Ngọc lang quy của Đại sư Khuông Việt trong quan hệ với từ Đôn Hoàng và từ Hoa Gian

TS. Nguyễn Đình Phức

Khoa Ngữ văn Trung Quốc, USSH

TÓM TẮT

Ngọc lang quy của Đại sư Khuông Việt cho đến nay vẫn là một trong những điểm nóng gây tranh luận trong giới nghiên cứu văn học tại Việt Nam và trên thế giới. Bằng chứng là từ những năm 70 của thế kỷ trước cho đến nay đã có hàng chục bài nghiên cứu chuyên biệt về tác phẩm này được công bố trong các sách và tạp chí chuyên ngành trong nước và trên thế giới. Theo quan điểm của chúng tôi, Ngọc lang quy của Khuông Việt có mối quan hệ khá sâu sắc với từ học Trung Quốc, đặc biệt là từ Đôn Hoàng và từ Hoa Gian, nếu chúng ta có thể tiến hành so sánh ba đối tượng trên với nhau, chúng tôi tin rằng sẽ có rất nhiều vấn đề quan trọng mà lý thú được phát hiện. Bài viết này chính đặt trọng tâm vào vấn đề nêu trên.

 

Từ khoáTừ Đôn Hoàng    Từ Hoa Gian    Ngọc lang quy   Vương lang quy    Nguyễn lang quy

内容摘要

越南匡越大师《玉郎归》与中国敦煌词、花间词的关系

越南匡越大师《玉郎归》到今日还是学界内一个经常引起争论的问题,其证据就是从上个世纪七十年代一直到现在,不管是越南境内还是世界上,都涌现很多有关该问题的研究论文。面对这样的情况,我们认为,匡越大师的《玉郎归》和中国词学有着深厚的关系,特别是敦煌词和花间词。若能把上述三个对象进行对比研究,会是一个不仅有用还很有科学价值的研究项目。本论文就是围绕上述几个问题展开讨论。

关键词:敦煌词      花间词    玉郎归     王郎归     阮郎归

*

1. Từ học Trung Quốc từ Vân dao tập đến Hoa gian tập

 

Hoa gian tập, 10 quyển, do Triệu Sùng Tộ người đời Hậu Thục (934-965) biên tập. Sách biên tuyển 500 bài từ có niên đại sáng tác từ khoảng năm Khai Thành thứ nhất (836) đời Đường đến năm thứ năm niên hiệu Thiên Phúc (940) đời Hậu Tấn. Trước khi Vân dao tập được phát hiện ở Đôn Hoàng vào năm 1900, Hoa gian tập vẫn được xem là tổng tập từ đầu tiên trong lịch sử từ học, được người đời Tống tôn xưng là “tổ của từ” (ỷ thanh điền từ chi tổ). Âu Dương Quýnh trong Hoa gian tập tự khi khái quát phong cách của phái từ Hoa Gian viết: “Công tử nơi bàn tiệc, giai nhân chốn phòng the; tặng giấy đề thơ, văn từ hoa lệ; lại nâng những ngón tay ngà ngọc tạo nên tiếng đàn nhịp phách. Lời ca tiếng hát cất lên, không thiếu những thanh từ tuyệt cú, càng làm tăng thêm vẻ kiều diễm.” Không dừng lại ở đó, ông còn dùng thuật ngữ “Thi khách khúc tử từ” để gọi tên lối từ của Hoa Gian.

 

Nhìn từ lịch sử từ học, có thể thấy rõ ảnh hưởng to lớn của phái từ Hoa Gian đối với từ học Trung Quốc ở khía cạnh phong cách, đặc biệt đối với từ đời Tống. Thế nhưng, từ với tư cách là một thể tài văn học, không thể có chuyện vừa ra đời đã định hình về mặt thể loại, cũng tức từ không thể vừa ra đời đã là Hoa Gian. Điều này phải chờ mãi đến năm 1900, khi Vân dao tập cùng hàng loạt các tác phẩm từ khác được phát hiện ở Đôn Hoàng mới được chứng minh. Nhìn từ niên đại sáng tác, theo học giả Nhâm Nhị Bắc, trong số những tác phẩm có thể khảo cứu về mặt niên đại, Tô mộ già ra đời khoảng cuối giai đoạn Võ Tắc Thiên nắm quyền, được xem là tác phẩm sớm nhất; tác phẩm trễ nhất Vọng Giang Nam ra đời khoảng niên hiệu Khai Vận (944-946) đời Hậu Tấn (936-947).

