Mấy tuần nay biến chủng Omicron hoành hành ở Hà Nội và trên cả nước. Lớp học trò chúng tôi ở miền Nam chỉ có thể tưởng niệm Thầy trong tấm lòng biết ơn và thương tiếc…

GS Phùng Văn Tửu và GS Trần Đình Sử

Khoảng nửa cuối năm 1975, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn tập trung tất cả sinh viên từ năm thứ ba trở lên đang học dở dang các ngành Văn chương Việt Nam, Hán văn, Ngữ học, Triết học, Báo chí, gồm cả những người từ Đại học Vạn Hạnh, Đại học Đà Lạt, Đại học Minh Đức chuyển sang, vào chung một khối sinh viên gồm sáu lớp được gọi là Ngữ văn bổ túc. Thời cuộc thay đổi, nhiều sinh viên ra đi hoặc bỏ học, nhưng số còn lại cũng hơn 320 người, ngồi kín giảng đường 2 là nơi ngày trước các thầy Đông Hồ, Thanh Lãng, Nguyễn Duy Cần từng giảng dạy.

Trong khi các giáo sư của Đại học Văn khoa phải tập trung học chính trị, Ban lãnh đạo mới của trường (gồm các thầy Phan Hữu Dật, Bùi Khánh Thế, Lý Chánh Trung) đã mời các giáo sư uy tín của Hà Nội vào giảng dạy cho khóa sinh viên đặc biệt ấy. Trước 1975, ở trường phổ thông chúng tôi học quốc văn và triết học, nên kiến thức văn học nước ngoài chỉ hạn chế trong những tác phẩm yêu thích được dịch sang tiếng Việt. Nhờ chương trình mới mà chúng tôi có được kiến thức tương đối hệ thống về văn học thế giới, qua sự truyền đạt rất nghiêm cẩn của các thầy cô đến từ hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội: Lê Hồng Sâm, Nguyễn Đức Nam, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Hải Hà.

Thầy Phùng Văn Tửu vào dạy chúng tôi giữa năm 1976. Lúc đó thầy chỉ hơn 40 nhưng trông rất gầy yếu. Thầy bảo trong những năm dạy học ở Vinh và Hà Nội, chưa bao giờ thầy dạy một lớp đông như thế này. Trời nóng, mấy cái quạt trần quay vù vù mà giảng đường vẫn oi bức, có hôm thầy mệt quá, phải ngừng dạy giữa chừng, mấy bạn nữ sinh viên mang dầu gió lên cho thầy xoa. Hết giờ nghỉ, thầy lại dạy tiếp, chúng tôi lắng nghe bài giảng sâu sắc của thầy về Hamlet của W. Shakespeare. Về Hà Nội thầy chấm bài của chúng tôi rất kỹ. Khác với một số thầy cô thường nương tay để động viên học sinh miền Nam, thầy Phùng Văn Tửu, tuy không đánh rớt ai, nhưng cho điểm rất công bình, có người cao kẻ thấp chứ không dàn đều, để nhắc nhở mọi người cùng cố gắng. Bài học về sự cẩn trọng, khách quan đó của thầy chúng tôi luôn nhớ khi vào nghề giáo.

Năm sau, một nhóm sinh viên chúng tôi được nhà trường gửi ra học tiếp ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau ba ngày ba đêm đi tàu hỏa, chúng tôi đến ga Hàng Cỏ một chiều mùa thu năm 1977. Thật vui mừng và ngạc nhiên, khi vừa bước xuống toa, chúng tôi thấy thầy Phùng Văn Tửu đứng đón trên lối ra cổng ga. Thì ra một bạn trong đoàn đã viết thư báo cho thầy biết chuyến đi. Hồi đó tàu hỏa luôn trễ giờ, thầy phải chờ rất lâu ở ga để gặp chúng tôi. Nhận hành lý xong, chúng tôi lên xe ca của nhà trường, còn thầy thì đạp xe cùng theo về khu nhà “lắp ghép” Trung Tự xem chúng tôi nhận phòng, ổn định chỗ ở.

Hai năm ở Hà Nội, chúng tôi chỉ được học với các thầy cô ở Đại học Tổng hợp nhưng vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các thầy cô ở Đại học Sư phạm, gần gũi nhất là thầy Phùng Văn Tửu. Hai cái Tết 1978 và 1979, thầy đều gọi chúng tôi đến nhà thầy ở phố Hàng Gai, thuộc quận Hoàn Kiếm, ăn tết. Đó là một nhà phố dài dành cho mấy căn hộ, gia đình thầy cô ở tầng trệt. Vợ thầy, cô Bích Ngọc, cũng là nhà giáo, một phụ nữ phúc hậu, lịch thiệp, ân cần. Lần đầu tiên tôi biết ăn món bóng xào thập cẩm và ăn bánh chưng với chè kho do cô chiêu đãi. Nhà thầy ở gần Hồ Gươm và khu phố cổ, nên thầy dặn chúng tôi khi nào muốn đi dạo phố thì hãy để xe đạp ở nhà thầy.

Trước ngày trở về miền Nam, chúng tôi đến chào thầy cô, thầy có vẻ không vui vì trước đó không được mời dự lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp của chúng tôi. Tôi chỉ thay mặt các bạn xin lỗi thầy chứ không biết nói sao, vì các thủ tục là do nhà trường tiến hành. Năm đó, Trung Quốc vừa đánh ta tàn bạo ở biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam cũng rất căng thẳng, chúng tôi chỉ mong bảo vệ xong rồi sớm về miền Nam.

Ra trường, theo nghề dạy học, tuy không dạy văn học phương Tây nhưng tôi đọc kỹ tất cả những công trình khảo cứu và dịch thuật của thầy Phùng Văn Tửu. Có thể nói đó là bộ sách được biên soạn công phu, hiện đại dưới một cái nhìn học thuật dân chủ và cởi mở. Những trào lưu mới của văn học phương Tây đều được lý giải cặn kẽ dưới ngòi bút thuyết phục của thầy. Một hiện tượng văn học nào dù thầy không ưa thích và cổ vũ cũng được trình bày một cách điềm tĩnh, khoan hòa. Thật thú vị, cũng như các giáo sư Đặng Anh Đào, Đỗ Đức Hiểu, là người nghiên cứu văn học phương Tây lâu năm, nhưng mỗi khi trở về liên hệ soi chiếu với văn học Việt Nam, giáo sư Phùng Văn Tửu luôn có những khám phá và phát hiện độc đáo.Trong cái vẻ hàn lâm vốn có, những cuốn sách của thầy luôn gần với đời sống. Có lần, giữa những trang sách viết về văn học hiện đại phương Tây, thầy đã liên hệ phân tích tác phẩm của những nhà văn đương đại ở Nam Bộ như Trang Thế Hy, Dạ Ngân, lại còn in kèm chân dung của tác giả.

Tuổi cao, thầy Phùng Văn Tửu không nhận lời vào miền Nam giảng bài, nhưng chúng tôi vẫn thường được gặp thầy trong những dịp sinh hoạt khoa học. Thời gian vào TP. HCM làm đồng chủ biên Từ điển văn học (bộ mới), thầy Tửu gọi tôi đến dùng cơm, sau đó lại gửi tặng bộ sách quý ấy. Được tin gia đình thầy chuyển đến một khu nhà khang trang, lịch sự ở đường Trần Phú, quận Ba Đình, một lần đi công tác Hà Nội, tôi xin đến thăm thầy. Bước vào nhà, nghe mùi thơm của thuốc Bắc, thầy giải thích: Thầy sắc thuốc cho cô. Cô bị bệnh trọng ra đi trước thầy, nay thì đến lượt thầy ra đi.

Mấy tuần nay biến chủng Omicron hoành hành ở Hà Nội và trên cả nước. Lớp học trò chúng tôi ở miền Nam chỉ có thể tưởng niệm Thầy trong tấm lòng biết ơn và thương tiếc.

Nguồn: https://vanvn.vn/tuong-niem-thay-phung-van-tuu/

20210624

Đào tạo trực tuyến vốn là phương án dự phòng của nhiều trường đại học trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và trong đợt dịch lần này, phương thức đào tạo này được triển khai một cách chính thức. Với quá trình chuẩn bị chu đáo, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) đã triển khai công tác dạy và học trực tuyến nhanh chóng, hiệu quả. 

TS. Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV - đánh giá rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển đổi phương pháp dạy học của các trường đại học cũng như Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ đợt dịch trước, cụ thể là tháng 3.2020, nhà trường đã lên kế hoạch và có những bước chuẩn bị cụ thể để tiếp cận với đào tạo trực tuyến.

Nhà trường đã giao cho tổ Công nghệ thông tin và Dữ liệu phụ trách phần mềm Learning Management System (LMS) nhằm đưa các tài liệu eLearning tới số lượng lớn sinh viên - học viên, đồng thời hỗ trợ nhà trường dễ dàng theo dõi, điều chỉnh và đánh giá quá trình đào tạo một cách hiệu quả. “Vì vậy, trong giai đoạn này, giảng viên đã có thể chia sẻ tất cả nguồn dữ liệu học tập, kiểm soát lớp học chặt chẽ và tăng độ tương tác với sinh viên” - TS. Phạm Tấn Hạ khẳng định.

Nguyễn Thành Tín (Sinh viên khoa Báo Chí và Truyền Thông) cho biết: “Học online chính là giải pháp vô cùng hữu ích để không làm gián đoạn việc học của mình trong tình hình dịch bệnh phức tạp như thế này. Tuy nhiên, việc học trực tuyến dễ khiến mình cảm thấy khá bị động và không được hào hứng hơn so với việc học trực tiếp”. 

Cùng ý kiến, Nguyễn Thị Trúc Mai (Sinh viên khoa Lưu Trữ - Quản trị văn phòng) nhận thấy việc học trực tuyến giúp sinh viên tiết kiệm thời gian di chuyển và đảm bảo yêu cầu 5K của Bộ Y tế trong thời điểm hiện tại. Theo Trúc Mai, để đẩy mạnh hiệu quả của việc dạy học trực tuyến, giảng viên và sinh viên nên cùng nhau xây dựng phương pháp học tập thú vị hơn như đầu tư các sản phẩm khi thuyết trình, tổ chức trò chơi,... sẽ thu hút những bạn trong lớp tập trung hơn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần quan tâm đến việc kiểm duyệt yêu cầu tham gia lớp học trực tuyến để tránh mất nhiều thời gian.

Còn theo học viên Khánh Linh (học viên cao học ngành Chính trị học, khoa Triết học), học trực tuyến giúp giảng viên và học viên chủ động về thời gian, áp dụng được nhiều phương pháp giảng dạy, vừa góp phần nâng cao khả năng sử dụng thông tin, vừa bồi dưỡng năng lực và thái độ học tập của người học. “Với tình hình hiện tại, nhà trường cần đẩy mạnh giảng dạy trực tuyến, để không làm chậm tiến độ học tập của người học. Giảng viên nên cung cấp tài liệu trước buổi học để sinh viên tham khảo, còn trong quá trình học, giảng viên sẽ hướng dẫn những nội dung nâng cao và chuyên sâu hơn.  Đặc biệt, giảng viên nên mở camera liên tục để kiểm tra quá trình học của sinh viên và  có thể cho bài tập khuyến khích phát biểu” - Khánh Linh đóng góp.

Giải đáp những thắc mắc về việc tổ chức kỳ thi cuối kỳ và các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ, TS. Phạm Tấn Hạ cho biết: “Nhà trường đã thông báo cho tất cả các khoa/ bộ môn rằng những môn nào có thể tổ chức được nhiều hình thức thi sẽ được triển khai trước, có thể làm bài tiểu luận hoặc thi vấn đáp qua ứng dụng trực tuyến. Còn với những môn bắt buộc thi trực tiếp thì chúng ta phải chờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát và đợi những thông báo tiếp theo từ các cấp”. Phó Hiệu trưởng nhà trường nhắn nhủ sinh viên nên chuẩn bị cho mình một tâm thế chủ động, có kế hoạch kiểm soát thời gian, kiểm soát bản thân để hoàn thiện trí tuệ và tinh thần. Còn về phía Nhà trường, khi tình hình ổn định, tất cả hoạt động sẽ được tổ chức trở lại và đảm bảo tiến độ học tập, thực tập và tốt nghiệp cho sinh viên.

Bên cạnh đó, Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm và giới thiệu đến sinh viên, học viên Trường các khóa học trực tuyến bổ trợ khác được tổ chức bởi các trường đại học, các tổ chức hỗ trợ phát triển giáo dục uy tín trên thế giới. Thư viện trường tổ chức dịch vụ mượn sách tham khảo trựi tuyến và chuyển cho bạn đọc thông qua đường chuyển phát...

Tường Vi

Nguồn: ĐHKHXH&NV - ĐHQG-HCM

Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Phùng Văn Tửu, chuyên gia đầu ngành về văn học phương Tây, đã qua đời ngày 9-3, hưởng thọ 88 tuổi.

Thông tin từ Khoa Ngữ văn thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết Giáo sư-Nhà giáo ưu tú (GS-NGƯT) Phùng Văn Tửu, nguyên Phó trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài của Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyên gia đầu ngành về văn học phương Tây, đã qua đời hồi 0 giờ 30 phút sáng ngày 9-3, hưởng thọ 88 tuổi.

GS Phùng Văn Tửu, chuyên gia đầu ngành về văn học phương Tây, đã qua đời ngày 9-3

GS Phùng Văn Tửu sinh năm 1935 tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội trong một gia đình nhà giáo. Các anh chị em của GS phần nhiều đều trưởng thành, trở thành những nhà giáo, kỹ sư, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng.

Tốt nghiệp đại học năm 1959, GS Phùng Văn Tửu từng là cán bộ giảng dạy tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội từ năm 1959 - 1961. Từ năm 1961 - 1968, ông giảng dạy tại Đại học sư phạm Vinh.

Từ năm 1969, ông là giảng viên tại Khoa Ngữ văn - ĐH Sư phạm Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu năm 2002.

Ông được phong Giáo sư từ năm 1991, được Nhà nước công nhận là Nhà giáo ưu tú, được trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Hữu nghị Campuchia, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.

GS Phùng Văn Tửu là chuyên gia đầu ngành về văn học Phương Tây. Ông là chuyên gia về Văn học Pháp (về Rouseau, Hugo, Aragon...), chuyên gia về vấn đề giảng dạy, tiếp nhận Văn học nước ngoài ở Việt Nam, về những vấn đề thi pháp Văn học Phương Tây.

GS Phùng Văn Tửu là tác giả của 11 cuốn sách chuyên khảo, 14 sách dịch và hơn 50 bài báo khoa học chuyên ngành Văn học Phương Tây.

Các giáo trình Văn học Phương Tây, cuốn Cảm thụ và giảng dạy văn học nước ngoài (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2002; 2008) của GS Phùng Văn Tửu được đánh giá cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Cụm công trình Tiểu thuyết Pháp nửa sau thế kỷ 20 của GS Phùng Văn Tửu được Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2005. Cuốn chuyên khảo sau cùng Cách tân nghệ thuật Văn học Phương Tây (NXB KHXH, HN, 2017) của ông được Giải thưởng Hội nhà văn năm 2017.

Ở vai trò một người thầy, GS Phùng Văn Tửu được nhiều thế hệ sinh viên rất yêu quý.

Lễ tang GS Phùng Văn Tửu được cử hành từ 7 giờ 00 - 7 giờ 50 ngày 16-3 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 8 giờ cùng ngày. An táng tại Thiên Đức Vĩnh hằng viên, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Nguồn: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/gs-phung-van-tuu-chuyen-gia-dau-nganh-ve-van-hoc-phuong-tay-qua-doi-20220309193607915.htm

Kể từ những ngày đầu xảy ra trường hợp khẩn cấp về y tế, việc giảng dạy trong các trường đại học Ý đã phải tự đổi mới để đối phó với một tình huống bất ngờ và đột ngột. Vào đầu tháng 3 năm 2020, đã có nhiều nghị định của Chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và các biện pháp đầu tiên là ngừng giảng dạy, ngừng tổ chức các kỳ thi hay các buổi lễ tốt nghiệp đông người ở tất cả các trường đại học trên nước Ý. Ngoại trừ một số trường như Bách khoa (Politecnico di Milano), nhờ trang bị và chuẩn bị tốt về công nghệ, nên trong thời gian lockdown vào mùa xuân năm 2020, các giáo sư và sinh viên là những người đầu tiên thực hiện các khóa học theo phương thức đào tạo từ xa (DaD); còn lại nhìn chung, tình trạng khẩn cấp đã làm nổi rõ vấn đề phải đào tạo giảng viên, những người thường không rành về các nền tảng công nghệ hay chưa được cập nhật phương pháp giảng dạy DaD. Từ đầu những năm 2000, ở Ý, e-learning chỉ được sử dụng trong các trường đại học viễn thông hoặc bách khoa, trong khi cách học này đã phát triển ở các nước khác, đặc biệt là trong khối Anglo-Saxon.

20210615

Trường Politecnico ở Milano

Theo Kế hoạch Quốc gia về Kỹ thuật số, đổi mới giáo dục không thể thực hiện nếu không có một kế hoạch tổng thể về phát triển kỹ thuật số, đào tạo giảng viên và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ của trường đại học. Tiềm năng của DaD nên được phát triển và ứng dụng không chỉ trong trường hợp khẩn cấp để giúp giảng viên làm quen với phương pháp xen kẽ giữa tự học thông qua e-learning và giảng dạy trực diện tập trung hướng về nghiên cứu chuyên sâu. Để tiến đến mục đích này, Politecnico di Milano đã phát triển chương trình DOL (Diploma On Line- cấp bằng trực tuyến) dành riêng cho việc đào tạo các giảng viên có kinh nghiệm sử dụng công nghệ trong giảng dạy.

Hiện nay, các đại học Ý có rất nhiều việc cần làm:

- Bắt đầu tạo ra các nền tảng học tập điện tử, bao gồm cả các nền tảng công cộng.

- Phát triển mạng kỹ thuật số để chia sẻ các ứng dụng đã được các trường đại học thực nghiệm hoặc theo các hướng dẫn của Bộ Đại học và Nghiên cứu.

- Khuyến khích các trường đại học truyền thống áp dụng các nền tảng DaD thế hệ mới nhất.

- Hỗ trợ những người chưa có các thiết bị điện tử được mua giảm giá để có thể kết nối.

- Xác định trên toàn lãnh thổ quốc gia các khu vực dành cho sinh viên học tập ở xa (thư viện,...) để khắc phục tình trạng thiếu không gian phù hợp để theo dõi bài học mà vẫn đảm bảo tính an toàn xã hội.

Giải pháp mà Politecnico di Milano đưa ra chưa từng có tiền lệ: tăng cường cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, khám phá các giải pháp công nghệ và phương pháp giảng dạy mới, cho phép thực hiện các hoạt động giảng dạy và đánh giá đều đặn ngay trong những tháng đầu tiên của tình trạng khẩn cấp. Tất cả các trường đại học sau đó đã có thể chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy đồng bộ và không đồng bộ trong thời gian khẩn cấp, tổ chức các phương thức hoạt động giảng dạy hỗn hợp, tính đến nhu cầu đào tạo của các khóa học và tuân thủ các quy tắc y tế. Trên trang web của trường đại học, mọi người đều thấy thông tin về cách thực hiện các hoạt động có sự hiện diện và những hoạt động từ xa. Sinh viên quốc tế được khuyến khích tận dụng chương trình đào tạo Từ xa.

Các bài học trực tuyến chủ yếu được tổ chức đồng bộ, theo phương pháp thiết kế để khuyến khích sự tham gia tối đa của sinh viên. Các hoạt động trực tiếp - bài giảng, bài tập chuyên sâu, bài tập - được chia thành nhiều đợt hoặc thực hiện ở chế độ web conference, bảo đảm quyền truy cập từ xa vào tài liệu giảng dạy. Để tham gia các hoạt động trực diện (nếu có thể) và học trong thư viện, sinh viên bắt buộc phải đặt chỗ trước. Vì virus chưa ngừng lan truyền, năm học mới bắt đầu vào mùa thu cần phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn lây lan. Tuy nhiên, không giống như mùa xuân năm ngoái, việc đóng cửa toàn bộ đã không cần thiết: có nhiều trường chọn phương pháp giảng dạy hỗn hợp nhưng cũng có trường chọn phương thức duy nhất là dạy từ ​​xa.

Sau khi được áp dụng rộng rãi trong nhiều tháng, theo kế hoạch tổ chức và giáo huấn cho giáo viên và học sinh, thật khó tưởng tượng là có thể trở lại giảng dạy trực diện vì chưa biết tình trạng khẩn cấp về y tế sẽ kéo dài bao lâu. Vì lý do này, các trường Đại học đã tự cấu trúc theo cách phù hợp để đảm bảo việc sử dụng các bài học theo phương thức kép, cả trực tuyến và trực tiếp, sử dụng các nền tảng hội nghị truyền hình và phần mềm eLearning để tạo các bài giảng. Ngoài các trường hợp khẩn cấp, phương pháp DaD sẽ rất hữu ích cho sinh viên - công nhân hoặc tiếp cận những sinh viên ở xa gặp khó khăn trong việc đến các trường. Do đó, cả giáo viên và học sinh có thể dùng những phương pháp dạy từ xa như một công cụ để biến tình huống khẩn cấp thành cơ hội cho tương lai.

Milano 3-2021

Elena Pucillo Truong

(Trương Văn Dân dịch từ bài viết Lo sviluppo della Didattica a Distanza (DaD) per il futuro)

Tác giả gửi cho Web Khoa Văn học

Lâu nay ta thường nghe một câu nói là nước mình “thừa thầy thiếu thợ”. Muốn biết câu nói này chính xác đến đâu cần phải có những con số cụ thể, những thống kê và so sánh với nhu cầu của thị trường lao động. Nhưng nhận định trên chắc được rút ra từ thực tế sản xuất và dễ nhận thấy những hàm ý bên trong. Đó là sự mất cân bằng của nhân lực lao động so với nhu cầu sản xuất. Đó là ở ta, thừa người biết nói nhưng thiếu người biết làm. Đó là ở ta rất trọng khoa bảng nhưng chưa trọng người thợ như cần phải có.

20220129 2

Các em học sinh tiểu học đang tham quan gian hàng trình diễn in 3D trong ngày hội STEM do Tia Sáng và Liên minh STEM tổ chức, năm 2017. Ảnh: BN.

Chuyển đổi số và giáo dục nghề nghiệp

Chuyển đổi số toàn cầu bắt nguồn từ sự xuất hiện hơn hai chục năm qua của không gian mạng (cyberspace)–  được hiểu là môi trường Internet nơi ở đó mỗi người, với một định danh, có thể giao tiếp dễ dàng với những người khác để trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, cùng làm việc, thưởng thức nghệ thuật, chơi trò chơi, bàn luận thời cuộc… 

Không gian mạng đã và đang len lỏi vào các hợp phần trong môi trường sống của con người– môi trường tự nhiên (như núi non, sông ngòi, bầu trời, cây cối, chim muông), môi trường nhân tạo (như nhà cửa, đường xá, cầu cống, xe cộ), môi trường xã hội (con người và các quan hệ, như luật lệ, thể chế, tôn giáo, họ tộc, gia đình)– và tạo thành một môi trường sống mới, môi trường thực-số, còn thường được gọi là môi trường số

Môi trường thực-số chính là môi trường ta sống nay được nối với không gian mạng, ở đó các thực thể dần được số hóa và tạo ra các phiên bản số (là những con số– tức dữ liệu– mô tả các thực thể đó) và do vậy có thể kết nối được với nhau. Không gian mạng không chỉ là phần “cộng thêm” mà còn là phần “nhập vào” môi trường truyền thống của con người. Nói môi trường thực-số là hàm ý nhấn mạnh mỗi thực thể giờ đây sẽ có cả phần thực và phần số gắn bó và đan xen nhau. Nói cách khác, mọi thứ trên môi trường ta đang sống đều đã và đang gắn với những con số, nhờ đó nối được với nhau và có thể hoạt động tốt hơn nhờ được tính toán và điều khiển. Nói cách khác là con người có thể thông minh hóa mọi hoạt động trên môi trường thực-số.

Môi trường thực-số với hai đặc điểm dữ liệu và kết nối đem đến cơ hội phát triển và bứt phá cho nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia đi sau, và cho phép tạo ra những phá hủy sáng tạo trong kỷ nguyên số. Đó là cách giao tiếp, cách sản xuất, cách mua bán, cách vui chơi… Đó là Amazon, là Airbnb, là Estonia…1

Môi trường thực-số là một hiện thực khách quan. Dù muốn hay không môi trường ta sống vẫn đang thay đổi thành thực-số và khai thác các cơ hội số để phát triển và thích nghi là phương thức cơ bản để phát triển hiện nay và trong tương lai. 

