148, c. 1, h. 5 - 6); Đánh hồ (q. I, tr. 271, c. 2, h. 33 - 35); Đánh lăn (q. I, tr. 272, c. 1, h. 18 - 22); Đánh lú (q. I, tr. 272, c. 1, h. 7 - 12); Đánh quần, đánh đáo quần (q. II, tr. 24, c. 1, h. 13 - 17); Đánh trống u (q. II, tr. 524, c. 2, h. 13 - 38); Đầu hồ (q. I, tr. 426, c. 2, h. 20 - 24); Giũa Phật (q. II, tr. 195, c. 1, h. 6 - 11); Kéo chèo bẻo (q. I, tr. 49, c. 1, h. 5 -10); Khòn mía (q. I, tr. 499, c. 2, h. 15 - 21); Xỏ lá (q. I, tr. 524, c. 2, h. 28 - 32)…

3. Thống nhất văn tự, ngôn ngữ, làm nền tảng cho mọi công trình văn học. Vào thời Huỳnh Tịnh Của, báo chí Quốc ngữ bắt đầu xuất hiện, nhưng không có một quyển tự điển đơn ngữ giải nghĩa tiếng Việt bằng tiếng Việt làm tiêu chuẩn về cách viết, cách hiểu đúng ý nghĩa của mỗi từ ngữ, nên sự xuất hiện của Đại Nam quấc âm tự vị là tối cần thiết, giúp ích rất nhiều cho công cuộc phát triển nền văn chương học thuật nước nhà hồi cuối thế kỷ XIX. “Có thể nói Huỳnh Tịnh Của là một trong những người đầu tiên đặt nền tảng cho nền văn học chữ Quốc ngữ thời cận đại…; làm cho người Việt ở ba miền, qua trung gian của bộ tự điển được giải nghĩa rõ ràng ấy, có thể hiểu được lời nói cũng như câu văn của nhau… Chỉ với bộ sách duy nhất đó thôi, cái tên Huỳnh Tịnh Của đã đủ sáng chói trên nền văn học Việt Nam cận đại và Đại Nam quấc âm tự vị trải qua gần một thế kỷ vẫn còn xứng đáng là bộ tự điển gối đầu giường của giới trí thức nước ta” (Nguyễn Văn Y, tlđd, tr. 149-150).

Về các mặt ưu điểm của Đại Nam quấc âm tự vị, các nhà nghiên cứu tiếng Việt trước nay đều thừa nhận: (1) Định nghĩa ngắn gọn, rõ ràng, chính xác; (2) Là một bộ tự điển phổ thông, đại chúng; (3) Ngữ vựng phong phú, chứa đựng dồi dào tiếng Nôm và nhiều tiếng địa phương miền Nam; (4) Có ghi đủ cả ba thứ chữ Quốc ngữ, Hán, Nôm và nêu phân biệt tiếng nào là tiếng Hán Việt, tiếng nào là tiếng Nôm, hoặc vừa Hán vừa Nôm; (5) Phương pháp biên soạn vừa khoa học (tuân thủ nguyên tắc ngôn ngữ thống nhất), vừa thực tế (biết thích nghi biến hóa theo thực tiễn của tiếng Việt).

Tuy nhiên, Đại Nam quấc âm tự vị không phải không có những mặt hạn chế nhất định, chủ yếu vì nguyên nhân khách quan, do soạn giả của nó sống trong thời kỳ chữ và câu văn Quốc ngữ còn chưa phát triển ổn định, tài liệu tham khảo thiếu, lại phải mò mẫm phương pháp, tự bơi một mình làm việc.

Để hình dung cụ thể về cách giảng giải ngắn gọn, rõ ràng, chính xác nhưng còn giản đơn của Đại Nam quấc âm tự vị, đồng thời thấy được sự tiến hóa của các công trình từ điển học tại Việt Nam, dưới đây chúng ta thử nêu lên vài mục từ thông dụng có trong Đại Nam quấc âm tự vị và so sánh chúng với những bộ từ điển tiêu biểu khác đã ra đời sau nó(5) (lựa chọn mỗi chữ/ từ đơn thuộc về một từ loại khác nhau, gồm một danh từ, một động từ, một hình dung từ và một trợ từ):

CHA:

HTC (Tập I, tr. 112): 吒 CHA. n. Kẻ sinh ra mình.

(Không nêu thí dụ, nhưng tiếp phía dưới liệt kê và giải thích hàng loạt từ ngữ đi với tiếng cha: Cha mẹ, Cha đẻ, Cha nhà, Cha sinh, Cha ruột, Cha ghẻ, Cha nuôi, Cha mày, Cha con, Cha mầy, Cha ôi!, Cha cầm đầu, Cha đỡ đầu, Cha bàu chủ, Cha cả, Cha phần hồn, Cha kia, Cha chả!, Cha ôi cha!. - Chết cha, Thằng cha, Thằng cha mầy, Mồ cha mầy, Đánh chết cha, Khóc cha khóc mẹ, La cha la ông, Đau thấy cha, Con chết cha, Con không cha nhè cột nhà mà đụng, Có cha có mẹ còn hơn/ không cha không mẹ như đờn đứt dây, Làm cha, Lạy ông lạy cha).

KTTĐ (tr. 107): CHA. I. Cũng như “bố”, người đàn ông sinh ra mình: Con có cha như nhà có nóc.

(Dưới nêu và giải thích được 3 từ đi với chữ cha: Cha-chả, Cha ghẻ, Cha ôi!. Phần Văn liệu tiếp theo ghi 25 câu thành ngữ, tục ngữ và thơ trích trong Kiều, Nhị độ mai, Lục Vân Tiên…, như: Cha chung không ai khóc, Còn cha gót đỏ như son/ cha chết thì gót mẹ gót con thâm sì, Dạy rằng cha cả mẹ già những mong…).

II. Tiếng những người theo đạo Da-tô gọi các ông cố: Cha xứ Đoài, cha xứ Đông.

LVĐ (Quyển thượng, tr. 254): CHA dt. Vai và tiếng gọi người đàn ông đã cùng người đàn-bà sinh mình ra: Có cha có mẹ còn hơn/ không cha không mẹ như đờn đứt dây; Công cha như núi thái sơn CD // Tiếng gọi không thân hoặc có ý khinh nhiều người đàn ông: Mấy cha ghiền rượu, thằng cha thọt, thôi đi cha! // Tiếng gọi tôn-kính các vị linh-mục đạo Da-tô: Cha Tòng, Cha sở // (tht) Tiếng la khống khi gặp việc bất-ngờ hay khi đau thể-xác: Cha! Ngộ quá! Cha! Nóng quá!

Ui (ôi) cha! // Tiếng chưởi: Cha mầy! Đánh chết cha đa.

(Dưới mục từ đơn cha có một số từ ghép: cha con, cha chả, cha chồng, cha chú, cha đẻ, cha đời, cha ghẻ, cha già, cha hiền, cha mẹ, cha non, cha nội, cha nuôi, cha ôi, cha ruột, cha sở, cha vợ).

HP (tr. 130): CHA d. 1 Người đàn ông có con, trong quan hệ với con (có thể dùng để xưng gọi). Cha nào con nấy. Con có cha như nhà có nóc (tng.). Cha bảo gì con ạ? 2 Từ dùng để gọi linh mục hoặc linh mục tự xưng khi nói với người theo Công giáo. 3 (thgt.) Từ dùng trong một số tiếng chửi rủa, chửi mắng. Mồ cha*. Cha đời*. Chém cha*.(6)

(Dưới có một số từ ngữ, thành ngữ đi với chữ cha: cha anh, cha căng chú kiết, cha chả, cha chủ sự, cha chú, cha chung không ai khóc, cha cố, cha đỡ đầu, cha già con cọc, cha nội, cha ông, cha truyền con nối, cha xứ).

ĂN:

-   HTC (Tập I, tr. 9): 咹 ĂN. n. Nhai nuốt, hưởng dùng.

(Không nêu thí dụ, nhưng tiếp dưới soạn giả ghi ra và giải thích đến 124 từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ đi với chữ ăn, như: Ăn mầng, Ăn lời [Cho vay ăn lời], Ăn lời [Nuốt lời nói, không giữ lời nói. Nói chữ là thực ngôn], Ăn tết, Ăn chay, Ăn cưới, Ăn giổ, Ăn kị, Ăn mặn, Ăn lộc…, Thợ may ăn rả…, Khó ăn khó nói…, Ăn cây nào, rào cây nấy…, Ăn cần ở kiệm, Ăn nói, Ăn một đọi, nói một lời…, Ăn mặc).

KTTĐ (tr. 8): Ăn. I. Cắn, gậm, bỏ vào miệng nhai rồi nuốt đi: Ăn cơm, ăn bánh, ăn quả đào.

Ăn. II. Nói chung về sự ăn uống, sự tiêu dùng: Độ rày mùa hè, không ăn được.- Nhà này có bát ăn, có miếng ăn.- Nhà nọ đủ ăn đủ tiêu.

Ăn. III. Nói chung cuộc ăn uống trong sự vui mừng hay ngày giỗ tết: Ăn cưới, ăn giỗ v.v.

Ăn. IV. Hưởng-thụ cái của lợi-lộc gì: Ăn lương, ăn bổng.

Ăn. V. Thu nhận một cách không chính-đáng: Ăn tiền, ăn đút v.v.

Ăn. VI. Lấy, tìm cách mà lấy làm của mình: Ăn cắp, ăn gian.

Ăn. VII. 1. Vừa vặn bằng nhau, đúng khớp, in nhịp: Mấy cái áo này đóng ăn nhau chằn chặn. - Hai cánh cửa này ăn nhau như in. - Đàn ăn nhịp. - Sắc này ăn với sắc kia. - 2. Xứng nhau mà làm cho tôn lên: Người này mặc đồ trắng ăn hơn đồ đen. - Nước da ăn phấn ăn đèn.

Ăn. VIII. Được hơn trong cuộc đố, trong đám cờ-bạc hoặc trong đám cạnh tranh: Ăn cuộc, ăn gà v.v.

Ăn. IX. Ưng thuận, nhận chịu: Đặt mười đồng có ăn không? Chỉ ăn sấp hai mà thôi (Tiếng cờ bạc).

Ăn. X. Đi kiếm ăn: Vạc đi ăn đêm.- Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt-hoa (K).

Ăn. XI. 1. Xâm vào, bén vào: Da ăn nắng ăn gió. Sơn ăn mặt. - 2. Lấn ra: Cỏ ăn lan ra, dầu ăn loang ra, rễ ăn sâu vào, mọt ăn rỗng ra. - 3. Thấm vào: Giấy ăn mực, cá ăn muối, phẩm ăn vải, nước ăn chân, thủy ngân ăn bạc. - 4. Dính vào: Hồ loãng dán không ăn.

Ăn. XII. Mua hàng, tiêu-thụ đồ hàng: Độ rày Tàu ăn gạo nhiều. Người Khách đương ăn tơ nhiều.

(Tự điển KTTĐ phân biệt nghĩa và tách riêng đến 12 chữ Ăn khác nhau. Dưới mỗi chữ Ăn khác nhau này, sau khi cho thí dụ ngắn gọn đều có liệt kê một loạt từ ngữ đi với chữ Ăn [như: Ăn đất, Ăn điểm tâm, Ăn ghém, Ăn gỏi, Ăn lót dạ, Ăn lót lòng, Ăn lời…]. Kế đến là phần Văn liệu, kê ra rất phong phú. Từ chữ Ăn I đến chữ Ăn XII kéo dài đến 4 trang giấy khổ 21 x 29cm. Sau 12 chữ Ăn là một số mục từ phái sinh, in chữ đậm, có cả phần giải nghĩa và phần Văn liệu cho mỗi mục: Ăn chơi, Ăn làm, Ăn mày, Ăn mặc, Ăn nằm, Ăn năn, Ăn nói, Ăn ngồi, Ăn ở, Ăn tiêu, Ăn uống, Ăn xin).

LVĐ (Quyển thượng, tr. 30): ĂN đt. Hành-động nuôi sống, thỏa-mãn sự đói dạ, gồm có đút đồ ăn vào miệng mà nhai rồi nuốt: Ăn cơm, ăn quà, ăn lót lòng… // Ăn trong các việc quan, hôn, tang, tế: Ăn giỗ, ăn tiệc… // Nhận hưởng, tìm hưởng lợi lộc, tiền bạc cách chánh đáng hay không: Ăn lương, ăn công, ăn lận, ăn trộm //  Thích hợp, vừa vặn, rập khuôn nhau: Ăn răng, ăn rập, ăn nhịp // Xâm nhập, dẫn tới, thấm vào, chết, lan ra: Ăn lan, ăn luồn, ăn hiếp, ăn về… // Chia làm nhiều phần, chấp, trị giá: Ăn giấy, ăn năm, ăn sáu, 1 đồng ăn 8

(Tiếp dưới chữ ĂN theo nghĩa đầu tiên, soạn giả ghi ra và giải thích 80 từ ngữ đi với chữ ĂN [như: ăn bốc, ăn cám sú, ăn cầm chừng, ăn cầm hơi, ăn cỗ…, ăn vạ, ăn vay, ăn vặt, ăn vụng, ăn xổi]. Từ nghĩa thứ hai đến nghĩa thứ sáu, ghi lại 5 chữ ĂN theo 5 nghĩa đã phân biệt như trên, rồi dưới mỗi chữ ĂN này đều có các mục từ ghép đi với nó [như: ăn cưới, ăn giỗ, ăn hỏi, ăn hương hỏa, ăn mừng…]. Tổng cộng có cả thảy 166 từ ngữ đi theo 6 nghĩa phân biệt của chữ ĂN).

HP (tr. 12): ăn đg. 1 Tự cho vào cơ thể thức nuôi sống. Ăn cơm. Thức ăn. Ăn có nhai, nói có nghĩ (tng.). Làm đủ ăn. Cỏ ăn hết màu. 2 Ăn uống nhân dịp gì. Ăn cưới. Ăn liên hoan. Ăn Tết. 3 (Máy móc, phương tiện vận tải) tiếp nhận cái cần thiết cho sự hoạt động. Cho máy ăn dầu mỡ. Xe ăn tốn xăng. Tàu đang ăn hàng (nhận hàng để chuyên chở) ở cảng. 4 (kết hợp hạn chế). Nhận lấy để hưởng. Ăn hoa hồng. Ăn thừa tự. Ăn lương tháng. 5 (kng.). Phải nhận lấy, chịu lấy (cái không hay; hàm ý mỉa mai). Ăn đòn. Ăn đạn. 6 Giành về mình phần hơn, phần thắng (trong cuộc thi đấu). Ăn con xe. Ăn giải. Ăn cuộc. Ăn nhau ở tinh thần. 7 Hấp thu cho thấm vào, nhiễm vào trong bản thân. Vải ăn màu. Da ăn nắng. Cá không ăn muối, cá ươn (tng.). 8 Gắn, dính chặt vào nhau, khớp với nhau. Hồ dán không ăn. Gạch ăn vôi vữa. Phanh không ăn. 9 (kết hợp hạn chế). Hợp với nhau, tạo nên một cái gì hài hòa. Hai màu rất ăn với nhau. Người ăn ảnh (chụp ảnh dễ đẹp). 9 Làm tiêu hao, hủy hoại dần dần từng phần. Sương muối ăn bạc trắng cả lá. Sơn ăn mặt. 11 Lan ra hoặc hướng đến nơi nào đó (nói về khu vực hoặc phạm vi tác động của cái gì). Rễ tre ăn ra tới ruộng. Sông ăn ra biển. Phong trào ăn sâu, lan rộng. 12 (kng.) Là một phần ở ngoài phụ vào; thuộc về. Đám đất này ăn về xã bên. Khoản này ăn vào ngân sách của tỉnh. 13 (Đơn vị tiền tệ, đo lường) có thể đổi ngang giá. Một dollar ăn mấy đồng Việt Nam?

(Dưới ghi ra và giải thích tất cả 115 từ ghép và thành ngữ đi với chữ ăn, như: ăn bám, ăn bẩn, ăn bận, ăn bơ làm biếng…, ăn tươi nuốt sống, ăn uống, ăn vã, ăn vạ, ăn vận, ăn xài, ăn xin, ăn xổi ở thì, ăn ý).

ĐẸP:

HTC (Tập I, tr. 290):   ĐẸP. n. Xinh tốt, ngộ nghỉnh, ưng ý, xứng ý.

(Dưới nêu ra và giải thích một số từ ngữ: Đẹp đẽ, Đẹp ý, Đẹp lòng, Đẹp dạ, Đẹp bụng, Đẹp miệng, Đẹp mặt nở mày).

KTTĐ (tr. 176): ĐẸP. Xinh, tốt. Trái với xấu: Người đàn-bà đẹp, quyển sách đẹp, cái nhà làm đẹp, nết đẹp. Nghĩa bóng: xứng ý, vui lòng: Đẹp lòng, đẹp ý, đẹp đôi.

(Dưới nêu ra và giải thích 3 từ ngữ: Đẹp duyên, Đẹp đẽ, Đẹp mặt. Phần Văn

liệu dẫn: Muốn đẹp mặt phải nặng cổ.- Vợ đẹp con khôn (T-ng)).

LVĐ (Quyển thượng, tr. 437): ĐẸP tt. Xinh, lịch sự, khoái mắt, sướng mắt: Gái đẹp, xinh đẹp; Cái nết đánh chết cái đẹp; Thấy anh đẹp nói đẹp cười, Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng // Tốt, hiền-hậu: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người CD // Xứng nhau, vừa ý: Đẹp đôi, đẹp ý. 

HP (tr. 306): ĐẸP t. 1 Có hình thức hoặc phẩm chất đem lại sự hứng thú đặc biệt, làm cho người ta thích nhìn ngắm hoặc kính phục: Cô gái đẹp. Cảnh đẹp. Múa rất đẹp mắt. Một ngày đẹp trời. Một cử chỉ đẹp. 2 (dùng phụ trước d., trong một số ít tổ hợp) Có sự hài hòa, tương xứng. Cặp vợ chồng đẹp đôi. Đẹp duyên. 3 (dùng phụ trước d., trong một số ít tổ hợp) Có cảm giác thích thú. Đẹp lòng. Đẹp ý.// Láy: đèm đẹp (kng.; ý mức độ ít).

(Dưới là những từ ghép đi với chữ đẹp: đẹp duyên, đẹp đẽ, đẹp đôi, đẹp giai, đẹp lão, đẹp lòng, đẹp mắt, đẹp mặt, đẹp trai).

CHĂNG:

HTC (Tập I, tr. 122): 庄 CHĂNG. n. Tiếng hỏi có không.

(Dưới là những từ ngữ đi với chăng: Phải chăng, Nên chăng, Khá chăng?, Hay chăng?, Nghe chăng?, Vã chăng, Chăng văng).

KTTĐ (tr. 113): CHĂNG. Cũng như tiếng chẳng mà có ý nghi ngờ: Hẳn rằng mai có như rày cho chăng (K).

(Dưới là phần Văn liệu dẫn nhiều câu trong các truyện thơ Nôm như Kiều, Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm, Nhị độ mai).

LVĐ (Quyển thượng, tr. 267): CHĂNG trt. Chẳng, không, tiếng dùng sau câu hỏi hoặc giữa câu mà có ý nghi ngờ: Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng, Cau tươi ăn với trầu vàng xứng chăng?; Phải chăng vườn mới thêm cây, Cảnh kia thêm nụ thì đây lui về CD 

HP (tr. 138): CHĂNG I p. 1 (cũ; vch; dùng trong một vài tổ hợp) Từ biểu thị ý  phủ định; như chẳng, không. Nghe lóm câu được câu chăng (có câu nghe được có câu không). Có chăng chỉ một mình anh ta biết. 2 (thường dùng ở cuối câu) Từ biểu thị ý muốn hỏi, tỏ ra còn nửa tin nửa ngờ. Chậm rồi chăng? Việc ấy nên chăng? Thuyền ơi có nhớ bến chăng?... (cd.).

II  tr. Từ biểu thị ý nhấn mạnh về điều vừa giả định, nhằm làm nổi bật điều muốn khẳng định. Khó đến mấy chăng nữa cũng không ngại.

Qua một số mục từ đã trích dẫn trong 4 quyển tự/ từ điển như trên, nếu so sánh đối chiếu Đại Nam quấc âm tự vị với các tự/ từ điển ra đời sau nó, chúng ta thấy mục từ cơ bản ở đây là tiếng (tự) hoặc từ (đơn). Sau mỗi mục từ cơ bản là các kết hợp của tiếng đó với các tiếng khác, như sau tiếng cha thì có Cha mẹ, Cha đẻ,… Cha cầm đầu, Cha đỡ đầu, Cha bàu chủ, Cha cả, Cha phần hồn,… Các tổ hợp sau mỗi tự/ từ đơn trong Đại Nam quấc âm tự vị lại được thu thập/ nêu ra một cách khá tùy tiện, với một số tổ hợp hầu như “vô loại”, vì không thể xếp chúng thuộc vào loại đơn vị nào (là từ, cụm từ quen dùng, hay thành ngữ?), như đưa cả vả rớt răng, xỉa răng vào mục từ răng; đưa ớ ai, chớ ai vào mục từ ai...

Các thông tin thuộc về cấu trúc vi mô(7) của một quyển tự/ từ điển tiếng Việt cũng không được soạn giả chú ý đầy đủ, ngoài việc ghi chữ n sau mục từ để biểu thị “nôm”, chữ c để biểu thị “chữ nho”, và c, n biểu thị “chữ nho mà có dùng nôm”.

Về cách định nghĩa/ giải thích ở mục từ cơ bản, tuy có ngắn gọn rõ ràng và khá chính xác nhưng lại quá giản đơn, vì thế đôi khi không đủ đáp ứng giúp người đọc hiểu được các nghĩa khác nhau của một từ đa nghĩa. Soạn giả thường chỉ nêu được một, hai nghĩa chính yếu nhất, như ở từ cha chỉ nêu được duy nhất một nghĩa “Kẻ sinh ra mình”, không nêu được nghĩa “linh mục” và những nghĩa khác, nhưng trong các kết hợp phía dưới thì lại có Cha cầm đầu, Cha đỡ đầu, Cha bàu chủ (dùng theo nghĩa “linh mục”): Người đỡ đầu trong lúc rửa tội, chịu che chở cho mình cũng như cha đẻ. Ở mục từ ăn chỉ nêu được hai nghĩa “nhai nuốt” và “hưởng dùng” (trong khi so với tự điển KTTĐ nêu phân biệt được đến 12 nghĩa; LVĐ 6 nghĩa; HP 13 nghĩa), dưới nêu ra và giải thích đến 124 từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ, cụm từ quen dùng (quán dụng ngữ) đi với chữ ăn, nhưng xếp một cách hầu như lộn xộn, không phân biệt giữa nghĩa “nhai nuốt” và “hưởng dùng”.

Về từ ngữ, thành ngữ, câu dùng làm thí dụ, soạn giả không nêu thí dụ ngay sau một hoặc hai nghĩa chính nào đó, mà dường như muốn dùng các kết hợp phía dưới được xếp đặt một cách khá lộn xộn, không phân biệt nghĩa, để vừa giải thích, vừa thay luôn cho các thí dụ cho từ đầu mục.

Mấy điều vừa nói trên đây là một số điểm vô lý, thiếu logic khá quan trọng trong việc biên soạn tự/ từ điển. Điều hạn chế này có thể hiểu được, vì trong điều kiện giữa thế kỷ XIX, Huỳnh Tịnh Của và các đồng sự của ông chưa thể có đủ sách vở/ tài liệu tham khảo để tiếp cận được với khoa từ điển học hiện đại.

“Nói tóm lại, mặc dù có một số khuyết điểm…,(8) Huỳnh Tịnh Của thật sự đã tiến một bước rất xa trong việc làm tự điển ở thời đại ông…

“Lần đầu tiên Huỳnh Tịnh Của làm công việc định nghĩa tiếng Việt bằng tiếng Việt, một việc làm tiên phong như vậy không thể coi là dễ dàng được. Phải có một sở học thật vững chắc, một khả năng ngôn ngữ, cộng với một tấm lòng tận tụy say mê, người ta mới có thể hoàn thành một bộ tự điển vừa phong phú về nội dung, vừa đặc sắc về cách định nghĩa.

“Cho đến ngày nay, thiết tưởng Đại Nam quấc âm tự vị vẫn còn là một bộ tự điển giá trị, giúp ích rất nhiều cho những ai muốn học hỏi tiếng Việt, chúng ta thật khó có thể tìm một bộ tự điển Việt Nam nào khả dĩ thay thế nó hoàn toàn được. Kể về nội dung cũng như hình thức, bộ Đại Nam quấc âm tự vị vẫn còn ăn đứt nhiều bộ tự điển Việt Nam hiện đang có mặt ở thị trường sách”(9) (Nguyễn Văn Y, tlđd, tr. 128-129).

Nhà văn Sơn Nam cũng không ngại lời ca tụng: “Một công trình đáng kể về khối lượng và chất lượng, ghi lại lời ăn tiếng nói của mọi giới ở vùng đất Đồng Nai. Những tiếng lóng, tiếng thông dụng mà các nhà bác học mãi đến nay còn do dự, chưa ghi vào tự điển vẫn có mặt trong quyển tự vị này: bánh hỏi, mười hai mụ bà, mười ba đức thầy...” (Người Sài Gòn, Nxb Trẻ, 2004). 

Tiếp sau, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát từ thể thức trình bày đến các mặt nội dung cụ thể của Đại Nam quấc âm tự vị.(10)

Thể thức trình bày của Đại Nam quấc âm tự vị

Ngoài bìa sách, từ trên xuống dưới ghi rõ tên sách bằng chữ Pháp (Dictionnaire Annamite), chữ Hán (大南國音字彙) và chữ Việt (Đại Nam quấc âm tự vị), dưới có dòng chữ nhỏ in nghiêng: “Tham dụng chữ nho có giải nghĩa, có dẫn chứng, mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ”. Dòng tên tác giả ghi: Huình-Tịnh Paulus Của.

Phần đầu sách có 6 trang “Tiểu tự” gồm hai thứ chữ Việt và Pháp; 6 trang kế tiếp ghi “Kể các dòng vua Trung Quốc từ Phục Hi sấp về sau” và “Kể các dòng vua nước Nam lấy trong sách ngoại kỉ”. Riêng Tập II, ngay ở phần đầu sách còn có 3 trang “Đính ngoa” và “Bổ di” áp dụng chung cho cả hai tập. Phần chính văn, với tổng cộng 1.204 trang khổ 24 x 31cm, bộ tự vị được chia làm 2 tập: Tập I (từ A đến L, 608 trang) và Tập II (từ M đến chữ X, 596 trang), mỗi trang đều chia làm hai cột.

Cả pho từ vị chứa đựng 7.537 chữ/ từ đơn đầu mục (với Tập I: 3.401 chữ, Tập II: 4.136 chữ), với khoảng gần 30.000 từ ngữ, thành ngữ được giải nghĩa kèm sau mỗi chữ/ từ đơn này.(11) Trước mỗi chữ đầu mục đều có in kèm chữ Nôm hoặc chữ Hán. Một số thành ngữ gốc Hán nêu làm thí dụ phía dưới các chữ/ từ đơn đầu mục cũng được ghi kèm chữ Hán. Điều đáng chú ý là Đại Nam quấc âm tự vị đã làm được việc mà nhiều từ điển tiếng Việt hiện tại chưa làm được: phân biệt các từ Nôm và từ Hán Việt, bằng cách ghi tắt chữ n (“nôm”) cho từ Nôm, ghi c (“chữ”) cho từ gốc Hán, và ghi c, n (“chữ” và “nôm”) cho một từ vừa dùng trong chữ Hán, vừa dùng trong chữ Nôm.

Về hình thức chữ viết Hán, Nôm, theo lời “Tiểu tự” ở đầu sách, “Chữ nho thì cứ tự điển Khương hi, chữ nôm chọn trong các ca vãn hay đã nói trước [như là ca trù, Chinh phụ ngâm, Kim Vân Kiều…], cả thảy đều dùng chính nôm chính chữ; quốc ngữ Latin thì tùy theo thói quen, giữ cho thiệt tiếng thiệt vần”.

Đại Nam quấc âm tự vị xếp các chữ/ từ đơn đầu mục theo thứ tự a,b,c…, cơ bản như các loại tự/ từ điển khác, nhưng vẫn có nhiều điểm khác biệt so với nhiều bộ tự/ từ điển Việt Nam về sau, như các chữ A, Ă, Â hoặc O, Ô, Ơ hoặc E, Ê nằm trong mỗi từ đơn được sắp kế nhau, thay vì hết chữ A mới sang Ă, Â hoặc hết O, mới sang Ô, Ơ. . . Thí dụ: Sau chữ Am (A khởi đầu), đến chữ Ẵ m (Ă khởi đầu), Âm (Â khởi đầu), Ấm, Ầm, Ẩm, rồi trở lại An, Án (A khởi đầu). Sau chữ Án đến chữ Ăn, Ân, Ấn, Ẩn, rồi trở lại Ang.

Đặc biệt, sau chữ H, tác giả xếp chữ Y dài rồi đến I ngắn, thay vì Y dài thường đặt sau chữ X như các tự/ từ điển thông thường hiện nay.

Các chữ có đánh dấu giọng cũng không theo thứ tự thống nhất, khi thì không dấu, sắc, huyền, hỏi; khi thì không dấu, nặng, huyền, ngã, sắc.

Sau mỗi chữ/ từ đơn, tác giả giải nghĩa thêm một số từ ngữ/ thành ngữ có liên quan đến chữ/ từ đơn ấy, như sau chữ Ba (q. I, tr. 17, c.1 và 2), ghi và giải nghĩa các từ ngữ/ thành ngữ như: Ba ba, Ba sanh, Ba hồn bảy vía, Ba bảy hai mươi mốt, Ba lo, Ba dãy bảy ngang, Ba vuông bảy tròn, Ba chớp ba sáng, Ba chìm ba nổi, Ba bó một vạ, Ba rọi, Cháng ba, Cái đinh ba, Ngã ba, Bô lô ba la, Con ba ba, Bánh ba ba. Sau tiếng chuối (q.1, tr. 169, c.1), có ghi và giải nghĩa các từ ngữ như: Cây chuối, Chuối cây, Lá chuối, Bẹ chuối, Tàu chuối, Buồng chuối, Quày chuối, Nải chuối, Đọt chuối, Bắp chuối, Dây chuối, Chỉ chuối, Mềm như chuối, Chuối cau, Chuối cơm, Chuối lá trắng, Chuối lá đen, Chuối vông, Chuối hột, Chuối chát, Chuối và hương, Chuối ngà, Chuối tiêu…, Ăn không biết lột vỏ chuối, Chuối đút miệng voi, Chuối non, Chuối đóng vóc.

Từ ngữ Việt cổ

Phàm ai muốn có một bộ Đại Nam quấc âm tự vị trong tay thì điều người ta nghĩ tới trước tiên mà cũng là đặc điểm nổi bật nhất của nó đối với người có nhu cầu học hỏi, tra cứu, nghiên cứu tiếng Việt ngày nay là bộ tự điển này chứa đựng khoảng gần 2.000 từ ngữ cổ,(12) có lẽ rất thông dụng ở thế kỷ XIX hoặc thời gian trước đó khá lâu, nhưng hiện nay người Việt không còn nói, không còn viết nữa. Để tra cứu những từ ngữ thông thường, có lẽ không ai mất công phải tìm đến Đại Nam quấc âm tự vị, vì trong trường hợp này, chỉ cần dùng các loại từ điển tiếng Việt thông dụng hiện đại sẽ được tiện lợi hơn nhiều.

Dưới đây là một ít từ ngữ được chọn trong những tiếng khởi đầu bằng chữ A, Ă, mà chúng ta không thấy có trong bộ Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, cũng như trong bộ Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức:(13) Áng ná: cha mẹ (q. I, tr. 13, c. 1, h. 15); Áp lẫm: ghẽ (sic) ống chơn lở lói, khó cho thuốc (q. I, tr. 15, c. 2, h. 22); Ăn cẫm (sic) địa: ăn phần kiến (sic) biếu, vì mình đã có dâng cúng đất đai mà làm đình miễu, ở kế tiên hiền (q. I, tr. 10, c. 2, h. 36 - 38); Ăn chưa thíp: ăn chưa no đủ, chưa vừa sức, ăn chưa hết bao nhiêu (q.II, tr. 399, c. 2, h. 19 - 20); Ăn gạo: mua gạo. Thường nói: ghe đi ăn gạo; tàu ăn gạo thì là mua, chở gạo (q. I, tr. 11 c. 2, h. 45 - 46); Ăn sinh cầm: ăn gỏi cá sống. (q. I, tr. 95, c. 1, h. 41)…

Đặc biệt có những tiếng nói chơi, tiếng lóng thường dùng ở thời Huỳnh Tịnh Của mà hiện nay không mấy người Việt biết đến được ông ghi chép, giải thích: Bình phu: vừa bằng. Tiếng riêng người cờ bạc; không ăn không thua, đủ vốn gọi là bình phu (q. I, tr. 59, c. 1, h. 3 - 5); Cao thành lớn bánh: tiếng nói chơi người cao lớn mà thô tục (thường hiểu về đờn bà) (q. II, tr. 373, c. 1, h. 42 - 44); Chộ cằn: tiếng riêng trong sự đánh bài, chỉ nghĩa là đánh rán cho hết bài (q. I, tr. 148, c. 1, h. 11 - 12); Đời la đa lép đép: đời lâu xa chẳng biết đâu mà tính, (tiếng nói chơi) (q. I, tr. 560, c. 1, h. 43 - 44); Ông dài: sấu lớn. Ngu tục sợ sấu kêu nó bằng ông, mà lại không dám kêu tên (q. I, tr. 216, c. 1, h. 11 - 12); Ông trắm Khổng-lò: hiểu là hai lỗ mũi, (tiếng nói chơi) (q. II, tr. 466, c. 1, h. 41 - 42); Tiền phú hậu bần. Trước giàu sau nghèo: dụng như tiếng nói chơi thì hiểu là đầu lớn đít nhỏ (q. II, tr. 207, c. 1, h. 6 - 8).

Chỉ riêng từ “nói”, Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức có ghi đến mấy trăm “lối nói”, nhưng lại thiếu gần cả trăm lối nói mà Đại Nam quấc âm tự vị đã ghi nhận và giải nghĩa (liệt kê theo thứ tự a, b, c), như: Nói bá quàn, Nói bào chuốt, Nói bắc cầu, Nói bát cạy, Nói bỏ xó, Nói bổng chảng, Nói cay ngạc, Nói có sách ước, Nói chạ, Nói chả chớt, Nói chèo đai, Nói chi ngô, Nói chiệng ảnh, Nói chiếu, Nói choãnh…, Nói xóc đế(14)

Thành ngữ, tục ngữ

Theo thống kê của Nguyễn Văn Y, “Trong bộ Đại Nam quấc âm tự vị có tất cả trên năm trăm câu thành ngữ và tục ngữ Việt Nam. Trong số đó, có gần 300 câu mà chúng ta không tìm thấy trong quyển Tục ngữ phong dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và cả trong bộ Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức, và có hơn 60 câu khác với hai bộ ấy ở một vài chữ” (tlđd, tr. 44). Có thể kể: Ăn thì dùa, thua thì chịu (q. I, tr. 246, c. 2, h. 37 - 38); Cao lễ dễ thưa (q. I, tr. 104, c. 1, h. 47 - 48); Con có cha nhà có chủ (q. I, tr. 158, c. 2, h. 47 - 48); Cục đất nắn ra ông táo (q. II, tr. 200, c. 2, h. 13 - 15); Ăn tấm trả giặt (q. II, tr. 336, c. 1, h. 11); Chạy ô rô, mắc ô mã (q. II, tr. 169, c. 1, h. 29 - 30); Chết ngẳng củ từ (q. II, tr. 510, c. 1, h. 7); Đắng như khổ qua quẹo (q. II, tr. 230, c. 2, h.23); Đặng kiện như sọ trâu khô, mất kiện như mồ ma chết (q. I, tr. 513, c. 2, h. 31 - 34).

Có khá nhiều câu nếu không được Huỳnh Tịnh Của giải thích thì người bây giờ thật khó suy đoán ý nghĩa. Như: Ăn cơm bảy phủ (q. II, tr. 208, c. 1, h. 26 - 28); Ăn như xa cán cùn (q. I, tr. 96, c. 2, h. 39); Ăn trầu cách mắt (q. I, tr. 11, c. 1, h. 41 - 44); Bẻ cò bỏ nóp (q. I, tr. 175, c. 1, h. 20 - 21).

Một số câu mở đầu bằng chữ “Làm”, chỉ có trong Đại Nam quấc âm tự vị, mà không thấy có trong hai bộ sách nói ở trên: Làm ăn như chết đuối vịn bờ (q. I, tr. 133, c. 2, h. 27 - 28); Làm chuyện trảy mày (q. II, tr. 465, c. 1, h. 8); Làm gái làm mụ (q. II, tr. 342, c. 2, h. 18 - 19); Làm như chỉ lộn cuồng (q. I, tr. 137, c. 2, h. 45); Làm như con mẹ nhạy (q. II, tr. 118, c. 1, h. 27 - 28); Làm như đi thỉnh kinh (q. II, tr. 398, c. 1, h. 35 - 36); Làm như hùm mất thịt (q. II, tr. 400, c. 1, h. 24 - 25).

Từ ngữ về cỏ cây và chim thú

Đại Nam quấc âm tự vị sưu tập khá nhiều từ ngữ liên quan tên gọi cỏ cây và chim thú, kèm theo những định nghĩa ngắn gọn, dễ hiểu, sát với thực tế đời sống. Tuy nhiên, vẫn còn mặt hạn chế chủ yếu ở chỗ phần nhiều cách mô tả cỏ cây, chim thú chưa đạt chuẩn khoa học, cũng không có tên khoa học bằng tiếng Latinh đi kèm như trong từ điển của Taberd. Như ở chữ CẦN với nghĩa rau cần, soạn giả giải thích: Loại rau thơm ưa đất thấp, một thứ nhỏ lá thơm nhiều, gọi là cần Tàu một thứ lớn lá ít thơm, gọi là cần ta còn một thứ lớn cây lớn lá không thơm gọi là cần trâu (q.I, tr. 99, c. 2, h. 41 - 44).

Tuy nhiên, nhờ lối định nghĩa ngắn gọn và thực tế đặc biệt của tác giả, chúng ta ngày nay nhận thấy các giống loài cỏ cây và chim thú phần lớn đã được người Việt đặt tên gọi bằng cách dựa trên hình dáng, màu sắc (Cỏ chỉ, Chuối hột, Chuối lá trắng, Chuối lá đen, Chuối lửa, Cây vòi voi, Cây vú sữa…); hoặc vào tính chất, công dụng (Hoa mắc cỡ, Hoa nguyệt quí, Hoa tí ngọ, Bông tứ quí, Cây thuốc nọc, Cỏ xước…); hoặc vào âm thanh, theo tiếng kêu (Ảnh òn, Ảnh ương, Cà khu, Chó chóc, Cú, Cu gầm ghì, Chim hít cô, Chim trã trẹt, Ve…).

Về tên gọi cỏ cây và chim thú, Huỳnh Tịnh Của tỏ ra rất uyên bác, biết rõ nhiều loài khác nhau trong một giống sinh vật. Như về các loài chuối: Chuối cau, chuối cơm, chuối hột, chuối lá đen, chuối lá trắng, chuối lửa, chuối nanh heo, chuối non nước, chuối nước, chuối và hương, chuối và lùn, chuối vông (q. I, tr. 169, c. 1 và 2). Các loài tre: Tre bạc mày, tre bông, tre bộp, tre dây, tre đài, tre đỏ, tre gai, tre giang, tre la ngà, tre lồ ô, tre lông, tre mò o, tre nứa, tre tàu, tre tầm vông (q. II, tr. 476, c. 1 và 2). Các loài kiến: Kiến lửa, kiến đất, kiến cỏ, kiến vàng, kiến hôi, kiến riện, kiến bò nhọt, kiến mọi, kiến mốc, kiến kim, kiến vương, kiến cành, kiến cánh (q. I, tr. 514, c. 1 và c. 2). Các loài ngựa: Ngựa bạch, ngựa kim, ngựa kim than, ngựa kim lem, ngựa kim lân, ngựa bích, ngựa hội, ngựa hạc, ngựa séo, ngựa khứu, ngựa ô, ngựa tía, ngựa tía vang, ngựa tía cháy, ngựa hồng, ngựa đạm, ngựa đạm chỉ, ngựa đạm lợt (q. II, tr. 108, c. 1 và c. 2). Các loại rắn: Rắn rồng, rắn rồng ri, rắn rồng ri cá, rắn rồng ri cóc, rắn liu điu, rắn lãi, rắn ráo, rắn nước, rắn bông súng, rắn roi, rắn hổ, rắn hổ đất, rắn hổ ba khoang, rắn hổ ngựa, rắn hổ mây, rắn hổ chuối, rắn hổ mang, rắn hổ hành, rắn mái gầm, rắn nẹp nia, rắn vày tên, rắn râu, rắn trun, rắn trun đỉa, rắn trun đẻn, rắn trun cườm, rắn lục, rắn lục lửa, rắn mặt cân, rắn đòn cân, rắn mỏ vọ (q. II, tr. 245, c. 2, h. 18 - 49).

Tên người và tên đất(15)

“Cả bộ Đại Nam quấc âm tự vị chỉ chiếm vào khoảng 70 mục từ về tên người và 360 mục từ về tên đất. Hai loại này thật quá ít, dường như soạn giả chỉ ghi những tên người, tên đất nào thường được nói đến, nghe đến, hay đọc thấy trong các sách rất phổ thông ở thời đại ông, chứ chưa chịu khó tra tìm thêm ở các sách sử, địa, các loại địa phương chí để thu thập, ghi chép.

“Riêng về phần nhơn danh, tên các nhơn vật trong lịch sử Trung Hoa chiếm hết hai phần ba, nhơn danh Việt Nam chỉ gồm có mười mấy tiếng. Sở dĩ có hiện tượng nầy, biết đâu là do hồi thời đó văn chương của các nhà Nho, của hàng trí thức, thường chứa các danh từ về nhơn danh Trung Quốc nhiều hơn, mà Huỳnh Tịnh Của chỉ là người lượm lặt những từ ngữ thường được viết trong các áng văn thời ấy ra để đem vào tự điển. Dù sao, đó vẫn là một khuyết điểm của một bộ Tự điển Việt Nam” (Nguyễn Văn Y, tlđd, tr. 59).

Cách giải thích tên người tên đất phần nhiều cũng giản đơn không đủ rõ, hoặc thậm chí sai sót, do chỉ ghi theo trí nhớ, mà không tra cứu. Như: Càn long. Hiệu vua thứ hai, đời nhà Thanh (Trung quốc); cũng là tên chỗ (q. 1, tr. 97, c. 1, h. 19-20). Trong thí dụ này có 2 điểm không ổn: (1) Ở nghĩa thứ nhất, Càn Long thật ra không phải là “Hiệu vua thứ hai, đời nhà Thanh” (mà phải là vua thứ 5 Thanh Cao Tông [1736 - 1795] mới đúng); (2) Ở nghĩa thứ hai, tên đất, chỉ giải thích “cũng là tên chỗ” thì không ai biết chỗ là chỗ nào (có lẽ soạn giả muốn nói tới quận Càn Long, thuộc thành phố Trà Vinh ngày nay).

Về địa danh Trung Quốc, trái lại, Huỳnh Tịnh Của ghi rất ít, chỉ có hơn 20 danh từ trong tổng số trên 350 danh từ địa danh.

Riêng về các địa danh ở Việt Nam, toàn bộ tự điển có trên 300 danh từ, mà hai phần ba là các địa danh ở miền Nam; miền Trung và miền Bắc ít hơn. Ta nhận thấy những địa danh nằm trong vùng Phước Tuy (thuộc tỉnh Bà Rịa), nơi chôn nhau cắt rún của Huỳnh Tịnh Của, được ông ghi vào tự điển nhiều nhất trong số các địa danh ở mỗi tỉnh. Đại khái có thể kể: Cữa (sic) tắc khái, Đá bàn, Đất đỏ, sằm, Khê gà, Hóc kè, Lưới rê, Phước hải, Thao lao, Vũng giằng (tất cả đều thuộc địa phận Phước Tuy/ Bà Rịa, nơi quê hương tác giả).

Đại Nam quấc âm tự vị không ghi đủ tên các tỉnh ở Việt Nam, toàn quốc chỉ có vài mươi tỉnh được nhắc đến. Ngay đối với các tỉnh miền Nam cũng thiếu sót.

Trong các địa danh miền Nam, nhiều nhất là tên sông rạch, núi non; rất ít các địa danh về phủ, huyện, làng. Ít hơn nữa là một số địa danh về cù lao, cửa biển, bãi, gành, giồng, truông; có tên vài ngôi chợ, chùa, miếu, nhưng càng quá ít.

Ngoài ra, trong Đại Nam quấc âm tự vị còn có vài chục địa danh thuộc các nước khác trên thế giới, hầu hết là các láng giềng của ta ngày ấy, như Cao Miên, Lào, Chiêm Thành, Xiêm, Miến Điện, Nhật Bổn; một ít xứ xa hơn được kể tên là Ma Ní, Malacca, Rô-Ma, Thổ nhỉ (sic) kỳ, và các biển lớn trên thế giới như Địa Trung hải, Hắc hải, Hồng hải.

Hầu hết các địa danh đều được giải nghĩa rất ngắn gọn, thường chỉ cho biết chúng nằm ở đâu vậy thôi, chứ không mô tả chi tiết. Thậm chí, vài địa danh còn không được cho biết nằm ở đâu, như: Cái nhum, Đông sơn, Eo vượt, Hàn giang, Thù lù.

Nhưng có lẽ điểm đặc sắc đáng kể và lý thú nhất là soạn giả đã cho biết rõ lý do tại sao một số địa danh lại có tên gọi như thế. Vài thí dụ:

Ba động: tên cửa biển ở về tỉnh Vĩnh long. Tên chỗ có ba hòn động ở tại tỉnh Bình thuận, trên có miễu bà chúa Ngọc (q. I, tr. 322, c. 2, h. 21 - 23).

Bến nghé: bến ở tại vàm sông kinh vào Chợ lớn, cũng hiểu chung là đất Bến thành; có kẻ nói là bến tắm trâu, có kẻ nói là vùng sấu ở, không lấy đâu làm chắc (q. I, tr. 47, c. 1, h. 16 - 17).

Bình di: tên đồn ở về tỉnh An giang, cũng có nghĩa là làm cho mọi yên (q. I, tr. 231, c. 1, h. 18 - 19).

Cầu Thị nghè: tên cầu qua làng Phú mĩ, ở gần thành cũ Gia định, lấy tước một bà làm nên cầu ấy mà đặt (q. II, tr. 389, c. 1, h. 36 - 38).

Cù lao phố: cù lao lớn ở tại tỉnh Biên hòa, nguyên là chỗ có nhiều phố xá, cũng gọi là Đông phố, chỉ nghĩa là phố bên đông (q. II, tr. 200, c. 2, h. 3 - 6).

Cữa thuận: xưa là cữa eo, người ta không muốn cho nó eo, thì cải là cữa thuận, chính là cữa kinh đô nước Đại nam (q. II, tr. 420, c. 1, h. 17 - 19).

Chợ đũi: tên chợ, nguyên là chỗ hay bán đũi, dệt đũi (q. I, tr. 331, c. 1, h. 36 - 37).

Giếng bộng: tên xứ về hạt Phước tuy, thuở xưa ở đó có cái giếng bằng bộng cây (q. I, tr. 73, c. 1, h. 36 - 37).

Núi Chiêng Bà đen: tên núi ở phủ Tây ninh, tỉnh Gia định, trên có chùa thờ bà thần tên là Đen (q. I, tr. 19, c. 1, h. 36 - 37).

Ngự bình: hòn núi ở tại thành đô Annam, giống cái bình phong (q. I, tr. 59, c. 2, h. 15 - 16).

Trảng bàng: tên trảng có nhiều cỏ bàng, về hạt Tây ninh (q. I, tr. 33, c. 1, h. 17 - 18).

Những chữ có nguồn gốc ngoại lai

Từ có gốc phương Tây rất ít, vì đến thế kỷ XIX, ảnh hưởng của ngôn ngữ phương Tây đối với tiếng Việt vẫn còn chưa đáng kể. Suốt bộ tự điển chỉ tìm thấy một vài chữ như: Kim kê na: thuốc rét rất đắng chế ra như bột. (Quinquina) (q. I, tr. 469, c. 2, h. 7 - 8); Ma tà: lính canh tuần. (Tiếng Malais, kêu theo đã quen) (q. II, tr. 1, h. 14 - 15).

Trái lại, có nhiều tiếng do ảnh hưởng của tiếng Hoa (với phương ngữ Triều Châu, tức quen gọi tiếng Tiều) và tiếng Campuchia. Có thể kể một số tiếng mà tác giả Đại Nam quấc âm tự vị cho là có gốc Triều Châu: Kía 子: con (q. I, tr. 512, c. 1, h. 35); Tần nằng kía 唐人子: con khách (q. I, tr. 512, c. 1, h. 36); Khậu 褲: cái quần: Y khậu: áo quần (q. I, tr. 483, c. 1, h. 1 - 4); Khậu 庫: kho, nhà lớn trữ hàng hóa: Tổng khậu: đầu bếp, kẻ nấu ăn (q. I, tr. 483, c. 1, h. 5 - 6); Khự 去: đi (q. I, tr. 503, c. 1, h. 18): Cháo khự: trốn đi, chạy đi (q. I, tr. 503, c. 1, h. 19); Mửng (Mãng) 門: chỉ nghĩa là cửa, thường hiểu là phía, bề, cách thế (tiếng điếm đàng) (q. II, tr. 57, c. 2, h. 34 - 36); Tần khạo: các lái ghe giàn, các lái ghe Nam-vang (q. I, tr. 481, c. 2, h. 38 - 39); Tía 爺: cha (q. II, tr. 433, c. 2, h. 9); Lù tía 老爺: người lãnh hoa chi (tiếng xưng hô) (q. II, tr. 433, c. 2, h. 11 - 12); Tía má: cha mẹ (q. II, tr. 2, c. 2, h. 7); Toa 單: (Đơn). Giấy biên kí hàng hóa hoặc biên vị thuốc (q. II, tr. 450, c. 1, h. 38 - 30); Tòa 大 (Đại): lớn (q. II, tr. 451, c. 1, h. 1 - 2): Tòa hia: anh cả (Thiên địa hội) (q. II, tr. 451, c. 1, h. 3); Tửng: tên riêng (q. II, tr. 519, c. 1, h. 35); Thầu: ăn nuốt (q. II, tr. 380, c. 1, h. 13); Thẩu: nhựa nha phiến, nhựa phù dung (q. II, tr. 380, c. 1, h. 18 - 19); Thộ: thùng, giỏ (q. II, tr. 402, c. 1, h. 24); Chè thộ: chè nguyên bao, nguyên thùng (q. II, tr. 402, c. 1, h. 25); Thèo lèo: bánh trái, đồ ăn nước uống, chính chữ là 茶料 trà liệu (q. II, tr. 386, c. 1, h. 11 -13); Vẹ 位 (tiếng khách) (q. II, tr. 546, c. 2, h. 8): Lão vẹ: tiếng gọi khách gia (q. II, tr. 546, c. 2, h. 9); Xáo: Giọng. Xiên xáo: 仙草 thứ cỏ có nhiều nhựa ăn mát, giọng ta đọc là tiên thảo, nghĩa là cỏ tiên (q. II, tr. 575, c. 1, h. 8 - 402); Xẳng xái: mặc ý (q. II, tr. 574, c. 1, h. 33); Xỉnh xái: mặc ý (q. II, tr. 571, c. 1, h. 27).

Những tiếng mà soạn giả cho là gốc ở tiếng Campuchia: Cà ròn: bao dài đương bằng lá cây, cộng cỏ (q. II, tr. 263, c. 2, h. 15 - 16); Chà gạc: cái mác Cao-miên, đồ binh khí của Miên (q. II, tr. 341, c. 2, h. 1 - 2); Chùm nhum: chỉ nghĩa là xúm xít (q. I, tr. 165, c. 1, h. 24); Chùm nhum, chòm nhum: vầy đoàn, tụ hội, nhóm nhau một chỗ. Ngồi chùm nhum (q. II, tr. 142, c. 2, h. 1 - 3); Gòi: phần thủ, phần hờ (q. I, tr. 38, c. 2, h. 22 - 28); Trình gòi: đi thưa cho người coi gòi, hay đem giấy thông hành cho người coi gòi xem (q. I, tr. 388, c. 2, h. 30 - 32); Mẹ nàng: đờn bà lớn tuổi (q. II, tr. 69, c. 2 h. 7); Mọp: quì gối, sấp mình, cúi xuống, (thói Mên) (q. II, tr. 50, c. 2, h. 17 - 18); Nàng: nương (Tiếng xưng hô cho các đờn bà). Tiếng Mên gọi là nen (q. II, tr. 69, c. 2, h. 4 - 5); Ót chỉ: hết tiền, nghèo quá (q. II, tr. 179, c. 2, h. 28); Ràm: (tưởng là tiếng Mên) (q. II, tr. 243, c. 2, h. 4); Nha ràm: tên chỗ thuộc huyện Phước lộc (Cần giuộc) (q. II, tr. 243, c. 2, h. 5 - 6); Tầm lon: chỉ nghĩa là đem lần lần: chỡ tầm lon (q. II, tr. 336, c. 1, h. 32 - 33).

Ngoài ra, còn có những tiếng có lẽ cũng gốc Campuchia, mặc dù tác giả không ghi rõ là “tiếng Cao Mên” như ở những chỗ khác: Cà uôm: tiếng cọp kêu rên (q. I, tr. 78, c. 2, h. 11); Ghe cà vom: ghe Cao Mên hay làm mui dài lắm (q. II, tr. 559, c. 1, h. 13); Rân cà tum: tiếng om sòm (q. I, tr. 87, c. 1, h. 33); Xăng cà đung: rộn ràng quá (q. II, tr. 574, c. 1, h. 14); Xăng bông: id. (q. II, tr. 574, c. 1, h. 15).

Cách viết chữ Nôm trong Đại Nam quấc âm tự vị

Trong Đại Nam quấc âm tự vị, có khá nhiều chữ Nôm thuộc loại giả tá, nhưng Huỳnh Tịnh Của dùng chữ 口 để ghi âm (không dùng cái “nháy nháy” đặt ở góc trên bên mặt chữ Nôm). Chữ khẩu nhỏ đặt ở góc trên bên trái chữ Hán dùng để chỉ tỏ âm chữ Nôm đó hơi khác với âm Hán Việt. Thí dụ:

- 呠 Bọn: đoàn, lũ. (q. I, tr. 69, c. 1, h. 32) (Chữ khẩu ở góc trên bên trái chữ bổn 本).

Cằn: mót máy. Tiếng trợ từ. (q. I, tr. 98, c. 1, h. 31) (Chữ khẩu ở góc trên bên trái chữ cần 勤).

: dựa bìa, ngoài nép (q. II, tr. 27, c. 1, h. 38) (Chữ khẩu ở góc trên bên trái chữ mỹ 美).

Vì không theo một nguyên tắc nào nhất định, nên nhiều chữ Nôm trong Đại Nam quấc âm tự vị viết không giống với chữ Nôm ở trong các bộ tự điển tiêu biểu khác như Dictionarium Annamitico Latium của Taberd, Dictionnaire Annamite Français của J. F. M. Génibrel, và Dictionnaire Annamite-Français của Jean Bonet. Như ở các chữ: Ao (q. I, tr. 14, c. 1, h. 31); Áo (q. I, tr. 14, c. 2, h. 1); Bấm (q. I, tr. 27, c. 2, h. 17); Bấng (q. I, tr. 35, c. 1, h. 14); Bấu (q. I, tr. 43, c. 1, h. 25); Bậy (q. I, tr. 26, c. 1, h. 14); Be (q. I, tr. 43, c. 2, h. 39); Bể (q. I, tr. 45, c. 2, h. 34); Bến (q. I, tr. 46, c. 2, h. 38); Bòng (q. I, tr. 72, c. 2, h. 1); Bưng (q. I, tr. 83, c. 2, h. 6); Bướm (q. I, tr. 84, c. 1, h. 22); Bướu (q. I, tr. 84, c. 2, h. 2).

“Số chữ viết khác nầy rất nhiều, có đến ngót mấy ngàn chữ, ở đây chúng tôi chỉ ghi lại một số ít chữ tiêu biểu để làm thí dụ mà thôi. Chính sự viết chữ Nôm khác biệt của Huỳnh Tịnh Của, hay nói đúng ra là của các áng văn chữ Nôm thời mà ông đã theo đó ghi vào tự điển của ông, sẽ giúp cho các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu chữ Nôm đưa ra được nhiều nhận xét đặc biệt về cách cấu tạo của thứ văn tự nầy” (Nguyễn Văn Y, tlđd, tr. 89-90).

****

Hoạt động cùng thời với Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), Trương Minh Ký (1855 - 1900), Huỳnh Tịnh Của là một trong những nhà văn - nhà báo Quốc ngữ tiền phong của nước ta vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ - văn chương - văn hóa Việt, mà công lao đáng kể, mang lại giá trị lâu bền nhất, có lẽ chính là bộ Đại Nam quấc âm tự vị như trên chúng ta đã khảo sát, đánh giá tương đối đầy đủ. Ông hiệu Tịnh Trai, nên còn quen gọi Huỳnh Tịnh Trai, cũng thường ký bút danh Paulus Của khi viết báo (Paulus là tên Thánh). Sinh năm Canh Dần 1830 tại làng Phước Tụy, tổng Phước Hưng Hạ, tỉnh Bà Rịa (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu),(16) mất ngày 26/01/1908.

Nhờ học trường đạo nên ông rất giỏi Pháp văn và chữ Latinh, còn về chữ Hán thì phải nhờ Tôn Thọ Tường chỉ vẽ thêm.(17) Theo đạo Kitô, năm 12 tuổi được đưa sang học một trường đạo ở Pulo Pinang, phía tây bắc Malaysia.

Khi học đạo lên đến chức “Thầy tư” thì hoàn tục, trở về quê cưới vợ.

Năm 1862, sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông bắt đầu giúp việc cho nhà nước thuộc địa, làm Thông ngôn, rồi lãnh việc phiên dịch văn án trong cơ quan Bureau des traductions à la Direction de l’Intérieur de Saigon (sau đổi tên là Direction du Service local, “Phòng phiên dịch Dinh Thượng thơ Saigon”). Năm 1865, Huỳnh Tịnh Của được biệt phái về làm việc ở Bộ Tổng tham mưu (État major général).

Ngày 1/1/1873, ông được thăng chức Huyện đệ nhất hạng (Huyện de première classe), đến làm việc tại “Phòng phiên dịch Dinh Thượng thơ” (Direction de l’Intérieur, sau đổi tên là Bureau du Gouvernement de la Cochinchine). Ngày 1/1/1881, thăng chức Phủ đệ nhị hạng (Phủ de deuxième classe). Ngày 1/8/1884, lại thăng Phủ đệ nhất hạng (Phủ de première classe) và được bổ làm Đốc phủ sứ ngoại ngạch (hors cadre).