 

Việc cùng lúc phát hiện hàng loạt tác phẩm từ dân gian tại Đôn Hoàng hoàn toàn không phải việc ngẫu nhiên. Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc, nằm ở vị trí yết hầu trên con đường giao thông Đông Tây (con đường tơ lụa), văn hoá Trung Hoa chính từ đây truyền sang Tây Vực, truyền đến Iran, Ấn Độ, La Mã; đồng thời văn hoá nhạc vũ Tây Vực cũng từ đây truyền vào Trung Nguyên. Có thể nói, từ giai đoạn Bắc triều, Đôn Hoàng đã là giao điểm hội thông giữa âm nhạc Tây Vực và âm nhạc Trung Nguyên, đồng thời cũng là một trong những trung tâm âm nhạc của vùng Tây Bắc Trung Quốc. Đương thời, âm nhạc của vùng Tây Á, Trung Á sau khi vào Trung Quốc, đến Tân Cương nước Quy Tư biến thành nhạc Quy Tư; sau khi vượt qua Ngọc Môn quan, vào đất Đôn Hoàng, lại biến thêm một lần nữa thành nhạc Tây Lương (cũng gọi là nhạc Đôn Hoàng). Chúng ta đều biết, từ chính hình thành trên cơ sở nhạc khúc của Yến nhạc đời Đường, mà nguồn gốc của Yến nhạc lại chủ yếu đến từ hai nguồn nhạc Tư Quy và nhạc Tây Lương. Nhạc Đôn Hoàng hết sức thịnh hành dưới đời Tuỳ Đường, đến nỗi thi nhân Ôn Tử Thăng phải thốt lên: “Từ khi có nhạc Đôn Hoàng, thực không thua gì nhạc Trung Nguyên” (Tự hữu Đôn Hoàng nhạc, bất giảm An Lăng điệu); Sầm Tham viết: “Nhạc khúc của sáo dài và đàn tỳ bà hoà nhau, những đứa rợ Khương, rợ Hồ cùng nhau hát ca” (Tỳ bà trường địch khúc tương hoà, Khương nhi Hồ sồ tề xướng ca); còn Đỗ Mục tái hiện cảnh Trường An đón đoàn khách hơn nghìn người từ Đôn Hoàng đến chúc mừng chiến thắng: “Nghe ca thưởng khúc khắp nơi trong thành, biết rằng thanh vận xứ Lương châu thích sự so le” (Thính thủ mãn thành ca vũ khúc, Lương châu thanh vận hỷ sâm si). Như vậy, việc cùng lúc phát hiện hàng loạt tác phẩm từ dân gian tại Đôn Hoàng là hoàn toàn tự nhiên.

 

Nếu từ trong Hoa gian tập được gọi là Thi khách khúc tử từ, thì những bài từ dân gian được phát hiện ở Đôn Hoàng cũng nên gọi là Dân gian khúc tử từ. Sở dĩ có tên gọi “khúc tử từ” là bởi, từ đời Đường, với tư cách là một thể tài văn học, từ mang đặc trưng gắn chặt với nhạc khúc cả khi sáng tác lẫn khi ca, nên người đời quen đem tên nhạc khúc đặt trước thuật ngữ “từ”, kiểu như Hoãn khê sa từ, Bồ tát man từ,…. Lại do cách gọi này đều theo cấu trúc: (tên điệu khúc + từ), thế nên người đời lại quen dùng thuật ngữ “khúc tử từ” để gọi chung cho từ. Việc phát hiện ra kho từ dân gian ở Đôn Hoàng có giá trị học thuật cực lớn, đáng chú ý nhất là nó đã bổ khuyết cả một giai đoạn phát triển trong lịch sử từ học, tức giai đoạn sơ kỳ hay giai đoạn từ nhen nhóm phát triển trong dân gian. Đây cũng là vấn đề mà các nhà từ học Trung Quốc hầu như vô tri trong suốt gần hàng chục thế kỷ.

 

Trong số các tác phẩm từ Đôn Hoàng, đáng chú ý nhất có bản viết tay của người đời Đường Vân dao tập, tập gồm 30 bài từ, sử dụng 30 điệu khúc khác nhau, trong đó có 12 điệu khúc thịnh hành ở đời Đường được chép trong Giáo phường ký của Thôi Lệnh Khâm. Như vậy, thông qua Vân dao tập, chúng ta không chỉ nhìn rõ bước phát triển đầu tiên của thể loại từ, thấy rõ quá trình biến đổi dần dần từ khúc điệu chuyển sang từ điệu, mà còn thấy rõ quá trình từ chuyển từ tay nghệ nhân dân gian sang tay của văn nhân.

