Từ phú Trung Quốc đến phú Việt Nam

(Ảnh minh hoạ:  Một góc núi Dục Thuý)

        Nội dung đề yếu: Phú là một thể tài văn học xuất hiện tương đối sớm ở Trung Quốc. Ngay từ những thế kỷ trước công nguyên, nó đã trở thành một phương tiện biểu đạt quan trọng không thể thiếu trong đời sống tình cảm của người Trung Quốc. Từ cái nôi văn hóa này, phú đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nền văn học khác, trong đó đặc biệt phải kể đến Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên. Ở bài luận này, chúng tôi chủ yếu bàn về sự ảnh hưởng của phú học Trung Quốc đến phú học Việt Nam.

 

        I. PHÚ HỌC TRUNG QUỐC

 
 

        Xét từ góc độ từ nguyên, “phú” được dùng trong văn học cổ bao hàm ba nghĩa:

 

       Thứ nhất, “phú” được dùng với tư cách một động từ, chỉ thói quen “phú thi ngôn chí” của các nhà ngoại giao thời Xuân Thu. Hán thư Nghệ Văn Chí dẫn Mao Thi Truyện chép: “Đăng cao năng phú, khả dĩ vi đại phu”, chính hiểu theo nghĩa này.

 

        Thứ hai, “phú” được hiểu với tư cách một loại thể văn học.

 

       Thứ ba, “phú” được hiểu với tư cách một thủ pháp nghệ thuật trong sáng tác văn học. Mao Thi tự chép: “Thi hữu lục nghĩa yên: nhất viết phong, nhị viết phú, tam viết tỷ, tứ viết hứng, ngũ viết nhã, lục viết tụng”, chính hiểu theo nghĩa này.

 

        Với ba nét nghĩa nêu trên, rõ ràng cần có sự phân biệt mỗi khi đề cập. Mặt khác giữa chúng lại có mối quan hệ khăng khít, nói đúng hơn là chuyển hóa trong một quá trình phát triển từ thấp tới cao. Từ một động từ, “phú” đã phát triển thành một loại thể và sau đó là một thủ pháp nghệ thuật.

 

        “Phú” với tư cách một thể tài văn học được bắt đầu với Phú Thiên của Tuân Khanh. Trong sự phân biệt rạch ròi với Sở Từ (Tao), Tuân Khanh được coi là người đầu tiên viết phú, lấy “phú” mệnh thiên, và là ông tổ của phú học Trung Quốc. “Phú” với tư cách một thể tài bao hàm hai nghĩa: Thứ nhất là một loại thể dùng để phúng tụng (ngâm, đọc diễn cảm). Thứ hai là thể tài mang đặc trưng phô trần. Văn chương cổ xưa chia làm hai loại: Nhập nhạc và không nhập nhạc. Loại không nhập nhạc lại chia thành đồ ca và phúng tụng. Lưu Hướng nói : “bất ca nhi tụng vị chi phú”. Ở đây “bất ca” đã phản ánh tính chất không nhập nhạc của phú. Với hai chữ “phúng tụng”, Trịnh Huyền trong Chu Lễ chú giải thích: “Bối văn viết phúng, dĩ thanh tiết chi viết tụng” (đọc mà không nhìn văn bản gọi là phúng, điều tiết giọng đọc cao thấp bổng trầm là tụng). Rõ ràng “phú” là loại thể chỉ dùng để đọc chứ không dùng để ca. Ở nét nghĩa thứ hai, “phú” có âm cận nghĩa đồng với các chữ “phu”, “bố”, “phô”. Thời cổ, những chữ này thường dùng thông nhau, thế nên, đã lấy “phú” mệnh danh, thể tài này cũng đồng thời mang “phô trần chi nghĩa”. Trịnh Huyền trong Chu Lễ chú nói: “‘phú’ chi ngôn ‘phu’, trực phô trần chính giáo thiện ác” (‘phú’ sở dĩ giải thích là ‘phu’, chính vì nó trực tiếp phô bày những tốt xấu của nền chính giáo vậy). Lưu Hiệp trong Văn Tâm Điêu Long cũng nói: “Phú giả, phô giả, phô thái si văn, thể vật tả chí dã” (“Phú” chính là phô trần, phô bày cái đẹp của văn từ trong việc khắc họa vật tượng và miêu tả tình chí của con người).

 

        Với tên gọi “phú”, thể tài này đã thể hiện phần nào đặc trưng của mình về âm tiết, cũng như những yếu tố tu từ khác, những đặc trưng này tuy đôi lúc cũng bắt gặp ở một số thể tài khác, nhưng chỉ ở phú chúng mới được thể hiện thật tập trung.

