Tiếp nhận Tiễn đăng tân thoại ở Hàn Quốc

             TÓM TẮT

           Trong lịch sử văn học Đông Á, bộ tiểu thuyết văn ngôn Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu, một tác giả sống khoảng cuối đời Nguyên đầu đời Minh, có một số phận cực kỳ đặc biệt. Trong khi ở Trung Quốc, nó bị cấm đoán, bị khiến cho gần đến mức tuyệt chủng, thì ở nước ngoài, đặc biệt ở các nước thuộc thế giới Hán hóa như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,… nó lại được đón nhận nồng nhiệt và không ngừng khuyếch trương tầm ảnh hưởng, tất nhiên quá trình tiếp nhận Tiễn đăng tân thoại ở mỗi nước là hoàn toàn khác nhau. Vậy trong quá trình khuyếch trương tầm ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại  ra nước ngoài, người Hàn Quốc đóng vai trò ra sao? Tác phẩm chính thức được truyền vào Hàn Quốc từ khi nào? Bằng con đường nào? Trong bối cảnh xã hội thế nào và tâm lý tiếp nhận ra sao? Bài viết này xuất phát từ phương pháp thực chứng, chủ yếu xoáy vào giải quyết một số nội dung nêu trên.

           PROSESS OF RECEIVING TIỄN ĐĂNG TÂN THOẠI  OF CU HUU IN KOREA

           ABSTRACT

           In the history of Eastern Asian literature, the written language novel Tien Dang Tan Thoai of Cu Huu- an author lived about the end of Yuan dynasty and the beginning of Ming dynasty- had an extremely special fate. In China, it was banned, made nearly to be extinction while in the foreign countries, especially in the countries using Chinese characters such as South Korea,Japan,Vietnam... it was warmly received and constantly promoted the influence, of course, the process of receiving in each country was different.Therefore,during the process of promoting the influence of Tien Dang Tan Thoai abroad, how the Korean behaved?When did the novel officially passed to South Korean? By which way? How was the social and psychological context then? This article using empirical methods, mainly center on resolving the above content.

 

"Tiễn đăng tân thoại", nguồn: http://vienvanhoc.vass.gov.vn

 

 

1. TIỄN ĐĂNG TÂN THOẠI Ở TRUNG QUỐC

           Cù Hựu, tác giả tiểu thuyết Tiễn đăng tân thoại, một tác giả từng nổi tiếng trên văn đàn cuối đời Nguyên đầu đời Minh, từng lưu lại dấu ấn khá đậm nét trong lịch sử tiểu thuyết của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,… Thế nhưng trong một thời gian dài, trong suốt 80 năm đầu của thế kỷ XX, cuộc đời và thành tựu văn học của ông hầu như không được giới nghiên cứu học thuật tại Trung Quốc quan tâm.     

           Cù Hựu tên tự là Tông Cát, hiệu là Tồn Trai, còn có hiệu là Ngâm Đường, cuối đời tự xưng là Lạc Toàn Tẩu. Quê ông ở đất Sơn Dương, nay thuộc Hoài An, tỉnh Giang Tô, nhưng tổ tiên lại di cư đến từ đất Tiền Đường, nay thuộc thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang. Cù Hựu sinh ngày 14 tháng 7 năm Chí Đức thứ 7 đời Nguyên Huệ Tông (1347), tính ông thông tuệ, lại giỏi thơ văn từ nhỏ, từng được lãnh tụ thi đàn đương thời là Dương Duy Trinh (杨维桢) khen là “thiên lý câu” (千里, con ngựa thiên lý) của nhà họ Cù.

           Cù Hựu ra làm quan cho nhà Minh vào năm Hồng Vũ thứ 10 đời Minh Thái Tổ (1377), từng giữ các chức Huấn đạo, Giáo dụ tại các huyện như Nhân Hòa, Lâm An, Nghi Dương; sau thăng lên chức Hữu trưởng sử phủ Chu Định Vương của Chu Túc. Năm Vĩnh Lạc thứ 6 đời Minh Thành Tổ (1408), ông vì thơ mà mang họa, bị bắt sung vào Cẩm y vệ, sau bị đưa đi đồn thú ở Bảo An (nay thuộc vùng Hoài Nhu, tỉnh Hà Bắc). Năm Hồng Hy thứ nhất đời Minh Nhân Tông (1425), nhờ Thái sư là Anh quốc công Trương Phụ tấu xin, được thả cho về, đồng thời quản việc dạy học tại phủ của Trương Phụ. Được khoảng ba năm, ông cáo lão về quê, ông mất tại Tiền Đường năm Tuyên Đức thứ 8 đời Minh Tuyên Tông (1433), hưởng thọ 87 tuổi.