Năm 1892, Huỳnh Tịnh Của được chọn làm hội viên của Ủy ban Cải tổ Trường Thông ngôn (membre de la Commission de réorganisation du collège des Interprètes). Ông còn có chân trong ban biên tập (comité de rédaction) bán nguyệt san Revue Indochinoise (1893 - 1925), một tạp chí rất có giá trị chuyên nghiên cứu về Đông Dương.

Nhiều lần ông được mời làm giám khảo trong các cuộc thi do Pháp tổ chức để chấm môn Việt văn và Hán văn.

Huỳnh Tịnh Của là một trong những người Việt Nam đầu tiên khởi xướng phong trào báo chí Quốc ngữ ở nước ta.(18) Ông cùng với Trương Vĩnh Ký tham gia sáng lập tờ Gia Định báo, có nhiều bài viết từ những số đầu tiên năm 1865, giữ việc biên tập liên tiếp nhiều năm cho tờ báo Quốc ngữ đầu tiên này, và đã tỏ ra xuất sắc trong những bài khảo cứu về các cổ tích, khoa học phổ thông, sưu tập thi ca cũ, cũng như phiên dịch các bài diễn văn, nghị định, công văn bằng tiếng Pháp ra tiếng Việt.

Huỳnh Tịnh Của cũng là người đầu tiên biên soạn bộ tự điển đơn ngữ giải thích tiếng Việt, đã “vượt xa hơn cái việc trực tiếp phục vụ chính quyền Pháp mà biểu lộ cái ý thức của tác giả muốn ‘chuẩn thằng hóa tiếng Việt’” (Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Tập II, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1988).

Ông là người chịu ảnh hưởng Tây phương, đã tích cực viết sách viết báo, biên soạn tự điển, đã cùng với Trương Vĩnh Ký cổ động việc dùng chữ Quốc ngữ viết theo mẫu tự Latinh, tỏ rõ là một người yêu chuộng văn hóa dân tộc, biết giữ gìn/ khai thác những di sản văn hóa - tinh thần của cổ nhân để lại bằng cách nỗ lực phiên âm, phổ biến những áng văn xưa của người Việt.

Trong cuộc đời công chức, ông được ban thưởng các huy chương: Đại Nam hàn lâm viện trực học sĩ (Médaille d’officier du Dragon d’Annam), Đại Pháp hàn lâm kim diệp (Médaille d’officier d’Académie), Ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur), và Kim khánh Cao Miên (Officier de l’ordre royal du Cambodge).

Mặc dầu được nhà nước Pháp trọng đãi, ông vẫn luôn tỏ ra là một người khiêm tốn, giản dị, có cuộc sống thanh bần. Theo Nguyễn Liên Phong trong Điếu cổ hạ kim thi tập, ông là người “hình dung nho nhã, tánh nết cẩn thận hiền lành (...), đã quá tuổi hưu trí mà Nhà nước đoái tưởng ngài tuổi lớn nhà nghèo, cho làm luôn” (dẫn lại theo Nguyễn Văn Y, tlđd, 14).

Ngoài Đại Nam quấc âm tự vị được coi là công trình lớn đáng kể nhất, Huỳnh Tịnh Của còn là tác giả, dịch giả của nhiều tác phẩm khác, chia làm hai loại chính: sưu tập - biên khảo, phiên âm - chú thích. Có thể liệt kê theo thứ tự thời gian như sau:

  1. Maximes et Proverbes, Imprimerie du Gouvernement, Saigon, 1882, 35 tr.(19)
  2. Chuyện giải buồn rút trong các sách hay, để giúp trong các trường học cùng những người học tiếng Annam. In lần thứ 2, Bản in Quản hạt, Saigon, 1886, 100 + 3 tr.
  3. Chuyện giải buồn cuốn sau dịch rút trong các sách hay, lại phụ các án tấu, án đoán quan Annam làm, lập lời nói trang nhã, lịch sự, để giúp trong các trường học cùng giúp cho các người học tiếng Annam. Cuốn sau, Bản in Nhà hàng Rey et Curiol, Saigon, 1886, 96 tr.
  4. Sách bác học sơ giai (Simples lectures sur diverses sciences), Nhà in Rey et Curiol, Saigon, 1887, 248 tr.(20)
  5. Sách quan chế, Bản in nhà nước, Saigon, 1888, 94 tr.
  6. Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn, Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, Saigon, 1896, 94 tr.(21)
  7. Quan âm diễn ca. In lần 3, Nhà in Xưa Nay, Saigon, 1898, 32 tr.
  8. Gia lễ. In lần thứ 2, Imprimerie Commerciale Ménard & Rey, Saigon, 1904, 52 tr.
  9. Phép đo (Arpentage), Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude et Cie, Saigon, 1905, 78 tr.
  10. Thơ mẹ dạy con, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1905, 61 tr.(22)
  11. Trần sanh diễn ca, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1905, 61 tr.(23)
  12. Lang Châu toàn truyện. Bổn cũ sửa lại, Imprimerie Commerciale Ménard et Rey, Saigon, 1905, 38 tr.
  13. Văn Doan diễn ca, Coudurier & Montégout, Imprimeurs-Éditeurs, Saigon, 1906, 100 tr.
  14. Bạch Viên Tôn Các truyện. Phụ Chinh phụ ngâm. Bổn cũ dọn lại, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1906, 36 tr.
  15. Chiêu Quân cống Hồ. Bổn cũ dọn lại. In lần 2, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1906, 40 tr.
  16. Ca trù thể cách, Imprimerie Commerciale Mercellin Rey, Saigon, 1907, 40 tr.
  17. Tống Tử Vưu truyện. Bổn cũ dọn lại, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1904, 32 tr. In lần thứ 4, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1907, 30 tr.
  18. Thoại Khanh Châu Tuấn. Bổn cũ dọn lại, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1908, 28 tr. In lần thứ 6, Nhà in Xưa Nay, Saigon, 1929, 22 tr.
  19. Câu hát góp (Recueil de Chansons Populaires), Imp Commerciale Ménard Legros, Saigon, 1901, 32tr. In lần thứ 4, Phát Toán, Saigon, 1910, 32 tr.

Ngoài ra, Huỳnh Tịnh Của còn một số tác phẩm khác nữa, thấy giới thiệu trên các bìa sách đã xuất bản của ông:(24) Phép toán (Arithmétique)Tam soạn tư hạt nhựt xấp (Recueil des formules annamites). Thanh Lãng, trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Nxb Trình Bày, Saigon, 1967, quyển hạ, tr. 21), có ghi Huỳnh Tịnh Của là tác giả của Vãn Cha Minh và Lái Gẫm. André Baudrit, trong Guide historique des rues de Saigon, ghi ông còn soạn quyển Catéchismes (Saigon, 1885), và dịch nhiều truyện Tàu ra Quốc ngữ.

Trần Văn Chánh

Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (145) . 2018

 

------

CHÚ THÍCH

(*) Bài viết đã in ở đầu sách Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, bản ảnh ấn theo sách gốc, do Tu viện Huệ Quang (Thành phố Hồ Chí Minh) hợp tác với Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành trong quý I/ 2018.

  1. Huỳnh Tịnh Của không độc lực làm việc mà còn có vài người nữa đã âm thầm giúp sức cho ông trong quá trình biên soạn Đại Nam quấc âm tự vị, nhưng những người này không được ghi tên chung trên bìa sách, cũng không thấy ông nhắc tới trong bài “Tiểu tự”. Điều này đã được tác giả Nguyễn Văn Y chứng minh một cách khá thuyết phục căn cứ vào tính thiếu nhất quán của toàn bộ công trình. Tác giả Nguyễn Văn Y còn sưu tầm và dẫn ra được bài báo “Chữ quấc ngữ” do Nguyễn Kỳ Sắt viết trên tuần báo Nam nữ giới chung (số 1, 28 Mars 1930, xuất bản tại Cholon, tr. 5), nguyên văn (chép y theo từng chữ) như sau: “Các ông còn Hậu sanh nghe tiếng ông Paulus Huỳnh-Tịnh-Trai (ông Đốc Phủ Của) chớ chưa biết tài ngài năm 1889 thượng thơ đỗi lại là Direction du Service Local, tôi vào làm việc tại phòng Thông ngôn, tùng quyền ngài phụ dịch tờ gia định Báo với ngài, ngài đây là hửu danh vô thiệt, một tay tôi với thầy Huỳnh Mai Liễu cháu ruột ngài làm Thông Phán (Sau thầy đỗi lên Thủ dầu một) làm gần hết cuốn tự-vị quấc-ngữ đó. mạnh tôi tôi viết, mạnh Liễu, M.Liễu viết, chữ c. cũng được, chữ t. cũng hay có g. hay là không g tự do, ngài trông về tới nhà thì ngài lập vỏ. gọn bân như triệu tử long cằm kích. còn việc học chử An-nam của ngài, thì nói cho chí lý, ngài hơn tôi chừng vài chục chữ” (theo Huỳnh Tịnh Của và công trình Đại Nam quấc âm từ vị, Tiểu luận Cao học Ngữ học của Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, chương XII, tr. 131-135).
  2. Trước khi quyển tự vị của Huỳnh Tịnh Của ra đời, nước ta chưa có quyển tự điển nào giải nghĩa tiếng Việt bằng tiếng Việt. Mãi đến năm 1931 mới có một quyển tự điển tiếng Việt thứ hai, đó là Việt Nam tự điển do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo (Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội). Hầu hết các bộ tự điển từ thời Alexandre de Rhodes với bộ Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum (Tự điển Việt-Bồ-La, 1651) cho đến hậu bán thế kỷ XIX chỉ là những tự vị song ngữ (hoặc Việt Latinh, hoặc Việt Pháp), tiêu biểu có thể kể những cuốn đã xuất hiện trước hoặc gần như đồng thời với Đại Nam quấc âm tự vịDictionarium Annamiticum Latium của Pigneau de Béhaine (1772); Dictionarium Annamitico Latium của Taberd (1838); Dictionarium Annamiticum Latium của Theurel (1877); Dictionnaire Annamite Français của J. M. Génibrel (1898); Dictionnaire Annamite- Français của Jean Bonet (1899).
  3. Việc in ấn cũng gặp nhiều khó khăn trở ngại. Theo Phạm Long Điền (Tạp chí Bách khoa, số 417/1974): “Trong phiên họp ngày 11/1/1897 (?), Hội đồng Quản hạt nhóm bàn nên hay không nên chi tiền tài trợ cho bộ Đại Nam quấc âm tự vị. Cuộc tranh luận thật sôi nổi. Một hội viên người Pháp hống hách lớn tiếng nói: Nhà nước không có mướn ông Phủ Của làm tự điển loại ấy, nếu Ông có làm thì đó là ý kiến cá nhân thôi...”. Theo ông Nguyễn Văn Quan (Tạp chí Kiến thức ngày nay số 634/2008): “Bộ tự vị này đã được một ủy ban đặc biệt khảo sát với thành phần gồm các ông Narville, Rossigneux, Thirode và Pétrus Ký. Mọi người đồng ý nhìn nhận: đây là một tác phẩm có giá trị lớn lao, thật hữu dụng, và việc phổ biến nó không những mang lại danh dự cho nhà nước mà còn cho cả tác giả nữa. Nhưng số tiền chi quá lớn nên đề nghị Hội đồng Quản hạt quyết định... Và Hội đồng Quản hạt chấp nhận chi 6.400 đồng để in 1.000 quyển Đại Nam quốc âm tự vị của Paulus Của và tặng tác giả 1.000 đồng. Nhưng mãi đến tháng 10.1895 mới in xong” (dẫn lại theo bài “Từ điển Việt Nam xưa và nay”, sachxua.net/forum/ban-tron-van-hoc-lich-su-van.../tu-dien-viet-nam-xua-va-nay/).
  4. Khi trích dẫn từ ngữ trong Đại Nam quấc âm tự vị, chúng tôi luôn giữ nguyên cách viết theo chính tả của Huỳnh Tịnh Của, dù có khác với chính tả tiếng Việt hiện đại. Xem thêm Phụ lục II  ở cuối sách.
  5. Chúng tôi xin nêu ra và so sánh Đại Nam quấc âm tự vị (viết tắt: HTC) với 3 bộ tự/ từ điển sau đây: Việt Nam tự điển 1931 của Hội Khai Trí Tiến Đức (viết tắt: KTTĐ), Tự điển Việt Nam 1970 của Lê Văn Đức (viết tắt: LVĐ), Từ điển tiếng Việt 2006 của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Hoàng Phê chủ biên (viết tắt: HP). Chúng tôi cho sao y các mục từ trong các tự/ từ điển này, tôn trọng cả quy cách chữ viết và chính tả.
  6. Về các dấu hoa thị (*), theo thể lệ của từ điển HP, “Khi thí dụ là một ngữ cố định hoặc một thành ngữ có được thu thập và đã được định nghĩa ở một mục từ riêng trong quyển từ điển, thì dùng dấu hoa thị đặt trên góc phải để lưu ý người đọc” (Trích “Nội dung và cấu tạo của quyển từ điển” trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên).
  7. Cấu trúc vi mô là cấu trúc của các mục từ. “Mục từ cung cấp tri thức về từng đơn vị của bảng từ (cấu trúc vĩ mô), qua giải thích nghĩa và những chú thích về chính tả, ngữ âm, ngữ pháp, từ nguyên, phạm vi sử dụng, khả năng tổ hợp, v.v. của từ ngữ, những chú thích về quan hệ của từ ngữ trong hệ thống từ vựng-ngữ nghĩa (quan hệ đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa…), và qua những thí dụ minh họa” (xem Hoàng Phê - Nguyễn Ngọc Trâm (1977), “Một số vấn đề từ điển học”, trong Một số vấn đề từ điển học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 11-16).
  8. Về các mặt sai sót khuyết điểm, xin xem Phụ lục I ở cuối sách, bài “Những khuyết điểm của bộ Đại Nam quốc âm tự vị” của Nguyễn Văn Y.
  9. Xin lưu ý, tác giả Nguyễn Văn Y viết những lời đánh giá này vào khoảng những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.
  10. Khi khảo sát một số mặt nội dung của Đại Nam quấc âm tự vị, chúng tôi đã tham khảo chủ yếu theo tập luận văn cao học của Nguyễn Văn Y, tlđd.
  11. Theo Nguyễn Văn Y, tlđd, tr. 28-29.
  12. Theo Nguyễn Văn Y, tlđd, tr. 33.
  13. Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo (1931), Việt Nam tự điển, Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội. - Lê Văn Đức (Cùng một nhóm văn hữu soạn), Lê Ngọc Trụ hiệu đính (1970), Tự điển Việt Nam (Quyển Thượng A-L, Quyển Hạ M-X), Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
  14. Trong tập tiểu luận của Nguyễn Văn Y, tlđd, tr. 36-42, tác giả đã liệt kê thí dụ có đến 103 cụm từ đi với chữ “nói”, đây xin lược bớt.
  15. Phần tên người và tên đất này, chúng tôi chỉ tóm tắt/ rút gọn lại từ nội dung Chương VII, “Nhơn danh và địa danh” trong tập tiểu luận cao học ngữ học của Nguyễn Văn Y, tlđd, tr. 59-64.
  16. Làng Phước Tụy là nơi Huỳnh Tịnh Của được sinh ra. Còn quê gốc ông lại là làng Phước Thọ, tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa, tức xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Làng Phước Tụy cũng thuộc tổng Phước Hưng Hạ, nằm cạnh làng Phước Thọ (xem Đoàn Lê Giang, “Những vấn đề về tiểu sử và văn bản tác phẩm của Huỳnh Tịnh Của”, Tạp chí Xưa & Nay, số 472, tháng 6/2016, tr. 25).
  17. “Chính ông Paulus Huỳnh Tịnh Của đã nhờ Tôn [Thọ Tường] giúp sức trong việc tập rèn khoa chữ Hán” (Khuông Việt (1941), Tôn Thọ Tường một danh sĩ đất Đồng Nai, Ngày Nay, Hà Nội, tr. 65. Dẫn lại theo Trần Nhật Vy, “Nhà báo Huỳnh Tịnh Của”, sách chuyên đề Suối nguồn, Tập 18, tháng 8/2015, tr. 169).
  18. Để hiểu thêm Huỳnh Tịnh Của với tư cách nhà báo, có thể xem Trần Nhật Vy, tlđd, tr. 168-177.
  19. Về sách này, đây dẫn theo Nguyễn Văn Y (tlđd, tr. 16). Nhưng theo Đoàn Lê Giang thì có sự nhầm lẫn: Huỳnh Tịnh Của không có riêng quyển Maximes et Proverbes, mà sách này chính cũng là quyển Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn. Sở dĩ có sự lầm lẫn ấy là vì trang bìa sách in cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX thường ghi 2-3 thứ chữ Việt - Pháp - Hán. Nguyên văn trang bìa sách này ghi: “俗語古語嘉言- Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn - Maximes et Proverbes - par Paulus Của Huỳnh-Tịnh Đốc phủ sứ - Sài Gòn, Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 1896” (“Những vấn đề về tiểu sử và văn bản tác phẩm của Huỳnh Tịnh Của” (tiếp theo bài trước), Tạp chí Xưa & Nay, số 473, tháng 7/2016, tr. 42). Tuy thuyết của tác giả Đoàn Lê Giang nói thế, và có in cả hình bìa cuốn sách để chứng minh, nhưng chúng tôi vẫn còn nghi hoặc, vì không có sẵn đủ tài liệu trong tay để dẫn chứng (biết đâu vẫn có riêng sách Maximes et Proverbes in năm 1882, như vài nhà nghiên cứu về Huỳnh Tịnh Của đã ghi?).
  20. Theo Đoàn Lê Giang (bđd, tạp chí Xưa & Nay, tr. 43), sách này có tài liệu ghi là Bác học sơ giải, nhưng phải là Bác học sơ giai mới đúng. “Sơ giai” là bậc thềm đầu, giai đoạn đầu, bước đầu. “Sơ giải” là giải thích đơn giản.
  21. Xem chú thích số 19 trong bài này.
  22. Đoàn Lê Giang (bđd, tạp chí Xưa & Nay, số 473) ghi Thơ mẹ dạy con, 1907; Saigon, Imp. Moderne, 1913, 12 trang.
  23. Đoàn Lê Giang (bđd, tạp chí Xưa & Nay, số 473) còn ghi thêm: Bản in của nhà in Thạch Thị Mau 1928 đổi tên là: Trần Sanh Ngọc Anh, 30 trang.
  24. Theo Nguyễn Văn Y (tlđd, tr. 17-18).

Tháng 6/2020, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội gửi công văn tới đối tác yêu cầu thu hồi cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của hai tác giả Hà Quang Năng, Hà Thị Quế Hương. Tháng 7/2020, có nhà sách thông báo là người mua cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt (dành cho học sinh) của tác giả Nguyễn Văn Khang được trả và nhận lại tiền nếu không muốn dùng nữa. Tuy nhiên nếu loại sách này có những cái sai hay bị coi là sai cũng là sự bình thường, điều đáng suy nghĩ hơn là vì sao chúng lại xuất hiện.

20210420 2

Cho đến nay vẫn chưa có quy định nào rõ ràng về việc viết các từ tiếng nước ngoài như Niu tơn hay Newton. Ảnh: Thanh niên. 


Ở Việt Nam, tiếng Việt và chữ Việt là hai chuyện khác nhau. Chữ quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự phương Tây tiền thân của chữ quốc ngữ hiện nay được tạo ra từ thế kỷ XVII nhưng không phải là chữ viết chính thức và chỉ phổ biến trong cộng đồng Thiên Chúa giáo, còn phụ thuộc vào những dòng tu, khu vực và cá nhân khác nhau, việc chuẩn hóa chưa được đặt ra, viết b Hy Lạp hay b Latin, “bưâm bưấm” hay “bươm bướm”, “Đàng Trong” hay “Dàng Traõ” đều được. Sau khi người Pháp bắt đầu đô hộ Việt Nam và dùng chữ quốc ngữ làm chữ viết chính thức, những khác biệt giữa chữ quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự phương Tây của Dòng Tên với chữ quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự Latin của Dòng Sai đã được giải quyết một cách êm thấm mà dứt khoát, nên chữ Việt Nam hiện đang dùng có thể gọi là chữ quốc ngữ Latin. Vấn đề chính tả tiếng Việt đặt ra hơn một trăm năm nay chính là vấn đề của hệ thống chữ quốc ngữ Latin này.

Những khoảng trống và khó khăn

Chính tả là cách viết chính thức, từ điển về chính tả dĩ nhiên là qui chuẩn về cách viết mang tính chính thống. Nhưng nhiều cách viết được coi là chính thống trong chính tả ở Việt Nam trước nay lại có chỗ không chính xác, hợp lý và nhất quán. Trong rất nhiều văn bản chữ quốc ngữ, kể cả từ điển tiếng Việt trước nay, vẫn tồn tại những lối viết song trùng kiểu “giấu diếm - giấu giếm”, “dông tố - giông tố”, “lí lẽ - lý lẽ”, “trối trăn - trối trăng”, “Các Mác - Karl Marx”… Trong các ví dụ nêu trên, “giếm” không phải “gi+ếm” mà là “gi+iếm” tức một biểu hiện bất hợp lý về ký tự, “dông” và “giông” là một biểu hiện chưa rạch ròi trong việc ghi âm, “lí” thay “lý” là một biểu hiện mất gốc về mảng từ Việt Hán, “trăn” và “trăng” là một biểu hiện vô minh về từ vựng, “Các Mác” và “Karl Marx” là một biểu hiện bất nhất trong việc tiếp nhận ngôn ngữ nước ngoài.


Cũng phải kể tới những khó khăn khác. Sự khác biệt giữa các phương ngữ ở Việt Nam, chính sách ngôn ngữ trong đó có chữ viết của chính quyền thuộc địa trước Cách mạng Tháng Tám, tình trạng chiến tranh và chia cắt đất nước từ 1945 đến 1975, thực trạng của khoa học về ngôn ngữ thế kỷ XX là những nhân tố tác động bất lợi tới sự phát triển của tiếng Việt cũng như việc hoàn thiện chính tả chữ quốc ngữ. Nói thêm thì sau Cách mạng Tháng Tám 1945 không có chính quyền nào ở Việt Nam qui định chữ quốc ngữ là chữ viết chính thức cả. Hai bản Hiến pháp các năm 1946, 1959 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai bản Hiến pháp các năm 1956, 1967 của Việt Nam Cộng hòa và ba bản Hiến pháp các năm 1980, 1992, 2013 của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho thấy điều đó. Khoảng trống pháp lý ấy ít nhiều là mảnh đất dọn sẵn cho những qui định chính tả bá láp, thậm chí là những đề xuất cải cách bá vơ. Tuy nhiên bất kể vì lý do gì thì sự chưa hoàn thiện về hệ thống ký tự, sự thiếu định hướng trong việc tiếp nhận ngôn ngữ nước ngoài và nhất là sự khiếm khuyết trong hiểu biết về tiếng Việt vẫn là những tồn tại chưa được giải quyết trong hoạt động văn tự bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc, nên mong muốn chuẩn hóa chính tả tiếng Việt trong rất nhiều năm qua luôn luôn là một việc ngoài tầm tay.




Trong ba vấn đề nói trên, sự chưa hoàn thiện về hệ thống ký tự là điều dễ nhận ra nên đã tạo ra một không gian sôi động với nhiều đề xuất cải cách. Công bằng mà nói, ngoài vài trường hợp cá biệt thì những đề xuất ấy đều có hạt nhân hợp lý bên cạnh yếu tố khả thi. Nhưng là một hình thức đặc biệt của ngôn ngữ, ngoài hai chức năng thông tin và giao tế, chữ viết còn đảm nhiệm chức năng lưu trữ. Nhiều ý kiến đề xuất cải cách, cải tiến chữ quốc ngữ hàng trăm năm qua không được thừa nhận chính vì không những đưa tới sự xáo trộn trong hoạt động văn tự mà còn gây ra sự đứt gãy trên phương diện truyền thừa. Từ phiên họp ngày 6/12/1902 của Tiểu ban cải cách chính tả chữ quốc ngữ trong Hội nghị quốc tế nghiên cứu về Viễn Đông lần thứ nhất ở Hà Nội, một thành viên của Tiểu ban là Cadière đã nêu ra sáu vấn nạn về những đề xuất cải cách, trong đó có hai là “3. Nếu hệ thống do Hội đồng đề nghị có loại bỏ được một số khó khăn thì ngược lại, nó lại tạo ra một số khó khăn khác. 4. Việc cải cách chữ quốc ngữ sẽ làm cho một số lớn sách không đọc được…”.

Từ ngữ mới du nhập

Bên cạnh đó, song song với việc dùng chữ quốc ngữ như chữ viết chính thức, từ cuối thế kỷ XIX xã hội Việt Nam cũng bước vào một quĩ đạo mới. Quá trình tái cấu trúc xã hội dưới tác động của ngoại nhân đã đưa vào xã hội Việt Nam nhiều hiện tượng, lĩnh vực và quá trình chưa từng có về hành chính và pháp lý, công nghệ và thương mại, khoa học và nghệ thuật, các yếu tố phương Tây này là một thử thách mang tính thời đại đối với tiếng Việt. Có thể coi Danh từ khoa học 1942 của Hoàng Xuân Hãn là một điểm sáng trong việc vượt lên thử thách ấy, nhưng đó vẫn là một thành tựu rất nhỏ bé so với những khó khăn mà tiếng Việt phải đối diện. Chỉ riêng mảng tên riêng (tên đất, tên người, tên sách…) nước ngoài, tiếng Việt trước Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng đã phải xử lý hàng vạn đơn vị có nguồn gốc từ tất cả các châu lục. Kinh nghiệm cũ với những kết quả loại Anh cát lợi - Anh liệt, Ba lê, Bồ đào nha, Cựu ước - Tân ước, Ý đại lợi, Kha luân bố, Nã phá luân, Phú lãng sa… quá nghèo nàn và phải thông qua Hán ngữ làm trung gian không thể đáp ứng nhu cầu mới, nhưng việc thông qua Pháp ngữ làm trung gian lại làm nảy sinh những tên đất tên người loại Mốtcu – Moscou (Matxcơva), Lênin (Lênhin). Đến nay thì những cách viết pha trộn nhiều lối phiên âm như “Giáo sư Shen Yi trường Đại học Phúc Đán…”, “Ông Kim Jong-un là cháu nội ông Kim Nhật Thành” vẫn không phải là điều cá biệt. Tóm lại xử lý từ vựng nước ngoài trong đó có tên riêng được du nhập vào tiếng Việt là một nội dung quan trọng trong việc chuẩn hóa chính tả, nhưng một chủ trương thống nhất với những nguyên tắc hợp lý để xử lý vẫn chưa được đặt ra.


Sau cùng và quan trọng nhất là sự khiếm khuyết trong sự hiểu biết tiếng Việt. Đã có không ít từ điển, tự điển tiếng Việt được xuất bản, nhưng không phải đều đặt ra nguyên tắc thu thập từ vựng phù hợp, phương pháp giải thích toàn diện, cả cách sắp xếp mục từ cũng chưa phải đều đã hợp lý. Từ cổ, từ địa phương, từ Việt Hán, thành ngữ tục ngữ, từ Hoa Hán du nhập theo con đường khẩu ngữ, từ nước ngoài… đều được ít nhiều giới thiệu nhưng rời rạc lẻ tẻ và không phải lúc nào cũng chính xác. Hơn thế nữa, từ thời Pháp thuộc tiếng Việt lại phát triển một cách bị động và do đó không thể tránh khỏi tình trạng tự phát trong việc tạo từ. Ký là ghi, danh là tên, nhưng ngoài ký danh ít thấy sử dụng, tiếng Việt có ba tổ hợp khác là ký tên, ghi danh, ghi tên mang nội dung khác nhau, việc tạo ra từ mới như vậy cũng có thể nói là sáng tạo, có điều từ ký tên hiện nay theo Hán ngữ truyền thống phải ghi là thự danh. Việc bài trừ Hán học của chính quyền thuộc địa đã làm suy thoái năng lực hiểu biết và sử dụng chữ Hán trên phạm vi toàn xã hội, nên mảng từ Việt Hán vẫn là một bộ phận máu thịt của tiếng Việt dần dần bị viết sai, hiểu sai và dùng sai trong các văn bản chữ quốc ngữ Latin. Ngay cơ quan ngôn luận qui tụ nhiều trí thức bậc nhất và có ảnh hưởng bậc nhất Việt Nam đầu thế kỷ XX là Nam Phong tạp chí trong phần Tự vựng như một loại Bảng tra từ ngữ thời gian 1917 - 1918 còn viết Chiết trung, Trinh sát hạm, Xung đột, Khinh suất, Trước tác, Trào phúng là Triết trung, Chinh sát hạm, Sung đột, Khinh xuất, Chước tác, Chào phúng hay lúc viết là lý lúc viết là lí, thì chính tả của những tổ chức và cá nhân khác thế nào không nói cũng biết.

 

Cần có từ điển ngữ nguyên

Tiếng Việt có sáu thanh trong đó ba thanh Không Hỏi Sắc là bậc Phù, ba thanh Huyền Ngã Nặng là bậc Trầm. Việc chuyển thanh từ âm đọc Việt Hán qua âm đọc Việt hóa cũng tuân theo qui luật về thanh điệu, như chủ thành chúa, chú (chú thích) thành chua, tứ thành tư là chuyển trong cùng bậc Phù, kỵ thành cưỡi, lợi thành lời/lãi, nhị thành nhì là chuyển trong cùng bậc Trầm. Miếu (ngôi miếu), mộ (ngôi mộ) phải có âm Việt hóa là miểu, mồ/mã mới đúng qui luật chuyển thanh, nhưng hiện nay rất nhiều sách vở từ điển ghi là miễu, mả. Tương tự, hiện nay rất nhiều người coi chỉnh chu là sai, chỉn chu mới đúng. Nhưng chỉn là gì chu là gì thì chẳng ai giải thích, mà giải thích thì giống như bưng đá đập chân. Vì đúng ra nó phải là chỉnh chu, là một từ Việt Hán trong đó chỉnh là gọn gàng, chu là trọn vẹn, chữ quốc ngữ Latin viết sai nhưng phổ biến rồi thì với số đông lại là đúng. Hành hạ vốn là hành hà (hà = khắc nghiệt) chuyển thanh, nghèo nàn vốn là nguy nạn (nguy = nghèo, nạn => nàn) chứ không phải nghèo hay thiếu, bất tử là không chết chứ không phải bất ngờ hay đột nhiên, vân vân và vân vân, nhưng thiên hạ vẫn nói và viết tung tóe. Tóm lại trước khi có từ điển chính tả phải có từ điển giải thích cho thấu đáo nội hàm và sắc thái, từ nguyên và từ pháp của từ vựng trong tiếng Việt đã, mà tất cả các từ điển tiếng Việt ở Việt Nam từ Từ điển Việt Bồ La 1651 trở đi dù ít dù nhiều cũng đều có chỗ thiếu chỗ sai. Thiếu là sự dĩ nhiên, nhưng không chỉnh lý hay ít nhất là giải thích rõ những chỗ sai khác thì không thể nói tới việc chuẩn hóa chính tả tiếng Việt.


Sau cùng, cần nói tới các ký hiệu không phải ký tự trong chữ quốc ngữ. Khác với văn bản Hán Nôm truyền thống, văn bản chữ quốc ngữ có các ký hiệu phẩy, chấm phẩy, chấm, chấm than, chấm hỏi, chấm lửng, hai chấm, ngoặc đơn, ngoặc kép, gạch nối… hay lối viết hoa. Đây là hệ thống kiêm thêm chức năng ngữ pháp nhưng hiện chưa có nguyên tắc xử lý nhất quán trong thực tiễn văn tự. Viết học thuyết Khổng Mạnh, quan hệ Việt Trung, Thái y viện triều Nguyễn hay học thuyết Khổng - Mạnh, quan hệ Việt - Trung, Thái Y Viện triều Nguyễn? Viết “Mẹ chuẩn bị quần áo vật dùng cho tôi lên đường nhập ngũ” hay “Mẹ chuẩn bị quần áo, vật dùng cho tôi lên đường nhập ngũ” là đúng? Câu trong Bình Ngô đại cáo (bản dịch) “Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên làm chủ một phương” có phải viết là “Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên làm chủ một phương” không? Một khi các cơ quan hữu quan chưa quan tâm tới những chuyện loại này, thì việc chuẩn hóa chính tả tiếng Việt chỉ là điều nói cho sướng miệng. Bởi vì trong thực tế việc chuẩn hóa ấy đã được thực hiện nhưng với một cung cách không những đáng buồn mà còn đáng lo.

Cần lưu ý rằng vào năm 1902 thì lực lượng có khả năng tạo ra văn bản chữ quốc ngữ ở Việt Nam tối đa cũng chỉ khoảng 200.000 người, còn đến nay thì tình hình đã rất khác. Hơn thế nữa, trong bối cảnh bùng nổ thông tin với mạng internet hiện nay, việc thông tin và tiếp nhận thông tin bằng chữ viết đã lấn át việc thông tin và tiếp nhận thông tin qua lời nói. Cho nên việc chữ quốc ngữ trở thành hệ thống định chuẩn của tiếng Việt, công cụ lưu trữ trong quốc gia đã là một tình hình không thể đảo ngược, và Việt Nam không nên có một cuộc cải cách văn tự nào có thể đưa số đông tới tình trạng sẽ bị tách rời với các văn bản quốc ngữ hiện có tương tự việc số đông đã trở nên xa lạ với các văn bản Hán Nôm. Vấn đề cần thảo luận hiện nay là chuẩn hóa chính tả tiếng Việt.
Nhiều năm qua, một số cơ quan trong đó có tòa báo, nhà xuất bản đã tự đặt ra qui định chính tả, các văn bản và sách báo do họ soạn thảo hay xuất bản đều được biên tập theo những qui định ấy. Tuy nhiên đó không phải đều là những qui định đúng đắn, nhất quán và toàn diện, nên nếu ví von theo một kiểu rất ít hay ho thì đó là những người muốn dẹp loạn mười hai sứ quân nhưng năng lực thống nhất thì không đủ mà tình cảm cục bộ thì có thừa nên kết quả là lại tạo ra những khu vực cát cứ mới, một mặt bằng hỗn loạn mới, tức vô hình trung lại trở thành những sứ quân thứ mười ba trong chính tả tiếng Việt ở Việt Nam.


Cũng cần nhìn nhận hành vi nói trên từ góc độ pháp lý. Không ai phủ nhận các qui định chính tả cục bộ nói trên là xuất phát từ thiện chí, nhưng chữ viết trong đó có yếu tố chính tả là tài sản của toàn dân, phương tiện của xã hội, ngoài cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia là Quốc hội thì không một cơ quan hay tổ chức nào được phép qui định và áp đặt cách viết của mình. Cho nên trong khi chờ đợi việc lấp bằng khoảng trống pháp lý mà lịch sử để lại cho chữ quốc ngữ và chính tả chữ quốc ngữ, những người tham gia hoạt động văn tự ở Việt Nam cần đề cao ý thức tôn trọng truyền thống và tinh thần thượng tôn pháp luật bên cạnh nỗ lực học hỏi nhiều hơn, sâu hơn về tiếng Việt để có thể chủ động và khôn ngoan trong việc giải quyết các vấn đề chính tả hiện đang tồn tại và sẽ còn nảy sinh. □

Cao Tự Thanh

Nguồn: Tia sáng, ngày 12.4.2021.

Từ buổi đầu cuộc chiếm đóng Nam Kỳ của Pháp, chữ Quốc ngữ bị xem như một toan tính của chính quyền thuộc địa hòng Âu hóa nền quốc học Việt Nam và như một thứ chữ rẻ tiền dưới con mắt của các sĩ phu thì đến Phong trào Duy Tân và Ðông Kinh Nghĩa Thục chữ Quốc ngữ được đón tiếp như một công cụ chuyển tải hữu hiệu những tư tưởng yêu nước, những tri thức mới.

20200212

Học sinh trường La San Taberd – được thành lập sau khi trường Adran đóng cửa. Tên trường đặt theo tên của giám mục Jean-Louis Taberd. Nguồn ảnh: flickr

Việc ghi tiếng Việt bằng mẫu tự Latin không phải là một hiện tượng đơn lẻ, chữ Quốc ngữ mà ta dùng hiện nay cũng chỉ là một trường hợp trong số hàng trăm ngôn ngữ đã được ghi lại dựa trên bảng chữ cái Latin. Công cuộc này được thực hiện ở tất cả các nước có dấu chân của các Thừa sai đến truyền giáo kể từ Phục Hưng (chỉ riêng Dòng Tên, từ năm 1540 đến 1773 đã soạn 164 cuốn từ điển, 165 cuốn ngữ pháp và 430 văn bản của 134 ngôn ngữ và 6 thổ ngữ” (Kloter 2007), chưa kể các Dòng khác tham gia vào quá trình truyền giáo như Đa Minh, Phan Sinh). Nhưng điều đặc biệt là, nếu không có những biến cố chính trị, lối viết theo mẫu tự Latin ở Việt Nam mãi vẫn chỉ là sản phẩm của ngữ học truyền giáo và chỉ được sử dụng trong khuôn khổ Giáo hội.

Khởi đầu từ những quyết định chính trị của chính quyền thuộc địa

Bước đầu vào nhà trường Nam Kỳ

Chúng ta đều biết, việc người người Pháp đổ bộ vào Cửa Hàn năm 1858 rồi đến khi họ đổ bộ vào Sài Gòn năm 1859 đã làm thay đổi tình hình chính trị của Việt Nam. Nền giáo dục và sự lựa chọn chữ viết của chúng ta cũng thay đổi theo.

Tới năm 1861, trường Adran Sài Gòn được thành lập. Người Pháp bắt đầu mở trường học và họ buộc phải lựa chọn tiếng Pháp hay tiếng Việt. Nếu dạy bằng tiếng Việt thì chọn chữ Nho hay chữ Quốc ngữ. Đại đa số người Pháp lựa chọn chữ Quốc ngữ vì theo họ chữ Nho quá khó. Theo Lucien de Grammont, trí thông minh của người Annam và Trung Quốc dồn vào việc học chữ thành ra khoa học các nước này không phát triển nổi. Hơn nữa việc học chữ Quốc ngữ còn cho phép trẻ con Annam học nhanh hơn, chỉ cần vài tháng là biết đọc, biết viết, trong khi cần phải mất mười năm mới giỏi được chữ Nho. Hơn nữa, chữ Quốc ngữ là trung gian để người Annam học chữ Pháp.

Một dòng quan điểm khác là của đô đốc Bonard, đến Sài Gòn năm 1861, ông chủ trương tôn trọng văn hóa và phong tục bản địa. Ông tổ chức dạy chữ Nho cho trẻ con bản xứ, còn người Pháp thì nên học chữ Quốc ngữ. Nhưng Bonard chỉ ở Nam Kỳ 2 năm, sau đó về Pháp vì lý do sức khỏe. Đô đốc Grandière lên thay, chủ trương mở trường học và dạy chữ Quốc ngữ.

Chính vì vậy, ngay từ năm 1864, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ được dạy song song ở trường học. Ở thời kỳ này chữ Quốc ngữ cũng đã bắt đầu được dạy trong nhà trường tuy thời lượng còn ít. Đến năm 1871, Dupré ra quyết định theo đó các học trò phải viết các bài khóa bằng chữ Quốc ngữ ở kỳ thi đọc và viết bằng tiếng Việt. Ngày 17.11.1874, đô đốc Dupré ra quyết định tổ chức lại hoàn toàn nền giáo dục quốc dân. Nền giáo dục này được tuyên bố là miễn phí và tự do, tuân theo qui định chung của giáo dục quốc dân ở Pháp.

Đến năm 1882, thống đốc Lafont quyết định tất cả các văn bản tiếng Việt cần được viết bằng chữ Quốc ngữ và kể từ năm 1886, tất cả nhân viên hành chính đều phải biết chữ Quốc ngữ mới được tuyển. Trong chương trình học năm 1889, các thành viên của Hội đồng giáo dục quốc gia thống nhất chương trình dạy, trong đó có nhấn mạnh đến việc học sinh phải biết đọc, viết chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, làm các phép tính bằng chữ Quốc ngữ.



Ngày 17.11.1874, đô đốc Dupré ra quyết định tổ chức lại hoàn toàn nền giáo dục quốc dân

 

Lan rộng ra Bắc và Trung Kỳ

Sau hiệp ước Protectorat năm 1884-1885, chữ Quốc ngữ lan rộng ra cả Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Rất nhanh chóng, số lượng các trường dạy chữ Quốc ngữ lên đến 117 trường năm 1887 (theo Pascale Bezançon, 2002). Các trường do chính quyền bảo hộ thay thế dần dần trường làng, hệ quả là trường do Pháp mở tăng lên nhanh chóng và số học sinh theo học chữ Hán giảm đáng kể. Trường Quốc học được thành lập năm 1896 để dạy tiếng Pháp cho những người sẽ là quan lại. Trường Hậu Bổ thành lập năm 1897 dạy cả tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ.

Rút kinh nghiệm từ hệ quả của việc xóa bỏ chữ Nho ở Nam Kỳ “dẫn đến sự bất ổn trong xã hội bản địa đồng thời làm giảm giá trị đạo đức của người dân ở Nam Kỳ...Việc học chữ Nho sẽ luôn cần thiết cho người dân An Nam. [Điều đó] cho phép họ không mất đi sự tiếp xúc với văn học cổ điển và với nền văn minh Trung Hoa mà họ gắn bó” như toàn quyền Simoni đã nhận xét năm 1910, ông đề nghị cần dạy chữ Quốc ngữ song song với chữ Hán. Chính vì vậy ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, mỗi tuần vẫn có vài giờ chữ Hán trong chương trình học.

Quyết định của thống đốc Lafont ban hành năm 1878.

Giao điểm của các luồng tranh luận đối nghịch

Tuy được đưa vào nhà trường và đời sống bằng quyết tâm chính trị nhưng có thể nói việc áp dụng chữ Quốc ngữ vào nền giáo dục không hề đơn giản và vấp phải rất nhiều khó khăn. Vì dẫu sao chính quyền Pháp khởi xướng cũng là kẻ đi chinh phục và không dễ thuyết phục người dân chấp nhận một lối viết khác thay thế chữ viết đã gắn bó suốt 19 thế kỷ.

Chữ Quốc ngữ đứng vào lằn ranh giữa hai làn sóng ủng hộ và phản đối quyết liệt, mà bên ủng hộ với đại diện là Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, những người theo học trường Dòng phải đương đầu với nhóm các nhà Nho truyền thống như Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, v.v. Cuộc đối địch không thuần xảy ra giữa hai hệ chữ viết của một ngôn ngữ mà còn giữa hai thái độ chính trị, những niềm tin tôn giáo khác nhau: Thiên chúa giáo với Khổng giáo và các tôn giáo khác trước đó đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân.

Những sĩ phu ủng hộ chữ Quốc ngữ cho đó là vũ khí sắc bén trong công cuộc phổ biến tân học, khai dân trí, truyền bá tư tưởng yêu nước tiến tới giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho nước nhà. Theo Trương Vĩnh Ký: “Chữ Quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này”. Ông cho rằng loại chữ viết đơn giản, dễ học này sẽ là phương tiện hiệu quả để tiếp thu những kiến thức mới vì ba lý do: “Thứ nhất, do nạn mù chữ đại trà trong dân, tiếp theo là chữ Hán sẽ không còn có ích một khi người Pháp cai trị Nam Kỳ và cuối cùng, chỉ cần ba tháng là có thể biết đọc và viết chữ Quốc ngữ”.

Đại diện cho bên phản đối áp dụng chữ Quốc ngữ là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, theo cụ đó là thứ chữ của kẻ "xâm lược Tôn giáo và xâm lược lãnh thổ".  Sau này Phạm Quỳnh có tổng hợp lại ý kiến của bên phản đối chữ Quốc ngữ trên Nam Phong Tạp Chí (1927): “[họ cho rằng] Phàm văn tự, có khó khăn mới thâm thúy. Nay chữ Quốc ngữ dễ quá, đứa bé lên năm, học trò sơ học mở quyển sách ra cũng đọc lau láu được ngay, thì cái văn chương sản xuất bằng thứ chữ ấy tất là thô thiển bỉ tiện, không xứng đáng là văn chương được”. Theo ý Phạm Quỳnh, chính chữ Quốc ngữ là cái bè để cứu vớt bọn ta trong bể trầm luân vậy.


Báo cáo của Thống sứ Bắc Kỳ về việc đưa chữ Quốc ngữ và chữ Pháp vào kỳ thi Hương ở Nam Định. 


Không chỉ vậy, chữ Quốc ngữ cũng là giao điểm trong chủ trương dạy và học của chính những người Pháp cai trị. Trong việc áp dụng chữ Quốc ngữ sẽ có lợi cho người Pháp học tiếng Việt vì chúng ta hiểu rằng khi người Việt nói tiếng Việt thì chỉ cần học cách viết nhưng đối với người nước ngoài học tiếng Việt, họ sẽ phải học tiếng Việt thông qua con chữ- hiển nhiên chữ Quốc ngữ dễ học hơn với người Pháp vì cùng nằm trong mẫu tự Latin. Nhưng cũng có luồng ý kiến phản đối, như tại hội nghị Thuộc địa được tổ chức tại Paris năm 1889, Aymonier (giám đốc trường Thuộc địa) phản đối việc dạy chữ Quốc ngữ vì chữ viết này ghi lại một tiếng nói, và tiếng nói đó lại quá nghèo nàn1. Theo Aymonier, mục tiêu chủ yếu của nền học chính thuộc địa phải là dạy tiếng Pháp cho người Việt. Biết chữ Quốc ngữ không có lợi ích gì cho việc này. Việc giảng dạy thứ chữ này tại trường học bản xứ như vậy là phí phạm vô ích. Nên dồn tiền cho học chữ Pháp. Nếu chữ Pháp quá khó thì dạy một thứ tiếng Pháp tóm gọn.

Émile Roucoules là hiệu trưởng trường Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn, thuộc phe ủng hộ chữ Quốc ngữ, đã lên tiếng phản bác Aymonier qua bài “Tiếng Pháp, Quốc ngữ và nền học chính tại Đông Dương – Trả lời ông Aymonier” ( Le français, le quốc-ngữ et l’Enseignement public en Inchochine – Réponse à M. Aymonier): “Dùng chữ Quốc ngữ theo đường hướng chúng tôi đã đề xướng có lợi điểm tức khắc là không cắt đứt với quá khứ và tạo ra những thói quen tập tục… Thứ chữ này sẽ là một phương tiện dù chậm nhưng chắc chắn và cần thiết… để truyền bá những ý niệm đầu tiên, khơi mào cho mọi việc”.

Bước ngoặt và các phong trào phổ biến chữ Quốc ngữ

Ngày 6.6.1898, Toàn quyền Ðông Dương đặt thêm một kỳ thi phụ cho khoa thi Hương trường thi Nam Ðịnh. Môn thi gồm năm bài tiếng Pháp và có phần dịch sang tiếng Việt (bằng chữ Quốc ngữ). Cuộc cải cách dạy học truyền thống của Việt Nam diễn ra vào năm 1906: các trường làng đặt dưới sự kiểm soát của cả các quan và Ty Giáo dục của Pháp. Cấu trúc chương trình dựa vào mô hình giáo dục của Pháp, chia thành 3 cấp: Ấu học, Thiếu học và Trung học (Trịnh Văn Thảo, 1995). Chữ Hán được dùng để dạy các môn luân lý, còn chữ Quốc ngữ được dùng để dạy Toán, các môn khoa học, lịch sử và địa lý.



Lớp học của trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nguồn: Vietnamnet. 


Cùng với một loạt các cải tổ và đàn áp, nước Việt Nam dưới mắt người Pháp xem như đã được bình định, nhà cầm quyền Pháp bắt đầu đặt để những cơ chế về hành chính, giáo dục để cai trị các xứ thuộc địa và bảo hộ. Các cơ chế chính quyền của Triều đình nhà Nguyễn dần dần hoặc bị thay thế hoặc bị làm suy yếu đi không còn thực quyền. Hán học, nền tảng của công cuộc đào tạo sĩ phu, quan chức nhà Nguyễn, theo đó cũng tàn tạ nhường chỗ cho lớp quan chức mới xuất thân từ các trường Pháp-Việt. Chữ Quốc ngữ từ trong Nam lan ra đất Bắc, xen vào các kỳ thi; biết chữ Quốc ngữ trở thành một yêu cầu để bước vào quan trường.

Năm 1919, vua Khải Định ra chiếu rằng: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ đây dứt hẳn”2. Sự kiện đánh dấu sự chấm dứt của khoa bảng phong kiến Việt Nam và đánh dấu sự phổ biến rộng hơn của chữ Quốc ngữ trong các văn bản hành chính và trong giáo dục.

Bước ngoặt quyết định dẫn đến sự lan rộng mạnh mẽ của chữ Quốc ngữ là do chính các sĩ phu người Việt trong hàng ngũ Phong trào Duy Tân và Ðông Kinh Nghĩa Thục. Phong trào Duy Tân phát động từ năm 1905 ở Quảng Nam với ba lãnh tụ: Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Phong trào chủ trương dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và đặc biệt dạy văn hóa, phổ biến kiến thức.

Ðông Kinh Nghĩa Thục khai giảng tháng 3 năm 1907 tại phố Hàng Ðào, Hà Nội, chương trình noi theo đường lối tân học của Trung Quốc và Nhật Bản. Trong các sĩ phu sáng lập có cụ cử Lương Văn Can, thục trưởng của Trường; cụ huấn Nguyễn Quyền, giám học; cụ án Nghiêm Xuân Quảng… và một số nhà tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, v.v.  Mục đích của phong trào là: “khai trímở những lớp dạy học không lấy tiền (để đúng với cái tên là nghĩa thục). Dùng chữ quốc ngữ để dạy là lợi khí để khai dân trí, nhưng hợp với chiêu bài “khai hoá” mà người Pháp không có lý do gì cấm”.

Từ buổi đầu cuộc chiếm đóng Nam Kỳ của Pháp, chữ Quốc ngữ bị xem như một toan tính của chính quyền thuộc địa hòng Âu hóa nền quốc học Việt Nam, và như một thứ chữ rẻ tiền dưới con mắt của các sĩ phu thì đến Phong trào Duy Tân và Ðông Kinh Nghĩa Thục chữ Quốc ngữ được đón tiếp như một công cụ chuyển tải hữu hiệu những tư tưởng yêu nước, những tri thức mới.□

------------

Chú thích :

1 Thực ra quan điểm của Aymonier cho rằng tiếng Việt nghèo nàn và không diễn đạt được các tư tưởng siêu hình cũng giống như quan điểm của các Giáo sư Đại học Sorbonne vào thế kỷ 16 với tiếng Pháp. Vào thời đó, ngôn ngữ và chữ viết Latin được dạy trong trường Đại học ở Pháp và tiếng Pháp chỉ là ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày.

2 Việt Nam là nước cuối cùng xóa bỏ nền khoa cử Nho học. Nhật Bản đã bỏ các kỳ thi này năm 1868, Hàn Quốc năm 1894 và Trung Quốc năm 1904.

3 Ở trường bản xứ, trường địa hạt điều hành do quỹ thuộc địa tài trợ, các trường tổng điều hành dựa vào ngân sách các tỉnh, các trường khác sống do trợ cấp của các làng hay các tư nhân.

Tài liệu tham khảo

Aymonier, Etienne François & Roucoules, Emile. 2018. Chính sách giáo dục tại Nam Kỳ cuối thế kỷ 19. Lại Như Bằng dịch và chú giải.  Hà Nội: Nhà xuất bản Thế Giới.

Bezançon, Pascale. 2002. Une colonisation éducatrice ? L’expérience indochinoise (1860-1945), Paris : l’Harmattan.

Brocheux, Pierre & Hémery, Daniel. 1994. Indochine, la colonisation ambiguë, 1858-1954, Paris : Éditions La Découverte.

Cao, Huy Thuần. 2017.  Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa ở Việt Nam, Thành Phố Hồ Chí Minh : Nhà xuất bản Hồng Đức.

DeFrancis, John. 1977. Colonialism and Language Policy in Vietnam, Paris-New York : Mouton Publishers-The Hague.

Grammont, Lucien de . 1863. Onze mois de sous-préfecture en Basse-Cochinchine, Paris : Imprimeur de la préfecture et de la mairie.

Kelley, Liam C.. 2012. « Imagining the Nation in Twentieth Century Vietnam » Presented at the 4th Engaging With Vietnam: An Interdisciplinary Dialogue Conference .

Pascale Bezançon. 2002. Une colonisation éducatrice ? L’expérience indochinoise (1860-1945), Paris : l’Harmattan.

Roucoules, Emile. 1889. « Étude sur l’instruction publique en Cochinchine », Bulletin de la Société des Études Indo-chinoises de Saigon, 2e semestre, séance du 23 octobre 1889, p. 31.

Trinh, Van Thao. 1995. L’école française en Indochine, Paris : Karthala.

Lettre du Résident supérieur P.I au Tonkin, à Messieurs les Résidents chefs de province du Tonkin, administrateurs maires de Hanoi et de Haiphong et commandants de territoires militaires, Hanoi, le 1er juin 1910, Bulletin administratif du Tonkin, année 1910.

Bulletin Officiel de la Cochinchine française. 1878. Arrêté relatif à l’emploi légal de la langue annamite en caractères latins du 6 avril 1878, p. 110-111.

Khai dân trí
Chữ Quốc ngữ góp phần rất lớn vào công cuộc khai dân trí đặc biệt vào đầu thế kỷ 20. Trong tình cảnh đa phần dân Việt mù chữ, khai dân trí tức là làm cho dân trước tiên biết đọc, biết viết. Biết đọc rồi thì cần đọc gì ? Ngay từ năm 1865, ở Nam Kỳ đã xuất hiện tờ Gia Định báo với các mục lớn là công vụ, tạp vụ để phổ biến cho dân các thông tin cũng như các kiến thức thường thức. Sau đó là các tạp chí như Thông loại khóa trình (1888), Nhựt trình Nam Kỳ (1897), Phan Yên báo (1898), Nông cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh tân văn (1907)… Ở Bắc Kỳ, xuất hiện Đăng cổ tùng báo (1907), Đông Dương tạp chí (1913)… Ngoài ra, rất nhiều sách khoa học, văn chương, nghệ thuật, triết học của Pháp được dịch sang tiếng Việt. Rất nhiều các tác phẩm văn học của Việt Nam được xuất bản bằng chữ Quốc ngữ như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên… Trong cuốn Chính sách giáo dục tại Nam Kỳ cuối thể kỷ 19, tác giả Lại Như Bằng (2018) trích theo Annulaire de Cochinchine française 1887, có đưa ra số liệu về tỷ lệ học sinh theo học tại các trường Pháp và trường bản xứ3. Số lượng trẻ con Nam Kỳ theo học tổng cộng là 27.256 em, trong khi dân số của Nam Kỳ năm 1887 là 1.765.135 (theo số liệu do Lại Như Bằng sưu tầm). Như vậy tỷ lệ trẻ con đi học trên tổng số dân ở Nam Kỳ thời kỳ này là 1,54%. Sau năm 1919, nền giáo dục thuộc địa gánh trên vai sức nặng lớn hơn, vì các học trò theo học trường làng với thầy đồ đến trường bản xứ học. Số lượng học sinh tăng hơn hẳn. Theo số liệu trong cuốn L’école française en Indochine của Trịnh Văn Thảo (1995), năm 1931-1932, tỷ lệ trẻ con đi học trên tổng số dân là 18% tính bình quân trên cả nước. Đây mới chỉ là số lượng trẻ con đi học tính trên phần trăm tổng số dân. Như vậy nếu chúng ta tính cả những người đã học xong và biết chữ, thì tỷ lệ biết chữ ở Việt Nam thời điểm này phải lên đến trên 20%. Theo Liam C. Kelly (2012), sự phổ biến kiến thức mới thông qua lối viết mới (chữ Quốc ngữ) ở đầu thế kỷ 20 gây ra một sự ngắt quãng về thế hệ giữa các trí thức người Việt. Theo Kelly, những người “Việt mới” này không còn nghĩ như các thế hệ trước đó. Bởi những khái niệm như dân tộc, tổ quốc, quốc dân, văn minh, khai hóa, tiến hóa, ái quốc tâm, cạnh tranh, chủng tộc được đưa vào chương trình dạy học. Chính những khái niệm mới mà người học trò được học dưới mái trường đã thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa dân tộc với những câu hỏi về quyền con người, về Tổ Quốc, về độc lập, về tự do.

Phạm Thị Kiều Ly

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 10.02.2020.

Gối rơm theo phận gối rơm

Có đâu dưới thấp mà chờm lên cao.

Ngày xưa, người miền Nam có trò chơi thai đố, nay đã tuyệt tích giang hồ, câu thai đố này, lấy từ truyện “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiểu, lúc Trịnh Hâm dù văn dốt võ dát lại dám dè bỉu ông quán làu làu kinh sử. Sau khi đọc xong, ông thầy thai hỏi: “Xuất ngư?”, tức đố con cá gì? Có ai biết không? Khoan vội trả lời, thử hỏi, thai là gì? “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho biết, thai còn có âm đọc là xai, nghĩa là “nghi, hỏi, định chừng. Ra thai là ra hai ba lời, làm như câu đố”.

Đáp án của câu thai/ câu đố này, trả lời chính xác là cá leo. Dù còn có tên gọi khác là cá nheo, nhưng phải chọn cá leo, vì chơi chữ ở đây thì leo đồng âm với leo/ leo trèo. Trịnh Hâm ngụ ý ông quán thân phận thấp kém, chớ có hòng chờm lên chơi leo/ chơi trèo, đèo bòng, lếu láo giỡn mặt hòng “ngang cơ” với người trên. Nói leo là nhảy vào họng nói tranh, nói xen vào chuyện của người có vai vế cao hơn mình. Leo là từ dưới thấp di chuyển, vươn lên cao hơn bằng nhiều cách như trèo, bám và bò lên; hoặc từ vị trí này chuyển sang vị trí khác.

Có động thái leo từng bước một, không leo cái vù, leo cái vọt mà leo chậm từng bước một, người ta gọi leo thang. Chẳng hạn bà nội trợ tặc lưỡi: “Chà, vật giá ngày một leo thang”, tức giá cả nhích dần, không nhiều, nhưng mỗi ngày mỗi nhích lên cao hơn. Trong khi đó, với leo thang, ta hiểu là từ dưới thấp đặt bàn chân lên cầu thang, bước từng bậc để leo lên cao hơn.

Khi nhà thơ Nguyễn Khuyến viết: “Tham tiền cột mỡ lắm anh leo”, leo kiểu này là leo cột mỡ. Người ta trồng cây gỗ tròn đã bào nhẵn thín, bào láng o, rồi bôi mỡ bò láng trơn, láng lẩy, phía cao mút trên cột có treo tiền thưởng, ai có giỏi thì leo đi! Chật vật leo lên nhưng do trơn/ trơn trợt/ trơn láng nên lại tụt xuống, vì mê tiền cứ leo lên rồi tụt xuống khiến khán giả vỗ tay reo cười ầm ĩ… Leo lên cây cột mỡ, tụt xuống là lẽ thường tình. Nhưng có tình huống dù đứng ì dưới đất cũng bị cho là “leo cây”. Ta hãy khảo sát câu thơ của Hồ Dzếnh:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé

Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân.