Giáo dục nghề nghiệp là một trong bốn lĩnh vực trụ cột của hệ thống giáo dục và đào tạo quốc gia (Hình 1): Giáo dục mầm non và phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục và đào tạo thường xuyên3. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan nhà nước phụ trách hai lĩnh vực đầu, và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phụ trách hai lĩnh vực sau.

Mỗi trụ cột của hệ thống giáo dục quốc gia có tầm quan trọng và sứ mạng riêng của mình. Giáo dục nghề nghiệp nhằm cung cấp nhân lực được đào tạo với kỹ năng nghề cao cho thị trường lao động, và do đó không những thiết yếu trong phát triển kinh tế đất nước mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến an sinh xã hội. Hiện cả nước có gần 2000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 397 trường Cao đẳng; 512 trường Trung cấp và 1031 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong chuyển đổi số quốc gia, giáo dục nghề nghiệp phải chuyển đổi mạnh mẽ để người làm nghề có kiến thức và kỹ năng số cần thiết trong những thay đổi nghề nghiệp toàn cầu. 



Hình 1. Bốn lĩnh vực trụ cột trong hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam.

Chuyển đổi số được hiểu một cách ngắn gọn là “quá trình thay đổi cách sống và cách làm việc trên môi trường thực-số với các công nghệ số”2, và do vậy giáo dục nghề nghiệp có thể được hiểu là “quá trình thay đổi cách làm giáo dục nghề nghiệp trên môi trường thực-số với các công nghệ số”.  

Hệ sinh thái số của giáo dục và đào tạo

Mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp cơ bản được xây dựng trên mô hình hệ sinh thái số của giáo dục và đào tạo với sáu hợp phần cần thay đổi4:

1. Nội dung giáo dục và đào tạo 

2. Phương pháp dạy và học 

3. Người học và người dạy 

4. Hạ tầng, nền tảng, và học liệu số 

5. Quản trị và quản lý giáo dục

6. Thể chế và hành lang pháp lý

Cơ sở để xây dựng hệ sinh thái số này là những điểm khác nhau về dạy và học trên môi trường truyền thống và trên môi trường thực-số (Bảng 1).

Các hợp phần của hệ sinh thái số của giáo dục và đào tạo được tóm tắt dưới đây. 

Dạy và học trên môi trường truyền thống Dạy và học trên môi trường thực-số
Cách dạy và học

Luôn từ lý thuyết đến ứng dụng.

Dựa theo sách giáo khoa, giáo trình.

Thường từ vấn đề, dự án, trường hợp… đến lý thuyết.

Dùng thêm nhiều học liệu số với nội dung chia theo mô-đun

Người học Thụ động theo nội dung được dạy Chủ động, tự định hướng, tự học, hợp tác và hứng thú
Người dạy Người giảng bài Người huấn luyện
Nơi dạy và học Lớp học, giảng đường Mọi chỗ, mọi nơi
Tốc độ học tập Theo chương trình và giáo trình Theo năng lực người học và lĩnh vực quan tâm
Đơn vị dạy và học Khoá học và môn học Mô-đun và năng lực
Theo dõi tiến độ Kiểm tra vào ngày ấn định, nhằm đánh giá khả năng nhớ và hiểu kiến thức. Liên tục, lặp, và tập trung vào mức đạt năng lực, văn hóa hợp tác và tư duy phản biện.
Vai trò của CNTT-TT Đưa nội dung tới từng người học Tạo môi trường kết nối người học với nhau, với môi trường

Bảng 1. Dạy và học trên môi trường truyền thống và trên môi trường thực-số.

1. Chuyển đổi số nội dung giáo dục nghề nghiệp

Vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp là chuyển đổi nội dung cho phù hợp với tương lai của các nghề. Các chương trình đào tạo nghề cần bỏ đi những nội dung không cần hoặc ít cần và thêm vào những nội dung mới, kỹ năng mới sẽ cần hoặc rất cần, phù hợp với thay đổi của các nghề trong những ngày đang đến. Các nội dung dạy nghề cần được thiết kế theo mô-đun để có thể dễ dàng thay đổi và thích hợp với các phương pháp dạy và học mới. 



Hình 2. Hệ sinh thái số của giáo dục và đào tạo.

2. Chuyển đổi số phương pháp dạy và học

Cần thay đổi cách dạy và học trên môi trường thực-số, tiêu biểu là các phương pháp sau. 

Học tập kết hợp (blended learning): Hài hòa việc dạy và học trên lớp hay ở xưởng với dạy và học trực tuyến, chú trọng việc dùng các công nghệ và học liệu số.

Học theo dự án (project-based learning): Hướng người học đến việc lĩnh hội kiến thức và kĩ năng thông qua việc bắt tay vào một dự án cần thực hiện. 

Học đảo ngược (flipped learning): Việc hiểu, ghi nhớ và vận dụng một nội dung  được thực hiện trước, và trên lớp chủ yếu cho phân tích, tổng hợp và đánh giá. 

Học tập thích nghi (adaptive learning): Dạy và học phù hợp với năng lực và trình độ của từng người học, tức cá thể hóa việc học.

Thay đổi phương pháp dạy và học là một quá trình dài, nhưng không thể khác.

3. Người học và người dạy trên môi trường thực-số

Năng lực chủ yếu cần cho việc học tập suốt đời là tự chủ và tự học. Tự chủ là việc biết tự định hướng, tự xác định cần học gì. Tự học là chính mình biết học thế nào cho hiệu quả. Trên môi trường thực-số, người học sẽ dần là chủ thể, đóng vai trò trung tâm và người dạy sẽ chủ yếu dẫn dắt người học, là “huấn luyện viên” đồng hành cùng người học trên con đường tìm kiếm tri thức.

4. Hạ tầng, nền tảng, và học liệu số 

Hạ tầng số trên môi trường thực-số trước hết là hạ tầng kết nối (máy tính và mạng internet cùng các phần mềm cơ bản) và hạ tầng dữ liệu (các cơ sở dữ liệu về giáo viên và học viên, hoạt động đào tạo và quản lý… được kết nối và chia sẻ). Hạ tầng số cơ bản này là nền móng để tạo nên khuôn viên thông minh trong hệ sinh thái, để trên đó thực hiện các hợp phần của hệ sinh thái.

Nền tảng số là hệ thống công cụ số hoặc một môi trường nền giúp cho việc phát triển ứng dụng hoặc kết nối con người, xây dựng từ các công nghệ số trong hạ tầng ứng dụng– một hợp phần của hạ tầng số. 

Học liệu số là “các tài liệu, dữ liệu thông tin, tài nguyên được số hóa, lưu trữ phục vụ cho việc dạy và học.” Nếu như người học trước kia chủ yếu học với sách giáo khoa, thì ngày nay và trong tương lai, người học cần dùng phối hợp một cách hài hòa sách giáo khoa và học liệu số. 

5. Chuyển đổi số quản trị và quản lý giáo dục

Hạ tầng số và các nền tảng số cho phép công tác quản trị, hoạch định, tổ chức, lãnh đạo việc dạy và học, cũng như điều hành, dự báo và ra quyết định dựa trên dữ liệu. Rất nhiều vấn đề quản trị của giáo dục nghề nghiệp, từ vĩ mô đến vi mô, đều có thể thay đổi sâu sắc khi sử dụng hiệu quả dữ liệu và những kết nối phong phú trên Internet. Công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ tăng được hiệu quá rất mhiều khi bộ phận hành chính sử dụng hiệu quả các công nghệ số qua các nền tảng số để quản lý các hoạt động thường xuyên ở cơ sở giáo dục. Quản trị số với cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục nghề nghiệp sẽ cho phép chúng ta thấu hiểu tình hình nhân lực làm nghề của cả nước.



Hình 3. Tóm tắt phương pháp luận 2-3-5 về chuyển đổi số.

6. Xây dựng thể chế và hành lang pháp lý 

Cũng như ở các lĩnh vực khác, chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp là sự thay đổi tổng thể và toàn diện mọi hoạt động dạy và học trên môi trường thực-số. Sự thay đổi lớn lao và sâu sắc này đòi hỏi những thay đổi về thể chế và hành lang pháp lý để cho phép thay đổi hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có:

- Thay đổi nội dung, phương pháp dạy và học trên môi trường số.

- Dạy và học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng, công nhận kết quả.

- Quy định công nhận và cấp chứng chỉ cho hình thức học online.

- Các quy định về mô-đun hóa chương trình đào tạo và công nhận lẫn nhau giữa các chứng chỉ, tín chỉ.

- Quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, an toàn thông tin cá nhân, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu và kho học liệu số.

Cùng với hệ sinh thái số định ra những nội dung đặc thù của giáo dục và đào tạo, một phương pháp luận về chuyển đổi số, còn gọi phương pháp luận 2-3-5, tóm tắt trong Hình 3, cũng được giới thiệu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp4

Bước đầu của chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp

Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QĐ-TTg, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tích cực chủ trì và triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Đây là một hành trình mới chưa có tiền lệ, chưa có những bài học kinh nghiệm, là một hành trình vừa đi, vừa học, vừa tìm đường. Tiên phong trong kế hoạch của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là 11 trường cao đẳng đối tác của chương trình hợp tác kỹ thuật Việt-Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” (chương trình TVET), tài trợ bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ). Chương trình TVET có mục đích hỗ trợ cho “giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam được điều chỉnh phù hợp hơn với thế giới việc làm đang thay đổi”.

Những kết quả và bài học thu được từ những hoạt động kể trên là những kinh nghiệm quý báu để các trường TVET tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, lan tỏa và chia sẻ với các đơn vị khác trong ngành để cùng thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. □

Mùa Xuân của giáo dục nghề nghiệp

Vào năm 1957 trong bài “Học sinh và lao động” Bác Hồ đã viết:

“Thi đỗ tiểu học rồi, thì muốn lên trung học, đỗ trung học rồi, thì muốn lên đại học. Riêng với mỗi cá nhân của người học sinh, thì ý muốn ấy không có gì lạ. Nhưng nhìn chung đối với nhà nước, thì ý muốn ấy thành vô lý; vì bất kỳ ở nước nào số trường trung học cũng ít hơn trường tiểu học, trường đại học càng ít hơn trường trung học. Thế thì những học trò tiểu học và trung học không được chuyển cấp, sẽ làm gì?”.

Câu trả lời trong bài viết được Bác gạch chân là “họ sẽ lao động”. Nhưng họ sẽ lao động thế nào trong kỷ nguyên số, trong những năm tới đây? Cả xã hội đang chờ câu trả lời.

Và lúc này phải chăng câu trả lời chỉ có nếu chúng ta làm chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp thành công?

Mùa Xuân đến mang cho ta thật nhiều niềm tin vào công cuộc chuyển đổi số ngành giáo dục nghề nghiệp đang làm.

Hồ Tú Bảo - Nguyễn Nhật Quang

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 21.01.2022.

-------

Một số tài liệu sử dụng

1. Hồ Tú Bảo (2019), Nguồn nhân lực số và kỹ năng lao động mới, Chương 7, Việt Nam thời chuyển đổi số, Thinktank Vinasa, NXB Thế giới.

2. Hồ Tú Bảo, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Nhật Quang (2020). Hỏi đáp về Chuyển đổi số. NXB Thông tin và Truyển thông.

3. Hồ Tú Bảo (2021). Chuyển đổi số và Giáo dục, sách Việt Nam Hôm nay và Ngày mai, Trần Văn Thọ & Nguyễn Xuân Xanh (chủ biên). NXB Đà Nẵng.

4. Hồ Tú Bảo, Nguyễn Nhật Quang (2022). Chuyển đổi số thế nào. NXB Thông tin và Truyển thông.

Vừa qua, dư luận xã hội bàn nhiều về bức tâm thư của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi các nhà giáo toàn quốc. Bức thư đã thể hiện những mong muốn và khát vọng, tâm huyết với nghề giáo, với nhà giáo, trong đó đáng lưu ý là ông nhận định, người thầy có vai trò quan trọng trong việc củng cố, giữ gìn vị thế của người thầy và sự tôn nghiêm của nghề giáo. Nhưng có lẽ mong mỏi chính đáng ấy cũng chỉ là mong mỏi, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay; người thầy, dù nỗ lực đến đâu, thì cũng chỉ là một thành tố chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, vì suy cho cùng, xã hội thế nào thì người thầy thế ấy.


Điều quan trọng và mang tính quyết định hơn là xây dựng được một xã hội, một môi trường giáo dục, ở đó những điều cao đẹp và các giá trị nhân bản được tôn trọng, đề cao và vinh danh, được sinh sôi và nảy nở; những điều xấu xa, bị lên án, bị triệt tiêu. Ảnh minh họa: Zing.

Lịch sử phát triển nhân loại thời hiện đại cho thấy, giáo dục luôn giữ vai trò quyết định đối với sự hưng thịnh của mỗi quốc gia; và các trường đại học được coi là biểu tượng tri thức của một đất nước, là niềm tự hào của một dân tộc; vì giáo dục góp phần tạo nên phẩm cách con người, ‘nếp nhà’ của một gia đình, và giáo dục cũng làm nên tầm vóc của một dân tộc. 

Nghề nào cũng cao quý và đáng trân trọng, nhưng nghề giáo là một trong số rất ít nghề được cho là cao quí và đáng trân trọng nhất; vì thế, nghề này đòi hỏi sự nghiêm cẩn, trong sáng và mô phạm hơn bất cứ nghề nào khác; điều đó làm nên sự tôn nghiêm của nghề. Các trường học thường được coi là biểu tượng tri thức và văn hóa của một đất nước và là niềm tự hào của một cộng đồng. 

Thế nhưng, vì sao nên nỗi “vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn” như vị đứng đầu ngành đã phải nhắc nhở, đã phải cảnh tỉnh, đã phải kêu gọi?

Thiển nghĩ, một khi thầy không ra thầy trò không ra trò, một khi lâu đài về trí tuệ, lâu đài về đạo đức bị xâm hại, bị tổn thương, thì lỗi không phải chỉ là do thầy và trò, không chỉ là lỗi của ngành GD&ĐT, mà lỗi từ rất nhiều phía. Người thầy góp phần tạo nên những sa sút đạo đức nhưng cũng là nạn nhân của tất cả những mất mát và xói mòn ấy. 

Chế độ lương    

“Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta”. Hình như tôi đã được nghe các câu nói đại loại như thế này không chỉ một lần, ở đâu đó, năm nào đó. Nhưng liệu có đúng là những phiền lòng và lo âu về giáo dục, về sự tôn nghiêm của nghề giáo, về vị thế cao cả của nhà giáo trong thời đại ngày nay phụ thuộc chủ yếu và trước hết vào chính các nhà giáo? Chủ nghĩa duy vật biện chứng coi một sự vật hay một hiện tượng trong trạng thái luôn phát triển, và muốn xem xét nó thì phải đặt nó trong mối quan hệ với các sự vật và hiện tượng khác, theo đó quan điểm coi việc giữ được vị thế của nhà giáo và sự tôn nghiêm của nghề giáo - “trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta” chưa hẳn đã là ‘hợp thời’.

Khó khăn lớn nhất trong việc được sống xứng đáng như một người Thầy của các nhà giáo hiện nay là chế độ lương. Tổ tiên người Việt cũng dạy “dĩ thực vi tiên”, ăn là số một, rồi sau đó mới là ở, mặc, đi lại, rồi mới đến đạo đức, văn hóa, trí tuệ và những điều cao xa khác. Người Việt lại nói, “đói ăn vụng túng làm liều”, nên khi lương người thầy không đủ để lo những nhu cầu sống và làm việc thiết yếu nhất, khiến họ vẫn phải chật vật xoay xở vì miếng cơm manh áo, thì người ta dễ sinh tật, dễ đánh mất mình. Có nhiều ý kiến cho rằng, hầu như tất cả các tệ nạn xã hội, sự xuống cấp đạo đức, sự xói mòn phẩm chất của không ít người có lẽ là đã được thúc đẩy và tiếp sức vì chế độ lương bổng ‘không giống ai’ của chúng ta với đội ngũ công chức, viên chức nói chung, với đội ngũ giáo viên nói riêng. Nhiều người trong số họ ban đầu buộc phải nhắm mắt đưa chân vào việc dạy thêm như cần câu cơm, như một sinh kế, rồi có người không giữ được phẩm hạnh. Thu nhập không đủ sống là kẽ hở cho những toan tính ít lương thiện len vào, khiến người thầy góp phần tạo nên sự sa sút về đạo đức xã hội và làm tha hóa đạo đức chính mình. Ông giáo có cố đến mấy cũng chỉ giữ được đến một mức nào đó. 

Tất nhiên không phải ông giáo nào cũng bị cám dỗ vật chất làm cho tha hóa, hầu hết không người thầy nào muốn lo ‘nồi cơm’ gia đình mình bằng tiền dạy thêm, bằng quà biếu, bằng ăn chặn, bằng tham nhũng. Nhưng rồi số người ‘đầu hàng hoàn cảnh’ cũng đủ lớn, đủ làm cho xã hội thấy mối quan hệ giữa người học và người thầy là mối quan hệ sòng phẳng: người thầy là nhà cung cấp dịch vụ, người học là người trả tiền dịch vụ; chẳng ơn huệ, chẳng nợ nần gì nhau. 

Tâm lý xem mối quan hệ thầy - trò là quan hệ mua bán sòng phẳng theo qui luật cung cầu, qui luật giá trị là rất đáng lo ngại ở xã hội ta, bởi chính ở các nước nơi là cái ‘nôi’ của nền kinh tế thị trường cũng không có cách nhìn nhận như thế đối với giáo dục; ở đó, không tồn tại thị trường trong giáo dục mà người ta áp dụng mô hình quản trị đại học linh hoạt như (chứ không phải là) một doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đồng thời vẫn mang đậm hương vị ‘cận thị trường’ (quasi market) nhằm thích ứng với kinh tế thị trường nhưng tránh bị thương mại hóa tuyệt đối, với sự hỗ trợ, giám sát và điều tiết của xã hội và của nhà nước, nên người thầy rất được tôn trọng. Ngay cả ở Mỹ, nơi có hệ số lương trả cho nhà giáo khá thấp so với các ngành nghề khác, vị thế xã hội của nhà giáo cũng rất đàng hoàng. Điều đó chứng tỏ, thang bậc giá trị của xã hội ở các nước đó không căn cứ vào thu nhập của cá nhân.

20210522
Đại học được coi là biểu tượng tri thức của một đất nước, là niềm tự hào của một dân tộc. Trong ảnh: Bức tranh tái hiện thầy Chu Văn An dạy học trò, hiện treo tại đình Nội, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Nguồn: QNND.

Người thầy chỉ là một thành tố trong nền giáo dục 

Muốn lấy lại vị thế của người thầy, ở đó sự liêm chính của thầy và trò được thượng tôn, chỉ cần làm đúng những lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng dạy: thầy ra thầy thì tự khắc trò sẽ ra trò, trường đã ra trường, tự nhiên lớp sẽ ra lớp, tự khắc ở đó sẽ có sự tôn nghiêm của nghề giáo, sẽ có vị thế cao cả, được kính trọng và ngưỡng mộ của nhà giáo. 

Nhưng để thầy đúng là thầy thì trước hết cần thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá người thầy, người trò nói riêng, đánh giá và sử dụng, trọng dụng con người, nhất là người tài nói chung. Điều đó cũng lại phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố có mối quan hệ dây chuyền, tương quan với nhau. Trước hết là mục tiêu giáo dục: nền giáo dục ấy nhằm đào tạo ra các công dân hay các thần dân trong tương lai? Từ mục tiêu, chương trình đào tạo được thiết kế vì người học, vì con trẻ hay là vì ‘người lớn’; nếu vì con trẻ, chương trình đào tạo sẽ không còn bị áp đặt từ bên trên, từ bên ngoài nhà trường; nhờ thế, sẽ không còn các chương trình đào tạo được thiết kế quá tải về kiến thức, trong đó có nhiều thứ không thiết thực, người học không cần, không muốn học, nhưng họ buộc phải học đối phó, học để thi, để có mảnh bằng, để được yên thân; nên học thiếu thực chất, thiếu thực lực, thiếu thực học, nên cũng thiếu thực tài. Chương trình đào tạo được thiết kế vì người học sẽ không còn chỗ cho lối giáo dục nặng về điểm số, nặng về thi cử, nặng về thành tích, không quan tâm đến sự hứng thú của người học và tính thực tiễn của các kiến thức. 

Muốn làm sạch cầu thang thì phải quét dọn từ trên xuống. Nên trước hết là các lãnh đạo, nhà quản lý của ngành GD&ĐT phải thực tâm và thành tâm coi trọng người thầy, coi trọng người trò; coi người học chứ không phải những thứ khác là trung tâm đã, rồi mới nói và làm đến các việc khác. Chợt nhớ bài văn sách thi Đình đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ năm 1442 của Nguyễn Trực (1417-1474), đầu bài của vua Lê Thái Tông (1423-1442) nói về việc tìm người tài ra giúp dân và phép trị nước; Nguyễn Trực viết “Vua có nhân, không ai không có nhân; Vua có nghĩa, không ai không có nghĩa; Vua chân chính, không ai không chân chính. Trước hết, vua chân chính rồi thì cả nước sẽ bình yên”!

Nền giáo dục ấy phải thiết kế làm sao để cho quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo là chính, quá trình rèn luyện mang tính áp đặt từ bên ngoài thành quá trình tự tu dưỡng, đảm bảo sự tu dưỡng từ bên trong của mỗi một con người là chủ yếu. Nền giáo dục ấy coi trọng và đề cao trên thực tế và trong thực tiễn các giá trị nhân văn, các quyền tự do cá nhân cơ bản của con người; mỗi con người là một bản thể độc lập nhưng gắn bó máu thịt và biện chứng với cộng đồng, vui với niềm vui của đồng bào mình, buồn lo, yêu thương, căm phẫn cùng với đồng bào mình.


Việc thiết kế một nền giáo dục tiến bộ như vậy vốn không xa lạ với chúng ta, có thể đơn giản được bắt đầu từ việc coi trọng việc truyền thụ và rèn luyện tính trung thực, liêm chính, tự trọng của mỗi con người theo 5 điều Bác Hồ dạy, nhất là về các đức tính Khiêm tốn, Thật thà, Dũng cảm, các đức tính cốt lõi để làm nên phẩm hạnh và tầm vóc một con người. Làm thế nào để chúng ta có những thế hệ học trò sống không gian dối, sống ngay thẳng và cương trực (Thật thà), đủ dũng khí đấu tranh và loại trừ cái xấu, cái ác, bảo vệ cái tốt đẹp, cái thiện lương, điều tử tế, loại bỏ thói háo danh và hãnh tiến, xây dựng một xã hội thích đi vào bản chất sự việc và sự vật hơn là thích đi vào các hình thức sáo rỗng khoe mẽ bề ngoài, những ‘cờ đèn kèn trống’ xủng xoẻng vô hồn (Dũng cảm); những con người Thật thà, Dũng cảm này không công thần, không đặt mình đứng trên thiên hạ, không coi mình là ‘rốn của vũ trụ’, chỉ có từ đúng trở lên, cho mình cái quyền đi dạy bảo, giáo huấn người khác. Những công dân này là nguồn cảm hứng cho đồng nghiệp, cho đồng chí mình để cùng khởi tạo nên các giá trị mới, các nền tảng mới cho xã hội, khiêm nhường và liêm chính trong công vụ (Khiêm tốn). Khi đó, chúng ta sẽ có những công dân luôn luôn trẻ trung, năng động, có tư duy độc lập và sáng tạo, đủ dũng khí và sức mạnh để phá vỡ mọi trở ngại trên con đường dựng xây và bảo vệ Tổ quốc, họ biết khôn khéo và mềm mỏng khác xa với hèn mọn và sợ hãi, dám tự tin và kiên cường vượt qua các rào cản một cách kiêu hãnh để đi đến thành công của bản thân, của cộng đồng; họ có trái tim bao dung, ấm áp, nhân ái, nhìn nhận thế giới bằng con mắt thiện lương, hòa đồng, và một trí tuệ mang tầm thời đại. Những công dân thông tuệ và có phẩm hạnh như thế, chắc chắn sẽ cùng nhau xây dựng một đất nước hùng cường và hạnh phúc, tươi đẹp và thịnh vượng. 

Áp lực từ môi trường xã hội lên người thầy

Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, cho nên nhân cách, phẩm giá, vị thế người thầy phụ thuộc rất lớn vào tồn tại xã hội. Theo lẽ biện chứng tự nhiên, thời đại nào có nền giáo dục của thời đại ấy, nền giáo dục nào có con người của nền giáo dục ấy. Nghĩa là, xã hội thế nào thì con người và giáo dục thế ấy; bởi lẽ, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, con người là chân dung của xã hội, chân dung của thời đại. 

