Từ "Thi ngôn chí" đến thuyết "Mỹ thứ" đời Hán

I. “Thi ngôn chí” - Hình thành, ý nghĩa

 

Thiên Thuấn Điển trong sách Thượng thư có đoạn chép:

 

Đế viết: Quỳ, mệnh nhữ điển nhạc, giáo trụ tử trực nhi ôn, khoan nhi lật, cương nhi vô ngược, giản nhi vô ngạo. Thi ngôn chí, ca vịnh ngôn, ... Nghĩa là: Này ông Quỳ, ta giao cho ông quản âm nhạc, ông hãy dùng nó để dạy con em, để chúng trở thành người chính trực ôn nhu, rộng lượng kiên nghị, cứng cỏi mà không thô bạo, giản dị mà không ngạo mạn. Thơ dùng để nói chí, ca dùng để ngân dài lời thơ,...

 

Trên đây là lời của vua Thuấn nói với quan cai quản âm nhạc là ông Quỳ, cũng là tài liệu đề cập đến "thi ngôn chí" sớm nhất hiện còn. Thuyết "ngôn chí" không phải duy nhất có ở Thượng thư, trong sách vở thời Tiên Tần, thuyết này xuất hiện không ít. Tả truyện, Tương Công năm thứ 27, trong lời Văn Tử nói với Thúc Hướng có câu: Thi dĩ ngôn chí (thơ là để bày tỏ chí hướng); Lễ ký chương Nhạc ký có câu: Thi, ngôn kỳ chí dã, mục Trọng Ni nhàn cư ghi lời Khổng Tử có câu: Chí chi sở chí, thi diệc chí yên (Chí đến đâu thì thi đến đấy); sách Trang Tử thiên Thiên hạ có câu: Thi dĩ đạo chí (thơ là để nói chí); sách Tuân Tử mục Nho hiệu có câu: Thi ngôn thị kỳ chí dã (thơ là để nói cái chí của mình vậy), v.v... Với những cứ liệu đã nêu, chứng tỏ thuyết "thi ngôn chí" đương thời đã hết sức phổ biến.

 

"Thi ngôn chí" quan trọng ở "chí". Vậy "chí" là gì ? "Chí" bao hàm những nội dung gì ? Thứ nhất, từ góc độ từ nguyên, "chí" có nghĩa tương đồng với "thi". Ở đời Hán, người ta đa số lấy "chí" để giải thích "thi". Hứa Thận trong Ngôn bộ sách Thuyết văn giải tự viết: Thi, chí dã. Chí phát vu ngôn, tùng ngôn, tự thanh (Thi, chí vậy. Thơ là chí phát ra lời, trong đó chữ "ngôn" biểu nghĩa, chữ "tự" biểu âm). Trịnh Huyền chú Thượng thư chương Hồng phạm mục Ngũ hành truyện nói: "Thi chi ngôn, chí dã". Cao Dụ chú Lã thị xuân thu mục Thận đại lãm nói: "Thi, chí dã ". Vương Dật chú Cửu chương sách Sở từ mục Bi hồi phong cũng nói: "Thi, chí dã". Học giả Trung Quốc cận đại Dương Thụ Đạt trong Thích thi nói: "Chữ 'chí' lấy chữ 'tâm' làm nghĩa, chữ 'sĩ' làm thanh. Ba chữ 'sĩ', 'chí' và 'tự' thời cổ âm đọc không khác nhau..., lấy chữ 'sĩ' coi là chữ 'chí', hoặc lấy chữ 'tự' coi là chữ 'chí', thực cũng như phép giả tá mà thôi". Ông lại căn cứ vào câu của Hàn Tuyên Tử "phú bất xuất Trịnh chí" trong Tả Truyện, Chiêu Công năm thứ 16, cho rằng "Trịnh chí" tức "Trịnh thi", và kết luận hai chữ "thi", "chí" thời cổ dùng thông nhau, đây cũng chính là lý do Hứa Thận lấy "chí" để thích "thi". (Xem Tích Vi Cư Tiểu học kim thạch luận tùng, quyển 1). Văn Nhất Đa trong Ca dữ thi cũng cho rằng "thi" và "chí" vốn chỉ là một chữ, đồng thời nói thêm: "Chữ 'chí' có phần trên là chữ 'chỉ'. Trong Bốc từ, chữ 'chỉ' được viết với chữ 'chỉ' ở trên, chữ 'nhất' ở dưới, giống như hình bàn chân người dừng trên mặt đất, vậy nên 'chỉ' có nghĩa dừng lại". Ông lại nói: "Chữ 'chí' có phần trên là 'chỉ', phần dưới là 'tâm' có nghĩa dừng ở trong lòng. Dừng ở trong lòng cũng có thể nói là cất giữ (tàng) ở trong lòng". Sách Tuân tử chương Giải tế nói: Chí dã giả, tàng dã (nghĩa của chữ 'chí' là chữ 'tàng' vậy). Phía sau có thêm lời chú rằng: Tại tâm vi chí (ở trong lòng là chí), đây cũng như nói: "tàng tại tâm lý" (cất giữ trong lòng). Cho nên Thi tự sớ nói: Uẩn tàng tại tâm vị chi chí (cất giữ ở trong lòng gọi là chí). Mao thi tự nói càng rõ hơn: Thi giả, tại tâm vi chí, phát ngôn vi thi (thơ, ở trong lòng là chí, phát ra lời là thơ).

