Vấn đề biên tuyển thơ Bạch Cư Dị trong Thiên tải giai cú của Ōenokoretoki

TS. Nguyễn Đình Phức

(Khoa Ngữ văn Trung Quốc, USSH)

1. Nguyên nhân và thời điểm biên tuyển Thiên tải giai cú

Thiên tải giai cú là bộ tuyển tập chuyên tuyển những câu thơ hay từ mảng thơ thất ngôn đời Đường sớm nhất còn truyền đến ngày nay, có điều đặc biệt là, công trình này không phải là sản phẩm của người Trung Quốc, mà do một học giả Nhật Bản biên tuyển. Sách tuyển thơ theo hình thức liên cú, tức cứ hai câu tạo thành một đơn vị, tổng số liên được tuyển là 1083, được tác giả căn cứ theo chủ đề phân thành 15 bộ lớn, bao gồm Tứ thời, Thời tiết, Thiên tượng, Địa lý, Nhân sự, Cung tỉnh, Cư xứ, Thảo mộc, Cầm thú, Yến hỷ, Du phóng, Biệt ly, Ẩn dật, Thích thị, Tiên đạo. Trên cơ sở 15 bộ, tác giả lại tiếp tục phân nhỏ thành 258 môn khác nhau, bên dưới mỗi liên thơ được tuyển, đều chú rõ tên tác giả cùng tên bài thơ. Sách do nhà Hán học Nhật Bản Ōenokoretoki (887-963) sống ở giai đoạn trung kỳ thời Bình An (Heian Period, 794-1185) biên tuyển.

Dòng họ Ōeno (Đại Giang) vốn là một trong hai dòng họ lớn, danh hiển nhất thời Bình An, cũng là dòng họ giàu truyền thống văn học; kể từ đời ông nội của Ōenokoretoki cho đến đời cháu nội của ông là Ōeno Masahira và cho đến cả đời chắt của ông, dòng họ này đã sản sinh cho văn học Nhật Bản rất nhiều thi nhân, nhìn chung họ đều khá thành công trên con đường chính trị, được giai cấp thống trị tin dùng và đều giữ những chức vụ khá cao trong bộ máy chính quyền đương thời. Về thành tích văn chương của dòng họ Ōeno, phần lớn đều được chép ở mục Văn học thứ 4, phần Liệt truyện số 143, sách Đại Nhật Bản sử, quyển số 216, nay tạm không đề cập. Riêng về phần Ōenokoretoki, ông sinh năm 887, mất năm 963, từng giữ các chức Văn chương bác sĩ, Đại học đầu, Đông cung học sĩ, chức quan cao nhất là Trung nạp ngôn thuộc phẩm hàm tòng tam phẩm. Về thành tựu văn chương, ông có Nhật quan tập.

Về nguyên nhân biên tuyển Thiên tải giai cú, học giả Trung Quốc Nghiêm Thiệu Sương trong chuyên luận Nhật Bản Thiên tải giai cú Bạch Cư Dị thi dật cú tập cảo viết: “Bắt đầu từ thế kỷ thứ 9, phong trào học tập thơ chữ Hán đã ngự trị thi đàn Nhật Bản, từ Thiên hoàng đến đình thần, thảy đầu lấy việc ngâm vịnh, sáng tác thơ chữ Hán làm phương thức tự tu dưỡng. Trong khoảng 5 năm từ năm 814 đến năm 818, Thiên hoàng Daigo từng hai lần biên tập thơ chữ Hán đương triều, kết quả là sự ra đời của hai tổng tập Lăng vân tậpVăn hoa tú lệ tập. Vào năm 827, Thiên hoàng Junna lại ra lệnh cho văn thần biên tập thơ chữ Hán Kinh quốc tập, từ đó mở ra ‘thời đại chịu ảnh hưởng đậm của thơ ca chữ Hán”, kéo dài đến 400 năm trong lịch sử văn học cổ đại Nhật Bản. Thiên tải giai cú với tư cách là một tổng tập các câu thơ hay, nổi tiếng trong thơ Đường, được biên tuyển chính trên cơ sở nhu cầu học tập và sáng tác thơ chữ Hán của các thi nhân Nhật Bản.”(1)

Học giả Trung Quốc Tống Giang, người có công lớn trong việc chỉnh lý và xuất bản Thiên tải giai cú tại Trung Quốc, trong mục Chỉnh lý thuyết minh của sách, ngoài nguyên nhân đã nêu trên, còn chỉ ra rằng: Nhật Bản ở thời kỳ Heian trong hoạt động giao lưu của giới quý tộc từng xuất hiện trào lưu dẫn dụng, ngâm vịnh thơ Đường, đặc biệt là thơ Bạch Cư Dị vào việc biểu đạt tình chí. Phong khí này thật không khác trào lưu ngâm vịnh Thi kinh để nói chí diễn ra trong giới sĩ đại phu Trung Quốc ở thời Xuân Thu. Điều này từ Nguyên thị vật ngữ, một tác phẩm ra đời ở giai đoạn này có thể tìm thấy rất nhiều chứng cứ:

Nguyên công tử bèn lệnh lấy rượu ra để tiễn biệt, lại ngâm câu “Túy bi sái lệ xuân hoài lý” của Bạch Cư Dị, những kẻ tùy tùng nghe câu ấy thảy đều rơi lệ.(2)

