Những mùa văn của Vô Ưu – Ngô Thị Kim Cúc

Xuất hiện trên tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn năm 1972, đến nay đời văn của Ngô Thị Kim Cúc đã gần 40 năm.
Bốn mươi năm ấy xã hội Việt Nam trải qua biết bao biến cố. Người đàn bà viết này, vừa như chiếc hàn thử biểu dao động cùng khí hậu đất nước, làm nên những biến thể - tác phẩm đa dạng; vừa kiên trì bảo lưu sự chọn lựa của mình, tạo thành một hằng thể - cốt cách nhất quán.
Có thể dùng hình ảnh của mùa để nói về các chặng sáng tác của đời văn Ngô Thị Kim Cúc.
Mùa Xuân, cô sinh viên 20 tuổi chọn bút danh Vô Ưu mà lại chen chân giữa thế giới của những bậc thức giả khả kính. Bách Khoa ngày ấy không bình dân như Thời nay, Phổ thông, không mềm mại như Văn, Văn học, không phóng túng như Sáng tạo, không cao siêu như Tư tưởng, không dấn thân như Trình bày, Đối diện…, nó có phần trung dung của một cách làm văn hóa hướng đến những vấn đề lâu dài của dân tộc.
Vô Ưu trong trẻo và lý tưởng đã cất lên một tiếng nói riêng của mình, từ đấy. Ngạc nhiên và đau đớn, những ghi nhận thực trong trang viết của chị về hai không gian đô thị chịu nhiều biến động nhất miền Nam thuở ấy, Sài Gòn - Đà Nẵng, nói với chúng ta về những thao thức của tuổi trẻ.
“Thích đi trên mặt đất hơn là trên mây”, những nhân vật của Vô Ưu từ những mảnh đất đói nghèo bom đạn bước vào giảng đường đại học với một băn khoăn của người trí thức đích thực: “làm sao để danh từ sinh viên mà tôi vừa được khoác lên sẽ không mang một ý nghĩa mỉa mai”. Đi trên mặt đất, nhưng những nhân vật ấy không chỉ bị chìm ngập trong thế giới sách vở, không hoàn toàn bị cuốn mình trong tiếng gọi lớn lao của thời đại, không bị xé vụn trong trăm thứ bà rằn của thực tại, họ còn biết vươn về cái đẹp và đón nhận ân sủng của đời. Nhưng lắm khi tiếng hát của tình yêu lứa đôi, và niềm vui sống như là điều tự nhiên của con người, đặc biệt là tuổi trẻ, lại làm họ day dứt “Không thể dứt bỏ được cái xã hội xấu xa này để tìm quên trong những giấc mơ đẹp đẽ đó”. Vô Ưu đã sớm nhận ra rằng những nghịch lý của xã hội tất sẽ dẫn đến những khắc khoải trong nội tâm của con người. Cái bình an thích thảng sẽ không còn nữa, nơi những trái tim nhạy cảm. Và họ biết là mình đã thiệt thòi biết mấy: “Trời ơi, sao chúng tôi bị bắt buộc phải khắc kỷ đến như vậy?” Tôi nghĩ rằng đó là sự khắc kỷ tự nguyện, rất đáng yêu và đáng nhớ của tuổi trẻ một thời mà tuổi trẻ ngày nay ít có và đôi khi không hiểu được.
Mùa Hạ, hơn mười năm từ sau 1975, là một Ngô Thị Kim Cúc mải miết xê dịch trong không gian đất nước và viết được nhiều: Vị ngọt hoà bình, tập truyện ngắn (1981); Sắc biển, tập truyện ngắn (1984); Tam Giang thứ ba, tập truyện ký (1984); Vết cháy, tập truyện ngắn (1985); Dòng sông buổi chiều, tập truyện ngắn (1988)…
Có thể gọi đây là thời lãng mạn. Nhiều truyện ngắn ăm ắp chất trữ tình đẹp và buồn. Khi đọc, ta những muốn câu chữ ngân lên thành lời để cảm nhận hết âm vang của ngôn từ gợi cảm. Đó là những lời ghi trên cát, trong mây, trong gió, lẫn vào sóng biển và cỏ cây. Ngô thị Kim Cúc nói với chúng ta rằng: Đất Nước yên hàn, con người đã có thể trở về với cội nguồn tâm hồn mình. Thiên nhiên trở thành người chứng, là trái tim bạn bè, là chốn trú ẩn để chữa lành các vết thương và là nơi làm thăng hoa nỗi buồn cũng như hạnh phúc.
Tình yêu là chủ âm trong tác phẩm Ngô Thị Kim Cúc thời kỳ này nhưng tác giả không đi vào những cung bậc đa dạng của tình cảm lứa đôi, mà luôn nhìn ngắm nó trong các biến cố và cảnh ngộ.
Mềm mại, thấp thoáng mà không kém ám ảnh, những vấn đề mới của xã hội được đặt ra. Trở đi trở lại như một motif quen thuộc là đôi mắt mở to, ngây thơ của một em gái bé bỏng, xoáy vào nhân vật chính những câu hỏi thầm lặng xé lòng. Và như vậy dù là thời lãng mạn, trang viết của Ngô Thị Kim Cúc vẫn cứ tràn đầy cảm quan xã hội, vẫn cứ trầm vang tiếng đời. Những lứa đôi tìm đến nhau, “nhìn về một hướng” trong cảm xúc bè bạn sẻ chia, trong sự hài hoà với xung quanh, hơn là tự ngắm, say mê.
Mùa Thu, những năm từ Đổi mới.
Có một bước chuyển rõ rệt ở đề tài và bút pháp truyện ngắn, theo cảm hứng hiện thực và tượng trưng.
Không chỉ khám phá các mê cung rối rắm của hồn người và các ngóc ngách của đời sống vợ chồng, Ngô Thị Kim Cúc còn cảnh báo về những mảng tối của xã hội. Những người uống trà, tập truyện xuất bản năm 1994, cho thấy sự sắc sảo, già dặn, tỉnh táo của một nhà văn muốn tham gia giải phẫu đời sống. Nắm bắt tinh nhạy và thể hiện rõ rành từng nét mặt, cử chỉ nhân dáng, tâm trạng trong sắc thái chuyển động tế vi, mơ hồ, tác giả đã xây dựng nên những nhân vật đa dạng.