 

Thứ hai, vì "chí" có nghĩa dừng ở trong lòng, hoặc cất giữ ở trong lòng, thế nên trong một số sách vở đời Tần, Hán, "chí" thường được giải thích với hai chữ "tình" và "ý". Thái Thúc đáp Triệu Giản Tử hỏi về lễ trong Tả truyện, Chiêu Công năm thứ 25 nói: "Dân có hiếu, ố, hỷ, nộ, ai, lạc, ấy đều từ lục khí mà ra. Vậy nên loại nào đặt theo loại ấy, chế thành lục chí". Khổng Dĩnh Đạt trong Chính nghĩa nói: " Lễ ký gọi lục chí này là lục tình. ở mình là tình, tình động là chí, tình và chí thực cũng như nhau". Sách Lễ ký chương Học ký có câu: "Nhất niên thị ly kinh biện chí". Trịnh Huyền chú: Biện chí vị biệt kỳ tâm ý sở xu hướng dã [Biện chí tức phân biệt rõ nơi mà lòng người (tâm ý) hướng tới]. Trịnh Huyền chú câu: "Thi ngôn chí, ca vĩnh ngôn" trong Thuấn điển nói: Thi sở dĩ ngôn nhân chi chí ý dã; vĩnh, trường dã; ca hựu sở dĩ trường ngôn thi chi ý (Thơ dùng để biểu đạt ý chí của con người; chữ vĩnh có nghĩa kéo dài, ca dùng để ngân dài lời thơ). Sách Quảng nhã mục Thích ngôn nói: "Thi, ý dã". Hán thư mục Tư Mã Thiên truyện dẫn lời Đổng Trọng Thư: Thi dĩ đạt ý (Thơ là để biểu đạt ý). Từ những chú thích trên, có thể thấy, "chí" bao hàm "tình" và "ý", cũng chính là tình cảm và ý chí trong lòng nhà thơ. Thế nên, "ngôn chí" không ngoài "ngôn tình" và "ngôn ý". Cần phải chỉ ra rằng, "chí", "tình", "ý" là những khái niệm hoàn toàn tương đồng, "chí" có thể chỉ là "tình", hoặc có thể chỉ là "ý", cũng có thể bao hàm cả hai. Điều này có nghĩa, trong một tác phẩm thơ, thi nhân có thể chỉ nói "tình", có thể chỉ nói "ý", cũng có thể biểu đạt cả "tình" lẫn "ý".

 

Về ý nghĩa của "chí", Văn Nhất Đa trong Thi dữ ca từ góc độ khác khảo sát tỉ mỉ hơn. Ông nói: "Chí có ba nét nghĩa: một là ký ức (trí nhớ), hai là ghi chép và ba là hoài bão. Ba nghĩa này đại biểu cho ba giai đoạn phát triển chủ yếu của thi ca".

 

Thứ nhất, "thi" đã là "chí", "chí" lại tàng (cất giữ) ở trong lòng, vậy nên, "thi" hoặc "chí" chính là ký ức. Họ Văn nói: "Thơ vốn ra đời trước chữ viết (văn tự), đương thời người ta dựa vào ký ức, thông qua truyền miệng để lưu hành thi tác. Thơ sở dĩ có vần, hình thức câu gãy gọn, ấy chẳng phải để tiện cho ghi nhớ và diễn xướng (ký tụng) sao ? Cho nên, đương thời thơ đôi khi cũng có người gọi thơ là "tụng". Như vậy, hình thức cổ nhất của thơ cũng chính là những khẩu quyết còn truyền đến ngày nay, kiểu như Bách gia tính, Tứ ngôn tạp tự, v.v...

