Một số phát hiện mới về bài từ của thiền sư Khuông Việt

 

Ngọc lang quy玉郎歸(còn có quan điểm cho rằng nên đọc là Vương lang quy王郎歸, hoặc Nguyễn lang quy阮郎歸) của thiền sư Khuông Việt cho đến nay vẫn được coi là một trong những điểm nóng gây tranh luận trong giới nghiên cứu văn học tại Việt Nam và trên thế giới.

Sở dĩ có sự tranh luận này không chỉ do tính chất phức tạp của văn bản, của hệ thống truyền bản chuyển tải tác phẩm, mà còn do bởi nó được coi là bài từ cổ nhất hiện còn trong lịch sử từ học Việt Nam, là tác phẩm văn học viết bằng chữ Hán ra đời thuộc hàng sớm nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Thế nên, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn học, từ học Việt Nam, trước khi bắt tay vào nghiên cứu, không thể không trưng dẫn tư liệu, vắt óc giải quyết vấn đề này. Trong bài viết Về bài từ Ngọc lang quy của Khuông Việt đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 5(52) năm 2005, chúng tôi đã tiến hành khảo sát một số khía cạnh liên quan đến văn bản của tác phẩm, như thời điểm ra đời, tên gọi, thể loại cùng những biến dị về mặt hình thức văn bản được chuyển tải trong hệ thống các truyền bản khác nhau. Vì là bài viết đi theo lối thực chứng, lại hoàn thành trong tình trạng cực thiếu thốn hoặc mơ hồ về tư liệu, thế nên ngay trong quá trình viết, chúng tôi đã cảm nhận được một số quan điểm, chứng cứ mà mình nêu ra chưa đủ sức thuyết phục. Sau khi bài viết của chúng tôi được đăng, học giả Nguyễn Văn Ánh, chuyên gia nghiên cứu từ học Việt Nam, trong bài Trở lại bài từ Nguyễn lang quy của Khuông Việt Đại sư dưới góc nhìn từ sử, đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học số 3 năm 2007, bên cạnh một số mặt đồng ý với quan điểm của chúng tôi, cũng đã đưa ra một số góp ý xác đáng, đồng thời tác giả cũng đứng từ nhiều góc độ giải quyết vấn đề theo quan điểm riêng của mình. Thế nhưng, đúng như tác giả Phạm Văn Ánh thừa nhận, liên quan đến vấn đề văn bản của tác phẩm, còn rất nhiều khía cạnh đáng bàn, như tên gọi, thể thức cũng như vấn đề dị biệt trong văn bản của tác phẩm. Riêng phần chúng tôi, sau một khoảng thời gian khá dài chú ý những vấn đề nói trên, đến nay những chứng cứ mà chúng tôi phát hiện hoặc bổ sung cho những quan điểm đã nêu, hoặc mang tính đột phá, thậm chí phủ định cả những phán đoán ban đầu của chính chúng tôi. Xuất phát từ mục đích chia sẻ, chúng tôi mạo muội đem những phát hiện của mình trình bày dưới đây.Ngọc lang quy hay Vương lang quy Trong bài viết Về bài từ Ngọc lang quy của Khuông Việt đã nêu, để chứng minh cho phán đoán tác phẩm này của Khuông Việt có tên là Ngọc lang quy chứ không phải Vương lang quy, chúng tôi chủ yếu dựa vào ba yếu tố sau: Thứ nhất, có sự khác biệt về nội dung khắc in giữa hai hệ thống truyền bản của Thiền uyển tập anh, trong khi bản khắc đời Lê khắc là “Ngọc lang quy玉郎歸” thì bản khắc đời