 

Vân dao tập ra đời trước Hoa gian tập khoảng 40 năm, các tác phẩm trong Vân dao tập có nội dung khá phong phú, tất nhiên không tránh khỏi mộc mạc, thô dã. Nhìn từ khía cạnh hình thức, các bài từ hầu hết được viết theo lối câu ngắn câu dài kết hợp, từ điệu cũng có sự kết hợp giữa tiểu lệnh và mạn từ. Học giả Nhâm Nhị Bắc trong Đôn Hoàng khúc sơ thám, từ khía cạnh nội dung, đem 545 bài từ Đôn Hoàng phân thành 20 loại, trong đó đáng chú ý nhất có chủ đề viết về Phật giáo, số lượng lên đến 298 bài. Học giả Đường Khuê Chương trong Đôn Hoàng Đường từ hiệu thích đem đặc trưng của từ Đôn Hoàng tổng kết thành bảy điểm, trong đó quan trọng có: từ cho phép thêm chữ (từ hữu sấn tự), số lượng chữ trong một bài từ thường không nhất định (tự số bất định), bằng trắc cũng như hiệp vần chưa thật nghiêm. Có thể nói, đây đều những điểm tối quan trọng để chúng ta vận dụng vào giải quyết những vấn đề thuộc văn bản của Ngọc lang quy.

 

Như vậy, có thể nói, trước khi văn nhân tham gia vào việc viết từ, từ đã hình thành và phát triển trong dân gian, tất nhiên chỉ mới ở trạng thái sơ đẳng ban đầu mà thôi. Từ Trung Đường trở về sau, văn nhân bắt đầu chú ý đến từ, đem từ vào không gian trước chén (tôn tiền) trong hoa (hoa gian), dẫn đến nhu cầu tất yếu phải nhã hoá cho từ. Lưu Vũ Tích mô phỏng Khúc chi từ từng chủ trương cải biến chất thô dã, quê kệch của điệu gốc; những bài Ngư phủ ca của Nhan Chân Khanh, Trương Chí Hoà không chỉ lời văn tươi đẹp, mà còn phụ thêm cả hình vẽ; đặc biệt những bài từ của Bạch Cư Dị, thảy đều hết sức thanh nhã. Thế nhưng khúc tử từ đối với thi nhân Trung Đường chẳng qua chỉ là hứng thú thoáng qua, ít có thi nhân nào chịu dành nhiều thời gian cho nó, thế nên sự hưng thịnh của lối từ văn nhân phải chờ đến cuối đời Đường, đầu đời Ngũ đại, với những tác phẩm tiêu biểu viết trong Hoa gian tập.

 

Hoa gian tập là tổng tập từ đầu tiên của lối từ văn nhân, nhìn từ góc độ nội dung, do chủ yếu nhắm đến mục đích “du tân khiển hứng” (làm vui cho khách, thoả mãn tình cảm cá nhân) nên thường xoáy vào miêu tả tình cảm trai gái sướt mướt giữa tài tử giai nhân. Một đặc điểm đáng chú ý trong kết cấu nội hàm của phái từ Hoa Gian thể hiện ở nhân vật trữ tình tính nữ được thể hiện trong tác phẩm. Trong tổng số 66 bài tuyển vào Hoa gian tập của ông tổ Hoa Gian phái Ôn Đình Quân, có tới 61 bài chủ thể trữ tình là tính nữ, năm bài còn lại tuy chủ thể trữ tình tuy thuộc tính nam, nhưng vẫn là những “hành nhân”, “vương tôn”, “đãng tử”, “Ngũ Lăng niên thiếu”…luôn nhớ về, hướng về nhân vật tính nữ. Ngoài 66 bài của Ôn Đình Quân, 434 bài của 17 tác giả còn lại trong Hoa gian tập cũng có tới 350 bài chủ thể trữ tình là nhân vật nữ, vượt qua 80% tổng số. Nhìn sang từ đàn Nam Đường, tình hình vẫn không khác là mấy, trong tổng số 110 bài từ của Phùng Diên Tị, chủ thể trữ tình tính nữ chiếm tới 100 bài; Lý Cảnh có bốn bài, cả thảy đều là những nhân vật tính nữ. Các chủ thể trữ tình tính nữ này phần nhiều được theo xu hướng loại hình hoá, kiểu như “chinh phụ”, “tư nữ”, “mỹ nữ”,…thường mờ nhạt và thiếu cá tính, họ hầu như chỉ là những người tượng trưng cho kiểu nhân vật nữ gặp trúc trắc hoặc không thể thoả mãn trong tình yêu.

