“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (1)

Khả năng cầm bút của Nguyễn Nhật Ánh tỏ lộ khá sớm. Những năm học ở trường phổ thông, anh đã có những bài thơ đăng báo. Được biết như là một nhà thơ trước khi là nhà văn, nhưng chính các tác phẩm văn xuôi của anh đã giúp anh chiếm lĩnh cảm tình của đông đảo bạn đọc. Anh được xem là nhà văn được yêu thích nhất ở thành phố Hồ Chí Minh trong các năm 1989, 1990, theo cuộc thăm dò dư luận do độc giả do Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức- và năm 1991- do bạn đọc của Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh và tập san "Bạn Ngọc" bình chọn (2) . Năm 1995, anh là một trong số những nhà văn trẻ được Hội nhà văn thánh phố Hồ Chí Minh biểu dương về những đóng góp trong văn học, nhân kỉ niệm 20 năm ngày thống nhất đất nước.

 

 

Từ tập thơ đầu tay năm 1984, đến nay (1996), Nguyễn Nhật Ánh đã cho ra đời 28 tác phẩm (chưa kể bộ truyện Kính vạn hoa); trong đó, hai cuốn sách "Cú phạt đền" và "Chú bé rắc rối" được giải thưởng:. Tác phẩm của anh được tái bản nhiều lần. Hầu như toàn bộ sáng tác văn xuôi của anh là dành cho tuổi trẻ. Anh là một hiện tượng văn học đáng chú ý.

Có một trùng hợp thú vị, Nguyện Nhật Ánh rất giống Pierre Gamarra về nghề nghiệp: nhà giáo, nhà thơ, nhà báo, nhà văn. Nghề nghiệp đã để lại dấu ấn trong tác phẩm của họ, mà nét gặp nhau rõ rệt là tính hướng thiện và một chất thơ trong trẻo ngập tràn trang viết. Nhưng nếu nói rằng phong cách nghệ thuật đó xuất phát từ cái tạng riêng của từng người, điều ấy cũng không có gì sai.

Nếu tôi không nhầm, Nguyễn Nhật Ánh đã may mắn có một tuổi thơ êm ả và hạnh phúc. Cái hạt mầm ấy đã được ươm trong đất lành và đã được các đấng sinh thành chăm sóc kĩ lưỡng cho đến ngày vào đời. Những năm tháng thiếu thời nơi cái làng quê Đo Đo và Bình Tú nhỏ bé, nghèo nàn, anh là chú bé hiếm hoi có được cái dáng vẻ văn minh thị thành và gương mặt trí thức giữa đám bạn bè lam lũ, mộc mạc. Cái tôi đó của tác giả đã để lại ít nhiều nơi các nhân vật : Ngạn ("Mắt biếc"), Chương ("Hạ đỏ") … Đó không thể là một cành đắng (3). Tôi muốn nói, cái bầu khí quyển của tuổi thơ hạnh phúc ấy đã đủ sức toả sáng và làm ấm trang viết của anh cho đến tận bây giờ.

Nguyễn Nhật Ánh viết về cái gì vậy? Anh viết về cái đang diễn ra, cái quen thuộc gần gũi trong thế giới tuổi trẻ hiện tại: những buổi học, những cuộc chơi và những mối tình thơ dại. Trong tiểu thuyết của anh, không gian không rộng lắm, thời gian không dài lắm; những câu chuyện cũng chẳng có gì là ly kỳ để kích thích trí tò mò chuộng lạ thường thấy ở độc giả trẻ tuổi như các loại truyện cổ tích, truyện phiêu lưu, viễn tưởng. Thế mà trẻ thơ vẫn “say anh như điếu đổ”. Hơn mười năm qua, hấp lực của tiểu thuyết Nguyễn Nhật Ánh vẫn chưa hề suy giảm, lại có phần mạnh mẽ hơn (4), trong khi môi trường giải trí của thiếu nhi ngày càng đa dạng, có một sự chi phối lớn của sách dịch và phim vidéo, mang màu sắc văn minh ngoại lai.

Tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh đông người đọc, tất phải chứa đựng một giá trị độc đáo nào ? Tôi nghĩ trước hết là thái độ vào cuộc của anh, điều không phải nhà văn viết cho thiếu nhi nào cũng có được. Trong cuộc chơi mê mải tưởng như bất tận của tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh hòa vào, say mê, hào hứng. Một khi khoảng cách đã được khắc phục thì mọi sự dễ dàng hơn nhiều: Nguyễn Nhật Ánh chìa bàn tay ra, các em hân hoan và tin cậy nắm lấy, hăm hở đi vào sân – chơi – tiểu – thuyết - Nguyễn Nhật Ánh, như là đi vào điểm hẹn quen thuộc của mình. Vào cuộc, nghĩa là Nguyễn Nhật Ánh nắm rõ luật chơi, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy ước tự nhiên giữa những người trẻ tuổi: nồng nhiệt, vô tư, chân thành, bình đẳng. Anh đã nói cái ngôn ngữ họ nói, đã nghĩ những gì họ nghĩ và đã thấy những gì họ nhìn thấy.