Nguyên thị bước tới căn phòng phía tây, vừa hạ thấp giọng đọc câu “Tử thành âm xứ do tàn tuyết” của Bạch Cư Dị, vừa vươn tay gõ cửa.(3)

Những lời như rót mật của hai kẻ yêu nhau thật không bút mực nào có thể miêu tả. Thế rồi sắc trời hửng sáng, càng như càng tạo thêm không khí cho cảnh tình này. Tướng quân Nguyên thị ngâm rằng: “Tòng lai hiểu biệt thôi nhân lệ, kim nhật thu không đặc địa sầu.” Chàng nắm chặt tay Lục Điều phi tử, lưu luyến không nỡ rời, dáng vẻ ấy thật đúng kẻ đa tình! Lúc ấy gió lạnh thổi tới, tiếng côn trùng mùa thu kêu ran,… đôi tình nhân lòng đau như cắt, phách lạc hồn siêu, nào còn tâm tư vào việc phú thơ! Lục Điều phi tử miễn cưỡng đáp rằng: “Tầm thường thu biệt sầu vô hạn, thiêm đắc trùng thanh sầu cánh nồng.”(4)

Như vậy, đã có thể thấy rất rõ, việc tức tình tức cảnh ngâm vịnh thơ Đường đã trở thành nét thời thượng của xã hội thượng lưu Nhật Bản thuở ấy, và cũng chính để đáp ứng nhu cầu này, không ít người đã tìm đến đối tượng học tập là thơ Đường. Thiên tải giai cú chính sản sinh trên cơ sở nhu cầu nêu trên, và cũng có lẽ xuất phát từ tính đặc trưng tức cảnh tức tình trong việc ngâm vịnh, thế nên sách mới có đối tượng biên tuyển là những cặp đôi câu nổi tiếng trong thơ Đường.

Ngoài ra, học giả Tống Giang còn chỉ ra rằng, hình thức trích tuyển liên cú của Thiên tải giai cú còn có mối quan hệ mật thiết với hình thức thơ ca truyền thống Nhật Bản là Ca thi và Hòa ca. Ông nói: Hòa ca chủ yếu được sáng tác ở thời kỳ Nara (710-794), tuy được phân thành Trường ca, Đoản ca và Tuyền đầu ca, nhưng hình thức Đoản ca với tổng số 31 âm cùng nội dung cũng như tứ thơ được dung nạp rất giống hình thức một đôi câu trong thơ chữ Hán, thế nên việc biên tuyển liên cú của Thiên tải giai cú, rõ ràng còn mang tác dụng khởi hứng, trợ giúp trực tiếp cho hoạt động sáng tác Hòa ca.(5) Về vấn đề này, học giả Lưu Đức Nhuận trong chuyên luận Quan ư Hòa ca đích Hán dịch (Về việc chuyển dịch Hòa ca sang tiếng Hán) viết: “Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng, việc chuyển dịch Hòa ca sang tiếng Hán nên dùng hình thức đôi câu bảy chữ là phù hợp nhất. Nhìn từ phương diện lựa chọn từ ngữ trong quá trình dịch thuật, việc lựa chọn hình thức này rõ ràng có thể tận dụng được mảng ngôn ngữ thông tục dễ hiểu trong thơ từ Đường Tống. Riêng khía cạnh âm vận, bằng trắc tứ thanh thì cần phải cân nhắc nhiều hơn.”(6)

Về thời điểm biên soạn của sách, học giả Nghiêm Thiệu Sương cho rằng, “ước vào khoảng trung kỳ giai đoạn Heian, tức khoảng giai đoạn từ thời Nhật hoàng Daigo ở ngôi (897-929) đến thời của Nhật hoàng Murakami (946-966), tương ứng với giai đoạn cuối đời Đường và giai đoạn Ngũ đại ở Trung Quốc.”(7) Điều này có nghĩa, mảng thơ ca được tuyển trong tác phẩm chủ yếu du nhập vào Nhật Bản giai đoạn trước đời Tống, đồng thời hoàn toàn có thể xem đây là quan điểm tổng kết, đánh giá khá sớm đối với thành tựu thơ ca đời Đường từ góc độ học giả nước ngoài. Thế nên, Thiên tải giai cú không chỉ là tài liệu có giá trị lớn trong việc nghiên cứu thơ Đường, mà đồng thời còn là tài liệu hữu ích cho công tác sưu tầm, chỉnh lý và khảo sát văn bản thơ Đường.

Một điều cũng cần thiết phải nhắc tới là, hình thức trích cú bắt nguồn từ trào lưu “phú thi ngôn chí” dưới thời Xuân Thu ở Trung Quốc, kế đó được thể hiện khá rõ nét trong Thi phẩm của Chung Vinh. Cụ thể trong Thi phẩm, Chung Vinh luôn có thói quen dùng danh cú khái quát phong cách sáng tác thơ của các tác giả. Sang đời Đường, trong các tuyển tập Hà Nhạc anh linh tập, Trung Hưng gian khí tập, ở phần dưới tên các tác giả, khi tiến hành phẩm bình, các soạn giả luôn xoáy vào việc trích dẫn danh cú; đến Thi nhân chủ khách đồ của Trương Vị, trích cú càng được đẩy lên hình thức cao hơn, tức dùng trích cú sắp xếp dưới dạng biểu đồ, nhắm đến biểu đạt các dòng phái, môn hộ trong hoạt động sáng tác thơ ca. Thế nhưng, hình thức trích cú trong các tác phẩm nói trên nhìn chung còn tương đối tùy tiện, có thể là 01 câu, 02 câu, 04 câu, toàn bài, hoàn toàn không lấy hình thức tuyển câu làm tôn chỉ, cũng hoàn toàn chưa hoàn thành tiền lệ tuyển chọn hình thức liên cú. Vậy nên, hoàn toàn có thể nhận định, Thiên tải giai cú với tiêu chí tuyển chọn rõ ràng, thể thức thống nhất, xứng đáng là bộ tuyển bản đầu tiên xác lập thể lệ cho hình thức tuyển bản này. Từ khía cạnh này, giá trị lịch sử cùng giá trị văn học của Thiên tải giai cú một lần nữa lại được khẳng định.