Nếu như xã hội đề cao đồng tiền và quyền lực, thì đồng tiền và quyền lực tất yếu sẽ có vai trò thống trị, giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội; ở đó mọi người sẽ ganh đua nhau để làm chính trị, làm quan; vì một khi đã được làm quan là gần như có đủ thứ ‘vinh thân phì gia’. Nếp nhà không tử tế, xã hội không tử tế, thì sẽ sinh ra những con người thiếu bản lĩnh, dễ bị lụy quyền thế, lụy vật chất. Những xã hội như thế không thể đề cao trên thực tế và về thực chất đối với lẽ phải và các giá trị nhân bản của nhân loại, của thời đại, của dân tộc, trong đó có vị thế người thầy. 

Bởi vậy, nếu như mọi nguồn cơn của nền giáo dục đều “trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo”, thì nền giáo dục của chúng ta đã không ở những thang bậc như hiện nay trong lòng dân, trong nhận thức xã hội. Do đó, đòi hỏi “trước hết” người thầy phải cố gắng mới lấy lại được vị thế người thầy trong một xã hội còn đang thiếu tôn trọng người thầy là đúng nhưng chưa đủ. Vậy giấc mơ “chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề, yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta tôn nghiêm thêm”, có thể trở thành hiện thực trên cuộc đời này được không? 
Chúng ta đều nhớ phong trào “hai không” rầm rộ và hồ hởi ngày nào, được khởi xướng vào một ngày hè oi nồng của năm 2006; người ‘lính tiên phong’ Đỗ Việt Khoa nay ở đâu? Có mấy ai còn nhớ đến thầy, mấy ai còn quan tâm và biết đến thân phận của thầy? Đã có mấy ai đứng ra bảo vệ “người hùng” và đồng hành cùng thầy và các nhà giáo chân chính khác trên con đường gian khó để cùng bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự trong sáng và nghiêm cẩn của nghề giáo, vị thế cao cả của nhà giáo? Thì ra, vẫn còn có những thứ mạnh hơn nhiều thân phận, đức độ, phẩm cách một người Thầy, với chữ Thầy được viết hoa. 


***
Để giành lại vị thế người thầy, trước hết Nhà giáo phải có ý thức tự tôn, phải biết tự trang bị cho mình bản lĩnh, độ dày tầng văn hóa để có thể ngẩng cao đầu trong xã hội còn có những điều nhiễu nhương, ngang trái; tất nhiên là như thế! Nhưng quan trọng và mang tính quyết định hơn là xây dựng được một xã hội, một môi trường giáo dục, ở đó những điều cao đẹp và các giá trị nhân bản được tôn trọng, đề cao và vinh danh, được sinh sôi và nảy nở; những điều xấu xa, bị lên án, bị triệt tiêu. 

Sự sa sút về phẩm hạnh người Thầy sẽ kéo theo một hệ quả lớn, là nó có thể làm sụp đổ toàn bộ quá trình giảng dạy đạo đức hay nhân cách cho học sinh, khi chính những người thầy ở vị trí có tính biểu tượng truyền thống về đạo đức và đang giảng dạy về đạo đức lại làm những việc trái với những điều họ răn dạy về đạo đức, về luôn thường đạo lý cho học trò. Một đất nước, một thời đại mà vị thế của nhà giáo bị ‘mất giá’, lề bậc “quân sư phụ” từng là chân lý một thời, bị sụp đổ, thì khó có thể sản sinh ra được những nhà trí thức, nhà cải cách, nhà văn hóa lớn như Newton, Lomonoxov, Betthoven, van Gogh, Watson & Crick, Adam Smith, Meiji-tennō hay Fukuzawa Yukichi.

 

Những ngày gần đây, trên các diễn đàn, các mạng xã hội, dư luận xã hội đang bàn nhiều về bức tâm thư của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi các nhà giáo toàn quốc. Bức thư đã thể hiện những mong muốn và khát vọng của ông, những lời tâm huyết rất đáng trân quý với nghề giáo, với nhà giáo, với ngành của ông. Chắc chắn là toàn xã hội, các bậc phụ huynh và hàng triệu học sinh, sinh viên vẫn đang trông chờ vào các quyết sách mới, trong đó có các quyết sách mang tính đột phá, mang tính mở đường dẫn lối, để giáo dục Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới. Ai cũng tin và mong ông luôn chân cứng đá mềm để biến khó khăn thành cơ hội, biến thách thức thành thời cơ trên cương vị cao cả của mình, vì tương lai của nền giáo dục Việt Nam.□

Trần Đức Viên

Nguồn: Tia sáng, ngày 12.5.2021.


------
*Bài viết của tác giả nhân đọc bức thư của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi nhà giáo trên toàn quốc.

Ngay thời điểm bùng phát đại dịch ở Việt Nam, trẻ em đã học online tại nhà. Những tưởng sự tách biệt khỏi “thế giới bên ngoài” đó sẽ giúp các em vượt khỏi “phạm vi ảnh hưởng” của COVID-19, nhưng đại dịch này vẫn phủ bóng đen lên việc học tập của các em. Điều đó thể hiện ở nỗi sợ và sự lo lắng của học sinh về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 - yếu tố dẫn đến sự suy kiệt trong học tập của họ.

20220129

Ảnh: https://www.wvi.org/

UNICEF cho rằng COVID-19 là khủng hoảng lớn nhất đối với trẻ em trên toàn cầu trong lịch sử 75 năm của tổ chức này. Trong đó, đại dịch đã làm trầm trọng thêm sức khỏe tâm thần của trẻ em. Một báo cáo về sức khỏe tâm thần của trẻ em thế giới của UNICEF cho thấy, năm nay, cứ bảy em ở lứa tuổi 10-19 thì có một em được chẩn đoán là bị rối loạn tâm lý. Tổ chức này nói rằng, họ chưa biết tác động thực sự của COVID-19 lên sức khỏe tâm thần của trẻ em trong nhiều năm tới sẽ như thế nào. 
Trẻ em Việt Nam cũng được phát hiện là chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch này. Một nghiên cứu của chúng tôi được công bố vào đầu năm nay cho thấy, nỗi sợ về COVID-19 (COVID-19 anxiety) có liên quan chặt chẽ đến sự suy kiệt học tập của các em. 

Càng lo, càng chán học

Khái niệm sự suy kiệt (burnout) ban đầu được nghiên cứu trong bối cảnh liên quan đến hoạt động lao động sản xuất. Đây là một hội chứng tâm lý có thể phát sinh như là một sự phản ứng của cơ thể với các tác nhân gây căng thẳng mãn tính của cá nhân với công việc. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc học tập của học sinh cũng được coi như là một dạng lao động, nhưng hoạt động lao động này được thực hiện trong bối cảnh học đường. Học sinh với tư cách là “người lao động” cũng có thể bị suy kiệt trong quá trình “lao động” đó. 

Cụ thể là, sự suy kiệt học tập của học sinh được xem là có những đặc trưng riêng gắn với bối cảnh học đường. Một số dạng suy kiệt có thể kể đến như (1) sự kiệt sức hay sự mệt mỏi cực độ cả về thể chất và tâm lý trong học tập (Exhaustion), (2) sự suy giảm một cách đáng kể động lực học tập, ví dụ hoài nghi về hiệu quả của việc học tập và muốn tránh xa việc học tập (Cynism), (3) sự mất tự tin vào hiệu quả học tập (Reduced Efficacy). 

Các dấu hiệu cụ thể của mệt mỏi, kiệt sức trong học tập có thể kể đến như sự trải nghiệm về (1) các triệu chứng suy sụp thể chất nói chung như như ngủ kém, chán ăn, mất tập trung, đau đầu, gặp các vấn đề về tiêu hóa, các rối loạn tâm thần v.v…; (2) các triệu chứng suy sụp tinh thần, cảm xúc như thấy quá tải với việc học tập, thấy việc học tập như là một gánh nặng, thờ ơ với việc học tập, hay quên, sầu muộn, không có động lực về bất cứ thứ gì mà vốn trước đây học sinh đã từng hứng thú, luôn cảm thấy buồn chán, không có khả năng tập trung vào việc học tập ở trường cũng như ở nhà v.v…; (3) các rối loạn nhân cách hóa (depersonalization) như thờ ơ với bạn bè, mâu thuẫn trong nội tâm, giao tiếp kém với bạn bè và người xung quanh v.v…

Nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện trên 652 học sinh với tỉ lệ số học sinh nam và nữ khá tương đương nhau, ở độ tuổi từ 10 – 16. Để đánh giá mối quan hệ giữa nỗi lo bị nhiễm COVID-19 và sự suy kiệt trong học tập của các em, chúng tôi sử dụng hai mô hình riêng biệt để đo lường sự tương quan giữa nỗi lo về COVID-19 cũng như một số yếu tố cá nhân khác, bao gồm sự trầm cảm, giới tính, lớp học với hai dạng suy kiệt học tập. Dạng suy kiệt thứ nhất là sự kiệt sức học tập (Exhausion) và dạng còn lại là sự suy giảm động lực học tập (Cynism). 

Ở mô hình một, chúng tôi không thấy sự tương quan giữa sự lo lắng về COVID-19 với sự kiệt sức trong học tập. Tuy nhiên, giới tính, mức độ trầm cảm và lớp học có sự liên hệ với sự kiệt sức trong học tập. Cụ thể là, mức độ trầm cảm càng lớn, là nam, và lớp học càng cao thì càng dễ có khả năng bị kiệt sức. Điều này cũng tương đồng với các nghiên cứu về cùng chủ đề được thực hiện ở học sinh tại nhiều nước trên thế giới. 

Mô hình hai cho kết quả tương đối khác biệt với mô hình một. Trong đó, nỗi lo về COVID-19 có mối tương quan chặt chẽ tới sự mất động lực học tập. Sự tương quan này thậm chí mạnh hơn nhiều so với các yếu tố cá nhân khác, bao gồm cả sự trầm cảm ở học sinh. Điều đó có nghĩa là, học sinh càng lo lắng về việc bị nhiễm COVID-19 thì các em càng cảm thấy ít hứng thú với việc học hành và nghi ngờ ý nghĩa của hoạt động đó. Nói cách khác, nỗi lo COVID-19 là một yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiến bộ trong học tập của học sinh. 

Giọt nước tràn ly

Tuy nhiên, không phải đến khi đại dịch COVID-19 xảy ra, trẻ em mới phải chịu đựng những yếu tố dẫn đến suy kiệt học tập. Có những tổn thương tâm lý đã tồn tại trong một thời gian dài từ trước đến nay và phổ biến hơn chúng ta tưởng. Chẳng hạn như về yếu tố trầm cảm, trong một nghiên cứu trên hơn 1.000 học sinh ở Cần Thơ vào năm 2013, người ta đã thấy rằng có tới hơn 40% em có những triệu chứng của hiện tượng rối loạn tâm lý này. Hơn nữa, ngoài yếu tố cá nhân như đã đề cập trong nghiên cứu của chúng tôi, nhiều yếu tố về gia đình và nhà trường đã được chứng minh trên học sinh ở nhiều nơi trên thế giới là cũng góp phần làm suy kiệt học tập ở trẻ em. Chẳng hạn như sự hà khắc hay sự thờ ơ của bố mẹ với việc học tập của con cái, mối quan hệ không tốt giữa bố mẹ và con cái, lịch học ngoại khóa dày đặc, áp lực thi cử, áp lực học trường năng khiếu, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ đối với kết quả học tập của con cái… 

Đại dịch COVID-19 còn là một “điều kiện” để khuếch đại và tô đậm những yếu tố đó. Trẻ em phần lớn bị “nhốt” trong nhà, biệt lập với các không gian vận động, không được chơi đùa – một niềm vui thời thơ ấu của các em. Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy giãn cách xã hội làm gia tăng thêm tình trạng trầm cảm ở học sinh. Hay tình trạng bạo lực gia đình gia tăng khi các thành viên “giáp mặt nhau” hằng ngày, hàng giờ trong bốn bức tường và bố mẹ bị giảm thu nhập hoặc mất việc. 
Nỗi lo COVID-19 là yếu tố mới xuất hiện, “cộng dồn” với các yếu tố khác, như giọt nước làm tràn ly. Những em nào vốn đã phải vật lộn với những khó khăn về tâm lý trước đại dịch sẽ càng gặp khủng hoảng, càng dễ suy kiệt học tập trong thời kì này. Gần đây, một học sinh được báo cáo là đã nhảy lầu tự tử từ một toà nhà cao tầng ở Hà Nội vì “bài thi bị điểm kém”. Hành động đau lòng này có lẽ là một cách thức giải thoát của em đó trong khỏi sự lo lắng về kết quả học tập của mình. 

Lối thoát nào cho sự suy kiệt học tập trong thời kỳ đại dịch?

Đại dịch COVID-19 có thể vẫn còn kéo dài. Sự suy kiệt học tập ở học sinh sẽ làm tăng nguy cơ học hành sa sút và tệ hơn nữa là bỏ học, gây ra những hậu quả tiêu cực cho tương lai của các em. Ngoài sự nỗ lực tự chăm sóc bản thân từ phía cá nhân học sinh, gia đình trong thời kì này càng phải cẩn trọng quan tâm đến tâm lý các em, lắng nghe và giúp đỡ kịp thời các em trước những khó khăn trong học tập, đảm bảo cho các em một chế độ dinh dưỡng và thời gian biểu hợp lí. 

Sẽ hữu ích khi nhà trường chú trọng việc nâng cao hiểu biết về cơ chế lây nhiễm của COVID-19 cũng như rèn luyện kĩ năng kiểm soát, quản lý căng thẳng của học sinh để hạn chế nỗi lo về COVID-19 của các em. Tuy nhiên quan trọng hơn, đây chính là thời điểm mà nhà nước cần tăng cường hơn sự đầu tư vào hoạt động tư vấn tâm lý ở các trường phổ thông, thông qua sự bồi dưỡng liên tục để phát triển mạnh mẽ hơn kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ hỗ trợ hoạt động học tập của học sinh. Điều đó giúp cho các chuyên viên tâm lý, cố vấn học tập (người lắng nghe và đưa ra hỗ trợ mỗi khi học sinh gặp khúc mắc trong quá trình học tập) thực hiện hiệu quả hơn việc phát hiện sớm, ngăn ngừa và thiết kế can thiệp, phối hợp với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch lên tình trạng suy kiệt học tập ở học sinh ở cả hiện tại và trong tương lai.□

Vũ Bá Tuấn

* Khoa Tâm lý Giáo dục, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Việt Nam) và Phòng thí nghiệm Learn2trust, KU Leuven (Vương quốc Bỉ).

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 11.01.2022.

20210515

Người bạn cũng là thầy giáo khoe, trường anh mới áp dụng nhiều công nghệ. Tôi nhắc anh tránh lẫn lộn việc dùng công nghệ với việc dạy những thứ học sinh cần.

"Trường anh dùng công nghệ để cải cách việc dạy hay chỉ dùng máy tính thay thế cho bảng và giấy, bút?", tôi viết lại cho anh ấy. Thầy giáo lại viết cho tôi: "Tại sao ta phải thay đổi cách dạy khi học sinh thấy vẫn tốt?". Tôi đáp rằng, là thầy giáo, bạn phải lựa chọn cách bạn dạy, phương pháp nào bạn dùng và cái gì tốt nhất cho học sinh.

Dù học sinh biết cách dùng laptop, lên các khóa học online đều đặn, nhưng nếu tư duy họ không thay đổi, họ sẽ không có khả năng cạnh tranh trong thế giới này. Công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ giáo dục, không thể thay thế cho bản chất việc dạy và học.

Sinh viên năm thứ nhất thường phàn nàn rằng tôi cho quá nhiều bài đọc. Tôi từ lâu dùng phương pháp học chủ động trong môn của mình. Điều đó có nghĩa học sinh phải đọc nhiều tài liệu, sách trước khi vào môn học hay mỗi buổi đến trường. Để chắc họ đã đọc những thứ tôi giao, tôi kiểm tra bằng câu hỏi ngắn trước mỗi bài giảng.

Các sinh viên lại phàn nàn rằng đọc không phải việc học, tôi hỏi, "các em học thế nào?" - "bằng việc nghe các bài giảng", nhiều người nói. Tôi cho một bài giảng ngắn, hỏi họ các câu hỏi. Phần lớn không thể trả lời được vào cốt lõi vấn đề, họ hoang mang và bối rối.

Chỉ thế, tôi mới giải thích về khái niệm học. Nếu chỉ nghe, các em sẽ quên 80% tài liệu trong vài giờ đầu. Nếu đọc và nghe, các em sẽ quên 60%. Nhưng nếu đọc, nghe và thảo luận, trả lời câu hỏi của người khác và giải thích lại cho bạn khác về chủ đề đó, các em chỉ quên 20% tài liệu.

Tại sao? Điều các em nghe từ bài giảng của thầy là tri thức của thầy, không phải của trò. Điều các em đọc và nghe chỉ là thông tin mang máng trong đầu vì nó chưa được tổ chức lại. Chỉ khi em nghĩ về nó, tổ chức nó để bàn luận, giải thích và đưa ra quan điểm của riêng mình, nó được tiêu hóa và trở thành tri thức của chính em. Và học sinh sẽ không bao giờ quên cái đã là của mình.

Chỉ khi học trò được đưa ra khỏi môi trường đọc bài giảng truyền thống - nơi thầy cô chỉ "truyền thụ tri thức" sang môi trường học chủ động - nơi học sinh "phát triển tri thức riêng", đó là cách "việc học thật" xảy ra.

Tôi bao giờ cũng khuyến khích học sinh chia các nhóm học tập nhỏ trong một lớp, không quá năm người.

Từng thành viên phải đọc tài liệu trước khi nhóm học chung. Các nhóm phải đặt lịch học và bám theo. Mỗi buổi học nhóm lâu hơn một giờ sẽ kém hiệu quả và thường dễ bị sao lãng bởi tán gẫu.

Từng nhóm phải có chương trình cho cuộc gặp, quyết định cái gì sẽ được học ở phiên gặp và các thành viên buộc phải chuẩn bị. Bất kỳ thành viên nào không chuẩn bị bài và không tham gia sẽ bị yêu cầu rời khỏi nhóm.

Các thành viên phải có khả năng hỏi lẫn nhau các câu hỏi và giải thích mọi thứ cho nhau. Chỉ học với bạn bè thì học sinh mới có thể chia sẻ tài liệu và trao đổi thông tin. Đó là cách để có được việc học sâu.

Cải cách giáo dục nghĩa là khuyến khích học sinh chịu trách nhiệm nhiều hơn với việc học của họ.

Ngày nay, học sinh rất dễ bị sao lãng. Họ không thể ngồi yên trong lớp nghe bài giảng dài, lại càng không thể tập trung học online trước màn hình mà không kiểm tin nhắn, e-mails và các phương tiện xã hội khác. Nếu chúng ta muốn khuyến khích họ học, cần giữ cho họ bận rộn tích cực, khiến họ chủ động nỗ lực thay vì ép buộc họ ngồi và nghe cái gì đó mà họ không quan tâm.

Việc nghe và đọc bài giảng truyền thống không cho phép học sinh phát triển thành người có tư duy phê phán. Chỉ việc học chủ động khuyến khích tư duy độc lập và phát triển "tâm thế tăng trưởng." Chẳng hạn trong toán học, có nhiều cách giải một bài toán và bao giờ cũng có phương án khác cho một lời giải. Không có khả năng nghĩ rộng, học sinh không thể đi xa hơn trong tư duy.

Đó là lý do laptop và học online không thể biến chất lượng dạy của các trường tốt hơn nếu nhà trường không có ý định thay đổi dù họ đang háo hức dùng công nghệ để dạy nhiều học sinh hơn. Cách dạy vẫn như cũ, thời gian "lên lớp" có thể không hiệu quả hơn mà còn kém đi bởi kết nối online rất lỏng lẻo.

Học sinh hôm nay thiếu "cách học" chứ không thiếu "điều để học". Điều được dạy hôm nay có thể lỗi thời ngày mai, nhưng cách tiếp cận và hấp thu tri thức tốt có tác dụng trong hàng trăm năm tới.

Đây là cách tôi đã dùng rất thành công trong nhiều năm ở Carnegie Mellon, Mỹ và ở các đại học hàng đầu khác. Phần lớn sinh viên đều nói với tôi rằng lúc ban đầu, họ không thích nó vì họ đã quen thụ động. Nhưng qua thời gian, họ đều học tốt và hành tốt.

Học nhóm là cách tốt nhất để học tập, nó cũng áp dụng dễ dàng với học online trong mùa dịch. Học sinh của tôi thường nói rằng việc học cùng nhóm vài người bạn tốt hơn học một mình rất nhiều. Học nhóm rất phổ biến tại hầu hết trường ở Mỹ nhưng lại không được khuyến khích ở các trường châu Á.

Điều đáng nói, sự thay đổi này đòi hỏi cả thầy cô giáo và học sinh phải làm việc nhiều hơn gấp nhiều lần cách cũ. Nhưng đó là cách duy nhất để cải tiến hệ thống giáo dục.

Chất lượng giáo dục được cải tổ nhanh nhất nếu mọi thầy cô được đào tạo lại theo phương pháp dạy mới này. Học sinh vì thế, cũng sẵn lòng điều chỉnh lại cách học. Bạn không thể cải tiến được giáo dục bằng việc bổ sung thêm các môn học, thay đổi tài liệu, sách giáo khoa liên tục nhưng vẫn giữ phương pháp dạy như cũ.

Để dạy học một cách khoa học, người làm giáo dục cần cách tiếp cận mới, viễn kiến mới và cách thức mới để động viên học trò. Đó là quá trình tiến hoá cho cả thầy và trò. Bối cảnh dịch bệnh hôm nay chính là cơ hội để cải tổ tư duy dạy và học.

John Vũ

(Nhà khoa học Máy tính)

Nguồn: VnExpress, ngày 07.5.2021.

20211226 2

Ngày 20.12.2021, kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã được chính thức triển khai thực hiện. Trước đó, ngày 7.12, Giám đốc ĐH Quốc gia TP. HCM đã kí quyết định số 1554/QĐ-ĐHQG, phê duyệt kế hoạch chiến lược này.

Chiến lược hoạt động trong giai đoạn 2021 - 2025 của Trường ĐHKHXH&NV được xây dựng trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang dần chuyển đổi theo hướng đổi mới, sáng tạo, tiên tiến để phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, từ năm 2022, Nhà trường bước sang giai đoạn tự chủ đại học với nhiều thách thức đan xen cơ hội mới. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch hoạt động theo hướng đổi mới, mang đặc điểm của một đại học tự chủ là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Qua quá trình phân tích, đánh giá các yếu tố về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, Trường ĐHKHXH&NV đề ra kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 nhằm xây dựng nhà trường thành trường đại học tự chủ, có hệ thống quản trị hiện đại, chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế. Ngoài ra, chiến lược này cũng sẽ góp phần tối ưu hóa nguồn lực hiện có của nhà trường để thực hiện kế hoạch tự chủ đại học từ năm 2022.

Chiến lược xác định tầm nhìn nhà Nhà trường là: "Xây dựng Trường ĐH KHXH&NV thành trường đại học nghiên cứu trong hệ thống ĐHQG-HCM, nằm trong tốp đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của châu Á". Sứ mạng được xác định là: "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; có đóng góp thiết thực cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước và các địa phương, trọng tâm là khu vực phía Nam. 

"Sáng tạo - Dẫn dắt - Trách nhiệm" là Giá trị cốt lõi và "Giáo dục toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa" là Triết lý giáo dục. 

Kế hoạch chiến lược này xác định mục tiêu chiến lược của Nhà trường là "Xây dựng Trường ĐH KHXH&NV trở thành trường đại học tự chủ, có hệ thống quản trị hiện đại, chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế.Tối ưu hóa nguồn lực hiện có của Nhà trường để thực hiện kế hoạch tự chủ đại học từ năm 2022".

Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 của Trường ĐHKHXH&NV gồm 6 chiến lược chính: Chiến lược quản trị đại học; Chiến lược về nguồn nhân lực; Chiến lược cơ sở vật chất, tài chính; Chiến lược về đào tạo và đảm bảo chất lượng; Chiến lược phát triển khoa học & công nghệ, phục vụ cộng đồng; Chiến lược về công tác người học và văn hóa đại học. Mỗi chiến lược hướng đến thực hiện các mục tiêu nhất định. Cụ thể:

Chiến lược quản trị đại học được thực hiện nhằm xây dựng Trường ĐH KHXH&NV thành cơ sở giáo dục đại học tự chủ có hệ thống quản trị hiện đại, hội nhập quốc tế. Hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển của nhà trường. Chiến lược gồm 4 mục tiêu và 16 giải pháp.