“Em đừng đến” tức là em không đến - nói theo cách cà rỡn là nhà thơ muốn bị… leo cây! Tỷ như đôi tình nhân nọ cùng hẹn hò, quy ước sẽ gặp nhau vào thời gian đó, tại địa điểm đó nhưng cuối cùng người kia thất hứa/ hứa lèo/ hứa cuội không đến tức người này bị “leo cây”. Thậm chí còn có cả “leo cây trụ điện” - cách nói này, từ thập nên 1970, “Việt Nam tự điển” tại miền Nam của Lê Văn Đức đã ghi nhận; trong khi đó, “Từ điển tiếng Việt” (1977) ở ngoài Bắc của Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm chỉ giải thích theo nghĩa leo là “bám vào mà bò lên”.

Đến nay, chỉ có “Tự vị tiếng Việt miền Nam” (NXB Văn Hóa - 1993) của cụ Vương Hồng Sển giải thích “leo cây” đầy đủ hơn cả: “Có 3 nghĩa khác nhau: 1. nghĩa trắng: trèo lên cây hái trái nuôi nhau; 2. nghĩa trắng: không đến và sai hẹn; 3. nghĩa đen: hỏng việc… Còn có thêm nghĩa: Một lối chơi tiêu khiển trào Pháp bày đặt. Dịp lễ vui công cộng như ngày 14 juillet (gọi chánh trung và nói sai ra lễ chánh chung) hoặc dịp vui khác, họ bày trồng một cây cột suôn đuột thường làm bằng cây cau già chuốt trơn thẳng và có thoa mỡ bò cho thêm trơn trợt, trồng cột lộ thiên xong, bèn treo trong một vòng trên cao có dây dụi kéo lên xuống như ý người điều khiển sợi dây rồi treo nhiều món xanh đỏ vui mắt như dù áo, khăn lụa, quần màu khiến trẻ con sanh tài giành nhau giựt giải, đứa tuột đứa kềm, làm trò cười cho khách bàng quan” (tr. 448). Cách chơi này, đúng như câu thơ “Tham tiền cột mỡ lắm anh leo”, đã khái quát.

Suy luận rằng, do không ai có thể leo lên đến nơi nhằm giựt giải vì cột mỡ trơn láng, dù nhọc sức nhưng chẳng nên cơm cháo gì, từ hình ảnh này về sau người mới sử dụng “leo cây” là hiểu theo nghĩa bị thất hứa, dù đã hẹn mà người kia vẫn bặt tăm dù có ngóng cổ chờ - chẳng khác gì kẻ leo cây/ leo lên tuột xuống mất thời gian vô ích. Còn nếu trong cuộc hẹn này, người đó có đến nhưng không đúng giờ, chậm trễ cả hàng tiếng đồng hồ thì cái sự dài này được gọi “giờ dây thun”, đơn giản là do dây thun có độ co dãn nhất định.

20210328 3

Ảnh: L.G

Leo cũng đồng nghĩa với trèo, chẳng hạn, một người bảo: “Cảnh giác nhá, hắn ta là dân leo tường/ leo rào có nghề”, hoàn toàn có thể hoán đổi qua trèo nhưng trong ngữ cảnh này còn ám chỉ là dân trộm cắp, chuyên nghề “đột vòm”. Vòm là vòm nhà, đột là đột nhập bất hợp pháp vào nhà người khác, nói trắng phớ ra là dân nhập nha, chuyên đào ngạch, khoét vách chui tường. Dù có thể hoán đổi giữa leo và trèo, nhưng có đôi câu tục ngữ ắt không thể như Giậu đổ bìm leo; Bầu leo dây bí cũng leo…; hoặc ở câu ca dao:

Bắc cầu cho kiến leo qua

Cho con chú xã qua nhà tôi chơi.

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.

Leo có nhiều cách nhưng ngốc nghếch nhất còn là Leo cây dò cá là làm việc không đúng hướng, tốn công vô ích, chẳng khác gì đặt lờ trên cây. Đáng sợ nhất trong các cơ quan công quyền hiện nay vẫn là những kẻ cơ hội vô tài bất tướng, ăn hại đái nát, đạo đức kém cỏi, tài năng chỉ bằng cái móng tay nhưng do luồn lách, lươn lẹo, uốn éo nên đã “leo cao luồn sâu/ luồn sâu leo cao” chễm chệ ngồi vào vị trí quan trọng, lừng lẫy uy quyền. Luồn trong ngữ cảnh này là luồn lách, lươn lẹo, uốn éo, len lỏi vào chỗ cao sang danh giá. Mà luồn cũng còn có cách nói khác là lòn/ lòn cúi/ lòn lỏi/ luồn lọt là khom mình, chui qua chỗ thấp, men theo lối đi hẹp. Kẻ cơ hội thì thời nào cũng có, dù có sử dụng ngón nghề lòn/ luồn cỡ nào đi nữa nhưng chớ quên:

Luồn thì luồn cửa tiền cửa hậu

Chớ không thèm luồn bờ giậu chó chui.

Ấy thế, vẫn có kẻ bất chấp, cứ luồn tất, kể cả lòn trôn, tệ hại đã đến nước này thì có nói gì nữa cũng bằng thừa. Thiệt buồn cho cái sự đời phải không nào? Đã buồn thì cho buồn luôn thể, tức là ta buồn cho cái “nghệ thuật” luồn lách leo lên mà thời nào cũng có. Hãy nghe nhà văn Ngô Tất Tố - một cây bút phóng sự về nông thôn miền Bắc vào hạng bậc nhất trong trường văn trận bút trước năm 1945 kể lại cách leo của một nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Nghe kể lại cũng là lúc ta học thêm vài từ tiếng Việt, hóa ra âu cũng là vui đấy thôi.

Đại khái, tay này chữ nghĩa i tờ ít, nếu không muốn nói là mù chữ nhưng cha mẹ giàu sụ quen thói làm giàu bằng nghề cho vay nặng lãi, nhờ thế ông ta rành rẽ, thông thạo các văn tự cầm cố, ma mãnh cách tính lãi miễn sao lãi mẹ đẻ lãi con. “Trong làng cũng nhiều kẻ khinh ông vô học, năm 20 tuổi, ông tức khí bỏ tiền ra mua cái khóa sinh, chẳng phải ôn nhuần học tập, cứ ngồi nhà đợi giấy sức lĩnh bằng, khao một bữa lên ngay ông khóa, vọng tư văn sánh với bọn văn thân. Được bên thân, chẳng chịu kém bên hào”. Câu văn này, ta hiểu được tiếng có chữ (bên văn thân) nhưng nào kém vai vế chức sắc trong làng (bên hào mục).

Rồi “năm 25 tuổi, thấy miếng lý trưởng ngon lành, ông vứt mấy trăm mua cho bằng được, chẳng lên phủ xuống huyện, chẳng lạy quan van dân, nhưng chức lý trưởng chẳng ai dám cãi. Ông vọng đủ các ngôi các món, những năm ông chịu đăng cai chứa đám, thì danh tiếng lừng lẫy khắp vùng. Năm 29 tuổi, nhân cuộc Âu chiến, nhà nước cần tiền, ông vứt ngót nghìn bạc ra quyên, được thưởng ngay bá hộ, những ngày rước sắc cùng mấy ngày khao của ông, phí tổn mấy nghìn đồng, trâu bò lợn gà chết về tay ông như chết dịch”. Bá hộ là phẩm hàm cấp cho người giàu có.

Năm ông 39 tuổi, làng có tiệc khánh thành đình, ông viện thế quan tỉnh quan huyện về làng quyết tranh cho được chức mạnh bái với ông viện Kép”. Mạnh bái là chức chủ tế. “Liền sang năm ông 40 tuổi, ông khao ngôi trùm cả để nhòm ngôi tiên chỉ, phí tổn cũng chẳng phải vừa. Năm ông 48 tuổi, làng khuyết chân thứ chỉ, ông lại ra tranh, mỗi lần ông tranh là mỗi lần ông thắng, mỗi lần ông thắng là mỗi lần ruộng đất của ông phải đổi chủ sang tên cho người khác. Hiện nay ông định vượt lên ngôi tiên chỉ, cho nên ông cố cầu thân với quan trên quan dưới, để hòng cái chương mỹ bội tinh, thì cái hàn lâm ông nắm chắc, cái thủ lợn béo phính của làng, ông cụ Kép tất có ngày phải rời ra”. Tiên chỉ là người có quyền quyết định mọi việc trong làng; hàn lâm là chức triều đình phong cho quan lại bậc trung.

Kể ra, Có tiền mua tiên cũng được, chẳng sai chút nào. Vẫn chưa đủ, đỉnh của “nghệ thuật leo” là gì? Ngô Tất Tố cho biết: “Ông hết lòng mến phục các quan trên, từ ngày giỗ mọn cho chí ngày tết to, trong các quan trên tỉnh dưới huyện, không bao giờ vắng được mặt ông, mà những đồ lễ của ông đưa đến bao giờ cũng được hơn người, ai cũng phải khen là một người lịch sự, phúc hậu, không cái kiện nào là cái kiện ông chịu thua ai, dù ông trái mười mươi cũng vậy. Bước công danh của ông thoăn thoắt tựa bậc thang, không bao giờ vấp sảy, từ ông khóa mãi (khóa sinh mua) tới ông lý quyên (quyên tiền cho làng mà được) rồi tới ông bá quốc (quốc trái), rồi đến chức hàn lâm ông đương cậy cục thực dễ dàng, đó là nhờ ở sức đồng tiền mồ hôi nước mắt của người trong dân, nhân lúc cha mẹ lâm chung hay buổi sưu thuế cập kỳ, ông lèn một vốn bốn lời cho đẫy túi” (“Tổng tập Tạp văn Ngô Tất Tố”  - NXB Thông tin và Truyền thông - 2011, tr. 419). Leo kiểu này kể ra cũng ghê. Cũng tởm. Mà thôi, ta hãy trở lại với câu thai đố:

Gối rơm theo phận gối rơm

Có đâu dưới thấp mà chờm lên cao.

Ngoài cá leo, còn có đáp án khác là cá kèo. Tại sao? Ta bàn sau, nhưng kèo trong cá kèo còn gợi nhớ đến… kèo. “Có cây thì dây mới leo/ Có cột có kèo mới thả đòn tay” - khi làm nhà, kèo là cây bắc dốc dốc từ đầu cột cái xuống đầu cột con để gác đòn tay. Muốn vững chắc phải đóng đinh/ đanh, từ đó, còn có câu so sánh trong chuyện hôn nhân:

Có cưới mà chẳng có cheo

Nhân duyên trắc trở như kèo không đanh.

Sở dĩ câu thai đố ngoài cá leo, người ta chọn cá kèo vì cá kèo bao giờ cũng có xu hướng nhoi/ ngoi đầu lên cao. Sân khấu cải lương miền Nam thời trước, hạng vé rẻ tiền, hạng bét còn gọi là hạng cá kèo vì không có ghế ngồi, phải đứng xa sàn diễn nên ai cũng loi nhoi ngóc đầu lên xem cho rõ. Không những thế, đáp án này không chỉ phản ánh động tác của cá kèo mà kèo còn đồng nghĩa với… kèo trong ngữ cảnh Trịnh Hâm cho mình “kèo trên”, còn lão quán là “kèo dưới”, chớ hòng ngoi lên, leo lên ngang hàng, bằng vai phải lứa. Ối dào, đã chữ nghĩa không đầy lá mít, chỉ đáng tuổi con tuổi cháu nhưng vẫn mắng xơi xơi/ mắng sa sả bậc cao niên đức độ, giỏi giang hơn mình.

Sự đời oái oăm thiệt.

Lê Minh Quốc

Nguồn: An ninh thế giới, ngày 18.3.2021.

Chữ viết là một thành tựu vĩ đại của loài người. Từ khi có loại ngôn ngữ thị giác này, xã hội tiến sang kỷ nguyên xã hội văn minh ; trước đấy là xã hội tiền sử, chẳng để lại ghi chép gì, hậu thế chỉ biết về xã hội đó qua phỏng đoán của giới khảo cổ và các truyền thuyết miệng rất dễ « tam sao thất bản ». Các loại chữ viết đều phát triển theo quy luật chung là ngày càng đơn giản hóa, dễ học, đồng thời tăng thêm chữ mới.

Hầu như chữ viết của tất cả các dân tộc đều bắt đầu từ chữ tượng hình, sau đó tiến lên chữ biểu ý (chữ ghi ý), cuối cùng đến chữ biểu âm (chữ ghi âm). Riêng chữ Hán của Trung Quốc (TQ) khi tiến đến bước thứ hai thì dừng lại. Suốt 5000 năm sau đó, chữ Hán phát triển theo hướng tạo thêm chữ mới bằng 5 cách : chỉ sự, hội ý, hình thanh, giả tá, chuyển chú (nếu kể cả cách tượng hình là 6, tức Lục thư), chủ yếu tăng số chữ và số nét chữ, khiến chữ Hán trở nên phức tạp hơn — nghĩa là không theo quy luật chung của thế giới.

Đơn cử một trong những chữ Hán có quá nhiều nét, làm khổ người học khi phải nhồi vào óc mình những "tri thức" vô dụng như vậy. Chữ này có 54 nét, âm đọc [piang], là tên gọi 1 loại mỳ sợi đặc sản của tỉnh Phúc Kiến. Vẫn chưa bằng 1 chữ khác có tới 64 nét, gồm 4 chữ "Long" (rồng) xếp chồng lên nhau... Qua đây có thể thấy tư duy logic gàn dở trong việc tạo chữ Hán.

Vì chữ Hán là chữ biểu ý, nên người TQ ở các vùng khác nhau có thể đọc chữ Hán theo âm khác nhau, ta gọi là phương ngữ (TQ gọi là phương ngôn ; Hán ngữ hiện có 7 phương ngữ chính và nhiều phương ngữ nhỏ), người khác vùng nghe không hiểu nhau. Người TQ cho rằng đây lại là ưu điểm lớn vì đem lại khả năng làm cho dân chúng một quốc gia đất rộng người đông, phát triển không đồng đều như TQ có thể hiểu nhau qua chữ viết chung, qua đó thống nhất được đất nước. Cũng nhờ thế mà chữ Hán từng được Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản mượn dùng, theo cách chỉ mượn chữ mà không mượn tiếng — tức không đọc theo âm Hán ngữ, chỉ đọc theo âm bản ngữ (ở Việt Nam là âm Hán-Việt) — do đó người Việt, Nhật, Triều, TQ có thể giao lưu với nhau bằng bút đàm chữ Hán.

Sau dăm nghìn năm đóng cửa tự nhận là « trung tâm tinh hoa của thiên hạ », khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, người TQ mới thấy chữ viết của người ta đều là chữ biểu âm, có ưu điểm là chỉ dùng vài chục chữ cái đơn giản mà tạo ra cả một hệ thống từ ngữ hoàn hảo, nói thế nào viết thế ấy, dễ đọc dễ viết dễ nhớ, tiện truyền điện báo, đánh máy chữ, sắp bản in bằng con chữ rời ; nhờ thế ở phương Tây tỷ lệ dân biết chữ cao, khoa học kỹ thuật (KHKT) phát triển, nước mạnh dân giàu. Ngược lại chữ Hán rất phức tạp, khó viết, khó đọc, khó nhớ, tạo chữ tùy tiện, thiếu tính khoa học, khi dùng dễ nhầm lẫn [1], lại có quá nhiều chữ.

Khi nhận định nguồn gốc sự nghèo khổ lạc hậu của nước mình, đa số trí thức TQ hồi ấy chưa chú ý đầy đủ tới chế độ chính trị độc tài chuyên chế mà đổ tất cả tội lỗi lên chữ Hán. Họ đơn giản cho rằng do chữ Hán khó học nên hầu hết dân mù chữ, trình độ giáo dục quá thấp, khiến cho KHKT không phát triển được, TQ vì vậy nghèo khổ lạc hậu.

Và thế là giới trí thức TQ hăng hái yêu cầu cải cách chữ viết. Nhưng việc này đụng chạm tới nền văn hóa 5000 năm của họ, vì chữ Hán là vật mang và biểu trưng của văn hóa truyền thống nước này. « Chữ Hán là xương sống của nền văn hóa TQ » — nhà ngôn ngữ học người Anh L. R. Palmen nhận xét. Động chạm tới cái xương sống ấy ắt sẽ xảy ra lắm rắc rối.

Đúng vậy, quá trình cải cách chữ Hán cực kỳ rắc rối. Nhìn chung công cuộc cải cách chữ Hán thời kỳ đầu thiếu tính hệ thống, thiếu xem xét toàn diện, có lúc vội chạy theo xu hướng thay chữ Hán bằng chữ biểu âm mà chưa biết rằng do để cho chữ biểu ý tồn tại quá lâu nên đã tạo ra nhiều trở ngại khiến chữ Hán không còn khả năng tiến hóa thành chữ biểu âm nữa. Hậu quả là quá trình cải cách diễn ra gay go lâu dài, chữ Hán từng có nguy cơ bị bãi bỏ, và cho tới nay vẫn còn chưa thể khẳng định tương lai. Nếu không xuất hiện công nghệ máy tính thì chữ Hán khó có thể tồn tại tiếp.

Một số nhược điểm của chữ Hán

1) Có quá nhiều chữ, người bình thường không thể nhớ hết. Thời nhà Thương có khoảng 2000 chữ ; thời Tần-Hán — 9.353 chữ ; thời nhà Thanh — khoảng 60.000. Thời nay chưa có số liệu chính xác, thường nói khoảng 100 nghìn chữ. Sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận (đời Hán) lần đầu thống kê lượng chữ Hán, thu thập được 9.353 chữ. Sách Ngọc thiên của Cố Dã Vương (thời Nam Triều) — 16.917 chữ; Tập Vận (đời Tống) — 53.525 ; Khang Hy Tự điển (đời Thanh) — 47.035 ; Trung Hoa Tự hải (thế kỷ XX) — 85.568 ; Tiêu chuẩn Nhà nước TQ GB18030 (2005) — 70.217 chữ.

Việc tạo chữ rất vô lý, có chữ chỉ là tên một địa phương, một con sông, ngọn núi, một dòng họ, thường chẳng dùng đến mà cũng phải học. Riêng bộ thủ đã có khoảng 200 (tùy cách chia, có thể là 189 bộ, 214 bộ ; TQ hiện quy định có 201 bộ chính và 99 bộ phụ).

Thực ra số chữ thường dùng không quá nhiều. Một tài liệu cho biết 1000 chữ thường dùng có thể đủ khả năng để viết 92% các tư liệu ; 2000 chữ thường dùng — hơn 98% ; 3000 chữ thường dùng — 99%. Nghĩa là các chữ còn lại đều rất ít dùng.

2) Chữ viết tách rời âm đọc, học chữ nào biết chữ ấy, chữ chưa học thì nhìn chữ không đọc được âm, nghe đọc không viết được chữ. Có quá nhiều chữ đồng âm, tức cùng âm nhưng khác mặt chữ và khác nghĩa, bởi thế khi nghe đọc rất dễ hiểu nhầm ý và viết nhầm chữ. Như hai chữ 越, 粤 đọc cùng âm [yuè], nếu không nhìn mặt chữ sẽ nhầm lẫn giữa Việt (trong Việt Nam) với Quảng Đông.

Sở dĩ có nhiều chữ đồng âm là do Hán ngữ quá nghèo âm tiết, do đó để thể hiện lời nói và tư duy, người ta phải đặt ra cực nhiều chữ khác tự dạng mà âm như nhau ; tổng số chữ Hán gấp hàng trăm lần tổng số âm tiết. Chúng tôi thử thống kê chữ trong Tân Hoa Tự điển bản in 2006, toàn bộ chỉ có 415 âm tiết (cả 4 thanh điệu) ; nhưng âm [yuan] có 41 chữ 元, 原, 嫄, 沅, 源, 羱, 芫, 螈,黿 .... ; âm [yi] có tới 147 chữ ; cả bộ tự điển chỉ có 21 chữ không có chữ đồng âm, như 给 [gei], 能 [neng], 日 [ri], 誰 [shéi] ..., còn lại đều có chữ đồng âm (Tự điển khác nhau thì số chữ này có thể khác nhau). Khi dùng chữ vuông thì các chữ đồng âm này phân biệt được với nhau bằng mặt chữ, nhưng khi chuyển sang dùng chữ cái ghi âm thì do tự dạng và âm đọc như nhau nên không thể phân biệt được. Nhược điểm này làm thất bại mọi ý định thay chữ vuông bằng chữ cái ghi âm và do đó chữ Hán mãi mãi khó học.

3) Có nhiều chữ đa âm, vì thế nhìn mặt chữ không biết đọc thế nào, nhất là với chữ đơn độc. Như 說 có 3 âm [shui], [shuo], [yue] ; 和 có 5 âm [hé], [hè], [huó], [hùo], [hú]. Một tài liệu nói trong 3.500 chữ Hán thường dùng có 250 chữ đa âm. Một thống kê nói chữ đa âm chiếm 16,7% kho chữ Hán. Nhiều chữ vừa đa âm vừa đa nghĩa, mỗi âm một nghĩa khác nhau, gọi là chữ Phá âm (Phá âm tự). Như 給, khi dùng với nghĩa « cho » thì đọc [gẻi], nhưng khi dùng với nghĩa « cung ứng » lại phải đọc [jỉ]. Chữ 數 có 3 âm đọc là [shù], [shǔ], [shùo], mỗi âm có một nghĩa khác nhau, rất dễ đọc nhầm dùng nhầm. Cá biệt có chữ đa âm nhưng cùng nghĩa, đọc thế nào cũng được. Như chữ 誰 đọc [shéi] hoặc [shúi] ; chữ 血 đọc [xiẻ] hoặc [xuè] đều được. Nghĩa là không có quy luật.

4) Phần lớn chữ có nhiều nét, mặt chữ phức tạp, khó nhớ khó viết. Trong bảng 2000 chữ thường dùng (Bộ Giáo dục TQ công bố năm 1952, nhằm đưa ra quy định về số lượng tối thiểu chữ Hán mà một người biết chữ cần biết đọc và viết), bình quân mỗi chữ có 11-12 nét, 221 chữ hơn 17 nét. Ngoài ra tổ hợp nét không theo quy luật. Chữ nhiều nét khó viết nhanh, nhỏ, vì các nét quá gần nhau, nhất là thời xưa in bằng bản khắc gỗ, dễ gây nhầm lẫn. Đọc chữ nhiều nét rất hại mắt. Có chữ do dân tự sáng tác theo hướng càng nhiều nét càng tốt, không thể in được, chỉ có thể viết tay. Như một chữ 58 nét, đọc [biang], chỉ là tên một loại mỳ sợi đặc sản ở tỉnh Thiểm Tây. Chữ nhiều nét nhất ghép bởi 4 chữ Long phồn thể (2 trên 2 dưới), 64 nét, đọc [zhe].

5) Chữ Hán khó xử lý bằng cơ khí và bằng công nghệ thông tin (CNTT), cụ thể là khó đưa vào máy chữ hoặc máy tính. Kho chữ Hán trữ trong máy tính chiếm một không gian lớn bằng 284 không gian tồn trữ chữ cái tiếng Anh. Cũng vì thế phông (font) chữ Hán rất khó biến đổi, chỉ có vài chục loại, vì mỗi lần thay phông (thí dụ Tống thể, Khải thể) thì phải thay ít nhất 3500 chữ (tối đa cả trăm nghìn chữ), còn tiếng Anh chỉ cần thay vài chục chữ cái. Một tài liệu nói giá thành phần mềm Hán ngữ bằng 4427 lần Anh ngữ, phần cứng bằng 8,53 lần. Tuy vậy, do CNTT ngày càng phát triển nên nhược điểm này sẽ ngày càng dễ giải quyết.

6) Chữ Hán không viết hoa được, cho nên khi ghi các danh từ riêng dễ gây nhầm lẫn, và khó viết tắt, ít nhất phải dùng 2 chữ để tạo một từ viết tắt. Tiếng Anh có thể dùng một từ thay cho từ nhiều chữ. Như Tổ chức Thương mại Thế giới tiếng Anh viết tắt WTO, chữ Hán là Thế Mạo 世貿 ; song bù lại chữ Hán viết tắt vẫn thể hiện được nghĩa chữ.

Ngày nay, do sử dụng máy tính nên việc đánh máy chữ Hán trở nên cực kỳ thuận tiện, giảm bớt khó khăn cho người học chữ Hán, đỡ phải nhớ kho chữ khổng lồ và lắm nét, về cơ bản chỉ cần nhớ mặt chữ và nghĩa là được.

Ngoài ra văn chữ Hán thời xưa đều viết theo lối văn Văn ngôn hay Cổ văn, khác với lối nói trong đời sống (văn Bạch thoại). Văn ngôn chỉ dùng để viết, dùng cực ít chữ, cả cuốn sách viết liên tục, không ngắt câu, không xuống dòng, danh từ riêng không viết hoa v.v...cho nên cực kỳ khó hiểu và dễ nhầm lẫn, người TQ thường phải đọc bản dịch ra Bạch thoại. Nhưng cho tới nay có người vẫn viết theo lối cổ văn, vì cho rằng loại văn này có ý nghĩa thâm thúy.

Do chữ Hán khó học nên hầu hết dân TQ thời xưa đều mù chữ, mãi mãi ngu dốt, cam chịu làm nô lệ. Lỗ Tấn nói chữ vuông « là khối u trên con người tầng lớp đại chúng lao khổ TQ », « là lợi khí của chính sách ngu dân ». Vì đa số dân ngu dốt nên nền văn minh TQ nói chung tuy phát triển sớm nhưng sau đó nhanh chóng bị các nước phương Tây vượt qua và bỏ xa. Cũng do khó học nên Hán ngữ không thể trở thành ngôn ngữ có tính quốc tế, làm cho sức mạnh mềm của TQ bị giảm đáng kể, tuy rằng số người dùng Hán ngữ nhiều nhất thế giới.

Các nhược điểm của chữ Hán còn ảnh hưởng tới các mặt khác. W. C. Hannas nhận xét: Việc học thuộc lòng chữ Hán tạo ra ở người TQ thái độ tuân theo quy củ và thói quen trọng phương pháp mà không trọng kết quả, mất rất nhiều thời gian vào việc viết chữ, thiếu thời gian suy nghĩ. Học Hán ngữ sẽ thúc đẩy tư duy thực tiễn chứ không phải tư duy trừu tượng, do đó làm yếu sức sáng tạo ở tầng sâu. Hệ chữ cái của phương Tây có thể sớm trau dồi năng lực phân tích và suy nghĩ trừu tượng [2].
Các nhược điểm của chữ Hán cũng có ảnh hưởng tới chữ Nôm Việt Nam.

Tuy vậy, cho tới nay một số người vẫn cho rằng vì mang tính biểu ý nên chữ Hán có ưu điểm hơn chữ Quốc ngữ. Năm 1989 nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo viết : Có người tiên đoán chỉ vài ba mươi năm nữa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc [3]. Thực tế cho thấy 26 năm đã qua, chưa nước nào dùng chữ Hán; ngược lại toàn thế giới, nhất là TQ, lao vào học tiếng Anh. Chính phủ TQ bỏ cả tỷ USD lập hàng trăm Viện Khổng Tử trên toàn cầu nhằm phổ cập Hán ngữ, nhưng hiệu quả rất kém và đang bị tẩy chay vì lồng động cơ chính trị vào văn hóa.

Tình hình cải cách Hán ngữ

Người TQ sớm nhận ra phần nào mặt hạn chế của chữ Hán, vì thế ngay từ thời xưa, khi viết các chữ nhiều nét thì họ tự ý bỏ bớt nét chữ. Từ cuối thế kỷ XIX do gắn liền việc cải cách Hán ngữ với vận mệnh dân tộc, họ mới bắt đầu cải cách toàn diện và nhanh hơn.

Nhìn chung họ đã tiến hành cải cách Hán ngữ theo mấy hướng : - Đơn giản hóa chữ viết, trước hết là chữ nhiều nét, nhằm để chữ Hán trở nên dễ học, dễ phổ cập. - Ghi âm chữ Hán, nhằm thống nhất trong cả nước cách đọc chữ Hán. - Trên cơ sở ghi âm được chữ Hán, nghiên cứu khả năng bỏ hẳn chữ vuông, chuyển sang chữ biểu âm dưới dạng văn tự dùng chữ cái (như chữ Latin hoặc Slav), nhằm triệt để sửa các nhược điểm vốn có của chữ Hán.

Thời phong trào Duy Tân, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng chủ trương ghi âm hóa (拼音化) chữ Hán, nhưng chủ trương đó chết yểu vì phong trào ấy chỉ tồn tại có 100 ngày.

Phong trào cải cách chữ Hán lên cao nhất vào thời Ngũ Tứ. Năm 1918, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Tiền Huyền Đồng [4] từng nói chữ Hán dứt khoát không thể dùng cho thế kỷ XX ; ông nêu khẩu hiệu “Muốn phế bỏ Khổng học [tức Nho giáo], không thể không trước tiên phế bỏ chữ Hán ». Trần Độc Tú và Hồ Thích chủ trương trước hết bỏ chữ Hán, chuyển sang dùng chữ cái La Mã. Hồ Thích nói phải dùng văn tự bạch thoại thay cho văn tự văn ngôn, sau đó biến văn tự bạch thoại thành văn tự ghi âm.

Trong Phong trào Tân Văn Hóa, báo Tân Thanh Niên mở cuộc thảo luận về cải cách chữ viết. Rất nhiều học giả TQ đều cho rằng chữ viết trên thế giới đều trải qua 3 giai đoạn : tượng hình → biểu ý → biểu âm ; chữ Hán không phải là chữ biểu âm cho nên là loại chữ « dã man, lạc hậu ». Chữ Hán khó học, khó viết, khó nhận mặt chữ, là trở ngại cho phổ cập giáo dục. Lỗ Tấn nói « Không diệt chữ Hán thì TQ ắt mất nước » (Hán tự bất diệt, TQ tất vong), ông muốn bỏ loại văn tự chữ vuông biểu ý mà dùng văn tự chữ cái biểu âm. Hồ Thích, Sái Nguyên Bồi, Tiền Huyền Đồng ... tán thành đơn giản hóa chữ Hán hoặc bỏ hẳn chữ Hán, dùng chữ ghi âm mới (新拼音文字) và đưa ra phương án cụ thể.

Họ đã phát động phong trào Văn Bạch thoại và phong trào Văn tự giản hóa, coi là một phần của cuộc vận động Tân Văn hóa. Từ sau năm 1919, văn Bạch thoại dần dần thay cho văn văn ngôn.

Sau khi nước CHNDTH ra đời, công cuộc cải cách được đẩy mạnh với quyết tâm cao và theo một kế hoạch bài bản. Năm 1955, Ngô Ngọc Chương [5] phát biểu : Chữ Hán có rất nhiều khuyết điểm nghiêm trọng, không thể thích ứng với đời sống hiện đại.

1) Cải cách theo hướng đơn giản hóa chữ Hán

Ngay từ thời còn viết chữ trên mai rùa, người TQ đã có hai cách viết chữ Hán : viết chữ giản thể (Tục thể tự, tức chữ bớt nét) và viết chữ phồn thể (Chính thể tự, tức chữ đủ nét). Các văn bản chính thức đều dùng phồn thể, còn dân chúng viết tay thường dùng giản thể.

Riêng thời Thái bình Thiên quốc (TBTQ, 1851-1864), chữ trên con dấu và các văn bản nhà nước đều dùng chữ giản thể, tổng cộng dùng hơn 100 chữ giản thể ; sau này nước CHNDTH đã sử dụng khá nhiều chữ đó. Thí dụ TBTQ đã sửa chữ 國thành国, tức thay或 bằng玉, bớt được 3 nét. Nhưng khi TBTQ bị tiêu diệt thì phong trào giản hóa chữ viết cũng dừng lại.

Năm 1922, Tiền Huyền Đồng và Lê Cẩm Hy đưa ra Phương án giảm số nét của chữ Hán hiện dùng, Tưởng Giới Thạch tán thành. Phương án này gồm 1.000 chữ giản thể được nộp lên Bộ Giáo dục, nhưng vì thận trọng, Bộ này không chọn hết. Tháng 8/1935, Chính phủ Quốc Dân Đảng (QDĐ) công bố 324 chữ giản thể dựa trên các nguyên tắc : - Thuật nhi bất tác, tức dùng lại các chữ giản thể có từ thời xưa ; - Ưu tiên dùng các chữ giản thể xã hội đang sử dụng rộng rãi ; - Không giản hóa các chữ đã được giản hóa. Thế nhưng phương án giản hóa chữ này bị các nguyên lão QDĐ phản đối kịch liệt, nhất là Đới Quý Đào. Tháng 1/1936 Chính phủ phải tuyên bố hoãn thi hành.

Đầu năm 1935, giới văn hóa Thượng Hải phát động phong trào giản hóa chữ Hán với quy mô lớn, gọi là « Phong trào chữ viết tay », nghĩa là bình thường viết chữ như thế nào thì sách báo cũng phải in chữ như thế, như vậy đại chúng dễ đọc, dễ viết, dễ hiểu chữ. Năm 1934, Tiền Huyền Đồng đưa ra phương án 2.400 chữ giản thể.

Tại vùng do Đảng CSTQ kiểm soát, công tác cải cách chữ Hán vẫn tiến hành mạnh mẽ, đặc biệt việc giản hóa chữ Hán đã thành công lớn, chữ giản thể được gọi là « chữ Giải phóng ».

Mao Trạch Đông thời trẻ đã cho rằng chữ phồn thể là rào cản do giai cấp thống trị phong kiến đặt ra để độc quyền tri thức, ngăn cản đại chúng nhân dân làm chủ tri thức ; muốn xóa nạn mù chữ thì phải đơn giản hóa chữ phồn thể.

Sau giải phóng, trước tình hình 85% dân mù chữ, CT Mao chủ trương tập trung vào việc giản hóa chữ Hán. Tháng 10/1950, Bộ Giáo dục đưa ra dự thảo bảng chữ giản thể gồm 550 chữ. Năm 1952 lại đưa ra phương án 700 chữ giản thể. Nhưng CT Mao cho rằng như vậy còn quá ít, nên vừa bớt nét chữ vừa bỏ bớt một số chữ Hán.

Ngày 31/3/1956, Chính phủ TQ công bố Phương án giản hóa chữ Hán, gồm 515 chữ giản thể (Simplified Chinese Characters) và 54 Thiên bàng (bộ thủ) giản hóa. Nhờ thế đã đẩy nhanh tốc độ xóa mù chữ và công tác giáo dục, thông tin. Tỷ lệ mù chữ năm 1964 chỉ còn 32%. Nhưng cũng có người lợi dụng nguyên lý giản hóa chữ để tự ý giản hóa chữ Hán.

Năm 1973, Thủ tướng Chu Ân Lai yêu cầu tiếp tục công tác giản hóa chữ viết. Năm 1975, Ủy ban Cải cách văn tự trình dự thảo Phương án giản hóa chữ Hán lần thứ hai (Second-round simplified Chinese character) gọi tắt Nhị Giản (SRSC), gồm 2 bảng. Bảng một có 248 chữ giản thể, thi hành ngay; Bảng hai gồm 605 chữ giản thể, đưa ra để mọi người bàn bạc góp ý chứ chưa thi hành.

Ngày 20/12/1977, Nhân dân Nhật báo bắt đầu thử dùng Nhị Giản, sau đó ngành Giáo dục thử dùng cho sách giáo khoa.

Do tác động của tư tưởng tả khuynh, khi làm Nhị Giản người ta không cho các nhà trí thức (bị công nông binh chê là « Thối như cứt ») tham gia, cũng không hỏi ý kiến họ, bởi vậy Nhị Giản có nhiều nhược điểm, chủ yếu là giản hóa quá mức, làm mất đặc điểm mỹ quan của chữ Hán, thoát lý nguyên tắc tạo hình trong lịch sử, vì thế khi sử dụng đã gây ra rối loạn.

Tháng 3/1978, một số nhà trí thức, trong đó có Châu Hữu Quang đề nghị Quốc hội bãi bỏ Nhị Giản. Ngày 24/6/1986 Chính phủ tuyên bố bãi bỏ Nhị Giản. Nhưng do đã lưu hành một thời gian khá lâu nên nhiều người vẫn quen dùng một số chữ Nhị Giản. Từ đó, Chính phủ TQ không đưa ra thêm bất kỳ phương án giản hóa nào, thậm chí các ban ngành liên quan còn xem xét lại tính cần thiết của phương án giản thể lần thứ nhất.

Sau khi dùng thử và mở rộng « Giản hóa tự tổng biểu » ban hành năm 1964, tháng 10/1986 TQ đưa ra « Giản hóa tự tổng biểu » đã sửa đổi, gồm 2.274 chữ giản thể và 14 Thiên bàng giản hóa. Trong đó 68 chữ giản thể có từ thời Tiên Tần, 96 chữ thời Tần Hán, 32 chữ thời Tam Quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều, 29 chữ thời Tùy, Đường, Ngũ đại, 82 chữ thời Tống, Liêu, Kim, Nguyên, 53 chữ thời Minh, Thanh, Thái bình Thiên quốc, 60 chữ thời Dân quốc.

Ngày 31/10/2000, Quốc hội TQ thông qua Luật văn tự ngôn ngữ thông dụng nhà nước của nước CHNDTH, thống nhất tất cả các quy định liên quan tới chữ viết Hán ngữ.

Hiện nay TQ đại lục và Singapore (nơi có nhiều người Hoa) chỉ dùng chữ giản thể.

Riêng Đài Loan vẫn dùng chữ phồn thể (Traditional Chinese Characters). Năm 1952, Tưởng Giới Thạch đề xuất vấn đề giản hóa chữ Hán một cách thích hợp, và thành lập Ủy ban nghiên cứu chữ giản thể. Nhưng đa số học giả và dân biểu quốc hội Đài Loan phản đối. Có người nói « chữ viết là tài sản chung của muôn đời, không cho phép một số người chuyên quyền độc đoán. » Hồ Thu Nguyên, Ủy viên Trung ương QDĐ nói « Giản hóa chữ Hán là phá hoại văn hóa truyền thống, ai làm việc ấy sẽ là tội đồ muôn đời của dân tộc Trung Hoa ». Cuộc tranh cãi sau đó bị chính trị hóa, vì khi ấy đại lục đã thực hiện giản hóa chữ Hán, Đài Loan không thể bắt chước « Cộng phỉ ». Rốt cuộc Tưởng đành im lặng ; ai còn bàn chuyện đó thì bị coi là thông đồng với « giặc ». Năm 1969, Hà Ứng Khâm lại nêu vấn đề nên dùng chữ giản thể, cuối cùng cũng vì lý do chính trị nên bị phản đối. Thực ra tỷ lệ người biết chữ ở Đài Loan rất cao, hơn nữa việc phổ cập máy tính khiến cho viết chữ phồn thể không còn khó khăn như trước, cho nên không còn lý do để giản hóa chữ Hán. Năm 2011, Thủ tướng Đài Loan Ngô Đôn Nghĩa tái khẳng định không thay đổi chính sách dùng chữ phồn thể.

Trên thực tế, cho tới nay người TQ vẫn không ngừng tranh luận về vấn đề giản thể hay phồn thể. Tháng 3/2015, hai đạo diễn Phùng Tiểu Cương và Trương Quốc Lập đưa ra « Lưỡng hội » họp ở Bắc Kinh đề án khôi phục một bộ phận chữ phồn thể có hàm nghĩa văn hóa nhằm kế tục nét đẹp của văn hóa truyền thống (100 200 chữ, như chữ thân ái). Đề án này trái với Luật ngôn ngữ văn tự, nhưng vẫn được nhiều người quan tâm. Cũng có người phản đối, như chuyên gia văn tự Đảng Hoài Hưng nói làm thế sẽ rất tốn kém. Phái tán thành cho rằng trong thời đại máy tính, việc dùng chữ phồn thể không tốn kém hơn chữ giản thể.

2) Cải cách theo hướng ghi âm chữ Hán và thay chữ Hán bằng chữ ghi âm

Do chữ Hán không thể hiện âm đọc nên người ta có thể tùy tiện đọc chữ theo nhiều cách khác nhau, gây rối loạn về ngôn ngữ. Tại nước đất rộng người đông này có rất nhiều tiếng địa phương (phương ngữ, TQ gọi là phương ngôn), mỗi địa phương đọc chữ theo âm khác nhau, vì thế không hiểu tiếng của nhau. Hiện nay có 7 phương ngữ lớn và nhiều phương ngữ nhỏ.

Để thống nhất cách đọc chữ Hán, nhất thiết phải ghi âm được chữ Hán, tức dùng một loại ký hiệu ghi âm để thể hiện âm đọc của mỗi chữ. Thời xưa đã có phương pháp trực âm và phương pháp phiên thiết [6] ; cả hai cách này đều bất tiện, vì đều dùng 1 hoặc 2 chữ Hán khác để ghi âm ; vả lại có những chữ không thể ghi âm theo cách đó.

Người đầu tiên dùng chữ Latin để ghi âm chữ Hán là Matteo Ricci, một giáo sĩ người Ý truyền giáo tại TQ. Năm 1605, ông công bố phương án dùng 26 thanh mẫu, 5 vận mẫu, 5 thanh điệu để ghi âm chữ Hán, được nhiều học giả hoan nghênh. Từ đó trở đi TQ bắt đầu có phong trào tìm cách ghi âm chữ Hán. Trước năm 1946, đã có khoảng 30 phương án, đều dựa trên cơ sở phương án Ricci.

Năm 1867, Thomas Francis Wade thư ký Trung văn ở Sứ quán Anh tại TQ [7] xuất bản sách « Ngữ ngôn tự nhĩ tập », đưa ra quy tắc ghi âm Hán ngữ bằng chữ Latin. Về sau nhà truyền giáo Herbert Allen Giles sửa lại và công bố dưới tên Hệ thống ghi âm Wade-Giles (Wade-Giles system), có in trong Từ điển Anh-Hoa xuất bản năm 1892 ở Thượng Hải. Năm 1906, Hội nghị Bưu điện đế quốc họp tại Thượng Hải quyết định dùng hệ này để phiên âm chữ Hán trong ngành điện báo. Từ đó chữ Hán ghi âm bằng chữ Latin lần đầu tiên được sử dụng trên thế giới và trở thành hệ thống phiên âm chữ Hán phổ biến nhất cho đến thập niên 1980, khi TQ dùng phương án ghi âm chính thức của họ. Tuy vậy nhiều tên Hán ngữ các danh từ riêng theo hệ Wade-Giles do quen dùng nên vẫn tồn tại tới nay, như thuốc lá Chunghwa (Trung Hoa), rượu vang Changyu (Trương Dụ), I-ching (Dịch kinh), Tai-chi (Thái cực), Peking (Bắc Kinh)... Đài Loan nay vẫn dùng hệ này để phiên âm tên đất, tên người, như Taichung (Đài Trung), Kaohsiung (Cao Hùng)... Nhưng cách ghi âm này có một số nhược điểm.

Năm 1892, Lô Tráng Chương đưa ra phương án « Thiết âm văn tự », ghi âm bằng chữ Latin[8], tuy không được sử dụng nhưng đã mở đầu phong trào ghi âm Hán ngữ của người TQ.

Năm 1913, chính quyền TQ họp Hội nghị thống nhất âm đọc chữ Hán, họp liền ba tháng mới thẩm định được âm đọc của 6.500 chữ Hán.

Năm 1918 Bộ Giáo dục Chính phủ Bắc Dương công bố Bảng chữ cái ghi âm (注 音 字 母 Chú âm tự mẫu, từ 1930 gọi là 注 音 符 號 Chú âm phù hiệu) dùng để ghi chú âm đọc của mỗi chữ Hán. Mới đầu gồm 39 chữ cái, sau thêm một, hiện nay dùng 37 chữ cái (21 thanh mẫu và 16 vận mẫu), các chữ cái này có tự dạng lấy từ chữ Hán cổ ít nét nhất dựa theo chữ cái ghi âm của Chương Thái Viêm. Như các chữ cái ㄅ, ㄆ, ㄇ, ㄈ ứng với âm đọc các chữ Hán 玻, 坡, 摸, 佛, đọc theo tiếng Việt là puô, p’uô, muô, phuô. Chú âm phù hiệu có thể ghi được toàn bộ các âm của chữ Hán, đã sử dụng thành công ở đại lục thời gian 1920-1958 và tiếp tục sử dụng ở Đài Loan ; học sinh tiểu học Đài Loan trước khi học viết chữ Hán đều phải học 10 tuần Chú âm phù hiệu ; máy tính chữ Hán cũng dùng 37 chữ cái này. Nhưng vì ký hiệu ghi âm có tự dạng là chữ Hán cổ nên khi phiên âm tên người, tên đất (như Bắc Kinh viết là ㄅㄟㄐㄧㄥ) để giao lưu quốc tế thì người nước ngoài không thể đọc được.

Năm 1922, Tiền Huyền Đồng kiến nghị bỏ hẳn chữ vuông, dùng chữ biểu âm. Năm 1926 ông cùng Lê Cẩm Hy, Lâm Ngữ Đường... đưa ra Phương án « 國 語 羅 馬 字Quốc ngữ La Mã tự », dùng 26 chữ cái Latin ghi âm Hán ngữ, lấy chuẩn là giọng Bắc Kinh. Thí dụ中 國 viết là Jonggwo, Phương án này khá hoàn chỉnh nhưng phần ghi thanh điệu rắc rối. Năm 1928, Quốc ngữ La Mã tự được Đại học viện (Cơ quan tối cao quản lý học thuật và giáo dục toàn quốc) của Chính phủ Nam Kinh công bố là phương án Latin hóa ghi âm Hán ngữ pháp định đầu tiên của TQ. Quốc ngữ La Mã tự tuy ít được xã hội sử dụng, nhưng dần dần đã được dùng để chú âm trong các tự điển, đồng thời với Chú âm phù hiệu. Năm 1984, sau nhiều năm không sử dụng, Đài Loan sửa lại phương án Quốc ngữ La Mã tự, ngày 28/1/1986 chính thức công bố dưới cái tên 國 語 注 音 符 號 第 二 式 và dần dần sử dụng thay cho Chú âm phù hiệu. Như vậy hiện nay Đài Loan cũng đã thực hiện Latin hóa ghi âm chữ Hán.

Thập niên 20, một số nhà lãnh đạo ĐCSTQ hồi đó đang ở Liên Xô như Cù Thu Bạch, Ngô Ngọc Chương v.v... đi đầu thực hiện chủ trương Latin hóa chữ Hán. Có người nói đó là do họ chịu ảnh hưởng của phong trào Latin hóa chữ viết cho các dân tộc thiểu số đang dùng chữ A Rập ở Liên Xô hồi năm 1921 [9]. Kết hợp với các nhà Hán học Liên Xô, năm 1929 họ đưa ra Phương án Chữ mới Latin hóa 拉 丁 化 新 文 字 (viết là Latinxua Sin Wenzi, tiếng Anh : Latinized New Writing) của TQ và xuất bản thành sách ở Moskva.

Tháng 9/1931 Đại hội đại biểu Latin hóa chữ TQ họp tại Vladivostok thông qua phương án và quyết định dùng vào việc xóa mù chữ cho 100 nghìn thợ TQ làm việc tại Liên Xô. Năm 1933, phương án này được đưa về TQ và áp dụng rộng rãi trong khu giải phóng của ĐCSTQ.

Năm 1934, Thượng Hải thành lập Hội Nghiên cứu Latin hóa Trung văn. Tháng 12/1935, 688 nhân sĩ nổi tiếng như Sái Nguyên Bồi, Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn v.v… công bố bài viết chung, trong có viết: “Chúng tôi thấy rằng loại chữ viết mới này đáng được giới thiệu với toàn quốc. Chúng tôi tha thiết mong muốn mọi người cùng nghiên cứu, đẩy mạnh chữ viết mới, biến nó thành công cụ quan trọng thúc đẩy văn hóa đại chúng và phong trào giải phóng dân tộc”. Chữ viết mới ở đây là nói Latin hóa chữ Hán, tức bỏ hẳn chữ vuông.

Chủ trương này xuất phát từ chỗ các nhân sĩ nói trên cho rằng mấy nghìn năm qua chữ Hán chỉ phục vụ bọn quý tộc phong kiến mà không phục vụ nhân dân ; chữ Hán là sản phẩm của xã hội cổ đại và phong kiến, đã bị biến thành công cụ để giai cấp thống trị áp bức quần chúng nhân dân lao khổ, nó thực sự là trở ngại cho việc học chữ của quảng đại nhân dân ...

Thời ở Diên An, Mao Trạch Đông cũng đưa ra chủ trương diệt chữ Hán, chuyển sang dùng chữ Latin, và từng nói điều đó với Edgar Snow (1905-1972), nhà báo Mỹ nổi tiếng đến thăm Diên An (6/1936). Quý Tiễn Lâm cũng xác nhận Mao từng chủ trương như vậy.

Sau khi nước CHNDTH ra đời, phong trào Latin hóa chữ Hán dâng lên rất cao. Năm 1950, Mao Trạch Đông nói việc cải cách chữ Hán phải chia làm hai bước, bước một làm phương án phụ trợ việc đọc chữ Hán, bước hai ghi âm hóa Hán ngữ.

Năm 1951, CT Mao chỉ thị phải cải cách văn tự theo hướng chung của thế giới là ghi âm, nhưng (chữ cái ghi âm) phải có hình thức dân tộc, chữ cái và phương án đều phải dựa vào chữ Hán. Nhưng vì ông không chỉ rõ hình thức dân tộc là thế nào nên việc cải cách khó triển khai. Nghe nói Stalin từng bảo Mao rằng TQ là nước lớn, có thể có chữ cái riêng của mình.

Tháng 2/1952, Bộ Giáo dục TQ lập Ủy ban nghiên cứu cải cách văn tự TQ, nghiên cứu phương án ghi âm chữ Hán bằng nét chữ vuông (筆 畫 式).

Năm 1954, Châu Hữu Quang [10] chứng minh chữ cái nước ngoài có thể biến thành chữ cái của dân tộc, như tiếng Latin là tiếng nước ngoài, nhưng khi dùng để nói và viết tiếng Anh thì chữ cái Latin trở thành chữ cái của dân tộc Anh. Ông cho rằng chữ Hán không thích hợp làm chữ cái để ghi âm ; chữ cái Latin là thứ chữ thông dụng nhất trên thế giới, TQ nên sử dụng. Ông nêu 3 nguyên tắc : Latin hóa, âm tố hóa và khẩu ngữ hóa. Sau đó Châu được nhà nước mời tham gia công tác cải cách văn tự.

Tháng 12/1954 Chính phủ lập Ủy ban Cải cách Văn tự TQ (UBCCVT). Tháng 2/1955 Ủy ban này lập Ban Phương án ghi âm chữ Hán. Đồng thời phát động phong trào cả nước làm phương án ghi âm chữ Hán. Tổng cộng có 633 người nộp 655 phương án.

Tháng 10/1955, Hội nghị cải cách văn tự toàn quốc được nghe giới thiệu 6 phương án sơ bộ ghi âm Hán ngữ, gồm 4 phương án dùng nét chữ vuông, một dùng chữ cái Slav, một dùng chữ cái Latin (do Châu Hữu Quang đề xuất). Kết quả hội nghị chọn phương án chữ cái Latin và thông qua quyết nghị đẩy mạnh sử dụng tiếng Phổ thông trong cả nước.

Sở dĩ có đề xuất dùng chữ cái Slav là do hồi đó Liên Xô đã chuyển toàn bộ chữ viết của các dân tộc thiểu số nước họ từ chữ cái Latin sang chữ cái Slav (chữ Nga), cho nên một số nhân sĩ TQ nói TQ là đồng minh của Liên Xô thì nên dùng chữ cái Slav.

Cũng tháng 10/1955, Ngô Ngọc Chương nói : Giản hóa chữ Hán không căn bản giải quyết vấn đề cải cách văn tự mà phải đồng thời tích cực làm công tác chuẩn bị ghi âm hóa chữ Hán.

Sau khi thấy chủ trương « chữ cái ghi âm phải có hình thức dân tộc » gặp bế tắc, CT Mao thay đổi quan điểm, phát biểu tán thành dùng chữ cái Latin (1/1956), cho rằng chữ Latin có nhiều ưu điểm, « ta cứ việc dùng, không sợ bị nghi ngờ là bán nước ». Ngày 12/2/1956, UBCCVT công bố Dự thảo phương án ghi âm Hán ngữ. Tháng 10/1956, Chính phủ lập Ủy ban Thẩm định phương án. Tháng 10/1957, UBCCVT đưa ra dự thảo sửa đổi.

Ngày 11/2/1958 Quốc hội TQ thông qua Phương án ghi âm Hán ngữ bằng chữ Latin (Scheme for Chinese phonetic alphabet). Châu Hữu Quang được gọi là cha đẻ của phương án này.

Phương án trên đã được áp dụng rộng rãi để : - Ghi chú âm đọc (phiên âm) chữ Hán, giúp người học chữ Hán tự đọc được chữ ; - Dạy tiếng Phổ thông trong toàn dân TQ, dạy Hán ngữ cho người nước ngoài ; - Biên soạn các loại tự điển, từ điển ; khi đó các chữ Hán được ghi âm và sắp xếp cũng như tra chữ theo thứ tự chữ cái Latin hóa tiện hơn tra theo bộ thủ ; - Dùng làm cơ sở để tạo chữ viết cho các dân tộc thiểu số; - Dùng cho các lĩnh vực không thể hoặc không tiện sử dụng chữ Hán, như chữ nổi cho người mù, thao tác tay cho người câm điếc, thông tin bằng cờ, bằng ánh sáng, nhập chữ Hán vào máy tính v.v...

Trước đây, khi chưa có ghi âm thì nhìn chữ Hán mà không đọc được âm. Giờ đây mỗi chữ Hán trong các loại tự điển đều được ghi kèm một từ ghép bởi các chữ cái Latin để ghi chú âm đọc (TQ gọi là chú âm) của chữ Hán đó. Người học chữ Hán chỉ cần biết đọc mấy chục chữ cái Latin và biết cách đánh vần các từ ghép bởi các chữ cái đó là có thể tra tự điển mà tự đọc được âm của từng chữ Hán. Huyện Vạn Vinh tỉnh Sơn Tây báo cáo: Nông dân học 15-20 giờ đã nắm được cách ghi âm chữ Hán ; sử dụng chữ ghi âm học 100 giờ có thể biết 1500 chữ Hán. Nhờ đó việc phổ cập tiếng Phổ thông trên toàn quốc tiến hành thuận lợi, cả nước đọc chữ Hán theo cùng một âm thống nhất, tạo điều kiện toàn dân hiểu nhau. Dùng chữ cái Latin ghi âm chữ Hán thuận tiện trong giao lưu quốc tế, vì thế từ 1958, TQ ngừng sử dụng Chú âm phù hiệu, tuy vẫn dùng trong từ điển. Từ 1/11/1967 TQ chính thức thực thi Phương án ghi âm Hán ngữ bằng chữ Latin, đồng thời cũng sáng chế chữ ghi âm Latin hóa cho các dân tộc thiểu số chưa có chữ viết.

Cho dù phương án trên đã áp dụng thành công trên toàn quốc trong việc ghi chú âm đọc cho chữ Hán, nhưng lãnh đạo TQ chưa nhất trí về vấn đề dùng loại chữ ghi âm này để thay thế chữ vuông. Năm 1958 Chu n Lai nói Phương án ghi âm Hán ngữ chỉ dùng để ghi chú âm đọc cho chữ Hán và để đẩy mạnh phổ cập tiếng Phổ thông chứ không phải là thứ văn tự ghi âm dùng thay cho chữ Hán. Câu nói này đi ngược với nguyện vọng của Ngô Ngọc Chương.

Tuy vậy Nhân dân Nhật báo ngày 20/12/1977 nhân công bố Phương án « Nhị giản » có đăng xã luận nhắc lại lời CT Mao là cải cách văn tự phải đi theo phương hướng ghi âm hóa.

Vấn đề dùng chữ ghi âm để thay cho chữ Hán gặp trở ngại lớn nhất là Hán ngữ có cả trăm nghìn chữ vuông nhưng lại chỉ có hơn 400 âm đọc, như vậy chữ ghi âm Hán ngữ cũng chỉ có hơn 400 từ, nếu kể cả 4 thanh điệu cũng chỉ khoảng 1200 từ, nghĩa là một từ ứng với hàng trăm chữ Hán. Do có nhiều chữ đồng âm nên sẽ thường xuyên gây hiểu nhầm, vì cùng một âm đọc, cùng một chữ ghi âm mà có quá nhiều nghĩa khác nhau. Như âm [yi] có tới 147 chữ Hán khác nghĩa, khi ghi âm hóa thì đều viết là yi, rõ ràng sẽ gây nhầm lẫn giữa 147 chữ đó. Thí dụ 亿 元 (100 triệu đồng) và 一 元 (1 đồng), âm đọc và chữ Latin ghi âm đều là [yi yuán].

Hơn nữa từ bỏ chữ Hán là một việc cực kỳ hệ trọng, có liên quan tới truyền thống văn hóa 5000 năm của TQ, tới nguyện vọng của toàn bộ người Hoa trên toàn cầu. Rất nhiều nhân sĩ ở TQ và nước ngoài cho rằng việc bỏ chữ Hán, thay bằng chữ Latin về khách quan là tự hủy diệt lịch sử và văn hóa truyền thống, hủy diệt ý thức dân tộc. Nhà văn Vương Mông nguyên Bộ trưởng Văn hóa TQ cũng nói không giữ được chữ Hán tức là hủy diệt nền văn hóa TQ.

Báo cáo của Ủy ban Công tác ngôn ngữ nhà nước tại hội nghị Công tác ngôn ngữ toàn quốc (1/1986) hoàn toàn không nhắc tới chỉ thị « phương hướng ghi âm hóa » của CT Mao, mà chỉ nói nên mở rộng phạm vi ứng dụng phương án ghi âm chữ Hán. Như vậy nghĩa là Chính phủ TQ đã từ bỏ chính sách cải cách chữ Hán « theo hướng ghi âm hóa » của CT Mao ; ghi âm chữ Hán không còn được coi là văn tự pháp định mà chỉ là một công cụ bổ trợ cho chữ Hán, không được coi là thứ văn tự chuẩn bị thay thế chữ Hán trong tương lai; chữ Hán mới là văn tự chính tông, pháp định. Biên bản Hội nghị công tác văn tự toàn quốc ngày 31/5/1986 nói rõ: Trong một thời kỳ tương đối dài sau đây, chữ Hán vẫn là văn tự pháp định của nhà nước.

Điều 18 Chương I Luật Văn tự ngôn ngữ thông dụng nhà nước CHNDTH quy định : « Văn tự ngôn ngữ thông dụng nhà nước dùng Phương án ghi âm chữ Hán làm công cụ ghi âm và chú âm. Phương án ghi âm chữ Hán là quy phạm thống nhất của cách viết ghi âm bằng chữ cái La Mã cho tên người, địa danh và các văn bản Trung văn, và dùng cho các lĩnh vực không tiện hoặc không thể sử dụng chữ Hán. Bậc giáo dục sơ cấp phải giảng dạy ghi âm Hán ngữ. »

Như vậy xu hướng thay chữ Hán bằng chữ Latin ghi âm tại đại lục TQ đã thất bại, cho tới nay chính quyền không còn đề cập vấn đề này, tuy dân chúng vẫn tiếp tục bàn bạc khá sôi nổi.
**
****
Tóm lại, tiến trình cải cách chữ Hán đã diễn ra trong một thời gian rất dài và chỉ có bước tiến đột phá sau khi TQ tiếp xúc với phương Tây và nhất là sau khi nước CHNDTH ra đời. Rốt cuộc đại lục TQ đã thực hiện được việc đơn giản hóa chữ Hán và ghi âm chữ Hán, còn việc cải cách toàn diện chữ Hán, tức bỏ hẳn chữ vuông, chuyển thành chữ biểu âm dùng chữ cái Latin đã thất bại. Bởi lẽ đó, chữ Hán vẫn là loại chữ biểu ý khó học khó dùng và dùng dễ nhầm lẫn. Rất may là công nghệ máy tính đã tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi giúp mọi người đỡ mất nhiều công sức trong việc học và dùng chữ Hán. Giờ đây có thể dự đoán chữ Hán với những nhược điểm cố hữu của nó sẽ tiếp tục tồn tại và có khả năng chữ phồn thể sẽ lại được phục hồi nhằm thể hiện mạnh mẽ truyền thống Trung Hoa.