Trẻ em chơi, những cuộc chơi đa dạng, biến đổi theo thời đại, môi trường, lứa tuổi; vẫn có những trò chơi “cổ điển” cần được lưu giữ, ít ra là trong văn học nghệ thuật, vì chúng ấp ủ khát vọng sâu lắng của trẻ thơ, đồng thời in dấu bản sắc của cộng đồng. Những trận đánh giặc giả trên đồng, các trò chơi chuyền, đánh chắt, chơi ô ăn quan đến trò chơi làm xiếc bằng các thí nghiệm hóa học, cách nhau một quãng thời gian và không gian khá lớn, vẫn chưa thể nói là trò chơi nào thú vị và bổ ích hơn. Sự tần ngần, quyến luyến trước những con giống nhiều màu sắc, thú lang thang sục sạo trong các đồi sim hay nằm dài trong vườn cỏ ngắm mây trời, cây lá và đọc sách; bên cạnh các trò chơi hiện đại với máy tính điện tử và các con robot điều khiển từ xa … đi vào trang sách của Nguyễn Nhật Ánh như một thực tế vốn có, nhưng không phải tác giả không gửi gắm ở đó ít nhiều mong ước.

Trẻ em học là một mảng lớn trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Điều này thực dễ hiểu, bởi ít nhất một phần năm cuộc đời chúng ta là ngồi trên ghế nhà trường. Dù vậy, thực tế thật khó đưa vào văn chương. Nguyễn Nhật Ánh lại viết thành công. Tôi hình dung sự chuẩn bị rất công phu của nhà văn đằng sau tác phẩm, vì anh không có quyền sai lệch, không có quyền vội vã, dù chỉ là một chi tiết nhỏ. Từ một chuyện hết sức bình thường như chuyện kèm học (là một môtíp quen thuộc trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh), anh thoải mái tung hoành ngòi bút trong ngôn ngữ đối thoại, trong việc miêu tả cử chỉ, tâm lý, và xây dựng những tình huống thú vị, bổ ích, như bài giảng về văn nghị luận của người cha, bài thơ học ngữ pháp tiếng Việt ("Bàn có năm chỗ ngồi"). Nhưng cái lớp học trong Nữ sinh thì đã lộ ít nhiều gắng gượng. Ông thầy giáo nghiêm túc gương mẫu quá và học trò thì được cảm hóa dễ dàng quá. Liệu tâm hồn của độ tuổi học trò 17 – 18 và các mối quan hệ của họ có đơn giản, nhẹ nhàng như thế không?

Trẻ em nghĩ, một thách thức không nhỏ đối với nhà văn. Thật khó để bắt kịp tâm lý trẻ thơ trong giai đoạn chuyển động tế vi này. Những ý tưởng cảm xúc đều chưa định hình rõ rệt, nó có đó rồi không, xuất hiện rồi tự xoá đi. Có những biểu hiện bất ngờ, lắm khi vượt khỏi cái tư duy lôgic thường tình. Những nỗi sợ vô cớ, những mơ mộng viển vông, những tưởng tượng không giới hạn … Nguyễn Nhật Ánh đang trên đường khám phá thế giới phong phú này. Anh thường thiên về thể hiện những trạng thái tâm lý tiệm tiến hơn đột biến. Anh nắm bắt tinh tế một số nét tâm lý, như khi miêu tả tâm trạng cậu bé sau trận đòn của cha; khi thể hiện cái cảm giác kỳ lạ của cậu về hình ảnh huyền hoặc lơ lửng của cô bạn nhỏ trong khi cô ấy tắm (Mắt biếc), hoặc nỗi lo sợ bị ếm bùa (Thiên thần nhỏ của tôi)… Cái chính là anh đã phác họa được dáng vẻ đang sinh thành của thế giới nội tâm này. Kính vạn hoa, chẳng phải là một biểu tượng tuyệt diệu mà Nguyễn Nhật Ánh dùng để nói về thế giới trẻ thơ nói chung và thế giới nội tâm của họ nói riêng, đó sao?