 

Thứ hai, sau khi chữ viết ra đời, sự tiện lợi của chữ viết nhanh chóng thay thế vị trí của ký ức, "ký ức được gọi là chí, ghi chép cũng được gọi là chí. Thời cổ, mọi ghi chép đều được gọi chung là "chí" (xem Thi dữ ca). Sách Quản Tử mục Sơn quyền số nói: Thi sở dĩ chí vật dã (thơ ghi chép sự vật). Giả Nghị trong Tân thư mục Đạo đức thuyết có câu: Thi giả, chí đức chi lý nhi minh kỳ chỉ, lệnh nhân duyên chi dĩ tự thành dã. Cố viết: Thi giả, thử chi chí giả dã (thơ dùng để ghi đức và làm rõ điều mà đức muốn nói, để cho người đời căn cứ vào đó mà tự trau dồi. Vậy nên nói: Thi là những ghi chép về đức vậy). Vô luận "chí vật" hay "chí đức", cả hai không ngoài nghĩa ghi chép, ký lục. Ngoài ra, trong sách vở đời Tiên Tần, hai chữ "chí vân": [đồng nghĩa với "thi vân": (thơ rằng:)] xuất hiện không dưới mười lần, đều chỉ sách vở ghi chép nói chung, hơn nữa lời dẫn ở dưới đều là văn vần. Từ những điều đã nêu, có thể kết luận, ghi chép chính là nét nghĩa thứ hai của chí (hoặc thơ).

 

Thứ ba, đồng thời với quá trình trên, sự phát triển nhanh chóng của xã hội và nhu cầu bức thiết của xã hội với việc cải tiến ngôn ngữ thúc đẩy sự ra đời của tản văn. Tản văn ra đời cùng với xu hướng thay thế thi ca ở lĩnh vực ghi chép và thuyết lý đã đẩy mạnh quá trình chuyên môn hóa của thi ca. Từ đây, tính tự sự và ký lục trong thơ giảm dần, nhường chỗ cho "tình" và "ý". Quá trình này tiếp diễn đến khi thuật ngữ "thi ngôn chí" hoàn toàn được xã hội công nhận, "chí" được dùng để chuyên chỉ việc biểu đạt hoài bão, tức "tình" và "ý" của thi nhân. Đây chính là nét nghĩa thứ ba của chí (hoặc thơ).

 

Như đã xét, ý nghĩa của "chí" vô cùng phong phú, nó có thể là "tình" là "ý", hoặc bao hàm cả hai, hay nói như Văn Nhất Đa, "chí" cùng lúc bao hàm ký ức, ký lục và hoài bão. Trước hết, theo chúng tôi, khảo sát của họ Văn chỉ có ý nghĩa về mặt thi sử, tức thi ca từ khởi nguyên đến khi có sự chuyên môn hóa cùng với ý nghĩa khác nhau của "chí" ở từng giai đoạn. Điều này, chính họ Văn cũng thừa nhận. Thứ hai, kết quả khảo sát "chí" bao gồm "tình", "ý" ở trên, thực chất chỉ là cái nhìn tổng quan không mang tính cụ thể cho bất kỳ giai đoạn nào. Trong suốt quá trình dài phát triển của thi ca, "chí" mang tính thời đại sâu sắc. Nếu thi ca từ Ngụy Tấn đến Đường để lại dấu ấn bởi thuyết "duyên tình", thì thơ Tống đặc biệt chú trọng về "lý" (ý). Nếu thi ca đời Minh là cuộc trỗi dậy của thi nhân nhằm vào thành trì Tống học, thì thi ca đời Thanh là sự nở rộ của nhiều khuynh hướng sau khi cái "tình", tức tình cảm cá nhân có cơ hội được giải phóng. Dưới đây chúng tôi sẽ tập trung lý giải sự biến thiên cũng như nội dung của "chí" từ khởi nguyên đến đời Hán.