TS Nguyễn Hải Hoành

Ghi chú

[1] Vài thí dụ : - Riêng Võ Tắc Thiên đã tạo ra hơn 10 chữ, bà từng thất bại khi định sửa chữ 國 bằng cách thay chữ 或 (Hoặc) trong khung vuông bằng chữ 武 (Võ). - Có chuyện vua Càn Long vi hành đến Tô Châu thấy một cái cổng có viết 滸 墅 關, người vùng này đọc chữ 滸 là [hǔ] (trong 水 滸 ), Càn Long lại đọc là [xǔ] ; chẳng ai dám bảo vua đọc sai, từ đó trở đi chữ này có hai âm là [hǔ] và [xǔ]. - Thậm chí có cụm từ cùng mặt chữ mà khác nghĩa. Thời báo New York có nêu thí dụ cụm từ hóng shỏu ji 烘手機 nên hiểu là hand-dryer hay là dry the mobile phone ? Theo chúng tôi, từ tính chất lộn xộn thiếu khoa học của chữ Hán có thể thấy thứ chữ này là do rất nhiều người thuộc rất nhiều thế hệ làm ra, chứ không phải do một hoặc nhiều nhóm học giả làm ra.
[2] William C. Hannas thạo 12 ngoại ngữ, trong đó có tiếng TQ, chuyên gia ở Foreign Broadcast Information Service. (http://www.nytimes.com/2003/05/03/books/writing-as-a-block-for-asians.html)
[3] Cao Xuân Hạo : Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn ?
[4] Tiền Huyền Đồng (1887-1939), nhà tư tưởng, nhà hoạt động cải cách ngôn ngữ, giáo sư, chủ nhiệm Khoa Quốc văn ĐH Bắc Kinh, đồng sáng lập Phong trào Tân Văn hóa, từng học ở Nhật.
[5] Ngô Ngọc Chương (1878-1966), nhà ngôn ngữ học, UVTƯ ĐCSTQ, CT Ủy ban Cải cách chữ viết, Hiệu trưởng ĐH Nhân dân TQ 17 năm, bậc nguyên lão của ĐCSTQ.
[6] Trực âm : dùng một chữ đồng âm khác để ghi chú âm đọc của một chữ mới. Phiên thiết : dùng hai chữ khác để ghi chú âm đọc của một chữ mới ; chữ thứ nhất thể hiện thanh mẫu, chữ thứ hai thể hiện vận mẫu.
[7] Thomas Francis Wade (1818-1895), về sau dạy Trung văn tại ĐH Cambridge.
[8] Thiết âm tức là ghi âm, còn gọi là hợp thanh. Xem : 卢戆章和切音字运动 http://szb.northnews.cn/nmgrb/html/2015-02/09/content_1177542.htm
[9] Sau khi Lê Nin mất, Stalin lại đổi chữ Latin thành chữ Nga.
[10] Châu Hữu Quang (1906-), học kinh tế ĐH Saint John ở Thượng Hải, du học Nhật, làm ngân hàng, từng công tác tại New York, London, từ 1949 là giáo sư kinh tế học Đại học Phục Đán Thượng Hải.

Tham khảo

1- 汉字的局限性 http://www.zybang.com/question/9ad6ecea7914efd5f9b5bc385ba5346a.html
2- 汉 字 的 优 缺 点 (2009-05-31) http://blog.sina.com.cn/s/blog_4977d2f80100de2n.html
3- 技术上说说汉字的优缺点 http://tieba.baidu.com/p/50378465
4- 为什么汉字没有改为拼音文字 http://tieba.baidu.com/p/2321335330
5- 汉字改革 http://baike.baidu.com/link?url=8Z0xrdDhAFfr6hKz4pOE1jrd569W7CuOfG4R8bufw7VFDr420xY86oRD-SZSltVV2NWx1TBFjDQLgGH3LDtB4_
6- 汉字改革及发展、http://zhidao.baidu.com/link?url=2cd8gnLjBejUpGbqsPValfa68pzqU-Usk-WZ8_2oOP2hUf75yRv4n-ZtIWBwJz8sZs4y_vLeqECbRLGahF_CMK

Nguồn: Đông tác, ngày 7.9.2016.

1. Ngôn ngữ không phải chỉ là công cụ của tư duy mà còn là sản phẩm của tư duy, là “hiện thực thứ hai của tinh thần”, là linh hồn của một dân tộc. Nhà báo, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn An Ninh từng khẳng định: “Đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với chối từ sự tự do của mình”. Ngày nay, người ta không chối từ, nhưng là đang phá hỏng hoặc vô tình phá hỏng mà chưa có một giải pháp căn cơ để chấn hưng.

Những ai thường xuyên đọc sách báo, nghe radio, xem tivi… thì sẽ thấy rõ việc nói sai, viết sai ngày càng trầm trọng đến thế nào. Điển hình nhất có lẽ là sự việc gần đây khi trong một bản tin của VTV, biên tập viên phát thanh như sau: “Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch, hay là chủ yếu phục vụ khách nước ngoài, tại thành phố Hồ Chí Minh trở nên tiêu điều. Và khi những con phố không còn sức sống, những gánh hàng rong, vốn được xem là sống kí sinh trùng lên những con phố này, sẽ tồn tại ra sao?”. Bản tin trên được ghi lại và cụm từ sống kí sinh/ sống kí sinh trùng đã gây ra một sự phẫn nộ trong cộng đồng. Sự phản ứng của người dân trước cách nói này là hoàn toàn có cơ sở, dù biên tập viên kiêm phát thanh viên kia cố ý hay vô tình. Nghe hết bản tin thì người ta không thấy cái ý miệt thị hay khinh thường của nhà đài đối với những người bán hàng rong, ngược lại còn thể hiện sự chia sẻ nữa; nhưng chính vì năng lực ngôn ngữ không tốt nên không những không truyền đạt được chính xác cái ý mình muốn nói mà còn gây phản tác dụng như đã thấy.

Con người giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ, và ngôn ngữ sẽ chi phối đến mối quan hệ của các nhân vật giao tiếp ấy. Đó là một tác động tất yếu, chính vì thế mỗi người phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Và cũng chính vì thế mà cần rèn luyện năng lực ngôn ngữ để sự giao tiếp diễn ra bình thường, đạt mục đích. Nhưng hiện trạng của việc sử dụng tiếng Việt đang không như thế, mà xuống cấp đến mức không thể bàng quan, nếu không muốn nói là đáng báo động.

Đấy là chưa kể những văn bản hành chính đòi hỏi sự đơn nghĩa, chính xác, chặt chẽ nhưng đã tạo ra lắm sự bi hài như vẫn thường thấy để rồi phải cười ra nước mắt. Có lẽ, lãnh địa của sự thiếu trong sáng của tiếng Việt không ở đâu nhức nhối như trong nhà trường. Những ai làm giáo viên sẽ có cảm giác bất lực trước câu chữ của học trò, dù là học trò đã học tiếng Việt (và ngữ văn nói chung) suốt 12 năm ròng; ngay cả sinh viên cũng không ra khỏi tình trạng này, dù là sinh viên ngành sư phạm, thậm chí là ngành sư phạm ngữ văn. Những ai từng tham gia chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chấm thi tuyển sinh đại học, kể cả chấm khóa luận, luận văn, luận án… sẽ có đủ cơ sở để kết luận về một tình trạng yếu kém có tính hệ thống và phổ biến trong khả năng sử dụng tiếng Việt của người học. Nói sai, viết sai hiện diện ở khắp nơi từ người dân thường cho đến học sinh, sinh viên, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học, chính khách…, nói chung là giới trí thức chữ nghĩa, thậm chí cả nhà biên soạn từ điển tiếng Việt. Nếu không kịp thời khắc phục sửa chữa thì tiếng Việt thiêng liêng của ta bị vẩn đục; từ đó theo thời gian sẽ phương hại đến các cơ tầng văn hóa khác.

2. Vì đâu nên nỗi? Tại sao lại có sự sa sút trên diện rộng về sử dụng tiếng Việt như thế? Người ta vẫn nói nhiều về sự yếm thế, lép vế của môn ngữ văn trong nhà trường. Ở đây, tôi muốn nói câu chuyện nhà trường đang thiên về dạy-tri-thức-tiếng-Việt chứ không phải dạy-tiếng-Việt! Nghĩa là dạy những thứ trừu tượng được trừu xuất từ thực thể tiếng Việt, hay nói cách khác là một thứ tiếng Việt chết. Các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa được dạy là những mô hình chứ không phải là ngôn ngữ sống. Và việc học thuộc tất cả những tri thức ấy không bao giờ hứa hẹn về một tương lai rằng người học sẽ sử dụng đúng và sử dụng tốt tiếng mẹ đẻ của mình. Hãy hình dung thế này, khi một đứa trẻ được dạy về giải phẫu học cơ thể mèo thì điều đó không đảm bảo cho việc đứa trẻ ấy sẽ biết cách nuôi dưỡng, chăm sóc và thương yêu một con mèo.

Đấy là chưa nói tới việc quá nửa tri thức tiếng Việt trong nhà trường đang được truyền dạy cho người học là sai lầm, không phản ánh đúng thực tế tiếng Việt. Chúng là những mô hình sinh ra từ cái nhìn “dĩ Âu vi trung” mà nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã dành cả đời để minh định và gột rửa. Nhưng chân lí khoa học đôi khi chưa thể vượt qua được những thứ ngoài khoa học.

20201229

Ảnh: Nhà ngữ học Cao Xuân Hạo

“Ngữ” trong nhà trường thì như thế, còn “văn” thì sao? Tình trạng văn mẫu (ở cả trò lẫn thầy), học thuộc kiến thức “chuẩn” và chỉ thi cái kiến thức “chuẩn” ấy đã khiến cả người dạy và người học gần như làm cái công việc duy nhất là ghi nhớ (lời của người khác). Nó làm ta nhớ tới câu chuyện cười dân gian “Mất rồi! Cháy!” trong sách giáo khoa. Đề thi trung học phổ thông quốc gia môn ngữ văn những năm gần đây đã có sự đổi mới về hình thức, nhưng cơ bản vẫn chưa thay đổi về chất khi phần lớn câu hỏi đều hoặc dễ dãi hoặc áp đặt hoặc không có tính kích thích tư duy của thí sinh.

3. Nhà báo Nguyễn An Ninh đã dẫn một định đề mà tôi rất tâm đắc: “Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra”. Sự xác quyết này là chiếc chìa khóa giúp mở căn phòng tối cho ánh sáng tràn vào.

Việc dạy tri thức tiếng Việt và sửa các lỗi hành văn là cần thiết, nhưng sẽ không bao giờ giải quyết được gốc rễ của vấn đề, vì đó là cái ngọn, là hiện tượng sinh ra từ một nguyên nhân bên trong thuộc về thế giới tinh thần. Chính vì thế không bàn thêm về tri thức tiếng Việt trong nhà trường, tôi chỉ muốn đề cập đến một tinh thần căn cơ để giải quyết vấn nạn “hành văn” ở ta: TƯ DUY. Giáo dục phải tạo môi trường, nuôi dưỡng và khuyến khích tư duy độc lập, tư duy phản biện. Chừng nào chưa làm được việc này thì mọi sự truyền đạt kiến thức đều không thể đưa tới một kết quả cơ bản, khả quan.

Chỉ khi con người suy nghĩ thấu đáo, hình thành quan điểm cá nhân trên cơ sở đã khảo cứu, phản biện những luồng quan điểm khác để kiến tạo một niềm tin từ luận lí thì khi ấy người ta sẽ trở thành nhà hùng biện, nhà diễn thuyết, hay ít nhất cũng sẽ diễn đạt một cách rõ ràng, chính xác suy nghĩ của mình. Nói ngược lại là thế này: Nếu anh chưa có suy nghĩ, quan điểm của mình thì yêu cầu về việc diễn đạt đúng và hay là một yêu cầu không thực tế. Không có gạo mà yêu cầu phải nấu cơm ngon thì lấy gì mà nấu!

Từ nguyên tắc trên phải dẫn tới tư tưởng dạy học theo phương pháp đối thoại, giải quyết vấn đề và chấp nhận các quan điểm trái chiều trong tranh luận; xây dựng một môi trường giáo dục với không khí học tập cởi mở, năng động, ở đó người học có cơ hội được suy tư, được thảo luận, được phát biểu chính kiến và được tôn trọng. Môi trường giáo dục hiện đại này sẽ giúp người học phát triển năng lực tư duy, hình thành quan điểm cá nhân, bồi đắp nền tảng logic và nuôi lớn văn hóa đối thoại. Ngôn ngữ sẽ được rèn giũa để trở nên chính xác, sắc bén và đạt đến trình độ nghệ thuật trong một phương cách vận động như thế của giáo dục mà không cần nặng về kiến thức xơ cứng như từ trước tới nay.

4. Như thế, không chỉ giáo dục, mà rộng lớn hơn, cần một xã hội thoáng mở, nơi mọi tư tưởng đều bình đẳng, cùng đối thoại, nơi kích hoạt, di dưỡng và phát triển phẩm tính, cốt cách tinh thần cho mỗi cá nhân. Con đường đi từ gốc này may ra mới đủ khả năng chữa dần căn bệnh sử dụng sai tiếng mẹ đẻ đang ngày càng trầm kha và có nguy cơ làm phương hại các cơ tầng văn hóa trên nhiều mặt.

Đức Thuận

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 16.11.2020.

Một trong những quyển tự vị tiếng Việt xa xưa có liên quan tới tiếng Đàng Trong (trong đó chủ yếu là tiếng Nam Bộ) là quyển “Dictionarium Anamitico-Latinum” của Jean-Louis Taberd, (tên Việt là Từ), còn có tên gọi khác là “Nam Việt Dương Hiệp tự vị”, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1838. Quyển tự vị này có nhiều ngữ liệu liên quan đến phương ngữ Nam Bộ vì ba lí do: 1. Theo soạn giả Taberd, cuốn tự vị này được khởi công do vị Giám mục thứ 12 của Giáo phận Đàng Trong là Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) soạn vào những năm 1772-1773, nhưng chưa xong (Bá Đa Lộc, người Pháp, đến Đàng Trong, Hà Tiên, năm 1767 và ông sống chủ yếu ở vùng này nên rất thạo tiếng Đàng Trong); 2. Soạn giả Taberd lại là vị Giám mục thứ 17 của Giáo phận Đàng Trong sang truyền giáo, sống và hoạt động chủ yếu ở Đàng Trong (khoảng 20 năm); 3. Do sự đóng góp hết sức quan trọng của các đại chủng sinh Đàng Trong, đặc biệt là thầy Phan Văn Minh, người làng Cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre (Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853), được phong thánh ngày 19-6-1988, dưới thời Đức Giáo hoàng Jean-Paul II)

Có thể nói Giám mục J. L. Taberd đã học tiếng Việt từ tiếng nói của người dân Đàng Trong. Trong bối cảnh đó, không loại trừ ông đã học tiếng Việt Nam Bộ từ chủng sinh Phan Văn Minh khi còn ở quê nhà Bến Tre. Hơn nữa, khi thầy Phan Văn Minh sang học ở Đại chủng viện Pénang (Malaisia), chưa thụ phong linh mục, thầy Phan Văn Minh, đệ tử của Giám mục J. L. Taberd, đã giúp ông có được những hiểu biết sâu rộng về tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Việt Đàng Trong để hoàn thành quyển tự vị này (Theo tư liệu của Thiên Chúa giáo: Năm 1835, Đức cha Taberd gọi thầy Philipphê Minh sang Calcutta để cùng với Ngài làm tự vị). Nếu xét công mà nói, nhà ngữ học tiền phong này đã góp một phần công sức vào việc hình thành quyển tự vị. Như vậy, có thể xem người là đồng tác giả cũng nên. Trên bình diện khoa học ngôn ngữ, thánh Phan Văn Minh đã có đóng góp âm thầm cho sự phát triển tiếng Việt, thời kì đầu của chữ Quốc ngữ. Cần phải ghi nhận ông là nhà ngôn ngữ học tiên phong, nhà từ điển học của khoa Ngữ học, bên cạnh Giám mục J. L. Taberd, trước cả Trương Vĩnh Ký.

Quyển “Dictionarium Anamitico Latinum” có khoảng 25.000 mục tự vị. Mỗi mục tự vị tuỳ đặc trưng ngữ nghĩa có thể có nhiều hay ít mục tự vị được chọn phân tích diễn giải ngữ nghĩa. Mỗi mục tự vị có 3 cột văn tự được xép theo thứ tự: chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Latin. Chữ Hán giúp nhận diện về phương diện nghĩa các mục tự vị có cùng hình thức ngữ âm, chữ Quốc ngữ được gắn kết trong một chu cảnh giúp nhận diện mục tự vị được chọn để giải thích, chữ Latin dùng để giải nghĩa từ. Như vậy, quyển tự vị này cần cho người nước ngoài học tiếng Việt qua chữ Quốc ngữ và trong chừng mực giúp nắm bắt chữ Hán. Việc giải thích từ ngữ bằng tiếng Latin được xem như một ngôn ngữ khoa học phổ biến thời bấy giờ (Tuy 2 vị giám mục đều là người Pháp, nhưng họ không chọn tiếng Pháp để giải nghĩa các mục từ, mà lại chọn tiếng Latin. Điều này có ý kiến cho rằng thời ấy, hai vị rất coi trọng tính chất khoa học, tính phổ cập của công trình tự vị. Mặt khác, cũng loại bỏ được những ý kiến quy chụp là công trình nhằm phục vụ cho chính sách thực dân Pháp thời bấy giờ). Trong khoảng 25.000 mục từ được chọn giải thích, có rất nhiều mục từ gắn với từ địa phương Nam Bộ. Sở dĩ, có tình trạng này như đã nói trong phần mở đầu do tác giả là những giám mục hoạt động truyền giáo chủ yếu là ở Đàng Trong và những cộng sự giúp họ trong quá trình học tiếng Việt hoặc làm từ điển là những học giả xuất thân từ Nam Bộ.

Nhưng, theo Trần Văn Toàn, trong tự vị còn có những yếu tố của Đàng Ngoài: “…Tuy vậy, tiếng Đàng Ngoài cũng xuất hiện khá nhiều trong tự vị đó, ví dụ: “được” thay vì “đặng”, “vào” thay vì “vô”. Cho nên có thể đoán rằng có người Đàng Ngoài cộng tác vào đó.” (trích phần giới thiệu “Tự vị Taberd và di sản văn hoá Việt Nam” trong “Dictionarium Anamitico-Latinum”, tr. lii.). Theo chúng tôi, vấn đề không nhất thiết phải như vậy. Vì những người Đàng Trong thời ấy, tuy có sử dụng yếu tố tiếng Đàng Trong (tiếng Nam Bộ) trong giao tiếp, thì cũng chỉ có một lượng tự vị nhất định nào đó thôi. Không thể có chuyện giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Đàng Trong được. Nói cách khác, cái nền từ ngữ chung để giao tiếp của người Đàng Trong vẫn là tiếng Đàng Ngoài (tạm hiểu: tiếng toàn dân). Thành thử, “tiếng Đàng Ngoài cũng xuất hiện khá nhiều trong tự vị đó” là điều hoàn toàn tự nhiên; không nhất thiết phải có “người Đàng Ngoài cộng tác” vào việc biên soạn tự vị. Vì, cộng đồng người Đàng Trong vốn vẫn là người Việt, từ Đàng Ngoài nam tiến vào Đàng Trong, chớ họ không phải là một cộng đồng khác có gốc gác từ đất Đàng Trong.

Như vậy, xét từ bình diện từ ngữ, nói rằng, “Nam Việt Dương Hiệp tự vị” có cả tiếng Đàng Ngoài và tiếng Đàng Trong (tiếng Nam Bộ) là chuyện tất nhiên. Vì vậy trong tự vị này, ngoài lớp từ toàn dân (tiếng Đàng Ngoài), còn có một lớp từ riêng địa phương Nam Bộ (tiếng Đàng Trong), mà chúng tôi sẽ trình bày, gồm các nhóm sau: từ gốc Nam Bộ, từ gốc Trung Bộ, từ gốc toàn dân.

Với lớp từ địa phương Nam Bộ, trong từ điển Taberd có khá nhiều từ biến âm. Hiện tượng biến âm tuy không quá gây trở ngại cho giao tiếp giữa người Đàng Trong - Đàng Ngoài, nhưng nó góp phần làm nên đặc trưng phương ngữ trên bình diện ngữ âm, mà người nghe chỉ cần chú ý có thể nhận diện được. Chẳng hạn:

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm “ơ” ngắn (viết là â) thành chính âm “ơ” dài (ơ) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “chơn” và “nhơn”, dù có nội dung nghĩa nào: “bàn chơn, bắp chơn, bấn chơn, bận chơn, chậm chơn, chơn cẳng, chúm chơn, cóng chơn, cuồng chơn, dịp chơn, duỗi chơn, dừng chơn, giạng chơn, giậm chơn, gót chơn, hổng chơn, kẽ chơn, kiềng chơn, kịp chơn, lỡ chơn, màn chơn, mau chơn, móng chơn, náng chơn, nghỉ chơn, ngón chơn, ngừng chơn, nhẹ chơn, quều chơn, sải chơn, sái chơn, sẩy chơn, tê chơn, trặc chơn, trật chơn, tréo chơn, trợt chơn, uynh chơn, vun chơn, chơn thật…; bất nhơn, bất tỉnh nhơn sự, dã nhơn, dong nhơn, hạnh nhơn, hôn nhơn, khoan nhơn, nam nhơn, ngoại nhơn, nhơn chánh, nhơn đạo, nhơn đức, nhơn gian, nhơn sâm, nhơn thể, nhơn vật, nữ nhơn, phu nhơn, phàm nhơn, quả nhơn, quí nhơn, sát nhơn, tha nhơn, thế nhơn, thường nhơn, tiên nhơn, tiểu nhơn, tội nhơn, văn nhơn, xá nhơn…”. (1)

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm “iê” (chữ viết ia), không chung âm thành chính âm “a” dài (chữ viết a) có chung âm “-j” (chữ viết i) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “ngãi”, dù có nội dung nghĩa nào: “bất ngãi, bội ngãi, đạo ngãi, giảng ngãi, ngãi lý, phải ngãi, phi ngãi, phụ ngãi, tình ngãi, trả ngãi, trung ngãi…”. (2)

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm “ươ” (chữ viết ươ), có chung âm thành chính âm “a” dài (chữ viết a) có chung âm trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “đàng”, dù có nội dung nghĩa nào: “chặng đàng, đàng hẻm, đàng phèn, đàng phổi, đàng phước đức, đắp đàng, lỡ đàng, ngào đàng, thuộc đàng…”. (3)

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm “a” dài (chữ viết a) thành chính âm “ơ” dài (chữ viết ơ) hoặc chính âm “ô” dài (chữ viết ô) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “đờn” và “bổn”, dù có nội dung nghĩa nào: đờn anh, đờn bà, đờn ca, đờn địch, đờn hát, đờn kìm, đờn tì bà, ghe đờn, phím đờn; bổn ấp, bổn đạo, cao bổn, căn bổn, bổn chất, bổn tính, Nhựt Bổn…”. Cũng có hiện tượng chuyển đổi ngược lại, chính âm “ơ” dài (chữ viết ơ) thành chính âm “a” dài (chữ viết a) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “giái”, dù có nội dung nghĩa nào: “cảnh giái, cương giái, giái răn, khí giái, phá giái, thế giái, thượng giái…”. (4)

                

         Mục từ trong Từ điển Dictionarium Anamitico-Latinum

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm đôi “iê” (chữ viết yê), có chung âm đầu lưỡi (n) thành chính âm đơn “ơ” dài (chữ viết ơ) có chung âm gốc lưỡi “ng” (chữ viết n) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “quờn”, “nguơn” dù có nội dung nghĩa nào: “cầm quờn, cất quờn, phong quờn, quan quờn, quờn bĩnh, quờn cao, tiếm quờn, ỷ quờn…; căn nguơn, nguơn nhung, trạng nguơn…”, hoặc thành chính âm đơn “a” dài (chữ viết a), có chung âm gốc lưỡi “ng” (chữ viết n) như: “căn doan, nợ doan...”. (5)

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm “ư” ngắn (chữ viết ư), có chung âm gốc lưỡi (chữ viết ng) thành chính âm “ơ” ngắn (chữ viết â) có chung âm gốc lưỡi (ng) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ, dù có nội dung nghĩa nào: “ăn mầng, cháy bầng bầng, chưa tầng, đã tầng, tâng bầng…”. (6)

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm đơn “a” dài (chữ viết a), có chung âm môi “u” (chữ viết o) thành chính âm đôi “iê” (chữ viết iê) có chung âm môi “u” (chữ viết u) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “biểu”: “dạy biểu, dễ biểu, khó biểu, khuyên biểu…”. (7)

Ngày nay, các trường hợp chuyển âm (1, 2, 3, 4, 5, 6) chỉ thấy xuất hiện thưa thớt trong cách nói của người Nam Bộ ở vùng nông thôn sâu. Trường hợp chuyển âm (7) còn xuất hiện khá phổ biến trong cách nói của người Nam Bộ.

Một số hiện tượng chuyển âm không phổ biến trong tiếng Đàng Trong, nay cũng không còn lưu giữ trong cách nói của người Nam Bộ: hiện tượng chuyển âm “â” thành “ư”: “vưng, dưng lễ…”; hiện tượng chuyển âm “ô” thành “u”: “hun tay, nút ruồi…”; “ô” thành “uô”, như: “xuông xáo”; hiện tượng chuyển thành chính âm đôi: “u” thành “ươ”, như: “giáng phước, hồng phước, phước đức…”; hiện tượng chuyển khuôn vần: “an” thành “iêng”, như: “biêng mai”; “ui” thành “ươi”, như: “khươi ra”; “anh” thành “iêng”, như: “thiềng thị”…

Ngoài ra, còn có các trường hợp chuyển âm trong tiếng Đàng Trong vẫn còn lưu giữ trong cách nói của người Nam Bộ hiện nay, như: hiện tượng chính âm “ê” chuyển thành chính âm “i” trong các từ: “binh vực, căn bịnh, chứng bịnh…”; hiện tượng chính âm “ư” chuyển thành chính âm “ơ” trong các từ: “bức thơ, gởi gắm, gởi thơ, phong thơ, thơ kí, tiểu thơ…”; hiện tượng chính âm “â” chuyển thành chính âm “ư” trong các từ: “hạng nhứt, lễ sinh nhựt, giựt, nhứt, nhựt, nhứt hảo, nước giựt mớn, Tết nhứt…”; hiện tượng chính âm “a” chuyển thành chính âm “ô” trong từ “hột” ở các từ ngữ: “chuỗi hột, chuối hột, hột đậu, hột sen, hột trai, lần hột, tràng hột…”.

Một số hiện tượng dùng từ của người Đàng Trong được duy trì trong cách nói của người Nam Bộ ngày nay, như:

- “bắp” thay “ngô”: bắp con chàng, cạp bắp, cốm bắp, cùi bắp, mao bắp…;

- “bông” thay “hoa”: bông bụt, bông trang, bông trái, cây bông, ngắt bông…;

- “ca” thay “hát”: đờn ca, ca hát, ca xướng…;

- “chi” thay “gì”: biết chi, can chi, chi bằng, chi đó, chớ chi, hèn chi, hề chi, huống chi, kể chi, lo chi, màng chi, phải chi, sự chi, vật chi…;

- “coi” thay “xem”: coi mạch, coi mòi…;

- “dù” thay “ô”: dù, dù lọng…;

- “đặng” thay “được”: chẳng đặng, đặng công, đặng mùa, đặng trái…;

- “ghe” thay “thuyền”: be ghe, choác ghe, cong ghe, ghe bầu, ghe cộ, ghe giàn, ghe guộc, ghe lườn, ghe tiểu điếu, lườn ghe, sạp ghe, then ghe, trét ghe, xảm ghe…; “heo” thay “lợn”: bọng heo, chim heo, chuồng heo, cũi heo, đùi heo, gấu heo, giò heo, lòng heo, heo nái, heo nân, heo rừng, heo thiến, heo ủi, nanh heo, nây heo, nọng heo…;

- “huỳnh” thay “hoàng”: huỳnh anh, huỳnh bào…;

- “lội” thay “bơi”: lội bơi, lội lặn, lội sông…;

- “mè” thay “vừng”: cây mè, hột mè…;

- “mền” thay “chăn”: đắp mền, mền chiếu, trùm mền…;

- “mồng” thay “mùng”, “mào”: mồng một, mồng hai, Tết mồng năm, mồng tếch, mồng gà…;

- “nón” thay “mũ”: cất nón, chằm nón, nón gõ, nón lá, râu quai nón…;

- “ổ” thay “tổ”: ổ chim, ổ gà…;

- “trà” thay “chè”: pha trà, uống trà…;

- “trái” thay “quả”: chùm trái, đồng hồ trái quít, giú trái, lảy trái, lắt trái, ngắt trái, nụ trái, trái bả, trái bứa, trái cân, trái cầu, trái chôm chôm, trái đẹt, trái gấc, trái ké, trái khói, trái lẹo, trái lòn bon, trái mãng cầu, trái mận, trái măng cụt, trái muồi, trái nhãn, trái nũng, trái tắt, trái thơm, trái trăng...;

- v.v.

Hiện tượng dùng từ “đậu” (đỗ) phổ biến trong tiếng Đàng Trong vẫn được duy trì trong phương ngữ Nam Bộ ngày nay: thi đậu, thuyền đậu, đậu phụng, đậu nành…

Có những lớp từ ngữ chỉ thực tại khách quan được người Đàng Trong dùng, nay đã có sự khác biệt với tiếng toàn dân nên tạm gọi phương ngữ. Dù vậy, không hẳn mọi trường hợp thay đổi dẫn đến sự khác biệt từ ngữ đều xuất phát từ tiếng Đàng Trong: a dao, áo lá, ăn gỏi, ba rọi, bà bóng, bàn cầu, bàn độc, bàn toạ, bánh in, bánh thuẫn, bánh ú, bàu hói, bâu áo, bí rợ, bình bát, bình tích thuỷ, bột báng, búng nước, cà khêu, cá khoai, cá lóc, cá lòng tong, cá lù đù, cá phèn, cá phướn, cá thia thia, cái trang, căm xe, cây da, cây làu táu, cây sầu đâu, cây viết, chả giò, cháng ba, chảo đụn, che đạp mía, chén thuốc, chệc, chìa ống ngoái, chiếc trẹt, chim cưởng, chim nhồng, chim trảu trảu, chim séo, con cần đước, con cúi, con giáp, con nít, cổ nhạc, cốt cây, cờ phướn, cù lao, cũi hùm, cúm núm, dao lụt, dây dụi, dây đỏi, dây luột, dĩa bàn than, dưa gang, dưa leo, đánh trổng, đèn chong, đủ đủ tía, đũa bếp, đục vũm, gà lôi, giá triệu, giấy súc, gió chướng, gió nam, gió nồm, hàng xáo, khăn xéo, khu dĩa, khuy áo, lăng quăng, lòi tói, lọn chỉ, lọn tóc, lồng đèn, lúa khén, lưới bén, mỏ ác, mồng gà, một nạm, một trự, mụt bạc đầu, ngoạt, ngòi viết, nhà bè, nhà thương, nhang đèn, nhành vàng, níp, nút áo, nước dão, ống dòm, ốc xa cừ, rắn điu điu, rắn nẹp nia, rau giấp cá, rau nhút, tam bản, thịt bạng nhạng, thằng chài, vải bô, vàm rạch, ve chai, vợ bé, xuồng…

Có những lớp vị từ, ngữ chỉ đặc trưng động hoặc tĩnh được người Đàng Trong dùng, nay đã có sự khác biệt với tiếng toàn dân nên tạm gọi phương ngữ. Các trường hợp thay đổi này cũng không hẳn đều xuất phát từ tiếng Đàng Trong: ăn hiếp, ăn mót, ăn ong, ăn rập, bán sỉ, bán mắc, bắc nước, bắn ná, bằng chạn, bằng riến, bắt ấn, bèo trẹt, bẹo, biên chép, bôi chữ, bộn việc, bở rệt, bới cơm, bự bự mặt, bửa củi, bươn tới, cà lăm, cãi lẫy, cãi lộn, cao tay ấn, cặm, cân chạn, cất rớ, chạn gà, chấn đón, chầu rày, chuột khới, chụp ếch, cua óp, củi đượm, dao lóng, dòm, dùa lại, dún mình, dùng lắc, dức lác, đạc chừng, đánh lộn, đánh trúm, đen kịn, đi trớ, đòn bọng, đốt lói, ghẻ hờm, giòn khớu, hàng nàm, hầm thịt, hỏi dọ, hỏi phăn, hớt tóc, hút gió, khích báng, khứng tiếng, làm trớ, lặt rau, lo cạy cạy, lua cháo, lửa ngún, mạy nhớ, mặt bư, mỏng tăng, nắng ui ui, ngộ, ngồi chồm hổm, ngồi tréo mảy, nhắc cò cò, nhận nước, nhúm lửa, ních hết, niển lưng, niệt trâu, nín lại, nói bỗng chãng, nói chấn, nói lịu, nói trăm, nói trớ, quá giang, quớt, rã bèn, rấn lên, rộng cá, ruồi bu, say bết, tẻ ra, trâu báng, trụng nước nóng…

Có những lớp từ ngữ trong tiếng Đàng Trong nay được xem là vốn từ riêng của phương ngữ Nam Bộ như lớp từ chỉ những sản vật của Nam Bộ, bao gồm:

- các loại thực vật được trồng hoặc hoang dã thích hợp với vùng đất phương Nam: cây bần, cây bình bát, cây bồn bồn, dây choại, dừa nước, đủng đỉnh, cây đước, cây giá, cây mắm, cây nhàu, cây ô rô, cây nổ, cây quao, cây tra, cây sộp, cây thốt nốt, cỏ xước, củ năn, nhãn lồng, ô dước…;

- các loại cá nước ngọt: cá tra, cá vồ…;

- vật dụng, thực phẩm: cái chàng, nóp; bánh tét, bánh ít…;

- từ ngữ phản ánh đặc trưng địa hình sông nước: nước đứng, nước lụt, nước nhửng, nước rặc, nước ròng, nước ròng kiệt, nước rông, nước săn cón…;

- các từ xưng gọi xưa: qua bậu, chúng bậu, chúng qua…;

- từ ngữ chỉ một số địa danh Đàng Trong: Ba Lạch, Cái Mơn, Cái Nhum, Đồng Nai, Hai Huyện, Hòn Đất, Long Hồ, Nha Trang, Phan Rí, Qui Nhơn, Sài Gòn…;

- từ phụ: bao lăm, ví dầu, mốc xì…

Ngoài ra, còn một lớp từ trong tiếng Đàng Trong vẫn còn được dùng trong giao tiếp người Nam Bộ, mà nghĩa của một hoặc cả hai thành tố khó nhận diện, khiến nhiều người nhận định chúng là những từ láy, dạng như: ạo ực, bạt chạt, băn hăn, bẳn hẳn, băng xăng, bệu bạo, bôn ba, bôn chôn, bộn bàng, bợt chợt, bươn bả, chả chớt, cành nanh, cắp nắp, cháng váng, chành rành, chạy lúp xúp, chần vần, diềm dà, dụ dự, ểng ảng, hắt hẻo, kèo nèo, khùng khịu, lá lay, lé đé, lỏn chỏn… Việc truy tìm nguồn gốc, ngữ nghĩa của lớp từ này chắc sẽ có nhiều thông tin thú vị; ít ra cũng giúp xác định được những cách nói có “căn cứ” của người Nam Bộ hiện nay với hiện tượng phát âm sai lệch. Vì tiếng nói của người Đàng Trong một thời gian dài vẫn được dùng ở dạng khẩu ngữ nên hiện tượng lệch chuẩn trong phát âm không nhỏ.

Trong quyển “Dictionarium Anamitico-Latinum” của Jean-Louis Taberd còn có bảng kê trên 1.000 loại cây (kể cả cây hoang dại), rau, cỏ ở Đàng Trong với tên gọi Nôm, Hán. Lớp thực vật này có thể mất đi nhiều, khiến tên gọi chúng trở nên khó hiểu đối với lớp người Nam Bộ hiện nay. Điều này cũng dễ làm cho hiện tượng diễn đạt bị sai lệch và trở thành quen (Khi có điều kiện chúng tôi sẽ tìm hiểu lớp từ này).

Quyển “Nam Việt Dương Hiệp tự vị” là quyển tự vị cổ tiếng Việt, được làm từ những người am hiểu tiếng Đàng Trong nên nó là một cơ sở tốt, có giá trị thực tiễn cho việc tìm hiểu phương ngữ Nam Bộ. Xét từ phương diện lịch sử, thì vào cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX, các nhà làm từ điển đã làm một việc hết sức có ý nghĩa. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ hiện nay, người đọc dễ nhận ra một số hạn chế của nó mà chúng tôi chưa đề cập trong bài viết này. Xin mượn lời GS TS Mai Quốc Liên giới thiệu về công trình này như một sự nhìn nhận của người viết về công trình xét trên bình diện phương ngữ hết sức có giá trị kia: “Cuốn Từ điển Anamitico-Latinum này có một vị trí và một giá trị đặc biệt trong nền văn hoá nước nhà, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, tìm hiểu kho tàng tiếng Việt, trong đó có nhiều từ ngữ cổ, được ghi lại bằng tiếng Việt và chữ Nôm… Đây là một kho tàng quý báu của quá khứ, của lịch sử. Khi những nhà nghiên cứu, những người yêu tiếng Việt và những người muốn tìm hiểu tiếng Việt trong cội nguồn có cuốn Từ điển này trong tay, chắc chắn các vị sẽ phát huy được hết tác dụng và giá trị của nó.” (Sđd, tr. ii)

TS. HUỲNH CÔNG TÍN

 

SUMMARY

The article presents the Dictionarium Anamitico - Latinum by Jean - Louis Taberd published in 1838. This is not only a dictionary but also a research work, very meticulously compiled on language data of the Vietnamese language mainly the one used in the Southern part of Vietnam. Through the dictionary, the reader can figure out the Vietnamese language physiognomy in general and itsvlexicon in particular in a time nearly 2 centuries ago.


 

Nguồn: Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 01, năm 2011, ngày 3.7.2013.

Bài viết giải đáp được phần nào các câu hỏi: Vì sao cùng là ngôn ngữ đơn lập mà tiếng Việt làm được chữ biểu âm còn tiếng Hán thì không; vì sao tiếng Nhật rất nghèo âm tiết lại làm được chữ biểu âm; vì sao phần lớn các nước đều dùng ngôn ngữ đa lập và chữ biểu âm.

20201106 8

Tuy không còn nhiều người tìm hiểu về ngôn ngữ của cha ông trong quá khứ nhưng những lớp học chữ Nho như thế này vẫn có lượng “học trò” nhất định, bao gồm cả người già và người trẻ. Trong ảnh: Lớp học tại chùa Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Nguồn: Zing.

 

Tiếng Việt kỳ diệu

Hai dân tộc Kinh Việt Nam và Hán Trung Quốc (TQ) có nhiều điểm giống và khác nhau. Trong 1000 năm Bắc thuộc, nước ta bị Hán hóa toàn diện, các khác biệt bị xói mòn rất nhiều. May sao tổ tiên ta vẫn giữ được một khác biệt căn bản nhất – ngôn ngữ. Giữ được thế cũng là nhờ tiếng Việt tiềm ẩn những tính năng kỳ lạ, chẳng hạn ngữ âm cực kỳ phong phú, có thể ghi âm hầu như mọi ngữ âm ngoại ngữ.

Sau 1000 năm bị Hán hóa, ngôn ngữ Việt chấp nhận chữ Hán nhưng cấm cửa tiếng Hán. Tổ tiên ta đã nghĩ ra cách đọc chữ Hán bằng tiếng Việt (gọi là từ Hán-Việt) mà không đọc bằng tiếng Hán, tức Việt Nam hóa phần ngữ âm của chữ Hán, biến thành chữ của mình, gọi là chữ Nho với ý nghĩa “Chữ của người có học”. Chữ Nho chính là chữ Hán được phiên âm ra tiếng Việt, vì thế dễ học hơn. Tổ tiên ta có thể dùng chữ Nho bút đàm giao dịch với quan chức chính quyền chiếm đóng, đạt được yêu cầu bắt dân ta học chữ của chúng. Rốt cuộc người Việt có chữ để ghi chép và giao tiếp nhưng vẫn đời đời nói tiếng mẹ đẻ, không ai nói tiếng Hán. Mưu toan Hán hóa ngôn ngữ hoàn toàn thất bại1.

Giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ và nhờ đó giữ được nòi giống và đất nước mình - đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nói theo ngôn ngữ học hiện đại, là tổ tiên ta đã biết lợi dụng đặc điểm ghi ý không ghi âm của chữ Hán để đọc chữ Hán bằng bản ngữChữ Nho đã thầm lặng vô hiệu hóa quá trình Hán hóa ngôn ngữ. Từ Hán-Việt đã giúp kho tàng từ vựng tiếng Việt phong phú thêm nhiều lần cả về số lượng và mỹ cảm. Cho dù khoảng 60% từ vựng tiếng Việt hiện nay có gốc Hán ngữ nhưng đó chỉ là hiện tượng giao thoa ngôn ngữ bình thường. Tại TQ, khoảng 70% từ ngữ tiếng Hán hiện dùng có gốc tiếng Nhật2.

Để sửa nhược điểm chữ Nho không ghi được tiếng Việt, thế kỷ XII tổ tiên ta làm một thử nghiệm ngôn ngữ táo bạo: sáng tạo chữ Nôm có yếu tố biểu âm, ghi được tiếng Việt. Chữ Nôm cấu tạo trên nền tảng chữ Hán, biết chữ Hán mới học được chữ Nôm, vì vậy phụ thuộc Hán ngữ và khó phổ cập, lại chưa được nhà nước công nhận, thời gian tồn tại quá ngắn. Tuy vậy, do chữ Nôm thể hiện được tiếng nói và nỗi lòng của số đông bình dân nên đã tạo dựng được một nền văn học mới trội hơn hẳn văn học chữ Nho, mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ nền văn hóa Việt. Thử nghiệm này còn hé lộ một tính năng tiềm tàng cực kỳ quý giá của tiếng Việt - thích hợp chữ biểu âm (phonograph). Đây là điều kiện tất yếu về ngôn ngữ học để 5 thế kỷ sau các giáo sĩ Francesco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes,…làm được chữ biểu âm Latin hóa cho tiếng Việt. Giả thử các giáo sĩ-bậc thầy ngôn ngữ học ấy đến TQ làm chữ biểu âm cho tiếng Hán thì chắc chắn cực kỳ khó khăn bởi lẽ tiếng Hán không thích hợp chữ biểu âm.



Nghiên cứu về di sản chữ Viết ở Việt Nam là một trọng tâm được các Viện nghiên cứu về KHXH quan tâm trong nhiều năm qua. Gần đây nhất, dự án hợp tác Pháp – Việt Vietnamica sẽ số hóa nhiều di sản Hán Nôm. Trong ảnh: Ông Gaudemar (Tổng giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ) và Ông Verdier (Chủ tịch Viện Khảo cứu cao cấp Pháp) đi in rập thác bản văn bia cùng Viện Nghiên cứu Hán Nôm và đoàn Dự án Vietnamica tại chùa Nôm, Hưng Yên, 6/11/2019. Ảnh: Fb Nguyễn Tuấn Cường. 


Với hai ưu điểm quý giá  biểu âm và Latin hóa  chữ Quốc ngữ đã làm thay đổi hẳn đời sống ngôn ngữ, văn hóa, xã hội nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền văn minh Việt. Loại chữ này ghi âm được 100% tiếng Việt, thực hiện nói/nghĩ thế nào viết thế ấy, viết thế nào đọc thế ấy, lại dễ học dễ dùng chưa từng thấy. Giới tinh hoa nước ta ca ngợi Chữ Quốc ngữ là hồn đất nước. Trên thế giới đã có chữ viết nào được đánh giá cao như thế?

Nói chữ biểu âm Latin hóa là loại chữ viết tiên tiến chắc sẽ bị những người theo “Thuyết chữ Hán ưu việt” phủ định, nhưng lại được hai sự việc sau khẳng định: 1- Người TQ từng bỏ ra ngót 100 năm thực thi cải cách chữ viết theo hướng làm chữ biểu âm Latin hóa thay cho chữ Hán. 2- Toàn bộ 14 phương án chữ viết do Nhà nước TQ làm sau năm 1949 cho 10 dân tộc thiểu số chưa có chữ đều dùng chữ biểu âm Latin hóa. Dân tộc Tráng từ xưa đã có chữ vuông kiểu chữ Nôm, Nhà nước vẫn làm chữ mới biểu âm Latin hóa cho họ.

Cùng với những chuyển biến của lịch sử đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ góp phần thúc đẩy nền văn minh Việt phát triển với tốc độ gấp trăm lần quá khứ. Thứ chữ này nhanh chóng được toàn dân hân hoan chào đón và học tập, vừa nâng cao dân trí vừa có tác dụng thống nhất âm tiếng Việt trong cả nước, qua đó góp phần thống nhất dân tộc. Dùng chữ Quốc ngữ có thể dịch các từ ngữ Hán-Nôm và ngoại văn ra tiếng Việt, nhờ thế dân ta được tiếp xúc với kho tàng văn hóa của tổ tiên, các trào lưu tư tưởng mới và khoa học kỹ thuật phương Tây. Các lĩnh vực văn học, giáo dục, nghệ thuật, báo chí, xuất bản nhanh chóng hình thành và phát triển, vượt xa mấy nghìn năm cũ. Cây văn hóa Việt Nam vươn cao, thoát khỏi nguy cơ còi cọc vì cớm nắng do ở cạnh đại thụ văn hóa Trung Hoa. Phạm Quỳnh nói chữ Quốc ngữ là công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt. Đúng thế, dùng chữ Quốc ngữ có thể ghi lại mọi ý nghĩ, không bị gián đoạn do phải tra tìm chữ như khi dùng chữ Hán, chữ Nôm, nhờ thế trí tuệ được giải phóng, dẫn đến sự hình thành một tầng lớp trí thức tân tiến. Do chữ cái Latin dùng được kỹ thuật in chữ rời, các sách báo, ấn phẩm đua nhau xuất bản. Các tổ chức cách mạng đều dùng chữ Quốc ngữ để tuyên truyền tư tưởng yêu nước chống thực dân phong kiến.

Chữ Quốc ngữ làm cho tiếng Việt trở thành ngôn ngữ độc lập với chữ Hán. Thời xưa Việt Nam, Nhật, bán đảo Triều Tiên đều dùng chữ Hán; khi thấy mặt hạn chế của nó, cả ba đều cố “Thoát Hán” về ngôn ngữ. Bán đảo Triều Tiên thế kỷ XV làm chữ biểu âm Hangul, nhưng Hàn Quốc hiện vẫn phải dùng chữ Hán để chú giải các từ ngữ cần chính xác (như về pháp lý). Người Nhật thế kỷ IX làm chữ biểu âm Kana, nhưng hiện vẫn dùng gần 2000 chữ Hán. Riêng Việt Nam nhờ dùng chữ Quốc ngữ mà từ năm 1919 chính thức bỏ chữ Hán. Quá trình “Thoát Hán -Thoát Khổng” này nhanh gọn, không gây ra sự đứt gãy văn hóa, là một thắng lợi văn hóa-tư tưởng cực kỳ quan trọng.

 

Hán ngữ nhìn từ tiếng Việt

Sau khi tiếp xúc phương Tây, giới tinh hoa TQ nhận ra các nhược điểm nghiêm trọng của chữ Hán. Từ cuối thế kỷ XIX, họ bắt đầu nghiên cứu cải cách Hán ngữ theo hướng phiên âm hóa chữ Hán do nhà truyền giáo người Ý Matteo Ricci đề ra năm 1605. Đầu tiên họ làm ra chữ thiết âm (1892), đến 1911 đã đề ra 28 phương án chữ phiên âm. Thời Ngũ Tứ, nhiều học giả đòi bỏ chữ Hán, dùng chữ phiên âm. Năm 1918, TQ ban hành phương án “Chú âm Tự mẫu” dùng 39 chữ cái ghi âm Hán ngữ, là công cụ để nghiên cứu phần ngữ âm tiếng Hán. Phương án này hiện vẫn dùng ở Đài Loan và trong các tự điển của TQ.

Năm 1952, Mao Trạch Đông chỉ thị cải cách chữ Hán phải theo xu hướng phiên âm chung của thế giới. Năm 1954 TQ lập Ủy ban Cải cách chữ viết, tiến hành cải cách chữ Hán với quy mô lớn chưa từng có. Ngô Ngọc Chương Chủ nhiệm Ủy ban nói: TQ sau này sớm muộn sẽ phải chuyển sang dùng chữ phiên âm (tức chữ biểu âm), đây là quy luật khách quan phát triển chữ viết của thế giới; nhưng TQ không chủ trương bỏ chữ Hán…



Một số ví dụ về hiện tượng từ đồng âm khiến người Trung Quốc thường phải giải thích cách viết của những từ đồng âm để tránh gây hiểu lầm. 


Cải cách chữ viết đã đạt được thành tựu quan trọng:  - Đơn giản hóa (bớt nét) được vài nghìn chữ Hán để chữ trở nên dễ học dễ nhớ;  - Làm ra Phương án Pinyin Hán ngữ dùng chữ cái Latin có thể ghi chú âm (phiên âm) cho chữ Hán, mã hóa chữ Hán đưa vào máy tính, đánh chữ trên máy tính và smartphone, quốc tế hóa chữ Hán;  - Chuẩn hóa chữ Hán, xác định tiếng Phổ thông (Standard Mandarin) là tiếng nói của toàn dân. Các thành tựu trên đã được luật hóa và áp dụng trong cả nước, giúp nâng cao tỷ lệ biết chữ, thống nhất ngôn ngữ. Hiện nay TQ đã áp dụng rộng rãi chế độ “Nhất ngữ Song văn”(Một tiếng nói, hai chữ viết): Toàn dân nói một thứ tiếng Phổ thông; chữ Hán là chữ viết pháp định, vẫn dùng như cũ, kèm theo dùng chữ Pinyin Hán ngữ để ghi âm chữ Hán.

Từ 1986, Nhà nước TQ ngừng đặt vấn đề làm chữ biểu âm thay chữ Hán, và nói tương lai chữ Hán sẽ do các thế hệ sau quyết định. Nghĩa là rốt cuộc TQ đã không đạt được mục tiêu tạo loại chữ biểu âm thay cho chữ Hán.

Ở đây có hai vấn đề: có nên bỏ chữ Hán không và có thể làm được chữ biểu âm cho Hán ngữ không. Hiển nhiên, bỏ chữ Hán sẽ gây thảm họa bỏ mất di sản vĩ đại của nền văn minh Trung Hoa 5000 năm; 1,4 tỷ người Hoa khó có thể chấp nhận. Việc làm chữ biểu âm có nhiều khó khăn, chủ yếu là Hán ngữ có quá nhiều chữ hoặc từ đồng âm.

Chữ/từ đồng âm (homophonic words) là những chữ/từ khác nhau về tự hình và ý nghĩa nhưng đọc cùng âm, do đó mỗi chữ/từ có nhiều ý nghĩa khác nhau, khi nghe đọc hoặc khi dùng chữ biểu âm sẽ không phân biệt được, gây hiểu lầm. Chữ đồng âm dẫn tới cụm từ đồng âm, làm cho ngôn ngữ kém chính xác. Đây là vấn đề của Hán ngữ chứ không phải của chữ Hán. Một ngôn ngữ chính xác thì không nên có chữ/từ đồng âm, nhưng thực tế ngôn ngữ nào cũng ít nhiều có hiện tượng này. Khi có nhiều chữ/từ đồng âm thì không thể dùng chữ biểu âm – vì nhìn chữ sẽ chẳng hiểu gì. Như câu 他 叫 她 跟 它 走 khi nhìn chữ Hán (chữ biểu ý, ideograph) thì có thể hiểu ý nghĩa, nhưng nhìn chữ biểu âm Ta jiao ta gen ta zou thì chẳng thể hiểu, vì ba chữ 他, 她, 它 (he, she, it) cùng đọc [ta]. Đoạn văn 施氏食狮史3 cho thấy rõ nạn đồng âm đã giết chết chữ biểu âm.

Tổ tiên người TQ hiểu lẽ đó nên đã làm chữ viết có tính biểu ý (tức chữ Hán) mà không làm chữ biểu âm. Thế nhưng hiện nay một số học giả TQ vẫn hy vọng giải quyết được vấn đề chữ đồng âm và do đó làm được chữ biểu âm cho Hán ngữ 4.

Qua nghiên cứu tiếng Hán từ trên nền tảng tiếng Việt, chúng tôi cho rằng hy vọng nói trên là không hiện thực. Ngay từ năm 1954 Ủy ban Cải cách chữ viết TQ đã đặt nhiệm vụ tham khảo chữ Quốc ngữ Việt Nam. Nhưng năm 2009 một học giả hàng đầu TQ chê bai: “Chữ viết của Việt Nam sau khi phiên âm hóa, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười.”5 Do nhìn chữ Quốc ngữ với con mắt trọng tự hình, nhẹ ngữ âm nên họ chỉ thấy “giày, mũ” mà chưa thấy một điều quan trọng: tiếng Việt giàu âm tiết, tiếng Hán nghèo âm tiết, do đó Hán ngữ có quá nhiều chữ đồng âm, hậu quả là không làm được chữ biểu âm.

“Nghèo âm tiết” là nói số âm tiết ngôn ngữ đó sở hữu nhỏ hơn số đơn từ thông dụng.

Để xác minh Hán ngữ nghèo âm tiết, chúng tôi đã dùng “Tự điển Tân Hoa” bản thứ 10 (có 8700 đơn tự) để thống kê số âm tiết có trong tự điển, kết quả được 415 âm tiết không xét thanh điệu, gồm 22 âm tiết có một chữ, 393 âm tiết có 2 chữ trở lên (tức có chữ đồng âm); đổ đồng mỗi âm tiết có 22 chữ đồng âm. Một số âm tiết có quá nhiều chữ đồng âm: [yi] có 135, [ji] – 123, [yu] – 118, [xi] – 103,…. So với 8105 chữ thông dụng Nhà nước TQ quy định thì 415 âm tiết rõ ràng là nghèo âm tiết,

Số liệu trên không khác mấy số liệu của TQ 5. Li Gong-Yi dựa "Hán tự Tin tức tự điển" (7785 đơn tự) thống kê, được 414 âm tiết không xét thanh điệu, gồm 22 âm tiết có một chữ, 392 âm tiết có chữ đồng âm; [yi] có 131, [ji] – 121, [yu] – 115, [xi] – 102, [fu] – 99 chữ. Khi thống kê theo “Từ Hải” (19485 đơn tự), âm [yì] (khứ thanh) có 195 chữ! Thống kê âm tiết có xét thanh điệu thì tiếng Hán có khoảng 1400 âm tiết – so với 8105 chữ thông dụng thì vẫn là quá nghèo âm tiết. Nếu xét toàn kho chữ Hán 100 nghìn chữ (và không ngừng tăng) thì số chữ đồng âm quá nhiều.

Dễ thấy tiếng Việt giàu âm tiết: có 11 âm ă, â, b, đ, gh, ô, ơ, ư, v, ng, nh mà tiếng Hán không có; về thanh điệu tiếng ta có 6, tiếng Hán 4. Thống kê âm tiết (không xét thanh điệu) bắt đầu bằng nguyên âm A: tiếng ta có 27, tiếng Hán có 5 âm tiết6. Dễ thấy tiếng ta có nhiều âm tiết chưa dùng, như đỉu, đĩu, bỉa, bĩa… Hiện chưa có số liệu âm tiết tiếng Việt do Nhà nước công bố. Một công bố trên mạng cho biết tiếng Việt có 17.974 âm tiết, trong đó quá nửa chưa dùng7. Một công bố khác nói có hơn 6000 âm tiết đã dùng8.

Tiếng Hán và tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ đơn âm tiết (đơn lập, monosyllabic), mỗi tiếng một âm tiết, do đó cần dùng rất nhiều âm tiết, vì thế dễ xảy ra nạn lắm chữ/từ đồng âm. Như đã nói, tiếng Việt giàu âm tiết nên không có nạn đồng âm, do đó làm được chữ biểu âm; tiếng Hán nghèo âm tiết nên có nạn đồng âm nghiêm trọng, do đó không làm được chữ biểu âm. Theo chúng tôi, chừng nào Hán ngữ còn là ngôn ngữ đơn lập và nghèo âm tiết thì còn chưa thể làm chữ biểu âm, suy ra không thể thay được chữ Hán. Kết luận này dường như không hợp với quan điểm của học giả TQ, hy vọng vào việc làm được chữ biểu âm (viết trong tài liệu số 4).

 

Ngôn ngữ đa âm tiết

Có một sự thực: tiếng Nhật ít âm tiết hơn tiếng Hán (100 so với 415)9 mà vẫn làm được chữ biểu âm Kana – điều đó chứng tỏ tiếng Nhật có số đơn từ khác âm nhiều hơn số đơn từ cần dùng. Như đã biết, tiếng Nhật thuộc loại ngôn ngữ đa âm tiết (đa lập, polysyllabic, multisyllabic), ví dụ từ samurai  Hiroshima có 3 và 4 âm tiết.

Trong ngôn ngữ đa lập, mỗi đơn từ có thể là một chỉnh hợp (arrangement, tổ hợp có phân biệt thứ tự) gồm ít nhất 2 âm tiết khác nhau. Sau đây sẽ dùng toán học để chứng minh kết cấu chỉnh hợp tạo ra tổng số đơn từ lớn hơn tổng số âm tiết của ngôn ngữ. Khi ấy được bài toán tính số chỉnh hợp chập k của một tập hợp chứa n phần tử. n là lượng âm tiết của ngôn ngữ; k là số âm tiết khác nhau trong một đơn từ, A là số lượng các chỉnh hợp (đơn từ) tạo ra từ n âm tiết. Kết quả A bằng n giai thừa (factorial) chia cho (n - k) giai thừa:

(n, k) =  n! / (n-k)!

Rõ ràng A lớn hơn n rất nhiều; k càng lớn thì A càng lớn. Khi k=2 thì A= (n-1) n ; khi k=3 thì A=(n-2) (n-1) n…Tóm lại, kết cấu chỉnh hợp có ưu điểm tạo ra số lượng đơn từ rất lớn, khiến cho ngôn ngữ dù nghèo âm tiết vẫn làm được chữ biểu âm.