Chiến lược về nguồn nhân lực hướng đến phát triển đội ngũ viên chức & người lao động đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng phù hợp với cơ chế tự chủ của trường theo định hướng đại học nghiên cứu có tính liên ngành. Chiến lược gồm 3 mục tiêu và 10 giải pháp.

Chiến lược cơ sở vật chất, tài chính được thực hiện nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng theo mô hình các trường đại học tiên tiến trong khu vực. Chiến lược gồm 2 mục tiêu và 6 giải pháp.

Chiến lược về đào tạo và đảm bảo chất lượng hướng đến phát triển chương trình đào tạo liên ngành đáp ứng triết lý giáo dục và giá trị cốt lõi của nhà trường theo hướng hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng chuyển đổi số để thích ứng với bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, củng cố và gia tăng các hoạt động kiểm định theo các chuẩn kiểm định trong và ngoài nước, xây dựng thành công văn hóa chất lượng trong nhà trường. Chiến lược gồm 6 mục tiêu và 21 giải pháp.

Chiến lược phát triển khoa học & công nghệ, phục vụ cộng đồng được thực hiện nhằm xây dựng đơn vị trở thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu về KHXH&NV trong cả nước, tiến tới trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu uy tín và chất lượng của khu vực châu Á; Nâng cao chất lượng nghiên cứu KH&CN và năng lực công bố khoa học, đóng góp thiết thực cho chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước và các địa phương. Chiến lược gồm 5 mục tiêu và 30 giải pháp.

Chiến lược về công tác người học và văn hóa đại học hướng đến xây dựng văn hóa người nhân văn, chia sẻ các giá trị và lan tỏa lối sống nhân văn trong nhà trường và cộng đồng xã hội; Xây dựng môi trường học tập và sinh hoạt đạt chuẩn quốc tế cho sinh viên; Định vị thương hiệu sinh viên nhân văn có đủ năng lực và kỹ năng đáp ứng nhu cầu xã hội, có trách nhiệm phục vụ cộng đồng. Chiến lược gồm 5 mục tiêu và 16 giải pháp.

Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng nhằm định hướng hoạt động của nhà trường theo hướng hiện đại, hội nhập. Đây là sự chuẩn bị cần thiết cho kế hoạch tự chủ của đơn vị vào năm 2022.

Nguyên An

Nguồn: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM  

Đại dịch Covid buộc nhiều quốc gia phải đóng cửa trường học và kỳ vọng vào giải pháp thay thế là học trực tuyến. Nhưng thực tế cho thấy những bất bình đẳng giáo dục đã có từ trước vẫn tiếp tục được bộc lộ, thậm chí bị khoét sâu hơn. Và theo Ngân hàng Thế giới, đại dịch Covid đã tạo ra cuộc khủng hoảng với giáo dục tồi tệ nhất trong thế kỷ này. 

20210322 3

 Ảnh: Freepik.

Suốt một năm qua, đại dịch Covid-19 không chỉ đe dọa mạng sống con người mà còn kéo theo những vấn đề trầm trọng cho hoạt động giáo dục trên toàn thế giới. Từ đầu năm 2020 đến nay, có tới 130 quốc gia buộc phải đóng cửa trường học và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Nhiều trường học đóng rồi lại mở, rồi lại đóng khi diễn biến dịch ngày càng trở nên phức tạp. Khoảng 990 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới bị ảnh hưởng. Số lượng quốc gia còn mở cửa trường học hoàn toàn chỉ đếm trên đầu ngón tay như Pháp, Thụy Sĩ, Belarus, Hungary, Việt Nam. Vậy là, vào thế kỷ thứ 21, kỷ nguyên được coi là thời đại của công nghệ và đổi mới sáng tạo, quyền được học - thứ quyền được coi là cơ bản của con người, trở nên xa vời hơn vì một đại dịch mà con người không chút phòng bị và không kịp trở tay. Số liệu này vẫn thay đổi từng ngày và chúng ta không biết điều gì đang đợi phía trước.

Để duy trì việc học tập, các quốc gia đã nỗ lực cung cấp các giải pháp trực tuyến, hoặc các kênh truyền thông khác như tivi, radio. Viễn cảnh kỳ vọng là dù ở nhà, học sinh sinh viên vẫn ngày ngày “lên lớp” gặp giáo viên. Hoạt động dạy và học được duy trì đều đặn và hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế không bao giờ “như là mơ”. 

Rào cản thiết bị và công nghệ 

Tiếp cận giáo dục trực tuyến ở các gia đình, các nhóm xã hội rất khác nhau. Những nhóm thiếu thốn về thiết bị, kết nối mạng, hiểu biết về công nghệ, người hỗ trợ, môi trường thuận tiện tiếp cận giáo dục trực tuyến vô cùng khó khăn. 

Theo Financial Times, trong thời gian phong tỏa tại Anh, số lượng học sinh của các trường tư thục học trực tuyến cao gấp hai lần học sinh trường công. Hằng ngày, con cái trong gia đình khá giả dành thời gian học trên mạng nhiều hơn học sinh nghèo 30%. Ngay cả trong khu vực nhà nước, học sinh các gia đình khá giả, có môi trường học tập tốt hơn, có nhiều khả năng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các trường học hơn. Kể từ tháng 7/2020, học sinh từ các vùng và các hộ nghèo hơn có xu hướng nghỉ học nhiều hơn. Cơ quan giám sát Ofcom ước tính khoảng hơn 1,1 triệu trẻ em ở Anh (chiếm 9% tổng số học sinh) không thể có máy tính xách tay, máy tính để bàn hoặc máy tính bảng, và hơn 880.000 trẻ trong số đó sống trong gia đình chỉ có duy nhất một kết nối Internet từ điện thoại di động.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Sinh viên Hoa Kỳ, ở khắp các trường đại học dù là công hay tư, tỷ lệ nhập học đại học mùa thu năm 2020 của học sinh trung học thuộc khu vực thu nhập thấp đã giảm 29%, gần gấp đôi so với học sinh đến từ các trường trung học thuộc khu vực có thu nhập cao hơn. 

Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng, trong thời kỳ bình thường, sau kỳ nghỉ hè, năng lực học tập của một học sinh thuộc gia đình có điều kiện kém sẽ bị thụt lùi một tháng, trong khi các học sinh đến từ gia đình có điều kiện tốt hơn không gặp tình trạng này. Thậm chí, trong kỳ nghỉ hè các em vẫn học được thêm kiến thức mới, nhờ sự hỗ trợ của gia đình. Vì vậy, các nhà giáo dục lo ngại rằng việc gián đoạn quá trình học tập trong thời kỳ đại dịch sẽ để lại những hậu quả lâu dài về sau. Những học sinh bỏ lỡ các mốc quan trọng về giáo dục có thể sẽ nản lòng không quay trở lại trường học nữa hoặc không bao giờ theo kịp các bạn đồng trang lứa. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của họ trong tương lai. 

Ngoài những lý do tương tự ở quốc gia phát triển, tại những nước đang phát triển, sự bất bình đẳng còn xuất phát từ trình độ sử dụng công nghệ của giáo viên. Khảo sát gần đây ở Trung Quốc cho thấy, vì giáo viên nông thôn không quen sử dụng các nền tảng công nghệ nên những lớp học trực tuyến tại các vùng nông thôn đều do giáo viên ở thành phố thực hiện. Học sinh không quen với giáo viên và cách học mới, trong khi giáo viên trực tuyến không hiểu rõ học sinh địa phương và dạy với tốc độ nhanh hơn khả năng tiếp thu của các em. Mặc dù nhà nước nỗ lực hạn chế việc gián đoạn hoạt động dạy và học trong đại dịch, nhưng chất lượng giáo dục lại không đảm bảo, thậm chí còn khiến chất lượng giáo dục tại các vùng nông thôn đi xuống. Hầu hết các gia đình ở nông thôn đều than phiền về hình thức học tập trực tuyến. Họ nhận thấy với hình thức học tập này, giáo viên ít tương tác với học sinh, chất lượng truy cập không tốt, không có người giám sát hay hỗ trợ việc học tập. Điều này càng đào sâu khoảng cách giáo dục giữa các vùng nông thôn và thành thị. Tương tự, khảo sát sơ bộ của Bộ Giáo dục Malaysia vào tháng 03 - 04/ 2020 cho thấy 37% trẻ em không có bất kỳ thiết bị điện tử nào và chỉ có 15% sinh viên có máy tính cá nhân. 

Đối với những gia đình có điều kiện, chẳng hạn cha mẹ đều là trí thức cao, sẽ không gặp bất cứ vấn đề trở ngại nào khi con cái họ cần học trực tuyến: máy tính luôn sẵn sàng, kết nối Internet ổn định, cha mẹ đủ trình độ để hỗ trợ. Nhưng dù ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia phát triển nào khác, vẫn sẽ diễn ra cảnh anh chị em trong nhà đang chia nhau một chiếc máy tính xách tay hoặc máy tính bảng để học bài, kết nối chập chờn lúc được lúc không. Thậm chí nhiều gia đình còn chẳng có bất cứ công cụ nào để truy cập Internet. Anh/chị học trên máy tính thì em sẽ nghe giảng trên tivi, hoặc trong lúc đứa này học thì đứa kia chơi. Ngoài ra, khi không học, đứa lớn nhất trong gia đình sẽ phải chăm em, phải nấu nướng và làm việc nhà. Cha mẹ chúng hoàn toàn vắng mặt vì còn phải đi làm, lăn lộn kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống. Hoặc nếu như bắt buộc phải nghỉ việc, chẳng bao lâu sau sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng và bạo lực gia đình có thể xảy ra. Không có gì đảm bảo những đứa trẻ trong hoàn cảnh này có thể duy trì việc học tập.


Vừa qua, Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng đã quyết định cho học sinh lớp 1,2 nghỉ học trực tuyến vì nhận thấy học sinh nhỏ tuổi học trực tuyến chưa hiệu quả. Ảnh: Cổng thông tin Tp Hải Phòng. 

Ngân hàng Thế giới nhận định rằng những mất mát trong giáo dục do Covid gây ra sẽ ngày càng làm tăng sự bất bình đẳng và để lại những hậu quả dài lâu cho cả cá nhân và xã hội. Đặc biệt, với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khả năng họ cho con quay lại trường học sau đại dịch là vô cùng thấp. UNESCO ước tính rằng sẽ có khoảng 24 triệu trẻ em bỏ học, và nếu như các quốc gia không coi giáo dục như một trong những trụ cột cần phục hồi sau đại dịch thì sẽ càng đào sâu tình trạng bất bình đẳng, nạn nghèo đói và sự chia cắt trong xã hội. 

 

Điều kiện gia đình

Theo số liệu của Europa, trong 21 quốc gia châu Âu, có đến 25% trẻ nhỏ ở các nước châu Âu không có không gian yên tĩnh để học bài; còn OECD thống kê tình trạng này ở các nước đang phát triển là 30%, phần lớn rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngay cả ở quốc gia có điểm số PISA cao như Hàn Quốc, cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ không có một nơi yên tĩnh để ngồi học bài. 

Bên cạnh đó, để học trực tuyến, trẻ cần tới sự hỗ trợ của cha mẹ. Nhưng các nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng các cha mẹ có điều kiện kinh tế xã hội cao hơn có xu hướng tham gia nhiều hơn và ảnh hưởng tích cực hơn tới việc học tập của con. Tại Hà Lan, cuộc khảo sát do Đại học Amsterdam thực hiện trong tháng 04/2020 với hơn 1000 bậc phụ huynh cho thấy 70% phụ huynh có bằng đại học cảm thấy họ có thể giúp con học tại nhà, trong khi chỉ 40% phụ huynh có bằng tốt nghiệp phổ thông tự tin với khả năng này. Kể cả khi trường học mở cửa trở lại, thì những khoảng cách giáo dục do những bất bình đẳng về hoàn cảnh gia đình mang lại cũng khó có thể rút ngắn. 

 

Sức khỏe tinh thần và an toàn thể chất

Ngoài việc tiếp cận tri thức khó khăn hơn khi trường học đóng cửa, học sinh sinh viên khắp toàn cầu còn mất đi cơ hội để rèn luyện những kỹ năng xã hội và cảm xúc, những kỹ năng cần thiết để thích nghi và vươn lên trong thời đại mới mà môi trường gia đình không thể cung cấp đủ. Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu còn lo lắng về những vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất mà các em học sinh có thể gặp phải trong thời gian học tại nhà. 

Tôi còn nhớ, khi các trường học ở Việt Nam bắt đầu chuyển sang học trực tuyến vào hồi đầu năm ngoái, trên mạng xã hội “sốt” những bức hình rất hài hước về việc cha mẹ giúp con học. Ông giấu hai cánh tay đằng sau lưng nhưng thực chất, một bàn tay của ông đang cầm một chiếc dép. Ảnh khác thì bà mẹ đang chúi đầu vào tủ lạnh, còn ông bố khác lại phải tự trói hai tay mình. 

Những bức hình này liệu có phản ánh một thực chất là, ở nhà lâu với con rất dễ khiến các bậc phụ huynh nổi nóng và “vung tay”?

Trên thực tế, các nhà xã hội học đã đánh giá rằng đại dịch Covid ‑ 19 khiến cho nguy cơ trẻ em bị ngược đãi, bạo lực tại gia đình và chế độ dinh dưỡng kém trầm trọng hơn rất nhiều. Đại dịch Covid-19 khiến không khí nhiều gia đình giống như một chiếc “nồi áp suất” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào do nhiều yếu tố ảnh hưởng: hao hụt về tài chính, lo ngại về sức khỏe, quá tải công việc, thói quen thường ngày bị thay đổi, hay việc chỉ nhìn thấy nhau 24/24 cũng khiến người ta căng thẳng và nổi nóng. 


Sự căng thẳng và bất ổn do đại dịch Covid-19 mang lại đã gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe tâm thần của các học sinh sinh viên. Các biện pháp phong tỏa, cách ly, giãn cách trong xã hội, học tại nhà khiến các em bắt đầu cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, cô đơn, chán nản... Cuối năm 2020, Unicef thực hiện một cuộc khảo sát với 17,000 phụ huynh và 8,000 trẻ em trên 46 quốc gia. 83% trẻ em và 89% phụ huynh trả lời rằng cảm giác tiêu cực của họ ngày càng nhiều hơn. 

Chỉ một thời gian ngắn sau khi phong tỏa, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng bảo vệ trẻ em ở Pháp tăng 20%. Hằng năm có khoảng 50,000 trẻ em và trẻ vị thành niên Pháp là nạn nhân của nạn bạo hành thể chất, tinh thần và tình dục và tình trạng này tăng lên trong đại dịch không nằm ngoài dự đoán. Các chuyên gia OECD còn ghi nhận rằng trung bình hằng năm 14-28% trẻ em phải chứng kiến cảnh bạo hành gia đình và tỷ lệ này sẽ còn tăng lên trong đại dịch.

Nghỉ học ở nhà dài ngày cũng khiến các em thuộc hộ gia đình có thu nhập thấp rơi vào tình trạng ăn uống thiếu chất hoặc bị đói. Cứ 1 trong 10 trẻ em ở các quốc gia phát triển trong nhóm OECD không được ăn trái cây và rau tươi và/hoặc bữa ăn bao gồm thịt, gà, cá hoặc đồ ăn chay ít nhất một lần một ngày. Tình trạng này có thể còn tồi tệ hơn ở các nước đang phát triển. Chưa kể trẻ em ở những nước nghèo còn gặp phải những vấn đề trầm trọng hơn. Bé gái ở các nước đang phát triển phải đối mặt với nguy cơ tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên. Hằng năm, 12 triệu bé gái kết hôn trước 18 tuổi, và khoảng 7,3 triệu ca sinh nở mỗi năm do mang thai ở tuổi vị thành niên. Hậu quả của đại dịch Ebola ở Sierra Leone chính sự gia tăng các trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên, đặc biệt ở các cộng đồng dễ bị tổn thương. Tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tăng mạnh vì nhiều lý do: trường học đóng cửa, mất cha/mẹ khiến trẻ không còn người hỗ trợ, mất chỗ ở buộc trẻ phải dùng đến những cách mới để tìm thức ăn. Đối với các bé gái, con đường trao đổi tình dục là phổ biến nhất; trong khi vào thời gian này các bé gái cũng không có các biện pháp tránh thai do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và giảm khả năng tiếp cận các trung tâm y tế. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc dự đoán lo ngại rằng đại dịch Covid‑19 sẽ trì hoãn các nỗ lực của cộng đồng nhằm chống tảo hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, đồng thời nạn nghèo đói tăng lên sẽ kéo theo tỷ lệ tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên trong các cộng đồng dễ bị tổn thương. 
***
Đại dịch Covid vẫn đang diễn biến vô cùng ở phức tạp trên khắp thế giới. Ngay cả khi người dân đã bắt đầu được tiêm vaccine, tình trạng đóng cửa trường học có thể còn kéo dài. 

Các nền tảng cũng như chương trình học trực tuyến đã được các quốc gia nhanh chóng thiết lập, để học sinh sinh viên có thể truy cập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trong thời gian trường học đóng cửa, việc học tập của trẻ em phụ thuộc phần lớn vào khả năng hỗ trợ và sự quan tâm của cha mẹ. 

OECD nhận định rằng vai trò của cha mẹ trong những năm đầu đời của trẻ là vô cùng quan trọng, đặc biệt từ giai đoạn 0-7 tuổi mà những hoạt động giáo dục trên tivi hay trên mạng không thể thay thế được. Các chuyên gia OECD khuyên rằng, bất kể hoàn cảnh xã hội kinh tế như thế nào, trẻ em cũng sẽ phát triển tốt hơn nếu được cha mẹ đọc sách cho nghe và nói chuyện hằng ngày. Những hoạt động này giúp trẻ phát triển tốt hơn về mặt cảm xúc lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, không nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, hiểu rõ tầm quan trọng của những hoạt động tưởng như đơn giản mà lại có ích này. 

Một năm sau đại dịch, tương lai thế giới vẫn mờ mịt và không thể đoán trước được điều gì. Những gì chúng ta có thể làm hiện nay là luôn ở trong tâm thế “chuẩn bị cho điều xấu nhất và hy vọng cho điều tốt đẹp nhất”.□

Ngô Thị Phương Lê

Nguồn: Tia sáng, ngày 17.3.2021.
----

*Tác giả Ngô Thị Phương Lê, Tiến sĩ Giáo dục, Excelia Group. Thành viên Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu, AVSE Global.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năm 2021 và những năm tới đây, giáo dục toàn cầu phải đối mặt với những hệ quả và thách thức nào? Các hệ thống giáo dục quốc gia sẽ phải chuẩn bị những chính sách và biện pháp ra sao?

Đảo lộn toàn cầu

Đây là hai hiện tượng nổi bật nhất xảy ra đồng loạt tại các hệ thống giáo dục quốc gia trong năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, mà chỉ cần theo dõi truyền thông thì độc giả có thể dễ dàng nhận thấy: đóng cửa trường để dạy và học tại gia, công cụ và phương tiện dạy - học thông qua các nền tảng trực tuyến. Chính phủ các quốc gia, đặc biệt thuộc khối OECD, áp dụng những biện pháp ngắn hạn sau nhằm trợ giúp hệ thống giáo dục : trang bị thiết bị học trực tuyến, thiết kế nội dung chương trình và thời lượng học, trang bị thiết bị bảo hiểm và vệ sinh, và trợ giúp tài chính cho nhà trường và học sinh. Điểm nổi bật tích cực nhất là khả năng thích ứng và cải tiến phương pháp sư phạm và công nghệ dạy học nhanh đến bất ngờ và trên diện rộng. Tuy nhiên, ẩn dưới bề mặt này là thực trạng bất bình đẳng, học sinh thuộc nhóm xã hội bình dân hay nghèo túng thì không được trang bị công cụ trực tuyến (máy tính hay đường truyền tốt) cũng không được phụ huynh chăm chút, động viên nên bị gạt bên lề và dẫn đến kết quả học tập suy kém. Vấn đề nổi cộm thứ hai liên quan đến sức khỏe tinh thần. Thời gian cấm túc dài mười mấy tuần khiến cả học sinh lẫn giáo viên phải đối mặt với khả năng tập trung, tự chủ trong việc học và những biểu hiện bất ổn về tinh thần (tuy nặng nhẹ khác nhau). Nhiều quốc gia như Pháp, Ý, Anh, Mỹ đã trải qua hai lần cấm túc nhưng vẫn bị dự báo là có thể thêm lần cấm túc thứ ba vào đầu năm 2021.

Số học sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 % / tổng số học sinh Số quốc gia đóng cửa trường học
28/05/2020 997,684,919 57% 129
28/12/2020 158,486,270 9.1% 12

 

Chất lượng giáo dục giảm, tăng trưởng kinh tế giảm 

Theo đánh giá của các chuyên gia của OECD, việc học hành bị gián đoạn ảnh hưởng xấu đến chất lượng, kết quả học tập, từ đó làm giảm kỹ năng của người đi học mà yếu tố này lại gắn với hiệu suất làm việc. Hệ quả trực tiếp là tổng sản phẩm nội địa (GDP) có thể giảm xuống dưới 1,5% trong những thập niên tới1. Kinh tế nội địa và thương mại liên quốc gia giảm tốc nên những lĩnh vực như giáo dục sẽ bị “soi xét” lại trong mức độ ưu tiên về đầu tư tại mỗi quốc gia. Chi tiêu công cho giáo dục trong trung và dài hạn chắc chắn bị cắt giảm, điều này đã bắt đầu thể hiện ở ngay năm 2020. Theo báo cáo của ba tổ chức quốc tế UNESCO, UNICEF và World Bank, 64% các quốc gia khẳng định đã giảm ngân sách công cho giáo dục trong năm 2020 và tiếp tục cắt vào năm 2021 nhắm vào quỹ lương, việc này đồng nghĩa không tuyển dụng thêm giáo viên trong những năm tới. Nguồn đầu tư tài chính đến từ khối tư nhân cho giáo dục cũng hiếm hơn vì kinh tế yếu và thất nghiệp tăng. Như vậy, tác động của khủng hoảng lên đầu tư giáo dục thể hiện ở hai cấp độ. Thứ nhất là giảm chi tiêu công kèm với đó là giá thành chi tiêu tăng trong suốt cơn dịch. Thứ nhì là các nguồn tài chính vốn có dành cho giáo dục sẽ giảm đáng kể. Các chuyên gia của International Institute for Educational Planning (thuộc UNESCO) dự đoán đòn gánh đầu tư cho giáo dục sẽ nghiêng nhiều về phía hộ gia đình vì nhà nước - đầu kia của đòn gánh, không còn đủ sức nâng đỡ. Nguy cơ về bất bình đẳng, vì thế, càng nhãn tiền hơn, gia đình khá giả thì con cái tiếp tục được đầu tư học hành và ngược lại. “Trên toàn thế giới, những bất bình đẳng tiếp cận giáo dục sẽ còn là cái hố được đào sâu hơn và cơn khủng hoảng về giáo dục toàn cầu sẽ gay gắt hơn”1. Điều này sẽ kìm hãm mục tiêu quan trọng nhất của phát triển bền vững do UNESCO đề ra: mọi trẻ em đều được tiếp nhận một nền giáo dục chất lượng.

Trước thực trạng này, giáo dục với tư cách là phương tiện tạo nên bình đẳng giới có nguy cơ thất bại vì học sinh nữ sẽ chịu thiệt thòi nhất (không được đến trường, ép tảo hôn, lao động tại gia…) khi giáo dục không được đầu tư đúng mức, đặc biệt tại những nước nghèo hoặc đang phát triển.

Tiếp tục thích ứng và biết xử thế đúng bối cảnh là hai điều kiện cần thiết để đáp ứng được những đòi hỏi của từng địa phương và đảm bảo các nhu cầu học tập, sức khỏe và an toàn của mỗi học sinh.

(UNICEF-UNESCO-World Bank).

Bài toán đau đầu giữa nhu cầu tăng đầu tư cho giáo dục trong khi tăng trưởng kinh tế chật vật ở giai đoạn hậu đại dịch, giáo dục sẽ nằm ở đâu trong nấc thang ưu tiên của nhà nước so với những lĩnh vực khác như y tế, kinh tế, thương mại?