           Thành tựu văn học của Cù Hựu hết sức phong phú, ngoài Tiễn đăng tân thoại được lưu truyền rộng rãi và có ảnh hưởng to lớn, còn có khá nhiều tác phẩm hiện còn truyền bản như Hương đài tập, Thông giám cương mục tập lãm thuyên ngộ, Quy điền thi thoại, Vịnh vật thi, Lạc Toàn thi tập, Nhạc phủ di âm. Ngoài ra, còn không ít tác phẩm bị người đời thác danh, gán cho ông, như Đô huyền kính thi thoại, Cư gia nghi kỵ,…

Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu gồm 4 quyển, được hoàn thành vào năm Hồng Vũ thứ 11 đời Minh Thế Tổ (1378). Sách tuy chưa được khắc in, nhưng vẫn không ngừng được sao chép, lưu hành trong dân gian, thậm chí từng xuất hiện bản khắc do dân gian tự tiện khắc in. Chính Cù Hựu trong Trùng hiệu Tiễn đăng tân thoại tự cũng viết rằng:

           Gần đây gặp ông Hồ Tử Ngang, được ông cho xem bốn quyển Tiễn đăng tân thoại, bốn quyển này ông đã thấy ở Bồ Giang thuộc Tứ Xuyên. Tập ấy được những kẻ hiếu sự truyền đi tứ phương, sao đi chép lại không còn như thật nữa, sai lầm khá nhiều, có bản in khắc lại thì càng rơi vãi nhiều hơn. Tập ấy được tôi hoàn thành năm Mậu Ngọ, niên hiệu Hồng Vũ, cách nay đã 44 năm[iii].

           Theo tác giả Nhật Bản Thu Cát Cửu Kỷ Phu, sách được Cù Hựu lần đầu tiên chính thức khắc in vào năm Hồng Vũ thứ 14 (1381)[iv]. Tác giả Đài Loan Trần Ích Nguyên cũng ủng hộ quan điểm này[v]. Thế nhưng, căn cứ theo lời tựa trên đây của Cù Hựu, phán đoán nêu trên vẫn cần thiết phải đưa ra nhiều chứng cứ xác đáng hơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bản Trùng hiệu Tiễn đăng tân thoại do Hồ Tử Ngang và Đường Nhạc nhờ Cù Hựu hiệu đính hoàn thành vào năm Vĩnh Lạc thứ 19 (1421). Nhưng sách này vẫn không được in ngay, phải chờ đến khoảng từ năm Thành Hóa thứ 3 (1467) đến Thành Hóa thứ 10 (1474), sau khi tác giả qua đời đã khá lâu, sách mới được cháu của Cù Hựu là Cù Tiêm chính thức khắc in. Sự chậm trễ trong việc khắc in bản Trùng hiệu có thể quy về nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc cấm đoán của triều đình, xảy ra vào tháng 3 năm 1442, tức sau khi Cù Hựu mất 9 năm. Sách Nhật tri lục chi dư của Cố Viêm Vũ đời Thanh, quyển 4, mục “Cấm tiểu thuyết” chép rằng:

           Sách Thực lục chép rằng: tháng 2 Tân Mùi, năm Chính Thống thứ 7, quan Quốc tử giám Tế tửu Lý Thời Miễn tâu rằng: gần đây có kẻ tục nho mượn chuyện quái dị, thêm những lời vô căn cứ, ví như loại Tiễn đăng tân thoại. Loại sách này không chỉ bọn lêu lổng nơi chợ búa tranh nhau đọc, mà cả đến nho sinh cũng sao nhãng việc học tập kinh điển, ngày đêm không ngớt bàn luận. Nếu như không nghiêm cấm, thì e rằng những tà thuyết dị đoan ngày càng lan tràn, làm cho người dân bị mê hoặc rối loạn. Xin sức cho bộ Lễ ban hành công văn đến khắp các Nha môn, cùng các quan Thiêm sự, Ngự sử, các quan thuộc ty Án sát, kiểm tra khắp nơi, nếu gặp các sách vở loại này lập tức ra lệnh đốt hết. Ai đem in bán và cất giấu thì xử tội theo luật, ngõ hầu khiến cho dân biết được chính đạo và không bị tà thuyết mê hoặc. Hoàng đế chuẩn theo[vi].

