Về bài từ Ngọc lang quy của Khuông Việt

Sách Thiền uyển tập anh ngữ lục, mục Khuông Việt Đại sư truyện chép: “(Thiên Phúc) thất niên, Tống nhân Nguyễn Giác lai sính, thời Pháp sư Đỗ Thuận diệc hữu thạnh danh, Đế mệnh biến phục vi giang lệnh, nghinh ư Giang Khúc. Giác kiến kỳ thiện ư văn đàm, dĩ thi tặng chi, hữu “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu” chi cú. Đế dĩ thị sư, đối viết: ‘Thử tôn Bệ hạ dữ kỳ chủ bất dị’. Giác hoàn, sư tác từ viết Ngọc lang quy tống chi, kỳ từ vân: ‘Tường quang phong hảo cẩm phàm trương, thần tiên phục đế hương. Thiên trùng vạn lý thiệp thương lương, cửu thiên quy lộ trường. Nhân tình thảm thiết, đối ly thương. Phan luyến tinh tinh lang, nguyện tương thâm ý vị nam cương, phân minh báo ngã hoàng’ ”.

Dịch nghĩa:

 

Đời Lê, năm Thiên Phúc thứ 7 (968), Nguyễn Giác sang sứ nước ta. Thời ấy pháp sư Đỗ Thuận nổi tiếng văn chương, vua (chỉ Lê Đại Hành) bèn sai Thuận mặc thường phục, giả làm người chèo đò, đón Giác ở Khúc Giang. Giác thấy Thuận giỏi văn chương, bèn làm thơ tặng, trong thơ có câu “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu”. Vua đem thơ ấy hỏi Khuông Việt, Khuông Việt nói: ‘Bài thơ này có ý tôn Bệ hạ như chúa của nó vậy’. Khi Giác về nước, Khuông Việt làm bài từ Ngọc lang quy để tiễn. Bài từ như sau:

 

“Gió xuân đầm ấm gấm buồm gương, thần tiên về đế hương.

 

Non nước nghìn trùng vượt đại dương, trời xa bao dặm trường.

 

Tình thảm thiết, chén bi thương.

 

Vin xe sứ vấn vương, dám xin tâu rõ cùng Thánh thượng, lưu ý chốn biên cương”.

 

Cùng sự kiện trên, Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư, quyển I, phần Lê kỷ chép: “(Thiên Phúc), Đinh Hợi bát niên, Tống Ung Hy tứ niên xuân, ... Tống phục khiển Lý Giác lai. Chí Khúc Giang tự, Đế khiển pháp sư danh Thuận, giả vi giang lệnh, nghinh chi. Giác thậm thiện văn đàm, thời hội hữu lưỡng nga phù thủy diện trung, Giác hỷ ngâm vân: Nga nga lưỡng nga nga, ngưỡng diện hướng thiên nha’. Pháp sư ư bả trạo, thứ vận thị chi viết: ‘Bạch mao phô lục thủy, hồng trạo bãi thanh ba’. Giác ích kỳ chi. Cập quy quán, dĩ thi dị chi viết: ‘Hạnh ngộ minh thời tán thịnh du, nhất thân nhị độ sứ Giao Châu. Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến, Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu. Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch, xa từ thanh chướng phiếm trường lưu. Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu, khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu’. Thuận dĩ thi hiến, Đế triệu tăng Ngô Khuông Việt quan chi. Khuông Việt viết: ‘Thử thi tôn Bệ hạ dữ kỳ chủ vô dị’. Đế gia kỳ ý, hậu dị chi. Giác từ quy, chiếu Khuông Việt chế khúc dĩ tiễn, kỳ từ viết: "Tường quang phong hảo cẩm phàm trương, diêu vọng thần tiên phục đế hương. Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lương, cửu thiên phục lộ trường. Tình thảm thiết, đối ly thương. Phan luyến sứ tinh lang, nguyện tượng thâm ý vị biên cương, phân minh tấu ngã hoàng".