Bước vào khoảng trời của tuổi biết buồn, Nguyễn Nhật Ánh đã ghi lại những bâng khuâng rung cảm đầu đời. Trong tâm tưởng của các em, bây giờ không chỉ là nghĩ về cái gì mà còn nghĩ về ai, về một người khác giới cụ thể nào và về cả bản thân. Thế giới ấy tràn ngập những câu hỏi xôn xao về cái – gọi – là – tình –yêu. Truyện của Nguyễn Nhật Ánh đã đưa vào những câu hỏi lớn, muôn thuở và quen thuộc, những câu hỏi mà dường như trong đời ai cũng từng đối diện ít nhất một lần. Vì thế, trong khi độc giả thiếu nhi phục lăn vì nhà văn đi guốc vào bụng họ, thì độc giả người lớn mỉm cười mơ màng nhớ lại một thời thơ dại…

Chắc hẳn rằng dù không đa dạng như ở người lớn, trạng thái tinh thần này ở lứa tuổi thiếu niên vẫn đòi hỏi được thể hiện ở nhiều cung bậc, sắc thái, mà Nguyễn Nhật Ánh thì còn tựa quá nhiều vào quá khứ. Qua màn sương hoài niệm, những mối tình mới chớm đều buồn, dở dang và gắn liền với một nhân dáng. Trong đó, nổi bật hơn cả là "Mắt biếc".

Tuổi trẻ trong truyện Nguyễn Nhật Ánh còn hiện lên với nhiều tâm thế khác. Ở vào giai đoạn giao thời hay giai đoạn “không trọng lượng” (chữ dùng của Nguyễn Nhật Ánh, NTTX.), nhân vật của ông thường buồn, mơ mộng hơn là hục hặc phá phách; yêu thương nhiều hơn bất bình. Nỗi buồn đến không chỉ bởi do cô bạn gái nhỏ vô tình, mà còn bởi vì họ xót thương những người bạn bất hạnh, vì chính họ chớm nhận ra những bất hợp lý, những mảnh vỡ của đời. Có lúc nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh quyết liệt trong ý nghĩ: “Ngày hôm đó, lần đầu tiên tôi không nghĩ đến chuyện về nhà” (Thiên thần nhỏ của tôi, tr.153). Nhưng phần lớn họ đều tìm cách sống chung hòa bình với nỗi buồn, một nỗi buồn chắc là không chóng phai mà có lẽ chỉ làm cho con người trưởng thành và phong phú thêm lên. Đi sâu vào các cảm xúc mạnh mẽ và tâm trạng khắc khoải nặng nề không phải là chủ trương và cũng không phải là sở trường của Nguyễn Nhật Ánh. Anh nắm bắt rất tinh những trạng thái mong manh, niềm vui, nỗi buồn thoáng qua của tuổi mới lớn nhưng chưa thật chín khi muốn diễn tả một nỗi đau sâu. Khi ra ngoài cái văn phong dí dỏm, nghịch ngợm, phải viết bằng giọng văn nghiêm túc, Nguyễn Nhật Ánh không còn giữ được cái duyên riêng của mình ("Bong bóng lên trời").

Những tác phẩm hay của Nguyễn Nhật Ánh thường cho ta cảm giác là anh viết rất dễ dàng, tự nhiên. Đúng là ở đó anh rất ít để lại dấu tay (5): “Hồi còn nhỏ, nhỏ xíu, tôi không có bạn gái...”, “Hồi nhỏ tôi rất nghịch, ăn đòn khá thường xuyên…”, anh thường mở đầu như thế, bằng cái cách của một người bạn vui miệng kể lại các kỉ niệm của mình. Có nhiều cốt truyện không cần kịch tính, cao trào, đỉnh điểm, mà gồm những mẩu chuyện nhỏ nối kết nhau, chúng như những con tàu chạy từ quá khứ tiến về hiện tại, theo một tuyến thời gian duy nhất. Độc giả mua vé đi những chuyến tàu này là để nghe chuyện từ một người quản trò thú vị, nhưng chính là để nghe trò chuyện. Cái cách kể, cách đối thoại đã vượt lên nội dung câu chuyện (Bằng chứng là truyện Nguyễn Nhật Ánh có nhiều cốt truyện gần giống nhau nhưng vẫn không bị nhàm lặp). Và như thế là anh đã chạm đúng vào khát vọng tương giao, đối thoại của tuổi trẻ, để từ trang sách của anh, tâm hồn trẻ thơ sẽ tự ngân lên những âm vang cộng hưởng.

Cũng như nhiều nhà văn của thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh có một ngôn ngữ văn chương chuẩn mực. Ở tác phẩm của anh, ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ đối thoại và văn tả cảnh thường được thể hiện thành những câu ngắn, đơn giản mà vẫn biểu đạt được các sắc thái khác nhau. Ngoài một vài đoạn thơ rất dễ thương, đôi khi các trang văn xuôi cũng gần như thơ vậy. Nhưng có lúc anh quá đà, sức gợi cảm của câu văn giảm đi, thay vào đó là sự đăng đối sáo rỗng đáng phàn nàn: “Sợi dây chưa kịp buộc vào đã đứt tung như đàn tôi sáu sợi; Nỗi mong mỏi của bà đã vùi xuống đất sâu”, hay “Hoa chưa trôi lòng nó đã sớm bèo giạt, những bản tình ca của tôi chẳng níu giữ được gì” (Mắt biếc, trang 146 và 215).