           Nhóm tác giả Trần Đại Khang, Tất Viện, Tôn Khang Nghi cho rằng, bản Trùng hiệu còn có nhiều khả năng được khắc in trước thời điểm 1442, theo họ bởi chỉ có thể như thế mới có thể giải thích được hiện tượng Tiễn đăng tân thoại ngày càng vắng bóng ở Trung Quốc sau sự kiện Lý Thời Miễn dâng sớ xin cấm, hủy, Minh Anh Tông hạ chiếu cấm, hủy sách vào năm Quý Dậu, niên hiệu Chính Thống thứ 17, và thực tế tác phẩm Kim Ngao tân thoại của Lý Thời Tập hoàn thành ở Hàn Quốc trong khoảng thời gian từ 1465 đến 1471[vii]. Tất nhiên trong lần cấm, hủy sách này, đối tượng không chỉ có Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu, mà Tiễn đăng dư thoại của Lý Trinh (Xương Kỳ) cũng chịu chung số phận, thậm chí do làm sách này, sau khi mất, Lý Trinh còn không được đưa vào miếu thờ các bậc hiền sĩ trong làng[viii]. Thế nhưng, bất chấp sự cấm đoán, Tiễn đăng tân thoại vẫn liên tục được bí mật khắc in. Tác giả Hàn Quốc là Mẫn Khoan Đông trong luận văn tiến sĩ Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc ở Hàn Quốc, đệ trình tại Đài Loan vào tháng 6 năm 1994 chỉ rõ rằng: không như các tác giả Trung Quốc lầm tưởng, tức họ từng cho rằng “sách này ở Trung Quốc đã thất truyền từ lâu”, thực tế trước sau trên đất nước Trung Quốc luôn tồn tại ít nhất hai bản khắc đầy đủ được khắc dưới thời Minh. Đó là, bản do họ Dương khắc tại Thanh Giang Đường vào năm Chính Đức thứ 6 (1511) và bản cũng chính do họ Dương khắc in tại Thanh Giang Đường vào năm Vạn Lịch thứ 21 (1593)[ix]. Tất nhiên số bản khắc hoàn chỉnh dưới đời Minh không chỉ có bấy nhiêu, tác giả Trần Ích Nguyên trong Nghiên cứu Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục ngoài cung cấp thêm 05 truyền bản khác, trong đó có bản do Hoàng Chính Vị khắc in vào năm Vạn Lịch thứ 34 vẫn còn nguyên vẹn, được liệt kê trong Bắc Kinh đồ thư quán thiện bản thư mục[x].

2. TIỄN ĐĂNG TÂN THOẠI TRUYỀN VÀO HÀN QUỐC

Chính ở thời điểm Tiễn đăng tân thoại bị cấm, hủy ở Trung Quốc (1442), thậm chí có nhiều khả năng từ trước thời điểm này, sách đã được truyền sang Hàn Quốc, đồng thời không lâu sau đó, trở thành tác phẩm Hán văn kinh điển được ưa chuộng tại đây. Về thời điểm Tiễn đăng tân thoại được truyền vào Hàn Quốc, sách Triều Tiên vương triều thực lục, quyển “Yên Sơn Quân” chép rằng:

           Truyền rằng: các sách Tiễn đăng tân thoại, Tiễn đăng dư thoại, Hiệu tần tập, Kiều hồng ký, Tây sương ký,… cần phải tạ ơn các sứ thần trao đổi mang về (mang tới)… (Năm thứ 12 đời Yên Sơn Quân, tức tháng 4 năm Nhâm Thìn, 1505),… Truyền rằng: các sách Tiễn đăng tân thoại, Tiễn đăng dư thoại,… cần phải cho khắc in dâng tiến[xi].

           Thực tế có khá nhiều khả năng Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu được truyền vào Hàn Quốc trước thời điểm 1505. Thứ nhất, tác giả Mẫn Khoan Đông trong Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc ở Hàn Quốc, trên cơ sở tiến hành so sánh Tiễn đăng tân thoại cú giải, bản cổ nhất do người Triều Tiên khắc in năm 1549 và bản do triều Minh khắc in năm Vạn Lịch thứ 21 (1593), ở một số phương diện như số quyển, tên truyện, thứ tự sắp xếp các truyện và sự khác biệt về mặt văn tự ở các thiên có cùng một nội dung, đã đi đến kết luận: “bản Tiễn đăng tân thoại cú giải do người Triều Tiên khắc in có nhiều khả năng gần với bản gốc Tiễn đăng tân thoại hơn”[xii]. Tác giả Tôn Khang Nghi cũng đồng tình với ý kiến này, đồng thời căn cứ trên nội dung bản khắc Tiễn đăng tân thoại cú giải của Triều Tiên hiện do Nội các văn khố Nhật Bản điển tàng, trong sách có bài “Trùng hiệu Tiễn đăng tân thoại hậu tự”, ông đã tiến thêm một bước, đưa ra phán đoán: “Bản này (chỉ Tiễn đăng tân thoại cú giải ) chính là bản khắc in sau khi Cù Hựu hiệu đính sách, năm ấy ông đã 75 tuổi, tức năm Vĩnh Lạc thứ 19 (1421)”[xiii]. Thứ hai, theo nghiên cứu của tác giả Trịnh Bính Dực người Hàn Quốc, Kim Ngao tân thoại của Kim Thời Tập (1435-1493) hoàn thành vào khoảng thời gian từ năm Thế Tổ thứ 10 (1465) đến năm Thành Tông thứ 2 (1471). Thêm nữa, trong quá trình sáng tác, Kim Thời Tập chắc chắn đã tham khảo bản Trùng hiệu Tiễn đăng tân thoại, nếu không ông quyết không thể làm được hai bài thơ ở cuối truyện thứ 5 Long cung phó yến lục trong Kim Ngao tân thoại[xiv]. Vậy nếu phải chờ bản Trùng hiệu mãi đến khoảng từ năm Thành Hóa thứ 3 (1467) đến Thành Hóa thứ 10 (1474) mới được Cù Tiêm khắc in, sau đó lại phải chờ một thời gian nhất định mới có thể truyền sang Hàn Quốc, trong tình huống như thế, cách giải thích này e là không ổn. Điều này cũng được phần lớn các tác giả Trung Quốc, Đài Loan như Trần Đại Khang, Tất Viện, Tôn Khang Nghi, Trần Ích Nguyên… đồng tình[xv].