 

        Trước hết, về mặt âm tiết, “bất ca nhi tụng” đã thể hiện rõ “phú” là thứ vận văn không nhập nhạc, nhưng lại mang tiết tấu có thể ngâm tụng. Đặc trưng này đối với việc tác phẩm văn học thoát ly ảnh hưởng của âm nhạc, thiết lập cái đẹp về mặt tiết tấu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là bước tiến rất lớn trong văn học Trung Quốc cổ đại.

 

        Về mặt thể chế, phú là tổng hợp của vận, biền và tản văn, thế nên, phú vận được dùng nhiều ít không nhất định, cú pháp cũng không câu thúc giữa Biền và Tản văn. Điều này có lẽ bởi đời Hán, sự phân biệt giữa Biền và Tản văn chưa thật rõ. Sau này, cùng với sự biến thiên của thời đại và cách hành văn, cú pháp cũng theo đó mà thay đổi. Ví như từ đời Lục triều đến đời Đường, cú pháp thiên về phức bút, hình thành nên hai loại thể Biền và Luật phú; ngược lại, từ Tống về sau, cú pháp thiên về đơn bút, hình thành nên thể văn phú.

 

         Về mặt phong cách, lời văn của phú đặc biệt khoa trương. Như đã nói ở trên, phô trần là bản nghĩa của phú, và khi lời văn đạt đến quá mức độ phô trần, ấy là khoa trương. Từ đời Hán, khi luận phú, Dương Hùng đã chú ý đến đặc trưng này, hậu nhân đa số phụ họa theo. Lưu Hiệp trong Văn Tâm Điêu Long nói: “Cực thanh mạo dĩ cùng văn” (cực lực miêu tả thanh âm hình mạo để thể hiện rõ vẻ đẹp của văn chương) có thể coi là tổng quát của đặc trưng này.

 

        Về mặt tổ chức bài phú, có thể nói, không chỉ Hán phú, mà cả biền, luật và văn phú đều có chung một đặc điểm là dùng lối vấn đáp giữa chủ khách để cấu thành phú thiên. Dùng hình thức này có lợi thế đặc biệt cho việc phô trần, nhất là có thể đem vấn đề mổ xẻ ở nhiều góc cạnh, hết sức cụ thể và tinh tế. Đặc trưng này có lẽ bắt nguồn từ phong khí du thuyết hết sức thịnh hành vào thời Chiến Quốc.

 

       Một đặc trưng nữa của phú là, phú có thể phúng tụng, nói đúng hơn là phúng gián. Đặc trưng này bắt nguồn từ Kinh Thi, tác dụng của nó thiên về khuyên răn. Như đã biết, phú là sản phẩm của Nho gia, được hình thành sau khi tư tưởng này đã phát triển đến giai đoạn cực thịnh. Nho gia đặc biệt coi trọng tính giáo dục của văn chương, phú với tư cách là bộ phận của văn chương, bởi vậy không thể không kế thừa đặc trưng này. Chỉ có điều, ý nghĩa tích cực là phúng gián không địch lại được ý nghĩa tiêu cực là khoa trương. Bởi thế, Dương Hùng cũng phải than rằng: “Khuyến bách phúng nhất”. Đây cũng là mâu thuẫn lớn trong bản thân thể phú.

 

        II. PHÚ HỌC TRUNG QUỐC TRUYỀN VÀO VIỆT NAM

 

        Phú học Trung Quốc bắt đầu truyền vào Việt Nam từ khi nào, hiện khó có đáp án chính xác. Cứ theo phú là sản phẩm của Nho gia, có thể đoán rằng nó đã đồng bước với Nho giáo truyền vào Việt Nam. Sau khi Nam Việt thuộc Hán, Nho học ồ ạt tràn vào nước ta, kết quả là việc hình thành của lớp trí thức Hán học đầu tiên ở Việt Nam. Trong số những người này, một bộ phận không ít đã nhập sĩ Trung Nguyên, mà điển hình nhất là Trương Trọng, Lý Tiến, Lý Cầm … Đương nhiên khi ấy điều kiện nhập sĩ không phải thông qua thi phú, nhưng trong một xã hội nổi cộm với phong khí viết và hiến phú, ai dám chắc những vị này chưa từng tác và hiến phú! Nhưng dẫu sao những kiến giải trên đây cũng chỉ là suy đoán, thiếu bằng chứng xác thực. Trong tình trạng cho phép hiện nay, những chứng cứ xác thực cho việc phú học Trung Quốc truyền vào Việt Nam chỉ có thể truy ngược đến đời Đường.