Ví dụ một ngôn ngữ có 415 âm tiết (n = 415), khi mỗi đơn từ là một chỉnh hợp 2 âm tiết (k = 2, như city, семья), tổng số đơn từ A sẽ bằng (415-1)(415), tức 171810 đơn từ, quá nhiều so với 415 âm tiết. Khi k = 3 (như minister, привычка) được 70957530 đơn từ.

Giả thử Hán ngữ là ngôn ngữ đa lập, mỗi từ 2 âm tiết, thì do có 171810 đơn từ nên không thể có chữ đồng âm. Tiếc rằng không thể cải tạo Hán ngữ từ đơn lập thành đa lập. Tiếng Nhật có thể chỉ dùng chữ biểu âm Kana nhưng vì để thừa kế di sản văn hóa mà Nhật hiện vẫn dùng gần 2000 chữ Hán kết hợp với chữ Kana.

 

Kết luận    

Các trình bày nói trên đã chứng minh hai luận điểm của tác giả:

1- Ngôn ngữ đơn lập nếu nghèo âm tiết thì không thể làm được chữ biểu âm, nếu giàu âm tiết thì làm được chữ biểu âm.

2- Ngôn ngữ đa lập dù nghèo âm tiết vẫn có thể làm được chữ biểu âm.

Từ đó giải đáp được các câu hỏi vì sao cùng là ngôn ngữ đơn lập mà tiếng Việt làm được chữ biểu âm còn tiếng Hán thì không; vì sao tiếng Nhật rất nghèo âm tiết lại làm được chữ biểu âm; vì sao phần lớn các nước đều dùng ngôn ngữ đa lập và chữ biểu âm.

Xin nói thêm: cho dù hiện nay chữ Hán vẫn bị phê phán, song cần thấy rằng chữ Hán là lựa chọn hợp lý của người TQ. Chữ Hán có tính biểu ý thích hợp với một đất nước quá rộng và đông dân, nói hàng trăm phương ngữ khác nhau, hơn nữa ngôn ngữ nói có quá nhiều chữ/từ đồng âm, nếu chỉ dựa vào thính giác thì rất khó phân biệt (nhưng không thể tránh được tình trạng này, bởi lẽ Hán ngữ nghèo âm tiết). Những lý do ấy không cho phép Hán ngữ dùng chữ biểu âm; từ đó suy ra chữ Hán sẽ không thể bị thay thế, – nghĩa là chữ Hán sẽ không bao giờ bị từ bỏ. Chấp nhận quan điểm Chữ Hán là báu vật thời xưa lại là gánh nặng thời nay nhưng người Trung Quốc sẽ không vì mang gánh nặng ấy mà tiến chậm trên con đường hiện đại hóa, bởi lẽ họ nổi tiếng cần cù, chịu khó, chịu khổ lại được tiếp nguồn sức mạnh to lớn của nền văn minh Trung Hoa 5000 năm. 

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 11.6.2020.

-----

Ghi chú:

1Nguyễn Hải Hoành: "Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau 1000 năm Bắc thuộc"  http://nghiencuuquocte.org/2015/09/07/viet-nam-khong-bi-dong-hoa-1000-nam-bac-thuoc/

2Nguyễn Hải Hoành: “Người Nhật phát triển Hán ngữ hiện đại ”.

http://nghiencuuquocte.org/2017/02/07/nguoi-nhat-phat-trien-han-ngu-hien-dai/

Nguyễn Hải Hoành : “Lạm bàn về tính ghi ý của chữ Hán ”.

https ://tiasang.com.vn/-van-hoa/Lam-ban-ve-tinh--ghi-y-cua-chu-Han-Nhan-doc-”Nghien-cuu-chu-Han-hien-dai-cua-the-ky-XX”-17438

4 苏培成著 “二十世纪的现代汉语研究”, 书海出版社2001版.

Nguyễn Hải Hoành : “ Sao lại nói chữ Quốc ngữ Việt Nam rất nực cười ”   http ://vanhoanghean.com.vn/component/k2/35-dien-dan/12220-sao-lai-noi-chu-quoc-ngu-viet-nam-rat-nuc-cuoi

6 Tiếng Việt : a, ac, ach, ai, am, an, ang, anh, ao, ap, at, au, ay ; ăc, ăm, ăn, ăng, ăp, ăt ; âc, âm, ân, âng, âp, ât, âu, ây (27 âm tiết). Tiếng Hán : a, ai, an, ang, ao (5 âm tiết).

7  All syllables in Vietnamese language.  (http://www.hieuthi.com/blog/2017/03/21/all-vietnamese-syllables.html).

8  http ://luom.tv/2015/11/01/danh-sach-am-tiet-tieng-viet-xep-theo-van/

http://afe.easia.columbia.edu/japan/japanworkbook/language/lsp.htm

 

I. KHÁI QUÁT VỀ TÊN RIÊNG

1.1. Quan niệm về tên riêng

Tên riêng là một đơn vị thuộc mảng từ vựng, có giá trị định danh, nhưng định danh đặc biệt. Tính đặc biệt trong việc định danh của tên riêng thể hiện ở chỗ: Khác với từ trong ngôn ngữ - dùng để chỉ một lớp sự vật có các đặc tính giống nhau, tên riêng có bản chất là dùng để chỉ một người, một sự vật riêng rẽ. Điều đó có nghĩa là giữa tên riêng và sự vật được tên riêng biểu thị có sự tương ứng một - một tuyệt đối: Mỗi một người, một vùng đất, một cơ quan, tổ chức, đoàn thể có một tên riêng, và mỗi một tên riêng biểu thị một người, một vùng đất, một cơ quan, tổ chức, đoàn thể... nào đó cụ thể.

1.2. Các loại tên riêng

Có nhiều cách phân loại tên riêng:

– Phân loại theo nguồn gốc, có thể phân loại thành:

+ Tên riêng Việt Nam;

+ Tên riêng nước ngoài (phiên qua âm Hán Việt và phiên trực tiếp ra tiếng Việt).

–  Phân loại theo bản chất sự vật được gọi tên, có thể phân loại tên riêng thành:

+ Tên người;

+ Tên địa lý;

+ Tên các cơ quan, tổ chức, đoàn thể... (gọi chung là tên tổ chức).

Ngoài ra, còn có thể có tên riêng cho các động vật nuôi, các sự vật, và trong nhiều tài liệu hướng dẫn chính tả còn nhắc đến tên các danh hiệu, chức vụ, v.v. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ chọn hai loại tên riêng để phân tích tư cách âm tiết trong kết cấu chung của tên riêng (khi thật cần thiết chúng tôi sẽ có những đối chiếu với các loại tên khác, kể cả đối chiếu phân tích với tên riêng nước ngoài).

1.3. Giá trị biểu đạt của tên riêng

Đối với các tên riêng (còn gọi danh từ riêng), có thể có các quan niệm khác nhau giá trị biểu đạt, đặc biệt liên quan đến việc chấp nhận tên riêng có nghĩa hay không có nghĩa. Những người theo quan điểm về tính có nghĩa của tên riêng cho rằng, việc đặt tên cho các cá thể (trong đó, đặc biệt là con người) thường chọn các tên có ý nghĩa đẹp. Và, vì thế, nhiều người cho rằng có thể lý giải được tính lý do của tên riêng. Chúng tôi cho rằng, về bản chất, tính lý do đó liên quan đến lý do lựa chọn các yếu tố ngôn ngữ để làm tên riêng mà không liên quan đến giá trị biểu nghĩa của tên riêng. Căn cứ vào chức năng của tên riêng là để gọi tên cho cá thể, chúng tôi cho rằng tên riêng, chỉ thực hiện chức năng chiếu vật – chỉ ra các cá thể được nói đến trong giao tiếp mà không có ý nghĩa như các hình vị hoặc từ ngữ thuộc về ngôn ngữ chung: Trong tiếng Việt, thuỷ là một yếu tố Hán-Việt, có nghĩa “nước” nhưng khi được sử dụng làm tên riêng, chẳng hạn, Nguyễn Thị Thu Thuỷ thì Thuỷ không có nghĩa chỉ “nước” mà thực hiện chức chức năng chiếu vật – chỉ ra người mang tên Thuỷ. Nói các khác, các hình vị, các từ ngữ được lựa chọn từ ngôn ngữ chung để đặt làm tên riêng cho sự vật không còn chứa những ý nghĩa vốn có của nó mà được dùng để thực hiện chức năng chiếu vật. Như vậy, so với các từ ngữ chung của ngôn ngữ, tên riêng không có giá trị ý nghĩa mà có giá trị chức năng. Nói về tên riêng, chúng ta không bàn đến các thành phần ý nghĩa như ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa biểu thái. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa các tên riêng với các danh từ chung có ý nghĩa chỉ một sự vật trong thế giới, như: Mặt trời. Mặt trăng, Sao Hoả, v.v. Các danh từ chung này, mặc dù, chỉ biểu thị một sự vật duy nhất trong thế giới (có phần giống các tên riêng) nhưng chúng có ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa biểu thái (khác với các tên riêng).

II. MỖI ÂM TIẾT TRONG TÊN RIÊNG NGƯỜI VIỆT LÀ MỘT TỪ HAY TÊN RIÊNG NGƯỜI VIỆT LÀ MỘT CỤM TỪ

2.1. Về các âm tiết chỉ họ và tên

Dạng cơ bản của tên riêng người Việt là kết cấu ba thành phần họ + lót + tên (Nguyễn Đình Chiểu ) và kết cấu hai thành phần họ + tên (Nguyễn Du). Căn cứ vào cấu tạo tối thiểu có thể thấy chức năng định danh của tên riêng người Việt thuộc về hai bộ phận chính: họ và tên. Giữa họ và tên có thể có hoặc không có tiếng lót. Xét về mặt sử dụng thì họ và tên là hai bộ phận có quan hệ với nhau tương đối lỏng lẻo, có thể vận dụng độc lập, tách bạch nhau trong giao tiếp.

–  Có thể dùng họ để chỉ cá thể mang tên riêng, Chế Lan Viên viết: Xưa Nguyễn yêu ai mà khổ vậy (chỉ Nguyễn Du), hoặc có thể dùng: Những tư tưởng của cụ Phan (để chỉ Phan Bội Châu),...

–  Hiện nay, trong lời nói hằng ngày, để chỉ cá thể mang tên riêng, chúng ta thường dùng tên, ví dụ: Giang, Trang, Sơn, Linh, Hương …

Như vậy, dễ dàng nhận thấy đặc điểm nổi bật của tên riêng người Việt là tính kém chặt chẽ về mặt kết cấu. Các bộ phận chỉ họ và tên trong tên riêng người Việt có thể tách bạch nhau mà trở thành các định danh biệt lập, và có khả năng vận dụng độc lập khi nói và viết.

2.2. Về âm tiết ngoài họ và tên

2.2.1. Tiếng lót đặc biệt

Một số nhà khoa học có đề cập đến âm tiết thứ hai trong tên riêng người Việt như là yếu tố tạo nên họ ghép hoặc họ kép. Ví dụ: Lê Xuân Thại, Nguyễn Văn Thạc cho rằng “Về cấu tạo ngữ âm, phần nhiều họ chỉ có một âm tiết. Một số ít có hai âm tiết, ta thường gọi là họ kép, như Tôn Thất, Nguyễn Khoa...” [6, tr.66] Nguyễn Lân cũng cho rằng ngoài họ đơn, Việt Nam còn có họ kép (như Hồ - Đắc, Nguyễn - Lê). Theo những người này, họ kép là họ có cấu tạo đa âm tiết, trong đó các thành tố gắn kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời hoặc thay thế bằng một thành tố nào khác. Còn họ ghép là họ có cấu tạo đa tiết, gồm họ bố (chính) và họ mẹ. Dương Lan Hải không thừa nhận có “họ kép” trong tiếng Việt, nhưng lại cho rằng, Việt Nam có “họ ghép”. Tác giả viết: “Chúng ta không có họ kép, nhưng có họ ghép”. [1, tr.55]

Do tính cố định, bắt buộc các tiếng lót kiểu Khoa, Đắc, Tấn... có xu hướng cố kết với tiếng chỉ họ, làm thành một tổ hợp đa tiết (thường là song tiết) chặt chẽ, đến nỗi gây ấn tượng cho rằng, chúng vốn là thành phần kết cấu của một kiểu họ (họ kép), giống kiểu họ kép thực thụ của Trung Quốc: Gia Cát (Lượng), Tư Mã (Thiên)...

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng, trong các tổ hợp được gọi là “họ kép” như Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Nguyễn Tấn..., yếu tố sau Khoa, Đắc, Tấn... chỉ nên coi là một loại tiếng lót đặc biệt, có tính chất cố định, bắt buộc, được chọn dùng có ý thức, nhằm phân biệt các chi trong một họ lớn và là dấu hiệu để nhận biết quan hệ thích tộc giữa những người thuộc cùng một gia tộc. Sự phân biệt trên chủ yếu có giá trị trong phạm vi một họ nhất định, không mang ý nghãi rộng ra toàn xã hội. Và, trong thực tế, nhiều trường hợp không thể phân biệt được đâu là thành phần thứ hai của “họ kép” và đâu là tiếng lót trong tên người có họ đơn. Ví dụ: Khoa trong Nguyễn Khoa Điềm là thành phần của họ kép hay là tiếng lót, hoặc thành phần của tên ghép Khoa Điềm?

Điều quan trọng là, do áp lực của kết cấu tên người Việt: họ + lót + tên, trong đó thành phần đứng đầu (đơn âm tiết) luôn luôn được coi là tiếng chỉ họ, thành phần đứng cuối (đơn âm tiết) cũng luôn luôn được xem là tiếng chỉ tên, còn thành phần đứng giữa là tiếng lót, nên yếu tố đứng sau trong cái gọi là họ kép thường được người Việt tri giác như là tiếng lót, giống như mọi tiếng lót khác, và có thể tách khỏi họ và tên để trở thành yếu tố biệt lập.

Còn về cái gọi là “họ ghép”? Yếu tố thứ hai trong “họ ghép” cũng nên coi là một loại tiếng lót, được chọn dùng theo ý thích cá nhân hoặc gia đình. Không giống ở “họ kép”, yếu tố thứ hai trong “họ ghép” không phải là một từ cố định nào đó, dùng cho hết thảy mọi thành viên trong một họ, mà là tiếng chỉ họ của mẹ người có tên. Và nếu thừa nhận tiếng Việt có họ ghép thì số lượng họ ghép trong tiếng Việt sẽ là vô số. Do đó, tính quy ước xã hội của họ ghép rất yếu ớt. Bởi vậy, yếu tố thứ hai của họ ghép cũng chỉ nên xem là một loại tiếng lót đặc biệt mang tính quy ước riêng trong phạm vi một gia đình. Khi yếu tố chỉ họ mẹ là một thành phần được đưa vào có tính ngẫu nhiên thì quan hệ giữa tiếng chỉ họ bố và tiếng chỉ họ mẹ là một quan hệ lỏng lẻo. Nói cách khác, kết cấu “họ ghép” càng dễ dàng được tri giác như là một tiếng lót, có thể tách khỏi yếu tố thứ nhất để trở thành yếu tố biệt lập.

2.2.2. Tiếng lót

Trước đây, tiếng lót trong tên nữ có xu hướng phân biệt với tiếng lót tên nam. Để phân biệt tên nữ với tên nam, trong tên nữ người ta dùng từ thị làm tiếng lót, và hầu như chỉ dùng một từ ấy mà thôi. Tiếng lót cho tên nam thì phong phú và đa dạng hơn. Nói chung có thể dùng bất cứ một từ nào làm tiếng lót cho tên nam, tuỳ ý thích của người đặt tên. Nhưng theo thống kê, tiếng lót được dùng nhiều nhất là văn. Thực tế hiện nay cho thấy, tiếng lót có thể được lựa chọn khá tự do, tuỳ ý như Văn, Đình, Bình trong Nguyễn VănHải, Vũ Đình Hoạt, Trần Bình Minh... Song, trong nhiều trường hợp có thể nhận thấy rằng, người Việt thường thích dùng những từ có ý đẹp, để đi liền với tiếng chỉ tên, làm thành một từ, hoặc một tổ hợp từ mang một ý nghĩa thể hiện được một ước mong, sở thích của người mang tên: Nguyễn Ái Quốc, Trần Đại Nghĩa, Hồ Anh Dũng. Ở trường hợp này cũng có thể coi tổ hợp Ái Quốc, Đại Nghĩa, Anh Dũng là tên ghép. Lúc đó, tiếng lót là zéro hay vắng khuyết như tên người có cấu trúc họ + tên ghép.

Một khi thành phần chỉ họ và chỉ tên là những yếu tố biệt lập, có thể tách riêng khỏi kết cấu tên người, thì tiếng lót, cả tiếng lót đặc biệt như Khoa, Đắc... lẫn tiếng lót tự do, như Văn, Đình... cũng có khả năng trở thành yếu tố biệt lập hoặc được tri giác như yếu tố biệt lập.

Nói tóm lại, các tiếng trong tên riêng người Việt hoạt động tự do, độc lập làm cho kết cấu của tên riêng của người Việt là kết cấu lỏng lẻo giữa các âm tiết. Mỗi âm tiết trong tên riêng người Việt có tư cách là một từ. Và, về bản chất, tên riêng người Việt là một cụm từ.

Phân tích quy tắc viết hoa hiện hành - “viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết trong tên người” [4], dễ dàng nhận thấy, việc viết hoa tên riêng người Việt là dựa theo quy tắc lấy từ làm đơn vị viết hoa. Điều này cũng nhất quán với việc viết hoa tên người nước ngoài (kể cả phiên qua âm Hán Việt, lẫn phiên thẳng ra tiếng Việt hay viết nguyên dạng) – lấy từ làm đơn vị viết hoa. So sánh: Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Vla-di-mia I-lich Lê-nin, Karl Heinrich Marx, v.v.

III. TÊN ĐỊA LÝ LÀ MỘT TỪ

3.1. Tên địa lý đơn âm tiết và tên địa lý đa âm tiết trong tiếng Việt

Tên địa lý Việt Nam có thể có cấu tạo gồm 1 âm tiết: làng Cót, làng Chuông, sông Hồng, sông Đáy, châu Á… với tên riêng địa lý đơn âm tiết, dễ dàng xác định tư cách từ của các âm tiết đó.

Tuy nhiên, cũng cần làm rõ các trường hợp trung gian giữa tên riêng địa lý đơn âm tiết với tên riêng địa lý đa âm tiết.

Các tên địa lý thường được dùng kèm sau các danh từ chung, các thuật ngữ địa lý, hành chính như sông, núi, hồ, làng, xã, quận, huyện, khu... Ví dụ, sông Hồng, núi Tam Đảo, hồ Trúc Bạch, xã Chiến Thắng, huyện Từ Liêm, tỉnh Thái Bình, quận Đống Đa...

Do đặc tính này, nhiều tên địa lý, nhất là các tên một âm tiết, có xu hướng gắn kết chặt chẽ với danh từ chung gây ra cảm giác rằng, danh từ chung cũng thuộc thành phần cấu tạo của tên địa lý. Chẳng hạn, không thể nói *đi Hôm mà phải nói đi chợ Hôm v.v... Từ đó nhiều người đề nghị phải coi danh từ chung đó là yếu tố đầu của tên địa lý.

Tuy nhiên, xét trong toàn bộ hệ thống, các danh từ chung đi kèm trước tên địa lý phải được coi là yếu tố biệt lập, nằm ngoài kết cấu tên địa lý. Có thể nói Trên dãy Tam Đảo luôn luôn có mây mù hoặc cũng có thể nói Trên hòn Tam Đảo luôn luôn có mây mù. Điều này chứng tỏ rằng, mối quan hệ giữa danh từ chung đứng đầu tên với bộ phận sau nó là rất lỏng lẻo, tuỳ tiện và có thể lựa chọn biến thể, hoặc có thể bỏ.

Ở đây, cần phân biệt điều vừa nói với trường hợp với tên địa lý do riêng hóa các danh từ chung mà thành, như Cầu Giấy, Sông Bé, Bến Lức, Bãi Cháy, Vũng Tàu, v.v. Trong trường hợp này, các yếu tố cầu, sông, bến, bãi, vũng... đã mất tính chất của các danh từ chung như khi chúng đứng một mình hoặc đứng trước các tên địa lý khác như cầu Thăng Long, sông Vàm Cỏ, bến Nhật Tảo, bãi An Dương và đã trở thành các yếu tố cấu thành của tên địa lý. Những tên địa lý dạng này (Cầu Giấy, Sông Bé, Bến Lức, Bãi Cháy, Vũng Tàu…) được coi là các tên địa lý đa âm tiết, khác với các trường hợp làng Cót, làng Chuông, sông Hồng, sông Đáy… nêu trên.

3.2. Vai trò của âm tiết trong tên riêng địa lý đa âm tiết tiếng Việt

Đối với các tên địa lý đa âm tiết (gồm nhiều âm tiết) thì mỗi âm tiết đó có đủ tư cách là từ như các âm tiết trong tên riêng người Việt hay không?

Câu trả lời là không.

Các âm tiết trong cấu tạo tên riêng địa lý đa âm tiết tiếng Việt có đặc điểm cơ bản là kết hợp với nhau chặt chẽ, làm thành một chỉnh thể, được sử dụng nguyên khối khi nói và viết. Mỗi âm tiết không thể tách ra sử dụng độc lập. Chúng ta thường nói đầy đủ, nguyên khối các tên riêng địa lý tiếng Việt, như thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ, tỉnh Ninh Bình… mà không dùng từng âm tiết như thành phố Đà hay thành phố Nẵng, tỉnh Ninh hay tỉnh Bình…, chúng ta cũng không thể nói và viết Hoàng, Liên hay Sơn một mình, để chỉ tên núi Hoàng Liên Sơn, mà phải nói, viết đầy đủ các thành phần của nó: Hoàng Liên Sơn. Thỉnh thoảng, chúng ta gặp một vài tên địa lý nói tắt, như (tàu) Phòng (Hải Phòng), (lên) Thái (Thái Nguyên), (lên xứ) Lạng (Lạng Sơn), (vào xứ) Nghệ (Nghệ An)... nhưng chủ yếu dùng trong khẩu ngữ. Tính chặt chẽ về kết cấu giữa các âm tiết trong tên riêng địa lý đa âm tiết tiếng Việt, về bản chất, cũng giống với các âm tiết trong tên riêng địa lý và tên riêng người nước ngoài phiên trực tiếp ra tiếng Việt: Ác-hen-ti-na, La Ha-ba-na, Sô-lô-khốp,... Cũng như tên riêng địa lý tiếng Việt, tên riêng địa lý nước ngoài - đôi khi cũng được nói tắt, như Bun (Bun-ga-ri), Hung (Hung-ga-ri), Ru (Ru-ma-ni)...nhưng cũng chỉ gặp trong ngôn ngữ nói, hầu như không dùng trong ngôn ngữ viết.

Xét trong mối quan hệ với các kiểu từ phân loại theo cấu tạo của tiếng Việt, dễ dàng quy các tên riêng địa lý đa âm tiết tiếng Việt vào loại từ đơn đa âm tiết, kiểu như: bồ hóng, mồ hôi, lê ki ma, …

Phân tích quy tắc viết hoa hiện hành - “viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết trong tên địa lý” [4], dễ dàng nhận thấy, quy tắc viết hoa tên địa lý không giống như quy tắc viết hoa chỉ người (lấy từ làm đơn vị viết hoa) mà chọn bộ phận của từ làm đơn vị viết hoa.

VI. KẾT LUẬN

Đối chiếu tên riêng người Việt với tên địa lý tiếng Việt, chúng ta thấy có một sự đối lập rõ rệt giữa tên người với tên địa lý: đối lập lỏng - chặt về kết cấu. Giữa các yếu tố cấu tạo tên chặt và tên lỏng có sự khác nhau về cấp độ: một bên là từ một bên là âm tiết, và giữa tên chặt và tên lỏng cũng có sự khác nhau về cấp độ ở bậc cao hơn - một bên là cụm từ một bên là từ đơn đa âm.

Nhìn trong quan hệ với quy tắc viết hoa tên riêng hiện hành – viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết trong tên riêng chỉ người và tên riêng địa lý, có thể thấy quy tắc viết hai loại tên riêng này giống nhau về hình thức những khác nhau về bản chất, một bên lấy từ làm đơn vị viết hoa, còn một bên lấy bộ phận của từ là đơn vị viết hoa

Đối chiếu với tên riêng nước ngoài (phiên qua âm Hán Việt và phiên trực tiếp ra tiếng Việt) có thể thấy trong tên riêng người Việt và tên riêng người nước ngoài phiên qua âm Hán Việt, các âm tiết có kết cấu lỏng lẻo bao gồm các từ tương đối độc lập, trong khi đó, các âm tiết của tên riêng địa lý đa âm tiết, tên riêng người nước ngoài và tên địa lý nước ngoài có kết cấu chặt chẽ - mỗi âm tiết chỉ là một yếu tố trong một từ đa âm tiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Dương Lan Hải (1972), Bàn thêm một số điểm xung quanh việc viết hoa tên riêng, Ngôn ngữ, số 1.

[2] Anh Hiền (1972), Bàn thêm về quy tắc viết hoa tên riêng chỉ người và chỉ đất trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 3.

[3] Nguyễn Lân (1972), Góp ý kiến về vấn đề quy tắc viết ho, Ngôn ngữ, số 2.

[4] Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 13-3-2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[5] Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt (Ban hành kèm theo Quyết định số 240/QĐ, ngày 5-3-1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo)).

[6] Lê Xuân Thại (1973), Nhìn lại cuộc thảo luận về quy tắc viết hoa, Ngôn ngữ, số 2.

[7] Phan Thiều (1972), Bàn về quy tắc viết hoa tên người, tên đất trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 1.

ABSTRACT

By studying, comparing proper names of the people and geographical names (place names) of Vietnam, ways of representing - for example, the looseness and tightness of structures differ - are found. On that basis, the author explores the role played by syllables in forming such proper names. These are issues that relate to the ways of forming Vietnamese proper names and need to be further studied.

 

Đỗ Việt Hùng - GS.TS.,

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 2 (22) 2013

20180311 chuan chinh ta

          1. Dẫn nhập

          Ngữ vị từ (verb phrase), là một loại ngữ đoạn phụ kết (hypotactic phrase) có thành tố trung tâm (thành tố chính) là vị từ[1] và các thành tố phụ đứng trước trung tâm, sau trung tâm, được tổ chức theo những nguyên tắc nhất định, có chức năng mở rộng và góp phần điều biến quan hệ ngữ pháp (thời, thể, hướng, v.v..), điều biến thái độ ngữ pháp của vị từ trung tâm, biểu hiện hoặc gia tăng tình thái… để vị từ thực hiện những chức năng của chính nó, không gồm bổ tố trạng tố của nó. Ngữ vị từ thực hiện chức năng, vai trò ngữ pháp tương đương như vị từ và mang những đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ pháp như vị từ. Trong một nghiên cứu gần đây (Vũ Đức Nghiệu: 2019), chúng tôi đã đề nghị lựa chọn một mô hình miêu tả ngữ vị từ mà theo đó, những thành tố trước nay vẫn thường được xử lý, miêu tả là bổ tố, trạng tố của vị từ trung tâm sẽ nằm ngoài khuôn khổ của cấu trúc ngữ vị từ. Vì vậy, trong tổ chức câu nói, một thành tố phụ nào đó của vị từ trung tâm, nhất là những thành tố phụ đứng ở phía sau, có thể bị đẩy ra xa trung tâm, bởi một thành phần phụ nào đó của câu có thể chen vào đứng giữa vị từ trung tâm với thành tố phụ đó của nó. Điều này được quy định và chi phối bởi rất nhiều nhân tố ngữ pháp, ngữ nghĩa và/hoặc ngữ dụng. Ngữ pháp tiếng Việt từ thời tiếng Việt cổ đến nay đều phản ánh thực tế này. Ví dụ: chửa có tra vào sách (LsAn. tr.164)[2], ứa nước mắt ra (Ttâm. tr.53).

          Trong nghiên cứu Việt ngữ học, các từ làm thành tố phụ trong ngữ vị từ từng được gọi tên bằng những thuật ngữ ít nhiều khác nhau; ví dụ: phó từ (Diệp Quang Ban 2005), tr động từ (Nguyễn Kim Thản 1975), quan hệ từ (Быстров và cộng sự 1975; Nguyễn Tài Cẩn 1975, Nguyễn Lai 1990), từ công cụ hoặc modificateur (Panfilov 1993), verbes auxiliares - trợ động từ (Cadier 1958)... và trong số đó, không ít từ vốn là thực từ chuyển hóa thành. (Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, ít nhất có tới khoảng 25 từ làm thành tố phụ trong ngữ vị từ của tiếng Việt hiện đại: không, một, đã, còn, ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua, lấy, tới, đến, được, phải, mất, rồi, xong, đã, đoạn, liên, lắm, thật).

          Vấn đề là, sự chuyển hóa, biến đổi về ngữ nghĩa ngữ pháp của những từ như thế, nếu có, thì xuất phát từ đâu và diễn ra như thế nào? Câu hỏi vẫn đang được những người nghiên cứu Việt ngữ học tiếp tục cố gắng tìm lời giải đáp. Thực tế là, từ trước đến nay, hiện tượng này đã được nhìn nhận và đánh giá trong khi thảo luận về các quá trình gọi là hư hóa, hay chuyển từ loại nói chung (Nguyễn Anh Quế 1988; Nguyễn Lai 1990; Nguyễn Kim Thản 1975, Hà Quang Năng 1998). Chúng tôi thấy hiện tượng và quá trình một thực từ (thường là vị từ) đảm nhiệm vai trò phó từ, làm thành tố phụ cho vị từ trung tâm, có thể được làm rõ hơn khi ta soi chiếu nó bằng lý thuyết về ngữ pháp hóa (grammaticalization), trong đó, sự biến đổi nghĩa là một trong những nhân tố bên trong quan trọng hàng đầu.

          Thuật ngữ ngữ pháp hóa và vấn đề ngữ pháp hóa vốn được Meillet A. đề xuất từ 1912. Thuật ngữ này chỉ quá trình biến đổi ngôn ngữ học của một đơn vị từ vựng tính, độc lập, để có được chức năng của một đơn vị biểu thị (những) ý nghĩa ngữ pháp (Bussmann 1996: 196). Còn Wischer (2006: 130) thì phát biểu cụ thể hơn: “Nói chungngữ pháp hóa được xem như một quá trình, mà theo đó, các yếu tố ngôn ngữ (từ vựng, ngữ dụng, hay thậm chí là ngữ âm) biến đổi thành những yếu tố của ngữ pháp, hoặc những yếu tố ngữ pháp trở nên có ngữ pháp tính hơn. Ví dụ, trợ động từ phát triển từ động từ, tiền giới từ phát triển từ danh từ, biến tố phát triển từ giới từ tự do, sự thay đổi trật tự từ để biểu thị các ý nghĩa dụng học, đề hoặc thuyết trong trật tự từ ngữ pháp biểu thị các cách cú pháp của chủ ngữ và tân ngữ”.

          Thực chất, ngữ pháp hóa là quá trình hình thành những yếu tố, những dạng thức ngữ pháp, như hư từ hay phụ tố chẳng hạn, từ (những) yếu tố, dạng thức từ vựng tính (lexical) vốn có từ trước. Đó là quá trình nhằm vào một hướng chung, trong đó, “sự phát triền từ nghĩa cụ thể hơn đến nghĩa trừu tượng hơn ở cấp độ ngữ nghĩa, song hành với sự phát triển từ mức hài hòa thấp hơn đến mức hài hòa cao hơn ở cấp độ hình thái cú pháp” (Bisang 2004:109).

          Từ những nhận thức như vừa trình bày vắn tắt trên đây, trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu về quá trình ngữ pháp hóa của một số phó từ làm thành tố phụ trong ngữ vị từ. Cụ thể là, chúng tôi sẽ thực hiện hai công việc, với nội dung cụ thể như sau:

          - Thứ nhất, khảo sát quá trình biến đổi nghĩa để có được (những) nghĩa ngữ pháp và chức năng ngữ pháp trong quá trình ngữ pháp hóa của từ (thông qua nghiên cứu trường hợp từ đã);

          - Thứ hai, thử nghiệm khảo sát theo định lượng về sự xuất hiện (được sử dụng) với cương vị là vị từ [+V] của các từ: ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua và sự xuất hiện (được sử dụng) không phải với cương vị là vị từ [-V] tương ứng, làm thành tố phụ sau vị từ trung tâm.

          Sau các khảo sát đó, sẽ là một số nhận xét và thảo luận có liên quan. Nguồn ngữ liệu được khảo sát là một số văn bản đại diện từ thời tiếng Việt cổ đến tiếng Việt hiện đại (xem danh sách cụ thể ở cuối bài).

 

          2. Khảo sát sự biến đổi ngữ nghĩa trong quá trình ngữ pháp hóa: Trường hợp từ đã

          Biến đổi ngữ nghĩa là bước khởi đầu quan trọng và phổ biến trong các quá trình ngữ pháp hóa. Để làm rõ hơn những điều vừa trình bày bên trên, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc phân tích như một nghiên cứu trường hợp, về quá trình biến đổi ngữ nghĩa, ngữ pháp của từ đã - vốn là một vị từ - trong quá trình nó được ngữ pháp hóa để trở thành một chỉ tố ngữ pháp và ngữ dụng, làm thành tố phụ trong ngữ vị từ.  

          2.1. Đã - một vị từ

Từ đã ngày nay (như trong các ngữ đoạn: đã xem, nghỉ đã ...) là một từ ngữ pháp tính (grammatical word) - phó từ. Kết quả khảo sát các nguồn ngữ liệu thuộc giai đoạn tiếng Việt cổ, trung đại, cận đại, hiện đại, cho thấy rằng: phó từ đã này đã hình thành qua quá trình ngữ pháp hóa vị từ đã. Đã - thực từ - vị từ có nghĩa: “xong, kết thúc, hoàn tất, khỏi hẳn (bệnh tật)”. Từ này có một biến thể phát âm là đà. Các văn bản chữ Nôm, ngôn ngữ văn chương, thơ ca, v.v.. cho thấy rất rõ điều đó.

          Ta có thể kiểm chứng nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất, khỏi hẳn” của đã qua những ngữ liệu thời tiếng Việt cổ, trung đại như:

          a) Trong 30 lần đã/đà hiện diện ở văn bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (gọi tắt là Phật thuyết - văn bản chữ Nôm cổ nhất còn lại đến nay, khoảng thế kỷ XII) , có 4 lần đích thực nó là vị từ:

          con nhược đà ốm [khỏi ốm hẳn rồi] (tr.18a),  

          việc gả đà đã [đã xong xuôi/hoàn tất rồi] (Pth. tr.22a)

          sám hối đà đã [xong xuôi/hoàn tất rồi] (Pth. tr.44b) 

          khuyến thỉnh đà đã [xong xuôi/hoàn tất rồi] (Pth. tr.44b)

          Cương vị vị từ của đã trong các ngữ cảnh đó được chứng thực qua hai điểm:  

          Thứ nhất, về ngữ pháp, nó có một phó từ đà/đã, là kết quả ngữ pháp hóa của chính đã - thực từ (chúng tôi sẽ trình bày dưới đây) đứng đằng trước làm thành tố phụ (việc gả đà đã, sám hối đà đã, khuyến thỉnh đà đã).    

          Thứ hai, về ngữ nghĩa, đã được dùng để giải âm (đối dịch nghĩa) từ (= hoàn tất, xong xuôi rồi) trong văn bản Hán văn gốc[3] (trừ ngữ cảnh “con nhược đà ốm (tr.18b), từ đã được thêm vào câu tiếng Việt để dịch câu bên Hán văn: Tử nhược bệnh trừ). Cụ thể là:

việc gả đà đã (tr.22a) Giá sự ngật
sám hối đà đã (tr.44b) Sám hối
khuyến thỉnh đà đã (tr.44b) Khuyến thỉnh
con nhược đà ốm (tr.18b) Tử nhược bệnh trừ

          b) Trong một số nguồn ngữ liệu khác, chúng tôi cũng thấy tình hình tương tự. Ví dụ:

          - Trong văn bản Đắc thú lâm tuyền (Đthú.): Ai hay cóc được, mới óc là đã (tr.30b)

          - Văn bản Truyền kỳ mạn lục (TkMl.) có 212 lần đã/đà xuất hiện (được sử dụng) thì có 3 lần đích thực là vị từ: đã tật chẳng chi bằng thuốc đắng (q4, tr.15a), sau vài ngày, nhà ngươi Lê Ngộ cùng được đã khỏi (q4, tr.67a), cái đàn cái nậm chẳng đã sự khó (q1, tr.22a).                  

          - Trong văn bản Lịch sử nước Annam (LsAn.): có thầy Không Lồ chữa mới đã (tr.155)

          - Trong Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - La tinh (tđRhode.): Đã: Được khỏi bệnh. Đã đã: nó đã khỏe.

          Trên cơ sở khảo sát quá trình biến đổi ngữ nghĩa, quá trình biến đổi và phát triển các đặc điểm, chức năng ngữ pháp của từ đã qua các giai đoạn lịch sử khác nhau chúng tôi thấy nó có hai hướng biến đổi và phát triển chính.

          2.2. Hướng biến đổi và phát triển thứ nhất

          Hướng này đưa đến đặc điểm ngữ pháp: đã đứng trước vị từ trung tâm trong ngữ vị từ. Ở đây có ba kết quả được phân biệt:

          2.2.1. Từ nghĩa “xong, hoàn tất, khỏi hẳn”, đã thu hẹp nghĩa lại, biểu thị nghĩa quá khứ: (hành động, sự tình) diễn ra rồi (so với thời điểm mốc nào đó được xác định nhờ ngữ cảnh). Chính nhờ nghĩa này mà về mặt ngữ pháp, đã được phân bố ở vị trí trước một vị từ, kết hợp với vị từ và đưa vị từ vào làm vị ngữ để biểu thị cái hành động, sự tình diễn ra trước thời điểm phát ngôn hay một thời điểm nào đó được lấy làm mốc, nhiều khi có thêm hàm ý “sớm hơn dự tính”. Khi đó, về mặt ngữ nghĩa, đã khiến cho vị từ biểu thị trạng thái, tư thế, tính chất ... như là những kết quả của một quá trình biến chuyển, vận động. Ví dụ: nửa ngày đã tan (Pth. tr.9a).

          Điều này thể hiện liên tục và rộng rãi trên ngữ liệu từ thời văn bản Phật thuyết cho đến ngày nay. Ở vị trí liền đằng trước một vị từ khác và biểu thị ý nghĩa “(hành động/sự tình) xảy ra rồi”, đã đảm nhiệm vai trò của một chỉ tố ngữ pháp mà hiện nay thường được gọi là chỉ tố “thời quá khứ”. Ví dụ:

          tội bằng đã qua (Pth. tr.44a) 

          thầy tu trước đã nên Phật quả (HYên. tr.33b)

          hoa đà tàn, liễu đà xơ (KhL. tr.9a)

          đã điếc hai tai (Qâtt. Ngôn chí, b.5)

          ngươi Trọng Quỳ đã lớn (TkML.q1. tr.16a)

          đã rông thói tối tăm (TkML.q2, tr.16b)

          đã sinh nên trời đất (Phgi. tr.9)

          đã bỏ đạo cho đến rày (Thư18. vb.6)

          bóng chiều đã ngả (TK. c.114)

          tôi đã tìm đến (Sss. tr.2)

          coi đã vắng tiếng, thì đã biết họ đã đi rồi (Chđx. tr.100)

          có chữ đề mà đã mòn đã lu đi (ChđiBk.)

          đã sinh ra một đứa con trai (NHdn. tr.13)

          công việc nhà trường đã rỗi mà mọi chuyện cũng đã qua rồi (Ttâm. tr.3).

          Kết quả này phát triển mạnh mẽ nhất trong các biến đổi của đã; và điều này cũng phản ánh qua và tần suất sử dụng của nó.

          2.2.2. Không chỉ đứng trước làm thành tố phụ cho vị từ trung tâm trong ngữ vị từ, đã còn đứng trước cả những danh từ/danh ngữ, hoặc thậm chí trước một tiểu cú được tổ chức như những ngữ cố định. (Danh từ/danh ngữ hoặc ngữ cố định đó biểu thị hành động, hoặc đặc trưng, trạng thái, tư thế ..., có cương vị ngữ pháp như thành tố trung tâm trong ngữ đoạn). Lúc này, về mặt ngữ pháp, đã “tham gia vào việc tổ chức một thành tố cú pháp” (Nguyễn Tài Cẩn 1975: 263), đưa nó vào làm phần thuyết của câu (chứ không phải là sự lập thức đã kết hợp được với danh từ/danh ngữ). Về mặt ngữ nghĩa, đã giúp cho các danh từ/danh ngữ, ngữ cố định đó thể hiện thông tin: (những) vận động hoặc đặc trưng, trạng thái, tư thế ... đó, là kết quả của quá trình chuyển biến từ một sự tình, trạng thái ngược lại với trạng thái hiện hữu. Điều này đã có từ thời tiếng Việt cổ đến nay. Ví dụ:

          sẩm gióng mây tóc đà mai trắng (KhL. tr.37b)

          mặt trời đà nửa ngày mà lại hầu xế (KhL. tr.40b)

          bóng nguyệt đà nửa treo gương (KhL. tr.46b)

          mặt trời đỏ đã ba sào (TkMl.q3. tr.17b)

          đã mọt đục nhậy cắn (TkMl.q4, tr.54a)

          đã suối tuôn sóng hoa đào vậy (TkMl.q1. tr.62b).

          2.2.3. Từ nét nghĩa thời gian “(hành động, sự tình) diễn ra rồi, diễn ra trước thời điểm phát ngôn hay một thời điểm nào đó được lấy làm mốc”, đã tiếp tục chuyển nghĩa, hàm thêm ý tình thái đánh giá “sẵn rồi, lâu rồi (so với dự kiến hoặc so với điều kiện thông thường)”, biểu thị các nội dung ngữ nghĩa và ngữ dụng sau đây:

          a) “Đã có A rồi, lại còn thêm B nữa” (hai vế A và B hô ứng với nhau: đã A lại B, đã A còn B, đã A chưa B). Ví dụ:

          Đã hiếp nước Ngụy lại giết nước Yên (TkMl.q1. tr.9a),

          Đã chẳng lòng tiếc lại chẳng mặt khoe (TkMl.q2. tr.75b),

          chưng thuở sống người đã chẳng thấy hình chưng khi thác người lại chẳng hay (TkMl.q4. tr.25a),

          b) “Điều kiện/ trạng thái A nhưng diễn ra B” (hàm ý sớm hơn mong đợi, sớm hơn theo lẽ thường). Hai vế A và B hô ứng với nhau (vừa A đã B, chưa A đã B, mới A đã B, còn A đã B). Ví dụ:

          Song ngươi Lý đã thấy biết đấy lại theo mà rông đấy (TkMl.q4. tr.25a),

          nói chửa rồi đã thấy con gái ấy ở nhà bên tả bước ra (TkMl.q3, tr.6b),

          kẻ dâng lời ngay ấy chửa nói mà đã phải giết (TkMl.q3, tr.29b).

          c) “Điều kiện, nguyên nhân A, sẽ nhất định B” (đã A thì B, đã A ắt B, đã A tất B). Ví dụ:

          Đã trái lòng trời ắt phạm hình trời giết (TkMl.q4. tr.15b)

          sự đã dường ấy cắn rốn nào kịp (TkMl.q1. tr.27a).

          2.3. Hướng biến đổi và phát triển thứ hai

          Hướng này làm cho đã được phân bố ở vị trí sau một vị từ khác. Ở đây cũng có ba kết quả được phân biệt.

          2.3.1. Từ nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất, khỏi hẳn (bệnh tật)” đã thu hẹp phạm vi, biểu thị nghĩa “xong rồi hoàn tất”, làm thành tố phụ đứng sau vị từ trung tâm, biểu thị ý nghĩa ngữ pháp “hoàn tất” của hành động, sự tình do vị từ trung tâm biểu thị. Ví dụ, trong văn bản Phật thuyết có 7 ngữ đoạn như:

          kính lễ là Bụt đã [= xong/xong rồi] trả áng nạ ơn (tr.4b)

          kính lễ Bồ tát xưa đà [= xong/xong rồi] trả ơn cha mẹ (tr.5a)

          sinh đã [= xong/xong rồi] mắng con khỏe (tr.13a)   

          mừng đã [= xong/rồi] thương lại đến (tr.13a)

          tùy hỷ đã [= xong/rồi] (tr.45a)     

          hồi hướng đã [= xong/rồi] (tr.45b)

          phát nguyện đã [= xong/xong rồi] (tr.46a)

          Tuy nhiên, phải nói rằng, ở đây, bản chất ngữ pháp và ngữ nghĩa “vị từ” của đã chưa giải tỏa, bào mòn hoàn toàn. Có thể đây là những trường hợp “trung gian” của thực từ đã trong quá trình phát triển, bào mòn ngữ nghĩa, quá trình ngữ pháp hóa của nó. Ở bảy ngữ cảnh vừa nêu, nếu ta thêm đà/đã (phó từ) vào trước các từ đã có sẵn trong đó, thì bản chất vị từ của đã trong các ngữ cảnh đó sẽ hiện lên rất rõ ràng.

kính lễ là Bụt * đà đã [= xong/xong rồi]
kính lễ Bồ tát xưa * đà đà [= xong/xong rồi]
sinh * đà đã [= (đã) xong rồi]
mừng * đà đã [= xong/rồi]
tùy hỷ * đà đã [= xong/rồi] 
hồi hướng * đà đã [= (đã) xong/rồi]
phát nguyện * đà đã [= xong/xong rồi]  

          Trong các trường hợp này, đã có ngữ nghĩa và ngữ pháp cũng giống như các từ rồi, đoạn trong tiếng Việt cổ, trung đại, cận đại và xong, rồi trong tiếng Việt ngày nay. Ví dụ: hồi hướng đoạn rồi (KhL. tr.43a), khuyến thỉnh đà đoạn rồi (KhL. tr.49b), viết xong - viết chưa xong, (việc bé con con mà) làm mãi không rồi.

          Ngoài đã ra, ba từ xong, rồi, đoạn trong tiếng Việt vốn cũng là ba vị từ, được ngữ pháp hóa và đảm nhiệm vai trò của chỉ tố ngữ pháp biểu thị nghĩa “hoàn thành/ kết thúc”. Vì thế, các kết hợp ngữ pháp như: đã xong, xong rồi, đã xong rồi trong tiếng Việt là rất bình thường. Ta chỉ có thể nhận ra tư cách vị từ hay tư cách phó từ của các từ này trong từng ngữ cảnh cụ thể mà chúng tham gia trong đó.

          Chính các mức độ và chiều hướng biến chuyển ngữ nghĩa, ngữ pháp của đã đã khiến cho, trong văn bản Phật thuyết cũng như Khóa hư lụcTruyền kỳ mạn lục, nó thường được dùng để dịch từ , của Hán văn, nhưng cũng có khi được dùng tùy theo cách của ngữ pháp tiếng Việt (Nôm) chứ không phải chỉ để dịch , . Ví dụ:

          - Trong Phật thuyết có 27 ngữ vị từ dùng đã - phó từ hoặc vị từ, thì 10 trường hợp trong số đó, đã được dùng để giải âm từ . Chẳng hạn:

Sinh đã mắng con khỏe (tr.13a) Sinh văn nhi kiện
Tùy hỷ đã (tr.45a) Tùy hỷ
Hồi hướng đã (tr.45b) Hồi hướng
Phát nguyện đã (tr.46a) Phát nguyện
Mừng đã thương lại đến (tr.13a) Hỷ định # bi hoàn
Tuổi đã già mặt mũi đã suy (tr.37a) Niên # lão sắc # suy
Nửa ngày đã tan (tr.9a) Tảo thần phương tụ ngọ thời # tiêu tán

          - Chúng tôi kiểm kê trong Truyền kỳ mạn lục, có 212 lần xuất hiện từ đã/đà thì theo Washizawa (2018), có 80 lần đã được dùng để dịch từ và 68 lần đã được dùng để dịch từ ; còn lại là các khả năng khác.

          Hướng biến chuyển thứ hai này của đã đã đưa nó vào cùng hệ đối vị với các vị từ rồi, đoạn, xong từ thời tiếng Việt Cổ, trung đại.

          2.3.2.đã đi vào hệ đối vị cùng với rồi, đoạn (và xong về sau này), nên trong văn bản Khóa hư lụcTruyền kỳ mạn lục có một số cách dùng đã, rồi, đoạn khá đặc biệt, cần phải có những phân tích thêm.

          - Thứ nhất, rồi, đoạn vốn cũng là những vị từ, biểu hiện nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất”. Ví dụ: chịu cho rồi thửa tội nghiệp (KhL. tr.23a), biết ngày nào cho rồi (KhL. tr.22a), chờ chưng đến lúc việc rồi sớm mai bèn ăn chay trắng (KhL. tr.56b), Chỉn rốt trăm năm đến khi mệnh rồi mà bèn liền hết (KhL. tr.63a), nói chửa rồi (TkMl.q2. tr.10b).

          Trong quá trình phát triển của ngữ pháp tiếng Việt, hai từ: rồi, đoạn cũng có biến chuyển ngữ nghĩa, được ngữ pháp hóa, phân bố sau một vị từ khác, biểu thị ý nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất” của hành động, sự tình do vị từ đó biểu thị. Ví dụ: tanh ra hôi hám rồi (KhL. tr.15b), đến lúc lảu biết rồi (KhL. tr.17a), đọc rồi thấy người lại giục ngươi Hữu Chi rạp nằm dưới cửa (TkMl.q4. tr.22a), ca rồi giũ tay áo mà đi dài (TkMl.q3. tr.17b), nói rồi kẻ chiêu đăm chăng là chẳng sùi sụt khóc sa nước mắt (TkMl.q4. tr.3a).

          - Thứ hai, trong Phật thuyết có:

          7 lần dùng kết cấu V + đã: Kính lễ là Bụt đã trả áng nạ ơn (tr.4b), Kính lễ Bồ tát xưa đà/đã trả ơn cha mẹ (tr.5a), Sinh đã mắng con khỏe (tr.13a), Mừng đã thương lại đến (tr.13a), Tùy hỷ đã (tr.45a), Hồi hướng đã (tr.45b), Phát nguyện đã (tr.46a);

          2 lần dùng kết cấu V + đà đã (đã = vị từ, biểu thị nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất”): Sám hối đà đã  (tr. 44b), Khuyến thỉnh đà đã (tr.44b);

          1 lần dùng kết cấu Danh ngữ + đà đã: Việc gả đà đã (tr.22a); nhưng trong văn bản Khóa hư lụcTruyền kỳ mạn lục không thấy dùng kết cấu này. Thay vào đó, Khóa hư lục có 7 lần dùng tổ hợp đoạn rồi, 9 lần dùng đà đoạn rồi, 1 lần dùng đoạn. Đối chiếu với bản Khóa hư lục Hán văn, chúng tôi thấy cả đoạn rồi lẫn đà đoạn rồi đều ứng với (dùng để dịch) từ Hán Việt [4]. Ví dụ: hồi hướng đoạn rồi (KhL. tr.43a), là phát nguyện đoạn rồi (KhL. tr.44a), khuyến xin đà đoạn rồi (KhL. tr.36a), là theo mừng đà đoạn rồi  (KhL. tr.rồi 36a).

          Trong các ngữ cảnh này, đoạnrồi đều vẫn biểu thị nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất” nhưng đoạn là vị từ - thành tố chính, còn rồi thì đảm nhiệm vai trò thành tố phụ biểu thị ý nghĩa “hoàn tất” cho đoạn.

          Trong Truyền kỳ mạn lục có 7 lần sử dụng tổ hợp đã rồi. (Khóa hư lục cũng có một lần dùng đã rồi: phát nguyện đà/đã rồi - tr.37a). Dưới đây là 7 lần xuất hiện của đã rồi trong Truyền kỳ mạn lục:

          (1) Táng tế lễ đã rồi  (q1. tr.17b)            

          (2) Nghe đoán đã rồi (q2. tr.16b)           

          (3) Đốt đã rồi về nhà mình biết chẳng vui (q2. tr.39b) 

          (4) Ngươi Thiên Tích uống đã rồi (q1. tr.54b)                       

          (5) Ta chưng noi trải đã rồi mắng biết (q1. tr.55a)                 

          (6) Đã rồi về nhà dắt hai con, vỗ thửa cật rằng (q1. tr.27b)         

          (7) Đã rồi bèn lên gác tấu nhạc (q2. tr.55b).                          

          Đối chiếu với văn bản Hán văn, chúng tôi thấy:

          Xét các ngữ cảnh (1), (2), (3): tổ hợp đã rồi gồm hai từ, được dùng đối dịch từ tất (悉) bên Hán văn, có nghĩa “xong, hoàn tất”. Vì vậy, có thể hiểu cả tổ hợp đã rồi, không riêng một thành tố nào, biểu thị nghĩa “xong, hoàn tất” như từ tất của Hán văn. 

          Trong ngữ cảnh (4), đã rồi lại được dùng để giải âm tổ hợp ký tất (既 悉). Ở đây, một tổ hợp hai từ được dùng để đối dịch một tổ hợp hai từ bên Hán văn. Xét thấy bên văn bản Nôm (tiếng Việt), đã rồi trong bốn ngữ cảnh (1), (2), (3), (4) đều có cùng mô hình kết hợp là V + đã rồi, biểu thị nghĩa “V [đã] xong”, “V [đã] hoàn tất”, cho nên đã rồi trong cả bốn ngữ cảnh này có ba cách hiểu:

          a) Cách thứ nhất: tổ hợp đã rồi gồm hai thành tố đẳng lập, đều biểu thị nghĩa “xong, hoàn tất”. Tổ hợp đã rồi trong ngữ đoạn: phát nguyện đà/đã rồi (tr.37a) của Khóa hư lục, được dùng để dịch từ . Văn bản Phật thuyết dùng từ đã cũng để dịch từ . Ví dụ: tùy hỷ đã (tr.45a), hồi hướng đã (tr.45b), phát nguyện đã (tr.46a)... Điều này cho thấy nghĩa “hoàn tất” (nghĩa cổ) của đã tương đương với đã rồi. Cách hiểu thứ nhất này là có cơ sở.

          Hiện tượng ngữ nghĩa, ngữ pháp của tổ hợp đã rồi tương đương với đã là sản phẩm có tính quá độ trong quá trình ngữ pháp hóa của đãrồi khi mức độ ngữ pháp hóa của chúng chưa đạt đến mức tuyệt đối/ tối đa. Việc dùng tổ hợp đã rồi gồm hai thành tố đều có nét nghĩa “hoàn tất” để biểu thị nghĩa “hoàn thành”, không có gì quá đặc biệt. Trước nay tiếng Việt vẫn có lối kết hợp hai đơn vị gần nghĩa, đồng nghĩa, thậm chí trái nghĩa nhau để biểu thị nghĩa tổng hợp hơn, khái quát hơn: hơn nữa, mua bán, đổi chác, đầu đuôi, già trẻ, xe cộ, thuyền bè...

          b) Cách thứ hai: tổ hợp đã rồi là tổ hợp gồm rồi là thành tố chính - vị từ (= xong), đã là thành tố phụ - phó từ, đứng trước rồi, điều biến, khẳng định thêm ý nghĩa hoàn tất cho rồi, vì quá trình ngữ pháp hóa của đã diễn ra sớm hơn rồi [5]. Cách hiểu này có lẽ gần với thực tế lịch sử và xu thế diễn biến ngữ pháp hóa của hai từ này hơn.

          c) Cách thứ ba: tổ hợp đã rồi gồm đã là thành tố chính - vị từ (= xong); còn rồi là thành tố phụ - phó từ, đứng sau đã, điều biến, khẳng định thêm ý nghĩa hoàn tất cho đã.

Với cách cả ba hiểu về ngữ pháp như vừa trình bày, về mặt ngữ nghĩa, trong các ngữ cảnh (1), (2), (3), (4) trên đây ta có thể xác định:

(1) táng tế lễ đã rồi = táng tế lễ đã xong/ xong hẳn rồi
(2) nghe đoán đã rồi  = nghe đoán đã xong/ xong hết rồi
(3) đốt đã rồi           = đốt đã xong/ xong hết rồi
(4) uống đã rồi  = uống đã xong/ xong rồi.

         

          Xét ngữ cảnh (5): Ta chưng noi trải đã rồi mắng biết (q1. tr.55a). Tổ hợp đã rồi được dùng để dịch tổ hợp "ký dĩ" trong kết cấu “ký dĩ + V”. Nghĩa của cả ngữ đoạn là: “lý lịch của tôi ngài đã biết hoàn toàn rồi”. Vậy, đã rồi = rồi. Ảnh hưởng của lối giải âm Hán - Việt trước đây chắc chắn đã ảnh hưởng tới trật tự từ của ngữ đoạn này. Vì vậy, ngữ nghĩa, ngữ pháp của tổ hợp đã rồi trong ngữ cảnh (5) cũng như đã rồi trong các ngữ cảnh (1), (2), (3), (4).

          Quá trình ngữ pháp hóa và lập thức về mặt ngữ pháp, ngữ nghĩa của những từ hữu quan nêu trên đây diễn ra trong tiến trình lịch sử lâu dài, dẫn đến tình trạng những tổ hợp/kết cấu ngữ pháp mà chúng ta ngày nay có thể có hơn một cách hiểu như thế, mãi đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX vẫn còn thấy xuất hiện. Ví dụ, trong Truyện Kiều: Thổ quan theo vớt vội vàng, thì đà đắm ngọc chìm hương đã rồi (c. 2637), ăn năn thì sự đã rồi (c. 3195)[6]

          Xét hai ngữ cảnh: (6), (7). Ở đây, đã rồi đứng ở đầu câu, dùng để dịch tổ hợp ký tất của Hán văn (có nghĩa: P. Rồi/ Xong rồi [bèn] Q). Vì vậy có thể hiểu nghĩa của đã rồi ở đây là “ P. Rồi/ Xong rồi/ Thế rồi, [bèn] Q”. Đã rồi được dùng như một liên từ nối câu sau với câu trước đó, liên kết sự tình nêu trong câu sau với sự tình nêu trong câu trước. Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng được qua ngữ cảnh rộng hơn như:

          Ngươi Đỗ cả mừng, khiến rót chén ốc tử loa cho uống đấy. Đã rồi [= Xong/ Xong rồi/ Thế rồi] về nhà dắt hai con, vỗ thửa cật rằng (TkMl.q1. tr.27b).

Ngồi đã yên, có kẻ truyền bảo bà Kim Tiên đến vậy. Đều xuống rước mời. Đã rồi [= xong/ xong rồi/ thế rồi] bèn lên gác tấu nhạc (TkMl.q2. tr.55b).

          Tổ hợp đã rồi với những đặc điểm ngữ pháp, ngữ nghĩa thể hiện trong hai ngữ cảnh này đã tham gia vào hệ đối vị với tổ hợp đã mà được Truyền kỳ mạn lục sử dụng. Các tổ hợp này đã có những biến đổi ngữ nghĩa, dẫn đến biến đổi đặc điểm, chức năng ngữ pháp, được ngữ pháp hóa, dùng như liên từ, nối câu sau với câu trước đó, liên kết sự tình nêu trong câu sau với sự tình nêu trong câu trước. Trong Truyền kỳ mạn lục, chúng tôi gặp đã mà xuất hiện tới 9 lần[7]. Ví dụ: Đã mà [= thế rồi/ rồi] canh tàn trà hết (TkMl.q1. tr.13b). Đã mà [=thế rồi/ rồi] tiếng nhạc dấy (TkMl.q3. tr.44b).   