 

Dịch nghĩa:

 

Năm Đinh Hợi Thiên Phúc thứ 8 (987), Tống lại sai Lý Giác sang sứ. Giác tới chùa Khúc Giang, vua sai pháp sư tên Thuận, giả làm người chèo đò nghênh đón. Giác vốn giỏi văn chương, vừa khi có hai con ngỗng bơi trên mặt nước, bèn ngâm vui: ‘Ngỗng kia đôi con ngỗng, ngửng mặt ngó ven trời’. Pháp sư đang cầm chèo, cũng tiếp vận đọc: ‘Lông trắng phô nước biếc, chèo hồng rẽ sóng bơi’. Giác càng lấy làm lạ. Đến khi về đến sứ quán, Giác làm thơ tặng Thuận, thơ rằng:

 

May gặp thái bình giúp trí mưu,
Một thân hai lượt sứ Giao Châu.
Đông Đô lưỡng biệt se lòng khách,
Nam Việt nghìn trùng mỏi mắt nhau.
Ngựa đạp khói mây băng đá hiểm,
Xe bon rừng biếc vượt dòng dâu.
Ngoài trời lại có trời nên chiếu,
Sóng lặng khe đầm rọi mảnh thâu.

 

Thuận đem bài thơ dâng lên vua. Vua triệu Khuông Việt đến hỏi. Khuông Việt nói: ‘Bài thơ này có ý tôn Bệ hạ như chúa của nó vậy’. Vua khen ý ấy, tặng thưởng trọng hậu. Đến khi Giác về nước, vua xuống chiếu cho Khuông Việt viết một bài khúc để tiễn đưa. Bài khúc thế này:

 

Gió xuân đầm ấm gấm buồm giương, xa ngóng thần tiên về đế hương.

 

Non nước nghìn trùng vượt đại dương, trời xa bao dặm trường !

 

Tình thảm thiết, chén bi thương.

 

Vin xe sứ giả lòng vấn vương, dám xin tâu rõ cùng Thánh thượng, lưu ý chốn biên cương.

 

Ngoài hai tài liệu trên, Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án cũng chép sự việc trên, nhưng về cơ bản thống nhất với Đại Việt sử ký toàn thư. Ở đây bởi lý do trên, chúng tôi tạm thời không đưa Việt sử tiêu án vào phạm vi khảo sát. Lý Giác sang sứ Việt Nam là việc có thật, được ghi vào tín sử, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Trung Quốc (xem Tống hội yếu tập cảo, Tục tư trị thông giám trường biên, Tục tư trị thông giám, v.v...). Hai tài liệu của Việt Nam nói trên tuy cùng chép một sự việc, nhưng bộc lộ không ít mâu thuẫn, nhất là phần liên quan đến bài từ Ngọc lang quy. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ lần lượt đi giải quyết những mâu thuẫn nói trên.

 

1. “Thất niên” hay “bát niên”?

 

Thiền uyển tập anh ngữ lục chép: “(Thiên Phúc) thất niên, Tống nhân Nguyễn Giác lai sính...” Đại Việt sử ký toàn thư chép: “(Thiên Phúc) Đinh Hợi bát niên, Tống Ung Hy tứ niên xuân... Tống phục khiển Lý Giác lai...” Nguyễn Giác tức Lý Giác. Đại Việt sử ký toàn thư quyển 5 Trần Thái Tông kỷ chép: “(Kiến Trung Nhâm Thìn bát niên) hạ lục nguyệt, ban quốc húy, miếu húy, nguyên tổ húy Lý, nhân cải Lý triều vi Nguyễn triều, thả tuyệt dân chi vọng Lý thị dã”. (Năm Nhâm Thìn Kiến Trung thứ tám), mùa hạ tháng sáu, ban quốc húy, miếu húy, vì nguyên tổ nhà Trần có tên húy là Lý, nhân đó đổi họ Lý ra họ Nguyễn, cũng là để bách tính không còn nhớ đến nhà Lý nữa). Thiền uyển tập anh ra đời vào đời Trần, việc chép Lý Giác thành Nguyễn Giác là điều có thể hiểu được. Thiên Phúc thất niên, tức năm 986 sau công nguyên, ứng với năm thứ ba niên hiệu Ung Hy đời Tống. Sách Tục tư tự thông giám chép: (Ung Hy tam niên đông thập nguyệt) Canh Thân, dĩ Lê Hoàn vi Tĩnh Hải Tiết độ sứ, mệnh Tả bổ khuyết kinh triệu Lý Nhược Chuyết, Quốc tử giám ích đô Lý Giác, lãi chiếu vãng sứ”. {(Mùa đông tháng mười năm Ung Hy thứ ba) ngày Canh Thân, sai Tả bổ khuyết kinh triệu Lý Nhược Chuyết và Quốc tử giám ích đô Lý Giác đem chiếu sang phong cho Lê Hoàn chức Tĩnh Hải Tiết độ sứ}. Phần khảo dị sách ấy chép tiếp: “Giác sứ Giao Châu, Thực lục tại thập nhị nguyệt Tân Tỵ, kim bính thư chi”. [Việc Giác đi sứ Giao Châu, sách Thực lục (tức Tống Thái Tông thực lục) chép vào ngày Tân Tỵ tháng 12, nay chép chung ở đây]. Có thể thấy Nhược Chuyết và Giác không cùng sang sứ nước ta. Theo sách Nhị thập sử sóc nhuận biểu của Trần Viên, tháng 12 năm Ung Hy thứ ba không có ngày Tân Tỵ, chỉ có ngày Tân Tỵ vào tháng 1 năm Ung Hy thứ tư, tức ngày 18 tháng 1. ở đây có lẽ Thực lục đã chép nhầm, nhưng dù cho việc đi sứ của Giác vẫn ở tháng 12, thì đoạn đường mà Giác phải trải qua từ Biện Kinh đến nước ta cũng chiếm thời gian không ít. Như vậy, khi Giác cùng đoàn tùy tùng đặt chân lên đất Giao Châu, thời gian khi ấy ắt đã là mùa xuân năm Ung Hy thứ tư. Có thể nói Đại Việt sử ký toàn thư đã thấy được mối quan hệ trên, việc chép “Đinh Hợi bát niên, Tống Ung Hy tứ niên xuân” là hợp lý.