 

II. Từ “dĩ ý nghịch chí” của Mạnh Tử đến thuyết “mỹ thứ” đời Hán

 

Như chúng ta đã biết, "chí" trong "thi ngôn chí" ở Thuấn điển và trong "thi dĩ ngôn chí" ở Tả truyện hoàn toàn không hạn định ở nội dung, có chăng chẳng qua chỉ là chỉ rõ thơ là biểu hiện của tâm hồn thi nhân, chứ hoàn toàn không mang nghĩa cụ thể, kiểu như tái hiện, mô phỏng tự nhiên, hay sự khúc xạ của ý niệm, v.v... Thời Xuân Thu xuất hiện thêm thuật ngữ "phú thi dĩ ngôn chí". Thuật ngữ này chuyên chỉ thói quen trích dẫn thi ca biểu đạt ý chí của các nhà ngoại giao thời Xuân Thu. Hoạt động này theo Nghệ văn chí sách Hán thư nói là có thể: biệt hiền bất tiếu nhi quan thịnh suy yên (phân biệt kẻ hiền người ngu và xem lẽ thịnh suy của một nước). Thế nên "chí" ở đây có thể là "hiền", có thể là "bất tiếu"; có thể phản ánh "thịnh", cũng có thể phản ánh "suy". Cuối thời Xuân Thu, Khổng Tử đem "chí" đặt trong phạm trù nhân tính, đồng thời hạn định khái niệm này trong phạm vi "nhân nghĩa". Đối với Kinh Thi, Khổng Tử nói: Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết tư vô tà (Kinh Thi hơn ba trăm bài, ta có thể lấy một câu để khái quát, ấy là "suy nghĩ trong sáng, không có tà vạy") (xem Vi chánh sách Luận ngữ). "Tư vô tà" thực ra chính là nhân nghĩa. Đến Mạnh Tử, trong Vạn Chương thượng sách Mạnh Tử, ông nói: "Việc luận thơ không nên lấy văn hại từ, không nên lấy từ hại chí, nên lấy ý mình truy ngược đến chí của nhà thơ ("dĩ ý nghịch chí"), như vậy mới thực sự nắm bắt được ý của tác giả". Triệu Kỳ chú đoạn trên nói: "Nhân tình bất viễn, dĩ kỷ ý nghịch thi nhân chi chí, thị vi đắc kỳ thực hỹ". Chú giải của họ Triệu rõ ràng đã nắm bắt được nội dung Nhân tính luận của Mạnh Tử. "Nhân tình bất viễn", ấy chính là "tâm" mà người người đều có. Bởi người người đều có "tâm", nên mới có việc lấy "kỷ ý" để truy ngược đến "thi nhân chi chí". "Dĩ ý nghịch chí" mà Mạnh Tử đưa ra là bước ngoặt của tư tưởng văn học Trung Quốc, từ đây yêu cầu với "thi nhân chi chí" hay "thi nhân chi tâm" bắt đầu được đặt ra. Yêu cầu này có thể khái quát thành hai chữ "chân" và "chính". Từ "chân" đến "chính" và "chân", "chính" hội thông với nhau, nói chung gồm hai bước: Thứ nhất, nhà thơ cần tĩnh hóa "kỳ tâm", sao cho lòng mình trong sáng, đạt đến độ thuần "chân". Khi ấy "chí" mà thi nhân biểu đạt sẽ là "xích tử chi tâm (tấm lòng trẻ thơ), hay "đồng tâm". Lòng người một khi đạt đến "xích tử chi tâm", tất yếu "tâm" ấy sẽ "vô tà", "chân" cũng sẽ là "chính". Vương Quốc Duy trong Nhân gian từ thoại nói: "Nhà thơ chủ quan, không cần nhiều kinh nghiệm ở đời, kinh nghiệm càng ít thì tính tình càng "chân", chính được hiểu theo ý trên. Thứ hai, nhà thơ cần đem lòng mình (kỳ tâm) hòa cùng "tâm" xã hội, hay "tâm" nhân loại, khi ấy, "chí" mà nhà thơ biểu đạt không chỉ là sự cùng thông của cá nhân, mà còn là sự vui buồn của đại chúng. Tác phẩm như thế không chỉ có cá tính mà còn có tính xã hội. Sự kết hợp giữa cá tính và tính xã hội chính là sự dung hợp giữa "chân" và "chính". Khổng Dĩnh Đạt trong Mao thi chính nghĩa quyển 1 sớ giải câu: "Thị dĩ nhất quốc chi sự, hệ nhất nhân chi bổn" trong Mao thi tự rằng: "Một người, kẻ ấy làm thơ, điều mà hắn nói trong thơ chỉ là "nhất nhân chi tâm" mà thôi. Muốn nói về một người, mà cái 'tâm' ấy lại là 'nhất quốc chi tâm', thi nhân cần đem ý nguyện của một nước coi là cái 'tâm' của mình (kỷ tâm)... Viết về việc trong thiên hạ thì cần tổng hợp "thiên hạ chi tâm", cộng thêm khảo sát phong tục khắp chốn, coi đó là ý mình, sau đó tập trung ca ngợi nền chính giáo của đế vương". Đây chính là lời sớ nói rõ nhất ý trên. "Chính" mà không "chân", ắt chẳng phải là "chính" thật; "chân" mà không "chính" cũng chẳng phải là "chân" thật. Duy có sự dung hợp của "chân" và "chính" trong cùng một tác phẩm mới là đạt đến cái "tâm" chung, cái "tâm" mà người người cùng có, mới là tác phẩm vĩ đại. Tư tưởng nêu trên cũng chính là tư tưởng cơ bản của văn học cổ đại Trung Quốc.