           Như vậy, về thời điểm Tiễn đăng tân thoại truyền vào Hàn Quốc, tuy chưa thể xác định được thời điểm cụ thể, đáng tin cậy, nhưng quyết không thể chậm đến tận thời điểm 1505. Bởi vì Kim Ngao tân thoại đã được Kim Thời Tập hoàn thành từ những năm thuộc nửa cuối thập niên 60 và nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ 15. Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, bản Trùng hiệu Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu có thể đã được truyền vào Hàn Quốc từ trước thời điểm 1465, đồng thời đối tượng lưu truyền cũng bao gồm hai khả năng, tức cả bản sao lẫn bản khắc in.

3. TIẾP NHẬN TIỄN ĐĂNG TÂN THOẠI TẠI HÀN QUỐC

           Tiếp nhận Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu ở Hàn Quốc là vấn đề khá phức tạp, nay để vấn đề thêm phần rõ ràng, tạm phân chia và đi sâu vào xét một số khía cạnh như sau:

           Thứ nhất, sau khi truyền vào Hàn Quốc, tầm ảnh hưởng của tác phẩm trong xã hội hết sức rộng lớn, thành phần độc giả không chỉ dừng lại ở giai cấp thống trị, tầng lớp văn nhân, mà còn lan rộng đến cả tầng lớp bình dân trong xã hội. Doãn Xuân Niên (1514-1567), một quan chức cao cấp từng phụ trách khắc in sách Tiễn đăng tân thoại cú giải trong lời bạt cho sách ấy viết:

           Trên từ nho sinh, dưới đến quan lại cấp thấp, dân thường thảy đều thích đọc sách này, mọi người đều cho rằng đây là cách nhanh chóng có thể nắm được nguyên tắc viết văn của chữ Hán[xvi]

           Đồng thời tầm ảnh hưởng của sách cũng kéo dài đến vài thế kỷ, đến tận giai đoạn cận đại trong lịch sử Hàn Quốc.Tác giả Lý Khuê Cảnh (1788-18?) trong Ngũ châu diễn văn trường tiên tản cảo viết:

           Nay người trong thiên hạ thường đọc Tiễn đăng tân thoại, bảo rằng đọc sách ấy hay hơn tất thảy mọi sách khác trong thiên hạ,… đó cũng là thứ quen thuộc, thường ngày tầng lớp văn nhân trong xã hội đua nhau học theo, bởi rằng tất thảy chí khí đều đã bao hàm trong đấy, thế thì hà tất phải buông lời chỉ trích. Duy chỉ có tầng lớp sĩ đại phu là không ưa sách này[xvii].

           Rõ ràng, không chỉ dừng lại ở mục đích tiêu khiển, Tiễn đăng tân thoại còn được xem là thứ văn mẫu để mô phỏng mỗi khi viết văn. Dẫu rằng sách từng bị không ít sĩ đại phu chỉ trích, nhưng xu hướng phổ biến, khẳng định giá trị của tác phẩm trước sau luôn chiếm ưu thế. Sách Triều Tiên vương triều thực lục có đoạn chép lời chỉ trích Tiễn đăng tân thoại của văn thần Kỳ Đại Thăng như sau:

           Thơ văn từ hoa lệ còn không nên đọc, huống hồ những sách như Tiễn đăng tân thoại, Thái bình quảng ký,…có thể làm tâm chí con người mê loạn. Từ khi Thánh thượng biết sách ấy mê lầm mà ra lệnh cấm đoán, thực đã có công lớn trong việc hồi chuyển phong khí văn chương vậy. Lại tấu rằng: …Tiễn đăng tân thoại là sách đáng chỉ trích nhất, thế nhưng Hiệu thư quán lại tự ý cung cấp tư liệu, dẫn đến có bản khắc trong thiên hạ, điều này khiến bậc chí sĩ không khỏi đau lòng, không ít người muốn dẹp bỏ bản khắc của nó, nhưng nó vẫn lưu hành liên tục trong thiên hạ cho đến tận ngày nay, chốn dân gian người ta tranh nhau khắc bán, trong đó những chuyện nam nữ gặp nhau làm chuyện dâm loạn, những chuyện thần quái thực không ít[xviii].