 

        Đường đại là thời đại hoàng kim của văn học và văn hóa Trung Quốc. Đối với văn hóa Việt Nam, văn hóa Đường có ảnh hưởng đặc biệt sâu rộng. Điều này lâu nay nhiều học giả đã đề cập đến, ở đây chỉ dừng lại với tiến sĩ khoa trong khoa cử đời Đường.

 

        Khoa cử bắt đầu từ đời Tùy. Khi Tùy Dạng Đế thiết lập khoa cử, trong đó đã có tiến sĩ khoa. Đầu đời Đường, khoa cử bao gồm các khoa như tú tài, minh kinh, tuấn sĩ, tiến sĩ v.v… Năm Vĩnh Hưng thứ hai đời Đường Cao Tông, đình chỉ tú tài khoa, từ đó sĩ tử chủ yếu tập trung vào hai khoa tiến sĩ và minh kinh, nhưng tiến sĩ khoa được coi trọng hơn, thế nên đương thời có câu: “tam thập lão minh kinh, tứ thập thiếu tiến sĩ” (ba mươi tuổi đậu minh kinh đã là già, bốn mươi đậu tiến sĩ vẫn là trẻ). Tiến sĩ khoa ban đầu chỉ thi sách vấn, sau mới thêm kinh sử và tạp văn. Nhưng thi tạp văn từ bao giờ, trong tạp văn phải chăng trước sau đều nhất quán thi phú. Liên quan đến vấn đề này, cựu sử ký tái bất nhất. Chương Tuyển Cử chí trong Tân Đường thư và chương Tuyển Cử trong Thông Chí đều chép thí tạp văn vào năm Vĩnh Long thứ 2 (681), sách Đường Chích Ngôn chép năm Điều Lộ thứ 2 (680). Điều Lộ thứ 2 tức năm Vĩnh Long thứ nhất, hai mốc cách nhau 1 năm, điều này có thể bất luận. Cựu Đường thư, quyển 9, Huyền Tông bản kỷ hạ chép: “Tháng 5 mùa hạ [năm Thiên Bảo thứ 13 (754)], vua ngự thí tại điện Cần Chánh, thí sinh dự thi ngoài sách vấn ra còn phải làm thêm mỗi người một bài thơ và một bài phú. Khoa cử lấy thi, phú làm nội dung thi bắt đầu từ đây”. Nhưng sách Đường Chích Ngôn lại chép: “Đến năm Thần Long thứ nhất (705) mới thực hành chế độ thi tam trường, bởi vậy liền xếp thi, phú vào nội dung thi”. Như vậy, thời điểm tuy không nhất định, nhưng có thể nói, lấy phú cử sĩ chỉ bắt đầu với tiến sĩ khoa đời Đường. Ngoài ra, đương thời còn có chế độ chế cử, tức do Hoàng đế hạ chế tuyển chọn nhân tài chuyên về một lĩnh vực nào đó. Chế độ này có từ đời Hán, nhưng nội dung thi chủ yếu là sách vấn. Đời Đường tuy từng thay vào đó là thi, phú, nhưng chế cử thường không đều, Hoàng đế chỉ hạ chiếu khi thật cần thiết, thế nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến điều chúng ta đang xét. Điều đáng nói ở đây là, tiến sĩ khoa đời Đường dùng thi, phú cử sĩ không những ảnh hưởng lớn đến thành tựu của thi, phú đời Đường, mà còn ảnh hưởng đến cả thi và phú học Việt Nam.

 