Nguyễn lại khắc là “Vương lang quy王郎歸”. Lý giải vấn đề này, chúng tôi cho rằng lỗi ở đây thuộc về thợ khắc chữ đời Nguyễn, trong quá trình khắc gỗ đã đem chữ “ngọc” khắc thiếu một dấu chấm để thành chữ “vương”.Thứ hai, theo Hán ngữ đại từ điển漢語大詞典, hai chữ “Ngọc lang” thường dùng để tôn xưng người đàn ông. “Ở đây Khuông Việt dùng ‘Ngọc lang’ theo nghĩa ngoại giao, có ý tôn trọng Lý Giác. Giác họ Lý, dùng ‘Ngọc lang’ để tôn xưng là hợp logic, giữ lại hai chữ ‘Vương lang’ thật khó lý giải mối quan hệ nói trên”.Thứ ba, ngoài chúng tôi ra, trước đó cũng có không ít học giả chủ trương nên đọc tên tác phẩm là Ngọc lang quy, như Trịnh Vĩnh Thường trong Hán văn văn học tại An Nam đích hưng thế《漢文文學在安南的興替》; Hà Thiên Niên trong luận án Tiến sĩ Mạc tiền thi ca nghiên cứu《莫前詩歌研究》; Lê Mạnh Thát trong Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh,….Trong ba lý do nêu trên, trừ lý do đầu tương đối có sức nặng, hai lý do còn lại chỉ đóng vai trò thứ yếu, và điều quan trọng nhất là, chưa thể hoàn toàn dựa vào hai yếu tố sau để đưa ra câu trả lời khẳng định cho yếu tố thứ nhất. Ở đây, theo thiển ý của chúng tôi, để trả lời cho câu hỏi Ngọc lang quy hay Vương lang quy, trước hết cần hiểu rõ về các từ “ngọc”, “Ngọc lang” và “Vương lang”.Về chữ “ngọc”, đây là một chữ xuất hiện với tần số khá lớn trong thi từ Đường Tống, trong đó“ngọc” phần lớn xuất hiện với vai trò định ngữ, như ngọc bản (tên gọi khác của măng tre), ngọc thiềm (trăng), ngọc bôi (ly uống rượu đẹp, tinh xảo), ngọc địch (mỹ từ gọi ống sáo), ngọc nhi (chỉ mỹ nhân), ngọc cốt (mỹ từ chỉ xương), …. Thẩm Tường Nguyên, Phó Sinh Văn chú thích Hoa gian tập viết: “Người xưa khi gọi tên những sự vật hiện tượng đẹp đẽ, tinh xảo thường thích lấy chữ ‘ngọc’ dùng kèm làm định ngữ, như ‘ngọc địch’, ‘ngọc dung’, ‘ngọc lâu’, ‘ngọc thực’…. 古人稱精美之事物常以為定語,如玉笛玉容玉樓玉食等。Về hai chữ “Ngọc lang”, nhóm học giả Trung Quốc trong Đường Tống từ điển cố đại từ điển giải thích như sau: “Sách Tấn thư, Vệ Giới truyện chép: ‘Giới lúc nhỏ tóc kết bím hai bên, ngồi xe dê kéo vào thành, người trong thành nhìn thấy thảy đều cho là người đẹp (ngọc nhân), khắp thành mọi người đều đổ xô ra xem.’ Nguyên Chẩn đời Đường trong bài thơ Tống Vương thập nhất lang du Than Trung có câu: ‘Tưởng đắc Ngọc lang thừa họa khả, kỷ hồi minh nguyệt trụy nhân gian.想得玉郎乘畫舸,幾回明月墜人間。(Mong được cùng Ngọc lang cưỡi thuyền du ngoạn, nhưng trăng sáng có mấy lần xuống được nhân gian) ’. Ngọc lang, mỹ từ dùng để gọi người đàn ông trẻ; sau phụ nữ quen dùng để gọi người chồng hoặc người yêu mà mình đang nhớ nhung. Thẩm Tường Nguyên, Phó Sinh Văn chú thích hai chữ “Ngọc lang” điệu Bồ tát man trong Hoa gian tập ngoài dẫn những điển cố nêu trên, còn nói thêm: “Sách Hán thư viết: Trần Bình tướng mạo đẹp đẽ, Hán vương (tức Lưu Bang) nói, Bình tuy trượng phu, lại đẹp như ngọc đính trên mũ vậy.”Căn cứ những giải thích trên đây, chúng tôi tra tìm trong Toàn Đường Ngũ đại từ, phát hiện có 14 trường hợp từ nhân dùng hai chữ “Ngọc lang”; nhưng khi tra trong Toàn Tống từ do Đường Khuê Chương biên tập lại hầu như không phát hiện được bất cứ một trường hợp nào. Nay tạm đem những trường hợp nêu trên liệt kê dưới đây:Điệu Thiên tiên tử《天仙子》, bài 03 của Vi Trang韋莊 viết: “Ngọc lang bạc hạnh khứ vô tông.