2. Vấn đề truyền bản và thực tế biên tuyển thơ ca trong Thiên tải giai cú

Về vấn đề truyền bản của tác phẩm, Thiên tải giai cú chủ yếu lưu truyền dưới hình thức văn bản viết tay, nhìn chung có thể kể tới 06 hệ thống truyền bản tương đối quan trọng sau:

- Bản Giáp, Nội các văn khố điển tàng, trước đó bản này do Thiển Thảo văn khố và Hòa học giảng đàm sở điển tàng, sách được chép vào đầu đời Edo.

- Bản Ất, Nội các văn khố điển tàng, trước đó bản này do gia đình họ Lâm điển tàng, sách được chép vào giai đoạn trung kỳ thời Edo.

- Bản do Đế quốc đồ thư quán điển tàng, bản này được chép vào giai đoạn trung kỳ thời Edo, vốn do thư viện Ueno điển tàng.

- Truyền bản của gia đình Hán học gia nổi tiếng sống ở giai đoạn cuối thời kỳ Edo là Ichikawa kansai (1794-1820), với tên Trung văn là Hà Thế Ninh,  bản này hiện không rõ niên đại sao chép cũng như tình trạng còn mất. Căn cứ theo lời chú của Hà Thế Ninh trong Toàn Đường thi dật, “trong nhà tàng trữ sách Thiên tải giai cú, sách được chép tay từ 200 năm trước, sai sót khá nhiều, lại không có bản khác để tiện đối chiếu, nay cứ tồn nghi, tạm lấy ra chú.” (Phần chú dưới mục tuyển thơ của Đường Đức Tông), học giả Tống Giang cho rằng, bản này được chép vào khoảng trung kỳ thời Edo, nhưng là một hệ thống truyền bản khác hẳn với các bản còn lại.

- Bản của Tống Bình văn khố, hiện do thư viện Shimabara điển tàng, bản này được chép vào những năm đầu thuộc giai đoạn Edo.

-  Bản do Trung Sơn Trung Kính điển tàng, bản này được viết dưới thời Kamakura (1192-1333).

Như vậy, trong 06 hệ thống truyền bản quan trọng của sách, chỉ có bản do Trung Sơn Trung Kính điển tàng có niên đại biên chép cổ nhất; riêng bản do Đế quốc đồ thư quán điển tàng, phải mãi đến năm Kanbun thứ tư (1664) mới được phát hiện trong tiệm sách cũ ở Nhật Bản.

Về thực tế tuyển thơ trong Thiên tải giai cú, sách tổng cộng tuyển 1083 đôi câu thơ thất ngôn, số tác giả có thơ được tuyển là 153, tình trạng số câu thơ được phân cho các tác giả như sau: Bạch Cư Dị, 507 bài; Nguyên Chẩn, 65 bài; Hứa Hồn, 34 bài; Chương Hiếu Tiêu, 30 bài; Đỗ Tuân Hạc, 20 bài; Lưu Vũ Tích, 19 bài; Dương Cự Nguyên, 18 bài; Vương Duy, 11 bài; Đỗ Phủ, 6 bài; Lý Bạch, 2 bài;…

Từ thực tế tuyển chọn thơ ca trên đây, có thể thấy rằng, đây là một thực tế chưa từng xảy ra trong tất cả mọi tuyển bản thơ Đường nói riêng, thơ văn nói chung tại Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và Triều Tiên. Điều đáng nói ở đây là, đây hoàn toàn không phải một hiện tượng đơn độc trong văn học Nhật Bản. Theo Kawaguchi Hisao thống kê, trong số 588 bài thơ trong tổng tập Hòa Hán lãng vịnh tập do Fujiwarano Kintō (966-1041) biên tuyển, có tới 139 bài thơ của Bạch Cư Dị, chiếm vị trí đầu tiên. Học giả Maruyama Kiyoku trong chuyên luận Nguyên thị vật ngữ dữ Bạch thị văn tập từng làm phép thống kê, trong số 185 lần dẫn dụng điển tích Trung Quốc trong Nguyên thị vật ngữ, có tới 106 lần có nguồn gốc từ thơ Bạch Cư Dị.

