“Vẽ chân dung” người viết văn trẻ

(NLĐO) - Hỡi những nhà văn trẻ, bạn muốn mình luôn là người viết (écrivant) làm ra sách, hay sẽ là nhà văn (écrivain) làm ra tác phẩm, nói như Jean-Paul Sartre thuở ấy?

Có phải một mùa sinh sắc đã trở lại với văn chương Việt, khi cuộc sống dần dần trả lại nhịp đập tự nhiên, với vô vàn xáo động? Ngày của thông tin, mùa của thông tin, thời của thông tin.

Chúng ta bị va đập hằng ngày với những chuyện trên trời dưới đất của mình, của thiên hạ, không lúc nào ngơi. Cảm xúc của ta dao động, trồi sụt như nhịp tim của người đang yêu hay người đang hấp hối.

Hai xu hướng của văn học trẻ

Sau hai cuộc chiến tranh, văn học Việt Nam trở lại con đường hiện đại hóa một cách chậm chạp. Một nền văn học chịu nhiều phân tán, ngập ngừng, nhiều lần mở, khép. Một nền văn học trộn lẫn các yếu tố truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại.

Cạnh tranh với các lĩnh vực nghệ thuật khác trong chinh phục công chúng, văn học của thế kỷ XXI đi vào tiếng rì rầm của đời thường. Các quầy sách tràn ngập các bản in mới, đa dạng và bắt mắt về hình thức. Tuổi trẻ chín sớm và thành danh trong sáng tạo. Niềm tự tin trở lại. Đã có một số nhà văn chuyên nghiệp.

20200201

Độc giả mong ước mỗi cuốn sách được nhấc lên, cầm về nhà sẽ là cuốn sách có thể đọc đi đọc lại, thậm chí theo họ suốt cuộc đời ảnh: Hoàng Triều

Trong cái bề bộn của số sách xuất hiện với tần suất dày ấy, trong khu vực các tác giả trẻ, có thể nhìn thấy hai xu hướng lớn: một xu hướng chịu khó lắng nghe bản thân, nắm bắt những nhịp đập sâu xa của đời sống, cố gắng tìm tòi những giá trị nghệ thuật, cân nhắc khi chọn một diễn ngôn văn chương mang cá tính riêng; một xu hướng nhạy với thị hiếu công chúng, tiếp thu nhanh kỹ thuật viết các loại văn xuôi hư cấu trong làng văn đại chúng, hình thành ngay một mạch văn đơn giản, viết lẹ, thành công dễ dàng, chinh phục đám đông công chúng trẻ, tạo nên sự kiện, có số lượng phát hành và có doanh thu lớn.

Có vẻ như xu hướng thứ hai đang đà phủ sóng rộng. Họ viết về những cái thường ngày trong sinh hoạt người trẻ: ăn, mặc, chơi và yêu. Nhan đề linh hoạt như một lời thoại. Bìa thiết kế theo phong cách ngôn tình: họa tiết mềm mại, màu sắc lung linh hay dữ dội. Văn học đại chúng đáp ứng nhu cầu có thực của một tầng lớp người đọc đông đảo đang muốn có những phút giây thư giãn bằng chữ nghĩa.

Thành danh với văn học đại chúng

Vốn chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Hoa, văn học đại chúng Việt Nam giờ đây học tập thêm Nhật Bản và Hàn Quốc; chỉ một số ít có dấu vết kỹ thuật phương Tây. Điểm chung của loại sách này là dễ đọc, mạch truyện sáng rõ, câu chữ giản dị, kết thúc thường có hậu.

Đã có một đúc kết, rằng chủ ý của sách là tác động đến các trạng thái tâm lý của con người (thất tình, lục dục), rằng cách viết là tuân theo các mô thức đã trở thành kinh điển. Tác giả viết như làm một cuộc trò chuyện êm đềm da diết về những phức cảm của người trẻ (trong thơ); hay như một cuộc bài binh bố trận, hoặc xây dựng một cốt truyện ly kỳ, lâm ly, bi đát, di chuyển qua nhiều không gian, nhiều biến cố; hoặc xây dựng những nhân vật trẻ ngồ ngộ, cá tính độc đáo, với các câu chuyện tình bất ngờ và các mẫu đối thoại thú vị (trong văn).

Sách bán chạy, người viết thành công sớm và thành danh nhanh, được một số nhà xuất bản, nhà sách và báo chí săn đón, có thể sống bằng ngòi bút, đó là những yếu tố làm nức lòng nhiều người trẻ, ngày càng đông người chọn hướng đi này: Dương Thụy, Nguyễn Phong Việt, Nồng Nàn Phố, Anh Khang, Trần Thu Trang, Jun Phạm, Meggi Phạm, Gào (Vũ Phương Thanh), Keng (Đỗ Thị Thùy Linh), Hamlet Trương, Iris Cao, Nguyễn Ngọc Thạch, Phan Ý Yên, Nguyễn Thu Hoài, Linh Lê, Ngọc Hoài Nhân, Ploy Ngọc Bích, Kawi Hồng Phương, Bom, Sơn Paris…

Những trang văn tinh tế

Như một mạch ngầm mải miết chảy, tiếp nối những giá trị đã có trong lòng dân tộc và ước mong hội nhập cùng nhân loại, xu hướng thứ nhất lặng lẽ và cẩn trọng hơn. Thế hệ 8x và 9x đã ra ràng một loạt các cây bút từng theo học ngành văn chương, phần lớn bước ra từ Khoa Ngữ văn và Báo chí Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM.