 

2. “Ngọc lang” hay “Vương lang”?

 

Sách Thơ văn Lý - Trần (Tập 1) do Viện Văn học thuộc ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1977, khi đề cập đến tác phẩm nói trên của Khuông Việt, ghi là Vương lang quy, đồng thời chua thêm rằng: “Đầu đề này chỉ chép ở Thiền uyển tập anh, Đại Việt sử ký toàn thư không chép. Vương lang quy có thể chỉ là tên khúc ca, chứ không hẳn là đầu đề”.

 

Quan điểm của chúng tôi về căn bản đi ngược với những nhận xét trên đây. Trước hết, liên quan đến truyền bản của Thiền uyển tập anh, giới nghiên cứu đa số đều công nhận sách này hiện có hai hệ thống truyền bản, tức truyền bản đời Lê và đời Nguyễn. Trong truyền bản đời Lê, “Vương lang” được chép thành “Ngọc lang”. Theo Hán Ngữ đại từ điển (Thượng Hải Từ Thư xuất bản năm 2002) hai chữ “Ngọc lang” thường dùng để tôn xưng người đàn ông. Ở đây Khuông Việt dùng “Ngọc lang” theo nghĩa ngoại giao, có ý tôn trọng Lý Giác. Giác họ Lý, dùng “Ngọc lang” để tôn xưng là hợp logic, giữ lại hai chữ “Vương lang” thật khó có thể lý giải mối quan hệ nói trên. Học giả Hồng Kông - Trịnh Vĩnh Thường trong Hán văn văn học tại An nam đích hưng thế dẫn theo bản Đại Việt sử ký toàn thư, mặc dù tác giả đã biết rõ tác phẩm này viết cho ai, nhưng khi đề cập đến tên của tác phẩm vẫn chép là “Tống ngọc lang”. Như vậy chữ “vương” trong truyền bản đời Nguyễn thực chất chỉ là chữ “ngọc”, ấy là do thợ khắc khắc thiếu một dấu chấm mà ra.

 

3. “Từ” hay “khúc”?

 

Ngọc lang quy là từ hay khúc, đây là một trong những vấn đề mấu chốt để giải quyết sự khác biệt về văn tự giữa Thiền uyển tập anh Đại Việt sử ký toàn thư. Về việc quy loại Ngọc lang quy, trước nay giới học thuật có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung có ba loại ý kiến cơ bản như sau:

 

Thứ nhất, coi Ngọc lang quy là một bài từ. Đây là quan điểm chiếm số đông, mà đại diện tiêu biểu là tác giả Thiền uyển tập anh Lê Quý Đôn. Lê Quý Đôn trong Toàn việt thi lục, phần Lệ ngôn chép: “Ngã bang triệu khải văn minh, vô tốn Trung Quốc. Lê Tiên Hoàng tống Tống sứ Lý Giác nhất từ, uyển lệ khả cúc”. (Nước ta từ khi gây dựng, văn minh không kém gì Trung Quốc. Bài từ vua Tiền Lê tiễn sứ Lý Giác nhà Tống, lời lẽ nõn nà, có thể vốc được).