          2.3.3. Bên cạnh những biến chuyển ngữ nghĩa, ngữ pháp như vừa trình bày trên đây, nghĩa “xong, hoàn tất” của đã tiếp tục biến chuyển, khiến cho đã được sử dụng như một yếu tố ngữ pháp, trở thành một yếu tố ngữ pháp, vừa biểu thị ngữ nghĩa vừa biểu thị cả nội dung dụng học: “hoàn tất (một hành động) (như một điều kiện) trước khi thực hiện hành động khác”. Ví dụ: Làm việc này đã (rồi mới đi nghỉ). Tắm cho mát cái đã (rồi đi đâu thì đi). Hút điếu thuốc đã (rồi làm gì thì làm)...

          Thêm nữa, chính các nội dung ngữ nghĩa và đặc điểm ngữ pháp này đã khiến cho đã có thêm tư cách, chức năng của một tiểu từ đánh dấu điểm dứt câu hay mệnh đề; đồng thời, tham gia tạo cấu trúc thức “khuyến lệnh/ đề nghị” của vị từ trong phát ngôn khuyến lệnh, đề nghị. Cách dùng này của đã rất ít gặp trong các nguồn ngữ liệu được khảo sát thời tiếng Việt cổ, trung đại và cận đại. Ví dụ:

          song le cũng phải nộp cheo làng đã mới nên làm phép cưới (Thư18. vb.12)

          dẽ cho thưa hết một lời đã nao (TK. c.502)

          nghỉ cho bớt mệt đã (ChđiBk)

          Anh rùa ra cầm lại: khoan đã nào (Chđx. tr.93).

          Ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng của đã trong những cách dùng như vừa nêu ở đây, vẫn được duy trì trong tiếng Việt hiện đại trong mô hình kết cấu cú pháp V1 đã [rồi mới] (V2). Ví dụ: Viết cho xong đoạn này đã (rồi mới nghỉ).

          2.4. Như vậy, quá trình ngữ pháp hóa của đã - một thực từ, khiến nó trở thành một yếu tố ngữ pháp, được phân bố ở vị trí trước hoặc sau một vị từ khác, hoặc ở vị trí dứt câu, biểu thị tình thái ... đã diễn ra và phát triển dựa trên nền tảng của sự biến đổi và phát triển ngữ nghĩa của nó. Có thể tóm tắt quá trình biến đổi này như sau.

          2.4.1. Từ gốc đã vốn là một vị từ, có nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất, khỏi hẳn(bệnh tật)”. Ví dụ: việc gả đà đã (Pth. tr.22a), ai hay cóc được mới óc là đã (Đthú. tr.30b), có thầy Không Lồ chữa mới đã (LsAn. tr.155).

          2.4.2. Quá trình ngữ pháp hóa của đã diễn ra theo hai hướng chính.

          a) Sự biến chuyển bên trong của đã, từ nghĩa “xong, hoàn tất, khỏi hẳn” sang nghĩa “(thời gian) quá khứ” (bằng cách thu hẹp nghĩa), được đánh dấu, được biểu thị về mặt ngữ pháp bằng dấu hiệu phân bố ở vị trí trước một vị từ khác trong ngữ đoạn. Hướng biến chuyển này làm cho đã được ngữ pháp hóa, trở thành một yếu tố ngữ pháp có ba khả năng chính:

          - Đảm nhiệm vai trò của chỉ tố biểu thị thời gian, biểu thị sự hoàn tất của hành động, trạng thái. Ví dụ: nửa ngày đã tan (Pth. tr.9a), năm đà trăm, tháng đà no (Pth. tr.33b), hoa đà tàn, liễu đà xơ (KhL. tr.9a), chửa nói mà đã phải giết (q3, tr.29b).

          - Phân bố trước một thành tố cú pháp có thể là danh từ/danh ngữ, thậm chí một tiểu cú, để đưa thành tố đó vào làm phần thuyết của câu. Ví dụ: Sẩm gióng mây tóc đà mai trắng (KhL. tr.37b), đã mọt đục nhậy cắn (TkMl.q4, tr.54a), đã suối tuôn sóng hoa đào vậy (TkMl.q1. tr.62b).

          - Tham gia cấu tạo tạo những “khuôn ngữ pháp” mà thực chất đó là những khung kết cấu cú pháp, trong đó, đã là chỉ tố đánh dấu nghĩa thời gian “đã xảy ra” và “hoàn tất”, như:

đã A lại B. đã A còn B. đã A chưa B.
đã A thì A. đã A ắt B. đã A tất B.
vừa A đã B.  chưa A đã B.   mới A đã B. còn A đã B.

         

          Hướng ngữ pháp hóa này là hướng mạnh nhất của đã, làm cho nó đạt mức độ có thể coi như được ngữ pháp hóa hoàn toàn.

          b) Sự biến chuyển bên trong của đã, từ nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất, khỏi hẳn(bệnh tật)” sang nghĩa “xong/hoàn tất” (bằng cách thu hẹp nghĩa), được đánh dấu, biểu thị về mặt ngữ pháp bằng dấu hiệu phân bố ở vị trí sau một vị từ khác trong ngữ đoạn. Hướng biến chuyển này làm cho đã được ngữ pháp hóa, trở thành một yếu tố ngữ pháp có ba khả năng chính nữa:

          b1. Biểu thị ý nghĩa (thể) “xong, kết thúc, hoàn tất”. Ví dụ: sinh đã mắng con khỏe (Pth. tr.13a). Điều này làm cho đã tham gia vào hệ đối vị với đoạn, rồi, (và xong về sau này). Đến lượt mình, đoạnrồi, xong lại cũng được ngữ pháp hóa. Chính vì vậy, từ sau thời văn bản Phật thuyết, trong các nguồn ngữ liệu khác được khảo sát, vai trò của đã - thực từ bị giảm thiểu đi nhiều, dẫn đến hệ quả là nó ít/hoặc rất ít được sử dụng như trước.

          b2. Tham gia vào tổ hợp/ kết cấu đã mà, đã rồi có đặc tính ngữ nghĩa ngữ pháp như một liên từ đứng ở đầu câu để kết nối với câu trước đó. Riêng tổ hợp đã rồi, nhiều khi phải phân tích kỹ mới nhận chân được: trong hai thành tố của nó, từ nào (đã hay rồi), trong ngữ cảnh nào, là vị từ, và từ nào (đã hay rồi) là phó từ, làm thành tố phụ.

          b3. Trở thành yếu tố ngữ pháp (tiểu từ) đánh dấu điểm dứt câu hay mệnh đề; đồng thời, tham gia tạo cấu trúc thức “khuyến lệnh/ đề nghị” của vị từ trong phát ngôn khuyến lệnh, đề nghị. Ví dụ: nghỉ cho bớt mệt đã (ChđiBk.).

          2.5. Những phân tích được trình bày bên trên cho thấy rõ ràng: sự biến đổi, phát triển ngữ nghĩa là điều kiện, và là nền tảng quan trọng trong quá trình ngữ pháp hóa. Nhưng không phải sự biến đổi và phát triển nào về nghĩa cũng có thể là điều kiện cho ngữ pháp hóa; mà phải là sự phái sinh, sự phát triển của nghĩa “ngữ pháp tính - grammatical”. Sự phái sinh, phát triển nghĩa “từ vựng tính - lexical” thì đưa đến kết quả là hiện tượng đa nghĩa (từ vựng) của từ.

          Đối với tiếng Việt, các phương thức chuyển nghĩa giúp cho một từ có thể phát triển nghĩa của nó theo những chiều hướng và biên độ khác nhau, nhưng chiều hướng chung là càng ngày càng làm phong phú, đa dạng hơn nội dung ngữ nghĩa, mở rộng hơn khả năng ngữ pháp của từ. Nhưng, như thế vẫn chưa đủ các nhân tố, điều kiện của một quá trình ngữ pháp hóa, mà đó mới chỉ là bước khởi đầu, dù là rất quan trọng, của toàn bộ quá trình. Quá trình ngữ pháp hóa không phải chỉ dừng ở chỗ biến đổi và/hoặc phát triển nghĩa. Chỉ khi nào sự phát triển, biến đổi khiến cho ngữ nghĩa của từ trở nên trừu tượng và khái quát hơn, có ngữ pháp tính, hoặc ngữ pháp tính hơn, nhờ đó mà từ có được (những) đặc điểm và năng lực ngữ pháp mới, thể hiện ra bằng (những) hình thức vật chất ngữ pháp nào đó, thì lúc ấy ta mới có một quá trình ngữ pháp hóa đầy đủ được thực hiện. Như vậy, quá trình ngữ pháp hóa có thể thấy được rõ ràng nhất theo cách tiếp cận lịch đại qua những trạng thái đồng đại, những khoảng thời gian lịch sử khác nhau của ngôn ngữ. Những biến đổi ngữ nghĩa trong quá trình ngữ pháp hóa một đơn vị ngôn ngữ luôn luôn gắn liền với những phát triển về mặt ngữ pháp của nó.

 

          3. Thử nghiệm khảo sát định lượng về ngữ pháp hóa qua tiêu chí [+V], [-V] của nhóm từ vận động có hướng

          Để thuận tiện cho việc trình bày, chúng tôi ký hiệu:

          +V       : vị từ

          -V        : không phải là vị từ

          [+V]: số lần xuất hiện với tư cách vị từ

          [-V] : số lần xuất hiện với tư cách không phải là vị từ

          [V] : tổng số lần xuất hiện của +V và -V

          3.1. Sau khi khảo sát và phân tích những biến đổi ngữ nghĩa, ngữ pháp trong quá trình ngữ pháp hóa qua một từ cụ thể (đã), chúng tôi thử nghiệm khảo sát theo hướng tiếp cận định lượng về quá trình ngữ pháp hóa ở một nhóm từ làm thành tố phụ sau thành tố trung tâm của ngữ vị từ nhằm tìm kiếm thêm thông tin để có thể hình dung rõ hơn quá trình ngữ pháp hóa của nhóm từ này. Đó là tám từ ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua vốn là tám vị từ vận động có hướng[8] nhưng đã được ngữ pháp hóa, làm thành tố phụ trong ngữ vị từ, không biểu thị sự vận động, mà biểu thị hướng của vận động. Bản thân các vận động thì được biểu thị bằng vị từ trung tâm.

          Muốn kiểm chứng một từ đã ngữ pháp hóa để trở thành một yếu tố ngữ pháp tính hay chưa, chúng tôi phân tích ngữ nghĩa, ngữ pháp của nó để xem ở đó đã có những biến đổi gì, biến đổi thế nào và thái độ ngữ pháp của từ đã có những biến đổi gì, biến đổi thế nào, bởi vì, khi một từ biến chuyển thành một chỉ tố ngữ pháp tính thì tính độc lập cú pháp của nó giảm thiểu đi rất nhiều, đến mức lý tưởng là bằng zero. Mức độ độc lập cú pháp zero là một trong những biểu hiện để ta đánh giá mức độ ngữ pháp hóa cao nhất của nó.

          Các từ ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua đều có nét nghĩa “hướng không gian” nên khi được ngữ pháp hóa thành những yếu tố ngữ pháp, chúng được phân bố ở vị trí thành tố phụ chỉ hướng cho những vị từ vận động khi chúng (các vị từ đó) có đòi hỏi biểu thị nét nghĩa “hướng không gian”, chẳng hạn như: đi, bò, bay, chạy... hoặc: dẫn, dắt, đẩy, quăng... Mặt khác, khi làm thành tố phụ cho các vị từ trung tâm biểu thị tư thế như: đứng, ngồi, cầm, giữ, đẹp, tươi... các từ chỉ hướng đó điều biến ngữ nghĩa và ngữ pháp của các vị từ, làm cho chúng có nét nghĩa “vận động, quá trình” (ví dụ: đứng lên, ngồi xuống, cầm vào, giữ lại, đẹp ra, tươi lên...).

          Như chúng tôi vừa nêu bên trên, khi nhóm vị từ (ký hiệu là +V) vận động có hướng này đảm nhiệm vai trò làm thành tố phụ, đứng sau vị từ trung tâm trong ngữ vị từ thì ngữ nghĩa, ngữ pháp, tư cách từ loại của chúng đã thay đổi, không còn là vị từ nữa (ký hiệu -V), biểu thị và điều biến ngữ nghĩa, ngữ pháp của vị từ trung tâm. Nhiều nhà nghiên cứu Việt ngữ học (trong số đó, chẳng hạn, Hà Quang Năng 1998; và một số nhà nghiên cứu khác) quan niệm và xử lý đây là phương thức chuyển từ loại, tạo thành từ mới; và dường như hàm ý rằng: có thể xử lý chúng như những cặp từ đồng âm, ví dụ: ra1 [+V] (vị từ) và ra2 [-V] (không phải là vị từ).

          3.2. Ngữ liệu khảo sát

          a) Chúng tôi chọn ngẫu nhiên 10 nguồn ngữ liệu làm mẫu khảo sát, nhưng có định hướng là chọn trong bốn giai đoạn lịch sử: tiếng Việt cổ, tiếng Việt trung đại, tiếng Việt cận đại, tiếng Việt hiện đại. Theo đó, các nguồn ngữ liệu cụ thể gồm các văn bản: Phật thuyết (Pth.), Khóa hư lục (KhL.), Quốc âm thi tập (Qâtt.), Lịch sử nước Annam (LsAn.), Thư thế kỉ 18 (Thư18.), Truyện Kiều (TK.), Chuyện đời xưa (Chđx.), Thầy Lazarô Phiền (LPhiền.), Tố Tâm (Ttâm.), Dictionnaire de fréquence du Vietnamien (Từ điển tần số tiếng Việt: TĐts.).   

          Trong các nguồn ngữ liệu này, Từ điển tần số tiếng Việt là một đại diện cho tiếng Việt hiện đại, vì nó được xây dựng trên cơ sở các loại văn bản trong thời gian từ 1956 đến 1972, bao gồm: văn chương, báo chí, thơ, kịch, văn học thiếu nhi, tác phẩm của Hồ chí Minh. Danh sách từ ngữ của từ điển này gồm 17.781 đơn vị, với tổng tần số - độ dài văn bản, là 494.715 lượt từ (Nguyễn Đức Dân 1980).

          b) Chúng tôi sẽ thống kê số lần xuất hiện với tư cách vị từ ([+V]) và số lần xuất hiện với tư cách không phải vị từ ([-V]) của ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua trong các nguồn ngữ liệu và xem xét tương quan giữa tỷ lệ giữa [-V] với [V], giữa [+V] với [V], giữa [-V] với [+V] của từng từ trong từng nguồn và các nguồn ngữ liệu ở từng giai đoạn lịch sử được khảo sát để đánh giá về chiều hướng và mức độ ngữ pháp hóa của các từ trong nhóm.

          3.3. Kết quả khảo sát 9

          3.3.1. Khảo sát ba nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt cổ, gồm: I. Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, II. Khóa hư lục,III. Quốc âm thi tập. Kết quả cụ thể là như sau:

Bảng 1: [+V], [-V] trong các nguồn ngữ liệu I., II., III và tỷ lệ [+V] : V, [-V] : [V]  

 

I[9]

 

II

 

III

 

I + II +III

 

Tỷ lệ

 

ra +V 17 11 1 29 28 %
-V 9 64 0 73 72%
vào +V 6 17 1 24 43 %
-V 1 31 0 32 57 %
lên +V 0 10 2 12 41 %
-V 0 17 0 17 59 %
xuống +V 0 3 0 3 20 %
-V 0 12 0 12 80 %
về +V 6 34 22 62 65 %
-V 9 21 3 33 35 %
lại +V 8 8 3 19 10,5 %
-V 23 100 39 162 89,5 %
sang +V 0 2 2 4 80 %
-V 0 1 0 1 20 %
qua +V 18 7 43 68 86 %
-V 0 5 6 11 14 %

          Về nguyên tắc, tỷ lệ [-V] càng cao hơn [+V] thì mức độ ngữ pháp hóa +V để thành -V càng cao; ngược lại, nếu tỷ lệ [-V] càng thấp hơn [+V] thì mức độ ngữ pháp hóa +V để trở thành -V càng thấp.

          Bảng này cho thấy số liệu khá phân tán. Nếu nhìn riêng biệt từng nguồn ngữ liệu, ta thấy:

          - Trong Phật thuyết, số liệu về ba từ lên, xuống, sang, không nói được điều gì. Số lần [-V] của về, lại cao hơn [+V] tương ứng của chúng. [-V] của ra, vào, qua đều thấp hơn nhiều/rất nhiều so với [+V] tương ứng của chúng.

          - Trong Khóa hư lục, [-V] của ra, vào, lên, xuống, lại đều cao hơn hoặc cao hơn rất nhiều so với [+V] tương ứng của chúng. Ba từ: về, sang, qua đều có [-V] thấp hơn nhiều so với [+V] tương ứng của chúng.

          - Quốc âm thi tập cho thấy một quang cảnh rất đặc biệt. Hai từ: vềqua có [-V] rất thấp so với [+V], lần lượt là: 3/22 và 6/43; trong khi đó, ở từ lại, tương quan này là 39/3. Năm từ ra, vào, lên, xuống, sang có [V] (tổng số lần xuất hiện [+V] và [-V]) trong văn bản này rất thấp (hoặc không xuất hiện: xuống) so với [V] của về, lại, qua. Rất có thể vì lý do thể loại của văn bản này là thơ.

          - Trong cả ba nguồn ngữ liệu được khảo sát, tương quan giữa [-V] với [+V] của từ lại đều nhất quán là rất cao. - Tương quan giữa [-V] với [+V] của sang, của qua trong cả ba nguồn ngữ liệu đều nhất quán là thấp hoặc rất thấp.

Tuy nhìn riêng từng từ ở từng nguồn ngữ liệu thì thấy số liệu phân tán như vậy, nhưng nếu gộp lại thành một nguồn chung lớn hơn (I + II + III) để xem xét, thì các số liệu và tương quan lại khá tập trung.

          Các từ: ra, vào, lên, xuống, lại đều có tổng [-V] cao hơn hoặc cao hơn rất nhiều so với tổng [+V]. Ba từ về, sang, qua đều có tổng [-V] thấp hơn nhiều so với tổng [+V].

Nếu tạm ước tương quan [-V] với [+V] đạt 50% ~ 50% là tương quan tới hạn, thể hiện mức độ ngữ pháp hóa 100% (vì hai bên đã có tần số sử dụng bằng nhau), thì trong các nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt cổ được khảo sát, ta có thể thấy:

          - Từ lại có mức độ được ngữ pháp hóa cao nhất; tương quan giữa [-V] với [+V] của nó là 89,5% ~ 10,5%. Tiếp theo, lần lượt là xuống, ra, lên, vào.

          - Mức độ được ngữ pháp hóa thấp nhất là qua, tiếp theo lần lượt là sang, về.

          - Mức độ ngữ pháp hóa của ba từ: về, sang, qua là chưa tới hạn.

          3.3.2. Khảo sát ba nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt trung đại, gồm: IV. Lịch sử nước Annam, V. Thư thế kỉ 18, VI. Truyện Kiều. Kết quả cụ thể là như sau:

Bảng 2: [+V], [-V] trong các nguồn ngữ liệu IV., V., VI. và tỷ lệ [+V] : V, [-V] : [V] 

 

IV

 

V

 

VI

 

IV + V + VI

 

Tỷ lệ

ra +V 17 107 74 198 58 %
-V 23 49 69 141 42 %
vào +V 15 48 23 86 48 %
-V 11 18 64 93 52 %
lên +V 24 14 18 56 63 %
-V 22 2 9 33 37 %
xuống +V 1 9 3 13 31 %
-V 4 7 18 29 69 %
về +V 22 14 51 87 37 %
-V 21 111 18 150 63 %
lại +V 0 0 9 9 2 %
-V 86 152 138 376 98 %
sang +V 10 21 10 41 72 %
-V 0 7 9 16 28 %
qua +V 1 9 9 19 65,5 %
-V 2 4 4 10 34,5 %

          Tương tự như trong các nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt cổ được khảo sát, số liệu về mức độ ngữ pháp hóa của ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua trong các nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt trung đại cũng khá tản mạn.

          Nhưng nếu gộp cả ba nguồn lại thành một nguồn chung lớn hơn (IV + V + VI) để khảo sát và đánh giá thì các số liệu và tương quan cũng khá tập trung. Các từ: vào, xuống, về, lại đều có [-V] cao hơn hoặc cao hơn rất nhiều so với [+V] (từ lại). Bốn từ: ra, lên, sang, qua đều có [-V] thấp hơn so với [+V] của chúng (nhưng ở ra, mức độ chênh lệch không nhiều). Cũng như khi phân tích số liệu bảng 1, nếu tạm ước tương quan giữa [-V] với [+V] đạt 50% ~ 50% là tương quan tới hạn, thể hiện mức độ ngữ pháp hóa 100%, thì trong các nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt trung đại được khảo sát, ta có thể thấy:

          - Chỉ có 4 từ: vào, xuống, về, lại có [-V] cao hơn [+V]; 4 từ có [-V] thấp hơn [+V] là: ra, lên, sang, qua.

          - Từ lại có mức độ được ngữ pháp hóa cao nhất; tương quan giữa [-V] với [+V] của nó là: 98% ~ 2%. Tiếp theo, lần lượt là xuống, về, vào.

          - Mức độ được ngữ pháp hóa của ra, lên, sang, qua là chưa tới hạn; trong đó mức thấp nhất là sang; tiếp theo lần lượt là qua, lên, ra.

          3.3.3. Khảo sát ba nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt cận đại

Ba nguồn ngữ liệu này gồm: VII. Chuyện đời xưa, VIII. Thầy Lazarô Phiền, IX. Tố Tâm. Kết quả cụ thể là như sau:

Bảng 3: [+V], [-V] trong các nguồn ngữ liệu VII., VIII., IX. và tỷ lệ [+V] : V, [-V] : [V] 

VII VIII IX VII + VIII + IX Tỷ lệ
ra +V 96 17 73 186 33 %
-V 156 52 165 373 67 %
Vào10 +V 59 10 23 92 31 %
-V 84 17 105 206 69 %
lên +V 22 15 13 50 30 %
-V 67 12 40 119 70 %
xuống +V 25 20 16 61 44 %
-V 27 18 32 77 56 %
về +V 81 19 55 155 47,5 %
-V 76 13 82 171 52,5 %
lại +V 24 6 9 39 8,5 %
-V 141 92 189 422 91,5 %
sang +V 0 0 7 7 70 %
-V 1 0 2 3 30 %
qua +V 16 15 9 40 45 %
-V 27 5 17 49 55 %

          Số liệu về mức độ ngữ pháp hóa của các từ đang xét trong bảng 3 tuy vẫn tản mạn, nhưng ít tản mạn hơn khá nhiều so với bảng 2 và bảng 1. Khi gộp ba nguồn riêng biệt thành một nguồn chung (VII + VIII + IX) thì các số liệu và các tương quan khá tập trung. 

          Trong bảng 3 các từ có [-V] cao hơn [+V] là: ra, vào, lên, xuống, về, lại, qua. Từ sang vẫn duy trì tình trạng có [-V] thấp hơn [+V].

          Theo cách đánh giá đã thực hiện khi phân tích số liệu ở bảng 1 và bảng 2, nếu tạm ước tương quan giữa [-V] với [+V] đạt 50% ~ 50% là tương quan tới hạn, thể hiện mức độ ngữ pháp hóa 100%, thì trong các nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt cận đại được khảo sát, chúng tôi thấy:

          - Từ lại có mức độ được ngữ pháp hóa cao nhất; tương quan giữa [-V] với [+V] của nó là 91,5% ~ 8,5%. Tiếp theo, lần lượt là: lên, vào, ra, xuống, qua, về, sang

          - Mức độ được ngữ pháp hóa thấp nhất là sang; và duy nhất từ này có mức độ ngữ pháp hóa chưa tới hạn.

          3.3.4. Khảo sát nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt hiện đại

          Nguồn ngữ liệu này, như trên chúng tôi đã trình bày, là Từ điển tần số tiếng Việt được xây dựng trên cơ sở dữ liệu gồm nhiều văn bản trong thời gian từ 1956 đến 1972 của các thể loại văn chương, báo chí, thơ, kịch, văn học thiếu nhi, tác phẩm của Hồ chí Minh. Kết quả khảo sát cụ thể là như sau:

Bảng 4: [+V], [-V] trong nguồn ngữ liệu X. Dictionnaire de fréquence  du Vietnamien                                       (Từ điển tần số tiếng Việt) và tỷ lệ [+V] : V, [-V] : [V]  

X Tỷ lệ
ra +V 863 28 %
-V 2228 72 %
vào +V 956 45 %
-V 1167 55 %
lên +V 627 24 %
-V 1954 76 %
xuống +V 319 30 %
-V 756 70 %
về +V 1105 46 %
-V 1314 54 %
lại +V 89 5 %
-V 1712 95 %
sang +V 186 63 %
-V 108 37 %
qua +V 12 2 %
-V 658 98 %

          Số liệu về mức độ ngữ pháp hóa của các từ đang xét trong bảng 4 thể hiện tình trạng tập trung và đồng hướng hơn nhiều so với bảng 1, 2, và 3. Trong bảng 4 các từ có [-V] cao hơn [+V] là: ra, vào, lên, xuống, về, lại, qua. Từ sang vẫn có [-V] thấp hơn [+V].

          Theo cách đánh giá đã thực hiện bên trên, tạm ước tương quan giữa [-V] với [+V] đạt 50% ~ 50% là tương quan tới hạn, chúng tôi thấy:

          - Trong nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt hiện đại được khảo sát, từ qua có mức độ ngữ pháp hóa cao nhất; tương quan giữa [-V] với [+V] của từ này là: 98% ~ 2%. Tiếp theo, lần lượt là các từ: lại, lên, ra, xuống, vào, về, sang.       

          - Mức độ ngữ pháp hóa thấp nhất là sang. Đây cũng là từ duy nhất trong bảng 4 có mức độ ngữ pháp hóa chưa tới hạn.

          3.3.5. Tổng hợp số liệu [+V] và [-V] của các nguồn ngữ liệu trong từng giai đoạn: tiếng Việt cổ (ký hiệu A), tiếng việt trung đại (ký hiệu B), tiếng Việt cận đại (ký hiệu C), tiếng Việt hiện đại (ký hiệu D), chúng tôi lập được bảng 5 sau đây.

Bảng 5: Tỷ lệ trung bình [+V] : [V] và [-V] : [V] của các nguồn ngữ liệu  trong từng giai đoạn

Tỷ lệ trung bình [+V] : [V] và [-V] : [V]                               trong từng giai đoạn
  A B C D
ra +V 28 % 58 % 33 % 28 %
-V 72 % 42 % 67 % 72 %
vào +V 43 % 48 % 31 % 45 %
-V 57 % 52 % 69 % 55 %
lên +V 41 % 63 % 30 % 24 %
-V 59 % 37 % 70 % 76 %
xuống +V 20 % 31 % 44 % 30 %
-V 80 % 69 % 56 % 70 %
về +V 65 % 37 % 47,5 % 46 %
-V 35 % 63 % 52,5 % 54 %
lại +V 10,5 % 2 % 8,5 % 5 %
-V 89,5 % 98 % 91,5 % 95 %
sang +V 80 % 72 % 70 % 63 %
-V 20 % 28 % 30 % 37 %
qua +V 86 % 65,5 % 45 % 2 %
-V 14 % 34,5 % 55 % 98 %

          Số liệu của bảng 5 cho thấy:

          a. Về tỷ lệ [-V] thấp hơn [+V]:

          Ngữ liệu thuộc giai đoạn tiếng Việt cổ có ba từ: về, sang, qua.

          Ngữ liệu thuộc giai đoạn tiếng Việt trung đại có bốn từ: ra, lên, sang, qua

          Ngữ liệu thuộc giai đoạn tiếng Việt cận đại, hiện đại, chỉ có từ sang

          b. Nếu so sánh ngữ liệu thuộc các giai đoạn khác nhau của từng từ một theo bảng tổng hợp này, thì quang cảnh toàn cục lại không tản mạn như khi ta nhìn một cách biệt lập vào từng bộ phận ngữ liệu trong từng giai đoạn lịch sử riêng (từng bảng 1, 2, 3, 4. bên trên). Cụ thể là:

          Những từ có [-V] luôn luôn cao hơn nhiều so với [+V] tương ứng qua cả 4 giai đoạn lịch sử là: vào, xuống, lại.           

          Hai từ ra, lên có [-V] cao hơn nhiều so với [+V] trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt cổ, tiếng Việt cận đại, hiện đại, nhưng trong ngữ liệu tiếng Việt trung đại, hai từ này lại đều có [-V] thấp hơn so với [+V].

          Từ về có [-V] thấp hơn so với [+V] trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt cổ, nhưng ở ngữ liệu tiếng Việt trung đại, cận đại, hiện đại thì luôn luôn cao hơn [+V].

          Từ qua có [-V] thấp hơn nhiều so với [+V] trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt cổ, trung đại, nhưng trong ngữ liệu tiếng Việt cận đại, đã tăng cao hơn [+V]. Trong ngữ liệu tiếng Việt hiện đại, tỷ lệ đó tăng cao đến mức tuyệt đối áp đảo, khiến tương quan giữa [-V] với [+V] là 98% ~ 2%.

          Riêng từ sang có [-V] tăng dần từ ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt cổ đến ngữ liệu tiếng Việt trung đại, cận đại và hiện đại nhưng vẫn luôn luôn thấp hơn rất nhiều so với [+V] tương ứng.  

          c. Trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt hiện đại, trừ từ sang vẫn có [-V] thấp hơn [+V], còn lại các từ khác đều có [-V] cao hơn nhiều hoặc rất nhiều so với [+V]. Điều này hàm chứa một ý: trong tiếng Việt hiện đại, trừ từ sang, tất cả các từ khác còn lại đều có mức độ ngữ pháp hóa tới hạn, trong tương quan giữa [-V] với [+V] của chúng thì [-V] đều từ 50% trở lên, thể hiện mức độ ngữ pháp hóa 100%.

          d. Ta có thể sắp xếp thứ tự các từ theo tỷ lệ [-V] của chúng từ cao xuống thấp trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt hiện đại như sau:

-V +V Tổng
qua 98% 2% 100%
lại 95% 5% 100%
lên 76% 24% 100%
ra 72% 28% 100%
xuống 70% 30% 100%
vào 55% 45% 100%
về 54% 46% 100%
sang 37% 63% 100%

          Như vậy, có thể nói rằng, quá trình ngữ pháp hóa của tất cả các từ trong nhóm được khảo sát đã diễn ra từ lâu, được ghi nhận rõ ràng trong ngữ liệu thành văn từ thời tiếng Việt cổ đến nay. Tuy nhiên quá trình đó diễn ra không đồng đều giữa các từ và giữa các giai đoạn lịch sử của Việt ngữ. Xu thế chung là mức độ ngữ pháp hóa của của các từ trong nhóm càng ngày càng tăng (theo chiều lịch đại từ thời tiếng Việt cổ đến Việt hiện đại). Từ sang là từ duy nhất có mức độ ngữ pháp hóa chưa tới hạn, xét trong ngữ liệu của từng giai đoạn lịch sử cũng vậy, mà xét trong ngữ liệu tổng hợp tất cả các giai đoạn cũng vậy.

          Từ giai đoạn tiếng Việt cận đại (cột C, bảng 5), [-V] của từ qua tăng cao, tới hạn; và đến ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt hiện đại (cột D, bảng 5), tỷ lệ [-V] của nó đạt mức tuyệt đối áp đảo so với tỷ lệ [+V], là 98% ~ 2%.

          3.3.6. Bên trên, trong các bảng 1, 2, 3, 4, 5, chúng tôi mới chỉ phân biệt các vị từ [+V] hữu quan và quá trình ngữ pháp hóa thành [-V] tương ứng của chúng để đánh giá theo định lượng các mức độ ngữ pháp hóa đó qua những giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong mỗi đơn vị [+V] được ngữ pháp hóa thành đơn vị có cương vị [-V] đó, có thể chứa nhiều nội dung ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng khác nữa, chứ không phải chỉ có nghĩa ngữ pháp “chỉ hướng” cho vị từ trung tâm, điều biến các thái độ ngữ pháp cho vị từ trung tâm.

          Xét từ lại chẳng hạn, ta có thể thấy:

          - Trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt cổ (bảng 1), tương quan giữa [-V] với [+V] của nó ở ba nguồn ngữ liệu Phật thuyết, Khóa hư lục, Quốc âm thi tập lần lượt là 23/8, 100/8, 39/3.

          Nhưng nếu tính [-V] là thành tố phụ đứng sau vị từ trung tâm, biểu thị nét nghĩa“hướng” của vị từ trung tâm, thì số lần xuất hiện của nó chỉ lần lượt là:

          0/23 (trong 23 lần là [-V], không có lần nào là thành tố phụ đứng sau vị từ trung tâm)

          37/100 (trong 100 lần là [-V], chỉ có 37 lần là thành tố phụ đứng sau vị từ trung tâm)

          5/39 (trong 39 lần là [-V], chỉ có 5 lần là thành tố phụ đứng sau vị từ trung tâm).

          - Trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt trung đại (bảng 2), tương quan giữa [-V] với [+V] của từ lạiLịch sử nước Annam, Thư thế kỉ 18, Truyện Kiều lần lượt là 86/0, 152/0, 138/9. Nếu tính [-V] là thành tố phụ sau vị từ trung tâm, biểu thị nét nghĩa “hướng” của vị từ trung tâm, thì số lần xuất hiện của nó chỉ lần lượt là 7/86, 44/152 và 17/138.

          - Trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt cận đại (bảng 3), tương quan giữa [-V] với [+V] của nó ở Chuyện đời xưa, Thầy Lazarô Phiền, Tố Tâm lần lượt là 141/24, 92/6, 189/9. Nếu tính [-V] là thành tố phụ sau vị từ trung tâm, biểu thị nét nghĩa “hướng” của vị từ trung tâm, thì số lần xuất hiện của nó lần lượt là 116/141, 48/92 và 16/189.

          Điều này cần được lưu ý phân biệt khi phân tích về quá trình ngữ pháp hóa các từ hữu quan khi chúng trở thành thành tố phụ biểu thị nét nghĩa “hướng” cho vị từ trung tâm.

 

          4. Nhận xét, thảo luận 

          Từ nhận thức về lý thuyết ngữ pháp hóa và một số phân tích cụ thể trình bày trên đây, bước đầu, chúng tôi thấy có thể rút ra mấy nhận xét sau đây.

          4.1. Ngữ pháp hóa là hiện tượng thực tế trong lịch sử biến đổi và phát triển của tiếng Việt. Cả lý thuyết ngữ pháp hóa lẫn thực tế ngôn ngữ được khảo sát đều thể hiện rằng, trong quá trình ngữ pháp hóa một đơn vị ngôn ngữ, biến đổi về ngữ nghĩa của nó luôn luôn có vai trò quan trọng hàng đầu.

          Bằng bất kỳ một phương thức nào đó thích hợp, các diễn biến ngữ nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ vốn là đơn vị tự nghĩa (autosemantic) đi đến chỗ làm cho một nghĩa ngữ pháp (grammatical meaning) được xây dựng, phát triển (từ nghĩa từ vựng - lexical meaning của chính nó). Về vấn đề này, Lehmann C. (1995: 121-122) cho rằng trong quá trình ngữ pháp hóa, tính độc lập (autonomy) của ký hiệu ngôn ngữ (cũng có thể hiểu là tính thực từ của nó) được chuyển sang tính ngữ pháp của nó. Vì thế, cái đặc trưng của ngữ pháp hóa là quá trình giải tỏa ngữ nghĩa (desemanticization), hay cũng còn gọi là quá trình tẩy trắng ngữ nghĩa (bleaching), quá trình hư hóa (emptying), quá trình rụng nghĩa (loss). Nói cụ thể hơn, thì diễn biến quan trọng nhất về mặt ngữ nghĩa của đơn vị được ngữ pháp hóa là các quá trình mở rộng, hay thu hẹp nghĩa, và/hoặc giải tỏa, bào mòn ngữ nghĩa. Ngữ pháp hóa làm cho tính độc lập của ký hiệu ngôn ngữ giảm thiểu đi. Vì vậy, muốn lượng định mức độ ngữ pháp hóa của một ký hiệu ngôn ngữ, ta phải xác định được mức độ độc lập cú pháp của nó. Nghiên cứu trường hợp về một từ đã như trình bày bên trên là một ví dụ.

          Tuy nhiên, biến đổi ngữ nghĩa của đơn vị ngôn ngữ dù rất quan trọng, vẫn chưa phải là tất cả. Chỉ khi nào những biến đổi ngữ nghĩa (xem như mặt bên trong của đơn vị ngôn ngữ) được “vật chất hóa” bằng chất liệu ngôn ngữ trên bình diện ngữ pháp, tức là được biểu hiện ra “một cách ngữ pháp” thì lúc đó ta mới có một quá trình ngữ pháp hóa đầy đủ, hoàn chỉnh. Ngữ pháp hóa một đơn vị ngôn ngữ là quá trình phức hợp, không phải là sự chuyển đổi các thuộc tính ngữ nghĩa, ngữ pháp của nó một cách ngẫu nhiên, không dựa trên nguyên tắc hoặc cơ sở nào. Bên cạnh đó, các nhân tố ngữ dụng, tình thái cũng có đóng góp vào các quá trình ngữ pháp hóa.

          4.2. Từ đầu thế kỷ XX với công trình của Meillet A. “L’evolution des formes grammaticales (1912, theo Bussmann 1996) đến nay, lý thuyết ngữ pháp hóa từng được ứng dụng trong các nghiên cứu như: sự đánh dấu về giới/giống (gender), về đại từ, về dấu hiệu [± chuyển sở chỉ] (switch reference), cấu trúc động từ chuỗi (serial verb constructions), sự biểu đạt tình thái và nhận thức, liên từ biểu thị nghĩa nhân nhượng và điều kiện, liên từ chỉ nguyên nhân, thái trung tính (middle voice) và tính phản chỉ (reflexivity) (Bussmann 1996: 196-197). Vào những năm 1980 - 1990 cho đến những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, những người quan tâm đến lý thuyết ngữ pháp hóa đều đã biết đến các công trình của khá nhiều nhà nghiên cứu ở nước ngoài như: Sweetser E. (1988), Hopper P.J. (1991), Traugott E.C., Heine B. (1991), Rubba J. (1994), Lehmann C. (1995), Joseph B. (2001), Bisang  W. (1996, 2004), Hopper P.J., Traugott E.C. (2003), Bjorn Wiemer and Walter Bisang W. (2004), Lehmann V. (2004)... Nhưng rõ ràng, trong các vấn đề được nghiên cứu đó, có những cái mang tính phổ quát, có những cái chỉ mang tính bộ phận; và thực ra, thì phần lớn trong lý thuyết ngữ pháp hóa đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu các ngôn ngữ biến hình. 

          Trong nghiên cứu Việt ngữ, vấn đề ngữ pháp hóa đã được đề cập hoặc nhắc đến trong một số công trình, nhưng còn rất ít (ví dụ, Nguyễn Lai 1990, Trần Thị Nhàn 2009). Nếu như trong các ngôn ngữ biến hình, tiến trình ngữ pháp hóa một yếu tố ngôn ngữ có thể trải qua các giai đoạn (xếp theo mức độ tăng dần của tính ngữ pháp): Đơn vị từ vựng tự do Hư từ Phụ tố zero (Wischer 2006: 129), thì tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, không biến hình, có những nétriêng, do chính những đặc điểm loại hình của nó quyết định. Việt ngữ không có một phương tiện hình thái nào (hiểu theo đúng nghĩa nghiêm nhặt của thuật ngữ này) để biểu thị các quan hệ ngữ pháp, ý nghĩa ngữ pháp, phạm trù ngữ pháp. Để biểu thị những thứ đó, về căn bản, nó dựa vào phương tiện hư từ, trật tự từ. Trật tự từ, hiểu một cách rộng ra, còn là các khả năng kết hợp, là sự đối đãi giữa các từ/ngữ với nhau trên ngữ đoạn. Thành thử, các biến chuyển của từ/ngữ trong quá trình ngữ pháp hóa của chúng được thực hiện, được diễn ra trong quá trình lập thức về mặt cú pháp, thể hiện các khả năng kết hợp từ vựng và kết hợp ngữ pháp của chúng. Đây là những biểu hiện căn bản nhất của ngữ pháp hóa trong tiếng Việt.

          Các quá trình ngữ pháp hóa của tiếng Việt và kết quả của các quá trình ngữ pháp hóa đó không cho ta các phụ tố, mà cho ta những thay đổi về bản chất, thuộc tính ngữ pháp của từ, về thái độ ngữ pháp của từ (đơn vị được ngữ pháp hóa) cùng những kết quả ngữ nghĩa và/hoặc tình thái và/hoặc ngữ dụng. Những danh từ, vị từ được ngữ pháp hóa trở thành yếu tố ngữ pháp tính, có thuộc tính ngữ nghĩa và ngữ pháp của từ công cụ (hư từ) như: cho, của, không, hết, ra, vào ... đều là những ví dụ tiêu biểu của hiện tượng ngữ pháp hóa trong Việt ngữ.       

Cũng như trong các ngôn ngữ khác, nội dung ngữ pháp hóa trong tiếng Việt khá phong phú. Trật tự từ, các đánh dấu dụng học về tính thái, hàm ngôn, tiền giả định, chuyển nghĩa và “chuyển từ loại” (trong giới hạn trở thành yếu tố ngữ pháp tính biểu thị nghĩa ngữ pháp)... đều là những nội dung cần được quan tâm trong lý luận về ngữ pháp hóa.

          4.3. Quá trình ngữ pháp hóa các vị từ: đã, ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua thành các phó từ làm thành tố phụ sau vị từ trung tâm trong ngữ vị từ, có thể thấy rõ được qua các phân tích theo chiều lịch đại, qua các diễn biến ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng của chúng. Quá trình hình thành, biến chuyển của các phó từ này, một mặt có thể làm rõ được bằng lý thuyết ngữ pháp hóa, mặt khác, chính nó có thể làm rõ thêm cho lý thuyết về ngữ pháp hóa, một vấn đề vừa có những nét chung bản chất trong mọi ngôn ngữ, vừa có những nét riêng trong mỗi ngôn ngữ.

          Như bên trên chúng tôi đã trình bày, ngữ pháp hóa trong tiếng Việt dựa trên nền tảng của của các biến đổi ngữ nghĩa. Các phương thức ẩn dụ, hoán dụ, sự mở rộng hay thu hẹp ngữ nghĩa... vừa là công cụ dẫn đường, vừa là phương thức thực hiện cho các quá trình biến đổi đó. Nói cách khác, ở đây, biến đổi về ngữ pháp dựa trên nền tảng và bắt đầu từ biến đổi ngữ nghĩa, bởi vì phương tiện quan trọng hàng đầu để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp, quan hệ ngữ pháp, thể hiện tình thái và ngữ dụng của tiếng Việt, chủ yếu là nhờ các phương tiện từ vựng.

          Điều này có thể thấy rất rõ khi ta nghiên cứu ngữ pháp hóa qua các giai đoạn lịch sử ngôn ngữ khác nhau, bởi vì nhìn theo chiều thời gian lịch sử, tính quá trình của vấn đề dễ bộc lộ hơn. Tại một lát cắt đồng đại nào đó, thì sẽ khó thấy được tính quá trình của của ngữ pháp hóa hơn.

          4.4. Các phân tích về quá trình biến đổi ngữ nghĩa và những tương quan định lượng giữa [-V] với [+V] của một nhóm phó từ làm thành tố phụ sau vị từ trung tâm trong ngữ vị từ cho phép đánh giá rằng: trong tiến trình lịch sử từ thời tiếng Việt cổ đến tiếng Việt hiện đại, mức độ ngữ pháp hóa của mỗi từ trong nhóm 8 từ: ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua, tuy có lúc, có chỗ không đồng đều, nhưng xu hướng chung là mức độ ấy càng ngày tăng. Trong 8 từ này, sang là từ duy nhất luôn luôn có tương quan giữa [-V] với [+V] không đạt tới hạn (50% ~50%) trong tất cả các giai đoạn lịch sử, từ tiếng Việt cổ đến tiếng Việt hiện đại.

          Thành tố phụ của các ngữ vị từ trong tiếng Việt, là vấn đề rất phức tạp. Các nghiên cứu về ngữ vị từ đều cho thấy điều đó. Các thành tố phụ đó gồm những gì ? Những từ ngữ nào có thể tham gia làm thành tố phụ ở đó ? Có điều chắc chắn rằng trong ngữ vị từ, khi một thực từ được “điều động” vào làm thành tố phụ cho vị từ trung tâm thì các từ đó đã được ngữ pháp hóa (với những mức độ, những điểm tới hạn khác nhau). Tuy nhiên, khi một đơn vị làm thành tố phụ trong ngữ vị từ, đã được ngữ pháp hóa, mà các loại nghĩa, nội dung tình thái, ngữ dụng của nó vẫn còn liên hệ với nhau, đan xen vào nhau rất khó tách bạch, thì xử lý như thế nào, là việc không đơn giản. Nếu nhìn nhận vấn đề thuần túy từ góc độ cấu trúc ngữ đoạn thì có thể ưu tiên dựa vào các tiêu chí hình thức, tiêu chí phân bố trên trục kết hợp, các khả năng kết hợp ngữ pháp. Nhưng các vấn đề “bên trong cấu trúc”, vấn đề nội dung ngữ nghĩa, tình thái, dụng học vẫn là những thành phần không thể bỏ qua hoặc xem nhẹ. Mối liên hệ về nghĩa giữa [+V] với [-V] ở những trường hợp như chúng tôi khảo sát và phân tích bên trên chưa hoàn toàn chấm dứt; mà câu hỏi “liệu bao giờ có thể chấm dứt” thì không ai có thể lượng định trước được, mặc dù mức độ ngữ pháp hóa, mức độ “ngữ pháp tính” của chúng rõ ràng là càng ngày càng tăng.

          Những phân tích về một vài hiện tượng ngữ pháp hóa trình bày trong bài này, hy vọng có thể là một thử nghiệm hữu ích, giải thích cho việc “phó từ hóa” một số từ khi chúng làm thành tố phụ trong ngữ vị từ; và cũng có thể có thêm một vài hàm ý về các quá trình ngữ pháp hóa trong tiếng Việt nói chung./.

Vũ Đức Nghiệu

(Tác giả gửi Web Khoa Văn học)

Bài đã đăng tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn; Tập 5, Số 6 (2019), tr.660-684.

 

Danh sách các nguồn ngữ liệu được khảo sát 

VIẾT TẮT TÊN ĐẦY ĐỦ VÀ NGUỒN CỦA NGỮ LIỆU
1. Chđx. Chuyện đời xưa. Trương Vĩnh Ký (1866); Nhà sách Khai trí, Sài gòn, 1962.
2. ChđiBk Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876. Trương Vĩnh Ký. “http://vi.wikisource.org/w/index.php?title=Chuyến_đi_Bắc_Kỳ_năm_Ất_Hợi_1876&          oldid=29918
3. Cưtrần. Cư trần lạc đạo phú. Trong sách Thiền tông bản hạnh. (Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải). Nxb Văn học; Hà Nội, 2009. Sách Chữ Nôm: nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến; Đào Duy Anh Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975.
4. Đthú. Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Trong sách Thiền tông bản hạnh. (Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải); Nxb Văn học; Hà Nội, 2009; và sách Chữ Nôm: nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến; Đào Duy Anh Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975.
5. HYên. Vịnh Hoa yên tự phú. Trong sách Thiền tông bản hạnh. (Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải); Nxb Văn học; Hà Nội, 2009.
6. KhL. Khoá hư lục (Thiền tông khóa hư ngữ lục). Trần Trọng Dương khảo cứu, phiên chú; Nxb Văn học, Hà Nội, 2009.
7. LPhiền. Thầy Lazaro Phiền. Nguyễn Trọng Quản. (1887). (Bản PDF của Nguyễn Văn Trung, Montréal, tháng1, 1999). https://cvdvn.files.wordpress.com/2017/10/thay-lazaro-phien.pdf
8. LsAn. Lịch sử nước Annam (Bentô Thiện). Trong sách Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 -1659; Đỗ Quang Chính, Nxb Tôn giáo, 2008; và Tủ sách Ra khơi, Sài gòn,1972.
9. NHdn. Nam hải dị nhân. 1912; Phan Kế Bính;Nxb Trẻ, Hà Nội, 1988.
10. Phgi. Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh đức chúa blời. A. de Rhodes.  Tủ sách Đại kết, 1993.
11. Pth. Phật thuyết phụ mẫu đại báo ân trọng kinh. (Hoàng Thị Ngọ phiên âm, chú giải; Trong sách:  Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết phụ mẫu đại báo ân trọng kinh. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, 2002).
12. Qâtt. Quốc âm thi tập. Nguyễn Trãi. Trong sách Nguyễn Trãi: Quốc âm từ điển. Trần Trọng Dương; Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2014.
13. Sss. Sách sổ sang chép các việc. Philiphê Bỉnh. Viện Đại học Đà Lạt, 1968.
14. tđRhode. Từ điển Annam - Lusitan - Latinh. (Từ điển Việt - Bồ đào nha - Latinh. Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm, et Lainvm ope) A.de. Rhodes. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.
15. TĐts. Dictionnaire de fréquence du Vietnamien (Từ điển tần số tiếng Việt). Nguyễn Đức Dân. Université de Paris VII, 1980.
16. Thư18. Thư thế kỷ XVIII.                                                                                                               Gồm các văn bản (vb.) thư số 6 đến thư số 40; trong sách Chữ quốc ngữ thế kỷ XVIII. Đoàn Thiện Thuật sưu tầm và chủ biên. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008.
17. TK. Truyện Kiều. Trong sách Tư liệu Truyện Kiều: Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh. Nguyễn Tài Cẩn. Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2008.
18 Ttâm. Tố Tâm. Hoàng Ngọc Phách (1922), (kể cả lời nói đầu của tác giả); Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1988.
19 TkMl. Truyền kỳ mạn lục giải âm. Nguyễn Quang Hồng phiên âm, chú giải; Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001.                       

 

Tài liệu trích dẫn

Bisang W. 1996. "Areal typology and grammaticalization: Processes of grammaticalization based on Noun and Verb in East and mainland South East Asian languages." pp. 519-597 in Studies in Language 20: 3. University of Mainz.

     2004. “Grammaticalization without coevolution of form and meaning: The case of tense-aspect-modality in East and mainland Southeast Asia.” pp. 109-129 in What makes Grammaticalization? A look from its Fringes and its Components. Walter Bisang, Nikolaus P. Himmelmann, Bjorn Wiemer (Editors). Mouton de Gruyter. Berlin. NewYork.

Bjorn Wiemer and Walter Bisang. 2004. “What makes grammaticalization? An appaisal of its component and its fringes.” in What makes Grammaticalization? A Look from its Components. Ed. by W.Bisang, N.P. Himmelmann, B. Wiemer. Mouton de Gruyter Berlin, New York.

Bussmann H.1996. Routledge Dictionary of Language and Linguistics. (Translated and edited by G. P. Trauth, Kerstin Kazzazi). Foreign Language Teaching and Research Press.

Cadiere L. 1958. Syntaxe de la langue Vietnamiene. EFEO, vol. XLII. Paris: Ecole Française d’ Extrême Orient.

Cao Xuân Hạo. 1986.Một số biểu hiện của cách nhìn Âu châu đối với cấu trúc tiếng Việt.” Trang 225-264 trong sách Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục.

Dik Simon C. 2005. Functional Grammar -Ngữ pháp chức năng. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Diệp Quang Ban. 2005. Ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục.

Hà Quang Năng.1998. "Chuyển loại, một phương thức cấu tạo từ". Trang 143-195 trong sách Từ tiếng Việt hình thái - cấu trúc - từ láy - từ ghép - chuyển loại (Hoàng Văn hành chủ biên). Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

Hopper P.J. 1991. "On some principles of grammaticalization."Vol.I; Amsterdam/Philadenphia, pp. 17-35 in Traugott E.C. & Heime B. (eds). Approaches to grammaticalization. John Benjamins.

Hopper P.J. Traugott E.C. 2003. Grammaticalization. 2nd editiuon. Cambridge: Cambridge University Press.

Joseph B. 2001. "Is there such a thing as “grammaticalization”?" Language Sciences 23:163-186.

Lehmann C., 1995. 1995. Thoughts on Grammaticalization. (Lincom Studies in Theoretical Linguistics 1). Mununich/Newcastle: Lincom Europa.

Lehmann V. 2004. "Grammaticalization via extending derivation". pp. 169-186. In:  What makes Grammaticalization ? A look from its Fringes and its Components. (Walter Bisang, Nikolaus P. Himmelmann, Bjorn Wiemer - Editors). Mouton de Gruyter. Berlin. NewYork.

Nguyễn Anh Quế. 1988. Hư từ trong tiếng việt hiện đại. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

Nguyễn Đức Dân. 1980. Dictionnaire de fréquence du Vietnamien (Từ điển tần số tiếng Việt). Université de Paris VII.

Nguyễn Kim Thản. 1975. Động từ trong tiếng Việt. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

Nguyễn Lai. 1990. Nhóm từ chỉ hướng vận động tiếng Việt hiện đại. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

Nguyễn Tài Cẩn. 1975. Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng - từ ghép - đoản ngữ). Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

     2008. Tư liệu Truyện Kiều: Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục.     

Panfilov V.S. 1993 (2008). Cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục.

Rubba J. 1994. Grammaticalization as semantic change: A case study of preposition development. Bejamins.

Sweetser E. 1988. Grammaticalization and semantic bleaching. Proceeding of Annual Meeting of the Berkeley Linguistic Society. pp.389-405.

Traugott E.C., Heine B. 1991. Approaches to Grammaticalization. Benjamins. Amsterdam, Philadenphia.

Trần Thị Nhàn. 2009. Lý thuyết ngữ pháp hóa và thực trạng ngữ pháp hóa một số từ trong tiếng Việt. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

Vũ Đức nghiệu. 2019.  "Góp thêm ý kiến về ngữ vị từ và động ngữ tiếng Việt". Tạp chí Ngôn ngữ 4: 27 - 42.

Washizawa Takuya. 2018. "Nghiên cứu đối chiếu các hư từ Hán văn chuyển dịch sang các hư từ văn Nôm trong tác phẩm song ngữ Hán Nôm Truyền kỳ mạn lục". Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học. Đại học Quốc gia Hà Nội.

Wischer, I. 2006. Grammaticalization. Encyclopedia of Language &Linguistics; second edition. Keith Brown (Editor in chief)

Быстров И.С. Нгуен Тай Кан Станкевич Н.В. 1975. Грамматика Вьетнамского языка. Лениград.

 


[1] Trong bài này tôi dùng thuật ngữ ngữ vị từ chứ không dùng động ngữ, vì dùng thuật ngữ vị từ thay cho động từ và tính từ. Động từtính từ như quen gọi trước nay, là hai tiểu loại của vị từ. Xin xem: Dik, Simon C. 2005; Cao Xuân Hạo 1986 .

[2] Trong bài này, tên các nguồn ngữ liệu được khảo sát đều được ghi chỉ dẫn bằng chữ viết tắt. Xin xem danh sách các nguồn ngữ liệu đó cùng với quy ước viết tắt ở cuối bài.

[3] PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ đã giúp tôi kiểm tra đối chiếu giữa văn bản Nôm với văn bản Hán văn về các tương ứng đã - này. Xin trân trọng cảm ơn Chị.

[4] TS. Trần Trọng Dương đã giúp tôi kiểm tra đối chiếu các tương ứng Nôm - Hán của Khóa hư lụcTruyền kỳ mạn lục được phân tích trong đoạn này. Xin trân trọng cảm ơn Anh.

[5] Sở dĩ có thể nói như vậy được là vì so sánh văn bản Phật thuyết với Khóa hư lụcTruyền kỳ mạn lục ta thấy, trong Phật thuyết có kết cấu V + đã (= V xong) nhưng không có: V + rồi, V + đà/đã rồi, V + đoạn rồiV + đã đoạn rồi như trong Khóa hư lục và/hoặc Truyền kỳ mạn lục. Ngược lại, trong Khóa hư lục và/hoặc Truyền kỳ mạn lục có các kết cấu V + rồi, V + đà/đã rồi, V + đoạn rồiV + đã đoạn rồi, mà trong Phật thuyết lại hoàn toàn chưa thấy xuất hiện các kết cấu này.  

[6] Trong lời chú giải văn bản, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (2008: 494) cho rằng trong câu: Thổ quan theo vớt vội vàng, thì đà đắm ngọc chìm hương đã rồi “Chắc chữ mất viết tắt đã bị mờ và bị tưởng nhầm là đã. Hay là phải hiểu cách như sau: - Đà là “cái sức lao ra phía trước”; - Và cái việc lao ra trước đó đã rồi, nghĩa là “đã xong hẳn”. Phải nghĩ đến cách hiểu đó cũng là để cho hết nhẽ, chứ có phần chắc là mất đã nhầm thành đã. Trương Vĩnh Ký, người đồng thời và chịu nhiều ảnh hưởng của Duy Minh Thị cũng đọc mất”.

Với chú giải này, Nguyễn Tài Cẩn giải thuyết đã rồi có nghĩa là kết thúc rồi, đã xong hẳn, nhưng ông chưa xác quyết và vẫn nghiêng về phía cho rằng từ đã ở đây là do tưởng nhầm từ mất bị mờ trên văn bản mà ra. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu thuyết giải theo cách hiểu thứ nhất vừa nêu trên (cả tổ hợp đã rồi đóng vai trò của phó từ đứng sau thành tố trung tâm đắm ngọc chìm hương”, sẽ là hữu lý, vì cấu trúc của ngữ đoạn ở đây là đà (đã) + V + đã rồi (= rồi/ đã xong hẳn). Theo đó, câu này được hiểu là: “Thổ quan vội vàng ra vớt thì [nàng Kiều] đã đắm ngọc chìm hương đã rồi (hẳn rồi, không còn thấy gì nữa). Tổ hợp đã rồi này cũng như đã rồi trong ngữ cảnh (1), (2), (3), (4), (5) trong Truyền kỳ mạn lục đã nêu trên. 

Hơn trăm năm trước, Trương Vĩnh Ký, Duy Minh Thị đều xử lý và hiểu là “đã đắm ngọc chìm hương mất rồi” thì chứng tỏ: vào thời đó, nghĩa thực từ của đã đã rất mờ, quá trình ngữ pháp hóa của đã đã đến giới hạn của nó.

Đối với ngữ đoạn đã rồi trong câu “ăn năn thì sự đã rồi”, không có khả năng hiểu theo cách thứ nhất nêu bên trên (cả tổ hợp đã rồi thực hiện vai trò của phó từ, làm thành tố phụ cho vị từ trung tâm; trong khi, trước đã rồi ở đây thì không có vị từ nào), mà có thể hiểu theo cách thứ hai hoặc thứ ba đều được. Sự đã rồi là một tiểu cú, cho nên đã rồi phải là một ngữ vị từ, trong đó, nếu đã là vị từ (= xong hẳn, kết thúc rồi), thì rồi là phó từ đứng sau vị từ đã; nếu rồi là vị từ (= đã xong, đã hết sạch rồi) thì đã là phó từ đứng trước vị từ rồi (so sánh với ngữ liệu trong văn bản Cư trần lạc đạo: “Miễn cóc một lòng, thì rồi mọi hoặc”[= hết, không còn mọi điều sai trái]). Căn cứ vào ngữ cảnh rộng trong văn bản Truyện Kiều và mức ngữ pháp hóa của đã như vừa nêu trên đây, chúng tôi thiên về cách hiểu: sự đã rồi = (mọi việc, chuyện, sự biến) đã hết rồi, qua đi rồi, không còn nữa. Từ rồi ở đây là vị từ.