 

Tiếp đà cải cách sư phạm

Từ quan điểm thuần túy sư phạm hay giáo học pháp, việc dạy - học từ xa vốn chỉ nhận được sự nghi ngại, thậm chí phản đối, từ các phía giáo viên, gia đình và nhà quản lý giáo dục từ nhiều năm nay ngay cả khi các nền tảng trực tuyến đã nở rộ. Thực ra, việc đưa công nghệ và công nghệ số thành công cụ giảng dạy có cả một chu trình lịch sử của nó, từ thiết bị nghe nhìn, video, bảng điện tử hay gần đây nhất là máy tính, tablet… Nhưng chỉ trong vòng 3-6 tháng, chúng ta chứng kiến một hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử giáo dục của nhân loại: các loại màn hình (máy tính, smartphone) trở thành giao diện sư phạm chính thức. Khủng hoảng thường là thời điểm tạo nên khả năng đổi mới sáng tạo để cải tiến những thiếu sót bất cập chứ không đơn thuần chỉ là trở về với “trạng thái bình thường” của quá khứ.

Các hệ thống giáo dục nên tiếp tục hoàn thiện và cải cách công cụ, phương tiện, phương pháp, dịch vụ học trực tuyến (online platforms, broadcast media (TV/radio), paper-based take-home packages…), và cũng nên đánh giá, so sánh hai phương pháp trực diện (offline) và trực tuyến (online) đến chất lượng giảng dạy và kết quả học tập cũng như sự tương tác giữa thầy và trò. Việc này sẽ giúp nâng cao trình độ sử dụng công nghệ và khả năng học tự lập của học sinh, giúp các thế hệ học sinh tiếp thu được các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và công việc tương lai như tương tác, hợp tác, tương thuộc, tương hỗ...

Để công cuộc này thành công thì vai trò và sứ mệnh của giáo viên chiếm phần quan trọng. Giáo viên phải là tác nhân và tác giả của những đổi thay không chỉ trong việc áp dụng công nghệ mà còn trong tư duy và sáng tạo sư phạm. Các nhà hoạch định và quản lý giáo dục phải rất chú trọng đến sự kết nối giữa giáo viên và phụ huynh để tạo nên mối liên hệ tin cậy trong việc đồng hành và theo dõi học sinh. Để tạo sức bật, tiếp tục đổi mới và tăng cường khả năng ứng phó, hơn bao giờ hết các hệ thống giáo dục phải tăng cường năng lực quản lý trong những thay đổi. Có thể chính trong cơn biến này, chúng ta sẽ biết nắm bắt để làm cho chương trình, môi trường, phương tiện dạy và học thích ứng hơn nữa với nhu cầu của những thập niên tới.

Các chính phủ phải nhìn nhận sự canh tân đổi mới như một chính sách chiến lược dựa vào nền tảng nghiên cứu được đầu tư tài chính đúng mức và vững chắc về phương pháp luận. Trên thực tế, đổi mới và nghiên cứu cho giáo dục hiện đang là mảng yếu và thiếu. Đơn cử, ngân sách nghiên cứu cho y tế công của các quốc gia thuộc khối OECD cao gấp 17 lần so với ngân sách nghiên cứu cho giáo dục. Cột mốc đại dịch này là lời kêu gọi các chính phủ phải thay đổi chính sách vì không có đổi mới sẽ không có cải thiện, vì không có chất lượng giáo dục tốt sẽ không có nguồn nhân công chất lượng cao, và hệ quả trực tiếp là nền kinh tế quốc dân sẽ luôn ở tầm trung, không bứt phá nổi. 

20210306 5
Sau Tết Nguyên đán 2021, học sinh hơn 20 tỉnh thành đã phải học trực tuyến nhưng việc học trực tuyến cũng khiến nhiều gia đình ở các vùng nông thôn, gia đình không có điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn khi không thể trang bị riêng cho con phương tiện học tập hoặc không thể kèm con học. 

Điều hòa và cân đối trong thách thức 

Trường học bị đảo lộn, vậy thì chúng ta phải tư duy lại về trường học trên phương diện chính sách và quản lý để sao cho các hệ thống giáo dục quốc gia tiếp tục thích ứng và kịp thay đổi trước thời cuộc. Điều hòa và cân đối vừa là một tâm thế quản trị vừa là kỹ năng kiểm soát của những nhà hoạch địch và quản lý các nền giáo dục.

Trước hết, chúng ta phải cân bằng những câu thúc giữa thời lượng chương trình vốn có với đổi mới chương trình. Có hai xu hướng trên thế giới: nhóm quốc gia đặt trọng chương trình cơ bản vì nó là nền tảng cho sự tiếp nhận kiến thức và thi cử của học sinh, nhóm quốc gia kia ưu tiên phát triển các kỹ năng nhận thức, xã hội, cảm xúc và sức khỏe tinh thần (well-being) của học sinh. Tuy nhiên, theo khảo sát của OECD2, có một độ chênh giữa quan điểm của đại diện chính phủ với quan điểm của giáo viên: chính phủ tập trung vào việc dạy-học căn bản, còn giáo viên nhấn mạnh đến việc tăng khả năng tự lập của học sinh. Để thỏa hiệp được hai điều này thì chúng ta cần phải tính toán sao cho việc xây dựng, cải cách và áp dung chương trình mới sẽ không làm quá tải cho cả học sinh và giáo viên tùy theo mức độ vùng miền, loại trường, điều kiện vật chất… Ngoài ra, giáo viên đáng nhận được ủng hộ và hỗ trợ vì nghề đi dạy ngày nay không giới hạn ở việc truyền đạt kiến thức mà họ còn phải quan tâm đến sức khỏe tinh thần của học sinh. Những phương pháp đổi mới nâng cao năng lực giáo viên như phát triển bản thân, khai vấn, cố vấn (personal development, coaching, mentorat) quả thực là cấp thiết.

Một trong những điểm then chốt ngay trong năm học mới là đánh giá kết quả học tập của học sinh và trong những năm sau, tiếp tục theo dõi lộ trình học tập của các lứa học sinh. Phương thức tiến hành đánh giá - kiểm tra - theo dõi và trách nhiệm của các bên giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh phải được phối hợp chặt chẽ. Cuộc khủng hoảng này giúp chúng ta nhận ra rằng tập thể (giáo viên, ban giám hiệu, phụ huynh, cộng đồng) cùng đồng tình và đồng lòng là quan trọng biết chừng nào. Một quy chế mới chỉ có thể được thi hành đúng và đạt mục đích khi các nhà trường áp dụng một cách tích cực, thậm chí sáng tạo. Cấp lãnh đạo nên đề cao và khích lệ khả năng tự chủ, sáng kiến vượt qua khó khăn của mỗi cơ sở giáo dục. Vì nếu áp đặt cứng nhắc từ cấp cao sẽ dễ gây nên lộn xộn, lúng túng trong áp dụng và cảm giác “không tuân phục” của cấp dưới.

Mỗi quốc gia phải tự đưa ra danh sách những ưu tiên trong các biện pháp trước mắt và các chính sách trung và dài hạn về đầu tư và quản lý cho hệ thống giáo dục của mình. Trong bối cảnh này, tài năng quản lý và điều phối của các nhà lãnh đạo phải được thể hiện qua việc cân đối giữa nhu cầu và khả năng, giữa kiên định và linh hoạt. 

Vaccine đã được tìm ra không có nghĩa là hạn dịch đã chấm dứt. Những gì đang chờ đợi chúng ta trước mắt vẫn là thử thách và bất định. Một lần nữa, trong chiều dài lịch sử nhân loại, thời khắc đại dịch này là lời kêu gọi cho sự thích ứng mới để đổi mới sáng tạo và dấn thân vì những mục tiêu phát triển bền vững. Xây dựng một xã hội có sức bền và sức bật tốt hơn chính là trách nhiệm của thế hệ chúng ta để tạo thành di sản cho con cháu trong những thập niên tới!□

Tài liệu tham khảo

- Andreas Schleicher, The impact of COVID-19 on education - Insights from Education at a Glance 2020, OECD
- What have we learnt ? Overview of findings from a survey of ministries of education on national responses to COVID-19, UNESCO, World Bank & UNICEF
- Anticipated impact of COVID-19 on public expenditures on education and implication for UNESCO work, 2020
- Fernando M. Reimers, Andreas Schleicher, Schooling disrupted, schooling rethought. How the Covid-19 pandemic is changing education, OECD’s report, 2020
- Education and COVID-19: Focusing on the long-term impact of school closures, OECD’s report, 2020
Chú thích: 
1 Andreas Schleicher, The impact of COVID-19 on education - Insights from Education at a Glance 2020, OECD
2 Fernando M. Reimers, Andreas Schleicher, Schooling disrupted, schooling rethought. How the Covid-19 pandemic is changing education, OECD’s report, 2020

Nguyễn Thụy Phương

Nguồn: Tia sáng, ngày 03.3.2021.

Tôi không phủ nhận việc áp dụng công nghệ một cách chừng mực giúp việc dạy và học có những hiệu quả nhất định. Nhưng chúng chỉ là phương tiện chứ không thể nào thay thế được tri thức, khả năng tương tác, khả năng gầy dựng cảm hứng...

Tôi bắt đầu tham gia dạy học trực tuyến vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 ập đến trên toàn thế giới. Cũng như đa số đồng nghiệp, tôi đã đi từ con số 0 đến lúc thành thạo các thao tác cơ bản để có thể tạm an ổn trong các phòng học ảo - nơi mà giảng viên có thể gặp gỡ sinh viên, thích nghi với phương thức lao động thời dịch bệnh.

20211023 3

Học sinh, sinh viên trên khắp các tỉnh, thành đang học trực tuyến trong thời gian vừa qua - ĐẬU TIẾN ĐẠT

Chỉ có giá trị đối phó với dịch bệnh

Không thể phủ nhận một số tiện ích của hình thức làm việc/dạy và học trực tuyến: giúp kết nối hiệu quả dù người tham dự ở bất kì nơi nào, tránh gián đoạn công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, giảm thiểu kẹt xe và ô nhiễm môi trường, rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ cho người tham gia...

Câu hỏi đặt ra là: nếu việc dạy trực tuyến thực sự có ích như vậy thì sau khi dịch tan, các trường học có chuyển sang đào tạo trực tuyến luôn không hay vẫn tổ chức việc dạy và học theo phương thức truyền thống?

Hẳn là các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô, người học và phụ huynh đều đã có câu trả lời. Tôi không biết vài chục năm hay vài thế kỉ tới, việc dạy học có thể diễn ra hiện đại và siêu ảo như thế nào, nhưng hiện nay thì rõ là không gì lý tưởng bằng việc người dạy được đến đúng nơi để dạy, người học được đến đúng nơi để học.

Bởi, cái gì ra cái đó. Nếu sân khấu là thánh đường của diễn viên thì trường học là thánh đường của người học và người dạy. Học đường không chỉ là nơi trao truyền kiến thức sách vở hay các phương pháp thực hành – nghiên cứu mà còn là không gian học tập lý tưởng, chuyên nghiệp với hệ thống phòng ốc, thư viện, các khu vực sinh hoạt đa dạng... Ngoài ra, môi trường học đường còn tạo ra các giá trị mềm khác cho người học như: giúp tạo dựng các giá trị nhân bản (niềm tin, ước mơ, hoài bão, lòng nhân hậu, tính vị tha, sự sẻ chia, tính tự lập, tinh thần đoàn kết...), giúp phát hiện, thể hiện và phát triển năng khiếu – năng lực, tổ chức các hoạt động đội nhóm, thúc đẩy các hoạt động văn thể mỹ, tăng cường năng lực giao tiếp, ứng xử...

Rõ ràng, trong thời điểm hiện nay, các phương pháp trực tuyến không thể hoặc rất hạn chế để có thể phát huy được những giá trị này. Người học đang học theo cách thực dụng nhất và ở mức độ thấp nhất: nhận kiến thức từ giảng viên, trải qua kỳ sát hạch kiến thức bằng việc hiện diện online và thi cử theo quy định, hoàn thành môn học. Nói không ngoa, họ sẽ trở thành những "cỗ máy tích lũy tín chỉ chuyên nghiệp".

Học sinh học trực tuyến - N.D

Thầy và trò đều xuống sức

Tôi đã quá thấm thía với việc không thể nhìn thấy mặt người học (trừ khi GV yêu cầu sinh viên mở camera lên, mà đa số các em tỏ ra miễn cưỡng và cho rằng không cần thiết); mắt dán chặt vào màn hình, tay rê chuột liên tục, miệng vừa giảng bài vừa thăm hỏi động viên người học; cùng lúc đó, não phải liên tục nghĩ ra các cách thức dò dẫm xem SV có đang tham dự vào giờ học thật không. Và bất lực khi các em bảo micro hư, camera hư và không nghe rõ lời thầy, bạn.

Còn việc được khuyến mãi tiếng mưa rào đi ngang thành phố, tiếng người nhà sinh viên, tiếng động cơ xe, tiếng gà trưa xao xác, tiếng chó sủa vang trời... là chuyện thường ngày (cũng may là có chút tác dụng giảm căng thẳng, gây cười trong chốc lát). Tôi không biết nên vui hay buồn với những lời trần tình của sinh viên như “Cô thông cảm, hôm nay con gà nhà em trở chứng gáy từ trưa đến giờ”, “Cô ơi, chó nhà hàng xóm nên em không bắt nó im được”...

Có một hôm, tôi buộc phải dừng việc giảng bài khi nhận ra đa số SV không nhớ bài cũ và im lặng đáng sợ trong giờ học. Tôi bảo các em hãy gõ vào ô đối thoại cảm xúc thật nhất của mình trong thời gian gần đây. Những từ ngữ sau đây chạy ra: “ức chế”, “mệt mỏi”, “trống rỗng”, “không cảm xúc”, “sợ hãi”... Chỉ có một số ít em chia sẻ rằng mình đang có cảm giác may mắn, vui vẻ và bình yên.

Khai giảng cũng bằng hình thức trực tuyến - ĐẬU TIẾN ĐẠT

Tôi cam đoan rằng dù là một GV lạc quan nhất thì cũng sẽ có lúc cảm thấy xuống sức, ức chế tinh thần và mong mỏi ngày được trở lại giảng đường. Tôi chưa có dịp làm khảo sát diện rộng cảm nghĩ và mong đợi của SV, nhưng đâu khó khăn gì để tôi nhận ra là SV của chúng ta đang quá thiệt thòi khi phải học đại học tại gia như hiện nay.

Rõ ràng, trừ một số hình thức đào tạo từ xa như xưa nay vẫn tồn tại, việc dạy và học trực tuyến hiện nay chỉ là phương thức đối phó dịch bệnh, hoàn toàn không thể thay thế việc dạy và học tại nhà trường.

E-learning: bước tiến hay bước lùi?

Trong nhiều đợt tập huấn giảng dạy, các nhà quản lý giáo dục thường xuyên đề cao E-learning (mô hình học trực tuyến sử dụng kết nối mạng Internet để phục vụ học tập) như: giúp người học có cơ sở chọn lựa môn học, tiện theo dõi chương trình học, hình dung ra nội dung học, tiếp cận được phong thái của GV, chia sẻ và nắm bắt các thông tin kịp thời... Không chỉ có vậy, E-learning còn giúp tạo nên diện mạo hiện đại, bài bản, năng động, bắt kịp xu thế quốc tế của các trường đại học, trung học.

Trong thực tế, so với phương pháp dạy học truyền thống, phương pháp dạy học E-learning khiến người dạy vất vả hơn nhiều lần. Để có một buổi dạy, GV phải post (đăng) trước power point (trình chiếu) bài giảng, tài liệu học tập, bài tập, video (đoạn băng) ghi hình GV giới thiệu các nội dung chính của bài học. Sau giờ dạy, GV tiếp tục các công đoạn như ghi sổ báo bài, điểm danh, đăng tải ghi âm... Các thao tác này ngốn không ít thời gian, đặc biệt trở thành gánh nặng với những GV không giỏi công nghệ.

Có một vấn đề nổi cộm là: một số trường học yêu cầu GV đăng toàn bộ nội dung ghi âm và ghi hình lên hệ thống E-learning sau mỗi buổi dạy. Nhà trường lý giải rằng đoạn ghi âm ghi hình đó chính là minh chứng giảng dạy online; đồng thời, sự ghi âm ghi hình này giúp người học có cơ hội được nghe lại bài giảng (nếu như chưa hiểu hoặc vắng buổi học hôm đó). Yêu cầu này cần được áp dụng thận trọng hơn, vì hiện nay chưa có thỏa thuận bằng văn bản rõ ràng giữa cơ sở đào tạo và người dạy về bảo mật thông tin, bản quyền…

Sinh viên học trực tuyến - N.D

Trước Công nguyên, nhà hát được xây dựng trong các bệnh viện nhằm góp phần hồi phục tinh thần cho người bệnh. Còn trường học thì tươi sáng và thong dong như bức tranh “Trường học Athens” mà danh họa Rafael thể hiện, thực sự là nơi để trao truyền tri thức và tụ hội anh tài. Thầy và trò đến lớp với sự tự tin và tươi tắn, không khí học tập văn minh và tràn đầy tinh thần học thuật.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể lấy ngày xưa so với ngày nay, lấy "âm chấm không" so với "bốn chấm không". Tôi chưa bao giờ phủ nhận rằng việc áp dụng công nghệ một cách chừng mực giúp việc dạy và học có những hiệu quả nhất định. Nhưng chắc chắn, chúng chỉ là phương tiện chứ không thể nào thay thế được tri thức, khả năng tương tác, khả năng gầy dựng cảm hứng... Mà điều đó chỉ có thể đạt được khi tinh thần người dạy và người học thật sự lành lặn, tự do. Hình thức “cháo hành” người dạy có thể là con đường ngắn nhất để siết chặt quỹ thời gian, bóp chết khả năng sáng tạo và biến họ thành những “cỗ máy nói” không hơn không kém.

Xin khẩn thiết mong cầu các nhà quản lý giáo dục hãy trả lời thật lòng: Chúng ta sẽ được gì với việc cổ vũ và miệt mài chạy theo công nghệ trong dạy - học? Những thiết chế cồng kềnh và vô số quy định cứng nhắc trong dạy - học như hiện nay có thật sự giúp cho người dạy và người học trở nên ưu tú hơn hay không?

Diễm Trang

Bài viết về dạy và học trực tuyến thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một giảng viên đại học tại TP.HCM

Nguồn: Thanh niên, ngày 16.10.2021.

Làng Đại học Thủ Đức được định danh từ những năm 60 của thế kỷ trước. Làng đại học ngày ấy nay đã vươn vai trở thành đô thị tri thức - hạt nhân của thành phố mới Thủ Đức.

20210220 3

Toàn cảnh Trường Đại học Quốc gia TPHCM ở Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dấu xưa… 

Ngồi bên ly cà phê, trong quán sân vườn rộng rãi có tên Suối Nguồn, được cải tạo từ ngôi biệt thự cũ, TS Trần Duy Hùng, giảng viên Trường Đại học (ĐH) Nông Lâm TPHCM, rành mạch: Làng ĐH Thủ Đức đã hình thành từ đầu những năm 1960. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là tác giả của đồ án quy hoạch kiến trúc làng. Khoảng 300 căn biệt thự được xây dựng, tạo nên làng ĐH có một không hai trên cả nước. Tiếp sau làng ĐH, năm 1972, Viện ĐH Bách khoa Thủ Đức ra đời, cũng là tiền thân của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM ngày nay.

Nơi đây đường ngang lối dọc, rợp bóng cây xanh, được quy hoạch theo ô bàn cờ. Những ngôi biệt thự rêu phong, giấu mình dưới tán cây xanh, là nơi ở của các giáo sư ĐH nên từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng đến đặt tên đường cũng mang nét riêng, như gửi gắm, hy vọng hướng đến cái đẹp, nhân văn, như đường Công Lý, Tự Do, Bác Ái, Dân Chủ, Hòa Bình… Mỗi căn biệt thự có không gian riêng biệt, diện tích 900-2.200m2, kiến trúc đa dạng về hình thức, theo phong cách, sở thích của gia chủ.

PGS-TS Ngô Minh Oanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, tâm sự: “Thời nào cũng vậy, muốn đất nước phát triển thì giáo dục, khoa học phải đi đầu. Quy hoạch xây dựng khu đô thị ĐH có từ trước, nhưng đến hôm nay mới được gọi đúng tên, đặt trúng vị trí. Lịch sử đất nước còn có điểm gấp khúc, chứ tri thức, khoa học công nghệ là một dòng chảy liên tục. Ước vọng về một khu đô thị ĐH đang được hiện thực hóa hơn bao giờ hết”.

Hạt nhân của thành phố mới

Lật lại những trang kỷ yếu của ĐH Quốc gia TPHCM: năm 1995 ghi dấu mốc lịch sử đối với Làng ĐH Thủ Đức xưa khi Nhà nước có quyết định thành lập ĐH Quốc gia TPHCM. Trường được xây dựng trên nền đất cũ, với diện tích 635,7ha, quy tụ 27 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và 8 trường ĐH hàng đầu: ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - Luật, Viện Môi trường - Tài ngyên và ĐH An Giang; là nơi tập trung một lực lượng cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học hùng hậu, với 400 GS-PGS và 1.300 TS. Bên cạnh còn có các Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Ngân hàng… Chỉ riêng ĐH Quốc gia TPHCM đã có đến  69.000 sinh viên theo học, là nguồn lao động chất lượng cao, dồi dào cung cấp cho xã  hội.

Những con số không nói hết sự đổi thay của vùng đất vốn là đồi sim mua, cây dại sau 25 năm xây dựng. Để đi lại giữa các khu chức năng, mọi người phải sử dụng ô tô, chí ít là xe máy. Hàng loạt khu nhà cao tầng được xây dựng là thư viện, giảng đường, ký túc xá, viện nghiên cứu… nối với nhau bằng những con đường nhựa phẳng lì, rộng thênh thang. Sinh viên Nguyễn Thị Như Quỳnh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngẩn ngơ khi lần đầu đến thăm bạn: “Đến đây, nếu không được hướng dẫn chắc dễ nhầm đường. Mỗi trường như một khu phố hiện đại”.

Theo GS-TS Trần Duy Thành, ĐH Quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc, nguyên giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên, con số 4.746 công bố khoa học, 282 đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và 60 bằng sáng chế trong năm 2019 của ĐH Quốc gia TPHCM thuộc tốp đầu cả nước, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với năng lực, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học nơi đây. Để ĐH Quốc gia TPHCM là hạt nhân, bộ não của thành phố mới Thủ Đức, chúng ta cần phối hợp chặt chẽ, thiết thực hơn nữa giữa các trường ĐH, trung tâm nghiên cứu và các công ty, tập đoàn sản xuất lớn.

Đứng trên tầng cao khu giảng đường ĐH Khoa học tự nhiên nhìn ra xung quanh, với những khu nhà cao tầng của giảng đường, viện nghiên cứu, dáng vóc một khu đô thị tri thức đã định hình. Khu Công nghệ cao TPHCM nằm trong tầm mắt, những nhà máy khang trang hiện đại trải dài trên đường Võ Chí Công. Bên cạnh Xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1, màu xanh của làng đại học xưa như một công viên xanh nằm giữa khu đô thị hiện đại - dấu ấn của một thời chưa xa.

Trần Yên

Nguồn: Sài Gòn giải phóng, ngày 15.02.2021.

Vài năm trở lại đây, người ta nhắc ngày càng nhiều đến ‘chuyển đổi số’ (digital transformation), nhất là ở các ngành kinh tế, kinh doanh, dịch vụ. Còn trong giáo dục, phải đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế xã hội, học sinh, sinh viên không thể đến trường, chuyển đổi số mới thực sự trở thành một quá trình mà kết quả của nó có thể là một diện mạo giáo dục hoàn toàn mới, với phương thức, cách thức, phương pháp, kĩ thuật, công cụ và phương tiện mới.

20210211 2

Các em học sinh vùng sâu vùng xa phải lên đỉnh đồi để bắt sóng học trực tuyến. Ảnh: Dân Trí


1. Giáo dục mở - học liệu mở - khoa học mở

Chuyển đổi số hẳn không phải là câu chuyện mới chỉ của ngày hôm qua. Từ hai thập kỷ qua khi công nghệ thông tin, mạng Internet được sử dụng rộng rãi trong đào tạo, giáo dục, chuyển đổi số đã được đặt ra, nhưng phần nào còn mơ hồ, bởi chưa thực sự có những lý do để bắt buộc phải thực hiện nó.