Không gian truyện giai đoạn này là đô thị và sự chồng chéo của những quan hệ người. Ở đó, những cuộc đối thoại không ngớt, những tình huống cực kỳ bình dị tưởng như không hề sắp đặt, lại tương tác tạo nên kịch tính, một kịch tính vừa phải, không hề cường điệu, bật mở những tính cách, hé lộ những chân dung. Ngô Thị Kim Cúc không chỉ phê phán cái ác, sự thô bạo, và những con người tha hóa đang ngày càng nhiều lên trong xã hội, mà chị còn không đồng tình với thói nửa vời, do dự, thường là của người trí thức. Có vẻ như những nhân vật phụ nữ của chị mạnh mẽ hơn, bởi vì họ biết rõ mình muốn gì, và hết lòng vì những chọn lựa của mình nhưng không cam lòng làm vật phụ thuộc. Tôi gọi đó là những Carmen của Việt Nam, người luôn muốn bảo vệ bản ngã của mình trước sự xâm thực thường xuyên của đời sống vợ chồng.
Thời gian của truyện ngắn Ngô Thị Kim Cúc thường là cuối tuần: Cuộc trà đàm “khoảng chín giờ một buổi sáng chủ nhật” (Những người uống trà), “Mỗi tuần có một lần nàng được bay lên vào tối chủ nhật, khi đến với anh” (Không thời gian), chiều thứ bảy đẹp trời của người phụ nữ kiêu hãnh bị lừa dối (Quà tặng)…Hình như người phụ nữ viết văn này thích quan sát con người trong những khoảnh khắc nghỉ ngơi, chuyện trò, gặp gỡ..?
Đã nén lại ở nhan đề những biểu tượng đa nghĩa: Biến tấu, Tự biết, Rượu tiễn, Quà tặng, Cầu vồng đen, Không thời gian, Thú quý
Đặc biệt, hai truyện ngắn của Ngô Thị Kim Cúc được chọn dịch trong Cahiers d’études vietnamiennes số 19/2007 của Ban Việt học tại Đại học Paris 7 (Cộng hòa Pháp): Không thời gianThú quý đều nằm trong Những người uống trà, là trái chín của mùa thu.
Không thời gian là chuyện tình. Nhưng truyện tình của những con người nhỏ bé vô danh nặng chuyện áo cơm giữa cái đô thị phù hoa này sao mà xót xa. Không gian gặp gỡ làm nên duyên tình của họ là bệnh viện: một bên nuôi người cha đói ăn, nghiện rượu bị tai biến, một bên cứu đứa em gái bé bỏng vì thất tình tự sát, phải sống đời thực vật. Không gian hẹn hò của họ là điểm hẹn ven đường đầy bóng tối, nhiều ngộ nhận, bất trắc, sỉ nhục. Sau những phút giây “được bay lên”, ai về nhà nấy, trong những “căn nhà ván liền vách nông và trống trải” luôn “bị theo dõi bởi những cặp mắt hàng xóm tò mò”, với người thân điên dại, hoặc vô hồn. Sáu ngày trong tuần, cô gái 27 tuổi phải giam mình trong phòng làm việc, trân mình chịu đựng những lời lẽ thô tục của tên giám đốc vô liêm sỉ, để kiếm món lương thư ký còm cõi, chờ đợi một cách kiêu hãnh ngày gặp lại. Anh, chàng trai có “mái tóc dài biếng chải” của cô, lăn lộn hằng ngày với việc mưu sinh mà vẫn không xoa dịu được cơn đói bệnh hoạn của cha mình. Anh, người có bờ vai cứng cáp” và “đôi môi ham hố này”, mạnh mẽ và tràn đầy lòng yêu thương, đủ để nhận chịu “những khổ hình dường như chỉ dành cho các bậc thánh nhân”, đủ để làm nàng bay lên mỗi lần gặp gỡ; vậy mà anh vẫn bắt nàng chờ đợi, thấp thỏm “mang cái tài sản quý giá nhất là thân thể trinh trắng của nàng trở lại nhà, vẹn nguyên, như một nỗi ân hận khôn nguôi” . Nhưng dù sao, tối chủ nhật vẫn là thời gian của hạnh phúc, của sự đền bù thanh sạch, nồng nàn. Thế mà rồi cả cái không gian và thời gian hạnh phúc nhỏ nhoi khiêm nhường ấy cũng suýt bị vuột mất.
Đoạn kết truyện cho thấy, giữa “đống tro than tan hoang” của ngôi nhà người tình, cô gái nhận ra cái bất hạnh lớn lao của tất cả những kiếp người dưới đáy là từ đâu.
Truyện dùng thủ pháp montage, phóng ra những cảnh tượng bi hài, chồng kết ba bi kịch của ba số phận. Tất cả những nhân vật đều vô danh. Ở đó, những kẻ có tiền và có quyền lạm dụng và xâm hại công khai người thất thế. Ở đó, những kẻ tử tế lương thiện phải có cả bản lĩnh và sự nhún nhường để giữ mình và tồn tại.
Cũng tiếp tục cảm hứng phê phán, Thú quý là một truyện ngắn mini nhiều sức gợi.
Với tiết tấu nhanh hoạt của điện ảnh, câu truyện hiện ra qua năm scène đầy kịch tính.
Scène 1:Côn và màn trình diễn; Scène 2: Côn và túi tiền; Scène 3 : Côn và chuồng khỉ; Scène 4: Côn và đứa con 3 tuổi; Scène 5: Côn và kết cục bi đát « Suốt ngày, nó (đứa con-NTTX. ct) vào ngồi trong chuồng khỉ, ăn những thứ khỉ vẫn ăn và làm tất cả những trò của khỉ »
Côn đã tạo ra một xã hội khỉ- người, và dùng cách nuôi dạy đặc biệt: “cắt sữa rất sớm những con khỉ đang bú, để chúng không lớn lên được. Với khỉ lớn, Côn chỉ cho ăn đủ để đừng chết đói”. Ở đó cũng có lũ khỉ đại bàng lập công, hiếp đáp khỉ nhỏ, “để được chủ thưởng công vài miếng”
Đã có một sự hoán đổi: khỉ thành người và người thành khỉ. Nhưng vế đầu là màn kịch, là sự sắm vai. Vế sau lại là thực tại, một thực tại không phương cứu chữa.
Thú quý vừa làm nhớ lại những ngụ ngôn xưa, với lời răn không bao giờ cũ của dân gian “ác giả ác báo”, nhưng lại vừa cho phép ta nghĩ rằng đó là một ẩn dụ hiện đại. Rằng khi con người bất chấp tất cả, chống lại những quy luật tự nhiên để trục lợi, thì con người sẽ phải trả giá. Rằng đôi khi người ta sắm vai, và rồi không bao giờ thoát khỏi cái lốt trên sân khấu. Rằng lắm khi giả và thực tráo đổi vị trí cho nhau trong cõi thế này.
Điều quan trọng là truyện không cho thấy ai đứng cao hơn ai: cái cử toạ hiếu kỳ, trong đó gã tóc vàng râu xồm trả tiền đô cũng tầm thường như vợ chồng Côn, khi bước chân vào ngôi nhà ấy. Chỉ có những con khỉ dù là thú, nhưng là giống quý, bởi chúng có khả năng đào thoát.