        Đời Đường, Giao châu bị đổi thành An Nam đô hộ phủ. Khác các triều đại khác, với mục đích quảng nạp nhân tài, các vua Đường đã tối đa sử dụng phương tiện khoa cử. Ngoài thí sinh Hán tộc, Đường chế cho phép con em dân tộc thiểu số, thậm chí cả những thí sinh thuộc những quốc gia khác, nhưng đang bị đặt dưới sự quản lý của Đường triều cũng được dự thi. Sách Đường Hội Yếu, quyển 75, mục Nam Tuyển chép: “ Ngày 7 tháng 8 năm Thượng Nguyên thứ 3 (676), Cao Tông hạ chỉ: ‘Gần đây các châu Quế, Quảng, Giao, Kiềm …, việc bổ nhiệm quan chức chưa được thích đáng. Từ nay về sau, phải theo lệ cũ, cứ 4 năm 1 lần, chọn những quan thanh liêm ngũ phẩm trở lên, sung vào việc tuyển bổ …’ Tháng 7 năm Thiên Bảo thứ 13, Huyền Tông hạ chỉ : Trẫm nghe chốn Lĩnh Nam gần đây Nho học phát triển rất mạnh. Từ nay về sau, cho phép những kẻ áo vải có văn tài trong chốn ấy được dự thí, kẻ nào đậu thì tâu rõ cho Trẫm biết. Những kẻ ấy, kẻ nào muốn tới Trường An thi tiếp cũng cho. Theo qui chế chọn nhân tài ở đó trước đây, những kẻ có thực tài đều cho phép tham gia các kỳ thi cao hơn, đồng thời ban cho chức quan ngay cả ở phương Bắc’”. Sự thông thoáng trong khoa cử đời Đường vô nghi đã là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của Nho giáo nói chung, phú học nói riêng tại An Nam.  Thi cử cần có sự chuẩn bị cẩn thận và đầy đủ. Điều này cho phép chúng ta suy đoán rằng, khi ấy có cả một phong trào tập nho, tập tác thi, phú tại An Nam. Đường đại số lượng sĩ nhân Giao châu nhập sĩ Trung Nguyên không ngừng gia tăng, trong đó không ít người đỗ tiến sĩ và từng giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy thống trị trung ương. Với tư cách tiến sĩ cập đệ, họ không thể không thông qua khảo phú, chỉ tiếc những bài mà họ viết không còn lưu lại đến nay. Trong tình trạng thiếu thốn về cứ liệu như hiện nay, Bạch Vân Chiếu Xuân Hải phú, một thiên phú duy nhất còn lại của Trương Công Phụ, chép trong Văn Uyển Anh Hoa đời Bắc Tống có thể coi là nút mở cho mọi sự thắc mắc. Bạch Vân Chiếu Xuân Hải phú viết theo lối luật phú, một thể chuyên dùng trong khoa cử, lời lẽ tao nhã, vượt khỏi sự sáo mòn nói chung của thể phú, nó được người Trung Quốc đánh giá là “thiên cổ chi tuyệt xướng”, là tác phẩm đánh dấu sự mở màn của Phú học Việt Nam.

 

        Sau khi An Nam độc lập, giai đoạn đầu do ý thức dân tộc muốn thoát khỏi hoàn toàn sự lệ thuộc vào phong kiến Trung Quốc mà Nho giáo có phần đi xuống. Những gì đã được gây dựng trong suốt mấy thế kỷ thuộc Đường phần nhiều bị thui chột, phú đương nhiên không nằm ngoài tình trạng này. Nhà nước lấy Phật giáo làm tư tưởng chỉ đạo ắt không phải là miếng đất màu mỡ cho phú phát triển. Nhưng thời ấy không phải không có người tác phú, ngược lại phú luôn gắn liền, không hề trung đoạn trong suốt quá trình tồn tại của nhà nước phong kiến Việt Nam.

 

        Bàn luận về phú đời Lý, nhiều học giả có quan điểm “Lý triều vô phú”, điều này theo chúng tôi không hẳn như thế. Những tư liệu cổ xưa mách bảo chúng ta rằng, phú vẫn tương đối được coi trọng ở đời Lý, nhất là từ Thái Tông triều trở về sau. Việt Sử lược, quyển 2, Thái Tông kỷ chép: “Năm Quí Mùi, niên hiệu Minh Đạo thứ 2 (1043), … mùa hạ, tháng 4 vua đi thăm chùa Tùng Sơn thuộc châu Vũ Ninh, thấy ở trong cái điện đã đổ nát của chùa có cây cột đá bị nghiêng, vua động lòng mới có ý trùng tu, cột đá bỗng đứng ngay trở lại. Nhân đó bèn sai bậc nho thần làm bài phú để ghi điều lạ ấy.”

 

        Quyển 3, Cao Tông kỷ chép: “Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Trinh Phù thứ 4 (1179), …. Mạnh đông, vua ngự Sùng Chương điện coi thi khoa tam giáo, thí sinh thi các môn thơ cổ, phú, kinh nghĩa, và toán. Năm Đinh Tỵ, niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 12 (1197), …  Mạnh đông, tổ chức thi tam giáo, thí sinh phải thi năm môn thơ cổ, toán, thơ, phú và kinh nghĩa. Vua cho hạng cập đệ và xuất thân có sự khác biệt nhau.”