Tương truyền vào thời Heian, ở khía cạnh văn chương chỉ có hai thứ quý nhất, đồng thời được giới quý tộc nhắc đến nhiều nhất chính là Văn tuyển của Tiêu Thống và Bạch thị văn tập của Bạch Cư Dị. Theo Giang đàm sao ghi chép, đương thời Nhật hoàng Saga (786-842), người sống cùng thời với Bạch Cư Dị từng rất yêu Bạch thị văn tập, tương truyền hồi mới được sách ấy từng cất riêng sau đó lén lấy ra xem. Sau này mỗi khi muốn thử bề tôi xem có học vấn hay không, thường cố ý đọc sai thơ Bạch, xem bề tôi có phát hiện ra hay không. Có một lần, Nhật hoàng Saga triệu kiến Ono no Takamura, trong khi nói chuyện, ông cố ý đọc câu: “Bí các duy văn triêu mộ cổ, đăng lâu diêu vọng vãng lai thuyền.” Ono no Takamura nghe xong tâu rằng: “Bài thơ của Bệ hạ rất hay, duy có chữ ‘diêu’ nếu đổi thành chữ ‘không’ sẽ hay hơn.” Thiên hoàng cảm khái nói: “Đây là câu thơ của Bạch Lạc Thiên, chữ ‘diêu’ vốn là chữ ‘không’, trẫm chỉ muốn thử khanh, nào ngờ tứ thơ của khanh cũng gặp gỡ với Lạc Thiên.”

Dưới thời Heian, hai dòng họ có bề dày truyền thống Hán học là Sugawara (Gian Nguyên) và Ōeno (Đại Giang) thảy đều sùng bái Trường Khánh tập của Bạch Cư Dị. Học giả Hikojirō Kaneko trong chuyên luận Văn học thời đại Heian và Bạch thị văn tập trên cơ sở thống kê số điển cố Sugawara no Michizane dùng trong Sugawara gia văn thảo, đã chỉ ra rằng, có tới 500 bài thơ có ý lời liên quan trực tiếp đến Bạch thị văn tập và trên 80 lần có sự cách tân và phát triển ý thơ của Bạch Cư Dị. Theo tài liệu ghi chép, Nhật hoàng Go-Daigo sau khi nhận được thi tập của Sugawara no Michizane, đã dùng đề mục “Kiến Hữu thừa tướng hiến gia tập” làm thơ khen thưởng, trong thơ có câu: “Cánh hữu Gian gia thắng Bạch dạng” (Lại có họ Gian hơn họ Bạch), đồng thời phía sau còn chua thêm: “Ta bình sinh yêu thích Bạch thị văn tập 70 quyển vậy.” Triều đình Nhật Bản giai đoạn Heian còn không ngừng tổ chức các buổi chuyên thuyết giảng về Bạch thị văn tập, riêng Ōenokoretoki cũng được giao giữ chức Thị độc cho hai Nhật hoàng Daigo và Murakami, và sau đó còn rất nhiều thế hệ Nhật hoàng tham gia vào các buổi giảng thuyết này. Tác giả của sách Nguyên thị vật ngữ là Murasaki Shikibu với tư cách là nữ quan của Hoàng hậu Nhất Điều Chương Tử, cũng từng nhiều lần thuyết giảng cho Hoàng hậu về Bạch thị văn tập.

Trên đây là tình hình tiếp nhận thơ Bạch Cư Dị ở thời kỳ Heian của Nhật Bản, ở các thời kỳ sau, đi cùng rất nhiều nguyên nhân đến từ xã hội, sự thịnh suy của Hán học, vị trí độc tôn của Bạch Cư Dị đã bị lung lay. Thế nhưng dù ở bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử Nhật Bản sau thời kỳ Heian, dù khen dù chê, thơ văn Bạch Cư Dị vẫn luôn được chú ý, vẫn chiếm vị trí rất cao trong thơ Đường, thậm chí cho đến cả giai đoạn hiện đại. Từ công trình Trung Quốc văn học nghiên cứu văn hiến yếu lãm của tập thể các học giả Nhật Bản xuất bản năm 1979, chúng tôi thống kê được số bài viết, công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo của các học giả dành cho các nhà thơ Đường từ tháng 8/1945 đến tháng 12 năm 1977 như sau:

Đỗ Phủ           241      Bạch Cư Dị              209

Lý Bạch          106      Lý Hạ                       70

Vương Duy     46        Liễu Tông Nguyên    41

Hàn Dũ           41        Lý Thương Ẩn          19

Nguyên Chẩn  16        Lưu Vũ Tích             14

Hàn San          14        Đỗ Mục                    12

Từ số liệu trên đây, hoàn toàn có thể nhận định, dù bất kỳ thời điểm nào, giai đoạn nào, thơ văn Bạch Cư Dị luôn có mối duyên đặc biệt, luôn cuốn hút được sự chú ý, tìm hiểu, thưởng thức, nghiên cứu của dân tộc Nhật Bản.