 

Thế nhưng, ngay bên trong từ phái Hoa Gian và Nam Đường đã ngầm ẩn chứa sự biến hoá, điều này thấy rõ nhất trong từ của Vi Trang và Lý Dực. Trong 54 bài từ của Vi Trang, có tới 18 bài nhân vật trữ tình là nam tính, con số này tuy chỉ chiếm 33% tổng số, nhưng so với 7% nhân vật tính nam trong từ của Ôn Đình Quân đã là sự cải biến vượt trội; tất nhiên nhân vật nam ở đây còn khá mờ nhạt, công thức, thiếu hẳn cá tính, tình trạng này phải chờ đến Lý Dực mới cơ bản được giải quyết. Với hơn một nửa số bài từ chủ thể trữ tình là nhân vật tính nam, với thân phận một ông vua mất nước lâm vào cảnh lao tù, lần đầu tiên trong lịch sử từ học, Lý Dực cho ra đời kiểu nhân vật nam mang chiều sâu tình cảm, giàu cá tính và đầy sức hấp dẫn.

 

Nhìn từ góc độ hình thức, từ trong Hoa gian tập tiếp nối thơ Cung thể đời Nam triều đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật đẽo gọt, đây cũng là lý do tác giả Nhân gian từ thoại Vương Quốc Duy cho rằng, đọc Hoa gian tập, Tôn tiền tập khiến ông liên tưởng đến Ngọc đài tân vịnh của Từ Lăng. Nhìn từ góc độ thanh luật, từ trong Hoa gian tập tiến đến sự quy phạm, định hình về mặt điệu thức, các từ nhân trong Hoa Gian có ý thức rất rõ trong việc điều chỉnh độ dài ngắn, cố định hoá số lượng chữ cũng như vị trí bằng trắc trong từ điệu, điều này Vân dao tập hoàn toàn chưa làm được. Như vậy, tuy còn một số hạn chế, nhưng công lao thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện từ điệu của Hoa Gian là không thể phủ nhận.

 

Tóm lại, trước khi Khuông Việt sáng tác Ngọc lang quy, tình hình từ học Trung Quốc về cơ bản như trên đã nêu, tình trạng “thi khách khúc tử từ” này phải chờ đến Liễu Vĩnh (987?-1053) mới có sự thay đổi căn bản, chuyển sang lối “văn nhân từ” với rất nhiều đặc trưng khu biệt với “thi khách khúc tử từ”.

 

2. Vấn đề văn bản của Ngọc lang quy

 