           Không dừng lại ở đó, vua Triều Tiên là Yên Sơn Quân ở giai đoạn đầu thế kỷ 16 không chỉ sức xuống cho thợ khắc in, dùng sách ban cho quần thần, mà còn dụ rằng:

           Dụ cho quần thần khi ban Tiễn đăng tân thoại rằng: lời tựa viết rằng, sở thích của bậc quân vương bất chính là thanh sắc, ca vũ, mà việc trên dưới dối nhau, việc chánh trị không được sửa trị, đất nước không thể hưng thịnh, ấy nào phải do thanh sắc, ca vũ mà ra? Thực ra ấy đều bởi trên dưới dối lừa nhau mà thôi, các vua triều trước cũng có người như thế chăng? Nay Thừa chính viện dâng sớ, nào chỉ do chuyện thanh sắc, còn có cả việc trên dưới dối nhau, việc chánh trị bị phế bỏ, đất nước không thể hưng thịnh, việc ở các triều trước các khanh thực sự chưa biết rõ vậy![xix]

           Thứ hai, ở khía cạnh chỉnh lý, chú thích, phiên dịch và khắc in. Sau khi truyền vào Hàn Quốc, nếu không tính hệ thống các bản dịch và xuất bản bằng tiếng Hàn hiện đại, Tiễn đăng tân thoại chủ yếu tồn tại với ba hình thức văn bản: bản từ Trung Quốc truyền vào, bản do người Hàn Quốc khắc in và bản do người Hàn Quốc sao chép. Hai loại đầu và cuối tuy có nhưng không nhiều, liên quan đến hai loại này, tác giả Mẫn Khoan Đông đã thống kê cụ thể trong Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc ở Hàn Quốc, nay không trùng lặp, chỉ đi vào giới thiệu loại thứ hai.

           Về bản khắc in chữ Hán Tiễn đăng tân thoại ở Hàn Quốc, chủ yếu có hai hệ thống văn bản, tức hệ thống bản chú thích Tiễn đăng tân thoại cú giải và bản không có chú thích Tiễn đăng tân thoại. Trong đó loại thứ nhất tổng cộng được khắc in ít nhất là năm lần, thứ tự vào các năm 1549, 1559, 1564, 1704 và 1916; loại thứ hai được in vào các năm 1916, 1920, 1950 và 1971. Về bản chú thích Tiễn đăng tân thoại cú giải, đây là bản tường chú đầu tiên của Tiễn đăng tân thoại tồn tại trên thế giới. Vào năm thứ 4 triều Minh Tông (1549), Lâm Kỷ nhận lời ủy thác của Tống Ký, tiến hành tường chú và khắc in Tiễn đăng tân thoại cú giải. Liên quan đến sách này, sách Thuận An tập của An Đỉnh Phúc chép khá rõ:

Tiễn đăng tân thoại, 2 quyển, là bộ tiểu thuyết do tác giả đầu đời Minh là Cù Hựu, tự là Tông Cát, hiệu là Tồn Trai soạn. Sách do quan Phán thư Doãn Xuân Niên và quan văn học Lâm Kỷ chủ thích, trong đó Thương Châu chính là tên hiệu của Xuân Niên, lại do dưới cổ Lâm Kỷ có cục thịt thừa, nên lấy tên hiệu là Thùy Hồ Tử, ông chính là cháu ngoại của Lục thần năm Bính Tý là Lý Khải vậy[xx].

           Theo lời bạt của Lâm Kỷ, Tiễn đăng tân thoại cú giải có hai loại: loại thứ nhất là bản được soạn theo sự ủy thác của Tống Kỷ, sách được in năm Minh Tông thứ 4 (1549); loại thứ hai là bản tu đính trên cơ sở bản thứ nhất, trong đó phần hiệu chính do Doãn Xuân Niên (Thương Châu) đảm nhiệm, Lâm Kỷ chịu trách nhiệm tập thích và xuất bản, sách in năm Minh Tông thứ 14 (1559). Bản thứ hai này sau được khắc in lại khá nhiều lần, nên văn bản này hiện còn lưu giữ khá nhiều. Cũng chính bản cú giải này, vào khoảng giai đoạn Nhật Bản xâm lược Triều Tiên (1592-1597), sách bị cướp về Nhật; kế đó vào năm 1641, chính phủ Nhật Bản lại có thư xin Tiễn đăng tân thoại và một số sách khác. Sách Triều Tiên vương triều thực lục chép:

           Vào năm Tân Tỵ, người Nhật xin sách Tứ thư chương, Dương Thành Trai tập, Đông Pha, Tiễn đăng tân thoại và bản đồ nước ta, triều đình ban sách Đông Pha, Tiễn đăng tân thoại, các bộ còn lại đều không cho[xxi].

           Ở đây, bất luận Tiễn đăng tân thoại của người Hàn Quốc truyền sang Nhật Bản bằng con đường nào, nhưng chắc chắn đây là bản quan trọng nhất để người Nhật dựa vào để khắc in bản Tiễn đăng tân thoại cú giải vào các năm thuộc niên hiệu Khánh Trường (1596-1615), Nguyên Hòa (1615-1623) và bản in bằng con chữ rời vào năm Khánh An thứ nhất (1648) của Lâm Chánh Ngũ Lang. Vào năm 1917, tác giả Trung Quốc là Đổng Khang đã căn cứ trên hai bản Khánh Trường và Nguyên Hòa của Nhật Bản, sau khi bỏ đi phần “cú giải”, thu vào Tụng Phấn thất tùng khán, bản này sau đó liên tiếp được ấn bản tại Trung Quốc và Đài Loan, đây đồng thời là bản thông hành và là bản có giá trị học thuật cao nhất trong toàn bộ hệ thống 9 truyền bản hiện còn của Tiễn đăng tân thoại. Như vậy, rõ ràng người lập công đầu trong việc bảo tồn văn bản Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu không phải là người Nhật Bản như nhìn nhận của các học giả Trung Quốc, mà là các tác giả Hàn Quốc, đất nước Hàn Quốc. Ngoài ra, cùng với Kim Ngao tân thoại của Kim Thời Tập được truyền sang Nhật Bản, đây cũng là một trong những nhân tố tạo ảnh hưởng, thúc đẩy sự ra đời hai tác phẩm thuộc hàng kinh điển trong văn học Nhật Bản là Ngự già tì tử của Asai Ryoi (xuất bản năm 1660) và Vũ nguyệt vật ngữ của Ueda Akinari (1734-1809).

           Thứ ba, về tác động của Tiễn đăng tân thoại đối với nền văn học Triều Tiên. Rõ ràng sau khi truyền vào Hàn Quốc không bao lâu, sách đã được Kim Thời Tập, khi ấy đang ở ẩn ở núi Kim Ngao mô phỏng để viết thành Kim Ngao tân thoại. Kim Ngao tân thoại đồng thời cũng là tác phẩm mở đầu thể loại tiểu thuyết truyền kỳ trong văn học Triều Tiên. Sách này sau khi truyền sang Nhật Bản, cũng từng được ấn bản nhiều lần và được đón nhận hết sức nhiệt tình của công chúng Nhật Bản. Nếu xét riêng tác phẩm Kim Ngao tân thoại, có thể thấy rõ dấu ấn của Tiễn đăng tân thoại thể hiện ở một số khía cạnh sau:

           Trước tiên, về cốt truyện, lâu nay không ít nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết về mặt nội dung giữa các thiên của Kim Ngao tân thoạiTiễn đăng tân thoại. Cụ thể, Vạn Phúc tự xư bồ ký trong Kim Ngao tân thoạiTất Mục túy du Tụ Cảnh viên ký, Phú quý phát ty tích ký, Mẫu đơn đình ký, Lục y nhân ký, Ái khanh truyện trong Tiễn đăng tân thoại; Lý sinh khuy tường truyện trong Kim Ngao tân thoạiVị Đường kỳ ngộ ký, Thúy Thúy truyện, Kim phụng thoa truyện, Liên phương lâu ký, Thu hương đình ký trong Tiễn đăng tân thoại; Túy du Phù Bích lâu ký trong Kim Ngao tân thoạiKiếm hồ dạ phiếm ký trong Tiễn đăng tân thoại; Nam Viêm phù châu chí trong Kim Ngao tân thoại và các thiên Lệnh Hồ sinh minh mộng lục, Thái hư ty pháp truyện, Vĩnh Châu dã miếu ký trong Tiễn đăng tân thoại; Long cung phó yến lục trong Kim Ngao tân thoại và các thiên Thủy cung khánh hội lục, Long đường linh hội lục trong Tiễn đăng tân thoại.