 

Thứ hai là quan điểm cho Ngọc lang quy là một bài khúc. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Chiếu Khuông Việt chế khúc dĩ tiễn”. Trịnh Vĩnh Thường trong Hán văn học tại An nam đích hưng thế nói: “Khuông Việt Tống ngọc lang nhất khúc, vô luận thị áp vận, dụng từ, giai huy sái tự như, một hữu điêu trác chi tích”. (Khúc Tống ngọc lang của Khuông Việt bất luận ở mặt dùng từ, hiệp vận đều tự nhiên thoải mái, không chút dấu vết của sự gọt đẽo).

 

Thứ ba là quan điểm cho Ngọc lang quy là biến thể của từ điệu Nguyễn lang quy. Học giả Trung Quốc Hà Thiên Niên trong Việt Nam cổ điển thi ca truyền thống đích hình thành, Mạc tiền thi ca nghiên cứu(1) sau khi dẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư nói: Giá thị Việt Nam khả kiến đích tối tảo đích từ, Đại Việt sử ký toàn thư vị tái thử từ đích từ điệu, Thiền uyển tập anh tác Ngọc lang quy. Tra Từ phổ thư vô Ngọc lang quy nhất điệu, Nguyễn Lang quy tứ thập thất tự, tiền đoạn tứ cú bình vận, hậu đoạn ngũ cú tứ bình vận. Đán Thiền uyển tập anh cập Đại Việt sử ký toàn thư sở tái văn tự giai dữ thử bất thậm hợp, thượng khuyết đệ nhị cú ưng vi ngũ tự, nhi Đại Việt sử ký toàn thư vi thất tự; hạ khuyết thủ lưỡng cú các tam tự, nhi Thiền uyển tập anh hợp vi nhất cú thất tự, toàn từ thành tứ đối thất ngũ cú. Giá chủng bất đồng, khả thị vi Ngọc lang quy đích biến cách”. (Đây là bài từ sớm nhất còn thấy ở Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư không ghi từ điệu, Thiền uyển tập anh chép là Ngọc lang quy. Qua tra sách Từ phổ, không thấy có điệu Ngọc lang quy. Điệu Nguyễn lang quy 47 chữ, đoạn trước bốn câu vận bằng, đoạn sau năm câu bốn vận bằng. Bài từ chép trong Thiền uyển tập anh Đại Việt sử ký toàn thư khác xa điệu này, (bài ấy) đoạn trên câu thứ hai đáng lý phải năm chữ, nhưng Đại Việt sử ký toàn thư chép đến bảy chữ; đoạn dưới hai câu đầu mỗi câu đáng lẽ phải ba chữ, nhưng Thiền uyển tập anh gộp thành một câu bảy chữ, cả bài thành bốn cặp câu năm và bảy chữ. Sự khác biệt này, có thể xem là biến thể của điệu Ngọc lang quy). Cùng quan điểm với Hà Thiên Niên, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa trong bài viết Việt Nam Từ nhân Bạch Hào tử cập kỳ Cổ duệ từ(2) cũng nói: “Việt Nam tối tảo đích từ đề vi Tống Lý Giác, hệ Lý triều từ nhân phỏng Nguyễn Lang quy nhi tác”. (Bài từ sớm nhất của Việt Nam là bài Tống Lý Giác, đó là từ, nhân đời Lý phỏng theo điệu Ngọc lang quy mà làm ra).

 

Theo quan niệm truyền thống, từ được coi là “thi dư” (từ là do thơ mà ra), khúc được coi là “từ dư” (khúc là do từ mà ra). Quan niệm này tuy không phản ánh đúng nguyên nhân hình thành và phát triển của từ và khúc, nhưng ở góc độ khác, nó phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa chúng. Từ khác thơ ở cấu trúc câu dài ngắn (so sánh với thơ luật), khúc khác từ ở việc thêm chữ, tức từ có số câu chữ hạn định, tối kỵ thêm bớt, khúc thì có thể thêm bớt tùy theo nhu cầu biểu đạt. Từ tiêu chí này có thể thấy được lý do tại sao Ngô Sĩ Liên, Trịnh Vĩnh Thường coi Ngọc lang quy là khúc, cũng bởi lý do này mà khi họ Trịnh đề cập đến sự ra đời của từ Việt Nam đã đem cái mốc ấy kéo mãi tới giữa thế kỷ thứ XIX, tức đánh dấu bằng Cổ duệ từ của Thương Sơn, đây là điều vô cùng bất hợp lý, hoàn toàn trái ngược với thực tế phát triển của từ tại Việt Nam.