Như trên đây đã đề cập, vấn đề chủ yếu gây tranh luận hiện nay là vấn đề văn bản của tác phẩm, riêng vấn đề có hay không yếu tố nữ trong tác phẩm, chúng tôi cho rằng, chỉ cần xét tác phẩm trong bối cảnh từ học Trung Quốc từ từ Đôn Hoàng đến từ Hoa Gian là có thể hiểu rõ, điều này đã xét kỹ ở trên, thế nên ở mục này, chúng tôi chỉ xoáy vào giải quyết một số vấn đề thuộc văn bản của tác phẩm. Thực ra vấn đề “Ngọc lang quy hay Vương lang quy”, “Ngọc lang quy hay Nguyễn lang quy” được  chúng tôi tập trung khảo sát dưới đây hoàn toàn không mới, trong đó một số tư liệu chúng tôi đã có dịp trình bày trong hai bài viết Về bài từ Ngọc lang quy của Khuông ViệtMột số phát hiện mới về bài từ của thiền sư Khuông Việt lần lượt đăng tải trên Tạp chí Hán Nôm số 5 (52)-2005 và số 1(98)-2010. Ở bài viết này, chúng tôi vẫn trên cơ sở những vấn đề đã khảo sát, kết hợp những phát hiện mới, đem vấn đề trình bày một cách logic hơn mà thôi. Hơn nữa, sau khi hai bài viết của chúng tôi được đăng tải, không ít ý kiến cho rằng không cần thiết phải đặt vấn đề phân biệt giữa từ và khúc, không cần thiết phải đi khảo sát rốt cuộc là Ngọc lang quy hay Vương lang quy, cứ lấy thể thức của điệu Nguyễn lang quy chép trong Từ luật của Vạn Thụ ép vào là đúng. Chúng tôi đồng ý cách làm như vậy quả là giản tiện, nhưng có lẽ cũng chính sự giản tiện đến dễ dãi này đã làm các công trình khảo cứu trong lĩnh vực khoa học nhân văn của chúng ta thiếu đi độ tin cậy. Sở dĩ chúng tôi phải đặt vấn đề Ngọc lang quy là từ hay khúc là bởi: Thứ nhất, trong từ học Trung Quốc hoàn toàn không có điệu Ngọc lang quy, vậy trong khúc Trung Quốc có khả năng có điệu này hay không? Thứ hai, điều trên đây là hệ quả của việc Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư chép “Khuông Việt chế khúc dĩ tiễn” (Khuông Việt làm bài khúc để tiễn), “khúc” ở đây tất nhiên có thể hiểu là “khúc tử từ”, nhưng vẫn không loại trừ cách hiểu khúc với tư cách một thể tài văn học thịnh hành ở đời Nguyên. Hơn nữa số chữ dôi ra của Ngọc lang quy so với điệu thức của Nguyễn lang quy thật sự dễ dàng hướng người nghiên cứu tới chủ trương của Vạn Thụ phát biểu trong Từ luật, tức khúc cho phép thêm chữ (sấn tự), nhưng từ thì không, và hệ quả tất yếu sẽ dễ dàng đem Ngọc lang quy quy về phạm vi của khúc. Điều này chính được học giả Hồng Kông Trịnh Vĩnh Thường chủ trương trong chuyên luận Hán văn học tại An Nam đích hưng thế, cũng chính bởi phán đoán như vậy, ông đã đem khởi điểm của từ học Việt Nam định ở mãi giữa thế kỷ thứ 19, với bộ Cổ Duệ từ của Thương Sơn.

 

Về Ngọc lang quy hay Vương lang quy, đây là vấn đề thực tế tồn tại trong hệ thống truyền bản của tác phẩm, nếu không làm rõ thì đâu thể xem đã xử lý xong công tác văn bản? Về chủ trương cứ lấy Nguyễn lang quy để gọi tên tác phẩm, điều này theo chúng tôi tiềm tàng rất nhiều yếu tố chủ quan duy ý chí, nói như cổ nhân, đó chính là kiểu “tri kỳ nhiên nhi bất tri kỳ sở dĩ nhiên” (biết nó đúng mà không biết tại sao nó đúng), thế nên, với vấn đề này vẫn phải đi tìm cách giải thích khả thi.

 

2.1. Ngọc lang quy hay Vương lang quy

 

Có ba lý do sau đây khiến chúng tôi từ đầu tới cuối kiên định chủ trương tên của bài từ phải là Ngọc lang quy, không thể là Vương lang quy:

 

Thứ nhất, tên gọi Ngọc lang quy hay Vương lang quy liên quan trực tiếp đến hệ thống truyền bản của Thiền uyển tập anh. Về vấn đề này, học giả Lê Mạnh Thát trong Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh đã khảo sát rất kỹ trên cơ sở bốn hệ thống truyền bản thuộc hai triều đại Lê Nguyễn, đồng thời chỉ ra tính ưu việt trong hai truyền bản đời Lê, trong đó một được khắc in vào năm 1715, một được khắc in khoảng trước sau 1750 trên cơ sở hiệu chỉnh những sai lầm về mặt văn tự của bản khắc in năm 1715. Cả hai truyền bản này đều thống nhất ghi tên của bài từ là Ngọc lang quy, thêm vào đó trong so sánh với hệ thống truyền bản đời Nguyễn với khá nhiều khiếm khuyết, trong đó tên bài từ được chép là Vương lang quy rõ ràng có độ tin cậy hơn nhiều.

 