 

        Như vậy “dĩ phú cử sĩ” Lý triều đã có, hoàn toàn không phải đợi đến đời Trần. Hoạt động tác phú khi ấy ắt không chỉ dừng lại ở mục đích khoa cử, mà còn mở rộng đến các lĩnh vực khác, không chỉ thu hẹp trong đội ngũ nho sĩ, mà còn khuếch trương đến cả đội ngũ tu sĩ, thiền sư. Thiền Uyển Tập Anh, quyển hạ, Viên Thông Quốc Sư truyện chép: “Quốc sư Viên Thông (1080-1151), người làng Cổ Hiền, họ Nguyễn, húy Nguyên Ức …. Sư thường phụng chiếu soạn các sách thỉnh Phật tích duyên sự trên hơn 30 quyển; Hồng chung văn bi ký, Tăng gia tạp lục, hơn 50 quyển; thi phú hơn 1 ngàn bài, tất cả còn lưu hành đến nay.” Nguyễn Đổng Chi trong Việt Nam cổ văn học sử và Vũ Khắc Tiệp trong Phú Nôm đều cho rằng, đời Lý đã có nhiều người viết phú, chỉ tiếc là không còn truyền lại.

 

       Sang đầu thế kỷ 13, ngay sau khi Trần thị soán Lý, với mục đích thu hút nhân tài, nhanh chóng xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh mà Nho giáo cũng như văn hóa Nho giáo có điều kiện bộc phát. Sự phát triển của khoa cử cộng thêm sự hình thành và đi vào cố định 7 năm 1 lần của tiến sĩ khoa dưới đời Trần là yếu tố tiên quyết thúc đẩy sự phát triển của thể loại phú. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 5, Trần Thái Tông kỷ chép: “Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 (1246) … mùa thu, tháng 7, định lệ thi tiến sĩ, cứ bảy năm một khoa …. Năm thứ 16 (1247), mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng Nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng Nhãn, Đặng La Ma đỗ Thám hoa lang. … Trước đây hai khoa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chỉ xếp theo thứ tự, chưa chọn tam khôi, đến khoa này mới đặt tam khôi.”

 

        Trần triều cũng coi phú là một trong những nội dung thi quan trọng của tiến sĩ khoa. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 6, Trần Anh Tông kỷ chép: “Năm Hưng Long thứ 12 (1304), tháng 3, thi kẻ sĩ trong nước, …. Về phép thi: trước hết thi ám tả để loại bớt; rồi đến thi kinh nghi (hỏi những điều nghi ngờ trong kinh), kinh nghĩa, thơ dùng thể cổ thơ ngũ ngôn trường thiên, lấy 4 chữ “tài, nan, xạ, trĩ” làm vận, phú dùng 8 vận “ đế đức hiếu sinh, hợp vu dân tâm”. Trường thứ  3 thi chiếu, chế, biểu. Trường thứ 4 thi văn sách”. Quyển 7, Dụ Tông Hoàng đế kỷ cũng chép: “Năm Thiệu Phong thứ 5 (1345), mùa xuân, tháng 3, thi thái học sinh (tức tiến sĩ). Phép thi dùng ám tả, cổ văn, kinh nghĩa và thi phú.” Năm Quang Thái thứ 9 (1396), Thuận Tông xuống chiếu qui định các thức thi chọn nhân tài, bắt đầu áp dụng chế độ tứ trường, đồng thời bãi bỏ môn ám tả và cổ văn. Lịch triều Hiến chương Loại chí, quyển 26, thiên Khoa mục chí chép: “…Đến đây, theo phép thi của nhà Nguyên, dùng chế độ tứ trường, loại bỏ ám tả và cổ văn. Trường thứ nhất thi một bài kinh nghĩa, …; trường thứ nhì thi 1 bài thơ dùng Đường luật, 1 bài phú dùng cổ thể, hoặc thể tao, hoặc dùng thể văn tuyển, cũng hạn 500 chữ trở lên; trường ba thi 1 bài chiếu dùng thể đời Hán, chế biểu mỗi thứ 1 bài, dùng thể tứ lục đời Đường; trường tư thi văn sách 1 bài, ra đề về kinh sử hoặc thời vụ.” Ngô Sĩ Liên nói: “Phép thi đời Trần đến đây mới đủ 4 trường, phép này đến nay còn theo, không thay đổi được.”

 

            Như vậy, tính từ tiến sĩ khoa đời Trần chính thức lấy phú vào nội dung thi, chế độ này được dùng mãi về sau.

 

            Từ những tiền đề trên đây, hoàn toàn không quá khi kết luận Trần triều là thời kỳ nở rộ của thể loại phú. Đó là bước thử nghiệm thành công đầu tiên, tạo tiền đề cho phú học Việt Nam phát triển đến đỉnh điểm vào thời Lê sơ.