Ngô Thị Kim Cúc đã không ngừng mang đến cho công chúng Việt Nam những hoa trái tươi mới qua các mùa hành trình sáng tạo. Bốn mươi năm cầm bút, trang viết của chị luôn hướng về phía trước. Những thay đổi là có thực, trong cách nhìn đời và cách viết. Nhưng có một điều bất biến nơi thế giới văn chương Ngô Thị Kim Cúc: Dù luôn muốn nhìn sự vật và con người đến tận cùng bản thể, nhà văn chưa bao giờ chịu tự buông mình và du độc giả của mình vào những góc tối bi quan, rã rời, vốn là tâm thế thường thấy của con người thời hiện đại. Gam màu nghệ thuật chính của Ngô Thị Kim Cúc là ấm hơn là lạnh. Dù thiên về cảm xúc buồn, cho đến bây giờ chị vẫn là người viết lạc quan.
Hình như đã sang mùa, những ngày này. Ngô Thị Kim Cúc vẫn là người giữa giòng, nhưng công việc làm báo buộc chị xuất hiện như là người kịp thời ghi nhận sự kiện văn chương: những bài giới thiệu tác phẩm -tác giả mới nói rằng chị còn là người chịu đọc và vui mừng cùng đồng nghiệp.
Hy vọng rằng những bông hoa Vô Ưu ủ kín trong lớp tuyết mùa đông rồi sẽ bừng dậy một sớm mai nào, khi mùa xuân trở lại…

Sài Gòn, trung tuần tháng 11, 2006

Nguồn: Tập san Việt Học (Cahier d'etudes Vietnamiennes) năm 2007

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60535009
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16502
10018
60535009

Thành viên trực tuyến

Đang có 328 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website