3. Nguyên nhân quá ưu ái thơ Bạch Cư Dị trong Thiên tải giai cú

Chúng ta đều biết, trong văn học Trung Quốc, nếu nói bậc vĩ nhân trong làng thơ Đường, dù bất cứ lý do nào trước tiên đều không thể không nhắc đến Lý Bạch, Đỗ Phủ, riêng Bạch Cư Dị, vị trí của ông luôn được xếp khá sâu ở phía sau. Thế nhưng, như mục trên đây đã đề cập, thơ Bạch Cư Dị sau khi truyền vào Nhật Bản đã tạo nên một hiện tượng hết sức đặc biệt, cái gọi đặc biệt ở đây không chỉ là sự đảo lộn trật tự trong trật tự vị trí các nhà thơ Đường ở riêng đất nước Trung Quốc, mà đồng thời đảo lộn trật tự tiếp nhận, thói quen đánh giá về các nhà thơ Đường ở khắp mọi nơi, mọi đất nước còn lại trên thế giới, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến Việt Nam, Hàn Quốc và Triều Tiên. Nguyên nhân nào khiến cho thơ Bạch Cư Dị đạt đến sự thần kỳ nói trên, theo chúng tôi, chí ít có thể kể đến một số nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, thơ Bạch Cư Dị số lượng phong phú, phạm vi đề tài rộng mở, tiện dụng cho việc tham khảo, mô phỏng để viết thơ. Bạch Cư Dị hưởng thọ 75 tuổi, trong suốt cuộc đời, ông viết khoảng trên 3000 bài thơ, thơ ông cũng được lưu giữ khá tốt, trong Toàn Đường thi, thơ ông được biên tập thành 39 quyển, cũng là người có số lượng thơ nhiều nhất trong các nhà thơ Đường, ngoài ra, là người từng trải nhiều, nên thơ ông bao quát được rất nhiều phương diện của cuộc sống, sinh hoạt của xã hội đương thời. Văn đàn Nhật Bản ở thời Heian là văn đàn sùng thượng thơ ca chữ Hán, các nhà thơ mỗi khi gặp nhau thường ngâm vịnh thơ chữ Hán để tỏ rõ khả năng cùng sự tài hoa của cá nhân. Đối với một bộ phận không nhỏ những người mới tập sáng tác thơ chữ Hán mà nói, trong tình trạng hoàn toàn không có tài liệu hướng dẫn hoặc sách tham khảo trong tay, muốn viết ra thơ chữ Hán, thật sự là một chuyện không tưởng, vậy nên cần thiết phải có những sách tham khảo kiểu như Thiên tải giai cú được biên soạn. Với tổng số hơn một nghìn đôi câu thơ, tác giả căn cứ theo chủ đề phân thành 15 bộ lớn, tiếp đó lại phân nhỏ thành 258 tiểu môn loại khác nhau, thi nhân Nhật Bản một khi muốn sáng tác, chỉ cần xác định rõ chủ đề muốn viết, lật tới mục câu mẫu có nội dung tương tự, quá trình sáng tác ắt có thể diễn ra một cách thuận lợi trên cơ sở những ví dụ tiêu biểu sẵn có. Việc sáng tác ban đầu tất yếu mang tính mô phỏng, nhưng lâu dần ắt sản sinh phong cách, tất nhiên để đạt đến cảnh giới siêu thoát, hình thành phong cách cá nhân, cần thiết phải có sự nỗ lực, cố gắng của mỗi cá nhân. Từ khía cạnh này, có thể thấy rõ giá trị không nhỏ của Thiên tải giai cú trong việc thúc đẩy trào lưu sáng tác thơ chữ Hán ở Nhật Bản dưới thời Heian. Không dừng lại ở đó, trong quá trình sáng tác Hòa ca, người Nhật Bản luôn có ý thức trong việc chuyển hóa, hóa dụng các ý hay từ thơ ca Trung Quốc. Đương thời, việc tận dụng các ý hay trong thơ Đường đã có Thiên tải giai cú đảm trách, riêng đối với giai đoạn thơ ca trước Đường, bác của Ōenokoretoki là Ōe Senri có bộ Cú đề Hòa ca. Sách này ngoài phần sưu tập các câu thơ cổ hay của các nhà thơ Trung Quốc từ đời Hán đến đời Đường, ở mỗi mục thuộc 09 môn loại của sách, bao gồm Xuân, Hạ, Thu, Đông, Phong nguyệt, Du lãm, Tạp, Ly biệt, Thuật hoài, tác giả đều đưa vào 10 đến 20 tác phẩm Hòa ca, các tác phẩm Hòa ca này thảy đều chuyển dịch từ những câu thơ được tuyển, hoặc hóa dụng từ ý thơ ban đầu. Nói tóm lại, với tư cách một thi nhân luôn để tâm vào việc sáng tác, phạm vi đề tài sáng tác lại phong phú, phàm những vấn đề trong cuộc sống, trong sinh hoạt thường ngày của cá nhân, cuộc sống quan trường cùng rất nhiều vấn đề dân sinh, thảy đều được tác giả chú ý ghi chép bằng thơ, vậy nên với tính đặc thù trong nhu cầu của thi nhân Nhật Bản, thơ ông trong Thiên tải giai cú đương nhiên được tuyển chọn nhiều nhất.