Thục Linh, Tú Trinh tinh tế và lặng lẽ. Nguyệt Phạm, Phương Lan, Lynh Bacardi táo bạo, bứt phá làm nên sự kiện trong nhóm Ngựa trời. Nguyễn Thúy Hằng xuyên sâu vào cõi màu cô độc. Ngô Thị Hạnh, Phương Huyền viết sớm và viết đều trong mạch thơ văn dung dị. Phương Trinh ấp ủ ngọn lửa ấm của lòng từ ái. La Mai Thi Gia hồn nhiên phơi mở. Tạ Anh Thư, Hạ Nguyên viết chắt lọc và cá tính, phác vẽ chân dung mình trong những khắc khoải, băn khoăn. Nguyễn Thiên Ngân và Yến Linh chín sớm, ghi dấu bằng các giải thưởng, có mặt đều đặn với các thể loại khác nhau; người thì chinh phục công chúng trẻ bằng một chất giọng tưng tửng, ngang tàng, cuộn dưới đáy sâu một tâm cảm khác thường; người cầm bút như để tự chữa lành những chấn thương thời thơ ấu. Ngọc Huyền mềm mại trong những tra vấn về bản thể. Vũ Lập Nhật dữ dội và hiện đại trong khám phá nghệ thuật. Huỳnh Trọng Khang mạo hiểm trong hành trình khai quật những câu chuyện quá khứ. Thái Cường rủ rỉ kể tiếp câu chuyện gia đình và quê nhà. Tru Sa lần mò trong mê cung đầy bóng tối. Pháp Xa Chan trình hiện một tâm thức hỗn mang và Pháp Hoan với bút pháp tân hiện thực…

Phân định giữa sách và tác phẩm

Chúng ta vui mừng với sự đa dạng hôm nay, bởi vì đó là dấu hiệu của sự phát triển bình thường lẽ ra phải có. Văn chương có mặt cho tất cả mọi người. Nhưng cũng cần thấy rằng với trình độ thưởng thức ngày càng cao của công chúng và sự sàng lọc của thời gian, sẽ có sự phân định giữa sách và tác phẩm.

Sẽ có những người viết có khát vọng để đời và những người viết nhằm đạt được một mục tiêu ngắn hạn. Khởi điểm của con đường cầm bút rất quan trọng, ý thức chọn lựa sẽ tùy thuộc khả năng và điều kiện của từng người. Và người đọc cũng thế, niềm vui đầu đời khi bước chân vào khu vườn văn chương và những tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường rất là quan trọng.

Nếu lạc quan, sẽ nói rằng đời sống văn học bề bộn hôm nay là một trong những biểu hiện của đời sống văn học mang tính tự nhiên và dân chủ. Có chút ít tinh thần dân tộc, sẽ mừng vì sách do người Việt viết tăng lên đáng kể và mừng vì người đọc rộn ràng tìm đến sách.

Trong mong ước mỗi cuốn sách được nhấc lên và cầm về nhà sẽ là cuốn sách có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, thậm chí theo ta suốt cuộc đời, sẽ nảy sinh một sự lo âu và nuối tiếc. Lo cho "tầm đón đợi" của độc giả đang dần dần đi xuống. Tiếc cho những chọn lựa cầm bút sẽ định hình luôn một con đường. Hỡi những nhà văn trẻ, bạn muốn mình luôn là người viết (écrivant) làm ra sách, hay sẽ là nhà văn (écrivain) làm ra tác phẩm, nói như Jean-Paul Sartre thuở ấy?

Bộc lộ cá tính sáng tạo

Cá tính sáng tạo của những người trẻ này đã hé. Việc học và việc đọc đã đưa họ đến với văn chương với một đà viết đầy cảm hứng và có tinh thần trách nhiệm. Dù viết là bộc bạch, là trải nghiệm hay là tưởng tượng, có thể thấy những người trẻ hôm nay đã ý thức rất rõ về tính giao điểm của đời và của văn. Trường liên tưởng của họ rộng, hiện tượng liên văn bản (cả về phương diện tư tưởng lẫn phương diện thủ pháp) trong tác phẩm của họ càng rõ.

Những trang viết tạo sóng trong lòng người thường là kết quả của một quá trình lắng nghe mình và lắng nghe đời, được phả thành một giai điệu riêng. Ngày hôm nay văn xuôi bừng nở, thơ ca âm thầm hơn, nhưng trên góc độ cá nhân, tôi tưởng chừng như nghe được tiếng dội sâu trầm của những bài thơ được viết từ ám ảnh.

 

Nguyễn Thị Thanh Xuân

Nguồn: Người lao động, ngày 25.01.2020.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60799434
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18935
24669
60799434

Thành viên trực tuyến

Đang có 262 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website