           Xét văn bản sách Kim Ngao tân thoại, thực ra song song với quá trình tiếp nhận nội dung tác phẩm, rất nhiều yếu tố khác như cấu trúc ngôn ngữ, từ vựng, cách thức miêu tả nhân vật, bối cảnh,… thảy đều được tác giả kế thừa. Thậm chí, hiện tượng cấu trúc câu văn mượn nguyên, chỉ sửa đi một vài chữ cũng là hiện tượng thường thấy. Ví dụ câu “Tất đăng vô diệm dạ như hà” trong Vạn Phúc tự xư bồ ký của Kim Ngao tân thoại và “Tất đăng vô diệm dạ như niên” trong Tất Mục túy du Tụ Cảnh viên ký của Tiễn đăng tân thoại; câu “Hạ thổ ngu muội, cam dữ thảo mộc đồng phụ” trong Túy du Phù Bích lâu ký của Kim Ngao tân thoại và câu “Hạ giới ngu muội, cam dữ thảo mộc đồng phụ” trong Kiếm hồ dạ phiếm ký của Tiễn đăng tân thoại; đoạn “Bỉ cư tịch lậu…kim dục biệt cấu nhất điện, mệnh danh Linh Đức, công tượng dĩ cử, mộc thạch hàm cụ, sở phạp giả, duy thượng lương văn nhĩ, trắc văn quân tử…hạnh vị yến nhân chế chi” trong Thủy cung khánh hội lục của Tiễn đăng tân thoại và đoạn “Bỉ cư tịch lậu…kim dục biệt cấu nhất các, mệnh danh Gia Hội, công tượng dĩ tập, mộc thạch hàm cụ, nhi sở phạp giả, thượng lương văn nhĩ, trắc văn tú tài…hạnh vị quả nhân chế chi” trong Long cung phó yến lục của Kim Ngao tân thoại;… Tất nhiên không thể nói Kim Ngao tân thoại là sự sao chép y nguyên từ Tiễn đăng tân thoại, bởi trong quá trình viết, tác giả luôn có ý thức biến đổi không gian địa lý, bối cảnh, thời đại của Trung Quốc thành Hàn Quốc, cố gắng tăng tính địa vực trong sáng tác bằng cách gia tăng yếu tố văn hóa Hàn Quốc trong tiểu thuyết. Thế nhưng, cho dù tác giả luôn cố gắng thoát ra ngoài sự mô phỏng, ước muốn này nói cho cùng vẫn là không tưởng. Về nguyên nhân của sự thất bại, tất nhiên có thể có rất nhiều, nhưng quan trọng theo chúng tôi vẫn bởi, đây là lần đầu tiên tác giả mô phỏng tác phẩm kiểu này, thêm vào đó khả năng vận dụng Hán văn của một người nước ngoài, ắt không thể đạt đến trình độ thuần thục như tiếng mẹ đẻ.

           Trên đây là một số điểm nổi bật trong quá trình tiếp nhận Tiễn đăng tân thoại ở Hàn Quốc. Tất nhiên, đi cùng tiến trình phát triển của lịch sử Hàn Quốc, tầm ảnh hưởng của sách không chỉ dừng lại ở những điểm này, tất yếu còn rất nhiều vấn đề có thể tiếp tục đi sâu nghiên cứu.

           Nói tóm lại, thực tế tiếp nhận Tiễn đăng tân thoại ở Hàn Quốc là một vấn đề khoa học hết sức thú vị cần được đi sâu vào nghiên cứu, chúng tôi tin rằng, cùng với việc nghiên cứu sâu vấn đề này, rất nhiều vấn đề thuộc nguyên lý văn học so sánh sẽ được làm sáng tỏ, đặc biệt còn có thể nhìn thấy mối tương đồng và dị biệt hết sức thú vị trong tương quan so sánh với việc tiếp nhận Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu ở Việt Nam.

 

 


[i] TS., Khoa Ngữ văn Trung Quốc, ĐH KHXH & NV TP.HCM

[ii] Dr., Faculty of Chinese Literature and Linguistics, USSH – VNU-HCMC

[iii] Xem Cù Hựu (1981), Chu Lăng Già hiệu chú, Tiễn đăng tân thoại (in chung: Tiễn đăng dư thoại và Mịch đăng nhân thoại) Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã xuất bản.

[iv] Xem Thu Cát Cửu Kỷ Phu, “Thời gian khắc in của bản Tiễn đăng tân thoại gốc”, in trong Trung Quốc văn học luận tập, số 7, tr.28-38.

[v] Xem Trần Ích Nguyên (2000), Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại & Truyền kỳ mạn lục, Nxb. Văn học, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, tr.83.

[vi] Xem thêm Minh Anh Tông thực lục, quyển 90, Đài Bắc, Trung Ương nghiên cứu viện xuất bản từ năm 1961 đến 1966, tr.1811-1813.