Những tiến bộ về CNTT và sự thâm nhập của mạng Internet đã dẫn tới những sáng kiến về giáo dục mở với sự xuất hiện của các khóa học trên các nền tảng trực tuyến MOOCs như Coursera, Udemy, edX, về học liệu mở với sự ra đời của các chương trình ứng dụng học tập, kiểm tra thích ứng (adaptive learning and assessment apps) như Acellus, IXL, Mathletics, và khoa học mở với các cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học trực tuyến chia sẻ miễn phí (Open Access databases). Sự ra đời và ngày càng phát triển về cả thị trường và công nghệ cho những nền tảng này cho thấy ‘giáo dục số’ có lý do để tồn tại, và hoàn toàn có tiềm năng là tương lai của giáo dục. Tuy nhiên, khi vẫn còn có lựa chọn khác, giáo dục theo phương thức truyền thống vẫn còn có thể, thì vẫn còn có lý do để từ chối chuyển đổi, giáo dục trực tuyến vẫn chỉ là phụ thêm khi có hoặc thiếu một số điều kiện.

Nhưng…

2. Thiên tai, dịch bệnh quy mô lớn ± Covid- 19

Năm 2020 chứng kiến những diễn biến có thể nói là chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại. Nhiều hoạt động xã hội bị đình trệ trên phạm vi cục bộ địa phương, quốc gia và toàn cầu do đại dịch Covid-19. Khi giáo dục đã từ lâu là nhu cầu đương nhiên được đáp ứng, chúng ta bỗng dưng phải đối mặt với câu hỏi ‘làm sao để được giáo dục’. Triển khai được hoạt động giáo dục không chỉ là vấn đề cá nhân, mà còn là sự sống còn đối với các nhà trường và các cơ quan quản lý và sự vận hành xã hội. Khi giáo dục trực tiếp tại trường lớp là không thể, vấn đề chuyển đổi số trở thành giải pháp cứu cánh ở nhiều cấp từ vi mô đến vĩ mô. Đương nhiên trong hoàn cảnh này, chuyển đổi số không thể hời hợt, bề ngoài mà phải toàn diện, đầy đủ, chuẩn xác… để có thể đem lại kết quả mong muốn.

Vậy…

3. Chuyển đổi số trong giáo dục là chuyển đổi những gì?

Một câu hỏi lớn đặt ra là chuyển đổi số trong giáo dục bao gồm sự chuyển đổi ở lĩnh vực, khía cạnh nào và mức độ ra sao. Câu trả lời không giống nhau đối với các cá nhân, các tổ chức và các quốc gia, bởi lẽ xuất phát điểm của chuyển đổi số là rất khác nhau. Có một điểm chung là chuyển đổi số phải cho phép giáo dục được thực hiện toàn diện và đầy đủ mà không có gặp mặt, giao tiếp trực tiếp, có nghĩa rằng phương thức chuyển tải giáo dục thay đổi. Đào tạo trực tuyến rõ ràng không phải là điều mới mẻ, lạ lẫm, nhưng đào tạo trực tuyến trong hoàn cảnh hoàn toàn không có lựa chọn tiếp cận trực tiếp dẫn đến thay đổi ở nhiều khía cạnh khác,  đòi hỏi nhiều điều kiện mới.

Dễ thấy nhất là những thay đổi về các yếu tố đầu vào. Để giáo dục trực tuyến có thể, toàn bộ đầu vào cho quá trình giáo dục phải được số hóa, trong đó quan trọng nhất là học liệu, tài liệu, sách giáo khoa. Toàn bộ dữ liệu về người học cũng cần phải số hóa để thực hiện quy trình quản lý người học và thực hiện đánh giá quá trình cũng như kết quả học tập. Một trong những vấn đề lớn nhất của đào tạo trực tuyến là tính xác tín của quá trình đào tạo. Làm thế nào để đảm bảo việc đào tạo, đánh giá, kiểm tra, công nhận kết quả và cấp bằng và chứng chỉ cho đúng đối tượng? Làm thế nào để xác thực danh tính của người học, người thi? Những công nghệ mới nhất đã hỗ trợ việc này nhưng việc đảm bảo tính nghiêm ngặt của việc thi cử truyền thống vẫn còn để ngỏ.

Hơn nữa, khi phương thức đào tạo thay đổi, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và giáo dục cũng thay đổi. Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là số hoá các nguồn tài liệu mà còn bao gồm việc chuyển đổi phần cứng, kéo theo việc quản trị các nguồn lực dành cho giáo dục, đào tạo cũng thay đổi.

Thứ hai, quá trình giáo dục có những thay đổi căn bản. Phương thức thay đổi dẫn đến phương pháp, kỹ thuật sư phạm truyền thống không còn hiệu quả. Cách thức thực hiện, triển khai phương pháp bắt buộc phải thay đổi, đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng và sử dụng các thiết bị, tính năng của công nghệ sao cho việc giảng dạy đạt kết quả kỳ vọng. Chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy, mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Công việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý học thần kinh (neuroscience), trí tuệ nhân tạo AI vào thiết kế nội dung cũng như công cụ thực hiện giảng dạy, tận dụng thế mạnh của công nghệ để thực hiện cá nhân hoá chương trình giáo dục, điều không thể thực hiện được khi đào tạo trực tiếp truyền thống với sĩ số học sinh đông (50-60 học sinh/lớp) như ở các thành phố lớn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu về quá trình học tập của học sinh cũng được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ chứ không phải thông qua hệ thống hồ sơ sổ sách thông thường.

Tiếp đó, về kết quả đầu ra, chuyển đổi số phải đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện trong quá trình giáo dục, kể cả đánh giá kết quả đào tạo. Không chỉ kết quả đánh giá được số hoá, mà quá trình đánh giá cũng phải được triển khai, thực hiện bằng ứng dụng công nghệ trên máy tính. Giáo viên cần tập trung vào công việc giảng dạy, và cần được giải phóng khỏi các công việc hành chính, giấy tờ như làm sổ sách, sổ điểm, học bạ, quản lý hồ sơ học tập của người học.

Cuối cùng, về môi trường giáo dục, cần có hệ thống chính sách cấp hệ thống và cấp cơ sở giáo dục phù hợp để đào tạo trực tuyến được công nhận hợp pháp. Việc xây dựng và ban hành chính sách đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng và khoa học nhưng về cơ bản không phải là thách thức lớn. Thách thức chủ yếu nằm ở việc thực thi chính sách, bởi lẽ để chính sách đi vào đời sống, cần phải có hệ thống các công cụ giám sát, quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục trực tuyến để đảm bảo tính giá trị của hình thức đào tạo này. Tức là các thiết chế tạo điều kiện cho giáo dục (enablers) cần phải được chuyển đổi sang số hóa cả về cách thức thực hiện, từ khâu lấy dữ liệu đầu vào cho đến khâu trích xuất dữ liệu đầu ra.

Tóm lại, chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình xảy ra mà sự thay đổi không nằm ở đối tượng tham gia vào quá trình giáo dục hay các bên liên quan mà nằm ở phương thức thực hiện giáo dục. Sự thay đổi về phương thức tất yếu dẫn tới những thay đổi về phương pháp, cách thức, kỹ thuật thực hiện giảng dạy, đào tạo. Phần lớn các yếu tố đầu vào cũng thay đổi để phù hợp với phương thức và những phương pháp và kỹ thuật mới, sản phẩm đầu ra cũng vì thế mà có thể thay đổi tương ứng. Khi thực hiện chuyển đổi số, có thể nói toàn bộ cái cách giáo dục, đào tạo được tổ chức, thực hiện và quản lý thay đổi. Trải nghiệm giáo dục khác sẽ khiến cho một số năng lực, kỹ năng đầu ra của người học không còn, nhưng đồng thời một số năng lực, kỹ năng mới sẽ hình thành. Trọng tâm của chuyển đổi số là trải nghiệm của người học sẽ hoàn toàn thay đổi. Hiển nhiên tư duy quản lý giáo dục cần phải chuyển đổi, mở hơn và linh hoạt hơn để có thể hình dung và nắm bắt được những yếu tố vô hình.

4. Chuyển đổi số: cần những gì để thành công?

Có thể thấy rằng việc chuyển đổi số tác động tới nhiều bên liên quan khác nhau trong đó trực tiếp và chịu tác động lớn nhất là người học và giảng viên, kế tiếp là đội ngũ hành chính văn phòng, đội ngũ quản lý, những người phải trực tiếp thao tác, vận hành hệ thống. Các nhà lãnh đạo và ra quyết sách cấp cao trong ngành giáo dục cũng cần phải thay đổi tư duy quản lý.

Trước nhất, chuyển đổi số đòi hòi hạ tầng công nghệ mới, trang thiết bị mới cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Đi kèm thiết bị phần cứng là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng (platform) để toàn bộ mọi hoạt động giáo dục và quản lý của các cấp diễn ra trên đó. Nếu như ứng dụng CNTT vào giáo dục chủ yếu đề cập đến những chương trình, phần mềm riêng lẻ, tách biệt, chuyển đổi số yêu cầu tất cả những thứ riêng lẻ này phải tương thích và kết nối với nhau, tích hợp và ‘có thể tiếp cận được’ (accessible) trên cùng một nền tảng. Nền tảng này cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi cử, quản lý người học và việc giảng dạy, cũng như toàn bộ việc tương tác giữa người học với giáo viên và nhà trường cùng diễn ra. Đường truyền Internet ổn định là yếu tố đương nhiên cần phải có để platform này hoạt động.

Để vận hành một hệ thống như vậy đương nhiên đòi hỏi tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo ngành giáo dục cũng như lãnh đạo nhà trường phải thay đổi. Họ phải tìm ra cách thức nắm bắt những gì có thể trên không gian ảo, khai thác hiệu quả công nghệ cho mục đích này. Họ cần trang bị hiểu biết và tư duy số để có thể làm chủ công nghệ và hiểu rõ giới hạn của công nghệ.

Chuyển đổi số cũng không thể thành công nếu những người trực tiếp thực hiện việc đào tạo không có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ. Giáo viên cần phải hình dung được họ sẽ ‘nhìn thấy’ học sinh của mình học tập như thế nào nếu không trực tiếp gặp mặt và họ có thể nắm bắt và đánh giá được những gì từ phía người học. Tất nhiên trong quá trình này họ luôn phải có sự hỗ trợ đồng hành của các nhân viên kỹ thuật và các chuyên gia công nghệ để đảm bảo việc giảng dạy diễn ra suôn sẻ, trôi chảy. Họ cũng cần có những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy, ‘giữ’ được học sinh trong ‘lớp học’, duy trì sự chú tâm của học sinh vào các nhiệm vụ và hoạt động học tập. Họ là yếu tố hàng đầu và quan trọng nhất quyết định sự thành công của đào tạo trực tuyến và quá trình chuyển đổi số.

Nhà trường truyền thống hầu như không có ‘định biên’ cho nhân viên IT. Nhưng khi triển khai đào tạo trực tuyến diện rộng, một số vị trí hành chính không còn, thay vào đó là nhu cầu lớn đội ngũ kỹ thuật viên. Tất nhiên các nhà trường luôn có giải pháp thuê ngoài dịch vụ này nhưng phân bổ chi thường xuyên thay đổi, dẫn tới việc thực hành quản trị và quản lý tài chính nhà trường cũng thay đổi theo.

Yếu tố quan trọng tiếp theo quyết định ý nghĩa của chuyển đổi số là sự sẵn sàng tiếp nhận của người học.


Hình 1 Khung chuyển đổi số trong giáo dục cấp hệ thống.

Khi năm học 2019-2020 bị gián đoạn do dịch Covid-19, chúng tôi đã thực hiện một khảo sát về ‘mức độ sẵn sàng đối với học tập trực tuyến’ với giảng viên và sinh viên đại học. Kết quả khảo sát cho thấy người học có mức độ sẵn sàng để học trực tuyến thấp hơn rất nhiều so với giáo viên. Có tới trên 76% số sinh viên tham gia khảo sát (nhiều ngành và nhiều tỉnh, thành khác nhau) chưa sẵn sàng cho học tập trực tuyến, vì nhiều lý do. Bên cạnh những lý do kỹ thuật như trang thiết bị và hạ tầng viễn thông, có những vấn đề do phương pháp và kỹ thuật giảng dạy của giảng viên đã chưa thuyết phục được người học. Người học cần được chuẩn bị về tâm thế, tinh thần và kỹ năng, và được hỗ trợ để đảm bảo điều kiện hạ tầng thiết bị đủ để thực hiện học tập trực tuyến. Họ cũng cần được hướng dẫn về phương pháp học tập trực tuyến sao cho hiệu quả.

Văn hóa giáo dục số, gồm các vấn về đề thái độ học tập, hiểu biết về đạo đức học thuật, tính tự giác, ý thức về học tập suốt đời (lifelong learning) cũng như cần được xây dựng phát triển trong cộng đồng người học và người dân nói chung. Đối với đào tạo trực tiếp, việc kiểm soát quá trình đào tạo phần lớn thuộc về cơ sở giáo dục và giáo viên, trong khi đối với đào tạo trực tuyến, người học cũng phải chia sẻ nhiệm vụ này.

Cuối cùng, về lâu dài để giáo dục trực tuyến có thể phát triển bền vững, nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo sư phạm cần bổ sung các nội dung và trọng tâm nghiên cứu ứng dụng về giáo dục trực tuyến để hỗ trợ các nhà quản lý và giáo viên phát triển chuyên môn và năng lực.

Trên cơ sở những phân tích này, chúng tôi đề xuất khung định hướng chuyển đổi số cấp hệ thống trong giáo dục gồm 6 yếu tố. Khung này được phát triển có tham khảo khung chuyển đổi số cấp tổ chức do Bumann và Peter (2019) đề xuất (Hình 1)*.

5. Những thách thức: Ai có thể bị bỏ lại phía sau khi chuyển đổi số?

Trước tiên, điều dễ thấy là chuyển đổi số đòi hỏi hạ tầng viễn thông phát triển ở một mức độ nhất định, mà yếu tố này liên quan nhiều đến mức độ phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương. Do vậy, ngành giáo dục không thể đi một mình mà phải đồng hành, phối hợp với các ngành khác. Việc này có thể là thách thức đáng kể bởi họ vốn quen hoạt động và vận hành độc lập.

Thêm vào đó, khi chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố bối cảnh, nó là cơ hội cho nhóm đối tượng này, cho địa phương hay quốc gia này lại là thách thức cho đối tượng khác, địa phương và quốc gia khác. Cách thức và quá trình chuyển đổi không có một công thức chung, đòi hỏi lãnh đạo ngành cần phải đề ra chiến lược, giải pháp và lộ trình chuyển đổi riêng cho mình mà không có nhiều sự tham khảo từ kinh nghiệm và thực tiễn từ các ngành khác, các quốc gia khác.

Thứ ba, chuyển đổi số trong giáo dục được kỳ vọng sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên nếu bài toán về hạ tầng mạng, thiết bị và giải pháp công nghệ không được đáp ứng, bài toán về chuyển đổi năng lực của giáo viên không được giải quyết, trải nghiệm học tập ‘số’ đối với cả giáo viên và người học có thể trở thành thảm họa. Một loạt các nguy cơ hiển hiện như hành vi học tập có thể bị lệch lạc, hoạt động giáo dục không được kiểm soát; chất lượng giáo dục bị thả lỏng. Sẽ rất nguy hiểm nếu như chúng ta ‘đánh rơi’, để lạc mất người học trong không gian ảo mênh mông.

Vấn đề thứ tư, chuyển đổi số sẽ liên hệ thế nào với câu chuyện bất bình đẳng trong giáo dục. Ta thường nghĩ việc số hóa hoạt động giáo dục sẽ đem lại ‘sự bình đẳng số’ (digital equity) nhờ ưu thế tiếp cận công nghệ không giới hạn không gian và thời gian. Tuy nhiên việc này cũng có thể đào sâu hơn nữa sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền và học sinh có điều kiện kinh tế xã hội (SES) khác nhau. Những học sinh không được tiếp cận hạ tầng viễn thông tốt ở miền núi hoặc vùng nông thôn sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, không chỉ trong tiếp cận giáo dục chất lượng cao mà còn cả giáo dục căn bản như các nguồn tài liệu, học liệu quan trọng cho việc học tập. Những học sinh xuất thân từ những gia đình khó khăn không có những thiết bị tối thiểu hoặc không đủ khả năng chi trả chi phí dịch vụ viễn thông cũng sẽ là đối tượng có nguy cơ tụt hậu.

Học sinh khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị hoặc các khuyết tật vận động cản trở thao tác, điều khiển thiết bị) cũng có nguy cơ lớn phải hứng chịu bất bình đẳng số do những vấn đề liên quan tới các yếu tố đầu vào (sách vở, tài liệu, ngôn ngữ, trang thiết bị…) lẫn quá trình giáo dục (thao tác điều khiển, giao tiếp với thiết bị, phần mềm, giáo viên…). Đơn cử việc số hóa tài liệu, học liệu cho nhóm đối tượng phải sử dụng hệ ngôn ngữ riêng như ngôn ngữ ký hiệu chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế, không được ưu tiên, gây nhiều bất lợi, thiệt thòi cho nhóm người học này.

Cuối cùng, chuyển đổi số tạo điều kiện phát triển các cộng đồng học tập chuyên nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên quy mô rộng thông qua các diễn đàn trực tuyến. Ngoài ra còn có rất nhiều công cụ hay hỗ trợ giáo viên thiết kế tài liệu, xây dựng bài dạy. Đây được xem là cơ hội phát triển nghề nghiệp chuyên môn rất tốt cho đội ngũ giáo viên, nhưng những công cụ công nghệ này cũng khiến cho việc sao chép, nhân bản hồ sơ, giáo án, bài soạn, thậm chí cả việc đánh giá, nhận xét người học trở nên đơn giản và dễ dàng. Điểm thách thức lớn nhất đối với chuyển đổi số có lẽ là làm thế nào để đảm bảo việc học tập và giảng dạy cũng như các hoạt động giáo dục là thực chất.

Có lẽ còn nhiều vấn đề nữa sẽ nổi lên trong quá trình thực hiện mà chúng tôi chưa lường hết trong phạm vi bài viết này.

Kết luận

Trong giáo dục, chuyển đổi số là chuyển đổi toàn bộ những gì cần để có thể triển khai giáo dục trực tuyến. Không có một công thức dành riêng cho quá trình này, nhưng hoàn toàn có thể vận dụng các khung đánh giá hiệu quả giáo dục cũng như các khung đảm bảo chất lượng giáo dục để định hướng quá trình chuyển đổi. Vai trò lãnh đạo, tổ chức, điều phối, huy động nguồn lực cấp hệ thống sẽ là then chốt quyết định hình hài của giáo dục mới. Bên cạnh việc hướng đến đảm bảo hiệu quả giáo dục, cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi đối tượng người học, kể cả học sinh nghèo và khuyết tật, để không ai bị bỏ lại phía sau là một mục tiêu quan trọng mà chuyển đổi số phải đạt được.□

----------

Chú thích:

* Bumann, Jimmy & Peter, Marc. (2019). Action Fields of Digital Transformation - A Review and Comparative Analysis of Digital Transformation Maturity Models and Frameworks.

 

Đỗ Thị Ngọc Quyên

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 05.02.2021.

Vì dịch bệnh, hơn 300 cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã tham dự lễ truy điệu trực tuyến để tưởng nhớ giảng viên trẻ vừa mất vì COVID-19. 

Ngày 12-9, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) và gia đình đã tổ chức Lễ truy điệu đặc biệt, theo hình thức online cho giảng viên trẻ, Th.S Nguyễn Thanh Phong vừa mất vì nhiễm COVID-19.

Th.S Trần Nam, Trưởng phòng truyền thông và Tổ chức Sự kiện của trường, cho biết đây là lần đầu tiên trường phải tổ chức một lễ truy điệu đặc biệt như vậy. Do điều kiện dịch bệnh phức tạp, hơn 300 người là cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường từ nhiều nơi đã tham dự qua ứng dụng trực tuyến để tưởng nhớ về một đồng nghiệp, một người thầy.

Dù là buổi lễ online, chỉ thông qua ứng dụng trực tuyến, nhiều người không khỏi xúc động, bày tỏ những lời chia buồn sâu sắc, những tình cảm thân thương về một giảng viên trẻ.

20210913 2

Hình ảnh tại Lễ truy điệu trực tuyến

Được biết, ThS. Nguyễn Thanh Phong sinh năm 1974 tại xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Thầy đã có 25 năm gắn bó với Trường ĐH KHXH&NV. Trước khi mất, thầy là giảng viên Bộ môn Việt ngữ học và Phương pháp giảng dạy tiếng Việt thuộc Khoa Việt Nam học của trường.

Tuy nhiên, sau hai tháng không may nhiễm COVID-19, thầy đã qua đời vào sáng ngày 11-9.

Khi nghe tin giảng viên Phong qua đời, nhiều đồng nghiệp, sinh viên không khỏi bất ngờ vì thầy chỉ mới 47 tuổi. Thầy Phong được biết đến là một giảng viên đầy nhiệt huyết, tận tụy, tình cảm và nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện.

ThS. Trần Nam cũng cho hay, trong thời gian thầy bệnh, vì điều kiện giãn cách xa gia đình, nhiều thầy cô trong trường cũng đã thay nhau hỗ trợ, chăm sóc thầy Phong. 

Phạm Anh

Nguồn: Pháp luật TPHCMngày 12.9.2021.

Tại sao động lực học tập và những điều hay ho khác vốn gắn liền với các bé khi còn nhỏ lại dần mất đi? Người lớn chúng ta (nhà trường, gia đình và xã hội) đã làm gì cho các em? Có cách nào để giúp các em lấy lại và duy trì động lực không?

20210104 3
Ít ai đề cập đến đề tài “động lực” với trẻ thơ, lứa tuổi trước khi đến trường, bởi động lực là điều tự nhiên, được thiên nhiên ban tặng gắn liền với khả năng học hỏi của con người từ khi mới sinh. Hãy nhìn một đứa bé mở to mắt quan sát, nghe, sờ mó, nếm thử… rồi nỗ lực tự mình học nói, học đứng, học đi…; lớn lên chút nữa, bé đặt hàng ngàn câu hỏi cho người lớn vì tò mò, vì muốn biết. Bé học hỏi một cách tài tình với một động lực tự nhiên thúc đẩy từ bên trong, chứ không vì phần thưởng, vì phong trào, hay bất kỳ điều gì ép buộc từ bên ngoài.

Nhưng rồi điều tự nhiên tốt lành này mất dần theo thời gian, số lượng những câu hỏi ít dần theo năm tháng, theo trình độ lớp. Tại sao động lực học tập và những điều hay ho khác vốn gắn liền với các bé khi còn nhỏ lại dần mất đi? Người lớn chúng ta (nhà trường, gia đình và xã hội) đã làm gì cho các em? Có cách nào để giúp các em lấy lại và duy trì động lực không?

Đã có nhiều nghiên cứu dưới nhiều tiếp cận khác nhau đưa ra những đề nghị, chỉ cho chúng ta những con đường để khơi dậy động lực học tập của các em mà bài viết này muốn trình bày một cách ngắn gọn.

Trước hết cần xác định, động lực đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành bại của việc học (cũng như những việc khác). Có động lực mạnh thì dù có khó khăn đến mấy, người học vẫn có thể vượt qua và thành công. Ngược lại, nếu không có động lực thúc đẩy, thì dù điều kiện có đầy đủ thuận lợi, học sinh vẫn mệt mỏi, vẫn thấy khó khăn và thất bại. Do vậy, theo Giordan (2010) nhiệm vụ chủ chốt của giáo dục nói chung, của giảng dạy trong trường học nói riêng nên là một nghệ thuật, một công việc tạo ra động lực, truyền cảm hứng, kích thích sự tò mò, sự mong muốn khám phá vốn có nơi trẻ. Động lực được ví như một đóa hoa, nhưng lại là đóa hoa mỏng manh, cần được kiên nhẫn chăm chút với sự tôn trọng (Hourst, 2014). Môi trường và công việc giáo dục ở trường cũng như ở nhà nên có mục đích nhắm tới là giúp trẻ có được điều này.

Chân dung học tập và động lực

"Chân dung học tập" của một cá nhân bao gồm trong đó mạng lọc thông tin của cá nhân, môi trường học tập và các loại hình thông minh của cá nhân đó. Mỗi trẻ là một chủ thể duy biệt nên chân dung học tập cũng mang tính duy biệt. Trong bài “Người học là ai?1”, tôi đã nhấn mạnh khía cạnh sinh học, đặc biệt là cách vận hành của não bộ và mạng lọc thông tin, cách tiếp nhận kiến thức của cá nhân. Ở đây tôi xin được bàn đến các khía cạnh còn lại làm nên chân dung này.

Môi trường phù hợp rất quan trọng trong việc tạo ra và duy trì động lực học tập. Theo Hourst (2014), môi trường này gồm các yếu tố vật lý, cảm xúc, xã hội và trí tuệ.