[7] Cụ thể là: Đã mà, canh tàn trà hết (TkMl.q1. tr.13b). Đã mà gió tạnh sông lặng (TkMl.q1. tr.59a). Đã mà bớt đèn tới nằm (TkMl.q1. tr.61a). Đã mà bèn để quan trở về (TkMl.q2. tr.3a). Đã mà con trẻ đội Lăng Ba phân hàng mà múa (TkMl.q2. tr.56b). Đã mà tiếng nhạc dấy (TkMl.q3. tr.44b). Đã mà tiệc ghẽ nhau bèn thôi (TkMl.q4. tr.3a). Đã mà họ Nguyễn ắt sinh con gái (TkMl.q4. tr.26b). Đã mà nhà bếp dâng cỗ, phô bày đài nậm (TkMl.q1. tr.57b).

[8] Các thuật ngữ để gọi nhóm vị từ này có thể khác nhau giữa các nhà nghiên cứu khi phân loại vị từ/động từ và miêu tả cấu trúc của ngữ vị từ/động ngữ. Ví dụ: Cadiere (1958) gọi là động từ chuyển động (verbes de mouvements); Nguyễn Kim Thản (1975) gọi nhóm này là các động từ phương hướng vận động; nhóm tác giả Быстров, Нгуен Тай Кан, Станкевич (1975) gọi đây là các động từ phương hướng chuyển động; Nguyễn Tài Cẩn (1975: 282) gọi là các động từ chỉ sự chuyển động có phương hướng; Nguyễn Lai (1990) gọi là các từ chỉ hướng vận động...

[9] Năm 2017, Mai Thùy Linh bảo vệ một luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngữ pháp hóa các phụ từ đứng sau trung tâm động ngữ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Luận văn này nghiên cứu cùng hướng với chúng tôi và có khảo sát nhóm từ ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua trong 9 văn bản, trong đó có 6 văn bản (Phật thuyết, Khóa hư lục, Quốc âm thi tập, Lịch sử nước Annam, Truyện Kiều, Thầy Lazarô Phiền) chúng tôi cũng khảo sát. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Mai Thùy Linh không trùng với số liệu của chúng tôi, vì tiêu chí thống kê có phần không đồng nhất.

SGGP - Sáng nay 15-12, tại Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) và Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế: “Ngôn ngữ học Việt Nam - những chặng đường phát triển và hội nhập Quốc tế”. 
 Hội thảo quốc tế: “Ngôn ngữ học Việt Nam - những chặng đường phát triển và hội nhập Quốc tế”
 
Hội thảo quốc tế: “Ngôn ngữ học Việt Nam - những chặng đường phát triển và hội nhập Quốc tế”Tham dự buổi hội thảo là các nhà khoa học, các Nghiên cứu sinh của Việt Nam và các nước: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…Hội thảo là diễn đàn học thuật nhằm kết nối các nhà khoa học trong nước và quốc tế trình bày các kết quả nghiên cứu về ngôn ngữ trên thế giới hiện nay và việc ứng dụng vào thực tiễn nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam và khu vực qua các chặng đường giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ - văn hóa.Hội thảo đã phân nhánh thành 4 Tiểu ban: Ngôn ngữ học lý thuyết; Ngôn ngữ học liên ngành; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, lịch sử tiếng Việt và phương ngữ; Ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng và ngôn ngữ học so sánh đối chiếu. 

Ngành ngôn ngữ học Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ảnh 1GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ trình bày tham luận: Các tiểu từ tình thái cuối câu trong tiếng Việt nhìn từ góc độ "dị thanh"

Qua hội thảo, có thể hình dung được sự phong phú của các vấn đề nghiên cứu mà các tác giả đã đặt ra và đang chờ đợi những trao đổi khoa học của những người tham gia.

Các báo cáo được chọn trình bày tại hội thảo sẽ gợi lên những trao đổi, thảo luận sâu sắc, mới mẻ để Ngôn ngữ học Việt Nam nói riêng và ngành Ngôn ngữ học nói chung nhìn lại và mở thêm ra những xu hướng nghiên cứu về các góc độ của ngôn ngữ học (cả ngôn ngữ học lý thuyết và ngôn ngữ học ứng dụng). 

Những lĩnh vực nghiên cứu mà các tác giả khơi dậy và bàn luận trong Hội thảo này sẽ là những gợi dẫn phong phú, đa dạng để các Viện nghiên cứu, cũng như các cơ sở giáo dục và cả những người quan tâm đến Ngôn ngữ học có thêm một số ý tưởng thực hiện các đề tài nghiên cứu.Nội dung của Hội thảo này cũng sẽ là nguồn ngữ liệu đáng quý, góp phần làm cho ngành Ngôn ngữ học cũng như các lĩnh vực KHXHNV vốn đang tiềm ẩn nhiều vùng nghiên cứu còn bỏ trống sẽ có thêm những gợi mở thú vị. Đồng thời, có những tác động nhất định đến bối cảnh giáo dục hiện nay.

Ngành ngôn ngữ học Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ảnh 2PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng

Trường ĐHSP-ĐHĐN là 1 trong 7 Trường ĐHSP trọng điểm của Việt Nam và là Cơ sở giáo dục được kiểm định và công nhận đạt chất lượng giáo dục đầu tiên của cả nước, chúng tôi đã đang nỗ lực không ngừng để thực hiện sứ mạng của mình. Vì vậy, với sự phối hợp với Viện Ngôn ngữ học, hy vọng sự thành công của Hội thảo cũng là một dấu mốc quan trọng góp thêm vào sự phát triển khoa học, giáo dục của Nhà trường; giúp Trường ĐHSP-ĐHĐN càng tăng thêm nội lực cho công tác đào tạo, nghiên cứu ở cả bậc Đại học và Sau Đại học; thực hiện được sứ mạng và tầm nhìn trong chiến lược phát triển vừa toàn diện, vừa tập trung vào mũi nhọn trong xu thế Việt Nam, trong đó có giáo dục Đại học Việt Nam đang phải từng bước hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay.
 

PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, Hội thảo lần này nhận được 212 bài viết được gửi đến từ các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Và từ kết quả thẩm định của các nhà khoa học, Ban tổ chức đã chọn được 88 bài viết đăng trong kỷ yếu. Con số này cho thấy tính khách quan và và coi trọng khoa học của một Hội thảo Quốc tế.

Bên cạnh những bài không được chọn đăng do chưa đạt yêu cầu, còn có nhiều lý do khác nhau như: không đảm bảo quy định của Hội thảo, không phù hợp với chủ đề của Hội thảo… 

“Nhưng chúng tôi đều rất trân trọng các tác giả đã gửi bài tham gia Hội thảo này. Diễn đàn khoa học hôm nay phần lớn thành công là do sự hưởng ứng tham gia viết bài của nhiều tác giả. Điều đó chứng tỏ Hội thảo Quốc tế Ngôn ngữ học lần thứ 1 đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồnghọc thuật và thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học trong cả nước và trên thế giới. Có được kỷ yếu này là tâm sức và sự nỗ lực hết mình của các nhà khoa học đã tham gia phản biện, thẩm định; các nhà khoa học trong BTC đã tham gia tư vấn, chủ trì chuyên môncũng như đội ngũ quý thầy cô giáo khoa Ngữ văn trường ĐHSP đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Ban tổ chức chúng tôi đánh giá cao cách làm chuyên nghiệp và khoa học của những người chịu trách nhiệm chuyên môn của hội thảo, để Trường ĐHSP-ĐHĐN và Viện Ngôn ngữ học cùng làm nên một Hội thảo Quốc tế đúng nghĩa, có chất lượng cao, tạo nên uy tín trong cộng đồng học thuật trong và ngoài nước.” – PGS.TS. Lưu Trang cho biết.

Ngành ngôn ngữ học Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ảnh 3PGS.TS Bùi Trọng Ngoãn báo cáo đề dẫn 

PGS.TS Bùi Trọng Ngoãn (Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cho biết: Biểu hiện “phát triển” và dấu ấn “hội nhập” của ngôn ngữ học Việt Nam đã được thể hiện rõ rệt trong các báo cáo gửi đến Hội thảo. Đó là những nghiên cứu mới, tiếp cận được những khuynh hướng hiện đại của ngôn ngữ học trên thế giới, là những kết quả nghiên cứu mới về những đối tượng nghiên cứu tưởng chừng như đã cũ; đó là sự mở rộng biên độ của ngôn ngữ học trên cả hai bình diện là đường hướng nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu.

“Chúng tôi không nghĩ rằng thảo luận trong một hội thảo ngữ học như hôm nay là hướng tới một tiếng nói chung mà chính là sự gợi mở vấn đề một cách rộng rãi nhất, khoa học nhất nhằm vào một mục đích thiết thực là góp phần thúc đẩy những nghiên cứu mới của giới ngữ học nước nhà. Theo tinh thần đó, tất cả các báo cáo được tuyển chọn vào tập kỷ yếu đều là những bài viết gợi dẫn khả năng thảo luận cao" - PGS. TS Bùi Trọng Ngoãn nói.

Ngành ngôn ngữ học Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ảnh 4Rất đông những nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nghiên cứu sinh, học viên Cao học và Sinh viên tham dự hội thảo

Đặt trong bối cảnh chung là sự phát triển của ngôn ngữ học trên thế giới và từ những vấn đề tiếng Việt đang đặt ra với giới ngôn ngữ học, từ những yêu cầu thực tế của ngôn ngữ và đời sống, và căn cứ vào khuynh hướng chung của các báo cáo khoa học được gửi đến Hội thảo, ban tổ chức đề xuất các nội dung cần được ưu tiên thảo luận trong hội thảo này:

(1) Những khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ học trên thế giới hiện nay và khả năng áp dụng những kết quả đó ở Việt Nam. Hy vọng rằng những báo cáo về ngữ pháp chức năng, về ngôn ngữ học tri nhận sẽ là những gợi ý thú vị, phát lộ những khoảng trống mà ngôn ngữ học ở Việt Nam cần tiếp cận và thu hẹp khoảng cách.

(2) Thành tựu của Việt ngữ học theo quan điểm chức năng luận. Ngữ pháp học tiếng Việt theo hướng chức năng luận đã có thể miêu tả một cách đầy đủ và thuyết phục về cơ chế văn phạm của tiếng Việt? Các vấn đề ngữ dụng học của tiếng Việt, câu và nghĩa của câu, về phạm trù nghĩa tình thái.

(3) Các vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa, ngôn ngữ văn chương, về lý thuyết phân tích diễn ngôn.

(4) Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chính tả chữ quốc ngữ, chuẩn mực tiếng Việt được sử dụng trong hoạt động giảng dạy ở các cấp học. Vấn đề giảng dạy tiếng Việt trong tư cách ngôn ngữ thứ hai đối với người học. Bên cạnh đó là các vấn đề về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và sự bảo tồn tiếng nói của các dân tộc ít người.

(5) Các vấn đề liên quan tới ký hiệu học ngôn ngữ và các dịch vụ thông tin ngôn ngữ.

"Chúng tôi quan niệm mỗi một cuộc hội thảo là một điểm nối trên hành trình chạy tiếp sức không có điểm dừng, những gì được trình bày ở trên chỉ là những phác thảo khái lược về một điểm nối như vậy.”– PGS.TS Bùi Trọng Ngoãn cho biết.

Ngành ngôn ngữ học Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ảnh 5GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ phát biểu tại hội thảo

GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), cho biết: Là một người làm chuyên môn ngôn ngữ học, đã có nhiều trải nghiệm về hội thảo quốc tế về ngôn ngữ học, trong nước và quốc tế, tôi cũng rất ấn tượng về cái mới trong tổ chức hội thảo quốc tế này, đó là: thứ nhất, lần đầu tiên, hội thảo quốc tế về ngôn ngữ học ở Việt Nam hướng đến chuẩn chung của Hội thảo quốc tế trên thế giới: các báo cáo đều được phản biện độc lập, tức phản biện kín, người phản biện và tác giả báo cáo không biết ai là ai. Thứ hai, lần đầu tiên, hội thảo yêu cầu tác giả xác nhận bằng văn bản là báo cáo chưa từng được công bố trước đó.

“Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, trao đổi với các thành viên của Ban tổ chức và các trưởng tiểu ban, chúng tôi cũng nhất trí với tinh thần của hội thảo lần này là tinh thần tranh luận, thẳng thắn. Bởi vì hiện nay ngành ngôn ngữ học Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức: vừa phải tiệm cận với trình độ của ngôn ngữ học thế giới, vừa phải trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề của xã hội đặt ra, trong đó có những vấn đề đòi hỏi phải tiệm cận với trình độ của thế giới, như vấn đề ngôn ngữ học tham gia vào cuộc cách mạng 4.0. Bối cảnh như vậy, đòi hỏi hội thảo phải có những tranh luận thật sự. Hội thảo này là hội thảo có nhiều tác giả trẻ, và chúng tôi tin rằng người trẻ sẽ đi đầu trong hoài nghi và tranh luận khoa học. 

Và nói như nhà Ngữ học tài danh Jakobson trong một lần tổng kết hội thảo: Nếu hội thảo này khi nêu những vấn đề khoa học ra để tranh luận mà không ai chịu ai, thì đó là một hội thảo thành công.” – GS.TS Nguyễn Văn Hiệp cho biết. 

Nhiều nội dung quan trọng về Ngôn ngữ học được "mổ xẻ"Về các nội dung được "mổ xẻ" tại hội thảo quốc tế này, PGS.TS Bùi Trọng Ngoãn cho biết, các nhà Ngôn ngữ học trong nước và quốc tế sẽ tập trung thảo luận, phản biện các nhóm nội dung:(1)  Về Ngôn ngữ học lý thuyết, các báo cáo đã có sự trải rộng từ từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp đến ngữ dụng học.Trong đó, những nghiên cứu theo hướng chức năng luận đã đem đến những kiến giải mới lạ và có sức thuyết phục. Đáng chú ý là khi nhà nghiên cứu dùng lý thuyết “dị thanh” (hetoroglosia) của nhà ngữ học P.P.R. White để phân tích nghĩa của các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt.Bao quát cả cấu trúc luận và chức năng luận là những nghiên cứu mới về loại hình học cú pháp và về cấu trúc câu tiếng Việt. Người đọc, người nghe có thể gặp ở đây một thuật ngữ như đã quen thuộc nhưng lại chứa đựng những thông tin mới là “loại hình học cú pháp” và những kiến giải khúc chiết về loại hình học trật tự từ, loại hình học liên kết hình thái cú pháp và loại hình học cấu trúc cú pháp của tiếng Việt. Ở phạm vi hẹp hơn, lí thuyết điển mẫu của ngữ nghĩa học tri nhận cũng đã được áp dụng vào việc nghiên cứu nghĩa của câu tiếng Việt.  Lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận cũng đã giúp các nhà nghiên cứu có được cách đọc mới về những đối tượng quen thuộc. Các ý niệm “vui”, “buồn”, ý niệm “lực” - “sức mạnh” trong tiếng Việt đã được khảo sát, kiến giải dưới góc nhìn tri nhận luận.Các vấn đề như nghĩa logic và nghĩa ngôn ngữ của các từ logic trong tiếng Việt, các cấu trúc được ưu tiên lựa chọn khi hỏi - đáp, các mức độ phủ định và các biểu thức ngôn ngữ biểu thị về từng mức độ phủ định trong tiếng Việt cũng đã được các tác giả xới lên.(2) Về ngôn ngữ học liên ngành, như chính cách định danh về nó, các báo cáo trải ra trên một bề mặt khá rộng từ mối quan hệ ngôn ngữ - văn hóa, ngôn ngữ với văn chương đến ngôn ngữ - lịch sử, địa lí, văn hóa (địa danh học)Những thuyết giải về việc lựa chọn từ cực cấp của người Nam Bộ như: “ngay đơ’, ‘ngay chốc”, “ngay bon”… hoặc về cấu trúc “Đã + chủ ngữ + động từ + bổ ngữ” (Đã người ta hô là…), là những phát hiện đáng tin cậy. Cũng dưới cái nhìn liên ngành như vậy, những khảo sát về cách đặt tên nhân vật hay lớp từ vựng gắn liền với môi trường sông nước trong sáng tác của một nhà văn Nam Bộ sẽ là những thông tin lôi cuốn người đọc, người nghe.Về ngôn ngữ văn chương, những nghiên cứu về đồng nghĩa lâm thời trong văn bản thi ca với những khảo sát về hiện tượng này trong thơ Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh, Vi Thùy Linh, về tính ký hiệu hóa trong ngôn ngữ văn chương, về tính vùng miền trong văn bản nghệ thuật đều là sự vận dụng đa dạng các lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại để xem xét, đánh giá ngôn ngữ văn chương bằng những kiến giải có cơ sở lý thuyết đáng tin cậy. Hàng loạt các bản báo cáo về địa danh học có mặt trong Hội thảo sẽ góp phần lấp đầy dần tấm bản đồ địa danh học Việt Nam.(3) Về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, lịch sử tiếng Việt và phương ngữ, là sự tập hợp hàng loạt bản báo cáo có hàm lượng khoa học caoThể hiện một thái độ quan tâm đến chính sách dân tộc và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam, các báo cáo về nhóm đề tài này đã có sự phân bố cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, có bài viết đã tổng hợp và nhận diện về công cuộc nghiên cứu ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở phía Bắc, một khu vực không rộng nhưng có đến 31 dân tộc ít người định cư; từ đó tác giả đặt ra những vấn đề cấp bách như việc xây dựng chữ viết Latin hoá, soạn từ điển, sách học tiếng, tìm giải pháp bảo tồn cho một số ngôn ngữ. Cũng có tác giả nêu lên một vấn đề đáng quan tâm khác là thực trạng sử dụng tiếng mẹ đẻ của người dân tộc thiểu số. Từ kết quả khảo sát năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ của người Giẻ - Triêng và hiện tượng chuyển mã, trộn mã trong giao tiếp của họ, tác giả đặt ra vấn đề giải pháp giúp họ bảo tồn tiếng nói dân tộc mình.Cũng trong khuôn khổ tiểu ban thứ ba, bài viết về ngữ âm lịch sử tiếng Việt đã xem xét một số dãy phụ âm và tổ hợp phụ âm đầu tiếng Việt từ thời điểm ra đời cuốn Từ điển Việt - Bồ - La đến thời điểm ra đời Nam Việt Dương hiệp tự vị.Phương ngữ cũng là một đối tượng nghiên cứu được nhiều người lựa chọn. Đó là những bản báo cáo về đặc điểm ngữ âm Nam Bộ, về từ xưng hô và cách xưng hô trong tiếng Quảng Nam. (4) Về ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng và ngôn ngữ học so sánh đối chiếu là bộ phận tập hợp một hệ thống bài viết rất phong phú.Đưa ngôn ngữ học vào đời sống, bản báo cáo về ngôn ngữ lệch chuẩn trên báo mạng điện tử giới trẻ đã phác thảo những đường nét căn bản cách sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay. Hoặc có bài viết phát hiện về hiện tượng “giao thoa cú pháp học” khi người Việt sống tại tỉnh Udon Thani sử dụng cấu trúc cụm từ số tiếng Thái để thay thế cấu trúc cụm từ số tiếng Việt.Đại diện cho lĩnh vực ngôn ngữ học ứng dụng là ý kiến về việc xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác dữ liệu chữ viết tắt tiếng Việt. Một ý kiến có tính thời sự về chữ quốc ngữ và chính tả hiện nay là bản báo cáo về thực tiễn phát âm và lịch sử chữ viết Quốc. Bài viết là những kiến giải của một nhà chuyên môn về một trường hợp “lệch chuẩn” của chữ quốc ngữ xét trên bình diện âm vị học.Về giảng dạy ngôn ngữ, bài viết về việc giảng dạy tiếng Anh tại Nhật Bản là một gợi ý đáng được tham khảo cho việc dạy - học ngoại ngữ hiện nay, cũng như việc dạy tiếng Việt trong tư cách ngôn ngữ thứ hai đối với người học. Về nội dung dạy học tiếng Việt, bản báo cáo về dạy nghi thức lời nói cho trẻ mầm non qua trò chơi đóng vai sẽ đem đến cho Hội thảo một vấn đề đáng được bàn thảo. Bên cạnh đó còn có một ý kiến đề cập về một khía cạnh ngôn ngữ trong diễn ngôn sư phạm, vốn là một vấn đề cấp thiết, cần có một hội thảo riêng.Theo hướng ngôn ngữ học so sánh đối chiếu, bài viết đối chiếu từ ngữ chỉ thời gian trong một ngày của tiếng Thái và tiếng Việt đưa đến những thông tin thú vị về các đối tượng được quy chiếu để xác định thời điểm ở từng ngôn ngữ.

 

NGUYÊN KHÔI

Nguồn: Sài Gòn giải phóng, ngày 15.12.2018.

Được coi là đại diện cho ngôn ngữ, chữ viết in đậm dấu vết chặng đường một dân tộc đã đi qua. Vì thế cần nghiên cứu lịch sử các loại chữ viết dân tộc ta từng sử dụng trong hơn 2000 năm qua. Đó là chữ Nho, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Bài này sẽ bàn về nguồn gốc và mối tương quan của ba loại chữ viết đó.

Vào khoảng thế kỷ II trước CN, khi phong kiến Trung Quốc chiếm nước ta và bắt dân ta học chữ Hán, tổ tiên ta đã học theo cách đọc chữ bằng tiếng Việt mà không đọc bằng tiếng Hán, và gọi chữ Hán đã Việt hóa phần ngữ âm là chữ Nho. Mỗi chữ Nho ứng với một âm Hán - Việt. Như vậy, người Việt chỉ học chữ mà không học tiếng Hán, nhờ thế học chữ Hán dễ hơn và có chữ để dùng.

Nhờ có chữ viết, dân tộc ta thoát khỏi thời tiền sử lạc hậu, tiến sang thời đại văn minh có chữ để ghi lại lịch sử. Việc dùng chữ Hán mà không nói tiếng Hán còn giúp dân ta một mặt vẫn đạt yêu cầu học chữ của kẻ cai trị, mặt khác lại giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ, qua đó tránh được thảm họa ngôn ngữ bị Hán hóa, dân tộc bị Trung Quốc hóa sau nghìn năm Bắc thuộc. Rõ ràng, chữ Nho là một sáng tạo ngôn ngữ xuất sắc của người Việt.

Chữ Hán chủ yếu là loại chữ biểu ý (chữ ghi ý, ideograph), tương tự những chữ tượng hình vẽ con vật hoặc chữ số 1, 2, 3… , các dân tộc đều hiểu ý nghĩa của các ký hiệu biểu ý ấy nhưng đọc bằng tiếng của họ. Tổ tiên ta đã lợi dụng tính chất đó để đọc chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng vì là chữ Hán mượn về nên chữ Nho vẫn là chữ biểu ý và không ghi được hệ ngữ âm của tiếng Việt. Trên thực tế chữ Nho không ghi được được ngôn ngữ của tầng lớp bình dân, chỉ một số ít người trong giới quan lại và giới tinh hoa biết dùng, và chỉ dùng để viết (bút đàm), không dùng để nói.

Để sửa nhược điểm ấy, vào khoảng từ thế kỷ XII, tổ tiên ta đã dùng các ký tự vuông gốc chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, qua đó làm ra chữ Nôm. Đây là bước thử nghiệm tiến tới tạo một loại chữ biểu âm (chữ ghi âm, phonograph) ghi được tất cả các âm tiếng Việt.

Sau mấy thế kỷ phát triển và hoàn thiện, chữ Nôm đã đạt mức ghi được hầu như gần hết âm tiếng Việt đã dùng. Có thể thấy điều đó từ các tác phẩm chữ Nôm như Truyện Kiều. Ảnh: Truyện Kiều bản Liễu Văn Đường 1866. Nguồn: Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm.

Chữ Nôm được xây dựng trên cơ sở chữ Hán đọc theo âm Hán-Việt, kết hợp cả hai yếu tố biểu ý và biểu âm. Ban đầu chữ Nôm mượn dạng chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, dần dần ghép hai chữ Hán để tạo ra một chữ mới, một phần gợi âm, một phần gợi ý, được dùng ngày càng nhiều và có hệ thống hơn. Tương tự chữ Hán, mỗi chữ Nôm thể hiện một âm tiết. Vì tiếng Việt giàu âm tiết nên có rất nhiều chữ Nôm. “Từ điển Chữ Nôm dẫn giải” của GS Nguyễn Quang Hồng sưu tầm 9.450 chữ Nôm trong đó có gần 3.000 chữ Nôm tự tạo, ghi 14.519 âm tiết tiếng Việt.

Chữ Nôm từng có thời được gọi là “Quốc ngữ” hoặc “Quốc âm”, tức chữ của “tiếng nói nước ta”. Tuy không phải là chữ Hán nhưng do cấu tạo trên nền tảng chữ Hán nên chữ Nôm phụ thuộc vào chữ Hán, khó học (biết chữ Nho mới học được chữ Nôm), khó phổ cập, lại chưa được đông đảo giới trí thức và chính quyền phong kiến nước ta thừa nhận. Vì vậy việc phát triển và hoàn thiện chữ Nôm gặp nhiều khó khăn. Tuy thế, văn thơ chữ Nôm, tức văn thơ tiếng Việt, do nói lên được tiếng nói và nỗi lòng của người bình dân nên đã tỏ ra trội hơn hẳn văn thơ chữ Nho, từng làm nên nền văn học chữ Nôm tỏa sáng rực rỡ với những tác phẩm tiếng Việt của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XVI), Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương (thế kỷ XVIII-XIX) v.v…

Sau mấy thế kỷ phát triển và hoàn thiện, chữ Nôm đã đạt mức ghi được hầu như gần hết âm tiếng Việt đã dùng. Có thể thấy điều đó từ các tác phẩm chữ Nôm như Truyện Kiều… và bản dịch chữ Nôm các tác phẩm chữ Hán như Truyền kỳ mạn lục, Chinh phụ ngâm khúc, v.v.. Trong 200 năm sau khi chữ Quốc ngữ đã ra đời nhưng chưa được sử dụng, các linh mục Công giáo đều dùng chữ Nôm để viết tài liệu giảng đạo.

Dù sao, vì các ký tự vuông trong chữ Nôm không phải là chữ cái có thể ghép vần cho nên mức độ ghi âm tiếng Việt còn kém chính xác, nhiều chữ phải đoán âm đọc.

Thế kỷ XVII, các giáo sĩ Dòng Tên Francisco de Pina, Antonio Barbosa, Gaspar do Amaral, António de Fontes, Alexandre de Rhodes v.v… đến nước ta truyền giáo. Dòng Tên mang tên Chúa Jesus cao cả, chỉ tuyển người có học vị tiến sĩ1, yêu cầu nhà truyền giáo phải thông thạo ngôn ngữ và tuân theo phong tục tập quán của dân bản xứ.

Như đã biết, cha Francisco de Pina đến Việt Nam năm 1617, chỉ ba năm sau đã cùng các giáo sĩ khác biên soạn tài liệu giáo lý bằng chữ Nôm. Giáo sĩ Girolamo Maiorica trong khoảng 1632-1656, đã viết 45 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm, nổi tiếng nhất là cuốn Các Thánh Truyện viết năm 16462. Kho lưu trữ thư tịch chữ Nôm hiện còn giữ được nhiều tài liệu của các giáo sĩ  Gaspar d’ Amaral, Antoine Barbosa…

Vì đối tượng truyền giáo là nông dân, ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi nên dĩ nhiên các tài liệu giảng đạo chữ Nôm phải dùng từ ngữ của dân thường. Từ đây có thể suy ra hai điểm:

- Thứ nhất, chữ Nôm thời đó đã ghi được phần lớn các âm “thuần Việt” dân dã;      

- Thứ hai, các vị giáo sĩ rất giỏi chữ Nôm ấy không thể không nhận thấy đây thực sự là loại chữ có yếu tố biểu âm ghi được hệ thống ngữ âm của tiếng Việt; nhưng chỉ vì dùng ký tự vuông của Hán ngữ nên ghi âm chưa thật chính xác, và khó học, khó phổ cập. Họ cũng hiểu rằng việc chữ Nôm đã tồn tại 500 năm và từng làm nên những tuyệt tác văn thơ chứng tỏ tiếng Việt thích hợp với chữ biểu âm. Ngày nay, ngôn ngữ học hiện đại cho biết tiếng Việt và tiếng Hán tuy đều là ngôn ngữ đơn âm tiết nhưng chỉ tiếng Việt do giàu âm tiết nên mới thích hợp với chữ biểu âm.3

Với nhận thức như vậy, các giáo sĩ-bậc thầy ngôn ngữ học kể trên dĩ nhiên đã nảy ra ý tưởng dùng chữ cái La tinh để phiên âm chữ Nôm, biến thứ chữ có yếu tố biểu âm Hán hóa ấy thành thứ chữ biểu âm La tinh hóa dễ học dễ dùng cho việc truyền giáo của họ.

Rõ ràng, phiên âm một thứ tiếng đã có chữ viết ghi lại âm của tiếng đó thì đơn giản nhiều so với việc phiên âm một thứ tiếng chưa có chữ viết - ở thời xưa, đó là một công trình lao động sáng tạo cực kỳ phức tạp, cần nhiều người làm trong hàng trăm năm.

Thực tế cho thấy, các giáo sĩ kể trên dù ít người và làm việc phân tán nhưng đã tạo ra chữ Quốc ngữ trong thời gian ngắn kỷ lục: từ năm 1617 đến 1649.4 Họ đã nhanh chóng tìm ra các chữ cái La tinh phù hợp thay cho các ký tự vuông ghi âm tiếng Việt trong chữ Nôm. Năm 1617 Francisco de Pina đến Đàng Trong, năm 1619 đã viết xong một bản từ vựng tiếng Việt bằng chữ La tinh. Năm 1631 Gaspar d’ Amaral đến Đàng Ngoài, năm sau đã ghi âm rất tốt tiếng Việt, đến năm 1634 đã làm xong một cuốn từ vựng tiếng Việt. Trong mấy cuộc gặp tại Macao (1630-1631), các giáo sĩ đã xác định được 6 thanh điệu và tính đơn âm tiết của tiếng Việt. Năm 1649 Rhodes rời Việt Nam mang theo bản thảo Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum). Năm 1651 Từ điển này được in và xuất bản tại Roma, đánh dấu chữ Quốc ngữ Việt Nam chính thức ra đời.

Trong mấy chục năm làm chữ Quốc ngữ, các giáo sĩ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, chủ yếu do hệ thống ngữ âm của tiếng Việt cực kỳ phong phú và mới lạ. Vấn đề phức tạp nhất là phải sáng tạo ra hệ thống ký hiệu thể hiện được các thanh điệu sắc, huyền, hỏi. ngã, nặng, và các con chữ thể hiện được các ngữ âm không có trong bộ chữ La tinh như ă, â, ê, ơ, ô, ư, đ. Bộ ký hiệu và con chữ ấy làm nên cái gọi là “giày và mũ” trong nhận xét của một học giả nổi tiếng Trung Quốc: “Chữ viết của Việt Nam sau khi phiên âm hóa, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười.”5. Thực ra “mũ, giày” ấy là những sáng tạo hợp lý tới mức người Việt xưa nay đều không chấp nhận bất cứ thứ chữ Quốc ngữ nào không có các ký hiệu và con chữ đó. Ngoài ra các giáo sĩ thông thái ấy đã hiệu chỉnh các âm tiếng Việt mà chữ Nôm chưa ghi được chính xác, và hiện đại hóa phần ngữ pháp của chữ viết, như áp dụng các dấu ngắt câu, ngắt đoạn, viết hoa v.v…

20200624

Các nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm sưu tập tư liệu chữ Hán, Nôm trong các thư khố của Pháp. Ảnh: Fb Nguyễn Tuấn Cường.

Chữ Quốc ngữ có hình dạng khác xa chữ Nôm, nhưng về bản chất, cả hai đều là các hệ chữ viết ghi âm tiếng Việt; chữ Quốc ngữ trong Từ điển Việt-Bồ-La thể hiện rất rõ mối tương quan với cấu tạo chữ Nôm 6.

Cuối cùng, các giáo sĩ Dòng Tên kể trên đã phiên âm và biến đổi chữ Nôm thành một thứ chữ biểu âm La tinh hóa về sau gọi là chữ Quốc ngữ. Như vậy chữ Quốc ngữ chính là chữ Nôm được La tinh hóa và hiện đại hóa.

Giả sử thời ấy chưa có chữ Nôm, chỉ có chữ Nho, thì việc làm chữ của các giáo sĩ sẽ vô cùng khó khăn vì chữ Nho vốn là chữ Hán. Thực tiễn cải cách chữ viết ở Trung Quốc đã chứng tỏ không thể dùng bất cứ bộ chữ cái nào để phiên âm chữ Hán thành chữ biểu âm.

Năm 1582 giáo sĩ Dòng Tên người Ý Matteo Ricci đến Trung Quốc truyền giáo. Ông rất giỏi Hán ngữ, đã dành nhiều năm nghiên cứu cách phiên âm chữ Hán. Năm 1605 Ricci đưa ra phương án phiên âm chữ Hán bằng chữ cái La tinh, nhưng phương án này chỉ giúp người Âu học chữ Hán dễ hơn, chứ chưa phải là một loại chữ viết mới. Về sau, giới trí thức Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu theo phương hướng của Ricci nhằm mục tiêu tạo ra một thứ chữ biểu âm có thể thay thế chữ Hán mà họ muốn loại bỏ. Nhưng mọi cố gắng ấy đều bất thành. Năm 1958 Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc làm ra Phương án phiên âm (Pinyin) Hán ngữ dùng chữ cái La tinh, nhưng chỉ có tác dụng phụ trợ là ghi chú âm cho chữ Hán, không phải là một loại chữ viết. Từ đầu năm 1986 Nhà nước Trung Quốc không còn nhắc tới mục tiêu tạo ra loại chữ biểu âm thay cho chữ Hán.

Tóm lại, việc dùng chữ cái La tinh phiên âm chữ Nôm đã thành công ngay từ đầu thế kỷ XVII trong khi mọi cố gắng phiên âm chữ Hán cho tới nay vẫn chưa có kết quả. Vì sao vậy? Vì chữ Nôm có yếu tố biểu âm, chữ Hán không có yếu tố ấy. Nói cách khác, không có chữ Nôm thì các giáo sĩ đáng kính nói trên sẽ không làm được chữ Quốc ngữ. Đến đây có thể kết luận: Bằng việc sáng tạo chữ Nôm, tổ tiên ta đã góp phần quan trọng dẫn đến sự hình thành chữ Quốc ngữ.

***

Đã hơn trăm năm nay nước ta chính thức sử dụng chữ Quốc ngữ, thứ chữ viết được các nhà trí thức tiên tiến đầu thế kỷ XX ca ngợi là Hồn của đất nước, công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt. Lẽ tự nhiên, dân tộc Việt Nam giàu truyền thống nhân văn uống nước nhớ nguồn không bao giờ quên công lao của những người đã góp phần làm ra loại chữ viết kỳ diệu ấy. Đáng tiếc là cho tới nay công luận trong nước vẫn chưa nhất trí chọn được các nhân vật tiêu biểu cần vinh danh, và cơ quan công quyền có trách nhiệm thay mặt dân giải quyết vấn đề này dường như cũng chưa tỏ thái độ rõ ràng. Đây không phải là công việc quá khó. Để tình trạng trên kéo dài sẽ không có lợi cho hình ảnh một dân tộc văn minh. Vấn đề này đã đến lúc cần bàn thảo rộng rãi và chính quyền cần sớm có kết luận cùng hành động tri ân.

Thời thuộc Pháp, có thể vì để đề cao “mẫu quốc” mà các sách giáo khoa ở ta đều quy công trạng làm ra chữ Quốc ngữ cho giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes. Quan điểm ấy trở thành chính thống trong một thời gian dài. Gần đây dư luận yêu cầu ghi công các giáo sĩ không phải người Pháp như Francisco de Pina, Antonio Barbosa, Gaspar d’Amaral, António de Fontes… và đóng góp của cộng đồng giáo dân miền Nam nước ta từng giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt, và đóng vai trò “thẩm định” trong quá trình thí điểm sử dụng chữ Quốc ngữ. Sự thay đổi quan điểm như vậy là hợp tình hợp lý.

Chúng tôi cho rằng dù thế nào cũng phải mãi mãi tôn vinh công trạng làm ra chữ Nôm của tổ tiên ta, một sáng tạo ngôn ngữ góp phần quyết định sự hình thành chữ Quốc ngữ  –– thành quả kết hợp trí tuệ của nền văn minh Việt với nền văn minh Ki Tô giáo. □

Tiếng nói của các dân tộc ở gần nhau thường ảnh hưởng lẫn nhau. Trong bốn nước từng sử dụng chữ Hán, tiếng Việt và tiếng Hán cùng là ngôn ngữ đơn âm tiết (còn gọi đơn lập, monosyllabic) cho nên tiếng Việt rất dễ chịu ảnh hưởng của tiếng Hán, dễ bị Hán hóa khi phong kiến Trung Quốc chiếm đóng nước ta hơn 10 thế kỷ. Tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên thuộc loại ngôn ngữ chắp dính nên không dễ bị Hán hóa. Thế nhưng Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc vẫn giữ được “Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 20.6.2020.

----

Ghi chú:

[1]  https://tuoitre.vn/chu-quoc-ngu-nhung-nguoi-dau-tien-khai-sang-20191206213804476.htm

[2]  https://vi.wikipedia.org/wiki/Girolamo_Maiorica . Lã Minh Hằng: “Đôi nét về thư tịch Hán Nôm Công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm”

[3]  Nguyễn Hải Hoành: “Một vài tìm tòi về ngôn ngữ”. TC Tia Sáng số 11 (5/6/2020)

[4]  Phạm Thị Kiều Ly: “Lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615 đến 1861: Quá trình La-tinh hóa tiếng Việt trong trào lưu ngữ học truyền giáo”. TC Tia Sáng số   (2019).

[5]  Nguyễn Hải Hoành: “Sao lại nói chữ Quốc ngữ Việt Nam rất nực cười?”

[6]  Nguyễn Ngọc Quân: “Chữ Quốc ngữ trong Từ điển Việt-Bồ-La trong tương quan với cấu tạo chữ Nôm đương thời”.

TÓM TẮT

Chúng tôi phân tích tầm quan trọng của các thế hệ truyền giáo đạo Chúa Jesus dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha đối với việc thực hiện chữ Quốc ngữ [ngôn ngữ quốc gia] ở Việt Nam ngày nay và sự miêu tả ngôn ngữ học các thanh điệu tiếng Đàng Ngoài (Annamese hay Tonkinese – những tên gọi trước đây của tiếng Việt). Cụ thể, chúng tôi phân tích văn bản Manuductio ad Linguam Tunckinensem (khoảng 1745 [bản đầu 1623]) của Francisco de Pina, S.J.(1585/1586–1625),và Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum và phần viết về ngữ pháp Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio (Rome 1651)của Alexandre de Rhodes, S.J. (1593–1660). Chúng tôi chứng minh rằng Pina thực sự là người đầu tiên dùng hệ thống Latin hóa tiếng Việt và biện luận rằng ông là người đầu tiên miêu tả sáu thanh điệu của ngôn ngữ này một cách chi tiết. A. de Rhodes đã phát triển kiến thức của Pina, cụ thể là những điều được nói rõ trong miêu tả các thanh điệu tiếng Đàng Ngoài. Chúng tôi cũng lý giải rằng Rhodes sử dụng các từ điển đã thất lạc của Gaspardo Amaral, S.J. (1594–1646) và AntónioBarbosa, S.J. (1594–1647), màbằng chứng chủ yếu là việc dùng chữ kép <nh>của chính tả tiếng Bồ Đào Nha ghi âm vị /ɲ/.

GIỚI THIỆU

Chúng tôi phân tích công trình của các nhà truyền giáo tiên phong người Bồ Đào Nha ở Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XVII và văn bản siêu ngôn ngữ (metalinguistic) của họ. Bài viết có kết cấu như sau: trước hết chúng tôi trình bày bối cảnh lịch sử của những khám phá của Bồ Đào Nha, sự thành lập Hội Bảo trợ Bồ Đào Nha hay Ius Patronatus [Right of Patronage]theo các sắc lệnh của giáo hoàngvà tầm quan trọng của chúng đối với việc truyền bá đạo Chúa Jesus ở Đông Nam Á, cụ thể là Macau, nơi trở thành trung tâm của đạo Chúa Jesus ở Trung Quốc, Nhật Bản và các nước láng giềng, mặc dù nó chỉ là một Phụ Tỉnh. Sau đó, chúng tôi sẽ nói đến các hoạt động của các giáo sĩ tiên phong phục vụ dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha, chủ yếu là các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Francisco de Pina, S.J. (1585/1586–1625), Gaspar do Amaral, S.J. (1594–1646) và António Barbosa, S.J. (1594–1647), và giáo sĩ người Pháp, Alexandre de Rhodes, S.J. (1593–1660).

Chúng tôi miêu tả các công trình siêu ngôn ngữ về tiếng Việt được xuất bản đầu tiên, như Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum và Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio (Rome 1651) của Alexandre de Rhodes và các nguồn chính của chúng. Phần này được chia làm hai phần nhỏ. Trong phần thứ nhất, chúng tôi sẽ phân tích việc áp dụng hệ thống Latin hóa hiện giờ gọi là Quốc ngữ [ngôn ngữ quốc gia] và chính tả tiếng Bồ Đào Nha trong tiếng Việt, cụ thể là sự thể hiện âm vị /ɲ/ bằng chữ kép <nh> Bồ Đào Nha. Ở phần hai chúng tôi sẽ phân tích rõ ảnh hưởng của Francisco de Pina trong miêu tả của Rhodes về sáu thanh điệu của tiếng Đàng Ngoài, so sánh văn bản Manuductio ad linguam Tunchinensem (khoảng 1745 [trước 1623]) của Pina và Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio (Rome 1651) của de Rhodes.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ[1]

Hiệp ước Tordesillas (7/6/1494) và Zaragoza (22/4/1529), ký giữa vua Bồ Đào Nha và vua Tây Ban Nha quy định phạm vi ảnh hưởng hay các phần lãnh thổ thuộc địa/truyền giáo của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở phương tây và phương đông. Hai nước chia thế giới làm hai phần ngang nhau, phần đất giữa 370 dặm (khoảng 2,193 km) tây các đảo Cabo Verde (khoảng 46thkinh độ tây) và 297,5 dặm (khoảng 142ndkinh độ đông) thuộc về Bồ Đào Nha. Ngoài ra đối với các nước Thiên Chúa giáo như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, sự ủy quyền của Giáo hoàng đối với thuộc địa là bắt buộc vì lý do chủ yếu là hướng người bản xứ đến với đạo Chúa Jesus.

Theo đó, sau năm 1452, với sắc lệnh Dum Diversas (8/6/1452) và chủ yếu là sắc lệnh Romanus Pontifex (8/1/1455), Giáo hoàng Nicholas V (1397–1455) đã trao cho vua Bồ Đào Nha, D. Afonso V (1432–1481) Ius Patronatus [Quyền Bảo trợ] và toàn quyền pháplý đối với các vùng đất đã và sẽ tiếp tục phát hiện được ở nước ngoài (xem, ví dụ: Rego 1940, tr.7-8, Jacques 1999: 43-52). Các quyền này (và các bổn phận) được ghi trong sự giám quản riêng của các hoạt động hành chính và truyền giáo ở các vùng đất hải ngoại, việc thành lập các xứ đạo, giáo khu, việc thụ phong giám mục và các phúc lợi thuộc giáo hội, tài trợ cho các tăng lữ (thường kỳ và thế tục) cũng nhưviệc xây dựng và giám quản các nhà thờ, trường học và tu viện, v. v… (Sena 2014, tr. 91–92).

Các giáo sĩ Bồ Đào Nha – hay những ai phục vụ dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha – lúc ban đầu không biết ngôn ngữ bản xứ. Họ đem theo thông dịch, dịch giả hay “linguas” như họ được biết. Như vậy một trong những công việc đầu tiên của họ là học ngôn ngữ của người bản xứ và viết các bài giảng đạo, các cuốn hội thoại, từ điển và ngữ pháp để giao tiếp với người bản xứ và để dạy các nhà truyền giáo đến sau họ.

Điều đó rất quan trọng sau khi Giáo hoàng Paul III (1468-1549) thành lập Dòng Tên (Society of Jesus) năm 1540, Công đồng Trento (1545–1563) và đặc biệt đối với châu Á, năm Hội đồng địa phận đầu tiên của Goa ở Ấn Độ (1567, 1575, 1585, 1592 và 1606), đã để lại một cuộc cách mạng về tôn giáo và xã hội của đế chế Bồ Đào Nha ở châu Á (Souza 2008, tr. 424).Mục đích chính là đảm bảo đầy đủ các giáo luật của Công đồng Trento hay Chấn hưng Tôn giáo(Counter-Reformation) đến các thực tế ở Phương Đông. Chẳng hạn, một trong những đề nghị của Hội đồng địa phận thứ ba ở Goa (1585) là xuất bản phép giảng bằng tiếng Bồ Đào Nha và tiếng bản xứ để truyền bá tốt hơn tín ngưỡng đạo Thiên chúa (Faria 2013, tr. 227; cũng xem Fonseca 2006, tr. 87).

Sự có mặt của người Bồ Đào Nha ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam xuất hiện vào giữa thế kỷ XVI (xem, ví dụ: Jacques 1999).Giáo khu rộng lớn ở Goa (Ấn Độ), được xây dựng theo sắc lệnh Romani pontificis circumspection (31/1/1533) của Giáo hoàng Clement VII (1478–1534) về pháp lý bao trùm toàn bộ phương Đông, tức là từ Mũi Good Hope (Cape Town,Nam Phi) đến

Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 1558, Giáo hoàng Paul IV (1476–1559) thành lập Giáo khu Malacca (Malaysia) bằng Tông hiến Pro Excellent! Praeminentia (4/2), và, 18 năm sau, Giáo hoàng Gregory XIII (1502–1585) thành lập giáo khu Macau (Trung Quốc) bằng Tông hiếnSuper specula militantis Ecclesiae (23/2/1576),những địa hạt dưới quyền Tổng giám mục Goa (Xem: Fernandes & Assunção 2014).

Macau trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha vào năm 1557 (xem, ví dụ: Correia 2012), nhận một Hiến chương từ vua D. Filipe I của Bồ Đào Nha (Filipe II của Tây Ban Nha) (1527–1598) năm 1586 và là trung tâm của Đạo chúa Jesus ở Trung Quốc, Nhật Bản và các vùng lân cận. Đó là bối cảnh ít nhất cho đến cuối thế kỷ thứ 17 với việc thành lập Giáo khu Nanjing bằng Tông hiến (apostolic constitution)Pontificis Sollicitudo và Giáo khu Bắc Kinh (Trung Quốc) bằng Romanus Pontifex, Beati Petri (April 10, 1690) của Giáo hoàng Alexander VIII (1610–1691), (xem: Teixeira 1996, tr. 15–16). Sự Bảo trợ của Bồ Đào Nha ở Viễn Đông chấm dứt với việc Macao được chuyển cho nước Cộng hòa Nhân dân trung Hoa ngày 19/12/1999.

Người Bồ Đào Nha đến vùng Chăm Pa (lãnh thổ Việt Nam ngày nay, lúc bấy giờ là Nam Trung bộ) vào giữa tháng Chín năm 1516 (xem, ví dụ: Manguin 1972, tr. 1-3; 45-46). Những tiếp xúc đầu tiên chưa được thực hiện và kết quả là một cơn bão đã buộc các thuyền phải đổi hướng và việc “khám phá” Đàng Trong của người Bồ Đào Nha phải lùi lại 7 năm sau, năm 1523. Trên thực tế, mặc dù người Bồ Đào Nha chưa bao giờ xâm chiếm Việt Nam, sự hiện diện của họ ở đây đã kéo dài hơn 3 thế kỉ, với nhiều mối liên hệ (xem, ví dụ:  Manguin 1972, tr. 1-3; 236), chủ yếu thông qua việc truyền giáo do các nhà truyền giáo tiến hành dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha.

Vào thế kỷ thứ 17, quốc gia bị chia làm hai vương quốc theo vĩ tuyến 18 bắc: Tonkin, tức miền bắc Việt Nam với thủ đô Thăng Long (nay là Hà Nội) và Annam/Cochinchina là miền trung và nam Việt Nam với kinh đô Phú Xuân (Huế). Sau cuộc chiến năm 1614, nhà Trịnh thống trị Vương quốc Đàng Ngoài và nhà Nguyễn thống trị Vương quốc Đàng Trong (Annam/Cochinchina). Trong nước Việt Nam được gọi là Đại Việt, nhưng với bên ngoài, trong quan hệ với Trung Quốc họ dùng tên An Nam, cái tên được người Bồ Đào Nha gọi là “Cochin-China” (xem, ví dụ: Jacques 2004, tr. 56-58).

CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐẦU TIÊN DƯỚI SỰ BẢO TRỢ CỦA BỒ ĐÀO NHA Ở VIỆT NAM

Cuốn sách đầu tiên nói đến những tiếp xúc đầu tiên giữa người Bồ Đào Nha và Việt Nam là của nhà ngữ pháp và biên khảo João de Barros (1496–1570), có tên Terceira decada da Asia: Dos feytos, que os Portugueses fizeram no Descobrimento & conquista dos mares & terras do Oriente (Lisbon 1563). Barros viết rằng Tổng trấn Ấn Độ, Afonso de Albuquerque (1453–1515), cử Fernão Peres de Andrade (1458–1552), một nhà hàng hải, thương gia và nhà ngoại giao đi khám phá bờ biển Trung Quốc và tạo lập quan hệ đầu tiên với người Trung Quốc. Ông ta rời Malacca vào ngày 12/8/1516, nhưng bị buộc phải chuyển hướng vì một cơn bão và họ đã đến Vương quốc Chăm Pa ở Đàng Trong. Fernão Peres de Andrade đặt chân lên bờ biển để nhìn làn nước trong lành và có thể tường trình về chất lượng cuộc sống của người dân. Sau ấn tượng đầu tiên, Fernão Peres ra lệnh cho các thủy thủ tặng quà cho người dân bản xứ, cố gắng làm giảm xung đột tạm thời và thiết lập quan hệ với họ. Fernão Peres tiếp tục hành trình của mình nhưng ông không thể đi đến Trung Quốc. Ông ta dừng lại ở Côn Sơn, trên bờ biển phía nam Việt Nam, thuộc quần đảo Côn Đảo hiện nay, ở miền Nam Việt Nam thuộc Biển Đông. Côn Sơn được người Bồ Đào Nha gọi là “Pullo Condor”, lấy từ tiếng Malaysia “Pu Lao Kundur”. Lúc bấy giờ Côn Sơn hay Pullo Condor chưa có người ở, nhưng nó được các nhà hàng hải biết đến rất rõ vì nguồn nước sạch, gia cầm, chim thú, rùa và nhiều loại cá khác nhau (Barros 1563, tờ. 42r-43v).

Một trong những văn bản tiếng Bồ Đào Nha đầu tiên khác viết về Việt Nam là giáo sĩ dòng Đa Minh, Gaspar da Cruz, O.P. (khoảng 1520–1570), có tênTratadoem que se contam muito por extenso as cousas da China (Évora 1570). Đây là cuốn sách châu Âu đầu tiên viết về Trung Quốc. Gaspar da Cruz là nhà truyền giáo đầu tiên ở Malaccavà ông quyết định đến Trung Quốc để biết rõ hơn về vương quốc nổi tiếng này. Trong chuyến đi của mình ông đã dừng chân ở vương quốc Cochinchina để nghỉ và lấy nước sạch. Ông mô tả đây là một vương quốc tuyệt vời với nhiều người và những người dân giàu có. Đặc biệt, ông viết rằng Cochinchina giáp với phía nam Trung Quốc với khoảng một trăm dặmbờ biển. Ông cũng nhận xét rằng Cochinchina lệ thuộc Trung Quốcvà con người cũng như ăn mặc giống người Trung Quốc. Đáng tiếc, ông ta không mô tả gì về tiếng Việt, nhưng ông nói rằng chữ viết của Cochinchina tương tự như chữ của Trung Quốc cho dù nó là ngôn ngữ khác hẳn. Đối với ông, người Việt Nam và người Trung Quốc chỉ hiểu được nhau qua chữ viết chứ không phải bằng lời nói bởi vì Trung Quốc có nhiều ngôn ngữ khác nhau và người nói các ngôn ngữ này cũng không hiểu được nhau (Cruz 1569, tờ. b iiir; về các tư liệu khác, xem Fernandes & Assunção 2014, p. 9-10).

Roland Jacques, O.M.I, hiện nay là giáo sư danh dự của Đại học Saint Paul ở Ottawa và đại diện của Việt Nam từ giáo đoàn “Missionary Oblates of Mary Immaculate”, là một học giả người Pháp đã nghiên cứu chi tiết về quan hệ giữa Việt Nam và các nhà truyền giáo dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha.Khi nghiên cứu các thế hệ tiên phong của giáo đoàn được tổ chức[2] đầu tiên, ông bàn về các nhà truyền giáo phục vụ dưới sự Bảo trợ của Bồ Đào Nha giữa năm 1623 và 1678 với sự tập trung vào Francisco de Pina,S.J. (1585/1586–1625), Gaspar do Amaral, S.J. (1594–1646), António Barbosa, S.J. (1594–1647) và Alexandre de Rhodes, S.J. (1593–1660) (xem Jacques 2012, tr. 43–48).

Francisco de Pina sinh ở Guarda, miền bắc Bồ Đào Nha giữa năm 1585 và 1586. Ông gia nhập Dòng Tên năm 19 tuổi và dành một số năm học ở Học viện Madre de Deus ở Macau, nơi ông là học trò của Cha João Rodrigues “Tçuzu” (1562–1633) và có khả năng sử dụng năng khiếu ngôn ngữ của mình. Ông đến Việt Nam ở Chăm Pa (Hội An, được người Bồ Đào Nha gọi là “Faïfo”) vào năm 1617 và qua đời trong một tai nạn chỉ tám năm sau (15/12/1625) ở tuổi 40 khi cố gắng cứu khách đang gặp nguy hiểm ở ĐàNẵng (“Turam” or “Turão” theo cách gọi của người Bồ Đào Nha), một cảng trên sông Hàn ven bờ biển miền Nam Trung Bộ của Việt Nam (Jacques 2002, tr. 24–27; Mourão 2005, tr. 317–319).

Gaspar do Amaral sinh ở Corvaceira, một huyện thuộc Viseu, miền bắc Bồ Đào Nha năm 1594; ông được phong linh mục Dòng Tên năm 1622, và năm sau ông được cử đến Nhật Bản, sau khi đã ở Học viện Madre de Deus ở Macau. Ông được Giám đốc Học viện, Cha Pedro Morejón (khoảng 1562–1639) cử đến Tonkin năm 1629, bởi vì “ông này không có tin tức gì từ các nhà truyền giáo” (Ribeiro 2001, tr. 68). Gaspar do Amaral là Giám đốc Học viện Macau và Phó Tỉnh dòng Tên Nhật Bản (1641–1645) (Wernz, Schmitt & Goetstouwers 1950, tr. 650). Ông qua đời trong một tai nạn đắm tàu ở gần đảo Hải Nam trên biển Đông (26/2/1646) lúc khoảng 52 tuổi (Mourão[3] 2005, tr. 310–313, 2012, tr. 54–61).

António Barbosa sinh ở Arrifana do Sousa, Penafiel, một huyện của Porto,cũng ở miền bắc Bồ Đào Nha năm 1594. Ông gia nhập Dòng Tên năm 1624, vàđến Goa và Macau để cộng tác với Gaspar do Amaral làm phiên bản tiếng Bồ Đào Nha của cuốn từ điển tiếng Việt (Zwartjes 2011, tr. 291). Năm 1635,ông dạy ở Học viện Macau, và, giữa năm 1636 - 1642, ông ở Tonkin. Năm 1644 có tin về sự có mặt của ông ở Macau (Mourão 2012, tr. 59, chú thích16); ông bị ốm, vì thế, “được gửi đến Goa điều trị và mất ở đây năm 1647 (Jacques 2002, tr. 30, chú thích 36).

Alexandre de Rhodes sinh năm 1593 ở Avignon, miền nam nước France,

trong một gia đình gốc Do Thái. Tổ tiên ông đến từ Calatayud, ở Aragon gầnZaragoza,Tây Ban Nha, “chạy trốn các cuộc khủng bố của người Iberia và đổi tên của họ từ Rueda[4], sống ở Avignon” (Maryks 2010, tr. 151). Rhodes đã giấu nguồn gốc Do Thái và Tây Ban Nha của mình khi gia nhập trường dòng Thánh Andrew ở Rome năm 1612 để được nhận vào Dòng Tên. Nhưng, ông coi mình là người Pháp, như ông nói rõ trong cuốn sách Divers Voyages: “ma chere patrie” (de Rhodes 1653, tờ. ẽ ii v., “Epistre à la Reyne”). Ông xin được nhận vào tỉnh dòng Roman thay vì Lyon bởi vì thành viên của nó dễ được nhận nhiệm vụ của vua Bồ Đào Nha đi truyền giáo ở Ấn Độ hơn (Phan 1998, tr. 39).Rhodes được thụ phong năm 1618 và cùng năm đó được cử đi Viễn Đông. Ông đến Lisbon bằng đường bộ, từ đó ông lên tàu “Santa Teresa”, dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha và năm sau đến Goa. Theo Fidel González Fernández (2011), hoạt động truyền giáo của Rhodes có thể chia làm ba thời kỳ khác nhau: 1) giữa 1619 và 1645 ở Viễn Đông dưới sự Bảo trợ của Bồ Đào Nha; 2) giữa 1645 và 1655 ở châu Âu, chủ yếu ở Pháp và Italia, và 3) giữa 1655 và1660 ở Ba Tư, hiện nay là Iran, nơi ông mất vào năm 1660, ở tuổi 67.

Alexandre de Rhodes muốn đi theo dấu chân của Thánh Francisco Xavier, S.J.(1506–1552), nhưng, vì khủng bố ở Nhật Bản sau năm 1614, Rhodes buộc phải ở lại Goa hai năm rưỡivà dành thời gian học ngôn ngữ bản địa, Ông đến Malacca năm 1622 và Macau năm 1623; ở đây ông được nhận vào học viện Madre de Deus, nơi ông bắt đầu học tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật Bản. Một năm sau, năm 1624, ông có chuyến đi đầu tiên đến Chiêm Thành (Chăm Pa), Cochinchina. Ở đây ông gặp Francisco de Pina, và bắt đầu học tiếng Việt với ông ấy. Tuy nhiên, một năm sau, Pina bị chết trong một tai nạn đắm tàu ở Đà Nẵng (González Fernández 2011, tr. 283). Rhodes còn ở lại một số năm ở ven biển Trung Bộ thuộc tỉnh Nghệ An, Tonkin, nơi ông gặp Gaspar do Amaral. Năm 1630, trong thời gian trị vì đầu tiên (1619–1642) của vua Lê ThầnTông (1607–1662), chúa Trịnh Tráng (1577–1654) xem Đạo Thiên chúa nguy hiểm và bắt đầu cấm đạo (Brockey 2009: 338–339).