[vii] Xem Trần Đại Khang, Tất Viện, “Tiễn đăng tân thoại cú giải, khảo biện về bản khắc Gia Tĩnh đời Minh, kiêm luận quá trình lưu truyền và ảnh hưởng của bản khắc dưới triều Lý ở Hàn Quốc”, in trên Văn học di sản, kỳ số 5, năm 1996, tr.106. Xem Tôn Khang Nghi, “Văn chương ghét mệnh đạt: lại bàn về Cù Hựu và số phận của Tiễn đăng tân thoại”, in trong Kỷ yếu hội thảo “Minh Thanh tự sự lý luận dữ tự sự văn học”, do Viện Nghiên cứu Trung Ương Đài Loan tổ chức tại Đài Loan, từ ngày 30 đến ngày 31 tháng 8 năm 2007.

[viii] Xem Hồ Ứng Lân (1997), Thiếu thất sơn phòng bút tùng, quyển 41, Thế Giới thư cục xuất bản, tr.570. Xem thêm Tiền Khiêm Ích (1983), Liệt triều thi tập, tập Ất, Thượng Hải cổ tịch xuất bản, tr.189-190.

[ix] Xem Mẫn Khoan Đông (1998), Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc ở Hàn Quốc, Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, tr.278.

[x] Xem Trần Ích Nguyên (2000), Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại & Truyền kỳ mạn lục, Nxb. Văn học, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, tr.90.

[xi] Xem Mẫn Khoan Đông (1998), Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc ở Hàn Quốc, Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, tr.246.

[xii] Xem Mẫn Khoan Đông (1998), Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc ở Hàn Quốc, Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, tr.277-281.

[xiii] Xem Tôn Khang Nghi, “Văn chương ghét mệnh đạt: lại bàn về Cù Hựu và số phận của Tiễn đăng tân thoại”, in trong Kỷ yếu hội thảo “Minh Thanh tự sự lý luận dữ tự sự văn học”, do Viện Nghiên cứu Trung Ương Đài Loan tổ chức tại Đài Loan, từ ngày 30 đến ngày 31 tháng 8 năm 2007.

[xiv] Hai bài thơ trong truyện Long cung phó yến lục trong sách Kim Ngao tân thoại  của Kim Thời Tập có câu: “Khiêu đăng vĩnh dạ phần hương tọa, nhàn trứ nhân gian bất kiến thư.” (挑灯永夜焚香坐,闲著人间不见书 Thâu đêm ngồi trước đèn hương tỏa, viết sách nhân gian mắt chẳng ngờ.) Hai câu này chắc chắn đến từ hai câu trong bài Đề Tiễn đăng lục hậu trong bản Trùng hiệu của Cù Hựu: “Tiễn đăng nhu bút thanh vô mị, lục đắc nhân gian vị kiến thư.” (剪灯濡笔清无寐,录得人间未见书 Cắt bấc, bút dầm, chong mắt sáng; chép đời chưa thấy sách bao giờ.)

[xv] Xem Trần Đại Khang, Tất Viện, “Tiễn đăng tân thoại cú giải, khảo biện về bản khắc Gia Tĩnh đời Minh, kiêm luận quá trình lưu truyền và ảnh hưởng của bản khắc dưới triều Lý ở Hàn Quốc”, in trên Văn học di sản, kỳ số 5, năm 1996, tr.106. Xem Tôn Khang Nghi, “Văn chương ghét mệnh đạt: lại bàn về Cù Hựu và số phận của Tiễn đăng tân thoại”, in trong Kỷ yếu hội thảo “Minh Thanh tự sự lý luận dữ tự sự văn học”, do Viện Nghiên cứu Trung Ương Đài Loan tổ chức tại Đài Loan, từ ngày 30 đến ngày 31 tháng 8 năm 2007.

[xvi] Xem Doãn Xuân Niên, “Đề chú giải Tiễn đăng tân thoại hậu”,  in trong Tiễn đăng tân thoại cú giải, bản do Hàn Quốc khắc in, Nhật Bản Nội các văn khố điển tàng, tr.14.

[xvii] Xem Mẫn Khoan Đông (1998), Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc ở Hàn Quốc, Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, tr.353.

[xviii] Xem Mẫn Khoan Đông (1998), Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc ở Hàn Quốc, Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, tr.353.

[xix] Xem Mẫn Khoan Đông (1998), Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc ở Hàn Quốc, Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, tr.246.

[xx] Xem An Đỉnh Phúc, Thuận An tập, quyển 13, “Duyện Huyên tùy bút hạ”.

[xxi] Xem Mẫn Khoan Đông (1998), Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc ở Hàn Quốc, Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, tr.248.

-------------------------------------------------

Nguồn: Tham luận đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai” (International Conference on Vietnam - Korea Relationship in the past, the present and the future) do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM tổ chức dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu văn hóa trung ương Hàn Quốc (The Academy of Korean Studies) vào ngày 1.12.2012.

Thông tin truy cập

60427267
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8242
6820
60427267

Thành viên trực tuyến

Đang có 250 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website