 

            III. VỀ LOẠI THỂ CỦA PHÚ VIỆT NAM

 

            Về mặt loại thể, phú Việt Nam theo Phạm Đình Hổ là “sự pha tạp giữa phú thể đời Nguyên và đời Minh” [“Ngã quốc tứ lục, tắc nhân Nguyên, Minh chi thể nhi tạp tựu chi giả” (Vũ Trung Tùy Bút, quyển hạ, mục Tứ lục văn thể)]. Theo chúng tôi, quan điểm này chỉ thích hợp cho phú học Việt Nam từ Lê sơ về sau, hoàn toàn không thể áp dụng cho Lý và Trần phú. Lê Quý Đôn trong Kiến Văn Tiểu Lục, quyển 4, Thiên Chương nói: “ Nước ta thời Lý, thời Trần đối chiếu chính vào khoảng thời Tống, thời Nguyên bên Trung Hoa. Hiềm một nỗi, sách vở biên chép về văn hóa bấy giờ sơ sót không tường. Tôi may cóp nhặt trong tập Kim Thạch Di văn được vài chục thiên, thì thấy văn đời Lý phần nhiều dùng lối biền ngẫu, lời văn văn hoa tươi đẹp, còn giống như thể văn đời Đường. Đến đời Trần thì văn chỉnh tề lưu loát, đã giống khí phẩm người đời Tống.”

 

            Như trên đã nói, sau khi độc lập, Việt Nam có xu thế độc tôn phật giáo tảy chay nho học. Tình trạng này kéo dài mãi đến triều Lý Thái Tông mới phần nào khắc phục. Thế nên, nho học đời Lý thực chất là tàn dư của nho học đời Đường được truyền vào Việt Nam. Triều Lý ở giai đoạn giữa và cuối, tuy đã có ý thức trở lại tiếp thu văn hóa Trung Quốc, nhưng tư tưởng này vẫn chưa thật rõ. Hơn nữa, thể văn phú tuy đã có mầm mống từ trung Đường, nhưng đến Bắc Tống và mãi về sau vẫn chưa giành được vị trí chủ đạo, nói đúng hơn vẫn chưa thay được luật phú trong vị trí quan trọng là khoa cử. Vân Đài Loại Ngữ, quyển 3, Văn Nghệ chép: “Nhà Đường lấy từ phú chọn kẻ sĩ. Áp vận không câu nệ thứ tự bằng trắc. Đầu đời Tống noi theo đấy. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 3 (978), Vua mới hạ chiếu thi tiến sĩ bằng luật phú, dùng vận theo thứ tự bằng trắc, khi các quan chủ khảo ra đề vận đều dùng tứ bằng tứ trắc. Từ đó cách điệu mới chỉnh tề, mới thật khả quan, khả thính.” Chế độ này được dùng trong khoa cử cho mãi đến cuối đời Nguyên mới chuyển qua dùng cổ thể. Như vậy, khi mà Lý triều đã có nhu cầu học tập, thì từ một đối tượng tương đương với mình, tức luật phú, ắt cũng không học tập được gì nhiều. Về mặt khoa cử, Lý Trần lưỡng đại đều giống nhà Tống, dùng luật phú. Chứng cứ là năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), đề phú dùng 8 vận: “đế, đức, hiếu, sinh, hợp, vu, dân, tâm.” Qui định này đến mãi khoa Giáp Tý (1384) và chính thức là khoa Quí Dậu (1393) mới chính thức chuyển sang dùng cổ thể. Điều này đúng như họ Phạm nói, đó là sự chuyển đổi theo phép thi nhà Nguyên mà thôi.

 

            Điều cần xét tiếp theo là phú đời Trần nên xếp vào thể loại nào? Luật phú hay văn phú? Tại sao lại xếp như thế? Cứ theo quan điểm của Phạm Đình Hổ thì phải xếp Trần phú vào cổ phú. Nhưng Lê Quí Đôn trong Kiến Văn Tiểu lục, quyển 4, Thiên Chương lại nói: “Văn phú triều Trần rất kỳ dị hùng vĩ, lại lưu loát tươi đẹp, hơi giống vận điệu văn Tống.” Ở đây chúng tôi đồng quan điểm với họ Lê, giải thích là, tuy Trần triều dùng luật phú cử sĩ, nhưng đương thời trong xã hội lại thịnh hành thể văn phú, điều này có phần tương tự với đời Tống ở Trung Quốc, tức tuy Tống chế dùng luật phú trong khoa cử, nhưng tiêu biểu cho Tống phú lại là văn phú, chứ không phải luật phú. Thực ra, phú đời Trần khi xếp vào văn phú cũng chỉ có nghĩa tương đối, bởi rằng trong phú đời Trần vẫn lưu lại không ít những yếu tố của luật phú. Thêm 1 điểm nữa là, những gì mà chúng ta đã xét, chỉ đúng với phú chữ Hán, chứ hoàn toàn không thích hợp với phú chữ Nôm. Lý do là phú chữ Nôm có rất nhiều đặc điểm khác xa với hai thể vừa xét. Về mặt thể chế, phú Nôm có thể sánh với Hán đại phú về trường độ và mức độ hoa mỹ. Điều này có nguyên nhân từ việc sử dụng tiếng Việt để sáng tác. Nếu như các phú gia Việt Nam bị hạn chế nhiều mặt trong việc dùng chữ Hán để sáng tác, thì việc dùng tiếng Việt có thể giải quyết được nhiều điều. Cho nên, nếu lấy “cựa thanh mạo dĩ cùng văn” làm tiêu chuẩn của phú, thì phú Việt Nam ngoài một số thiên phú đại phú chữ Hán ít ỏi ra, e là chỉ có phú Nôm mới đáp ứng được tiêu chuẩn này. Phú Nôm thường là trường thiên, lời lẽ hoa mỹ, văn cú ly kỳ, những đặc điểm này chỉ gặp trong Hán đại phú. Nhưng phú Nôm cũng không hoàn toàn là Hán phú, do hoàn cảnh ra đời tương đối chậm về sau, nó cũng chú ý hấp thu nhiều đặc điểm của các thể phú khác. Ví như chú ý đến vận luật, tính trôi chảy của câu văn từ luật và văn phú.