 

Tư tưởng của Mạnh Tử trên đây sang đời Hán vẫn được kế thừa và tiếp tục phát triển, nhưng ảnh hưởng bởi một trật tự chuyên chế khác xa trật tự xã hội Tiên Tần, thế nên cùng một nội dung nhưng xuất hiện không ít điểm khác biệt. Xã hội đời Hán so với Xuân Thu - Chiến Quốc là một cuộc đại nhất thống đặt dưới sự chuyên chế của một vị vua. Điều này được Giả Sơn phản ánh trong Chí ngôn: "Cơn lôi đình đến, không gì không gãy đổ; vạn cân ập xuống, không gì không nát vụn. Nay uy chúa không chỉ là lôi đình; sức nặng, không chỉ là vạn cân vậy" (xem Toàn Hán văn, quyển 14). Giữa lý tưởng (đạo) và uy chúa (thế), Hán nho phải xử trí sao cho không tới nỗi phải rời bỏ lý tưởng để "tòng thế" (theo đời). Giải quyết mối quan hệ phức tạp này, một mặt về chủ quan, Hán nho cần có dũng khí và đảm lược dám "xả thân gián chúa", mặt khác về mặt khách quan cũng cần tạo dư luận khiến cho mọi người (bao gồm cả giai cấp thống trị) thừa nhận và tiếp thu tư tưởng "đạo" cao hơn, tôn quí hơn "thế". Nói cho đúng, "nhân nghĩa" cao hơn chính trị, chính trị trong bất kỳ tình huống nào đều phải phụ thuộc vào nhân nghĩa.

 

Đặc trưng xã hội của đời Hán có ảnh hưởng sâu sắc đến thi luận, đặc biệt ở sự lý giải "thi nhân chi chí" (chí của nhà thơ). Trình Đình Tộ trong Thi luận thập tam mục Tái luận thứ thi nói: Hán nho ngôn thi, bất quá mỹ thứ nhị đoan (Hán nho luận thơ, chẳng qua chú trọng hai mặt 'mỹ' và 'thứ'). "Thi" ở đây chủ yếu được hiểu là Kinh Thi, bởi giai đoạn này ngoài Kinh Thi ra, thành tựu của Nhạc phủ cũng chưa đáng kể. Đời Hán làm truyện cho Kinh Thi chủ yếu gồm ba nhà Tề (Viên Cố), Lỗ (Thân Công) và Hàn (Hàn Anh), Mao Thi chủ yếu lưu hành trong dân gian, chưa được lập vào học quan. Sách Hán thư, Nho lâm truyện chép: "Hàn Anh vì muốn truy ý của các nhà thơ, nên viết cuốn (Hàn thi) Nội ngoại truyện mấy vạn chữ". Ban Cố nói tiếp: "Sách ấy tuy lời lẽ khác xa truyện của Viên Cố và Thân Công, nhưng cả ba nhà đều 'quy nhất' vậy". Vương Tiên Khiêm đời Thanh trong Thi tam gia nghĩa tập sớ mục Tự lệ nói: "'Quy nhất' là nói truyện của ba nhà về 'đại chỉ' là không khác nhau mà thôi". ở đây "quy nhất", "đại chỉ" chính là nói truyện của ba nhà Tề, Lỗ và Hàn (có thể kể cả Mao truyện) mặc dù văn tự, chú giải khác nhau, nhưng "ý" mà họ cùng truy (theo đuổi), "chí" mà họ cùng "nghịch" (truy ngược) đều như nhau, tức "mỹ thứ", "phúng gián". ở đây "mỹ" mang nghĩa ca ngợi, ca công tụng đức của đế vương; "thứ" có nghĩa phúng gián, can gián, chỉ sự uyển chuyển ôn nhu trong cách can gián của kẻ dưới với bề trên, cụ thể của kẻ làm tôi can gián bậc quân vương. "Mỹ thứ" là sản phẩm của Hán nho, dùng để quy định nội dung của "chí", đó thực chất là những viên gạch mới trên cái nền cũ "dĩ ý nghịch chí" của Mạnh Tử. Điều này Vương Quốc Duy trong Ngọc Khê Sinh niên biểu hội tiên tự chỉ rõ: "Đến khi Trịnh Huyền xuất thế, chuyên dùng thuyết của Mạnh Tử để trị Thi. Với Kinh Thi , họ Trịnh đã soạn Phổ, lại soạn thêm Tiên. Phổ dùng để 'tri nhân luận thế'; Tiên dùng để 'nghịch' chí của thi nhân" (xem Quan Đường tập lâm, quyển 23). Trịnh Huyền trong Lục nghệ luận nói: "Thơ là lời ca phúng tụng, từ khi thư khế (văn tự) hưng khởi, sùng thượng giản dị, khi ấy ca ngợi mà không đến nỗi xu nịnh, can gián mà không đến nỗi phỉ báng. Quân thần đối đãi với nhau như bằng hữu, được vậy là nhờ ở sự thành khẩn mà thôi. Đạo ấy vừa suy, gian thần nghịch tặc liền nổi lên, trật tự trên dưới đảo lộn. Đến khi phục hồi lễ chế, vua quý tôi khinh, đạo quân tôn nghiêm, đạo thần nhu nhuận. Thế nên, kẻ dám can gián trong triều ít đi, tình chí không nơi thổ lộ, thi nhân vì đó làm thơ, mục đích là để ca ngợi điều thiện, phê phán cái ác". Lời của họ Trịnh trên đây có thể coi là tổng kết của thi luận đời Hán. Rõ ràng "quân thần đối đãi với nhau như bằng hữu" là thực trạng xã hội thời Tam đại (Hạ, Thương, Chu), còn "vua (quân) quý tôi khinh" là thực trạng của xã hội Tần Hán, thời mà Trịnh Huyền đang sống. ở đây, họ Trịnh thực đã lý giải nguyên nhân về sự quy định "mỹ thứ" đối với khái niệm "chí" của thi luận đời Hán.