Rhodes bị trục xuất khỏi Tonkin, ông trở lại Macau cho đến năm 1640, nơi ông vẫn có thể biết cha João Rodrigues “Tçuzu”, S.J. (1562–1633) và liên hệ lại với Gaspar do Amaral, S.J. (1594–1646). Rhodes trở lại Cochinchina, nhưng, trong cuộc nội chiến Trịnh–Nguyễn (1627–1673)[5], ông bị chúa Nguyễn Phúc Tần (1620–1687) buộc tội tử hình (chặt đầu) ở Phú Xuân (Huế) miền trung Việt Nam. Ông được người của vua Tonkin, Lê Thần Tông (1607–1662) cứu thoát. Tuy nhiên, tội chết được thay bằng việc bị trục xuất. Vì vậy, ông lên một chiếc tàu Bồ Đào Nha ở Hội An vào ngày 3/7/1645, và không bao giờ trở lại nữa (GonzálezFernández 2011, tr. 288).

Một điều cũng quan trọng là cần đề cập đến nhà ngôn ngữ nổi tiếng đầu tiên về tiếng Nhật Bản, giáo sĩ Bồ Đào Nha, João Rodrigues “Tçuzu”, S.J. (1562–1633)[6], cho dù ông chưa hề đặt chân đến Việt Nam. Ông ở Macau giữa 1614 và 1633 và có lẽ đã làm thay đổi ngôn ngữ học Việt Nam, chủ yếu là hoạt động tiếp theo của đồng nghiệp và là học trò của ông là Francisco de Pina.Nói vắn tắt, João Rodrigues đã viết một tác phẩm khởi nguồn, thêm vào đó những sáng tạo ngôn ngữ và tạo ra một tác phẩm siêu ngôn ngữ từ vốn kiến thức của ông về xã hội và văn học Nhật Bản. Ông là người đầu tiên viết về tiếng Nhật Bản bằng các kí tự Latin, và những miêu tả của ông về xưng gọi của người Nhật Bản, việc sử dụng sắc thái kính trọng, các quan hệ tôn ti trong xã hội Nhật Bản và những sự khác nhau về xã hội cụ thể giữa nam và nữ (Zwartjes 201, tr. 94–142; Rodrigues 1604 [-1608],1993 [1620]). Cha João Rodrigues[7]xứng đáng, như Zwartjes (2011, tr. 141) nói “được xếp là một trong năm nhà ngữ pháp Đạo Thiên Chúa nổi tiếng nhất từ thời thuộc địa”, chủ yếu là với tác phẩm Arte da lingoa de Iapam (Nagasaki 1604–1608).Roland Jacques (2012: 44) gọiônglà “một thiên tài ngôn ngữ học - un génie de la linguistique” và CharlesRalph Boxer (1904–2000), “cha đẻ của nghiên cứungôn ngữ Nhật Bản” (Boxer1950, p. 363). Về cuốn ngữ pháp chính của ông (1604-08), Richard L. Spear cho rằng “về mọi phương diện nó là nghiên cứu ngữ pháp tuyệt vời nhất về tiếng Nhật ra đời trong thế kỷ đạo Thiên Chúa” (Spear 1975, tr. 2).

NHỮNG VĂN BẢN SIÊU NGÔN NGỮ TIẾNG VIỆT ĐẦU TIÊN ĐƯỢC XUẤT BẢN[8]

Văn bản siêu ngôn ngữ đầu tiên được xuất bản về tiếng Việt là Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum và Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio của Alexandre de Rhodes. Chúng được Propaganda Fide (Bộ Truyền giáo) in (Rome 1651) sáu năm sau khi ông rời Việt Nam. Như vậy, ông không thể hoàn thành chúng ở đấy và có khả năng ông mang theo văn bản của Gaspar doAmaral và António Barbosa mà ông dùng để biên soạn cuốn từ điển, như chúng ta sẽ thấy. Dictionarium có tất cả591 trang. Riêng phần từ điển gồm 450 trang chia thành 900 cột, Rhodes gọi là trang hay tờ; kèm theo nó là một phụ lục giải thích, một đính chính bằng tiếng Việt, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latin và một index với các mục từ Latin ([440]–[490]). Trái lại, LinguaeAnnamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio là (một khái lược) một miêt tả về ngữ pháp tiếng Việt, đối chiếu, trong một số bản, ở đầu cuốn từ điển, và một số trường hợp ở cuối. Nó gồm có 31 (độc lập-autonomous) trang, trong đó Rhodes phân tích tiếng Việt hay những vấn đề ngữ pháp tiếng Đàng Ngoài, chẳng hạn như chữ cái và âm tiết (2–7), các biến thể và các dấu (8–10), các danh từ (10–14), các đại từ trang trọng (“honorific”) (14–20), các đại từ khác (21–23), các động từ (23–26), các phầnkhông biến cách khác (26–29) và một số châm ngôn cú pháp (29–31).

Lời nói đầu của từ điển, “Ad lectorem” [với bạn đọc] (6–7), nói rất rõ ràng về nguồn tài liệu chính của de Rhodes và giải thích về tiếng Annam hay tiếng Đàng Ngoài như thế nào. Những chi tiết này trên thực tế quan trọng với các nhà truyền giáo châu Âu trong tương lai, những người có thể là những người đọc tiềm năng của nó. Chẳng hạn,Rhodes giải thích rằngtiếng Annam hay Tonkin được nói không chỉ ở hai vương quốc này, Tonkin và Annam (Cochinchina), mà cũng được dùng như một ngôn ngữ chung lingua franca ở các vương quốc lân cận ở Cao Bằng (ở đông bắc Việt Nam ngày nay), Chăm Pa (Trung BộViệt Nam), Cambodia,Lao và Siam (Thái Lan) (de Rhodes 1651a, tr. [VI]).

Rhodes cũng nói rằng ông ta dành mười hai năm nghe người bản xứ nói và, thêm nữa, ông bắt đầu học tiếng này với giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Franciscode Pina, người mà theo ông, thông thạo tiếng Việt và là một trong những giáo sĩ đầu tiên nắm vững và giảng đạo không cần phiên dịch:

In hoc autem opere praeter ea quae ab ipsis indigenis didici per duodecim fermeannos quibus in illis egionibus tam Cocincinae quam Tunkini sum commoratus, ab initio magistrum linguae audiens Patrem Franciscum de Pina lusitanum e nostra minima Societate IESV, qui primus e Nostris linguam illam apprimecalluit, et primus sine interprete concionari eo idiomate caepit (de Rhodes 1651a, [VI-VII]).

[Nhưng, trong tác phẩm này, bên cạnh điều tôi tự học được từ người bản xứ trong suốt mười hai năm tôi sống ở các vùng Annam và cả ở Tonkin, tôi đưa vào điều tôi đã học từ lúc đầu với cha Francisco de Pina, một người Bồ Đào Nha từ Dòng Tên nhỏ bé của chúng ta, người đầu tiên trong số chúng ta có kiến thức sâu toàn diện về thứ tiếng này và người đầu tiên bắt đầu giảng đạo bằng thứ tiếng đó mà không cần phiên dịch.]

Lời tán dương này được nhắc lại trong Divers Voyages, nơi Rhodes khẳng địnhsự am hiểu tuyệt vời của Pina về tiếng Việt:

Nous partimes de Macao au mois de Decembre de cette année 1624. et dix-neufjours, nous arrivâmes tous en la Cochinchine, pleins du desir d’y bien travailler: Nous y rencontrâmes le Pere Pina qui s’estoit rendu sçavant en la langue du païs entierement differente de la Chinoise. (de Rhodes 1653, p. 71-72)

Ngoài ra, trong lời nói đầu của Từ điển, Rhodes cũng nói thêm rằng ông dùng công trình của hai nhà truyền giáo khác của Dòng Tên, hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là Gaspar do Amaral và António Barbosa. Họ biên soạn từ điển Việt-Bồ Đào Nha (Gaspar do Amaral) và Bồ Đào Nha-Việt (António Barbosa), mặc dù các từ điển này chưa được hoàn thành vì họ đột ngột qua đời. Rhodes giải thích rằng ông đã phát triển chúng và thêm tiếng Latin qua hiểu biết của ông (de Rhodes 1651a, tr. [VII]). Trong số những người khác, Michel Ferlus (1982, tr. 85), đã chứng minh rằng từ điển của de Rhodes là công trình được biên soạn dựa trên các công trình đã có.

Vay mượn bảng chữ cái tiếng Latin và chính tả tiếng Bồ Đào Nha

Trong một bản sao một bức thư gửi Giám sát Tỉnh dòng Nhật Bản và Trung Quốc, có thể được viết vào năm 1623, Francisco de Pina nói rằng ông đã viết một miêu tảvắn tắt về việc dùng chính tả và thanh điệu tiếng An Nam - Đàng Ngoài và ông bắt đầu soạn một cuốn về ngữ pháp. Ông cũng nói rằng ông viết nó bằng tiếng Bồ Đào Nha để “chúng ta” (người Bồ Đào Nha và/hay các giáo sĩ đạo Thiên Chúa) có thể đọc nó và học thuộc lòng được.

Eu já tenho feito hum Tratadozinho sobre a orthografia e toadas desta lingua, vou entrando pela Arte (…) eu escrevilas [em] letra portuguesa, e para os nossos poderem lelas, aprendendo de cor (Pina ca. 1745b [ca. 1623], f. 414v).

[tôi đã viết một mô tả nhỏ về việc dùng chính tả và thanh điệu ngôn ngữ. Tôi bắt đầu với ngữ pháp… Tôi viết chúng bằng chữ Bồ Đào Nha để những người anhem của chúng ta có thể đọc và học thuộc lòng.]

Trong đoạn trích này, Pina đã dùngmutatis mutandisnhững lý do tương tự với lý do của João Rodrigues “Tçuzu” in the Arte da Lingoa de Iapam:

No escreuer esta lingoa em nossa letra seguimos principalmente a o mutatis mutandis rtographiaatina, e a Portuguesa, assi por ter a pronunciação de Iapão semelhança com aPortuguesa em algũas syllabas como sam, cha, chi, cho, chu, nha, nho, nhu, etcetera. Como tambem por que Iapão em os Padres e irmãos entre si usam dalingoa e ortographia Portuguesa. (Rodrigues 1604[-1608], f. 55v)

[Viết ngôn ngữ này [tiếng Nhật] bằng chữ của chúng ta, chúng tôi chủ yếu dựa vào chính tả tiếng Latin và tiếng Bồ Đào Nha bởi vì việc phát âm tiếng Nhật tương tự như tiếng Bồ Đào Nha trong các âm tiết, gồm chachichochu,nhanhonhu, etc., và cũng bởi vì, ở Nhật Bản, các giáo sĩ và những người anh em dùng tiếng và chính tả Bồ Đào Nha với nhau.]

João Rodrigues, đã viết trongArte Breve, một vài năm trước bức thư của Pina, rằng ông chủ yếu dựa trên chính tả tiếng Latin vì tất cả các giáo sĩ biết nó. Ông cũng nói rằng ông cần dùng tiếng Bồ Đào Nha bởi vì nó có nhiều sự giống nhau về ngữ âm với tiếng Nhật và ít giống với tiếng Italia và tiếng Tây Ban Nha:

E por que a latina he commum a todas as naçoens, essa seguimos em geral,e o que falta à latina tomamos, ou do Portugues, que tem muitas syllabassemelhantes às Iapoas, que algũas terras de Europa nam tem, ou do Italiano, oufinalmente do Castelhano (Rodrigues 1993 [1620], f. 6r, p. 367).

[Và,vì tiếng Latin là thứ tiếng chung của tất cả các dân tộc, chúng ta dựa vào nó [language] về cơ bản, và điều gì thiếu trong tiếng Latin, chúng ta lấy từ tiếng Bồ Đào Nha, thứ tiếng có nhiều âm tiết giống tiếng Nhật. Điều này không có đối với các ngôn ngữ khác ở lục địa châu Âu, chẳng hạn tiếng Italia và tiếng Tây Ban Nha.]

Có thể là Pina, trong bức thư, đã ám chỉ đến Manuductio ad Linguam Tunckinensem [Sổ tay về tiếng Tonkin], tài liệu mà một bản sao từ thế kỷ 18 hiện có trong Biblioteca da Ajuda (Lisbon, Bồ Đào Nha) và một bản sao đã được Jacques (2002, tr. 146-167) công bố. Roland Jacques cho rằng tác giả của nó là người Thụy Sĩ, Honufer Bürgin, trong tiếng Bồ Đào Nha là Onofre Borges (1614-1664). Tuy nhiên, các chứng cứ của Jacques không hoàn toàn thuyết phục. Ảnh hưởng ngữ âm của tiếng Bồ Đào Nha là bằng chứng trong toàn bộ văn bản, Rhodes không thể bổ sung vào một văn bản được viết khoảng 15 năm sau khi ông đã rời Việt Nam và bức thư của Pina nói rõ rằng ông đã viết một mô tả về hệ thống thanh điệu tiếng Việt. Ngoài ra, Jacques tin rằng “tratadozinho” [miêu tả vắn tắt] của Pina ảnh hưởng tới Manuductio của Bürgin (xem Jacques 2002, tr. 31-39). Như vậy, cho đến khi phát hiện được tư liệu mới, chúng ta vẫn tin rằng nguồn tư liệu chính của Rhodes đúng thực là của Francisco de Pina và Manuductio ad Linguam Tunckinensem do ông viết.

Trên thực tế, Manuductio là một tóm tắt ngữ pháp hay một mô tả ngắn về tiếng Annam hay Đàng Ngoài. Nó gồm 22 trang, chia làm ba phần chính (về thanh điệu (accents), các con chữ của bảng chữ cái và các danh từ) và một số ghi chú thêm (hội thoại, phát ngôn thường dùng, một số cách diễn đạt quen thuộc hàng ngày vàmột số câu có thể có nghĩa tục tĩu). Đó là một phiên bản sao lại từ một bản được Cha João Álvares, S.J. (?–cuối 1762) viết năm 1745 tại học viện Madre de Deus ở Macau và được gửi tới Đại diện Tỉnh dòng Nhật Bản ở Lisbon khoảng năm 1747 cùng với các bản sao những tài liệu tôn giáo quan trọng khác(Rodrigues1931–1950, tập. 4, tr. 162).

Những năm gần đây, chủ yếu là sau nghiên cứu của Roland Jacques (2002, 2004, 2012), dường như các học giả quốc tế thiên về giả thiết rằng Francisco de Pina là người sáng tạo thực sự của chữ Việt Latin hóa (dựa trên cơ sở bảng chữ cái tiếng Latin), chữ viết hiện nay gọi là chữ Quốc ngữ “ngôn ngữ quốc gia” (xem thêm: Guillemin 2014). Việc nó được dùng làm chữ viết chính thức của hệ thống hành chính Việt Nam được quy định vào năm 1898 bằng một Nghị định của Toàn Quyền Pháp ở Đông Dương (và tổng thống tương lai của Pháp) Paul Doumer (1857–1932). Tuy nhiên, việc thực hiện nó chỉ được hoàn tất năm 1909 và cuối cùng, một sắc lệnh bãi bỏ phương pháp dạy truyền thống với việc đưa vào hệ thống giáo dục chữ Pháp và chữ Quốc Ngữ (xem: Jacques 2004, tr. 24, chú thích 3). Sau khi độc lập (2/9/1945) và thống nhất (30/4/1975), quốc ngữ vẫn giữ vị trí là văn tự chính thức ở Việt Nam (xem: Thompson 1987).

Tóm lại, mặc dù các nhà truyền giáo châu Âuđược cung cấp mọi thứ, Francisco de Pina rõ ràng chịu ảnh hưởng từ Cha João Rodrigues “Tçuzu”, như trong trường hợp tiếng Nhật Bản. Gaspar do Amaral, António Barbosa và Alexandrede Rhodes đã phát triển và nâng cao phương pháp. Gần đây, chẳng hạn, OttoZwartjes (2011: 291) và Fidel González Fernández (2011, tr. 299) nhận thấy rằng các tác phẩm của Rhodes dựa trên các công trình của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha trước đó.

Mặt khác, Thompson lưu ý rằng có nhiều ảnh hưởng của Bồ Đào Nhatrong từ điển của de Rhodes, song ông không hiểu vì sao nó lại xảy ra:

Điều rắc rối nhất có lẽ là Alexandre de Rhodes, người chịu trách nhiệm đối với những nội dung cơ bản, là một người Avignon ở miền nam nước Pháp, mà hệ thống chữ viết có lẽ thể hiện nhiều nét đặc biệt liên quan tới tiếng Bồ Đào Nha hơn bất cứ một thứ tiếng nào khác. Liên quan tới điều này, điều quan trọng là bên cạnh tiếng Bồ Đào Nha từ điển của de Rhodes gồm nhiều điểm đặc trưng của tiếng Latin hơn tiếng Pháp. (Thompson 1987, tr. 55)

Lập luận của ông ấy chỉ dựa trên niềm đam mê hàng hải và thương mại của người Bồ Đào Nha trong khu vực đó chứ không phải trên hoạt động của các nhà truyền giáo trước đó: 

Suốt thời kỳ ban đầu ấy chính niềm đam mê buôn bán và hàng hải của người Bồ Đào Nha đã thể hiện các cam kết quan trọng nhất của người châu Âu trong khu vực và như một hệ quả, tiếng Bồ Đào Nha dường như là ngôn ngữ phổ biến nhất của người châu Âu lúc bấy giờ (Thompson 1987, tr. 55)

Đáng tiếc là chúng ta không thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của Gaspar do Amaral và António Barbosa đếnRhodes bởi vì công trình của họ không bao giờ được in và bản thảo của họ vẫn chưa được tìm thấy. Bên cạnh việc Rhodes nói rằng ông dùng các từ điển của Amaral và Barbosa, có một số thư thường niên của các nhà truyền giáo (annuaelitterae) khẳng định rằng họ đã sử dụng các cuốn từ điển (xem, ví dụ: Rodrigues 1917, tr. 360; 1931–1950, tập. 3, vol. 2, tr. 157; hộp 2002, tập.1, tr. 189). Cho rằng Gaspar do Amaral mất một năm sau khi Rhodes rời khỏi Việt Nam, rất có thể là ông đã sao chép phiên bản tiếng Việt và tiếng Bồ Đào Nha và hoàn thành bản dịch tiếng Latin ở châu Âu. Tuy nhiên, những dấu ấn của các tác giả Bồ Đào Nha là không thể phủ nhận.

Ngoài ra sự thực là từ “Portuguese” được lặp lại hơn 70 lần— “portugueses”, 6 lần; “lusitani” “dicunt” hay “vocant”, 29 lần; “a” hay “pro” “lusitanis”, 24 lần; “lusitana” “lingua”, 5 lần; “apud” “lusitanos”, 3 lần, v.v... — có một phép chính tả đặc trưng của tiếng Bồ Đào Nha: âm vị vòm mặt lưỡi mũi (dorso-palatalnasal) được thể hiện bằng kí hiệu /ɲ/ trong Bảng Ngữ âm Quốc tế (IPA)được viết bằng chữ cái Bồ Đào Nha <nh>chứ không phải bằngkết hợp chữ cái (archigrapheme)của tiếng Italia hay tiếng Pháp<gn>[9]. Rhodes chỉ ra điều đó một cách rõ ràng nhưng không nói rằng nó là phép chính tả riêng của tiếng Bồ Đào Nha: “(…). adhibemus etiam simul cum, n,vt nhà, domus, & facit idem quod apud Italos, gna” (de Rhodes 1651b, p. 4) [wealso add [h] with n, like “nhà”, house, and does the same like the Italian “gna”]. Phép chính tả “Portuguese” này hiện vẫn được dùng trong tiếng Việt, chẳng hạn như, “nhà” [house], “quạnh” [be solitary, deserted], lành-lạnh” [be abit cold], “mình” [oneself], “nhẹ” [be light, in weight], “nhè-nhẹ” [be rather lightin weight], “nhỏ” [be small], “nhưng” [but, however] (xem, ví dụ: Michaud, Ferlus,Nguyễn 2015; Haudricourt 2010; Thompson 1987).

Rhodes học một số ngôn ngữ và ông đương nhiên nói rất giỏi tiếng Bồ Đào Nha, ngôn ngữ thông dụng của các nhà truyền giáo dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha cùng với tiếng Latin. Tuy nhiên, ông chỉ viết bằng tiếng Latin và tiếng Pháp (xem Rhodes1653). Như vậy, Gaspar do Amaral và António Barbosa rõ ràng là những người đã đưa tổ hợp <nh> (chứ không phải kết hợp<gn> của tiếng Pháp hay tiếng Italia) để ghi âm vị /ɲ/ tiếng Việt.

Miêu tả các thanh điệu

Ảnh hưởng của Pina đối với Rhodes không chỉ ở việc sử dụng hệ thống Latin hóa mà cả ở việc miêu tả hệ thống thanh điệu. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng Pina và Rhodes đã không phân biệt giữa tiếng/phương ngữ Đàng Ngoài (Tonkinese) ở bắc Cochinchina và Annamese ở nam Cochinchina[10]. Đối với cả hai tác giả, ngôn ngữ là mutatis mutandis như nhau, mặc dùDictionarium của Rhodes có thể được coi là một sự hòa lẫn các phương ngữ của tiếng Việt (xem, ví dụMaspero 1912). Michel Ferlus cho rằng từ điển của Rhodes dựa trên phương ngữ miền Trung Việt Nam: “Le Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum du Père Alexandre de Rhodes (1651), rédigé dans la romanisation qui deviendra le quốcngữ (…) semble élaboré à partir d’un parler du centre” (Ferlus 1982, tr. 85).

Nhưng, Maspero cho rằngDictionarium của Rhodes vàBrevis Declaratio liên quan đến phương ngữ miền Bắc “serapportent au dialecte tonkinois” (Maspero 1912, tr. 9, chú thích 1). Trên thực tế, Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes giải thích rằng ngôn ngữ này và các thanh điệu của nó có thể được miêu tả với các đặc điểm như các ngôn ngữ châu Âu, nghĩa là bằng các chữ cái Latin. Manuductio của Pinas nói rằng ông cần bắt đầu bằng việc giải thích bảng chữ cái Latin, theo truyền thống, song theo ông, việc học các thanh điệu (hay “accents”, theo thuật ngữ ông dùng) là quan trọng hơn rất nhiều:

Mos est alias in tradendis, discendisque linguis ab alphabeto seu litteris initium ducendi, quem utique morem tenuissem, nisi accentuum notitia ad meliorem litterarum intelligentia hac in lingua praeprimis esset necessaria. (Pina ca.1745a [ante 1623], f. 313r)

[Truyền thống phổ biến trong việc dạy và học tiếng là bắt đầu với bảng chữ cái hay các con chữ. Rõ ràng tôi cần theo truyền thống đó nếu kiến thức về thanh điệu (accents) không phải là cái cần thiết nhất để hiểu biết tốt hơn về chữ viết trong ngôn ngữ này.]

Duo tamen praecipue sunt in hoc idiomate notanda, e quibus tanquamfundamentis tota ratio bene addiscendae huius linguae pendet, ita ut sine illis anostratibus haec lingua vix teneri possit; si uti enim homo constat ex corpore etanima, sic etiam hoc idioma constat ex characteribus quibus a nobis conscribitur,et ex tonis seu accentibus quibus notatur et pronunciatur: quibus duobus priusexplicatis et positis tanquam fundamentis, de partibus Orationis, et praeceptis inipsa oratione seruandis agendum postea. (de Rhodes 1651b, tr. 1).

[Thay vào đó,về mặt nguyên tắc, hai [vấn đề cơ bản] cần được chú ý trong ngôn ngữ này, theo cơ sở của việc học ngôn ngữ này là dựa vào đó, vì nếu thiếu chúng, chúng ta khó có thể hiểu được ngôn ngữ này; quả thực như con người được làm từ thể xác và linh hồn, ngôn ngữ này cũng được tạo thành bởi các đặc trưng được chúng tôi miêu tả và bằng các thanh điệu và giọng nhờ chúng nó được phát âm. Hai cơ sở được giải thích trước đây, các phần của lời nói và các châm ngôn liên quan đến mỗi phát ngôn sẽ được nhận xét sau.]

Mặt khác, cả hai miêu tả sáu thanh điệu (“de accentibus”) của tiếng Đàng Ngoài[11] giống nhau. Nguyễn và Edmondson, không biết công trình của Pina, đã viết rằng […] nhà ngữ âm tiếng Việt đầu tiên để lại tư liệu, Alexandre de Rhodes(1651) […] miêu tả chúng bằng các thuật ngữ impressionisticnhư sau: “acuteangry”(sắc), “smooth-rising” (hỏi), “level” (ngang), “chesty-raised” (ngã), “chesty-heavy” (nặng), “grave-lowering” (huyền) […]. Ba thế kỷ rưỡi sau những đặc trưng này vẫn giữ nguyên tính hợp lý và sáng suốt.(Nguyễn & Edmondson 1998, p. 2)

Đôi khi Rhodes dùng những từ giống như Pina, và thỉnh thoảng họ thêm những chi tiết khác nhau. Trong lời giới thiệu, Rhodes so sánh thanh điệu với trọng âm tiếng Hy Lạp (acute, grave and circumflex) và cả dấu phụ dưới của i từ tiếng Hy Lạp cổ. Pina ngắn gọn hơn, đưa ra những chi tiết này bằng cách miêu tả từng thanh điệu riêng:

Accentus hac in lingua seu tonorum mutationes sunt sex, ex quibus solismultoties significationum diuersitas sumi debet; unde patet huiusmodi tonos exarte callendi necessitas [esse]. (Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313r)

[Trong ngôn ngữ này có sáu giọng hay sự thay đổi thanh điệu, mà nó thường phụ thuộc tính đa dạng của sự quan trọng. Vì vậy, điều rõ ràng là nó cần thiết để học cách phát âm chính xác các thanh điệu.]

Diximus accentus esse quasi animam uocabulorum in hoc idiomate, atque ideosumma diligentia sunt addiscendi. Vtimur ergo triplici accentu linguae Graecae,acuto, graui, et circunflexo, qui quia non sufficiunt, addimus iota subscriptum,et signum nterrogationis nostrae; nam toni omnes huius linguae ad sex classesreducuntur, ita ut omnes prorsus dictiones huius idiomatis ad aliquam ex his sexclassibus seu tonis pertineant, nulla uoce prorsus excepta (de Rhodes 1651b, p. 8);

[Chúng tôi nói rằng các giọng dường như là hồn cốt của từ trong ngôn ngữ này, và vì vậy, cần hết sức chú ý tới chúng. Bởi thế, chúng tôi dùng dấu của tiếng Hy Lạp, sắc (acute), huyền (grave) và dấu mũ (circumflex) cho chúng, bởi vì chúng không thích hợp, chúng tôi thêm dấu phụ vào i và một dấu hỏi; Tuy nhiên, tất cả các thanh điệu của ngôn ngữ này được quy về sáu lớp, như vậy tất cả các từ của ngôn ngữ này thuộc về một của sáu lớp hay thanh điệu này, và trên thực tế không có từ nào ngoại lệ.]

Hơn nữa, cả hai giải thích mỗi thanh một cách riêng biệt. Francisco de Pina thêm vào khuông nhạc cho mỗi thanh trong khóa G (nốt Son), với nửa (minim) và một phần tư (crotchet) nốt. Giải thích của Pina rõ ràng hơn của Rhodes. Quả thực thanh điệu thứ nhất là thanh trung bình, không có sự thay đổi giọng, và cả hai tác giả đều bắt đầu với một câu giống nhau:

Primus tonus esta aequalis, et sine ulla vocis inflexione pronuntiatur, habeturquetum, quando vox aliqua nullo ex quinque signis ̀, ́, ̃, ʅ, ’, ͅ : hoc ultimumvocalibus tantum subscribitur ut apud Graecos jota subscritum, ͅ notatur. Suntquidem et alia signa, sed quia non ad vocis inflexionem, verum ad literarumcertam pronunciationem dignoscendam adiiciuntur […].

(Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313r).

[Thanh điệu đầu tiên bằng phẳng và được phát âm không thay đổi giọng vì nó mặc nhiên (implied) khi không có cái nào trong năm dấu được dùng ̀, ́, ̃, ʅ, ’, ͅ . Dấu cuối cùng được để phía dưới từ bằng dấu phụ của chữ i Hy Lạp. Cũng có những dấu phụ khác không ảnh hưởng đến sự thay đổi của giọng nói, song chúng được dùng để phân biệt sự phát âm khác nhau của các chữ mà chúng được gắn vào…]

Primus igitur tonus est aequalis, qui sine ulla vocis inflexione pronunciatur, utba, tres: quod ita verum est, ut etiam si quis aliquem interroget per vocem,chang, quae est aequalis, ut có chang, est ne; nullo modo debeat inflecterevocem interrogando, quia vox interrogativa, chang, nullo notatur accentu, quodsi inflecteretur vocis tonus, tunc esset alia significatio: voces itaque quae huncaequalem habent tonum, nullo notantur accentu; et hoc est sufficiens illarumdistinctivum signum, cum omnes aliae suum accentum habeant. (de Rhodes1651b, tr. 8)

[Vì vậy, thanh đầu tiên là thanh bằng. Nó được phát âm với giọng không thay đổi. Ví dụ:ba, “three”; điều này rất đúng nếu một ai hỏi ai đó khác điều gì dùng từ chăng, cũng bằng, kiểu nhưcó chăng, “it isnot”, khi hỏi không được uốn giọngbởi vì từ để hỏichăng khôngmang thanh điệu. Nếu thanh điệu của giọng có ảnh hưởng, nó sẽ có nghĩa khác; như vậy, các từ có thanh điệu giống nhau không có sự phân biệt giọng, và điều này là một dấu hiệu đủ để phân biệt với các từ khác có thanh (accents) khác.]

Trong miêu tả về các thanh khác, văn bản của Rhodes gần giống như của Pina và cả hai luôn luôn dùng ví dụ bằng một từ (một âm tiết), “ba”, từ có các nghĩa khác nhau với các thanh cụ thể. Mặt khác, cả hai tìm thấy một sự tương tự trong các dấugiọng của tiếng Bồ Đào Nha (tiếng Hy Lạp, trongvăn bản của Rhodess) là (sắc, huyềnvàdấu mũ) để giải thích các thanh thứ hai, thứ ba và thứ tư:

Secundus est acutus: hic profertur voce acuta et quasi iram demonstrante, ut ineadem voce : concubina Regis vel Principis viri.

(Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313v).

[Thanh thứ hai, được phát âm với một giọng cao và với sự biểu lộ một âm thanh giống như sự giận dữ, như trong từ : “thiếp của vua, chúa”, hay “thiếp của các thủ lĩnh.” (Trong bản tiếng Anh, các tác giả dịch: “the Prince’s sons” có lẽ không chính xác-VXQ.]

Secundus tonus est acutus, qui profertur acuendo vocem, et proferendodictionem, ac si quis iram emonstraret, ut bá concubina Regis, vel principisalicuius viri. (de Rhodes 1651b, p. 8);

[Thanh thứ hai là giọng sắc, được phát âm bằng một giọng cao và phát âm từ như khi ai đó bày tỏ sự giận dữ, như trong , “thiếp của vua, chúa”, hay “thiếp của các thủ lĩnh”. (Trong bản tiếng Anh, các tác giả dịch: “the Prince’s sons” có lẽ không chính xác-VXQ)]

Tertius est gravis, et profertur deprimendo vocem; ut iterum in voce : aviaaut Domina usuvenit.

(Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313v).

[Thanh thứ ba trầm, và nó được phát âm với việc hạ thấp giọng, như thường được dùng lại với từ , grandmother” hay “lady”.]

Tertius est gravis, et profertur deprimendo vocem, ut , avia, vel Domina. (de Rhodes 1651b, tr. 8);

[Thanh thứ ba trầm, và nó được phát âm với việc hạ thấp giọng, như trong , “grandmother” hay “lady”.]

Quartus est circumflexus, qui exprimitur inflectendo vocem ex imo pectore prolatam et postea sonore elevatam: ut fit in voce βã[12]: colaphus.

(Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313v).

[Thanh thứ tư là giọng uốn cong, được diễn tả bằng sự thay đổi giọng phát âm từ độ sâu của lồng ngực sau đó nâng cao giọng, như được nói trong âm vã, “slap”.]

Quartus est circumflexus, qui exprimitur inflectendo vocem ex imo pectoreprolatam, et postea sonore elevatam, ut βã, colaphus, vel colaphizare. (deRhodes 1651b: 8);

[Thanh thứ tư là giọng uốn cong, được diễn tả bằng sự thay đổi giọng phát âm từ độ sâu của lồng ngực sau đó nâng cao giọng, như được nói trong âm vã, “slap”.]

Thanh thứ năm thấp hơn và đi xuống, được ghi bằng một dấu phụ phía dưới của chữ cái i Hy Lạp:

Quintus vocatur ponderosus seu onerosus, quia cum quodam pondere, seu onere ex imo pectore prolata voce exprimitur: ut in voce Bą: res derelicta.

(Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313v).

[Thanh thứ năm được gọi là nặng nề “ponderous” hay khó nhọc “onerous” bởi vì nó được phát âm bằng giọng phát ra từ sâu trong lồng ngực và tạo ra một lực nhất định, như trong từ , “thứ vô thừa nhận” (without owner).]

Quintus vocatur ponderosus seu onerosus quia cum quodam pondere seu onere ex imo pectore prolata voce exprimitur, et notatur cum iota subscripto ut bạ res derelicta. (de Rhodes 1651b, p. 8)

[Thanh thứ năm được gọi là nặng nề “ponderous” hay khó nhọc “onerous” bởi vì nó được phát âm bằng giọng phát ra từ sâu trong lồng ngực và tạo ra một lực nhất định, và nó được ghi với một dấu phụ dưới chữ chữ cái i Hy Lạp, như trongbạ, “thứ vô thừa nhận”.]

Thanh cuối cùng là một thanh điệu mềm, song với một giọng nghi vấn, như thể ai đó hỏi người khác điều gì đó:

Sextus denique dicitur lenis, quia leniter profertur, et per modum interrogantisv.g. itáne? Ut in voce Bả: sericum quoddam coloris lutei seu crocei.

(Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313v-314r).

[Cuối cùng, thanh thứ sáu được gọi khoan thai “lenient” vì nó được phát âm một cách mềm mại và với thức nghi vấn, kiểu như itáne?, trong từ bả, “một thứ lụa vàng hay vàng nghệ của người Tonkin”.]

Sextus denique dicitur lenis, quia cum leni quadam vocis inflexione profertur,sicuti cum interrogare solemus, itane? et similia; et idcirco signo illointerrogativo pro accentu notatur ut, bả, quoddam sericum apud Tunchinensescoloris lutei vel crocei. (de Rhodes 1651b, p. 9);

[Cuối cùng, thanh thứ sáu được gọi khoan thai “lenient” bởi vì nó được phát âm với một tuyến điệu mượt mà của giọng nói, như khi chúng ta thường hỏi, itáne?,và giống như các câu hỏi; vì vậy nó được ghi bằng một dấu hỏi, như trong từ bả, “một thứ lụa vàng hay vàng nghệ của người Tonkin”.]

Như chúng ta thấy, Francisco de Pina biểu thị mỗi thanh điệu trên một khuôn nhạc, còn Rhodes không làm thế. Song ông so sánh các thanh tiếng Việt với sáu nốt nhạc của thang âm nguyên C–D–E–F–G–A (“dò”, “rẹ”, “mĩ”, “pha”, “sổ”, “lá”), mặc dù ông không rõ như Pina:

Hos autem sex accentus ad nostrae musicae tonos sic accommodare possumus utaliquam cum illa, uideantur habere proportionem per has uoces ut, dò, pedica: re,radix, in pronunciatione cuiusdam Prouinciae; mĩ, nomen cuiusdam familiae;fa, uel pha, miscere; sổ, cathalogus; lá, folium; ita ut ex his uocibus etiam inlingua Tunchinica significatiuis, per sex tonos linguae Tunchinensis, dò, rẹ, mĩ,pha, sổ, lá, possimus referre aliquo modo sex tonos nostrae musicae, non tamenita exacte, quin magna intersit differentia; quare nullus istos tonos addiscerepoterit, nisi ab aliquo qui linguam bene calleat, illos per se ipsum audieritsaepius, ut illis assuescat: Quinque igitur sunt accentuum notae quia tonusequalis non indiget nota […]. (de Rhodes 1651b, p. 19)

[Tuy nhiên, nhờ thế chúng ta có thể sắp xếp sáu giọng này với các âm nhạc của chúng ta, vì chúng dường như có một số sự tương xứng về mặt âm thanh của chúng. Các ví dụ” dò, “trap”; rễ, “root” trong phát âm của một số địa phương;mĩ, tên của một họ cụ thể; fa or pha, “to mix”; sổ, “catalogue”; , “leaf”; như vậy, khi các âm này cũng có nghĩa trong tiếng Đàng Ngoài, dùng sáu thanh của tiếng Đàng Ngoài, dò, rễ, mĩ, pha, sổ, lá, chúng ta có thể nói đến, ở một số mức độ, đến sáu âm của âm nhạc chúng ta, mặc dù không chính xác, cái tạo ra một sự khác biệt lớn; bởi vì không ai có thể học được các thanh này, trừ người rất thông thạo ngôn ngữ này và nghe chúng thường xuyên hơn và đã trở nên quen thuộc với chúng; vì vậy có năm nốt nhạc bởi vì có một thanh bằng không cần nốt …]

KẾT LUẬN

Những ghi chép đầu tiên về Việt Nam từ bối cảnh châu Âu vào thế kỷ thứ 16 thuộc về nhà ngữ pháp và du kí João de Barros (1496-1570) năm 1563 vàgiáo sĩ dòng Đa MinhGaspar da Cruz (khoảng 1520–1570) năm 1570. Tuy nhiên, ghi chép ngôn ngữ học đầu tiên thuộc về nhóm mà Roland Jacques gọi là Các giáo sĩ Đạo chúa Jesus tiên khởi, đặc biệt là các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Francisco de Pina, S.J.(1585 / 1586-1625), Gaspar do Amaral, S.J. (1594–1646) và António Barbosa,S.J. (1594–1647) vàgiáo sĩ người Pháp, Alexandre de Rhodes, S.J. (1593–1660).

Hiện nay đã xác minh được rằng Francisco de Pina là người đầu tiên miêu tả tiếng Annam hay tiếng Tonkin bằng các kí tự Latin hay dùng hệ thống Latin hóa (ngày nay người Việt Nam gọi là Quốc ngữ, ngôn ngữ dân tộc) từ ảnh hưởng của giáo sĩ Bồ Đào Nha, João Rodrigues “Tçuzu”, S.J. (1562–1633). Gaspar doAmaral, António Barbosa và Alexandre de Rhodes đã phát triển và nâng cao phương pháp. Rhodes cũng dùng hai văn bản của từ điển do Amaral và Barbosa biên soạn và để lại dấu ấn riêng của chính tả Bồ Đào Nha (cả chính tả tiếng Việt hiện nay): tổ hợp con chữ<nh>ghi âm vị mũi mặt lưỡi-ngạc /ɲ/.

Mặt khác, Francisco de Pina cũng là một nguồn quan trọng trong miêu tả về các thanh tiếng Tonkin của Rhodes. Về điểm cụ thể này, sự tương tự giữa văn bản Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio(Rome 1651) của Rhodes’svàManuductio ad linguam Tunchinensem (ante 1623) Pina là rất ấntượng. Chúng bổ sung cho nhau, nhưng văn bản của Pina rõ ràng hơn, bởi vì ông giải thích mỗi thanh với sự trợ giúp của khung nhạc, trong khóa G (nốt Son), với nửa (minim) và một phần tư (crotchet) nốt. Cả hai giải thích sáu thanh của tiếng Tonkin sử dụng các kí tự giống nhau như các ngôn ngữ châu Âu và họ miêu tả chúng với các từ giống nhau.

Tóm lại, đối với Pina và Rhodes, sáu thanh tiếng Tonkin có thể miêu tả như sau: Thanh thứ nhất là một thanh trung bình, không có sự thay đổi tuyến điệu (thanh ngang);thanh thứ hai là một thanh “sắc - giận dữ”, phát âm với giọng cao, thể hiện một giọng giống như giận dữ (thanh sắc); thanh thứ ba là một thanh bằng, phát âm bằng cách hạ thấp giọng (thanh huyền); thanh thứ tư là một thanh thở-lên cao, thay đổi giọng phát âm từ sâu trong ngực rồi nâng cao một cách dứt khoát (thanh ngã); thanh thứ năm là một thanh chesty-heavy, phát âm bằng cách phát âm ra từ sâu trong ngực và tạo ra một lực nhất định (thanh nặng); và, cuối cùng, thanh thứ sáu là một thanh hỏi, phát âm với một sự thay đổi giọng một cách mềm mại, giống như trong một câu hỏi, như ai đó hỏi điều gì (thanh hỏi).

Cuối cùng, trích dẫn của Nguyễn và Edmondson (1998, tr. 2) phải được sửa đổi, thêm tên Pina vào tên của Rhodes: Những đặc trưng này của các nhà ngữ âm học đầu tiên về tiếng Việt, Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes, “ba thế kỷ rưỡi sau […] vẫn còn giữ nguyên tính hợp lý và sáng suốt”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Barros, João de, 1563. Terceira decada da Asia: Dos feytos, que os Portugueses fizeram no Descobrimento & onquista dos mares & terras do Oriente, Lisboa, João Barreira. Online: http://www.archive.org/details/terceiradecadada00barr (last access: 24 July 2016)

Boxer, Charles Ralph, 1950. « Padre João Rodrigues Tçuzu S.J. and hisJapanese grammarsof 1604 and 1620 », Boletim de Filologia 11, 338-363.

— 2002. Opera Minora, 3 vols, Lisboa, Fundação Oriente.

Brockey, Liam M., 2009. Journey to the East: The Jesuit Mission to China, 1579–1724, Cambridge, Mass., Harvard University Press.

Catach, Nina (dir.), 1995. Dictionnaire historique de l’orthographe française, Paris, Larousse.

Correia, Pedro Lage Reis, 2012. « La Compagnie de Jésus à Macao et en Asie Orientale: la transmission du christianisme dans les ‘espaces de frontières’ (xvie siècle) », Hugues Didier & Madalena Larcher (ed.), Pédagogies Missionnaires: Traduire, transmettre, transculturer, 32e Colloque du CÉDRIC, Lisbonne 30 août-3 septembre 2011, Paris, Éditions Karthala, 261–276.

Cruz, Gaspar da, 1570. Tractado em que se cõtam muito por estẽso as cousas da China, cõ suas particularidades, e assi do reyno dormuz, cõposto por el. R. padre fray Gaspar da Cruz da ordẽ de sam Domingos, Évora, Casa de André de Burgos. Online: http://purl.pt/22928 (last access: 24 July 2016)

de Rhodes, Alexandre, 1651a. Dictionarium Annnamiticum Lusitanum, et Latinum ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide, Roma, Propaganda Fide.

— 1651b. Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio. In Dictionarium Annnamiticm Lusitanvm, et Latinum ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide, Roma, Propaganda Fide, 1–31.

[de Rhodes, Alexandre], 1653. Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient, avec son retour en Europe par la Perse &l’Armenie, Paris, Sebastien et Gabriel Cramoisy.

Faria, Patricia Souza de, 2013. « Os concílios provinciais de Goa: reflexões sobre o impacto da ‘Reforma Tridentina’ no centro do império asiático português (1567–1606) », Topoi. Revista de História, 14/27, 218–238. On-line: http://www.revistatopoi.org/numeros_anteriores/topoi27/AF_TOPOI_27.pdf (Last access: 16/10/2014).

Ferlus, Michel, 1982. « Spirantisation des obstruantes mediales et formation du système consonantique du vietnamien », Cahiers de linguistique - Asie Orientale 11/1, 83-106.

Fernandes, Gonçalo & Assunção, Carlos, 2014. « Cuốn Từ Điển Tiếng Việt Đầu Tiên(Rome 1651): Đóng Góp Từ Chế Độ Bảo Trợ Của Bồ Đào Nha Đối Với Ngôn NgữHọc Phương Đông / The first Vietnamese Dictionary (Rome 1651): Contributions ofthe Portuguese Patronage to the Eastern Linguistics », Journal of Foreign LanguageStudies 41, Hanoi University, 3-25.

Fonseca, Maria do Céu Brás, 2006. Historiografia linguística portuguesa e Missionária:preposições e posposições no séc. XVII, Lisboa, Colibri.

González Fernández, Fidel, 2011. « La experiencia misionera de Alexandre de Rhodes SJ(1593–1660) », Sudia Missionalia 60, 277–317.

Guilday, Peter, 1921. « The Sacred Congregation de Propaganda Fide (1622–1922) », TheCatholic Historical Review 6/4, 478–494.

Guillemin, Alain, 2014. « Alexandre de Rhodes a-t-il inventé le quốc ngữ? Moussons 23,141-157.

Haudricourt, André-Georges, 2010. « The origin of the peculiarities of the Vietnamesealphabet », Mon-Khmer Studies 39, 89-104. On-line: halshs-00918824v2 (Last access:16/04/2016).

Jacques, Roland, 1999. De Castro Marim à Faïfo: Naissance et Développement du Padroado portugais d´Orient des origines à 1659, Lisboa, Fundação Calouste Gulbenkian.

— 2002. Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics / Pionniers portugais de la linguistiquevietnamienne, Bangkok, Orchid Press.

— 2004. Các nhà truyền giáo Bồ Đáo vá thờ kỳ đầu của Giáo hội công giáo Việt Nam /Les missionnaires portugais et les débuts de l’Eglise catholique au Viêt-nam, 2 vols.,Reichstett, France, Định Hướng Tùng Thư.

— 2012. « De 1623 à 1955, options linguistiques des missionaires au Viêt-nam etaffirmation de l’identité nationale », Hugues Didier & Madalena Larcher (ed.),Pédagogies Missionnaires: Traduire, trasnmettre, transculturer, 32e olloque duCÉDRIC, Lisbonne 30 août-3 septembre 2011, Paris, Éditions Karthala, 41–51.

Manguin, Pierre-Yves, 1972. Les Portugais sur les côtes du Viêt-nam et du Campâ. Étudesur les routes maritimes et les relations commerciales, d’après les sources portugaises(16 e, 17 e, 18e siècles), Paris, Publications de l’ÉFEO.

— 1984. Nguyên Anh, Macau et le Portugal. Aspects politiques et commerciaux d’unerelation privilégiée, 1773-1802, Paris, Publications de l’ÉFEO.

Maruyama, Toru, 2004. « Linguistic Studies by Portuguese Jesuits in Sixteenth andSeventeenth Century Japan », Otto Zwartjes and Even Hovdhaugen (eds), MissionaryLinguistics/Lingüística misionera: Selected papers from the First InternationalConference on Missionary Linguistics, Oslo, 13–16 March 2003, Amsterdam, JohnBenjamins, 141-160.

— 2006. « Pioneering Portuguese linguistic works on sixteenth and seventeenth centuryKonkani and Japanese », Revista Portuguesa de Humanidades 10.1/2, 137-150.

Maryks, Robert Aleksander, 2010. The Jesuit Order as a synagogue of Jews: Jesuits ofJewish ancestry and purity-of-blood laws in the early Society of Jesus, Leiden / Boston,Brill.

Maspero, Henri, 1912. « Études sur la phonétique historique de la langue annamite: lesinitiales », Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient 12, 1–124.

Michaud, Alexis, Michel Ferlus, Minh-Châu Nguyễn, 2015. « Strata of standardization: thePhong Nha dialect of Vietnamese (Quảng Bình Province) in historical perspective »,Linguistics of the Tibeto-Burman Area 38.1, 1-37. On-line: halshs-01141389 (Lastaccess: 12/05/2015).

Mourão, Isabel Augusta Tavares, 2005. Portugueses em terras do Dai-Viêt (Cochinchina eTun Kim), 1615–1660, Macau, Instituto Português do Oriente, Fundação Oriente.

— 2012. « Gaspar do Amaral au Tun Kim: Quelques aspects de la pédagogie missionnaireau xviie siècle », Hugues Didier & Madalena Larcher (ed.), Pédagogies Missionnaires:Traduire, trasnmettre, transculturer, 32e Colloque du CÉDRIC, Lisbonne 30 août-3septembre 2011, Paris, Éditions Karthala, 53–61.

Nguyễn, Văn Lợi & Jerold A. Edmondson, 1998. « Tones and voice quality in modernnorthern Vietnamese: Instrumental case studies », Mon–Khmer Studies 28, 1-18.

Nguyễn, Đình Hoà, 1997. Vietnamese, Amsterdam/Philadelphia, John Benjamins.

Phan Khoang, [1970] 2001. Việt sử xứ Đàng Trong, Hà Nội, Nhà xuất bản văn học.

Phan, Peter C., 1998. Mission and Catechesis: Alexandre de Rhodes and Inculturation inSeventeenth-Century Vietnam, Maryknoll / New York, Orbis Books.

[Pina, Francisco de], ca. 1745a [ante 1623]. Manuductio ad linguam Tunchinensem,Biblioteca da Ajuda, Lisboa, manuscript, collection “Jesuítas na Ásia”, Codex Ms.49-VI-8, 313r-323v.

— ca. 1745b [ca. 1623]. Pax Christi, Biblioteca da Ajuda, Lisboa, manuscript, collection“Jesuítas na Ásia”, Codex Ms. 49/V/7, 413r-416r.

Rego, António da Silva, 1940. O Padroado Português do Oriente: Esboço Histórico,Lisboa, Agência Geral das Colónias.

Ribeiro, Madalena, 2001. « The Japanese diaspora in the seventeenth century according toJesuit sources. Bulletin of Portuguese - Japanese Studies 3, 53–83.

Rodrigues, Francisco, 1917. A formação intelectual do Jesuíta: Leis e Factos, Porto,Livraria Magalhães & Moniz.

— 1931–1950. História da Companhia de Jesus na Assistência de Portugal, 7 tomes,Porto, Livraria Apostolado da Imprensa.

Rodrigues, João, 1604[-1608]. Arte da Lingoa de Japam. Nangasaqui: Collegio de Iapãoda Companhia de Iesu.

Rodrigues, João, 1993 [1620]. Arte Breve da Lingoa Iapoa. Fac-simile do original existentena Biblioteca Nacional da Ajuda, Lisboa, acompanhado da transcrição e traduçãojaponesa de Hino Hiroshi, Tokyo, Shin-Jinbutsu-Ôrai-Sha.

Sena, Tereza, 2014. « O Padroado Português no Extremo Oriente », Miguel Castelo-Branco(ed.), Portugal-China: 500 anos, Lisboa, Biblioteca Nacional de Portugal, 91–98.

Souza, Teotónio R. de, 2008. « O Padroado português do Oriente visto da Índia:instrumentalização política da religião », Revista Lusófona de Ciência das Religiões13/14, 413-430.

Spear, Richard L., 1975. « Introduction », Diego Collado’s Grammar of the JapaneselanguageInternational Studies, East Asian Series Research Publication, number 9,

Lawrence, Center for East Asian Studies (CEAS), The University of Kansas, 1-30.

Taylor, Keith Weller & John K. Whitmore, 1995. Essays Into Vietnamese Pasts, Ithaca,N.Y., Southeast Asia Program, Cornell University.

Teixeira, Pe. Manuel, 1996. A Igreja em Cantão, Macau, Instituto Cultural de Macau.

Thompson, Laurence C., 1987. A Vietnamese Reference Grammar, Honolulu, Universityof Hawai’i Press.

Wernz, Franz Xaver, Ludwig Schmitt, & J.B Goetstouwers (eds), 1950. Synopsis historiaeSocietatis Jesu. Lovanii, Typis ad Sancti Alphonsi.

Zwartjes, Otto, 2011. Portuguese Missionary Grammars in Asia, Africa and Brazil, 1550–1800. Amsterdam & Philadelphia, John Benjamins.



*Chúng tôi đề tặng bài báo này cho giáo sư Roland Jacques về sự đóng góp của ông vào việc nghiên cứu lịch sử và các mối quan hệ giữa Việt Nam và các giáo sĩ với sự bảo trợ của Bồ Đào Nha. Chúng tôi cũng xin cảm ơn TS. Nguyễn Vũ Thu Hà (Khoa Bồ Đào Nha, Đại học Hà Nội) đã giúp đỡ chúng tôi trong việc hiệu chỉnh miêu tả các thanh điệu tiếng Việt và cám ơn ban biên tập cũng như những người khác không được kể tên đã góp cho chúng tôi nhiều nhận xét để chúng tôi nâng cao bản thảo cuối cùng của bài báo này.

- Nguồn: Gonçalo Fernandes & Carlos Assunção, “First codification of Vietnamese by 17th-century missionaries: the description of tones and the influence of Portuguese on Vietnamese orthography”, trong: Histoire Épistémologie Langage 39/1 (2017), p. 155–176

[1]Chúng tôi dùng một số tư liệu từ một bài báo trước đây liên quan đến bối cảnh lịch sử, sự hiện diện của các nhà truyền giáo tiên khởi dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha ở Việt Nam và miêu tả về văn bản siêu ngôn ngữ tiếng Việt đầu tiên (xem Fernandes & Assunção 2014).

[2]Về những chuyến đi không được tổ chức đầu tiên ở Việt Nam, xem, ví dụ: Jacques 1999, tr. 126-141.

[3]Isabel Mourão bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2011 ở École Pratique des Hautes Études, bộ môn Sciences Historiques et Philologiques, ở Paris, với sự hướng dẫn của Dejanirah Silva Couto, về các tác phẩm của Amaral, tiêu đề Gaspar do Amaral S.J. (1594-1646): La vie et l’oeuvre d’un jésuite portugais fondateur de la mission jésuite du Tun Kim à la cour des Trinh.Rất tiếc, công trình này vẫn chưa tiếp cận được, ngay cả ở Thư viện của French University. Tác giả nói với chúng tôi trong một trao đổi qua email rằng cô định xuất bản cuốn sách này trong thời gian sắp tới.

[4]“Rueda, viết như Rode ở Provençal (…), nghĩa là một bánh quay nhỏ mà người Do Thái cần để khoác quần áo của họ vào thời ký Trung Cố.” (Phan 1998, p. 39)

[5]Về lịch sử Vietnam, về Đạo Thiên Chúa ở Vietnam, về chúa Trịnh (1545-1787) và chúa Nguyễn (1558-1777) cũng như mối liên hệ phức tạp giữa họ với các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, xem: Manguin 1972, 1984; Taylor & Whitmore 1995; Phan Khoang 2001; Guillemin 2014; and Fernandes & Assunção 2014.

[6]João Rodrigues sinh tại Sernancelhe, huyện Viseu miền nam Bồ Đào Nha; Ông gia nhập Dòng Tên ở tuổi 16 và dành toàn bộ cuộc đời cho việc truyền giáo ở Nhậ Bản và Trung Quốc cho đến khi qua đời ở Macau (Trung Quốc). Ông là bạn tâm giao và là thông dịch của đại danh (daimyos) Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi (1593–1598) và Tokugawa Ieyasu (1542–1616), người đã đặt cho ông tên thân mật “Tçuzu”, nghĩa là “thông ngôn” hay “thông dịch”.  Nhưng khi người Nhật bắt đầu cấm đạo và trục xuất các tín đồ theo đạo Thiên chúa ở Nhật Bản năm 1614, João Rodrigues, sau hơn 30 năm dành cho văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản phải sống ở một số thành phố của Trung Quốc, nhưng Macau là trung tâm hoạt động truyền giáo có hiệu quả của ông trong vòng 19 năm (Zwartjes 2011, p. 95).

[7]Về các công trình của João Rodrigues, xem thêm: Boxer 1950 và Maruyama 2004 và 2006.

[8]Chúng tôi chấp nhận tiêu chuẩn phiên âm như sau:

a)Chúng tôi giữ nguyên sự khác biệt gốc giữa viết hoa và viết thường các con chữ.

b) Chúng tôi để cách các từ kết hợp không đúng và gộp những từ được tách.

c) Chúng tôi giữ các dấu trong văn bản gốc để không thay đổi quan điểm hay diễn đạt của các tác giả.

d) Chúng tôi sửa các lỗi dễ nhận ra từ văn bản gốc, cả khi chúng không có trong đính chính.

e) Chúng tôi lược bỏ các dấu sư phạm Latin.

f) Trong tiếng Latin, chúng tôi thay thế các chữ <v> và <j> bằng <u> và <i>, và chữ dài

(trung bình hay hạ xuống) <ſ> bằng chữ ngắn (phần cuối hay vòng) <s>. Trong tiếng Bồ Đào Nha, chúng tôi giữ con chữ <u> với giá trị của phụ âm <v>.

g) Chúng tôi để nghiêng các ví dụ trong tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Việt và tiếng Nhật.

h) Chúng tôi mở rộng tất cả các chữ viết tắt và rút gọn (brevigraphs) trong tiếng Latin. Chúng tôi viết tắt “i.” (cả chữ thường và chữ hoa) khi tiếng Latin diễn đạt sự giải thích “id est”, ngay cả trong văn bản tiếng Bồ Đào Nha. Nó là một cách diễn đạt phổ biến trong các sách ngữ pháp tiếng Latin của các nhà truyền giáo, con chữ thường bị nhầm với chữ <L>. Một số tác giả dịch sai cách viết tắt này với liên từ phân biệt “vel”. Nhưng liên từ này luôn xuất hiện ở dạng không viết tắt.

i) Trong các trích dẫn tiếng Bồ Đào Nha, chúng tôi cũng mở rộng các dạng viết tắt, như: <ã> (<am> hay <an>), <ẽ> (<em> hay <en>), <õ> (<on>), <ũ> (<um> hay <un>), <q̃> (<que>) và kí hiệu <&> (<e>). Tuy nhiên, chúng tôi giữ quán từ/đại từ không xác định <hũa>, <algũa(s)> và <nenhũa>, để lưu giữ một nét ngữ âm riêng biệt của tiếng Bồ Đào Nha, hiện vẫn còn lưu giữ ở một số làng phía bắc Bồ Đào Nha.  

[9]Về lịch sử của phép chính tả của kết hợp <gn> trong tiếng Pháp, xem, v.g., Catach 1995, tr. 1138-1140.

[10]Về việc phân tích phương ngữ học tiếng Việt lịch sử và sự khác nhau giữa các thanh điệu ở hai thành phố lớn nhất của Việt Nam, Hà Nội và Hồ Chí Minh City (Saigon), xem, chẳng hạn: Maspero 1912 và Michaud, Ferlus & Nguyễn 2015.

[11]Ngày nay các học giả cho rằng tiếng Việt (phương ngữ Bắc Bộ) gồm có sáu thanh điệu(xem, v.g., Nguyễn &

Edmondson 1998, tr. 7-8) và tiếng Đàng Trong trên thực tế chỉ có năm thanh. Thanh hỏi và thanhngã ở một số tỉnh miền trung Việt Nam nhập làm một (xem, v.g., Nguyẽ̂n 1997, tr. 26).

[12]Thú vị là họ dùng con chữ tiếng Hy Lạp<β> để thể hiện phụ âm xát môi răng hữu thanh [v].

Người dịch: Võ Xuân Quế

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 01.11.2018.

Thông tin truy cập

60522037
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3530
10018
60522037

Thành viên trực tuyến

Đang có 226 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website