 

            IV. PHÚ HỌC VIỆT NAM TRONG TỔNG QUAN SO SÁNH VỚI PHÚ HỌC TRUNG QUỐC

 

            Phú học Việt Nam với tư cách là một thể tài tiếp thu từ phú học Trung Quốc, thế nên về mặt đặc trưng, 2 loại này cơ bản không khác nhau. Ngoài sự khác biệt không nhiều về mặt không gian, điểm sáng tạo lớn nhất của phú học Việt Nam là về mặt chất liệu, tức từ một chất liệu đơn nhất là Hán tự, người Việt Nam đã vận dụng chính lời ăn tiếng nói của mình để viết phú, tạo nên một thể đặc sắc với chất liệu đặc biệt – phú Nôm. Tiếng việt với tư cách một loại hình ngôn ngữ đơn lập, với một lượng từ Hán Việt chiếm 7-80% tổng lượng từ vựng, cả hai đều hết sức thuận lợi cho việc phát triển của phú Nôm. Ngoài những điểm đã nêu, chúng ta khó tìm được những minh chứng ở cho sự khác biệt giữa chúng.

 

            Thời cổ, các loại văn thể tùy theo công năng xã hội mà có địa vị cao thấp khác nhau. Cổ nhân khi sáng tác văn chương đặc biệt chú trọng đến việc lựa chọn văn thể. Trong vô vàn văn thể, phú thường được đặt ở vị trí tối cao. Điều này được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

 

Thứ nhất, tác phú cần có thực tài, và cũng chỉ có phú mới biểu hiện được thực tài của phú gia. Ngụy Thâu chuyện trong Bắc Tề thư chép: “(Thâu) cùng Tế Âm Ôn Tử Thăng và Hà Gian Hình Tử Tài nổi tiếng đương thời, người đời gọi họ là tam tài .... Thâu thấy Tử Thăng không làm phú, còn Hình thì chỉ có vài bài, thật không phải là người có tài về phú, nên thường nói : “ Chỉ trong tác phú mới có thể thành đại tài. Trong các thể văn, ngoài Phú ra, chỉ có Chương, Biểu, Bi, Chí còn tạm tạm, ngoài ra tất cả chẳng qua chỉ là trò trẻ con, hoàn toàn không đáng đề cập”. Quan điểm  của Ngụy Thâu được đưa ra trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của người xưa và người đương thời lúc đó, hậu nhân không một ai dị nghị về điều này. Như thế có thể thấy rằng, thời cổ văn nhân phần lớn quan niệm phú là loại văn thích hợp nhất để biểu hiện thực tài, và chỉ người có khả năng viết phú mới được coi là đại tài.

 

            Thứ hai, trong sách vở cổ xưa, bất kể tổng hợp hay biệt tập, vị trí của phú đều đặt ở vị trí đầu sách. Quan điểm “ phú tiên ư thi” không chỉ thấy ở hầu hết các sách vở Trung quốc mà cũng đúng với điển tịch Việt nam. Điều này một lần nữa chứng tỏ vị trí tối cao của phú trong lòng người xưa.