Thứ hai, thơ Bạch Cư Dị phần nhiều thông tục, ý thơ rõ ràng, nhịp thơ thông thoáng uyển chuyển, rất thuận lợi cho việc hiểu và mô phỏng. Bạch Cư Dị trong quá trình sáng tác rất chú ý tiếp thu mảng ngôn ngữ dân gian, thế nên tính thông tục, hiện thực và bình dân trong ngôn ngữ thơ ông rất đậm, người đời gọi thơ ông là lối thơ “lão ẩu năng giải” (lão bà cũng có thể hiểu). Thích Huệ Hồng, một học giả đầu đời Nam Tống trong Lãnh Trai dạ thoại chép: “Bạch Lạc Thiên mỗi khi làm thơ thường đọc cho một bà lão nghe, sau đó hỏi rằng có hiểu hay không? Nếu nói hiểu, lập tức chép lại; nếu nói không hiểu, sẽ tiếp tục sửa chữa.” Bạch Cư Dị vốn là bậc kỳ tài trong làng thơ, ngôn ngữ thơ ông khắc ý cầu thông tục, ông chủ trương đưa ngôn ngữ đời sống vào thơ, thi nhân đời Bắc Tống là Vương An Thạch từng than rằng: “Lời hay trong thiên hạ đều bị Đỗ Tử Mỹ chiếm trọn, lời tục trong thiên hạ lại bị Bạch Lạc Thiên dụng hết.” Học giả Trung Quốc Cố Thực trong Trung Quốc văn học sử cương chỉ rõ: “Đại khái thi ca đương thời thảy đều tranh nhau mô phỏng thơ ca Hán Ngụy, thậm chí còn mô phỏng cả Thi kinh, các nhà thơ thảy đều cố tự huyễn mình là học rộng tài cao. Chỉ duy nhất có Bạch Cư Dị dùng lời thuận tai làm chuẩn mực, điều này rõ ràng là một sự phản động, nhưng đồng thời cũng là tư duy vượt thời đại của tác giả. Nay xem Trường hận ca, Tỳ bà hành, dù không cần chú thích nhưng vẫn rõ ràng dễ hiểu. Thật đúng thay khi thơ ấy có thể lưu hành rộng rãi trong xã hội, đương thời từ vương công quý tộc đến cụ ông, cụ bà chốn làng quê đều có thể ngâm nga. Thế nên Bạch Cư Dị thật đúng là nhà thơ bình dân vậy.”

Người đời thường nói: “Khúc cao tắc hòa quả” (Tạm dịch: Lời hay nhưng khó, ít người có thể hiểu và đáp lại), thơ Lý Bạch chất lãng mạn cao vời, khác nào con giao long uốn mình giữa chín tầng mây, người học thơ ắt không thể mô phỏng; ngược lại, thơ Bạch Cư Dị rõ ràng dễ hiểu, tựa như lời của lão nông, vậy nên người người truyền tụng. Thi nhân Nguyên Chẩn trong Bạch thị Trường Khánh tập tự mô tả mức độ truyền bá rộng rãi của thơ Bạch trong xã hội đương thời như sau: “Trong khoảng thời gian 20 năm, trên các bức tường cung cấm, phủ đệ, tự quán…không nơi nào không thấy viết thơ Bạch, người trong thiên hạ từ vương công quý tộc đến thê thiếp, tỳ nữ, mục đồng, người đánh xe…không ai không ngâm nga được thơ Bạch.” Thi nhân Nhật Bản ở thời Heian tuy nói am hiểu Hán văn, nhưng xét cho cùng Hán văn với họ vẫn là một thứ văn tự ngoại lai, khả năng đọc hiểu ắt không thể đạt đến sự thông thạo như người Hán. Điều này xét từ khía cạnh cảm thụ tác phẩm, những tác phẩm hay, giàu sức cảm nhiễm, nhưng văn tự không quá khó vẫn thường được hoàn nghênh hơn, điều này chính rơi vào trường hợp của Bạch Cư Dị. Xét từ phương diện sáng tác, ở thời Heian, bất kể thi nhân Nhật Bản có yêu thơ chữ Hán đến mức độ nào, họ đều không thể dùng thứ ngôn ngữ mà họ chưa thật hiểu hết để viết ra những tác phẩm thơ thật sự có trình độ cao. Đối với họ, để tiếp cận trình độ thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ thật quá khó, điều này kết hợp cùng những nguyên nhân khác như thời đại, xã hội, căn tính dân tộc, cuối cùng chỉ có thơ Bạch Cư Dị mới đáp ứng được nhu cầu của họ. Vậy nên theo chúng tôi, đây cũng là một khía cạnh đáng chú ý trong quá trình đi tìm nguyên nhân giải thích cho câu hỏi tại sao thi nhân Nhật Bản thời Heian lại sùng thượng thơ Bạch Cư Dị, tại sao Thiên tải giai cú lại tuyển nhiều thơ Bạch Cư Dị đến thế.

Thứ ba, thơ Bạch Cư Dị mang chất nhàn dật, cảm thương kết hợp tư tưởng Phật Đạo, rất phù hợp với bối cảnh văn hóa, tư tưởng giai đoạn Heian, thế nên dễ nhận được sự đồng cảm của thi nhân Nhật Bản giai đoạn này. Đương thời Bạch Cư Dị từng đem thơ mình phân thành bốn loại, tức phúng dụ, nhàn dật, cảm thương và tạp luật, kế đó ông tiến hành giải thích: “Phàm các tác phẩm mang nội dung ca ngợi, chê bai, chính là phúng dụ; các tác phẩm chuyên ngâm vịnh tính tình thuộc loại nhàn dật; cảm sự việc trước mắt, phát biểu những suy tư trong lòng, ấy là cảm thương; còn lại chính thuộc tạp luật.” Nhìn nhận giá trị các mảng sáng tác trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của chính mình, Bạch Cư Dị đặc biệt coi trọng, đồng thời cũng được không ít văn nhân Trung Quốc ca ngợi chính là mảng thơ phúng dụ. Các bài thơ như Ca vũ, Mãi hoa, Mại thán ông, Tân Phong chiết tý ông,…bài nào cũng tựa như lưỡi kiếm, đương thời ở Trung Quốc được rất nhiều người truyền tụng. Những bài thơ này vốn được tác giả sáng tác ở giai đoạn mới tham dự chính sự, trong lòng tinh thần “trí quân trạch dân” còn hừng hực, thế nên ông chủ trương “thơ ca sáng tác cần phù hợp nhu cầu thời đại”, trong Tân nhạc phủ tự, ông tuyên bố rõ: “Sáng tác phải vì vua, vì thần, vì dân, vì vật, vì sự; không thể đơn giản chỉ dừng lại ở việc tô vẽ câu chữ”, đồng thời chỉ rõ tinh thần của tân nhạc phủ, chính là “trần tình nỗi cực khổ của dân tình, mong ân trên soi thấu”.