玉郎薄倖去無蹤。(Ngọc lang bạc tình bỏ đi không thấy tông tích.)” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.548.)Điệu Bồ tát man《菩薩蠻》, bài 01 của Ngưu Kiệu牛嶠 viết: “Môn ngoại liễu hoa phi, Ngọc lang do vị quy. 門外柳花飛,玉郎猶未歸。(Bông liễu bay đầy trước thềm, Ngọc lang vẫn chưa về.)” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.558.)Điệu Vọng viễn hành《望远行》, bài 02 của Lý Tuân李珣viết: “Ngọc lang nhất khứ phụ giai kỳ, thủy vân điều đệ nhạn thư trì. 玉郎一去負佳期,水雲迢遞雁書遲。(Ngọc lang một đi không về, bỏ lỡ giai kỳ, mây nước xa xôi, vắng bóng tin nhạn.)” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.653.)Điệu Mãn cung hoa《滿宮花》của Ngụy Thừa Ban魏承班viết: “Tuyết phi phi, phong lẫm lẫm, Ngọc lang hà xứ cuồng ẩm. 雪霏霏,風凜凜,玉郎何處狂飲。(Tuyết bay ngập trời, gió bấc lạnh buốt, Ngọc lang còn yến ẩm nơi đâu?)” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.686.)Điệu Ngu mỹ nhân《虞美人》, bài 05 của Cố Quýnh顧夐viết: “Ngọc lang hoàn thị bất hoàn gia, giáo nhân hồn mộng trục dương hoa, nhiễu thiên nhai. 玉郎還是不還家,教人魂夢逐楊花,繞天涯。(Ngọc lang vẫn chưa về nhà, khiến hồn ai trong mộng theo dấu tình nhân, trẩy khắp chân trời góc bể.)” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.699.)Điệu Dương liễu chi《杨柳枝》của Cố Quýnh viết: “Chính ức Ngọc lang du đãng khứ, vô tầm xứ.正憶玉郎遊蕩去,無尋處。(Đúng lúc nghĩ tới Ngọc lang đã phiêu bạt giang hồ, không còn biết tìm nơi đâu.)” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.715.)Điệu Hà phương oán《遐方怨》của Cố Quýnh viết: “Ngọc lang kinh tuế phụ phinh đình, giáo nhân tranh bất hận vô tình.玉郎經歲負娉婷,教人爭不恨無情。(Ngọc lang bao năm phụ mỹ nhân, khiến người sao có thể không hận kẻ vô tình?)” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.716.)Điệu Phụng lâu xuân《鳳樓春》của Âu Dương Quýnh歐陽炯viết: “Nhân tưởng Ngọc lang hà xứ khứ, đối thục cảnh thùy đồng? 因想玉郎何處去,對淑景誰同?(Nhân nghĩ tới Ngọc lang đã phiêu bạt giang hồ, đối diện cảnh đẹp biết cùng ai lãm thưởng?) (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.771.)Điệu Bồ tát man《菩薩蠻》của Âu Dương Quýnh viết: “Tà ngọa liễm ba xuân, Ngọc lang tu não nhân.斜臥臉波春,玉郎休惱人。(Nằm nghiêng để mặc hương sắc mùa xuân lay động trên má, Ngọc lang chớ để thiếp đây phiền lòng.)” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.778.)Điệu Ngọc lâu xuân《玉樓春》, bài số 02 của Âu Dương Quýnh viết: “Đại my song điểm bất thành miêu, lưu đắc Ngọc lang quy nhật họa.黛眉雙點不成描,留待玉郎歸日畫。(Mày thanh điểm chẳng thành, chờ chàng ngày về vẽ.)” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.783.)