 

Đặc trưng của xã hội đời Hán không chỉ ảnh hưởng đến nội dung của thơ, mà còn ảnh hưởng đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống văn học đương thời. ở những lĩnh vực này, hầu như bất kỳ tác giả nào khi đề cập đến chủ ý sáng tác đều không nằm ngoài hai nội dung "mỹ thứ". Ở đây lấy Sở từ chương cú của Vương Dật làm ví dụ: Ly Tao Kinh tự gọi Ly Tao là "đem chính đạo để can gián vua"; Cửu ca tự nói: "Trên trình bày sự kính sợ trong việc thờ thần, dưới biểu đạt nỗi uất ức của bản thân, lấy đó để làm phương tiện phúng gián vậy". Cửu biện tự viết về Cửu Chương rằng: "Phúng gián Hoài vương, chủ ý làm cho Hoài vương thấy lời của mình là hợp với lẽ trời đất, có thể đi theo con đường ấy"; Chiêu hồn tự nói: "Ngoài thì kể điều xấu xa trong thiên hạ, trong thì ca ngợi ưu điểm của nước Sở, lấy đó để phúng gián Hoài vương, mong Hoài vương giác ngộ mà quay về đường chính"; Tích thệ tự nói: "Khiển trách Hoài vương có thủy mà không có chung"; v.v... Có thể nói, ở đời Hán, "mỹ thứ" là nội dung không chỉ của thơ mà còn là của bất kỳ lĩnh vực nào thuộc đời sống văn học, đây cũng là điểm khác biệt nổi bật của Thi luận đời Hán với Thi luận các giai đoạn sau.

 

Từ "thi ngôn chí" đến thuyết "mỹ thứ" đời Hán là giai đoạn đầu tiên, cũng là giai đoạn mang tính định hình hết sức quan trọng của thi ca từ sau khi có sự chuyên môn hóa về nội dung lẫn phương thức phản ánh. Việc đem thơ gắn liền với chính trị và phục vụ chính trị tuy gây tổn hại không ít đến văn học, nhưng đương thời không phải không có ý nghĩa tích cực. Về vấn đề này, chúng tôi hy vọng sẽ có một dịp khác để bàn luận.

 

 

 

Thông tin truy cập

60421251
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2226
6820
60421251

Thành viên trực tuyến

Đang có 212 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website