Anh có khả năng chiếm lĩnh nơi chốn, không gian mà mình cư ngụ. Đặc biệt là quê hương anh, đã ít nhiều đi vào tâm tưởng độc giả, với các ngõ trúc quanh co đầy lá rụng (Hạ đỏ); với rừng sim mênh mông và phiên chợ đêm nghèo nàn; với cái giếng đá đầy rêu; những cây bàng lá đỏ và mùa thị đầy xác hoa, vỏ thị khô trên tường đánh lừa những con bướm nhỏ ("Mắt biếc").

Xây dựng nhân vật, Nguyễn Nhật Ánh chú ý ghi nhận các hoạt động, thói quen và một số nét tâm lý đặc trưng, nhưng thường chỉ phác qua đôi nét vẻ ngoài của họ, dù đó là nhân vật chính. Đặc biệt, xuyên suốt nhiều tác phẩm là nhân vật xưng “tôi”, phảng phất hình ảnh của tác giả: Đó là một chú bé đa cảm, mơ mộng thiên về sách vở hơn hoạt động thực tiễn; chú bé ấy rất nghịch ngợm giữa bạn bè cùng giới, nhưng nhút nhát trước bạn gái, và thường cam chịu những thiệt thòi; chú bé ấy yêu thiên nhiên, luôn gắn bó với quê hương, quá khứ, và thiếu tự tin khi hội nhập vào thế giới thị thành … Nhân vật này được Nguyễn Nhật Ánh huy động cả ký ức, tình yêu quê hương và cả sức ám ảnh của kỷ niệm để thể hiện. Và anh đã thành công.

Có lần Mark Twain phát biểu: “ Cách viết truyện cho trẻ em đúng đắn nhất là phải viết sao cho tác phẩm không chỉ thú vị đối với các em bé, mà còn cực kỳ thú vị đối với bất kỳ ai đã từng là một em bé” (6). Nguyễn Nhật Ánh có thể không xem đó là nguyên tắc tiên quyết. Anh muốn tiểu thuyết của mình trước hết hãy làm những đôi giày vừa với trẻ em (7). Nhưng nào ai biết được, những đôi giày ấy lại không hấp dẫn cả người lớn? Và chẳng phải nhà văn lại không khao khát điều đó sao

Trên con đường dài trước mặt, Nguyễn Nhật Ánh có khả năng tạo cho chúng ta nhiều bất ngờ. Có thể anh sẽ mở rộng biên độ của bức tranh hiện thực, cho đời sống ùa vào tác phẩm nhiều hơn, để ở đó nhiều khuôn mặt trẻ thơ từ những số phận khác nhau được một lần hội ngộ; có thể những thông điệp gửi đi từ trang sách của anh sẽ đa dạng hơn, sâu lắng và ngân xa hơn… Tôi tin và hy vọng, bởi từ tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh, tôi nhận ra một thế giới nhân văn tỏa sáng. Bắt nhịp cùng tâm hồn thuần khiết của trẻ thơ, từ những rung động tình yêu thanh sạch, từ tiếng gọi của thiên nhiên sâu thẳm, văn chương anh đã thổi vào cuộc sống thường ngày của chúng ta một ánh sáng mới.
Cuộc đời sẽ trở nên đẹp hơn, thơ hơn và lấp lánh muôn vàn đường nét lạ, như chiếc kính vạn hoa dưới bàn tay lắc khẽ của nhà văn…

Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số 273, 26-12-1996

In lại trong sách Tiếng vọng những mùa qua, Nxb. Trẻ, 2004.

---------------------------------------------------------------------------
(1) Câu thơ của Robert Rojdestvensky trong "Phép lạ hằng ngày", Nxb. Tác Phẩm Mới, 1982, tr.29.

(2) Theo Tần Hoài Dạ Vũ, "Chân dung thơ", Nxb. Trẻ, 1993, tr.13-14.

(3), (5), (7) Xem Tạp chí "Văn học và Dư luận", tháng 9-1991, tr.22-23.

(4) Trong năm 1996, gần như toàn bộ tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Nhật Ánh được tái bản.

(6) Mark Twain, Tom Sawyer, Nxb. Văn học, 1979, tr.5.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60737334
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1239
9486
60737334

Thành viên trực tuyến

Đang có 150 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website