Điệu Hà phương oán《遐方怨》của Tôn Quang Hiến孫光憲viết: “Vị biểu hoa tiền ý, ân cần tặng Ngọc lang.為表花前意,殷勤贈玉郎(Vì muốn biểu đạt lòng mình trước hoa, ân cần đem tặng Ngọc lang.)” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.832.)Điệu Liễu thanh nương《柳青娘》 trong Vân dao tập (từ Đôn Hoàng) viết: “Xuất môn tà niệm đồng tâm lộng, ức hồi hoàng, cố sử hoành ba nhận Ngọc lang.出門斜撚同心弄,憶恛惶,故使橫波認玉郎()” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.848.)Điệu Liễu thanh nương《柳青娘》 trong Vân dao tập (từ Đôn Hoàng) viết: “Chỉ vấn Ngọc lang hà xứ khứ, tài ngôn bất giác đáo chu môn.只問玉郎何處去,纔言不覺到朱門。(Ngọc lang đi nơi đâu, vừa nói bất giác đã đến nơi cửa son.)” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.848.)Điệu Ngư ca tử《渔歌子》trong Vân dao tập (từ Đôn Hoàng) viết: “Nhã nô bạch, Ngọc lang chí, phu hạ hoa lưu trầm túy.雅奴白,玉郎至,扶下骅骝沉醉。(Con hầu bẩm, Ngọc lang tới, đỡ chàng từ lưng ngựa xuống còn say tuý luý.)” (Toàn Đường Ngũ đại từ, tr.889.)Về hai chữ “Vương lang”, theo tra cứu của chúng tôi, “Vương lang” chỉ được dùng khi đối tượng được chỉ mang họ Vương, ví dụ hai chữ “Vương lang” trong thành ngữ “Vương lang xuyên kịch王郎穿屐” (Vương lang mang guốc) chỉ anh em Vương Hiến Chi.Chúng ta đã biết, bài từ của Khuông Việt được viết vào mùa xuân năm 987, tức năm Thiên Phúc thứ 8 đời Lê Đại Hành và năm Ung Hy thứ tư đời Tống Thái Tông. Nếu đem thời điểm này chiếu sang lịch sử phát triển của từ học Trung Quốc, chúng ta sẽ phát hiện một tình trạng hết sức đặc biệt. Tính đến năm 987, nhà Tống đã nắm quyền thống trị thiên hạ được gần 30 năm, nhưng cũng giống tình trạng của thi đàn và văn đàn, từ đàn vẫn hết sức ảm đạm. Từ ở giai đoạn này trải qua sự cách tân với các tên tuổi lớn như Phùng Diên Tị (903-960), Nam Đường Trung tổ Lý Cảnh (916-961) và Hậu tổ Lý Dục (937-978), tuy đã chuyển hẳn từ tay của con hát sang tay của sĩ đại phu, với phong cách uyển ước và thâm trầm hơn, nhưng phong khí học theo phong cách từ của phái Hoa gian vẫn thấm đẫm. Hơn nữa, năm 987 tương truyền cũng là năm sinh của Liễu Vĩnh (987?-1053), ông tổ có công sáng tạo ra đặc trưng riêng của từ đời Tống, thúc đẩy từ Tống đạt đến trạng thái sáng tác đỉnh cao dưới triều Tống Nhân Tông (1022-1063) và Tống Thần Tông (1067-1101). Thế nên, ở đây chúng ta không thể khảo sát bài từ của Khuông Việt trong mối quan hệ ảnh hưởng của từ học đời Tống, mà phải xét nó trong mối quan hệ với từ học Trung Quốc giai đoạn trước đó. Từ Trung Quốc phát triển đi từ từ của các nghệ nhân dân gian đến từ của tầng lớp văn nhân, với hai đại diện cũng là hai tổng tập từ ra đời sớm nhất còn lưu truyền đến ngày nay là Vân dao tập (từ Đôn Hoàng) và Hoa gian tập. Vân dao tập là tổng tập từ ra đời sớm nhất trong lịch sử từ học Trung Quốc, nhưng nó đã thất lạc trong suốt nhiều thế kỷ, mãi đến năm 1900, khi động tàng kinh ở Đôn Hoàng được mở, từ tập này mới được phát hiện, và phải mãi đến năm 1933, Vân dao tập mới được chính thức ấn bản. Hoa gian tập gồm 10 quyển, do Triệu Sùng Tộ người đời Hậu Thục (934-965) biên tập. Sách biên tuyển khoảng 500 bài từ trong khoảng thời gian từ năm đầu niên hiệu Khai Thành đời Đường (836) đến năm thứ năm niên hiệu Thiên Phúc (940) đời Hậu Tấn. Nhìn từ góc độ phong cách, từ trong Vân dao tập còn tương đối mộc mạc, thô dã; từ trong Hoa gian tập có xu hướng nhã hóa, có sự tăng tiến về mặt kỹ xảo, nội dung phần nhiều miêu tả thứ tình cảm bi hoan ly hợp giữa nam nữ một cách uyển chuyển uyển ước. Trong Vân dao tập, chúng tôi phát hiện 03 trường hợp “Ngọc lang” được sử dụng; trong Hoa gian tập, tần số sử dụng hai chữ “Ngọc lang” tăng lên 11 trường hợp (tất cả đều đã nêu ở trên). Đáng tiếc hiện giờ chúng ta vẫn chưa biết rõ tình hình lưu hành trong dân gian sau khi Hoa gian tập được biên tập xong, nhưng rất có thể Khuông Việt đại sư trước khi sáng tác bài từ của mình đã từng xem qua từ tập này, hoặc ít nhất ông đã từng đọc một số bài từ của một số tác giả được họ Triệu thu vào Hoa gian tập. Riêng việc hóa thân vào thứ tình cảm nam nữ để biểu đạt mối giao hảo giữa tác giả và sứ thần nhà Tống Lý Giác, cũng là biểu đạt mối giao hảo giữa nhà Tiền Lê và nhà Tống, đặt phương thức biểu đạt này trong mối quan hệ ảnh hưởng với phong cách Hoa gian, theo thiển ý của chúng tôi, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra cái nhìn khẳng định.Như vậy, tuy vẫn chưa thể hoàn toàn khẳng định bài từ của Khuông Việt nên đọc là Ngọc lang quy, nhưng trong thế so sánh với tên gọi Vương lang quy, nó có khả năng hơn rất nhiều.Ngọc lang quy hay Nguyễn lang quyỞ bài viết Về bài từ Ngọc lang quy của Khuông Việt, trên cơ sở phân biệt giữa từ và khúc, cuối cùng chúng tôi đưa ra ba điểm kết luận về Ngọc lang quy như sau: thứ nhất, Ngọc lang quy là một bài từ, trong đó Nguyễn lang quy đóng vai trò từ điệu, Ngọc lang quy đóng vai trò từ đề; thứ hai, văn bản của bài từ nên lấy bản Thiền uyển tập anh làm chuẩn sau khi đã loại trừ một chữ “nhân”; thứ ba, Ngọc lang quy là bài từ cổ nhất hiện còn của Việt Nam, nó không chỉ đánh dấu sự ra đời của từ Việt Nam mà cũng đánh dấu từ học Trung Quốc chính thức truyền vào Việt Nam. Tuy đưa ra kết luận như vậy, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm, vì liên quan đến những vấn đề này, vẫn còn rất nhiều điểm đáng bàn. Thứ nhất, Ngọc lang quy là một bài từ hoàn toàn không có gìđáng bàn cãi, nhưng nó là từ điệu hay từ đề thì hoàn toàn chưa thể đưa ra đáp án khẳng định. Thứ hai, hai chữ “diêu vọng” chép trong bản Đại Việt sử ký toàn thư còn đó, văn bản này rất có thể được sử gia đời Trần Lê Văn Hưu chép trong Đại Việt sử ký hoàn thành năm Thiệu Long thứ 15 (1272), nếu thật sự như vậy, nó sẽ có niên đại sớm hơn rất nhiều so với văn bản chép trong Thiền uyển tập anh. Chính vì vậy, việc bỏ qua không xét văn bản chép trong Đại Việt sử ký toàn thư thật sự là bất hợp lý. Thứ ba, hai chữ “diêu vọng” trong Đại Việt sử ký toàn thư vẫn chưa tìm được cách lý giải hợp lý, việc căn cứ theo âm luật của điệu Nguyễn lang quy chép trong Từ luật hoặc Từ phổ quả là hết sức gượng ép.