 

            Thứ ba, ở hiến phú có thể được phong quan tiến chức, thời cổ bất kỳ giai đoạn nào đều thế, mọi người ai cũng biết. Ở đây có thể lấy việc Đỗ Phủ hiến Tam đại lễ phú làm đại biểu. Đỗ Phủ nhập kinh cầu sĩ, nhiều lần ứng thí nhưng không đậu, lại thiếu người có quyền thế tiến cử, cùng đường chỉ còn biết chầu trực ở Thái Thanh cung, thái miếu và đàn tế nam giao để tiến phú, may được Huyền Tông thưởng thức, liền phong chức Đài chế Tập hiền Viện, từ đó mới bước chân vào đường hoạn lộ. Ngày xưa văn nhân hiến phú, may mắn được vua khen, đó là một việc hết sức vinh hạnh, nhưng cũng không ít người chịu sự lạnh lùng từ phía vua chúa. Ví như Tiền Khởi trong Tặng Khuyết hạ Bùi Xá nhân có câu:

 

“Hiến phú thập niên do bất ngộ,

 

Tu tương bạch phát đối hoa trâm”

 

(Hiến phú 10 năm còn bất ngộ,

 

Thẹn đem bạch phát đối hoa trâm.)

 

 

 

          Những điều tường thuật trên đây, Trung – Việt sử sách không ít, tưởng rằng không cần phải liệt kê thêm. Vấn đề cần chú ý là, tại sao cổ nhân lại đem phú đặt lên vị trí hàng đầu trong tất cả các văn thể? Từ bản thân phú phải có đặc điểm gì mới làm cho cổ nhân trọng thị đến thế? Quách Thiệu Ngu trong Vị trí của phú trong văn sử học Trung quốc nói : “Trong văn  học Trung Quốc có một loại văn thể đặc biệt chính là ‘phú’. Văn học Trung Quốc về mặt loại thể trước nay đều nhất quán phân thành 2 loại thi và văn, nhưng phú lại là trung gian giữa 2 loại này, đã không thuộc về văn cũng không thể quy về thi. Thế nhưng, đồng thời lại có một hiện tượng tương phản khác, phú vừa có thể gọi là văn cũng vừa có thể gọi là thi, trở thành một loại thể lưỡng thê trong văn học. Ở đây có nghĩa phú là loại văn thể tổng hợp của vận và tản văn. Phú gia muốn tác phú phải vừa có cái tài của nhà văn và nhà thơ, điều này thời xưa rất được coi trọng. Trong sự so sánh với các văn thể khác, phú gia trong quá trình trầm tư cấu tứ hay vận từ cần đầu tư nhiều hơn, với một đại phú hoàn mỹ, sự đầu tư này càng lớn. Thời cổ, một thiên đại phú có thể tốn 10 đến vài chục năm thời gian, bởi vậy một thiên đại phú cũng giống như bộ từ điển chuyện đề hết sức đầy đủ và rõ ràng. Ở Việt Nam, Lê Thánh Tông để viết xong Lam Sơn Lương thủy phú, thiên phú dài nhất còn lưu lại của Việt Nam cũng cần gần 30 năm (1461-1478).

 

          Nhưng cổ nhân sở dĩ trọng phú còn có một nguyên nhân quan trọng khác, đó là phú là sự tổng hợp cao độ của văn học và học thuật. Như chúng ta đã biết học thuật cổ đại đặc biệt coi trọng tính bác học, bình phẩm một con người cũng nhìn nhiều ở góc độ bác học đa năng. Các nhà nho xưa quan niệm : “nhất vật bất tri, nho giả chi sỉ” (một vật không biết rõ, đó là nỗi nhục của nhà nho). Hậu nhân phần nhiều tiếp thu quan điểm này, cho rằng “nho giả” phải là người không gì không biết, không gì không thể. Trong tiểu thuyết chương hồi, khi hình dung một nhân vật có tài, thường tán thán bằng câu : “ trên thông thiên văn, hạ đạt địa lý, tam giáo cửu lưu, chư tử bách gia, không gì không thông, không gì không hiểu”. Đối với những người chuyên tinh nhất nghệ thì thường bị xem thường, dè bỉu, hoặc bị chê là “ điêu trùng tiểu kỹ” hoặc “ chỉ biết một mà không biết hai ” ...

 

            Phú tuy được nhiều người xem trọng, nhưng vẫn không ít ý kiến bỉ thị, ví như cho rằng địa vị phú gia không khác tên hề góp vui, tác dụng của phú “ khuyến bách phùng nhất”, hoặc phú là văn thể phục vụ cho quyền lợi của giai cấp thống trị .… Chúng tôi cho rằng, bất kể quan niệm nào đều có nguyên nhân sâu xa của nó, muốn hiểu, bắt buộc phải đi sâu vào tìm tòi khám phá, không thể nói cho qua.

 

 

 

 TS. Nguyễn Đình Phức

 

 

Thông tin truy cập

60423138
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4113
6820
60423138

Thành viên trực tuyến

Đang có 1605 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website