Trước hết là môi trường vật lý: đó là vị trí không gian, sự bài trí của góc học tập, ánh sáng, âm thanh, mùi vị, tư thế. Chẳng hạn có học sinh cần yên tĩnh thì mới có thể tập trung, có em lại cần tiếng nhạc thì mới có thể học. Có học sinh ngồi yên, nhưng cũng có em (nhất là các trẻ thiên về vận động) phải đi qua đi lại, gác chân lên bàn, nhảy trên giường, thì mới có thể học…Để giúp học sinh khám phá ra bản thân, nên đặt câu hỏi: Cái gì, điều gì quan trọng với em liên quan đến không gian và môi trường vật lý xung quanh?


Học sinh cần phải biết mục tiêu, mục đích của việc học tập các môn này để làm gì? mục tiêu ngắn hạn dài hạn là gì? Trong ảnh: Học sinh nghe giảng về kiến thức sinh học ngay trong vườn trường. Ảnh: Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi. 

Môi trường cảm xúc liên quan đến những điều làm trẻ vui, buồn, cảm thấy an toàn, tự tin, hay làm trẻ lo lắng sợ hãi. Để giúp học sinh khám phá, hãy đặt với các em những câu hỏi: học sinh đánh giá cao khi người khác làm gì cho bản thân? Chẳng hạn người khác động viên, nêu ra những thành công, để ý đến những cảm xúc của em, hỗ trợ em lúc gặp khó khăn; hay nêu ra những khuyết điểm, để em tự xoay xở, nghiêm túc với em, đặt ra cho em những giới hạn, để em yên tĩnh khi không thành công… Mỗi trẻ mỗi khác, nên cần phát hiện ra cái riêng của từng trẻ. Điểm chung liên quan đến khía cạnh này là người lớn nên tạo cho con em mình một môi trường cảm xúc an toàn, nhiều yêu thương, giúp trẻ tự tin, có một hình ảnh tích cực về bản thân. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng “học sinh sẽ hành động, dấn thân vào việc học,  khi chúng cảm thấy tự tin, cảm thấy mình có khả năng tiến bộ, có năng lực học hành, cảm nhận được hỗ trợ, được công nhận với những tài năng, năng khiếu riêng của mình (Baumier-Klarsfeld, 2016, tr. 233).

Môi trường xã hội là những yếu tố liên quan đến sự tương quan với người khác trong việc học tập, chẳng hạn để học một cách hiệu quả, trẻ thích học với các bạn, với giáo viên, trẻ thích hợp tác, thích cạnh tranh thi đua, thích đặt các câu hỏi, hay thích học một mình, học với sách, tài liệu. Những học sinh nghiêng về trí thông minh giao tế xã hội, sẽ rất thích học tập, cộng tác với người khác, nhưng những đứa trẻ thiên về nội tâm, lại thích học, tự tìm tòi, tự suy ngẫm, nghiên cứu một mình.

Môi trường trí tuệ liên quan đến cách thức đón nhận thông tin của trẻ. Người lớn có thể đặt câu hỏi để tìm ra cái riêng của con em mình là: Trẻ tiếp nhận thông tin trong điều kiện thế nào là hiệu quả nhất? Trẻ chỉ có thể khám phá, đón nhận một thứ trong một lần, hay nhiều thứ cùng lúc? Trẻ thích một tiếp cận có trình tự, được cấu trúc chặt chẽ kiểu I, II, III rồi 1.1, 1.2, 1.3… hay một tiếp cận toàn diện, nhiều quan điểm cùng lúc? Trẻ thích tiếp cận lý thuyết trước sau đó là các ví dụ cụ thể, hay thích những ví dụ trước sau đó mới đúc kết thành lý thuyết sau? Trẻ thích sự hài hước nhiều nghịch lý trong cách trình bày của giáo viên hay thích sự duy lý, nghiêm túc? Trẻ thích chia sẻ quan điểm với người khác hay thích đặt những câu hỏi về những điều được học với người khác?

Mỗi học sinh là một chủ thể duy biệt, và sự duy biệt này cũng thể hiện trong môi trường học tập với bốn khía cạnh như đã nêu. Không có một môi trường lý tưởng chung dành cho tất cả học sinh, mà cần “khác biệt hóa” trong việc thiết kế nên những môi trường lý tưởng với từng trẻ. Khi người lớn cùng trẻ tạo ra một môi trường lý tưởng phù hợp và tôn trọng sự duy biệt nơi con em mình, thì trẻ sẽ luôn có động lực vì được là chính mình trong cách học và cuộc sống nói chung.

Một yếu tố bổ sung trong chân dung học tập, là các loại hình thông minh của trẻ. Nhà tâm lý học người Mỹ Howard Gardner (xem Thomas, 1999) đã đưa ra lý thuyết đa thông minh, lý thuyết này được công nhận và áp dụng ngày càng rộng rãi trong giáo dục trên thế giới. Theo đó, mỗi cá nhân đều sở hữu một chậu hoa thông minh trong đó có tám cành hoa: ngôn ngữ, toán – logic, thiên nhiên, vận động, âm nhạc, giáo tiếp xã hội, nội tâm, không gian – thị giác. Có những cành đã nở hoa khoe sắc, tức là những loại hình thông minh nổi trội, đã hiển lộ, dễ dàng nhận thấy; nhưng cũng có những cành đang ở dạng búp, chờ ngày nở hoa, tức là những hình thức thông minh đang ở dạng tiềm ẩn, cần được khám phá, chăm bón, tạo điều kiện để phát triển. Nhà trường và gia đình cần giúp từng học sinh khám phá ra chậu hoa các trí thông minh của mình để có cách thức chăm sóc phù hợp nhằm làm cho cả chậu hoa nở rộ, tô đẹp cho chính học sinh và cả xã hội. Đó cũng là một trong những cách thức tạo ra và duy trì động lực học tập nơi trẻ.

Trách nhiệm và động lực

Trẻ sẽ có động lực khi thấy mình có liên quan và có trách nhiệm với việc học. Như vậy, người lớn phải làm sao để trẻ cảm thấy có sự liên đới, thấy mình chính là “tác giả” hay đồng tác giả của những gì được học, của những mục tiêu, các kế hoạch học tập, cũng như nội dung chương trình giảng dạy, chứ không phải là “tờ giấy trắng” thụ động, chịu sự áp đặt hoàn toàn của người lớn.

Để có điều này, cha mẹ, giáo viên nên thường xuyên làm cho trẻ suy nghĩ về mục tiêu, ý nghĩa và các lợi ích của sự học. Chẳng hạn làm cho trẻ thấy được việc học một điều cụ thể nào đó giúp ích gì cho trẻ, liên quan gì đến trẻ ngay hiện tại và trong tương lai. Hay nói cách khác, cùng trẻ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi căn bản: Học để làm gì? Câu trả lời phải đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và liên quan đến cuộc sống hằng ngày của trẻ, ví dụ, học tiếng Việt là để có thể đọc được những nhãn dán trên các sản phẩm khi con đi siêu thị, để đọc những cuốn sách con yêu thích, để trả lời email, tin nhắn của bạn bè; học toán để biết tính tiền túi khi mua một món đồ, để biết cộng các khoản chi tiêu trong gia đình hằng tháng, v.v.

Liên quan đến cách học cũng vậy, để làm cho trẻ thấy mình có sự liên đới, người lớn có thể đặt câu hỏi: “Theo con, làm thế nào để học được điều này một cách tốt nhất ?” Từ những trả lời của trẻ, người lớn giúp trẻ tìm ra những cách học tốt nhất phù hợp với từng em, và từng vấn đề cụ thể như đã trình bày ở trên.

Tóm lại, người lớn không lảng tránh những câu trả lời khi trẻ đặt ra các câu hỏi về việc học, về cách học. Và nếu trẻ không đặt các câu hỏi thì người lớn nên thường xuyên đặt câu hỏi với trẻ để giúp trẻ suy nghĩ về mục tiêu và ý nghĩa của những điều đang học. Nếu cả trẻ và người lớn tìm không ra lợi ích, ý nghĩa của một môn học, của một kiến thức nào đó với chính trẻ ở hiện tại hay trong tương lai một cách rõ ràng, thì nên xem xét lại nội dung chương trình giảng dạy.

Mục tiêu học tập và động lực

Học sinh sẽ cảm thấy có trách nhiệm và có động lực, khi các em có mục tiêu học tập rõ ràng. Mục tiêu (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn) đó phải là của trẻ, xuất phát từ trẻ, chứ không phải là của cha mẹ, giáo viên hay nhà trường. Nếu mục tiêu chỉ là sự áp đặt một chiều đến từ người lớn, thì trẻ sẽ không có động lực bởi lúc đó học sinh sẽ thấy học hành là vì người khác và cho người khác chứ không phải vì bản thân và của bản thân. Mục tiêu phải khả thi, có một chút tham vọng, và liên quan đến lợi ích của học sinh. Thay vì áp đặt, người lớn cần tin tưởng vào trẻ, vào khả năng tự đánh giá bản thân nơi trẻ, cùng trẻ xây dựng các mục tiêu, để trẻ tự quyết tham gia các hoạt động giáo dục, thể hiện bản thân.

Người lớn có thể đặt những câu hỏi như: mục tiêu của trẻ với môn học này (với học kỳ này, năm học này hay cấp học này) là gì? Tại sao trẻ lại muốn như thế? Từ những câu trả lời, người lớn có thể bàn thảo, góp ý với trẻ, cùng trẻ thiết kế nên những mục tiêu phù hợp với bản thân, làm cho trẻ thấy được chính trẻ là tác giả, hay ít nhất là đồng tác giả của những mục tiêu học tập, chứ không phải học vì người khác hay cho người khác.

Xét về mặt não bộ, “khi trẻ phải chọn một nhiệm vụ và những thứ cần để hoàn thành nhiệm vụ này, trẻ sẽ cảm thấy có sự liên đới nhiều hơn, trẻ sẽ có một cái nhìn tích cực về việc học, về mục tiêu của mình. Có sự phóng thích của hai chất endorphin (dopamine và serotonin), chúng liên quan đến trạng thái tự tin và mức độ thấp của stress. Ngược lại, khi trẻ thiếu đi sự lựa chọn, trẻ sẽ cảm thấy bị gò bó; bộ não sản sinh ra chất dẫn truyền thần kinh (chất cường giao cảm / norepinephrine) có hiệu ứng ức chế mạnh. Trong tình trạng này của não bộ, tinh thần đi xuống, hiệu quả học tập kém, động lực bị suy sụp” (Hourst, 2014, tr. 174).

Kết luận

Động lực học tập nơi học sinh không bao giờ phát triển theo một đường thẳng từ dưới lên, mà là một đồ thị hình sin, có lúc lên cao, tinh thần khí thế hừng hực, nhưng cũng lắm lúc đi xuống, tinh thần chán nản, cơ thể mệt mỏi. Điều quan trọng là giúp trẻ ý thức được ý nghĩa của việc học, ý thức được tâm trạng lên xuống là điều bình thường, ý thức được những thứ xung quanh có thể tác động lên cảm xúc và suy nghĩ của bản thân, có được những kỹ thuật (như hít thở, yoga, nghỉ ngơi, những động tác thư giãn…) để lấy lại năng lượng, điều chỉnh tinh thần, lướt thắng những khó khăn, những cảm xúc tiêu cực và sự nhụt chí nhất thời, duy trì một mũi tên động lực phát triển đi lên xét về đường dài.

Người lớn cũng cần phân biệt giữa chuyện con em mình thiếu động lực và chuyện thiếu kỹ năng, chẳng hạn trẻ không biết làm thế nào để chủ động sắp xếp việc học, việc nhà…). Trong trường hợp thiếu kỹ năng, người lớn cần huấn luyện kỹ năng cho trẻ (đây lại là một chủ đề khác).

Tóm lại, khi người người lớn chúng ta thực sự đặt trẻ làm trung tâm, thật sự quan tâm đến lợi ích của trẻ, thực sự tôn trọng sự duy biệt nơi trẻ, xem trẻ là một chủ thể chủ động tương tác, và tham gia vào quá trình trình giáo dục, từ việc xác định nội dung chương trình, mục tiêu học tập, môi trường học tập và cách thức học tập, thì trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng, có sự liên đới, có trách nhiệm và những điều này mang lại động lực bên trong, có tính lâu dài nơi trẻ.

Việc giúp học sinh tìm ra “chân dung học tập” của riêng mình và cho phép các em học hành với chân dung đó, là công việc của người làm giáo dục (giáo viên, phụ huynh và những tác nhân khác). Công việc này cần “khác biệt hóa”2, bởi không có một mẫu số chung, một chân dung lý tưởng chung dành cho tất cả các trẻ. Đây là công việc thuộc nội dung “học về sự học”3, chứ không phải là việc truyền tải kiến thức.

Công việc này là một nghệ thuật, phải được thực hiện với từng con người cụ thể riêng biệt, chứ không phải là một công thức chung được áp đặt hàng loạt. Sự áp đặt đồng loạt là cách hủy hoại nhanh nhất động lực của cá nhân, làm ức chế, ngăn cản khả năng tiềm tàng của hàng triệu bộ não trẻ thơ vốn được Thượng đế ban tặng một cách hào phóng và công bằng. Áp đặt cũng không phải là cách để hệ thống giáo dục tạo ra những triết gia, những nhà khoa học, những nhà nghệ thuật với những phát minh, phát kiến, những đóng góp lớn cho đất nước và thế giới.θ

Nguyễn Khánh Trung

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 30.12.2020.

 

Chú thích:

1 Đăng trên Tia Sáng (số 13, ngày 5/7/2020).

2 Tác giả đã trình bày trong bài “Khác biệt hóa trong giáo dục” đăng trên Tia Sáng (số 14 ngày 5 /8/2020).

3 Tác giả đã trình bày trong bài “Học về sự học” đăng trên Tia Sáng (số 15 ngày 5 /9/2020).

 

Tài liệu tham khảo

Baumier-Klarsfeld, A. (2016). Réveiller de désir d’apprendre. Paris: Albin Michel.

Hourst, B. (2014). J’aide mon enfant à mieux apprendre. Paris: Eyrolles.

Giordan, A. & Saltet J. (2010). Changer le collège c’est possible!  Paris: Play Bac Éditions.

Thomas, A. (1999). 7 loại hình thông minh – Nhận biết và phát triển trí năng tiềm ẩn (Dịch bởi Mạnh Hải và thu Hiền, 2018). Hà Nội : Nxb : Lao Động – Xã hội.

Đang kẹt dịch Covid-19 ở Bình Dương chưa về quê chồng bên Mỹ được, nhà văn Lý Lan viết bài chống dịch cùng đồng bào trên Facebook nhà mình. Vẫn cách viết ấy, rất văn, rất hài, rất Lý Lan…

Nhà văn Lý Lan

Trang Lý Lan trong sách giáo khoa Tiếng Việt 2 (tập 2) bộ Chân trời sáng tạo là bài tập đọc Chuyện của vàng anh chỉ gồm 182 âm tiết. Nhưng quá trình làm ra “văn liệu” cho bài ngắn này lại thật dài. Bắt đầu từ khi Lý Lan viết truyện Lời chào lá non với khoảng 600 âm tiết, trong tập truyện Ngôi nhà trong cỏ - tập truyện đoạt giải A cuộc thi sáng tác cho nhi đồng (1982-1984) do NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Mở ra thế giới kỳ diệu cho học sinh

Năm 2012 trong sách Ô cửa bầu trời cũng của NXB Kim Đồng, truyện Lời chào lá non được đổi tên thành Ban mai dài tới 1.072 âm tiết do tác giả thêm vào truyện cũ, chuyện của nhân vật mới con chim vàng anh. Sách Tiếng Việt 2 lấy đoạn trích Chuyện của vàng anh, từ truyện Ban mai:

“Vàng anh vừa thức giấc. Nó ngạc nhiên bởi có cái gì mới lắm, lạ lắm. Nó tò mò nhìn lá non: “Bạn ở đâu đến vậy?” “Em mới mọc lên đêm qua” “Còn bác lá vàng đâu?”“Bác ấy đã về cội ạ”. Ra thế! Chỉ qua một đêm, lá vàng đã rụng xuống cho lá non mọc lên. Phải chia sẻ điều này với cỏ non thôi! Nó vừa sà xuống bãi cỏ đã nghe tiếng cười. Cỏ non cũng lạ ghê chưa, đã lớn rồi! Một đóa hồng đỏ thắm đang cười rất tươi với nó. “Hôm qua bạn còn là nụ kia mà?”. “Qua một đêm ngậm sương sáng nay tôi đã nở”. “Vậy ra các bạn đều thức suốt đêm qua để lớn lên!”. Rồi nó nói tiếp: “Còn tôi, đêm qua, tôi nằm mơ thấy mình bay giữa đồng cỏ xanh. Nơi đó có hoa tỏa ngát hương, tất cả các loài đều biết hót. Rồi nó cất tiếng hót: “La la la la! La lá la la...”.

Để truyện đồng thoại Ban mai vừa với kích tấc sách giáo khoa lớp 2, nhóm biên soạn cắt bỏ đoạn truyện có nhân vật nanh ác - con sâu ăn lá, cùng anh hùng tắc kè, người đã tiêu diệt con sâu. Nhóm biên tập đã bỏ đi chất kịch gay cấn, chỉ giữ lại cho học sinh lớp 2 chất thơ bay bổng. Vì thế trong phần Cùng sáng tạo với trò chơi “giọng ai cũng hay” ở cuối bài học, các em được phân 4 vai để đọc diễn cảm, chứ không phải phân vai để diễn kịch.

Chất thơ Lý Lan, còn có ở bài văn xuôi đầu tiên sách Ngữ văn 7 (tập 1), bộ sách còn dùng trong năm học 2021 - 2022. Đó là tản văn Cổng trường mở ra dài 2 trang in, kể chuyện:

“Vào đêm trước ngày khai trường của con, mẹ không ngủ được… Ngày mai… Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kỳ diệu sẽ mở ra”.

Khác với Chuyện của vàng anh, bài tản văn Cổng trường mở ra vừa in ra trên báo thì được tuyển ngay vào sách giáo khoa. Nguyên Tổng biên tập Nguyễn Quang Thọ, người duyệt in bài báo này cho biết: “Cổng trường mở ra in trên báo Yêu trẻ ra ngày 1/9/2000, hôm nay đọc lại tôi vẫn thấy xúc động như đọc lần đầu. Lý Lan viết kỹ lưỡng. Bằng ấy năm cộng tác, tôi không phải sửa bài bao giờ… Báo Yêu trẻ nghèo, nhuận bút rất hẻo, nhưng thay vì gửi bài cho báo khác nhuận bút "xôm" hơn, chị vẫn gửi cho Yêu trẻ. Có lẽ với chị Yêu trẻ mới xứng đáng được in những bài như Cổng trường mở ra.

Lý Lan “yêu trẻ”, yêu đối tượng văn học của mình tới mức như chị từng nói: “Nếu cả đời tôi chỉ viết được 1 truyện trẻ em xứng đáng là văn học thiếu nhi, là đủ cho tôi mãn nguyện về nghề nghiệp” (Thể thao và Văn hóa, 12/4/2009 ). “Văn học thiếu nhi chiếm cái gác xép trong ngôi nhà sáng tạo của tôi… nơi tôi cất giữ buồn vui thương nhớ, là chỗ tôi lẳng lặng tìm về, quên tất cả những thứ ở “tầng dưới”, tâm hồn được thanh lọc, và mình đơn giản là mình” (Thanh niên, 1/6/2011).

Bài “Chuyện của vàng anh” của Lý Lan trong sách “Tiếng Việt 2” (tập 2)

Bút pháp luôn biến đổi

Thế giới nhân vật của Lý Lan hết sức phong phú đa dạng. Đó là kết quả của một bút pháp luôn biến đổi. Lý Lan viết tiểu thuyết tư liệu Chân dung người Hoa ở TP.HCM (NXB Văn hóa Thông tin, 1994) để có những nhân vật mang tên thật của mình, Phùng Há, Hồ Anh, Ngô Liên, Lê Thị Riêng…

Trong tiểu thuyết hư cấu Lệ Mai (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1998 và đã chuyển thể thành phim truyền hình), bà mẹ trẻ Lệ Mai dẫn người đọc, người xem thâm nhập đất Chợ Lớn nơi bà con gốc Hoa đóng góp nhiều nét đẹp văn hóa cho đất Việt để chứng kiến cuộc sống đang đổi thay theo hướng tích cực.

Lý Lan tìm được không gian nghệ thuật thật độc đáo khi để nhân vật bé Viễn thả diều từ các mái tôn của một xóm nghèo phố thị. Ở vị trí ấy, cậu bé máu nghệ sĩ, buộc dây nối mình với trời xanh, trong khi tai phải nghe những chuyện “dưới đáy” từ sàn nhà chật chội dội lên, vậy mà tấm lòng trẻ thơ vẫn hướng thiện, biết hứa với mẹ, lớn lên không nhậu nhẹt đập phá như ai - “Lớn lên con thả diều má à” (Thả diều, NXB Trẻ, 1996). Bằng cách kết khi truyện đạt cao trào, Lý Lan đề nhân vật nam sinh PTTH tên Châu, bị gia đình và nhà trường bỏ rơi khiến “Châu cúi gầm đầu đi ra bãi giữ xe, nhảy lên xe, rồ máy nổ ình ình, nhả khói đầy sân trường rồi phóng vọt qua cổng vượt qua đèn đỏ, vượt qua xe buýt, vượt qua những con mắt khó chịu của khách đi đường, Châu phóng xe như điên mà không biết mình đi đâu (Những người lớn, NXB Kim Đồng, 1992). Truyện hết mà chưa hết chuyện, nhà giáo - nhà văn Lý Lan đưa nhân vật văn học của mình, tới một giao lộ đầy hiểm nguy để bàn giao cho cuộc sống. Bàn giao trước khi sáng tạo một nhân vật mới!

Danh sách nhân vật đáng nhớ của Lý Lan kéo dài khi bà lấy ngay những bạn văn vong niên, đồng niên với mình làm mẫu, để có hẳn một tập chân dung Khi nhà văn khóc (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1999) kể chuyện “Đứa con lưu lạc năm mươi năm” trở về với người cha tinh thầy Lý Văn Sâm. Kể chuyện Trang Thế Hy “lần đầu tiên” “nói không đúng sự thật” để gương mặt bà mẹ chiến sĩ “tỏa lan một niềm hạnh phúc khó tả”; kể chuyện “Ở tuổi quá lục tuần, nhà văn Sơn Nam lần đầu tiên trong đời nhìn thấy sông Hồng từ trên không phận Bắc Bộ. Lúc ấy trời trong, gió nhẹ, ít mây, cơ trưởng vừa thông báo rằng thời tiết bên ngoài tốt và máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Cánh máy bay dường như chao nghiêng, nhà văn nhìn đăm đăm qua ô cửa kính. Bất chợt từ đôi khóe mắt già nua từng chứng kiến bao cảnh đời dâu biển, 2 giọt lệ không dừng được ngập ngừng một thoáng rồi lăn xuống vội vàng”.

Sắc sảo và hài hước

Lý Lan trong vai trò nhà báo từng giữ chuyên mục thể thao cho báo Người lao động. Bà hài hước khi bình luận bóng đá: “Coi đá banh mà không có người cùng bình luận, cụng ly thì đúng là thấy nó dở ẹc… Nghỉ giải lao giữa 2 hiệp, tôi ra sân nhà mình làm vài động tác thể dục cho giãn gân cốt để chuẩn bị thưởng thức hiệp 2. Ông hàng xóm lại xuất hiện, tâm sự: Nãy giờ tôi cũng thử xóc-cờ (soccer - bóng đá), nhưng thú thiệt, chơi một banh không khoái bằng chơi cả banh lẫn chày”.

Nhưng khi cần phản biện xã hội. Nhà báo Lý Lan nghiêm túc, kỹ lưỡng, sắc sảo. Đứng trước con suối đang bị tắc nghẽn đang chết, bà ngậm ngùi:“Nhờ mấy trận mưa vừa qua, con suối lại róc rách chảy, nhưng nước đục lợn cợn, mùi hôi hóa chất cùng chất thải công nghiệp theo dòng suối vào từng con mương thấm vào những mảng vườn măng cụt, sầu riêng. Phất phơ hai bên bờ suối những bao ni-lông và các thứ rác của xã hội tiêu dùng… ống hút, dây thun, giấy gói quà, bình nhựa... tôi đứng lặng yên nghe đứa nhỏ trở về trong tôi bật khóc”.