Thứ hai, bối cảnh ra đời của Ngọc lang quy gắn liền với đặc trưng phong cách từ của phái Hoa Gian. Điểm nổi bật trong phong cách từ của phái này chính là, đại bộ phận nhân vật trữ tình đều thuộc nữ tính. Vì thác danh vào nhân vật tính nữ, nên vẻ mềm mại, hồng phấn, diễm lệ của bài từ đặc biệt được chú ý. Để đạt được hiệu quả nêu trên, các từ nhân phái Hoa Gian phải dùng khá nhiều cách, trong đó một trong những cách quan trọng nhất phải kể đến cách dùng ngọc để nhìn nhận, trang điểm thế giới. Trong Hoa Gian tập với 500 bài từ chúng tôi thống kê được 142 lượt từ nhân sử dụng đến chữ ngọc (không bao gồm chữ ngọc trong tên người, tên địa danh và từ điệu), cụ thể Ôn Đình Quân 66 bài với 21 lượt, Vi Trang 48 bài với 15 lượt, Tiết Triêu Uẩn 19 bài 5 lượt, Ngưu Kiệu 32 bài 9 lượt, Trương Sấm 27 bài 6 lượt, Mao Văn Tích 31 bài 9 lượt, Ngưu Hy Tế 11 bài 2 lượt, Âu Dương Quýnh 17 bài 4 lượt, Hoà Ngưng 20 bài 6 lượt, Cố Quýnh 55 bài 16 lượt, Tôn Quang Hiến 61 bài 15 lượt, Nguỵ Thừa Ban 15 bài 8 lượt, Lộc Kiền Ỷ 6 bài 5 lượt, Diêm Tuyển 8 bài 2 lượt, Mao Hy Chấn 29 bài 11 lượt và Lý Tuân 37 bài 7 lượt. Tình trạng nêu trên cũng khá phổ biến trong từ đàn Nam Đường, cụ thể Phùng Diên Tị với 110 bài sử dụng 26 lượt, Lý Cảnh 4 bài 2 lượt, Lý Dực 46 bài 8 lượt. Chưa bao giờ chữ ngọc lại được sử dụng nhiều đến thế, ngọc địch, ngọc sênh (sáo ngọc), ngọc bôi (chén ngọc), ngọc lan, ngọc giai (thềm ngọc), ngọc thằng (dây ngọc), ngọc tranh, ngọc cầm (đàn ngọc), ngọc lộ (sương ngọc), ngọc lô (lò ngọc), ngọc soa, ngọc trâm (trâm ngọc), ngọc bình (bình phong ngọc), ngọc thụ (cây ngọc), ngọc lâu (lầu ngọc), ngọc bàn (khay ngọc), ngọc song (cửa sổ ngọc),… có thể nói, không vật trong con mặt của chủ thể trữ tình tính nữ không gắn liền với ngọc. Điều này tất nhiên có tiền lệ từ Vân dao tập, với 30 bài từ trong tập này chúng tôi thống kê được 6 lần chữ ngọc được sử dụng, thế nhưng nếu đem so sánh với từ Đôn Hoàng ngoài Vân dao tập, chúng ta lại thấy chữ ngọc được sử dụng khá hạn chế, đặc biệt là những bài từ mang nội dung tụng tán của nhà Phật. Từ khía cạnh này có thể thấy rõ, Khuông Việt với mục đích ngoại giao đã phải ép mình không ít khi sáng tác Ngọc lang quy. Xét từ của Lý Dực giai đoạn Nam Đường, với 46 bài từ nhưng chỉ sử dụng chữ ngọc 8 lần; từ của Liễu Vĩnh, người được cho là phá bỏ địa vị độc tôn của chủ thể trữ tình tính nữ mà Ôn Đình Quân đã tạo dựng, thay thế bằng chủ thể trữ tình văn nhân, trong 164 bài từ của ông, chữ ngọc chỉ được sử dụng 27 lần. Điều này chứng tỏ khi chủ thể trữ tình chuyển dần sang nhân vật nam tính, hiện tượng sử dụng ngọc để nhìn nhận, trang điểm thế giới cũng bắt đầu giảm dần. Ở đây có thể sẽ nảy sinh thắc mắc: tại sao từ Liễu Vĩnh vẫn có tới 27 lần dùng đến chữ ngọc? Trên đây đã đề cập, “Thi khách khúc tử từ” (từ Hoa Gian) phát triển trên cơ sở “Dân gian khúc tử từ” (từ trong Vân dao tập) nhưng chỉ xoáy vào khía cạnh cung thể, chuyên viết chuyện tài tử giai nhân, chính vì thế từ còn được dùng với nghĩa châm biếm “Diễm khoa”. Từ Tống phát triển trên cơ sở “Diễm khoa”, ngộ nhận Hoa gian tập là cội rễ của từ, tất yếu phải có kết quả như trên.