Thế nhưng cùng những vấp váp trên con đường quan hoạn, nhiệt tình chính trị trong lòng Bạch Cư Dị cũng bắt đầu dịu xuống, để tránh chuốc họa, lánh xa vòng dị nghị, ông chủ trương lấy thi, tửu, thiền, du làm vui, chuyên chú vào sáng tác mảng thơ nhàn dật, trong thơ luôn bộc lộ tư tưởng Lão Trang cùng chủ trương lánh đời, lánh xa chính sự, ước mong được sống hòa nhập trong lòng thiên nhiên. Thành tựu lớn nhất của Bạch Cư Dị ở mảng thơ cảm thương chính là hai tác phẩm Trường hận caTỳ bà hành, có thể nói, mỗi hàng thơ thuộc hai tác phẩm này đều chất chứa nỗi ai oán bi thương, kết hợp kỹ pháp miêu tả khéo léo, thanh luật âm luật hài hòa uyển chuyển, khiến thơ đạt đến hiệu quả thẩm mỹ cực cao. Thế nhưng cùng với sự biến xảy ra vào năm Nguyên Hòa thứ sáu, thân mẫu qua đời, ái nữ chết sớm, thời gian ba năm ông sống ở thôn Vị để chịu tang mẹ đối với ông là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn, vừa nghèo túng vừa bệnh tật đau yếu liên miên, tất cả nguồn sống chỉ dựa vào sự giúp đỡ, sẻ chia chỗ bổng lộc ít ỏi của Nguyên Chẩn. Sau đó không lâu lại do dâng sớ lên vua yêu cầu bắt gấp kẻ đâm Vũ Nguyên Hành, ông bị Tể tướng đương triều ghét nên bị biếm quan xuống chức Thứ sử ở châu quận. Kế đó ông lại bị Trung thư xá nhân Vương Nhai sàm tấu, tiếp tục bị biếm quan xuống chức Tư mã Giang Châu. Chỉ trong vòng mấy năm, biến cố gia đình cùng những thất ý trên con đường sĩ hoạn không ngớt xảy ra, khiến tư tưởng trong ông lại một lần nữa có sự thay đổi cực lớn. Trong bài thơ Trùng đề, ông viết: “Hoạn đồ tự thử tâm trường biệt, thế sự tùng kim khẩu bất ngôn” (Sĩ hoạn từ đây lòng vĩnh biệt, sự thế từ rày thảy đều quên); vậy nên, thời gian làm quan ở Giang Châu, ông tự xưng là “Thiên nhai luân lạc nhân” (kẻ lưu lạc chốn thiên nhai), đồng thời chuyên tâm vào việc tham thiền vấn Phật. Ở giai đoạn cuối đời, Bạch Cư Dị càng chán ghét trần thế phiền não, quyết cầu giải thoát nên chuyển sang tin theo giáo phái Tịnh thổ, hướng tới “độ thoát sinh tử luân hồi” và “vĩnh tẩy phiền não trần” (rửa sạch mãi mãi phiền não chốn trần ai), ước mong kiếp sau có thể gia nhập vào thế giới Tịnh thổ cực lạc chốn Tây phương. Có thể nói, toàn bộ quá trình diễn biến tư tưởng nói trên đều để lại dấu ấn hết sức đậm nét trong thơ văn Bạch Cư Dị.