Nhìn các trường học phá tường rào mở ki-ốt bán buôn gây ô nhiễm môi trường sư phạm bà phẫn nộ, mai mỉa: “Nếu cứ đập trường ra xây ki-ốt như vậy, liệu có phải chỉ gạch ngói tan tác không? Ai lường được cái giá sẽ phải trả cho sự đổ vỡ trong tâm hồn trẻ thơ… Hay ta quan niệm rằng tu giữa chợ mới chóng đắc đạo nên đem chợ búa bao vây trường học cho các em sớm thành... con buôn?”.

Đang kẹt dịch Covid-19 ở Bình Dương chưa về quê chồng bên Mỹ được, nhà văn Lý Lan viết bài chống dịch cùng đồng bào trên Facebook của mình. Vẫn cách viết ấy, rất văn, rất hài, rất Lý Lan: “Bữa nay (30/7/2021) hẻm vô nhà tui đã giăng dây, để chặn mấy người "né chốt" luồn đường hẻm. Tui không đi ra đường, không biết chốt chặn chỗ nào. Nhưng như vậy là người giao hàng không thể vô tới sân nhà tui nữa, tui phải ra tận chỗ giăng dây giao dịch. Thôi, khỏi giao luôn cho khỏi dịch. Bèn kê biên lại thực phẩm thiết yếu trong nhà. Gạo còn hơn 4 bịch, muối còn cỡ 3 ký. Ngay cửa có cây ớt hiểm. Cóc Thái sau nhà đang có trái. Yên tâm. Tuy bắt cá ăn hết rồi nhưng từ giờ đến cuối tháng sau vẫn bảo đảm ngày 3 bữa cơm và cóc chấm muối ớt…”.

Vài nét về nhà văn Lý Lan

Nữ nhà văn Lý Lan sinh 1957 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, khoa Anh văn, và cao học (M.A.) Anh văn ở Đại học Wake Forest (Mỹ). Bà từng dạy học ở Long An và TP.HCM, là dịch giả bản tiếng Việt Harry Potter, là tác giả 30 tác phầm văn học gồm truyện, thơ, tiểu thuyết, tản văn, chân dung... Bà hiện sống ở Mỹ và Việt Nam.

Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/gap-lai-tac-gia-duoc-dua-vao-sgk-cong-truong-mo-ra-voi-ly-lan-n20210804143210025.htm

Vụ bán bằng giả ở Đại học Đông Đô không chỉ là một vụ án đơn thuần mà nó là hồi chuông báo động về chủ nghĩa bằng cấp ở Việt Nam hiện nay, thứ đang biến con người trở thành nô lệ của bằng cấp thay vì tham chiếu trên chính năng lực thực.

Lối tắt bằng giả

Trên mạng xã hội nổi tiếng Quora từng có một câu hỏi khá thú vị như thế này: Nếu cố nhà sáng lập của Apple là Steve Jobs không có bằng đại học, vậy thì tại sao mọi người lại cần bằng đại học để được nhận vào làm việc cho tập đoàn này?

Câu trả lời nhận được nhiều nút đồng tình (upvote) nhất có nội dung như sau: “Hãy tạm bỏ qua chuyện trình độ của Steve Jobs, chắc bạn cũng đồng tình rằng công việc của bộ phận tuyển dụng là “tìm ra ứng viên phù hợp”.

Bây giờ, khi một công ty nổi tiếng như Apple tuyển bất kỳ vị trí nào, tôi đoán là họ có thể nhận được cả trăm hồ sơ cho một vị trí việc làm, giờ thì ta có một thách thức cho bộ phận nhân sự. Làm thế nào bạn có thể lọc được những người này, những người bạn thậm chí có thể muốn phỏng vấn hoặc không? Nếu bạn phải phỏng vấn tất cả các ứng viên, nó có thể tốn rất nhiều giờ.

Vì vậy, bạn cần một số loại chỉ số mà bạn có thể sử dụng như một công cụ kiểm tra để lọc ra những người bạn muốn trò chuyện. Và may/hoặc không may là trong thế giới hiện đại, điều này được gọi là bằng cấp.

Tất nhiên, bạn sẽ luôn tìm thấy những người tài năng, những người chưa từng đến một lớp học nào ở bất kỳ trường đại học nào. Nhưng, từ góc độ đơn giản là tìm một người có thể làm được việc X, cách dễ nhất để tăng cơ hội tìm thấy họ là bằng cấp.

Câu trả lời này có thể chấm dứt những tranh cãi quanh nhu cầu bằng cấp, nhờ chỉ ra được bản chất của việc chọn người thông qua tấm bằng của anh ta: về mặt xác suất, thì trong số 100 người có bằng đại học, khả năng là một tổ chức sẽ chọn ra được tỉ lệ người làm được việc cao hơn nếu cố lựa ra từ 100 người không có bằng đại học.

20201229 4

Ảnh: L.G

Đấy đơn giản là một “lối tắt” để chúng ta có thể tăng tốc độ lựa chọn. Một người không có bằng cấp kiểu Steve Jobs là dạng kỳ nhân, triệu người mới có được một.

Nhưng, lý thuyết xác suất này dường như đang diễn ra ngược lại ở Việt Nam. Trong vụ án nghiêm trọng ở Đại học Đông Đô mới bị phanh phui, cơ quan chức năng phát hiện trong số 626 bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh do trường này cấp, chỉ làm việc được với 217 trường hợp (bao gồm 1 người đã chết) và có đến 193 người đã được cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh mà không cần qua đào tạo, tuyển sinh, thi cử, trong đó 55 người đã sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 người thi nâng ngạch thanh tra viên và 1 sử dụng xét tuyển thạc sĩ.

Tức là xác suất để chọn ra một người biết tiếng Anh từ những trường hợp đã được cấp bằng ngoại ngữ này thậm chí có thể thấp hơn nhiều lần việc đi tìm trong cộng đồng người bản xứ ở một bản làng du lịch ở Sapa (Lào Cai). Tấm bằng lúc này không còn là một lối tắt để lựa chọn người phù hợp nữa.

Cuối năm ngoái, một nữ trưởng phòng hành chính - quản trị (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) bị phát hiện dùng bằng cấp 3 giả (lấy từ chị gái) để làm việc và thăng tiến. Trong nhiều năm, qua 3 đời chánh văn phòng tỉnh ủy, bà này đã đi học trung cấp, liên thông lên đại học, học đến thạc sĩ và leo lên vị trí trưởng phòng trót lọt.

Đấy là sự báo động không chỉ của giáo dục: tấm bằng mà chúng ta cứ nghĩ rằng đã đào tạo ra một cán bộ phù hợp và có năng lực cho hệ thống, hóa ra không quan trọng đến thế. Có người dùng bằng giả, chẳng học hành vẫn có thể làm việc sờ sờ ra đấy, thậm chí leo cao trong hệ thống, như một trò đùa.

Dĩ nhiên, không phải vì họ là Steve Jobs, có năng lực đến nỗi bằng cấp chỉ là hình thức (đến độ đi mua cho nó nhanh). Bà trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk đã nói ở trên về sau khai nhận rằng mình làm giả bằng cấp 3 để vào nhà nước vì chỉ mong có một công việc mưu sinh, chứ chẳng mưu cầu to lớn gì. Hãy cứ cho là bà nói thật thì đơn giản là chúng ta không có một hệ thống đào thải đủ mạnh: nếu công việc trong cơ quan nhà nước có thể trở thành một cuộc sát hạch khốc liệt về trình độ của những người đi mua bằng thì bằng giả sẽ không thể thành một phong trào đương nhiên như con voi trong phòng như vậy.

Nhưng, đào tạo nguồn lực và tuyển chọn con người vào hệ thống công quyền dường như luôn ngược lại với thị trường lao động thông thường. Các công ty tư nhân chọn nhân sự bằng các quy trình tuyển lựa khắt khe, thử lửa họ bằng các KPI (chỉ số đo hiệu suất làm việc), thu hút họ bằng đãi ngộ và triết lý doanh nghiệp; trong khi tuyển dụng vào cơ quan nhà nước nhiều năm có thể chỉ dựa trên sự quen biết, hiệu quả dựa trên sự đánh giá của cấp trên trực tiếp mang tính hành chính hơn là con số khách quan và mức lương phẩy cơ bản vài triệu đồng.

Dường như có rất ít lựa chọn để chống lại sự tha hóa về bằng cấp khi đã bước chân vào hệ thống công quyền: chúng ta đang có một mê hồn trận những chứng chỉ và văn bằng cần có (mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cân nhắc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ - tin học “hành” công chức, viên chức nhiều năm) nhưng lại rất ít công việc đủ để thử lửa chính xác từng ấy loại bằng cấp. Một cử nhân bằng giỏi đi học nước ngoài về nếu làm không đúng chỗ vẫn có thể phải pha nước chè chán chê trước khi được giao việc đúng chuyên môn. Và, có cả những cán bộ bận bù đầu cũng vẫn phải cố “làm xong” chứng chỉ, văn bằng để đủ điều kiện nâng lương hoặc thăng tiến.

Thứ chủ nghĩa hình thức này làm các công chức, viên chức hao tốn sức lực vào một cuộc chạy đua bằng cấp tốn kém và vô nghĩa. Hãy gõ từ “bằng cấp” lên thanh tìm kiếm Google và bạn sẽ hiểu rằng chúng ta có cả một thị trường cho những tấm giấy vô nghĩa này. Những tấm bằng có thể chẳng liên quan gì đến bạn ngoài cái mặt trên tấm ảnh được dán lên và những cái tên nhưng nó có thể là tương lai, sự nghiệp, thậm chí là địa vị của bạn. Được xây trên cát cũng được.

Steve Jobs không thể sống lại để trả lời câu hỏi đầu bài viết này nhưng bất kỳ một trưởng, phó phòng thuộc diện mua bằng nào cũng có thể thử trả lời nó, để nhận ra sự vô nghĩa của “lối tắt” ấy. Đây không phải cạnh tranh mà là một cuộc đua mua bán cơ hội kéo dài bất tận mà qua đó, “người chơi” tự hạ thấp chính mình và tước đi cơ hội của những ứng viên xứng đáng hơn.

Nếu cơ quan nhà nước vẫn là nơi mà nhiều người vẫn ấm chỗ dù không cần làm việc hiệu quả thì thị trường mua bán bằng cấp luôn có cơ hội.

(Phạm An)

 

Đã đến lúc "xé vé"?

Cách đây chưa lâu, cơ quan tôi có đợt kiểm tra bằng cấp đột xuất theo đúng quy định của ngành. Mỗi cá nhân trong đơn vị đều phải photo có chứng thực các bằng cấp của mình và mang cả bản gốc đến để đối chiếu. Quả thực, đó là một đợt kiểm tra “tốn kém” nhất đối với riêng bản thân tôi. Đơn giản, mọi bằng cấp của mình, tôi đều để lại ở Hà Nội, tại nhà của cha mẹ. Thế nên, phải tốn một chiếc vé máy bay khứ hồi ra tận nơi, lục tung tủ hồ sơ cũ của ông cụ để kiếm tìm chính tấm bằng đại học của mình.

20 năm nay, kể từ ngày vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, đây là lần đầu tiên tôi đụng tới chiếc bằng đại học của mình. Và, kể từ năm tốt nghiệp đại học, 1998, đây cũng là lần thứ ba tôi phải sử dụng bản photo bằng đại học. Trong 2 lần trước, một lần là nộp hồ sơ vào đơn vị tôi làm việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp, ở Gia Lâm, Hà Nội. Còn lần thứ hai là để hoàn tất hồ sơ làm việc ở chính cơ quan của tôi hiện nay.

Không biết những bạn bè cùng học với tôi thì như thế nào. Còn riêng đối với bản thân, thực sự tôi quên bẵng đi mình đã có một tấm bằng đại học để ở nhà. Nghe không hẳn là hơn 4 năm dùi mài kinh sử ở giảng đường đại học đã trở nên vô ích. Ngược lại là khác, 4 năm ấy rất có ích. Nhưng, trong suốt quá trình làm việc hơn 20 năm trời, chưa bao giờ tôi cần tấm bằng kia để chứng minh rằng mình có đi học đại học.

Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố bị can tại Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: L.G.

Sau công ty đầu tiên mà tôi làm việc lúc vừa tốt nghiệp, tôi có cái may mắn là không bao giờ phải nộp đơn xin việc. Những công việc tôi có được đều đến từ sự biết về năng lực của nhau và rủ rê nhau về làm chung cả. Chính vì cái việc đã tường tận nhau đến thế khiến tấm bằng của tôi không phát huy giá trị “chứng minh một con người” của nó. Nó chỉ làm được đúng một việc: để hoàn tất bộ hồ sơ đúng theo yêu cầu của tổ chức, của ngành, của Luật Lao động trong việc tính bậc, ngạch lương.

Nhưng, nói gì thì nói, phải thừa nhận là tôi có may mắn. May mắn thứ nhất là mối quan hệ của tôi khá rộng và tôi hoạt động cũng khá đa dạng ngành nghề. Do đó, cơ hội chứng minh bản thân mình trong các mối quan hệ đó thông qua kết quả các công việc đã thay thế cái việc “chứng minh một con người” của tấm bằng và hơn thế nữa, nó tạo được niềm tin chắc chắn hơn. 

May mắn thứ hai là tôi được làm việc đa số trong môi trường mà người sử dụng lao động có suy nghĩ thực dụng hơn, trực diện hơn. Họ không quan tâm đến bằng cấp. Họ chỉ quan tâm đến năng lực và năng lượng trong mỗi con người. Bởi thế, cơ hội của tôi mới tồn tại.

Giả sử tôi hoạt động ở một lĩnh vực khác, đi theo một con đường rất chung mà nhiều người đang đi, có thể lúc này tôi cũng quay quắt vì bằng cấp như ai đó. Và biết đâu, trong quá trình phấn đấu cho một vị trí xã hội nhất định, có khi tôi cũng phải bổ sung vào hồ sơ cá nhân của mình những tấm bằng khác nữa. Dễ hiểu, chúng ta đang sống trong một xã hội mà tấm bằng được đánh giá quá mức so với giá trị cơ bản của nó. Chủ nghĩa bằng cấp đã và đang chi phối quá mạnh hoạt động nhân sự ở rất nhiều cơ quan, ban ngành và nó lấn át luôn cả thứ quan trọng hơn tất thảy: đánh giá đúng con người qua năng lực.

Ảnh: L.G.

Tôi có người bạn, sau thời gian làm việc cho một cơ quan nhà nước đã phải bỏ ra ngoài để đi làm cho tư nhân. Anh từng là một người rất có năng lực trong cơ quan nhà nước kia, được đánh giá rất cao nhưng chỉ vì anh bỏ dở năm cuối đại học và không có bằng nên dẫn tới chuyện bậc ngạch lương của anh không được ngang bằng những cộng sự của mình và cơ hội thăng tiến là không có. 

Anh chuyên về công nghệ thông tin và chưa bao giờ được đặt lên ghế trưởng phòng ở cơ quan cũ, dù anh là người thâm niên nhất, hiểu biết, giỏi giang nhất và luôn lãnh đạo nhóm trong các công việc cụ thể. Rời cơ quan ấy, anh được chọn làm phó giám đốc kỹ thuật của một công ty công nghệ với mức lương 1 năm đủ mua 3 cái xe hơi.

Rõ ràng, trong trường hợp của bạn tôi, tôi đánh giá là nhà nước đã đánh mất một người tài chỉ vì chủ nghĩa bằng cấp. Trong khi đó, vấn nạn công chức vô danh sáng cắp ô đi, tối cắp ô về vẫn đầy rẫy. Họ hơn bạn tôi những gì? Chẳng gì khác ngoài tấm bằng. Và tôi chưa nói đến chuyện tấm bằng ấy đến từ thực học hay từ đi mua vội. Chỉ cần nói đến chuyện chủ nhân của nó có thực tài hay không mà thôi. Vâng, nói về thực tài, chúng ta đừng bỏ qua một thực tế buồn nhiều năm nay là một số công chức rất có tài trong việc chém gió, cúp giờ làm, la cà quán xá và vô trách nhiệm.

Trong chính cái chủ nghĩa bằng cấp nặng nề ấy, có một thứ rất nực cười là nhiều bộ hồ sơ có lý lịch chỉ là thứ lý lịch cá nhân in mẫu sẵn thông thường, với phần lý lịch công tác rất chung chung. 

So sánh với các hồ sơ để nộp cho các công ty, tập đoàn, tổ chức tư nhân, chúng ta sẽ thấy khác một trời một vực. Lý lịch ở các bộ hồ sơ cho các đơn vị ngoài quốc doanh rất chú trọng phần công tác. Thời gian nào, làm việc ở đâu, giữ cương vị gì, làm công việc gì, trách nhiệm ra sao, thành quả thế nào đều được thể hiện chi tiết và cụ thể. 

Hơn thế nữa, ở mỗi lý lịch công tác ấy còn có cả phần “tham khảo”. Phần này ghi rõ tên, chức danh, địa chỉ, số điện thoại của người sẽ minh chứng cho chủ thể của lý lịch về một quá trình công tác, về năng lực cá nhân. Và ai nặng ký hơn thì bên cạnh phần tham khảo kia còn có thể có cả thư giới thiệu của một cá nhân uy tín thực sự đủ để người nhận hồ sơ cảm thấy vững tin.

Nói về thư giới thiệu, chúng ta từng nói về chuyện thư tay gửi người vào một cơ quan nào đó. Đây không phải là thứ đặc sản của cơ chế quan liêu ngày xưa mà chúng ta cứ hay định kiến. Thư giới thiệu là thứ loài người đã sử dụng lâu rồi. Tiến cử ai đó là một hành động đẹp khi sự tiến cử là vô tư, trong sáng chứ không phải kiểu dùng uy quyền để ép buộc một người phải nhận người thân của mình vào làm việc. 

Đã có bao nhiêu trường hợp nhân tài trên thế giới bắt đầu sự nghiệp bằng chính lá thư tiến cử của một giáo sư đã giảng dạy mình ở trường đại học rồi. Khi ấy, giá trị của lá thư đã vượt qua giá trị của tấm bằng đại học bởi nó mang sức nặng của kiểm chứng thực tế chứ không phải chỉ đơn giản là một tờ giấy minh định nhân thân một con người.

Tấm bằng vẫn rất quan trọng, bởi trong hàng ngàn, thậm chí chục ngàn hồ sơ gửi về một nơi nào đó, không ai có đủ thời gian và công sức để kiểm định năng lực của từng ứng viên. Họ cần bộ lọc ban đầu là tấm bằng. Sau đó mới gặp gỡ trực tiếp để thẩm định ban đầu. Có thể nói, tấm bằng như cái vé vào cửa. Vậy thì tại sao sau khi đã được vào cửa rồi, người “kiểm soát vé” không “xé vé” đi để thẩm tra bằng năng lực thực mà cứ phải vin vào tấm bằng để quyết định khả năng thăng tiến của một con người?

Và cái đáng buồn hơn là chuyện nhận định năng lực của một cá nhân trong hệ thống của một cơ quan nhà nước. Thực tế, nếu đưa một nhân viên có chuyên môn đặc biệt vào một cơ quan nhà nước nào đó, ví dụ như một kỹ sư công nghệ thông tin hay một chuyên gia phân tích tài chính nào đó chẳng hạn, tôi dám chắc rằng không ít lãnh đạo đơn vị không thể đánh giá chính xác người ấy có làm được việc hay không sau 3 tháng thử việc. 

Dễ hiểu, có khi chính bản thân lãnh đạo cũng không có thực lực. Và một khi lãnh đạo không có thực lực, họ đánh giá nhân viên bằng cách nào? Thế là lại dựa vào chủ nghĩa bằng cấp ư? Chúng ta là chủ nhân của bằng cấp hay là nô lệ của chúng?

Đã đến lúc phải “xé vé” rồi, để các tấm bằng không thể ám ảnh mãi một cá nhân và rộng hơn là cả một xã hội. Và cũng đã đến lúc mở rộng để tự các trường được quyền cấp bằng mà không cần phải thông qua Bộ Giáo dục. 

Đừng vội nghĩ việc các trường tràn lan cấp bằng như thế sẽ làm vấn nạn mua bằng càng phát triển hơn. Khi chính các trường phải đánh cược uy tín và danh dự của họ trên từng tấm bằng họ cấp cho sinh viên, lúc ấy chuyện mua bằng sẽ trở nên khó khăn vô cùng, thậm chí có thể bị triệt tiêu đến mức tối đa. Đơn giản, đó là lúc trách nhiệm cấp bằng quy về đúng chỗ ấn hành ra nó chứ không phải trách nhiệm chung đổ dồn lên Bộ Giáo dục như hôm nay.

Hãy nhìn lại vụ Đại học Đông Đô và đặt ra câu hỏi “Liệu bây giờ có ai còn tin vào bằng mà Đại học Đông Đô đã cấp hay không?”. Chính câu hỏi này mới là điều đáng được bàn luận nhất ở vụ án kể trên. Số người tin vào bằng của Đại học Đông Đô mà trở về với con số 0 thì những cá nhân lăm le buôn bằng gắn mác Đại học Đông Đô biết bán cho ai bây giờ.

Hơn tất cả, chính những kẻ bán bằng ở Đại học Đông Đô nợ những sinh viên từng học ở đó rất nhiều. Chính vì họ mà cả bao khóa sinh viên có học hành đàng hoàng ở đại học này đã bị rơi vào thế “mất uy tín”. Ai bồi thường được danh dự cho họ? Tấm vé nào giúp họ kiếm tìm cơ hội khác trong đời? Chẳng lẽ họ phải đi học lại để kiếm bằng từ một trường khác hay sao?

Xé vé đi thôi. Xé vé đi thôi.

(Hà Quang Minh)

 

Hồ sơ đẹp và năng lực thật

Vì sao một lượng lớn tiền tươi thóc thật được đổ vào Trường Đại học Đông Đô để mua bằng cử nhân tiếng Anh giả? Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT quy định nếu thí sinh có “bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài (kèm chứng nhận kiểm định của Cục Quản lý chất lượng giáo dục); hoặc bằng tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ, thì khỏi cần thi các chứng chỉ B1, B2. Oái oăm thay, nếu các chứng chỉ B1, B2 cứ 2 năm phải thi lại một lần thì bằng đại học ngoại ngữ trong nước cấp (tương đương với bằng đại học được đào tạo ở nước ngoài) có giá trị vĩnh viễn. 

Cho nên, các học viên cao học thừa khôn ngoan để quyết tâm sở hữu cái bằng cử nhân tiếng Anh của Đại học Đông Đô để thoải mái sử dụng khi cần thiết. Có bằng cử nhân tiếng Anh thì có cơ hội thành nghiên cứu sinh, có cơ hội thành tiến sĩ, có cơ hội được thăng chức, nâng lương.

Ảnh: L.G.

Bằng cấp vốn không phải thứ xấu xa nhưng bằng cấp giả sẽ gây bao nhiễu loạn cho xã hội. Bằng cấp giả không chỉ tạo ra giá trị giả mà còn tạo ra giá trị ảo. Vì sao nói như vậy? Vì bằng cấp giả có 2 cấp độ, cấp độ thấp là bằng cấp giả về mặt hành chính, cấp độ cao là bằng cấp giả về mặt khoa học. Cấp độ thấp thì bằng cử nhân tiếng Anh giả ở Đại học Đông Đô là ví dụ điển hình, còn cấp độ cao chính là những bằng cấp thạc sĩ và tiến sĩ không có tác dụng tích cực gì cho đời sống.

Bằng cấp giả hướng đến hồ sơ đẹp cho tham vọng cá nhân. Cho nên, hồ sơ đẹp càng ngày càng có khoảng cách với năng lực thật của một bộ phận được gọi là “trí thức”. Vì sao Việt Nam có đến 25 nghìn tiến sĩ mà lại ít công trình khoa học như vậy? Đấy là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và có lẽ hỏi cũng đã là trả lời rồi.

Muốn đẩy lùi tệ nạn bằng cấp giả, không có con đường nào khác là con đường tôn trọng và phát huy năng lực thật của con người. Hãy nhìn hành vi, đừng nhìn bằng cấp. Hãy nhìn công việc, đừng nhìn con người. Chỉ cần thay đổi thói quen trọng thị đến mức hệ lụy vào bằng cấp, mọi chuyện có thể sẽ khác đi.

Bằng cấp giả, năng lực thật và hồ sơ đẹp đang giống như một vòng tròn lẩn quẩn khóc cười của đời sống Việt Nam.

(Lê Thiếu Nhơn)

Phạm An - Hà Quang Minh - Lê Thiếu Nhơn

Nguồn: An ninh thế giới, ngày 23.12.2020.

Thông tin truy cập

60786812
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6313
24669
60786812

Thành viên trực tuyến

Đang có 779 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website