 

Thứ ba, cùng với việc dùng ngọc để nhìn nhận, trang điểm thế giới, các nhân vật trữ tình tính nữ trong từ của phái Hoa Gian còn đặc biệt thích đem “ngọc” kết hợp với “lang” thành “ngọc lang”, một mỹ từ dùng để tôn xưng đức lang quân hoặc chàng trai mà mình đem lòng thương yêu. Khảo sát trong Hoa gian tập, chúng tôi phát hiện tổng cộng có 13 lượt hai chữ “ngọc lang” được sử dụng, cụ thể Vi Trang 1 lượt, Ngưu Kiệu 1 lượt, Âu Dương Quýnh 1 lượt, Cố Quýnh 3 lượt, Tôn Quang Hiến 1 lượt, Nguỵ Thừa Ban 2 lượt, Lộc Kiền Ỷ 1 lượt, Mao Hy Chấn 1 lượt và Lý Tuân 2 lượt. Riêng từ của Âu Dương Quýnh tuyển trong Tôn tiền tập còn xuất hiện thêm 2 trường hợp dùng đến “ngọc lang”; từ của Tôn Quang Hiến trong Hoa gian tập còn xuất hiện thêm từ “ngọc tiên lang”, tức chàng trai cưỡi ngựa mà ta đem lòng yêu. Việc dùng hai chữ “ngọc lang” thực ra đã có tiền lệ từ từ Đôn Hoàng, trong Vân dao tập chúng tôi phát hiện được hai trường hợp sử dụng “ngọc lang”; trong các tập từ Đôn Hoàng còn lại, chúng tôi phát hiện thêm 1 trường hợp; cả ba trường hợp đều được sử dụng với nghĩa đã nêu(1). Truy sang từ của các tác giả đời Nam Đường và đầu đời Bắc Tống, bao gồm Phùng Diên Tị, Lý Cảnh, Lý Dực, Liễu Vĩnh, chúng tôi không phát hiện thêm bất cứ một trường hợp nào, mặc dù từ của những người này nhân vật trữ tình tính nữ vẫn chiếm phần không nhỏ. Nhìn từ khía cạnh này, thịnh tình thể hiện quan điểm ngoại giao của Khuông Việt, của đất nước gửi gắm nơi chủ thể trữ tình tính nữ lưu luyến “ý trung nhân”, trong cách đặt tên bài từ là Ngọc lang quy dường như đã lỗi một nhịp, Ngọc lang quy của Khuông Việt vì thế phù hợp với không gian từ học đời Đường Ngũ Đại hơn là không gian từ học đầu đời Bắc Tống.

 

Riêng hai chữ “Vương lang”, theo tra cứu của chúng tôi, “Vương lang” chỉ được dùng khi đối tượng được chỉ mang họ Vương, ví dụ hai chữ “Vương lang” dùng trong thành ngữ “Vương lang xuyên kịch王郎穿屐” (Vương lang mang guốc) chỉ anh em Vương Hiến Chi. Riêng từ “Vương tôn” vốn được dùng chỉ vương hầu, hoặc con trai nhà quyền quý, sau cũng được dùng chỉ người yêu của nhân vật trữ tình tính nữ, tương đương với các từ “quân”, “lang”, “ngọc lang”, “tình lang”, “Nguyễn lang”, “Lưu lang”, “Phan lang”, “thiếu niên lang”,“đàn lang”,…. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện chưa phát hiện bất cứ một tiền lệ nào sử dụng hai chữ “Vương lang” độc lập trong từ, đặc biệt trong từ ở giai đoạn Đường, Ngũ Đại và đầu đời Bắc Tống.

 

2.2. Ngọc lang quy hay Nguyễn lang quy

 

Như trên đã đề cập, phán đoán trên cơ sở lựa chọn giữa Ngọc lang quyNguyễn lang quy thực sự là vấn đề không đơn giản. Đi vào giải quyết vấn đề này, trước hết cần làm rõ một số vấn đề sau:

 

Thứ nhất, Khuông Việt trước khi viết Ngọc lang quy có cơ hội tiếp xúc với Nguyễn lang quy của Lý Dực hay không? Điều này là hoàn toàn có thể, bởi vì sau khi nhà Nam Hán bị diệt, cả nhà Đinh và nhà Tiền Lê đều từng cử rất nhiều đoàn sứ thần sang Tống. Trong những chuyến đi này, ngoài việc xin được số lượng lớn kinh tịch Phật giáo, có lẽ không thể thiếu Hoa gian tập và từ tập của ông vua nổi tiếng Lý Dực.