Để trả lời những thắc mắc nêu trên, theo thiển ý của chúng tôi, một trong những vấn đề đáng để chúng ta quan tâm, đó là, nguyên nhân của sự hình thành từ phổ. Chúng ta đều biết, ở giai đoạn đầu tiên, người viết từ căn cứ trực tiếp vào điệu nhạc để điền từ, nhưng dần về sau những điệu nhạc này thất truyền, người đời sau muốn viết một điệu nào đó buộc phải căn cứ vào tác phẩm của tiền nhân, chú trọng vào một số mặt như độ dài ngắn của bài (tức số lượng chữ trong một bài), hình thức câu, bằng trắc, âm luật để mô phỏng viết theo. Sau đó lại có người lại đem một số mặt quan trọng liên quan đến một bài từ, như độ dài ngắn của bài, hình thức câu, bằng trắc, âm luật…khái quát chỉnh lý thành quy cách, quy luật chung cho mỗi điệu, họ không chỉ dùng văn tự giải thích rõ thêm, mà còn phụ thêm tác phẩm của các nhà để làm thí dụ minh họa, tiếp theo họ đem tất cả biên tập thành sách, sách ấy chính là từ phổ. Từ phổ xuất hiện tương đối trễ, khoảng cuối đời Minh và nở rộ vào giai đoạn đầu đời Thanh, đặc biệt vào những năm Khang Hy. Ba bộ từ phổ có ảnh hưởng lớn đối với lịch sử từ học là Khâm định từ phổ, Từ luậtBạch Hương từ phổ, cả ba bộ này đều xuất hiện ở đời Thanh. Như vậy, nhìn từ góc độ này, có thể thấy rõ hai điểm: một là, không thể vì trong các sách từ phổ không ghi chép về Ngọc lang quy mà phủ nhận sự tồn tại của nó; hai là, không thể căn cứ vào thể thức, cú pháp, âm luật…của điệu Nguyễn lang quy để cắt tỉa câu chữ của Ngọc lang quy.Một điểm nữa cũng rất đáng lưu tâm, đó là, Ngọc lang quy của Khuông Việt có mối quan hệ ra sao với điệu Nguyễn lang quy đã ra đời trước nó ở Trung Quốc ? Khảo sát trong Toàn Đường Ngũ đại từ, chúng tôi chỉ phát hiện duy nhất 01 bài từ viết theo điệu Nguyễn lang quy, bài này vốn bị chép nhầm trong Dương xuân tập của Phùng Diên Tị và Âu Dương Văn Trung công cận thể nhạc phủ của Âu Dương Tu, sau này một số học giả đã căn cứ vào nội dung của tiểu tự chép liền dưới tên điệu, đem bài từ này quy về cho tác giả Lý Dực. Về nguyên uỷ sáng tác của bài từ này, Dư Bệ Vân trong Nam Đường nhị chủ từ tập thuật bình viết: “Bài từ này được tác giả viết cốt để biểu đạt nỗi nhớ của mình với người em thứ 12 Trịnh vương. Vào năm Khai Bảo thứ tư (971), Hậu chủ sai Tùng Thiện Trịnh Vương đi sứ nhà Tống, Tống Thái tổ giữ Trịnh vương không cho về nước. Hậu chủ dâng sớ xin cho về nhưng Thái tổ một mực không cho.Thế nên, mỗi khi đăng cao nhìn về phía bắc, Hậu chủ lệ rơi thấm áo. Bài từ này viết cảnh mộ xuân nhớ người, dựa lan can trông xa ngút ngàn tầm mắt, tuy ảm đạm nhưng lại chất chứa tình hữu ái