 

Quan điểm biến thể và mô phỏng của Hà Thiên Niên và Nguyễn Thị Quỳnh Hoa đã nêu trên tuy mới mẻ, nhưng cũng bộc lộ rất nhiều hạn chế, nhất là sự thiếu thốn trong tra cứu tư liệu và việc đưa ra nhiều phán đoán mang tính võ đoán. Ví dụ Hà Thiên Niên cho rằng: Thiền uyển tập anh chép gộp “nhân tình thảm thiết đối ly thương” là bất hợp lý, nhưng không hề biết cổ nhân viết sách, nhưng ngắt câu bởi ở người sau, trách như thế há chẳng phải là “vô trung sinh hữu”! Nguyễn Thị Quỳnh Hoa đem chữ “Giác” trong “cảm giác” viết thành chữ “giác” trong “tam giác”, lại đem bài từ ấy gán cho từ nhân đời Lý, nhưng bài viết này trọng tâm không ở Ngọc lang quy nên chúng tôi tạm thời không xét.

 

Lê Mạnh Thát trong Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh viết: “Ngọc lang quy, mà bản đời Nguyễn tờ 5b10 gọi Vương lang quy, là tên Khuông Việt đặt cho bài từ, chứ đúng ra nó phải có tên Nguyễn lang quy, bởi vì thể tài âm luật và nhạc điệu của nó hoàn toàn đồng nhất với Nguyễn lang quy” (trang 32). Sau giải thích trên, tác giả tiếp tục giải thích nguồn gốc của từ điệu Nguyễn lang quy, đồng thời đem Ngọc lang quy so sánh với âm luật của điệu Nguyễn lang quy chép trong sách Từ luật của Vạn Thụ. Đối với chữ “nhân” dư ra trong bản Thiền uyển tập anh, tác giả cho rằng “chữ ấy là một diễn tự từ chữ “trường” đi trước đó mà ra” (trang 344). ở đây tuy chúng tôi nhất trí với cách lý giải này của tác giả, nhưng cũng còn không ít điểm cần trao đổi. Thứ nhất, Ngọc lang quy Nguyễn lang quy nên là hai khái niệm tách biệt, trong đó Nguyễn lang quy đóng vai trò từ điệu (cũng gọi là từ bài), còn Ngọc lang quy đóng vai trò từ đề (tức tên do tác giả đặt cho bài từ). Thứ hai, như chúng ta đều biết, ranh giới giữa từ và khúc rất mỏng manh, trong tình trạng hai chữ “diêu vọng” (遙望) chưa được giải quyết ổn thỏa, chưa định một tiêu chí phân biệt giữa từ và khúc, chưa biết Nguyễn lang quy có chăng được dùng cho khúc điệu, hay một biến điệu khác của từ, thì việc căn cứ theo âm luật của điệu Nguyễn lang quy để cắt xén văn tự quả là gượng ép. Thứ ba, Nguyễn lang quy là bài từ xưa nhất hiện còn của Việt Nam, khái niệm này không thể áp dụng cho Từ học Trung Quốc, những tuyển tập từ mà tác giả dẫn ra đa số tuyển chọn Tống từ, mà điệu Nguyễn lang quy lại định thể ở Nam Đường và tác phẩm thời ấy đến nay vẫn tồn tại không ít.

 

Tổng hợp những ý kiến đã xét ở trên, quan điểm của chúng tôi về Ngọc lang quy như sau: Thứ nhất, Ngọc lang quy là một bài từ, trong đó Nguyễn lang quy đóng vai trò từ điệu, Ngọc lang quy đóng vai trò từ đề. Thứ hai, văn tự bài từ nên lấy bản Thiền uyển tập anh làm chuẩn sau khi đã loại trừ một chữ “nhân”. Thứ ba, Ngọc lang quy là bài từ cổ nhất hiện còn của Việt Nam, nó không chỉ đánh dấu sự ra đời của từ Việt Nam mà cũng đánh dấu Từ học Trung Quốc chính thức truyền vào Việt Nam.

 

N.Đ.P

 

CHÚ THÍCH

 

(1) Luận văn tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Văn học cổ đại, Đại học Dương Châu, Trung Quốc, đệ trình ngày 06 tháng 5 năm 2003, trang 30.

 

(2) Đăng trên Cổ điển Văn học Tri thức số 3, năm 2001, tr.97 -100.

 

 

 

Thông tin truy cập

60423529
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4504
6820
60423529

Thành viên trực tuyến

Đang có 164 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website