 

Thứ hai, mặc dù biết rõ về Nguyễn lang quy của Lý Dực, sáng tác của Khuông Việt cơ bản vẫn dựa theo điệu phổ của Nguyễn lang quy, nhưng tại sao ông không dùng Nguyễn lang quy, mà lại lấy tên Ngọc lang quy. Trong những bài viết trước đây, chúng tôi từng cho rằng Khuông Việt trước khi sáng tác Ngọc lang quy có tiếp xúc với Nguyễn lang quy của Lý Dực hay không hoàn toàn không cần thiết, đồng thời đặt ra khả năng một nhạc khúc nhưng được hai người vận dụng, viết thành hai điệu từ khác nhau. Bây giờ nghĩ lại, cách lý giải này có lẽ không ổn, có lẽ cũng vì quá yêu nên chúng ta đã đánh giá quá cao tài năng của Khuông Việt, hơn nữa nếu không thừa ra hai chữ “diêu vọng” ở câu thứ hai của đoạn đầu, Ngọc lang quy chép trong Đại Việt sử ký toàn thư hoàn toàn chồng khít với thể thức của Nguyễn lang quy. Riêng văn bản Ngọc lang chép trong Thiền uyển tập anh, sau khi bỏ đi một chữ “nhân” (chữ được học giả Lê Mạnh Thát cho là diễn tự của chữ “trường”), Ngọc lang quy đã hoàn toàn là Nguyễn lang quy.

 

Đến đây lại có vấn đề phát sinh, vậy ta nên theo văn bản của Đại Việt sử ký toàn thư hay theo văn bản của Thiền uyển tập anh? Xét về niên đại, văn bản Ngọc lang quy chép trong Đại Việt sử ký toàn thư chính được Lê Văn Hưu chép trong Đại Việt sử ký hoàn thành vào tháng 2 năm 1272. Thời điểm này sớm hơn nhiều so với thời điểm ra đời vào năm 1337 của Thiền uyển tập anh. Lê Văn Hưu là sử gia nổi tiếng đời Trần Thái Tông, Đại Việt sử ký của ông đối với sử học Việt Nam khác nào Sử ký của Tư Mã Thiên đối với sử học Trung Quốc, như vậy có thể nói, mọi câu mọi chữ Lê Văn Hưu ghi trong sách đều được cân nhắc rất kỹ. Hơn nữa, sự kiện “Khuông Việt chế khúc dĩ tiễn” đã trở thành sự kiện quan trọng của quốc gia, không còn nằm trong phạm vi “ngôn chí”, “duyên tình” của nhà Thiền. Chính vì quan niệm như vậy, chúng tôi từng cho rằng tác giả Thiền uyển tập anh thiền sư Kim Sơn (?) là người học vấn uyên thâm, từng được vua Trần Minh Tông xuống chiếu giảng Bích nham tập và tra cứu đại ý của Tuyết Đậu tụng cổ, khi chép lại thấy văn tự chưa phù hợp với thể cách của Nguyễn lang quy nên đã sửa lại chăng?

 

Từ những điều đã nêu trên đây, tên của bài từ này, cũng chính là tên của từ điệu này, theo chúng tôi, tốt nhất vẫn nên lấy ba chữ Ngọc lang quy, bởi tên gọi này xét trong bối cảnh từ học Trung Quốc nêu trên, xét trong bối cảnh thực tế ngoại giao của đất nước, rất có thể là cách đặt tên tinh tế, sáng tạo, thể hiện chủ ý của chính tác giả. Tất nhiên xét trong bối cảnh từ học Trung Quốc giai đoạn Đường Ngũ Đại, chúng ta vẫn nghiễm nhiên có thể coi nó là Nguyễn lang quy.

 

Tóm lại, Ngọc lang quy của Đại sư Khuông Việt không chỉ có giá trị to lớn đối với lịch sử ngoại giao Việt Nam, văn học Việt Nam, từ học Việt Nam, nhìn trong bối cảnh rộng lớn của từ học Trung Hoa, nó đánh dấu một giai đoạn sáng tác của từ học Trung Quốc, nó là chứng tích ghi lại tình hình từ học Việt Nam sau một giai đoạn tách khỏi từ đàn Trung Quốc vẫn tĩnh tại bảo lưu những thói quen, những giá trị vốn có trong khi từ học Trung Quốc không ngừng cách tân, phát triển.

 

 

TP. HCM, 14/07/2011.

Chú thích:

(1)   Phần lớn trường hợp sử dụng “ngọc lang” đã liệt kê trong bài viết Một số phát hiện mới về bài từ của Khuông Việt thiền sư, in trong Tạp chí Hán Nôm số 1(98)-2010, tr.68-74.

Thông tin truy cập

62807913
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2476
14839
62807913

Thành viên trực tuyến

Đang có 255 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website