Bạch Cư Dị sống ở giai đoạn tình trạng phiên trấn cát cứ diễn ra nghiêm trọng sau loạn An Lộc Sơn, cùng thực tế nhà nước Đại Đường vốn lớn mạnh, thống nhất không ngừng suy vi, hàng loạt thế lực quân phiệt lớn nhỏ nổi dậy cát cứ ở khắp mọi nơi. Thực tế này rất giống hiện thực xã hội Nhật Bản ở giai đoạn Heian, trong khi Hoàng quyền suy vi, chính quyền Vũ gia (Mộ phủ, bakufu) nổi lên ở khắp mọi nơi. Thế nhưng không giống như văn học Trung Đường, văn học thời Heian hầu như vắng bóng tinh thần “kiêm tế thiên hạ” đi cùng với mảng thơ phúng dụ, điều này chứng tỏ thi nhân Nhật Bản thời kỳ này trong quá trình tiếp nhận thơ Bạch Cư Dị hầu như bỏ qua nội dung phúng dụ. Mặc dù Sugawara no Michizane khi nhậm chức Tán kỳ thú từng viết chùm thơ 10 bài Hàn tảo, phản ánh thực tế cuộc sống của mười giai tầng trong xã hội, thế nhưng nhìn từ góc độ toàn bộ giai tầng quý tộc công khanh thuộc thời kỳ Heian, họ hoàn toàn không chút hứng thú với thực tế cuộc sống cực khổ của mọi tầng lớp nhân dân. Ngay chính bản thân Sugawara no Michizane, cho dù chùm thơ Hàn tảo của ông có phản ánh thực trạng cuộc sống cực khổ của nhân dân, nhưng trong ấy hoàn toàn không thấy những tuyên ngôn minh xác cho ý đồ sáng tác được biểu đạt rõ ràng trong Tân nhạc phủ tự, Tần Trung ngâm tự của Bạch Cư Dị, học giả Nhật Bản Matsure Tomonisa cho rằng: “Đối với thủ pháp phê bình chính trị trực tiếp của Bạch Cư Dị, bởi chịu sự quy định của quan niệm truyền thống Nhật Bản, tức thơ ca cần thiết mang nội dung nhã hứng, thế nên Sugawara no Michizane hoàn toàn không thể tiếp nhận.”(8) Từ thơ của Bạch Cư Dị, những điều họ đồng cảm và chú ý học tập nhất có lẽ chỉ là tinh thần dung hợp tự nhiên, tâm vật nhất thể, sự tinh tế trong cảm nhận bước đi của thời gian, bốn mùa và tư tưởng nhàn dật mang đậm chất thương cảm của Phật Lão. Điều này phần nhiều ứng hợp với tâm lý luôn mẫn cảm với sự biến chuyển của cảnh quan thiên nhiên bốn mùa cùng yêu cầu thẩm mỹ đối thơ ca của người dân Nhật Bản cổ đại. Ngoài ra, cũng bởi ở cuối thời kỳ Heian, vương triều Nhật Bản lâm vào cảnh suy vi, tầng lớp quý tộc thượng lưu vốn ngủ say trong vinh hoa nay buộc phải đối diện trước hiện thực khắc nghiệt cảm thấy hụt hẫng, họ cảm nhận sâu sắc quy luật vô thường của nhân sinh; tầng lớp quý tộc cấp thấp trong xã hội vốn đã bất mãn với thực trạng xã hội, nay tâm lý yếm thế càng có dịp nảy sinh, họ chìm đắm trong tư tưởng của Phật giáo, mơ về thế giới Tịnh thổ ở kiếp lai sinh. Điều này theo chúng tôi, chắc chắn cũng là một nguyên nhân quan trọng quy định đặc trưng tiếp nhận thơ Bạch Cư Dị ở giai đoạn Heian.

Ngoài một số nguyên nhân nêu trên, còn khá nhiều nguyên nhân khác được không ít học giả Nhật Bản và Trung Quốc nêu ra, nhưng phần nhiều trong những nguyên nhân ấy đã phản ánh toàn bộ hoặc bộ phận trong những nguyên nhân nêu trên, nay tạm không nêu ra cũng không tiến hành xem xét bình luận ở đây.

Nói tóm lại, hiện tượng Bạch Cư Dị trong văn học Nhật Bản, đặc biệt trong văn học nước này ở thời kỳ Heian là một vấn đề học thuật cực kỳ phức tạp, trước nay đã có không ít ý kiến nhắm tới giải quyết rốt ráo vấn đề nêu trên, nhưng thực tế, cho đến tận ngày nay, giới học thuật liên quan đến vấn đề này vẫn chưa đạt đến sự thống nhất ý kiến. Quan điểm trong bài viết này của chúng tôi phần nhiều hình thành trên cơ sở so sánh, chắt lọc ý kiến của các học giả đi trước, kết hợp quan điểm nhìn nhận của cá nhân, chỉ mong góp thêm công sức vào giải quyết vấn đề khoa học khá hóc búa nêu trên.

Chú thích:

[1] Nghiêm Thiệu Sương (1984), “Nhật Bản Thiên tải giai cú Bạch Cư Dị dật cú tập cảo”, in trong Văn sử, tập 23, tr.306.

[2] Murasaki Shikibu (2003), Nguyên thị vật ngữ, Tu ma, Phong Tử Khải dịch, Nhân dân đại học xuất bản xã, 2003, tr.241-242.

 [3] Murasaki Shikibu (2003), Nguyên thị vật ngữ, Tân thái, Phong Tử Khải dịch, Nhân dân đại học xuất bản xã, 2003, tr.557.

[4] Murasaki Shikibu (2003), Nguyên thị vật ngữ, Dương đồng, Phong Tử Khải dịch, Nhân dân đại học xuất bản xã, 2003, tr.186-187.

[5] Ōenokoretoki (2003), Thiên tải giai cú, Tống Giang hiệu đính, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, tr.03.

[6] Lưu Đức Nhuận (2004), Quan ư Hòa ca đích Hán dịch, in trong Trương Long Muội chủ biên, Thế giới ngữ cảnh trung đích Nguyên thị vật ngữ, Nhân dân xuất bản xã, tr.237.

 [7] Nghiêm Thiệu Sương (1984), “Nhật Bản Thiên tải giai cú Bạch Cư Dị dật cú tập cảo”, in trong Văn sử, tập 23, tr.306.

 [8] Xem Sugawara no Michizane, Thử luận tính phúng dụ trong thơ ca Trung Quốc, lấy Bạch thị văn tập và Sugawara gia văn thảo.

Thông tin truy cập

62830869
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11814
13618
62830869

Thành viên trực tuyến

Đang có 593 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website