huynh đệ. Dực tuy mang tiếng ông vua nhu nhược, nhưng cũng là thứ tình chủng vậy.” Bài từ này được Lý Dực viết sau khi hàng Tống và bị bắt về Biện Kinh vào cuối tháng 11 năm Khai Bảo thứ năm (975). Như vậy, nếu đem thời điểm từ năm 975 đến năm 978 Lý Dực bị ép uống thuốc độc chết đối chiếu với thời điểm năm 987 khi Khuông Việt viết Ngọc lang quy, khoảng thời gian chênh lệch chỉ trên dưới 10 năm. Trong khoảng thời gian như vậy, một bài từ duy nhất viết theo điệu Nguyễn lang quy liệu có thể truyền tới Việt Nam và được Khuông Việt biết đến hay không? Nếu trường hợp đó xảy ra phải chăng Khuông Việt đã mô phỏng theo Nguyễn lang quy của Lý Dực để viết Ngọc lang quy của mình? Nếu thật như vậy, Ngọc lang quy chỉ được xem là biến thể của Nguyễn lang quy. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận giả thuyết này, thì đồng thời chúng ta cũng đã đi ngược lại quy luật sáng tác từ ở giai đoạn đầu của lịch sử từ học, tức ở giai đoạn này, nhạc điệu của từ chưa bị thất truyền, nên khi sáng tác bất kỳ điệu từ nào từ nhân đều am hiểu về điệu nhạc mà mình sử dụng. Thế nên, sẽ hợp lý hơn nếu cho rằng, Khuông Việt đã dùng cách biểu đạt tư tưởng tình cảm của từ phái Hoa gian, vận vào điệu nhạc mà trước đó Lý Dực đã sử dụng để viết Nguyễn lang quy để sáng tác ra điệu Ngọc lang quy theo cách hiểu của chính mình. Sở dĩ chúng ta có thể chấp nhận cách lý giải này là vì, nhạc khúc trong quá trình diễn tấu thường xuyên có sự biến hóa tuỳ theo cách cảm của nghệ nhân, đây cũng là lý do tại sao cùng một điệu nhạc nhưng ở Trung Quốc cho ra đời điệu Nguyễn lang quy, còn ở Việt Nam lại cho ra đời điệu Ngọc lang quy.Nếu chấp nhận cách lý giải trên đây, chúng ta sẽ phải xử trí ra sao với văn bản Ngọc lang quy chép trong Thiền uyển tập anh? Và cũng cần phải lưu ý rằng, Ngọc lang quy trong Thiền uyển tập anh giống với điệu Nguyễn lang quy của Trung Quốc hơn Ngọc lang quy chép trong Đại Việt sử ký toàn thư rất nhiều. Về vấn đề này, tuy chưa có tư liệu chứng thực, nhưng theo suy đoán của chúng tôi, những điều Ngô Sĩ Liên chép rất có thể đã được Lê Văn Hưu chép trong Đại Việt sử ký. Nếu thật sự như vậy, niên đại của văn bản Ngọc lang quy chép trong Đại Việt sử ký toàn thư sẽ sớm hơn văn bản chép trong Thiền uyển tập anh rất nhiều. Còn việc lý giải tại sao văn bản Ngọc lang quy trong Thiền uyển tập anh lại giống điệu Nguyễn lang quy của Trung Quốc như vậy, theo thiển ý của chúng tôi, có thể có một người nào đó có một lượng tri thức nhất định về từ, nên đã sớm đem Ngọc lang quy trong Đại Việt sử ký toàn thư cắt tỉa theo thể thức của Nguyễn lang quy chép trong các sách từ phổ chăng?

Sài thành ngày 18 tháng 05 năm Kỷ Sửu.

Thông tin truy cập

60424071
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5046
6820
60424071

Thành viên trực tuyến

Đang có 310 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website